MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC TU THIỀN ĐỊNH
Tỳ khưu ni Pháp Hỷ
Khi được hỏi thế nào là định, thế nào là biểu hiện của định, thế nào là những điều kiện tiên quyết của định, và tu tập định như thế nào, tỳ khư ni Dhammadinna, một vị A la hán ni đã trả lời:
“cittassa ekaggatā ayaṁ samādhi; cattāro satipaṭṭhānā samādhinimittā; cattāro sammappadhānā samādhiparikkhārā. Yā tesaṁyeva dhammānaṁ āsevanā bhāvanā bahulīkammaṁ, ayaṁ ettha samādhibhāvanā”ti.” – Nhất tâm là định; bốn niệm xứ là biểu hiện của định; bốn tinh cần là điều kiện tiên quyết của định. Tu tập những pháp đó một cách chuyên cần, kiên định, thực hành nhiều thì được gọi là định tu tập.” (MN 44, Cūḷavedallasutta)
Mục đích của việc tu thiền định
Nhiều người không được học nhiều, cũng không nghe nhiều về những gì Đức Phật đã dạy cho các hàng đệ tử, họ cho rằng tu thiền định không phải là mục đích tốt trong việc phát triển đạo tâm và phụng sự chúng sinh. Và bằng cách lý luận như vậy, họ đã bỏ qua một cách tu tập đúng đắn để phát triển chính mình và có được sự cân bằng trong việc giác ngộ, giải thoát và làm lợi lạc cho tha nhân, góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
Định học (Samādhi-sikkhā) là một phần không thể thiếu trong Tam Vô Lậu Học,[i] được triển khai trong Đạo Đế làm thành Tám Thánh Đạo. Phần này bao gồm: 1. Chánh Tinh Tấn, 2. Chánh Niệm, và 3. Chánh Định, thuộc về Pháp Hành). Và sau Chánh Định là gì? Đó là Chánh Trí và Chánh Giải Thoát – thuộc về Pháp Thành.
Tùy theo sở cầu sở nguyện mà hành giả chọn mục đích tu tập cho mình. Có bốn mục đích thường được nhắc đến. Đích thứ nhất là để có được thư giãn, an vui, thanh tĩnh tâm hồn, nghỉ ngời thân tâm và xả bỏ các căng thẳng do tính toán, lo nghĩ, do phải đối mặt giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Mục đích này không phải chỉ có thửa xưa, mà bây giờ nhiều người Tây phương cũng nhắm vào khi họ đến với thiền. Kinh điển gọi đây là Hiện Tại Lạc Trú (diṭṭhadhammasukhavihārāya) khi tâm hành giả đã giải quyết ổn thỏa 5 triền cái – các chướng ngại khiến tâm căng thẳng, bất an, dao động hay trì trệ; chứng được các từng thiền định từ sơ cấp đến thâm sâu.
Mục đích thứ hai mà nhiều hành giả nhắm đến là để thấy ánh sáng và mở mang tầm nhìn (ñāṇadassanappaṭilābhāya) – có được tri kiến nhờ tu tập định tưởng về ánh sáng (ālokasañña). Họ làm cho ngày và đêm đều có thể sáng rỡ như nhau, có được thần thông để thấy những thứ mà mắt thường không thấy được.
Mục đích thứ ba của thiền định được nhiều hành giả lựa chọn là để củng cố chánh niệm tỉnh giác (satisampajaññāya). Đối tượng hành thiền là nhận thức về cảm giác, ý tưởng, và suy tư. Quan sát các cảm giác (vedanā) xuất hiện, biểu hiện, và rồi biến mất như thế nào. Cũng làm như vậy với ý tưởng (saññā), và các suy tư (vitakkā). Đây chính là thiền quán, hay dòng thiền Vipassana ngày nay rất phổ biến.
Mục đích thứ tư của việc phát triển thiền định đó chính là để diệt tận lậu hoặc (āsavānaṁ khayāya). Đề tài thiền để đạt đến mục đích này chính là năm thủ uẩn mà mỗi người đều có sẵn. Hành giả quán triệt sắc thân (rūpaṁ), thấy sự hình thành, tồn tại và biến diệt của sắc uẩn trong từng sát-na để buông bỏ sự bám víu, ngã chấp vào thân thể. Cũng như vậy đối với thọ uẩn (vedanā), với tưởng (saññā), đối với hành (saṅkhārānaṁ), và đối với thức uẩn (viññāṇassa), thấy sự sinh khởi, sự biến diệt của từng lớp vật chất hay phi vật chất mà chúng sinh đã chấp chặt vào xem ‘là Ta’, ‘là của ta’, và ‘phải theo ý ta’. Khi hành giả lấy 5 thủ uẩn làm đề mục hành thiền phát triển định tâm, lậu hoặc (āsavā) hay các phiền não nghiệp chướng sẽ được làm cho cạn kiệt.
Kinh văn như sau:
Tu tập Định – AN 4.41. (V Rohitassa vagga)
—Này các Tỷ-kheo, có bốn định tu tập này. Thế nào là bốn?
Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú. Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến. Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác. Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly các pháp bất thiện… chứng đạt và an trú sơ thiền … thiền thứ hai … thiền thứ ba … thiền thứ tư.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý tưởng ánh sáng, an trú tưởng ban ngày, ngày như thế nào thời đêm như vậy, đêm như thế nào thời ngày như vậy. Như vậy, với tâm rộng mở, không có bị bao phủ, tu tập tâm đến chỗ sáng chói.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, với vị Tỷ-kheo, thọ khởi lên được rõ biết, thọ an trú được rõ biết, thọ chấm dứt được rõ biết; tưởng khởi lên được rõ biết, tưởng an trú được rõ biết, tưởng chấm dứt được rõ biết; tầm khởi lên được rõ biết, tầm an trú được rõ biết, tầm chấm dứt được rõ biết.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do tàm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tùy quán sanh diệt trong năm thủ uẩn: “Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc chấm dứt; đây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ chấm dứt; đây là tưởng, đây là tưởng tập khởi, đây là tưởng chấm dứt; đây là các hành, đây là các hành tập khởi, đây là các hành chấm dứt; đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức chấm dứt.
Này các Tỷ-kheo, đây là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc.
Này các Tỷ-kheo, có bốn định tu tập này. Và cũng về vấn đề này, Ta có nói đến trong phẩm về mục đích, trong kinh gọi là “Các câu hỏi của Punnaka”.
Do suy ngẫm các giá trị ở đời,
Cái cao thấp, hay dở
Không vật gì ở đời,
Làm vị ấy dao động.
An tịnh, không mờ mịt,
Không phiền não, không tham,
Ta nói vị ấy vượt,
Qua khỏi sanh và già.
Vấn đề là tu tập định như thế nào để không bị lạc vào những thủ đắc được xem như ngoại đạo?
Chúng ta hãy nghe một đoạn hội thoại giữa Thế Tôn và ngài Ananda. Hẳn Tôn giả Ananda, một người học nhiều, nghe nhiều, lại có tâm từ bi không chỉ làm vị thị giả tốt nhất và lâu nhất cho Đức Phật, mà ngài còn rất lân mẫn với mọi người, mọi chúng sinh. Với tâm đại bi và hạnh phục vụ như vậy, không biết ngài có nhiều thời gian cho việc tu tập định không? Và hẳn là ngài có chút e ngại việc tu tập định có thể chỉ là làm giàu cho bản ngã, là ích kỷ, vv như nhiều người vẫn suy nghĩ. Nhưng may mắn cho Tôn giả là ngài được gần đức Phật, có thể hỏi trực tiếp bậc Đạo Sư về vấn đề này. Khi ngài hỏi Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, có thể chăng tu tập một loại định mà trong đó không có sự đồng hóa với bản ngã, không sinh ra tâm sở hữu sở đắc, ngã mạn liên hệ đến cá nhân mình và các thành tựu tâm linh?
Câu trả lời của Đức Phật là khẳng định.
- “Có chứ, Ānanda, một nhà sư có thể đi vào từng định (samādhi) mà trong đó không có các khuynh hướng đồng hóa với bản ngã, sở hữu, hay ngã mạn liên hệ đến thân thể và ý thức này và đối với các đối tượng ngoại cảnh. Và hành giả có thể đạt đến & duy trì trạng thái tâm giải thoát & tuệ giải thoát, mà trong đó không còn khuynh hướng chấp ngã, sở đắc & ngã mạn. ”
Khi tôn giả Ānanda hỏi phải thực hành như thế nào để có được loại định như vậy, Thế Tôn trả lời:
_ “Ānanda, nếu sự việc xẩy ra với một nhà sư: ‘đây là an tịnh, đây là vi diệu – sự lặng yên của tất cả các hoạt động, sự từ bỏ tất cả các sở đắc, sự loại bỏ tham ái, bình tỉnh, chấm dứt, tịch lặng – Nibbāna’; trong cách này một hành giả có thể an trú vào định mà trong đó không có các khuynh hướng đồng hóa với bản ngã, sở hữu, hay ngã mạn liên hệ đến thân thể và ý thức này và đối với các đối tượng ngoại cảnh. Và hành giả có thể đạt đến & duy trì trạng thái tâm giải thoát & tuệ giải thoát, mà trong đó không còn khuynh hướng chấp ngã, sở đắc & ngã mạn.”
- “Ānanda, đây chính là những gì Như Lai đề cập đến khi trả lời câu hỏi của Puṇṇaka trong Đường Đến Bờ Kia (Pārāyana), khi tôi nói:
“‘Sau khi đánh giá toàn thế giới,
Họ không phiền hà bởi bất cứ điều gì.
Bình yên, thanh thản, vô phiền, không mong muốn,
Họ siêu thoát sinh và già như thế.”
(AN 3.32. A Discourse to Ānanda)
Viết và biên dịch tại Sitagu Buddha Vihara, ngày đầu Hạ PL 2566, July 16th 2022.
TKN Pháp Hỷ - Ayya Dhammananda
[i] Tam Vô Lậu học bao gồm: Giới học (Silasikkha) là 3 phần: Chánh ngũ, Chánh Nghiệp, và Chánh Mạng; Định hoc như trên, và Tuệ học bao gồm Chánh kiến và Chánh Tinh tấn. Ref. Cula Vedalla sutta, NM 44.
sammāvācā yo ca sammākammanto yo ca sammāājīvo ime dhammā sīlakkhandhe saṅgahitā. Yo ca sammāvāyāmo yā ca sammāsati yo ca sammāsamādhi ime dhammā samādhikkhandhe saṅgahitā. Yā ca sammādiṭṭhi yo ca sammāsaṅkappo, ime dhammā paññākkhandhe saṅgahitā”ti.