Bài 5: Sự nhận thức điên loạn và sự nhận thức đúng đắn

30/11/20193:47 CH(Xem: 5615)
Bài 5: Sự nhận thức điên loạn và sự nhận thức đúng đắn

THIỀN ĐỊNH
MỘT PHƯƠNG PHÁP BIẾN CẢI TÂM LINH
Đức Đạt-lai Lạt-ma
và Urgyen Sangharakshita
Hoang Phong chuyển ngữ

***

Bài 5

Sự nhận thức điên loạn và sự nhận thức đúng đắn

 

            Vậy sự nhận thức điên loạn (alienated awareness) và sự nhận thức đúng đắn là gì? Sự nhận thức hòa nhập (integrated awareness) là gì? Sự nhận thức này hòa nhập với cái gì? Khi nào chúng ta giải đáp thỏa đáng được các thắc mắc ấy thì bản chất khác biệt giữa "sự nhận thức điên loạn" và "sự nhận thức hòa nhập" sẽ hiện ra rõ rệt hơn.

            Một cách vắn tắt, chúng ta có thể bảo rằng sự "nhận thức điên loạn" là sự nhận thức về chính mình, thế nhưng bên trong sự nhận thức đó chúng ta không thật sự cảm nhận được con người của mình, có nghĩa là trong sự nhận thức đó chúng ta không thật sự cảm nhận được các cảm giác và xúc cảm của mình. Ơ thể dạng cao nhất của nó, sự nhận thức điên loạn là một sự nhận thức về thể dạng phi-cảm-nhận về con người của mình (our own non-experience of ourselves). Có thể bảo đấy là một sự nhận thức về mình nhưng mình thì lại dường như "không có ở đó", điều này quả hết sức phi lý (ý thức được là mình, cái tôi của mình, thế nhưng đầu óc thì hoang mang và xao lãng, không cảm nhận được thật sự những gì đang xảy ra trên thân thể mình và trong tâm thần mình). Thật hiển nhiên, rơi vào tình trạng đó thật hết sức nguy hiểm. Sự ý thức điên loạn đó có thể đi kèm với các triệu chứng đủ loại trên thân thể, tất cả các triệu chứng này đều trầm trọng, chẳng hạn như các cơn nhức đầu khủng khiếp. Triệu chứng nhức đầu càng dễ xảy ra hơn khi chúng ta cố tình làm gia tăng sự nhận thức điên loạn của mình bằng cách cho rằng triệu chứng đó là do sự cố gắng luyện tập chú tâm của mình tạo ra (tuy nhiên tôi không có ý nói rằng là tất cả các triệu chứng nhức đầu trong khi thiền định đều là do sự nhận thức điên loạn gây ra). 

            Sự nhận thức hòa nhập (ntegrated awareness, tức là sự nhận thức ngược lại với sự nhận thức điên loạn/alienated awareness) là một sự nhận thức về mình, thế nhưng đồng thời qua sự nhận thức đó mình cũng cảm nhận được cùng một lúc cả con người của mình. Sự cảm nhận đó về chính mình có thể là tích cực hay tiêu cực, có nghĩa là mình đang ở trong một trạng thái tâm thần mang tính cách tích cực hay tiêu cực. Nếu đang ở trong trạng thái tâm thần tiêu cực thì sự tiêu cực đó cũng sẽ được giải tỏa, bởi vì một khi cứ tự để mình cảm nhận được sự tiêu cực đó của mình thì mình cũng sẽ ý thức được tình trạng đó [để biến cải nó].

(Các phần trên đây là cách định nghĩa về sự "nhận thức" hay "ý thức" về chính mình. Sự nhận thức đó gồm có hai thể dạng. Thể dạng thứ nhất là sự nhận thức điên loạn (alienated awareness), có thể hiểu như là một sự "xao lãng tâm thần", không ý thức được mình là gì, đang là như thế nào, điều này cũng có nghĩa là "ý thức" được cái tôi của mình, thế nhưng mình không "cảm nhận" được cũng không "nhận thức" được một cách chính xác con người của mình đang là như thế nào, trong trạng thái tâm thần nào. Thể dạng thứ hai là sự nhận thức hòa nhập (integrated awareness) là một sự tập trung tâm thần cao độ, kết hợp cùng lúc cả hai khả năng "cảm nhận" (experience) và "nhận thức" (awareness), mang lại cho mình một sự ý thức sắc bén về thực trạng con người của mình, Sự nhận thức này cũng chính là điều kiện căn bản và tiên khởi nhất trong phép luyện tập về sự chú tâm).

 

Ba cấp bậc của sự cảm nhận và nhận thức

 

            Tuy nhiên một số người trong chúng tathể không phân biệt rõ ràng được sự khác biệt trên đây (giữa hai thể dạng nhận thức điên loạn và nhận thức hòa nhập) qua các cảm kinh nghiệm cảm nhận riêng tư của mình. Vậy chúng ta hãy tìm hiểu thêm về sự khác biệt này qua một góc nhìn khác hơn với một vài thay đổi nhỏ. Đó là cách phân biệt sự cảm nhận của mình theo ba cấp bậc hay mức độ khác nhau. Cấp bậc thứ nhất là cấp bậc cảm-nhận (experience) phi-nhận-thức (without awareness) (cảm nhận nhưng không có một sự nhận thức hay ý thức chính xác nào về sự cảm nhận đó của mình). [Trên thực tế] chúng ta gần như thường xuyên ở trong tình trạng này. Chúng ta cảm thấy hạnh phúc hay buồn khổ, đớn  đau hay hân hoan, thương yêu hay hận thù, thế nhưng lại không thực sự hiểu được hay hoàn toàn nhận thức được (ý thức được hay nhận biết được) sự kiện chính con người của mình đang cảm nhận các thứ ấy. [Trong trường hợp này sẽ] không có một sự nhận thức nào cả, mà chỉ đơn giản là các cảm giác hay các cảm tính [hiện ra với mình] mà thôi. Chúng ta hoàn toàn bị lạc hướng trước các sự cảm nhận đó của mình. Chẳng hạn như rơi vào một cơn thịnh nộ mãnh liệt thì chúng ta "không còn biết mình là ai nữa" (chúng ta cảm nhận được sự thịnh nộ, nhưng không nhận biết được vị trívai trò của mình trong cơn thịnh nộ đó, mình bị tràn ngập bởi cơn thịnh nộ và không nhận thức được là chính mình đang thịnh nộ, mình "quên mất con người đích thật của chính mình"). Sau khi đã nguôi giận và hồi tỉnh lại, thì khi đó chúng ta mới nhận thấy các điều tai hại do mình gây ra. Chúng ta tự nghĩ: "Tôi không còn nhớ đã làm những gì. Lúc đó tôi không còn là tôi nữa. Tôi quên mất con người của chính tôi.". Nói một cách khác là khi nào mình vẫn còn nhận diện mình xuyên qua các xúc cảm đó, và vẫn còn bị chúng chi phối, thì khi đó sẽ không có một sự nhận thức nào có thể xảy ra với mình cả. Ở vào cấp bậc thứ nhất này thì chỉ có sự cảm nhận mà thôi - thế nhưng cảm nhận thì nhiều vô kể (luôn dồn dập, tiếp nối và xô đẩy nhau trong cuộc sống) - nhưng không có một sự nhận thức (hay ý thức) nào đi kèm với các sự cảm nhận đó (câu này vô cùng quan trọng cho thấy chúng ta sống trong một tình trạng cảm nhận thường xuyên: vui buồn, đớn đau, giận dữ, thương yêu, ghen tuông, ganh tị, thèm khát, hy vọng, tiếc nuối, sợ hãi, lo âu..., nhưng không có một ý niệm nào về con người của mình phía sau những sự cảm nhận đó, tức là vai tròvị trí của mình trong cuộc sống thường nhật của chính mình. Nhà sư Sangharakshita gọi đó là cấp bậc tâm thần chỉ gồm toàn các thứ cảm nhận đủ loại, thế nhưng sự nhận thức thì không có, đấy cũng chính là tình trạng xao lãng thường xuyên trong cuộc sống của mỗi cá thể, dưới một một góc nhìn khác thì cũng có thể gọi đó là một cuộc sống "vô minh").  

            Cấp bậc thứ hai là sự nhận-thức phi-cảm-nhận (tức là sự nhận thức nhưng trong đó không có sự cảm nhận nào cả có nghĩa là ngược lại với cấp bậc thứ nhất trên đây gồm toàn các sự cảm nhận nhưng bên trong các sự cảm nhận ấy không có một sự nhận thức thật sự nào cả). Sự nhận thức đó gọi là sự nhận thức điên loạn (alienated awareness). Tình trạng đó cũng tương tự như mình lùi lại phía sau trước một sự cảm nhận nào đó đang xảy ra với mình (chỉ nhận thấy mình, ý thức được là mình, thế nhưng hoàn toàn không ý thức được các sự cảm nhận đang xảy ra với mình. Chúng ta không hay biết gì cả về các sự cảm nhận đó ngoài cái tôi đang chi phối mình. Đây cũng lại là một hình thức xao lãng khác). Sự cảm nhận đó dường như không phải là của mình mà là một cái gì đó xảy ra ở "phía đằng kia" (không liên hệ gì đến mình, không phải là trên thân thể mình hay trong tâm thức mình). Trong trường hợp đó chúng ta không hề cảm nhận một cách thực sự, không hề cảm thấy chính xác các cảm tính của mình. Chúng ta yêu thương nhưng không thật sự là yêu thương, chúng ta thù hận nhưng không thật sự là thù hận. [Đó là cách mà] chúng ta tự đứng ra một bên để nhìn vào các cảm nhận của mình, qua sự nhận thức điên loạn của mình (xin mạn phép nhắc lại mục đích tiên khởi và sơ đẳng nhất của phép thiền định là sự chú tâm, đó là cách giúp mình trở về với chính mình... trước khi có thể đi xa hơn. Cả hai thể dạng tâm thần trên đây: cảm-nhận phi-nhận-thức và nhận-thức phi-cảm-nhận đều là các hình thức xao lãng, nhà sư Sangharakshita gọi hai thể dạng tâm thần này là sự nhận thức điên loạn hay bấn loạn).   

            Cấp bậc thứ ba là cấp bậc của sự "cảm nhận" và cả "nhận thức" (cả hai cùng xảy ra chung với nhau tạo ra cho mình sự ý thứcchú tâm). Đó là sự nhận thức hòa nhập (integrated awareness, sự nhận thức thăng bằng và hợp nhất, có thể hiểu là "chánh niệm" trong kinh sách Hán ngữ). Trong trường hợp này, nhờ vào sự nhận thức hòa nhập đó, các sự cảm nhận về các xúc cảm của chúng ta sẽ có chiều hướng tích cực hơn là tiêu cực. Trong trường hợp này không những chúng ta sẽ tạo được cho mình sự cảm-nhận mà còn bị tràn ngập bởi sự cảm-nhận và trở thành chính sự cảm-nhận đó, và đấy cũng là cách mà mình tạo ra cho mình sự nhận-thức (cấp bậc thứ ba này có thể xem như là một sự chú tâm thật cao độ và hoàn hảo, một thể dạng tâm thức tròn đầy, hoà nhập và thăng bằng. Xin mạn phép nhắc lại là kinh sách Tây phương gọi thể dạng này là mindfulness/pleine conscience, kinh sách Hán ngữ gọi là "chánh niệm"/). Sự nhận-thức và sự cảm-nhận cả hai cùng kết hợp với nhau. Chúng ta có thể bảo rằng sự nhận thức mang lại sự trong sáng (minh bạch, sáng suốt) cho sự cảm nhận, và sự cảm nhận mang lại chất liệu (đối tượng) cho sự nhận thức. Một sự hợp nhất (coalescence/một sự cô đọng hay hòa đồng) sẽ xảy ra giữa sự nhận thức và sự cảm nhận, không thể nào vạch ra được một ranh giới rõ rệt để phân tách một bên là sự cảm nhận và một bên là sự nhận thức. Khi cảm nhận được một xúc cảm nào đó - tất nhiên là phải đầy đủ ý nghĩa của nó - thì các bạn cũng sẽ hoàn toàn hòa nhập với xúc cảm đó, đồng thời một sự nhận thức hòa nhập cũng sẽ hiện ra cùng lúc với xúc cảm đó, không mảy may khác biệt nào với chính xúc cảm đó (thí dụ phát động lòng từ bi trong khi thiền định và cảm nhận được nó một cách đích thật, thì sự nhận thức của mình về xúc cảm đó, về lòng từ bi đó, cũng sẽ phát lộ và hòa nhập với sự cảm nhận đó của mình, biến mình trở thành một với chính lòng từ bi đó. Chúng ta thường nghe nói đến "chánh niệm" thế nhưng dường như không mấy ai giải thích được "chánh niệm" là gì. Trên đây nhà sư Sangharakshita định nghĩa thật rõ ràng thể dạng "nhận thức" đó trong tâm thần mình). Đó là một thể dạng rất cao, một thể dạng rất khó hình dung, trừ phi chính mình cảm nhận được nó. Thể dạng đó không nhất thiết là một sự nhận thức "về" sự cảm nhận, cũng không phải là một sự nhận thức "với" sự cảm nhận, mà đúng hơn là một sự nhận thức "bên trong" sự cảm nhận, cũng có thể nói là một sự nhận thức nằm ở trung tâm của sự cảm nhận (hãy trở lại với thí dụ trên đây là khi nào phát động được lòng từ bi trong lúc đang hành thiền thì chính con người của mình cũng sẽ trở thành sự cảm nhận từ bi đó, từ bên trong chính nó. Cảm nhận được Hiện Thựctrở thành Hiện Thực từ bên trong chính nó)

            Ba cấp bậc của sự cảm nhận và nhận thức là : 1) sự cảm-nhận phi-nhận-thức, tức là thể dạng [tâm thần] thông thường của chúng ta; 2) sự nhận-thức "phi-cảm-nhận" hay gần như "phi-cảm-nhận" (gần như "phi-cảm-nhận" có nghĩa là chỉ thoáng nhận biết được các cảm nhận của mình thế nhưng không thật sự ý thức một cách chính xác và rõ rệt về các sự cảm nhận đó, nói một cách khác là không hoàn toàn xao lãng, nhưng cũng không phải là sự chú tâm đúng nghĩa của nó, sự cảm nhận và sự nhận biết có lúc tách rời nhau, mỗi thứ một nơi, nhưng cũng có lúc tạm thời kết hợp với nhau), đó là tình trạng [tâm thần] giúp chúng ta thỉnh thoảng bước theo con đường tâm linh, nhưng cũng có những lúc đi trệch đôi chút ra khỏi con đường đó; 3) sự nhận-thức đi kèm với sự cảm-nhận hay sự cảm-nhận đi kèm với sự nhận-thức [thì cũng vậy], cả hai cùng kết hợp chung với nhau thật hoàn hảo.

            Vậy sự nhận thức điên loạn (sai lầm, bấn loạn, vô minh) hiện ra như thế nào? Vì lý do nào chúng ta lại không tạo được cho mình sự cảm nhận về chính mình? Chúng ta có thể khẳng định rằng điều đó - ít nhất cũng ở một mức độ nào đó - là do nơi bản chất của thời đại mà mình đang sống, nhất là tại các nước Tây phương, Người ta thường nói chúng ta sống trong một thời đại chuyển tiếp, điều này quả rất đúng. Dù đôi khi chúng ta không ý thức được hết triền dốc của sự chuyển tiếp đó thẳng đứng đến đâu và sự hung hãn của nó mãnh liệt đến mức độ nào, thế nhưng nó cũng hàm chứa một tiềm năng thật quý giá (trong sự chuyển tiếp xã hội  đôi khi xảy ra những sự biến động thật kinh hoàng, thế nhưng sự chuyển tiếp đó cũng mang lại một niềm hy vọng, một sự đổi mới nào đó). Vô số các giá trị truyền thống đã bị sụp đổ, khiến chúng ta không còn phân biệt được chính xác điều nào là tốt, điều nào là xấu. Chúng ta không còn biết phải sống và phải hành xử như thế nào trong cuộc sống. Ý niệm của chúng ta về cá tính (identity/thể tính, thể chất) con người vì thế cũng trở nên mơ hồ, tạo ra một thứ cảm tính âu lo lan tràn cùng khắp (những gì trên đây không phải là "lạc đề" trong khi đang tìm hiểu các thể dạng tâm thần của một cá thể, mà là một sự mở rộng nhằm nói lên sự xao lãng và mất định hướng của chúng ta trong một xã hội biến đổi quá nhanh, nhất là tại các nước Tây phương. Truyền thống và các tín ngưỡng lâu đời tại các nơi này suy sụp một cách thảm hại, khiến con người không còn biết là phải hành xử như thế nào trong cuộc sống. Tuy nhiên trong các xã hội Tây phương dường như cũng thấy phát triển  một tinh thần tự do, dân chủnhân bản rất cao, kín đáo hơn là sự ảnh hưởng của tinh thần Phật giáo ngày càng gia tăng trong các nước Tây phương. Phải chăng đây là "tiềm năng quý giá" mà nhà sư Sangharakshita muốn nêu lên? Trong bài giảng thứ 6 tiếp theo dưới đây, nhà sư này sẽ đề cập trực tiếp hơn về vấn đề trên đây và sẽ  phân tích các thể dạng tâm thần của chúng ta khi bước vào con đường Phật giáo).

            Dầu sao tôi cũng không cố ý đặt nặng các yếu tố của thời đạichúng ta đang sống (cuộc sống tân tiến ngày nay lôi cuốn chúng ta vào một sự xao lãng khủng khiếp). Tôi chỉ muốn nhìn thật gần vào một vài yếu tố cấp bách hơn, tạo ra cho chúng ta một sự nhận thức điên loạn. Trong phần dưới đây (bài giảng số 6)  tôi sẽ nêu lên ba cấp bậc nhận thức về cái tôi là: sự nhận thức về thân thể, sự nhận thức các cảm giác và xúc cảm, và sự nhận thức tư duy. Tiếp theo, và cũng theo cách phân tích như trên đây, chúng ta sẽ đề cập về ba cấp bậc "cảm nhận" và ba cấp bậc "phi-cảm-nhận" về cái tôi.  



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 189051)
01/04/2012(Xem: 34563)
08/11/2018(Xem: 13451)
08/02/2015(Xem: 51676)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.