Phẩm 15 Tùng Địa Dũng Xuất

25/05/201012:00 SA(Xem: 12962)
Phẩm 15 Tùng Địa Dũng Xuất

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
GIẢNG GIẢI

Hoà thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Chân Không

 

PHẨM 15 TÙNG ĐỊA DŨNG XUẤT

 

Tùng Địa Dũng Xuất nghĩa là từ đất vọt mạnh lên. Ý nói chư Bồ-tát từ dưới đất nứt vọt lên rất nhiều. Phẩm An Lạc Hạnh Phật dạy người trì kinh Pháp Hoatruyền bá Pháp Hoa, phải tu bốn hạnh như đã nêu lên ở trước thì mới được an lạc. Vì Phật khuyến khích chư Bồ-tát và tất cả chúng nên duy trì kinh Pháp Hoa, để cho chúng sanh cõi Ta-bà được biết và thọ trì, vì vậy chư Bồ-tát phát nguyện thực hành.

CHÁNH VĂN:

1.- Lúc bấy giờ, các vị đại Bồ-tát ở cõi nước phương khác đông hơn số cát của tám sông Hằng, ở trong đại chúng đứng dậy chấp tay làm lễ mà bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Nếu bằng lòng cho chúng con lúc sau khi Phật diệt độ ở tại cõi Ta-bà này siêng tu tinh tấn, giữ gìn, đọc tụng, biên chép, cúng dường kinh điển này, thời chúng con sẽ ở trong cõi đây mà rộng nói đó."

Khi đó, Phật bảo các chúng đại Bồ-tát: "Thiện nam tử! Thôi đi chẳng cần các ông hộ trì kinh này. Vì sao? Vì cõi Ta-bà của ta tự có chúng đại Bồ-tát số đông bằng số cát của sáu muôn sông Hằng. Mỗi vị Bồ-tát có sáu muôn hằng hà sa quyến thuộc, những người đó có thể sau khi ta diệt độ hộ trì đọc tụng rộng nói kinh này."

GIẢNG:

 Phật khuyến khích các vị Bồ-tát nên duy trì kinh Pháp Hoa ở cõi Ta-bà, thì chư Bồ-tát ở phương khác phát nguyện xin được ở cõi Ta-bà tinh tấn gìn giữ, đọc tụng, biên chép, cúng dường kinh điển này, tại sao Phật lại từ chối? Vì ở cõi Ta-bà số chúng Bồ-tát và quyến thuộc đông không thể tính đếm được, sau khi Phật diệt độ có thể hộ trì đọc tụng rộng nói kinh này. Như vậy, có phải Phật dành phần thọ trì truyền bá kinh Pháp Hoa cho chư Bồ-tát, đệ tử của Phật không?

CHÁNH VĂN:

 2.- Lúc Phật nói lời đó, cõi Ta-bà ở trong tam thiên đại thiên cõi nước, đất đều rúng nứt, mà ở trong đó có vô lượng nghìn muôn ức vị đại Bồ-tát đồng thời vọt ra. Các vị Bồ-tát đó thân đều sắc vàng, đủ ba mươi hai tướng tốt cùng vô lượng ánh sáng, trước đây đều ở dưới cõi Ta-bà này, cõi đó trụ giữa hư không. Các vị Bồ-tát đó nghe tiếng nói của đức Thích-ca Mâu-ni Phật nên từ dưới mà đến. Mỗi vị Bồ-tát đều là bậc đạo thủ trong đại chúng, đều đem theo sáu muôn hằng hà sa quyến thuộc, huống là những vị đem năm muôn, bốn muôn, ba muôn, hai muôn, một muôn hằng hà sa quyến thuộc. Huống là nhẫn đến những vị đem một hằng hà sa, nửa hằng hà sa, một phần tư hằng hà sa, nhẫn đến một phần trong nghìn muôn ức na-do-tha phần hằng hà sa quyến thuộc. Huống là những vị đem nghìn muôn ức na-do-tha quyến thuộc, huống là đem ức muôn quyến thuộc, huống là đem nghìn muôn trăm muôn nhẫn đến một muôn, huống là đem một nghìn, một trăm nhẫn đến mười quyến thuộc, huống là đem năm, bốn, ba, hai, một người đệ tử. Huống lại là những vị riêng một mình ưa hạnh viễn ly, số đông vô lượng vô biên dường ấy, tính đếm thí dụ chẳng có thể biết được.

GIẢNG:

 Tới đây, lại có thêm những nghi vấn nữa là, tại sao chư Bồ-tát từ lòng đất rúng nứt vọt lên trụ trong hư không. Nếu từ lòng đất vọt lên thì các ngài không phải ở thế giới khác đến. Bồ-tát sao ở dưới đất nhiều vô số vậy? Phần nhiều lấy số sáu để định lượng, như vậy có hàm súc ý nghĩa gì đặc biệt?

CHÁNH VĂN:

3.- Các vị Bồ-tát đó từ dưới đất lên, đều đến nơi tháp đẹp bảy báu, chỗ của đức Đa Bảo Như LaiThích-ca Mâu-ni Phật, đến nơi rồi hướng về hai vị Thế Tôn mà đầu mặt lạy chân Phật, và đến chỗ các đức Phật ngồi trên tòa sư tử dưới cội cây báu, cũng đều làm lễ. Đi quanh bên mặt ba vòng, chấp tay cung kính, dùng các cách ngợi khen của Bồ-tát mà ngợi khen Phật, rồi đứng qua một phía, ưa vui chiêm ngưỡng hai đấng Thế Tôn.

Từ lúc các đại vị Bồ-tát do từ dưới đất vọt lêndùng các cách ngợi khen của Bồ-tát mà khen ngợi Phật, thời gian đó trải qua năm mươi tiểu kiếp.

Bấy giờ, đức Thích-ca Mâu-ni Phật nín lặng ngồi yên, cùng hàng tứ chúng cũng đều nín lặng, năm mươi tiểu kiếp, vì do sức thần của Phật, khiến hàng đại chúng cho là như nửa ngày.

 Bấy giờ, hàng tứ chúng cũng nhờ sức thần của Phật, thấy các Bồ-tát đầy khắp vô lượng nghìn muôn ức cõi nước hư không.

GIẢNG:

 Đoạn này lại có thêm nghi vấn nữa là, chư vị Bồ-tát từ dưới đất vọt lên đến đảnh lễ hai đức Phật, lễ xong thì tán thán khen ngợi, tán thán khen ngợi xong mất một khoảng thời gian là năm mươi tiểu kiếp. Chúng ta thấy đức Phật Thích-ca từ khi giáng sanh đến khi niết-bàn cho đến ngày nay chỉ có trên hai ngàn năm trăm năm (một tiểu kiếp bằng 16.800.000 năm) như vậy lẽ thật ở chỗ nào?

CHÁNH VĂN: 

4.- Trong chúng Bồ-tát đó có bốn vị Đạo sư: 1.- Thượng Hạnh. 2.- Vô Biên Hạnh. 3.- Tịnh Hạnh. 4.- An Lập Hạnh. Bốn vị Bồ-tát này là bậc thượng thủ xướng Đạo sư trong chúng đó, ở trước đại chúng, bốn vị đồng chấp tay nhìn đức Thích-ca Mâu-ni Phật mà hỏi thăm rằng: "Thưa Thế Tôn có được ít bệnh, ít não, an vui luôn chăng, những người đáng độ thọ giáo dễ chăng, chẳng làm cho đức Thế Tôn sanh mỏi nhọc chăng?" 

Khi đó, bốn vịđại Bồ-tát nói kệ rằng:

 Thế Tôn được an vui 

Ít bệnh cùng ít não,

Giáo hóa các chúng sanh

Được không mỏi nhọc ư?

Lại các hàng chúng sanh

 Thọ hóa có dễ chăng?

Chẳng làm cho Thế Tôn

 Sanh nhọc mệt đó ư? 

GIẢNG:

 Trong chúng Bồ-tát có bốn vị lãnh đạo là Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh, An Lập Hạnh. Hạnh có nghĩa là hành. Tại sao bốn vị Bồ-tát này đều có tên chung là Hạnh? Đây là phần ngộ Tri kiến Phật, tức là sống được với Tri kiến Phật. Người mà sống được với Tri kiến Phật, là đã thực hành đầy đủ công hạnh của bậc Bồ-tát, hoặc là hạnh bậc thượng, hoặc là hạnh vô biên, hoặc là hạnh thanh tịnh, hoặc là hạnh an lập. Những hạnh đó giúp cho người ngộ được Tri kiến Phật thoát khỏi phiền não trần lao, cũng như những Bồ-tát từ đất vọt lên giữa hư không.

CHÁNH VĂN:

5.- Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ở trong đại chúng Bồ-tát mà nói rằng: "Đúng thế! Đúng thế! Các thiện nam tử! Đức Như Lai an vui, ít bệnh, ít não, các hàng chúng sanh hóa độ được dễ, không có nhọc mệt.

 Vì sao? Vì các chúng sanh đó, từ nhiều đời nhẫn lại, thường được ta dạy bảo, mà cũng từng ở nơi các đức Phật quá khứ, cung kính, tôn trọng, trồng các cội lành. Các chúng sanh đó mới vừa thấy thân ta, nghe ta nói pháp, liền đều tin nhận, vào được trong huệ của Như Lai; trừ người trước đã tu tập học hạnh Tiểu thừa; những người như thế ta cũng khiến được nghe kinh này, vào trong huệ của Phật."

Lúc ấy, các vị đại Bồ-tát nói kệ rằng: 

 Hay thay! Hay thay! 

Đức Đại Hùng Thế Tôn

Các hàng chúng sanh thảy

Đều hóa độ được dễ

Hay hỏi các đức Phật 

Về trí huệ rất sâu

 Nghe pháp rồi tin làm

Chúng con đều tùy hỉ.

Khi đó, đức Thế Tôn khen ngợi các vị đại Bồ-tát thượng thủ: "Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Các ông có thể đối với đức Như Lai mà phát lòng tùy hỉ."

GIẢNG:

Đức Phật nhận rằng Ngài được cảnh thuận lợi nên giáo hóa dễ dàng cùng khắp không bỏ sót một ai. Phẩm này nằm trong phần Thị và Ngộ Tri kiến Phật. Phật chỉ cho chúng sanh nhận ra Tri kiến Phật. Song, Tri kiến Phật thì không có hình tướng, đã không hình tướng làm sao chỉ được? Vì vậy, mà Phật dùng những hình ảnh biểu trưng, để người được chỉ nhận ra nơi mình có sẵn Tri kiến Phật. Thế nên, ở đây mượn hình ảnh chư Bồ-tát từ lòng đất vọt lên. Hình ảnh này nói lên ý nghĩa gì? Trong quyển Góp Nhặt Cát Đá của Thiền sư Muju, do Đỗ Đình Đồng dịch có kể câu chuyện tên Giáo Lý Thượng Thừa:

Có một anh chàng mù đi thăm người bạn thân, vì là bạn thân nên khi gặp nhau nói chuyện quên ngày giờ. Nói mãi tới khuya, anh mù từ giã ra về. Anh bạn sáng mắt mới đốt cây đèn lồng đưa cho anh mù cầm đi đường. Anh mù cười nói:

 - Đối với tôi, đêm như ngày, ngày như đêm, đốt đèn làm gì?

Anh bạn sáng mắt giải thích:

- Anh hãy cầm cây đèn, người ta thấy anh, họ tránh, không đụng anh.

Anh bạn mù nghe nói có lý, nên nhận cây đèn lồng cầm đi về. Đi được nửa đường thì anh bị người đụng, anh la lên:

- Anh không thấy tôi sao?

Người đi đường nói: 

- Thưa, tôi không thấy anh.

Anh mù trách: 

- Tôi cầm cây đèn đây mà anh không thấy à?

Người đi đường đáp:

- Thưa bạn, cây đèn bạn đã tắt tự bao giờ!

Câu chuyện rất đơn giản thông thường, sao gọi là Giáo Lý Thượng Thừa? Trong nhà Phật, Trí được chia làm hai loại: Trí hữu sưTrí vô sư. Trí hữu sư là sự hiểu biết do nghe học ở sách vở, ở các bậc thiện tri thức chỉ dạy, nhờ đó mà được sáng. Trí vô sư là cái biết có sẵn nơi mình, không do học hỏi ở người hay sách vở, mà do tu hành, phiền não lóng lặng tâm thanh tịnh, trí tuệ phát sáng, thấy biết đúng như thật. Trọng tâm kinh Pháp Hoa là khai thị Tri kiến Phật ở nơi mỗi người, để rồi mỗi người tự ngộ nhập Tri kiến Phật của chính mình. Câu chuyện Giáo Lý Thượng Thừa nói lên ý nghĩa: Trí vô sư là cái có sẵn nơi mình, khi nó phát sáng thì thấy biết các pháp đúng như thật không lầm, tránh khỏi mọi tai ách khốn khổ và đi đúng đích. Nếu trí tuệ chưa sáng dù người khác có muốn giúp cũng không giúp được, ngay cả Bồ-tát hay Phật cũng không giải cho mình thoát khỏi ách nạn, sanh tử luân hồi. Thế nên, Trí vô sư là trí thiết yếu, mà mỗi người chúng ta cần phải phát minh. Người phát minh được Trí vô sư phải là bậc Thượng thừa mới thực hiện nổi, chớ hạng tầm thường thì không kham được. Xưa ngài Đức Sơn là người tinh thông Kinh Luật, từng giải kinh Kim Cang, nghe phương Nam Thiền tông thạnh hành, Sư bất bình nói: "Kẻ xuất gia ngàn muôn kiếp học oai nghi tế hạnh của Phật mà chẳng được thành Phật. Những kẻ ma ở phương Nam dám nói Trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật. Ta phải ruồng tận hang ổ của chúng, diệt hết những giống ấy để đền ơn Phật." Sư bèn khăn gói lên đường mang theo bộ Thanh Long Sớ Sao. Trên đường đi gặp bà già bán bánh, Sư bèn nghỉ chân bảo bà lấy ít bánh điểm tâm. Bà chỉ gánh kinh của Sư hỏi:

- Gói ấy là sách vở gì?

Sư bảo:

- Thanh Long Sớ Sao.

Bà hỏi:

- Thầy thường giảng kinh gì?

Sư đáp:

- Kinh Kim Cang.

Bà nói:

- Tôi có một câu hỏi, nếu Thầy đáp được, tôi xin cúng dường bánh điểm tâm. Bằng đáp chẳng được, mời Thầy đi nơi khác

Sư nhận lời. Bà hỏi:

- Kinh Kim Cang nói: "Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc." Xin hỏi Thượng tọa điểm tâm nào?

Sư không đáp được bèn lên đường đi Long Đàm.

Đến pháp đường gặp Long Đàm, Sư nói:

- Lâu nay nghe danh Long Đàm, đi đến nơi, đàm chẳng thấy mà long cũng không hiện.

Sùng Tín bảo:

- Ngươi đã gần đến Long Đàm.

Sư không đáp được, liền dừng lại đây.

Một đêm Sư đứng hầu, Sùng Tín bảo:

- Đêm đã khuya sao chẳng xuống?

Sư kính chào bước ra, lại trở vào, thưa:

- Bên ngoài trời tối đen.

Sùng Tín thắp đèn đưa Sư, Sư toan tiếp lấy, Sùng Tín liền thổi tắt. Ngay đó Sư đại ngộ, liền lễ bái. Sùng Tín hỏi:

- Ngươi thấy cái gì?

Sư thưa:

- Từ nay về sau chẳng còn nghi lời nói chư lão Hòa thượng trong thiên hạ.

Đức Sơn ngộ cái gì? Sư nói bên ngoài trời tối đen. Câu ấy chỉ trời tối mà cũng ngụ ý nói con đang mù mịt, không biết làm sao ngộ được Bản tánh của mình. Đức Sơn than tối, Sùng Tín cho đèn, nhưng Đức Sơn vừa cầm đèn thì Sùng Tín liền thổi tắt. Tại sao? Vì người tối dù cho có đèn cũng không thấy cũng không cứu cho được sáng. Khi Sùng Tín thổi tắt đèn, Đức Sơn mới chợt thấy rằng cái sáng phải tự nơi mình phát ra, chớ không phải từ người khác cho mà được, nên ngay đó đại ngộ. Chúng ta thấy lý Thiền cùng với lý kinh Đại thừa rất gần nhau. 

Câu chuyện sau đây cũng nói lên ý nghĩa này. 

Tuyết PhongNham Đầu là hai huynh đệ cùng học ở Đức Sơn, Nham Đầu đã đạt được lý Thiền, Tuyết Phong thì còn băn khoăn. Một hôm hai vị cùng đi đến Ngao Sơn, gặp trời trở tuyết nên dừng lại, Nham Đầu mỗi ngày cứ ngủ, Tuyết Phong một bề ngồi thiền. Một hôm Sư gọi:

- Sư huynh, Sư huynh hãy dậy.

Nham Đầu hỏi:

- Làm cái gì?

Sư nói:

 - Đời nay chẳng giải quyết xong, lão Văn Thúy đi hành khước đến nơi chốn, bị y chê cười, từ ngày đến đây sao chỉ lo ngủ?

Nham Đầu nạt:

- Ngủ đi! Mỗi ngày ngồi trên giường giống như thổ địa, ngày sau còn làm mê hoặc người.

Sư chỉ trong ngực nói:

- Tôi trong ấy còn chưa ổn, không dám tự dối.

- Nếu thật như thế, cứ chỗ thấy của ông mỗi mỗi thông qua, chỗ phải tôi sẽ chứng minh cho ông, chỗ chẳng phải tôi sẽ vì ông đuổi dẹp. 

- Khi tôi mới đến Diêm Quan, nghe nói nghĩa Sắc Không liền được chỗ vào.

- Từ đây đến ba mươi năm rất kỵ không nên nói đến.

Lạ chưa, ngộ được lý Sắc Không là quá hay, tại sao kỵ ba mươi năm không cho nói đến? - Vì ngộ lý Sắc Không chỉ là cửa không ở ngoài, chưa vào nhà. Nếu lấy đó cho là đủ thì bệnh.

Tuyết Phong lại nói:

- Tôi nghe bài kệ qua sông của ngài Động Sơn, ngay đó tôi liền tỉnh.

Ngài Động Sơn Lương Giới đang đi trên cầu nhìn xuống thấy bóng mình ở dưới sông, ngay đó Ngài làm bài kệ diễn đạt cái ngộ của Ngài. Sau này Tuyết Phong đọc có tỉnh ngộ. Khi thuật lại giai thoại này thì Nham Đầu nói:

- Nếu thế ấy tự cứu cũng chưa xong.

Tuyết Phong lại nói thêm:

- Sau, hỏi Đức Sơn: Việc Tông thừa tự trước con có phần chăng? Đức Sơn đánh một gậy hỏi:Nói cái gì? Tôi khi đó giống như thùng lủng đáy.

Thùng lủng đáy là ngộ suốt rồi. Vậy mà Nham Đầu nạt:

- Ông chẳng nghe nói "từ cửa vào chẳng phải của báu trong nhà"?

Trí vô sư là cái có sẵn nơi mình, không phải từ cửa vào, dù chúng ta hỏi, thiện tri thức tạo duyên cho chúng ta ngộ, ngộ đó là cái duyên bên ngoài chưa phải là của báu trong nhà, nó là của người ta, không phải của mình.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy rõ Trí hữu sư là cái biết từ ngoài huân vào, giống như của báu ở bên ngoài. Còn Trí vô sưcủa báu ở trong nhà, chỉ cần khai thác là phát sáng, giống như hòn ngọc quí để trong tủ, chỉ cần mở tủ ra là có của báu, không cần tìm kiếm ở đâu xa.

Tuyết Phong mới hỏi:

- Về sau làm thế nào mới phải?

Nham Đầu đáp:

- Về sau nếu muốn xiển dương Đại giáo, mỗi mỗi từ trong hông ngực mình lưu xuất, sau này cùng ta che trời che đất đi!

Từ trong hông ngực mình lưu xuất, tức là từ trong cái thân ngũ uẩn này mà phát ra chớ không phải ở ngoài vào. Qua ba câu chuyện vừa nêu, chúng ta hiểu được ý nghĩa của phẩm này. Bồ-tát nghĩa là tự giácgiác tha, mà giác là biết là trí, Bồ-tát ở tha phương là chỉ cho trí tuệ của người khác mà mình huân tập, là của báu ở bên ngoài, không phải của mình, thì không thể thọ trì kinh Pháp Hoa được nên Phật không nhận, mà chỉ nhận những vị Bồ-tát từ lòng đất vọt lên. Đấy là hình ảnh biểu trưng Trí vô sư tự nơi thân ngũ uẩn phát ra, chính là của mình, nó không sanh không diệt, mới có thể duy trì truyền bá kinh Pháp Hoa, tức là thể nhập Trí tuệ Phật.

Trở về nguồn, giai đoạn đầu Thái tử Sĩ-đạt-ta xuất gia học đạo với A-la-lam, tu chứng từ Sơ thiền đến Vô sở hữu xứ định. Qua Uất-đầu-lam-phất, tu chứng được Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Tuy đã chứng được tám bậc Thiền định ấy mà Ngài chưa thỏa mãn. Tại sao? Vì mục đích Ngài xuất giatìm ra manh mối của luân hồi sanh tử, mà con người ai cũng chấp nhận nó như một lẽ đương nhiên, không hề có ý muốn thoát ra cái vòng luẩn quẩn đó. Chí nguyện chưa đạt được, nên Ngài tới cội cây bồ-đề xếp chân ngồi, phát nguyện: "Nếu không thấy được chân lý, dù cho tan thân mất mạng cũng không đứng dậy." Thế là suốt bốn mươi chín ngày đêm Thiền quán, Ngài chứng ngộ thấy rõ manh mối của luân hồi sanh tử, và biết cách thoát ly ra khỏi sanh tử. Nên nói Ngài thành Phật. Như vậy, Phật thấy biết manh mối luân hồi sanh tử, ai dạy Ngài? Rõ ràng Trí vô sư có sẵn nơi Ngài hiển hiện tròn sáng, Ngài thấy biết tất cả. Nên Ngài tuyên bố Ngài học đạo không có thầy. Nếu Ngài thỏa mãn với tám tầng thiền của A-la-lam và Uất-đầu-lam-phất thì Ngài học đạo có thầy. Nhưng điều Ngài muốn khám phá thì không ai chỉ dạy, mà do chính Ngài tu Thiền định, tâm thanh tịnh trí tuệ sáng ra, thông suốt các pháp không còn nghi ngờ. Đó là Trí vô sư không sanh không diệt hiển hiện nơi Ngài, nê�n Ngài thoát khỏi luân hồi sanh tử. Còn Trí hữu sư do huân tập từ bên ngoài mà được, do huân tập nên động, do động nên sanh diệt, còn sanh diệt nên chưa thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Vậy, thọ trì kinh Pháp Hoathọ trì Tri kiến Phật, để được thành Phật.Điều này nói ra thì khó tin, kỳ thật rõ ràng là vậy, vì chính bản thân tôi đã nghiệm thấy điều này. Xưa, tôi làm Tri tạngẤn Quang nên đọc hết Đại tạng, đọc tới kinh Đại thừaNgữ lục của Thiền sư, tôi không hiểu gì cả, thầm tự nói rằng mình không có phần với Đại thừa với Thiền tông. Nhưng qua một thời gian tu, tâm được yên, một hôm bất chợt đọc qua những câu kinh luậnngày xưa không hiểu nay hiểu dễ dàng. Từ đó tôi đem Đại tạng, Ngữ lục của Thiền sư ra đọc, đọc tới đâu hiểu tới đó, hiểu rõ như ban ngày. Vậy lúc đó tôi học với ai? Rõ ràng chính khi tâm an định thì trí tuệ phát sáng, đó là Trí vô sư có sẵn ở mỗi người. Tuy nhiên, chỉ lóe sáng chút thôi, vì sức định của tôi chưa sâu, nếu định sâu thì hoàn toàn sáng như Phật. Trí vô sư ai ai cũng có, chỉ vì vô minh phiền não phủ che nên không sáng. Phá được vô minh thì ngay nơi mỗi người trí tuệ hiện sáng. Vì vậy mà nói Thượng thừa hay Phật thừa, cốt làm sao cho trí tuệ từ nơi mình phát sáng, chớ không phải huân tập sự hiểu biết từ bên ngoài vào, đó là điều thiết yếu của người tu.

Có nhiều vị tu sĩ học giỏi, nhớ kinh điển nhiều, nói pháp hay, nhưng không bao lâu cởi áo hoàn tục lập gia đình, lắm người thắc mắc: Thầy đó thông minh, rất thông hiểu Phật pháp, nhưng tại sao bỏ tu cởi áo hoàn tục? Điều này không có gì lạ, sự hiểu biết mà vị Sư ấy có là do huân tập của người, nó là cái động luôn luôn sanh diệt. Cái vay mượn của người không phải của báu trong nhà, nên không thể cứu được mình. Khi nào Trí vô sư phát sáng thì mới cứu được mình. Vì vậy nên ở đây các vị Bồ-tát đều có tên là Hạnh tức là phải thực hành, thì Trí vô sư mới hiện.

Ở đây cái không thể chỉ được, mà Phật đã khéo dùng hình ảnh biểu trưng, để cho chúng ta nhân hình ảnh đó mà nhận ra cái Phật muốn chỉ. Cũng vậy, trong nhà Thiền, các Thiền sư cũng áp dụng thuật này, nhờ tu thiềnchúng ta sáng được lý kinh. Thế nên, ngài Khuê Phong nói "nhân tu thiền mà sáng được kinh, nhờ học kinh mà rõ được thiền", thiền giáo hỗ tương nhau. Vậy kinh Pháp Hoa có dạy tu thiền không? Rõ ràng nhắm thẳng Trí vô sư có sẵn nơi mỗi người, mà khai thác bằng phương tiện tu Thiền định, để cho sáng tỏ. Tuy nhiên, đối với người chưa phát minh được Trí vô sư thì phải học. Đầu tiên phải nhờ thầy hướng dẫn phương pháp ban đầu, trước tạm dùng Trí hữu sư, rồi sau đó mới ứng dụng tới chỗ tột đỉnh; cái tột đỉnh đó là của mình không phải là cái của thầy dạy.

CHÁNH VĂN:

 

6.- Bấy giờ, ngài Di-lặc đại Bồ-tát cùng tám nghìn hằng hà sa các chúng Bồ-tát đều nghĩ rằng: "Chúng ta từ xưa nhẫn lại, chẳng thấy, chẳng nghe các chúng đại Bồ-tát như thế, từ dưới đất vọt lên, đứng trước đức Thế Tôn, chấp tay cúng dường thăm hỏi Như Lai."

 

Lúc đó, ngài Di-lặc Bồ-tát biết tâm niệm củatám nghìn hằng hà sa chúng Bồ-tát, cùng muốn tự giải quyết chỗ nghi của mình, bèn chấp tay hướng về phía Phật, nói kệ hỏi rằng:

Vô lượng nghìn muôn ức

Các Bồ-tát đại chúng

Từ xưa chưa từng thấy

Nguyện đấng Lưỡng Túc nói

Là từ chốn nào đến

Do nhân duyên gì nhóm

Thân lớn đại thần thông

Trí huệ chẳng nghĩ bàn

Chí niệm kia bền vững

Có sức nhẫn nhục lớn

Chúng sanh chỗ ưa thấy

Là từ chốn nào đến?

Mỗi mỗi hàng Bồ-tát

Đem theo các quyến thuộc

Số đông không thể lường

Như số Hằng hà sa

Hoặc có đại Bồ-tát

Đem sáu muôn hằng sa

Các đại chúng như thế

Một lòng cầu Phật đạo.

Những Đại sư đó thảy

Sáu muôn hằng hà sa

Đều đến cúng dường Phật

Cùng hộ trì kinh này.

Đem năm muôn hằng sa

Số này hơn số trên

Bốn muôn và ba muôn

Hai muôn đến một muôn

Một nghìn một trăm thảy,

Nhẫn đến một hằng sa,

Nửa và ba bốn phần

Một phần trong ức muôn

Nghìn muôn na-do-tha,

Muôn ức các đệ tử

Nhẫn đến đem nửa ức

Số đông lại hơn trên.

Trăm muôn đến một muôn

Một nghìn và một trăm

Năm mươi cùng một mươi

Nhẫn đến ba, hai, một

Riêng mình không quyến thuộc

Ưa thích ở riêng vắng

Đều đi đến chỗ Phật

Số đây càng hơn trên.

Các đại chúng như thế

Nếu người phát thẻ đếm

Quá nơi kiếp hằng sa

Còn chẳng thể biết hết.

Các vị oai đức lớn

Chúng Bồ-tát tinh tấn

Ai vì đó nói pháp

Giáo hóa cho thành tựu

Từ ai, đầu phát tâm?

Xưng dương Phật pháp nào?

Thọ trì tu kinh gì?

Tu tập Phật đạo nào?

Các Bồ-tát như thế

Thần thông sức trí lớn

Đất bốn phương rúng nứt

Đều từ đất vọt lên

Thế Tôn! Con từ xưa

Chưa từng thấy việc đó

Xin Phật nói danh hiệu,

Cõi nước của kia ở.

Con thường qua các nước

Chưa từng thấy chúng này

Con ở trong chúng đây

Bèn chẳng biết một người

Thoạt vậy từ đất lên

Mong nói nhân duyên đó.

Nay trong đại hội này

Vô lượng trăm nghìn ức

Các chúng Bồ-tát đây

Đều muốn biết việc này

Hàng Bồ-tát chúng kia

Gốc ngọn nhân duyên đó

Thế Tôn đức vô lượng

Cúi mong quyết lòng nghi.

 

 

GIẢNG:

 

Khi ấy vô số Bồ-tát từ đất vọt lên hư không, đứng trước đức Thế Tôn chấp tay cúng dường thăm hỏi Như Lai, thì Bồ-tát Di-lặc và tám ngàn Bồ-tát ở phương khác khởi nghi, nên thưa thỉnh Phật giải nghi. Như trước đã nói, Di-lặc Bồ-tát biểu trưng cho thức, và tám ngàn vị Bồ-tát ở phương khác biểu trưng cho cái biết phân biệt của tám thức ở bên ngoài. Vì là thức nên không thể nhận ra Tri kiến Phật. Nên mới nghi và thưa hỏi Phật. Tại sao thức cũng gọi là Bồ-tát? Vì thức nào cũng có tri giác, song vì còn phân biệt cho nên gọi là thức. Nếu hết niệm phân biệt, chỉ còn tri giác thanh tịnh thì gọi là trí, đã là trí thì không nghi ngờ không thưa hỏi.

 

CHÁNH VĂN:

 

7.- Khi ấy, các vị Phật của đức Thích-ca Mâu-ni phân thân, từ vô lượng nghìn muôn ức cõi nước ở phương khác đến, ngồi xếp bằng trên tòa sư tử, dưới các cội cây báu nơi trong tám phương. Hàng Thị giả của Phật đó, đều thấy đại chúng Bồ-tát ở bốn phương cõi tam thiên đại thiên, từ đất vọt lên trụ trên hư không, đều bạch với Phật mình rằng: "Thế Tôn! Các đại chúng vô lượng vô biên a-tăng-kỳ Bồ-tát đó, từ chốn nào mà đến?"

 

Lúc ấy các đức Phật đều bảo Thị giả: "Các thiện nam tử! Hãy chờ giây lát, hiện có vị đại Bồ-tát tên là Di-lặc, là vị mà đức Thích-ca Mâu-niPhật thọ ký kế đây sẽ làm Phật đã hỏi việc đó, đức Phật sẽ đáp, các ông tự đương, nhân đây mà được nghe."

 

GIẢNG:

 

 Tôi lặp lại, Di-lặc biểu trưng cho thức, vì là thức phân biệt nên không hiểu được Tri kiến Phật. Và Phật hóa thân, Bồ-tát hóa thân thì không thật, bởi không thật nên không biết được Tri kiến Phật nên mới nghi và thưa hỏi. Trí vô sư biểu trưng qua hình ảnh Bồ-tát, không hạn cuộc bởi thời giankhông gian, nói lâu mau hay nói nhỏ lớn đều không khác. Vì vậy mà ở đây nói các vị Bồ-tát vọt lên hư không đông vô số đầy khắp mười phương, tán thán Phật lâu khoảng năm mươi tiểu kiếp... đó là để nói Trí vô sư không hình tướng, không bị vô thường sanh diệt chi phối, nên Hóa thân Phật, Hóa thân Bồ-tát không thể hiểu tới.

 

CHÁNH VĂN:

 

8.- Bấy giờ đức Thích-ca Mâu-ni Phật bảo ngài Di-lặc Bồ-tát: "Hay thay! Hay thay! A-dật-đa, bèn có thể hỏi Phật việc lớn như thế, các ông phải chung một lòng, mặc giáp tinh tấn, phát ý bền vững. Nay đức Như Lai muốn hiển phát tuyên bày trí huệ của các đức Phật, sức thần thông tự tại của các đức Phật, sức sư tử mạnh nhanh của các đức Phật, sức oai thế mạnh lớn của các đức Phật."

 

Khi đó, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

 

Phải một lòng tinh tấn

Ta muốn nói việc này

Chớ nên có nghi hối

Trí Phật chẳng nghĩ bàn

Ông nay gắng sức tin

Trụ nơi trong nhẫn thiện

Chỗ pháp xưa chưa nghe

Nay đều sẽ được nghe

Nay ta an ủi ông

Chớ ôm lòng nghi sợ

Phật không lời chẳng thiệt

Trí huệ chẳng nghĩ bàn

Phật được pháp bậc nhứt

Rất sâu khó phân biệt

Như thế nay sẽ nói

Các ông một lòng nghe.

 

 

GIẢNG:

 

 Phật nói Bồ-tát Di-lặc nghi ngờ muốn hiểu, đó là điều đáng khen. Nhưng nếu muốn biết việc đó trước phải tinh tấn, phải phát ý bền vững mới có thể nghe hiểu được. Vì Như Lai muốn hiển phát tuyên bày trí tuệ, sức thần thông tự tại, sức sư tử mạnh nhanh, sức oai thế mạnh lớn của Phật. Việc này của Phật chỉ có Trí vô sư khi đã sạch vô minh phiền não mới có thể hiểu tới.

 

CHÁNH VĂN:

 

9.- Khi đức Thế Tôn nói kệ đó, bảo ngài Di-lặc Bồ-tát:

 

- Nay ta ở trong đại chúng này, tuyên bảo các ông. A-dật-đa! Các hàng đại Bồ-tát vô lượng vô số a-tăng-kỳ, từ dưới đất vọt ra mà các ông từ xưa chưa từng thấy đó, chính ta ở cõi Ta-bà lúc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi, giáo hóa chỉ dẫn các Bồ-tát đó, điều phục tâm kia khiến phát đạo tâm.

 

Các vị Bồ-tát đó, ở phía dưới cõi Ta-bà, cõi đó trụ giữa hư không, ở trong các kinh điển đọc tụng thông lẹ, suy gẫm rõ hiểu, nghĩ tưởng chân chánh. A-dật-đa! Các thiện nam tử đó chẳng thích ở trong chúng nhiều nói bàn, thường ưa chỗ vắng, siêng tu tinh tấn, chưa từng thôi dứt. Cũng chẳng nương tựa người trời mà ở, thường ham trí huệ sâu, không có chướng ngại, cũng thường ham nơi pháp của đức Phật, chuyên lòng tinh tấn, cầu huệ Vô thượng.

 

Lúc đó, đức Thế Tôn muốn nói lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

 

A-dật ông nên biết!

Các Bồ-tát lớn này

Từ vô số kiếp lại

Tu tập trí huệ Phật,

Đều là ta hóa độ

Khiến phát đại đạo tâm.

Chúng đó là con ta

Y chỉ thế giới này

Thường tu hạnh đầu-đà

Chí thích ở chỗ vắng

Bỏ đại chúng ồn náo

Chẳng ưa nói bàn nhiều,

Các vị đó như thế

Học tập đạo pháp ta

Ngày đêm thường tinh tấn

Vì để cầu Phật đạo

Ở phương dưới Ta-bà

Trụ giữa khoảng hư không

Sức chí niệm bền vững

Thường siêng cầu trí huệ

Nói các món pháp mầu

Tâm kia không sợ sệt.

Ta ở thành Già-da

Ngồi dưới cội bồ-đề

Thành bậc tối Chánh giác

Chuyển pháp luân Vô thượng

Rồi mới giáo hóa đó

Khiến đầu phát đạo tâm

Nay đều trụ bất thoái

Đều sẽ được thành Phật.

Nay ta nói lời thiệt

Các ông một lòng tin

Ta từ lâu xa lại

Giáo hóa các chúng đó.

 

 

GIẢNG:

 

Ở đây diễn tả các vị Bồ-tát ở phía dưới cõi Ta-bà trụ giữa hư không, đọc tụng thông lẹ, suy gẫm rõ hiểu, nghĩ tưởng chân chánh, không thích ở trong chúng nói bàn nhiều, ưa chỗ thanh vắng... Rõ ràng là chỉ tâm hạnh của người tu, Trí vô sư có sẵn nơi mỗi người, nó không có tướng mạo, không có dấu vết, khi vô minh phiền não dấy khởi thì có tướng mạo có vết tích, khi vô minh phiền não lặng xuống và hết sạch thì Trí vô sư sáng ra mà không hình tướng không dấu vết. Vì vậy nên nói ở giữa hư không dưới cõi Ta-bà. Đó là biểu trưng Trí vô sư ẩn dưới lớp vô minh phiền não; nó không hình tướng mà không phải không. Và muốn cho Trí vô sư phát sáng thì phải phá vô minh phiền não, vô minh phiền não mà được dứt trừ là phải nhờ an định. Nên nói không ưa chỗ chúng đông nói bàn nhiều, thích ở chỗ thanh vắng, và siêng năng tinh tấn chưa từng thôi dứt. Không nương tựa ở trời người, chỉ mong cầu Trí tuệ Vô thượng tức là Trí tuệ Phật. Đó là diễn tả tâm hạnh của Bồ-tát.

 

Muốn được Trí tuệ Phật là phải Thiền định để phá dẹp vô minh phiền não và hằng sống với Trí tuệ Phật của chính mình.

 

 Trong luận Đại Thừa Khởi Tín, ngài Mã Minh trình bày về phần tịnh huân giống như trên. Nghĩa là do Pháp thân thanh tịnh làm gốc, tịnh huân dần dần cho đến khi viên mãn thì phá sạch vô minh phiền não, liền phát ra vô số diệu dụng. Đó là hình ảnh đức Phật giáo hóa vô số Bồ-tát từ dưới đất vọt lên giữa hư không. Các vị Bồ-tát là chỉ cho cái tịnh huân đã viên mãn, thì lúc đó diệu dụng của trí tuệ không thể nghĩ bàn.

 

CHÁNH VĂN:

 

10.- Lúc bấy giờ, ngài Di-lặc đại Bồ-tát cùng vô số chúng Bồ-tát, lòng sanh nghi hoặc, lấy làm lạ chưa từng có mà nghĩ rằng: "Thế nào đức Thế Tôn ở trong thời gian rất ngắn mà có thể giáo hóa vô lượng vô biên a-tăng-kỳ các đại Bồ-tát đó, làm cho trụ nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác."

 

Liền bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Đức Như Lai lúc làm Thái tử rời khỏi cung dòng Thích, ngồi nơi đạo tràng cách thành Già-da chẳng bao xa, được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Từ đó đến nay mới hơn bốn mươi năm, đức Thế Tôn thế nào ở trong thời gian ngắn đó làm nên Phật sự lớn! Do thế lực của Phật, do công đức của Phật, giáo hóa vô lượng chúng Bồ-tát lớn, như thế sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

 

Thế Tôn! Chúng đại Bồ-tát này giả sử có người trong nghìn muôn ức kiếp đếm không thể hết, chẳng được ngằn mé, chúng đó từ lâu nhẫn lại, ở nơi vô lượng vô biên các đức Phật, trồng các cội lành, thành tựu đạo Bồ-tát, thường tu phạm hạnh.

 

Thế Tôn! Việc như thế đời rất khó tin. Thí như có người sắc đẹp, tóc đen tuổi hai mươi lăm, chỉ người trăm tuổi, nói đó là con của ta. Người trăm tuổi nọ cũng chỉ gã tuổi nhỏ, nói là cha ta, đẻ nuôi ta thảy, việc đó khó tin. Đức Phật cũng như thế. Từ lúc thành đạo nhẫn đến nay, kỳ thiệt chưa bao lâu, mà các đại chúng Bồ-tát đó, đã ở nơi vô lượng nghìn muôn ức kiếp, vì Phật đạo nên siêng tu tinh tấn, khéo nhập xuất trụ nơi vô lượng nghìn muôn ức tam-muội, được thần thông lớn, tu hạnh thanh tịnh đã lâu, khéo hay thứ đệ tập các pháp lành, giỏi nơi vấn đáp, là báu quí trong loài người, tất cả thế gian rất là ít có.

 

Ngày nay đức Thế Tôn mới nói, lúc được Phật đạo, bắt đầu khiến kia phát tâm, giáo hóa chỉ dạy dìu dắt, làm cho kia hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đức Thế Tôn thành Phật chưa bao lâu mà có thể làm được việc công đức lớn này.

 

 Chúng con dầu lại tin Phật tùy cơ nghi nói pháp, lời Phật nói ra chưa từng hư vọng, chỗ Phật biết thảy đều thông suốt, nhưng các Bồ-tát mới phát tâm, sau khi Phật diệt độ, nếu nghe lời này hoặc chẳng tin nhận, sanh nhân duyên tội nghiệp phá chánh pháp.

 

Kính thưa Thế Tôn! Mong vì chúng giải nói trừ lòng nghi của chúng con và các thiện nam tử đời vị lai nghe việc này rồi cũng chẳng sanh nghi."

 

Lúc đó, ngài Di-lặc muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

 

Phật xưa từ dòng Thích

Xuất gia gần Già-da

Ngồi dưới cây bồ-đề

Đến nay còn chưa xa.

Các hàng Phật tử này

Số đông không thể lường

Lâu đã tu Phật đạo

Trụ nơi sức thần thông

Khéo học đạo Bồ-tát

Chẳng nhiễm pháp thế gian

Như hoa sen trong nước

Từ đất mà vọt ra

Đều sanh lòng cung kính

Đứng nơi trước Thế Tôn,

Việc đó khó nghĩ bàn

Thế nào mà tin được

Phật được đạo rất gần

Chỗ thành tựu rất nhiều

Mong vì trừ lòng nghi

Như thiệt phân biệt nói

Thí như người trẻ mạnh

Tuổi mới hai mươi lăm

Chỉ người trăm tuổi già

Tóc bạc và mặt nhăn:

Bọn này của ta sanh

Con cũng nói là cha

Cha trẻ mà con già

Mọi người đều chẳng tin.

Thế Tôn cũng như thế

Được đạo đến nay gần

Các chúng Bồ-tát này

Chí vững không khiếp nhược

Từ vô lượng kiếp lại

tu đạo Bồ-tát.

Giỏi nơi gạn hỏi đáp

Tâm kia không sợ sệt

Nhẫn nhục lòng quyết định

Đoan chánh có oai đức

Mười phương Phật khen ngợi

Khéo hay phân biệt nói

Chẳng thích ở trong chúng

Thường ưa ở Thiền định,

Vì cầu Phật đạo vậy

Trụ hư không phương dưới.

Chúng con từ Phật nghe

Nơi việc này không nghi

Nguyện Phật vì người sau

Diễn nói khiến rõ hiểu,

Nếu người ở kinh này

Sanh nghi lòng chẳng tin

Liền phải đọa đường dữ

Mong nay vì giải nói:

Vô lượng Bồ-tát đó

Thế nào thời gian ngắn

Giáo hóa khiến phát tâm

Mà trụ bậc bất thoái?

 

 

GIẢNG:

 

Bồ-tát Di-lặc nghi: Từ khi Phật Thích-ca thành đạo đến giờ, Ngài giáo hóa khoảng hơn bốn mươi năm, thời gian quá ngắn sao Ngài giáo hóa vô số Bồ-tát đã tu nhiều kiếp và làm cho các Bồ-tát thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Đây là điều không thể tin. Ngài nêu lên một ví dụ người thanh niên hai mươi lăm tuổi chỉ ông già một trăm tuổi nói: đây là con của ta, và ông già một trăm tuổi nhận thanh niên hai mươi lăm tuổi là cha mình. Điều này căn cứ vào đâu mà tin được? Từ lâu chúng ta quen nhìn và xét đoán sự việc qua hình tướng của tứ đại giả hợp, chớ không khéo nhìn đúng lẽ thật. Ngay nơi thân năm uẩn của Phật Thích-ca, cũng như thân năm uẩn của mỗi người chúng ta là do duyên hợp tạm có. Nhưng ngay nơi thân tạm bợ đó có sẵn Trí vô sư không sanh không diệt, mà ít ai biết rằng mình có. Chúng ta tu tâm thanh tịnh, sạch vô minh phiền não thì Trí vô sư hiển lộ. Nên nói các vị Bồ-tát do Phật giáo hóa mà được. Vì Trí vô sư đã có sẵn từ thuở nào, nên nói già lâu. Nếu căn cứ nơi thân tứ đại Phật Thích-ca tám mươi năm thị tịch với Trí vô sư thì hai cái khác xa. Vì vậy mà không thể tin được, bởi không tin được nên mới nêu ví dụ cha trẻ con già để phủ nhận. Tuy nhiên, điều này không có gì lạ. Nếu căn cứ trên giới thân tuệ mạng, thì có nhiều người tuy thân già mà mới tu, giới đức trí tuệ còn non kém, phải theo làm đệ tử với một vài vị tu sĩ thân còn trẻ mà đức trí khá sâu dày và gọi bằng Thầy xưng bằng con. Đó là dựa trên trí đức mà đối xử.

 

Để thấy rõ câu chuyện này cốt làm sáng tỏ Bồ-tát từ đâu mà ra, tại sao mà có? Ở đây Phật trả lời do Ngài giáo hóa, tức là phải đoạn tận vô minh phiền não thì Trí vô sư hiển hiện. Câu hỏi của Bồ-tát Di-lặc được Phật trả lời ở phẩm sau.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 57134)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.