THANH VĂN THỪA
Để hồi đáp vấn đề Thanh Văn Thừa mà Anh đưa ra, tôi xin giới thiệu khái quát với anh về năm bánh xe chuyển pháp (Ngũ Thừa) được Chư Tổ phân chia ra cho dễ hướng dẫn Phật tử sau khi Đức Phật niết bàn gồm:1 * Nhân thừa: Bổn phận người Phật tử tại gia đối với cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cháu, và giao tiếp trong xã hội. Người Phật tử quy y Tam Bảo và giữ gìn năm giới căn bản, cách thức tụng kinh, niệm Phật, và hành Thiền theo dõi hơi thở. Người Phật tử tại gia giữ tròn năm giới thì chắc chắn kiếp sau sẽ trở lại Cõi Người.
2 * Thiên thừa: Người Phật tử tại gia tu học rộng thêm về Phật lý Vô thường, Nhân quả, Luân hồi, Thập thiện nghiệp, Tứ nhiếp pháp, Lục hòa. Người Phật tử tại gia giữ tròn Thập thiện pháp thì chắc chắn kiếp sau sẽ được hóa sanh vào Cõi Chư Thiên (vẫn còn sinh tử luân hồi).
3 * Thanh văn thừa: Đức Phật đã dành phần lớn thời gian trong 45 năm hoằng pháp của Ngài để giảng dạy cho chư Tôn giả đệ tử của Ngài về Tứ thánh đế (Tứ diệu đế: Bốn sự thật cao quý) gồm phân tích cuộc đời là bể khổ (Khổ đế), tại sao khổ (Tập đế), làm sao cho thoát khổ (Diệt đế), và cuối cùng là con đường giải thoát (Đạo đế). Trong Đạo đế, Đức Phật phân tích và giảng dạy rất rõ ràng bằng một ngôn ngữ bình dân của vùng Ma-kiệt-đà rất dễ hiểu về Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần, Bát chánh đạo, và Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (chi tiết hóa về Bát chánh đạo).
Chư Tôn giả tu tập tùy theo mức độ thoát khỏi (niết) rừng phiền não (bàn) thì sẽ được nhập vào một trong bốn thánh quả. Thánh quả thứ nhất là nhập vào Dòng Thánh hay còn gọi là Nhập Lưu hay Dự Lưu hay Thất Lai (Tu-đà-hoàn, Sotapanna), tức là còn bảy lần tái sinh nữa; ở quả này thì chư Tôn giả đã chứng đắc pháp nhãn (mở con mắt pháp để biết rõ lý vô thường) và chư Tôn giả cũng đã đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên là thân kiến, nghi, và giới cấm thủ. Thánh quả thứ nhì là Nhất Lai (Tư-đà-hoàn, Sakadagami), tức là sẽ tái sinh trong một kiếp nữa; ở quả này chư Tôn giả đã đoạn trừ thêm về dục và sân. Thánh quả thứ ba là Bất Lai (A-na-hàm, Angami), tức là sẽ được hóa sinh vào Cõi Chư Thiên và không bao giờ tái sinh vào cõi Dục giới nữa; ở quả này chư Tôn giả đã đoạn trù hoàn toàn năm hạ phàn kiết sử. Thánh quả thứ tư là A-la-hán (Arahant), tức là không còn sinh tử luân hồi sau khi đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử nói trên và năm thượng phần kiết sử kế tiếp là ái hữu, vô ái hữu, mạn, trạo hối, và vô minh; nói chung là đã đoạn trừ hoàn toàn mười phần kiết sử. Ba thánh quả đầu được gọi là Niết bàn hữu dư và thánh quả thứ tư (A-la-hán) được gọi là Niết bàn vô dư trong đó Niết-bàn (Nirvana) là thoát ra khỏi (nir) rừng phiền não (vana) và Dư là phần còn lại (remainder) của phiền não.
Kinh Phật Nam truyền gọi là Kinh Bộ Pali gồm năm bộ là Trường bộ kinh (DN, Digha Nikaya), Trung bộ kinh, Tương ưng bộ kinh, Tăng chi bộ kinh, và Tiểu bộ kinh. Trên website Thư Viện Hoa Sen có đầy đủ năm bộ kinh này. Kinh Phật Bắc truyền gọi là Kinh A-Hàm (Agamas) gồm bốn bộ kinh là Kinh Trường A-hàm, Kinh Trung A-hàm, Kinh Tăng nhất A-hàm, và Kinh Tạp A-hàm. Hai bộ Kinh Pali và A-hàm có nội dung trùng hợp nhau hơn 80%; phần sai biệt là nơi Kinh này có ghi chép mà Kinh kia không có ghi chép mà thôi.
4 * Duyên giác thừa: Tự mình nhìn sự vận hành của thiên nhiên mà giác ngộ nhưng không đủ ngôn từ diễn tả cho người khác hiểu được; đấy là chư Tôn giả đắc quả vị Độc giác Phật. Phật độc giác là những Đức Phật tự giác ngộ cho mỗi một mình mình mà thôi nhưng quý Ngài không truyền bá giáo pháp cho người khác được.
5 * Bồ tát thừa: Chư Tôn giả đã đắc thánh quả A-la-hán nhưng quý Ngài với hạnh nguyện từ bi quyết tâm phổ độ chúng sinh nên vẫn hóa thân vào cuộc đời trần thế để cứu giúp chúng sinh theo hạnh nguyện của quý Ngài.
Nói cho dễ hoằng pháp nên phân ra ngũ thừa như thế nhưng thật ra Đạo Phật chỉ có một thừa duy nhất là Phật thừa mà thôi!
Lành thay,
Nguyên Toàn