- Đề Tựa
- Chương 1: Xã Hội Tân Tiến Và Truy Tầm Hạnh Phúc Cho Loài Người
- Chương 2 : Không Phép Lạ, Không Bí Mật
- Chương 3 : Căn Nguyên Tuỳ Thuộc Và Bản Chất Của Thực Tế
- Chương 4 : Tái Định Mục Tiêu
- Chương 5 : Cảm Xúc Tối Thượng
- Chương 6 : Luân Lý Về Nhẫn
- Chương 7 : Luận Lý Về Hạnh
- Chương 8 : Luận Lý Về Từ Bi
- Chương 9 : Luận Lý Và Đau Khổ
- Chương 10 : Nhu Cầu Nhận Thức
- Chương 11 : Trách Nhiệm Toàn Cầu
- Chương 12 : Trình Độ Dấn Thân
- Chương 13 : Luân Lý Trong Xã Hội
- Chương 14 : Hoà Bình Và Giải Giới
- Chương 15 : Vai Trò Tôn Giáo Trong Xã Hội Tân Tiến
- Chương 16 : Lời Kêu Gọi
VAI TRÒ TÔN GIÁO TRONG XÃ HỘI TÂN TIẾN
Một sự kiện đáng buồn trong lịch sử nhân loại là tôn giáo từng làm một nguồn chính cho các cuộc xung đột. Ngay ở hiện đại, còn có các cá nhân thương vong, các cộng đồng hủy diệt, các xã hội bất ổn như kết quả của cuồng tín và cừu hận đến từ tôn giáo.
Chẳng trách sao có những câu hỏi đặt ra về vị trí của tôn giáo trong xã hội loài người. Tuy nhiên nếu suy nghĩ tận tường, chúng ta thấy xung đột nhân danh tôn giáo trổi dậy từ hai nguồn chính. Một chỉ là kết quả của sự đa nguyên tôn giáo - các khác biệt chủ thuyết, văn hóa và nghi thức giữa tôn giáo này và khác. Rồi có xung đột trổi dậy trong khuôn khổ của chính trị, kinh tế, và các yếu tố khác, chủ yếu ở trình độ cơ chế. Sự hòa hợp liên tôn giáo là then chốt vượt qua xung đột loại đầu tiên. Trong trường hợp loại thứ nhì, cần tìm ra vài giải pháp. Thế tục hóa và đặc biệt là sự tách lìa hệ thống tôn giáo khỏi các cơ chế của quốc gia có thể làm giảm bớt vấn đề cơ chế. Tuy vậy, vấn đề quan tâm của chúng ta trong chương này là sự hòa hợp liên tôn giáo.
Đây là một diện rất hệ trọng trong điều mà tôi gọi là trách nhiệm toàn cầu. Nhưng trước khi quán sát vấn đề vào chi tiết, tưởng cần nên xét qua câu hỏi tôn giáo có thích đáng thật sự trong thế giới hiện đại chăng. Nhiều người lập luận phủ bác. Như tôi đã từng quán sát trước đây, đức tin tôn giáo không phải là điều kiện tiên quyết của thái độ luân lý hoặc của chính hạnh phúc. Tôi cũng đã đề nghị, dù một người có thật hành tôn giáo hay không, các phẩm tánh tâm linh như tình thương và tâm từ bi, nhẫn nại, bao dung, tha thứ, khiêm cung, vân vân đều cần thiết. Đồng thời, tôi phải làm sáng tỏ điều tôi tin tưởng, đó là tất cả các thứ trên sẽ được phát huy dễ dàng và hữu hiệu nhất trong khuôn khổ của thật hành tôn giáo. Tôi cũng tin rằng, khi một cá nhân thành tín thật hành tôn giáo, cá nhân đó sẽ hưởng lợi lạc rất lớn. Những người triển khai được một niềm tin vững chắc, đặt nền tảng trên sự hiểu biết và cội rễ trong thật hành hàng ngày, thường dễ đối phó cùng nghịch cảnh hơn những người không có. Do đó, tôi cũng đoan quyết rằng, tôn giáo có khả năng khôn lường trong việc tạo lợi lạc cho nhân loại. Biết sử dụng đúng đắn, đó là một thứ công cụ hữu hiệu tuyệt vời trong việc xây dựng hạnh phúc nhân sinh. Đặc biệt, tôn giáo giữ một vai trò dẫn đạo trong việc khuyến tấn loài người phát huy một cảm thức trách nhiệm đối với tha nhân và một nhu cầu cần giới luật theo đạo lý.
Do đó, trên các nền tảng này, tôi tin rằng tôn giáo vẫn còn rất thích đáng cho thời đại mới. Nhưng cũng nên quán xét điều này: vài năm trước đây, thân xác của một người Thời Đồ Đá được khám phá trong băng thạch ở đỉnh núi Alps tại Âu châu. Mặc dù đã hơn năm ngàn năm, thân xác đó vẫn còn được giữ nguyên trạng. Ngay cả áo quần vẫn còn khá nguyên vẹn. Tôi còn nhớ đã từng nghĩ đến việc nếu có thể hồi sanh cho người đó trở về đời sống ngày nay, chúng ta sẽ biết được có bao nhiêu điểm tương đồng cùng ông. Chắc hẳn chúng ta sẽ thấy rằng ông cũng quan tâm đến gia đình và các người thân thuộc, đến sức khỏe của ông, và vân vân. Bất kể khác biệt về văn hóa và diễn đạt, chúng ta vẫn còn có thể nhận diện nhau qua trình độ cảm xúc. Có thể sẽ không có lý do gì để giả định rằng ông ấy ít quan tâm đến việc tìm hạnh phúc và tránh đau khổ bằng chúng ta. Nếu tôn giáo, với sự nhấn mạnh về việc tìm hạnh phúc và tránh đau khổ qua việc thật hành giới luật luân lý và vun bồi tình thương và từ bi, có thể được cảm nhận thích đáng trong quá khứ, thật khó thấy tại sao lại không còn tương tự trong hiện tại.
Cho rằng trong quá khứ giá trị của tôn giáo có thể hiển nhiên hơn vì đau khổ của loài người rõ rệt hơn do thiếu thốn các tiện nghi tân tiến. Nhưng bởi vì loài người chúng ta vẫn còn đau khổ, dù rằng ngày nay kinh nghiệm đó nằm trong nội tại nhiều hơn, như tinh thần và cảm xúc phiền nhiễu; và bởi vì tôn giáo ngoài các tuyên ngôn về chân lý cứu độ, còn quan tâm đến việc giúp chúng ta vượt qua đau khổ, cho nên chắc chắn vẫn còn rất thích nghi.
Như thế làm cách nào chúng ta có thể đem đến sự hòa hợp thiết yếu để vượt qua mọi xung đột giữa các tôn giáo? Như trong trường hợp các cá nhân dấn thân vào kỷ luật giới chế các phản ứng trước ý niệm và cảm xúc tiêu cực và vun bồi các phẩm tánh tâm linh, then chốt nằm ở việc phát huy tri thức. Trước tiên cần phải nhận diện các yếu tố ngăn trở. Tiếp theo phải tìm cách vượt qua chúng. Có thể loại ngăn trở đáng kể nhất cho hòa hợp liên tôn chính là thiếu sự thẩm định giá trị của các truyền thống tín ngưỡng khác.
\Cho đến gần đây, sự truyền đạt giữa các nền văn hóa khác nhau, ngay cả các cộng đồng khác nhau, rất chậm chạp hoặc có khi không có. Vì lý do đó, thiện cảm dành cho truyền thống tín ngưỡng khác không cần thiết phải hệ trọng - dĩ nhiên ngoại trừ nơi nào các thành viên của nhiều tôn giáo khác nhau cùng chung sống cận kề. Nhưng thái độ đó không còn tồn tại được. Trong thế giới hiện đại ngày càng phức tạp và tùy thuộc vào nhau, chúng ta bắt buộc phải nhìn nhận sự hiện hữu của các nền văn hóa khác, các nhóm nhân chủng khác, và, dĩ nhiên, các niềm tin tôn giáo khác. Dù thích hay không, đa số chúng ta đang kinh nghiệm sự đa dạng đó trên căn bản mỗi ngày. Tôi tin rằng cách tốt nhất để vượt khỏi vô minh và đạt được tri thức chính là đối thoại cùng các thành phần của truyền thống tín ngưỡng khác. Điều này có thể diễn tiến bằng nhiều phương cách khác nhau. Thảo luận giữa các học giả trong đó sự đồng quy, và có thể còn quan trọng hơn, sự dị phân giữa các truyền thống tín ngưỡng khác nhau được khảo sát và thẩm định, đó là điều rất giá trị. Ở một trình độ khác, rất hữu ích khi có các cuộc hội ngộ giữa các tín đồ bình thường phụng hành các tôn giáo khác biệt, hầu chia sẻ kinh nghiệm của mình. Đó là phương cách hữu hiệu nhất để có thể thẩm định được các thuyết giảng của truyền thống khác.
Trường hợp của tôi, sự hội ngộ của chính tôi cùng cố linh mục Thomas Merton, vị tu sĩ Ki-tô giáo thuộc dòng Cistercian, đã tạo linh cảm sâu đậm. Các cuộc thảo luận đã giúp tôi triển khai được một sự ngưỡng phục sâu xa đến các thuyết giảng của Thiên Chúa giáo. Tôi còn cảm nhận rằng các cuộc gặp gỡ đôi khi cùng quý lãnh đạo tôn giáo khác, tụ họp cầu nguyện chung cho một chánh nghĩa chung, quả vô cùng hữu ích. Sự tập hợp tại Assisi ở Ý đại lợi vào năm 1986, khi đại biểu các tôn giáo chính trên thế giới cùng đến cầu nguyện cho hòa bình thật lợi lạc vô lượng cho các tín đồ của rất nhiều tôn giáo, như là biểu tượng của sự đoàn kết và một sự tận hiến cho nền hòa bình của tất cả. Cuối cùng, tôi cảm thấy sự thật hành của các thành viên theo các truyền thống tôn giáo khác nhau cùng đi hành hương chung có thể rất hữu ích. Trong tinh thần đó, năm 1993, tôi đi Lourdes, rồi đến Jerusalem, thánh địa của ba tôn giáo lớn trên thế giới. Tôi cũng đã viếng thăm các đền điện khác nhau của Ấn giáo, Hồi giáo, đạo Jain, và đạo Sikh ở cả Ấn độ lẫn nước ngoài. Gần đây, nhân một cuộc hội thảo nhằm luận bàn và thật hành thiền định theo truyền thống Thiên Chúa giáo và Phật giáo, tôi có tham dự một cuộc hành hương lịch sử của các hành giả thuộc cả hai truyền thống, trong một chương trình cầu nguyện, thiền định, và thoại
luận dưới gốc Bồ đề tại Bồ đề Đạo tràng ở Ấn độ. Đó là một trong số các thánh địa quan trọng nhất của Phật giáo. Khi các trao đổi như thế diễn ra, tín đồ của một truyền thống sẽ thấy rằng, cũng như trong trường hợp của chính mình, giáo lý của các tín ngưỡng khác vừa là nguồn cảm hứng tâm linh vừa là hướng dẫn đạo lý cho các tín đồ. Rõ rệt hơn nữa, bất kỳ chủ thuyết hoặc các thứ khác biệt ra sao, mọi tôn giáo chính trên thế giới đều quan tâm đến việc giúp đỡ cá nhân trở thành người tốt. Tất cả đều nhấn mạnh đến tình thương và từ bi, nhẫn nại, bao dung, tha thứ, khiêm cung, vân vân, và đều có thể giúp cá nhân phát huy các điều đó. Hơn nữa, thí dụ do các vị sáng lập mỗi tôn giáo chính đưa ra đều minh chứng cụ thể một mối quan ngại trong việc giúp tha nhân tìm hạnh phúc qua sự triển khai các phẩm tánh trên. Ngay trong đời sống riêng của chính chư vị, mỗi vị đều hành xử bằng sự chân phương cao cả. Các giới luật đạo lý và tình thương dành cho tất cả mọi người là ấn dấu của đời chư vị. Họ không sống xa hoa như vua chúa. Thay vì vậy, họ tự nguyện chấp nhận sự đau khổ - không hề xét đến các nặng nề khổ nhọc - hầu tạo lợi lạc cho nhân loại như là một toàn thể. Trong sự giáo huấn của chư vị, tất cả đều nhấn mạnh đến sự phát huy tình thương và tâm từ bi, và phủ nhận các ham muốn ích kỷ. Và mỗi một vị đều kêu gọi chúng ta phải chuyển hóa tâm trí của mình. Thật thế, dù có đức tin hay không, tất cả chư vị đều xứng đáng được chúng ta tán thán ngưỡng phục sâu xa.
Đồng thời, khi đi sâu vào những thoại luận cùng tín đồ các tôn giáo khác, chúng ta dĩ nhiên cần phải hoàn tất trong đời sống hàng ngày giáo lý của chính tôn giáo mình. Một khi ta kinh nghiệm về lợi lạc của tình thương và tâm từ bi, của giới luật đạo lý, chúng ta sẽ dễ nhận ra giá trị của các giáo lý khác. Nhưng cốt yếu phải nhận ra thật hành tôn giáo đòi hỏi nhiều thứ chứ không phải chỉ nói, "Tôi tin cậy" hoặc, như trong Phật giáo, "Tôi quy y" là đủ. Cũng nhiều hơn là phải đi lễ chùa, đền điện, hoặc giáo đường. Và học giáo lý không có lợi là bao nếu không đi sâu vào trong tâm mà chỉ ở trình độ trí thức. Chỉ dựa cậy vào đức tin mà thiếu tri kiến và trọn vẹn thật hành, cũng chỉ đạt đến giá trị hạn chế. Tôi thường bảo các người Tây tạng rằng, đeo chuỗi "mada" (giống như tràng hạt) không làm cho người ta trở thành một hành giả thực thụ. Các nỗ lực chúng ta chân thành thực hiện hầu chuyển hóa tâm linh là điều sẽ giúp ta trở nên hành giả thực thụ.
Chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng vượt trội của sự thật hành khi nhận thức rằng, theo cùng với vô minh, các liên hệ kém lành mạnh của cá nhân trong niềm tin của họ chính là một yếu tố khác gây sự bất hòa tôn giáo. Thay vì áp dụng các sự giảng dạy trong tôn giáo vào đời sống cá nhân, chúng ta lại có xu hướng dùng chúng để tăng cường thêm thái độ quy ngã của mình. Chúng ta liên hệ cùng tôn giáo như một thứ gì ta sở hữu, hoặc một thứ nhãn hiệu nào đó chia cách ta cùng người khác. Chắc chắn đó là điều lạc lối. Thay vì dùng tinh hoa của tôn giáo hầu tẩy gột các thứ độc chất trong tâm và trí, lại có nguy cơ khi ta nghĩ đến việc dùng các chất tiêu cực làm nhiễm độc tinh hoa của tôn giáo.
Chúng ta lại phải nhìn nhận điều này còn phản ánh một vấn đề khác, hàm súc trong mọi tôn giáo. Tôi muốn viện dẫn đến lời tuyên ngôn của tất cả tôn giáo như là "chân lý" duy nhất. Làm sao giải quyết khó khăn này? Quả thật trên quan điểm cá nhân của tín đồ, chủ yếu là cần phải hướng nhất tâm vào tín ngưỡng của mình. Ngoài ra còn cần tùy thuộc vào sự xác tín sâu xa rằng con đường của mình là phương tiện duy nhất đưa đến chân lý. Nhưng đồng lúc, chúng ta phải tìm cách để kết hợp đức tin đó vào một hiện thực với rất nhiều tuyên ngôn tương tự nhau. Trên diện thật hành, cá nhân hành giả phải tìm ra một lối, ít nhất chấp nhận sự hữu hiệu của giáo lý các tôn giáo khác, đồng thời vẫn giữ được tâm tận hiến cho đạo của mình. Còn về hiệu lực của tuyên ngôn về chân lý của thế giới, vốn có tánh cách siêu hình, đương nhiên đó là vấn đề nội bộ của truyền thống đặc thù đó.
Trong trường hợp của tôi, tôi tin tưởng là Phật giáo cung ứng cho tôi một khuôn khổ hữu hiệu nhất, trong đó tôi có thể đặt hết mọi nỗ lực hầu phát huy được tâm linh qua việc vun bồi tình thương và tâm từ bi. Đồng thời, tôi phải nhìn nhận trong khi Phật giáo là đạo siêu diệu nhất đối với tôi - phù hợp với cá tánh, khí chất, khuynh hướng, và bối cảnh văn hóa của tôi - thì điều này cũng đúng cho Thiên Chúa giáo đối với tín đồ. Đối với họ, Thiên Chúa giáo là con đường tốt nhất. Căn bản của tôi là sự xác tín, tuy vậy, tôi vẫn không thể nói, Phật giáo là tốt nhất cho tất cả mọi người. Đôi khi tôi nghĩ về tôn giáo như là một y khoa cho tinh thần của loài người. Cách sử dụng của nó vốn độc lập, và thích hợp cho từng cá nhân trong các điều kiện riêng, vì vậy chúng ta không thể phán đoán thật sự mức hữu hiệu của một loại thuốc. Chúng ta không đúng khi bảo, thuốc này rất tốt vì có các chất liệu thế này thế kia. Nếu không đặt liên hệ tương xứng giữa bệnh nhân và ảnh hưởng của thuốc trên người đó, thì thật vô nghĩa. Điều thích đáng nhất là nói, trong trường hợp bệnh nhân cá biệt này với chứng bệnh đặc biệt này, loại thuốc đó hữu hiệu nhất. Tương tự, đối với các truyền thống tôn giáo khác nhau, chúng ta chỉ có thể nói loại này là hữu hiệu nhất cho cá nhân đặc biệt nào đó. Nhưng lý luận trên căn bản của siêu hình học hoặc triết học rằng tôn giáo này tốt hơn tôn giáo nọ, là điều vô ích. Điều quan trọng chắc chắn là sự hữu hiệu của nó cho các trường hợp cá biệt. Cách giải quyết của tôi về sự kiện có vẻ mâu thuẫn giữa tuyên ngôn của các tôn giáo về "một chân lý và một tôn giáo" và hiện thực đa tín ngưỡng, chính là cần hiểu rõ, cho mỗi trường hợp của một cá nhân quả thật chỉ có một chân lý và một tôn giáo. Tuy nhiên, trong phối cảnh bao quát của xã hội loài người, chúng ta phải chấp nhận khái niệm "nhiều chân lý, nhiều tôn giáo." Tương tự, trong y khoa, trường hợp của một bệnh nhân cá biệt, món thuốc thích hợp quả là món thuốc duy nhất. Nhưng rõ ràng điều đó không có nghĩa là các món thuốc khác không thích hợp cho các bệnh nhân khác.
Theo tôi thiết nghĩ, sự đa dạng trong các truyền thống tôn giáo quả vô cùng phong phú. Do đó, không cần phải tìm cách để nói lên rằng cuối cùng thì tất cả tôn giáo đều như nhau. Chúng tương đồng trong sự nhấn mạnh tối yếu về tình thương và tâm từ bi trong khuôn khổ giới luật đạo lý. Nhưng nói thế không có nghĩa cho rằng chúng nhất thiết phải là một. Tri kiến khác biệt nhau về sáng thế và vô khởi thủy giữa Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Ấn độ giáo, chẳng hạn, có nghĩa là cuối cùng khi đến các vấn đề siêu hình, chúng ta cứ tự thật hành riêng lẻ, mặc dù có nhiều điểm tương đồng không thể phủ nhận. Các mâu thuẫn đó có thể không quan trọng lắm trong giai đoạn khởi đầu thật hành tôn giáo. Như khi đi xa trên con đường truyền thống đạo, chúng ta bắt buộc phải nhìn nhận các dị biệt nền tảng. Thí dụ, khái niệm tái sanh của Phật giáo và các truyền thống cổ điển Ấn độ có thể không tương hợp cùng ý niệm cứu rỗi của Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, điều này không phải là một cái cớ để kinh khiếp. Ngay cả trong Phật giáo, trong lãnh vực siêu hình có rất nhiều quan điểm đối chọi nhau. Ít ra, sự đa dạng đó có nghĩa là chúng ta có nhiều khuôn khổ hầu đặt vào đó giới luật đạo lý và sự phát huy các giá trị tâm linh. Đó là lý do khiến tôi không hề đề thuyết về một tôn giáo siêu việt hoặc mới mẻ nào cả. Làm điều đó, chúng ta sẽ đánh mất đặc tánh của các truyền thống tín ngưỡng đa dạng.
Vài người cho là khái niệm Phật giáo về "shunyata", hoặc không tánh, tối thượng sẽ giống như là tri kiến về khái niệm Thượng đế. Tuy vậy, sự kiện đó vẫn còn khó khăn. Thứ nhất là trong khi chúng ta có thể diễn dịch các khái niệm đó, đến tầm mức nào thì vẫn có thể giữ được sự trung thành cùng kinh pháp nguyên thủy? Có một số tương đồng giữa khái niệm Phật giáo Đại thừa về "Dharmakaya, Sambogakaya", và "Nirmanakya" và Tam Thể trong Thiên Chúa giáo của Thượng đế như là Cha, Con và Thánh Thần. Nhưng nếu ngay trên căn bản đó, mà cho là Phật giáo và Thiên Chúa giáo tận cùng như nhau, thì quả là đi quá xa! Một câu cổ ngữ của Tây tạng nói, chúng ta phải thận trọng đừng cắm đầu bò rừng "yak" vào mình cừu - hoặc ngược lại.
Thay vì thế, điều thiết yếu là chúng ta phát huy được một ý nghĩa chân chánh về sự đa dạng của tôn giáo, mặc dù các tuyên ngôn khác biệt của các truyền thống tín ngưỡng. Điều này đặc biệt đúng nếu chúng ta thật nghiêm túc trong sự tôn trọng nhân quyền như một nguyên lý toàn cầu. Về diện này, tôi thấy khái niệm về một nghị hội các tôn giáo thế giới rất phấn khích. Trước tiên, chữ "nghị hội" mang một ý niệm dân chủ, trong khi "các tôn giáo" nhấn mạnh đến sự quan trọng của nguyên tắc đa dạng trong truyền thống tín ngưỡng. Phối cảnh đa nguyên trong tôn giáo thể hiện dưới hình thức một nghị hội, tôi tin là sẽ thật sự hữu ích. Nó giúp tránh được, một mặt là sự cực đoan quá khích từ lòng sùng tín tôn giáo riêng, mặt kia là sự hô hào một chủ nghĩa hỗn hợp vô ích. Nối liền với vấn đề hòa hợp liên tôn này, phải nói đến sự kiện chuyển đạo. Đây là một vấn đề phải được quán chiếu thật nghiêm túc. Cần nhận thức rằng, không phải chỉ chuyển đạo là giúp cho cá nhân trở thành người tốt hơn, nghĩa là, giới luật hơn, từ bi hơn, trái tim ấm áp hơn. Do đó, lợi ích hơn nhiều là cá nhân đó cứ tập trung vào việc chuyển hóa tâm linh mình bằng cách thật hành giới luật, đức hạnh và từ bi. Trong khuôn khổ các tri kiến hoặc thật hành của tôn giáo khác lại hữu ích hoặc thích đáng cho tín ngưỡng của mình, sự học hỏi từ người khác rất có giá trị. Trong vài trường hợp, việc thọ nhận vài điều từ người khác còn có thể hiệu quả. Tuy nhiên, trong khi làm việc đó một cách sáng suốt, chúng ta vẫn có thể tiếp tục tận hiến cho đức tin của mình. Đây là cách tốt nhất, vì nó không mang theo nguy cơ của sự lẫn lộn, đặc biệt là trong cách sống khác nhau theo với các truyền thống tín gưỡng khác nhau. Đa dạng là điều tìm thấy trong xã hội loài người, đương nhiên có các trường hợp trong số hàng triệu tín đồ của một tôn giáo nào đó, một số người sẽ nhận thấy khuynh hướng phát huy đạo lý và tâm linh của một tôn giáo khác khiến mình mãn nguyện hơn. Đối với một số người này, khái niệm tái sanh và nghiệp lực có vẻ rất hữu hiệu cho cảm hứng phát huy tình thương và tâm từ bi trong khuôn khổ trách nhiệm. Đối với một số người khác, khái niệm siêu việt, một đấng sáng tạo yêu thương loài người, có vẻ thích hợp hơn.
Trong các trường hợp như thế, điều hệ trọng đối với các cá nhân này là tự hỏi mình thật nhiều lần. Họ tự hỏi, "Tôi bị thu hút bởi tôn giáo khác đó có phải vì các lý do đúng không? Hay đó chỉ là sự hấp dẫn của các diện văn hóa và nghi thức? Hoặc chính bởi giáo lý cốt yếu? Giả thử như tôi chuyển sang tôn giáo mới, có ít sự đòi hỏi như tôn giáo hiện thời chăng?" Tôi nói lên điều này, vì tôi thường gặp nhiều trường hợp những người chuyển sang một tôn giáo khác truyền thống thừa hưởng của mình, thường khi chỉ vì họ chấp nhận một số khía cạnh phiến diện của nền văn hóa mà tôn giáo mới tùy thuộc vào. Nhưng sự thật hành đòi hỏi phải đi sâu vào trong tôn giáo nhiều hơn nữa.
Trong trường hợp một người sau khi đã quán chiếu thật lâu và chín chắn, quyết định tiếp thụ một tôn giáo khác, quan trọng nhất là phải nhớ đến sự đóng góp tích cực cho nhân loại của mỗi một truyền thống tôn giáo. Nguy cơ là cá nhân đó có thể, trong khi tìm cách biện minh cho quyết định của mình, lại chỉ trích niềm tin khi trước. Cốt yếu phải tránh điều này. Chỉ vì truyền thống không còn hữu hiệu cho trường hợp một cá nhân này không có nghĩa nó không còn ích lợi cho nhân loại. Trái lại, chúng ta có thể đoan chắc rằng nó đã từng tạo cảm hứng cho nhiều triệu người trong quá khứ, nhiều triệu người trong hiện tại, và sẽ gây cảm hứng cho nhiều triệu người trong tương lai, trên con đường của tình thương và tâm từ bi.
Điều quan trọng phải luôn ghi nhớ là cuối cùng thì cứu cánh trọn vẹn của tôn giáo chính là tạo điều kiện cho tình thương và lòng từ bi, nhẫn nại, khoan dung, tha thứ, khiêm hòa, vân vân. Nếu chúng ta lãng quên các điều đó, cho dù có chuyển đạo cũng chẳng ích chi. Cũng thế, nếu chúng ta là tín đồ sốt sắng với đức tin của mình, mà lại bỏ quên việc thể hiện các phẩm tánh đó trong đời sống hàng ngày, thì cũng không có gì lợi lạc. Một tín đồ như thế chẳng khác nào như một bệnh nhân mắc phải chứng bệnh trầm kha mà chỉ lo đọc cách chữa bệnh chứ không chịu uống thuốc trị liệu.
Hơn nữa, nếu các tín đồ tôn giáo chúng ta lại không có tâm từ bi và giới luật, thì làm sao ta có thể hy vọng nơi người khác? Nếu chúng ta xây dựng được một sự hòa hợp chân chánh đến từ sự tôn kính và hiểu biết lẫn nhau, tôn giáo sẽ trở thành một năng lực vĩ đại có thẩm quyền phát biểu trên các vấn đề đạo đức tử sanh, như hòa bình và giải giới, như xã hội và công lý chính trị, như môi trường thiên nhiên, và nhiều vấn đề hệ trọng khác ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Nhưng nếu chưa tinh tấn đưa các giáo lý siêu hình vào thật hành, thì chúng ta cũng chẳng được xem như nghiêm túc. Và điều đó, cùng với các điều khác, có nghĩa là làm một tấm gương tốt, qua sự phát huy được liên hệ tốt với các truyền thống tín ngưỡng khác.