Chương 12 : Trình Độ Dấn Thân

06/10/201012:00 SA(Xem: 26168)
Chương 12 : Trình Độ Dấn Thân
Chương 12
TRÌNH ĐỘ DẤN THÂN

Qua sự phát huy một thái độ trách nhiệm đối với tha nhân, chúng ta có thể bắt đầu tạo một thế giới tốt lành, từ ái hơn mà ta hằng mơ ước. Độc giả có thể tán đồng hay không cùng các biện luận của tôi về trách nhiệm toàn cầu. Nhưng nếu các điều trên xác đáng, về tánh chất tùy thuộc lớn lao của thực tế, về sự phân biệt theo thói quen giữa ngã và tha trong một ý nghĩa nào đó là quá đáng; và nếu trên căn bản tôi nói đúng khi đề nghị rằng mục tiêu của chúng ta là phải mở rộng tâm từ bi của mình đến tất cả mọi người, ta không khỏi kết luận rằng từ bi — kéo theo hành vi luân lý — nằm ngay giữa mọi hành động của ta, kể cả cá nhân lẫn xã hội. Hơn nữa, mặc dù các chi tiết còn được mở ra cho các cuộc thảo luận, tôi tin chắc rằng trách nhiệm toàn cầu có nghĩa từ bi cũng nằm cả trong đấu trường chính trị. Nó cho biết điều quan trọng về đường lối chúng ta hành xử trong đời sống hàng ngày nếu muốn hạnh phúc theo phương cách đặc trưng của hạnh phúc đã đề ra. Nói lên điều đó, tôi tin rõ ràng là mình không kêu gọi mọi người từ bỏ lối sống hiện thời của họ và chấp nhận một lề luật hoặc cách thức tư duy nào khác. Đúng hơn, ý định của tôi là đề nghị các cá nhân, trong khi vẫn giữ lối sống hàng ngày, có thể chuyển hóa, có thể trở nên tốt hơn, từ bi, và hạnh phúc hơn. Và nhờ các cá nhân thiện lành từ bi hơn, chúng ta có thể khởi sự tiến hành cuộc cách mạng tâm linh của mình.

Công tác của một người cày bừa trong việc làm khiêm nhượng của mình cũng không kém phần hữu ích cho an sinh xã hội bằng, chẳng hạn như, một y sĩ, một giáo chức, một tăng sĩ, hoặc một nữ tu. Tất cả cống hiến của loài người đều có khả năng lớn lao và cao thượng. Khi ta làm việc với động cơ tốt, nghĩ rằng, "Việc làm của tôi là cho người khác," tất sẽ làm lợi cho cộng đồng rộng lớn hơn. Nhưng khi thiếu sự quan tâm đến cảm xúc và an sinh của người khác, sinh hoạt của ta sẽ đi đến chỗ sai hỏng. Do thiếu thốn các cảm xúc nhân bản, tôn giáo, chính trị, kinh tế, vân vân, đều có thể biến thành bẩn thỉu. Thay vì phục vụ nhân loại, chúng biến thành tác nhân tàn phá.

Do đó, ngoài sự phát huy một cảm thức trách nhiệm toàn cầu, chúng ta thật sự cần những người có trách nhiệm. Cho đến khi các nguyên tắc được đưa vào hành động, chúng vẫn chỉ là nguyên tắc. Như thế, chẳng hạn như, rất thích đáng cho một chính trị gia thật tâm chịu trách nhiệm trong hành vi của mình, với sự liêm khiết và ngay thẳng. Rất thích đáng cho một doanh gia lưu tâm đến nhu cầu của người khác qua mọi nghiệp vụ của mình. Rất thích đáng cho một luật sư dùng khả năng chuyên môn của mình để tranh đấu cho công lý.

Dĩ nhiên rất khó biện luận thật chính xác bằng cách nào mà thái độ của chúng ta có thể hình thành qua sự dấn thân chấp ước cùng nguyên tắc của trách nhiệm toàn cầu. Vì lý do đó, tôi không có một tiêu chuẩn đặc biệt nào trong trí. Tất cả điều tôi hy vọng là nếu những gì tôi viết ra đây có ý nghĩa đối với quý vị độc giả, quý vị sẽ nỗ lực khai triển tâm từ bi trong đời sống hàng ngày, hành động giúp đỡ bằng khả năng và ý thức trách nhiệm cùng tất cả mọi người. Khi đi ngang một vòi đang rỉ nước, quý vị sẽ khóa chặt lại. Khi nhìn thấy một cái đèn cháy một cách vô ích, quý vị cũng sẽ tắt. Nếu là một người hành đạo, và mai này được gặp một vị tín hữu thuộc truyền thống tôn giáo khác, quý vị cũng sẽ bày tỏ cùng một mức độ tôn kính đối với họ, ngang bằng sự mong muốn họ đối xử với mình như thế nào. Nếu là một khoa học gia và nhận thấy nghiên cứu mình đang làm có thể tác hại cho người khác, do bởi cảm thức trách nhiệm, quý vị sẽ tự chế không làm. Tùy theo khả năng, tùy theo giới hạn của hoàn cảnh, quý vị sẽ làm điều có thể làm. Ngoài các điều trên, tôi không kêu gọi thêm một trách vụ gì khác. Và một ngày kia, hành động của quý vị có thể trở nên từ bi hơn cả người khác, vâng, điều đó rất bình thường. Lại nữa, nếu lời tôi nói có vẻ không hữu ích lắm, cũng không sao. Điều quan trọng là việc chúng ta làm cho người khác, bất cứ sự hy sinh nào được thực hiện, đều phải tự nguyện và phát khởi từ sự hiểu biết ích lợi của hành động đó.

Trong chuyến viếng thăm mới đây tại New York, một người bạn cho tôi biết con số tỷ phú tại nước Hoa kỳ gia tăng từ mười bảy người chỉ vài năm trước đây đã lên đến nhiều trăm người ngày hôm nay. Đồng thời, người nghèo vẫn nghèo, và có khi còn nghèo hơn nữa. Điều này tôi xem như hoàn toàn vô đạo đức. Đó là một cội rễ của những khó khăn. Trong khi nhiều triệu người không được có đến các nhu cầu tối thiểu của đời sốngthức ăn, chỗ ở, giáo dục, y tế — sự phân phối tài sản bất công quả là một điều ô nhục. Nếu đó là trong trường hợp mọi người đã có đầy đủ hoặc dư thừa các nhu cầu, thì một lối sống xa hoa có thể tạm chấp nhận. Nhưng nếu đó chỉ là ý muốn của cá nhân, cũng khó mà lập luận rằng họ cần hạn chế bớt việc thực thi quyền sống theo sở thích của họ. Hơn nữa sự kiện không phải như thế. Trong thế giới ngày nay, có những vùng người ta vất bỏ các thức ăn dư thừa đi, trong khi những người sát bên cạnh — đồng chủng, kể cả các trẻ em vô tội — bị sa sút đến mức độ đào bới rác để ăn, và nhiều người chết đói. Như thế, mặc dù tôi không thể nói đời sống xa hoa của những người giàu có tự nó là sai lầm, bởi vì họ dùng chính tiền của họ và không kiếm tiền bằng cách bất chánh, nhưng tôi phải nói rằng đó là điều bất xứng, là điều làm hư hỏng con người.

Hơn nữa, tôi bị kích động vì lối sống của người giàu thường quá phức tạp một cách vô lối. Một người bạn của tôi ở cùng một gia đình vô cùng giàu có, cho biết mỗi lần họ bơi lội lên, họ được trao cho một cái áo choàng tắm mới. Và cứ mỗi lần họ đến hồ bơi đều phải thay một cái mới toanh, cho dù có tắm nhiều lần trong một ngày. Phi thường! Nếu không muốn nói là bất thường. Tôi không thấy cách sống đó thêm thắt được thứ gì vào sự tiện nghi cá nhân.

Như là con người, chúng ta ai cũng chỉ có một cái bao tử. Và có sự hạn chế lượng thức ăn nuốt vào. Tương tự, chúng ta có mười ngón tay, do đó không thể nào đeo một trăm chiếc nhẫn. Dù lý luận như thế nào liên quan đến sự chọn lựa, sự dư thừa không có một mục đích gì, trong khi chúng ta đã đeo đủ số nhẫn. Các chiếc còn dư chỉ nằm trong hộp. Sử dụng sự giàu có thích đáng nhất — như tôi từng nói chuyện cùng các thành viên trong một gia đình Ấn độ rất giàu sang — là bố thí từ thiện. Trong trường hợp đặc biệt đó, khi họ hỏi, tôi đã đề nghị nếu có thể dùng tiền vào mục đích giáo dục là tốt nhất. Tương lai của thế giới nằm trong bàn tay của con em chúng ta. Do đó, nếu chúng ta muốn đem lại một xã hội từ ái hơn, công bình hơn, điều quan yếu chính là giáo dục trẻ em trở thành những người có trách nhiệm, biết quan tâm. Khi một người sanh trưởng trong sự giàu sang, hoặc đạt đến giàu có bằng phương tiện nào đó, họ có cơ hội giúp đỡ tha nhân vô cùng to tát. Thật là phí bỏ khi đã tiêu pha cơ hội đó trong việc tự nuông chiều mình thái quá.

Tôi thật sự cảm thấy lối sống xa hoa là không thích đáng, cho đến đỗi tôi phải nhìn nhận rằng, mỗi khi sống trong một khách sạn tiện nghi và nhìn thấy người ta ăn và uống thật đắt tiền trong khi ở bên ngoài nhiều người không có chỗ ngủ qua đêm, tôi cảm thấy vô cùng khó chịu. Điều đó càng tăng cường cảm xúc rằng tôi không khác gì cả những người giàu lẫn những người nghèo đó. Chúng ta cùng giống nhau ở điểm muốn hạnh phúc và tránh khổ. Và chúng ta có quyền được hạnh phúc như nhau. Như một kết quả, khi nhìn thấy một cuộc biểu tình của công nhân đang diễn tiến, tôi chắc chắn sẽ tham gia vào. Và dĩ nhiên, người đang nói những điều trên đây lại là người được hưởng thụ các tiện nghi trong khách sạn.

Thật vậy, tôi phải tiến xa hơn nữa. Quả thật là tôi có nhiều đồng hồ tay quý giá. Và trong khi tôi cảm thấy nếu bán chúng đi, tôi có thể xây thêm vài cái chòi cho người nghèo, cho đến nay tôi chưa làm thế. Đồng thời, tôi cảm thấy rằng nếu tôi hoàn toàn ăn trường chay, không phải chỉ vì muốn làm một tấm gương tốt, mà còn muốn giúp phần nào trong việc cứu vớt mạng sống các con thú vô tội. Cho đến nay tôi chưa hoàn toàn làm đúng, và phải nhìn nhận là có một sự thiếu sót ở vài diện, giữa các nguyên tắc và thật hành của mình. Đồng lúc, tôi không tin bất cứ ai cũng có thể và phải nên theo gương Mahatma Gandhi, sống đời như một nông dân nghèo nàn. Sự tận hiến đó rất tuyệt vời, và đáng được vô cùng ngưỡng phục. Nhưng chữ thường dùng là "tận hết khả năng" — mà không đi vào quá độ.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 189240)
01/04/2012(Xem: 34713)
08/11/2018(Xem: 13601)
08/02/2015(Xem: 51958)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.