Sự hình thành và phát triển của tư tưởng Tam Thân

08/01/20184:03 SA(Xem: 13987)
Sự hình thành và phát triển của tư tưởng Tam Thân

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA TƯ TƯỞNG TAM THÂN

Đức Quang

duc-phat
Minh họa: Hình Đức Phật vẽ trên tranh sơn mầu

Học thuyết Tam Thân (trikāya) là tư tưởng căn bản của Phật giáo Đại thừa về thân Phật và như là thực tại tối hậu. Hay nói khác đi, đây là câu trả lời vấn đề siêu hình học, thân Phật của Phật giáo Đại thừa, điều mà đã được Đức Phật từ chối trả lời khi được du sĩ ngoại đạo Vacchagotta hỏi.[1] Từ đó đặt ra vấn đề có một lịch sử hình thành và phát triển tư tưởng trikāya, hay có nguyên nhân và diễn trình để tư tưởng trikāya ra đời. Vậy nên, ở bài viết này tập trung tìm hiểu tư tưởng trikāya, sự hình thành và phát triển của nó. Trong bài này chỉ dừng ở xem xét sự vận động nội tại của Phật giáo ở diễn trình hình thành và phát triển tư tưởng trikāya, do đó sẽ không đi tìm hiểu các nguyên nhân ngoại tại ảnh hưởng đến tiến trình hình thành học thuyết trikāya.

Từ khóa: Tư tưởng Tam Thân, Trikāya, Pháp thân, Báo thân, Hóa thân, Sắc thân.

Định nghĩa tư tưởng trikāya

Trường phái Du-già đã sáng tạo ra phần cuối cùng của giáo lý về Tam thân Phật. Từ đó, Đức Phật được cho là hiện hữu trên ba mức độ khác nhau.[2] Theo định nghĩa trikāya theo Mahāyānasamgraha (攝大乘論本/Nhiếp đại thừa luận) của Asaṅga (Vô Trước) theo bản Hán dịch của Huyền Trang[3] và lời Việt dịch của Trí Quang.[4]

“Do 3 loại thân Phật mà biết sự thù thắng của trí đức: một là do tự tánh thân, hai là do thọ dụng thân, ba là do biến hóa thân. Tựu trung, tự tánh thân là pháp thân của chư vị Như lai, do các pháp tự tại chuyển chỗ y cứ; thọ dụng thândựa vào pháp thân, ở tại chúng hội của chư Phật nơi tịnh độ, thọ dụng pháp lạc đại thừa; biến hóa thân là cũng dựa vào pháp thân, từ Đâu suất thiên cung thị hiện ẩn mất, thọ sinh, thọ dục, vượt thành xuất gia, đến chỗ ngoại đạo, tu các khổ hạnh, chứng đại bồ đề, chuyển đại pháp luân, nhập đại niết bàn.”

Pháp thân là dharmakāya (法身), là tự tánh thân (svābhāvikakāya).[5] Pháp thântuyệt đối, là chân lý, là bản nguyên, là thực tại tối hậu hoặc chính bản thân Thực tại.

Báo thân là sāṃbhogikakāya, là thân phúc đức (受用身/thọ dụng thân), sự hóa hiện của Phật cho các vị Bồ Tát và hàng thánh giả được nhìn thấy, và thuyết pháp ở các cõi trời, tạo ra sự vui thú và ưa thích đối với Pháp.

Hóa thân là nairmāṇikakāya (應身/ứng thân), là thân mà chúng sanh có thể nhìn thấy thị hiện vào những thời điểm nhất định trong thế gian (không gianthời gian cụ thể); là sắc thân (Rūpa-kāya) hay thân thể con người hay thân do cha mẹ sinh, là thân hư ảo do Phật hóa hiện ra để thực hiện công việc hóa độ trên thế gian.

Tóm lại, tư tưởng trikāya là quan điểm của Mahāyāna quan niệm về Đức Phật, thực tại tối hậu và đã được Asaṅga định nghĩa đầy đủ trong tác Mahāyānasamgraha. 

Quá trình hình thành và phát triển của trikāya

Theo học giả Quảng Hưng[6] mở đầu tác phẩm với sự khẳng định rằng: “tư tưởng trikāya là một sự phát triển lý thuyết quan trọng và cơ bản nhất của Mahayana.”[7] Ông làm rõ hai điều cơ bản của sự hình thành và phát triển thuyết trikāya được trình bày trong phần kết luận như sau:[8]

Một là học thuyết trikāya như kết quả của quá trình phát triển khái niệm thân Phật, từ một vị đạo sư trong Phật giáo nguyên thủy đến một triết lý và khái niệm đầy trừu tượng trong Mahayana (Đại thừa). Thậm chí ngay trong thời kỳ Bộ phái, các trường phái cũng cố gắng giải thích đức Phật đã như thế nào. Tất cả các bộ phái đều giải thích dựa trên lịch sử đời sống của đức Phật Śākyamuni. Các nhà Đại thừa đầu tiên đã định nghĩa đức Phật bằng cách thức bản thể hóa; nghĩa là dharmakāya như một thực tại tối hậu làm căn bản cho sự hiện hữu của tất cả hiện tượng.

Hai là ông đã trình bày tiến trình phát triển của khái niệm Phật thân thành năm giai đoạn như sau:

(1) Đức Phật là một người thầy và một người hướng đạo, mặc dù có các chi tiết siêu tự nhiên, tính chất phi thường như sáu thần thông, ba hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp đã được diễn tả trong văn học Pāḷi Nikāya và Āgama.

(2) Thời kỳ Bộ phái, vấn đề quan hệ giữ phương diện con người (Rùpakàya) và sự siêu phàm (dharmakāya) của đức Phật đã dẫn đến hai quan niệm chính:

- Sarvāstivādin (Thượng tạo bộ) cho rằng, cả sắc thânpháp thân có quan hệ với phương diện con người của đức Phật.

- Mahāsaṇghika (Đại chúng bộ), đức Phật là một sự hoàn toàn tiên nghiệm và toàn năng, sự xuất hiện của đức Phật lịch sử đã là một sự thị hiện để cứu độ cho tất cả hữu tình.

(3) thời kỳ tiền Đại thừa, khái niệm Tathatā (Như Lai) là một bản thể tối hậu của tất cả thế giới hiện tượng, và có sự thống nhất giữ Tathatā với dharmakāya của đức Phật.

(4) Sự thống nhất của dharmakāya với khái niệm mới tathāgatagarbha (Như Lai tạng) và mahāparinirvāṇa (Đại niết bàn); Quảng Hưng đã dẫn chứng Tathāgatagarbha-sūtra (Kinh Như Lai Tạng), the Mahāparinirvāṇa-sūtra (Kinh Đại Bát Niết Bàn), and 佛性論 (Phật Tánh Luận).

(5) Sự phát triển của học thuyết trikāya, bằng việc tìm hiểu Mahāyānasūtrâlaṃkāra (Đại thừa trang nghiêm kinh luận/大乘莊嚴經論) và những đóng góp của “Asaṇga và Vasubandhu”.

hệ thống kinh điển Nguyên thủy đều ghi nhận hai quan niệm về thân Phật: sắc thân diệt độpháp thân thường trụ.[9] Sắc thân là của Phật có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, điều mà một chuyển luân thánh vương cũng có.[10] Pháp thân có năm phần gồm: “Thân mình giới thành tựu, tam-muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát kiến tuệ thành tựu, lại có thể dạy người thành tựu năm phần Pháp thân này.”[11] Điều này được Độc-Tử diễn giải như là sự chấm dứt các phiền não trói buộc, diệt hết bốn điên đảo nên chỉ còn pháp thân kiên cố chân thật.[12] Ngoài ra còn tìm thấy nhiều bài kinh khác cũng ghi nhận: “Nhục thân tụy diệt độ nhưng pháp thân tồn tại.”[13] Đó là lý do, sắc thân không được chấp nhận như là Như Lai,[14] vì sắc thân là pháp vô thường, pháp hủy hoại, là pháp tan rã.[15] Đặc biệtvấn đề về sự đồng nhất Như Lai với Pháp thân cũng đã được ghi nhận. Điều mà Guang Xing cho rằng mãi đến giai đoạn thứ bốn mới xuất hiện việc thống nhất quan điểm của dharmakāya với khái niệm mới tathāgatagarbha. “Vì là những chữ đồng nghĩa với Như LaiPháp thân, là Phạm thân, là Pháp thể, là Phạm thể.”[16]

Giai đoạn hai, khái niệm về đức Phật đã có những phát triển quan trọng trong giai đoạn đầu của Bộ phái Phật giáo, đặc biệt là Sarvāstivādin và Mahāsaṇghika. Một, các nhà Sarvāstivādin đã tóm tắt và tổng hợp những tính chấtđặc tính của Phật điều được mô tả trong kinh điển Nguyên thủy, lý thuyết về hai thân: rūpakāya và dharmakāya. Đồng ý kiền này, Michael Radich[17] cũng cho rằng học phái Sarvāstivāda giảng dạy thuyết nhị thân (Rùpakàya -dharmakāya).[18] Rūpakāya là thân cha mẹ sinh, không thanh tịnh, có ba hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Dharmakāya chứa đựng mười tám pháp bất cộng, mười lực, bốn vô úy, và tam minh.[19] Mười lựcba mươi hai tướng tốtghi nhận trong Nikāyas và āgamas. Các đặc tính khác của Phật như tám mươi vẻ đẹp và hào quan bao quanh, đã được thêm vào sau khi cẩn thận tổng hợp.[20] Hai, các nhà Mahāsaṇghika cơ bản dựa trên niềm tin hơn là lý tính, chấp nhận tất cả điều gì được dạy bởi đức Phật, nói đúng hơn là bất cứ điều gì được dạy trong nikāyas và āgamas. Hệ quả tất nhiên là Mahāsaṇghika (Đại chúng bộ) đã phát triển quan niệm siêu nhiên về đức Phật như sau: là người toàn năngtoàn tri, và đã tự do hóa thân xuyên qua hình thức loài hữu tình như một phương tiện quyền xảo. Śākyamuni (Đức Phật Thích Ca) đã là một trong những dạng hóa thân. Chân Phật (The true Buddha) có thể hiện thân giáo hóa trong mười phương. Đây là sự đánh dấu việc phân chia quan niệm về đức Phật thành hai phương diện chân Phậthóa Phật (nairmāṇikakāya). Từ đó, Đại chúng bộ là người đầu tiên xem xét quan niệm nairmāṇikakāya.[21] Theo quan điểm của các nhà Đại thừa, chân Phật đã phát triển và phân chia ra khái niệm dharmakāya và khái niệm sāṃbhogikakāya; sau cùng là quan điểm hóa thân đã phát triển nên khái niệm nairmāṇikakāya. Do đó, Đại chúng bộ là những người tiên phong tạo ra khái niệm nairmāṇikakāya, và những hóa thân có thể có nhiều dạng thức. Xa hơn nữa, trường phái này đã giới thiệu quan niệm có nhiều đức Phật tồn tài trong những thế giới khác.[22]

Giai đoạn ba, các bản Đại thừa kinh đề cấp đến tinh thần tam thân Phật như là một khuynh hướng mới của Phật giáo phát triển, chuyển tiếp từ tư tưởng ‘Không’ của Bát Nhã, đến tư tưởng ‘Tâm’ của Hoa Nghiêm, sang tư tưởng ‘thân Phật’ của tư tưởng Tịnh độ.[23]

Sơ kỳ Đại thừa, ở phẩm Đàm Vô Kiệt trong kinh Prajnàpàramità[24] và Nàgàrjuna chú giải trong tập Mahàprajnàpàramitàsàstra (Luận Đại Trí Độ) chỉ trình bày hai thân, là sắc thânpháp thân.[25] Nàgàrjuna không nói đến thân thứ ba, nên thực sự không thể tìm vết tích quan điểm Sambhogakàya. Điều mà được học giả Nalinaksha Dutt giải thích, “Tập Prajnàpàramità nguyên thủy xem thân có hào quang này là một hóa thân và như vậy được gồm trong Rùpakàya và nghĩ không cần giới thiệu một thân thứ ba là Sàmbhogikakàya. Tiến sĩ Akanuma cũng không tin thuyết Tây Tạng cho rằng chính Ngài Nàgàrjuna đã viết bài "Tôn kính tam thân (Trikàya)". Nếu chúng ta tìm hiểu các bài kệ của Nàgàrjuna nói về Tathàgatakàya (Như lai thân), chúng ta thấy rõ rằng Nàgàrjuna chỉ muốn giải thích chân thân (tức là Pháp thân hay Tự tánh thân), nằm ở phương diện chân đế. Đối với Ngài, sự phân biệt giữa Sambhogakàya và Rùpakàya không quan trọng vì cả hai đều không thật, nằm ở phương diện tục đế.” [26]

Đồng quan điểm trên, Kimura Taiken cũng xác nhận rằng, giáo lý trikāya phải đến sau thời Long Thọ mới được thành lập một cách đầy đủ.[27] Bởi vì cho đến thời Nàgàrjuna, quan điểm Sambhgakàya (Thọ dụng thân) không được phân biệt khác với Rùpa (sắc) hay Nirmànakàya (Hóa thân).[28] Bởi vì, Nàgàrjuna xác lập tư tưởng của mình trên hai phương diện chân đế (dharmakāya) và tục đế (Sambhogakàya và Rùpakàya).

Ở giai đoạn bốn, như Quảng Hưng đã trình bày cũng được các học giả của Nhật cũng thừa nhận, có một sự thống nhất tư tưởng tathāgatagarbha là dharmakāya trong ‘kinh Thắng Man’ và ‘kinh Bất Tăng Bất Giảm’; ngay cả xem tư tưởng tathāgatagarbha là nguồn gốc của tư tưởng Nhất thừa trong kinh Pháp Hoa; Mahāparinirvāṇa-sūtra (kinh Đại bát Niết bàn) cho rằng, tathāgatagarbha và bản chất của khái niệm Phật là một, gọi là Phật tánh- kinh này tập trung thuyết minh tư tưởng Nhất thừatruyền bá tư tưởng Như Lai Pháp Thânthường trụ bất biến, mọi chúng sanh đều thành Phật, thậm chí hạng nhất xiển đề (icchantika) cũng có khả năng thành Phật. Mãi đến thế kỷ thứ năm, Ratnagotravibhāga (Bảo tánh luận của Sāramati/Kiên Tuệ) trình bày đầy đủ, rõ ràng và có hệ thống tư tưởng tathāgatagarbha.[29] Tuy nhiên cần xem xét lại vấn đề về niên đại của tiến trình, bởi Kiên Tuệ vốn dĩ là hậu bối của Asaṅga (Vô Trước) và Vasubandhu (Thế Thân), nên quan niệm thống nhất tathāgatagarbha là dharmakāya có ngọn nguồn ở kinh văn, nhưng đợi khi Kiên Tuệ phát triển, đúc kết và hệ thống nhằm tái khẳng định tư tưởng tathāgatagarbha của các kinh văn Mahayana nhưng chắc sẽ là giai đoạn sau không luận của Trung quán tôngvô thường luận của Du già tông, như chân vạc thứ ba của Mahayana là chân thường luận theo quan niệm của Ấn Thuận. [30]

Cuối cùng, Guang Xing cho rằng Asaṅga và Vasubhandu đã thành lập tư tưởng trikāya có gốc rễ từ kinh điển Đại thừa.[31] Cũng đồng quan niệm trên các học giả của Nhật Bản, trong tác phẩm ‘Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn Độ’ cho rằng: Asaṅga là vị đầu tiên trình bày tư tưởng trikāya một cách đầy đủ trong tác phẩm ‘Nhiếp đại thừa luận’.[32] Điều này được thể hiện trong bản dịch của Huyền Trang, ở chương thứ 11 của Mahāyānasamgraha sẽ nhận thấy Asaṅga định nghĩa trikāya một cách đầy đủ.[33] Asaṅga và Vasubhandu đã tóm tắt, tổng hợp và giải thích đầy đủ quan niệm sāṃbhogikakāya điều được tìm thấy trong kinh Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, v.v.. từ đó, học thuyết trikāya ra đời.

Có lẽ Edward Conze có sự nhầm lẫn khi cho rằng, tổ sư thuộc phái Du-già còn thêm vào một thân thứ tư. Đó là Tự tánh thân, là căn bản của cả ba thân kia.[34] Ở mục từ vựng Phật học của tạp chí Tư Tưởng cho rằng, tự tánh thân chỉ cho pháp thân.[35] Thực ra, tư tưởng tự tánh thân là của Asaṅga, nó được đồng nhất với pháp thân Như lai, điều này đã được trình bày ở định nghĩa trikāya trong‘Mahāyānasamgraha’.[36]

Tóm lại, sự hình thành và phát triển tư tưởng trikāya có những điểm gợi ý trong kinh điển nikāyas và āgamas, sau đó được Sarvāstivāda và Mahāsaṇghika hệ thống hóa, Tathatā là thực thể tối hậu, sự thống nhất của dharmakāya và tathāgatagarbha, và cuối cùng là sự ra đời của học thuyết trikāya.

Lời kết

Trikāya là tư tưởng mới của trường phái Mahayana về đức Phật, thể hiện được sự kế thừa-phát triển tư tưởng Nhị thân (Rùpakàya-dharmakāya) của thời kỳ Nguyên thủy và Trường phái Phật giáo trong quan niệm về Đức Phật. Mahāsaṇghika có một công lớn trong việc mở ra sự phân chia chân Phậthóa Phật (Nirmànakàya). Nàgàrjuna chấp nhận hai thân, không bàn đến thân thứ ba, bởi với ông không có sự khác biệt giữa nirmànakàya và Sāṃbhogikakāya. Đến việc có một sự thống nhất tư tưởng tathāgatagarbha là dharmakāya có mần mống trong kinh Thắng Man, Bất Tăng Bất Giảm, Pháp Hoa, Đại bát Niết bàn; nhưng tư tưởng này thành hình hoàn chỉnh phải đợi đến khi Kiên Tuệ đúc kết gọi là chân thường luận, nghĩa là quan niệm này hoàn chỉnh phải sau thời của hai anh em Asaṅga và Vasubhandu. Asaṅga và Vasubhandu đã có công trong việc đúc kết kinh văn để hình thành khái niệm Sāṃbhogikakāya, báo thânquan điểm mới, sự biểu hiện tinh thần Bồ tát đạo như dòng chảy chính yếu của các nhà Phật học Đại thừa.

Quan niệm về thân Phật là một dòng chảy, nó liên tục phát triển từ Nguyên thủy đến Bộ phái rồi đỉnh điểm là tư tưởng trikāya (tam thân). Đặc biệt là việc tìm hiểu và phát triển quan niệm trikāya không dừng lại, mà tiếp tục mở rộng như thời hiện đại, thầy Minh Châu đã có một cách diễn giải khác mang tính so sánh của tư tưởng trikāya với ý niệm hòa bình, ‘tư tưởng tam thân tương đồng với ba phương diện của hòa bình’.[37] Ở đây nhằm chỉ ra rằng, tư tưởng trikāya nói riêng và giáo nghĩa Phật học nói chung luôn được bổ sung và mở rộng, nhằm mục đích giải thích rõ rànghợp lý, trên tinh thần khế thời-khế xứ-khế cơ, chỉ vì một mục đíchhạnh phúc cho chư thiênloài người như Phật Đà đã dạy cho chúng Tỳ-kheo.[38]

Kỷ niệm chuyến hành hương về Tứ động tâm từ ngày 20-31.12.2017.

Đức Quang

Tài liệu tham khảo

1. Đại Tập, (2000), Thích Tịnh Hạnh chủ biên, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc. Đài Loan, T.11-12.

2. Edward Conze, (2005) Lược Sử Phật Giáo, Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

3. Guang Xing, (2005), The Concept of the Buddha: Its Evolution from Early Buddhism to the Trikāya Theory, RoutledgeCurzon, London & New York.

4. Hạnh Viên, (2011), Tư Tưởng Phật Giáo Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, Hồ Chí Minh.

5. Kimura Taiken, (2012), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội. 

6. Kinh Bát Nhã Ba La Mật trong Trí Tịnh Toàn Tập, (2012) Nxb.Thời Đại.

7. Kinh Tăng Nhất A-Hàm, Thích Thanh Từ dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, t.1-2-3.

8. Kinh Trung A-hàm, Tuệ Sĩ dịch, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, t.2.

9. Kinh Trường A-hàm, (2007) Tuệ Sĩ dịch, Nxb.tôn giáo, Hà Nội, t.1.

10. Kinh Trường Bộ (2013), Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội.

11. Kinh Tương Ưng, (2013), Thích Minh Châu dịch, Nxb.tôn giáo, Hà Nội, t.2.

12. Long ThọLuận Đại Trí Độ, 1998, Thích Nữ Diệu Không dịch, t.5.

13. Makransky, John J., (1997) Buddhahood Embodied: Sources of Controversy in India and Tibet, Albany: State University of New York Press.

14. Nalinaksha Dutt, Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, (1999), Hồ Chí Minh.

15. Radich, Michael (2010). “Embodiments of the Buddha in SarvāstivādaDoctrine: With Special Reference to the Mahavibhāṣā” Annual Report of the International Research Institute for Advanced Buddhology 13.

16. Sa Sa Ki Kyò Go, Taka Sako Jiki Dou, I No Kuchi Tai Jun, Tsuka Moto Kei Dho, (2003) Khái Luận Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, Thích Hạnh Bình, Phương Anh dịch, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.

17. Thích Minh Châu chủ biên, (1969)Tư Tưởng Số 2, Viện đại học Vạn Hạnh

18. Thích Minh Châu chủ biên, (1972)Tư Tưởng số 2, Viện đại học Vạn Hạnh.

19. Vô TrướcNhiếp đại thừa luận, Huyền Trang dịch, t.31, số 1594.

Website:

1. http://tripitaka.cbeta.org/

2. http://shengyimaster.org/

3. http://thuvienhoasen.org/


[1] “Kinh Aggivacchagotta” xem  Kinh Trung Bộ, (2012) Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.591; và du sĩ ngoại đạo Vacchagotta cũng hỏi Mahà Moggalàna cùng vấn đề như hỏi Phật, câu trả lời cũng là sự im lặng “Chương mười: Tương Ưng Không Thuyết” xem Kinh Tương Ưng (2013), Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, tr.427-428. 

[2] Edward Conze, Lược Sử Phật Giáo, Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2005, tr.122.

[3] Vô TrướcNhiếp đại thừa luận, Huyền Trang dịch, t.31, số 1594. 003. 0149a18. “謂由三種佛身,應知彼果智殊勝:一、由自性身,二、由受用身,三、由變化身。此中自性身者,謂諸如來法身,一切法自在轉所依止故。受用身者,謂依法身,種種諸佛眾會所顯清淨佛土,大乘法樂為所受故。變化身者,亦依法身,從覩史多天宮現沒、受生、受欲、踰城出家、往外道所修諸苦行、證大菩提、轉大法輪、入大涅槃故." (http://tripitaka.cbeta.org/T31n1594_003)

[4] Xem https://thuvienhoasen.org/p19a3089/phan-4

[5] Makransky, John J., Buddhahood Embodied: Sources of Controversy in India and Tibet, Albany: State University of New York Press, 1997, p.382

[6] 廣興(Guang Xing) là nhà nghiên cứu, phó giáo sư tại trung tâm nghiên cứu Phật giáo, đại học Hong Kong. Ông hoàn thành luận án tiến sĩ tại trường nghiên cứu phương Đông và châu Phi của đại học London, năm 2003.

[7] Guang Xing, (2005), The Concept of the Buddha: Its Evolution from Early Buddhism to the Trikāya Theory, RoutledgeCurzon, London & New York, p.1.

[8] Guang Xing, (2005), The Concept of the Buddha: Its Evolution from Early Buddhism to the Trikāya Theory, RoutledgeCurzon, London & New York, p.179-181.

[9] ‘Đức Phật ra đời thọ quá ngắn,Nhục thể tuy chất, pháp thân còn’ và ‘Pháp thân Như Lai chẳng hư hoại, Còn mãi ở đời, không dứt mất.’ Tham khảo ‘phẩm tựa’ trong Kinh Tăng Nhất A-Hàm, Thích Thanh Từ dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, t.1, tr.14 và 16.

[10] “Trước đây ông từng nghe, Đại nhân ba hai tướng, Tất cả trên thân Ta, Tròn đầy, chánh tối thượng.” Xem ‘kinh Phạm-ma’ trong Trung A-hàm, Tuệ Sĩ dịch, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, t.2, tr.113. “Từ xa họ trông thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây ba-lăng, dung mạo đoan chính, các căn vắng lặng, hoàn toàn tự chế ngự, như con rồng lớn, như nước lắng trong không chút bợn nhơ, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm tột bực.” Xem ‘kinh Du hành’ trong Trường A-hàm, Tuệ Sĩ dịch, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, t.1, tr.69.

[11] Tham khảo ‘phẩm lục trọng’ trong Kinh Tăng Nhất A-Hàm, Thích Thanh Từ dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, t.2, tr.443 và 449.

[12] “Ngài Cù-đàm hiện nay cũng vậy, Ngài đã đoạn trừ tất cả phiền não trói buộc, đã diệt hết cả bốn tà kiến điên đảo, chỉ còn có pháp thân kiên cố chân thật.” xem ‘quyển X ở Biệt dịch Tạp A-Hàm’, trong Đại Tập VII, Thích Tịnh Hạnh chủ biên, Hội VHGD Linh Sơn Đài Bắc,  Đài Loan, tr.564.

[13] Tham khảo ‘phẩm Thập bất thiện’ trong Kinh Tăng Nhất A-Hàm, Thích Thanh Từ dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, t.3, tr.352.

[14] “Nếu có người muốn định nghĩa Như Lai ngang qua sắc thân (rūpa), nhưng sắc thân ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của sắc thân.” Xem ‘chương mười: Tương ưng không thuyết’ trong Kinh Tương Ưng, (2013), Thích Minh Châu dịch, Nxb.tôn giáo, Hà Nội, t.2, tr.411.

[15] “Ung nhọt chính là thân này, là sắc thân bốn đại thô phù do cha mẹ sanh ra, được lớn lên nhờ ăn uống, cọ xát với y phục, chăm sóc bằng tắm rửa, là pháp vô thường, là pháp hủy hoại, là pháp tan rã. Như vậy gọi là ung nhọt.”

[16] “Những từ sau đây đồng nghĩa với từ Như Lai (tathāgata): dhammakāya (Pháp thân), brahmakāya (Phạm thân), dhammabhūta (Pháp thể), brahmabhūta (Phạm thể).” Tham khảo “Kinh khởi thế nhân bổn” trong Kinh Trường bộ, (2013), Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.548. Và “Vì các danh xưng Đại Phạm tức là đức hiệu Như Lai. Như Lai là con mắt của thế gian, là trí tuệ của thế gian, làpháp của thế gian, là Phạm của thế gian, là Pháp luân của thế gian, là Cam lồ của thế gian, là Pháp chủ của thế gian vậy.” trong ‘kinh tiểu duyên’ thuộc Kinh Trường A-hàm, Tuệ Sĩ dịch, t.1, tr.186.

[17] Michael Radich là giáo sư tại khoa nghiên cứu tôn giáo thuộc Victoria ở Wellington, New Zealand. Ông hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Harvard.

[18] Radich, Michael (2010). “Embodiments of the Buddha in Sarvāstivāda Doctrine: With Special Reference to the Mahavibhāṣā” Annual Report of the International Research Institute for Advanced Buddhology 13, p.152.

[19] “Quan niệm độc đáo về ba thân đã được gợi ý sẵn nơi kinh tạng. Đó là (1) Sắc thân có thể hư hoại, (2) Ứng hay Hóa thân cho phép đức Phật thị hiện khắp các cõi trời v.v... , và (3) Pháp thân cũng chính là giáo pháp của ngài. Abhidharma của Hữu bộ đã hệ thống hóa các gợi ý này, phân biệt ba thân như sau: (1) thân thể vật chất tức sắc thân (.........) là kết quả của nghiệp quá khứ. Nó có thể hư hoại dù trên nhiều phương diệnưu việt hơn thân thể phàm phu (cf. phần 4 nói trên). (2) Đức Phật có thể bằng thần lực của ngài tạo ra các hóa thân (.....) để ngài thị hiện ở bất cứ nơi nào. (3) Cuối cùngPháp thân, bao gồm ‘ngũ phần pháp’ để khiên dẫn một Bồ-tát trở thành một vị Phật.” Xem Hạnh Viên, (2011), Tư Tưởng Phật Giáo Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, Hồ Chí Minh, tr.281.

[20] Guang Xing, (2005), sđd, tr.19.

[21] Guang Xing, (2005), sđd, tr.68.

[22] Guang Xing, (2005), sđd, tr.53.

[23] Khuynh hướng tư tưởng của các thánh điển mới này được dựa vào tư tưởng ‘không’ đã được xác lập trong “Kinh Bát Nhã”, đồng thời lấy tư tưởng ‘không’ làm nền tảng cho việc lý giải những vấn đề khác, chủ yếu khảo sát bản chất của tâm, có thể nói đây là sự kế thừa và phát triển tư tưởng ‘duy tâm’ trong “Kinh Hoa Nghiêm”, đồng thời cũng phát triển tư tưởng pháp thân, tư tưởng này kết hợp với quan điểm về đức Phật (Phật đà quan) của giáo nghĩa Tịnh độ, từ đó hình thành thuyết Trikāya: Pháp thân, Báo thânỨng thân. Đây là những vấn đề cần chú ý.” Xem Khái Luận Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, tr.122.

[24] “Chư Phật, chẳng thể lấy sắc thân thấy được. Chư Phật, pháp thân không đến, không đi, cũng không chỗ đến, chỗ đi.” Xem “Phẩm Đàm Vô Kiệt - Kinh Bát Nhã Ba La Mật” trong Trí Tịnh Toàn Tập, Nxb.Thời Đại, 2012, t.7, tr.407.

[25] “Lại nữa, cũng nên biết Phật có hai thân: sắc thânpháp thân. Pháp thânchân thật; Còn sanh thâny theo thế đế mà có. Pháp thân Phậtthật tướng pháp. Các pháp ở nơi thật tướng là chẳng có đến, chẳng có đi; Pháp thân Phật cũng chẳng có đến, chẳng có đi. Bởi vậy nên nói: “các đức Phật chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu”. Xem “Quyển 99: Phẩm Thứ Tám Mươi Chín - Đàm Vô Kiệt” trong Long ThọLuận Đại Trí Độ, 1998, Thích Nữ Diệu Không dịch, t.5, tr.662.

[26] Xem “Sambhogakàya (Thọ dụng thân)” trong Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, (1999), Hồ Chí Minh, tr.181.

[27] “Ba thân là: tự tính thân, thụ dụng thân, biến hóa thân. Tự tính thân là tên khác của Pháp-Thân, nghĩa là pháp giới chân như bình đẳng: thụ dụng thân, còn được gọi là Báo-Thân, cái sắc thân viên mãn, nghĩa là cái thân xây dựng thế giới Tịnh độ; biến hóa thân hay là Ứng thân, nghĩa là tùy căn cơ của chúng sinhứng hiện ra nhiều thân để cứu độ. Thuyết Trikāya sau thời Long Thụ đến đây đã hoàn toàn được thành lập.” xem “chương 5, Phật giáothời đại Vô Trước và Thế Thân” trong Kimura Taiken, Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, (2012), Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, tr.153.

[28] Nalinaksha Dutt, Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, (1999), Hồ Chí Minh, tr.181.

[29] Xem Sa Sa Ki Kyò Go, Taka Sako Jiki Dou, I No Kuchi Tai Jun, Tsuka Moto Kei Dho, Khái Luận Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, Thích Hạnh Bình, Phương Anh dịch, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2013, tr.124.

[30]這三系,適應思想發展的程序,從三藏教──小乘的無常中心論, 達到共大乘教──大乘的性空中心論,再進到不共大乘教──一乘的真常中心論 。每一期中,都有這三系思想,不過某一思想是時代的主流。拿後期佛教說,有 瑜伽派的無常論,中觀派的性空論,堅慧派的真常論. (http://shengyimaster.org/yinshun/04/yinshun04-05.html)

Ba hệ thống này thích ứng với trình tự phát triển của tư tưởng. Từ Tam Tạng giáo tức vô thường luận của Tiểu thừa tiến đến Cộng Đại thừa giáo, tức Tánh không luận của Đại thừa. Đại thừa tiến thêm một bước nữa đến Bất cộng Đại Thừa giáo, tức Chơn thường luận của Nhất thừa. Trong mỗi thời kỳ đó đều có 3 hệ thống tư tưởng này, nhưng mỗi tư tưởng là một trào lưu chính của thời đại. Hậu kỳ Phật giáovô thường luận của phái Du-già, tánh không luận của phái Trung Quán, Chân thường luận của phái Kiên Huệ. (http://thuvienhoasen.org/a1…/tim-hieu-nguon-goc-duy-thuc-hoc).

[31] Guang Xing, (2005), sđd, tr.181.

[32]  Vô Trước khi viết tác phẩm “Nhiếp Đại Thừa Luận” đứng trên lập trường Duy thức, xác lập thuộc hệ thống Đại Thừa. Ngài đã căn cứ tác phẩm “Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tập Luận” (Abhidharmasamuccaya) tiến hành phân loại chỉnh lý những nơi có liên quan đến duy thức trong “Du Già Sư Địa Luận”.

     “Nhiếp Đại Thừa Luận” là tác phẩm được viết dựa trên 2 tác phẩm “Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Kinh” và “Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận”, toàn bộ phân thành 10 chương hay 10 tướng, trong đó 3 chương đầu nói về A-lại-da thức, tam tánhduy thức quan. Năm chương kế tiếp đề cập 6 ba-la-mật, thập địa, và ba môn học của Đại Thừa. Hai chương cuối nói về sự chuyển y, vô trụ xứ niết bàn, và cả vấn đề Trikāya: Tự tánh thân, thọ dụng thânbiến hóa thântác dụng của Phật trí. Chuyển y là sự chuyển thức thành trí, là thuật ngữ trong duy thức học, biểu thị sự giải thoát. Ngoài ra, những tác phẩm như “Thuận Trung Luận” (phần giải thích phẩm Duyên Khởi của “Trung Luận”), “Hiển Dương Thánh Giáo Luận”, “Lục Môn Giáo Thọ Tập Định Luận” cũng đều do Thế Thân biên soạn. Xem Sa Sa Ki Kyò Go, Taka Sako Jiki Dou, I No Kuchi Tai Jun, Tsuka Moto Kei Dho, Khái Luận Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, Thích Hạnh Bình, Phương Anh dịch, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2013, tr.128.

[33] Vô TrướcNhiếp đại thừa luận, Huyền Trang dịch, t.31, số 1594.0149a18.

[34] Edward Conze, Lược Sử Phật Giáo, Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2005, tr.122.

[35] , “Tự tánh thân, thuật ngữ của Duy thức tông (Vijnanavada) chỉ cho pháp thân và được coi là sở biến của Đại viên kính trí (adrsajnana) hoặc thành tựu do Pháp Giới (dharmadhatu).” Xem Tư Tưởng số 2, Viện đại học Vạn Hạnh, 1972, tr.104.

[36] Vô TrướcNhiếp đại thừa luận, Huyền Trang dịch, t.31, số 1594.0149a18. ‘此中自性身者,謂諸如來法身,一切法自在轉所依止故.’

[37] 'Hiện thân của hòa bình' được thể hiện qua 'Hóa thân' (Nirmànakàya) của Đức Phật, 'hòa bình' là 'Pháp thân' (Dharmakàya), 'Sự an hưởng hòa bình' là 'Báo thân' (Sambhogakàya) ; thuyết 'Tam thân' (Trikaya) cũng được gọi là 'Tam bửa thân', 'pháp', 'báo' và 'hóa' là ý nghĩa tam hướng của Phật tánh : 'Pháp thân' hướng về 'tự tánh', 'Bảo thân' hướng về 'thọ dụng' và 'Hóa thân' hướng về 'biến hóa'. Trikāya đều có ý nghĩa nhất trí, 'hóa thân của hòa bình' cũng có nghĩa là 'Pháp thân' và 'báo thân' của hòa bình. Xem “Khả Tính Của Phật Giáo Đối Với Vấn Đề Hòa Bình” trong Thích Minh ChâuTư Tưởng Số 2 (Năm 1969), tr.5.

[38] “Này các Tỷ-kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các Ngươi, các Ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người.” Xem ‘Kinh Đại Bát-Niết-Bàn’ trong Kinh Trường Bộ (2013), Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.313.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 190755)
01/04/2012(Xem: 36357)
08/11/2018(Xem: 15041)
08/02/2015(Xem: 54172)
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.