CHỈ, QUÁN VÀ CHỈ QUÁN ĐỒNG THỜI
TRONG DUY THỨC
Nguyễn Thế Đăng
Trong Kinh Giải Thâm Mật do ngài Huyền Trang dịch, phẩm Du già (Yoga) thứ 6 giảng về Chỉ (Samatha, Định), Quán (Vipassana, Quán) và Chỉ - Quán đồng thời.
Duy thức tông còn có tên là Du già hành tông (Yogacàrà), nghĩa là thực hành du già (yoga) để đạt đến bản tánh của các thức, mà các Kinh Duy thức gọi là Trí, Tự giác thánh trí, A lại da thanh tịnh, tánh Không (Ba vô tánh), Chân Như…
Chỉ Quán đồng thời, theo Kinh Viên Giác, là Thiền. Ở đây dùng chữ tham thiền (contemplation, Tạng; gompa). Chữ này cũng tương đương với Du già trong Du già hành tông. Du già (yoga) có nghĩa là buộc vào, kết nối, hợp nhất, Thiền tông gọi là tương ưng.
Trong bài này sẽ dùng Chỉ - Quán và Chỉ - Quán đồng thời được áp dụng để thấu hiểu về thức (tức là Duy thức tướng) và Trí (tức là Duy thức tánh).
Kinh Nhập Lăng Già nói về thức và trí như sau:
“Sanh diệt là thức, chẳng sanh diệt là trí. Sa vào tướng và vô tướng, lấy các thứ tướng có - không làm nhân là thức. Lìa tướng và vô tướng, lìa nhân có - không là trí. Có tích tập tướng là thức, không tích tập tướng là trí. Bám tướng cảnh giới là thức, chẳng bám tướng cảnh giới là trí. Ba hòa hợp tương ưng mà sanh là thức, vô ngại tương ưng tự tánh là trí. Có tướng để đắc là thức, không có tướng để đắc là trí, vì đây là cảnh giới thánh trí tự chứng, như trăng trong nước, chẳng nhập chẳng xuất vậy”.
Thức, cụ thể là khởi ý tưởng, khởi niệm. Đó là do thức chuyển động, “thức biến”, liền có chủ thể và đối tượng, có ta - người, có tâm - cảnh. Thức phân biệt sanh khởi thì chính thức ấy liền diệt. Sanh diệt của thức tạo thành sanh diệt của sanh tử.
Thức như sóng có sanh có diệt, còn đại dương tạng thức thì thường trụ:
Thí như sóng đại dương
Là do gió mạnh thổi
Sóng lớn nổi sông biển
Không có lúc dừng dứt.
Biển tạng thức thường trụ
Gió cảnh giới xao động
Thảy thảy các sóng thức
Nhấp nhô mà chuyển sanh.
….
Cái (mà) tâm thấy, không có
Chỉ nương tâm mà khởi
Ảnh thân, của, chỗ ở
Tạng thức chúng sanh hiện.
Tâm, ý, thức, ba tánh
Năm pháp, hai vô ngã
Tất cả đều thanh tịnh
Các đạo sư diễn nói.
(Nhập Lăng Già)
Niệm khởi là phân biệt khởi, chuyển đại dương vốn thường trụ, thanh tịnh, thành sóng thức, thành muôn ngàn tướng và cảnh giới, thành vô vàn thế giới sai khác. Các tướng sai khác nhau tạo thành thế giới sai khác nhau, đây là thế giới sanh tử.
Hai hệ thống chính yếu của Đại thừa là Duy thức và Không tông. Duy thức thì đặt trọng tâm làm việc vào thức, Không tông đặt trọng tâm làm việc vào tướng. Cả hai đều đưa hành giả đến tánh Không tức Chân Như.
Hành giả ‘vô hiệu hóa’ cái nghiệp phân biệt của thức như thế nào để trả thế giới về nguyên trạng của nó? Ở đây chỉ nói vài cách, bởi vì nói cho cùng, tất cả các con đường, các pháp môn đều nhắm đến mục đích này, để tánh Không, Chân Như hiển lộ.
– “Ba hòa hợp mà sanh là thức”: Thức là do ba nhân duyên, căn, cảnh, ý hay ba chuyển thức (a lại da, mạt na và sáu thức giác quan). Thức do những duyên sanh, thức không thể tự sanh, tự hiện hữu. Do những duyên sanh tức là không có tự tánh, vô tự tánh, là tánh Không. Một niệm là tánh Không, là rỗng không, có xuất hiện nhưng rỗng không.
Dùng thiền định thiền quán xét xem một niệm khởi lên từ đâu, xét cho đến tận cùng, nó không khởi lên từ một căn bản, một nền tảng nào cả, và khi tiêu tan nó cũng chẳng tiêu tan và đâu cả. Không khởi lên từ đâu, do đâu, không tan biến về đâu, do đâu, như một đám mây trong hư không, khởi lên trong hư không và tan biến vào hư không.
Thiền định thiền quán như thế, thì không chỉ giải quyết được một niệm mà tất cả các niệm, và người ta hiểu biết được cái tâm chứa các niệm thì không có biên giới, không hình dạng, không chất thể, đó là tâm Không, Vô Tâm, hay “Như Lai tạng thanh tịnh”.
– Đã làm quen với sự thật “Ba cõi duy chỉ là tâm, muôn pháp duy chỉ là thức”, thì khi thấy một vật, một người, một cảnh, người ta biết ngay đó là thức chuyển biến, đó chỉ là thức, và người ta giải thoát ngay khi thấy.
Tại sao giải thoát ngay khi thấy? Bởi vì thấy là thức cũng có nghĩa thấy “như huyễn, như mộng”, xuất hiện nhưng không hiện hữu thật.
Như huyễn, như mộng, như trăng trong nước… là những thí dụ ở khắp các kinh Đại thừa. Ở đây lấy một đoạn Kinh Đại thừa Mật Nghiêm (Địa bà ha la, Divakara dịch).
Lìa Không chẳng có sắc
Lìa sắc chẳng có Không
Như trăng cùng ánh sáng
Trước sau thường không khác
Các pháp cũng như vậy
Tánh Không vẫn đồng nhất
Lưu chuyển không khác nhau
…
Nương theo mắt và ái
Ý theo sắc, ánh sáng
Như vậy thức mắt sinh
Như huyễn, như sóng nắng.
Thức này không chỗ đến
Cũng không có chỗ đi
Tánh các thức như vậy
Không nên chấp có, không.
Như thạch nữ có con
Như lông rùa, sừng thỏ
Xưa nay vô tự tánh
Vọng lập nên tên gọi…
– Điều quan trọng nhất là A lại da vốn là thanh tịnh, là Như Lai tạng thanh tịnh:
Phật thuyết Như Lai tạng
Dụng là A lại da
Ác huệ không thể biết
Tạng thức tức Lại da
Như Lai tạng thanh tịnh
A lại da thế gian
Như vàng ròng và nhẫn
Tương đương không sai khác.
(Kinh Đại thừa Mật Nghiêm)
Ác huệ là cái huệ sai lầm, hư hỏng, làm biến tướng; đây là cái thấy biết theo nghiệp phân biệt làm nhiễm ô cả tám thức.
Khi thấy mà không phân biệt thì A lại da thế gian tức là Như Lai tạng thanh tịnh. Thanh tịnh nghĩa là không phân biệt, chia cắt, không xung đột với nhau. Khi ấy A lại da là cái dụng của Như Lai tạng thanh tịnh. Và Như Lai tạng thanh tịnh nên cái dụng của Như Lai tạng cũng phải thanh tịnh
Mắt thấy, tai nghe, ý nghĩ đều là cái dụng của Như Lai tạng thanh tịnh. Đây là con đường chuyển thức thành trí, chuyển sanh tử bất tịnh thành Niết bàn thanh tịnh.
Các thức cũng như vậy
Luôn nương Lại da chuyển
Lại da tức Mật Nghiêm
Vốn thể tối thanh tịnh.
Không tâm cũng không giác
Sáng sạch như vàng ròng
(Trong đó) phân biệt không thể có
Tánh lìa sự phân biệt
Thật thể là Viên thành
Bậc Du già sẽ thấy.
Ý thức duyên nơi cảnh
Trói buộc kẻ ngu si
Thánh kiến đều thanh tịnh
Giống như là sóng nắng.
(Đại thừa Mật Nghiêm)
Mật Nghiêm là cảnh giới của tự giác thánh trí, cảnh giới của bản tánh của tâm, của A lại da thanh tịnh.
Bậc Du già là vị đã thoát khỏi vô minh phân biệt của tám thức, đã chứng đắc Mật Nghiêm, là bản tánh của tâm, là Như Lai tạng thanh tịnh. Cái thấy thanh tịnh này trùm khắp sanh tử phân biệt chia cắt, để thấy tất cả là cái dụng của Mật Nghiêm, của Như Lai tạng thanh tịnh.
Không còn có thức, tất cả là trí, tất cả là Như Lai tạng, cho đến phân biệt cũng là trí, là cái dụng của trí vô phân biệt. Đây là thánh kiến: “Thánh kiến đều thanh tịnh”.
Như Lai là bậc Du già vô thượng, ngài luôn luôn sống trong cảnh giới Mật Nghiêm:
Nếu lìa sự phân biệt
Liền thành đạo vô lậu
Mãi mãi không biến đổi
Giống như là hư không.
Với tất cả Lại da
Đạt được Tam ma địa
Liền sanh pháp vô lậu
Định như ý giải thoát.
Cùng với bốn Vô uý
Mười Lực và thiện xảo
Tự tại với thần thông
Các công đức như vậy
Khởi mười nguyện rốt ráo
Ý thành thân vi diệu
Vĩnh viễn chuyển sở y
Thức giới luôn an trụ.
Thể tánh đồng hư không
Không mất cũng không hết
Như Lai đều thấy rõ
Thế gian không tăng giảm
Hữu tình cũng không sinh
Niết bàn cũng chẳng diệt
Cõi này và cõi khác
Đồng là một pháp tánh.
Chư Phật hiện ở đời
Hay không hiện ở đời
Pháp tánh vốn hằng trụ
Không thường cũng không đoạn.
Trong đoạn kệ này, Bồ tát Kim Cang Tạng dạy con đường Duy thức để thành Phật.
Như vậy, Chỉ - Quán đồng thời, hay “tham thiền” là tham thẳng vào Duy thức tánh vốn thanh tịnh, vào bản tánh của tâm tức Mật Nghiêm, vào A lại da thanh tịnh tức Như Lai tạng. Đây là điều Luận Đại thừa khởi tín nói là “trực niệm Chân Như”.