NHƯ VẬY
Nguyễn Thế Đăng
Kinh Pháp Hoa nói: “Pháp hy hữu khó hiểu đệ nhất mà Phật thành tựu, chỉ Phật cùng Phật mới có thể thấu suốt thật tướng của các pháp. Đó là các pháp: tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, đầu cuối rốt ráo như vậy” (Phẩm Phương tiện).
Như vậy (như thị) là tánh Như, như thật (yathabhuta), Chân Như. Về tánh Như này, chúng ta trích ra một đoạn trong kinh Đại Bát-nhã, phẩm Đại Như:
“Trong Bát-nhã ba-la-mật sâu xa nói thế này: sắc tức là Bát-nhã ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật tức là sắc; cho đến Nhất thiết chủng trí tức là Bát-nhã ba-la-mật, Bátnhã ba-la-mật tức là Nhất thiết chủng trí. Sắc tướng Như, Bát-nhã ba-la-mật tướng Như là một Như, không hai không khác; cho đến Nhất thiết chủng trí tướng Như, Bát-nhã ba-la-mật tướng Như là một Như, không hai không khác”.
Không chỉ các pháp là tướng Như, mà Tu-bồ-đề và Đức Phật đều là tướng Như:
“Vì Như Lai tướng Như chẳng đến chẳng đi; Tu-bồ- đề tướng Như cũng chẳng đến chẳng đi. Thế nên Tu bồ-đề là tùy Phật sanh.
Lại Tu-bồ-đề từ xưa đến nay vẫn tùy Phật sanh. Tại sao thế? Vì Như Lai tướng Như tức là tất cả pháp tướng Như; tất cả pháp tướng Như tức là Như Lai tướng Như. Thế nên Tu-bồ-đề là tùy Phật sanh.
Lại Như Lai Như là tướng thường trụ; Tu-bồ đề Như cũng là tướng thường trụ. Như Lai Như tướng không dị không biệt; Tu-bồ-đề Như tướng cũng không dị không biệt. Thế nên Tu-bồ-đề là tùy Phật sanh.
Như Lai tướng Như không có chỗ ngại, tất cả pháp tướng Như cũng không có chỗ ngại; đây là Như Lai tướng Như cùng tất cả pháp tướng Như là một Như không hai không khác. Tướng Như này là vô tác, hoàn toàn không có gì chẳng Như, nên tướng Như này là Như duy nhất không hai không khác. Thế nên Tu-bồ- đề là tùy Phật sanh.
Như Lai tướng Như tất cả chỗ vô niệm vô biệt; Tubồ-đề tướng Như cũng tất cả chỗ vô niệm vô biệt. Như Lai tướng Như chẳng dị biệt, chẳng thể được; Tu-bồ-đề cũng vậy. Thế nên Tu-bồ-đề là tùy Phật sanh”.
“Mười như vậy” trong đoạn kinh Pháp Hoa ở trên đã được giải nghĩa rõ ràng bằng đoạn kinh Đại Bát-nhã, phẩm Đại Như này. Tóm lại, thấy “thật tướng của tất cả các pháp” tức là thấy tướng Như của tất cả các pháp
“Tướng, tánh, thể, lực, tác, nhân, duyên, quả, báo, đầu cuối” đều như vậy, đều Như. Thấy mười pháp ấy đều tướng Như, đó là điều kinh Pháp Hoa nói là tri kiến Phật. Mười pháp ấy là tất cả hình tướng, sinh thành, chuyển động, tương tác, thời gian (đầu cuối) nhân quả của vũ trụ. Vũ trụ ấy là vũ trụ Như, hay nói theo kinh điển, là Pháp giới Chân Như, Pháp giới Nhất chân.
Tướng Như, tánh Như không phải là sự hoại diệt, sự dừng lại của tất cả các pháp, để Niết-bàn là sự tịch lặng, bất động, “tắt mất” của tất cả các pháp. Tướng Như, tánh Như không phải là sự đồng nhất vô phân biệt, tĩnh chết; trái lại, đó là sự sanh khởi, đa dạng, sống động, khác biệt nhau mà vẫn là Như. Tu-bồ-đề vẫn là Tu-bồ-đề, Đức Phật vẫn là Đức Phật, nhưng cả hai đều Như. Không phải rằng Như thì không có Tu-bồ-đề khác với Đức Phật. Thế nên kinh không nói chỉ một cái “như vậy” mà đến mười cái “như vậy”.
Mười cái như vậy này gồm tất cả sự vật, con người, thánh phàm… Mọi sự vật, con người, thánh phàm, thế giới… đều ở trong tướng Như và là tướng Như. Mọi cử động, đi đứng nằm ngồi, hoạt động, nghĩ suy, sinh hoạt hàng ngày đều ở trong tướng Như và là tướng Như. Đó là cái thấy biết của Phật (tri kiến Phật). Nhận biết trực tiếp như vậy, an trụ trong đó tức là tu hành. Tu hành là Tam-muội tự thọ dụng trong Pháp giới Nhất chân này.
Mười cái tướng, tánh, thể, lực, tác… là tất cả không gian, thời gian, tất cả sanh tử. Thấy mười cái ấy là Như, là “như vậy”, đó là cái thấy “thật tướng của tất cả các pháp”, là cái thấy của các bậc giải thoát, giác ngộ. Cái thấy này đưa chúng ta đến một chỗ chung của Đại thừa: “sanh tử tức Niết-bàn”.
Mười cái như vậy nói lên các pháp vốn hoàn hảo, vốn toàn thiện: tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, đầu cuối rốt ráo như vậy. Cái như vậy này - cái Như này - không bác bỏ nhân quả, không ngăn cấm sự tạo tác, chuyển động, sự chín thành của quả báo; nghĩa là không ngăn cấm không gian và thời gian. Cá thể nào tạo nhân gì thì được quả tương ứng, không sai chạy; gây nhân tốt thì có quả tốt, gây nhân xấu thì có quả xấu. Có điều người có cái thấy biết chân chánh thì thấy tất cả đều ở trong cái Như Vậy và là cái Như Vậy. Giống như người thấy tánh vàng của tất cả mọi cái bằng vàng, tánh vàng đó không ngăn cấm có người làm ra tượng vàng cụt đầu, gãy tay, tạo ra một cuộc đời hư hỏng, khổ đau; nhưng với người thấy và sống tánh vàng thì thấy tất cả đều là vàng. Người nào tạo tác nhân xấu thì chịu quả xấu, tạo tác nhân tốt thì được quả tốt; nhưng với người có cái thấy biết chân thật thì xấu là như vậy và tốt cũng là như vậy. Thế nên người ấy thoát khỏi xấu tốt, khổ đau và vui sướng, không gian và thời gian… để sống trong Pháp giới Nhất chân ở nơi sanh tử mà siêu vuợt khỏi sanh tử.
Guru Padmasambhava nói về Đại Toàn thiện (Dzogchen) như sau:
“Trong quả cầu đơn nhất này của Pháp thân, không có cái gì không là toàn thiện và thanh tịnh; từ những mạn-đà- la của các bậc giác ngộ ở trên cho đến những thế giới địa ngục bên dưới, tất cả đều là toàn thiện và thanh tịnh. Thế nên không có khác biệt dù trong những trạng thái khổ đau hay trạng thái giác ngộ, giữa chư Phật và chúng sanh.
Hơn nữa, đây không phải là cái gì đã được tạo ra, mà là đã hiện diện tự phát từ sơ thủy, và bởi thế quả Pháp thân là tánh giác tự hiện hữu. Nó được thấy ngay bây giờ nhờ giáo huấn của thầy con, và vì nó không phải là cái gì có thể trau dồi hay hoàn thành, nó là một sự toàn thiện vốn thanh tịnh” . (Những kho tàng từ đỉnh cây tùng xù Erik Pema Kunsang và Marcia Binder Schmidt dịch, Nxb Thiện Tri Thức)
Ngài Milarepa nói:
Cả hai, chúng sanh của ba cõi sanh tử
Và chư Phật trong niết-bàn
Được bao hàm trong thân của thực tại (Pháp thân)
Những hiện tượng khách quan xuất hiện với sáu căn Và tâm vô sanh của bạn Cả hai cùng khởi một cách bất nhị.
Ngài Gampopa nói:
Giờ đây hãy biết tánh Không trong sáng này
Của những hình tướng xuất hiện và tánh giác
Chính là Pháp thân. (Sự nhận diện Đại Ấn)
Nhìn thấy mỗi một sự vật và tất cả sự vật là Pháp thân, là hoàn hảo toàn thiện, là tướng Như, là sự chứng đắc của Đại thừa.
Sư Đạo Hạnh đời Lý nghe Thiền sư Trí Huyền dạy đạo ở Thái Bình, đến tham hỏi về chân tâm bằng bài kệ:
Lầm loạn giữa trần chẳng hiểu vàng
Chẳng hay đâu chốn trụ chân tâm?
Cúi mong chỉ thẳng khai phương tiện
Thấy rõ như như hết khổ tìm.
Thiền sư Trí Huyền đáp:
Trong ngọc bí thanh diễn diệu âm
Trong đây đầy mắt lộ thiền tâm
Hà sa cảnh đó Bồ-đề cảnh
Nghĩ hướng Bồ-đề cách vạn tầm.
Huệ Trung Thượng sĩ đời Trần khi có người hỏi: Thế nào là Pháp thân?
Sư đáp:
Bờ ao xem hai trẻ
Dưới nguyệt vui ba người.
Nguyễn Thế Đăng
Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo năm 2017 | Thư Viện Hoa Sen
Bài đọc thêm:
Thập như thị (Tác Giả: Nikkyò Niwano | Trần Tuấn Mẫn dịch)
- Từ khóa :
- Như vậy