TỔ ĐÌNH QUY THIỆN
Thích Trung Định
Tổ đình Quy thiện tọa lạc dưới chân đồi Thiên Thai, phường An Tây, Tp Huế. Tổ đình được xây dựng dưới hoàng triều Khải Định (1917-1925) vào năm Quý hợi (1923), do Đông các đại học sĩ nam tước Thái Tướng Công (Thái Văn Toản), pháp danh Như Cơ, hiệu Thiện Khê, cùng phu nhân là bà Công Tôn Nữ Lương Cầm, pháp danh Thanh Thiện đứng ra tạo lập. Chùa xây dựng trước là để phụng thờ Phật,Tổ và sau là thờ ông bà tổ tiên của dòng họ Thái và hương linh ký tự.
Cụ Thái Văn Toản khởi công xây dựng chùa Quy Thiện đúng vào năm cụ được 38 tuổi, và làm quan cho đến dưới triều Khải Định đã gần 20 năm (Cụ Thái sinh năm 1885 và bắt đầu làm quan từ năm 17 tuổi với chức thư ký văn phòng Phủ Thống Sứ Bắc Kỳ. Sau này là Thượng Thư Bộ Lại dưới triều Bảo Đại) Quy Thiện là tên làng của cụ và cũng có nghĩa là quay trở về với nẻo thiện. Sau khi hoàn thành việc xây dựng vua đã sắc phong là: “Sắc Tứ Quy Thiện Tự”.
Sau khi xây dựng hoàn thành, vào năm Đinh Sửu (1937) Hội chủ chùa Quy Thiện là Đông các Đại học sĩ, nam tước Thái Tướng Công cùng phu nhân vâng ý chỉ của Khôn Nghi Hoàng Thái Hậu, cung thỉnh Hòa Thượng, thượng Chân hạ Đạo, tự Chánh Thống hiệu Bích Phong làm tọa chủ và được sung chức Tăng Cang. Hòa Thượng là một vị danh Tăng của Việt Nam vào hậu bán thế kỷ XX.
Tương truyền, ban đầu Hòa thượng không muốn nhận chức trú trì. Ngài chỉ thích một lối sống thong dong, không vướng bận bất cứ điều gì, để dành hết thời gian cho việc nghiên tầm kinh điển và trước tác thơ ca của mình. Nhưng vì nể lời của Khôn nghi Hoàng Thái Hậu và lòng thành khẩn của ông bà cụ Thái nên Hòa thượng nhận lời. Tuy vậy, sau khi về làm tọa chủ, vì để thoải mái trong việc mạn đàm, trước tác, Hòa thượng đã dựng một căn nhà gọi là Thủy Nguyệt Hiên để nghỉ ngơi và trước tác. Chính nơi Thủy Nguyệt Hiên này đã diễn ra không biết bao nhiêu cuộc đàm luận với nhiều nhân sĩ trí thức, cũng như các bậc cao Tăng thạc đức. Bộ Thủy Nguyệt Tòng Sao nổi tiếng của Ngài được ra đời ở Thủy Nguyệt Hiên này.
Chùa xây theo kiểu chữ khẩu, với nhiều đường nét cổ kính, kiến trúc hài hòa núp mình dưới những rặng tre xanh ngát. Chùa có tiền đường hậu tẩm. Chánh điện thờ Tam Thế Phật. Đặc biệt hai bên có thờ Thập Điện Minh Vương, tiền đường có tượng Quan Âm bằng đồng với kiểu dáng rất đẹp, tả hữu của chánh điện thờ tượng Địa Tạng và tượng Quan Âm. Hai bên tiền đường có thờ nhóm tượng ba nhân vật: Ngọc Hoàng ở giữa, hai bên có Nam Tào, Bắc Đẩu, nguyên là tên hai vị sao, nhưng người ta đã biến thành hai vị thần, một là coi việc sinh, một coi việc tử, cả ba vị chung sức tạo lập vũ trụ. Nhóm năm tượng Quan Công tức Quan Vân Trường, bên phải thờ tượng Quan Bình cầm sách, bên trái thờ Châu Xương cầm Thanh Long đao. Sắc mặt Quan Công sơn màu đỏ, Quan Bình màu trắng, Châu Xương màu đen. Tích truyện lấy trong Tam Quốc Chí của Trung Hoa, và một bàn thờ Tiêu Diện Đại Sĩ, tả Ngưu Đầu hữu Mã Diện nhị vị đại tướng quân. Phải nói rằng với lối thờ tự này chùa Quy Thiện có ảnh hưởng rất lớn với tín ngưỡng dân gian vốn đang thịnh hành thời bấy giờ. Phía hậu bàn giữa thờ Tổ và chư vị kế nhiệm Trú trì, hai bên thờ chư quá cố hương linh của dòng họ Thái và một bàn linh tập thể dành cho quá cố hương linh tùng tự, nhập tự, ký tự.
Chùa có một quả đại hồng chung được đúc vào năm Bảo Đại thứ mười bốn (1940) và một chuông gia trì cũng được đúc cùng năm. Đặc biệt chùa có một cái Mõ lớn nhất và nổi tiếng thời bấy giờ, mà người ta vẫn thường nói: Trống Đông Thiền, Mõ Quy Thiện. Có lần chiếc Mõ này đã được đưa đi triển lảm tại một Hội chợ văn hóa Phật giáo xứ Huế.
Trong khuôn viên chùa có điện Ứng Huệ xây dựng vào năm 1928. Trong điện có thờ ba vị thánh mẫu Vân Hương, Nhị Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Cộng Đồng, có biểu vua ban đề: “Thượng Đẳng Tối Linh Thần”.
Như vậy, tổng thể của chùa là một kiến trúc hài hòa thoáng đãng. Một cổng tam quan cổ kính đơn sơ, nhưng toát lên vẻ thanh tao giải thoát, đậm màu thiền vị. Chùa không khoe mình lộ liểu, nằm núp mình dưới những rặng cây xanh, dang trải dưới nắng mưa mặc cho tháng năm vần vũ, chùa vẫn đứng sừng sửng uy nghiêm che chở cho bao người về nương cửa Phật.
Cho đến nay Tổ đình Quy Thiện trải qua 4 đời trú trì. Hiện tại do Hòa thượng Thích Quán Chơn đương nhiệm Trú trì. Tăng chúng hiện nay có trên 20 vị, sinh hoạt và tu học trong sự hòa hợp và thanh tịnh.
Tiểu sử Hòa Thượng THÍCH BÍCH PHONG, Chân Đạo Chánh Thống (1901 – 1968)
a. Thân thế
Hòa Thượng họ Nguyễn, người làng Trung Kiên, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, sinh ngày 30 tháng chạp năm Canh Tý, tức 18 tháng 2 năm 1901. Thân phụ là cụ Nguyễn Thuyên và mẹ là bà Nguyễn Thị Chợ. Hòa Thượng sinh ra trong một gia đình thuần thành Phật Giáo nhiều đời, nhưng coi Nho giáo như một bộ phận thiết yếu của đạo lý sống Phật giáo. Mối quan hệ đó được Hòa Thượng ghi lại như sau: “Tôi người Trung Kiên, tỉnh Quảng Trị, gia thế theo Thiền, mà ông nội và cha đều rất hiểu sâu Nho học. Phép giữ nhà lại rất nghiêm túc. Con cũng như cháu, nếu ai có chút bê trễ về lễ giáo, liền bị la mắng tới chốn. May mắn là nhà ta năm đời truyền cho nhau, đều lấy Khổng học làm nền móng, lấy Phật pháp làm lâu dài. Bọn các con nếu không kịp sớm nghiên cứu , thì ngày kia e khó thoát khỏi lời trách về xe vàng bạc, về con hạc nước già…”
Nằm trong xu thế chung của thời đại mà mọi người ai cũng thích lối sống Cư Nho mộ thích, nên Hòa Thượng, tuy tuổi nhỏ “nhiều bệnh, yếu không mặc nổi áo” nhưng lớn lên cắp sách đến trường học Nho. Đến năm 13 tuổi tức là năm Giáp Dần (1914) Hòa Thượng được cha cho đi xuất gia đầu sư với Hòa Thượng Ngộ Tánh Phước Huệ (1875-1963) tại chùa Kim Quang, Huế, “để hầu không phụ lòng khăng khắng, tha thiết của cha ông”.
Năm Kỷ Mùi (1919) Hòa Thượng được thọ giới Sa Di, với pháp danh là Chân Đạo, pháp tự là Chánh Thống, thuộc đời thứ 40 của dòng Lâm Tế. Hai năm sau (1921), thọ cụ túc giới, rồi hầu thầy một thời gian và nhận kệ phú pháp với pháp hiệu là Bích Phong. Bài kệ như sau:
涅般生死本來空
妙法難量自容
真道傳乘存正統
碧峰高照日當中
“Niết bàn sanh tử bổn lai không
Diệu pháp nan lường tánh tự dung
Chân Đạo truyền thừa tồn Chánh Thống
Bích Phong cao chiếu nhật đương trung”
b. Sự nghiệp hoằng đạo
Sau khi thọ cụ túc giới và được nhận kệ phú pháp từ Hòa Thượng bổn sư, Năm 25 tuổi (1927) Hòa Thượng vào học với ngài Phước Huệ (1869-1945) tại chùa Thập Tháp tỉnh Bình Định, đến năm Kỷ Tỵ (1929) thì trở về Huế. Sau đó tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo, để đến năm 1932 An Nam Phật Học Hội ra đời, Hòa Thượng trở thành giảng sư của Hội Phật học, đồng thời là “Phật học cao đẳng học sinh” của lớp đại học Phật học đầu tiên của thế kỷ XX do Ngài Giác Tiên (1880-1936) cùng với bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897-1969) tổ chức tại Chùa Tây Thiên. Trong thời gian làm giảng sư của An Nam Phật học Hội vào khoảng năm 1932-1933 Hòa Thượng còn tham gia viết bài cho báo Viên Âm, mà trong Viên Âm 18 ra đời năm1935 số 26-39 đã đăng “bài giảng hôm rằm tháng mười” tại Hội Phật học chùa Từ Quang Huế” với nhan đề là: Tứ Niệm Xứ.
Tới năm Tân Mão (1951) Phật giáo cả nước họp lại để thống nhất thành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Hòa Thượng tham gia và viết nhiều bài thơ để chúc mừng Đại Hội thành công.
Nhâm Thìn (1952) Hòa Thượng ra Bắc trong phái đoàn Phật giáo miền Trung để họp thống nhất Tăng già Việt Nam.
Năm Mậu Tuất (1958) Hòa Thượng lại được mời vào Bình Định ở chùa Thập Tháp dạy Phật học cho các tăng ni sinh tại đây.
Suốt cả đời miệt mài hoằng hóa lợi sinh, hạnh nguyện kiêm toàn, danh tiếng của Ngài vang khắp mọi nơi, từ đó rất nhiều thiền tăng đến xin tham vấn và học hỏi nơi Hòa thượng. Dưới sự chỉ dạy của Ngài những thiền tăng đó sau này đã trở thành những bậc thầy lỗi lạc, làm trụ cột cho Phật pháp sau này. Trong đó nổi bật có các vị như: thầy Mạnh Thát, thầy Thiện hạnh, thầy Đức Thanh.v.v.
c. Sự trước tác
Với bẩm tính thông minh từ nhỏ, cộng thêm lối giáo dục từ gia đình rất kỷ. Do vậy, khi xuất gia được học hỏi với các bậc danh tăng, Hòa thượng học đâu hiểu đó. Vì thế ngay từ những năm mới thọ đại giới trong thời gian hầu thầy, khi tiếp xúc với tác phẩm Chinh phụ ngâm, Hòa Thượng đã làm hai bài hò mái nhì theo điệu nam ai. Đây có thể là tác phẩm đầu tay của Hòa Thượng. Trong suốt cuộc đời của mình Hòa Thượng đã sáng tác nhiều thơ văn, với nhiều thể loại khác nhau và được chính tác giả biên tập lại thành tác phẩm gọi là Thủy Nguyệt Tòng Sao.
Bộ này đến năm 2004 đã được thầy Lê Mạnh Thát, tổng hợp phiên dịch thành bộ: TOÀN TẬP CHÂN ĐẠO CHÁNH THỐNG, nhà xuất bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh ấn hành, hiện nay đang được lưu hành rộng rải.
Đây là một tác phẩm văn học sưu tập hầu như toàn bộ thơ văn của Hòa Thượng. Có thể nói đây là một trong những tác phẩm văn học cuối cùng viết bằng chử Hán của nền Hán học Việt Nam thời suy tàn.
Không những là một tác phẩm văn học, Thủy Nguyệt Tòng Sao còn là một tác phẩm về tư tưởng. Quan điểm xuyên suốt của Thủy Nguyệt Tòng Sao là đem thâm tâm mà phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, thông qua con đường giáo dục để loại bỏ các tệ nạn trong cũng như ngoài Phật giáo. Và nền giáo dục ấy là một nền giáo dục tổng hợp rộng mở.
Thủy Nguyệt Tòng Sao cho ta một bức tranh khá sinh động về Phật giáo thế kỷ XX, mà tác giả đã có một cái nhìn xuyên suốt, một niềm kỳ vọng lớn lao trước vận mệnh của Phật giáo.
Thủy Nguyệt Tòng Sao đã bọc lộ ra những tình cảm, những xúc động mà Hòa Thượng đã thể hiện qua quan hệ với các pháp lữ của mình.
Như vậy, Thủy Nguyệt Tòng Sao là một cột móc đáng chú ý của lịch sử Phật giáo cũng như nền văn học và tư tưởng Việt Nam, góp phần làm phong phú và đa dạng cho nền văn học phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Thừa Thiên Huế nói riêng.
g. Viên tịch
Đến ngày 22 tháng chạp năm Đinh Mùi, tức 21 tháng 1 năm 1968, Hòa Thượng cảm đau rồi viên tịch thọ 67 tuổi đời và 44 tuổi đạo. Môn đồ pháp quyến nhiều người thương tiếc. Có người từng học với Hòa Thượng đã làm câu đối khóc:
“Thầy đã đi rồi, bể Thích rừng Nho trông vắng vẻ
Con còn ở lại, kẻ tăng người tục thấy bơ vơ”
- Từ khóa :
- Tổ đình Quy Thiện
- ,
- Quy Thiện tự