Có Phải Võ Tắc ThiênTác Giả Của Bài Kệ Khai Kinh? | Chúc Phú

15/08/20245:13 SA(Xem: 1144)
Có Phải Võ Tắc Thiên Là Tác Giả Của Bài Kệ Khai Kinh? | Chúc Phú

CÓ PHẢI VÕ TẮC THIÊNTÁC GIẢ
CỦA BÀI KỆ KHAI KINH?
Chúc Phú

 

 

250px-A_Tang_Dynasty_Empress_Wu_Zetian
Chân dung Võ Tắc Thiên đội Phượng quan được
phục dựng vào thế kỷ 18 dựa trên một bức chân dung
tưởng tượng về Võ Tắc Thiên thời nhà Minh,
tức là khoảng một thiên niên kỷ sau cái chết của bà
Ảnh Wikipedia

Đã có một truyền ngôn cho rằng, tác giả bài Kệ khai kinh (開經偈) do một vị hoàng hậu của triều đại nhà Đường, tên là Võ Tắc Thiên 武則天 (624-705) sáng tác. Truyền ngôn đó có thể được tìm thấy trong nhiều bài viết trên mạng xã hội và thậm chí còn xuất hiện trong những bài giảng của một số vị giảng sư. Vậy thực chất, truyền ngôn hoàng hậu Võ Tắc Thiêntác giả của bài Kệ khai kinh dựa trên cơ sở nào? Bài viết ngắn này cố gắng tìm kiếm câu trả lời đó.

Vài nét về hoàng hậu Võ Tắc Thiên

Trước hết, theo Tân Đường thư (新唐書), hoàng hậu Võ Tắc Thiên là một người mến mộ và sùng kính Phật pháp. Sau khi Đường Thái Tông 唐太宗 (598-649) băng hà, theo di mệnh của tiên vương, Võ Tắc Thiên vào ẩn tu ở chùa Cảm Nghiệp (感業寺). Sử ghi:

Tắc Thiên Thuận Thánh hoàng đế Võ Thị, húy là Chiếu (曌), người Tịnh Châu, huyện Văn Thủy. Cha bà là [Võ] Sĩ Hoạch, làm quan đến chức Công bộ Thượng thư, đô đốc Kinh Châu, được phong làm Ứng Quốc công. Vào năm [Võ] Hậu mười bốn tuổi, Thái Tông nghe nói nàng có nhan sắc nên tuyển làm Tài nhân. Thái Tông băng hà, [Võ] Hậu xuống tóc làm Tỳ-kheo-ni[1] tu tập ở chùa Cảm Nghiệp. Cao Tông viếng chùa Cảm Nghiệp thấy nàng liền vui mừng, lại triệu vào cung, một thời gian sau thì lập làm Chiêu nghi, tấn phong hiệu là Thần Phi. Niên hiệu Vĩnh Huy năm thứ sáu (655), Cao Tông phế truất hoàng hậu họ Vương và lập Thần phi làm hoàng hậu[2].

Từ khi làm hoàng hậu, ngoài việc thực hiện bổn phận của một bậc mẫu nghi thiên hạ, Võ Tắc Thiên cũng là một Phật tử thuần thành. Điều đó còn thể hiện khi vừa sinh hoàng tử đã cho quy y Tam bảo. Phật tổ thống kỷ ghi:

Hậu sinh hoàng tử, ánh sáng thần kỳ tràn ngập căn phòng, nên ban tên là Phật Quang Vương (tức Trung Tông). Sau hơn một tháng, ban chiếu đưa [hoàng tử] vào chùa của Pháp sư Huyền Trang để cạo tóc xuất gia và thọ quy giới (quy y Tam bảo và thọ năm giới)[3].

Ngoài ra, chính bản thân hoàng hậu cũng nỗ lực tu tập và rất hâm mộ bản kinh Hoa nghiêm, sau khi lên ngôi vào năm 692, Võ Tắc Thiên đã có những nỗ lực cống hiến cho Phật pháp và trực tiếp cầu thỉnh các bậc cao tăng dịch lại bản kinh này. Cũng theo Phật tổ thống kỷ, vào niên hiệu Chứng Thánh nguyên niên (695), Thái Hậu thấy rằng bản dịch kinh Hoa nghiêm thời nhà Tấn chưa đầy đủ về Xứ và về Hội, bèn phái sứ giả đến nước Vu-điền thỉnh ngài Thật-xoa-nan-đà. Tại chùa Đại Biến Không ở Đông Đô, ngài Thật-xoa-nan-đà cùng với ngài Bồ-đề-lưu-chí dịch lại (bản dịch thời nhà Tấn gồm sáu mươi quyển, bảy xứ tám hội; bản dịch mới gồm tám mươi quyển, bảy xứ chín hội). Sa-môn Phục Lễ chuyết văn, ngài Pháp Tạng bút thọ, ngài Hoằng Cảnh chứng nghĩa, hoàn thành tám mươi quyển. Nhà vua tự viết lời tựa cho kinh[4].

Bộ kinh này hiện còn trong Đại tạng kinh Đại chính tân tu ( 大正新脩大藏經第) nằm trong tập thứ 10, mang số 279, với tiêu đềĐại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh (大方廣佛華嚴經) và đặc biệt ở phần đầu của bộ kinh còn ghi lại bài tựa của Võ Tắc Thiên với tiêu đề là: Đại Châu tân dịch Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh tự (大周新譯大方廣佛華嚴經序)[5].

Vài nét về xuất xứ bài Kệ khai kinh

Trong quá trình khảo sát Đại tạng kinh Đại chính tân tu ( 大正新脩大藏經第) để thực hiện bài viết này, chúng tôi không tìm thấy bất kỳ ai là tác giả của bài Kệ khai kinh. Ngay cả việc khảo cứu về sự nghiệp của Võ Tắc Thiên trong toàn bộ Tứ khố toàn thư (四庫全書), chúng tôi cũng không phát hiện thông tin nào cho rằng hoàng hậu Võ Tắc Thiêntác giả của bài kệ ấy. Vậy dựa trên cơ sở nào mà xuất hiện truyền ngôn cho rằng Võ Tắc Thiêntác giả của bài Kệ khai kinh?

Theo khảo sát của chúng tôi, người đầu tiên cho rằng Võ Tắc Thiêntác giả của bài Kệ khai kinh chính là Đại sư Đế Nhàn 諦閑大師 (1858-1932), được ghi nhận trong tác phẩm Từ bi đạo tràng Lương hoàng bảo sám tùy văn lục (慈悲道場梁皇寶懺隨聞錄).

Theo nội dung tác phẩm, Đại sư Đế Nhàn đã ghi nhận về sự kiện này trong khi giảng giải về bài Kệ khai kinh:

Pháp vi diệu sâu xa vô thượng

Trăm ngàn muôn kiếp rất khó gặp

Nay con thấy, nghe được thọ trì

 Nguyện giải nghĩa chân thật của Như Lai.

 Đây là bài Kệ khai kinh do Võ Hậu đời nhà Đường sáng tác. Bài kệ khai kinh Hoa nghiêm trở thành lời cao quý muôn đời không phai nhạt. Lành thay. Lành thay[6].

Việc Đại sư Đế Nhàn cho rằng bài Kệ khai kinh do Võ Tắc Thiên sáng tác là một quan điểm chưa đầy đủ cơ sở lý luận vì nhiều lý do.

Đầu tiên, như đã trình bày, trong quá trình khảo sát Đại tạng kinh Đại chính tân tu ( 大正新脩大藏經第), chúng tôi không phát hiện bất kỳ tư liệu nào chỉ ra Võ Tắc Thiêntác giả của Kệ khai kinh.

Kế đến, quan điểm bài Kệ khai kinh do Võ Hậu sáng tác của Đại sư Đế Nhàn nằm trong văn cảnh là những tư liệu ghi chép lại từ bài giảng Từ bi đạo tràng Lương hoàng bảo sám tùy văn lục, được ngài giảng trong mùa hạ tại chùa Quán Tông (觀宗寺) ở Ninh Ba (寧波), thuộc Chiết Giang, Trung Quốc, vào niên hiệu Dân Quốc thứ 14 (1925)[7]. Mặc dù đây là một bài giảng kinh, nhưng chuyên chở một thông tin rất mực quan trọng mà Đại sư không đưa ra bất kỳ dẫn chứng kinh điển nào đủ cơ sở thuyết phục. Sau đó, bài giảng này được đệ tử ghi chép lại, thế nên độ khả tín về tuyên bố kể trên của Đại sư vẫn bị giới hạn bởi nhiều điều.

Từ hai lý do kể trên đã cho thấy rằng, việc Đại sư Đế Nhàn khẳng định bài Kệ khai kinh do Võ Hậu, tức Võ Tắc Thiên sáng tác là một quan kiến chưa đủ tư liệu chứng minh, nếu không nói là mang tính tư biện.

Nhận định

Trong kho tàng kinh điển Hán tạng đã lưu giữ rất nhiều thư tịch quý hiếm nhưng do biến động của thời cuộc, của chiến tranh… nên đã bị thất lạc, tản mác. Chính vì vậy, trong danh mục kinh điển của Đại tạng kinh Đại chính tân tu ( 大正新脩大藏經第) có nhiều bản kinh không rõ người dịch, hoặc có một số trước tác bị mất tên tác giả. Theo chúng tôi, tác giả của bài Kệ khai kinh là một trong những trường hợp như vậy.

Mặc dù Võ Tắc Thiên là một trong những vị hoàng đế Trung Hoa mến mộ Phật pháp, có những đóng góp to lớn cho Phật giáo Trung Hoa ở nhiều mặt, có công hỗ trợ các phương diện cần thiết để dịch lại bản kinh Hoa nghiêm tám mươi quyển và tự tay viết bài tựa cho bản kinh này; tuy nhiên, việc gán ghép những gì không thuộc về bà, mà ở đây cho rằng Võ Tắc Thiêntác giả của bài Kệ khai kinh là điều chưa đúng với cơ sở tư liệu hiện có.

 



[1] Nguyên tác Tỳ-kheo-ni (比丘尼). Chi tiết này có thể Âu Dương Tu (歐陽修) và các tác giả khác cùng biên soạn Tân Đường thư (新唐書) nhầm lẫn. Vì theo Cựu Đường thư, quyển 6; Thông giám kỷ sự bổn mạt, phần trên của quyển 30; Đường hội yếu, quyển 3… (舊唐書卷六,通鑑紀事本末,卷三十上; 唐會要,卷三…) chỉ ghi nhận rằng Võ Tắc Thiên vào chùa Cảm Nghiệp làm Ni cô (為尼感業寺).

[2] Khâm định tứ khố toàn thư, Sử bộ, Chánh sử loại, Tân Đường thư, quyển bốn, Bốn kỷ, thứ tư (欽定四庫全書,史部,正史類,新唐書,卷四, 本紀第四). Nguyên tác: 則天順聖皇后武氏諱曌并州文水人也父士彠官至工部尚書荆州都督封應國公后年十四太宗聞其有色選為才人太宗崩后削髮為比丘尼居于感業寺高宗幸感業寺見而悦之復召入宮乆之立為昭儀進號宸妃永徽六年高宗廢皇后王氏立宸妃為皇.

[3]  Phật tổ thống kỷ 佛祖統紀 (T.49. 2035.39. 0367a04). Nguyên tác: 武后生皇子。神光滿室。賜名佛光王(即中宗也). 踰月詔於奘法師寺出家落髮授歸戒(歸依三寶及授五戒).

[4] Phật tổ thống kỷ 佛祖統紀 (T.49. 2035.39. 0370b06). Nguyên tác: 太后以晉譯華嚴處會未備。遣使往于闐國迎實叉難陀。於東都大遍空寺與菩提流志重譯(晉譯六十卷。七處八會。新譯八十卷。七處九會)。沙門復禮綴文。法藏筆受。弘景證義。成八十卷。御製經序.

[5] Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 大方廣佛華嚴經 (T.10. 0279. 0001a06).

[6] Đế Nhàn Đại sư di tập, đệ tứ biên. Từ bi đạo tràng Lương hoàng bảo sám tùy văn lục (諦閑大師遺集,第四編,慈悲道場梁皇寶懺隨聞錄). Phật-đà giáo dục cơ kim hội, (佛陀教育基金會), 2016.  tr.26. Nguyên tác: 無上甚深微妙法,百千萬劫難遭遇; 我今見聞得受持, 願解如來真實義。 是開經偈,係唐武后所作。開華嚴之偈, 成千古不泯之妙嚴。善哉善哉.

[7] Đế Nhàn Đại sư di tập, đệ tứ biên. Sđd, tr.5.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 190714)
01/04/2012(Xem: 36314)
08/11/2018(Xem: 14987)
08/02/2015(Xem: 54147)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.