Thư Viện Hoa Sen

Phần Iii Tinh Thần Chánh Niệm

26/01/201112:00 SA(Xem: 14492)
Phần Iii Tinh Thần Chánh Niệm

PHẦN III 
TINH THẦN CHÁNH NIỆM 

1.- NGỒI CẠNH ÁNH LỬA HỒNG 

Ngày xưa, sau khi mặt trời lặn khuất, nguồn ánh sáng duy nhấtcon người còn lại, ngoại trừ ánh trăng và những vì sao lấp lánh trên cao, là lửa. Trải qua hàng triệu năm, loài người chúng ta đã ngồi quanh những đống lửa, nhìn vào ánh lửa bập bùng cháy, màu đỏ than hồng, với bóng tối và không gian cô lạnh phía sau lưng. Có lẽ những phương pháp thiền tập chính thức đã được phát xuất từ đây chăng? 

Lửa là một niềm an lạc của chúng ta, nó là nguồn gốc của nhiệt lượng, của ánh sáng và sự bảo vệ - dù nguy hiểm, nhưng nếu cẩn trọng, nó có thể kềm chế được. Ngồi cạnh đống lửa sau một ngày mệt nhọc, đem lại cho ta một sự thoải mái. Trong vùng không gian ấm áp và ánh sáng bập bùng, chúng ta có thể kể cho nhau nghe những câu chuyện và nói về ngày vừa qua. Hay ta cũng có thể ngồi yên, nhìn hình ảnh trong tâm mình phản chiếu trong ngọn lửa biến đổi không ngừng, một vùng tỏa sáng của thế giới mầu nhiệm. Lửa làm bóng tối trở nên bớt đáng sợ, nó giúp ta cảm thấy an ổnbảo đảm hơn. Lửa rất đáng được tín cẩn, nó có tác dụng làm ta yên tâm, phục hồi, trầm tư và cũng rất thiết yếu cho sự sinh tồn của ta. 

Nhưng tiếc thay, trong cuộc sống ngày nay chúng ta đã đánh mất đi sự thiết yếu đó, và cùng với nó là những cơ hội để tạo nên sự tĩnh lặng cho ta. Trong thế giới xô bồ ngày nay, những đống lửa không còn là thực tiễn nữa. Khi hoàng hôn buông xuống, ta chỉ cần đơn giản bật lên một công tắc đèn. Chúng ta có thể thắp sáng thế giới này lên bao nhiêu cũng được, và rồi lại tiếp tục với những sinh hoạt, với những bận rộn của mình. Cuộc sống ngày nay không còn cho phép ta có thì giờ cho chính mình nữa, trừ khi ta biết cương quyết nắm bắt nó. Chúng ta không còn bị bắt buộc phải tạm gát lại những gì đang làm, vì trời không còn ánh sáng... chúng ta mất đi giờ phút mỗi tối ấy để sống chậm lại và ngưng nghỉ những sinh hoạt ban ngày. Ngày nay, chúng ta rất hiếm còn được những cơ hội quý báu để cho tâm mình tĩnh lặng xuống bên cạnh một đống lữa hồng. 

Thay vào đó, vào mỗi cuối ngày chúng ta ngồi chung quanh một chiếc máy truyền hình, một năng lượng điện tử xanh yết ớt, so với sự sáng ngời của lửa. Chúng ta chịu khuất phục dưới sự oanh tạc tới tấp của những âm thanhhình ảnh, chúng phát xuất từ đầu óc của kẻ khác, và tràn ngập tâm ta bằng những tin tức vớ vẩn, với những cuộc thám hiểm, náo động và tham vọng của kẻ khác. Máy truyên hình cướp mất đi phần không gian ít ỏi còn lại trong ngày của ta, mà có thể để dành cho sự tĩnh lặng. Nó nuốt hết thời gian, không gian và sự yên lặng của ta, là một thứ thuốc mê đưa ta vào một trạng thái thụ động vô ý thức. Báo chí hàng ngày cũng thế. Tự chúng không phải là xấu, nhưng vì ta thường cho phép chúng cướp đi những giờ phút quý báu mà ta có thể xử dụng để sống trọn vẹn hơn. 

Nhưng sự thật thì ta không cần phải đầu hàng trước những mê hoặc, cám dỗ của những thú vui và sự ồn ào bên ngoài như thế. Chúng ta có thể phát triển những thói quen nào có thể giúp ta trở về tiếp xúc lại với niềm ao ước sâu xa của mình, về một cái gì ấm áp, tĩnh lặng và an lạc. Khi ta ngồi với hơi thở của mình, thí dụ thì đó cũng giống như là ngồi bên một đống lửa hồng vậy. Và khi nhìn sâu vào hơi thở, ta cũng có thể thấy được ít nhất những gì trong ánh lửa, những phản ảnh của các ý nghĩ đang nhảy múa trong tâm. Nó cũng tỏa ra một sức ấm. Và nếu thật sự ta không cố gắng để đạt một điều gì hết, chỉ đơn giản cho phép mình được có mặt nơi đây, trong giờ phút này, như nó là, chúng ta sẽ có thể dễ dàng bắt gặp lại được một sự tĩnh lặng cổ xưa nào đó, người ta đã kinh nghiệm được khi ngồi bên một ánh lửa hồng. 

2.- HÒA ĐIỆU 

Trong khi tôi vừa quẹo vào bãi đậu xe của bệnh viện, trên bầu trời đã có hàng trăm con vịt trời bay ngang qua. Chúng bay thật cao, tôi không hề nghe tiếng kêu gọi đàn của chúng. Điều đầu tiên tôi nhận thấyrõ ràng chúng biết chúng đang đi về đâu. Chúng bay về hướng Tây Bắc và nhiều đến nỗi đội hình của chúng kéo dài đến tận phía trời Đông, khi ánh sáng bình minh tháng mười một rạng rỡ nơi chân trời. Nhìn con vịt trời đầu tiên bay ngang qua, cảm xúc vì vẻ đẹp quý phái của chúng, tôi lấy đại giấy bút trong xe ra, vội vã ghi lại đội hình của chúng bằng cái nhìn và nét vẽ vụng về của tôi. Vài nét bút vội vàng cũng là đủ... chút nữa thôi chúng sẽ biến mất khỏi bầu trời. 

Hàng trăm con vịt trời bay theo đội hình chữ V, nhưng có nhiều con khác bay theo một sự sắp xếp phức tạp hơn. Đường bay của chúng hạ xuống thấp rồi lại cất cánh lên cao trong một sự hòa điệu rất duyên dáng, giống như một tấm vải lụa uốn mình trong gió. Rõ ràng là những con vịt trời có truyền thông với nhau. Vì hình như mỗi con đều biết rõ vị trí của nó, thuộc nơi đâu và phải ở nơi nào trong đội hình phức tạpbiến đổi thường xuyên ấy. 

Tôi cảm thấy mình rất có phước được chứng kiến hình ảnh ấy. Giây phút này là một món quà rất quý báu. Tôi đã được phép nhìn thấy và được chia xẻ một cái gì tôi biết rất là quan trọng, không phải là lúc nào ai cũng có được. Một phần là sự hoang dã của chúng, một phần là sự hòa điệu, trật tự và vẻ đẹp mà chúng biểu hiện. 

Trong khi tôi chứng kiến hành trình ấy, kinh nghiệm thông thường về thời gian của tôi chợt dừng lại. Cách sắp xếp của những con vịt trời, mà các nhà khoa học gia thường gọi là "hỗn loạn", cũng giống như sự cấu tạo của những khối mây hoặc hình dáng của cây cối. Nơi đó có một trật tự, và bên trong tàng chứa một sự vô trật tự, nhưng cũng một cách rất là có trật tự. Đối với tôi thì hình ảnh đó là một món quà tặng ký diệu và nhiệm mầu. Ngày hôm nay, trong khi đi đến sở làm, thiên nhiên đã biểu lộ cho tôi thấy tính tự nhiên của vạn vật trong một lãnh vực nhỏ bé, nhắc cho tôi nhớ rằng cái biết của con người không có là bao, và chúng ta ít khi biết tán thưởng sự hòa hợp trong vạn vật, hoặc là có thể nhận diện được chúng. 

Chiều nay, về nhà đọc tờ báo hàng ngày, tôi nhận thấy cái hậu quả tàn khốc của việc đốn cây khai thác những khu rừng già trên vùng cao nguyên ở miền nam nước Phi Luật Tân. Hậu quả ấy đã hiển lộ khi trận bảo dữ đi ngang qua vào cuối năm 1991, khi vùng đất trơ trọi, không còn khả năng giữ nước lại, đã để mặc cho một khối lượng nước lớn gấp bốn lần bình thường, đổ tràn ngập xuống vùng đồng bằng, làm chết đuối hàng ngàn người dân nghèo. Bạn đừng bao giờ nói rằng: "Tại nó xảy ra như vậy!" Vấn đề là nhiều khi chúng ta không dám chấp nhận trách nhiệm của mình ở trong đó. Khinh thường sự hòa hợp của thiên nhiên là một sự liều lĩnh lớn! 

Tính chất hòa điệu của thiên nhiên bao giờ cũng có mặt ở chung quanh ta và trong ta. Ý thức được việc ấy sẽ mang lại cho ta một hạnh phúc lớn. Nhưng ta chỉ biết tán thưởng khi nó không còn nữa, hoặc trong ký ức mà thôi. Như cơ thể ta chẳng hạn, nếu mọi việc đều bình thường, ta sẽ không bao giờ để ý đến. Không nhức đầu, ít khi nào là một vấn đề để ta chú tâm đến. Những khả năng như đi, đứng, nhìn, nghe, suy nghĩ... thường thì chúng ít cần đến sự săn sóc của ta, vì vậy chúng hay bị nhòa lẫn vào vùng không gian của sự tự động máy móc và vô ý thức. Chỉ có sự đau đớn, sợ hãi hoặc mất mát mới có thể đánh thức ta dậy và mang thực tại trở về với sự chú tâm của ta. Nhưng đến chừng ấy thì không dễ gì ta còn có thể nhận thấy được sự hòa hợp nữa! Không khéo ta còn lại bị lôi cuốn theo sự động loạn, nó như một dòng suối chảy xiết, như một thác nước đổ, một chặn đường gian nan trong dòng sông của cuộc sống. Cũng như một người nào đó nói: "Bạn không biết những gì mình đang có, trừ khi bạn đã đánh mất nó đi..." 

Khi tôi bước xuống xe, trong lòng tôi cúi đầu cảm tạ những người khách lữ hành trên cao ấy, vì đã mang lại cho vùng trời của một bệnh viện văn minhhiện đại này, một liều thuốc tươi mát của miền thiên nhiên hoang dã

Thực tập: Hãy vén lên tấm màn vô ý thức và cảm nhận một sự hòa hợp trong giây phút hiện tại này. Bạn có thấy nó trong những áng mây, trong bầu trời, con người, thời tiết, trong thực phẩm, trong thân ta, và trong hơi thở này không? Hãy nhìn và nhìn vào cho thật kỹ đi, ngay ở đây và trong lúc này! 

3.- BUỔI SÁNG SỚM 

Mặc dù ông không sở làm để đến, cũng không có con cái để săn sóc và đưa đến trường, không có lý do nào bên ngoài bắt ông phải dậy sớm, nhưng khi sống tại Walden, ông Thoreau có thói quen thức dật thật sớm để xuống tắm ở hồ vào lúc mặt trời mọc. Ông làm vì những lý do nội tại, như là một giới luật tâm linh: "Đó là một sư tu tập và là một trong những việc mà tôi có khiếu nhất". 

Benjamin Franklin cũng đã từng ca tụng những đức tính như sức khỏe,giàu cósáng suốt mà ta có thể đạt được nhờ biết dậy sớm, trong câu cách ngôn nổi tiếng của ông. Nhưng ông không chỉ nói suông mà còn thực hành nữa. 

Việc dậy sớm không có nghĩa là ta sẽ có thêm thì giờ để dồn nhét thêm những bận rộn, công việc vào một ngày của mình. Sự thật ngược lại như thế. Ta sẽ có dịp để thưởng thức sự tĩnh lặng và cô tịch của giờ phút ấy, và có thể xử dụng thời gian đó để mở rộng tâm thức, để quán niệm, để thật sự có mặt và cố ý không làm gì hết. Sự an bình, bóng tối, bình minh và tĩnh lặng - tất cả những điều đó giúp cho buổi sáng sớm là một thời gian đặc biệt cho sự thực tập chánh niệm

Hơn nữa, thức dậy sớm sẽ giúp cho ta có cơ hội làm chủ được một ngày. Nếu bạn có thể bắt đầu một ngày với một chánh niệm vững vàng, thì khi bạn cần phải đi đây đó làm việc, chắc chắn hành động của bạn sẽ được phát xuất từ chính sự vững vàng và tĩnh lặng đó. Bạn sẽ có thể duy trì được một chánh niệm vững chãi, một sự an lạcquân bình trong nội tâm trọn cả ngày, cho dù công việc và trách nhiệm có nặng nề đến đâu. Một ngày chắc chắn sẽ được tốt đẹp hơn, nhất là khi bạn không phải vội vã nhảy ra khỏi giường và lao đầu ngay vào những đòi hỏi của cuộc sống. 

Việc thức dậy sớm mỗi buổi sáng có một năng lực rất to tác, nó ảnh hưởng vô cùng sâu đậm tới cuộc sống của ta, cho dù ta có thực tập chánh niệm hay không. Chỉ cần nhìn mặt trời bình minh mọc mỗi sáng tinh sương, tự nó cũng là một tiếng chuông tĩnh thức cho ta rồi. 

Nhưng tôi khám phá ra rằng, buỗi sáng sớm là một thời gian rất kỳ diệu để thực hành thiền tập. Chưa có ai thức dậy hết. Sự nào nhiệt của thế giới cũng chưa thật sự bắt đầu. Tôi bước ra khỏi giường và thường thường bỏ ra chừng một giờ cho chính mình, để không làm gì hết. Sau hai mươi tám năm trời, nó vẫn chưa mất đi sức quyến rũ đối với tôi. Thỉnh thoảng, cũng có lúc tôi cảm thấy khó mà dậy sớm, thân hoặc tâm tôi bị dằn co. Nhưng giá trị ở chỗ tôi vẫn cứ làm, cho dù mình có thích hay không. 

Một trong những đức tính chánh của sự thực tập đều đặn là ta sẽ đạt được một thái độ xả bỏ đối với những trạng thái nhất thời của tâm ý. Ta cương quyết thức dậy sớm ngồi thiền mỗi ngày, cho dù mình cảm thấy muốn hay không. Sự thực tập ấy giúp ta có một tiêu chuẩn cao hơn - nhắc nhở ta về sự quan trọng của chánh niệm, và sự cám dỗ của thói quen sống trong thất niệm, vô ý thức của mình. Việc dậy sớm để thực tập không làm gì hết, tự nó cũng là một quá trình tôi luyện. Quá trình ấy phát ra một nhiệt lực đủ nóng để sắp xếp lại những hạt nguyên tử trong con người của mình, tạo nên một hàng rào pha lê vững chắc để bảo vệ thân tâm, một hàng rào giữ cho ta được thành thật và nhắc nhở rằng, cuộc sống này còn nhiều việc to tát hơn là sự thành đạt của mình. 

Kỷ luật ấy sẽ giữ cho ta được vững vàng, không bị lệ thuộc vào phẩm chất của ngày hôm qua và những việc gì sẽ xảy ra trong ngày hôm nay. Tôi luôn cố gắng bỏ ra chút thì giờ để thực hành thiền tập, cho dù chỉ trong vài phút, vào những ngày có biến cố vui buồn lớn, khi tâm tôi và hoàn cảnh chung quanh hoàn toàn bị náo động, khi có nhiều việc cần phải làm và cảm xúc dâng cao. Được như thế, tôi mới có thể thật sự cảm nhận được ý nghĩa của những giây phút ấy, và đôi khi có thể lèo lái vượt qua được. 

Khi ta thực tập chánh niệm vào buổi sáng sớm, là ta tự nhắc nhở mình rằng, mọi việc luôn luôn thay đổi, những điều tốt xấu sẽ đến rồi đi và ta lúc nào cũng có khả năng biểu lộ được một bình diện bất biến, của trí tuệan lạc, dù phải đối mặt với bất cứ một tình trạng nào. Mỗi sáng tinh sương ta thức dây sớm để thực hành thiền tập là một biểu hiện của bình diện ấy. Đôi khi tôi nói về nó như là một cái gì rất "thông thường", nhưng sự thật thì khác rất xa! Chánh niệm là những gì ngược hẳn lại với thói quen thường lệ của mình. 

Nếu bạn còn chần chư chưa muốn thức dậy sớm hơn một tiếng, thì bạn có thể thử nửa tiếng, mười lăm phút, hoặc năm phút thôi cũng được. Tinh thần mới là quan trọng. Năm phút thực tập chánh niện vào mỗi buổi sáng cũng có thể rất giá trị. Và chỉ cần hy sinh năm phút của giấc ngủ thôi, cũng có thể giúp ta thấy được cái tính mê ngủ của mình. Ta thấy rằng, mình phải cần bao nhiêu là sự tự chủquyết tâm để có được một chút thì giờ, để tỉnh thức mà không làm gì hết. Vì dù sao đi nữa, cái tâm suy nghĩ của ta có trăm ngàn lý do chính đáng để khất lại ngày sau, như là ta đâu có thật sự đạt được cái gì, sáng hôm nay cũng chẳng có gì quan trọng lắm, và có lẽ lý do thật sự hơn hết là, tại sao mình không ngủ thêm một chút nữa cho khỏe rồi ngày mai hãy bắt đầu? 

Muốn vượt qua những trở ngại trong tâm mà ta đã biết trước ấy, ta cần phải tự quyết định vào đêm hôm trước rằng, mình sẽ thức dậy cho dù có nghĩ gì đi chăng nữa. Đó cũng là hương vị đặc biệt của đức tự chủ và thật sự có chủ đích. Ta làm vì đã tự hứa với mình và ta sẽ làm vào giờ đã ấn định, cho dù một phần của tâm ta có ưa thích hay không. Sau một thời gian, sự tu tập ấy sẽ trở thành một phần của con người ta. Đây chỉ đơn giản là một lối sống mới mà ta đã chọn. Nhưng nó không có nghĩa là "phải làm", vì ta không hề bó buộc mình. Những giá trị cũng như hành động của ta đã thay đổi, thế thôi. 

Nếu bạn chưa sẵn sàng để thức dậy sớm, hoặc là có chăng đi nữa, bạn bao giờ cũng có thể xử dụng giây phút vừa thức giấc của mình, bất cứ lúc nào, như là giây phút của chánh niệm, giây phút đầu tiên của một ngày mới. Ngay trước khi bạn cử động, hãy cố gắng tiếp xúc với hơi thở của mình. Cảm giác thân mình đang nằm trên giường. Thẳng người ra. Và bạn hãy tự hỏi: "Tôi có tỉnh chưa? Tôi có biết rằng tôi được ban tặng cho một ngày mới không? Tôi có tỉnh thức để nhận lãnh nó không? Việc gì sẽ xảy ra trong ngày hôm nay? Ngay bây giờ tôi cũng chẳng biết. Mặc dù tôi đang suy nghĩ về việc gì cần phải làm, tôi có thể nào mở rộng ra với cái không biết này không? Tôi có thấy ngày hôm nay là một cuộc khám phá mới không? Tôi có nhận thấy rằng thời gian này có đầy đủ hết mọi tiềm năng không?" 

Buổi sáng là những khi tôi tỉnh thức và bên trong tôi có một bình minh... Chúng ta phải biết học cách tỉnh thức ấy và giữ cho mình được tỉnh thức, không phải bằng những phương tiện máy móc, nhưng là bằng một sự mong đợi bất tận vào một bình minh sẽ không hề bỏ quên ta, dù ta đang đắm chìm trong một giấc ngủ say. Tôi không còn biết đến một sự kiện nào đáng khích lệ hơn là cái khả năng chắc chắn của con người nâng cao sự sống của mình bằng một nỗ lựcý thức. Khả năng vẽ lên một bức tranh, tạc một bức tượng, tạo nên một vài đối tượng mỹ thuật, là cao đẹp lắm. Nhưng nếu ta có thể tạc hoặc vẽ được cái bầu không khí và môi trường mà ta nhìn xuyên qua, khả năng ấy còn tuyệt diệu hơn, vượt bực nữa... Làm sao để ảnh hưởng được phẩm chất của một ngày, đó mới là một nghệ thuật cao quý. 
Thoreau, Walden. 

Thực tập: Bạn hãy tự hứa với mình và cương quyết thức dậy sớm hơn thường lệ. Làm bấy nhiêu thôi cũng sẽ thay đổi được đời bạn. Hãy để thời gian ấy, dù dài hay ngắn, là thời gian để sống, để tỉnh thức. Bạn không muốn bỏ gì vào khoảng thời gian này hơn là chánh niệmý thức. Không cần phải lo nghĩ về những việc cần phải làm trong ngày và sống "trước" hiện tại của mình. Đây là lúc của sự vô thời gian, của tĩnh lặng hiện tại, và có mặt với chính mình. 

Và khi vừa thức dậy, trước khi bước chân xuống giường, bạn hãy tiếp xúc với hơi thở của mình, ý thức những cảm giác trong thân, ghi nhận mọi ý nghĩcảm xúc đang có mặt, hãy dùng chánh niệm soi sáng giây phút này. Bạn có cảm nhận được hơi thở của mình không? Bạn có ý thức được sự bình minh trong mỗi hơi thở vào? Bạn có biết tán thưởng cảm giác hơi thở đang ra vào tự do nơi thân trong giây phút này không? Tự hỏi mình: "Bây giờ, tôi có thật sự tỉnh thức chưa?" 

4.- TIẾP XÚC TRỰC TIẾP 

Chúng ta ai cũng mang theo mình những hình ảnhý niệm về thực tại. Đa số chúng được thu thập từ người khác, từ những lớp học, từ sách đã đọc, hoặc từ truyền hình, ra dô, báo chí, từ nền văn hóa nói chung. Chúng cho ta một ấn tượng về những sự vật chung quanh mình và về việc gì đang xảy ra. Và kết quả là chúng ta chỉ nhìn thấy tư tưởng của mình hoặc của kẻ khác, thay vì là những gì đang thực sự hiện diện ngay trước mặt hoặc bên trong ta. Chúng ta ít khi nào chịu tìm kiếm hoặc xét lại cảm nhận của mình, vì ta tự cho rằng mình đã biết và hiểu hết tất cả. Và vì vậy ta tự đóng kín mình lại, không còn biết đến sự kỳ diệusinh động của những cuộc gặp gỡ mới. Không khéo chúng ta có thể quên rằng, sự tiếp xúc trực tiếp là một cái gì có thể được. Ta sẽ không còn tiếp xúc được với những gì là cơ bản nhất, mà không hề hay biết Chúng ta có thể sống trong một thực tại huyễn mộng do mình tạo nên, mà không hề ý thức được sự mất mát, một hố sâu, khoảng cách không cần thiết ngăn cách ta với kinh nghiệm của mình. Không ý thức được việc ấy, ta suốt đời sẽ là một kẻ nghèo nàn về tâm linh. Và khi ta tiếp xúc trực tiếp được với thế giới chung quanh mình, sẽ có những sự kiện nhiệm mầu xảy ra. 

Viki Weisskopf, một người hướng dẫn và cũng là một người bạn của tôi, một nhà vật lý học nổi tiếng, có kể lại một câu truyện rất sâu sắc về sự tiếp xúc trực tiếp: 

Vài năm trước đây, tôi có nhận được lời mời đến giảng thuyết tại đại học đường Arizona ở Tucson. Tôi rất vui mừngchấp nhận ngay, vì đây là một cơ hội tốt để viếng thăm đài thiên văn trên đỉnh Kitts Peak, nơi đó có một kính thiên văn rất mạnh, mà tôi từng mơ ước sẽ có dịp được xử dụng thử. Tôi yêu cầu trường đại học sắp xếp cho tôi một buổi viếng thăm đài thiên văn này, để tôi có thể quan sát những vì tinh tú qua chiếc kính viễn vọng ấy. Nhưng họ trả lời rằng việc ấy không thể thực hiện được, vì chiếc kính viễn vọng lúc nào cũng được xử dụng để chụp hình và cho những sinh hoạt nghiên cứu khác, không có thì giờ cho việc quan sát khơi khơi như vậy. Nếu vậy, tôi viết thư trả lời, là tôi sẽ không đến giảng thuyết được. Chừng vài ngày sau, tôi được báo tin cho hay rằng, mọi việc đã được sắp xếp theo lời yêu cầu của tôi. Một buổi tối trời trong thật đẹp, chúng tôi lái xe lên núi. Những vì sao và dãy Ngân hà sáng lóng lánh trên cao, tôi có cảm tưởng gần đến nỗi mình có thể với tay lên bắt được. Tôi vào căn nhà mái vòm của đài thiên văn và nói với người chuyên viên điều khiển chiếc kính viễn vọng bằng máy điện tử, tôi muốn được quan sát Thổ tinh và một số thiên hà khác. Thật là một niềm vui lớn khi được nhìn bằng chính đôi mắt mình, với đầy đủ hết những chi tiết mà tôi chỉ có thể thấy trước đó qua hình ảnh. Trong khi say mê quan sát, tôi chợt để ý rằng căn phòng bắt đầu có đông người tụ tập, và họ chờ nhau để đến phiên được nhìn vào chiếc viễn vọng kính như tôi. Tôi được kể rằng, những nhà thiên văn này làm việc nơi đây, nhưng họ chưa bao giờ có cơ hội để trực tiếp nhìn vào đối tượng mà họ đang nghiên cứu. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng, lần gặp gỡ này, sẽ giúp họ ý thức được tầm quan trọng của những tiếp xúc trực tiếp như thế. 

Thực tập: Nhớ rằng cuộc sống của mình cũng thú vị và nhiệm mầu như là mặt trăng và những vì tinh tú. Cái gì đứng giữa bạn và kinh nghiệm trực tiếp với sự sống của bạn? Bạn có thể làm gì để thay đổi được khoảng cách ấy? 

5.- BẠN CÒN MUỐN NÓI THÊM ĐIỀU GÌ VỚI TÔI KHÔNG? 

Lẽ dĩ nhiên, sự tiếp xúc trực tiếp cũng rất là quan trọng trong mối tương quan giữa bác sĩ và bệnh nhân. Chúng tôi cố gắng hết sức để giúp các sinh viên y khoa hiểu được sự quan hệ này, để họ khỏi bỏ chạy trong kinh hoàng vì nó có dính líu đến tình cảm cá nhân, cũng như đòi hỏi một khả năng biết lắng nghe thật sâu sắc. Chúng tôi nhắc nhở các bác sĩ tập sự nên đối xử với bệnh nhân của mình như là con người, chứ không phải là một bài toán về chứng bệnh, hoặc cơ hội để họ thử nghiệm sự phán đoán và chữa trị của mình. Có biết bao nhiêu chuyện có thể chen vào giữa sự tiếp xúc trực tiếp của ta. Và có rất nhiều bác sĩ đã thiếu sự huấn luyện này trong lãnh vực y khoa của họ. Họ vẫn không ý thức được tính chất quan trọng của một sự truyền thông hữu hiệu, cũng như sự chăm sóc đối với bệnh nhân. Chúng ta thường nghĩ ràng mình lo cho sức khỏe của bệnh nhân, nhưng thật ra là ta chỉ lo lắng cho bệnh tình của họ. Và dù ta có chăm sóc gì chăng nữa, nó vẫn là một sự thiếu thốn lớn, nếu đối tượng của ta bị loại bỏ ra ngoài chương trình

Má tôi có kinh nghiệm này, về việc không tìm ra một bác sĩ nào thật sự quan tâm về nỗi lo lắng của bà. Bà rất bực tức kể lại rằng, có một lần bà bị giải phẩu xương hông, và được thay vào bằng hông nhân tạo. Sau một thời gian, bà vẫn không thể đi đứng bình thường được và rất đau đớn. Má tôi đã gọi vị bác sĩ giải phẩu của mình nhiều lần để than phiền. Cuối cùng bà được hẹn để vào gặp ông ta. Vị bác sĩ sau khi nghiên cứu tấm ảnh quang tuyến X, bảo rằng mọi sự đều rất tốt đẹp, và không hề nghĩ đến chuyện khám nghiệm lại cái hông và chân bằng xương bằng thịt của bà, mặc dù bà than phiền rất nhiều lần. Tấm ảnh chụp bằng quang tuyến X đủ để thuyết phục vị bác sĩ là má tôi không hề có lý do gì để đau đớn hết, mặc dù bà rất là khổ sở. 

Các bác sĩ có thể vô ý thức đi trốn phía sau những dụng cụ, máy móc y khoa, hoặc những thử nghiệm và danh từ kỷ thuật chuyên môn của họ. Họ rất ngại khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân như là một con người, một cá nhân với đầy đủ lo âusợ hãi, nỗi quan tâm và thắc mắc, dù có nói ra hoặc thinh lặng. Có thể họ nghi ngờ khả năng của mình, vì đây là một lãnh vực mới chưa từng được thăm dò. Một phần cũng có thể vì họ không quen đối diện với những tư tưởng, sự sợ hãi, nỗi quan tâmnghi ngờ của chính họ, cho nên đối với những gì của người khác, chúng cũng rất là đe dọa. Và cũng có thể họ cảm thấy mình không có thì giờ để mở ngõ cho những chiếc đê sắp vỡ tuôn ấy, hoặc là tự ngờ khả năng đối phó thích ứng của mình. Nhưng điều mà những bệnh nhân cần, rất đơn giản, là sự lắng nghe và có mặt của ta, biết coi con người là quan trọng, chứ không phải chỉ có căn bệnh mà thôi. 

Với ý định đó, chúng tôi dạy những sinh viên y khoa của mình, một trong nhiều điều khác, là hỏi câu khiêu gợi sự trả lời nơi người nghe: "Ông hay bà còn có điều gì muốn nói thêm với tôi không?" sau mỗi cuối giờ phỏng vấn. Chúng tôi khuyến khich họ nên ngừng lại, và im lặng một chút, hoặc lâu hơn nữa nếu cần thiết, cho bệnh nhân có được một khoảng không gian tâm linh để xét lại nhu cầu của mình, và cũng như họ thật sự nghĩ gì. Những điều này rất ít khi nào các bệnh nhân chịu đề cập tới ngay lần đầu, lần thứ hai, hoặc có lẽ là sẽ không bao giờ, nếu họ cảm thấy vị bác sĩ không biết lắng nghe hoặc quá vội vã. 

Trong một khóa huấn luyện các nhân viên chuyên khoa về phương pháp phỏng vấn bệnh nhân, chúng tôi được chiếu cho xem một cuốn phim nói về những cuộc phỏng vấn của các sinh viên y khoa với bệnh nhân của mình, được thu hình để học hỏi. Cuốn phim gồm có nhiều cuộc phỏng vấn của các sinh viên y khoa khác nhau, nhưng chỉ gom chiếu lại phần họ hỏi bệnh nhân mình câu chót: "Ông hay bà còn có thêm điều gì muốn nói với tôi không?" Trước khi được cho xem cuốn phim tài liệu này, chúng tôi được yêu cầu hãy cẩn thận ghi nhận việc gì thật sự xảy ra. 

Xem đến đoạn phim thứ ba, tôi phải cố gắng lắm mới khỏi lăn ra đất mà cười. Hầu như trong tất cả đoạn phim, các sinh viên y khoa đều thực hành đúng những gì mình đã được dạy, là chấm dứt buổi phỏng vấn với câu hỏi chót: "Ông hay bà còn có thêm điều gì muốn nói với tôi không?", nhưng chính họ lại lắc đầu trong khi đặt câu hỏi ấy, như gián tiếp nói với bệnh nhân mình rằng: "Thôi đủ rồi, làm ơn đừng kể thêm gì nữa hết". 

Vì vậy, ta không bao giờ có thể dấu diếm được bất cứ điều gì. Ta phải thật sự biết lắng nghe. 

6.- THẨM QUYỀN CỦA BẠN 

Lúc mới vào làm việc tại bệnh viện, tôi được phát cho ba chiếc áo khoác dài màu trắng, bên ngoài có hàng chữ "Dr. Kabat-Zinn/Phân khoa y học" được thêu thật đẹp trên túi áo. Và chúng được treo phía sau cánh cửa văn phòng tôi từ mười lăm năm nay, chưa bao giờ được dùng tới. 

Đối với tôi, những chiếc áo trắng này là một biểu tượng mà tôi không bao giờ cần đến trong ngành của mình. Tôi đoán có lẽ chúng cần thiết cho các vị bác sĩ, giúp làm gia tăng thêm cái hào quang thẩm quyền của họ và nhớ đó tạo một ảnh hưởng tốt đối với các bệnh nhân. Và cái hào quang ấy lại càng gia tăng bội phần, nếu họ có thêm một chiếc ống nghe (stethoscope) treo lủng lẳng ngoài túi áo. Những vị bác sĩ trẻ tuổi đôi khi nghiên cứu nghệ thuật này rất kỹ, họ cố đeo chiếc ống nghe làm sao cho thật tự nhiên trên cổ, và gác ra phiá sau lưng ngang vai. 

Nhưng trong một y viện chuyên khoa về ngành làm giảm sự căng thẳng (stress reduction clinic), thì chiếc áo trắng là một chướng ngại rất lớn. Tôi đã phải làm việc tối đa để phản ảnh những cái tên mà người ta đã đặt cho tôi, như là "Ông Thoải Mái", hoặc "Bác sĩ Biết Hết Tất Cả", hoặc là "Ông Tình Thương và Trí Tuệ". Một trong những điểm chính yếu của việc xử dụng chánh niệm để giảm sự căng thẳng - là khuyến khích và thách thức người ta trở thành nguồn thẩm quyền của chính họ, biết chịu trách nhiệm về cuộc đời, về thân thể và hạnh phuc của mình. Thật ra mỗi người chúng ta bao giờ cũng là nguồn thẩm quyền của chính mình, nếu ta biết ý thức được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Vì vậy, ta cần phải học hỏi rất nhiều về con người ấy - những gì ta cần biết để tăng trưởng, để chữa lành vết thương và để có thể chọn lựa hữu hiệu trong cuộc sống. Và những gì ta cần học hỏi lúc nào cũng nằm trong tầm tay ta, hay nói đúng hơn là nằm ngay nơi đây trong hơi thở của mình. 

Muốn có một sự sống lành mạnhan lạc, ta cần phải biết lắng nghe cẩn thận hơn và tin tưởng vào những gì mình nghe thấy. Bạn có nghe được những thông điệp của cuộc đời bạn không? Chúng bao giờ cũng là những thành tố còn thiếu sót trong khoa y học, Chúng tôi thường khuyên các bệnh nhân nên có niềm tin và phải biết tự đóng góp vào cho sự lành mạnh của chính họ. Chúng tôi gọi đó là "huy động nguồn nội lực của bệnh nhân", để giúp họ tự chữa thương, hoặc để có thể đối phó thích ứng hơn, nhìn sáng tỏ hơn, cứng rắn hơn, dám đặt vấn đề hơn và xử sự khôn khéo hơn. Lẽ dĩ nhiên, nó không thể hoàn toàn thay thế cho sự chăm sóc của ngành y khoa chuyên môn được. Nhưng nó là một bổ sung rất cần thiết, nếu bạn muốn sống một cuộc sống lành mạnh thật sự - nhất là trong một hệ thống y tế còn rất nhiều khiềm khuyết này. 

Phát triển được thái độ ấy có nghĩa là ta làm chủ được đời mình, và từ đó ta sẽ chấp nhận thẩm quyền của mình hơn. Nó đòi hỏi một điều là ta cần phải biết tin tưởng nơi ta. Mà buồn thay, nhìn cho sâu, đa số chúng ta lại không có được sự tự tin đó. 

Năng lực của chánh niệm có thể mang lại cho ta niềm tin ấy, nó chữa lành được mặc cảm tự ti của ta. Vì thật ra tự ti chỉ là một đánh giá sai lầm, một nhận thức không đúng về thực tại. Bạn có thể thấy được rất rõ điều này khi nhìn sâu vào cơ thể mình, hoặc là theo dõi hơi thở trong khi thiền tập. Bạn sẽ nhanh chóng khám phá ra rằng cơ thể mình cũng là một phép lạ. Trong mỗi giây phút, nó thực hiện biết bao nhiêu là kỳ công, mà không cần đến sự cố gắng của ta. Vấn đề tự ti phần lớn bắt nguồn từ những ý nghĩ đã bị tô màu bởi quá khứ. Ta có thói quen đi tìm kiếm những khiếm khuyết của mình và phóng đại chúng lên to tướng. Và cũng lúc ấy, ta lại xem thường những đức tính tốt của mình, hoặc đôi khi không thèm biết gì đến chúng. Có lẽ chúng ta vẫn còn bị vướng kẹt trong những vết thương sâu đậm của quá khứ, và vô tình quên đi hoặc không hề ý thức được rằng mình cũng có nhiều đức tính rất hay, rất đẹp khác nữa. Vết thương xưa tuy quan trọng, nhưng những tính tốt của ta cũng quan trọng không kém, như là tình thương, lòng từ ái của ta đối với người khác, tuệ giác của cơ thể, khả năng suy nghĩphân biệt của ta. Và chúng ta có một khả năng phân biệt, nhận thức, thương yêu, cao thượng hơn là mình nghĩ. Dù vậy, thay vì có một cái nhìn quân bình, chúng ta thường bị kẹt trong thói quen tạo ấn tượng rằng, người khác bao giờ cũng hay hotốt đẹp, còn ta thì lúc nào cũng thua kém

Tôi cảm thấy rất ngại ngùng khi người chung quanh đưa tôi lên quá cao. Tôi cố gắng phản chiếu lại những ấn tượng đó về tôi, hy vọng rằng người ta sẽ ý thức được việc làm ấy, để thấy rằng năng lượng tích cực của họ dành cho tôi thật ra là của chinh họ. Sự tích cực ấy là của họ. Nó là năng lượng của họ, và người ta nên giữ gìn lấy để xử dụng, cũng như nên biết ơn cái cội nguồn ấy. Tại sao họ lại phải cho đi sức mạnh của mình? Thú thật tôi không cần thêm gì nữa, tự tôi, tôi cũng đã có đủ vấn đề lắm rồi! 

Người ta thường đo lường lòng kính trọng của nhau bằng những gì kẻ khác có, mà không bằng những gì họ là... Không gì có thể đem lại cho bạn sự an lạc ngoại trừ bạn. 
Ralph Valdo Emerson.

7.- NƠI BẠN ĐẾN LÀ BÂY GIỜ VÀ Ở ĐÂY 

Có bao giờ bạn nhận thấy rằng, mình không thể nào trốn tránh được bất cứ một vấn đề gì không? Rằng, không chóng thì chầy, những sự việc ta không muốn đối phó, cố gắng tránh né, hoặc phủ đậy lại và giả vờ như là chúng không hề có mặt, rồi một ngày kia sẽ bắt kịp ta - nhất là khi chúng có liên quan đến những tập quán hoặc nỗi sợ của mình. Chúng ta thường có một ý niệm lãng mạn rằng, nếu nơi này ta không vừa ý, ta chỉ cần đi sang nơi khác thì mọi việc tức khắc sẽ thay đổi. Nếu việc làm của ta không tốt, đổi việc khác. Nếu người bạn đời của ta không vừa ý, chọn người bạn đời khác. Nếu thành phố ta ở không tốt, dọn đi nơi khác. Nếu con cái của ta là một vấn đề, giao chúng cho người khác lo. Ta nghĩ rằng, cái lý do tạo nên sự đau khổ cho mình nằm ở bên ngoài - như việc làm, nơi chốn. hoàn cảnh hoặc người khác. Chúng ta tưởng rằng, khi ta đổi chỗ ở, thay hoàn cảnh, thì mọi việc sẽ tự động trở nên tốt đẹp hơn, và ta có thể bắt đầu trở lại và lập một cuộc đời mới. 

Nhưng quan niệm đó có một vấn đề mà ta quên, là lúc nào ta cũng mang theo khối óc và con tìm mình, và cái mà người ta gọi là nghiệp quả, ở bất cứ một nơi nào mà ta đến. Ta không bao giờ có thể trốn tránh được chính ta, cho dù có cố gắng bao nhiêu. Lý do gì bạn lại nghĩ rằng, sự việc sẽ có thể khác đi hoặc tốt đẹp hơn ở một nơi xa xôi nào đó? Sớm muộn gì những khó khăn xưa cũng sẽ phát khởi lên, nhất là khi chúng bắt nguồn từ tập quán suy nghĩ, quan sát và hành động của ta. Rất thường khi, cuộc sống của ta không còn sinh động, vì ta không còn biết sống nữa, vì chúng ta không dám nhận lãnh trách nhiệm về những việc xảy ra và đối phó với những khó khăn của mình. Chúng ta quên rằng, mình thật sự có thể đạt được một sự trong sáng, hiểu biếtchuyển hóa ngay giữa những gì là bây giờ và ở đây, cho dù chúng là bất cứ một vấn đề gì chăng nữa. Nhưng dù sau khi ta đem những khó khăn, vấn đề của mình đi đổ cho hoàn cảnh và kẻ khác, thì nó bao giờ cũng dễ dàng và ít đe dọa đối với cái tôi của mình hơn. 

Việc đi tìm lỗi, trách móc hoặc tin rằng ta cần một sự thay đổi ở bên ngoài, ta cần giải thoát ra những lực lượng đã giữ, ngăn chận không cho ta phát triển và có hạnh phúc, chuyện ấy rất là dễ. Ta cũng có thể tự trách mình, và dùng nó như là một phương cách tối hậu để trốn tránh trách nhiệm, cho rằng mình đã làm hư hao quá nhiều, và không có thể sửa chữa được nữa. Trong cả hai trường hợp, ta đều tin rằng mình không có khả năng sửa đổi và phát triển và ta cần phải thôi làm kẻ khác đau khổ bằng cách tự rút lui ra khỏi hoàn cảnh ấy. 

Sự tổn thương gây nên bởi cái nhìn sai lầm đó, có mặt khắp nơi trong cuộc sống. Hãy thử nhìn chung quanh mình, bạn có thấy những tình thân thuộc bị gãy đổ, gia đình sứt mẻ, con người mất hết hy vọng, những kẻ lang thang không gốc rễ, lạc loài, đi từ nơi này đến chốn nọ, từ công việc này sang công việc khác, từ mối tương quan này đến mối liên hệ kia, từ quan niệm giải thoát này đến quan niệm khác... với hy vọng mong manh rồi sẽ có một người nào đó, một công việc, một nơi chốn hoặc một quyển sách nào đó sẽ làm cho mọi việc trở nên tốt đẹp hơn. 

Thật ra, thiền tập tự nó không ban cho ta khả năng thoát được khỏi những thói quen ấy: đi tìm kiếm ở một nơi khác cho câu trả lời hoặc giải đáp cho những khó khăn của ta. Trong sự tu tập, đôi khi người ta cũng hay theo đuổi phương pháp này đến phương pháp nọ, hoặc từ một vị thầy này đến vị thầy khác, truyền thống này đến truyền thống khác, mong tìm kiếm một cái gì đó đặc biệt, một pháp môn tối thượng, một mối quan hệ cá biệt, một giây phút "giác ngộ" tạm thời nào đó có thể mở tung được cánh cửa giác ngộ. Nhưng việc ấy có thể trở thành một ảo vọng nguy hại, một cuộc đi tìm bất tận, để ta trốn tránh khỏi phải đối diện với những vấn đề đau đớn nhất. Đôi khi vì sự sợ hãi và vì khao khác muốn có một vị tôn sư giúp đở, người ta thường bị vướng mắc vào những mối tương quan không lành mạnh. Họ sẵn sàng chịu lệ thuộc vào vị thầy của mình. Nhưng bạn nên nhớ rằng, dù cho một vị thầy tài giỏi đến đâu, cuối cùng bạn vẫn phải tự mình tu tập lấy, và sự tu tập ấy phải bắt nguồn từ chính sự sống của bạn. 

Có một số người lạm dụng thời gian tu học của mình. Thay vì xem đó như một cơ hội để tự quán chiếu, họ xem khóa tu như một thời gian để củng cố lại những thói quen và tập quán thường ngày của mình. Vì trong khóa tu, mọi việc có thể trở nên dễ dàng hơn. Những nhu yếu trong đời sống của ta đều được người khác lo hết. Thế giới này thấy có ý nghĩa hơn. Tôi chỉ cần ngồi thiền, đi thiền hành, giữ chánh niệm, sống trong hiện tại, được người khác lo cho miếng ăn, thức uống, được lắng nghe những lời minh triết từ những bậc đã có một quá trình tu tập dài lâu và một đời sống tuệ giác. Và rồi tôi sẽ được chuyển hóa, biết sống với mình một cách trọn vẹn hơn, biết chấp nhận cuộc đời hơn và có một cái nhìn sáng tỏ về những vấn đề của mình hơn. 

Nói chung những việc ấy cũng không phải là sai. Một khóa tu học nhiều ngày với một vị thầy giỏi, có một giá trị rất to tát và một tác dụng chữa trị lớn lao, nếu ta chịu quán chiếu bất cứ những gì khởi lên trong khóa tu. Nhưng ở đây cũng có một sự nguy hiểm mà ta cần phải cẩn thận. Những ngày tu học của ta có thể trở thành một sự rút lui khỏi cuộc đờixã hội, và sự "chuyển hóa" của ta vì vậy rất là nông cạn. Nó có thể kéo dài được chừng vài ngày, vài tuần, hoặc vài tháng sau khi khóa tu chấm dứt, và rồi mọi sự đâu lại hoàn đó như xưa. Và ta lại chờ đợi đến một khóa tu kế, một vị thầy giỏi nào đó, hoặc một chuyến hành hương sang Á Châu, hay là một ước mơ sẽ có một ngày ta trở thành một người tốt hơn, mọi việc sẽ được sáng tỏ hơn. 

Lối nhìn và suy nghĩ ấy là một cạm bẩy rất phổ thông. Trên con đường dài, bạn không bao giờ có thể trốn thoát được chính bạn, chỉ có một sự chuyển hóa mà thôi. Cho dù bạn có xử dụng bất cứ một phương tiện nào, dù đó là thiền tập, ma túy, rượu, ly dị, đổi công ăn việc làm... không một biện pháp nào có thể giúp bạn phát triển, trừ khi bạn dám hoàn toàn đối diện với hoàn cảnh hiện tạiduy trì chánh niệm. Cho phép những sự gồ ghề của hoàn cảnh mài dũa đi những góc cạnh còn gồ ghề của bạn. Nói một cách khác hơn, bạn phải dám để cho sự sống này trở thành vị thầy của mình. 

Đây là con đường của sự tu tập trong bất cứ một tình cảnh nào của ta với những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây. Vì sự thật tất cả chỉ là vậy thôi: nơi chốn này, mối tương quan này, nỗi khó khăn này, công việc này... Sự thử thách của việc tu tập chánh niệm là làm sao đối phó với ngay tình cảnh mà ta đang có mặt - dù cho nó có khó chịu, chán nản, giới hạn hoặc bất tận, và dính mặc đếu đâu chăng nữa. Và ta phải biết cố gắng hết sức, hết năng lực của mình, để tự chuyển hóa, trước khi quyết định buông bỏ để lên đường. Bạn nên nhớ rằng, chỉ có bây giờ và ở đây, sự tu tập cũng như công phu của ta mới có hiệu quả

Thế cho nên nếu bạn nghĩ rằng, sự tu tập của mình quá nhàm chán, không tiến bộ, rằng nơi này không có điều kiện thích hợp, và bạn đang ước phải chi mình đang ở trong một hang động nào đó trên Hy mã lạp sơn, hoặc trong một tu viện ở rừng sâu, hoặc một trung tâm tu học nào đó giữa thiên nhiên, thì mọi việc sẽ được tốt đẹp hơn, sự tu tập của bạn sẽ được vững mạnh hơn... bạn hãy nên suy nghĩ lại. Vì khi bạn đến được hang động ấy, tu viện ấy rồi, thì cũng chỉ có bấy nhiêu thôi, cũng thân này, cũng tâm này, cũng cùng một hơi thở này, mà bạn đã và đang có trong giây phút hiện tại này đây! Có lẽ sau chừng mười lăm phút trong hang động bạn sẽ cảm thấy cô dơn, thèm ánh sáng, nóc nhà có thể bị dột, trời có thể nóng quá hoặc lạnh quá. Nếu bạn đi tu học, có thể bạn sẽ không thích vị thầy, thức ăn không hạp khẩu vị, phòng ngủ thiếu tiện nghi... Bao giờ cũng sẽ có một cáigì đó làm bạn bất mãn. Như vậy sao bạn không buông bỏ nó đi, và chấp nhận ràng có lẽ nơi mà ta đang ở đây là tốt nhất rồi? Và trong giây phút ấy, bạn sẽ tiếp xúc được với chính mình và có thể mời gọi năng lực của chánh niệm bước vào và chữa trị. Chừng nào hiểu được việc ấy, thì những hang động, tu viện trong rừng, các trung tâm tu học... mới có thể thật sự giúp ích cho bạn. Và dĩ nhiên là ở bất cứ một nơi chốn nào khác, thời điểm khác, tất cả cùng đều là như vậy. 

Chân tôi trượt trên một vách đá cao, ngay trong giây phút ấy, tôi cảm thấy như những mũi kim đâm xuyên qua tim và thái dương mình, thời gian vô tận tiếp xúc được với giây phút hiện tại. Tư tưởng và hành động không khác gì nhau, và đá, không khí, tảng băng, mặt trời, nỗi sợ và tôi, tất cả chỉ là một. Cái nhiệm mầu là làm sao để kéo dài giây phút ý thức sáng tỏ ấy vào những thời gian tầm thường khác trong cuộc sống. Trong mỗi phút giây kinh nghiệm của một con chim ưng, một con chó sói đang săn mồi, chúng là trung tâm của vạn vật, không còn cần một bí quyết nào của sự sống chân thật nữa. Trong ngay hơi thở này của chúng ta, có tàng chứa cái yếu chỉ mà những vị đại sư hằng cố gắng trao truyền lại, mà một vị Lạt Ma gọi đó là "sự chính xác, mở rộngtuệ giác của giây phút hiện tại". Mục đích của thiền tập không phải là để giác ngộ, mà là để biết chú tâm, dù trong những giây phút tầm thường nhất, thật sự có mặt, thật sự hiện hữu và mang chánh niệm của giây phút hiện tại này vào trong mỗi sự kiện của đời sống
Peter Matthiessen, The Snow Leopard 

8.- LÊN THANG LẦU 

Trong đời sống hàng ngày chúng ta có rất nhiều cơ hội để thực tập chánh niệm. Đối với tôi, việc đi lên thang lầu là một dịp rất tốt. Khi ở nhà, tôi làm việc ấy có đến cả trăm lần. Tôi làm việc ở dưới lầu, nhưng thường khi tôi cần phải lên lầu để lấy một cái gì đó, tìm một vật gì, hoặc nói chuyện với ai, nên tôi cứ lên và xuống thang lầu rất thường xuyên

Tôi khám phá ra rằng, tôi thường bị lôi kéo bởi ý muốn đi đến một nơi khác, hoặc bởi một sự việc nào đó, tôi nghĩ rằng nó cần được xảy ra. Khi tôi bắt gặp mình đang phóng nhanh lên lầu, từng hai nấc thang một, có lúc tôi có chánh niệm đủ để nhận thức được sự vội vàng đó. Tôi ý thức được hơi thở hào hển của mình, biết được tim mình đang đập nhanh cũng như là tâm ý. Tôi thấy rằng con người tôi trong giây phút đó, đang bị thúc đẩy bởi một mục tiêu vội vã nào đó, mà có khi tôi quên bẵng mất khi đã lên đến nơi. 

Khi tôi ý thức được cơn sóng của năng lượng vội vã ấy trong chánh niệm, lúc đang còn đứng dưới thang lầu hoặc khi mới vừa bước lên, tôi sẽ cố ý đi chậm lại. Không những tôi chỉ bước từng nấc thang một, mà còn thật là chậm, có lúc một hơi thở vào ra cho mỗi bước chân, tự nhắc nhở rằng mình không có một nơi nào cần phải đến, và không có gì cần thiết đến nỗi mình không thể chờ đợi được, để có thể thật sự sống trọn vẹn với một giây phút này mà thôi. 

Tôi để ý thấy rằng khi tôi nhớ để làm việc ấy, tôi có thể tiếp xúc được với quá trình lên thang lầu của mình và được vững vàng hơn khi lên đến nơi. Tôi cũng khám phá ra được một điều này là không có một sự vội vã nào từ bên ngoài hết. Chỉ có trong tâm ta, nó bị thúc đẩy bởi sự thiếu kiên nhẫn hoặc những sự lo lắng vô ý thức. Những sự vội vã trong tâm rất là tinh tế, tôi phải lắng nghe thật kỹ mới có thể nhận diện được và chúng cũng mạnh mẽ lắm, không có thể làm lay chuyển nổi. Nhưng dù vậy, ta bao giờ cũng có thể có chánh niệm về chúng cũng như những hậu quả của chúng, việc ấy sẽ giúp ta khỏi bị hoàn toàn lôi cuốn theo. Và lẽ dĩ nhiên, tôi cũng có thể thực tập trong khi đi xuống thang lầu nữa. Trong khi đi xuống ta sẽ dễ bị đi nhanh hơn, và cố ý đi chậm lại sẽ là một sự thử thách

Thực tập: Hãy xử dụng những việc làm hàng ngày nào có tánh cách đều đặn trong nhà, để làm cơ hội cho ta thực tập chánh niệm. Khi ta đi ra cửa, trả lời điện thoại, tìm kiếm ai, đi vào nhà tắm, giặt đồ... đều là những cơ hội để ta có thể chậm rãi lại và tiếp xúc với giây phút hiện tại. Ghi nhận sự thúc đẩy trong tâm mỗi khi ta nghe tiếng chuông điện thoại hoặc chuông cửa reo. Tại sao bạn cần phải vội vàng trả lời nó ngay, cho phép nó lôi kéo bạn ra khởi sự sống mà bạn đang có mặt trong giây phút trước đó? Sự chuyển tiếp ấy có thể nào được làm từ tốn hơn không? Bạn có thể thật sự có mặt với những gì mình đang sống không? 

Và bạn cũng nên tập có mặt với những công việc như tắm rửa hoặc ăn uống. Khi bạn tắm, bạn có thật sự là đang tắm không? Bạn có cảm giác được nước đang chảy trên da, hay là bạn đang phiêu du ở một nơi nào khác, trôi dạt trong sự quên lãng, mà không hề biết là mình đang tắm. Ăn uống cũng là một cơ hội rất tốt để thực tập chánh niệm. Bạn có nếm được mùi vị của thức ăn không? Bạn có ý thức được mình đang ăn nhanh hay chậm, nhiều hay ít, lúc nào, ở đâu và ăn những gì không? Bạn có thể nào biến trọn một ngày thành những cơ hội để sống trong hiện tại, hoặc mang ta trở về với phút giây hiện tại không?

9.- CÔNG VIỆC CỦA TÔI TRÊN TRÁI ĐẤT NÀY LÀ GÌ? 

Công việc của tôitrên trái đất này là gì? Đó có lẽ là một câu hỏi ta nên tự hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Bằng không, có thể chúng ta đang làm một công việc của người khác mà không hề hay biết. Và có lẽ người khác chỉ là một sự tưởng tượng của ta hoặc cũng đang bị giam cầm như ta. 

Là một loài vật biết suy nghĩ, được gói ghém trong một đơn vị sinh vật mà ta gọi là cơ thể, và cùng một lúc được sáp nhập vào sự biến đổi không ngừng của sự sống, chúng ta có một khả năng duy nhất là chịu trách nhiệm về chính sự sống của mình. Nhưng chúng ta cũng có một khả năng khác có thể để cho sự suy nghĩ làm che lấp hành trình của mình trong cuộc sống ấy. Chúng ta sẽ không bao giờ nhận được tính chất cá biệt của cuộc sống mình - nếu ta vẫn cứ sống trong bóng tối của tập quán suy nghĩ và bị chi phối bởi những điều kiện chung quanh. 

Buckminster Fuller, người đã phát minh ra mái nhà hình vòm cầu bằng toán học, vào năm ba mươi hai tuổi, một đêm bên bờ hồ Michigan, ông đã nghĩ đến việc tự tử. Chuyện kể rằng, sau những thất bại liên tiếp khiến ông nghĩ rằng mình đã làm hư hao cuộc đời mình quá nhiều, cách hay nhất là giả từ hết tất cả, để vợ và đứa con gái còn nằm nôi khỏi phải chịu khổ đau thêm nữa. Trong những năm qua, bất cứ một công việc nào ông nhận lãnh hoặc dính líu tới đều bị đổ bể và tan thành cát bụi, mặc dù ông có một sức tưởng tượng và sáng tạo rất mạnh. Tài năng đó của ông chỉ được công nhận sau này. Nhưng cuối cùng, thay vì tự chấm dứt đời mình, ông Fuller quyết định rằng từ đêm đó ông sẽ tiếp tục sống, nhưng coi như là mình đã chết rồi. 

Xem như là đã chết rồi, ông không còn phải lo lắng về chuyện thành bại của mình nữa. Từ đó ông có thể đem hết tâm lực ra để sống như một đại biểu của vũ trụ. Cuộc đời còn lại, ông xem như là một món quà. Thay vì sống cho chính mình, ông lúc nào cũng tự hỏi: "Quả đất này đang cần điều gì mà chỉ có tôi mới có thể thực hiện được? Và chúng sẽ không bao giờ xảy ra, nếu tôi không nhận lãnh trách nhiệm ấy?" Suốt cuộc đời còn lại, lúc nào ông cũng tự hỏi câu ấy và tiếp nhận những gì đến với ông. Khi ta có thể sống theo lối đó, phục vụ nhân quần như là một công nhân của vũ trụ, ta có thể tu sửa và đóng góp cho mọi người bằng chính con người của ta, sự sống của ta. Nhưng nó không còn có tính cách cá nhân nữa, mà chỉ là một phần của toàn thể vũ trụ rộng lớn đang tự biểu lộ chính nó. 

Chúng ta thường ít khi nào tự hỏi và suy ngẫm một cách nghiêm chỉnh về những gì con tim mình thật sự muốn. Tôi muốn đặt nó trong hình thức của một câu hỏi: "Công việc của tôi trên trái đất này là gì?" hoăc là : "Tôi yêu thích công viêc nào tôi sẵn sàng trả tiền để làm?" Nếu tôi không tìm được một câu trả lời nào khác hơn là: "Tôi không biết", thì tôi sẽ tiếp tục tự hỏi. Nếu bạn bắt đầu suy ngẫm về câu hỏi đó vào năm hai mươi tuổi, thì khi bạn được bốn mươi, năm mươi hoặc sáu mươi, có lẽ sự suy tư ấy đã dẫn dắt bạn đến những nơi mà bạn không bao giờ bước chân tới, nếu bạn sống một cuộc đời bình thường, hoặc chỉ biết theo kỳ vọng của cha mẹ mình. 

Bạn có thể đặt câu hỏi đó vào bất cứ lúc nào và ở b1ất cứ một lứa tuổi nào. Dù ở vào một thời điểm nào trong cuộc đời, câu hỏi ấy sẽ có một ảnh hưởng rất sâu xa đến những quan điểm của bạn về sự việc cũng như sự lựa chọn của bạn. Việc ấy không có nghĩa là những gì bạn làm sẽ thay đổi, nhưng rất có thể bạn sẽ thay đổi cách nhìn của mình, sự nắm bắt của mình, và có lẽ đường lối làm của mình. Một khi ông chủ của bạn là vũ trụ này thì sẽ có nhiều việc lý thú xảy ra, cho dù bạn có bị ai đó cúp lương đi chăng nữa. Nhưng bạn phải biết thật kiên nhẫn. Lối sống mới này đòi hỏi một thời gian để phát triển. Nhưng lẽ dĩ nhiên, trước hết ta phải bắt đầu đi cái đã. Khi nào và ở đâu? Bây giờ và ở đây bao giờ cũng là thời giankhông gian tốt nhất. 

Chúng ta không bao giờ có thể đoán được sự quán xét này sẽ dẫn ta tới đâu. Ông fuller hay nói rằng, những gì có vẻ dường như đang xảy ra trong giờ phút này, thường thường không bao giờ là toàn thể câu chuyện. Ông lấy thí dụ về một con ong chẳng hạn, đối với nó việc đi lấy mật là chuyện quan trọng nhất. Nhưng cùng một lúc, con ong cũng là một phương tiệnthiên nhiên xử dụng để chuyên chở phấn hoa đến những nhụy bông. Mọi sự vật trên vũ trụ này đều có liên hệ mật thiết với nhau, đó là một nguyên lý thiên nhiên cơ bản. Không có một sự vật nào trên đời này là đơn độc hết. Mọi việc luôn luôn biểu lộ trên nhiều lãnh vực khác nhau. Chúng ta phải cố gắng hết sức mình để nhận diện được sự thăng trầmphức tạp ấy của cuộc sống, và tập đi theo những con đường nào là chân thậtvững vàng

Ông Fuller tin vào một nền tảng cấu trúc của thiên nhiên, nơi đó mọi hình thái và chức năng của sự vật đều có một liên hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Ông tin rằng, bản đồ thiết kế của thiên nhiên rất bổ ích và có một liên hệ cụ thể đến cuộc sống của chúng ta trong nhiều lãnh vực. Trước khi ông qua đời, khoa tinh thể học (Crystallographic) xử dụng quang tuyến X đã chứng minh được rằng, nhiều loại siêu vi khuẩn đã được kết cấu theo cùng một nguyên lý đo đạt vị trí (geodesy), mà ông đã khám phá được khi tìm tòi trong môn toán thuộc về hình khối đa diện (Polyhedron). 

Rất tiếc ông đã không sống lâu để chứng kiến, nhưng ngoài những khám phá và phát minh có tác động lớn của ông, một lãnh vực mới trong ngành hóa học đã được mở ra, nhờ sự khám phá bất ngờ của một hợp chất giống như quả banh túc cầu, tương tự như thán tố. Nó mang những tính chất quan trọng đặc biệt mà sau này được gọi là Buckminsterfullernes, tên của ông. Đùa chơi với sự tò mò, đi theo con đường mình chọn, sự suy tư của ông đã đưa đến những khám pháthế giới mà ông không bao giờ có thể ngờ tới. Bạn cũng thế. Ông Fuller không bao giờ cho mình là đặc biệt, chỉ là một người thích đùa chơi với những ý kiếnhình tướng mà thôi. Câu châm ngôn của ông là: "Nếu tôi có thể hiểu được, thì bất cứ ai cũng có thể hiểu được". 

Hãy tự tin nơi mình, đừng bao giờ bắt chước một ai cả. Bạn có thể dễ dàng tặng cho mỗi giây phút của cuộc sống này, cái năng lượng tích tụ mà bạn đã nuôi dưỡng cả một đời mình. Nhưng nếu bạn bắt chuớc tài năng của kẻ khác bạn chỉ đóng góp được phân nữa những gì mình có... Hãy làm những gì được giao phó cho mình, bạn sẽ không bao giờ có thể nào hy vọng hoặc liều lĩnh quá mức được. 
Ralph Waldo Ermersom, Self-Reliance 

10.- NGỌN ANALOGUE 

Có những ngọn núi bên ngoài ta và cũng có những ngọn núi bên trong ta. Chỉ mỗi sự hiện diên của chúng thôi cũng đã đủ vẫy tay mời gọi thử thách ta rồi. Có lẽ bài học trọn vẹn mà núi dạy cho ta là chúng ta mang trọn cả một ngọn núi bên trong mình, núi ở trong lẫn ở ngoài. Có lúc ta cố công tìm kiếm nhưng không bao giờ gặp, khi nào ta có đầy đủ nghị lực và sự chuẩn bị để đi tìm một con đường, trước là đến chân núi, sau là đỉnh cao. Hình ảnh leo núi là một ẩn dụ rất sâu sắc cho những hành trình đi tìm trong cuộc sống, một hành trình tâm linh, một con đường phát triển, chuyển hóahiểu biết. Những cam go gian khổ mà ta gặp phải trên đường là những thử thách cần thiết, chúng giúp ta tự cởi mở ra và từ đó nới rộng biên giới của mình hơn. Cuối cùng thì chính cuộc sống này là một ngọn núi, một vị thầy, cung hiến cho ta những cơ hội tuyệt vời để giúp ta tu sửa, để phát triển trong năng lựctuệ giác. Chúng ta sẽ học hỏitrưởng thành rất nhiều một khi ta đã chọn đặt chân vào hành trình này. Ở đây, sự rủi ro rất cao, sự hy sinh rất lớn, mà kết quả thì không có gì chắc chắn. Cuối cùng thì chính quá trình leo núi tự nó là một sự khám phá, chớ không phải chỉ là khi nào ta đã đứng trên đỉnh núi cao. 

Trước hết chúng ta cần phải quan sát xem chân núi như thế nào và sau đó ta mới phải đối diện với những dốc cao, và cuối cùng, hy vọng là đỉnh núi. Nhưng không ai có thể ở trên đỉnh mãi được. Hành trình đi lên sẽ không hoàn toàn nếu khôngđi xuống, khi ta bước lùi lại để có thể nhìn được toàn thể ngọn núi từ xa. Khi đã đứng trên đỉnh núi cao, ta sẽ tiếp nhận được một quan điểm mới, và nó có thể sẽ thay thế cái nhìn của ta mãi mãi

Trong một câu chuyện còn dở dang có tên là Núi Analogue, René Daumal có diễn tả lại một phần cho cuộc hành trình nội tâm này. Phần mà tôi còn nhớ thật rõ về câu chuyện là những điều luật mà người leo núi Analogue cần phải tuân theo. Ví dụ, trước khi tiếp tục leo lên một địa điểm trại cao hơn, ta phải bổ sung lại cho đầy đủ căn trại mà ta sắp rời bỏ, để cho người đến sau. Và ta phải tìm cách chia xẻ kiến thức của mình về những gì biết được từ trên cao, để những người bên dưới có thể được lợi lộc từ những điều ta đã học hỏi được trong hành trình của mình. 

Tôi nghĩ chuyện ấy cũng giống như những điều chúng ta làm khi đi dạy vậy. Ta cố hết sức để chỉ cho người khác những gì mình đã biết cho đến bây giờ. Thật ra đó chỉ là một tờ báo cáo, một bản đồ kinh nghiệm của ta, nó không hề là chân lý tuyệt đối. Và từ đó hành trình thám hiểm rộng mở. chúng ta đều cùng đang leo trên ngọn Analogue. Và chúng ta rất cần đến sự giúp đở của nhau. 

11.- SỰ LIÊN HỆ MẬT THIẾT 

Dường như từ tuổi thơ chúng ta cũng đã biết rõ rằng, mọi việc trên cuộc đời này đều có một liên hệ, gắn bó rất chặt chẻ với nhau. Rằng cái này xảy ra vì cái kia xảy ra, muốn cái này xảy ra thì cái kia phải xảy ra. Ở Tây phương có một câu chuyện cổ tích nói lên được sự kiện này. Có con chồn nọ lén uống hết sữa trong thùng của một bà lão, trong khi bà bận đi lượm củi. Khi khám phá ra, bà ta giận dữ bắt con chồn và cắt đứt đuôi nó. Con chồn khóc lóc xin lại cái đuôi, bà nói sẽ khâu lại cho sau khi nó trả sữa lại cho bà. Nghe vậy con chồn chạy đến gặp một con bò và xin chút sữa, con bò nói đem về cho nó cỏ thì nó sẽ cho sữa. Con chồn chạy ra cánh đồng xin chút cỏ, cánh đồng nói hãy đem cho ta chút nước. Con chồn vội đến bên một dòng suối để xin, dòng suối nói hãy đem bình đến đây lấy. Câu chuyện lại tiếp diễn cho đến khi có một bác nông phu, vì thương hại, cho con chồn những hạt lúa để đem cho con gà, đánh đổi lấy những quả trứng đem cho người bán hàng rong, anh bán hàng rong đổi cho một sợi dây chuyền đem về đưa cho một cô con gái để lấy chiếc bình... và cuối cùng con chồn lấy lại được cái đuôi và sung sướng chạy đi. Cái này phải xảy ra thì cái kia mới có thể xảy ra. Không có cái gì phát xuất từ khơi khơi được. Mọi việc đều có một quá khứ, lai lịch của nó. Ngay cả lòng thương của bác nông phu trong câu chuyện cũng phải có một phát xuất từ đâu. 

Khi ta nhìn sâu vào bất cứ một quá trình nào, ta cũng sẽ thấy được sự thật ấy. Không có ánh sáng mặt trời sẽ không có sự sống. Không có nước sẽ không có sự sống. Không có thực vật sẽ không có sự quang hợp (photosynthesis), không có sự quang hợp sẽ không có dưỡng khí. Không có cha mẹ sẽ không có ta. Không có xe cộ sẽ không có thực phẩm cho thành phố. Không có hảng xe sẽ không có xe. Không có nhân công sẽ không có sắt thép cho hảng xe. Không có quặng mỏ sẽ không có sắt thép cho nhân công. Không có thực phẩm sẽ không có nhân công. Không có mưa sẽ không có thực phẩm. Không có mặt trời sẽ không có mưa. Không có những điều kiện cho sự sắp xếp của các vì tinh tú, những hành tinh trong vũ trụ, sẽ không có mặt trời, không có trái đất. Nhưng những mối liên hệ này không phải lúc nào cũng giản dị và nằm trên một đường thẳng. Thường thường thì chúng dính líu với nhau như một màng nhện chằng chịt và vô cùng vi tế. Vì vậy sự sống của ta là một màng lưới tương quan gắn bó rất mật thiết, mà không có một nơi nào là điểm khởi đầu, hoặc điểm chấm dứt tuyệt đối cả. 

Vì vậy, chúng ta có thể thấy được sự vô lý cũng như nguy hiểm, khi ta để cho tư tưởng của mình biến một sự việc hoặc hoàn cảnh nào đó thành một cá thể cô lập, không ý thức gì về sự tương quan chằng chịt cũng như tính cách biến đổi của chúng. Bất cứ một việc gì cũng có dính líu đến bất cứ một việc nào khác, và nó cũng tàng chứa hết, cũng như được tàng chứa bởi mọi vật khác. Còn gì hơn nữa, vì mọi vật đều đang chuyển dịch. Những vì tinh tú sinh ra, trải qua các thời kỳ rồi diệt đi. Các hành tinh cũng có một nhịp điệu hình thành và hoại diệt riêng của chúng. Những chiếc xe mới chưa ra khỏi xưởng mà cũng đã đang trên đường đi đến chỗ phế thải rồi. Ý thức này sẽ làm gia tăng sự tán thưởng của ta đối với luật biến đổi của vạn vật, nó giúp ta bớt xem thường sự vật, hoàn cảnh cũng như tình tương thân, và biết quý trọng chúng hơn. Chúng ta sẽ tôn quý cuộc đời này hơn, con người, ý kiến và mỗi giây phút hơn, nếu ta có thể nhìn sâu và thấy được rằng, bất cứ những gì mình tiếp xúc đều có thể nối liền ta với toàn thể vũ trụ, và tất cả mọi việc, con người, nơi chốn, hoàn cảnh đều chỉ có mặt nơi đây trong chốc lát mà thôi. Nó biến giây phút này trở thành vô cùng lý thú. Mà thật ra, nó khiến cho giây phút này là tất cả. 

Chánh niệm về hơi thở là một sợi dây, trên đó những hạt chuỗi kinh nghiệm, tư tưởng, cảm thọ, hiểu biếtý thức của ta được xỏ qua. Xâu chuỗi ấy là một cái gì mới đối với ta - nói cho đúng thì nó là một cách nhìn mới, một lối sống mới, lối kinh nghiệm mới giúp cho ta có được cách hành xử mới trong cuộc đời. Đường lối mới ấy của ta dường như có thể nối liền lại tất cả những sự kiện gì có vẻ như là cô lập. Nhưng thật ra, trong cuộc sống này không có gì là cô lậpcần phải được nối liền lại hết. Chính cái nhìn sai lầm của ta đã tạo nên và duy trì sự cách biệt phân chia ấy. 

Cái nhìn và lối sống mới này sẽ giúp ta ráp lại những mảnh vụn của cuộc sống vào đúng vị trí của chúng. Mỗi giây phút sẽ được tôn trọng với sự trọn vẹn của nó, nằm trong một sự trọn vẹn khác to tát hơn. Sự tu tập chánh niệm chỉ đơn giản là một cuộc đi tìm, khám phá cho ra đường mối của màng lưới nối liền mọi việc ấy lại với nhau. Rồi đến một lúc nào đó ta sẽ thấy rằng, thật ra mình không cần phải tìm kiếm gì hết. Chúng ta chỉ ý thức được một sự tương quan mà nó bao giờ cũng có mặt. Ta đã leo lên đến một cao điểm giúp mình có thể thấy được toàn diện cảnh vật, và từ đó có thể ôm giữ giây phút hiện tại này trong chánh niệm. Hơi thở và giây phút hiện tại tương nhập vào nhau, như sợi dây và hạt chuỗi, chúng tạo nên một cái gì to tát hơn. 

Cái này sáp nhập vào cái kia, những nhóm tan chảy nhập thành các nhóm sinh môi, cho đến một lúc những gì ta nghĩ là sự sống gặp gỡ và đi vào những gì ta cho rằng không phải là sự sống: ốc hến và đá, đá và đất, đất và cây cối, cây cối và mưa và không khí... Và điều lạ lùng là hầu hết những cảm giác mà ta gọi là tôn giáo, hầu hết những sự phản đối huyền bí mà ta cho là những phản ứng cao thượng và mơ ước của loài người chúng ta, thật ra chính là một sự hiểu biếtcố gắng nói lên rằng, con ngườiliên hệ với tất cả vạn vật, nó gắn bó chặt chẽ với mọi loài, biết tới hoặc không biết tới. Việc ấy nói thì nghe rất giản dị, nhưng cảm thọ sâu sắc của nó đã làm nên một Jesus, một St. Angustine, một St. Francis, một Roger Bacon, một Charles Darwin và một Einstein. Mỗi người, tùy theo nhịp điệu và giọng nói của mình, đã khám phá và tái xác nhận với một kiến thức kỳ diệu rằng, tất cả chỉ là một và một là tất cả - một phiêu sinh vật (plankton), một động vật nhỏ li ti sống trôi nổi theo dòng nước trong đại dương, và một hành tinh đang xoay và một vũ trụ đang mở rộng, tất cả đều được cột chặt lại với nhau bằng sợi dây vô cùng của thời gian
John Steinbeck và Edward F. Ricketts. 
Sea of Cortez 

12.- BẤT BẠO ĐỘNG - AHIMSA 

Một người bạn của tôi trở về, sau mấy năm sống ở Nepal và Ấn Độ, vào năm 1973, đã nói như sau: "Nếu tôi không thể làm gì hữu ích cho cuộc đời, thì ít ra tôi cũng sẽ cố gắng bớt gây tổn hại chừng nào tốt chừng ấy". 

Tôi đã bị truyền lây bởi ý niệm về bất hại, Ahimsa, ngay lúc ấy tại nơi phòng khách của tôi. Và tôi không bao giờ quên được giây phút đó. Mặc dù tôi đã từng được nghe nói về thuyết bất bạo động trước đó. Thái độ bất hại này nằm ngay nơi trái tim của pháp môn Yoga và cũng là lời tuyên thệ của các sinh viên y khoa trước khi họ trở thành bác sĩ thực thụ (Hippocratic Oath). Nó cũng là nguyên tắc nền tảng cho cuộc cách mạng của thánh Gandhi và sự tu tập của cá nhân ông. Nhưng hình như vì sự chân thành trong lời nói của người bạn tôi, cùng với một cái gì đó không phù hợp từ một con người mà tôi nghĩ là tôi biết, đã gây cho tôi một ấn tượng rất mạnh. Tôi chợt thấy rằng đó là một lối sống rất đẹp đối với thế giới chung quanh cũng như cho chính bản thân tôi. Tại sao ta không thử cố sống sao để ít gây tổn thương cũng như khổ đau được chừng nào tốt chừng ấy? Nếu chúng ta có thể sống theo nguyên tắc đó, thì có lẽ mức độ bạo động và điên rồ trong tư tưởng cũng như trong cuộc sống của ta, đâu có đến nỗi tệ hại như ngày hôm nay. Và chúng ta cũng sẽ biết thương yêu mình hơn, trên tọa cụ cũng như trong cuộc đời

Cũng như mọi quan niệm khác, bất bạo độngbất hại có thể là một nguyên tắc rất tuyệt diệu, nhưng chính việc sống đúng theo nó mới thật sự có giá trị. Bạn có thể thực tập sự từ ái của nguyên tắc bất bạo động đối với chính bạn và đối với những người chung quanh bất cứ lúc nào. 

Có bao giờ bạn cảm thấy mình khó khăn với chính mình và khinh thường mình quá không? Hãy nhớ đến Ahimsa trong giây phút ấy. Ghi nhận nó rồi buông bỏ đi. 

Bạn có bao giờ nói về một người nào đó sau lưng họ không? Ahimsa. 

Bạn có cảm thấy rằng mình tự thúc đẩy quá mức, chẳng chú ý gì đến sức khỏe cũng như hạnh phúc của mình không? Ahimsa. 

Bạn có làm cho một người nào đó khổ đau không? Ahimsa. Đem áp dụng lý thuyết bất bạo động với những người không có gì là nguy hại đối với ta bao giờ cũng dễ. Nhưng khi đối diện với những người hoặc hoàn cảnh nào có vẻ đe dọa, ta sẽ phản ứng ra sao, đó mới thật sự là bài thử nghiệm. 

Ý muốn làm khổ hoặc làm hại kẻ khác được phát xuất từ một nỗi sợ trong ta. Muốn thực hành sự bất bạo động, ta cần phải nhìn thấy rõ nỗi sợ của mình, để hiểu và làm chủ nó. Làm chủ nó có nghĩa là ta dám nhận lãnh trách nhiệm. Nhận lãnh trách nhiệm có nghĩa là ta không để cho nỗi sợ hoàn toàn sai xử hành động và quan điểm của mình. Chỉ có chánh niệm về sự dính mắc và ghét bỏ của chính ta, và ý muốn đối diện với những trạng thái này trong tâm, dù có đau đớn đến đâu, mới có thể giải thoát ta ra khỏi vòng khổ đau này. Nếu ta không biết duy trì sự tu tập hàng ngày, những ý tưởngtốt lành đến đâu cũng rất là mong manh, chúng rồi sẽ bị lòng tư lợi đè bẹp mất. 

Bất bạo động, Ahimsa, là một phẩm chất của linh hồn, và vì vậycần phải được thực hành bởi mọi người trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Nếu nó không thể được thực thi trong tất cả mọi khoa, thì nó không có một giá trị thực dụng nào. 

Nếu bạn không thể thương yêu được vua George đệ ngủ, hoặc thủ tướng Winston Churchill, thì bạn có thể bắt đầu nơi vọ, chồng, hoặc con của mình. Hãy đặt hạnh phúc của họ trước hạnh phúc của bạn trong mỗi giây phút của cuộc sống, và từ đó để cho vòng thương yêu ấy mở rộng ra. Khi bạn đã cố gắng hết sức mình, sẽ không có chuyện thất bại. 
Mahatma Gandhi 

13.- KARMA- NGHIỆP QUẢ 

Tôi có lần nghe các thiền sư dạy rằng, sự tu tập thiền quán hàng ngày có thể chuyển được những nghiệp quả xấu của mình thành những nghiệp quả tốt. Tôi luôn xem lời tuyên bố ấy như là một lời quảng cáo rất kỳ quặc. Và phải mất nhiều năm trời, tôi mới thật sự hiểu được lời nói ấy. Chắc có lẽ nghiệp của tôi là vậy! 

Nghiệp quả, Karma có nghĩa là cái này xảy ra vì cái kia xảy ra. B có một liên hệ nào đó đối với A. Bất cứ một hậu quả nào cũng có nguyên do đi trước. Và mỗi nguyên do sẽ gây nên một hậu quả có một kích thước tương xứng với nó, ít nhất là ở trình độ phi lượng tử (non-quantum). Nói chung khi ta nói về nghiệp quả của một người nào đó, nó có nghĩa là tổng số của đường hướng sống của họ, cùng với những yếu tố quan trọng xảy ra chung quanh, gây nên bởi những điều kiện sẵn có như hành động, ý nghĩ, cảm xúc, cảm nhận và lòng ham muốn. Nhiều khi người ta lại hay lầm lẫn nghiệp quả với ý niệm về số mạng. Nghiệp quả giống như sự huân tập của một số xu hướng, chúng giam cầm ta trong một số thói quen nhất định nào đó, và các thói quen này lại tiếp tay vào việc làm tăng gia sự huân tập của những xu hướng ấy. Thế nên, rất dễ cho ta bị kềm hãm bởi nghiệp quả của mình, và ta cho rằng nguyên nhân là do ở một cái gì đó bên ngoài như vì người khác, hoặc vì hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát của ta. Ta không bao giờ chịu nhận là do nơi mình. Nhưng chúng ta đâu cần phải làm tù nhân của những nghiệp quả xưa! Vì nghiệp quả có thể thay đổi được. Ta lúc nào cũng có thể tạo nên những nghiệp quả mới. Nhưng chỉ có một thời gian duy nhất để bạn có thể thực hiện được việc đó mà thôi. Bạn có thể đoán được thời gian đó là khi nào không? 

Chánh niệm có thể thay đổi được nghiệp quả. Khi ta ngồi yên, ta không cho phép những ý nghĩ của mình biến đổi trở thành hành động. Trong giây phút ấy, ta chỉ theo dõi chúng mà thôi. Nếu quan sát ta sẽ thấy rằng, những ý nghĩ thúc đẩy trong tâm ta sinh ra rồi sẽ diệt đi, chúng có một sự sống riêng, chúng không phải là ta mà chỉ là tư tưởng, và ta không phải chịu sự sai xử của chúng. Khi ta không còn cung cấpphản ứng theo những sự thúc đẩy ấy, mình sẽ có cơ hội thấy được trực tiếp rằng tự tánh của chúng chỉ là tư tưởng. Quá trình này sẽ thiêu hủy hết những ý nghĩ tiêu cực bằng ngọn lửa định lực, an tĩnhvô hành. Và cùng một lúc ấy, những tuệ giáctư tưởng tích cực sẽ được nuôi dưỡngbảo vệ bằng chánh niệm. Chánh niệm vì thế có thể sắp xếp lại những mắt xích trong sợi dây nhân quả, và từ đó có thể cởi trói ta, giải thoát ta, và mở ra những đường hướng mới trong mỗi giây phút của cuộc sống. Thiếu chánh niệm, chúng ta sẽ dễ dàng bị đà tiến của quá khứ xô đẩy vào hiện tại, không hề ý thức được sự dính mắc của mình,và không có một lối thoát. Ta cho rằng những khổ đau của mình đều do lỗi lầm của kẻ khác, hoặc của cuộc đời, và vì thế mà quan điểmcảm thọ của ta bao giờ cũng hợp lý. Và giây phút hiện tại không bao giờ có thể là một sự bắt đầu mới, vì ta không cho phép! 

Cuối cùng, chính sự thất niệm của ta đã giam cầm ta. Chúng ta mỗi lúc càng cách xa những tiềm năng chân thật của mình, và mỗi lúc lại càng bồi đắp thêm cho tập quán trọn đời là "vô minh" ấy, không nhìn thấy, chỉ biết phản ứng và trách móc mà thôi. 

Làm việc với những tội phạm trong các nhàn tù, tôi được dịp chứng kiến những hậu quả của các nghiệp "xấu" rất rõ. Mặc dù trong nhà tù cũng chẳng khác gì với bên ngoài bao nhiêu. Mỗi tù nhân đều có một câu truyện, mà bao giờ cũng là cái này dẫn đến cái kia. Mà truyện thì bao giờ cũng phải vậy! Cái này dẫn tới cái kia. Nhiều người vẫn không hiểu được việc gì đã xảy đến với họ, họ đã lầm lỡ chỗ nào! Thường thường đó là một chuỗi biến có rất dài, bắt đầu từ cha mẹgia đinh, rồi đến luật đường phố, nghèo khóbạo động, tin vào người mà ta không nên tin, muốn kiếm tiến mau, uống rượu, hút ma túy để trốn tránh khổ đau, sự trống vắng... Chúng làm mờ mịtsai lạc tư tưởng của họ, cũng như cảm giác, hành động và giá trị, từ đó họ không còn nhận thức được những ý nghĩ nào là khổ đau, tàn ác, tiêu cực và tự huỷ hoại mình. 

Và rồi trong một giây phút, đã được dẫn tới bởi những giây phút trước đó, họ đột nhiên "không còn biết gì hết", phạm vào một tội lớn, để rồi kinh nghiệm biết bao là những hậu quả ảnh hưởng đến tương lai của mình. Bất cứ việc làm nào của ta cũng mang đến hậu quả, cho dù ta có ý thức được hay không, cho dù ta có bị bắt gặp hay không. Thật ra lúc nào ta cũng bị bắt. Bị bắt bởi nghiệp quả của chính mình. Chúng ta tự xây dựng nhà tù cho mình mỗi ngày. Ta có thể nói rằng, những người tôi gặp trong tù, họ đã tự chọn cho mình con đường ấy. Và chúng ta cũng có thể nói rằng, họ đã không có một sự lựa chọn nào khác hơn. Họ không hề ý thức rằng họ có được một sự chọn lựa. Những sự kiện ấy trong đạo Phật gọi là thiếu chánh niệm, hay là vô minh. chính vì ta thiếu chánh niệm nên không ý thức được rằng, những ý nghĩ của mình, nhất là khi chúng bị nhuốm màu sắc tham lamsân hận, dù cho chánh đáng đến đâu, cũng có thể làm sai lệch tâm ta cũng như cuộc đời ta. Những trạng thái tâm thức ấy sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, đôi khi to tát mạnh mẽ, nhưng thường khi rất tinh tế. Chúng ta có thể đang bị giam cầm bởi một tâm thức bị những mây mù của ý kiến và khái niệm che phủ, mà ta lại bám chặt vào chúng như là chân lý

Muốn thay đổi nghiệp quả của mình, ta cần phải thôi để làm cho những gì làm mờ mịt thân tâm, cũng như tô màu mọi hành động của mình, đừng xảy ra nữa. Việc ấy không có nghĩa là ta phải làm những việc tốt. Nó có nghĩa là ta biết được mình là ai và ta không phải là nghiệp quả của mình, dù đó có là gì chăng nữa trong giây phút này. Nó cũng có nghĩa là ta ý thức được những gì thật sự xảy ra. Có nghĩa là thấy rõ được thực tại

Chúng ta nên bắt đầu nơi nào? Sao bạn không chọn nơi tâm mình? Vì dù sao chính nơi đó là môi trường của mọi tư tưởng, cảm thọ, sự thúc đẩytri giác của ta được chuyển sang hành động trong cuộc đời. Mỗi khi bạn ngưng lại những hành động của mình và thực tập dừng lại, ngay trong giây phút này và ở đây, với một ý định ngồi xuống, là ta đã bẻ gẫy được dòng luân lưu của nghiệp quả cũ, và từ đó ta tạo nên một nghiệp quả mới lành mạnh hơn. Gốc rễ của sự chuyển hóa nằm ngay nơi đó, một khúc quanh quan trọng trong cuộc đời

Chính hành động dừng lại ấy, giây phút của sự vô hành, của một sự quan sát thuần túy, giúp cho bước chân ta đứng thật vững vàng đối với tương lai. Vì sao? Vì chỉ khi nào ta thật sự có mặt trọn vẹn trong hiện tai, thì tương lai của ta mới có thể được trong sáng, rõ ràngtừ ái, và nó cũng bớt bị chi phối bởi sự sợ hãi, đau đớn, cũng như có thêm nhân phẩm và sự chấp nhận. Chỉ có những gì xảy ra trong bây giờ mới sẽ xảy ra sau này. Nếu bây giờ ta không có chánh niệm, tĩnh lặng và từ ái, khi ta đang có cơ hội tốt để bồi dưỡng, thì làm sao ta lại có thể có được chúng, khi ta bị căng thẳng hoặc gặp những khó khăn? 

Ý nghĩ rằng linh hồn ta sẽ hòa nhập với niềm hạnh phúc lớn chỉ vì cơ thể ta tan rã là một ảo vọng. Những gì ta tìm thấy bây giờ, ta sẽ tìm thấy trong lúc ấy
Kabir 

14.- TẤT CẢ LÀ MỘT 

Khi chúng ta tiếp xúc được với sự nguyên vẹn, ta sẽ cảm thấy mình là một với tất cả. Khi ta cảm thấy mình là một với tất cả, ta sẽ cảm thấy nguyên vẹn. 

Khi ta ngồi hoặc nằm yên, bất cứ lúc nào ta cũng có thể tiếp xúc và siêu vượt được thân thể này, hòa nhập với hơi thởvũ trụ, kinh nghiệm được mình trọn vẹn và có thể nhập vào một cái nguyện vẹn khác to lớn hơn. Nếm được tính chất tuơng quan chặt chẻ của mọi vật với nhau, sẽ đem lại cho ta một ý thức sâu xa về tính lệ thuộc, một cảm nhận ta là một phần rất thân thiết với tất cả và thấy được nơi đâu ta đến cũng là nhà. Chúng ta có thể sẽ tìm thấy và bỡ ngỡ trước thời gian vô tận ngàn đời vượt ra ngoài sanh tử, và cùng một lúc kinh nghiệm được tính chất ngắn ngủi của cuộc đời, sự mong manh của tấm thân này, giây phút này và của mỗi người chúng ta. Khi ta tiếp xúc được với sự nguyên vẹn của mình trực tiếp qua thiền tập, ta có thể chấp nhận được thực tại chung quanh, có được một sự hiểu biếttình thương sâu sắc, và bớt đi những nỗi thống khổlo âu hơn. 

Sự nguyện vẹn là nguồn gốc của tất cả. Khi nhận thức được tự tánh nguyên vẹn của mình rồi, ta sẽ thấy rằng mình không cần phải đi đâu hoặc làm gì cả. Ta hoàn toàntự do để chọn con đường nào của mình. Sự tĩnh lặng luôn luôn có mặt trong hành động cũng như sự vô hành của ta. Chúng ta thấy nó lúc nào cũng nằm nơi đây, và mỗi khi ta tiếp xúc với nó, nếm được nó, lắng nghe nó, thì thân ta cũng sẽ tiếp xúc, cùng nếm và lắng nghe với ta. Tâm ta cũng sẽ lắng nghe và giây phút ấy ta biết được thế nào là an lạc. Trong sự cởi mở và tiếp nhận ấy, ta tìm thấy được một sự quân bìnhhòa hợp đang hiện diện ngay ở đây, và thời gian vô tận đang hiển lộ trong giây phút hiện tại

Siddhartha lắng nghe. Chàng bắt đầu chú tâm lắng nghe, miệt mài trong thinh lặng, hoàn toàn hấp thụ, tiếp nhận tất cả. Chàng cảm thấy rằng, mình bây giờ đã thật sự học được nghệ thuật lắng nghe. Những âm thanh này, chàng đã nghe chúng nhiều lần trong quá khứ, những giọng nói khác nhau của dòng sông, nhưng hôm nay chúng có vẻ khác biệt. Chàng không còn phân biệt đuợc những giọng nói khác nhau nữa - tiếng vui ca với tiếng than thở, tiếng trẻ thơ với tiếng trưởng thanh. Tất cả đều lệ thuộc vào nhau: tiếng than vãn của những ai sầu khổ, tiếng cười vang của bậc minh triết, tiếng khóc la của kẻ phẫn uất, tiếng rên rĩ của người đang hấp hối. Tất cả đều nương tựa vào nhau, quấn quýt, đan dệt vào nhau trong ngàn đường lối. Và tấ cả những giọng nói, những mục đích, những lạc thú, những cái tốt đẹpxấu xa, tất cả những cái đó nhập lại thành thế giới này. Chúng là dòng biến cố, là âm nhạc của sự sống. Khi Siddhartha miệt mài lắng nghe dòng sông, theo bài ca của muôn ngàn tiếng hát, khi chàng không chỉ lắng nghe theo tiếng khóc hay tiếng cười, khi chàng không chỉ lắng nghe một âm thanh duy nhất nào, nhưng là lắng nghe hết tất cả, trọn vẹn, đồng nhất, khi ấy bài ca của ngàn giọng hát chỉ gồm có mỗi một chữ mà thôi. 
Herman Hesse, Siddhartha 

Điều ta cần biết học lại, là quan sát và tự mình khám phá, cái ý nghĩa của sự nguyên vẹn. 
David Bohm, Wholeness and the Implicate Order. 

Tôi rộng lớn. Tôi chứa đựng hết tất cả. 
Walt Whitman, Leaves of Grass 

15.- TỰ TÍNH CỦA MỖI VẬT 

Sự nguyên vẹn không thể nào kinh nghiệm một cách chuyên chế được, vì nó đa dạng vô cùng, nó phản chiếu và tàng chứa hết tất cả. Như chiếc màn của trời Đế Thích là một biểu tượng cho vũ trụ này. Chiếc màn ấy làm bằng trân châu, mỗi hạt châu lại phản chiếu và tàng chứa hết tất cả những hạt châu khác trong tấm màn. Có người muốn chúng ta phải tôn kính, thật đồng đều, trước bàn thờ của sự duy nhất. Họ xử dụng ý niệm đồng nhất như một chiếc xe hủ lô cán dẹp hết tất cả những sự khác nhau của mọi vật. Nhưng chính từ những tính chất đặc biệt của cái này và cái kia, từ những thuộc tính cá biệt của chúng - trong đạo Phật, ta gọi đó là tự tính của mỗi vật - mà tất cả là nền văn hóa, thơ phú, nghệ thuật, khoa học và sự sống, sự nhiệm mầu cũng như sự phong phú, có thể hiện hữu. 

Tất cả mọi khuôn mặt đều giống nhau, nhưng dù vậy ta vẫn có thể nhận diện dễ dàng tính chất duy nhất, cá biệt của mỗi cá nhân. Và chúng ta cũng rất quý trọng sự khác biệt này. Đại dương là một cá thể nguyên vẹn, nhưng nó có vô số những con sông nhỏ, mỗi mỗi đều khác nhau; nó có những dòng nước, độc lập, luôn luôn thay đổi; đáy biển là một phong cảnh riêng biệt không nơi nào giống nơi nào; và bờ biển cũng thế. Bầu khí quyển này là nguyên vẹn, nhưng nó có những dòng lưu chuyển rất đặc biệt, mặc dù chúng ta chỉ cảm thấy chúng như là những làn gió. Sự sống trên quả đất này là nguyên vẹn, nhưng nó được biểu hiện trong những cơ thể giới hạn bởi thời giankhông gian, nhỏ vi tế hoặc hiển lộ, cây cỏ hoặc cầm thú, đã tuyệt chủng hoặc vẫn còn sinh tồn. Vì vậy không có một nơi nào là duy nhất. Sẽ không một đường lối nào là duy nhất, sự tu tập nào là duy nhất, phương pháp học nào là duy nhất, cách thương yêu nào là duy nhất, đường lối phát triển nào là duy nhất, cách sống nào là duy nhất, cách cảm nhận nào là duy nhất, cũng như một cái biết nào là duy nhất. Chính sự cá biệt ấy, ta gọi là tự tính của sự vật, mới là quan trọng. 

Con chim bạc má, 
Nhảy nhót lại kề bên tôi.
Thoreau 

Người đàn ông đang hái củ cải 
chỉ đường 
bằng một củ cải 
Issa 

Ao cổ 
Cóc nhảy vào 
Tỏm! 
Basho 

Nửa đêm. Không sóng, 
không gió, chiếc thuyền không 
chở đầy ánh trăng. 
Đạo Nguyên 

Chắc bạn đã hiểu rồi chứ gì? 

16.- CÁI GÌ ĐÂY? 

Tinh thần quan sát là nền tảng của một lối sống chánh niệm. Nhưng sự quan sát không chỉ là một phương cách để giải quyết vấn đề. Nó là một phương tiện giúp ta tiếp xúc được với sự bí mật của sống và sự có mặt của ta ở nơi này. Ta thật sự là ai? Ta đang đi về đâu? Nó có nghĩa lý gì? Thế nào là người... đàn ông, đàn bà, trẻ thơ, cha mẹ, một người học trò, một công nhân, một ông chủ, một tội nhân, một kẻ không nhà? Nghiệp quả của tôi là gì? Tôi đang ở đâu. Con đường nào là của tôi? Công việc của tôi trên trái đất này là gì? 

Quán sát không có nghĩa là ta đi tìm một câu trả lời, nhất là những câu trả lời hời hợt có được từ một suy tư nghèo nàn. Nó có nghĩa là hỏi mà không cần được giải đáp, chỉ cần suy nghẫm và cân nhắc, cưu mang sự thắc mắc đó trong ta, để cho nó được thấn nhuần, sủi bọt, nấu chín và soi sáng bởi chánh niệm, như mọiviệc khác. 

Bạn không nhất thiết cần phải ngồi yên mới có thể quán sát được. Sự quán sát và chánh niệm có thể xảy ra cùng một lúc trong cuộc sống thường ngày của ta. Thật ra,sự quán sát và chánh niệm chỉ là một, chúng tùy theo góc cạnh nhìn của ta. Bạn có thể suy ngẫm về những câu hỏi như là "Tôi là ai?", "Cái này thật sự là gì đây?", "Tôi đang đi về đâu?", hoặc là "Công việc nào là của tôi?" trong khi bạn đang sửa xe, đi dạo, rửa chén, đi xin việc làm, ngồi xem những đứa con của mình đùa giởn trong một buổi tối sáng trăng. 

Trong cuộc sống ta sẽ phải đối diện với mọi thứ vấn đề: lớn nhỏ, tròn méo... Chúng có từ những việc rất nhỏ nhen cho đến lớn lao, và vĩ đại có thể đàn áp ta. Sự tu tập là làm sao ta có thể đối diện với chúng bằng sự quan sát, trong chánh niệm. Nó có nghĩa là ta cần đặt những câu hỏi như: "Ý nghĩ này, cảm thọ này, khó khăn này, thật sự là gì?", "Tôi sẽ đối phó với nó ra sao?" hoặc là tôi có dám đối diện với nó không hay là chấp nhận nó không?" 

Bước đầu tiên là chấp nhận rằng ta có sự khó khăn, có nghĩa là ta đang có một sự căng thẳng hoặc bất an nào đó. Có khi phải mất đến bốn mươi năm, năm mươi năm ta mới có thể tạm công nhận được một vài vấn đề mà mình đang cưu mang. Sự quán sát không có một thờigian nhất định. Nó cũng giống như một cái nồi đang để trên ngăn giá. Nó sẵn sàng để xử dụng khi nào bạn cần mang nó xuống, bỏ đồ vào và nấu lên. 

Quán sát có nghĩa là ta đặt câu hỏi và lập đi lập lại nhiều lần. Ta có can đảm để đối diện với vấn đề không, bất cứ đó là một việc gì, và đặt câu hỏi nó thật sự là gì? Việc gì đang thật sự xảy ra? Nó đòi hỏi ta phải biết nhìn cho thật sâu sắc và duy trì sự quán chiếu ấy trong một thời gian, với chánh niệm. Nó sai lầm chỗ nào? Gốc rễ của vấn đề nằm ở đâu? Bằng chứng đâu? Chúng liên hệ nhau ra sao? Thế nào là một giải pháp tốt đẹp? Ta hãy tiếp tục quán sát, quán sátquán sát

Nhưng bạn nên nhớ quán sát không phải là suy nghĩ để tìm tòi một sự giải đáp, mặc dù nó sẽ khơi lên rất nhiều ý nghĩ có thể giống như những câu trả lời. Quán sát có nghĩa là ta biết lắng nghe những tư tưởng của mình, mà câu hỏi ta đã khơi dậy. Việc ấy cũng giống như ta đang ngồi bên cạnh dòng suối tư tưởng của mình, lắng nghe tiếng nước chảy qua những khe đá, lắng nghe, lắng nghe và theo dõi, thỉnh thoảng có một vài chiếc lá hoặc cành khô nhỏ trôi qua

17.- LẬP NÊN MỘT CÁI NGà

Giá trị thật sự của một con người, được xác định bằng sự đo lường và cảm nhận nơi người ấy, đã giải thoát ra khỏi được cái Tôi của mình bao nhiêu? 
[b]Albert Einstein, The World As I See It. 

"Tôi" và "của Tôi" là những sản phẩm của tư tưởng chúng ta. Larry Rosenberg, một người bạn của tôi tại thiền viện Cambridge Insight Meditation Center, gọi đó lập Ngã. Ông ta nói rằng, chúng ta có một khuynh hướng không thoát được cũng không thay đổi được, là từ bất cứ một sự việc gì, một hoàn cảnh gì, ta cũng có thể lập nên từ đó một cái "Tôi" và "của Tôi", và ta sinh hoạt trong cuộc đời với ý niệm hạn hẹp ấy, phần lớn chỉ là mộng tưởng, và sự tự vệ. Không có một giây phút trôi qua nào lại không có việc đó xảy ra. Nhưng vì quá thông thường, nó đã trở thành một phần của cơ cấu cuộc đời, hoàn toàn không ai để ý đến, cũng như một con cá không hề biết tới nước, mặc dù nó đang chìm đắm trong đó. Bạn cũng có thể tự mình nhận xét được việc này, dù bạn đang ngồi thiền trong yên lặng hay là sống trong cuộc đời chừng dăm ba phút. Bất cứ trong một giây phút nào, một kinh nghiệm nào, tư tưởng của ta sẽ xây dựng từ đó thành một giây phút "của tôi", kinh nghiệm "của tôi", con "của tôi", ước muốn "của tôi", ý kiến "của tôi", đường lối "của tôi", thẩm quyền "của tôi", tương lai "của tôi", kiến thức "của tôi", thân "của tôi", tâm "của tôi", nhà "của tôi", đất "của tôi", cảm thọ "của tôi", xe "của tôi", hoặc vấn đề "của tôi". 

Nếu bạn quan sát quá trình lập ngã ấy trong chánh niệm, bạn sẽ thấy rằng cái mà ta gọi là Ngã, là Tôi, thật ra chỉ là một cấu tạo của tâm, và nó không thường hằng. Nếu bạn nhìn cho sâu thử tìm kiếm một cái Tôi vững vàng, không thể phân chia, một cái "Tôi" đứng sau những kinh nghiệm "của Tôi", bạn sẽ khám phá ra rằng chúng chỉ là những tư tưởng. Bạn có thể cho rằng ta là cái tên gọi của mình, nhưng việc ấy cũng không đúng. Tên của ta chỉ là một nhãn hiệu. Và tuổi tác, ý kiến của ta, nam hay nữ... thì cũng chỉ có thế thôi. Không có cái nào có thể làm nền tảng cho cái Tôi. 

Khi bạn quán sát cho thật sâu sắc, dò theo những đường mối dẫn và để thử xem ta là ai hoặc là gì, chắc chắn bạn sẽ khám phá ra rằng không có một nơi nào thật sự là vững chắc. Giả sử bạn đặt câu hỏi: "Ai là người hỏi tôi là ai?", cuối cùng câu hỏi ấy sẽ dẫn đến câu trả lời là : "Tôi không biết". Cái Tôi ấy dường như là một cấu trúc được biết đến bằng những thuộc tính của nó, mà không có một thuộc tính nào, dù riêng rẽ hoặc cùng chung lại với nhau, lại có thể cấu tạo nên một con người. Hơn nữa, cái cấu trúc "Tôi" ấy lại có một khuynh hướng tan rã và kết tụ lại hầu như trong mỗi giây mỗi phút. Ngoài ra nó cũng còn có một khuynh hướng cảm thấy mình thua sút, nhỏ bé, bất anbất định, vì tự chính hiện hữu của nó đã quá mong manh. Việc ấy tạo nên những khổ đau cho ta, vì thiếu chánh niệm ta không ý thức được rằng mình đang bị dính mắc vào cái "Tôi" và "của Tôi" sâu đậm đến chừng nào

Và rồi lại có những vấn đề của các sư việc xảy ra chung quanh ta nữa. Cái "Tôi" của ta sẽ cảm thấy sung sướng khi hoàn cảnh chung quanh ủng hộ cho một niềm tin rằng nó là tốt, và cảm thấy chán nản khi bị chỉ trích, gặp khó khăn, cản trở hoặc thất bại. Có lẽ đây cũng là một nguyên do chánh cho những thương tích trong lòng tự trọng của nhiều người. Thật ra chúng ta không quen với quá trình cấu tạo này của sự lập ngã. Vì thế ta rất dễ bị mất quân bìnhcảm thấy bị tổn thương, thua sút, khi nhu cầu được chấp thuận, được cảm thấy quan trọng của ta, không được cung cấp hoặc ủng hộ đầy đủ. Và ta lại đi tìm sự an ổn của nội tâm qua những phần thưởng ở bên ngoài, qua sự chiếm hữu vật chất và nương tựa vào những người thương. Thế nhưng, dù bận rộn cố gắng để thực hiện những việc ấy, ta vẫn không bao giờ cảm thấy được thật sự yên ổn trong lòng. Đạo Phật dạy rằng, thật ra không có một cái Tôi nào riêng rẽ và cô lập hết, chỉ có một tiến trinh xây dựng cái Tôi đang tiếp diễn liên tục mà thôi. Nếu ta ý thức được rằng, quá trình lập ngã ấy là một tập quán thâm căn cố đế và ta tự cho mình một ngày nghỉ, thôi cố gắng trở thành một nhân vật nào đó, chỉ cần giản dị kinh nghiệm, những gì đang thật sự xảy ra, thì có lẽ ta sẽ trở nên hạnh phúc hơn và thảnh thơi hơn. 

Trong thời đại mới này ở Tây phương, người ta thường hay nói "Trước hết bạn phải là một người nào đó (somebody), rồi bạn mới có thể trở thành không là ai hết (nobody) được", đó là một quan niệm theo tôi nghĩ là hết sức sai lầm. Nó có hàm ý là ta cần phải có một cảm nhận vững vàng về một cái ngã, rồi ta mới có thể khám phá được tính chất trống vắng của "vô ngã". Nhưng vô ngã không hề có nghĩa là "không là ai hết". Nó chỉ có nghĩa là mọi việc trên cuộc sống này đều có tương quan liên hệ mật thiết với nhau và không có một cái "Tôi" nào riêng biệt và độc lập. Tôi chỉ có thể là tôi trong sự tương quan với những sự việc và biến cố khác trong đời sống - như cha mẹ, tuổi thơ, tư tưởng, cảm thọ, những sự kiện bên ngoài, thời gian... Hơn thế nữa, ta bao giờ cũng là một nhân vật nào đó rồi, bất cứ là gì đi nữa. Ta là người mà ta đang là. Những người ấy không phải là tên gọi của ta, tuổi tác của ta, tuổi thơ của ta, niềm tin của ta, nỗi sợ của ta. Những sự kiện ấy chỉ là một phần nhỏ, chứ không toàn vẹn

Vì vậy, khi ta nói rằng mình không nên cố sức để trở thành một nhân vật nào đó, mà chỉ cần kinh nghiệm trực tiếp những gì đang thật sự xảy ra, có nghĩa là ta nên bắt đầu bây giờ và ở đây, với những gì mình đang có. Thiền tập không có nghĩa là ta cố gắng để trở thành một nhân vật nào khác, và cũng không phải là để biến ta trở nên một xác chết vô tri, không có khả năng sống trong cuộc đờiđối phó với những khó khăn của cuộc sống. Thiền tập là để nhìn thấy được thực tại như nó là, không bị bóp méo bởi ý niệmtư tưởng của ta. Một phần của quá trình đó là ta nhận thấy rằng, mọi vật đều có một sự liên hệ mật thiết với nhau, và mặc dù cảm nhận về cái Tôi cũng không phải là thật, là bền vữngthường hằng. Vì vậy, nếu ta thôi không cố gắng bắt mình trở thành những gi mình không phải, vì một nỗi sợ thua sút nào đó, thì con người của ta sẽ được nhẹ nhàng hơn, an lạc hơn và dễ thở hơn. 

Phương cách xử sự của chúng ta sẽ ít có tính cách cá nhân hơn. Khi có việc gì xảy ra, cố đừng nhìn nó dưới ánh mắt của một cái tôi, thử xem sao. Có thể là nó chỉ xảy ra, thế thôi. Có thể nó không hề nhắm gì tới ta hết. Hãy quan sát tâm ta trong những lúc ấy. Nó có dính mắc gì đến những cái "Tôi" và "của Tôi" không? Hãy tự hỏi mình "Tôi là ai?" hoặc "Cái Tôi cho là của mình đó, nó thật sự là gì?" 

Chánh niệm có thể giúp ta quân bình được quá trình lập ngã và làm giảm ảnh hưởng của nó. Bạn hãy nhớ rằng, cái Tôi cũng vô thường như mọi thứ khác. Bất cứ một cái gì ta cố nắm bắt mà có dính líu đến cái tôi, sẽ vuột khỏi bàn tay ta. Ta không thể nào bắt được vì nó luôn luôn thay đổi, tan hoại rồi sinh hợp trở lại, nhưng lúc nào cũng khác đi một chút, tùy theo hoàn cảnh của giây phút ấy. Nó cũng giống như trong thuyết hỗn loạn (Chaos theory), có diễn tả một tình trạng mà trong đó có tàng chứa một trật tự, nhưng chính nó lại không theo một trật tự nào. Và nó không bao giờ tái lập lần thứ hai. Bất cứ khi nào ta nhìn, nó cũng sẽ có một chút khác biệt. 

Tự tánh của cái Tôi là vô thường, luôn biến đổi và không bền vững. Nhưng nhờ vậy, nó đem lại cho ta một niềm hy vọng. Nó có nghĩa là ta không cần phải quan trọng hóa mình quá đáng, và biết rằng, những tiểu tiết trong đời sống cá nhân của ta, không nhất thiết phải là trung tâm vận hành của vũ trụ. Khi ta nhìn nhận và buông bỏ những ý tưởng chấp ngã ấy, là ta ban cho vũ trụ này thêm một chút không gian để cho sự việc có thể xảy ra. Và cũng vì ta thể nhập vào vũ trụtham dự vào sự biểu lộ của nó, nên những hành động tự kỷ, tự hoại, bất an, lo lắng quá mức của ta, cũng có thể làm trì trệ sự biểu lộ ấy, và khiến cho thế giới mộng tưởng của một cái Tôi có thể được nhìn thấy và cảm nhận như là thật. 

18.- GIẬN DỮ 

Cái nhìn tuyệt vọng và sự im lặng van xin tôi đừng nổi giận, hiện rõ trên gương mặt mười một tuổi của đứa con gái tôi, khi tôi bước xuống xe tại nhà đứa bạn nó, một buổi sáng sớm chúa nhật. Lời van xin thầm lặng ấy thấm sâu qua ý thức của tôi, nhưng không hoàn toàn chế ngự được sự bực dọc và tức giận, mà nó nhận thấy đang bộc phát trong tôi. Đứa con gái sợ tôi sẽ làm một trận và làm xấu hổ trước mặt bạn bè nó. Trong lúc ấy, tôi cảm thấy có một sức đẩy quá mạnh để có thể hoàn toàn dừng lại, mặc dù sau này tôi ước gì đã làm được việc đó. Tôi ước gì mình đã để cho cái nhìn của đứa con gái trong giây phút ấy xúc chạm và chuyển hướng cho tôi thấy được cái gì thật sự quan trọng - là cảm thấy rằng nó có thể nương tựa vào tôi và tin ở tôi, thay vì phải lo sợ tôi sẽ phản bội hoặc đe dọa mối giao du của nó. Nhưng lúc ấy tôi quá bực tứccảm thấy mình bị lợi dụng bởi đứa bạn gái của nó, đã hẹn trước nhưng lại không sửa soạn có mặt đúng giờ. Tôi không còn đếm xỉa gì đến hoàn cảnh khó xử của đứa con gái mình. 

Tôi bị cuốn xoay trong cơn lốc của sự tức giận, cho rằng mình đã bị khinh thường. Cái "Tôi" của tôi không thích bị bắt chờ đợi hoặc bị lợi dụng. Tôi bảo nó là tôi sẽ không làm trận gì với ai cả, nhưng tôi muốn nói chuyện cho ra lẽ ngay bây giờ, vì tôi cảm thấy mình đã bị lạm dụng. Ngay buổi sáng sớm ấy, tôi bực tức hỏi má của đứa bạn con tôi về sự trễ nải, trong khi cơn giận đang sôi sục. Thế nhưng, thì ra má của nó đã ngủ quên, và cơn giận của tôi cũng tan biến thật mau chóng. 

Và từ đó vấn đề cũng đã được giải tỏa theo. Nhưng trong ký ức của tôi thì không, nó vẫn còn gìn giữ, và hy vọng rằng sẽ là mãi mãi, cái nhìn ấy trên gương mặt của đứa con mình, mà tôi không thể đọc kịp để có thể có mặt trọn vẹn trong giây phút ấy. Phải chi tôi có thể làm được việc đó thì có lẽ cơn giận đã chấm dứt ngay khi ấy và ở đó rồi. 

Chúng ta thường phải trả một giá rất đắt cho quan điểm nhỏ hẹp của mình, cho rằng mình là "phải". Nỗi bực tức tạm thời của tôi thật ra đâu có gì quan trọng so với lòng tín cẩn của con gái tôi. Nhưng trong giây phút ấy sự kỳ vọng của nó cũng vẫn bị dẫm đạp lên như thường. Thiếu sự chăm sóc và chánh niệm, những cảm thọ của một tâm ý nhỏ nhen sẽ hoàn toàn khống chế giây phút hiện tại. Việc ấy xảy ra luôn luôn. Nỗi đau mà ta tạo nên cho chính chúng ta. Mặc dù ta ít khi nào chịu chấp nhận, nhất là về mình, nhưng buồn thay, những cơn giận nhỏ nhặt lại thường là những việc ta hay dễ duôi và bị lôi cuốn theo rất dễ dàng. 

19.- MỘT BÀI HỌC VỀ ĐỒ ĂN CỦA MÈO 

Nhà tôi có nuôi những con mèo. Và tôi rất ghét nhìn thấy dĩa đồ ăn của chúng nằm trong bồn rửa chén, chung với đám chén bát của chúng tôi. Tôi không hiểu vì lý do gì chuyện ấy đối với tôi rất là quan trọng. Có lẽ vì tôi không quen nuôi thú vật trong nhà từ nhỏ. Hoặc tôi nghĩ đó là một vấn đề vệ sinh tối thiểu cần phải có. Khi nào tôi phải rửa dĩa đồ ăn của chúng thì bao giờ tôi cũng rửa hết chén, dĩa, ly, tách của chúng tôi trong bồn, rồi sau đó mới tới phiên chúng. Dù sau đi nữa, mỗi khi tôi bắt gặp dĩa đồ ăn của chúng trong bồn là tôi rất bực mình, và tôi phản ứng ngay. 

Trước hết là tôi nổi giận. Rồi sau đó cơn giận trở nên có tính cách cá nhân hơn, tôi chỉa hướng nó về bất cứ ai mà tôi nghĩ là thủ phạm, thường thường là vợ tôi. Tôi cảm thấy bị tổn thương vì nhà tôi không tôn trọng ý muốn của tôi. Tôi bảo nhà tôi biết bao nhiêu lần và yêu cầu thật nhẹ nhàng, nhưng chuyện ấy vẫn xảy ra. Vợ tôi nghĩ rằng hành động của tôi tức cười và hơi quá lố, và khi nhà tôi xin thêm chút thì giờ để giải quyết, thì nàng cứ để cho dĩa đồ ăn của mèo nằm ngâm trong bồn rửa chén. 

Mỗi khi tôi bắt gặp đồ ăn của mèo trong bồn là cuộc tranh luận leo thanh nhanh chóng thành một cuộc cãi vã dữ dội. Phần lớn vì tôi cảm thấy tức giận và tổn thương, và trên hết cơn giận "của tôi" và cái đau "của tôi" rất là chánh đáng, vì tôi biết rằng "tôi" đúng. Đồ ăn của mèo không thể nào để chung trong bồn rửa chén được! Mỗi khi việc ấy xảy ra, cái Ngã ở trong tôi trở nên mạnh vô cùng

Lúc sau này tôi để ý thấy ràng, vấn đề ấy không còn chi phối tôi nhiều như xưa nữa. Mặc dù tôi không hề cố gắng thay đổi cách xử sự của mình đối với việc ấy. Tôi vẫn có cùng một cảm nghĩ đó đối với đồ ăn của mèo, nhưng tôi cũng đã nhìn sự việc dưới một ánh mắt khác, với một ý thức rộng lớn hơn và một tinh thần cởi mở hơn. Bây giờ mỗi khi nó xảy ra, vẫn còn làm tôi bực mình, nhưng tôi thấy có chánh niệm về phản ứng của mình trong giây phút ấy và theo dõi nó. "Thì chỉ có vậy thôi", tôi tự nhắc nhở mình! 

Tôi quan sát cơn giận mỗi khi nó bắt đầu khởi lên trong tôi. Tôi thấy rằng thường thường nó bắt đầu bằng một cảm giác bất mãn nhẹ. Sau đó tôi nhận thấy có một cảm tưởng bị phản bội khuấy động lên khá mạnh. Người trong gia đình đã không tôn trọng lời yêu cầu của tôi, và tôi thấy cá nhân mình bị xúc phạm. Dù sau đi nữa tình cảm của tôi phải được người trong gia đình để ý đến chứ, phải không? 

Tôi đã thử nghiệm với những phản ứng của mình lúc đứng bên chậu rửa chén, bằng cách theo dõi chúng cẩn thận, mà không để bị sai xử. Tôi có thể nói rằng, cảm giác bất mãn ban đầu không đến nỗi tệ lắm và nếu tôi ở với nó, thở với nó, và cho phép mình thật sự cảm nhận, nó sẽ biến mất trong vòng đôi ba phút. Tôi cũng ghi nhận rằng, chính cảm giác bị phản bội, và ước muốn của tôi bị ngăn trở, những việc ấy đã làm tôi tức giận hơn là chuyện đồ ăn của mèo. Vì vậy, tôi khám phá là thật ra không phải đồ ăn mèo là nguồn gốc của cơn giận. Vì tôi cảm thấy mình không được người khác lắng nghe và tôn trọng. Buồn cười thay, nó không có liên hệ gì đến đồ ăn của mèo như tôi nghĩ! 

Và tôi nhớ rằng vợ con tôi nhìn vấn đề này dưới một ánh mắt rất khác. Họ cho là tôi chỉ làm lớn chuyện chẳng ra gì. Họ sẽ có gắng tôn trọng ước muốn của tôi khi nào họ cảm thấyhợp lý, còn những khi khác họ cứ việc làm theo ý họ, có lẽ chẳng nghĩ gì đến tôi. 

Và tôi cũng thôi xem đó là một việc có tính cách cá nhân. Khi nào tôi thật sự không muốn thấy đồ ăn của mèo trong bồn, thì tôi xắn tay áo lên và rửa hết chén bát ngay lúc ấy. Còn bằng không tôi cứ bỏ đó và đi nơi khác. chúng tôi không còn phải cãi lẫy về vấn đế ấy nữa. Sự thật là nhiều khi tôi còn mỉm cười mỗi khi bắt gặp chuyện ấy xảy ra. Dù sao đi nữa, nó cũng đã dạy tôi rất nhiều. 

Thực tập: Hãy quan sát phản ứng của bạn trong những trường hợp làm bạn bực mình hoặc nổi cơn giận. Ghi nhận rằng, ngay cả khi ta nói về một việc gì có thể làm mình nổi giận, là ta đã giao quyền hành của mình cho kẻ khác. Những trường hợp đó là một cơ hội rất tốt để ta kinh nghiệm chánh niệm như là một cái nồi, ta có thể bỏ mọi cảm tình của mình vào và có mặt với chúng, để cho chúng được nấu từ từ, tự nhắc nhở là ta được chín hơn, dễ tiêu hóa hơn, dễ hiểu hơn, ta chỉ cần giữ yên chúng trong chiếc nồi của chánh niệm

Quan sát những trường hợpcảm thọ ta là sản phẩm của quan điểm của mình về sự vật, và rất nhiều khi quan điểm ấy lại không được trọn vẹn. Bạn có thể nào để cho một vấn đề được tự nhiên, không cần bắt buộc mình phải là đúng hoặc sai? Bạn có kiên nhẫncan đảm đủ để thử bỏ những cảm thọ mạnh hơn rồi mạnh hơn nữa vào nồi, giữ chúng yên trong đó và nấu cho chin, thay vì phóng chiếu chúng ra bên ngoài và bắt thế giới này phải giống như là mình muốn bây giờ? Bạn có thấy rằng sự tu tập này có thể giúp bạn tự hiểu mình qua những lối khác nhau, và giải thoát ta ra được khỏi những quan điểm nhỏ hẹp và cũ kỹ? 

20.- LÀM CHA MẸ LÀ MỘT SỰ TU TẬP 

A.- Tôi bắt đầu học thiền vào năm mình được hai mươi mấy tuổi. Những ngày ấy tôi có nhiều thời giờ, tôi có thể tham dự đều đặn những khóa tu thiền kéo dài mười ngày hoặc hai tuần. Trong những khóa tu này, mỗi ngày các thiền sinh chỉ biết lo ngồi thiềnđi kinh hành trong chánh niệm, xen vào bằng những buổi ăn chay, hoàn toàn trong thinh lặng. Chúng tôi được hướng dẫn bởi những vị thiền sư nhiều kinh nghiệm, mỗi tối các ngài ban cho những bài pháp thoại, giúp thiền sinh đào sâumở rộng thêm sự tu tập của mình. Và thỉnh thoảng các vị ấy cũng gặp gở riêng mỗi người để xem sự tu tập của chúng tôi tiến triển ra sao? 

Tôi rất yêu thích những khóa tu này, vì nó giúp tôi gác lại hết những việc khác trong đời sống, đi đến một nơi tươi mát và thanh tịnh ngoài miền quê, được chăm sóc, và sống một cuộc đời vô cùng giản dị và trầm lặng. Nơi đây chương trình chánh của tôi chỉ có tu tập, tu tậptu tập

Nhưng bạn đừng nghĩ rằng nó là dễ. Thường thì tôi phải chịu đựng nhiều cơn đau ở thân vì phải ngồi yên trong nhiều giờ, và không có gì có thể so sánh được với cái đau tinh thần mà đôi khi khởi lên những lúc tâm và thân mình trở nên yên lặng và ít bận rộn. 

Khi chúng tôi quyết định có con, tôi biết rằng tôi phải gác chuyện đi tu tập lại, ít nhất là trong một thời gian. Tôi tự dặn lòng, lúc nào tôi cũng có thể trở lại khung cảnh thanh tịnh tu học ấy, khi con tôi trưởng thành đủ để không cần đến mình nữa. Hình ảnh một ông già trở về đời sống tu viện bao giờ cũng mang một nét rất thơ mộng. Viễn tượng là mình sẽ từ giả những khóa tu, hay ít nhất cũng sẽ phải bớt lại nhiều, không làm tôi phiền muộn gì, mặc dù tôi rất yêu quý chúng. Tôi quyết định rằng mình có thể xem việc có con như là một khóa tu thiền vậy, mà thật ra thì nó có đủ hết những yếu tố của một khóa tu, trừ ra sự thinh lặng và giản dị. 

Đối với tôi thì như thế này: Ta có thể xem mỗi đứa bé như là một em bé Phật hay một vị thiền sư, một vị thầy chánh niệm dạy riêng cho mình. Vị thầy ấy xuất hiện vào cuộc đời ta, mà sự hiện diện và hành động của ngài bảo đảm sẽ thử thách cũng như thử thách hết mọi niềm tingiới hạn của ta, mang lại những cơ hội giúp ta thấy được những vướng mắc của mình để buông bỏ. Mỗi đứa bé sẽ ban cho ta một khóa tu kéo dài ít nhất là mười tám năm, mà không thể nào bỏ về ngang được. Chương trình của khóa tu thì rất là nghiêm khắc và luôn luôn đòi hỏi ở ta một thái độ hy sinhtừ ái. Cuộc đời của tôi trước khi có con chỉ cần lo cho những nhu cầu và ước muốn cá nhân, hoàn toàn bình thường đối với một thanh niên. Trở thành bậc cha mẹ rõ ràng là một thay đổi lớn lao nhất trong cuộc đời tôi cho đến ngày hôm nay. Làm tròn bổn phận cha mẹ của mình đòi hỏi một cái thấy sáng suốt nhất, biết để cho những sự việc như - là, cũng như một sự buông bỏ lớn lao nhất mà tôi chưa bao giờ bị thử thách

Ví dụ, những đứa bé lúc nào cũng cần và đòi hỏi sự chăm sóc của ta. Những nhu cầu của chúng phải được thỏa mãn đúng theo chương trình của chúng, không phải của ta, và mỗi ngày, chứ không phải chỉ khi nào ta cảm thấy thích. Quan trọng hơn hết, những đứa bé và trẻ thơ rất cần sự có mặt trọn vẹn của ta để có thể phát triển và lớn lên mạnh mẽ. Chúng cần sự bồng ẵm càng nhiều càng tốt, ru hát, đùa giởn, vỗ về của ta, đôi khi trong những đêm khuya khoắt hay sáng sớm, khi ta cảm thấy mệt nhoài, kiệt sức chỉ muốn ngả lưng xuống giường, hoặc khi ta có những bổn phận, công việc gấp rút và quan trọng khác cần đến sự chú ý của mình. Những nhu cầu sâu xa và luôn thay đổi của đứa bé là những cơ hội tuyệt vời để cho bậc cha mẹ tập có mặt trọn vẹn trong chánh niệm, thay vì hoạt động như một người máy. Chúng ta phải biết cảm nhận được sự sống của mỗi đứa bé, và để cho sự linh hoạt, sống động và ngây thơ của chúng khơi dậy những điều ấy ở nơi ta. Tôi cảm thấy rằng, làm cha mẹ là một cơ hội tuyệt vời để tu tập chánh niệm thâm sâu, nếu tôi có thể cho phép gia đình và con cái tôi trở thành những vị thầy của mình, cũng như biết học hỏi và lắng nghe cẩn thận những bài học của cuộc sống, mà chúng sẽ đến rất nhanh và rất mãnh liệt. 

Cũng như những khóa tu nhiều ngày, ta sẽ có những thời gian thoải mái và những thời gian khó khăn, những giây phút kỳ diệu và những giây phút đau đớn. Cuối cùng, cái nguyên lý đem đời sống làm cha mẹ như một khóa tu, và tôn trọng những đứa bé và hoàn cảnh gia đình như là vị thầy của mình đã tự chứng minh được giá trị cũng như địa vị của nó, hết lần này đến lần khác. Làm cha mẹ là một công việc rất cực nhọc. Ngày xưa, đó là một công việc đủ cho mười người làm, mà thường thì chỉ có hai người, hoặc nhiều khi chỉ có một để cáng đáng mà thôi, và không có sách vở nào kèm theo với đứa bé để hướng dẫn ta cách săn sóc. Đây là một công việc khó nhất trên trái đất này, để ta có thể làm cho đúng, cho hay. Mà phần nhiều ta cũng không biết mình có làm đúng không, hoặc làm đúng, làm hay có nghĩa là thế nào! Và chúng ta cũng không có một ai được chuẩn bị trước hoặc huấn luyện để làm cha mẹ hết, chỉ có sự tự học trong khi thực hành, khi phải đối diện với chuyện này chuyện kia xảy ra. 

Ban đầu chúng ta cũng còn có được một vài cơ hội quý báu để tạm nghỉ ngơi trong chốc lát. Nhưng rồi công việc sẽ đòi hỏi sự đối phó thường xuyên của ta. Những đứa bé lúc nào cũng thử thách mức giới hạn của ta, để học hỏi, tìm hiểu thế giới chung quanh cũng như về chính nó. Và còn thêm nữa, khi những đứa bé phát triển và tăng trưởng, chúng sẽ thay đổi. Khi ta vừa tìm ra phương cách tốt đẹp để đối phó với một hoàn cảnh nào đó, thì chúng cũng đã thay đổi, chuyển sang một trường hợp mới mà ta chưa từng gặp bao giờ. Vì vậy lúc nào ta cũng phải giữ chánh niệm và có mặt để tránh khỏi bám víu vào một quan điểm đã không còn thích hợp nữa. Và dĩ nhiên, không có một quy tắc hay công thức đơn giản nào là duy nhất để xử sự cho "đúng" trong thế giới làm cha mẹ. Nó có nghĩa là lúc nào ta cũng phải đối diện với những hoàn cảnh thử tháchhoàn toàn mới lạ, và cùng một lúc, ta cũng sẽ đối diện với những việc làm lập đi lập lại hết lần này sang lần khác. 

Công việc làm cha mẹ sẽ còn nhiều thử thách hơn nữa, khi những đứa bé trưởng thành và phát triển ý kiến cũng như ý muốn riêng của chúng. Chăm sóc cho những nhu cầu của đứa bé là một chuyện rất là đơn giản, nhất là khi chúng chưa biết nói và thật dễ thương đáng yêu. Còn đối phó với những đứa lớn hơn một chút, không còn mấy dễ thương và đáng yêu, là một chuyện khác hẵn. Trong trường hợp này ta phải biết nhìn cho rõ và đáp ứng bằng một sự thông minh, vì dù sau đi nữa ta cũng là người lớn, và lúc nào cũng sẽ có một sự va chạm giữa hai ý muốn, chúng có thể tranh luận loanh quanh, chọc ghẹo nhau, đánh lộn, chống đối, cãi lời, đối phó với những hoàn cảnh cần sự hướng dẫn của ta, mặc dù có thể chúng sẽ không thèm nghe theo. Nói tóm lại, nó cần một sự đối phó thường xuyên mà ta sẽ không còn thì giờ cho chính mình nữa. Những trường hợp ta cảm thấy sự điềm tĩnh cũng như sự sáng suốt của mình bị "đảo lộn" thì nhiều vô số. Không có một lối thoát nào, một chỗ trốn nào, một sự che dấu nào có thể giúp ích cho mình hoặc cho chúng được. Những đứa con sẽ nhìn thấy hết tất cả những gì là của ta, từ sát bên trong và rất cận kề, như là những nhược điểm, cách cư xử, lỗi lầm, mâu thuẫn và những thất bại của ta. 

Nhưng những khó khăn ấy không phải là chướng ngại cho việc làm cha mẹ hoặc sự tu tập chánh niệm của ta. Chúng chính là sự tu tập chánh niệm, nếu ý thức được điều đó. Bằng không, đời sống làm cha mẹ có thể trở nên một gánh nặng mệt mỏi, và vì thiếu sức mạnhmục tiêu rõ rệt, ta có thể không thấy được và tôn trọng những cái hay đẹp trong con cái mình cũng như là trong ta. Những đứa trẻ có thể dễ bị thương tích và mất đi tuổi thơ, nếu nhu cầu và tâm hồn đáng yêu của chúng bị chối bỏ liên tục và không được biết đến. Những thương tích ấy sẽ tạo thêm vấn đề cho chúng và cho cả gia đình, như là sự thiếu tự tin, thiếu tự trọng, không có khả năng truyền thôngtranh đua. Những khó khăn ấy sẽ không biến mất khi chúng lớn lên mà nhiều khi lại còn gia tăng thêm. Và là bậc cha mẹ, chúng ta lại không biết cởi mở để thấy những dấu hiệu của sự thương tích ấy, và vì vậy ta không thể nào chữa lành những vết thương xuất phát từ hành động thiếu ý thức của ta. Cũng có khi nó rất là tinh tế, ta có thể dễ dàng trốn tránh và đổ thừa cho một nguyên do khác, rồi từ đó không chịu nhận lãnh những trách nhiệm thật sự là của mình. 

Rõ ràng là khi bấy nhiêu năng lượng của ta tuôn ra bên ngoài, chắc chắn phải có một nguồn năng lượng nào đó thỉnh thoảng đổ vào bên trong, thì mới có thể nuôi dưỡng và làm hồi sinh lại những bậc cha mẹ. Nếu không thì quá trình ấy sẽ không thể nào duy trì lâu dài được. Nhưng nguồn năng lượng ấy phát xuất từ đâu? Tôi nghĩ nó đến từ hai nơi: nhờ sự giúp đở ở bên ngoài từ người thân, bạn bè, nhà giữ trẻ và thỉnh thoảng từ những việc làm mà mình ưa thích; và nguồn năng lượng từ bên trong mà ta có thể có được nhờ thực hành thiền tập, nếu ta có thể bỏ ra chút thì giờ trong cuộc sống để giữ thanh tĩnh, để có mặt, để ngồi lại, hoặc tập Yoga, để tự nuôi dưỡng mình. 

Tôi ngồi thiền vào mỗi sáng sớm, vì đây là thời gian tất cả nhà đều yên tĩnh và tôi không bị ai quấy rầy, và cũng vì nếu tôi không ngồi thiền lúc ấy, thì có thể tôi vì quá bận rộn hoặc mệt mỏi mà sẽ không muốn ngồi nữa. Tôi cũng còn khám phá ra rằng, ngồi thiền vào buổi sáng sớm sẽ quyết định cho phẩm chất của trọn ngày. Nó sẽ là một sự nhắc nhở cũng như một sự xác nhận cho những gì thật sự quan trọng trong đời sống, và nó sắp đặt cho chánh niệm có thể lan rộng sang những lãnh vực khác trong ngày. 

Nhưng khi chúng ta có con nhỏ trong nhà thì buổi sáng sớm cũng chỉ như mọi thời gian khác mà thôi. Ta không thể cố chấp vào bất cứ một chuyện gì, vì việc nào ta muốn làm dù đã sắp đặt chu đáo đến mấy, cũng sẽ bị gián đoạn và đôi khi còn phải hoàn toàn bị bỏ dỡ. Những đứa con nhỏ của tôi ngủ rất ít. Dường như lúc nào nó cũng thức rất khuya và lại dậy thật sớm, nhất là nếu hôm ấy tôi quyết định sẽ ngồi thiền. Hình như chúng rình xem nếu tôi dậy thì chúng cũng sẽ thức dậy theo. Có ngày tôi phải thức dậy vào bốn giờ sáng mới có thể yên ổn ngồi thiền hoặc tập Yoga. Có những hôm tôi quá mệt mỏi, bỏ hết và thấy rằng chỉ có giấc ngủ mới quan trọng hơn cả. Và cũng có khi tôi ngồi thiền với đứa con trong lòng mình, và để cho chúng quyết định tôi sẽ ngồi được bao lâu. Chúng nó rất thích được quấn mình trong chiếc mền ngồi thiền, chỉ có cái đầu nhỏ lú ra, nhiều khi chúng ngồi yên rất lâu, trong khi tôi theo dõi hơi thở vào ra không phải của riêng tôi mà là của cả hai đứa. 

Ngày ấy tôi tin rằng, và bây giờ cũng thế, sự chánh niệm về thân và hơi thở của tôi, và sự xúc chạm trong khi ôm đứa con trong lòng, giúp nó cảm nhận được sự an ổn, cũng như khám phá được sự tĩnh lặng và một cảm giác được chấp nhận. Và sự thanh thản của chúng, chắc chắntrong sạchchân thật hơn tôi nhiều, vì tâm chúng chưa bị bận rộn bởi những ý nghĩ, lo lắng của người lớn, giúp tôi trở nên an ổn hơn, thanh thản hơn và có mặt hơn. Khi chúng lớn hơn một chút, tôi có thể tập Yoga trong khi chúng cởi trên lưng, leo lên vai hoặc đu đưa trên tay tôi. Có khi đùa giởn trên sàn nhà, chúng tôi tình cờ khám phá ra thêm những tư thế Yoga mới cho cả hai cùng tập. Sự đùa giởn thực tập không ngôn từ và trong chánh niệm này là một nguồn vui và hạnh phúc lớn cho tôi, một người cha, và là một mối liên hệ sâu sắc mà chúng tôi cùng chia xẻ

Khi những đứa con của mình càng lớn bao nhiêu, chúng ta lại càng quên đi rằng chúng là những vị thiền sư bấy nhiêu. Sự thực tập giữ chánh niệm, không phản ứng, và thấy rõ phản ứng của mình, sẽ càng lúc càng trở nên khó khăn hơn, khi ta dần dà mất đi tiếng nói của mình trong cuộc đời của chúng. Những thói quen, tập quán xa xưa lại bừng sống dậy thật mạnh mẽ, trước khi tôi kịp có ý thức về chúng. Kiểu mẫu về một người đàn ông trong gia đình,về thẩm quyền, làm sao thể hiện được quyền hành của mình, hạnh phúc của tôi trong gia đình ra sao, những mối tương quan giữa mọi người của mọi lứa tuổi và nhu cầu của họ... Mỗi ngày là một sự thử thách mới. Có lúc tôi cảm thấy mình bị tràn ngập, nhưng cũng có lúc rất là cô đơn. Chúng ta cảm thấy có một hố sâu càng lúc càng mở rộng. Dù biết rằng sự cách biệt ấy là cần thiết cho sự trưởng thànhkhám phá của đứa bé, dù biết rằng sự kiện ấy là lành mạnh, nhưng ta vẫn cảm thấy đau đớn. Đôi khi tôi quên rằng mình là người lớn và hành động như một đứa con nít. Mấy đứa con của tôi đã nhắc nhở và đánh thức tôi dậy rất nhanh, những khi chánh niệm của mình bị lơ là

Làm cha mẹđời sống gia đình là một môi trường tuyệt vời cho sự thực tập chánh niệm. Nhưng nó không phải dành cho những người yếu đuối, ích kỷ, lười biếng hoặc mơ mộng không thực tế. Làm cha mẹ là một tấm gương bắt ta phải tự soi lấy chính mình. Nếu bạn có thể học được từ những gì mình thấy, bạn sẽ có một cơ hội rất tốt để tiến triển

Một khi ta đã hiểu và chấp nhận rằng dù giữa hai người gần gũi nhau nhất cũng đang có mặt những khoảng cách vô tận, chúng ta sẽ có thể có một cuộc sống kỳ diệu bên nhau, nếu ta biết yêu quý cái khoảng cách giữa hai người ấy, vì nó giúp mỗi người có thể nhìn thấy được người kia một cách toàn vẹn trên nền trời. 
Rainer Maria Rilke, Letters 

Muốn đạt được một sự trọn vẹn đòi hỏi ta phải bỏ ra cả con người của mình. Không có thể ít hơn thế được, không có một điều kiện nào dễ hơn, không có một sự thay thế nào, cũng không có thể mặc cả được C. G. Jung 

Thực tập: Nếu bạn là bậc cha mẹ, hoặc ông bà, hãy thử tập xem con cháu mình như là những vị thầy. Đôi khi nên quan sát chúng trong thinh lặng. Lắng nghe chúng cẩn thận hơn. Đọc những tác động của chúng.Đánh giá tính tự trọng của chúng bằng cách theo dõi thái độ của chúng, chúng vẽ những hình ảnh gì, nhìn thấy gì, xử sự như thế nào. Nhu cầu của chúng trong giây phút này là những gì? Trong thời gian này trong ngày là gì? Ở giai đoạn này của cuộc đời chúng là những gì? Hãy tự hỏi: "Ta có thể giúp ích gì cho chúng được?". Rồi theo sự hướng dẫn của con tim mình. Và bạn nên nhớ rằng, lời khuyên răn của bạn là điều cuối cùng mà chúng muốn nghe, trừ khi đúng lúc, đúng thời và nếu bạn khéo léo. Bạn hãy lúc nào cũng có mặt trọn vẹn, cởi mở và có mặt, những điều đó là món quà rất lớn cho chúng. Và ôm chúng trong chánh niệm cũng rất là bổ ích. 

B.- Lẽ dĩ nhiên, ta cũng là một vị thầy rất quan trọng trong cuộc đời của những đứa con mình như chúng là thầy của ta vậy. Và ta nhận lãnh trách nhiệm này bằng cách nào sẽ ảnh hưởng rất lớn cho cuộc đời của chúng, cũng như là của chính ta. Tôi nghĩ rằng làm cha mẹ là làm một người giám hộ, theo nghĩa rộng, nhưng chỉ tạm thời mà thôi. Khi ta xem con cái như là "của mình", và hành xử chúng như là những sở hữu, để kiểm soátuốn nắn theo nhu cầu của ta, thì tôi tin rằng chúng ta đang có một vấn để rất lớn. Dù muốn dù không thì những đứa trẻ bao giờ cũng vẫn chính là chúng, mặc dù chúng cần tình thương và sự hướng dẫn của ta để có thể trở thành một con người toàn vẹn. Một người giám hộ hoặc người hướng dẫn giỏi cần rất nhiều trí tuệkiên nhẫn để có thể trao lại cho thế hệ kế tiếp những gì thật sự là quan trọng. Có một số người - trong đó có tôi - cần phải có một chánh niệm liên tục và sự thương yêu, để có thể bảo vệnuôi dưỡng những đứa bé trong khi chúng phát triển sức mạnh, quan điểmtài năng của chúng, trên một con đường mà sau này tự chúng có thể khám phá thêm thâm sâu hơn. 

Có những người rất ham thích phương pháp thiền tập, và họ rất muốn dạy cho con mình cách ngồi thiền. Điều này cũng có thể là một lỗi lầm lớn. Đối với tôi thì phương pháp hay nhất để truyền trao tuệ giác, phương pháp thiền tập, hay bất cứ cái gì cho con mình, nhất là khi chúng còn bé thơ, là tự mình phải sống đúng như thế: tự thể hiện những gì mình muốn truyền trao và im miệng lại. Vì khi ta càng nói về thiền tập bao nhiêu, càng ca tụng bao nhiêu, hoặc là khăng khăng bắt chúng phải làm theo, là ta càng khiến cho chúng ghét bỏ nó bấy nhiêu, có khi là trọn đời. Những đứa trẻ sẽ cảm nhận được sự vướng mắc của ta, một thái độ ép buộc và muốn thực hiện những niềm tin của riêng ta, chứ không phải là của chúng. Chúng biết con đường ấy là của ta chứ không dính dáng gì đến chúng. Và khi lớn lên, chúng có thể sẽ nhận thấy nơi đó một sự giả tạo, một khoảng cách rất xa giữa những gì ta nói và những gì ta làm. 

Nếu bạn thật sự thực hành thiền tập, chúng sẽ ý thứcnhận thấy điều ấy, và sẽ chấp nhận đó như là một phần của cuộc sống, như một sinh hoạt thường ngày. Đôi khi những đứa bé cũng sẽ tập tành và bắt chước những hành động khác của cha mẹ mình. Điều quan trọng là sự ham muốn học hỏithực hành thiền tập phải được bắt đầu phần lớn từ nơi chúng, và được thực hiện theo mức độ ưa thích của chúng. 

Một sự truyền dạy chân thật thường thường không cần đến ngôn ngữ. Những đứa con tôi đôi khi tập Yoga chung, vì chúng thấy tôi tập đều đặn. Nhưng nhiều khi chúng có những công chuyện khác quan trọng hơn và cũng chẳng thèm ngó ngàng gì đến. Chuyện ngồi thiền cũng thế. Nhưng chúng biết về thiền tập. Chúng có ý niệm thế nào là thiền tập. Chúng cũng biết tôi tôn trọng và chính mình thực hành việc ấy. Và khi nào muốn, chúng cũng sẽ biết cách ngồi thiền vì đã từng ngồi với tôi từ thuở còn bé. 

Nếu thật sự tu tập, bạn sẽ khám phá ra rằng, đôi khi cũng có những lúc thích hợp để ta khuyên dạy con mình về chuyện thiền tập. Những lời khuyên ấy có thể có hiệu quả, cũng có thể là không, nhưng chúng sẽ gieo trồng những hạt giống cho sự đâm hoa kết trái sau này. Một trong những trường hợp tốt là khi con chúng ta đang gặp chuyện sợ hãi hoặc cảm thấy khó ngủ. Đừng bao giờ làm quá lố, nhưng bạn có thể dạy cho chúng quan sát hơi thở, chậm lại một chút, tưởng tượng như đang thả trên một chiếc thuyền nhỏ trôi trên những ngọn sóng, theo dõi nỗi sợ hoặc cái đau, dùng trí tưởng tượng để "đùa chơi" với hoàn cảnh, rồi nhắc nhở chúng rằng đó chỉ là những hình ảnh trong đầu mà thôi, cũng giống như một cuộn phim vậy. Và chúng có thể thay đổi truyện phim, ý nghĩ, hình ảnh, màu sắc, và có thể sẽ cảm thấy vui vẻ trở lại nhanh chóng hơn và tự tin hơn. 

Đôi khi phương pháp này có hiệu quả đối với những đứa trẻ chưa đến tuổi đi học, đến lúc năm, sáu hoặc bảy tuổi, có thể chúng sẽ cảm thấy mắc cở hoặc cho đó là vớ vẩn. Nhưng giai đoạn ấy cũng sẽ qua, và rồi có lúc chúng sẽ cảm thấy thích hợp trở lại. Dù sau đi nữa thì những hạt giống cũng đã được gieo trồng, dạy cho chúng biết rằng có những con đường nội tâm để đối phó với sự sợ hãiđau đớn, và thường khi chúng sẽ trở lại với sự hiểu biết này sau khi đã lớn lên. Chúng học được từ một kinh nghiệm trực tiếp là mình không phải chỉ là ý nghĩcảm thọ mà thôi. Và điều ấy sẽ giúp cho chúng có được thêm nhiều sự chọn lựa, để tham dựảnh hưởng đến kết quả của những hoàn cảnh khác nhau. Chúng hiểu rằng, vì tâm người khác náo động, nó không có nghĩa là tâm của ta cũng sẽ phải giống như thế. 

21.- MỘT VÀI CẠM BẪY TRÊN ĐƯỜNG 

Nếu bạn đi theo con đường tu tập chánh niệm, trở ngại lớn lao nhất trên đường hành trình ấy chắc chắn sẽ là cái tâm suy nghĩ của bạn. 

Ví dụ, sẽ có những lúc bạn nghĩ rằng mình đã đạt đến một trình độ nào đó, nhất là khi bạn có được những giây phút an lạc, có thể đã vượt quá những kinh nghiệm thông thường. Bạn có thể mang trong đầu ý nghĩ, hoặc đôi khi phát biểu rằng, mình đã đạt được cái gì rồi, rằng phương pháp thiền tập đã có hiệu quả. Cái Tôi của ta bao giờ cũng cũng muốn xác nhậntuyên dương những cảm giác đặc biệt và sự hiểu biết mới ấy, bất cứ chúng là gì. Khi việc ấy xảy ra,ta không còn thực hành thiền tập nữa, mà ta đang trưng bày, quảng cáo. Chúng ta rất dễ bị dính mắc vào nơi đây lắm, xử dụng thiền tập để nuôi dưỡng cái tánh tự kiêu của mình. 

Một khi bị vướng mắc, ta sẽ không còn nhìn thấy sự vật được rõ ràng. Dù là một tuệ giác trong sáng, một khi đã bị ảnh hưởng bởi thứ suy nghĩ tự kỷ này, nó sẽ bị lu mờ thật mau chóng và mất đi tính chân thật. Thế cho nên, ta lúc nào cũng phải tự nhắc nhở rằng, mọi thứ tô màu cho cái "Tôi" và "của Tôi" chỉ là những dòng nước lũ của tư tưởng, chúng có thể cuốn ta trôi xa con tim mình và sự tinh khiết của một kinh nghiệm trực tiếp. Sự nhắc nhở này sẽ giữ cho chánh niệm luôn có mặt với ta, vào nhất lúc ta cần đến nó và có thể đang sống trong quên lãng. Nó giữ cho ta nhìn thật sâu, với một tinh thần quán xét và tò mò chân thật, lúc nào cũng tự hỏi: "Đây có nghĩa là gì?" 

Và cũng có thể đôi khi ta nghĩ rằng, sự tu tập của mình chẳng đi đến đâu. Không có việc gì ta mong muốn xảy ra, mà lại xảy ra. Nó có một cảm giác vô vị và chán chường. Và ở đây cũng thế, vấn đề là ở sự suy nghĩ của ta. Thật ra không có gì là sai với chuyện ta cảm thấy vô vị, chán chường hoặc chẳng đi đâu hết. Cũng như không có gì sai với cảm nghỉ là ta đã đạt được một cái gì, mà thật ra có thể là sự tu tập của ta đã có những dấu hiệu vững vàngthâm sâu hơn. Cạm bẫy là ở chỗ khi ta đem thổi phồng những kinh nghiệm và ý nghỉ ấy lên, và bắt đầu tin chúng là đặc biệt. Chỉ khi nào ta bị vướng mắc vào kinh nghiệm của mình thì sự tu tập của ta mới bị đứng dừng lại và sự sống của ta cũng sẽ bị khô cứng theo. 

Thực tập:Khi nào bạn nghĩ rằng mình đang tiến bộ hoặc mình chẳng đi đến đâu, bạn có thể tự hỏi những điều này: "Tôi phải đạt được đến đâu?", "Ai là người phải đạt được một điều gì?", "Tại sao lại có những trạng thái tâm thức mà ta khó có thể chấp nhận và có mặt hơn những trạng thái tâm thức khác?", "Tôi có thật sự thực tập chánh niệm trong giây phút hiện tại không, hay chỉ là bị dính mắc trong hình thức tu tập, rồi nhận lầm hình tướng với thực chất của nó?". "Tôi có xử dụng thiền tập như một phương tiện không?" 

Những câu hỏi này có thể giúp bạn cắt xuyên qua được những trạng thái bị dính mắc ấy, những thói quen vô ích, và những cảm xúc mạnh khống chế sự tu tập của ta. Chúng có thể đem ta trở lại với sự tươi mát và cái đẹp chân thật của mỗi giây phút. Có lẽ bạn đã quên hoặc không hiểu được rằng, thiền tập là một hoạt động của con người mà trong đó ta không cần phải đạt đến một nơi nào hết, chỉ đơn giản cho phép ta được có mặt ở tại đây và như ta đang là. Đây là một liều thuốc đắng, nhất là khi bạn không hài lòng với những gì đang xảy ra hoặc nơi chốn mình đang có mặt. Nhưng đôi khi ta cần phải uống toa thuốc đắng ấy. 

22.- CHÁNH NIỆM CÓ PHẢI LÀ TÂM LINH KHÔNG 

Nếu bạn tra chữ tâm linh (spirit) trong tự điển, bạn sẽ thấy nó bắt nguồn từ tiếng Latin, Spirare, có nghĩa là thở. Hơi thở vào là sự khởi đầu và hơi thở ra là sự chấm dứt. Từ đó chúng tavô số những hình ảnh liên kết tâm linh với hơi thở, như là năng lượng chủ yếu, tâm thức, linh hồn, ơn phước bề trên, một cái gì thần thánh, thiêng liêng và không thể diễn tả được. Nhưng chúng ta đã nhận thấy, sự quý giá và to tát của món quà ấy có thể sẽ không bao giờ được biết tới, nếu sự chú tâm của ta bị lôi kéo đến một nơi chốn nào khác. Tác dụng của chánh niệm là để đánh thức ta dậy với tính chất linh động của sự sống trong mỗi phút giây mà ta đang có. Với chánh niệm, mọi việc khởi đầu. Thật ra không có một việc nào lại không nằm trong lãnh vực của tâm linh

Tôi luôn tránh xử dụng danh từ tâm linh được chừng nào tốt chừng ấy. Tôithấy nó không cần thiết và cũng chẳng thích hợp trong công việc của mình ở nhà thương, đem sự thực tập chánh niệm vào môn y khoa và sự trị liệu, cũng như trong những môi trường hoạt động khác của tôi, như là với các cộng đồng thiểu số, ở nhà tù, trương học và với những tổ chức chuyên nghiệp, thể thao gia... Tôi cũng không thấy danh từ tâm linh thích hợp gì lắm đối với dường lối tu tập, phát triển và đào sâu của chính tôi. 

Nhưng ta cũng không hề chối bỏ rằng, thiền tập có thể được xem như là nền tảng của một phương pháp "tu tập tâm linh". Chi có điều tôi không hài lòng với sự thiếu chính xác, không hoàn toàn, và nhiều khi là lối giải nghĩa sai lầm của danh từ ấy. Thiền tập có thể là một con đường uyên thâm để tự phát triển, để tinh luyện quan điểm, cũng như tri giáctâm thức của mình. Nhưng theo tôi thấy, danh từ tâm linh đã tạo nên nhiều vấn đề hơn là nó có thể giải quyết

Có người nói về thiền tập như một "kỷ luật của tâm thức". Tôi thích lối diễn tả đó hơn là tu tập tâm linh, vì danh từ tâm linh có thể khơi dậy những ý niệm khác nhau tùy theo mỗi người. Những ý niệm này dù muốn dù không, cũng đã quấn bện vào trong niềm tin và những ước muốn nằm sâu trong tâm thức của mình, ít khi nào ta chịu khảo sát chúng cho kỹ. Ta đã để cho chúng ngăn cản không cho mình phát triển hoặc tin rằng rằng mình thật sự có khả năng ấy. 

Thỉnh thoảng cũng có những người đến gặp tôi trong nhà thương, họ nói rằng thời gian ở trong bệnh viện chuyên khoa về làm giảm sự căng thẳng, là một kinh nghiệm tâm linh lớn nhất mà họ đã từng có. Tôi rất mừng khi họ cảm thấy như vậy, vì nó xuất phát trực tiếp từ kinh nghiệm của chính họ về thiền tập, chứ không phải từ một lý thuyết, niềm tin hoặc một hệ thống tư tưởng nào. Tôi cho rằng mình hiểu người ấy muốn nói gì, nhưng tôi cũng biết rằng họ đang cố gắng diễn tả bằng ngôn từ những kinh nghiệm nội tâm vượt ra ngoài mọi nhãn hiệu. Và tôi cũng mong ước rằng bất cứ một kinh nghiệm hoặc tuệ giác nào, nó sẽ tiếp tục sống, mọc rễ và tăng trưởng trong họ. Hy vọng họ ý thức được sự tu tập không phải là để ta đi đâu hết, dù dó là những kinh nghiệm tâm linh an lạcthâm sâu chăng nữa. Hy vọng họ sẽ hiểu rằng chánh niệm vượt ra ngoài mọi ý thức, mong ước và ghét bỏ, rằng bây giờ và ở đây là một sân khấu mà sự việc đang khai triển không ngừng nghỉ. 

Ý niệm về tâm linh có thể giới hạn tư tưởng của ta thay vì mở rộng nó ra. Chuyện ấy rất thông thường, vì từ đó ta sẽ phân biệt cái này là tâm linh còn cái kia thì không. Khoa họa có thuộc về tâm linh không? Làm cha mẹ có là tâm linh không? Con chó có tâm linh không? Thân ta có tâm linh không? Tâm ta có tâm linh không? Sanh con thì sao? Chuyện ăn uốngtâm linh không? Vẽ, chơi nhạc, đi dạo, nhìn một đóa hoa thì sao? Thở có thuộc về tâm linh không, hay là leo núi? Câu trả lời rõ ràng là nó hoàn toàn tùy thuộc vào phương cách tiếp xúc của ta, có chánh niệmý thức hay không! 

Chánh niệm cho phép mọi vật chiếu tỏa sáng như là danh từ "tâm linh" đã gọi lên. Einstein có nói về một "cảm giác vũ trụ tôn giáo" mà ông đã kinh nghiệm được, khi suy tư về sự kết cấu cơ bản của thế giới vật lý. Nhà di truyền học nổi tiếng Barbara McClintock, công trình của bà đã từng bị khinh thường và bỏ qua trong nhiều năm, cho đến khi bà được công nhận bằng giải thưởng Nobel vào tuổi tám mươi,có nói về "một cảm giác đối với các sinh vật" trong một cố gắng khám phátìm hiểu sự phức tạp của tính di truyền trong cây bắp. Tôi nghĩ, cuối cùng thì tâm linh có nghĩa là kinh nghiệm được trực tiếp sự toàn vẹn và sự liên hệ mật thiết của mọi vật, thấy được cái một và tất cả thể nhập vào nhau, không có một cái nào là riêng rẽ và dư thừa. Nếu bạn có thể thấy được điều ấy thì mọi việc đều là tâm linh theo nghĩa sâu xa nhất. Phát triển khoa học cũng là tâm linh. Sự rửa chén cũng vậy. Chính kinh nghiệm nội tâm mới đáng kể và bạn phải thật sự có mặt. Những cái khác chỉ là tư tưởng mà thôi. 

Nhưng cùng một lúc bạn cũng phải cẩn thận, coi chừng khuynh hướng tự dối lừa, tự mê hoặc, tự kiêu của mình, và những sự thúc đẩy đi lợi dụng và sự tàn nhẫn đối với kẻ khác. Thời đại nào cũng đã có quá nhiều khổ đau gây nên bởi những kẻ bị dính mắc vào một quan điểm duy nhất về cái "chân lý" tâm linh. Và còn bao nhiêu nữa được gây ra bởi những kẻ núp sau tấm áo choàng tâm linh, sẵn sàng hại người khác cho tham vọng của mình. 

Hơn thế nữa, ý hướng về tâm linh của ta thường bao giờ cũng mang một màu sắc thiêng liêng hơn mọi điều khác. Những quan điểm nhỏ nhoi còn kẹt trong chữ nghĩa này, lại hay đặt để tâm linh lên trên những tính chất "thô lậu", "ô nhiễm", "mê lầm" của thân, tâm và vật chất. Bị rơi vào quan điểm ấy, người ta có thể lợi dụng danh nghĩa của tâm linh để đi trốn tránh cuộc đời

Trong lãnh vực thần thoại, ý niệm về tâm linh có mang một đặc tính hướng thượng và bốc lên, như James Hilmman và các nhà đề xướng môn Archetypal Psychology có đề cập đến. Năng lượng của tâm linh thăng hoa, vượt lên trên những tính chất trần tục của thế giới này, để tiến tới một thế giới vô sắc, đầy ánh sáng và tỏa chiếu, một thế giới khôngnhị nguyên, nơi đó mọi vật thể nhập lại làm một, thành một vũ trụ đồng nhất. Nhưng vì sự đồng nhất không phải là một kinh nghiệm thông thường của con người, nên câu chuyện không hề chấm dứt ở đó. Thường thì đó gồm có chín phần là mơ tưởng và chỉ có một phần là kinh nghiệm trực tiếp mà thôi. Hoài bảo của một sự đồng nhất về tâm linh, đạc biệt là ở tuổi trẻ, thường bị thúc đẩy bởi sự ngây thơ và mơ mộng, một khao khát muốn thoát khỏi mọi khổ đau và trách nhiệm của cuộc đời, mà trong đó có cả sự ẩm thấptối tăm

Ý tưởng về sự siêu việt (transcendence) có thể là một sự vượt thoát rất lớn. Đó là lý do trong nhà Phật, đặc biệtThiền tông, có nhấn mạnh về sự trở về với đời sống thường ngày, hoàn tất một vòng tròn, hay còn được gọi là "thỏng tay vào chợ". Nó có nghĩa là ta đứng vững vàng ở bất cứ một nơi nào, trong một hoàn cảnh nào, không trên cũng chẳng dưới, chỉ đơn giản có mặt nhưng thật trọn vẹn. Trong nhà thiền có câu "Phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ", là nếu ta có gặp Phật hay Tổ trên đường thì cứ thẳng tay giết các ngài. Nó có nghĩa là bất cứ một sự dính mắc nào trong khái niệm về Phật, về giác ngôi cũng đều còn cách xa mục tiêu. Bạn còn nhớ bài tập về thiền núi không? Hình ảnh ngọn núi mà ta xử dụng không phải chỉ là một đỉnh cao cách xa mọi nền tảng của sự sống. Nhưng nó ăn sâu vào nền tảng, đâm rễ vào đất đá, một thái độ sẵn sàng ngồi yênchịu đựng mọi tình trạng thời tiết, sương mù, mưa gió, nóng, lạnh, tuyết đá, hoặc nói theo từ ngữ của nội tâm là sự thất vọng, buồn lo, giận dữ, bối rốiđau khổ

Theo tôi nghĩ, đất đá là một biểu tượng cho linh hồn (soul) hơn là cho tâm linh (spirit). Chiều hướng của nó là đi xuống, và hành trình của linh hồn là một biểu tượng trở xuống, đi vào lòng đất. Nước cũng thế, là một biểu tượng của linh hồn, thể hiện yếu tố hướng hạ như trong bài thiền tập về mặt hồ, nước tích chứa ở những chỗ trũng thấp, có tính cách tiếp nhận, thường là lạnh lẽo và ẩm thấp

Cảm nhận của linh hồn được mọc rễ trong cái nhiều hơn là trong cái một, nó phát xuất từ một tự thể phức tạpmơ hồ. Nhưng câu truyện về linh hồn là những câu truyện của một hoài bảo, của sự liều chết, của sự chịu đựng tăm tối và đối diện với bóng đêm, của sự bị chôn vùi dưới lòng đất hoặc đáy nước, của sự lạc lõng và đôi khi hoàn toàn bối rối, nhưng lúc nào cũng kiên trìbền gan. Và chính nhờ sự bền gan ấy, cuối cùng ta cũng tiếp xúc lại được với tự thể châu báu của mình, ta bước ra từ bóng đêm và lòng đất tối tăm mà ta rất sợ hãi, nhưng phải đối diện. Tự thể quý báu ấy của ta lúc nào cũng có mặt ở đây, nhưng nó phải được khám phá lại một lần nữa, mới tinh, qua sự trầm mình trong bóng tối và khổ đau. Thật ra nó bao giờ cũng là của ta, cho dù người khác hoặc chính ta có nhận thấy được hay không. 

Những câu truyện thần tiên trong mọi nền văn hoá phần nhiều là truyện về linh hồn hơn là về tâm linh. Như người lùn trong câu truyện "Dòng nước của sự sống" là một hình ảnh của linh hồn. Câu truyện Cô Bé Lọ Lem cũng là truyện về linh hồn. Trong suốt câu truyện, có một sự chuyển hóa diễn biến trong nội tâm của nhân vật chánh, một sự trưởng thành, một sự tôi luyện và sau đó một con người mới toàn vẹn hơn xuất hiện. Đó là một con người đã được phát triển hoàn toàn, thể hiện được sự đồng nhất của linh hồntâm linh, của thăng và trầm, sắc và vô sắc

Thực hành thiền tập tự nó là một tấm gương phản chiếu hành trình tiến hóa và phát triển này. Nó phải trải qua biết bao nhiêu những thăng trầm. Không những bắt ta đối diện mà phải còn ôm chặt lấy nỗi đau và bóng tối, cũng như hạnh phúc và ánh sáng. Nó nhắc nhở chúng ta nên xử dụng bất cứ những gì xảy đến trong bất cứ một trường hợp nào, như là một cơ hội để quán chiếu, để mở rộng, để phát triển trong sức mạnhtuệ giác, và để đi theo con đường của chính mình. 

Đối với tôi, những danh từ "linh hồn" và "tâm linh" là những cố gắng để diễn tả kinh nghiệm làm người của mình, trong khi ta cố tự tìm hiểu và đi tìm một chỗ đứng cho mình trong cái thế giới kỳ lạ này. Không có một công trình tâm linh chân thật nào lại có thể thiếu phần linh hồn, cũng như không một công trình linh hồn nào lại không có phần tâm linh. Những con quỷ dữ, con rồng hung tợn, người lùn, bà phù thủy, hoàng tử và công chúa, ông vua, bà hoàng... trong truyện thần tiên, tất cả những nhân vật ấy, đều đang có mặt nơi đây, trong giờ phút này, để sẵn sàng chỉ dạy ta. Nhưng chúng ta phải biết lắng nghe, và phải có thái độ của bậc anh hùng, dám mang một hoài bảo lớn. Nhưng thật ra, dù ta có ý thức được hay không, nó cũng đã thâm nhập sâu xa vào trong cơ cấu của cuộc đời này, vì đó là sự sống của một con người toàn vẹn. Có lẽ một việc làm tâm linh nhất mà mỗi người chúng ta có thể làm, là nhìn bằng chính con mắt của mình, thấy được sự toàn vẹn và hành động với một nhân phẩmlòng từ ái. 

HẾT. 

 

Tạo bài viết
06/08/2017(Xem: 81846)
25/12/2015(Xem: 17885)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: