CHÂN KHÔNG - DIỆU HỮU
TRONG PHẨM TỰA CỦA KINHPHÁP HOA
Nguyễn Thế Đăng
Trong bài này sẽ nghiên cứu về chương thứ nhất, phẩm Tựa, của kinh Pháp Hoa để nhìn thấy phần nào tính vũ trụ của kinh, biểu lộ qua quang cảnh, những nhân vật và những sự kiện mở đầu cuốn kinh.
1/ Hội chúng
Hội chúng gồm “tất cả bốn chúng” (những câu trong ngoặc kép lấy từ kinh), “đại chúng Tỳ kheo, một vạn hai ngàn người, đều là A la hán”, “Tỳ kheo ni cùng với quyến thuộc”. “Đại Bồ tát gồm tám vạn người…”
“Thích Đề Hoàn Nhân và quyến thuộc hai vạn Thiên tử… bốn Đại Thiên Vương và quyến thuộc…, Chủ Thế giới Ta Bà, tám vị Long Vương, Khẩn Na La Vương, Càn Thát Bà Vương, A Tu La Vương, Ca Lâu La Vương…”
Đại hội Pháp Hoa mở ra cho cả Trời, người, Thiên long tám bộ, cho người bình thường đến các vị thánh.
Không kể đến Đức Phật, bậc thuyết pháp, thì tất cả đại chúng tham dự cho thấy hầu như tất cả mọi sinh thể của vũ trụ đều có mặt.
2/ Quang cảnh
Về không gian.
Mở đầu, Đức Phật nói kinh Vô Lượng Nghĩa xong, nhập Tam muội Vô Lượng Nghĩa… “Lúc đó trời mưa hoa Mạn đà la, hoa Mạn thù sa… rải ở trên Đức Phật và các đại chúng. Khắp hết thảy thế giới chư Phật đều có sáu loại chấn động”.
“Bấy giờ Đức Phật từ giữa chân mày phóng ra ánh sáng chiếu khắp một vạn tám ngàn thế giới ở phương Đông, dưới chiếu đến địa ngục A tỳ, trên chiếu đến trời Sắc cứu cánh. Ở thế giới này đều thấy hết thảy trong sáu nẻo của các cõi kia. Lại thấy chư Phật đang ở các cõi đó, thuyết pháp, nhập Niết bàn cùng bốn chúng tu hành đủ các pháp môn tại đó”.
Trong ánh sáng của Phật, ánh sáng của Phật tánh viên mãn, tất cả các cõi thông nhau thành một, vô ngại với nhau. Vũ trụ không còn chia cắt, riêng biệt mà trở thành một thực tại thông suốt.
Đoạn kinh mở đầu này giới thiệu nền tảng cho tất cả mọi sự kiện xảy ra là tánh Không (cõi này thấy cõi kia không chướng ngại) và trong tánh Không ấy là ánh sáng chiếu khắp. Tánh Không đi liền với ánh sáng là nền tảng cho mọi xuất hiện quang cảnh, nhân vật và sự kiện của kinh Pháp Hoa.
Cái thấy trong ánh sáng của tánh Không không phải là không thấy gì cả, mà là “đây kia thấy nhau”. Cái thấy này kinh Lăng Nghiêm gọi là “tánh thấy”. Mọi sự xuất hiện đều bao gồm trong tánh thấy.
Khi nói “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” nghĩa là chúng sanh đều có khả năng tỏa sáng để biến vũ trụ thành một thực tại thông nhau. Cụ thể, những Bồ tát đã vào địa có thể từng phần thực hiện được điều này.
Về thời gian
Cũng trong phẩm Tựa này, khi Bồ tát Di Lặc, vị Phật tương lai hỏi ngài Văn Thù Sư Lợi sự việc phóng ánh sáng và những điềm lành này có nghĩa gì thì ngài Văn Thù cho biết:
“Vào thuở quá khứ vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn a tăng kỳ kiếp có đức Phật hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai nói kinh Vô Lượng Nghĩa trước khi nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa…”
Kinh Pháp Hoa không phải chỉ được thuyết trong hiện tại mà đã từ vô lượng vô biên vô số kiếp bởi Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh. Như thế cái hiện tại của đức Thích Ca thuyết Pháp Hoa cũng nối kết thông suốt với thời quá khứ xa xưa không thể quan niệm nổi. Và cũng nối kết với tương lai xa xôi là Phật Di Lặc mà Bồ tát Di Lặc sẽ thành. Hiện tại của kinh Pháp Hoa bao trùm và kết nối thông suốt với quá khứ và tương lai.
Cái hiện tại không chỉ riêng là một hiện tại đồng nhất. Hiện tại không cắt đứt, loại bỏ quá khứ như một cái gì đã qua không còn tồn tại. Hiện tại bao trùm và chứa đựng quá khứ. Đối với tương lai cũng như vậy.
Như kinh Hoa Nghiêm nói:
“Tất cả ba thời vào một thời, một thời vào tất cả ba thời”.
(Phẩm Phổ Hiền hạnh, thứ 36)
Hiện tại trong kinh Pháp Hoa không phải là một hiện tại đồng nhất, nói theo kinh Hoa Nghiêm, không phải chỉ là cái Một, mà “Một là tất cả, tất cả là một”.
Đây là tính Lịch Sử của kinh Pháp Hoa.
Tính lịch sử này khiến trong Phật giáo có sự truyền thừa, giữa vị Phật trước với vị Phật sau, giữa vị Tổ trước với vị Tổ sau.
Trong phẩm Tựa này có đoạn nói về sự giống nhau của các đức Phật, bởi vì cùng truyền thừa sự Khai, Thị, Ngộ, Nhập thật tướng của tất cả các hiện tượng (“chư pháp thật tướng”).
“Lại có vị Phật cũng hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh. Lại có vị Phật nữa cũng hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh. Như thế có hai vạn vị Phật đều đồng một hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh và đồng một họ là Phả La Đoạ”.
Có người lầm tưởng rằng đạo Phật xóa bỏ lịch sử. Nói chính xác hơn, lịch sử trong từng bước một trùng khít với cái không lịch sử. Nói cách khác, từng bước của lịch sử trùng khít với vĩnh cửu không có lịch sử.
3/ Xã hội và gia đình
Kinh Pháp Hoa vừa nói đến chân lý tuyệt đối và tối hậu (chân đế) là tánh Không, đồng thời cũng nói đến chân lý tương đối và quy ước (thế đế hay tục đế) là thế giới của sắc tướng, thế giới vật lý đang được thấy đang được nghe.
Sự thật là chính thế đế, ‘thế giới của sắc’, hiển lộ chân đế, ‘thế giới của Không’ và thế giới của Không hiển lộ nơi thế giới của sắc. Thế nên, người ta tìm kiếm, thực hành tánh Không ngay nơi thế giới của sắc.
Xã hội Phật giáo là một xã hội hướng đến Chân Thiện Mỹ như sự diễn tả (rất dài) của ngài Văn Thù:
Tôi nhớ đời quá khứ
Vô lượng vô số kiếp
Có Phật bậc giữa (loài) người
Hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh
….
Lại thấy các cõi Phật
Dùng các báu trang nghiêm
Màu lưu ly pha lê
Đều do Phật quang chiếu
…
Lại thấy các Bồ tát
Bố thí và nhẫn nhục
Số lượng như hằng sa
Đều do Phật quang chiếu.
Lại thấy các Bồ tát
Biết pháp tướng tịch diệt
Đều ở cõi nước kia
Nói pháp cầu Phật đạo.
Lúc đó bốn bộ chúng
Thấy Phật Nhật Nguyệt Đăng
Hiện sức đại thần thông
Tâm họ đều vui mừng…
Xã hội Phật giáo gồm bốn bộ chúng hướng đến sự thành tựu Phật tánh cho mình và cho người. Xã hội ấy xuất hiện trong “Phật quang chiếu”, trên nền tảng “pháp tướng tịch diệt”.
Về gia đình, kinh nói, theo lời kể của ngài Văn Thù:
“Như thế gồm có hai vạn vị Phật đều đồng một hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh, và đồng một họ là Phả La Đọa.
Vị Phật cuối cùng (của hai vạn vị Phật đồng một danh hiệu này) khi chưa xuất gia có tám vương tử… khi nghe vua cha xuất gia đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác, thảy đều xả bỏ ngôi vua cũng theo xuất gia… Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh từ tam muội dậy, vì Bồ tát Diệu Quang mà thuyết giảng kinh Pháp Hoa. Bồ tát Diệu Quang trì kinh Pháp Hoa trải qua hai mươi tiểu kiếp, mới vì mọi người mà giảng nói. Tám người con của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đều là đệ tử của ngài Diệu Quang. Nhờ ngài giáo hóa, tám vị ấy đều kiên cố nơi tâm Bồ đề.
Các vị vương tử ấy cúng dường vô lượng trăm ngàn vạn ức đức Phật rồi, đều thành Phật đạo. Vị thành Phật cuối cùng hiệu là Nhiên Đăng. Trong tám trăm vị đệ tử, có một người tên là Cầu Danh, tham trước danh lợi, tuy cũng đọc tụng kinh điển mà chẳng thông thuộc, phần nhiều quên mất, cho nên gọi là Cầu Danh…
Ngài Di Lặc nên biết! Bồ tát Diệu Quang lúc đó đâu phải người nào khác, chính là tôi đây (ngài Văn Thù), còn Bồ tát Cầu Danh chính là ngài đấy…”
Qua đoạn kinh này chúng ta thấy liên hệ trải qua nhiều kiếp với nhau trên con đường đến Giác ngộ. Đó là liên hệ gia đình, thân thuộc, liên hệ thầy trò, mối liên hệ này càng gần gũi thân thiết trải qua thời gian.
Những mối liên hệ này không mất, phai nhạt dần, mà càng bền chặt trải qua thời gian bởi vì những mối nối kết này được tạo thành và duy trì bởi tâm Bồ đề, “trên cầu Phật đạo, dưới giáo hóa chúng sanh”.
Những nối kết gia đình, thầy trò, thân thuộc như vậy trở thành thiêng liêng và kéo dài vô tận cho đến khi đạt Giác ngộ vô thượng, bởi vì chúng xảy ra trong ánh sáng của Phật. Đây là ý nghĩa tích cực, lạc quan (lạc quan bởi vì những mối liên hệ ấy cuối cùng sẽ đưa đến thành Phật, như kinh tụng nói “Đồng trọn thành Phật đạo”). Đây là sự lạc quan, từ lúc bắt đầu cho đến cuối cùng, mà kinh dạy cho chúng ta khi nhìn cuộc đời trần thế và những mối tương quan nhân loại.
Chấm dứt bài kệ để trả lời cho Bồ tát Di Lặc vì sao có những điềm lành này, ngài Văn Thù nói:
Tôi thấy Phật Đăng Minh
Điềm ánh sáng trước kia
Cho nên biết rằng nay
Phật muốn nói Pháp Hoa.
Tướng này như điềm xưa
Là phương tiện của Phật
Nay Phật phóng ánh sáng
Giúp bày nghĩa thật tướng
Các người nay nên biết…
“Thật tướng” là thật tướng của tất cả các hiện tượng. Đây là nền tảng cho sự biểu hiện của tất cả vũ trụ Pháp Hoa. Tất cả những quang cảnh, nhân vật, sự kiện đều xảy ra trên nền tảng thật tướng của tất cả các hiện tượng này để “giúp hiển bày nghĩa thật tướng”.
Chỉ nêu lên sơ lược vài điểm trong phẩm Tựa kinh Pháp Hoa là hội chúng, quang cảnh thời gian và không gian, cùng những mối liên hệ cá nhân đã cho chúng ta thấy kinh Pháp Hoa là một đại giao hưởng vũ trụ, một màn trình diễn thiêng liêng của vũ trụ qua suốt không gian và thời gian. Thiêng liêng bởi vì tất cả đều được Phật hoá trong ánh sáng Phật tánh của Phật.
Màn trình diễn của vũ trụ và tất cả nhân vật thánh phàm ấy dầu phi phàm đến mấy cũng vẫn thuộc về tục đế (vì còn ở trong thời gian và không gian tương đối). Theo kinh, tất cả những biểu hiện ấy xảy ra trên nền tảng tánh Không và ánh sáng của Phật (chân đế): trong tục đế có chân đế, ngay nơi tục đế là chân đế và chân đế chẳng bao giờ lìa ngoài tục đế.
Đây là ý nghĩa sâu xa của kinh: Chân Không - Diệu Hữu.