NHỤY NGUYÊN
VŨ ĐIỆU Ý NIỆM
TRONG CƠN ĐAU BẢN THỂ
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation 2018
Bầu trời từ đáy tâm hun hút
Có lần chợt nhớ công án con rùa dưới đáy giếng và con rùa biển trôi lạc vào. Rùa biển không cách gì giải thích cho rùa giếng hiểu về bầu trời thênh thang ngoài kia. Càng ngẫm càng tâm phục bậc cao nhân ra khỏi sự hơn thua. Tại sao họ thực sự siêu việt, lại không mảy may đua chen với ai. Bởi còn khởi ý niệm hơn thua tức họ nhảy trở lại lòng giếng để luận về bầu trời, trừ những Bồ tát muốn độ sanh trong cảnh giới “sự sự vô ngại”, tùy duyên và thấu triệt vạn pháp. Một khi trở về chân tâm thì vạn pháp mới đều là bạn lữ dẫu bổn tánh không nhận pháp nào làm bạn. Tôi thử lần ngược trở về, học mãi mới nhận ra quy cùng chỉ do chấp tướng mà thành tâm chúng sanh nhỏ nhoi tội nghiệp. Từ hiểu đến hành hẳn như người muốn chèo đò qua đại dương.
Tu, có lẽ là chỉnh lại cán cân của mình trước quy luận vận hành của vũ trụ nhân sinh. Phàm thì thân tâm cong vênh tựa bàn cân phế liệu; càng tu càng chỉnh dần cho đến cân bạc, cân vàng, cân kim cương, và hơn thế là cân những ý niệm khởi sinh vốn nhẹ và mong manh hơn cả không khí. Triết học phương Tây mê tìm chân lý. Nhưng vạn sự vạn vật đều đang chuyển động từng khắc, thế nên chẳng thể có một quy luật nào đúng hẳn. Thế nên cuộc truy tìm quy luật chỉ là ảo vọng, bỏ chân tìm ngụy, bỏ tấm gương sáng chiếu vạn vật để đuổi theo những bóng dáng của cảnh trần hư vọng. Ân sư của tôi thường khuyên niệm riết một câu kinh để thay dòng vọng tưởng, khuyên buông xuống phân biệt chấp trước bởi pháp pháp vốn bình đẳng tồn tại. Ngay khoa học cũng phát biểu chúng ta chỉ biết một phần tỉ chính ta và người. Không thể dùng một chấp vào vô biên được. Cái thiển cận tôi thử lý giải, trong tàng thức mỗi người chứa vô số kiếp, trong vô số kiếp đó lại lũy thừa lên thành hằng hà sa các nhân đã gieo. Chẳng hạn trong hằng hà sa nhân ta gieo trong kiếp này, lúc lâm chung chỉ dùng được số ít ỏi nhân tiêu biểu để tái sanh; còn nếu trường hợp cận tử nghiệp chi phối thì xem như người này chỉ dùng mỗi một nhân trong vô số nhân của một kiếp đi đầu thai. Rồi cũng chỉ rất ít nhân mạnh mẽ trong tiền kiếp có thể thúc đẩy, chi phối, kết nối để tạo nên nghiệp duyên trong kiếp này. Còn lại vô lượng nhân trong vô lượng kiếp tiếp tục tồn kho alaya. Vua A Xà Thế là người có công lớn với Phật pháp, song một niệm sân lúc cận tử mà đầu thai làm mãng xà. Kinh A Hàm cũng nêu vị tam tạng pháp sư bởi nhỡ một lời mà năm trăm đời tiếp theo nhận kiếp chó. Để thấy chúng ta chỉ là một phần tỉ tỉ của toàn thể. Thầy tôi dạy: Đời người chỉ là khúc quanh của nhân quả trùng trùng. Tôi hình dung đến một người đi bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn, sau một ngày xem là một đời. So sánh này dẫu không đúng bởi vẫn là con người toàn thể, trong lúc đời-nhân-quả chỉ là một mẩu trong khối bột ta tự nặn hình cho mình bằng khuôn nghiệp quả; song để thấy ta thường nhìn "mô hình" phác thảo lại đánh giá cả công trình tiến hóa của chúng sanh vốn bình đẳng tánh giác. Trên chặng hành trình cuốc bộ, nếu họ gặp duyên nảy chủng tử tu hành hoặc thù thắng hơn với phước duyên sâu dày gặp vị thầy tâm linh hướng dẫn, họ sẽ cự tuyệt nẻo luân hồi rẽ qua lối hiền thánh; còn không họ vẫn cứ lầm lũi đi như vậy trong vô biên kiếp. Mê chấp ảo, chết rồi ta lại bị lửa dục hút vô tử cung muôn loài, tự vẫn thân trung ấm để rồi choàng tỉnh chấp ngay hạt bụi là mình và cứ thế lớn lên trong tủi khổ vô minh. Nhìn một ai đó đang hành ác mà khởi ác là dại khôn xiết. Trong mắt của Phật, vua Ca Lợi là bậc đại thiện tri thức; trong mắt bạn và tôi ông từng là kẻ đại ác! Việc ta ngăn chặn cái ác chỉ đúng với ý nghĩ ngăn cái việc ta được biết sẽ đưa đương sự đến không gian u tối ở kiếp sau, ngoài ra không lý do nào khác. Họ sai với cái “kiến thức chuẩn” ta sở đắc song đúng với nghiệp báo luân hồi của họ. Và những hành vi của họ đương nhiên không mảy may ra khỏi mắt Phật, không mảy mảy chạy khỏi nghiệp báo; thế nên việc ta khởi thêm một niệm sân si ngã mạn trước họ là biểu hiện của cái tâm vẩn đục. Ân sư dạy tôi hãy xem mọi chúng sanh đều đã tu xong, chỉ riêng mình còn phàm phu. Đây chính là cái nhìn thật tướng. Mọi tướng xấu ác hay thuận thiện chỉ là sự thị hiện của chư Bồ tát để ta tỉnh thức chân tâm. Cho đến một vị sư báng pháp trước mắt ta chăng nữa thì ngay từ trong sâu thẳm xem tâm mình nó đang khởi lên niệm gì, đó mới là vấn đề. Ta nên bao dung những kẻ đang rẽ rối xuống tuyệt lộ. Mà cũng chưa hẳn, biết đâu cuối đời họ gặp thiện tri thức. Dẫu họ không là gì đến cuối đời ta cũng nên kính cẩn cái phần còn lại khổng lồ trong alaya của họ với vô số nhân thiện không ngoại trừ ngay trong kiếp trước họ là một vị thông tuệ kinh luận. Biết đâu có một vị Bồ tát quán ra nhân lành cực thịnh trong vô số kiếp của họ bèn tìm cách lôi ra tương tác với thực tại cuộc sống bật mầm giác ngộ.
Kinh là thực tế cuộc sống. Ai cũng ít nhiều quan sát thấy nguyên lý Nhân - Duyên - Quả ẩn hiện giữa đời thường. Những trường hợp đó hoàn toàn không liên quan đến kinh điển, người quan sát và đối tượng cũng chưa từng học Phật, chỉ là sự “truyền thừa” thô mộc trong nhân gian; song một khi nó lọt vào khuôn Nhân Quả, vậy cảnh đời thường phàm tục ấy có ra khỏi Phật pháp chăng? Vạn pháp không ra khỏi đại viên kính trí của Phật, thế nên vạn pháp đều nằm trong tâm Phật. Chúng ta cứ hay khởi cái niệm về những điều trái với ý mình mà không tu từ gốc rễvô minh này. Cảnh giới Nhất chân trong Phật pháp mê vọng không hai, phiền não và bồ đề không hai, chân và tục không hai, vạn pháp nhất như. Lúc tôi và bạn nhìn một người nhặt chai bao để sinh tồn, có một triết lý cao siêu ẩn trong nhịp sống vô thường của họ, song chúng ta không thể chạm tới được, bởi muốn chạm tới chúng ta phải là người nhặt rác, không phải đóng vai mà sống thực với hoàn cảnh đó. Bạn tu của tôi chuyên niệm một câu kinh; thử gắn với việc nhặt rác. Lúc ta đưa tay nhặt đồ thừa trong thùng rác ăn để duy trì sự sống, bao ánh mắt sẽ hướng về. Nếu có một cái ngã đứng đó dĩ nhiên ta không thể thò tay vào thùng rác nhặt đồ ăn thiu thừa lẫn trong vô số dơ bẩn khác chẳng ngoại trừ băng vệ sinh và càng không thể đưa lên miệng ăn trước bao ánh mắt đang nhìn. Bao ánh mắt đó chính là vọng tưởng. Nếu bạn tôi vừa chuyên niệm một câu kinh vừa để ý vọng tưởng, sẽ bị nghiệp lôi dẫn khiến chẳng bao giờ có cơ hội chạm tới tự định, mà cái tạm lắng do nhờ “công phu dẹp loạn” tạm thời. Ấy là ta sanh thêm vọng tưởng để chống lại vọng tưởng (vốn tự sinh, sẽ tự diệt một khi nó bị lọt vào tánh thấy/biết). Ân sư của tôi dạy: Vọng tưởng không thể có năng lực đoạn trừ vọng tưởng; về mặt cơ bản chúng ta đã phạm sai lầm!
Con người và tự nhiên có mối tương liên mật thiết, khi triết học và văn minh phương Tây du nhập nó khiến chúng ta dần cắt đứt mối giao kết này nên thế giới trở nên hỗn loạn, tai ương. Không thể chiết xuất hàng trăm củ sâm cho ra một viên thuốc để rồi xem đó là biệt dược được, vì củ sâm có mối tương duyên với cơ thể người (vốn cũng là nhân duyên đất nước gió lửa tự nhiên trong trời đất tạo hợp); ấy là chưa nói đến ý niệm con người phát ra sẽ khiến cái được sử dụng biến đổi theo tâm ý ác hay thiện của họ. Hơn thế mỗi người vốn mỗi nghiệp khác nhau, phước duyên khác nhau, cơ địa khác nhau, thế nên một bệnh mới phải dùng đến vô vàn loại thuốc. (Thế nên Kinh mới vô lượng nghĩa). Chỉ từ đây mà xét đã thấy thuốc không phải chân lý, mà chân lý nằm ở phước nghiệp trong huệ mạng, chân lý nằm ở thái độ sống mỗi người đối với quy luật thường hằng tự nhiên trong trời đất. Vạn Pháp do Đức Phật thuyết giảng cũng là để chữa tâm bệnh của vạn vạn chúng sanh có nghiệp/bệnh sai khác. Học Phật mà học cho hết kinh điển cũng như uống mọi đơn thuốc; trong lúc tâm muốn thanh tịnh để hiển lộ bổn tánh phải chuyên nhất trên nền tảng giới định tuệ. Khoa học và kinh điển Phật giáo tương ưng ở nguyên lý, con người là sự kết hợp giữa ba yếu tố: vật chất - năng lượng - tín tức. Sách Thiếu niên bảo thân lý giải, một giọt tinh hàm chứa vô số thông tin, chứa phước đức và thọ mạng của một cá nhân và trong nó chứa thông tin của vũ trụ nữa; lúc phí phàm không thể chỉ dùng vật chất tương ưng với chất bổ dưỡng thiếu hụt đưa vào cơ thể là xong. Một bác sĩ nổi danh người Pháp nói, y học hiện đại trong việc giải phẫu người để tìm phương hướng chữa trị, cũng mới chỉ phân tích được cái xác người. Mỗi người mỗi nghiệp mỗi bệnh, nên mới có vạn thuốc. Cũng như pháp là thuốc trị tâm. Một người từ tuổi dậy thì đến răng rụng bạc tóc không hề dấy ý niệm nhục dục, thì thuốc quán bất tịnh với họ chẳng đáng bỏ ra mua dẫu một hào, song đối với kẻ khác một khi chưa được khai thị dụng pháp nào đối trị tốt hơn thì quán bất tịnh - vô thường đáng đổi cả mạng sống, bởi chẳng có pháp ấy chẳng những mất đời này mà bị dục lôi vào ác trược muôn nghìn kiếp. Nhưng người vô nhiễm chấp vào cái sự sạch sẽ ấy, ắt sanh bệnh ngã mạn còn khó chữa hơn lúc thân còn nhiễm dục. Từ đây mà suy, lúc các triết gia đưa tâm lý ra mổ xẻ, phân tích để tìm cho ra những quy luật tâm-sinh lý, âu cũng là khám phá xác chết của tinh thần. Bởi chúng ta không thể ngừng được quy luật tự nhiên luôn biến đổi; chúng ta không ngưng được thời gian, không đột phá được không gian như các bậc chứng thánh thông qua thiền định và triệt ngộ để thấy mình cùng với thiên nhiên nhất thể. Trong một bộ phim khoa học có thí dụ lúc thế giới sáng tạo ra đồng hồ, con người từ ngàn năm nghe nhìn thiên nhiên khiến được hòa vào thiên nhiên, nay họ nhìn đồng hồ, mối quan hệ này bị tiêu diệt. Con người dẫu đạt đến đời sống vật chất như vua song không nhờ đến 90% cái vô hình như không khí, ánh nắng, gió và một thế giới tâm linh lồng lộng với nhiều sinh mệnh thuộc các chiều không gian khác nhau mà khoa học đã chạm đến, con người đó sẽ mau bệnh và chết. Con người đang sống là nương nhờ vào khoảng 90% cái chúng ta cho là không, là vô tri, thực tế khoa học thì ngay đến nước cũng có tri giác. 90% cái chúng ta nương vào để sinh tồn đó song chúng ta không một chút tri ân, chúng ta chỉ tri ân một phần tỉ của 10% cái tưởng làm nên con người, cũng có nghĩa chúng ta chỉ tri ân một phần tỉ tỉ lũy thừa trong toàn thể nuôi sống mình. Vẫn nghĩ những lúc đêm xuống, tôi chìm vào giấc ngủ và đó là sự kết thúc của “tiểu đời người”; nếu tôi “sống lại” (tức sáng ra mở mắt và còn thở được), ấy là nhờ sự bao bọc của 90% năng lực siêu nhiên, cụ thể hơn là sức gia trì của chư Phật Bồ tát để tôi không bị nghiệp lực và bị bàn tay trái của ma quỷ lôi đi thọ báo sớm. Xét trên lý nhân duyên luân hồi, trong đời không ai không từng là cha mẹ thân quyến với ta trong vô thỉ kiếp quá khứ; do vậy trên đời không ai lại không từng là người thân của một vị Phật và Bồ tát nào đó trong quá khứ. Phật và Bồ tát đối với chúng sanh vốn bình đẳng tuyệt đối, thương xót tuyệt đối, chúng ta luôn nhận được lực gia trì từ họ song vô ơn, bởi ta nghĩ sự nghiệp trong đời này là do cái Ngã dựng lập lên. Ta Nghi lời dạy thánh hiền, ta nghĩ sự thông minh của mình vượt xa thánh trí (người biết đến từng mẩu ý niệm trong tâm ta). Ta hoài nghi bởi ta nghĩ bậc Thánh có năng lực vô biên sao không cứu vớt con người qua bao oan trái đầy giẫy giữa xã hội, mà ta không cần hiểu ấy là họ đang phải trả cái nhân ác gieo trong đời trước; và ngay trong đời này nếu chúng ta không nằm trong Thập thiện và Ngũ giới, là đồng nghĩa với tạo ác nghiệp để rồi chiêu cảm bệnh nạn trong lúc không Phật Bồ tát nào can dự vào quy luật vận hành tự nhiên này, mà các Ngài chỉ dạy cho chúng ta cách thoát ra, gieo duyên chỉ đường cho chúng ta giảm nợ nần ân oán, các Ngài chỉ nương vào nghiệp báo để lòn vào chất liệu giác ngộ, bứt phá lầm mê. Đó trước hết là gì, là không sát trộm dâm dối, không tham sân si mạn nghi. Chúng ta Nghi lời thánh, nghi kinh điển được gạn lọc qua nhiều ngàn năm và càng gạn càng sáng, càng thực tiễn, cho nên chúng ta mới sanh tâm kiêu mạn. Từ Nghi trụt lui Mạn. Chúng ta không hiểu ngay đến sự tham tài, danh, tham chấp cả cái danh hành thiện hành pháp tối thượng nên vẫn luẩn quẩn trong vòng thú tính. Tôi lần học đến đây chợt thấy toát mồ hôi, bởi mình vẫn mê cái Tôi ảo, tôi làm chủ, tôi dựng lập lên sự nghiệp nên phớt lờ lực sống của 90% cái vô hình cấu tạo nên vận mạng đời mình. Với một người chưa học Đạo, gặp lý này hẳn quá xa lạ như tôi từng cảm trước đây. Giờ buộc ta tri ân những thứ không hiện hữu, tri ân không khí, tri ân ánh sáng, nắng gió, tri ân những chướng ngại “vô tình” từ trên trời rơi xuống; sự tri ân này cảm giác như buộc chúng ta phải tri ân đống rác vậy. Chúng ta không linh giác về 90% phần còn lại, chúng ta không tri ân, nên chúng ta không cách gì kết nối với lượng thông tin 90% trong hư không vi diệu. Là khi con người xa dần thiên nhiên, bị hút vào thứ triết học tôn vinh những quy luật; trong lúc không thể rút được quy luật nào từ đời sống vốn biến dịch vô thường trong từng giây phút (như con người từng khắc già đi rồi “chợt một ngày tóc trắng như vôi”).
Tôi và bạn luôn bị ảo giác lôi dẫn, thứ ảo giác được bao bọc bởi thọ, tưởng và hành ấm lúc nào cũng dấy lên những ngọt ngào man trá. Nội trong sự ăn uống tôi đã bị ảo giác đánh lừa, nói gì đến thế giới siêu hình nhìn không méo mó cho được. Những người chạy theo sự ăn, suốn đời họ vẫn đau khổ, trong lúc họ lại trách ngược các vị chân tu ăn rau chấm tương, là khổ hạnh. Họ không hiểu mỗi lần cố nấu một món ngon, họ sẽ chấp ngay vào định mức đó, nên lúc ăn món ấy nến không đúng như định mức ảo giác lưu nó, nó không chịu, sanh phiền não khổ đau. Hồi xưa những vị đầu bếp hàng đầu thế giới, họ cũng từng ăn những món đơn giản nhất, và họ thấy tuyệt vời làm sao. Các vị chân tu do hiểu được các pháp hư vọng, do vọng tâm bóp méo nên họ tập dần xóa chấp trước, nên tấc lưỡi không bị ảo giác lôi dẫn, luôn ở trạng thái hồn nhiên nguyên sơ nhờ đó cảm nhận được sự ngọt ngon ngay ở rau luộc và cơm nguội. Còn chúng ta chế biến những món của vua, vẫn không thỏa mãn, bởi ảo giác đã chồng lên, từ nêm mì tinh đến các loại siêu bột ngọt, và cuộc truy đuổi này khôn cùng. Tôi nhớ có lần cùng bạn tu ăn chè, tôi ăn và nhìn tấm biển để chọn ly chè tiếp theo; chọn rồi đầu cứ nghĩ đến hương vị và ly chè sắp ăn, nghĩa là tôi hoàn toàn không trở về được thực tại với ly chè đang nhai nuốt. Bỗng nghĩ những cảm xúc do thân mang lại cũng ảo. Tôi lưu những cảm giác về món dục nào đó, định danh nó từng cấp bậc, lúc thọ nhận là tiến trình thọ tưởng và hành ấm lật dở lại thông tin cũ, yêu cầu tôi đang thọ dụng món dục đó phải đạt tiến trình từng nấc theo như đã định, không đạt ắt buồn giận, còn cái thực tôi đang thọ dụng gần như vô vị. Bản chất của dục lạc là không đáy, nó khiến con người không ngừng đào bới, và càng đào bới càng bất lực, càng chồng lên những ảo tưởng và đó chính là gốc khổ. Bởi họ không ngờ giặc vốn ở ngay bên sườn. Tại sao cuộc đời của chúng ta rất dễ bị đánh gục. Bởi không ngờ những thứ tài danh sắc thực thùy, những loại giặc này nó ở ngay trong từng ý niệm, trước mắt mình và chúng ta vỗ béo hàng ngày, lấy nó làm rường cột cho cuộc đời nên bị nó đánh gục quá dễ dàng. Mà những thứ đó, thảy đều hư vọng bên cạnh cái chân tâm tròn sáng chiếu son mà ta đã phủ phàng với nó. Ảo giác bao phủ lấy thân tâm. Ngay sự thấy, con mắt chúng ta không bao giờ thấy đến sự thật, mà chỉ thấy cái bóng đã bị bóp méo theo nghiệp thức của riêng mình và riêng từng loài. Một vạn người cùng gật đầu khen đường ngọt, đều là sự ngọt vạn lần sai khác nhau. Một vạn người ngắm tượng Phật đều là cái nhìn khác biệt của nghiệp lành trong tàng thức hoạt dụng, chỉ là không ai nhảy được vào mắt ai và không ai phàm nhân biết được tâm của nhau để kiểm chứng đó thôi. Ảo giác trùm lấy thân tâm chúng ta tạo nên vô số khuôn thước ảo và ta lấy đó đo lường vạn pháp, để áp chế vạn pháp vừa theo chúng. Cũng để thấy trên cơ thể vốn không có cái gọi nhạy cảm, nó là một sự lưu giữ cảm xúc thông qua các ấm ma. Nó lôi dẫn chúng ta bằng những ý niệm mới thông qua mắt tai mũi… mà mắt tai mũi vốn… vô tri, chỉ có cái ý/thức làm căn nguyên tạo nên một thực thể vô hình gọi là tâm luân hồi. Lại nghĩ tại sao tôi buồn khổ tham sân. Chỉ bởi tôi (tham) muốn sở đắc một điều gì đó, trong lúc Bát nhã dạy vạn pháp vốn “vô sở đắc”. Bát nhã vô tri, tôi lại muốn có tri, nghĩ cái tri thâu góp mọi chân lý cao siêu sẽ giải quyết khổ não; đâu ngờ đó là con đường để trở thành rô bốt thông minh, cắt đứt sự liên thông giữa mình với vũ trụ, chặn cửa ngộ để có thể hòa vào vũ trụ. Bát nhã vô đắc, tôi lại muốn sở đắc một cái gì đó trong tiến trình tu như là sự đánh dấu (kiểu như những dòng chữ đang viết đây); không biết rằng ấy là những dấu vết không xóa được để ma tâm nó biết mà lần theo chướng ngại. Đến như tôi muốn giải một câu kinh cho ai đó nghe để họ có thể hiểu và hành, ý nghĩ ban đầu tôi đã muốn sở đắc rằng người ta sẽ vui, sẽ cảm ơn tôi vân vân, chính cái ngã tạo nên thứ muốn đắc; nên khi không đạt nó sanh buồn khổ. Ân sư tôi dạy: quý vị không được, lấy gì gọi là mất. Tôi và bạn không cầu vui ở bất cứ thứ gì, giữ cái bình lặng tâm tánh, lấy gì sanh ra cái gọi buồn khổ. Có lần chấp trước một chuyện nhỏ, thấy bực, chợt nghĩ sao mình không vui nhỉ. Bỗng nhận ra, sao lại cần vui, thế là tôi học bạn tu chuyên niệm một câu kinh nghe rõ từng chữ, kết từng chuỗi; và chợt thấy, thế này là tuyệt rồi, cầu gì cái tà vui để bỏ quên chánh lạc. Bạn tu của tôi ngồi giữa chợ huyên náo cũng chỉ thấy duy nhất âm thanh vi diệu được tự tâm nghe lấy là câu kinh luôn đang tinh ròng chuyên niệm. Chính cái muốn đắc vui mới sanh ra buồn, chứ nào có cái buồn trên đời. Cái gì cũng chấp được. Học đã hiểu vạn pháp vốn chân tâm hiện, tôi lại chấp để làm méo đi thực tại, khiến tâm dậy sóng. Ân sư dạy, ngay đến bản thân của sóng cũng là chân. Bỗng nghĩ, trong một trăm ngọn sóng tiếp nối xô đẩy nhau tạo nên sân hận si mê, nếu lấy ra một ngọn sóng, ngọn sóng ấy chẳng phải là như như bất động sao. Bạn tôi bảo quán sát sẽ thấy sự chấp trước cũng như vọng niệm, lúc ta thấy biết nó khởi sinh, tức là bắt đầu của sự nó đang hoại diệt. Xét ở đời người, tiến trình đang sống và đang chết là một. Chúng ta thấy sự chấp là dại khờ, ô nhiễm, nên tự lập ý niệm buông ra. Tôi thường pha một nhúm trà, có lần bạn tu pha quá đậm, uống ngụm đầu tôi liền nhăn mặt, sắp lên tiếng chợt thấy mình đã si nên thôi, khuôn mặt dãn trở lại (nghĩa là tôi không thấy được mặt nhăn tự bao giờ vì quá nhanh). Từ giải đến hành cho ra môn khoai là một quá trình khổ lụy, song tôi càng ngẫm càng thấy… vui. Từ chứng ở đây là chứng trong từng hành động nhỏ nhặt, chẳng như trước đây đột nhiên bị chửi, thấy tức, nay liền cảnh tính, tác ý cảm ơn người chửi và thầm bảo, đợi đó ít ngày tôi tu gắt lên; sau một thời gian bị chửi thấy bình lặng hơn, vậy xem như chứng cái hành động nhỏ nhoi ấy; xem mình đã biết bố thí cho người một niệm thiện. Quy cho cùng cũng do cái ngã ảo. Tôi tên Sĩ (chẳng hạn), lúc qua nước ngoài hàng xóm gặp chào, rồi nói chuyện; chuyện trò mấy dạo họ thấy cứ I and You hơi khiếm nhã nên hỏi tên xưng cho tiện. Bởi người tây khó phát âm nên lưu tên tôi là Si; lúc nào gặp họ cũng gọi Si Si. Để thấy cái tên là giả danh, nghĩa nó chỉ đúng với một vài đối tượng chứ thực tế cái tên ấy hoàn toàn không là định nghĩa tổng quát cho cuộc đời tôi. Và vô vàn cái tên trên trần thế cũng là giả danh (như cái tên cây Thì Là), thế mà lúc kêu cái tên mình với ý xấu, tôi lại nổi sân. Quả là chấp trước quá sâu nặng. Bởi tôi luôn nhìn đời bằng cặp kính màu của khuôn nghiệp. Tôi không tháo được khuôn nghiệp nên vạn sự vạn vật tiếp nhận qua sáu căn đưa vào phải vừa với những khuôn nghiệp riêng tôi. Chấp cái nhỏ bỏ mất cái mênh mang vô xứ. Một người tham lam ngay trước mắt, nó không vừa khuôn nghiệp có vẻ “thiện” của tôi bèn khởi phiền não; mà tôi nào chấp nhận họ đang diễn đúng với cái nghiệp họ đang mang từ kiếp trước hoặc do huân tập trong kiếp này chưa có cơ hội ra khỏi. Và thực ra cô A anh B ấy cũng chỉ là giả danh. Chẳng có ai ở đó ngoài tứ đại giả hợp cộng với năm uẩn đều không. Đó chỉ là một bộ máy tâm/nghiệp thức có tên gọi tạm Tham Sân Si Mạn Nghi. Bộ máy ấy được lập trình từ muôn kiếp, khởi tác dụng chính là gặp lại duyên như xăng gặp lửa đốt đi phước báu thọ mạng. Tôi thấm thía câu chuyện một chú tiểu từ nhỏ ở rừng, chưa bao giờ gặp phụ nữ, chưa hề biết đến khái niệm giống cái, song lần đầu tiên xuống phố gặp cô gái liền thích. Sự thích này chính là do nhân đã sẵn trong tàng thức từ nhiều kiếp, bây giờ gặp duyên lập tức giống đực trỗi dậy. Nó muốn - là Tham; muốn mà không được sẽ Sân; bởi cái tâm Si. Si bởi tự dựng lập ngôi nhà Ngã Chấp với rường cột ngũ ấm. Càng nghĩ lại càng… buồn. Cái ngã bởi tham từ vô thỉ nên nó luôn đòi hỏi sở đắc. Tôi có tật dậy muộn, rất tán thán bạn đồng tu thường dậy tầm ba bốn giờ trì niệm một câu kinh mà họ chẳng lấy đó làm tự hào. Chợt nghĩ, ừ, cả ngày bạn không ngủ, lúc đêm xuống ngủ là do cái nghiệp si kéo chìm, vậy lúc dậy được (sớm) có gì lấy làm tự hào. Nhớ một vị cao tăng mấy tháng cuối đời đạt công phu không hề có nhu cầu ngủ. Vốn dĩ là không ngủ, nay đeo nghiệp thùy miên, lúc gỡ ra một ít, rồi nếu gỡ hết là trở về cái không ngủ bổn nhiên trong tâm tánh, sao lấy đó làm sở đắc. Cho đến mọi sở đắc cũng là ảo ngã nữa. Bởi trong chân tâm bổn tánh vốn chẳng có nghiệp, vốn định, vốn đầy đủ đức tướng và trí huệ; ai trở về được như người con lạc mất quê hương bổn quán, sự trở về là bình thường và không có cái gì gọi đắc cả. Bạn tu của tôi nói giả như một người giữ giới nhờ đó nhạt được nghiệp dục, vừa thấy mình từ vũng bùn nhơ nhớp được lôi lên tắm rửa sạch sẽ, vị thầy hẳn sẽ còn mắng, bây giờ ngươi mới trở về đến đấy à. Còn nếu trò sanh tâm tự mãn, Thầy thà nhúng trò trở lại đầm lầy kia còn hơn tìm thêm một loại thuốc chữa cái bệnh hiểm đó. Bạn tu mách tôi, một vị thầy siêu xuất luôn hướng để học trò đạt được những tầng tâm linh mới, nhưng vừa đạt thầy liền nhảy vô dẫm nát; còn nếu bạn giữ được bất cứ cái gì bạn đắc (đơn cử như cận định), thì thầy sẽ bái bạn làm thầy! Bởi bát nhã là buông xuống sạch sẽ những cái có, để đi đến một Tuệ giác chiếu soi như như. Trừ Thánh nhân tu, còn phàm nhân tu thì tu kiểu gì cũng không thể trượt ra ngoài Giới Định Tuệ. Giữ giới có nền rồi rất dễ sanh kiêu. Giữ giới mà chấp giới là chết cứng, khó định tâm và dĩ nhiên chẳng phát tuệ. Nói thì dễ, hành thật khó. Khó ở chỗ trong mọi ý nghĩ, hành vi hiện nơi sáu căn đều phải hướng theo cái nhìn của Đức Phật, hoàn toàn không chấp tướng. Vạn pháp bình đẳng tuyệt đối. Bạn tu luôn nhắc tôi phải tôn trọng sự tồn tại của vạn pháp như chính mỗi chúng là sự hiện diện của tướng Phật bởi thể Tánh vốn đồng. Chấp bất cứ cảnh trần hay pháp trần đều là sự bóp méo chân tâm của chính mình. Chúng ta phải biết mỗi mỗi pháp đều không một sát na ra khỏi “màn hình tự tánh Phật”. Quán chiếu điều này đặc biệt quan trọng (và cả nghiêm trọng), để chúng ta tập phá tất thảy mọi bí mật riêng tư, bởi ngay cả mẩu ý niệm khởi sinh đều nằm trong sự thấy biết tự nhiên hơn cả chiếc kính lúp khổng lồ, như chúng ta trong 24 giờ làm việc dưới sự quan sát của camera ông chủ, hơn thế còn là sự quan sát cả về mọi ý niệm. Từ lúc hiểu điều này bạn tu của tôi đã biết chuyên niệm một câu kinh. Toàn bộ ý niệm thân tâm đều chuyển qua một câu kinh. Câu kinh là vận mạng của họ do vậy xem như cuộc chuyển giao thân tâm cho Phật, để Phật “chiếm đóng” lâu đài ngã chấp của mình để nẩy mầm định tuệ. Bạn tu nửa đùa nửa thật, rằng tương lai khoa học sẽ chế ra máy soi mọi ý niệm khởi trong tâm con người; thế nên mình cũng không lấy làm xấu hổ, vì cơ bản trong tâm mình chỉ khởi mỗi câu kinh đó thôi. Ân sư tôi dạy vạn pháp đều là biểu pháp, đều là phương tiện giáo hóa của Phật dành cho từng căn cơ khác biệt. Tôi là phương tiện của Phật độ bạn, bạn là phương tiện của Phật độ tôi, và tất cả mọi chúng sanh đều tương tác với nhau. Người chưa đạt lậu tận mà độ được ai đắc quả, cũng nên hiểu mình chỉ là “con cờ” ân hưởng hồng đức của Phật Bồ tát với vị trí trung gian mà không biết đó thôi. Trộm nghĩ đến như chó mèo và vật vô tình cũng không ngoại lệ trong thời khắc nào đó trở thành phương tiện giáo hóa của Phật. Có đêm nằm ngủ, tôi mơ thấy mình sắp chìm vào si muội, nguy hiểm, bỗng nghe tiếng meo liền tỉnh rụi thoát được. Thấy con mèo dưới nền đang nhìn tôi. Kỳ lạ. Tận dụng hết mọi sự để tu, sẽ thấy chẳng hạn vừa đổ mồ hôi làm xong một món ăn, dọn lên, bỗng con chó nhân lúc ta rửa tay thò mõm vô ngoẻn một miếng. Ta có nổi sân đánh chó? Ngại là ta sẽ đưa đủ lý do biện bạch để thoát thác sự thật về nhân quả cái ta phải mất và cái đối phương được hưởng theo đúng quy trình của nghiệp thức. Tất thảy những vụn vặt cũng đủ làm cái bẫy lớn khiến ta dấy khởi nghiệp luân hồi. Mọi sự diễu hành qua sáu căn đều là cơ hội để ta xem thức có biến đi chăng, tâm có khởi chấp chăng. Nếu ta nghĩ con chó cũng tìm ra cơ hội thử tâm ta, ắt liền mỉm cười, trông rất biếm họa! Để thấy giữ chân tâm ở những chuyện nhỏ nhặt đã cực khó. Nhưng nhỏ và lớn không hai. Tập chừng lặng thân tâm ở những việc nhỏ, lúc đụng sự lớn tâm ấy ắt tự phát sinh trí tuệ chiếu soi. Ta hay có tham vọng làm chuyện lớn, cung kính cái vĩ đại nên bỏ qua chuyện vặt là nhiên liệu luôn có sẵn để tu. Tâm cung kính rất khó tu cho thành. Rất khó đắc tâm cung kính Phật, bởi cội gốc nằm ở chúng ta xem thường chúng sanh (trong đó có ta, loài vật và ma quỷ). Chúng ta không học hạnh thương xót chúng sanh của Phật kể cả chúng sanh báng Phật. Chúng sanh hiện trong đại viên kính trí của Phật trong suốt đến từng sợi ý niệm vi tế, Ngài yêu thương muôn loài trong lúc chúng ta thì phân biệt chọn lựa để yêu thương!; nên có “đắc” tâm này cũng là đắc “phiền não thương xót”, “kiêu mạn thương xót”.
Giải thoát luân hồi chính là giữ vạn pháp do tâm hiện mà không bị thức biến đi. Dĩ nhiên phải bắt đầu từ Giới. Giới khá thuần rồi thì như lời thầy tôi, “giữ giới để phá chấp”, phá cái chấp giữ giới, khiến tâm thanh tịnh trước những pháp nghịch. Từ giới này sẽ sanh định. Sanh định hành giả lại dễ chấp vào định, lạc tà. Bởi định là định ở tâm. Đành rằng tâm định thân mới định song chấp vào cái thân định sẽ tác dụng ngược là tâm loạn theo một loại nghiệp mới đầy hấp dẫn. Có lần bạn tu của tôi chấp định, liền bị thầy hỏi định ấy có lâu bằng người ngủ suốt đêm không, họ cũng định thân cả chục tiếng đồng hồ đó; ngay đến con nhện trên tường có khi nó “định” mấy ngày liền. Phát tuệ là cứu cánh. Từ định “chuyển tiếp” ngay qua tuệ, tuệ lại quay ngược soi vào giới, giới sanh năng lượng cho định; định phát tuệ để quán thấy mỗi pháp thanh tịnh và bình đẳng hơn với chính nó, để thấy nó cũng như chính ta đang nằm trong guồng quay của nhân quả luân hồi trong từng sát na tơ hào không sai. Điều này đúng với lộ trình giải thoát là đưa chúng ta trở về. Trở về chính là lộ trình buông xả những gì gom về và sở đắc. Buông để sống với những khoảnh khắc hiện tiền trong không gian vô tận của chân tâm. Một hành giả đã tin mình theo Phật (Thể tánh) cần giao trọn sự nghiệp cho Phật (Tướng dụng), còn sự việc ta làm hàng ngày rốt cùng cũng là phương tiện để đối cảnh mà giữ lấy chân tâm. Luôn giữ mọi ý niệm như cái thuở ban đầu trong sáng ngây thơ, tuyệt không dấy phiền não dẫu trước mắt là sự sụp đổ của pháp chăng nữa, bởi nếu được vậy chính là từ Tướng mà trở về nguồn Thể. Đứng ở Thể, tâm ấy mới bắt đầu khởi Dụng, là điều thiết yếu. Chúng ta sống chỉ mục đích duy nhất là giải thoát Phiền Não và ly Ngã Sở nên một khi hướng theo cái nhìn của Phật sẽ dần biết cảm ân muôn pháp, chính bởi pháp pháp đều nhận được sự bao dung đến tận đáy không của Bổn Tánh, và chúng ta sẽ thấu được bầu trời quang minh từ dưới đáy tâm sâu hút.
* Trong vũ trụ có trùng trùng thế giới. Bậc Chánh Giác câu thông cùng vũ trụ, họ cùng thể tánh với vũ trụ, thấu suốt quy luật vận hành của vũ trụ rồi “truyền thần” lại sự thấy biết đó. Để thấy rằng Đức Bổn sư không sáng tạo ra vũ trụ, không chế định ra luật nhân quả luân hồi, mà vũ trụ vốn sống động từ vô thỉ dù Phật có ra đời hay không.
* Đạo Phật không phải triết học, càng không phải tôn giáo. Đạo Phật là tấm gương phản chiếu quy luật vận hành của vũ trụ nhân sinh vô cùng tận nên trong nó sẵn chứa thượng tầng triết học và huyền nhiệm tôn giáo.
* Nhiều nguyên lý vĩnh hằng thông tánh của bậc tổ sư đại đức, nếu phàm tình tôi mượn dùng đôi khi còn là sự phá pháp. Thế nên chợt nghĩ, bậc thiện tri thức có những điều mầu diệu song chỉ dành đến lúc trò tu đến ngưỡng ấy mới nói được; và còn nhiều mật ngôn lúc nhận ra như một dạng tiểu ngộ sẽ khiến họ cứng họng đến bàng hoàng như dần dà nhận ra những báu vật từ lâu vứt nơi xó bếp song không thể chỉ cho người chưa hề biết cúng dường bá thí.