DUYÊN HỢP
TINH TÚY CỦA ĐẠO PHẬT
Chương 5 – Duyên Hợp – Tinh túy của đạo Phật
5.1 Ý nghĩa của Duyên Hợp
5.1.1 Sinh paccayā (duyên) Chết đồng thời Chết paccayā (duyên) Sinh
5.1.2 A paccayā B (A duyên B)
5.1.3 Kết luận
5.2 Thời gian, sự chuyển động, không gian, đối tượng và Duyên Hợp
5.2.1 Thời gian – sự chuyển động
5.2.2 Sự chuyển động – không gian – thời gian
5.2.3 Không gian – đối tượng
5.2.4 Đối tượng
5.2.5 Kết luận
5.3 Duyên Hợp và một số hiện tượng truyền thống
5.3.1 Nhân Quả
5.3.2 Luân hồi
5.4 Duyên Hợp và vật lí
5.4.1 Cơ học cổ điển
5.4.2 Cơ học lượng tử
5.5 Duyên Hợp trong cuộc sống
CHƯƠNG 5
DUYÊN HỢP – TINH TÚY CỦA ĐẠO PHẬT
“Ai thấy được lý Duyên Hợp, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý Duyên Hợp”.
(MN 28)
Chương năm bàn về ý nghĩa của Duyên Hợp và ứng dụng của Duyên Hợp trong nhiều tình huống khác nhau. Điểm quan trọng cần nhấn mạnh là Duyên Hợp không tương đương với công thức 12 nhân duyên như quan niệm phổ biến ngày nay. Công thức 12 nhân duyên là muộn sinh, ít nhiều tự mâu thuẫn và nội dung của nó không thể hiện đầy đủ ý nghĩa của Duyên Hợp (xem phụ lục 3).
5.1 Ý NGHĨA CỦA DUYÊN HỢP
Khi (những) cái này có mặt, cái kia có mặt
Với sự có mặt của (những) cái này, cái kia có mặt
Khi (những) cái này vắng mặt, cái kia vắng mặt
Với sự vắng mặt của (những) cái này, cái kia vắng mặt.
iti imasmiṃ sati idaṃ hoti,
imassuppādā idaṃ uppajjati,
imasmiṃ asati idaṃ na hoti,
imassa nirodhā idaṃ nirujjhati.
5.1.1 Sinh paccayā (duyên) Chết đồng thời Chết paccayā (duyên) Sinh
Đầu tiên ta xét ba ví dụ.
Ví dụ 1
– Người A già phải không?
– Người A trẻ phải không?
– Người A vừa già vừa trẻ phải không?
– Người A không già không trẻ phải không?
Ta biết rằng cả bốn câu hỏi trên đều không trả lời được, nếu không có đối tượng nào khác để so sánh với A. Ta cần ít nhất một đối tượng B để so sánh. B có thể là một con người. B cũng có thể không phải là người, chẳng hạn B là “thời gian” thì:
– A già hơn A “cách đây 10 năm”.
– A trẻ hơn A “ba năm sau”.
– A già hơn A “cách đây 10 năm” và trẻ hơn A “ba năm sau”.
– Người A không già không trẻ “bây giờ”.
Như vậy, cần có ít nhất hai đối tượng thì mọi phép so sánh mới có nghĩa. Trong trường hợp A là một bậc giác ngộ – abhisambuddhā, thì vị này không so sánh với bất kì một đối tượng B nào, nên gọi là “bậc giác ngộ không so sánh”, cũng là ý nghĩa của từ abhisambuddhā. Vì vậy, ta không nhất thiết phải nói về một bậc giác ngộ dù với mỹ từ như vô thượng, thế tôn, nhân thiên sư v.v. Từ buddha – bậc giác ngộ có lẽ là vừa đủ.
Ví dụ 2
Một phụ nữ chưa mang thai nói: “Tôi khổ quá! Đứa con chưa sinh của tôi đã chết rồi!”
Ta dễ thấy câu nói đó là vô lí. Phải có Sinh thì mới có Chết. Không có Sinh thì không có Chết.
Ví dụ 3
Một thanh niên nói: “Thật vui! Hôm qua tôi sinh ra.”
Câu nói này cũng vô lí như ví dụ 2. Hôm qua thanh niên này vẫn còn Sinh, mà nói chuyện Sinh nữa thì rất buồn cười, vô nghĩa. Sự Sinh bắt đầu từ chỗ “không Sinh”, ta tạm gọi là Chết. Cho nên ta mới thấy việc thụ thai là hợp lí, bởi nó bắt đầu từ chỗ “không Sinh” hay Chết. Thử tưởng tượng trong bụng người phụ nữ lúc nào cũng có một bào thai thì ta không biết lúc nào gọi là Sinh nữa. Vậy nên, Sinh bắt đầu từ chỗ “không Sinh” hay Chết. Nên có Chết thì mới có Sinh. Không có Chết thì không có Sinh.
Cho nên, khi xuất hiện Sinh thì lập tức xuất hiện Chết đi kèm và ngược lại, khi xuất hiện Chết thì lập tức xuất hiện Sinh đi kèm. Sinh và Chết xuất hiện đồng thời, nó gắn liền với nhau; nên không thể phân biệt cái nào trước cái nào sau; cũng như không thể phân biệt Sinh khác Chết và Chết khác Sinh. Vậy, ta nói Sinh paccayā Chết và Chết paccayā Sinh.
Có người cho rằng “Sinh và Chết khác nhau; Sinh tạo ra Chết chứ Chết không tạo ra Sinh; là do trong thực tế Sinh “có trước”, rồi Chết “có sau”. Lập luận như vậy không thể đứng vững.
Trước hết, ta có thể hỏi ngược lại họ “Cái gì tạo ra Sinh?” Họ khó lòng trả lời đầy đủ được. Hơn nữa, các phần sau đây sẽ cho thấy thời gian chỉ là một khái niệm tương đối, nó không tồn tại độc lập. Theo đó, thời gian có mặt khi sự chuyển động cùng những yếu tố khác có mặt. Như vậy, khái niệm “có trước” hay “có sau” chỉ có ý nghĩa tương đối chứ thực chất chúng không tách rời nhau được, nên không thể có tính trước – sau rạch ròi.
Tiếp theo, ta tạm xét rằng thời điểm có sự Sinh của một con người là khi cha mẹ bắt đầu quan hệ. Nhưng xét tuyệt đối thì ta không thể biết thời điểm chính xác, vì không phải lúc nào quan hệ nam – nữ cũng dẫn đến thụ thai. Hơn nữa, ta đã biết theo ví dụ 3, Sinh không thể bắt đầu từ Sinh, mà phải bắt đầu từ “không Sinh” hay Chết.
Và khi bắt đầu thụ thai, nghĩa là Sinh xuất hiện, ta cũng không biết người này Chết lúc nào. Có thể Chết ngay từ trong thai, hoặc khi vừa mới ra đời, hoặc 10 tuổi, 30 tuổi, 50 tuổi, 100 tuổi. Không thể xác định chắc chắn thời điểm Chết. Sinh hay Chết đều không thể xác định chính xác thời điểm, nên không thể nói Sinh “có trước”, Chết “có sau”. Vì vậy, ta nói rằng Sinh và Chết là một cặp đồng thời, gắn liền với nhau, có vai trò như nhau; nên Sinh paccayā Chết đồng thời Chết paccayā Sinh.
Như vậy, quan hệ Sinh – Chết là một quan hệ hai chiều: Sinh paccayā Chết đồng thời Chết paccayā Sinh. Nó là một quan hệ như Duyên Hợp mô tả:
Khi Sinh có mặt, Chết có mặt
Với sự có mặt của Chết, Sinh có mặt
Khi Sinh vắng mặt, Chết vắng mặt
Với sự vắng mặt của Chết, Sinh vắng mặt.
5.1.2 A paccayā B (A duyên B)
Ở phần trên, ta đã lấy cặp Sinh – Chết để minh họa ý nghĩa của Duyên Hợp. Nghĩa là: nói A paccayā B thì đây là một quan hệ hai chiều; A paccayā B đồng thời B paccayā A.
Khi nói A paccayā B thì cái nào là chủ thể? Cái nào là khách thể? Ta nhớ lại ví dụ 1 phần trước: nếu chỉ có một mình A thì vấn đề chủ thể – khách thể không cần phải đặt ra, bởi không có đối tượng để so sánh.
Vậy ít nhất phải có một cặp AB thì mới xuất hiện chủ thể – khách thể. Khi đó: so với B, thì A là chủ thể; ngược lại, so với A, thì B là chủ thể. Vậy nên, quan hệ chủ thể – khách thể không cố định mà nó thay đổi do cái này nương tựa vào cái kia, cái này làm duyên cho cái kia, cái này paccayā cái kia.
Cho nên, khi nói A paccayā B thì điểm quan trọng nhất là: paccayā là quan hệ hai chiều, A và B có vai trò hoàn toàn như nhau và tác động lẫn nhau, A paccayā B đồng thời B paccayā A.
Các nhà chế tạo ra công thức 12 nhân duyên và gán cho công thức này tương đồng với Duyên Hợp đã không chính xác. Các vị ấy đã nhầm lẫn ở điểm này; họ nghĩ rằng paccayā là quan hệ một chiều, chỉ có Vô Minh paccayā Hành chứ Hành không paccayā Vô Minh. Điều này rất rõ ràng trong kinh điển bởi ta chỉ thấy chiều Vô Minh à Hành…à Già-chết chứ không có chiều ngược lại Già-chết à Sinh…à Vô Minh.
5.1.3 Kết luận
Như vậy, ý nghĩa của Duyên Hợp, tinh túy của đạo Phật có thể được diễn đạt như sau: sự có mặt (vắng mặt) của bất cứ một hiện tượng (thực thể) nào đều kèm theo sự có mặt (vắng mặt) của vô số hiện tượng khác. Và vai trò của tất cả các hiện tượng đó hoàn toàn như nhau và chúng tác động lẫn nhau.
Một số hệ quả trực tiếp từ ý nghĩa của Duyên Hợp là:
– Không thể có một hiện tượng nào, một đấng sáng tạo, một thượng đế, một brahman, một ātman, một tự ngã, một linh hồn, một big bang…nào tồn tại độc lập mà không liên quan với bất kì yếu tố nào khác cũng không bị tác động bởi yếu tố nào khác. Xét riêng trong đạo Phật, thì hệ quả này tương đương với vô ngã.
Hình 16: 34ntntibn6421….và phép màu xảy ra……..herghi631e7
– Nếu công nhận sự tồn tại của một hiện tượng hay thực thể nào thì đồng thời phải công nhận sự tồn tại của vô số hiện tượng khác có liên quan tới nó và tác động lên nó. Vì có tác động nên có sự thay đổi và do đó, không thể có một hiện tượng nào, một thực thể, một đấng sáng tạo, một thượng đế…nào tồn tại vĩnh viễn bất biến. Xét riêng trong đạo Phật, thì hệ quả này tương đương với vô thường.
– Không thể có một điều gì gọi là chân lí tuyệt đối. Bởi nếu nó là chân lí tuyệt đối thì nó luôn luôn đúng, nghĩa là nó không bao giờ bị tác động bởi yếu tố nào khác và nó tồn tại vĩnh viễn. Mà điều này thì không tương thích với Duyên Hợp. Từ đây, ta thấy rằng đề nghị ở chương ba liên quan tới “bốn điều về dūkkha” là tương thích với Duyên Hợp.
Ở đây nảy sinh một câu hỏi: “Vậy Duyên Hợp có phải là chân lí tuyệt đối không?” Câu trả lời là “Không”. Bởi nếu Duyên Hợp là chân lí tuyệt đối thì sẽ không có giác ngộ, không có giải thoát, không có bậc giác ngộ. Vì sao? Vì nếu Duyên Hợp là chân lí tuyệt đối, thì nó cũng đúng khi áp dụng cho trường hợp bậc giác ngộ. Nghĩa là, sự có mặt (vắng mặt) của bậc giác ngộ đều kèm theo sự có mặt (vắng mặt) của vô số hiện tượng khác. Và vai trò của tất cả các hiện tượng bao gồm cả bậc giác ngộ là hoàn toàn như nhau và tác động lẫn nhau. Mà một vị có sự tác động qua lại với vô số hiện tượng khác thì không thể gọi là bậc giác ngộ.
Như vậy, không thể gọi Duyên Hợp là chân lí tuyệt đối. Nghĩa là, có những trường hợp Duyên Hợp không áp dụng được. Đó là những trường hợp nào? Là trường hợp của những bậc giác ngộ. Nghĩa là, với những bậc giác ngộ thì Duyên Hợp không có tác dụng. Các vị ấy không còn dính mắc vào Duyên Hợp; các vị ấy đã giác ngộ; các vị ấy đã giải thoát.
5.2 THỜI GIAN – SỰ CHUYỂN ĐỘNG – KHÔNG GIAN – ĐỐI TƯỢNG VÀ DUYÊN HỢP
Trong phần này, ta sẽ xét quan hệ giữa bộ ba khái niệm không gian – thời gian – sự chuyển động theo quan niệm khoa học lẫn quan niệm thông thường.
Ta biết đại lượng đặc trưng cho sự chuyển động là vận tốc (đơn vị m/s); nghĩa là vận tốc phụ thuộc vào hai đại lượng “khoảng cách / không gian” hay còn gọi là “không gian / thời gian”. Như vậy, nếu không có không gian hoặc không có thời gian thì không tồn tại khái niệm vận tốc, và do đó không tồn tại khái niệm chuyển động. Còn ngược lại, nếu không có chuyển động thì thời gian và không gian có tồn tại hay không?
5.2.1 Thời gian – sự chuyển động
Trường hợp 1
Ta biết, sở dĩ có ngày – đêm là do Trái Đất tự quay quanh trục; sở dĩ có bốn mùa, có “năm” là do Trái Đất quay quanh mặt trời. Nếu nó không tự quay quanh trục, cũng không quay quanh mặt trời thì không có ngày – đêm, không có bốn mùa, không có “năm” như ta biết hiện nay. Như vậy, khái niệm “ngày – tháng – năm”, “bốn mùa” sinh ra do Trái Đất tự quay quanh trục và do sự chuyển động của Trái Đất quanh mặt trời. Nghĩa là, khái niệm thời gian phụ thuộc vào sự chuyển động.
Hình 17: Chúc mừng năm mới 138 TCN!
Bây giờ, ta tham khảo một định nghĩa về thời gian theo hệ SI [48]:
The second is the duration of 9,192,631,770 periods of the radiation corresponding to the transitionbetween the two hyperfine levels of the ground state of the caesium 133 atom.
Radiation is a process in which energetic particles or energy or waves travel through a medium or space.
Nghĩa là:
“Giây” là khoảng thời gian của 9.192.631.770 chu kì phóng xạ ứng với sự dịch chuyển giữa hai mức siêu tinh tế trong trạng thái cơ bản của nguyên tử caesium 133.
“Sự phóng xạ” là quá trình trong đó các hạt mang năng lượng, hoặc năng lượng, hoặc sóng, di chuyển qua một trung gian hoặc không gian.
Dựa vào những từ quan trọng nhất được in đậm, ta thấy định nghĩa thời gian chính xác như trên cũng dựa vào sự chuyển động.
Trường hợp 2
Bây giờ, ta giả định rằng không còn những chuyển động như trường hợp 1 mô tả thì con người sẽ quan niệm như thế nào về thời gian.
Lúc đó, không còn thời gian tuyệt đối nữa, ta sẽ quan niệm thời gian theo cách tương đối như sau: “lúc nãy – bây giờ – lát nữa”, chính là “quá khứ – hiện tại – tương lai”.
Ta hay nói “lúc nãy tôi ở đó, bây giờ tôi ở đây” nghĩa là ta quan niệm thời gian cũng dựa trên sự chuyển động. Cần biết rằng không thể lập luận “lúc nãy tôi ở đây, bây giờ tôi cũng ở đây” để phản bác quan niệm thời gian dựa vào chuyển động. Bởi nếu tất cả đều bất động, thì không có cái gì thay đổi, thì không có bất cứ cái gì khác biệt để có thể so sánh, nên không thể tồn tại “lúc nãy” khác biệt với “bây giờ”. Quan niệm tương đối của ta về thời gian, về “quá khứ – hiện tại – tương lai” cũng dựa trên sự chuyển động.
Như vậy, cả hai trường hợp đều đưa tới hệ quả là thời gian phụ thuộc vào sự chuyển động. Ở phần trên ta đã biết sự chuyển động phụ thuộc vào thời gian. Nghĩa là: thời gian phụ thuộc qua lại với sự chuyển động. Nếu vắng mặt sự chuyển động thì đồng thời cũng vắng mặt thời gian; ngược lại, vắng mặt thời gian thì vắng mặt sự chuyển động. Nếu cái này có mặt thì đồng thời cái kia cũng có mặt. Ta thấy thời gian – sự chuyển động chính là một quan hệ như Duyên Hợp mô tả.
5.2.2 Sự chuyển động – không gian – thời gian
Ngày nay, quan niệm phổ biến về nguồn gốc hình thành vũ trụ (không gian) theo giới vật lí là thuyết Big Bang, theo đó không gian được sinh ra do sự “giãn nở” từ một trạng thái cực kì đặc nóng ban đầu. “Giãn nở” là một sự chuyển động, nên theo quan niệm đó thì không gian được hình thành bởi sự chuyển động. Như vậy, không gian phụ thuộc vào sự chuyển động.
Ở phần trên ta đã biết sự chuyển động phụ thuộc vào không gian. Do đó: không gian phụ thuộc qua lại với sự chuyển động. Vắng mặt sự chuyển động vắng mặt không gian; ngược lại, vắng mặt không gian thì vắng mặt sự chuyển động. Không gian – sự chuyển động chính là một quan hệ như Duyên Hợp mô tả.
Như vậy, thời gian – sự chuyển động, không gian – sự chuyển động là hai quan hệ như Duyên Hợp mô tả. Nghĩa là bộ ba không gian – thời gian – sự chuyển động có quan hệ như Duyên Hợp mô tả. Nếu một trong chúng có mặt thì hai cái kia cũng đồng thời có mặt. Nếu một trong chúng vắng mặt thì hai cái kia cũng đồng thời vắng mặt
5.2.3 Không gian – đối tượng
Trường hợp 1
Khi nói đến không gian, ta không thể không nhắc tới hình học, ngành khoa học cung cấp cho chúng ta khái niệm chặt chẽ về không gian. Ta hãy khảo sát sơ nét về quan niệm không gian trong hình học.
Ngành hình học được xây dựng dựa trên các khái niệm cơ bản như sau: “điểm”, “đường”, “mặt”, “không gian”. Định nghĩa của chúng như sau:
“điểm”: 0 “chiều” (0 dimension)
“đường”: 1 “chiều”
“mặt”: 2 “chiều”
“không gian”: từ 3 “chiều” trở lên.
Như vậy, không gian được xác định bằng các đối tượng gọi là “chiều”. Nên cũng có thể gọi “đường” là “không gian 1 chiều”, “mặt” là “không gian 2 chiều”. Còn “điểm” thì không phải là “không gian” vì nó không có chiều.
Bây giờ ta khảo sát quan hệ giữa các khái niệm này.
(i) “đường” được coi là tập hợp của vô số “điểm”. Ta biết “điểm” có 0 “chiều” hay “không có bề rộng”; vậy tại sao tập hợp vô số điểm lại tạo thành “đường” có 1 “chiều” hay “có bề rộng” được? Điều này vô lí. Nói theo ngôn ngữ đại số thì:
0 chiều + 0 chiều + 0 chiều…………………… = 1 chiều!
(ii) “mặt” được coi là tập hợp của vô số “đường”. Tương tự (i), nó dẫn đến một điều vô lí sau:
1 chiều + 1 chiều + 1 chiều…………………… = 2 chiều!
(iii) “không gian” được coi là tập hợp của ít nhất một “mặt” và một “đường”; nghĩa là: 2 chiều + 1 chiều = 3 chiều.
Có thể nói quan niệm về “không gian” là hợp lí. Cái hợp lí này được xây dựng từ hai cái vô lí (i) và (ii) nói trên! Ta biết toán học không chấp nhận từ những tiền đề vô lí dẫn đến những suy luận có lí. Như vậy, ngành hình học đã tự mâu thuẫn. Nên quan niệm về không gian như trong hình học không thể áp dụng cho mọi trường hợp, và không thể xem nó là một quan niệm tuyệt đối chính xác.
Trường hợp 2
Ở trường hợp 1, ta đã khảo sát quan niệm không gian tuyệt đối theo kiểu toán học. Bây giờ, ta xem thử con người quan niệm tương đối về không gian như thế nào.
Thông thường, ta hay quan niệm về không gian theo kiểu có “chiều dài”, “chiều rộng”, “chiều cao”, tóm gọn là “ba chiều” hay còn gọi là “có khoảng cách”. “Chiều dài” là cái gì? Để xác định được nó ta cần ít nhất hai đối tượng rõ ràng, một chủ thể và một khách thể để so sánh. Chẳng hạn ta không thể hỏi “suy nghĩ của anh “dài” bao nhiêu mét?” vì nếu lấy suy nghĩ làm chủ thể thì khách thể của nó là gì để so sánh? Tương tự, “chiều rộng” và “chiều cao” cũng vậy.
Như vậy, để xác định được “chiều” hay “khoảng cách” thì ta cần ít nhất hai đối tượng cụ thể để so sánh, gọi là một cặp chủ thể – khách thể. Nghĩa là, không gian được tạo thành khi có mặt các cặp đối tượng chủ thể – khách thể. Nếu không có các đối tượng đó thì không có không gian. Ngược lại, nếu không có không gian thì hẳn nhiên là không có đối tượng nào tồn tại. Giống như khái niệm về “điểm” ta đã biết trong trường hợp 1, nó không phải là không gian nên không có đối tượng nào “bên trong” nó.
Ta thấy quan niệm về sự tồn tại của không gian cũng chỉ là tương đối và phụ thuộc qua lại với sự tồn tại của các cặp đối tượng chủ thể – khách thể. Như vậy, không gian – đối tượng là một quan hệ như Duyên Hợp mô tả. Hệ quả trực tiếp của nó là những quan niệm như “không gian trống rỗng” hay “hư không”, nghĩa là không gian không có đối tượng, là vô nghĩa.
Như vậy, kết hợp các phần ở trên, ta thấy bộ bốn không gian – thời gian – sự chuyển động – đối tượng có quan hệ với nhau như Duyên Hợp mô tả. Nếu vắng mặt một trong bốn thì những cái kia đồng thời vắng mặt. Nếu có mặt một trong bốn thì những cái kia đồng thời có mặt.
5.2.4 Đối tượng
Như vậy, ta đã biết quan niệm về không gian phụ thuộc qua lại với các đối tượng. Không có đối tượng thì không có không gian, và do đó, không có khoảng cách, không có chuyển động, không có thời gian, không có gì cả. Ngược lại, có đối tượng thì cùng lúc đó xuất hiện tất cả, không gian, khoảng cách, sự chuyển động, thời gian, sự sống cái chết v.v. Có đối tượng thì sẽ sinh ra cả vũ trụ. Ta cũng biết rằng “đối tượng” có thể là bất cứ hiện tượng, thực thể hay khái niệm nào cụ thể hay trừu tượng nào.
Hình 18: tương quan chủ thể – khách thể
Ở các phần trên, ta luôn nói đến tính tương đối khi so sánh các đối tượng. Để việc so sánh thực hiện được, ta cần ít nhất hai đối tượng, tạm gọi là chủ thể và khách thể.
Ta đã biết rằng quan hệ chủ thể – khách thể không cố định. Xét một quan hệ A – B thì khi so với A thì B là chủ thể, khi so với B thì A là chủ thể.
Tạm lấy một người A làm chủ thể thì lập tức xuất hiện rất nhiều quan hệ khác nhau của A với các khách thể. A có thể vừa là chồng, là ông, là cha, là con, là cháu, là bác, là chú, là anh, là em, là bạn, là đồng nghiệp, là kẻ thù (khi khách thể là người ghét A), là chủ nợ (với người nợ A), là con nợ (với người A nợ), là anh hùng (với các con), là người bình thường (với vợ), là người kém cỏi (với sếp), là người (với con mèo), là thức ăn (với cá mập), là vũ trụ (với vi sinh vật trong bụng A), không là gì cả (với một viên sỏi) v.v.
Mỗi khách thể của A lại là chủ thể, khi so với A và vô số khách thể khác. Ta hãy lấy một số phép tính để hình dung số lượng quan hệ giữa chủ thể – khách thể.
Trường hợp 1
– Nếu có 2 đối tượng AB thì số lượng quan hệ là X = 1.
– Nếu có 3 đối tượng ABC thì các quan hệ có thể có là: AB, AC, BC, ABC; nghĩa là số lượng quan hệ X = 4.
– Nếu có 4 đối tượng ABCD các quan hệ có thể có là: AB, AC, AD, BC, BD, CD, ABC, ABD, BCD, CDA, ABCD; nghĩa là số lượng quan hệ X = 11.
Ta lấy một ví dụ cụ thể bằng cách xét một gia đình gồm có 4 người: cha (A) – mẹ (B) – con gái (C) – con trai (D). Vậy thì:
AB là quan hệ cha – mẹ (hay vợ – chồng); AC là quan hệ cha – con gái; BD là quan hệ mẹ – con trai; CD là quan hệ chị – em; ABC là quan hệ cha – mẹ – con gái; ABCD là quan hệ của cả gia đình v.v.
Một cách tổng quát, muốn tính số quan hệ có thể có giữa n đối tượng thì bài toán tương đương với: tìm tổng số tập hợp X có thể tạo thành bởi n phần tử (không tính 1 tập hợp rỗng và n tập hợp chỉ có một phần tử).
Công thức tổng quát như sau: X = 2ⁿ – (n +1).
– Một nhóm gia đình có 5 người (n = 5) có thể tạo ra tối đa X = 26 quan hệ.
Từ đây, ta thấy trong một gia đình 4 người ABCD, nếu có thêm người thứ năm là E (chẳng hạn dâu / rể) thì sẽ phát sinh thêm 26 – 11 = 15 mối quan hệ mới. Nghĩa là, chỉ cần thêm một người E cũng tạo thêm số quan hệ (15) nhiều hơn hẳn tổng số quan hệ trong gia đình ABCD trước đó (11). Nên ta không ngạc nhiên khi thấy trong bất kì gia đình nào hay tổ chức xã hội nào, có thêm nhân tố là các quan hệ sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. (đây chính là “độ phức tạp theo hàm mũ”, khái niệm chỉ độ phức tạp lớn nhất trong toán học.)
– Một lớp học nhỏ có 10 học viên (n = 10) có thể tạo ra tối đa X = 1013 quan hệ.
– Một đội bóng đá có 20 cầu thủ (n = 20) có thể tạo ra tối đa:
X = 1.048.555 quan hệ (hơn một triệu quan hệ!).
– Một công ty nhỏ có 50 nhân viên (n = 50) có thể tạo ra tối đa:
X = 1.125.899.906.842.573 quan hệ (hơn một triệu tỉ quan hệ!!).
Trường hợp 2
Tiếp theo, ta hãy xét xem số quan hệ mà một đối tượng A có thể có với các đối tượng khác.
– Nếu có 1 đối tượng B thì số lượng quan hệ có mặt A là X = 1.
– Nếu có 2 đối tượng BC thì các quan hệ có mặt A là: AB, AC, ABC; X = 3.
– Nếu có 3 đối tượng BCD các quan hệ có mặt A là: AB, AC, AD, ABC, ABD, CDA, ABCD; nghĩa là số lượng quan hệ X = 7.
Nghĩa là trong một gia đình 4 người như trường hợp 1, số lượng quan hệ có mặt ba (A) là 7. Hoàn toàn tương tự, số lượng quan hệ có mặt mỗi thành viên khác cũng là 7.
Một cách tổng quát, muốn tính số quan hệ có mặt A với tập hợp n gồm đối tượng khác thì bài toán tương đương với: tìm tổng số tập hợp X có thể tạo thành từ n phần tử (không tính 1 tập hợp rỗng).
Công thức tổng quát như sau: X = 2ⁿ – 1.
– Một nhóm bạn nhỏ gồm có A và 4 người khác (n = 4) tạo ra tối đa X = 15 quan hệ có mặt A.
– Một lớp học nhỏ trong đó A là thầy của 10 học viên (n = 10) tạo ra tối đa:
X = 1023 quan hệ có mặt A.
– Một công ty nhỏ trong đó A là sếp của 20 nhân viên (n = 20) tạo ra tối đa:
X = 1.048.575 (hơn một triệu!) quan hệ có mặt A.
Điều đó có nghĩa là bất cứ một cá nhân nào trong xã hội cũng có thể tạo ra vô số mối quan hệ tương ứng với những người khác. Chính số lượng các mối quan hệ mà mỗi người có thể tạo ra là cực kì lớn, nên như đã biết về “độ phức tạp theo hàm mũ”, ta không ngạc nhiên khi trong đời sống thường ngày, càng có nhiều mối quan hệ thì cuộc sống riêng tư càng bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Như vậy, qua hai phép tính trong hai trường hợp trên, ta thấy được mạng lưới chủ thể – khách thể đan vào nhau vô cùng tận và tạo thành vô số quan hệ. Đây cũng là điều mà một số kinh điển hay nói tới, gọi là “trùng trùng duyên khởi”, còn có thể gọi là mạng lưới Duyên Hợp. Hệ quả trực tiếp là, càng liên quan với nhiều đối tượng thì càng đi sâu vào mạng lưới Duyên Hợp. Ngược lại, càng ít liên quan với đối tượng, hay gọi là ít dính mắc vào đối tượng, thì càng ít mắc vào mạng lưới Duyên Hợp.
5.2.5 Kết luận
Như vậy, từ các phần vừa nêu trên, ta biết rằng thời gian, sự chuyển động, không gian, các đối tượng, tất cả đều có quan hệ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau; không có cái nào trong chúng là cố định mà chúng chỉ có mặt (vắng mặt) trong tương quan với các yếu tố khác. Do đó, sự có mặt (vắng mặt) của một yếu tố này hiển nhiên kèm theo sự có mặt (vắng mặt) của những yếu tố khác. Chẳng hạn, vắng mặt sự chuyển động thì vắng mặt thời gian hoặc ngược lại, vắng mặt thời gian thì vắng mặt sự chuyển động. Hay là, vắng mặt các đối tượng thì không có không gian, thời gian, sự chuyển động…Có mặt các đối tượng thì lập tức có mặt, không gian, thời gian, sự chuyển động…Cả vũ trụ lập tức có mặt. Ta đã thấy được Duyên Hợp trong thời gian, sự chuyển động, không gian, trong các đối tượng…hay trong cả vũ trụ.
5.3 DUYÊN HỢP VÀ MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG TRUYỀN THỐNG
5.3.1 Nhân Quả
Xét cặp quan hệ Nhân – Quả trong Duyên Hợp trong một khoảnh khắc bất kì:
……….. Quả paccayā Nhân paccayā Quả paccayā Nhân paccayā Quả paccayā Nhân paccayā Quả paccayā Nhân………….
Ta thấy được chuỗi Nhân – Quả vô tận trong từng khoảnh khắc một như vậy. Nếu ta quan tâm đến khoảng cách thời gian tương đối giữa Nhân và Quả, thì ta đưa thêm đối tượng Thời gian (mà ta đã biết có tính chất Duyên Hợp) vào chuỗi trên. Lúc đó:
……….. Quả paccayā Thời gian paccayā Nhân paccayā Thời gian paccayā Quả paccayā Thời gian paccayā Nhân paccayā Thời gian paccayā Quả ………….
5.3.2 Luân hồi
Xét cặp quan hệ Sinh – Diệt trong Duyên Hợp, nghĩa là: Sinh paccayā Diệt đồng thời Diệt paccayā Sinh.
Như vậy, tại một khoảnh khắc bất kì:
………..Diệt paccayā Sinh paccayā Diệt paccayā Sinh paccayā Diệt paccayā Sinh paccayā Diệt paccayā Sinh………….
Ta thấy được chuỗi Sinh – Diệt vô tận của vạn vật trong từng khoảnh khắc một do Duyên Hợp như vậy. Đây là điều kinh điển hay mô tả “thấy được sự sinh diệt của vạn pháp trong từng sát-na”.
Nếu ta quan tâm đến khoảng cách thời gian tương đối giữa Sinh và Diệt, thì ta đưa thêm đối tượng Thời gian (mà ta đã biết có tính chất Duyên Hợp) vào chuỗi trên. Lúc đó:
………..Diệt paccayā Thời gian paccayā Sinh paccayā Thời gian paccayā Diệt paccayā Thời gian paccayā Sinh paccayā Thời gian paccayā Diệt ………….
Đây chính là luân hồi (samsāra) vốn có nguồn gốc từ các truyền thống tâm linh Ấn Độ trước khi đạo Phật ra đời, được mô tả bằng Duyên Hợp.
Hình 19: The wheel of life – Vòng đời, còn gọi là Luân hồi
Muốn giải thích xem kiếp trước ở đâu, kiếp sau ở đâu thì ta thêm đối tượng thứ tư là “không gian”. Muốn giải thích “kiếp trước? ở đâu? là gì?” thì ta thêm đối tượng thứ năm tạm gọi là “vật chất”. Muốn giải thích “kiếp trước? ở đâu? là gì? đẹp hay xấu?” thì ta thêm đối tượng thứ sáu tạm gọi là “thẩm mỹ”. Muốn giải thích “kiếp trước? ở đâu? là gì? đẹp hay xấu? thiện hay ác?” thì ta thêm đối tượng thứ bảy tạm gọi là “tính chất”…………….Cứ như vậy, càng bám víu vào nhiều đối tượng thì càng đi sâu vào vòng luân hồi và bị dính mắc trong vô số quan hệ giữa vô số đối tượng như đã biết.
Thử tưởng tượng nếu kiếp trước là một viên sỏi chẳng hạn, thì gần như tất cả các đối tượng vừa kể trên không cần phải đặt ra.
5.4 DUYÊN HỢP TRONG VẬT LÍ
5.4.1 Cơ học cổ điển
Ngành vật lí được coi là “vua” của thế giới vật chất, bởi phần lớn thế giới vật chất được giải thích rất chặt chẽ dưới nhãn quan vật lí. Nhưng cũng có nhiều hiện tượng đơn giản mà ngành vật lí không thể giải thích được.
Ta biết khi học ở trung học, ai cũng học về các định luậtNewtonvề chuyển động, còn gọi là cơ học cổ điển. Trong đó có một đinh luật với nội dung như sau:
“Khi A tác động một lực force lên B (A force B) thì đồng thời B cũng tác động một lực đúng bằng force lên A (B force A).”
Vấn đề nằm ở chỗ chữ “đồng thời”. Các nhà vật lí không thể giải thích được tại sao sự tác động là đồng thời; mà lẽ ra A force B trước rồi sau đó B mới force A, nghĩa là phải có một khoảng thời gian giữa hai tác động qua lại này.
Hơn nữa, giới vật lí không biết bản chất của lực là gì? Và lực sinh ra từ đâu?Newton khiêm tốn nhận rằng ông không biết trả lời những câu hỏi đó, và bằng lòng với một giải thích ngắn gọn “do Thượng Đế muốn thế!”.
Tất cả những câu hỏi trên mà giới vật lí không giải thích được đều có thể trả lời một cách đơn giản: do Duyên Hợp.
5.4.2 Cơ học lượng tử
Năm 1803, nhà vật lí Thomas Young công bố “thí nghiệm hai khe” (double-slit experiment) để chứng minh ánh sáng có tính chất liên tục của sóng. Ánh sáng có bản chất sóng.
Năm 1905, dựa trên những công trình trước đó của hai nhà vật lí Heinrich Hertz và Max Planck, ông Albert Einstein đã giải thích “hiện tượng quang điện” (photoelectric effect) bằng cách xem ánh sáng cấu thành bởi những hạt rời nhau gọi là photon. Nghĩa là ánh sáng có tính chất rời rạc của hạt. Ánh sáng có bản chất hạt.
Ngày nay, ánh sáng được coi là có bản chất lưỡng nguyên sóng – hạt (wave – particle duality). Tuy vậy, ta không thể đồng thời “nhìn thấy” cả tính sóng và tính hạt của ánh sáng. Tính hạt của ánh sáng không thể hiện qua thí nghiệm hai khe. Tính sóng của ánh sáng không thể hiện qua hiện tượng quang điện.
Vấn đề tưởng chừng đơn giản này lại tạo ra một làn sóng tranh luận lớn trong cộng đồng vật lí đầu thế kỉ hai mươi. Bởi nó chạm đến quan niệm nền tảng của giới khoa học, cụ thể ở đây là giới vật lí. Hầu hết giới vật lí cho đến thời điểm đó quan niệm rằng bản chất tối hậu (còn gọi là tự tính) của vật chất, cụ thể ở đây là ánh sáng, thì bất biến trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Nghĩa là, dù ta quan sát nó bằng cách nào thì nó phải luôn thể hiện tự tính của nó. Giống như ta quan niệm tự tính của ánh sáng là trong suốt không màu thì dù cho ta có đeo kính đen, kính đỏ để quan sát thì tự tính của ánh sáng vẫn là trong suốt. Quan niệm như vậy trong giới vật lí được gọi là quan niệm tất định (deterministic view) về thực tại. Nó tương tự như quan niệm về ātman thường hằng, độc lập, bất biến tại Ấn Độ thời Đức Phật.
Hình 20: Ở ngưỡng cửa thiên đường: “Tôi vẫn không hiểu gì về vật lí lương tử”.
Bên cạnh đó, một số nhà vật lí (cụ thể là trường pháiCopenhagenmà tiêu biểu là Werner Heisenberg) quan niệm rằng ánh sáng không có tự tính; nghĩa là, ánh sáng thể hiện tính sóng hay tính hạt tùy thuộc vào người quan sát (nói chính xác là “thiết bị quan sát”). Nếu ta chọn cách quan sát ánh sáng bằng thí nghiệm hai khe, thì nó thể hiện tính sóng. Nếu ta chọn cách quan sát ánh sáng bằng hiện tượng quang điện, thì nó thể hiện tính hạt. Giống như ta quan niệm màu sắc ánh sáng tùy thuộc vào “thiết bị” ta đeo trên mắt: nếu ta đeo kính đen ánh sáng có màu đen; nếu ta đeo kính đỏ ánh sáng có màu đỏ; nếu ta không đeo kính thì ánh sáng không màu. Quan niệm như vậy trong giới vật lí được gọi là quan niệm có tính “xác suất” (probabilistic view) về thực tại. Nó có nội dung tương tự như Duyên Hợp trong đạo Phật.
Ngoài ra, quan niệm về thực tại không có tự tính trong vật lí tương tự với “tính không” (śunyāta) trong kinh điển Đại thừa. Ta biết rằng luận sư Long Thụ (Nāgārjuna) đã xây dựng biện chứng luận về tính không dựa trên Duyên Hợp [49], nên có thể nói rằng tính không chính là Duyên Hợp. Và ta cũng không ngạc nhiên khi ngày nay, nhiều nhà vật lí lượng tử đã công nhận quan niệm về thực tại không có tự tính, môt thực tại “tính không”, nghĩa là thực tại như Duyên Hợp mô tả.
5.5 DUYÊN HỢP TRONG ĐỜI SỐNG
Ta có A paccayā B.
Khi thay paccayā bằng bất kì quan hệ nào, ta thấy :
– A yêu B thì đồng thời B yêu A.
– A ghét B thì đồng thời B ghét A.
– A vui B, B vui A.
– A khổ B, B khổ A.
– A quan tâm B, B quan tâm A.
– A thiện B, B thiện A.
– A ác B, B ác A.
v.v.
Khi A yêu B mà B không yêu A, thì như ta đã biết: cần thêm 1 đối tượng C khác, và còn tùy thuộc vào đối tượng C như thế nào.
– C có thể là 1 người; và bởi B đang yêu C nên B không yêu A.
– C có thể là 1 người; và bởi B vừa bị C bỏ nên B buồn và không muốn yêu ai.
– C có thể là 1 người; C là cha hoặc mẹ đang bệnh nên B không dám yêu ai để dành thời gian chăm sóc cha mẹ.
– C có thể không là người; B đang đi học (C = đi học) nên chưa muốn yêu ai.
– C có thể không là người; B thích sống độc thân (C = độc thân) nên không thích yêu ai. v.v. và v.v.
Từ đó, ta thấy rằng việc “khuyến thiện trừ ác” hay tất cả những gì thuộc về đời sống tinh thần vật chất của con người không đơn thuần chỉ là tuân theo quy tắc đạo đức, quy tắc tôn giáo hay luật pháp của xã hội; mà chúng là quy luật tự nhiên như Duyên Hợp mô tả. Ta làm một so sánh tương đối như sau: nếu xem thế giới vật chất hoạt động theo quy tắc tự nhiên của vật lí, thì thế giới tinh thần hoạt động theo quy tắc tự nhiên của Duyên Hợp. Suy nghĩ thiện, lời nói thiện, hành động thiện, con người thiện, đời sống thiện…tất cả sẽ tạo nên vô số tác động qua lại với nhau và tạo thành một thế giới thiện, tạo nên đời sống an vui cho mọi người, mọi loài.
Hết
Kan