Thư Viện Hoa Sen

Truyện 2: Thầy Và Trò

28/05/20183:38 SA(Xem: 5282)
Truyện 2: Thầy Và Trò

Thích Trung Hữu
CHÚ TIỂU
Tập Truyện Ngắn 

Nhà Xuất Bản Phương Đông

  

Truyện 2
THẦY VÀ TRÒ


An nhẩn nhơ đi từ gốc cây này qua gốc cây kia lượm từng cọng củi khô, bó lại thành hai bó. Rồi chú chặt lấy một nhánh trâm bầu cỡ chừng nửa cườm tay, dài hơn sải tay làm đòn gánh, gánh hai bó củi về. An đi thủng thẳng, vừa đi vừa ngắm mây trôi trên trời, nghe chim kêu trong lùm cây và miệng thì ê a mấy câu hát của bài hát nhạc đạo nào đó chợt nhớ.

Chẳng mấy chốc thì đã nghe tiếng chuông chùa xa xa. Rồi tiếng mõ khi cao khi thấp hòa với tiếng tụng kinh trầm bổng của Sư phụ. An không ê a hát nữa để lắng tai nghe tiếng Thầy tụng kinh. Không biết từ khi nào, có lẽ là từ những ngày An còn là một đứa trẻ chăn trâu, để mỗi chiều An dắt trâu về ngang chùa là bị cuốn hút bởi tiếng tụng kinh của vị Thầy trong ngôi chùa trên đỉnh đồi mà An chưa lần nào dám bước lên vì cái vẻ thâm u của phong cảnh. Tiếng tụng kinh của vị Thầy đi qua đường lỗ tai, vào lòng, rồi chiếm ngự cả tâm hồn An một cách tự nhiên, lâng lâng như thứ men rượu cay nồng mà An có lần được đám bạn… chăn trâu cho uống thử, gọi là để ấm bụng mỗi khi trời giá lạnh đông sang. Rồi má An mất sau một đêm cảm mạo. An trở thành bơ vơ trong cõi người ta. Từ trước tới giờ An giữ trâu cho ông Sáu để kiếm tiền nuôi má. Nhưng bây giờ má đã mất rồi… Trưa hôm đó An bưng bức di ảnh của má theo ông Sáu lên chùa. Đứng trước điện Phật tự nhiên An thấy thân quen lạ. Nhất là vị sư phụ, mới hiền từ làm sao. Và An không trở về nhà nữa.

An chất củi vào nhà bếp rồi ra giếng kéo nước tắm. Nước trong leo lẻo và mát lạnh. Tắm xong An đi lo cho bữa cơm chiều. Trước khi lên công phu chiều, Thầy đã cắm sẵn nồi cơm điện. Giờ thì An chỉ chiên đậu hủ và luộc rau thôi. Sư phụ công phu xuống là hai thầy trò dùng bữa. Trong khi Thầy lau bàn thì An dọn chén bát ra sàn nước ngâm (chứ không rửa, vì Thầy dạy tối không được khua chén bát, sợ loài ngạ quỷ nghe được thì chúng sẽ ngóng cổ lên đứt cổ mà chết, tội nghiệp). Cơm chiều xong Sư phụ vào phương trượng, còn An lo nhang đèn chuẩn bị thời kinh tối. Dư thời gian thì lấy bài vở ra xem. Từ khi đi tu, ngoài việc dạy chữ Nho và kinh Phật ra, Thầy còn cho An đi học thêm bổ túc văn hóa. An rất thích và học rất giỏi… Cứ như thế hai thầy trò nương tựa nhau mà sống. Thầy thì thương trò, trò kính yêu thầy. Thầy lo cho trò, trò vâng lời thầy. Thầy đóng cửa trước, trò đi gài cửa sau… Cuộc sống ấy đều đặn trôi qua một cách êm đềmhạnh phúc. Tưởng chừng như không có gì êm đềmhạnh phúc hơn...

Rồi cùng với đà phát triển của đất nước, phong trào đô thị hóa đã làm cho cái vẻ "thế ngoại đào viên" của ngôi chùa cũng ngày càng bị ảnh hưởng. Người ta phóng một con đường lớn ngang qua chân đồi. Từ đó thay vì tiếng mục đồng thổi sáo gọi trâu về là tiếng còi xe inh ỏi. Rồi tiếng người đi chợ, tiếng rao bán hàng… Và nếu như trước đây chùa chỉ có vài ba thiện tín thân cận tới lui thì bây giờ khách vãng lai cũng dập dìu hơn. Phần vì mến phong cảnh thanh nhã của chùa, phần vì cảm đức quý Thầy nữa. Mỗi tối tịnh độ cũng mười mấy người tới tụng kinh. Rằm ngươn lại càng đông đúc. Và cũng nhờ đó mà thu nhập của chùa cũng tăng lên rõ. Từ một am tranh nhỏ nhắn dần dần trở thành một ngôi già lam khá bề thế để mà đáp ứng nhu cầu không gian cho quần chúng tới hành lễ.

- Ta vẫn muốn ẩn mình nơi am vắng - Thầy nói - Nào ngờ Phật pháp lại xoay chuyển như thế. Thôi thì cũng đành phải tùy duyên vậy. Miễn là ta đừng để những thứ ngoại duyên đó làm phai nhạt lòng đạo là được rồi. Nghe không con! - Thầy nhắn nhủ.

- Đó gọi là "bần cư náo thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm" đó Thầy. - An nhanh nhẩu đáp lời Thầy.

- Thế à! - Thầy nhìn đệ tử cười bao dung.

- Thầy à, bây giờ công việc chùa nhiều như vậy, Thầy cho con nghỉ học để phụ thầy nhe?

- Học không tu là cái đãy sách, còn tu không học là tu mù. Việc chùa nay làm không được thì mai làm. Làm không được nhiều thì làm ít. Ai có quyền bắt với buộc mình mà sợ chứ. Con cứ đi học bình thường.

An "dạ" rồi dọn chén bát ra ngoài ngâm như thường lệ. Trời đã chạng vạng tối. Ngoài lộ đèn đường bật sáng choang. Phía dưới chân đồi đã thấy một vài Phật tử đi lên chùa để tụng kinh. "Muộn đến thế sao?", An nói vào bóng tối. Do công việc chùa bề bộn nên dạo này thầy trò không thể dùng cơm chiều đúng giờ giấc như trước được, mà thường là rất muộn. An rửa mặt, rửa tay qua loa rồi chạy nhanh lên chánh điện lo nhang đèn. Nhưng mọi thứ đã đâu vào đó. Sư phụ vừa mới làm xong.

Mặc dù chùa chiền bây giờ đã khang trang. Đời sống vật chất khá sung túc nhưng Thầy thì hình như vẫn không hề thay đổi chút nào. Vẫn cái nét đơn sơ đó như được mang về từ… thiên cổ. Còn An thì đã mười mấy năm thấm thoát kể từ ngày theo Thầy học đạo. An bây giờ không còn là một chú tiểu đầu để chỏm nữa mà đã là một thầy Tỳ kheo. Cũng như đã đến lúc phải lên thành phố để học những chương trình Phật học cao hơn. Lần đầu tiên tiếp xúc với thành phố, An thấy choáng ngợp hẳn. An thấy mình thật là "lúa" với cái áo nhật bình cũ kỹ, đôi dép mủ và nhất là chiếc Cup 50 gia truyền của Sư phụ.

- Thầy ơi, mua cho con chiếc Wave alpha để đi học. Vừa nhanh, vừa khỏe, vừa…

- Vừa để không thua kém bạn bè nữa phải không con?

Thầy rầy mà vẫn từ tốn như một lời khuyên. Nhưng Thầy cũng không bao giờ nhắc tới chuyện mua xe mua xiếc gì nữa. Vẫn bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Và An thì vẫn mỗi ngày cưỡi con ngựa sắt đó rong ruổi mấy chục cây số đi về. Mỗi lần bước tới cổng trường nguy nga tráng lệ là An liền chùn bước, thấy tủi thân vô hạn. "Thật đáng ghét", An lấy chân đá vào con ngựa sắt, để rồi ôm ngón chân bị chảy máu đó ngồi rên ri rỉ. "Phải chi bây giờ có Bụt hiện ra để biến chiếc xe cùn này thành…", An tưởng tượng. Nhưng không có Bụt nào hiện ra. Chiếc Cup 50 vẫn cứ nhìn An cười chế giễu. "Người sao mà keo thế", An buột miệng. Đó là lần đầu tiên An dám nói xấu về Thầy. Mà đã có lần thứ nhất thì phải có lần thứ hai, thứ ba… Nhất là An nghĩ rằng mình đã có đủ trí khôn để đánh giá đúng sai mọi vấn đề. An nghĩ rằng mình đã theo thầy từ nhỏ, đã "phò tá" Thầy từ khi còn là am tranh vách lá cho tới ngày nay là một ngôi chùa khang trang. Ấy vậy mà Thầy đã không nghĩ đến công lao to lớn đó của An, không ban cho An những quyền lợi mà lẽ ra An xứng đáng được có, như một "khai quốc công thần". Chùa chỉ có hai thầy trò, hay là… An bắt đầu suy diễn, hay là Thầy còn có ai khác nữa. Trong đầu An hiện ra hình ảnh những đứa cháu dưới quê của Thầy mà thỉnh thoảng họ lên thăm Thầy. Nhưng dù có ai khác thì cũng không thể nào có công hơn An được. Trừ khi Thầy thiên vị mà thôi. Và dần dần An nhìn Thầy bằng một thái độ khác. Vẻ đạo mạo của Thầy là một sự đóng kịch. Lời nói từ tốn là đạo đức giả. Khuyên người ta thiểu dục tri túc còn mình thì có tiền bỏ túi riêng. Từ suy nghĩ dẫn tới hành động, An không còn tích cực làm việc chùa như trước kia nữa, vì nghĩ "chùa đó là của ổng chứ đâu phải là của mình". An thường viện cớ học thêm cái này cái kia để mà trốn tránh việc chùa. An cũng dò la một số chùa ở thành phố để khi cần thiết thì lên thành phố ở luôn, chớ không muốn phục vụ một người mà An cho là giàu đổi bạn, sang đổi… đệ tử.

Có nhiều đêm ngủ không được An buồn muốn chảy nước mắt, khi nghĩ đến lúc phải bỏ Thầy, bỏ chùa mà đi. An ước gì Thầy vẫn thương mình như hồi đó thì An sẽ phục vụ Thầy suốt đời. "Không chừng ở đây ổng còn nghi ngờ mình canh me tiền bạc của ổng nữa là", An nghĩ. An bước tới mở của sổ cho thoáng vì thấy bức rứt khó chịu. Ánh trăng rọi vào khung cửa. Trăng khi tròn khi khuyết. Chẳng lẽ lòng người đều như thế cả sao? An cũng biết rằng những người mà An sẽ gặp sắp tới đây rất có thể cũng sẽ không tốt hơn Thầy. Nhưng thà là không phải Thầy.

Ánh sáng chiếu qua khung cửa sổ làm An tỉnh giấc. An cảm thấy nhức đầu kinh khủng, người thì nóng hổi và nặng đến nỗi không sao ngồi dậy được. “Bệnh rồi phải làm sao đây”, An định hôm nay sẽ đi thành phố kiếm chỗ ở, “Mình số khổ mà”, An thì thầm một mình, muốn khóc. Bỗng cánh cửa phòng mở ra, thầy bước vô. An giả đò nằm ngủ. Thầy bước lại gần, đặt tay lên trán An. An hé mắt nhìn thấy thầy hơi nhíu mày rồi đi ra ngoài. Lần này thì An khóc thiệt. Nước mắt lăn dài trên má. “Người ta bệnh như vậy mà không quan tâm, lại còn nhíu mày nhíu mặt”, An vừa buồn vừa tủi, “Phải chi má mình còn sống thì thế nào má cũng ôm mình và đưa mình đi chích thuốc. Mình không thích chích thuốc nhưng nếu có má bên cạnh thì không sợ gì”. An đang suy nghĩ vẫn vơ thì Thầy lại đi vào. An nhắm mắt. Lần này thì Thầy vỗ nhẹ gọi An dậy: “Con bị sốt rồi. Thầy có nấu cháo. Con dậy rửa mặt rồi ăn cháo.”

Thầy đưa An đi bệnh viện. An bị cảm sốt. Nhưng Bác sĩ cũng phát hiện ra là An cũng bị u não ác tính, cần phải mổ. Nhưng tiền đâu mà mổ đây. Chùa quê chỉ đủ cái ăn chứ số tiền lớn thì kiếm đâu ra. Mấy ngày nay, trong khi Thầy chăm sóc bệnh cho An, An vẫn nhìn Thầy dò xét nhưng không thấy thầy có biểu hiện gì nên An cũng không biết thầy có định trị bệnh u não cho An không, và trị bằng cách nào. Cuối cùng thì An cũng khỏi sốt và khỏe mạnh trở lại. Nhưng cái chứng u não vẫn còn nằm đó. “Chết cũng tốt, không phải đày đọa kiếp người”, An tự nhủ. Không biết từ khi nào An lại có ý nghĩ bi quan như vậy.

Chiều hôm đó, hai Thầy trò ngồi ăn cơm với nhau. Chợt thầy nói, “có lẽ đây là lần cuối cùng Thầy trò mình dùng cơm ở đây”. Thì ra Thầy đã kêu “bán” ngôi chùa cho một thầy Việt kiều Mỹ để có tiền trị bệnh cho An. “Ăn cơm xong mình đi. Thầy trò mình sẽ ở với sư bác của con”, thầy từ tốn nói như đó là một việc hết sức bình thường. Còn An thì chỉ biết cuối đầu ăn cơm trong khi nước mắt rơi lả chả như mưa, khi nghĩ đến phải xa chùa, ngôi chùa mà hai thầy trò đã tạo dựng từ khi còn là am tranh vách lá, với biết bao kỷ niệm, từ hàng cây đến viên sỏi trên con đường dẫn lên chùa. Nhưng trên tất cả, An khóc vì hối hận. An đã trách lầm Thầy. Thầy thương An như vậy mà An lại nghĩ xấu về Thầy. An biết Thầy cũng đang buồn. Lần đầu tiên An thấy mình hiểu thầy. Chỉ cái việc Thầy muốn đi trước khi người ta đến tiếp quản ngôi chùa cũng đủ biết. Thầy không muốn nhìn cái cảnh…

Hai thầy trò dọn ít đồ rồi đi. Thầy trước trò sau, họ đi xuống đồi, trong im lặng. An ngó ngoái lại nhìn ngôi chùa, nghĩ “Đáng lẽ giờ này Thầy đang tụng kinh, và mình thì dọng chuông”. Nhưng chùa hôm nay không tụng kinh. Họ vẫn đi. Vầng trăng đã bắt đầu ló dạng, từ từ lên cao, soi bóng hai con người.

Tạo bài viết
30/04/2019(Xem: 7257)
04/05/2015(Xem: 11559)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: