- 1 Dẫn Nhập
- 2. Nền Giáo Dục Phệ-đà
- 3 Giáo Dục Và Văn Hóa
- 4 Chí Tôn Ca (bhagavad Gītā) Và Giáo Dục
- 5 Nền Giáo Dục Sau Thời Kỳ Phệ-đà (1000 Ttl.—200 Ttl.)
- 6 Giáo Dục Và Áo Nghĩa Thư (upaniṣad)
- 7 Nền Giáo Dục Trong Đạo Bà-la-môn
- 8 Ý Nghĩa Giáo Dục Trong Đạo Phật
- 9 Hệ Thống Giáo Dục Phật Giáo
- 10 Trung Đạo (middle Way) Và Giáo Dục Phật Giáo
- 11 Lý Tưởng Của Người Ấn Độ Trong Giáo Dục
- 12 Người Thầy Lý Tưởng
- 13 Ngôi Trường Lý Tưởng
- 14 Các Trung Tâm Văn Hoá Giáo Dục Quan Trọng Trong Thời Cổ Đại
- 15 Hệ Thống Giáo Dục Và Văn Học
NỀN GIÁO DỤC ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI
Education in Ancient India
THÍCH NHUẬN CHÂU
dịch 2021
Thư Viện Hoa Sen
5
NỀN GIÁO DỤC
SAU THỜI KỲ PHỆ-ĐÀ
(1000 Ttl.—200 Ttl.)
Nguồn tư liệu
Trong thời kỳ Phệ-đà, lĩnh vực giáo dục có ảnh hưởng khác thường bởi tầng lớp tăng lữ và tri thức gắn liền với lễ nghi hiến tế đã tiến bộ một cách đáng kể. Có nhiều học giả và nhà tư tưởng đã bày tỏ quan điểm biểu thị bởi thuyết thần bí về cuộc đời và trầm tư về những chủ đề có tính suy đoán như Thần linh (God), Ngã (Soul) và Vũ trụ (Universe), Đời sống (Life), và Sự chết (Death), v.v... Trong thời kỳ Phệ-đà về sau, khuynh hướng tư duy suy đoán nầy phát triển mạnh và sôi nổi. Các nhà hiền triết, an trú trong bóng râm tịch mịch ở chốn núi rừng trầm tư về tự chứng. Những kinh nghiệm thần bí của họ tự thể hiện qua Phạm thư (Brahmanas) và Sâm lâm thư (Aranyakas). Sâm lâm thư tương tự như Phạm thư của nhà hiến triết Vanprastha. Tiếp theo đó, Áo nghĩa thư (Upaniṣad) ra đời. Đó là những tư liệu duy trì nền văn hóa và văn minh cổ. Phệ-đàn-đa (Vedānta), một xu hướng quan trọng trong tư tưởng triết học có thể được xem một cách có lý, lên đến cực điểm của tri thức thuộc tư tưởng Phệ-đà, nó được bộc lộ qua các trang trong Áo nghĩa thư (Upaniṣad). Những vấn đề triết học và siêu hình học đã được phân tích và thảo luận chi tiết trong đó. Phạm thư (Brahmanas), Sâm lâm thư (Aranyakas) và Áo nghĩa thư (Upaniṣad) là những nguồn tư liệu chính để cho chúng ta biết nền giáo dục và văn minh trước thời Phệ-đà. Sự trải rộng và lan truyền của nền giáo dục sau thời Phệ-đà có ảnh hưởng qua các học viện đa dạng có tên là Sakhas, Charaṇas, Parishads, Kulas and Gotras– có sự cải tiến trong truyền thống khẩu truyền trong văn học Phệ-đà. Những học viện nầy là các cơ sở tôn giáo và có tính chất học thuật với đặc điểm hoạt dụng như là trường học trong thời kỳ Phệ-đà.
Sự truyền bá kiến thức
Kiến thức được giữ gìn trong Bản tập Phệ-đà (Saṁhita), Phạm thư (Brahmana), Sâm lâm thư (Aranyaka) và Áo nghĩa thư (Upaniṣad) được truyền từ những thế hệ thầy và trò nối tiếp nhau cho đến khi lan tỏa khắp mỗi miền đất nước. Toàn quốc gia là mạng lưới gồm những ngôi trường thuộc Phệ-đà vốn chỉ chuyên dụng riêng cho tư tưởng Phệ-đà. Những trung tâm học thuật đa dạng nầy phản chiếu sinh hoạt thời cổ Ấn Độ trong hình thái rõ nét và chân thật nhất. Mục đích của giáo dục, sự phát triển tột cùng các khía cạnh đời sống, dường như đã được nhận thực bởi điều ấy. Nền giáo dục hiện đại dẫn chúng ta đi lạc hướng sang duy vật chủ nghĩa, tìm kiếm để tách rời sự liên kết hợp nhất giữa nhân loại và phân chia nó thành từng nhóm dị chủng (heterogenous). Nền giáo dục Phệ-đà, ngược lại, thiết định sự hợp nhất và hài hòa của nhân loại thông qua nền giáo dục.
Nền giáo dục nầy không hạn định riêng chỉ trong giáo dục tôn giáo; mà nó tỏa chiếu khắp mọi góc khuất mờ tối trong đời sống. Những học viện nầy thích đáng được gọi là những trung tâm tín ngưỡng, văn hóa và học thuật, là cội nguồn chính mà từ đó phóng xuất một nền văn minh đã tồn tại qua những biến động dữ dội từ nhiều thời đại, nó vẫn là ngọn hải đăng cho nhân loại đang loạng choạng. Điều này, quả thực, là điểm đặc biệt của nền giáo dục Phệ-đà. Những trung tâm của nền văn minh Aryan nầy đã cung ứng những bài học tinh thần và bài học con người toàn thiện cho thế giới.
Hệ thống Giáo dục và Svadhyaya[1]
Như đã nêu ở trên, giáo dục tự nó không được xem như là một cứu cánh; nó có mối quan hệ sâu thẳm đối với đời sống. Mục đích của nền giáo dục ấy là Brahmavarcasa,[2] có nghĩa là tri thức về cái Tuyệt đối. Sự thực hiện Hiến tế và các lễ nghi được nhắm đến cùng một mục đích, nhưng điểm nhấn đặc biệt được đặt trên việc nghiên cứu kinh điển, từ chuyên môn được gọi là Svadhyaya. Svadhyaya là một dạng nghi lễ dâng lên Brahma, bằng cách đó, sự đạt đến một thế giới bất tử có thể khả thi. Sâm lâm thư (Āraṇyaka) gắn một ý nghĩa trọng đại cho Svadhyaya. Hiệu quả của Svadhyaya được như vậy, thì đức tin sẽ lưu chuyển, vì khiến cho con người có thể thiết lập hài hòa với Brahma thông qua sự đạt được kiến thức tâm linh.
Tuy nhiên, nên lưu ý trong ngữ cảnh là không phải chỗ nào, lúc nào cũng phù hợp với Svadhyaya. Các tập sinh để có thể rút ra được những lợi lạc lớn nhất từ Svadhyaya, họ phải chấm dứt việc lui tới các nơi ồn ào hấp dẫn và lui về nơi thung lũng yên bình của thiên nhiên và nghiên cứu Phệ-đà, Sâm lâm thư (Āraṇyaka), Phạm thư, Itihasa, Puranas và Áo nghĩa thư (Upaniṣad). Sẽ hoàn toàn chính đáng để lưu ý trong ngữ cảnh nầy rằng những cấm đoán trước đây trong việc nghiên cứu Phệ-đà, có nghĩa là trong khi thời tiết u ám và mưa bão, dưới bóng cây và giữa đàn gia súc v.v...là thấy phổ biến và còn được phép vào thời kỳ sau đó.
Tầm quan trọng của người Thầy
Dù sự thịnh hành của Svadhyaya hay tự học là đang phổ biến rộng khắp, nhưng nhu yếu và tầm quan trọng của người Thầy đối với học sinh sẽ không bị bỏ qua và lãng quên chút nào. Áo nghĩa thư Katho (Katho-Upaniṣad) đặt dấu nhấn quan trọng trên đặc tính không thể miễn trừ đối với người thầy. Thầy giáo được cho là người có những phẩm tính cốt yếu, đó là học thức uyên bác, tầm nhìn thấu thị và an trú hoàn toàn trong tịnh hạnh (Brahma). Thầy giáo truyền trao nội quán và tri thức mởi mẻ. Thầy được xem như là người kiến thiết, người hướng đạo và là thủ lĩnh của xã hội. Chỉ có con trai hay học trò của thầy là được quyền đón nhận sự dạy dỗ từ thầy. Sau lễ Khai tâm (Upanayana), người thầy xem học trò như con trai mình và cả hai đều ràng buộc nhau trong mối quan hệ tinh thần. Thầy (Guru) chỉ nhận làm học trò mình những ai đủ tư cách căn cứ trên năng lực cá nhân và ý thức phục vụ công việc cho thầy.
Trong Áo nghĩa thư (Upaniṣad) có rất nhiều mẫu chuyện về các học sinh đã tự dâng lửa cho thầy mình bằng hai tay. Bên cạnh những điều nầy, có những người thầy không chính thức hoặc lưu động, đã truyền trao sự dạy dỗ cho học sinh mà không qua lễ Khai tâm. Yajñavalkya thường dạy vợ ông là Maitreye và Gargi về đạo học theo cách nầy. Không chỉ như vậy, có những mẫu chuyện về những người cha khai tâm và dạy dỗ cho con trai mình. Svetaketū đã nhận được kiến thức cao tột từ cha mình; cũng thế, Bhragu cũng được dạy dỗ từ cha mình là Varuna. Như thế chúng ta đã thấy hệ thống giáo dục trong khi thừa nhận tầm quan trọng của Svadhyaya hay tinh thần tự học được thừa nhận bằng tính thiết yếu của người thầy.
Sự thu nhận
Thực tế, việc học tất nhiên chỉ bắt đầu sau lễ Khai tâm. Học trò chính thức được gọi là tập sinh cho đến lúc 25 tuổi (thời kỳ độc thân). Lễ khai tâm đánh dấu lần sinh thứ hai của học sinh. Từ đó trở đi, tập sinh bắt đầu sự nghiệp tinh thần đã được khai tâm từ người thầy của mình. Theo lệ thường, thầy giáo chấp nhận và làm lễ khai tâm cho học trò mình chỉ sau khi thẩm tra dòng dõi, công lao cá nhân và ý thức về sự phục vụ và nhiệm vụ của y sinh đối với thầy mình. Thời kỳ học tập thông thường kéo dài 12 năm. Có những câu chuyện về những tập sinh xuất sắc như Svetaketū và Upkausal Kamalanayana đã sống tại nhà thầy trong suốt 12 năm. Lại nữa, việc giáo dục sẽ bắt đầu từ năm lên 12 tuổi. Nhiều tập sinh trải qua thời kỳ học tập của mình vượt quá 12 năm, đến nỗi có trường hợp đặc biệt có người đã trải qua thời kỳ học tập 101 năm.[3] Nhưng thời gian học tập dài như thế chỉ xứng với việc đạt đến hiệu quả giáo dục cao hơn để nhắm đến tri thức tối thượng.
Bổn phận của Tập sinh
Thực tế, điều kiện trước nhất, việc cư ngụ của học sinh nhất thiết là phải ở nhà thầy giáo; vì để có thể áp dụng danh hiệu Acharya-kulavasin[4] đối với học sinh. Lại nữa, tập sinh phải đi khất thực hằng ngày để nuôi sống mình và thầy. Truyền thống nầy lúc nào cũng được thực hiện đối với mọi thành phần, dù nghèo hay giàu, hoàng tử hay thứ dân. Việc nầy sẽ sinh ra trong tập sinh đức tính khiêm hạ và từ đó, anh ta có được bài học cụ thể về việc thiện mà xã hội đã dành cho mình, ý thức bổn phận phải đền đáp trở lại. Lịch sử không thể nào khoa trương về câu chuyện độc đáo từ tính khiêm cung như vậy có thể tìm thấy ở một nơi nào khác.
Việc chăm sóc lửa thiêng trong nhà của thầy và giữ cho lửa cháy rực là một nhiệm vụ quan trọng khác của tập sinh. Họ đi gom chất đốt linh thiêng Samidha từ trong rừng để giữ lửa. Lửa thiêng biểu tượng cho tri thức và tinh thần rực sáng của tập sinh.
Bổn phận tiếp theo phải thực hiện là trông coi đàn bò của nhà thầy và thả chúng trong rừng. Theo cách nầy, thời gian còn lại chính của tập sinh là dành để phục vụ Thầy. Những bổn phận nầy chủ yểu là do những tập sinh nghèo đảm nhiệm. Những tập sinh con nhà khá giả thường dâng quà biếu cho Thầy.
Cùng với những bổn phận bên ngoài nầy, học tập là nhiệm vụ chính của tập sinh. Việc học kinh Phệ-đà sẽ mở đầu cho nền giáo dục của họ; Nói cách khác, họ để hết tâm trí vào kiến thức về phát âm, âm vị học (phonology), phép làm thơ (prosody), và ngữ pháp căn bản. Trong tất cả các môn này, ngữ pháp và phát âm chính xác được xem đặc biệt quan trọng, vì sự chính xác của Phệ-đà hoàn toàn dựa trên sự hình thức trong sáng và hoàn thiện của nó.
Những nghĩa vụ bên ngoài như thế đã tạo thành kỷ luật bên trong tập sinh. Anh ta phải hàng phục những tập khí xấu ác và đam mê trong tâm, như dục lạc, tham lam quá mức, say mê danh vọng thế gian, cũng như ngủ quá nhiều, sân hận, thích ăn ngon, và thích đồ trang sức đẹp, v.v... Tập sinh, trước khi đón nhận sự giáo dục, được yêu cầu chứng tỏ rằng mình an định, trinh bạch, nhẫn nại, và kiên trì theo đuổi mục đích.[5] Nói vắn tắt, ‘sống đơn giản, tư duy cao’[6] là châm ngôn trong đời sống cuả tập sinh.
Ở đây nên nhớ rằng tập sinh xem việc đó như là bổn phận thiêng liêng của mình để đạt được tri thức tối thượng. Sự thực hành khổ hạnh trong sự nghiệp học thuật tạo cho họ khả năng nhận ra được tri thức tối thượng của Brahma. Điều nầy nhất thiết cần phải có sự dâng hiến toàn bộ cuộc đời và không chỉ một phần nhỏ trong thời gian sinh hoạt. Svetaketū, mặc dù đã học tròn 12 năm vẫn chưa đạt được Tri thức tối thượng, thế nên sau đó phải dành thêm nhiều thời gian để học. Trong nhiều trường hợp, đó là điều đáng để ý, người đó đã hiến trọn cuộc đời của mình cho mục tiêu tri thức, tuân theo một cách rất nghiêm ngặt những quy luật bắt buộc của phạm hạnh. Họ thường được gọi là Naisṭhika hay là Tập sinh trọn đời.[7]
Vào lúc hoàn thành thời kỳ giáo dục, Thầy giáo sẽ có bài nói chuyện trong hội nghị các tập sinh, nhắm vào nhắc nhở tập sinh nhiệm vụ trong thực tế sinh hoạt mà họ đang đứng trước ngưỡng cửa. Việc nầy được gọi là lễ Samavartana. Những nhiệm vụ nầy chủ yếu là biểu hiện của việc nói về sự thật, thể hiện bổn phận, học tập kinh điển Phệ-đà, giữ gìn sức khỏe, thực hiện hiến tế, phụng sự cha mẹ và thầy giáo, bố thí và những việc thiện khác tương tự.[8] Bài nói chuyện sau cùng của Thầy giáo vào thời cổ đại Ấn Độ có thể được so sánh với Diễn văn trong Hội nghị trường Đại học trong các trường học thời hiện đại, chỉ có điểm khác là trong khi bài nói chuyện vào thời cổ đem lại sự chú ý cho tinh thần tự nội, có nghĩa là đến phương diện tâm linh và đạo đức, còn bài diễn văn vào thời hiện đại chỉ hạn cuộc trong hình thức và phương diện bên ngoài.
Nhiệm vụ của Thầy
Toàn bộ nền văn minh cổ đại Ấn Độ là sự phản chiếu đạo đức và tinh thần được quy cho Thầy giáo vào thời đại đó. Người thầy được cho là có tất cả tiêu chuẩn đạo đức và tinh thần. Công việc của Thầy bắt buộc không thể thiếu được sự tinh thông kiến thức hoàn hảo về kinh điển Phệ-đà và an trú trong phạm hạnh (brahmaniṣṭha).[9] Thầy tỏa chiếu nội tâm của học trò mình với tâm linh sáng suốt của mình.
Vào thời cổ chỉ có những người được cho là xứng đáng làm Thầy thì chính người đó mới có những học sinh lý tưởng trong sự nghiệp học thuật của mình. Người nào có được phẩm tính hướng dẫn xã hội và có học thức uyên thâm, đúng là người ấy thích đáng với danh hiệu Thầy giáo. Khi một học sinh thích hợp đến với Thầy, đó là bổn phận của người Thầy trao truyền cho học sinh kiến thức cao nhất. Bất luận người Thầy có được kiến thức nào, kiến thức đó đều được trao truyền cho học sinh mà không có một giấu diếm hoặc giới hạn. Tuy nhiên, nhiều mẩu chuyện hiện đang lưu hành về những môn học bí mật chỉ được tiết lộ cho những học sinh đặc biệt xét thấy là không thích hợp với những học sinh bình thường. Quả thực, điều đáng lưu ý là khi Thầy giáo tự xem mình không hoàn thiện kiến thức ở một môn học nào đó, Thầy cho nhiệm vụ thiêng liêng của mình là tiết lộ điều ấy cho học sinh.
Theo truyền thống, trao truyền kiến thức cho tập sinh thông qua sự kế thừa từ người Thầy (Guru-Parampara). Thầy có ước nguyện tự nhiên rằng, những sự thực và nguyên lý, những kiến thức và kinh nghiệm của họ phải được tồn tại và làm cho xã hội tăng tiến tốt đẹp. Cuộc đời người Thầy xem như là mẫu mực cho tập sinh bắt chước và noi theo. ‘Dẫn dắt từ Bóng tối sang Ánh sáng’ là bổn phận thiêng liêng của Thầy. Người Thầy có chức năng như người cha tinh thần và tri thức của học sinh. Tuy nhiên, nếu học sinh trở thành nạn nhân của phẩm hạnh xấu ác hoặc tinh thần lệch lạc, Thầy còn phải duy trì trách nhiệm đối với họ.
Người Thầy chứng tỏ sự chăm sóc của bậc cha mẹ và quan tâm đến vấn đề theo dõi tập sinh thường xuyên, trợ giúp tài chính cho những tập sinh nghèo, quan tâm những tập sinh chăm chỉ và những việc cấp bách khác.
Phương thức giảng dạy
Vào thời kỳ Phệ-đà, giáo dục là sự truyền đạt trực tiếp đến học sinh. Thầy giáo đóng vai trò chính trong hệ thống nầy, trong hệ thống giáo dục Phệ-đà về sau, học sinh là yếu tố chính. Phương pháp giảng dạy biểu thị đặc điểm qua cách vấn đáp liên quan đến làm sáng tỏ một chủ đề riêng biệt thông qua một loạt tuần tự các câu hỏi và trả lời giữa thầy và trò. Thầy giáo đưa ra một vấn đề nào đó cho học sinh, hoặc chính học sinh đặt câu hỏi rồi được Thầy giáo trả lời thích đáng, tháo gỡ hết mọi nghi ngờ. Thế nên giải pháp đề ra và trả lời những vấn đề đã tạo nên phương pháp chủ yếu của giáo dục. Hệ thống giáo dục trong Áo nghĩa thư (Upaniṣad) không mạch lạc và thích tranh luận. Tất cả những điều thần bí rối rắm và gay go đều bị tháo gỡ thông qua những câu hỏi thông minh và có định hướng. Sự chỉ dạy được trao truyền nói chung là bằng miệng, dù nghệ thuật chữ viết cũng được tiến hành. Một số phương pháp giảng dạy quan trọng được vận dụng đó là giáo lý, sử truyện, ngụ ngôn, tục ngữ, v.v... Phương pháp nghiên cứu biện luận dẫn đến phát triển môn Luận lý học (Tarka-Śāstra; Logic)[10] vào thời kỳ Áo nghĩa thư (Upaniṣad). Về sau sự phát triển của môn nầy đã góp phần cho sự phát triển của Chính lý luận (Nyāya Śāstra).[11]
Trong quá trình thảo luận, học sinh không chỉ là người nghe Thầy một cách thụ động; ngược lại, anh ta phải giữ tinh thần năng động và có ý thức. Anh ta phải suy nghĩ chính chắn câu trả lời thông qua quá trình nội quán và trầm tư. Theo đó, chức năng tư duy và tưởng tượng của anh ta mới nhận được những bài tập và sự rèn luyện một cách gián tiếp. Thông thường, Thầy cung cấp vài hướng dẫn và gợi ý quan trọng, rồi yêu cầu học sinh tự mình tìm ra; và học sinh đến được tiêu điểm của đề tài thông qua tự học (Svadhyaya; self study); suy ngẫm (Manana; intellection) và quán chiếu (Cintana; meditation).[12] Áo nghĩa thư Taittiriya (Taittiriya Upaniṣad) đề cập đến phương thức giảng dạy rất lý thú nhờ đó mà Varuna, cha của Bhrigu, trong quá trình dạy con, chỉ nêu ra những gợi ý chung và hướng đến Tuyệt đối bốn lần, rồi để cho anh ta tìm ra nội dung. Chỉ đến lần thứ năm, chính Bhrigu mới đạt được tri thức về Tuyệt đối. Tương tự Svetaketū cũng đạt được tri thức thực tiễn từ người cha về Tâm và các chức năng khác cùng sự tương thuộc lẫn nhau giữa các điều kiện tâm lý. Do vậy, điều hiển nhiên, trong kịch tính của sự học tập, người học trò đóng vai chính, tuy thế, Thầy chỉ đóng vai trò hướng dẫn.
Trong Áo nghĩa thư Brihadaranyaka (Brihadaranyaka Upaniṣad) có ghi lại ba tiến trình chính của việc học tập, đó là
(i) Lắng nghe, (ii) Suy nghĩ (Manana), và (iii) chiêm nghiệm sâu lắng.[13] Lắng nghe (Sravana) chính nó được gọi chung cho 6 phụ trợ đặc biệt:
(a) Upakrama: lễ nghi thực hiện trước khi học kinh Phệ-đà.
(b) Abhyasa: đọc lại kinh văn.
(c) Apurvata: đọc và nắm bắt ý nghĩa kinh văn.
(d) Phala: kết quả bằng sự lĩnh hội.
(e) Arthavada: Giải thích rõ ý nghĩa kinh văn.
(f) Upapatti: Đạt được kết quả sau cùng.
Tiến trình của Suy nghĩ (Manana) phải bổ sung không bao giờ cạn cho việc học. Bên cạnh những phương pháp nầy, tri thức về Tuyệt đối có thể được thực chứng qua Tapas[14] và Yoga.
Các hình thái thể chế giáo dục
Nói chung, có ba thể chế giáo dục vào thời đó. Đó là:
Gurukula,[15] Pariṣad[16] (Academies) và Saṃmelana[17] (conferences)
(i) Sư gia (Gurukula):
Nguyên do chính để giữ học sinh tại nhà của Sư gia (Gurukula) là học sinh lợi dụng cơ hội để un đúc sinh hoạt và cá tính thành mô thức lý tưởng của đời sống của người Thầy bằng cách gắn bó rất mật thiết với Thầy. Người Thầy ứng xử như kiểu mẫu cho đứa trẻ. Thông qua sự liện hệ mật thiết và thường xuyên với Thầy, khả năng đồng hóa của học sinh với những đức hạnh của Thầy vốn được xem như là lực dẫn đạo trong sinh hoạt rồi tự nó sẽ phát triển mạnh mẽ. Một điều lợi nữa, phát sinh từ sự gẫn gũi với Thầy là học trò sẽ có thêm được những kiến thực thực tế từ công việc nội trợ, bởi vì, nói chung, thầy giáo được tôn trọng như người chủ gia đình. Điều nầy giải thích sự ưa chuộng qua cách tiếp nhận giáo dục từ sư gia (gurukula). Đứa trẻ với giai đoạn đầu của ý thức, sẽ rời ngôi nhà cha mẹ tự nhiên để đến ngôi nhà người cha tinh thần của mình. Ở đó, sau khi trải qua lễ khai tâm, tập sinh được công nhận đang sống trong một giai kỳ quan trọng trong cuộc đời mình gọi là phạm hạnh (brahmacaraya). Tập sinh đón nhận chương trình giáo dục trong 12 năm, với vô số bổn phận trong ngôi nhà người Thầy của mình, như chăm sóc đàn bò, kiếm củi và giữ cho ngọn lửa thiêng cháy mãi, v.v... Sau đó trưởng thành, trở nên một học giả uyên thâm, anh ta sẽ rời nhà thầy. Hệ thống nầy giống như trong nền giáo dục thời kỳ Phệ-đà.
(ii) Học viện (Pariṣad; Academies)
Những học viện nầy chủ yếu là những diễn đàn để cho những học sinh thuộc các trình độ nghiên cứu cao hơn thu thập kiến thức, làm dịu cơn khát tri thức không thể nào thỏa mãn được thông qua những cuộc thảo luận và trao đổi. Những học sinh nào không muốn kết thúc sự nghiệp học tập của mình sớm hơn và vẫn duy trì sự tìm cầu chân lý và tri thức tối thượng, sẽ làm giàu tâm trí của mình trong các học viện này. Chỉ có thảo luận và tranh luận với nhau thôi chưa phải là phương pháp học; học viện sẽ mời các học giả uyên bác và các nhà văn danh tiếng đến dự những buổi thảo luận này. Học sinh sẽ đi khắp nơi trong nước để tham học. Trong Phạm thư (Brahmanas), Sâm lâm thư (Āraṇyaka) và Áo nghĩa thư (Upaniṣad) ghi rất nhiều về những chuyện nầy. Một điểm đáng lưu ý chính Áo nghĩa thư (Upaniṣad), trong một ý nghĩa, chính là kết quả của những cuộc tranh luận như thế nầy. Có thể nói, đó là biểu tượng cho vô số những nghiên cứu triết học của học giả thuộc các trình độ nghiên cứu cao hơn mà những theo đuổi của họ chủ yếu được đánh giá bằng sự tìm kiếm không ngừng về Chân lý và Tự ngã (Ātman).
(iii) Hội nghị (Saṃmelan; Conference):
Bên cạnh những tranh luận trong phạm vi địa phương hay trong học viện, thỉnh thoảng học viện mời những vị quốc vương, những học giả, Đạo sư (Ṛṣī), triết gia, các nhà tôn giáo học và tâm lý học trong một buổi gặp mặt mang tầm mức quốc gia để thảo luận và tranh biện. Những học giả, người thuyết trình, những triết gia, nhà tư tưởng có tài và có năng lực cao sẽ được ban tặng những phần thưởng đặc biệt nhất cho công phu của họ.[18] Nên nhớ rằng cùng với các vị Bà-la-môn, các phụ nữ trí thức cùng theo họ để tham gia các hội thảo và vận dụng cùng một thứ vũ khí tri thức sắc bén trong cuộc tranh tài nầy.
Thêm vào các hình thái thể chế giáo dục đã nêu trên, triều đình được xem như một trung tâm học thuật quan trọng, nơi để cho những học giả và triết gia, đến từ các quốc gia khác, có thể tụ họp cùng nhau, nói chuyện, thảo luận và soi sáng những vấn đề tín ngưỡng tôn giáo và siêu hình học. Có vài học viện ở trong rừng, tọa lạc nơi rừng sâu vắng vẻ an tĩnh, nằm giữa thiên nhiên tuyệt đẹp. Học sinh cùng nhau đến để học tập kinh điển Phệ-đà. Sâm lâm thư (Āraṇyaka), như tên gọi đã gợi ý, vốn phát xuất từ những nơi như thế nầy. Nó được gọi như vậy bởi vì nằm trong rừng. Trong thực tế, cội nguồn chính của nền văn minh Aryan là nằm trong những khu rừng này. Chính nơi đây là nơi phát sinh của nền văn minh Ấn Độ cổ. Tuy nhiên, sẽ không thích đáng khi nói rằng toàn bộ trung tâm học thuật đều không thể tìm thấy dấu tích từ trong rừng. Không nghi ngờ gì, các nhà hiền triết đều cho rằng rất đáng ca ngợi và rất cao cả khi thực hành khổ hạnh trong những khu rừng vắng vẻ, nơi mà môi trường thích hợp nhất cho sự hiến dâng huyền bí; nhưng trong thời kỳ Phệ-đà về sau, chúng ta thấy những người thầy, trong khi cố gắng duy trì công việc dạy dỗ học sinh mình tại nhà riêng trong làng hay trong thị trấn. Những nơi nầy sẽ hoàn toàn phát triển thành những Sư gia (gurukula) như đề cập ở trên. Sau đó, chúng ta thấy rằng nền giáo dục tự viện chỉ được thiết lập trong những thành phố lớn.
Thời đại Văn học Kinh điển
Chương trình giảng dạy
Thời kỳ văn học Phệ-đà được tiếp theo bởi nền Văn học Kinh điển. Văn học thời kỳ Phạm thư (Brāhmaṇa) đến bây giờ đã được hệ thống hóa hoàn chỉnh. Thời kỳ Văn học Kinh điển vào khoảng từ năm 600 ttl. đến 200 ttl.. Phệ-đà và Áo nghĩa thư (Upaniṣad) đã phát triển đến mức hoàn mãn nhất, lan rộng và lớn mạnh cho đến trước thời kỳ Văn học Kinh điển. Sự phát triển văn học Phệ-đà trở nên quá rộng lớn và phổ biến, cần có một cảm thức mạnh mẽ, nên mở ra một vài phương thức có thể thực hiện được như có thể tóm tắt một cách súc tích khối lượng đồ sộ của nền văn học Phệ-đà. Nhu cầu để hoàn thành mục đích nầy, do vậy, khiến phát sinh một dạng văn học mới, đó là Kinh văn. Những Kinh văn nầy mở ra một nguyên tắc và chân lý vĩ đại trong một hình thái rất cô đọng và súc tích. Đó là điều tự nhiên vì để nắm bắt ý nghĩa của Kinh văn mà không cần sự trợ giúp của phân tích và giải nghĩa. Thông thường, nghĩa của chúng là thâm thúy và sâu sắc. Văn phong của kinh rất cô đọng và ngắn gọn đến nỗi, nói theo cách dí dỏm, tác giả tạo ra nó quá vui thú trong sự tiết kiệm ngay cả nửa nguyên âm ngắn, như sự sinh ra được một đứa con trai.
Trong thời kỳ này, quy tắc và sự điều chỉnh giáo dục được thể hiện chủ yếu trong hình thức của Kinh pháp (Dharama-Sutras). Những Kinh pháp nầy thể hiện những nguyên tắc của đạo đức xã hội và luật tắc bổn phận dành cho thầy và trò. Các tác giả của kinh nầy chứng tỏ sự sáng tác không có nguồn gốc; đơn thuần chỉ đề ra nghiên cứu khoa học về sự hiện hữu của nền văn học trước Phệ-đà và nỗ lực đưa nội dung nền văn học vào sâu để quần chúng dễ dàng tiếp cận thông qua kết quả nghiên cứu của mình. Do vậy, văn học Kinh điển thiếu sự tưởng tượng và sức lôi cuốn hấp dẫn như thi ca một cách rõ nét.
Do sự chăm chú không quá khúc chiết và tiết kiệm sự biểu đạt vì mục đích của sự phát triển văn học. Theo cách nầy Sutras-karas có rất nhiều trong phạm vi ngắn nhất của Kinh. Một lý do quan trọng khác cần lưu ý, trong sự liên kết với sự phát triển của văn học kinh điển, chính uy thế của đạo Phật chứng tỏ mối đe dọa khủng khiếp đối với nền văn học Phệ-đà của đạo Bà-la-môn. Vì lý do đó, họ bắt buộc phải rèn luyện một thứ vũ khí mới để tự bảo vệ, chống lại bất kỳ sự công kích nào của Phật giáo, và trong hình thái quần chúng trung gian dễ dãi cho sự truyền đạt những giáo huấn từ những nguyên tắc đạo đức và tôn giáo, từ đó họ có thể truyền bá dễ dàng trong quần chúng, và như thế nên được bất tử. Những nỗ lực nầy tự nhiên đẩy lên cực điểm trong sự sáng tạo nền văn học Kinh điển.
Để người đọc làm quen với số nhiều và đa dạng các môn học hiện hành trong thời gian đó, nên Srauta-Sutras được ra đời đầu tiên. Tác phẩm nầy được xem như là sự tiếp tục của Phạm thư (Brahmanas), đặc biệt trong phương diện thể thức và nghi lễ. Thứ tự tiếp theo là Grihya Sutras, đề cập đến những nghi thức đa dạng gắn liền với sinh hoạt gia đình như sinh nở, cưới hỏi, và tang lễ, v.v... Nó cũng đã trải qua những tên gọi khác, đó là Smriti (đó là vấn đề của trí nhớ, đối nghịch với Śruti). Nhánh thứ ba của văn học kinh điển được gọi là Dharma-Sūtra, để ứng xử với những phong tục và lề thói đa dạng trong sinh hoạt xã hội thường ngày. Hình thức cuối cùng của Kinh là Sulva-Sutras, cho chúng ta biết về kích thước yêu cầu của sự kiến thiết bàn thờ (Vedi). Đó được xem như là hình thái sớm nhất của văn hệ toán pháp Ấn Độ kết hợp chặt chẽ với tri thức tiến bộ về địa lý và mệnh đề toán học.
Toàn bộ văn học kinh điển chủ yếu gồm sáu hệ, được biết rõ hơn là Vedahgas. Một tri thức vượt bậc về những chủ đề đa dạng như Siksha Chhandas, Vyakarana Nirukta, Kalpa và Jyotisha là không thể thiếu được cho mục đích nắm bắt tư tưởng Phệ-đà. Sáu chủ đề điều đã nêu trước đây được gọi là Vedahgas. Một trong những điểm đặc biệt của giáo dục trong thời kỳ nầy là vấn đề chuyên môn hóa của học sinh về các ngành nghiên cứu. Trong thực tế, thời kỳ nầy là quan trọng nhất từ cái nhìn về phương diện cấu trúc và sáng tạo trong nền giáo dục cổ đại Ấn Độ, bởi vì những ngành học thuật quan trọng như Địa lý, Số học, Thiên văn học, Thuật chiêm tinh, Sinh lý học, Văn phạm và Ngữ văn đã lên đến đỉnh cao trong thời kỳ nầy. Sự phát triển của Thiên văn học được quy cho các yếu tố tín ngưỡng. Sự hiểu biết về vị trí, sự di chuyển các vì sao và hành tinh là yếu tố cần thiết để ấn định ngày giờ thích hợp cho việc tiến hành các nghi lễ. Khoa giải phẩu học hay phẩu thuật được hình thành trên cách mổ xẻ để phân tích các sinh vật hiến tế. Văn pháp được tôn vinh rộng khắp của Pāṇini là sự sáng tạo trong thời kỳ nầy. Từ một ý nghĩa, chúng ta có thể xem Pāṇini là người tiên phong của thời kỳ Kinh điển. Kātyāyana và Patañjali là hai nhân vật văn học nổi danh xuất sắc cũng nên được đề cập trong giai đoạn nầy. Những chú giải của Pantañjali là một sáng tạo bất tử của thời cổ đại Ấn Độ. Cùng với luận văn về kinh tế Arthasastra (economic treatise) mà tác giả được gán cho Kautilya, thường được biết với danh xưng là Chanakya, là thành viên hội đồng tối cao của vua Chandragupta Maurya,[19] đề cập đến các vấn đề xã hội, chính trị, và hệ thống giáo dục trong thời kỳ ấy. Đó là sự đóng góp độc đáo trong thời kỳ nầy. Kautilya phân chia tác phẩm của mình thành bốn chương:
(i) Ānvikshakī, (ii) Trayī, (iii) Varta, (iv) Daṅda-Niti hay là luật xử phạt (penal-code). Trong đó, ghi chép về ba khuynh hướng chính của tư tưởng triết học, đó là phái Số luận (Sāṃkhya), Du-già (Yoga) và Lokayata. Chương Trayī đề cập về ba bộ Phệ-đà-Lê-câu Phệ-đà (Ṛg Vedas), Dạ-nhu (Yajuh) và Bản tập (Sama). Chanakya đã hình dung ra một hệ thống được chỉnh lý hoàn mãn dành cho học sinh. Nền giáo dục được phổ cập cho ba giai cấp trên hết.[20] Học sinh được cung cấp một thời khóa biểu chi tiết về bổn phận của mình, đó là, nghiên cứu kinh Phệ-đà, thờ lửa, khất thực, và phụng sự Thầy, v.v... Theo cách tương tự, chúng ta tìm thấy một mô tả chi tiết về bổn phận của một vị vua, của các giai cấp khác nhau và bổn phận của mọi người được ghi trong tác phẩm Arthasastra của Kautilya.
Các bộ luận của phái Chánh lý (Nyāya) và Di-man-sai (Mīmāṃsā) cũng là sản phẩm ra đời trong thời kỳ nầy. Bên cạnh những tác phẩm nầy, bộ Smriti được viết ra để dành riêng hướng dẫn sinh hoạt trong đời sống. Chỉ dụ về bộ luật Manu-smriti được xem như là chân lý chỉ đạo quần chúng Ấn Độ. Tín ngưỡng trong thời kỳ nầy bận rộn với việc sáng tạo và nối kết văn học, dù tương đối có phần tự do hơn trong lĩnh vực tư tưởng. Đời sống tinh thần tiến triển song song với đời sống tâm linh. Một vài ngành nghệ thuật, như ca vũ, kịch nghệ, âm nhạc, cũng như kinh tế và các môn khoa học thế tục khác đều đạt đến điểm cao của sự hoàn chỉnh; những nghệ thuật nầy đều được nuôi dưỡng chủ yếu do phụ nữ và thành phần thủ-đà-la (Sudra). Những kho tàng kiến thức này được gọi là Up-vedas, nó đã nối kết các ngành tri thức khác với Phệ-đà.
Hệ thống giáo dục trong thời kỳ Kinh điển
Hệ thống giáo dục trong thời kỳ Kinh điển được đồng nhất với hệ thống giáo dục trong thời kỳ Áo nghĩa thư (Upaniṣad). Đáng lưu ý Kinh điển không phát xuất hoặc được rút ra từ bất kỳ trường phái tư tưởng triết học mới nào cả; chúng vốn là từ nhiều hạt rắn chắc trong những nguyên lý phổ quát đã được thừa nhận, được giữ gìn nối kết cùng nhau trong xâu chuỗi tín ngưỡng cổ xưa. Tất cả những điều chỉnh bất thành văn hiện thời, những truyền thống xã hội và tôn giáo và những quy ước lâu đời, đều đã được kết tập trong Kinh theo một trật tự có hệ thống và sự sắp xếp chu đáo. Dòng văn học mới sáng tạo nầy thành dòng chính trong việc nghiên cứu của học sinh. Một số nghi thức được thực hiện và quy ước được đưa ra do các học sinh trước khi bắt đầu thời kỳ giáo dục; một trong những nghi thức này là đọc tụng Chân ngôn Savitṛi. Lễ Khai tâm Upayana hay Chūda-karma được tiến hành sau khi bắt đầu chương trình học. Sau đó, lễ Khai tâm được thực hiện không thể bỏ được trong toàn thể giống dân Aryan. Điều nầy đã trợ giúp đáng kể cho nền giáo dục. Tính tất yếu của học viện chính quy là điều vững chắc cho nền giáo dục cao hơn. Kỷ luật của Phạm hạnh vẫn là kiên định không lay chuyển và không nhân nhượng. Theo dòng thời gian, vì sự sụt giảm mức độ tuổi thành hôn của thiếu nữ, nền giáo dục dành cho phụ nữ nói chung chỉ trải qua sự giáo dục ở gia đình. Việc dạy dỗ phụ nữ là do cha hoặc người anh trai đảm nhận. Mậu dịch và thương nghiệp bị o bế cách biệt hẳn với giai cấp hay cộng đồng; tuy nhiên với mức độ tự do cá nhân, có thể chấp nhận được trong ý nghĩa công nhận mọi nghề nghiệp tùy theo sở thích và năng khiếu của từng người. Nhiều ngành khoa học nghệ thuật đa dạng như thủ công mỹ nghệ, y dược, kiến trúc và điêu khắc đã đạt đến đỉnh cao nhất trong sự phát triển của nó. Thế nên chúng ta thấy nền tảng khách quan toàn bộ hệ thống giáo dục trong thời kỳ nầy chính là sự hình thành đặc tính, sự phát triển tính cách và bảo vệ nền văn hóa cổ. Học thuyết triết học đã hưởng được sự phát triển không gián đoạn từ thời kỳ Phệ-đà. Thời kỳ Áo nghĩa thư (Upaniṣad) có thể được xem như là tuyệt đỉnh triết học. Nhưng thời kỳ Kinh điển chứng kiến sự hoàn thành tiến trình nầy. Trong thời kỳ nầy, tư tưởng triết học hiện thời chủ yếu tuôn trào theo sáu hệ khác nhau. Theo cách nầy đã phát triển thành sáu hệ thống triết học. Đó là:
(i) Phái Số luận (Sāṃkhya) của Kapila,
(ii) Phái Du-già (Yoga) của Patañjali,
(iii) Phái Chính lý (Nyāya) của Túc-mục (Gautama),
(iv) Phái Thắng luận (Vaiśeṣika) của Kaṇāda,[21]
(v) Nghiệp (Karma) hay Purva- Mīmāṃsā của Jaimini,
(vi) Uttara Mīmāṃsā[22] hay Phệ-đàn-đa (Vedānta) của Badarayana.
Đạo sư (Ṛṣī) đã đề cập từ trước, không phải là những vị tổ của những hệ thống triết học nầy; mặt khác, những hệ thống nầy vốn đã có từ lâu. Sự tham dự của các vị ấy trong các vấn đề nầy, tuy nhiên, hạn định trong sự truyền đạt một hình thái tối hậu thông qua tiến trình phân tích và giải thích rõ ràng các hệ thống. Chỉ có những học sinh nào được quyền nghiên cứu triết học mới có đủ tư cách để ‘tuyên bố; adhikara'[23] về điều ấy. Phần lớn số đông có thể yên tâm hài lòng chỉ với môn khoa học thế tục. Max Müller trong tác phẩm của ông nhan đề 'Lecture' on Vedanta Philosophy đã có nhận xét đúng đắn, ‘người nào không hàng phục hoàn toàn cảm xúc của mình, cho thấy rằng người ấy không thích hợp để nghiên cứu triết học.’
Bằng cách nầy, việc nghiên cứu triết học là tự hoàn thành trong chính nó, nhằm đưa ra giải pháp đúng đắn cho vấn đề rèn luyện, tính nhân văn và tri thức tối thượng. Triết học Ấn Độ đã góp phần độc đáo cho tính nhân văn của đất nước chúng ta ở bình diện rộng lớn. Đó là một hệ thống tư tưởng đã giữ cho ngọn lửa văn hóa Ấn Độ rực cháy qua những thời kỳ mãnh liệt như bão tố, bằng đức tính mộc mạc và tính cách khả thi của nó.
Nền giáo dục trong các Sử thi
Phương pháp và chương trình giảng dạy
Ramāyaṇa và Mahābhārata là hai bộ Sử thi lớn của Ấn Độ cổ đại. Những bộ Sử thi nầy đã cho chúng ta cái nhìn thoáng qua vào những tín điều của tinh thần thượng võ vào thời đó; tuy nhiên, trong đó rải rác vẫn có những sự kiện soi chiếu ánh sáng vào nền giáo dục của thời kỳ nầy. Chẳng hạn, có sự đối chiếu những nguyên lý nằm dưới sự khác nhau của giai cấp (varṅa) và āśrama,[24] định nghĩa về quan niệm học tập và ẩn cư cũng như trọng tâm của việc giáo dục tri thức và quân sự trong giới thanh niên vương tử thuộc dòng dõi sát-đế-lỵ (kṣatriya). Về nền giáo dục của Bà-la-môn, có ban hành một lệnh rõ ràng được ghi trong Dharma-Sutras như đã đề cập ở trên. Họ cần phải có đầy đủ những điều kiện nhất định và phải có những phẩm chất đặc biệt, đó là tâm hồn trong sáng, vô nhiễm, học tập Phệ-đà, tự chế và khiêm hạ là những thuộc tính chung của tập sinh, Bổn phận của tập sinh là hết lòng phụng sự Thầy, rèn luyện phạm hạnh và khất thực. Cùng với những bổn phận được hiểu là thuộc về tâm linh nầy, còn có những phương thức cư xử khác thuộc về sinh hoạt hằng ngày. Tập sinh sẽ học bằng cách ngồi dưới chân thầy; ngoài ra, học trò sẽ không được phép ăn hay ngủ trước Thầy mình. Như thế, đệ tử sẽ trải qua 25 năm học tập và phụng sự Thầy, để theo quy định, công bố chia tay và trở về lại nhà để gánh vác trách nhiệm của người chủ gia đình vững chãi.
Học sinh báo đáp công lao của Thầy mình tương ứng với năng lực của Thầy đã dạy dỗ. Chúng ta bắt gặp trong thời kỳ nầy những mẫu mực nổi tiếng về lý tưởng học tập; những tên tuổi kiệt xuất thời đó là Āruni, Utaṅka và Upamanyu. Cùng với sự đề cập đến các đệ tử, còn nói đến những bậc Thầy lỗi lạc, đó là Kanva, Vyas, Vasishtha, Visvamītra, Droṇa, v.v.... A-xà-lê Droṇa là bậc Thầy giỏi về chiến trận. Ở đây nên được nhắc nhở rằng hệ thống giai cấp đã được thừa nhận một cách khắc khe không gì lay chuyển được. Tầng lớp thủ-đà-la (sudra) vào thời nầy đã bị tước đi quyền được học tập Phệ-đà và quyền được tập luyện quân trận bậc cao. Ekalavya, một cậu bé thuộc Tầng lớp thủ-đà-la đã bị A-xà-lê Droṇa, thầy dạy về quân trận từ chối, tuyên bố chỉ nhận việc huấn luyện tập trận cho những công tử thuộc tầng lớp sát-đế-lỵ (kṣatriya). Có những nghề nghiệp và bổn phận được dành chung cho các tầng lớp, được gọi là ‘sinh lần thứ hai ‘Dvija’, đó là học tập, hiến tế và từ thiện. Thêm vào những điều nầy, những bổn phận riêng biệt cho cả bốn tầng lớp: Bà-la-môn, đảm nhiệm những bổn phận đặc biệt về giáo dục, thực hiện lễ nghi Yaiña cho những người khác và thu nhận vật phẩm; tầng lớp sát-đế-lỵ (kṣatriya) đảm nhiệm việc che chở và bảo vệ cho mọi người. Cùng theo cách ấy, tầng lớp phệ-xá (Vaisaysa) có những nghề nghiệp tương ứng với tầng lớp riêng của mình, đó là buôn bán, mậu dịch, chăn nuôi gia súc và trồng trọt; tầng lớp thủ-đà-la đảm nhiệm việc phục vụ ba tầng lớp trên.[25] Tất cả bốn tầng lớp này đều có chương trình học đặc biệt dành riêng cho họ. Tầng lớp sát-đế-lỵ bụộc phải học nghệ thuật bắn cung của Dhanurveda.[26] Thuật ngữ chung Dhanurveda bao quát tất cả các môn khoa học và nghệ thuật quân sự vào thời đó. Chỉ trích dẫn vài trường hợp, Rama, Parasurama, Bhishma, Arjuna và Kama đều là những chuyên gia lỗi lạc trong môn nghệ thuật bắn cung của Dhanurveda. Một vài trung tâm lớn và quan trọng về bộ môn nầy là ở tại Prayaga, Kasi và Ayodhya. Ở đây chúng ta có thể nói đến một trong những nơi ẩn cư lớn và nổi tiếng nhất vào thời kỳ nầy, nơi ẩn cư của Ṛṣī Bharadvaja ở Prayaga, đó là trung tâm giáo dục lớn nhất ở miền Bắc Ấn Độ.
Nền giáo dục Phụ nữ
Hệ thống giáo dục dành cho phụ nữ thời kỳ tiền Phệ-đà không khác về bản chất với thời kỳ Phệ-đà; ít nhiều có sự đồng nhất. Một trong những khía cạnh đặc biệt của văn hóa Ấn Độ vốn rất dễ nhận thấy bởi nó thiếu vắng ở các nơi khác trên thế giới, đó là phụ nữ Ấn Độ luôn luôn thiết lập một nền giáo dục, văn hóa không thể tách rời với họ và là một thành phần được tôn trọng trong xã hội. Trong thời kỳ Lê-câu Phệ-đà (Ṛg Vedas), phụ nữ hưởng được những tự do đến mức cao nhất. Họ sẽ tham gia trong các lễ hiến tế với nam giới nhiều đến mức không có buổi lễ Yajña nào được xem là hoàn hảo nếu không có sự tham gia của giới phụ nữ gọi là Ardhaṅginī về những việc như vậy. Một vài Richas của Lê-câu Phệ-đà (Ṛg Vedas) được gán cho những nhà thơ phụ nữ. Nền văn học Lê-câu Phệ-đà (Ṛg Vedas) đề cập đến nhiều hiền triết học giả thông thái là phụ nữ, đó là Visvavara, Ghosha, Romasa, Lopamudra, Urvasi và Apala. Đến thời kỳ Áo nghĩa thư (Upaniṣad), phụ nữ không còn bị hạn chế trong sự tiếp nhận giáo dục. Hai người vợ của Yajnavalkyas-Gargi và Maitreyi–đều là những phụ nữ uyên bác và thông thái.
Bằng chứng hiển nhiên là có lần diễn ra cuộc thảo luận uyên bác giữa Maitreyi và người chồng của bà về những vấn đề siêu hình học và linh hồn của Thần linh, Sáng tạo và Linh hồn (Ātman; Ngã). Trong Áo nghĩa thư (Upaniṣad) có sự mô tả về những người phụ nữ như vậy khi đảm nhiệm những bổn phận giáo dục và được mệnh danh là Sikshikas.[27] Trong một số văn tịch Smriti, phụ nữ được gọi là Brahma-Vadini. Một số nhà tư tưởng phân loại phụ nữ thành hai phạm trù: (i) Brahma-Vadini và (ii) Sadyobadhu. Phụ nữ là Brahma-Vadini có đủ tư cách để làm lễ khai tâm (Upanayana), làm lễ tế lửa (Agnyadhana), học kinh Phệ-đà và thực hành hạnh khất thực trong phạm vi gia đình; trong khi đó, Sadyobadhu chỉ được thực hiện lễ khai tâm (Upanayana) trong một vài hình thức trước khi lập gia đình. Chủ đề chính cho Sadyobadhu học tập là các chú ngữ Phệ-đà (Veda Mantras), âm nhạc, vũ đạo, và rèn luyện các ngành mỹ nghệ khác. Kinh Grihya-Sutras cũng dạy rằng người vợ nên cần có sự giáo dục cần thiết đến mức có thể tham dự cùng chồng mình trong những lễ hiến tế và các lễ nghi tôn giáo khác. Quả thực, có thể nói hiển nhiên cả phụ nữ lẫn nam giới đều hoàn toàn tự do trong vấn đề thực hiện lễ hiến tế. Tiến sĩ Dr. Radha Kumud Mookerji, trích dẫn phát biểu của Hemadri, nhận xét rằng ‘Các đồng nữ (Kumaris) nên được dạy Minh triết (Vidya) và Pháp tắc (Dharmaniti). Một cô gái đồng trinh có giáo dục sẽ đem đến những điều lành cho gia đình cha mẹ mình và gia đình chồng. Thế nên cô ta nên được gả cho một người chồng tri thức (manishi), vì cô ta là một Vidushi.’
Cũng trong thời kỳ Kinh điển, phụ nữ không bị cấm tiếp nhận sự học hỏi. Họ nghiên cứu và rất thành thạo văn học Phệ-đà. Thầy giáo nữ giới được gọi là Upadhayaya và Acharya. Hoài bão của người cha là thấy được con gái mình lớn lên trở thành một Vidushi hay là một người phụ nữ trí thức. ‘Phụ nữ dường như cũng được thừa nhận vào trong huấn luyện quân trận, như được biểu hiện qua hư cấu, 'Saktiki,’ do Patañjali đề cập (iv, 1, 15) (6), có nghĩa là người phụ nữ mang gươm giáo.’ (Tác phẩm Ancient Indian Education của Tiến sĩ Radha Kumud Mookerji). Lại nữa, chúng ta tình cờ gặp trong thời kỳ Sử thi rất nhiều những ví dụ minh họa về phụ nữ có học thức uyên bác và tính cách đạo đức cao vời không thể nghi ngờ được. Vào thời kỳ nầy, tính trội vượt của người chồng đã được thiết định và sự tôn sùng của người vợ đã trở nên hoàn toàn phổ biến. Sita là ví dụ sáng chói nhất diễn ra trong Sử thi Ramāyaṇa. Những người phụ nữ nầy hoàn toàn thành thạo kiến thức Phệ-đà. Đó là nói về Kunti, nàng đã có được sự hoàn hảo và tri thức toàn diện về A-thát-bà Phệ-đà (Atharva veda). Tuy nhiên, phải thấy rằng không có bất kỳ sự khác biệt nào được tạo ra giữa hệ thống giáo dục áp dụng cho nam giới và phụ nữ. Vì lễ khai tâm (Upanayana) là điều kiện thiết yếu để tụng đọc tán ca Phệ-đà, phụ nữ cũng không miễn trừ trong lễ khai tâm nầy. Họ học tất cả những quy định cần thiết của phạm hạnh (brahmacharya). Trong Manu-Smriti xác nhận không thể thiếu được lễ khai tâm cho nữ giới. Nghiên cứu Phệ-đà là tiến trình bắt buộc trong nền giáo dục dành cho phụ nữ; nhưng mức độ nghiên cứu của họ chỉ hạn chế trong những tán ca vốn cần thiết cho lễ hiến tế (Yajña) hay những nghi lễ. Bên cạnh việc nghiên cứu Phệ-đà, phụ nữ có thể đọc Mimaṅsa[28] và trở nên chuyên môn hóa về kiến thức môn nầy. Thời kỳ Áo nghĩa thư (Upaniṣad) sản sinh nhiều triết gia phụ nữ thông thái; nổi bật trong số đó là Maitreyi and Gargi, họ tham dự những cuộc tranh luận với các hiền triết và triết gia trong triều đình vua Janaka. Uttar-Ramacharit kể chuyện Atraiyi, người đã nghiên cứu Phệ-đàn-đa (Vedānta) với Lava và Kusa trong nơi ẩn cư của Balmiki và Agastya. Thế nên chúng ta thấy phụ nữ rất được tôn trọng và vinh danh trong thời kỳ tiền Phệ-đà. Họ có tầm mức tự do trọn vẹn nhất để phát huy tính cách của mình. Lễ khai tâm (Upanayana) là điều thiết yếu cho con trai cũng như con gái, vì giáo dục phụ nữ là điều bắt buộc. Con gái chủ yếu thuộc dòng dõi quý tộc, thiết yếu phải được tiếp nhận nền giáo dục từ văn học Phệ-đà.
Thời gian tiếp diễn, tính ưu việt của nam giới đã ảnh hưởng tình trạng xã hội một cách bất lợi cho phụ nữ. Sức thuyết phục dần bám chắc thành gốc rễ rằng nữ giới không thích nghi với nền giáo dục Phệ-đà. Nạn tảo hôn (child-marriage) bị cấm đoán nghiêm khắc vào thời kỳ Phệ-đà. Những phụ nữ nào muốn học phải phát lời thề nghiêm túc sống độc thân suốt đời. Nhưng trong dòng cuối cùng của thời kỳ Phệ-đà sau nầy, việc tảo hôn dường như trở nên thịnh hành. Những quy luật lễ khai tâm áp dụng cho phụ nữ cũng nới lỏng dần dần. Tỷ lệ phụ nữ có giáo dục, do vậy, bị giảm sút nghiêm trọng. Theo đó, vai trò phụ nữ như là bà chủ nhà nội trợ được nhấn mạnh bởi các nhà tư tưởng mang tính xã hội. Việc dự trữ mọi tiện nghi nội trợ cho người chồng nhờ vào tài khéo léo của người phụ nữ trong công việc nội trợ được xem là mục đích duy nhất và có ý nghĩa của đời sống phụ nữ. Hậu quả tất nhiên quan niệm như thế là tầm quan trọng và tình trạng xã hội của phụ nữ tiếp tục đi xuống dốc trong sự nghiệp của họ. Suy nghĩ đúng đắn là nền giáo dục Phệ-đà, ngay cả trong đọc tụng tán ca Phệ-đà, nên được dành cho phụ nữ, vì niềm tin đã lưu hành rằng họ không thể đọc tụng chân ngôn Phệ-đà (Vedic Mantra) theo sự điều tiết âm vận. Do vậy, điều cốt yếu, là nữ giới sẽ xem nền giáo dục Phệ-đà như là Trái cấm (Forbidden Fruit) cho chính họ, nếu tính chất thiêng liêng của kinh văn Phệ-đà được giữ gìn không cho đụng chạm đến. Cùng với ý tưởng nầy, quan niệm mê tín cho rằng, đọc tụng kinh điển không đúng lúc và thiếu sót sẽ đem đến sự suy sụp cho những cá nhân hay gia đình, hay vài tai ương sẽ bất thình lình xảy đến, điều ấy đã bám rễ không gì lay chuyển được trong tim của mỗi người. Tiếng Sanskrit đã đóng vai trung gian trong sự diễn đạt kinh điển Phệ-đà và các tôn giáo khác, chính là ngôn ngữ giao tiếp[29] chung cho mọi người. Từ đó trở đi, cả hai ngôn ngữ, ở một điểm nào đó là từng phần kết hợp với nhau. Ngôn ngữ bình dân dần dần tự nó thoái hóa trở thành thông tục và thành phương ngữ địa phương, được gọi là tiếng Prakrat (Prakrit). Dưới hoàn cảnh như vậy, sự khó khăn của phát âm đúng đắn theo trọng âm tự nhiên nẩy sanh. Điều nầy giải thích một phần nào về sự cấm đoán nữ giới trong nền giáo dục Phệ-đà. Rõ ràng không nhầm lẫn rằng hiện tượng này, không nghi ngờ gì đã gán cho thái độ thờ ơ của xã hội đối với phụ nữ, vì nếu phụ nữ được khuyến khích đón nhận nền giáo dục và những phương tiện tương xứng được cung ứng như đã từng làm trong thời kỳ Phệ-đà hay nền giáo dục tiền Phệ-đà, có thể họ sẽ có khả năng đạt được sự thông thạo và khéo léo trong nghệ thuật chính xác và tao nhã của việc tụng đọc chân ngôn Phệ-đà (Vedic Mantras), vì chức năng thông minh của phụ nữ có thể phát huy (pari passu).
Như nam giới, miễn là đảm bảo có cơ hội thích nghi. Phụ nữ nổi tiếng với tính nhạy bén và sự sáng trí ngay từ khởi đầu. Nhưng sự phát triển và phổ biến niềm tin cho rằng phụ nữ thấp kém hơn nam giới về mặt tri thức, đã đem lại một ngọn gió quan trọng vào nền giáo dục phụ nữ, và họ đã bị tước đi quyền căn bản cho sự phát huy tính cách riêng của mình trong hằng thế kỷ.
Nền giáo dục Công nghiệp phân chia theo giai cấp
Từ thời kỳ lâu xa, người Aryan đã có cảm tưởng sự tiến bộ xã hội là không thể hiểu được nếu không có sự phân chia sáng suốt giữa các bổn phận. Theo đó, họ phân loại toàn thể thành phần xã hội chủ yếu thành bốn phạm trù giai cấp (varṇa):
(i) Brahmin: Bà-la-môn: Tế sư.
(ii) Kṣatriya: sát-đế-lỵ (kṣatriya), vương tộc.
(iii) Vaiśya: Phệ-xá; thương buôn
(iv) Sudra: thủ-đà-la: tiện dân, nô lệ.
Sự phân loại nầy thuần túy dựa trên sự phân công theo công việc; và mỗi tầng lớp đều được phân bố một bổn phận riêng. Chính hệ thống giai cấp không quá cứng nhắc; và thay đổi từ giai cấp này sang giai cấp khác không phải là điều khó khăn hoặc không thể thực hiện được. Nhưng trong tiến trình thời gian, những bổn phận nầy được cho là nghiêm khắc không thể uốn cong được, và hệ thống giai cấp được giảm trừ chỉ còn là quá chấp nê vào quy ước.
- Bà-la-môn: Tế sư. (Brahmin): Bổn phận chủ yếu nghiên cứu học tập và giảng dạy Phệ-đà, thực hiện lễ hiến tế (Yajña) cho mình cũng như cho mọi người. Nhận và ban phát quà tặng. Ban sơ, chỉ riêng kiến thức là tiêu chuẩn để quyết định và phán xét của giai cấp Bà-la-môn; yếu tố sinh trưởng và dòng dõi không được đưa vào đây. Dần dần, tuy vậy, thời gian trôi qua, tập quán giáo dục trẻ em của một số thầy giáo uyên bác trở nên thịnh hành. Thế nên sự kế tục (tập ấm) từ cha đến con, sản sinh một tầng lớp các tế sư riêng rẽ và đặc biệt khác. Có những trường hợp ngoại lệ và đã có những ví dụ về những người thuộc giai cấp sát-đế-lỵ (kṣatriya) được tôn vinh và kính trọng như giai cấp Bà-la-môn vì kiến thức uyên bác của họ. Vua Janaka và Ajatsatru là những mẫu mực sáng chói trong trường hợp nầy. Tầng lớp Bà-la-môn hoàn toàn phải đảm nhiệm việc giáo dục đối với tầng lớp sát-đế-lỵ (kṣatriya) và thương buôn (Phệ-xá; Vaiśya) theo cái nhìn chuyên môn hóa của họ về công việc dạy dỗ. Bổn phận này đã nâng cao tầm mức tôn kính và chân giá trị của họ trong xã hội. Họ được xem như là người hướng đạo và là bậc thầy của toàn thể cộng đồng. Tri thức ưu việt của Bà-la-môn đảm bảo địa vị hàng đầu của họ; họ bắt đầu được ví như bộ não của tổ chức xã hội. Sự hiện diện của họ được xem không thể thiếu trong các dịp lễ nghi tôn giáo và cúng tế như lễ cưới, sinh nở, lễ khai tâm (Upanayana), tang lễ, v.v... Thế nên, chứng cứ hiển nhiên là nền tảng xã hội của các tế sư chủ yếu là kinh tế và nghề nghiệp. Các tế sư nghĩ rằng cần thiết phải huấn luyện con cháu mình về nghệ thuật điều khiển một cách hiệu quả nghề nghiệp thầy tế. Từ hằng thế kỷ đến nay, nghề nghiệp nầy vẫn còn được giữ gìn một cách đặc biệt trong giai cấp Bà-la-môn; và ngay cả ngày hôm nay, các thánh tích đều được tìm thấy ngay trong lòng xã hội.
- Sát-đế-lỵ (kṣatriya): vua chúa, quý tộc.
Như đã thấy với sự trôi qua của thời gian, việc học Phệ-đà đã trở nên quan trọng thứ yếu đối với tầng lớp sát-đế-lỵ (kṣatriya) và phệ-xá (vaiśya). Họ cho rằng đã đủ cho họ khi chỉ cần có kiến thức nông cạn về Phệ-đà (Veda), Vedangas, Áo nghĩa thư (Upaniṣad). Vedangas đã phát xuất gần 500 ttl. và mở ra sự dẫn đạo cho nền giáo dục về văn pháp và luật pháp dần dần được thiết lập. Luật pháp kinh (Dharama Sutras) và Pháp điển (Dharama Śāstra) đều phát sinh trong thời kỳ kinh điển. Các tác phẩm nầy chủ yếu đều là các luận thuyết chính trị và luật pháp liên quan đến quyền lợi và bổn phận các vua chúa dòng sát-đế-lỵ (kṣatriya). Trong thời kỳ sau, Đạo đức luận (Niti-Śāstra; Ethics) và Thực lợi luận (Artha-Śāstra; Economics) ra đời dựa trên ý tưởng nền tảng là những bộ luận nêu trên. Dù chúng ta không thấy có tham chiếu đến những đề tài nghiên cứu riêng cho các vương tử sát-đế-lỵ (kṣatriya) được viết bởi Apstṁbha, Buddhayana hay Vasistha. Nhưng Túc-mục (Gautama),[30] mặt khác, đã trình bày rõ ràng rằng một vị vương tử phải thông thạo triệt để ba bộ Phệ-đà và Tarka Śāstra (Logic; Luận lý học). Vì thực tế là, phạm vi bổn phận tương ứng với tầng lớp sát-đế-lỵ (kṣatriya) chỉ là bảo vệ, che chở và cai trị dân chúng. Vì sự thực hiện có hiệu quả vấn đề có tính trách nhiệm đó, sự huấn luyện các chức năng tri thức tương ứng là điều thiết yếu không thể phủ nhận được; nhưng tầm mức quan trọng hơn và ý nghĩa hơn đó là việc huấn luyện binh bị cho hàng vương tử sát-đế-lỵ (kṣatriya). Điều nầy giải thích sự kết hợp của nền giáo dục Phệ-đà và giáo dục quân sự bao hàm việc huấn luyện hợp lý nghệ thuật sử dụng các binh khí và kiến thức chiến thuật quân sự. Do vậy, phần chính trong sinh hoạt của họ tương ứng với nền giáo dục quân sự. Trong Sử thi Ramāyaṇa có đề cập đến việc huấn luyện quân sự cho các con trai của vua Dasaratha khi họ đang còn nhỏ.[31] Rama xem đó như là bổn phận thiêng liêng để cứu giúp mọi khổ đau bằng cách nhổ sạch các thế lực xấu ác. Từ lúc nầy đến lúc khác, anh ta phô bày kỹ năng quân sự điêu luyện của mình bằng cách giết những kẻ ác vô luân như Bali, Kumbhakarna và Ravana với quan niệm thiết lập một triều đại của tín ngưỡng và không có tội ác. Trong Sử thi Mahabharata, chúng ta thấy nghệ thuật quân sự Ấn Độ cổ đại đã lên đến đỉnh điểm. Trong lịch sử, đó có lẽ là cuộc chiến tranh vĩ đại đầu tiên đã dẫn đến một tầm mức rất rộng lớn. Vấn đề huấn luyện quân sự cho Kauravas và Pandavas bởi Dronacharya được tìm thấy trong Sử thi Mahābhārata. Nên nhớ rằng hàng Bà-la-môn không chỉ thông thạo và hiểu biết về khoa học và nghệ thuật rộng rãi mà còn giỏi về những bộ môn đặc biệt khác như kỹ năng quân sự. Sự kiện nầy có thể được nêu ra bởi những ví dụ về những nhân cách chiến binh dũng cảm như Parasurama và Guru Dronacharya. Nói rằng giáo dục quân sự bị cấm đối với hàng thủ-đà-la (śūdra) có lẽ là một quan niệm cực đoan; tuy nhiên, một thực tế không chối cãi được là con trai thuộc hàng thủ-đà-la (śūdra) không được phép huấn luyện quân sự cùng với con trai thuộc tầng lớp cao trong xã hội, đó là giai cấp Bà-la-môn và sát-đế-lỵ (kṣatriya).
Thời kỳ kinh điển mở ra một bản liệt kê tinh vi về quyền lợi và bổn phận của tầng lớp sát-đế-lỵ (kṣatriya) và do vậy, đã giúp cho nền giáo dục của họ phát triển. Thực lợi luận (Artha-Śāstra) của Kautilya có thể truy tìm dấu tích là ở vào thời nầy. Nó gồm những mô tả chi tiết về nền giáo dục của giai cấp sát-đế-lỵ (kṣatriya). Ở đây chúng ta có thể trích dẫn ví dụ về
Chanakya, nhân vật là nguyên nhân chính của sự lật đổ vị vua trị vì triều đại Nanda. Chính Chanakya đã huấn luyện Chandragupta, một vị vương tử dòng sát-đế-lỵ (kṣatriya) về chính trị cùng khoa học quân sự và nghệ thuật trị nước. Chanakya hết sức khuyến khích và thúc dục Chandragupta xây dựng một đế chế hùng mạnh mới vượt trên sự đổ nát của triều đại Nanda.
Thực lợi luận (Artha-Śāstra) của Kautilya đề cập đến bốn ngành khoa học bắt buộc dành cho sự giáo dục các vương tử:
- Anvikshaki: Liên quan đến các hệ thống tư tưởng và triết học; đó là Số luận (Sāṃkhya). Du-già (Yoga), và Thuận thế (Lokayata).
- Trayi: Ba bộ Phệ-đà, Bản tập Phệ-đà (SamaVeda); Lê-câu Phệ-đà (Ṛg Vedas) và Dạ-nhu Phệ-đà (YajuhVeda)
- Varta: Các bộ môn liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh.
- Dandaniti: Khoa học và áp dụng luật hình sự.
Có sự sắp đặt thời gian biểu hợp lý cho sự huấn luyện các môn nghệ thuật và khoa học khác nhau. Buổi sáng ấn định dành cho nghệ thuật quân sự liên quan đến bốn khoa mục quân sự, đó là voi chiến, ngựa chiến, đánh xe và bộ binh, bao hàm nghệ thuật vận dụng các loại lực lượng trong chiến tranh. Buổi chiều dành cho việc nghiên cứu và nghe thuyết trình về Itihāsa, theo Kautilya, trong đó chứa đựng các chủ đề như Puraṇa Akhyayika, Itivritta, Udaharna, Pháp điển (Dharmaśāstra) và Thực lợi luận (Arthaśāstra). Các vị vương tử được huấn luyện khoa học chính trị thông qua truyện ngụ ngôn và các truyền thuyết như được dẫn chứng bởi Akhyayikas có trong Panchatantra và Hitopadeśa cũng như có trong Bản sinh truyện (Jātaka) thuộc về một thời kỳ muộn hơn.
Thế nên chúng ta thấy rằng các vương tử dòng sát-đế-lỵ (kṣatriya) được trao truyền kiến thức thực dụng vốn mang bổn phận quan trọng trong đời sống tương lai. Không chỉ như vậy, một vị vua dòng sát-đế-lỵ (kṣatriya) cần thiết phải tự mình làm quen với kiến thức trọn vẹn dành cho ba tầng lớp kia, nghề nghiệp và hệ thống giáo dục của các giai cấp ấy. Ngoài các vương tử ra, số đông các vương tử cũng phải trải qua lễ khai tâm (Upanayana). Việc nghiên cứu Phệ-đà và Áo nghĩa thư (Upaniṣad) không quá trói buộc trong trường hợp lớp thanh niên trẻ tầng lớp sát-đế-lỵ (kṣatriya) như trong trường hợp đối với thanh niên của giai cấp Bà-la-môn. Nhưng giáo dục quân sự được hình thành chủ yếu như một phần tích hợp trong nền giáo dục của họ. Nói chung, binh nghiệp là nghề chính của tầng lớp sát-đế-lỵ (kṣatriya). Những người nầy sẽ giúp cho vua chúa và các bộ trưởng sát-đế-lỵ (kṣatriya) trong công việc quản trị và bảo vệ quốc gia bằng tuyển mộ binh lính và tham gia việc triều chính. Bổn phận giáo hóa được gìn giữ do chính giai cấp Bà-la-môn và ngăn ngừa các tầng lớp khác trong công việc đó. Họ thi hành chế độ chuyên quyền mang tính tri thức trong xã hội, ngay cả sau lễ đăng quang của nhà vua, sự thống trị thần dân được khẳng định; và tầng lớp Bà-la-môn thường can thiệp vào việc triều chính, tín ngưỡng, xã hội và các công việc nội trị riêng tư khác. Cũng thấy được rằng trong giai đoạn khởi đầu của nền giáo dục Phệ-đà, khi hệ thống giai cấp không được cho là quá nghiêm khắc, tầng lớp không phải Bà-la-môn cũng đảm nhiệm việc truyền dạy các môn học Phệ-đà. Trong bộ thứ ba (mandal) của Lê-câu Phệ-đà (Ṛg Vedas), có những chú ngữ (mantra) được gán cho tác giả là một Hiền triết thuộc dòng dõi sát-đế-lỵ (kṣatriya), Ṛṣī Visvamitra. Cùng cách đó, sự tham gia của thầy giáo thuộc tầng lớp sát-đế-lỵ (kṣatriya) trong các luận giải mở rộng hay phân tích về tư tưởng triết học Áo nghĩa thư (Upaniṣad) không được đánh giá cao. Trong mối quan hệ nầy, đáng lưu ý rằng trong một số trường hợp, các môn đệ của Bà-la-môn sẽ đến với các thầy giáo thuộc tầng lớp sát-đế-lỵ vì mong cầu kiến thức. Trong số những thầy giáo đó, Asvapati, Janaka, và Pravahan Jevali là đáng đề cập nhất. Tương tự như thế, thói quen truyền dạy một số môn ngoài Phệ-đà của tầng lớp Bà-la-môn là phổ biến. Trong các môn học ngoài Phệ-đà, bộ môn nổi bật nhất là giáo dục quân sự, kỹ nghệ, thương mãi, và y dược, v.v...
Phệ-xá (Vaiśya): Một thực tế không thể bàn cãi được là giáo dục giải quyết vấn đề nghề nghiệp trong tương lai của một cá nhân hay một giai cấp. Về giai cấp Phệ-xá (Vaiśya), nông nghiệp và buôn bán là nghề nghiệp chính của họ; vì thế họ được truyền dạy kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi và mậu dịch. Nền giáo dục của giai cấp Phệ-xá (Vaiśya) cũng được đặt dưới sự kiểm soát và giám sát trực tiếp của giai cấp Bà-la-môn. Không giống như giai cấp Bà-la-môn và sát-đế-lỵ (kṣatriya), giai cấp Phệ-xá cũng không được miễn trừ nghi thức khai tâm trước khi bắt đầu chương trình giáo dục. Họ bị bắt buộc phải đạt được nền giáo dục căn bản về Phệ-đà, nhưng, như đã nêu ra trước, nghề nghiệp chính của họ là trồng trọt, chăn nuôi và buôn bán, và do vậy lợi ích của kiến thức thực tiễn và kỹ thuật rất quan trọng đối với họ. Nghiên cứu Phệ-đà được xem là tầm quan trọng thứ hai. Đối với họ, có định hướng về giáo dục kỹ thuật vì môn nầy thích ứng với nhu cầu của mình. Tương truyền rằng những người thuộc giai cấp Phệ-xá không bao giờ nghĩ rằng mình là những kẻ đáng khinh. Họ yêu cầu được sở hữu kiến thức về công việc thuộc các nghề nghiệp đa dạng như cách định giá và kiến thức về phương pháp thử nghiệm kim loại quý, sợi vải, gia vị, và hương liệu. Bên cạnh những điều nầy, họ có một kiến thức thông thạo về đất đai phì nhiêu hay cằn cỗi, phân bón, các dụng cụ để cân đong đo lường, và đó cũng là để đo đếm mức dao động của lời và lỗ trong việc buôn bán dưới nhiều điều kiện thị trường khác nhau. Trong mối liên hệ nầy, họ phải học về kinh tế và địa lý thương mại. Bên cạnh đó, họ phải duy trì thường xuyên tiếp xúc với nhu cầu và phương thức cung ứng các hàng hóa sản xuất trong những quốc gia khác nhau trên thế giới để duy trì mối liên hệ buôn bán với họ. Kiến thức về các thứ ngôn ngữ khác nhau, định mức tiền lương, luật lệ trong việc mua và bán hàng hóa, đều được xem như là không thể thiếu đối với tầng lớp Phệ-xá. Để có được tin tức phong phú này, việc nghiên cứu toán pháp, địa lý tổng quát cũng như kinh tế và địa lý thương mại, khoa học nông nghiệp và phương thức kinh doanh là những môn học cực kỳ thiết yếu. Nói chung, kiến thức nầy được cần đến ngay từ thơ ấu do cha mẹ của họ theo một hình thái thực tiễn. Nhưng để học kinh Phệ-đà, họ phải gia nhập vào một trường lớp chính quy đã được thiết lập trước. Kiến thức về nông nghiệp và thương mãi thường được góp nhặt thông qua thực hành và kinh nghiệm trực tiếp.
Thủ-đà-la (Śūdra): Không có định hướng giáo dục cao hơn cho tầng lớp thủ-đà-la. Tuy nhiên, giáo dục dành cho họ ít nhiều giống như giáo dục dành cho tầng lớp Phệ-xá. Tầng lớp thủ-đà-la cũng giống như Phệ-xá, cũng học về trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sữa, nhiều nghề thủ công mỹ nghệ, v.v... Thế nên sự tham gia của tầng lớp thủ-đà-la trong nền phát triển kinh tế quốc gia không được đánh giá cao cho lắm. Họ được học Phệ-đà Devajana, mà theo Saṃkara, gồm có nhảy múa, âm nhạc, hòa tấu, chế nước hoa và nhuộm áo quần. Thêm vào đó, họ gắn bó với công việc xe chỉ, dệt vải, in trên vải. Không có trường lớp nào được lập ra trong thực tế để truyền dạy giáo dục kỹ thuật, những kiến thức của họ được truyền từ thế hệ nầy đến thế hệ khác. Việc chế tạo vũ khí đạn dược, chiến xa, kiến trúc, điêu khắc, và hội họa–những việc nầy và những việc tương tự, đều thích nghi với tầng lớp thủ-đà-la. Mô tả là kỹ năng thích đáng của các bậc thầy trong lĩnh vực này. Chẳng hạn Narada, chính ông là một trong các vị thầy như vậy. Một trong các thầy giáo của tầng lớp Bà-la-môn được chỉ định đảm trách bổn phận dạy dỗ những khoa học thế tục nầy. Đánh cá, dụ rắn, và bắt chim đều được bao hàm trong nghề nghiệp của tầng lớp thủ-đà-la. Họ kế thừa các kỷ năng nầy từ tổ tiên thông qua sự trao truyền trong huyết thống.
Như thế chúng ta thấy rằng các giai cấp khác nhau có một danh mục bổn phận và nghề nghiệp khác nhau. Tất cả các giai cấp xã hội đều làm việc để xây dựng đất nước bằng cách thể hiện bổn phận của họ một cách tận tình. Người Aryans đã thiết định và công nhận tính ưu việt của hệ thống giai cấp. Thêm vào đó, có những môn nghệ thuật và khoa học thịnh hành có thể xem là không gì có thể sánh bằng trong lịch sử thời đó. Một trong những khoa học nầy sẽ được mô tả sau đây.
Dạ-nhu Phệ-đà hay khoa y dược
Khoa y dược giữ một vị trí nổi bật trong tất cả các ngành khoa học ở Ấn Độ. Quá trình tiệm tiến của lĩnh vực này được bắt đầu rất sớm và đã đạt đến đỉnh cao của nó từ thời kỳ Lê-câu Phệ-đà (Ṛg Vedas), vào thời xâm lăng của Đại đế Alexander. Chúng ta tìm thấy vài mối liên quan đến khoa học y dược trong các truyện ngụ ngôn của Bản sanh đàm (Jātaka). Trong trường Đại học Taxila, khoa phẫu thuật về các sinh loại tự nhiên được hình thành. Trong đó, việc giáo dục được truyền dạy bởi riêng từng bậc thầy. Kiến thức tiếng Sanskrit cần thiết đối với học sinh, vì các tác phẩm Dạ-nhu Phệ-đà đều được viết bằng ngôn ngữ đó. Học sinh theo học ngành khoa học nầy cần phải trải qua một buổi lễ khai tâm đặc biệt dù anh ta đã có lễ khai tâm như thông lệ rồi. Chỉ có những học sinh nào có được sức khỏe hoàn hảo và đạo đức cao mới được nhận vào lễ khai tâm của Dạ-nhu Phệ-đà (Ayurvedic Upanayana). Đặc biệt chú trọng ở những chi phần thân thể như mắt, tai, mũi, lưỡi, và răng. Học sinh cần thiết phải có đức tính can đảm, nhẫn nại, khiêm tốn, thông minh, bao dung, bền chí, kiên trì theo đuổi mục đích, dũng cảm chịu đựng và các phẩm chất đạo đức khác. Trong thời cận đại cũng vậy, một thử nghiệm tiền y khoa (pre-medical) được thực thi với mục đích khảo sát phẩm chất căn bản của một sinh viên y khoa đối với ngành nầy. Khi chúng ta có cái nhìn trở lại vào phương pháp cổ xưa, chúng ta thường kinh ngạc về kiến thức hoàn mãn của những người trong ngành nầy. Dường như họ hoàn toàn nhận ra rằng sức khỏe tốt, thân thể đẹp đẽ và cá tính không thể chê trách là những thuộc tính thiết yếu của một thân thể lý tưởng; bên cạnh đó, họ sẽ vun trồng đức hạnh cốt yếu từ tính chân thành, thoát khỏi tính tham lam, không vụ lợi, và làm cho mọi việc hoàn hảo, khiêm cung nhắm đến sự cứu giúp nỗi khổ cho con người. Những phẩm tính như thông minh, hăng hái, khả năng sáng tạo, kiên nhẫn và bền chí là những điều kiện thiết yếu (sine qua non) thực sự của việc nghiên cứu khoa học, đều được xem như là đạo đức căn bản cho học sinh ngành y khoa. Điều này giải thích phần nào hiện tượng có thể đánh giá được tiến trình khoa học nầy trong thời kỳ cổ đại Ấn Độ. Trong thời cận đại, tính ưu việt tri thức được nhấn mạnh đặc biệt hơn đạo đức, và xem như tiêu chuẩn duy nhất, là đủ tư cách của học sinh ngành nầy. Các khía cạnh tinh thần bị bỏ qua, nó đánh mất sự phù hợp cho đời sống. Chỉ nhấn mạnh trên khía cạnh tri thức trong khoa học nầy đã dẫn chúng ta đến những hệ quả rất nghiêm trọng và có ảnh hưởng sâu rộng; phần lớn các nhà sinh vật trong thời hiện đại đều hy sinh lòng tham muốn không thể thỏa mãn được về khai thác kinh tế cho sứ mệnh phụng sự nhân loại.
Lễ khai tâm của Dạ-nhu Phệ-đà (Ayurvedic Upanayana) được mở ra cho thành phần của cả bốn giai cấp. Các học sinh nhập học đều bắt buộc phải phát lời thề nguyện tuân theo những huấn thị nhất định. Việc đào tạo tiếp theo ngay sau lễ khai tâm. Tuân thủ theo những nghiên cứu về cú nghĩa (pada) và thi kệ (sloka) trong Dạ-nhu Phệ-đà (Āyurvedic) dưới sự hướng dẫn của thầy, học sinh nhờ vào tiến trình thời gian mà hoàn thành mọi học tập về các tác phẩm trong Dạ-nhu Phệ-đà. Họ không buộc bắt phải nhồi nhét kiến thức theo kiểu máy móc mà phải nắm bắt được nghĩa lý. Tạo thói quen chỉ ghi nhớ rập khuôn mà không có tính linh hoạt là bị lên án kịch liệt.
Việc nghiên cứu Dạ-nhu Phệ-đà bao gồm những khía cạnh đa dạng của khoa dược như bệnh lý học, y dược học, phẫu thuật, độc dược học, nọc rắn, xét nghiệm máu, nghiên cứu về xương, và v.v... Sinh viên thuộc về chuyên khoa nào có thể đến các thầy giáo thuộc các khoa khác để xin được truyền dạy những kiến thức thực tiễn trong những chuyên khoa đó. Một thầy thuốc y khoa đang hành nghề chủ yếu cần phải là Bahu-Śruta, có nghĩa là người đó không thể nào đạt được tiêu chuẩn thành tựu trong nghề nghiệp trừ phi anh ta thông thạo vài chuyên ngành trong khoa học nầy. Toàn bộ y khoa chủ yếu được chia thành hai phần: Lý thuyết (Śāstra) và Thực hành (Prayoga). Một sinh viên y khoa bắt buộc phải đạt được sự thành thạo gấp đôi trong cả hai phương diện. Một vị lang băm hành nghề mà không có kiến thức chân chính của bất kỳ phương diện nào trên đây, đều bị nhà nước xử phạt rất nghiêm khắc.
Ở đây, sẽ thích đáng khi trích dẫn một cách thuận lợi quan niệm của Giáo sư Altekar về phương pháp đào tạo môn phẫu thuật Salya. Anh ta quán sát, ‘Sinh viên mới thực tập được dạy cách cầm và sử dụng các thiết bị phẫu thuật bằng cách thực hành trên bí ngô, dưa chuột, dưa hấu, v.v... dưới sự chỉ dẫn của thầy. Tiêm kim được thực hành trên mạch máu của các súc vật chết, cách thức nắm que thăm dò trên trái cây khô Alabu, thí nghiệm carnification[32] trên những mảnh da căng có tóc bao phủ, khâu vào trong những miếng da hay vải mỏng, áp dụng việc băng bó trên hình người độn vải, và cách dùng chất ăn da trên những phiến thịt mềm.’ Người tập việc dần dần bắt đầu với những trường hợp thực tế và được phép chích thuốc, lau rửa vết thương, và dùng dao tách và cắt những những phần đã hoại của thân thể.[33] Chỉ những kiến thức lý thuyết trong phẫu thuật nhặt nhạnh được từ sách vở là chưa thích đáng; nó phải được bổ sung bằng sự mổ xẻ thực tế trên thân người. Tính hiển nhiên về mối quan hệ nầy là hợp lý trong Susrutas. Theo dòng thời gian, với sự xuất hiện và lan truyền của Đạo Phật và Kỳ-na giáo (Jaina) ở Ấn Độ, khoa giải phẩu bị một cú sốc và dần dần hết thịnh hành, vì những đối thủ của tín điều bất bạo động nuôi dưỡng một mối ác cảm với điều ấy. Nói chung, sinh viên được đào tạo về phẫu thuật và y dược thông qua những bậc thầy riêng; nhưng có những trường hợp có trường lớp để dạy Dạ-nhu Phệ-đà (Āyurvedic) hay y khoa với những bệnh viện quan trọng gắn liền với nền giáo dục ấy. Trong đại thành Hoa thị (Pāṭaliputra), có một bệnh viện để sinh viên y khoa có được sự đào tạo thực tế về khoa học y dược.
Thông thường, các học kỳ về Dạ-nhu Phệ-đà (Āyurvedic) chiếm một thời gian khá dài. Phần lớn đòi hỏi sinh viên phải có kiến thức toàn diện về Dạ-nhu Phệ-đà, những có trường hợp ngoại lệ dành cho những sinh viên vốn đã có những chuyên môn trong một số bệnh đặc biệt, họ sẽ được thực tập y khoa trong cùng ngành bệnh mà mình đã quen. Hoàn tất khóa trình thực tập sẽ qua một cuộc khảo sát. Người nào không tốt nghiệp và không được phép thực tập đều bị cấm hành nghề. Chỉ có những người đã được cấp bằng hành nghề (chứng nhận của triều đình) bởi quốc vương thì mới được phép hoạt động nghề nghiệp y khoa thực hành.
Thời đại nầy chứng kiến một tiến trình không dự báo trước về y khoa. Các sinh viên đã có ý tưởng vị tha phụng sự nhân loại trước đó. Các giáo sư sẽ gởi những sinh viên đi khắp nơi để khuyến khích họ với lý tưởng cao cả dành cho nghề nghiệp nầy, nhân dịp hội nghị các sinh viên trường học hay là Samavartana. Các nhà vật lý và các chuyên gia về y khoa có tiêu chuẩn tri thức cao thì danh tiếng của họ sẽ lan rộng ngay cả nước ngoài. Đó là điểm đáng lưu ý, vào thế kỷ thứ 8, Calliph của Ả-rập đã mời những nhà vật lý Ấn Độ đảm nhận việc đào tạo ở bệnh viện Quốc gia, ‘Khalifa Harun đã phái các học giả đến Ấn Độ để nghiên cứu nền y khoa và dược lý Ấn Độ và thuyết phục 20 người sang Baghdad để trở thành viên chức y khoa chính của bệnh viện Quốc gia, và để phiên dịch các tác phẩm y khoa từ tiếng Sanskrit sang tiếng Ả-rập.’[34] Manikya là người nổi tiếng nhất trong số những bác sĩ nầy.
Có rất nhiều bậc thông thái Dạ-nhu Phệ-đà (Āyurvedic), đó là Charaka, Susruta và Dhanvantari, những người tương truyền rằng không có bất cứ căn bệnh nào mà không được họ chữa trị. Nói vắn tắt, chúng ta có thể an tâm khẳng định rằng y khoa Ấn Độ thời cổ đại chính yếu là khoa học đã có sự phát triển thích đáng và hữu ích và là niềm kiêu hãnh đúng đắn của Ấn Độ.
Khoa Thú y
Bên cạnh ngành y khoa dành cho con người, Khoa Thú y cũng phát triển đáng kể. Salihotra có thể được xem là nguồn gốc của môn này. Nakula và Sahdeva được xem là chuyên gia về bệnh của ngựa và cách chữa trị. Từ thời cổ, Ấn Độ chủ yếu là quốc gia nông nghiệp, nơi mà trồng trọt được thực thi trong khuôn khổ sự trợ giúp của các súc vật kéo, do vậy kiến thức về bệnh tật và cách chữa trị súc vật quả thực là điều không thể thiếu được. Hơn nữa, nhà vua có một đội quân voi và ngựa. Trong trường hợp đó, rất cần thiết phải có sự đào tạo các chuyên gia về thú y để trị liệu các bệnh tật của các loài vật nầy. Tất nhiên, khoa học nầy đã tiến bộ với những bước dài. Nhưng chúng ta không tìm thấy nơi nào có một trường lớp thường xuyên về thú y để truyền dạy môn này. Khả dĩ các học sinh học được từ những chuyên gia thông qua hệ thống đào tạo ẩn cư về những kiến thức thực tiễn.
Giáo dục Võ bị
Khoa học quân sự thường được gọi là Dhanurveda. Theo bộ Dhanurveda-Samhita mà tác giả được gán cho Vasiththa, lễ khai tâm thường được cử hành cho khóa sinh võ bị, người được trao tặng một binh khí cùng tụng đọc chân ngôn Phệ-đà từ một bậc Thầy. Tầng lớp sát-đế-lỵ (kṣatriya) đặc biệt thiện xảo trong nghệ thuật quân sự; dù các mẩu chuyện đang lưu hành kể rằng giai cấp Bà-la-môn và thủ-đà-la (Śūdra) cũng được học các môn nầy. Bổn phận truyền dạy chủ yếu là do giai cấp Bà-la-môn đảm nhiệm, nhưng có khi các giáo viên người ngoài dòng Bà-la-môn cũng thực thi bổn phận nầy. Ngay từ khởi đầu thời kỳ Phệ-đà, nghệ thuật và khoa học quân sự đã được xúc tiến thích đáng vì người Aryans phải chiến tranh với người Dravidians. Vũ khí thường dùng trong chiến trận là cung tên, kiếm, thương, giáo, khiên, v.v... Chiến xa thịnh hành trong thời kỳ đó. Sử thi Mahābharata đánh dấu một đỉnh cao của nghệ thuật và khoa học quân sự. Chúng ta tìm thấy trong Sử thi Mahābhārata những ví dụ về vũ khí có thể so sánh chính xác với những vũ khí có sức hủy diệt cao độ trong thời hiện đại. Lại nữa, thực tế có thể chứng thực qua Sử thi Ramāyaṇa, đưa ra những mô tả nhiều loại vũ khí kỳ lạ được dùng trong chiến trận giữa Rama và Ravana. Trong Áo nghĩa thư (Upaniṣad), chúng ta cũng thấy những đề cập rải rác đến chiến thuyền.
Vào thời cổ, nền giáo dục quân sự không chỉ do nhà nước triều đình tổ chức, mà mặt khác, còn do cá nhân những huấn luyện viên đảm nhiệm việc nầy. Trong mỗi ngôi làng, đều có những trại huấn luyện quân sự, nơi dân làng được huấn luyện quân sự để tự bảo vệ. Tập quán nầy lan rộng khắp cả nước. Thêm vào đó, còn có những trung tâm thường xuyên tiến hành huấn luyện quân sự. Ở biên giới Tây bắc Ấn Độ, Taxila là một thành phố quan trọng, đã thu hút nhiều sinh viên khắp cả nước về đó tham dự huấn luyện quân sự. Theo sau sự đánh thức bằng cuộc xâm lăng của Đại đế Alexander, giáo dục quân sự khoác lên hình thức mới trong đất nước. Một số người khởi động các trường lớp thường xuyên với khả năng riêng của họ. Những vị thầy nầy đáp ứng việc huấn luyện binh lính cho nhà vua vào lúc tình hình nguy cấp, và đáp lại, họ được ban thưởng đất đai, tiền bạc và ngựa. Nhà vua sẽ gởi các con của mình đến những trung tâm xa xôi để huấn luyện quân sự, nơi đó những chuyên gia về quân sự được thỉnh mời từ những miền khác để truyền dạy cho học viên. Thế nên, hiển nhiên là trong thời cổ đại Ấn Độ, tiêu chuẩn quân sự rất cao. Nền giáo dục quân sự trong thời cổ là một lợi ích thiết thực cho tất cả mọi người trong chiêu bài nghề nghiệp ổn định, phương tiện mạnh mẽ và hiệu quả để bảo vệ quôc gia.
Thủ công và Mỹ nghệ (Lalit Kalas)
Nói chung, vũ đạo, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nghề mộc, nghề rèn là ngành thủ công mỹ nghệ, đóng vai trò như một phần chính để người dân mưu sinh trong quốc gia. Những đồ cổ thủ công mỹ nghệ Ấn Độ nầy nổi tiếng khắp trên thế giới cho đến ngày hôm nay. Trong thời tiền Phệ-đà, nghề thủ công và nông nghiệp được sự đánh giá cao. Trồng trọt là nghề chính của người Aryans. Cả Lê-câu Phệ-đà (Ṛg Veda) và Dạ-nhu Phệ-đà (Āyurvedic) đều có những bài tán ca cầu nguyện cho sự thành công cho kết quả trồng trọt được phong phú, mưa thuận gió hòa cho mùa màng. Thời gian trôi qua, hệ thống giai cấp trở nên cứng nhắc không thể hiểu nổi, những mỹ nghệ nầy bị ảnh hưởng bởi thủy triều xuống như sự đánh giá của công chúng, và việc đào tạo nghành nghề nầy bị hạn chế chỉ cho tầng lớp thủ-đà-la (Śūdra). Giai cấp Phệ-xá (Vaiśya) và thủ-đà-la (Śūdra) học những nghề thủ công, sinh sống bằng sự mở mang ngành nghề nầy, một thực tế để giải thích về sự đánh giá thấp về hai tầng lớp nầy của công chúng. Những người thuộc vào tầng lớp khá hơn trong xã hội bắt đầu nhìn xuống công việc của họ thật nhiều đến mức ngay cả những việc thủ công cũng được xem như là một dấu ấn phụ thêm khiến xã hội suy thoái. Theo đó, ngành mỹ nghệ và thủ công hữu ích ở Ấn Độ bắt đầu suy tàn trong cái nhìn chung là thiếu vắng sự bảo hộ của quốc gia.
Việc dạy kèm tư gia, thông thường, học sinh sẽ phục vụ một kỳ hạn học việc với một người đã theo đuổi nghề này trong một thời gian dài, và thế nên người ấy có được sự thành thạo thông qua kiến thức thực tiễn về nghề thủ công đó. Nói chung, ngành thủ công mỹ nghệ được cho là một khía cạnh cộng đồng, người cha sẽ truyền trao bằng việc dạy kèm con trai mình bằng một nghệ thuật riêng. Trong mỗi ngôi làng đều có những người thợ nề, thợ thuộc da, thợ mộc, thợ rèn, thợ vàng, những người sẽ đáp ứng những nhu cầu cho xã hội. Ngay cả trong hệ thống xã hội ngày nay đang tiếp diễn vì Ấn Độ thời hiện đại vẫn tùy thuộc vào nông nghiệp như Ấn Độ thời cổ đại. Nghề nghiệp của thợ mộc, thợ thuộc da, thợ rèn, thợ vàng, thợ gốm cũng như thợ giặt, đều là những yếu tố hỗ trợ cho nền nông nghiệp. Do vậy, thủ công mỹ nghệ vẫn tồn tại qua hằng thế kỷ dù mức độ điêu luyện trong những nghệ thuật nầy đã thu hẹp lại trong sự so sánh với nghệ thuật trong thời cổ đại.
Tuy nhiên, ở đây phải lưu ý rằng trong thời kỳ Lê-câu Phệ-đà (Ṛg Vedas), nghề nghiệp không tùy thuộc vào thành phần giai cấp. Vào thời kỳ bản chất của giáo dục là tôn giáo; mà dạng giáo dục nầy chỉ có ý nghĩa đối với những người mà, vượt trội lên trên những bận tâm trần thế, đều có khả năng đạt đến trình độ tâm linh bậc cao. Nền tảng thông thường xã hội cho thấy rằng không có sự đồng đẳng với sự nghiệp mang tính tâm linh, và do vậy nên mục tiêu và đặc điểm của nền giáo dục phải khác. Người bình dân vẫn dự vào việc xúc tiến thịnh vượng vật chất cho xã hội. Có những dự phóng thích ứng của ngành khoa học trường kỳ cho sự phát triển kinh tế của cộng đồng. Thời kỳ Lê-câu Phệ-đà (Ṛg Vedas) là một mẫu mực cho nền kinh tế, chính trị và tôn giáo tiến bộ và nổi bật cho những ngành thủ công mỹ nghệ đa dạng (thuộc tính thiết yếu của đời sống văn minh), nông nghiệp, thương nghiệp và mậu dịch.
Tất nhiên sẽ dẫn chúng ta đến sự đối chiếu không thể tránh khỏi là thời kỳ ấy ắt phải mở ra một hệ thống công nghiệp tinh vi, mang tính khoa học và giáo dục thương mại. Như một điều tất nhiên, sự phát triển của ngành mỹ nghệ thủ công này có lẽ đã sản sinh ra hệ thống giai cấp chủ yếu dựa trên ý niệm phân chia lao động. Ngay cả những bậc thánh hoặc người theo thuyết duy linh tầm cỡ cũng không tán thành ý tưởng giữ cho toàn thể gia đình mình hạn cuộc trong nghề nghiệp tế sư.
Có một ví dụ trong Áo nghĩa thư (Upaniṣad) về một thi sĩ hiền triết có người mẹ là nội trợ giỏi, thành thạo trong công việc xay nghiền ngũ cốc (Upala-Prakshṇi), và cha là thầy thuốc lưu động (Bhishag). Chỉ những người có khả năng và xứng đáng với đời sống tâm linh mới có thể được học kinh điển tôn giáo và hướng dẫn xã hội. Mặt khác, được xem là không thích hợp với công việc đó, họ được yêu cầu phải phụ thuộc trên luống cày hay khung cửi dệt vải. Lại nữa, chúng ta tình cờ bắt gặp những từ như Vanij hay Vanijya trong Lê-câu Phệ-đà (Ṛgveda) với biểu thị rõ ràng rằng nền giáo dục thương mại, như đã được nêu ở trên, là một phần tích hợp của hệ thống cho nền kinh tế thịnh vượng của quốc gia vào thời kỳ đó.
Trong thời kỳ tiền Phệ-đà, hoàn toàn tự do khi chọn lựa nghề thủ công mỹ nghệ, miễn người giám hộ tán thành việc đó. Nền tảng giáo dục Ấn Độ là triết học thâm sâu, mục đích của nền giáo dục nầy là không bao giờ để hạ thấp xuống ở sự thành công về kinh tế hay quân sự; trái lại, nó luôn luôn được xem như phương tiện thiết yếu để đạt đến lý tưởng cao hơn, đó là ‘linh hồn giải thoát.’ Do vậy, ngay ở trong giai đoạn cuối cùng của thời kỳ Phệ-đà, khuynh hướng nội tại của con người tiếp tục duy trì lĩnh vực tôn giáo và tinh thần, kéo theo ảnh hưởng về nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc. Các nghệ sĩ có cảm hứng từ tư tưởng tâm linh, đã sản sinh ra nhiều mẫu vật nghệ thuật tuyệt vời. Thế nên họ sáng tạo ra nền nghệ thuật vốn được tiếp truyền qua hằng thế kỷ, là đối tượng cạnh tranh của toàn thể nền văn minh thế giới. Những nghệ sĩ nầy đã xem nghệ thuật như là sự thể hiện của Tối thượng Thần.
Như đã nói ở trên, việc truyền dạy nghệ thuật thủ công nầy là do những nghệ sĩ, họ sử dụng tư gia như là trường học. Thêm vào những mối quan tâm chung về một ngành nghề thủ công chuyên biệt được cai quản do một tổ chức được gọi là ‘phường hội’ (sreni; guild). Có nhiều phường hội khác nhau được thiết định cho những ngành nghể thủ công riêng. Luật Smriti cho chúng ta một phân loại tinh vi về những phường hội nầy. Những phường hội nầy chủ yếu là thuộc về những người nông dân, nhà chăn nuôi, người cho vay, thợ thủ công, mà Brihspati đã đưa vào hai phường hội thuộc về họa sĩ là Chitra-karas, và thuộc về vũ công. Thế nên tất cả ngành nghề nầy có tác dụng tập hợp như một trường phái Thủ công và Mỹ nghệ hướng đến ngành công nghiệp nông thôn. Chính những phường hội này là nơi mà học viên ngành thủ công được trao truyền sự giáo dục nền tảng cho họ.
Bên cạnh những điều nầy, văn học cổ điển Ấn Độ còn có đề cập đến 64 nghệ thuật (Kalas). Những tham chiếu nầy có thể tìm thấy trong Bhagvata-Purana, Sử thi Ramāyaṇa, Mahabhashya và Kamasutra. Magha Vamana và Bhavabhuti đã đưa ra một mô tả về những điều nầy. Trong các kinh điển của Phật giáo và Kỳ-na giáo, như Kinh Phổ diệu (Lalitvistara), Bản sanh man (Jatakamala), Kalpasūtra, Aupapatika-Sūtra hay Prasnavyakarana-Sūtra, các bạn sẽ thấy những đề cập thường xuyên về những nghệ thuật nầy. Một số nghệ thuật ngoài tác phẩm nầy là: vũ đạo, âm nhạc, kỹ năng trang điểm, hội họa, nghệ thuật diễn kịch, điêu khắc, v.v... và những ngành thủ công quan trọng là: xe sợi dệt vải, nghệ thuật đóng thuyền, đóng xe ngựa, khoa học và nghệ thuật thuộc da, làm đồ trang sức bằng vàng (nghề kim hoàn), thợ mộc, may khâu, giặt ủi quần áo, và cách cày bừa và nhiều loại nghề khác.
Văn học Pāli nguyên thủy đề cập đến 80 nghệ thuật (p: sippas). Theo Kinh Di-lan-đà vấn (Milinda-Pañha), có 19 nghệ thuật, đó là: Truyền thống thiêng liêng, Luật, phái Chính lý Số luận (Sāṃkhya Nyāya), Thắng luận (Vaiśeṣika), Toán pháp, Âm nhạc, Y dược, Bốn bộ Phệ-đà, Cổ tích (Puranas), Itihasa, Thiên văn học, Tiến đoán Nguyên nhân (Spells Hetuvidya), Võ thuật, và Thi ca, v.v...
Tác phẩm Arthaśāstra của Kautilya vào triều đại Khổng tước (Maurya) đề cập đến Nghệ thuật của thời kỳ đó. Theo Chanakya, thường có vị quan (Adhyakshas) để giám sát các ngành công nghiệp khác nhau. Tất cả các ngành Thủ công và Mỹ nghệ được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp dưới sự quản lý tập trung. Trong những cơ quan đứng đầu nầy, có sự giám sát của Ngân khố (Koshadhyksha) liên hệ trực tiếp đến mỹ nghệ, mệnh danh là Ratna-Pariksha. Viên quan đứng đầu sử dụng quyền hạn của mình trong việc buôn bán ngọc quý các loại xuất phát từ trai sò, xà cừ, và các loại ngọc khác cùng kim cương. Thêm vào đó, có đề cập đến mậu dịch liên quan đến chiên đàn hương, các loại gỗ, da, len cũng như về các loại vải và tơ lụa như Dukñla (mịn), Kṣauma (thô;), Kauseya (lụa) hay tơ lụa Trung Hoa (Chinpatta; Chinese). Công nghệ luyện kim được giám sát do Bộ trưởng tài nguyên gọi là Akaradhyaksha. Ông ta được cho là thông thạo trong Sulbadhdtuśāstra, có một kiến thức thành thạo về đồng và việc chưng luyện, cùng việc ngưng tụ thủy ngân. Ông ta được hỗ trợ trong phần việc của mình bằng những máy móc chuyên dùng luyện kim với những thiết bị thiết yếu. Công nghiệp luyện kim và khai thác tài nguyên đánh dấu một mức độ cao tiến bộ trong thời kỳ đó. Bên cạnh những Bộ nầy, có Lohddhyakshya, giám sát việc luyện kim, nhiệm vụ của họ là giải quyết những vấn đề liên quan đến kim loại như đồng, chì, sắt, thiết, thủy ngân, đồng thau, kẽm, đồng thiếc, v.v... Vị nầy phụ thuộc bộ phận Akaradhyakshya. Công nghiệp trích xuất và thu thập ngọc bích, ngọc trai và các loại đá quý khác từ lòng đại dương cũng như công nghiệp sản xuất muối biển cũng được xúc tiến trong thời kỳ đó. Có một cơ quan riêng biệt trong triều đình giải quyết và kiểm soát công nghiệp sản xuất muối. Trong Thực lợi luận (Arthaśāstra), có nói đến sự giám sát về vàng và bạc. Lại nữa, Giám đốc ngành Nông nghiệp sẽ trông coi các ngành khác nhau của công nghiệp đó, và Naukadhyaksha hay Bộ trưởng Thủy vận, sẽ kiểm soát mọi vấn đề giao thông và chuyên chở bằng đường thủy. Ông ta thu thuế trên các loại phà, cũng như thu lợi tức từ các thuyền đánh cá. Đánh bạc cũng được xem như là một trong những Nghệ thuật được kiểm soát trực tiếp bởi Nhà nước; nó được trực tiếp giám sát bởi Cơ quan gọi là Dyutadhyaksha, giải quyết mọi khía cạnh của môn nghệ thuật nầy. Như vậy trong tổng thể, qua tác phẩm Thực lợi luận (Arthaśāstra) của Kautilya, chúng ta có được mô tả sống động về sự phát triển kinh tế của xã hội và ngành Thủ công mỹ nghệ trong thời kỳ đó. Bên cạnh đó, cho chúng ta biết rằng sự kiểm soát của triều đình được thực thi trên tất cả công nghiệp quan trọng có lợi ích.
Kết luận
Tóm tắt, trong thời cổ đại Ấn Độ, công nghiệp và đào tạo hướng nghiệp là nền giáo dục lợi lạc thiết yếu và thực tiễn. Hoàn toàn thiếu vắng sự truyền nghề làm các dụng cụ sinh hoạt thường ngày như thời hiện đại; sự dạy dỗ được truyền từ cha đến con theo phương pháp trực tiếp và thực tiễn. Người cha sẽ thường xuyên truyền dạy mà không e ngại hay dấu diếm toàn bộ kho tàng kiến thức của mình cho con trai theo cách thức trìu mến và nhiệt tâm. Người sẽ kế thừa nghề nghiệp mang tính công nghệ và thực hành, sẽ phấn khích bởi chất truyền cảm tôn giáo trong những nghề nghiệp khác nhau. Những hoạt động công nghiệp nầy không chỉ liên quan và phục vụ cho mối quan tâm về kinh tế, mặt khác, thêm vào đó nó còn là những yếu tố tinh thần rất quan trọng. Thực tế, nghệ thuật phản ánh nhân cách của người nghệ sĩ. Đây là lý do tại sao nghệ thuật cổ đại Ấn Độ vẫn chiếu sáng những trang lịch sử cho đến ngày nay. Những nghệ sĩ Ấn Độ đã để lại cho thế giới nhiều sáng tạo nghệ thuật tuyệt diệu, nó sẽ được xem như là kho tàng giá trị của quá khứ, hiện tại cũng như trong tương lai.
[1]* Sv+adhy-aya: Khả năng đọc tụng thông thạo, nghiên cứu sâu xa về Phệ-đà (một trong sáu bổn phận của một Bà-la-môn).
[2]* Brahmavarcasa: sự vinh quang, huy hoàng của thần thánh, sự ưu việt về tính thánh thiện hoặc kiến thức thiêng liêng. Sự tôn nghiêm, sức mạnh siêu phàm;
[3] Trong Chhandogya Upanishad đã kể lại Indra đã ở với thầy là Prajapati trong thời gian 101 năm, vì mục đích để đạt được tri thức Tuyệt đối.
[4] Acharya: A-xà-lê; Quỹ phạm sư. Giáo thọ sư. Kulavas: thuộc về một gia đình quý tộc.
[5] Sukhātharinaḥ kuto vidhā nāsti vidhārthinaḥ sukham.
nānyodhogavattā na cāpravastā nātmānamutkarṣtā.
[6] E: Simple living and high thinking.
[7] * e: perpetual brahmacarin. Trọn đời học đạo. Tương nghĩa xuất gia trong đạo Phật
[8] Satyaṁvada dharmacarya svādhyānmā pranadaḥ
Ācārya priya dhanamāhatya prajātantu mā vyavacchetsoḥ.
[9] * Hán: phạm trú 梵住
[10]* Tarka: Lập luận, lý lẽ, suy đoán, tra vấn.
hệ thống lý luận hay học thuyết dựa trên lý luận hay suy đoán, hệ thống triết học (đặc biệt trong hệ thống triết học phái Chính lý (Nyāya), những cũng được áp dụng cho bất kỳ sáu hệ thống triết học khác).
[11]* Nhân minh luận:
[12]* Tương đương Văn Tư Tu
[13] * Nididhyāsana; Hán dịch 深思熟慮; 深入冥想
[14] * Hán dịch: Khổ hạnh, khắc chế, phạm hạnh.
[15] * Hán dịch: Sư gia 師家, đạo sư chi gia導師之家
[15] * Hán dịch: Đại chúng大眾, tập hội集會, thính chúng聽眾, chúng hội眾會
[16] * Hán dịch: Hội hợp會合, kết hợp結合, hỗn hợp混合
[18] Trong Satapatha-Brahman kể chuyện Vua Janaka mời tất cả các Bà-la-môn của dòng họ Kuru-Panchala nhân dịp lễ tế ngựa, nhà vua tặng giải thưởng 1000 con bò với sừng phủ vàng cho học giả thông thái nhất. Yajnavalkya đã đạt được giải thưởng nầy.
[19]* Chandragupta (Chiên-đà-la Cấp-đa), vị vua khai sáng vương triều Khổng Tước. là Ông nội của Aśoka. Chandragupta Maurya lúc bấy giờ đã lật đổ triều đại Nanda vào năm 321 Ttl., đẩy lui nhiều đợt quân xâm lăng của Seleucus Nicator I, kẻ kế vị Alexander ở vùng Afghanistan, Baluchistan và Pakistan bây giờ, rồi mở rộng bờ cõi xuống phía tây nam đến Gujatt và thung lũng Daccan. Vua Chandragupta Maurya (trị vì từ 321 đến 298 Ttl.) đã dời đô đến Pātaliputrā (Thành Hoa Thị; tức thành phố Patna ngày nay) vốn là một pháo đài kiên cố trấn ngự ở châu thổ giao tiếp của hai con sông chính là Ganga (Hằng Hà) và sông Sona.
Sự sinh hoạt và cai trị theo lối trung ương tập quyền và những chính sách ngoại giao khéo léo của triều đại Chandragupta Maurya đã được ghi lại trong cuốn Arthaśāstra do Kautilya (còn được biết dưới tên Chanakya), là tể tướng của triều ông.
[20] Bà-la-môn (tăng lữ), sát-đế-lợi (điền chủ, chiến sĩ), và Phệ-xá (thương gia)
[21]* 優樓佉 Ulūka - 名羯那陀,梵 Kaṇāda
[22] Di-man-sai (Mīmāṃsā)
[23] *Adhikaraṇa: Hán: 諍事; đoán lý 斷理, đại quyết đoán nhân 大決斷人. - tuyên bố, -đề tài, chủ đề. -nền tảng, cơ sở (trong triết học) -chủ thể (Ngã là chủ thể (adhikaraṇa) của tri thức) -một phạm trù, mối liên hệ. -mối liên hệ giữa các từ trong câu.
[24]* Hán: ẩn cư xứ, khổ hạnh đích trụ xứ; ẩn thê kỳ 隱棲期.
[25] Vesobhyāso vra haṇasya kṣītryasya ca rakṣaṇam.
[26] Kṛṣi gorakṣamarathāya jave dvaiṣyasya jīvikāma.
[27] Śikṣ, Śikṣita: Hán: học, giải, thiện giải, tu, học; giáo đạo, giáo huấn.
[28] Di-man-sai (Mīmāṃsā)
[29]* Lingua franca, ngôn ngữ của những người ở trong một khu vực nói nhiều ngôn ngữ khác nhau dùng để trao đổi với nhau; ngôn ngữ chung
[30]* Túc mục, còn gọi Kiều-đạt-ma 喬達摩 (Akṣapāda). Vị sáng lập Chính lý học phái trong Triết học Cổ đại Ấn Độ.
[31] Pitā darsaratha daṣṭho brhama lokāghipo yathā.
[32]* Carnification: Nhục chất hóa 肉質化; nhục biến 肉変
[33] Dr. A.S. Altekar: Education in Ancient India; (1948) p. 189.
[34] Dr. A.S. Altekar: Education in Ancient India; (1948) p. 189.