SỰ XUẤT HIỆN CỦA VŨ TRỤ THEO KINH HOA NGHIÊM
Nguyễn Thế Đăng
Thế giới chúng ta đang sinh sống ắt phải nằm trong “Hoa tạng thế giới”, tức là thế giới Hoa Nghiêm, hay còn gọi là “Thế giới Hoa tạng hải”, hay còn gọi là pháp giới. Tất cả các thế giới xuất hiện của phàm và của thánh đều nằm trong Hoa tạng thế giới hải:
“Bấy giờ Đại Bồ tát Phổ Hiền do thần lực Phật, quán sát khắp tất cả thế giới hải, tất cả chúng sanh hải, tất cả chư Phật hải, tất cả pháp giới hải, tất cả chúng sanh nghiệp hải, tất cả chúng sanh căn dục hải, tất cả chư Phật pháp luân hải, tất cả tam thế hải, tất cả Như Lai nguyện lực hải, tất cả Như Lai thần biến hải.
…
Trí huệ công đức biển rất sâu
Hiện khắp mười phương vô lượng cõi
Tùy các chúng sanh chỗ hợp thấy
Ánh sáng soi khắp chuyển pháp luân…”
(Phẩm Thế giới thành tựu thứ 4).
Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu vũ trụ xuất hiện trên nền tảng gì và sự xuất hiện ấy thực sự là gì, theo phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm thứ 1 của Kinh Hoa Nghiêm.
1/ Ánh sáng vô ngại là nền tảng cho vũ trụ xuất hiện.
Kinh mở đầu bằng diễn tả quang cảnh pháp hội diễn ra ở Bồ đề đạo tràng như sau:
“Như vậy tôi nghe, một thời Phật ở nước Ma Kiệt Đề trong pháp thanh tịnh ở đạo tràng Bồ đề, vừa thành Vô thượng Giác ngộ. Nơi đó đất cứng chắc, làm bằng kim cương, trang nghiêm bằng các luân báu, các hoa báu, ngọc ma ni thanh tịnh. Biển các sắc tướng vô biên hiển hiện, ngọc ma ni làm tràng phướn thường phóng ánh sáng, hằng vang tiếng vi diệu. Các lưới báu, tràng hoa thơm giăng rủ chung quanh. Ma ni bửu vương biến hiện tự tại, mưa vô tận các châu báu và hoa đẹp rải khắp mặt đất. Các cây báu thành hàng, cành lá tốt tươi tỏa sáng.
Do thần lực Phật khiến cho trong đạo tràng này tất cả sự trang nghiêm được ảnh hiện.
Cây Bồ đề cao lớn lạ thường, kim cương làm thân, lưu ly làm cành, nhánh bằng nhiều chất báu tốt đẹp, lá báu giăng che như mây, hoa báu đủ màu, phân nhánh tủa ra, trái bằng ngọc ma ni ngậm chứa ánh sáng, cùng hoa xen bày. Cây Bồ đề phóng ánh sáng khắp chung quanh, trong ánh sáng mưa xuống ngọc quý ma ni, trong ngọc ma ni có các Bồ tát như mây đồng thời xuất hiện. Lại do thần lực Như Lai, cây Bồ đề này thường vang tiếng vi diệu thuyết tất cả pháp không có cùng tận”.
Đoạn kinh mở đầu này cho thấy quang cảnh đạo tràng Bồ đề, nơi Phật vừa giác ngộ. Toàn thể cảnh vật được bao trùm bởi ánh sáng (quang minh) qua mỗi sự vật được tạo thành bằng những chất quý báu, đều tỏa ánh sáng (phóng quang), ánh sáng từ trong mỗi sự vật. Mỗi sự vật đều làm bằng chất quý báu, bằng kim cương, lưu ly, ngọc ma ni… đều phóng ánh sáng, nghĩa là mỗi sự vật đều có tinh chất, tinh túy (essence) là ánh sáng.
Chính trong quang cảnh ánh sáng thường hằng ấy mà mọi sự xuất hiện, kể cả các Bồ tát. Đoạn kinh mở đầu này có nhiều chữ hiện: “biển các sắc tướng vô biên hiển hiện”, “các Bồ tát như mây đồng thời xuất hiện”, “do thần lực Phật khiến cho trong đạo tràng này tất cả sự trang nghiêm được ảnh hiện”.
Ánh sáng thường hằng ấy là ánh sáng nền tảng, nhưng ánh sáng nền tảng ấy không làm mất các ánh sáng của từng sự vật, cho nên các sự vật vẫn được “ảnh hiện”. Ảnh hiện là “biển các sắc tướng vô biên hiển hiện”, mỗi sắc tướng đều được hiển hiện bằng ánh sáng riêng của nó trên nền tảng ánh sáng “thường hằng”, không trộn lẫn, không hòa thành một ánh sáng duy nhất. Bởi vì nếu chỉ có một ánh sáng duy nhất thì sẽ không có sự xuất hiện của vũ trụ với vô vàn sắc tướng khác biệt.
Phật của Kinh Hoa Nghiêm là Phật Pháp thân Tỳ Lô Giá Na (Vairocana), được dịch là Đại Nhật, Phổ Quang Minh, Quang Minh Biến Chiếu, Đại Quang Minh Tạng, những danh hiệu này lấy từ Kinh Hoa Nghiêm. Một tính chất của Phật Tỳ Lô Giá Na là quang minh (ánh sáng):
Như Lai thân phóng đại quang minh
Quang chiếu pháp giới đều đầy khắp.
(Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm thứ 1)
Như vậy chính trong và trên nền tảng ánh sáng Phật mà biển các sắc tướng vô biên hiển hiện, tất cả sự trang nghiêm được ảnh hiện. Ảnh hiện là hiện bóng. Trong ánh sáng Phật, sự vật không còn là vật chất, cứng đặc, mà là hiện bóng. Trong tấm gương sáng của Đại Viên Cảnh Trí, tất cả mọi sự vật đều hiện bóng trong đó. Trong tấm gương sáng Đại Viên Cảnh Trí, trong Phật Tỳ Lô Giá Na, tất cả mọi sự vật không còn bị trói buộc trong tính vật chất nặng nề cứng đặc mà là ảnh hiện của ánh sáng, do đó chúng tự do, giải thoát. Giải thoát trong ánh sáng.
2/Các Bồ tát trong đạo tràng Bồ đề
Kinh nói tiếp:
“Cung điện lâu đài chỗ ở của Như Lai rộng rãi trang nghiêm đầy khắp mười phương. Các ngọc ma ni nhiều màu hợp thành, đủ thứ hoa đẹp, những đồ trang nghiêm tuôn ánh sáng như mây, hợp ảnh thành bảo tràng trong cung điện.
Vô biên Bồ tát và chúng hội đạo tràng đều họp lại nơi đó, nhờ năng lực của chư Phật mà xuất hiện ánh sáng và âm thanh chẳng thể nghĩ bàn. Ma ni bảo vương kết thành lưới. Lực thần thông tự tại của Như Lai khiến tất cả cảnh giới đều từ trong lưới báu mà xuất hiện, tất cả chúng sanh và nhà cửa nơi chốn đều hiện hình bóng trong đó. Lại do thần lực của chư Phật gia trì, trong khoảnh khắc một niệm, tất cả pháp giới đều bao gồm trong lưới.
Tòa sư tử cao rộng tốt đẹp kỳ diệu: đài bằng ma ni, lưới bằng hoa sen, vòng quanh bằng ngọc báu đẹp đẽ thanh tịnh. Các hoa đủ màu thành kết thành tràng. Cung điện, mái vòm, các cửa, bậc thềm, hình thể trang nghiêm hoàn thiện. Cây, cành, quả báu bao quanh xen bày. Mây ánh sáng ma ni chiếu soi lẫn nhau: chư Phật mười phương hóa hiện nơi châu vương. Bảo châu vi diệu trong búi tóc đỉnh đầu của tất cả Bồ tát đều phóng quang minh soi sáng mọi sự. Lại do oai thần của chư Phật hộ trì, diễn nói cảnh giới rộng lớn của Như Lai, diệu âm vang xa không chỗ nào chẳng đến”.
Trong cung điện lâu đài chỗ ở của Phật, mọi sự đều đẹp đẽ, trang nghiêm, hoàn thiện, và mọi sự đều phóng ánh sáng soi chiếu lẫn nhau, mọi sự đều ảnh hiện lẫn nhau. “Hợp ảnh” nghĩa là các ảnh trùng trùng soi chiếu, phản ảnh lẫn nhau.
Quang cảnh chung quanh là y báo. Y báo ấy được sự gia trì, hộ trì bằng chánh báo, tức là sự giác ngộ hoàn toàn bản tánh của tất cả các pháp (pháp tánh). Sự gia trì, hộ trì của chánh báo giác ngộ là ánh sáng làm nền tảng cho mọi sự xuất hiện.
Vũ trụ xuất hiện trong lưới báu kết bằng vô số ngọc, tất cả ảnh hiện lẫn nhau trùng trùng vô tận: “Lại do thần lực của chư Phật gia trì, trong khoảnh khắc một niệm, tất cả pháp giới đều bao gồm trong lưới”.
Với một vị Phật đã hoàn toàn chứng đắc Pháp thân và những đại Bồ tát Pháp thân, nghĩa là chứng một phần trong Mười Địa Pháp thân, vũ trụ hay pháp giới xuất hiện như những ảnh hiện trong lưới ngọc phát sáng trùng trùng phản chiếu lẫn nhau.
Tất cả cảnh giới của chư Phật và chúng sanh, tất cả pháp giới đều hiện trong lưới báu, và sự việc ấy được gọi là “hóa hiện”: “Chư Phật mười phương hóa hiện nơi chân vương”. Pháp giới là sự hóa hiện của Phật Pháp thân Tỳ Lô Giá Na, pháp giới là Hóa thân vô số không thể nghĩ bàn của Phật Pháp thân Tỳ Lô Giá Na:
Những cây ma ni bằng chất báu
Mỗi chất báu đều phóng quang minh
Tỳ Lô Giá Na thanh tịnh thân
Hiện vào trong đó đều khắp thấy.
Trong những trang nghiêm hiện thân Phật
Sắc tướng vô biên vô lượng số
Đi đến mười phương khắp mọi nơi
Hóa độ chúng sanh cũng vô lượng.
(Phẩm Hoa Tạng thế giới thứ 5).
3/ Đức Phật ở đạo tràng Bồ đề
Hai đoạn Kinh trên nói về đạo tràng Bồ đề và các đại Bồ tát, đoạn kinh tiếp theo sau nói về Đức Phật.
“Bấy giờ, Thế Tôn ở nơi tòa này, thành tựu Giác ngộ tối thượng đối với tất cả pháp: trí chứng nhập ba đời đều bình đẳng, thân Phật đầy khắp tất cả thế gian, tiếng Phật thuận vào khắp mười phương các cõi nước. Ví như hư không bao gồm tất cả sắc tượng, nơi tất cả cảnh giới không chỗ phân biệt. Lại như hư không toàn khắp tất cả, bình đẳng nhập vào tất cả cõi nước. Thân Phật hằng ngồi tòa khắp trong tất cả đạo tràng, oai quang sáng rỡ trong chúng Bồ tát, như mặt trời mọc chiếu sáng thế giới. Biển lớn phước đức thực hành trong ba đời đều đã thanh tịnh nhưng thường thị hiện sanh vào cõi nước chư Phật. Vô biên sắc tướng đầy đủ ánh sáng cùng khắp pháp giới bình đẳng không sai khác, diễn nói tất cả pháp như bủa mây lớn.
Mỗi mỗi đầu sợi lông đều có thể dung chứa tất cả thế giới mà không có chướng ngại. Đều hiện vô lượng thần thông lực giáo hóa điều phục tất cả chúng sanh. Thân khắp mười phương mà không đến, đi. Trí vào tất cả tướng, rõ tất cả pháp là không tịch. Thần biến của chư Phật ba đời đều thấy trong ánh sáng. Tất cả sự trang nghiêm của tất cả cõi Phật trong vô số kiếp đều được hiển hiện”.
Ở đây Kinh nói cho chúng ta biết sự thành tựu Giác ngộ Tối thượng của đức Phật Thích Ca như thế nào để chúng ta có thể học, nghiên cứu (Văn). Từ cái hiểu biết dù chỉ ở mức độ thức thứ sáu là ý thức, chúng ta có thể phát khởi sự hâm mộ, lòng sùng tín, quyết tâm, làm động lực ban đầu để đi trên con đường Phật đạo.
Cái học, cái hiểu ấy càng rõ ràng thêm khi chúng ta tư duy sâu sắc về sự Giác ngộ của Phật khiến có thêm niềm tin, sự chắc thật để thực hành thiền định thiền quán (Tu) và dần dần tiếp cận sự thật mà đức Phật đã giác ngộ như chư Phật đã giác ngộ. Sự giác ngộ ấy là giác ngộ hoàn toàn Pháp thân, mà các kinh điển đều nói là “Pháp thân của tất cả chư Phật”, nghĩa là Pháp thân là chung cho tất cả chư Phật.
“Giác ngộ tất cả pháp” là gì? Là biết rõ, biết trọn vẹn bản tánh của tất cả các pháp là tánh Không, đồng thời biết rõ sự khác biệt của tất cả những hiện tướng của tất cả các pháp. Đây là điều các Kinh nói, “thấu rõ tánh, tướng của tất cả các pháp”.
Do giác ngộ tất cả các pháp nên “thân Phật đầy khắp tất cả thế gian, tiếng Phật thuận vào khắp mười phương các cõi nước”. Khi giác ngộ thì thân, khẩu, ý trở thành Pháp thân và do đó trùm khắp vũ trụ, pháp giới, “tiếng Phật vào khắp tất cả cõi nước”. Pháp thân là tánh Không, nên “như hư không, toàn khắp tất cả, bình đẳng nhập vào tất cả cõi nước”.
Tánh Không và quang minh, ánh sáng, vốn không hai, nên khi là Pháp thân tánh Không “như hư không toàn khắp tất cả, bình đẳng nhập vào tất cả các cõi nước” thì “thân Phật thường ngồi tòa trong tất cả đạo tràng, oai quang sáng rỡ trong chúng Bồ tát, như mặt trời mọc chiếu sáng thế giới”.
Bồ tát đạo bắt đầu từ Tư Lương vị, thực hành hai sự tích tập phước đức và trí huệ, cho đến khi thành Phật thì hai sự tích tập phước đức và trí huệ đầy đủ trọn vẹn, nên Phật được xưng là Lưỡng Túc Tôn (bậc hai sự tích tập đã đầy đủ). Thế nên, “biển lớn phước đức thực hành trong ba đời đều đã thanh tịnh nhưng thường thị hiện sanh vào cõi nước chư Phật”. Phước đức và trí huệ tròn đủ, tức là Ba thân, Pháp thân, Báo thân và Hóa thân thành tựu hoàn toàn, nên “vô biên sắc tướng đầy đủ ánh sáng cùng khắp pháp giới bình đẳng không sai khác, diễn nói tất cả pháp như bủa mây lớn”.
Trong các Kinh Đại thừa, thỉnh thoảng có nói đến cảnh giới “sự sự vô ngại” của các Đại Bồ tát và chư Phật, nhưng chỉ qua một hai trang. Riêng Kinh Hoa Nghiêm, toàn bộ Kinh xiển dương cảnh giới sự sự vô ngại, ngay đoạn mở đầu của Kinh chúng ta đã thấy nói đến cảnh giới sự sự vô ngại: “Mỗi mỗi đầu sợi lông đều có thể dung chứa tất cả thế giới mà không có chướng ngại”.
Sự sự vô ngại của Phật là sự vô ngại của Ba thân và pháp giới và Ba thân vô ngại với nhau. Pháp thân là tánh Không: “Thân khắp mười phương mà không đến, đi. Trí vào tất cả tướng, rõ tất cả các pháp là không tịch”. Báo thân là ánh sáng: “Thần biến của chư Phật ba đời đều thấy trong ánh sáng”. Hóa thân là năng lực hóa hiện: “Thường thị hiện sanh vào cõi nước chư Phật. Đều hiện vô lượng thần thông lực giáo hóa điều phục tất cả chúng sanh. Thần biến của chư Phật ba đời đều thấy trong ánh sáng.”
Như thế, vũ trụ của người bình thường trở thành pháp giới, là sự biến hiện trang nghiêm của Ba thân Phật: “Tất cả sự trang nghiêm của tất cả cõi Phật trong vô số kiếp đều được hiển hiện”.
Đó cũng là ý nghĩa của Kinh Hoa Nghiêm, tức là “trang nghiêm bằng hoa”, và tất cả các hoa “sự sự vô ngại” với nhau, trùng trùng ảnh hiện, hợp ảnh lẫn nhau.