- 1 Dẫn Nhập
- 2. Nền Giáo Dục Phệ-đà
- 3 Giáo Dục Và Văn Hóa
- 4 Chí Tôn Ca (bhagavad Gītā) Và Giáo Dục
- 5 Nền Giáo Dục Sau Thời Kỳ Phệ-đà (1000 Ttl.—200 Ttl.)
- 6 Giáo Dục Và Áo Nghĩa Thư (upaniṣad)
- 7 Nền Giáo Dục Trong Đạo Bà-la-môn
- 8 Ý Nghĩa Giáo Dục Trong Đạo Phật
- 9 Hệ Thống Giáo Dục Phật Giáo
- 10 Trung Đạo (middle Way) Và Giáo Dục Phật Giáo
- 11 Lý Tưởng Của Người Ấn Độ Trong Giáo Dục
- 12 Người Thầy Lý Tưởng
- 13 Ngôi Trường Lý Tưởng
- 14 Các Trung Tâm Văn Hoá Giáo Dục Quan Trọng Trong Thời Cổ Đại
- 15 Hệ Thống Giáo Dục Và Văn Học
NỀN GIÁO DỤC ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI
Education in Ancient India
THÍCH NHUẬN CHÂU
dịch 2021
Thư Viện Hoa Sen
10
TRUNG ĐẠO (Middle Way)
và
GIÁO DỤC PHẬT GIÁO
Pháp là Chân lý-là đường dẫn đến Brahma-sự
chứng đắc.
Hình thái đạo đức Phật giáo trong đó ý niệm về mình và người có liên quan là một phần thể nhập Phạm thiên (Brahma).[1] Đó là những phương tiện–những thiện nghiệp, bên cạnh đó, còn có đời sống thiền định (jhana, dhyāna), như những người Phật tử thường hiểu, hay gọi là 'Yoga' như những người Ấn Độ giáo công nhận.
Niết-bàn là trạng thái phúc lạc của tâm. Đó là cảnh giới cao nhất trong sự hiện hữu của kiếp người, phát sinh trong tâm cảm giác tự tại và hướng sự chú tâm tĩnh lặng đến những đối tượng cao hơn. Để minh giải điều nầy, đạo Phật khoáng trương giáo lý Trung đạo (Middle Way) rằng ‘Triết học đối với trường phái Platon, Aristote đối với Triết học Kinh viện (Scholastic), chẳng khác gì đạo Bà-la-môn đối với đạo Phật.’[2] Quả thật, ‘thể nhập Phạm thiên (Brahma)’ chính là Trung đạo. ‘Ngài chỉ dạy Phương tiện bằng nguyên lý Nhân quả.’[3] Những kỳ vọng đã thúc dục chúng ta dám bắt đầu và chỉ có môn đệ của Trung đạo mới có thể dẫn chúng ta đến đời sống thiện lành (Kinh Tập, Suttanipata 1042). Cũng như đối với Plato, chỉ bằng cách giữ vững sợi dây vàng của Luật chung (common Law) thì con người mới tránh khỏi lực lôi kéo hỗn loạn của cuộc đời. (Laws 644).
Bây giờ, điều gì trong Trung đạo dẫn chúng ta đến nội quán và trí huệ? Đó chính là Bát thánh đạo (Holy eightfold path). Đây là tám chân lý vĩ đại, mỗi điều là để áp dụng cho đời sống con người, mỗi điều đều có dụng ý định hình cho vận mệnh của con người; và với từng điều một, chúng ta hiểu rõ và thực hành thì sự tiến bộ của con người sẽ nhanh chóng và bảo đảm.
Trước hết trong những chân lý vĩ đại nầy là Chánh tri kiến (Knowledge); thứ hai là Chánh tư duy (Right Thought or Aspiration); thứ ba và thứ tư là Chánh ngữ (Right Speech) và Chánh nghiệp (Right Activity); thứ năm là Chánh mạng (Right Means of Livelihood) và thứ sáu là Chánh tinh tấn (Right Endeavour), thứ bảy là Chánh niệm (Right recollect) và thứ tám là Chánh định (Right Contemplation). Đây là tám bước trên con đường dẫn đến Đạo, là tám chân lý vĩ đại dẫn dắt cho đời sống con người.
‘Đức Phật chủ yếu thực hành và tìm kiếm để cung cấp cho nhân loại phương thức sống hơn là suy đoán. Với sự nhấn mạnh hầu như mới mẻ vào luật nhân quả, ngài khắc sâu phương pháp chuyển hoá tham sân, phương thức xả ly mà ngài gọi là ‘Bát thánh đạo.’ Đối với ngài, sự tiết chế và điều độ sảng khoái chính là thực hành theo Trung đạo.’[4]
Để giảng dạy những nguyên lý chính yếu của Trung đạo, Đức Phật đã đặt lại vấn đề toàn bộ nền triết học chính thống. Ngài thừa nhận thế giới như nó đang là và bác bỏ ý niệm giai cấp, tính thần thánh của kinh điển, và tính thiêng liêng của lễ hiến tế. Niềm tin vào tình thương và lòng nhân từ với ý niệm ‘bất hại–ahimsa’ như là nền tảng có sức lôi cuốn trái tim con người. Đạo Phật không chỉ giới thiệu một sự thay đổi quan trọng trong sự cai trị mang tính giáo dục, mà còn trình bày cho Ấn Độ một ý tưởng mới trong giáo dục. Thông qua các tự viện, họ đã mở ra một hệ thống giáo dục vốn độc lập với thể chế quốc gia. Giáo dục trở thành bổn phận của người khai sáng đạo Phật, như các thầy dòng Cơ-đốc giáo thời trung cổ đã dạy đạo cho người dân. ‘Như thế, đạo Phật trở thành người tiên phong trong việc dạy dỗ quần chúng và là người sáng lập những đại học vĩ đại như Taxila và Nālanda, phổ biến tri thức thông qua các tự viện và tăng sĩ thuyết giáo, chảy tràn qua làng quê để truyền bá giáo lý của mình.’[5]
Nền văn hóa dân chủ nầy cốt yếu là đem chân lý như vậy đến những người bình thường, đây vốn là phần đóng góp lâu dài của đạo Phật.
A-nan, điều vi diệu của Giáo lý gì là?
Đức Phật kêu gọi lý trí con người và minh xác tri thức ‘điều gì là vi diệu trong giáo lý? Thực vậy, A-nan, một người khác dạy như thế nầy: ‘Lý lẽ như vậy và không như vậy; hãy áp dụng tâm của mình như vậy và không như vậy; khước từ trạng thái nầy, chấp nhận trạng thái kia, và an trụ trong đó.’(Tăng chi bộ kinh, Aṅgutara-Nikāya 1. 170).[6]
Ngài theo đuổi từ điều đã biết đến điều chưa được biết và thích phương pháp quy nạp hơn là suy diễn. Pháp khí quý giá trong giáo lý của Đức Phật là Lý trí (Reason); mục đích của ngài là Chân lý (Truth). Ngài thuyết giảng cho con người trong một thời đại mà họ đặt niềm tin tôn giáo lên trên lý trí. Phật giáo đã được trang bị và phổ biến như một luật tắc mới về đạo đức. Đây là cuộc cách mạng đối với những trật tự đã thiết lập rất hoàn hảo và đã xuyên suốt mọi ảnh hưởng của nó đến đời sống của mỗi cá nhân, từ vua chúa cho đến thứ dân. Đạo Phật phá vỡ bức tường đặc quyền lạnh lùng và mê tín dị đoan trong cùng một phương thức như phong trào cải cách Âu Châu đã quét đi đặc quyền của Giáo hội.
Giáo lý Đức Phật mở rộng phạm vi tư tưởng con người và trải rộng phạm vi hành động của họ. Địa cầu nầy chỉ là một phần của vũ trụ, một trong những hành động của con người chẳng phải là bắt đầu cũng chẳng phải là kết thúc, nhưng nó đã dâng tặng một môi trường tráng lệ cho sự biểu hiện khả năng của con người. ‘Nhà tư tưởng vĩ đại và cải cách xã hội Ấn Độ nắm chắc một trong những chân lý vĩnh cửu; điều này thường bị bỏ quên trong thể chế chính trị Tây phương đó là dù ý tưởng hoặc tốt hoặc xấu, đều có hiệu lực hơn là lực lượng quân sự; giá trị về tinh thần vẫn còn tồn tại khi thân xác đã bị hủy hoại. Do vậy, không kém phần quan trọng đối với quốc gia khi thanh tẩy các thể chế chính trị từ những tư tưởng xấu ác hơn là duy trì một một cơ chế bệnh hoạn, cùng với đó là cung ứng những phương tiện hữu hiệu của quốc gia cho việc phòng ngừa. Vì lý lẽ đó, có những hội nghị tranh luận triết học mà trong đó vua chúa và những người bình dân gặp nhau để bàn về ý nghĩa bình đẳng, luôn đóng một vai trò quan trọng trong thể chế chính trị Ấn Độ-Aryan hơn là hội đồng chiến tranh. Sắc lệnh triều đình cùng một lập luận, nền giáo dục mang tính chính trị quần chúng Ấn Độ so với lịch sử Âu Châu trong Thời đại đen tối (Dark Ages) có lẽ còn tốt hơn những gì đã có trong hầu hết những quốc gia Âu Châu trong thế kỷ thứ XX.’[7]
Thế nên chúng ta thấy lý tưởng bình đẳng của con người và tình huynh đệ trong pháp giới do Đức Phật đề xướng đã giải phóng con người ra khỏi tình trạng bó buộc bảo thủ. Điều nầy trở lại quyết định mục đích căn bản của giáo dục trong thế kỷ thứ VI ttl. cho đến thế kỷ thứ VII stl. – thời kỳ hoàng kim Phật giáo Ấn Độ. Đức Phật đã ban cho Đông phương nguồn cảm hứng về nền tảng giáo dục mang xu hướng tổng hợp xã hội. Nền giáo dục trong xã hội Bà-la-môn đã có tính chính xác đến ngạc nhiên trong sự duy trì hương vị nền văn hóa liên tục bằng cách truyền đạt kiến thức một cách tùy tiện, không theo quy tắc, chỉ theo lối truyền miệng. Đạo Phật lần đầu tiên giới thiệu các yếu tố có tính tổ chức trong giáo dục, có sự kêu gọi trải nghiệm đạo đức con người để minh xác chân lý.
Chúng ta hãy nhớ lại Bốn sự thật cao quý, đó là sự thật về Khổ (Khổ đế), sự thật về nguyên nhân gây Khổ (tập đế), sự thật về sự chữa trị Khổ (Diệt đế) và sự thật về phương pháp diệt trừ và chuyển hoá Khổ (Đạo đế). Đó là sự điều chỉnh phương tiện đến chỗ rốt ráo, kết quả từ Bát thánh đạo. ‘Tôi không bao giờ nghĩ rằng có một tôn giáo thích nghi hoàn cảnh của mình một cách toàn diện, lôi cuốn năng lực lý trí và lối phán đoán thường nghiệm như đạo Phật.’[8]
J.B. Bury nói rằng ‘Con người là kiến trúc sư của cuộc đời mình, họ có lý do để tin chắc vào năng lực của chính mình khi hồi tưởng lại từ điểm xuất phát, đạt đến một độ cao thì người ấy có khả năng nâng mình lên và trở nên có khuynh hướng vượt trội trong tiến trình thế giới hiện đại chỉ từ thời điểm cuộc cách mạng Pháp.’[9]
Đạo Phật luôn luôn nhấn mạnh vào năng lực con người về lòng tự tin, tự dựa vào chính mình và trải rộng đến vô cùng chân trời phụng sự của họ. Sống và giảng dạy làm thế nào để có cuộc đời trong sáng, ôn hòa, thân ái, tiết chế bằng lưu xuất ánh sáng nội tâm, đó là mục tiêu. Yếu tố cơ bản nầy tiếp tục khích lệ nền giáo dục Phật giáo trong suốt 23 thế kỷ.
Cơ-đốc giáo và đạo Phật nhất trí với nhau rằng nỗi khổ con người bắt nguồn từ thói sống ích kỷ của họ. Tính ích kỷ đó chính là nguyên nhân gốc rễ của tất cả các nỗi khổ mà con người phải gánh chịu, đây cũng là đề tài chính trong Chí tôn ca (Bhagavad Gītā). Tự chủ (Self-control) là tiêu chuẩn trọng yếu của giáo lý đạo Phật, không có quan niệm nào khác về chân lý căn bản nầy giữa các tư tưởng tôn giáo phương Đông và phương Tây.
Không có nhiều quan niệm đối lập giữa tư tưởng Ấn Độ và Tân ước (New Testament), vì cả hai nền giáo lý của họ đều dạy rằng niềm phúc lạc có thể đạt đến được. ‘Sự tương phản căn bản giữa Ấn Độ và Tân ước ở mặt này hay mặt khác chính là niềm tin bắt rễ từ các chủng tộc Âu Châu, cho rằng thế giới nầy hoàn toàn quan trọng. Niềm tin nầy tìm kiếm sự thể hiện không chỉ trong việc theo đuổi công khai và được thừa nhận lạc thú và khát vọng, nhưng trong lời nói như thế, tôn giáo tốt nhất chính là điều con người làm những việc thiện lành nhất, lý tưởng là tự hoàn thiện mình hay phát huy hoàn chỉnh bản tánh và năng lực của mình.’[10]
Giáo dục cần phải tuân thủ định hướng từ niềm tin căn bản của con người. Mỗi nhóm nhân loại riêng biệt sẽ tán thán một dạng con người đặc biệt lý tưởng. Dr. K.J. Saunders trong tác phẩm của ông nhan đề Ideals of East and West, đã phát triển chủ đề nầy và gán mẫu người thượng lưu lý tưởng cho dân Anh cát lợi, người đẹp trai và đức hạnh cho dân Hy Lạp, mẫu người ẩn sĩ khổ hạnh lý tưởng cho dân Ấn Độ, và tính chất thánh thiện cho người Cơ-đốc giáo. Đúng thật là đạo Phật tán dương cuộc sống ‘thiền định’ để đạt được lý tưởng tự chủ, đạt đến con người có trí huệ mà không có nghĩa là kẻ thụ động hay từ bỏ thế gian.
Trong thế giới con người, có người thích sống nội quán và có người lại thích tự phân tích, nhưng mọi người đều đi tìm hạnh phúc và chẳng có ai tìm thấy cả. Hạnh phúc thường lảng tránh như ngọn gió. Như kẻ bắt đầu phân tích nguyên nhân hạnh phúc và khổ đau của con người trong cuộc đời, người ấy theo đuổi cuộc tìm kiếm của mình và nhận ra rằng chính cái tâm vốn tạo ra cái vui và nỗi khổ. Chính cách thức mà con người đối phó với hoàn cảnh khách quan bên ngoài đã cho họ niềm vui và nỗi buồn. Thế nên để đạt được hạnh phúc chân thật, con người phải nên quán sát bản tâm. Nếu chúng ta có thể làm chủ tâm mình, thì chúng ta có thể điều khiển toàn thể thế giới. Nếu các bạn nhắm vào làm chủ toàn bộ thế giới khách quan thông qua việc làm chủ bản tâm, các bạn sẽ không còn làm hỏng hạnh phúc hay làm ảnh hưởng đến đời sống nội tâm của mình nữa.
Đạo Phật quan niệm bước cuối cùng của Bát thánh đạo–Chánh định, như là kỷ luật tinh thần tích cực và là trạng thái nhằm nâng cao sức sống, mà tiến trình giáo dục trong bất kỳ quốc gia nào cũng không thể bỏ qua được. Có thứ tự trong các trạng thái thiền định nầy–một dạng bậc thang qua đó hành giả có thể bước từ cảnh giới thấp lên đến cao, nhưng mục tiêu giải thoát tối hậu là siêu việt tất cả. ‘Nhờ có Chánh định, hành giả tập trung tâm mình để thực chứng bằng tuệ tri, từ đó hành giả đạt được sự thực chứng mọi năng lực có thể được. Bất kỳ hành giả nào trong thiền định có công phu đạt được định lực, người ấy là bậc tối thượng.’ (Samyutta-Nikāya iii. 263-4).
Plato theo Đức Phật, chủ trương rằng thiền định đưa tâm hồn giao tiếp với tôn giáo siêu trần, thoát tục. Plato nói rằng, ‘Vì lúc ấy tâm thần thánh được nuôi dưỡng bằng tri thức và khoa học thuần túy, thế nên tâm của mỗi linh thức sau một thời gian dài, được hân hoan; nhờ quán sát sự thật được nuôi dưỡng và lớn mạnh cho đến khi vòng xoay chuyển của thiên đường đưa nó quay trở lại ở cùng một điểm.’[11] Thiền định có khuynh hướng trấn tĩnh và tập trung tâm ý nhờ vào đối tượng quán sát.
‘Tâm dẫn đầu các pháp’ (Pháp cú 1.1). Đó là tự do tinh thần lớn lao nhất, chỉ dành cho người nào trải qua giai đoạn chuẩn bị làm cho thân tâm thanh tịnh và tịnh hóa tâm thức, chuẩn bị dấn thân vào thiền định sâu thẳm để tập trung tâm thức và mở rộng nội quán của mình. Điều nầy còn được diễn đạt qua thi sĩ người Anh, William Wordsworth trong tác phẩm Tintern Abbey.
Tịch lặng, đó là phúc lành,
Những cảm thức thanh thản đưa chúng ta đi,
Đến khi hơi thở định hình
Và ngay cả dòng máu vận hành
Hầu như dừng chỉ, chúng ta được yên ngủ.
Trong thân, và trở thành linh thức sống động;
Trong khi bằng một con mắt làm yên tĩnh bằng năng lực
Của sự hài hòa, và niềm hoan lạc đằm sâu
Chúng ta nhìn thấy sự sống của các hiện tượng.
Pháp là chân lý, sự giản dị chính là sự thết đãi của Brahma.
Theo đuổi Trung đạo, là con đường thể nhập Brahma.
Trước tiên, chúng ta phải nhận thức việc thể hiện sự an trú tinh thần của đạo Phật, nếu chúng ta muốn hiểu được sự phát triển của nền giáo dục ở phương Đông. ‘Toàn bộ giáo lý Đức Phật được thu nhỏ lại qua các sắc lệnh của Đại đế A-dục, qua đó, vua khuyến khích mọi người đem hết sức mình, thực hành lòng hiếu thảo và từ bi đối với tất cả các loài chúng sinh.’[12]
Chúng ta đã mô tả khá dài những nguyên lý đạo đức tiềm ẩn của đạo Phật, có ảnh hưởng sâu rộng trong tư tưởng hiện đại, đặc biệt là trong những quốc gia phương Đông. Nền triết học mang tính giáo dục phương Đông sẽ rút ra được phần lớn sức mạnh và cảm hứng từ suối nguồn của nó. Chính sự hấp dẫn của tín ngưỡng là sức mạnh tiêu biểu đã nhấc bổng nhân cách con người ra khỏi sự cô lập bởi bức tường đạo đức bị xói mòn đã ngăn cách giữa con người với con người. Nhà tư tưởng là người bạn tốt nhất của các nhà giáo dục, với khát khao của mình sau nội quán tâm linh, nhà tư tưởng cố gắng phản chiếu tri thức và niềm tin vào trong cuộc sống bằng công hạnh của mình. Giáo dục thực tiễn được định hình bởi niềm tin căn bản của con người, và giáo dục tư tưởng chính là công cụ của giáo dục thực tiễn.
[1] E: walking with God.
[2] Ananda K. Coomaraswamy and I. B. Horner, Gotama the Buddha, Jaico, p. 49.
[3] Ibid. p. 50.
[4] A.C. Bouquet, Comparative Religion, Pelican, p. 161.
[5] Sir Hari Singh Gour, The Spirit of Buddhism, Luzac, 1929, p. 416. Xem thêm Y.D. Sankalia, The University of Nalanda, B.G. Paul, Madras.
[6] Trích dẫn từ Ananda K. Coomaraswamy avà 1. B. Horner, The Living Thoughts of Gotama the Buddha, The Living Thoughts Library, 1948.
[7] E.B. Havell. The History of Aryan Rule in India, Introduction, pp. xiii-xiv.
[8] Y.E. Hocking, Living Religions and a World Faith, Allen & Unwin, 1940, p. 94.
[9] Xem I.B. Bury, The Idea of Progress, Ch. X, 192-201.
[10] Sir C. Eliot, Hinduism and Buddhism, Vol. I, Introduction, pp. LX-LXI.
[11] Plato, Phaedrus 58.1.
[12] Sir Han Singh Gour, The Spirit of Buddhism, Luzac, 1929, p. 484.