- Đề Tựa
- Chương 1: Xã Hội Tân Tiến Và Truy Tầm Hạnh Phúc Cho Loài Người
- Chương 2 : Không Phép Lạ, Không Bí Mật
- Chương 3 : Căn Nguyên Tuỳ Thuộc Và Bản Chất Của Thực Tế
- Chương 4 : Tái Định Mục Tiêu
- Chương 5 : Cảm Xúc Tối Thượng
- Chương 6 : Luân Lý Về Nhẫn
- Chương 7 : Luận Lý Về Hạnh
- Chương 8 : Luận Lý Về Từ Bi
- Chương 9 : Luận Lý Và Đau Khổ
- Chương 10 : Nhu Cầu Nhận Thức
- Chương 11 : Trách Nhiệm Toàn Cầu
- Chương 12 : Trình Độ Dấn Thân
- Chương 13 : Luân Lý Trong Xã Hội
- Chương 14 : Hoà Bình Và Giải Giới
- Chương 15 : Vai Trò Tôn Giáo Trong Xã Hội Tân Tiến
- Chương 16 : Lời Kêu Gọi
KHÔNG PHÉP LẠ, KHÔNG BÍ MẬT
Khi kêu gọi một cuộc cách mạng tâm linh, phải chăng cuối cùng tôi lại biện minh một giải pháp tôn giáo cho các vấn đề của chúng ta? Không. Như một người gần bảy mươi tuổi đang viết những dòng này, tôi đã tích lũy được khá đủ kinh nghiệm để hoàn toàn tin tưởng rằng các điều giảng dạy của đức Phật vừa cao thượng vừa hữu ích cho nhân loại. Nếu một người đem ra thật hành, chắc chắn không phải chỉ có người đó, mà các người khác, đều hưởng lợi lạc.
Tuy nhiên, sự gặp gỡ của tôi cùng đủ hạng người khác nhau trên thế giới, đã giúp tôi ý thức được rằng, có các tín ngưỡng khác, các nền văn hóa khác, không kém khả năng hơn của tôi trong việc giúp các cá nhân đi vào một đời sống xây dựng và mãn nguyện hơn.
Hơn nữa, tôi còn đi đến kết luận rằng, một người có đức tin tôn giáo hay không cũng không quan trọng cho lắm. Điều quan trọng hơn nữa chính là họ phải là người thiện lành.
Tôi nói lên điều đó trong sự kiện là, mặc dù đa số trong sáu tỷ con người trên quả đất này có thể tuyên bố trung thành cùng một truyền thống tín ngưỡng này hoặc khác, ảnh hưởng của tôn giáo trên đời sống con người nói chung chỉ là biên tế, đặc biệt trong thế giới tân tiến. Thật đáng ngờ rằng trên thế giới ngày nay có thể có khoảng một tỷ người thật hành tinh tấn, tức là, những người hàng ngày đều trung thành làm đúng với các nguyên tắc và giáo lý tín ngưỡng của họ. Số còn lại, trong ý nghĩa đó, là những người không thật hành. Những người tinh tấn thật hành đồng thời cũng có thể theo vô số các con đường tôn giáo khác nhau. Từ điểm đó, sự đa dạng trở nên sáng tỏ, không có một tôn giáo nào thỏa mãn được toàn thể nhân loại. Chúng ta cũng có thể kết luận rằng, loài người có thể sống khá tốt đẹp mà không cần kêu cầu đến tín ngưỡng.
Điều đó có vẻ như một xác nhận bất thường, khi đến từ một nhân vật tôn giáo. Tuy nhiên, tôi là một người Tây tạng trước khi là một Đạt lai Lạt ma, và tôi là một con người trước khi là một người Tây tạng. Vì vậy, trong khi là một Đạt lai Lạt ma, tôi vẫn có các trách nhiệm đặc biệt đối với người Tây tạng; và như là một tăng sĩ, tôi có trách nhiệm đặc biệt đối với sự hòa hợp liên tôn xa hơn nữa; và như là một con người, tôi có trách nhiệm lớn lao hơn nữa đối với toàn thể gia đình nhân loại — mà thật sự chúng ta đều có. Và bởi vì đa số không thật hành tôn giáo, cho nên tôi quan tâm đến việc cố gắng tìm ra một con đường phục vụ toàn nhân loại mà không cần kêu cầu đến tín ngưỡng.
Giờ đây, tôi tin nếu chúng ta quán xét các tôn giáo chính trên thế giới trên phối cảnh rộng lớn nhất, chúng ta sẽ tìm thấy tất cả — Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Ấn độ giáo, Hồi giáo, Do thái giáo, đạo Sikh, đạo Zoroastrian, và các tôn giáo khác — đều hướng về việc giúp đỡ loài người đạt đến các hạnh phúc trường tồn. Và mỗi một tôn giáo, theo ý tôi, đều có khả năng thực hiện điều đó. Dưới các trường hợp đó, một tập hợp tôn giáo đa dạng (mỗi đạo rốt ráo cũng chỉ đề cao cùng một số giá trị nền tảng chung) là điều vừa đáng mong cầu vừa hữu ích.
Không phải lúc nào tôi cũng cảm thấy thế. Khi tôi còn trẻ và sống tại Tây tạng, tôi tin ở tận đáy lòng rằng, Phật giáo là con đường tốt nhất. Tôi tự nhủ, thật tuyệt vời nếu tất cả mọi người đều theo đạo. Nhưng đó chỉ là một sự vô minh. Người Tây tạng chúng tôi, dĩ nhiên, cũng từng nghe nói đến các tôn giáo khác. Nhưng chúng tôi chỉ biết rất ít qua các bản dịch lần nhì bằng tiếng Tây tạng, trong tài liệu Phật giáo. Dĩ nhiên, các bản này nhắm vào các khía cạnh của các tôn giáo khác, được mở ra cho các lý luận dưới nhãn quan của Phật giáo. Đó không phải vì các tác giả Phật học cố ý mạn họa đối phương. Trái lại, điều đó chỉ phản ánh sự kiện, họ không thấy cần phải nói lên tất cả các khía cạnh mà họ không có gì để luận bàn, bởi vì các tác phẩm này được viết ở Ấn độ, nơi có đầy đủ các loại sách vở cần tham khảo đó. Không may, đó lại không phải trường hợp của Tây tạng, vốn không có các bản dịch kinh sách nói trên.
Khi lớn lên, dần dà tôi có thể học biết nhiều hơn đến các tôn giáo trên thế giới. Đặc biệt là khi lưu vong, tôi bắt đầu được gặp gỡ nhiều người đã tận hiến đời họ sống trong các tín ngưỡng khác — một số qua cầu nguyện và thiền định, số khác qua các hành động phục vụ người khác — họ đã đạt đến một kinh nghiện sâu xa theo truyền thống riêng tư. Những trao đổi cá nhân đó giúp tôi nhận thức được giá trị to tát của mỗi một truyền thống tín ngưỡng, và đưa tôi đến việc tôn trọng họ rất sâu xa. Đối với tôi, Phật giáo vẫn là con đường quý báu nhất. Phật giáo phù hợp nhất với cá tánh của tôi. Nhưng điều đó không có nghĩa tôi tin là Phật giáo sẽ trở thành tôn giáo tốt nhất cho tất cả mọi người; không khác hơn việc tôi tin là không nhất thiết tất cả mọi người đều phải có đức tin tôn giáo.
Dĩ nhiên, vừa là một người Tây tạng và một tăng sĩ, tôi đã được dưỡng nuôi sao cho phù hợp, được giáo dục trong các nguyên tắc và giáo lý, và thật hành Phật giáo. Do đó, tôi không thể phủ nhận rằng, trọn vẹn tư tưởng của tôi thành hình từ sự hiểu biết của tôi về điều mang ý nghĩa như một tín đồ của đức Phật. Tuy nhiên, mối quan tâm của tôi trong quyển sách này vượt khỏi các giới hạn chính thức của tín ngưỡng. Tôi muốn trình bày rằng, quả thật có những nguyên tắc luân lý phổ quát toàn cầu có thể giúp cho tất cả mọi người đạt đến hạnh phúc mà tất cả chúng ta đều mong mỏi. Vài người có thể cảm thấy như tôi đang kín đáo quảng bá Phật giáo. Cho dù đối với tôi thật khó mà phủ bác một cách quyết đoán, nhưng đây vốn không phải là trường hợp đó.
Thật ra, tôi tin rằng có một sự phân biệt rõ rệt giữa tôn giáo và tâm linh. Tôn giáo theo tôi có liên hệ đến đức tin vào lời tuyên xướng về sự cứu rỗi của một truyền thống tín ngưỡng này hoặc khác, một diện khác là chấp nhận một hình thái thực tế tâm linh hoặc siêu nhiên nào đó, có thể kể cả ý tưởng về thiên đàng hoặc Niết-bàn. Nối liền vào đó là các giáo lý hoặc chủ thuyết, nghi thức, cầu nguyện, và vân vân. Tâm linh theo tôi có liên hệ đến các đức tánh của tinh thần con người — như tình thương và tâm từ bi, nhẫn nại, bao dung, tha thứ, tri túc, cảm thức trách nhiệm, cảm thức hòa hợp — sẽ mang đến hạnh phúc cho cả ta và người. Trong khi nghi thức và cầu nguyện, cùng với các câu hỏi như Niết-bàn và cứu rỗi, có liên hệ trực tiếp đến đức tin tôn giáo, những phẩm tánh nội tại trên lại không cần thế. Tuy vậy, cá nhân cũng chẳng có lý do gì lại không phát huy các phẩm tánh đó, kể cả ở trình độ cao, mà không cần phải tìm đến một hệ thống đức tin tôn giáo hoặc siêu hình nào. Chính vì vậy, đôi khi tôi nói rằng tôn giáo là điều chúng ta vẫn có thể sinh hoạt mà không cần đến.
Điều chúng ta không thể sinh hoạt lại thiếu vắng, chính là các phẩm tánh tâm linh cơ bản.
Dĩ nhiên những người thật hành tôn giáo hữu lý khi cho rằng các phẩm chất hoặc đức hạnh trên vốn là kết quả của một sự tận hiến thuần thành tôn giáo; do vậy, tôn giáo có toàn bộ những gì phải làm để phát huy chúng, và điều đó có thể gọi là thật hành tâm linh. Chúng ta cần soi sáng điểm này. Đức tin tôn giáo đòi hỏi phải thật hành tâm linh. Tuy nhiên có nhiều sự lẫn lộn, thường thấy nơi cả tín đồ tôn giáo lẫn người không tin, liên hệ đến điều thật sự hàm chứa. Đặc điểm chung của các phẩm tánh tôi vừa mô tả như "tâm linh" có thể nói là một trình độ quan tâm nào đó đến tha lợi. Tại Tây tạng, chúng tôi thường nói đến shen pen kyi có nghĩa "ý niệm giúp đỡ tha nhân." Và khi nghĩ đến điều đó, chúng tôi nhận thấy rằng mỗi phẩm tánh nêu ra đều được minh định bằng một sự quan tâm hiển nhiên đến an sinh của người khác.
Hơn nữa, người có tình thương, từ bi, nhẫn nhục, bao dung, tha thứ, vân vân, nhận ra được ở một tầm mức nào đó khả năng ảnh hưởng của hành động mình đối với người khác, và tùy nghi điều động hành vi của họ. Như thế, thật hành tâm linh theo mô tả này, một mặt liên quan đến việc hành động cho tha lợi. Mặt khác, lại kéo theo sự chuyển hóa chúng ta trở nên thích nghi hơn để hành thiện. Nói đến thật hành tâm linh trong khuôn khổ nào khác hơn chỉ là vô nghĩa.
Lời kêu gọi một cuộc cách mạng tâm linh của tôi do đó không phải là kêu gọi một cuộc cách mạng tôn giáo. Cũng không phải là sự viện dẫn một lối sống vượt ngoài đời người, gần như một thứ phép lạ hoặc bí mật nào đó. Khác hơn, đó chỉ là lời kêu gọi một sự tái định hướng căn bản, tránh các sự bận rộn theo thói quen cùng chính bản thân. Đó là lời kêu gọi hướng về phía một cộng đồng rộng lớn hơn gồm những người liên hệ với chúng ta, và có thái độ nhận thức về tha lợi song hành cùng ngã lợi.
Ở đây, độc giả có thể phản đối rằng trong khi sự cải chuyển cá tánh theo tái định hướng đề ra, cũng như sự kiện con người triển khai tâm từ bi và tình thương, đều rất đáng mong muốn; nhưng một cách mạng tinh thần không thích hợp để giải quyết sự đa dạng và cao độ của các vấn đề chúng ta phải đối diện trong xã hội tân tiến. Hơn nữa, có thể lập luận rằng, các vấn đề đến từ, lấy thí dụ, bạo hành trong gia đình, nghiện ngập thuốc và rượu, gia đình đổ vỡ, vân vân, sẽ dễ hiểu và dễ giải quyết hơn nếu theo từng trường hợp. Tuy nhiên, vì mỗi trường hợp đều có thể giải quyết nhờ người ta có tình thương và từ bi nhiều hơn với nhau — dù thật bấp bênh — cho nên vẫn có thể xếp vào loại vấn đề tâm linh có thể áp dụng giải pháp tâm linh. Như thế không phải nói rằng, tất cả việc chúng ta cần làm chỉ là đào luyện các giá trị tâm linh rồi tự động các vấn đề kia sẽ biến mất. Trái lại, từng mỗi một vấn đề đều cần đến một giải pháp riêng biệt. Nhưng chúng ta nhận thấy khi chiều hướng tâm linh bị bỏ quên, sẽ không hy vọng gì đạt được một giải pháp lâu dài.
Tại sao thế? Tin xấu là một sự thật của cuộc đời. Mỗi lần nhặt một tờ báo, hoặc vặn đài truyền hình hay truyền thanh, chúng ta đều đối diện cùng các tin buồn. Không có ngày nào qua đi, mà trên bất cứ nơi nào của thế giới, lại không có điều gì xảy ra mà tất cả mọi người đều cho là bất hạnh. Dù chúng ta từ đâu đến, và triết lý sống như thế nào, triển khai rộng hẹp đến độ nào, chúng ta tất cả đều cảm thấy tiếc khi nghe người khác đau khổ.
Các hiện tượng đó có thể chia ra làm hai loại chính, loại có nguyên do thiên nhiên — động đất, hạn hán, lụt lội, và tương tự — và loại có bắt nguồn từ con người. Chiến tranh, tội ác, bạo hành đủ thứ, tham nhũng, nghèo đói, thất vọng, lừa đảo, và bất công xã hội, chính trị, kinh tế đều là hậu quả của hành vi tiêu cực. Người nào chịu trách nhiệm cho hành vi đó? Chính chúng ta. Từ hoàng gia, tổng thống, thủ tướng, và chính trị gia cho đến quản trị gia, khoa học gia, bác sĩ, luật sư, học giả, sinh viên, tu sĩ, ni và tăng, như chính tôi, cho đến kỹ nghệ gia, nghệ sĩ, thương gia, chuyên viên, thợ thuyền, nông dân, và những người thất nghiệp, không có một giai cấp nào hoặc lãnh vực nào trong xã hội thiếu phần trong các tin xấu hàng ngày.
Điều may mắn, không như trường hợp thiên tai là loại chúng ta ít làm được gì, các khó khăn của loài người, bởi vì hầu hết trên căn bản đều là vấn đề luân lý, cho nên có thể vượt qua. Sự kiện có quá nhiều người đến từ mọi lãnh vực và tầng giới xã hội cùng góp phần xây dựng, phản ánh một tiên kiến này: Có những người tham gia vào chính đảng để tranh đấu cho một hiến pháp công bình hơn; có người trở thành luật sư để tranh đấu cho luật pháp; có người gia nhập các tổ chức tiếp trợ để chống đói khổ; có người quan tâm đến các nạn nhân bị thương hại, trên cả nghiệp vụ lẫn việc thiện nguyện. Thật thế, tất cả chúng ta, theo sự hiểu biết riêng và trên các con đường riêng, đều cố gắng làm cho thế giới — hay một mảnh nhỏ nào của nó — trở thành một nơi tốt đẹp hơn để sống.
Không may, chúng ta phải nhìn nhận dù hệ thống luật pháp khéo biện luận và quản trị đến đâu, và dù các phương pháp kiểm soát bên ngoài tiến bộ đến mức nào, cũng không thể nào quét sạch hành vi sai quấy. Cứ quan sát các lực lượng cảnh sát ngày nay có các kỹ thuật tân tiến không thể nào tưởng tượng nổi vào năm mươi năm trước. Họ có biện pháp kiểm soát giúp họ nhìn thấy những gì dấu kín; họ có kiểm tra DNA, phòng thí nghiệm pháp y, chó kiểm soát, chuyên viên huấn luyện đặc biệt. Thế mà các phương pháp phạm tội cũng tiến bộ theo cùng khiến không sao ngưng cắt hết. Khi sự kiểm ngăn của luân lý còn thiếu sót, không thể có hy vọng vượt qua các vấn đề như tình trạng tội ác gia tăng. Thật vậy, thiếu thứ kỷ luật bên trong đó, chúng ta chỉ thấy rằng, ngay chính việc tìm đủ mọi cách để giải quyết vấn đề lại hóa thành một nguồn khó khăn khác. Sự tinh xảo gia tăng của các phương thức phạm tội và kiểm soát đều có các khiếm khuyết và chế tác lên nhau thành một thứ vòng luẩn quẩn.
Tương quan giữa thật hành tâm linh và luân lý như thế nào? Bởi vì tình thương và tâm từ bi cùng các đức tánh tương tự, theo định nghĩa, giả định một trình độ quan tâm đến tha lợi, cho nên cũng giả định một sự giới chế luân lý. Chúng ta không thể từ bi và bác ái trừ phi đồng thời ta phải tự hạn chế bớt các động cơ và tham vọng tác hại của mình.
Về nền tảng của thật hành luân lý, ít ra có thể tạm xem như ở đây tôi bênh vực cho khuynh hướng có tính cách tôn giáo. Thật vậy, mỗi một truyền thống tôn giáo chính đều có một hệ thống luân lý triển khai đầy đủ. Tuy nhiên, khó khăn trong sự ràng buộc hiểu biết điều phải quấy của ta vào tôn giáo là vấn đề rồi ta lại phải đặt câu hỏi, "Tôn giáo nào?" Tôn giáo nào thuyết giải được một hệ thống đầy đủ nhất, dễ đạt đến nhất, và dễ chấp nhận nhất? Các biện luận sẽ không bao giờ dứt. Hơn nữa, làm thế chính là lãng quên sự kiện nhiều người đã phủ nhận tôn giáo vì không cảm thấy lòng xác tín chân thành, chứ không phải vì thiếu quan tâm đến các vấn đề sâu xa hơn của đời người. Chúng ta không thể giả thiết những người đó không có được cảm thức về phải quấy hoặc không thích hợp cùng đạo đức; dựa trên sự kiện một số người chống tôn giáo vốn vô đạo đức. Ngoài ra, đức tin tôn giáo không bảo đảm được đạo đức liêm khiết. Qua lịch sử nhân loại, chúng ta có thể thấy trong số các kẻ tai ác nhất — kẻ gây bạo lực, khủng bố, và hủy diệt đồng loại — có những kẻ hành nghề tôn giáo, thường rất ồn ào. Tôn giáo có thể giúp chúng ta thiết lập các nguyên tắc luân lý căn bản. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể nói đến luân lý và đạo đức mà không cần phải kêu cầu tôn giáo.
Lại nữa, có thể phản bác là nếu không chấp nhận tôn giáo như một nguồn luân lý, chúng ta phải cho phép người ta hiểu về các điều tốt phải hoặc xấu quấy, điều thích hợp với đạo đức hoặc không, điều tạo thành một hành động tích cực hoặc tiêu cực... thay đổi tùy theo các hoàn cảnh và ngay cả giữa người với người. Nhưng ở đây, tôi xin giải thích, không ai nên giả định rằng có thể lập ra một loạt các luật lệ nhằm cung ứng cho chúng ta các câu trả lời cho từng trường hợp luân lý nan giải, ngay dù có chấp nhận tôn giáo làm nền tảng đạo đức. Một khuynh hướng công thức như thế khó hy vọng nắm bắt được sự phong phú và đa dạng của kinh nghiệm người đời. Nó còn làm nền móng cho các thứ biện thuyết về trách nhiệm đối với văn bản của luật pháp, hơn là trên chính hành động của ta.
Điều đó không có nghĩa thật là vô ích khi nỗ lực phân giải các nguyên tắc có thể hiểu như đường nét chính của đạo đức. Ngược lại, nếu chúng ta có chút hy vọng nào để giải quyết vấn đề, điều thiết yếu là phải tìm phương cách giải quyết. Chúng ta phải có một phương tiện nào đó để phán đoán giữa, lấy thí dụ, sự khủng bố như một cách cải tạo chính trị và nguyên tắc đối kháng hòa bình của Mahatma Gandhi. Chúng ta có thể trình bày rằng bạo hành đối với kẻ khác là sai quấy. Tuy nhiên, chúng ta phải tìm cách nào để một mặt tránh được sự quá khích của nền độc tài thô bạo, và mặt kia là các thuyết tương đối tầm thường.
Theo nhãn quan của tôi — vốn không chỉ đặt trên niềm tin tôn giáo, hoặc ngay cả trên một ý tưởng độc đáo nào, mà chỉ trên lẽ thường đơn giản — sự kiến lập các đường nét chính của nguyên tắc luân lý là việc khả thi, khi chúng ta khởi đầu bằng sự quán sát rằng tất cả mọi người đều muốn hạnh phúc và tránh đau khổ. Chúng ta không có phương tiện để phân biệt giữa phải và quấy, nếu không lưu ý đến cảm xúc và đau khổ của người khác. Vì lý do đó, và cũng vì — như ta sẽ thấy — khái niệm về chân lý tối thượng rất khó chấp nhận ngoài khuôn khổ tôn giáo, hành vi luân lý không phải là điều chúng ta dấn bước vào vì tự nó sẵn có bản chất đúng. Hơn nữa, nếu muốn hạnh phúc và tránh đau khổ là thái độ tự nhiên của mọi người, điều tiếp theo là mỗi một cá nhân đều có thể theo đuổi mục tiêu đó. Để tương ứng tôi đề nghị rằng, một trong các điều có thể xác định một hành động có phù hợp luân lý hay không, chính là ảnh hưởng của nó đến kinh nghiệm hoặc kỳ vọng hạnh phúc của kẻ khác. Một hành động tác hại hoặc bạo hành đối với điều đó, là một hành động khả dĩ vô luân lý.
Tôi nói khả dĩ vì mặc dù hậu quả của hành động quan trọng, nhưng còn có những yếu tố khác để cứu xét, kể cả vấn đề ý định và bản chất của hành động. Chúng ta có thể nghĩ đến những việc mà ta đã phá rối đến người khác, mặc dù không có ý định làm vậy. Tương tự, cũng không khó nghĩ đến các hành động, mặc dù có vẻ cưỡng bách và bạo hành và có thể gây đau đớn, nhưng lại đóng góp vào hạnh phúc dài lâu cho người khác. Bắt trẻ em đi vào kỷ luật nằm trong loại này. Mặt khác, sự kiện hành động tuy có vẻ dịu êm, không có nghĩa là tích cực hoặc luân lý, nếu ý định của chúng ta là ích kỷ. Trái lại, lấy thí dụ, ý định của chúng ta là lừa đảo, rồi giả vờ như tử tế, đó là việc làm quả thật không hay. Tuy nhiên bạo lực không thể dính vào, vì đó là một hành động hung bạo. Bạo hành chẳng những cuối cùng sẽ gây hại cho kẻ khác, mà còn làm thương tổn niềm tin và hy vọng vào sự thật của kẻ khác.
Lại nữa, cũng không khó tưởng tượng một trường hợp trong đó cá nhân có thể giả thiết hành động của mình có ý định tốt và hướng đến điều lợi cho kẻ khác, nhưng trên thực tế lại hoàn toàn vô đạo đức. Ở đây, chúng ta có thể nghĩ đến một người lính nhận lệnh phải xử tử tù thường dân. Tin rằng mình theo chánh nghĩa, người lính đó có thể giả định rằng hành động đó hướng về phía tốt đẹp hơn cho nhân loại. Tuy vậy, trên nguyên tắc bất bạo động mà tôi vừa đề ra, việc giết người trên định nghĩa là một hành động vô luân. Nhận thi hành những mệnh lệnh như thế là một hành vi tiêu cực nghiêm trọng. Nói cách khác, nội dung của hành động cũng rất quan trọng để có thể xác định có hợp luân lý hay không, bởi vì có vài hành động trên định nghĩa vốn đã là tiêu cực.
Yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định bản chất luân lý của hành động lại có thể không phải ở nội dung hay hậu quả. Thật vậy, vì có rất ít kết quả của hành động chỉ liên hệ trực tiếp đến mỗi riêng ta — cho dù người lái tàu cố gắng đưa chiếc tàu an toàn vượt qua cơn bão cũng không tùy thuộc vào mỗi có hành động của người đó — kết quả có thể là yếu tố kém quan trọng nhất. Ở Tây tạng, từ ngữ được xem như có giá trị nhất trong việc xác định giá trị luân lý của một hành động là kun long của cá nhân. Dịch từng chữ, từ kun có nghĩa là "hết lòng" hoặc "tận đáy lòng," và long (wa) nói lên hành động khiến cho một điều gì trổi dậy, đứng lên, hoặc thức tỉnh. Nhưng ý nghĩa được dùng ở đây, kun long được hiểu như một ý nghĩa hay động cơ làm phát khởi hành động — cả cố ý hoặc vô tình. Nó nói lên được trạng thái tổng quát tâm và trí của cá nhân. Khi điều gì thiện lành, hành động theo sau sẽ thiện lành (trên mặt luân lý).
Từ sự mô tả đó, có thể thấy khó dịch chữ kun long thật hàm súc. Thông thường, nó có thể được dịch như "động cơ", nhưng từ này không nắm được ý nghĩa sâu rộng hàm chứa. Chữ "khuynh hướng" tuy gần hơn, nhưng lại thiếu ý nghĩa tích cực của Tây tạng. Mặt khác, nếu dùng câu "trạng thái toàn diện tâm và trí" thì quá dài vô ích. Có thể thu gọn lại bằng chữ "trạng thái trí", nhưng nó lại mất đi ý nghĩa rất rộng của "trí" dùng ở Tây tạng. Chữ "trí" lo , bao gồm ý tưởng về ý thức, hoặc tri thức, cùng với cả cảm giác và cảm xúc. Điều này phản ánh một sự hiểu biết rằng cảm xúc và tư tưởng tận cùng không thể tách rời. Ngay cả tri giác về một tánh chất, như màu sắc, cũng hàm chứa một chiều hướng xúc cảm nào đó. Tương tự, không có một ý tưởng về cảm xúc thuần túy nào không kèm theo một hiện tượng nhận thức. Sự suy luận được dùng để phân biệt các loại cảm giác khác nhau. Những thứ đó khởi đầu chỉ là bản năng, chẳng hạn như nhăn mặt khi nhìn thấy máu, và có những thứ phải cần đến các yếu tố duy lý triển khai hơn, như sợ nghèo chẳng hạn. Xin độc giả nhớ điểm này, mỗi khi tôi nói đến "trí", đến "động cơ", đến "khuynh hướng", hoặc đến "trạng thái trí."
Thế đó, trạng thái toàn bộ tâm và trí của cá nhân, hoặc động cơ, vào thời điểm của hành động, chính là chìa khóa để xác định nội dung luân lý của nó; rất dễ hiểu khi chúng ta quán xét thấy hành động đã bị ảnh hưởng khi ta bị vây hãm trong thứ ý niệm và cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ như hận thù và giận dữ. Vào lúc đó trí (lo) và tâm ta đang hỗn loạn. Không những điều đó khiến ta mất quân bình và tình thế, mà còn mất luôn cái nhìn về ảnh hưởng của hành động mình đối với người khác. Thật vậy, chúng ta có thể trở nên quá bối rối đến độ quên mất vấn đề của người khác, và quyền hạnh phúc của họ, nói chung. Hành động của chúng ta trong hoàn cảnh đó — cả hành, ngữ, ý, quên và muốn — gần như chắc chắn có thể làm thương tổn đến hạnh phúc kẻ khác. Cho dù ý định trường kỳ của ta đối với người khác ra sao, cũng như hành động của ta có chủ tâm ý thức hoặc không. Đặt trường hợp chúng ta nổi nóng khi cãi vã cùng người nhà. Cách thức đương đầu cùng bầu không khí căng thẳng đang lan rộng đó còn tùy thuộc khá nhiều vào điều tiềm ẩn dưới hành động hiện tại — nói cách khác, kun long của chúng ta. Càng thiếu bình tĩnh, chúng ta càng dễ có các phản ứng tiêu cực với lời lẽ nặng nề, và càng chắc chắn là điều nói hoặc làm đó sẽ khiến chúng ta hối tiếc về sau, mặc dù rất thương mến người đó.
Hoặc thử tưởng tượng một trường hợp chúng ta gây trở ngại cho người khác một chút, như là vô tình đụng phải người nào khi đang đi, và người đó la mắng chúng ta vô ý. Chúng ta rất dễ dàng bỏ qua chuyện đó nếu khuynh hướng (kun long) đang thiện lành, nếu trái tim đầy tình thương, hơn là lúc đó đang chứa đầy các cảm xúc tiêu cực. Khi động cơ của hành động là thiện lành, thì hành động tự động xu hướng về việc góp phần vào tha lợi. Do đó chúng sẽ tự động có luân lý. Ngoài ra, nếu trạng thái bình thường của chúng ta đa phần là thế, thì phản ứng xấu lúc bị khiêu khích càng ít xảy ra. Ngay dù chúng ta mất bình tĩnh, sự bộc phát cũng sẽ không có ác tánh hoặc hận thù. Do vậy, theo ý tôi, mục đích của tâm linh và thật hành luân lý chính là cải biến và kiện toàn kun long của cá nhân. Đó là cách khiến chúng ta trở thành những người tốt hơn.
Chúng ta hiểu được, khi sự thành công trong việc cải biến tâm và trí qua việc đào luyện các phẩm chất tâm linh càng lớn, thì khả năng đối phó cùng nghịch cảnh càng mạnh; và hành động thiện lành luân lý càng nhiều. Nếu có thể, tôi xin đơn cử trường hợp của tôi làm thí dụ. Sự hiểu biết về luân lý có nghĩa là trong khi nỗ lực liên lũy để đào luyện một tình trạng tâm trí tích cực hoặc thiện lành, thì tôi cố gắng phục vụ người khác bằng khả năng của mình.
Để chắc ăn, thêm vào việc đó, nội dung của hành động là, trong sự khả thi tối đa, tôi cố gắng giảm các cơ hội hành động thiếu luân lý. Sách lược này có hữu hiệu không, là điều để cứu xét, dựa trên căn bản kết quả đối với sự an sinh của tha nhân đoản kỳ hoặc trường kỳ. Nhưng, thường xuyên đặt hết nỗ lực, và luôn cố gắng quan tâm, cho dù chuyện gì xảy ra, tôi tin mình sẽ không làm gì để phải hối tiếc. Ít nhất tôi biết rõ mình đã cố gắng hết sức.
Mô tả trong chương về tương quan giữa luân lý và tâm linh không nêu ra câu hỏi về các phương cách giải quyết tình trạng tiến thoái lưỡng nan của nền luân lý ngày nay. Chúng ta sẽ bàn đến sau. Tôi quan tâm hơn đến việc đề phác một khuynh hướng nghiên cứu luân lý, bằng cách đưa ra mối liên hệ của thảo luận luân lý và kinh nghiệm cơ bản về hạnh phúc và đau khổ của con người, tránh các vấn đề khơi dậy khi đặt nền tảng của luân lý lên tôn giáo. Hiện thực là đa phần nhân loại ngày nay không tin vào nhu cầu tôn giáo. Hơn nữa, có những hành vi tạm chấp nhận trong truyền thống tôn giáo này chứ không được nơi truyền thống khác.
Còn về ý nghĩa của từ "cách mạng tâm linh," tôi đã minh xác rằng một cuộc cách mạng tâm linh sẽ kéo theo một cuộc cách mạng luân lý.