Nếu bạn không biết chắc, thì đừng nói, đừng làm điều đó, đừng buông lung.
Tu hành không phải dễ. Có rất nhiều thứ mà chúng ta không biết - chẳng hạn, những giáo lý như “biết thân, thì biết được thân trong thân” hay “biết tâm, thì biết được tâm trong tâm”. Nếu chúng ta chưa tu tập những điều này, chúng ta có thể không hiểu gì cả. Trong quá khứ, tôi đã từng là một vị thầy, nhưng chỉ một vị “thầy nhỏ”. Tại sao tôi nói là một “vị thầy nhỏ?” Bởi vì lúc đó tôi không tu hành. Tôi dạy luật nhưng tôi không hành luật. Một người như vậy, tôi gọi là một vị thầy nhỏ, một vị thầy thấp. Tôi nói là một “vị thầy thấp” bởi vì tôi chưa tu hành tới đâu cả. Sự tu hành của tôi lúc đó còn ở dưới xa, cứ như thế tôi chưa biết gì về giới luật.
Tuy nhiên, ý tôi muốn nói là trên thực tế, khó có thể hiểu biết Luật tạng hoàn toàn, bởi vì có những thứ, dầu chúng ta biết hay không, vẫn bị xem là vi phạm. Thật là rắc rối. Thế nhưng chúng ta buộc phải học hỏi và tôn trọng mỗi một giới luật. Nếu không hiểu một điều gì, chúng ta phải cố gắng học hỏi. Nếu chúng ta nỗ lực, tự nó đã là một sự vi phạm.
Giả sử có một người đàn bà và bạn không biết đó là đàn bà hay đàn ông, bạn chạm vào người đó. Bạn không biết chắc người này là đàn ông hay đàn bà, nhưng bạn vẫn chạm vào người họ, đó là sai. Có một lúc, tôi cũng không hiểu tại sao như thế là sai, nhưng sau này tôi mới nhận ra rằng người tu hành phải cảnh giác, phải thận trọng. Lúc nói chuyện, đụng chạm hay nắm vật gì, họ phải suy nghĩ trước. Sự sai lầm ở đây là hành giả không tỉnh giác hay thiếu thận trọng.
Sau đây là một thí dụ khác. Trời mây mù nên dầu chỉ mới 11 giờ trưa mà thấy giống như đã chiều tối. Chúng ta không thấy mặt trời mà cũng không có đồng hồ, và chúng ta nghĩ rằng lúc này là buổi chiều. Chúng ta thật sự cảm thấy rằng lúc này là buổi chiều, nhưng chúng ta vẫn đi kiếm một thứ gì đó để ăn. Khi chúng ta bắt đầu ăn thì mây kéo đi và mặt trời chiếu rọi. Nhìn vị trí mặt trời, chúng ta biết bấy giờ là vào khoảng 11 giờ trưa. Dầu là thế, chúng ta vẫn bị xem là phạm giới. Tôi đã từng bâng khuâng, “Hả? Tại sao vậy? Chưa đến giữa trưa thì làm sao có thể gọi hành động đó là phạm giới được”.
Ở đây, chúng ta phạm giới là vì sự lơ là, không dè dặt và không kiềm chế. Nếu nghi ngờ mà vẫn làm, đó là phạm giới. Chúng ta nghĩ rằng trời đã chiều mặc dầu sự thật thì không phải như vậy. Hành động ăn uống tự nó không phải là sai, nhưng chúng ta phạm giới vì chúng ta lơ là và bất cẩn. Nếu đó thật sự là buổi chiều, nhưng chúng ta nghĩ rằng đó không phải là buổi chiều, thì tội càng nặng hơn. Nếu chúng ta nghi ngờ mà vẫn làm, thì dầu hành động đó là đúng hay sai, chúng ta vẫn bị xem là phạm giới. Nếu hành động tự nó là không sai trái, thì tội nhẹ hơn, nhưng nếu nó là một hành động sai trái, thì tội nặng hơn. Giới luật có thể phức tạp đến vậy đó!
Có một lần, tôi đọc cuốn kinh Luật (Silanidesa), đầu tôi cảm thấy như muốn nổ tung! Tôi cho rằng những điều này là bất khả thi đối với con người. Nhưng rồi tôi nghĩ, Đức Phật sẽ chẳng giảng dạy một điều gì mà chúng ta không thể thực hành. Ngài sẽ chẳng dạy những điều đó và Ngài sẽ chẳng công bố nó, bởi vì những điều đó chẳng lợi ích gì cho Ngài hay cho những người khác.
Vào lúc đó, tôi vẫn còn vật lộn với sự tu hành của mình. Tôi bị kẹt. May thay, tôi có cơ hội gặp Đại Đức Ajahn Mun, nên tôi hỏi ngài, “Đại Đức Ajahn, tôi phải làm sao đây? Tôi mới tu, và vẫn chưa biết tu thế nào mới đúng. Tôi nghi ngờ nhiều thứ quá”.
Ông hỏi, “Vấn đề là gì vậy?”
“Trên đường tu hành, tôi có đọc cuốn kinh Luật. Tôi cảm thấy nó rất li ti và không thực tiễn chút nào. Tôi không tin là có người nào thực hành được tất cả. Không cách nào có thể nhớ hết tất cả những quy luật nhỏ nhặt trong đó. Tôi không thể làm được”.
Ông nói với tôi, “Đúng là có rất nhiều thứ trong đó, nhưng thật sự thì không nhiều. Nếu chúng ta phải nhớ hết mọi giới luật trong Luật Tạng, thì khó thật. Nhưng sự thật thì cái mà chúng ta gọi là giới luật nảy sinh từ đầu óc con người. Nếu chúng ta huấn luyện đầu óc này để nó biết xấu hổ và sợ làm điều ác, thì chúng ta sẽ kiềm thúc, chúng ta sẽ thận trọng.
“Điều này sẽ khiến chúng ta biết thiểu dục tri túc, bởi vì chúng ta không thể chăm sóc quá nhiều thứ, và rồi chúng ta trở nên tỉnh giác hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ có thể duy trì sự tỉnh giác vào mọi lúc. Bất kỳ là ở đâu, chúng ta cũng cố duy trì sự tỉnh giác. Chúng ta trở nên thận trọng hơn. Mỗi khi bạn nghi ngờ một điều gì, đừng nói điều đó, đừng làm việc đó. Nếu có gì bạn không hiểu, hỏi vị thầy. Cố thực thi mọi giới luật là điều rất phiền toái, nhưng chúng ta nên xem thử mình có sẵn sàng nhận lỗi không. Chúng ta có chấp nhận chúng không?
Giới luật rất quan trọng. Chúng ta không nhất thiết phải nhớ hết mỗi một giới, nhưng chúng ta phải biết cách điều phục tâm của mình.
“Tất cả những thứ mà bạn từng đọc nảy sinh trong đầu. Nếu bạn vẫn chưa huấn luyện đầu óc để có được sự nhạy bén và sáng suốt, bạn sẽ luôn luôn nghi ngờ. Hãy nhớ đến giáo lý của Đức Phật. Hãy tĩnh tâm. Bất cứ điều gì khiến bạn nghi ngờ, đừng nghĩ tới nó. Nếu bạn không biết chắc một điều gì, thì đừng nói hay làm điều đó. Chẳng hạn, nếu bạn bâng khuâng, “Không biết điều này là đúng hay sai?” - nếu bạn không biết chắc, thì đừng nói, đừng làm điều đó, đừng buông lung.
Sự giảng dạy này rất phù hợp với tám phương pháp (Bát Chánh Đạo) để đo lường chánh pháp của Đức Phật. Bất cứ giáo lý nào nói về sự tiêu trừ phiền não, đưa con người thoát khỏi khổ đau, giảng dạy sự xa lìa dục lạc, tri túc, khiêm tốn, từ bỏ danh lợi, ẩn dật, tinh tấn, và sống giản dị là bản chất của Pháp Luật (Dhamma-vinaya), là giáo lý của Đức Phật. Bất cứ thứ gì đi ngược lại đường lối này thì không phải là giáo lý của Đức Phật.
Nếu chúng ta thành tâm, chúng ta sẽ biết xấu hổ và sợ làm sai. Chúng ta sẽ biết rằng khi nghi ngờ một điều gì, chúng ta sẽ không nói hay làm điều đó.
Khi nghiên cứu tạng luật với Đại Đức Ajahn Mun, tôi đã học hỏi được rất nhiều thứ. Có những ngày trong kỳ an cư kiết hạ, tôi nghiên cứu nó từ sáu giờ chiều cho đến sáng hôm sau. Tôi hiểu rất nhiều. Tôi đã nỗ lực rất nhiều để thực thi những quy luật này, nhưng sau này, tôi buông bỏ chúng dần. Có quá nhiều thứ. Tôi không biết đâu là chính, đâu là phụ. Tôi thâu gom hết. Khi tôi hiểu rõ hơn, thì tôi xã bỏ dần, bởi vì nó nặng nề quá. Tôi chỉ quan sát tâm của mình và dần dần bỏ đi phần chữ.
Tuy nhiên, khi giảng dạy các tăng sĩ ở đây, tôi vẫn lấy luật tạng làm tiêu chuẩn. Tôi thường đọc cho các đệ tử nghe, có khi đến nửa đêm. Chúng tôi vẫn cảm thấy thích thú. Thật ra, bạn không thể hiểu kinh luật chỉ bằng sự lắng nghe. Bạn phải cứu xét và suy ngẫm nhiều.
Mặc dầu tôi nghiên cứu những thứ này đã nhiều năm, tôi vẫn không hiểu hết tất cả, bởi có nhiều điều rất tối nghĩa và mơ hồ trong sách. Đã nhiều năm rồi, tôi chưa nhìn lại sách luật và đã quên khá nhiều thứ, nhưng tâm tôi không hề có sự nghi ngờ hay thiếu sót. Tôi hiểu. Tôi đặt sách vở qua một bên và tập trung phát triển tâm của mình. Tâm biết giá trị của giới hạnh, nên nó không làm điều gì sai trái cả. Tôi không giết thú vật, ngay cả những con vật nhỏ. Nếu có người nào yêu cầu tôi giết một con kiến hay con mối, đập chết nó với đôi tay của mình, chẳng hạn, tôi không thể làm được dầu họ có cho tôi rất nhiều tiền. Dầu chỉ một con kiến hay một con mối thôi! Đối với tôi, đời sống của con kiến có giá trị nhiều hơn một đống tiền.
Tuy nhiên, có thể tôi đã làm cho một côn trùng chết, chẳng hạn như khi một thứ gì đó bò lên chân tôi và tôi phủi nó đi. Có lẽ nó chết, nhưng khi nhìn vào tâm mình, tôi không thấy có mặc cảm tội lỗi. Không nao núng hay nghi ngờ gì cả. Tại sao? Bởi vì ý định sát hại không có ở đó. “Ý định là cốt tủy của sự trau dồi đức hạnh”. Trong quá khứ, khi chưa hiểu biết, tôi sẽ đau khổ về những việc như thế. Tôi sẽ cho rằng mình phạm giới. “Phạm giới gì? Đâu có ý muốn ở đó”. Không có ý định, đúng, nhưng tôi đã không thận trọng!” Tôi sẽ nghĩ như thế mãi, rồi buồn phiền và bực dọc.
Cho nên giới luật này có thể quấy nhiễu người tu hành, nhưng nó cũng có giá trị của nó, đó là “Bất cứ giới luật nào bạn chưa biết, bạn phải học hỏi. Nếu bạn không biết, bạn nên hỏi những người biết”. Họ thật sự nhấn mạnh điều này.
Bây giờ nếu chúng ta không biết giới luật, chúng ta sẽ không biết là mình đang vi phạm chúng. Chẳng hạn, có một hôm, đệ tử của Đại Đức Ajahn Por, đang ngồi với ngài, thì có vài phụ nữ đến hỏi Ajahn Pow.
Luang Por! Chúng tôi muốn mời ngài đi tham quan với chúng tôi”.
Luang Por không trả lời. Thấy thầy yên lặng, người đệ tử mới nói:
“Luang Por, Luang Por! Ngài có nghe không?” Những phụ nữ này mời ngài đi chơi”.
Ông đáp, “Ta nghe”.
Những phụ nữ này lại hỏi, “Luang Por, ngài có đi không?”
Ông chỉ ngồi đó yên lặng, và lời thỉnh cầu đó chẳng đi tới đâu cả. Khi họ đi hết, người đệ tử mới hỏi,
“Luang Por, tại sao ngài không trả lời những người đàn bà đó?”
Ông nói, “Này con, con không biết quy định này sao? Những người vừa mới đây đều là phụ nữ. Nếu phụ nữ mời con đi với họ, con không nên chấp thuận. Nếu họ tự mình sắp xếp mọi việc, thì không sao. Trong trường hợp đó, ta có thể đi nếu ta muốn, bởi vì ta không dự phần trong sự sắp xếp này”.
Sách luật nói rằng việc sắp xếp để đi chung với phụ nữ, dầu là đi với một nhóm người, không phải với một người, cũng bị xem là phạm giới.
Một ví dụ khác. Đôi lúc, người tại gia đặt tiền trên một cái khay để cúng dường Đại Đức Ajahn Pow. Ông đưa tấm vải nhận cúng dàng ra, tay nắm ở đầu kia tấm vải. Nhưng khi người ta đặt khay tiền trên tấm vải, ông rút tay khỏi tấm vải. Rồi ông cứ để tiền ở đó. Ông biết nó ở đó, nhưng ông không quan tâm đến nó, mà chỉ việc đứng dậy và đi nơi khác. Ông làm thế bởi vì kinh luật nói rằng nếu ta không chấp thuận món tiền nào đó, ta không cần phải ngăn cấm người tại gia cúng dàng nó. Nếu ông thật sự thích món tiền đó, ông sẽ phải nói, “Này người, tu sĩ không được phép nhận tiền”. Ông sẽ phải nói với họ như thế. Nếu bạn muốn một điều gì đó, bạn phải ngăn cấm người ta cúng dàng những gì không được phép nhận. Tuy nhiên, nếu bạn thật sự không ước muốn điều đó, bạn không cần phải nói gì cả. Bạn chỉ việc để đó và đi nơi khác.
Mặc dầu Ajahn và các đệ tử của ngài sống với nhau đã nhiều năm, có vài người vẫn không hiểu sự tu hành của ngài. Thật đáng buồn. Riêng tôi, tôi thấy trong sự tu hành của ngài Ajahn Pow, có nhiều điều rất tinh tế mà tôi cần phải xem xét và suy ngẫm.
Giới luật có thể làm cho một số người hoàn tục. Khi nghiên cứu kinh luật, họ khởi đủ thứ niệm nghi ngờ. Họ nghĩ về quá khứ. Nghi lễ thọ giới của mình lúc trước có đúng không nhỉ? Không biết vị tăng truyền Pháp cho mình có tinh khiết không? Không có tỳ kheo nào ngồi trong buổi lễ thọ giới của mình biết chút gì về giới luật, nên không biết họ có ngồi đúng khoảng cách không? Không biết mình tụng kinh có đúng phương pháp không?” Hết nghi ngờ này đến nghi ngờ khác. “Chánh điện mà mình thọ giới tỳ kheo có đúng tiêu chuẩn không? Nó nhỏ quá...”. Họ nghi ngờ nhiều thứ và rơi vào địa ngục.