PHÁP-TÂM (Phần 2)
Mãn Tự
Xem phần 1 tại đây: Pháp-Tâm (Phần 1)
Còn thế nào là chủ trong chủ? Theo lời Đức Thế Tôn Như Lai dạy trong kinh Lăng Nghiêm là: “không có cái thấy lìa tất cả vật mà riêng có tự tánh” và ngài A-nan theo sự gợi ý đức thế tôn mà trình bày “con nhìn khắp rừng kỳ đà này chẳng biết ở trong đó có cái gì không phải là cái thấy. Vì sao vậy? Nếu cây cối không phải là cái thấy thì làm sao thấy được cây cối, còn nếu cây cối là cái thấy thì sao gọi là cây cối?”
Hai là lời đối đáp giữa Đức Thế Tôn và ngài Văn Thù Đại Bồ Tát. Này Văn Thù, Như Lai hỏi ông: Ông đã chính là Văn Thù, vậy nơi ông lại có Văn Thù là Văn Thù hay không Văn Thù nữa sao?
Bạch Đức Thế Tôn: Đúng như vậy, Con Chính là Văn Thù thì nơi con không có cái gì tức là Văn Thù. Vì sao? Vì nếu có cái “tức là” thì thành ra có hai Văn Thù và nơi con cũng không có cái “Chẳng phải Văn Thù” quả thật ở trong con không có hai khái niệm “tức là” là và “chẳng phải”.
Ba là bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng cũng nói lên cảnh giới “chủ trong chủ”. Cũng vì bài kệ này mà lục tổ phải 16 năm học hỏi trong nhân gian: “Bồ Đề vốn không cội, gương sáng cũng không đài, bổn lai vô nhất vật, bụi bặm bám vào đâu?” Câu kệ của lục tổ và sự trình bày của ngài A-nan là nói lên cái lý tánh “Lý sự vô ngại”. Tính bất nhị vạn Pháp là “Chủ trong Chủ” là Chân Như vô phân biệt, là Vô Thượng Bồ Đề. Cả Lục Tổ và ngài A-nan ngộ thấy cái lý Chân Như. Tuy nhiên để hoàn tất Vô Thượng Bồ Đề thì phải đi vào cái “Sự” tức hậu đắc chí viên mãn Phổ Hiền hạnh nguyện.
Bài viết nói lên hai vấn đề chính là Pháp và Tâm, bây giờ trước tiên nói về Pháp.
Nói về Pháp có 2 đề mục chính:
1: Pháp từ đâu mà có?
2: Công dụng của Pháp là gì?
Lại có hai
- Pháp mở ra
- Pháp trói buộc
Pháp từ đâu phát sinh? Chúng ta đọc kinh đại thừa thường thấy có 84.000 Pháp môn hay nói có hằng sa Pháp. Những vị tri thức, học giả, giảng sư thấy nói có số lượng Pháp môn như vậy thì tinh thần khủng hoảng không chấp nhận được rồi đi tới phủ định, dùng lí luận hiểu biết thô thiển giới hạn của mình để bài bác chê bai. Thật ra các vị đó tự đóng lại sự thấy biết của mình mà nghĩ rằng lí luận của mình là đúng, là hữu lí, là hay. Dùng lí luận để củng cố vị trí, địa vị của mình, để mọi người biết đến mình, tôn vinh mình, để mọi người thần tượng hóa mình lên bục giảng giống như những tài tử nổi danh, được khán thính giả vỗ tay tung hô. Thật ra điều đó cũng không có gì quá đáng vì các vị đó dùng tri thức hữu hạn của mình để phán đoán trí tuệ vô biên của Như Lai thì đó là điều bất khả.
Pháp từ đâu mà có? Theo truyền thống, thói quen khi chúng ta học kinh hay tu hành thì luôn luôn quan niệm rằng ta học Phật Pháp, ta tu theo Phật thật ra đó là một tư tưởng một quan niệm chệch hướng. Đức Thế Tôn Như Lai tuyệt đối không nói Pháp gì hết. Vậy tất cả kinh điển không phải Thế Tôn thuyết hay sao? Không. Tất cả kinh điển là Đức Thế Tôn thuyết. Vậy vì sao nói ngài không có nói Pháp? Chúng ta những phàm phu, khi đọc kinh thì đinh ninh tin chắc rằng đây là lời của Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác nói ra được ghi chép lại trải qua bao nhiêu thời gian lưu truyền cho đến bây giờ. Vì vậy ta phải kính cẩn, tôn trọng hành trì tìm hiểu tu học. Tuy nhiên vì quá kính trọng, vì quá tin tưởng, nên hầu hết những người tu học khó có vị nào nêu lên câu hỏi là: “những bài Pháp trong Kinh Đức Thế Tôn thuyết cho ai? cho căn cơ nào? cho trình độ nào? Không lý ngài nói cho ngài nghe mà bắt buộc chúng ta nhắm mắt tin theo?”
Đức Thế Tôn Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác là đấng như thật ngữ, Pháp ngài nói không tạo ra vọng tưởng, ảo tưởng, không điên đảo mộng tưởng cảnh giới này nọ để dụ dẫn người theo để có đông đảo đồ chúng, để có nhiều lợi dưỡng. Pháp Đức Thế Tôn nói ra chỉ thẳng thân tâm chúng sinh, mở khóa gông cùm xiềng xích khổ đau do Vô minh không biết tự mình trói buộc mình vào. Vì vậy dù có 84.000 Pháp môn hay vô lượng, vô biên Pháp đi nữa thì Pháp đó cũng không lìa thân tâm chúng sinh mà có, vì chúng sinh là Pháp vậy.
Những lời trong mười hai bộ kinh Phương Quảng cho đến A Hàm mà chúng ta thường gọi là Phật Pháp thật ra không phải như vậy vì sao? Vì Đức Thế Tôn Như Lai không có một Pháp nào hết, cho đến nếu ngài còn có một chút Pháp nào thì cũng không thể gọi là Vô Thượng Bồ Đề, Chánh Đẳng Chánh Giác. Tất cả lời Pháp trong kinh dù Nguyên Thủy hay Đại Thừa là của chúng sinh, mà chúng sinh vì không thấy, không biết nên Đức Như Lai chỉ là người chỉ dẫn ra mà thôi.
Đức Như Lai khẳng định rằng: “ta không làm ra Pháp, vì các Pháp là thường trụ, Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện thì các Pháp vẫn là Như”
Thông thường theo “Tri thức” thì phải học cho nhiều, phải nhớ cho giỏi rồi đem những điều mình học, mình nhớ đó dạy lại thì gọi là thầy. Đem tư tưởng đó mà nghĩ về Đức Thế Như Lai cũng như vậy là hoàn toàn sai. Đức Như Lai không ở trong Pháp nào hết mà ngài đứng trên các Pháp. Đứng trên các Pháp như thế nào? Đây là chỗ nghi ngờ với người tu học từ xưa tới nay. Tuy rằng có nhiều vị Đại Bồ Tát, nhiều vị tổ dùng nhiều phương tiện để giải thích. Vào thời xa xưa các Đại Bồ Tát, Tổ muốn giải thích cho người tu học hiểu được về cảnh giới “Đứng trên các Pháp” thì chỉ dùng mặt trời mặt trăng, hay các vì sao để làm thí dụ là thích hợp nhất. Còn bây giờ khoa học kỹ thuật tiên tiến nên có những phương tiện gần gũi hơn làm thí dụ giải thích để người tu học dễ nhận ra, dễ hình dung ra.
Bây giờ thí dụ thế nào “đứng trên các Pháp” có sáu người lái xe muốn đi vào trung tâm thành phố Sài Gòn, hay Losangeles mà không biết đường họ bị lạc tới, lạc lui loay hoay mãi mà không vào được trung tâm. Cuối cùng họ dùng điện thoại gọi vào trung tâm để nhờ chỉ đường, may thay hôm đó có chiếc máy bay trực thăng đang bay vòng trên thành phố, và chiếc máy bay đó có nhiệm vụ chỉ đường cho khách lạc đường đi vào trung tâm. Khi điện thoại sáu người gọi đến hỏi đường thì được chỉ dẫn một cách rành rẽ dễ dàng vì sao? Vì họ ở trên cao nên thấy dễ dàng toàn thành phố, dù người khách đó phương nào bất kể đông tây nam bắc. Do ở trên cao nên người hướng dẫn thấy mọi nẻo đường bốn phương tám hướng mà tuyệt nhiên họ không ở trong con đường nào hết. Cũng vậy Đức Như Lại Thế Tôn không ở trong Pháp nào hết mà đứng trên các Pháp, vì vậy khi tâm chúng sanh động cầu Pháp thì Đức Như Lai tùy theo độ thanh tịnh hay vướng mắc tâm vị đó mà giảng Pháp. Một chúng sinh cầu Pháp ngài giảng cho một chúng sinh, hay mười hay trăm hay ngàn, hay vô lượng vô biên trong tam thiên đại thiên thế giới đồng thời cầu Pháp thì Đức Như Lai cũng giảng Pháp không hề trệ ngại.
Vậy Pháp từ đâu mà có? “Pháp từ chúng sinh mà có, không có chúng sinh tuyệt đối không có Pháp”. Vì vậy Pháp từ đâu lưu xuất”: “Pháp từ sáu căn, sáu trần, sáu thức lưu xuất”. Pháp cũng có hai là: “Tánh và Tướng”. Bài viết này hầu hết chỉ nói Tướng các Pháp có nghĩa là sự thu nhận của sáu căn đối với sáu trần phát sinh sự phân biệt sáu thức, và cũng giới hạn trong thế giới hữu hình mà chúng ta đang sống, còn Tánh các Pháp thì phải là Bồ Tát Đệ Bát Bất Động Địa trở lên mới thấy được. Còn Tướng các Pháp thì nói chung cho mọi căn cơ cho đến Bồ Tát Đệ Thất Viễn Hành Địa.
Có bao nhiêu Pháp? Tất cả chúng sinh ngoại trừ có một số ít bị khiếm khuyết còn lại hầu hết đều đủ sáu căn, sáu thức. Bây giờ ta thử tính đếm: Thế giới chúng ta đang sống hiện tại có 8 tỉ người có thể cho rằng có 2 tỉ người có tư tưởng giống nhau, còn 6 tỉ người tư tưởng khác nhau cộng them 1 tỉ giống nhau thành ra 7 tỉ tư tưởng. Mỗi tư tưởng phân ra như thế nào? Sáu căn gồm có căn quá khứ, hiện tại và căn vị lai, sáu trần, sáu thức cũng vậy (ĐỪNG KHỦNG HOẢNG KHI ĐỌC NHỮNG ĐOẠN NÀY) bây giờ ta lấy 3 thời nhân cho 6 căn, là 18 nhân cho 6 trần, 6 thức cũng vậy. Đó là con số tư tưởng sở hữu của mỗi chúng sinh. Tuy rằng không phải hoàn toàn chính xác vì 6 căn có cái hơn, cái kém. Lấy số thành tư tưởng của một chúng sinh nhân lên 7 tỉ thì thành ra con số Pháp vì sao? Vì mỗi tư tưởng, mỗi ý nghĩ là một Pháp vậy. Trong những bộ kinh Đại Thừa nói có 84000 Pháp môn đó là Đức Như Lai tâm từ nên nói giản lược mà không nói hết vì chúng sinh có ba cõi là cõi dục, cõi sắc và vô sắc giới. Con số thành ở trên chỉ nói cho thế giới mà ta đang sống chứ không nói đến tư tưởng Pháp các cõi thanh tịnh và có thiền định.
Tất cả tư tưởng của chúng sinh hiện hữu trong thế giới này gọi chung là “Thế gian Pháp” sao gọi là thế gian Pháp? Vì Pháp đó dạy chúng sinh đi vào khuôn khổ, dạy chúng sinh đi vào sinh tồn… Nói chung nó vẫn là văn hóa của mỗi vùng, miền địa phương, đất nước, theo thế gian Pháp, cho dù tột đỉnh quyền uy, sang giàu địch quốc hay là gì đi nữa thì cũng đi vào chung cuộc sinh lão bệnh tử, vì cái thân hiện hữu này là công cụ của Vô minh… cho đến ái thủ hữu nên: “Thế gian Pháp là Pháp trối buộc”.
Bây giờ hãy tĩnh tâm để nghe Đức Như Lai chỉ cho chúng ta Pháp mở ra sự trói buộc bởi Vô minh. Thế gian Pháp dù có trùng trùng vô lượng vô biên thì chỉ với trí tuệ đức Như Lai chỉ cho chúng sinh chuỗi 12 nhân duyên, thì giải thoát cũng mười hai nhân duyên không đem cái khác vào được. Giống như sáu căn của chúng sinh là chấp thủ thì ngược lại sáu căn cũng là giải thoát. Bất cứ vị tu hành nào thấy suốt được chuỗi 12 nhân duyên là chuyển được Vô minh cho đến sinh lão bệnh tử, như thật thấy thế gian thành, trụ, hoại, diệt. Tất cả chúng ta ai cũng vậy, khi có cái thân hiện hữu này thì cũng đã đi trong vô lượng thời gian, thay đổi vô lượng hình hài trong ba cõi tùy theo hành trạng tâm thức chuyển biến. Thế nào là “Thức” chuyển biến. Đây là câu chuyện vị Bà-la-môn chất vấn Đức Thế Tôn: “ Thưa Thế Tôn! Ai là người đầu tiên sinh ra trên hành tinh này và Ai là người sau cùng tồn tại trên hành tinh này?” Đức Như Lai mỉm cười nhẹ nhàng nói: “Này Bà-la-môn không có người đầu tiên sinh ra trên hành tinh này, cũng không có người tồn tại sau cùng trên hành tinh này mà chỉ có cái “Thức” phân biệt.
Bây giờ câu hỏi đặt ra là: Thế nào trí tuệ Đức Như Lai thấy suốt ba thời từ tiền tế, trung tế, hậu tế cho đến hiện tiền? Ngay cái thân xác này mà bao gồm đủ trong chuỗi mười hai nhân duyên. Nói tiền tế, trung tế, hậu tế để thấy rằng “không có một chúng sinh hay bất cứ sinh vật nào xóa được ký ức”, nếu xóa được ký ức thì không có đau khổ cũng không có chúng sinh. Để diễn tả phần nào trí tuệ thấy suốt vô ngại của Như Lai, thì đây là bài kinh trong Kinh Đại Bảo Tích Thế Tôn giảng cho ngài Xá Lợi Phất: “Này Xá Lợi Phất, cây cỏ lùm rừng trong tam thiên, đại thiên thế giới thế giới có nhiều không? Có thể tính đếm được không? Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn, nhiều thật là nhiều, không nói đến tam thiên đại thiên thế giới chỉ thế giới Ta Bà này thôi thì cũng không làm sao tính đếm được, nói chi đến tam thiên, đại thiên thế giới. Này Xá Lợi Phất, bây giờ có một người đem tất cả cây cỏ, lùm rừng trong tam thiên, đại thiên thế giới đốt thành than, rồi lấy tất cả than đó mài làm mực rồi trộn chung lại, xong xuôi người đó lấy một giọt mực đem đến nhờ Như Lai giữ giùm. Như Lai đem giọt mực thả xuống song Hằng, giọt mực đó hòa tan trong nước chảy ra đại dương. Sau một ngàn năm người đó quay lại đòi giọt mực đã gửi, không ngần ngại Như Lai lấy cọng tóc chấm vào đại dương lấy giọt mực đó trả lại cho vị thí chủ đã gửi. Này Xá Lợi Phất, chẳng những Như Lai đem giọt mực đó trả lại cho vị thí chủ mà hơn nữa Như Lai còn biết giọt mực đó từ loại cây cỏ nào, từ thành phần nào, ở địa chủng nào. Đó là một trong những thí dụ trong kinh Đại Thừa làm người học khủng hoảng tinh thần khi đọc đến.
Không xóa được ký ức, khi đọc những dòng chữ này có thể làm nhiều vị tu học bị thối chí khi nghĩ rằng: từ vô lượng kiếp đến bây giờ mình đã tạo ra biết bao nhiêu nghiệp quả thì với một đời tu hành này làm sao giải thoát được? Đức Thế Tôn biết lắm nên trong một bài kinh ngài phương tiện thị hiện “Văn Thù chém Phật” để độ các vị Bồ Tát khi ký ức xa xưa hiện ra. Thứ hai là một thí dụ: “Có một cái hang từ khi có quả địa cầu đến bây giờ chưa hề có ánh sáng lọt vào, tình cờ có người tìm đến thắp lên một ngọn đèn thì ánh sáng liền tỏa ra hay bóng tối nói rằng “không được sáng vì ta đã tối 4 tỉ rưỡi năm”. Hai câu chuyện đó nói lên rằng: “Vì Vô minh ta đi lang thang trong vô lượng kiếp, tuy nhiên một sát na giác ngộ thì hết ngay vì sao? Vì Vô minh là vô tự tánh vậy”.
Khi xưa thí dụ ở trên là bất khả tư nghị, tuy nhiên hiện giờ khoa học tiên tiến dù rằng dựa vào kỹ thuật vật chất nhưng cũng giúp cho chúng ta thấy được phần nào thí dụ trong những bộ kinh Đại Thừa không còn quá xa xôi tuy rằng nó không hoàn toàn. Theo sự phát minh khoa học không gian vũ trụ, với những chiếc kính thiên văn viễn vọng vĩ đại các khoa học gia tìm thấy được ánh sáng khoảng cách 14 tỉ năm ánh sáng, và cũng theo giả thuyết đó là ánh sáng đầu tiên sau vụ Bigbang và vũ trụ cũng hình thành từ đó. Cũng theo sách thiên văn khoa học 14 tỉ năm ánh sáng khoảng cách mà kính thiên văn nhận được hầu hết là không trung thực mà phải cần lý giải phân tích mọi chiều hướng sau đó mới đưa ra được một nhận định lý thuyết khách quan. Vì sao? Vì khoảng cách quá xa mà không gian thì có đủ mọi chướng ngại làm chệch hướng sai lạc đường đi của ánh sáng, thí dụ như bão từ không gian, vụ nổ các vì sao… và còn nhiều, nhiều hơn nữa đang chờ các khoa học gia khám phá. Đưa lên một đề tài khoa học để diễn giải một phần vi trần trí tuệ Như Lai. Theo lý thuyết khoa học thì vũ trụ hình thành 14 tỉ năm ánh sáng về trước sau Bigbang, tuy nhiên đó cũng là lý thuyết để thỏa mãn tri thức chúng sinh. Ví dụ như thế nào cũng không thể đi đến đó được. Không như các nhà khoa học đức Như Lại với trí tuệ ngài thấy như thật sự bắt đầu, như thật thấy khoảng giữa, cũng như thật thấy chung cuộc. Nếu nói vũ trụ phát sinh từ 14 tỉ năm ánh sáng thì chúng ta cũng có đồng thời gian không hơn không kém. Vì sao? Vì vật chất trong vũ trụ và sắc thân hình thành của chúng ta không hai không khác.
Trang Tử, triết gia lỗi lạc Trung Quốc thời xa xưa từng nói: “Trời Đất cùng ta đồng sinh, vạn vật cùng ta đồng đến”. Với khoa học thì khái niệm sự bắt đầu, không thể khác được vì khoa học nếu không có ý tưởng, không lí thuyết đi trước làm nền tảng thì khoa học không dựa vào đâu để khám phá. Với khoảng cách 14 tỉ năm ánh sáng thời gian so sánh với trăm năm tuổi thọ con người, còn quả địa cầu chúng ta đang sống bốn tỉ rưỡi năm thì chẳng khác gì một giọt nước trong biển Thái Bình Dương.
Khoa học mới có khái niệm về sự hình thành đầu tiên mà không biết gì về khoảng giữa nên cũng không biết gì về chung cuộc. Trang Tử triết gia thấy có sự bắt đầu: “Vũ trụ vạn vật cùng ta đồng sinh, đồng đến không trước không sau” tuy nhiên ông ta cũng chỉ biết cái bắt đầu (nếu có) còn khoảng giữa và chung cuộc thì cũng không biết gì. Dù Trang Tử hay khoa học phát minh khám phá ra khởi thủy bắt đầu của vũ trụ thì đó cũng chỉ là cái biết của tri thức, tri kiến. Vì sao? Vì cả hai chỉ thấy được một mặt (dù muốn thấy mặt khác thì cũng không biết làm sao). Trang Tử thấy bắt đầu bằng “Tướng” còn khoa học thấy bắt đầu bằng “Sắc Tướng” cũng đúng thôi vì tri thức, tri kiến dù muốn hơn nữa cũng không thể vượt qua.
Bây giờ hãy nghe Đức Như Lai chỉ cho chúng ta sự bắt đầu, khoảng giữa và chung cuộc một cách rành rẽ, rõ rang giống như chúng ta đang xem trái táo trong long bàn tay. Không như tri thức, tri kiến Đức Thế Tôn nói: “Vô minh là sự bắt đầu hành thức cho đến thủ hữu là khoảng giữa, và sinh lão bệnh tử là chung cuộc”.
Ô hay sao không có Bigbang hay Thiên Địa vạn vật gì hết vậy? ha… ha… đó là khoảng cách sai biệt không có đường biên giữa Trí Tuệ và Tri Thức, với trí tuệ thì không tri thức, còn tri thức thì ngược lại. Dù khoa học hay Trang Tử thì không làm sao rời được cái “Có” Pháp trói buộc và Pháp mở ra là như vậy.
Thư Viện Hoa Sen
- Từ khóa :
- Pháp-Tâm