Phẩm 17 Phân Biệt Công Đức

25/05/201012:00 SA(Xem: 14062)
Phẩm 17 Phân Biệt Công Đức

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
GIẢNG GIẢI

Hoà thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Chân Không


PHẨM 17 PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC

Phân Biệt Công Đứcgiản trạch cho thấy rõ công đức của kinh này hơn các kinh khác, hoặc công đức của người tu theo kinh Pháp Hoa như thế nào.

Ba phẩm Tùng Điạ Dũng Xuất, Như Lai Thọ LượngPhân Biệt Công Đứcliên hệ mật thiết với nhau, nên khi giảng không thể tách rời được. Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất, Phật chỉ cho thấy Tri kiến Phật. Sau khi đã chỉ, nếu thính chúng còn nghi ngờ thì phẩm Như Lai Thọ Lượng, Phật xác định Tri kiến Phật không phải mới có mà nó đã có từ thuở nào, không hạn cuộc bởi không gian và vượt khỏi thời gian. Tới phẩm Phân Biệt Công Đức cho chúng sanh thấy rằng người nhận ra Tri kiến Phật nơi mình công đức không thể tính kể, lớn hơn người tu các hạnh khác như bố thí, trì giới, nhẫn nhục... Vì đó là pháp hữu vihình tướng còn sanh diệt, nên có giới hạn. Còn Tri kiến Phậtpháp vô vi không hình tướng, không sanh không diệt, vượt khỏi không gianthời gian, không thể suy lường tính kể được, vì vậy nên nói người nhận hiểu hay thọ trì kinh Pháp Hoa công đức hơn tất cả.

CHÁNH VĂN:

1.- Lúc bấy giờ, trong đại hội nghe Phật nói thọ mạng, kiếp số dài lâu như thế, vô lượng, vô biên, vô số chúng sanh được lợi ích lớn. 

Khi đó, đức Thế Tôn bảo ngài Di-lặc đại Bồ-tát:

- A-dật-đa! Lúc ta nói đức Như Lai thọ mạng dài lâu như thế, có sáu trăm tám mươi muôn ức na-do-tha hằng hà sa chúng sanh được "Vô sanh pháp nhẫn".

Lại có đại Bồ-tát nghìn lần gấp bội được môn "Văn trì đà-la-ni". Lại có một thế giới vi trần số đại Bồ-tát được "Nhạo thuyết vô ngại biện tài". Lại có một thế giới vi trần số đại Bồ-tát được trăm nghìn muôn ức vô lượng môn "Triền đà-la-ni". Lại cótam thiên đại thiên thế giới vi trần số đại Bồ-tát chuyển được "Pháp luân bất thoái".

Lại có nhị thiên trung quốc độ vi trần số đại Bồ-tát chuyển được "Pháp luân thanh tịnh". Lại có tiểu thiên quốc độ vi trần số đại Bồ-tát tám đời sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại có bốn tứ thiên hạ vi trần số đại Bồ-tát bốn đời sẽ được Chánh đẳng Chánh giác. Lại có ba tứ thiên hạ vi trần số đại Bồ-tát ba đời sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại có hai tứ thiên hạ vi trần số đại Bồ-tát hai đời sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại có một tứ thiên hạ vi trần số đại Bồ-tát một đời sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại có tám thế giới vi trần số chúng sanh đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

GIẢNG:

Mở đầu phẩm Phân Biệt Công Đức, Phật nhắc lại kết quả sau khi Phật nói về thọ lượng của Như Lai, thì trong hàng Bồ-tát Thánh chúng đều trụ bất thoái, hoặc còn một đời, hai đời... thì chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, số Bồ-tát đó nhiều vô số không thể kể xiết.

CHÁNH VĂN:

2.- Lúc đức Phật nói các vị đại Bồ-tát đó được pháp lợi, trên giữa hư không, rưới hoa mạn-đà-la, hoa ma-ha mạn-đà-la, để rải vô lượng trăm nghìn muôn ức các đức Phật ngồi trên tòa sư tử dưới cội cây báu, và rải đức Thích-ca Mâu-ni Phật cùng đức Đa Bửu Phật ngồi trên tòa sư tử trong tháp bảy báu, cùng rải tất cả các đại Bồ-tát và bốn bộ chúng.

Lại rưới bột gỗ chiên-đàn, trầm thủy hương v.v... trong hư không, trống trời tự kêu tiếng hay sâu xa

Lại rải nghìn thứ thiên y, thòng các chuỗi ngọc, chuỗi ngọc trân châu, chuỗi châu ma-ni, chuỗi châu như ý khắp cả chín phương, các lò hương báu đốt hương vô giá, tự nhiên khắp đến cúng dường đại chúng.

 Trên mỗi đức Phật có các vị Bồ-tát nắm cầm phan lọng, thứ đệ mà lên đến trời Phạm thiên. Các vị Bồ-tát đó dùng tiếng tăm hay, ca vô lượng bài tụng ngợi khen các đức Phật.

Khi ấy, ngài Di-lặc Bồ-tát từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai hữu, chấp tay hướng về phía Phật mà nói kệ rằng:

3.-Phật nói pháp ít có

Từ xưa chưa từng nghe 

Thế Tôn có sức lớn

Thọ mạng chẳng thể lường.

Vô số các Phật tử

Nghe Thế Tôn phân biệt

Nói được pháp lợi đó

Vui mừng đầy khắp thân

Hoặc trụ bậc Bất thoái

Hoặc được Đà-la-ni

Hoặc Vô ngại nhạo thuyết

Muôn ức Triền tổng trì.

Hoặc có cõi Đại thiên

Số vi trần Bồ-tát 

Mỗi vị đều nói được

Pháp luân bất thoái chuyển.

Hoặc có Trung thiên giới

Số vi trần Bồ-tát 

Mỗi vị đều có thể

Chuyển pháp luân thanh tịnh.

Lại có Tiểu thiên giới

Số vi trần Bồ-tát 

Còn dư lại tám đời

Sẽ được thành Phật đạo.

Lại có bốn, ba, hai

Tứ thiên hạ như thế

Số vi trần Bồ-tát 

Theo số đời thành Phật.

Hoặc một Tứ thiên hạ

Số vi trần Bồ-tát 

Còn dư có một đời

Sẽ thành Nhứt thiết trí.

Hàng chúng sanh như thế

Nghe Phật thọ dài lâu

Được vô lượng quả báo

Vô lậu rất thanh tịnh.

Lại có tám thế giới

Số vi trần chúng sanh 

Nghe Phật nói thọ mạng

Đều phát tâm Vô thượng.

4.-Thế Tôn nói vô lượng

Bất khả tư nghì pháp 

Nhiều được có lợi ích

Như hư không vô biên

Rưới hoa thiên mạn-đà

Hoa ma-ha mạn-đà 

Thích, Phạm như Hằng sa

Vô số cõi Phật đến

Rưới chiên-đàn trầm thủy

Lăng xăng loạn xạ xuống

Như chim bay liệng đáp

Rải cúng các đức Phật.

Trống trời trong hư không

Tự nhiên vang tiếng mầu,

Áo trời nghìn muôn thứ

Xoay chuyển mà rơi xuống

Các lò hương đẹp báu

Đốt hương quí vô giá

Tự nhiên đều cùng khắp

Cúng dường các Thế Tôn.

Chúng đại Bồ-tát kia

Cầm phan lọng bảy báu

Cao đẹp muôn ức thứ

Thứ lớp đến Phạm thiên.

Trước mỗi mỗi đức Phật 

Tràng báu treo phan tốt

Cũng dùng nghìn muôn kệ

Ca vịnh các Như Lai 

Như thế các món việc

Từ xưa chưa từng có

Nghe Phật thọ vô lượng

Tất cả đều vui mừng

Phật tiếng đồn mười phương

Rộng lợi ích chúng sanh 

Tất cả đủ căn lành

Để trợ tâm Vô thượng.

 

GIẢNG:

 Các vị Bồ-tát khi nghe Phật nói phẩm Như Lai Thọ Lượng, thì các ngài đều được lòng tin bất thoái và chứng được quả vị trên đường tu, để tiến tới Phật quả không còn ngăn ngại. Vì vậy nên được chư thiên rải hoa hương, chuỗi ngọc... cúng dườngtrống trời trỗi lên với lòng khen ngợi ca tụng công đức của Phật.

CHÁNH VĂN:

5.- Lúc bấy giờ, Phật bảo ngài Di-lặc đại Bồ-tát:

- A-dật-đa! Có chúng sanh nào nghe đức Phật thọ mạng dài lâu như thế, nhẫn đến có thể sanh một niệm tín giải, được công đức không thể hạn lượng. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, vì đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trong tám mươi muôn ức na-do-tha kiếp tu năm pháp Ba-la-mật: Bố thí ba-la-mật, Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền định ba-la-mật, trừ Trí tuệ ba-la-mật, đem công đức này sánh với công đức tín giải trước, trăm phần, nghìn phần, trăm nghìn muôn ức phần chẳng kịp một, nhẫn đến tính đếm, thí dụ, không thể biết được. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhâncông đức như thế mà thoái thất nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thời quyết không có lẽ đó.

Khi ấy, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

6.-Nếu người cầu huệ Phật

Trong tám mươi muôn ức

Na-do-tha kiếp số

Tu năm Ba-la-mật

Ở trong các kiếp đó

Bố thí cúng dường Phật 

Duyên giác đệ tử

Cùng các chúng Bồ-tát,

Đồ uống ăn báu lạ

Thượng phục và đồ nằm

Chiên-đàn dựng tinh xá

Dùng vườn rừng trang nghiêm

Bố thí như thế thảy

Các món đều vi diệu

Hết các kiếp số này

Để hồi hướng Phật đạo,

Nếu lại gìn cấm giới

Thanh tịnh không thiếu sót

Cầu nơi đạo Vô thượng

Được các Phật ngợi khen,

Nếu lại tu nhẫn nhục

Trụ nơi chỗ điều nhu

Dầu các ác đến hại

Tâm đó chẳng khuynh động

Các người có được pháp 

Cưu lòng tăng thượng mạn

Bị bọn này khinh não

Như thế đều nhẫn được,

Hoặc lại siêng tinh tấn

Chí niệm thường bền vững

Trong vô lượng ức kiếp

Một lòng chẳng trễ thôi,

Lại trong vô số kiếp

Trụ nơi chỗ vắng vẻ

Hoặc ngồi hoặc kinh hành

Trừ ngủ thường nhiếp tâm

Do các nhân duyên đó

Hay sanh các Thiền định

Tám mươi ức muôn kiếp

An trụ tâm chẳng loạn

Đem phước Thiền định đó

Nguyện cầu đạo Vô thượng

Ta được Nhứt thiết trí

Tận ngằn các Thiền định,

Người đó trong trăm nghìn

Muôn ức kiếp số lâu

Tu các công đức này

Như trên đã nói rõ,

thiện nam, tín nữ.

Nghe ta nói thọ mạng

Nhẫn đến một niệm tin

Phước đây hơn phước kia

Nếu người trọn không có

Tất cả các nghi hối

Thân tâm giây lát tin

Phước đó nhiều như thế.

Nếu có các Bồ-tát 

Vô lượng kiếp hành đạo

Nghe ta nói thọ mạng

Đây thời tin nhận được

Các hàng người như thế

Lãnh thọ kinh điển này

Nguyện ta thuở vị lai

Sống lâu độ chúng sanh 

Như Thế Tôn ngày nay

Vua trong các họ Thích

Đạo tràng rền tiếng lớn

Nói pháp không sợ sệt

Chúng ta đời vị lai

Được mọi người tôn kính

Lúc ngồi nơi đạo tràng

Nói thọ mạng cũng thế.

Nếu có người thâm tâm

Trong sạchngay thật

Học rộng hay tổng trì

Tùy nghĩa giải lời Phật 

Những người như thế đó

Nơi đây không có nghi.

 

GIẢNG:

Tới đây Phật xác nhận một cách rõ ràng, nếu có chúng sanh nào nghe thọ mạng của Phật dài lâu như thế, mà có lòng tín giải thì công đức không thể hạn lượng được. Tín giải là tin nhận, tin nhận Tri kiến Phật ở chính mình không mảy may nghi ngờ. Phật so sánh người tu năm hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định trải qua tám mươi muôn ức na-do-tha kiếp, công đức người này không bằng một phần công đức của người tin nhận Tri kiến Phật ở chính mình. Tại sao? Vì năm hạnh trên thuộc pháp hữu vi, có tướng sanh diệt nên quả báo có hạn lượng. Còn Tri kiến Phật thì không hình tướng không hạn lượng, lấy pháp hữu vi hạn lượng mà sánh với pháp vô vi không hạn lượng thì không thể nào sánh kịp. Việc tu không phải khó mà cũng không phải dễ. Không khó, nếu chúng ta nhận hiểu được lý kinh rồi tu, thì đơn giản không tốn công nhiều mà trí tuệ đạo lực tăng trưởng. Ngược lại, người không lãnh hội được lý kinh, mà dùng công sức khổ cực để tu, như lạy từng chữ kinh Pháp Hoa, từ năm này qua năm khác mà trí tuệ chưa sáng, đó là tu khó. Như vậy, người nghe kinh Pháp Hoa sống được với Tri kiến Phật, ngày ngày sanh hoạt bình thường bẻ củi nấu cơm, sánh với người ngày ngày y hậu nghiêm trang, khổ công lạy từng chữ kinh Pháp Hoa, mà trí tuệ không sáng, hai người ấy người nào hơn? - Người sống với Tri kiến Phật.

Tóm lại, người không đạt được yếu chỉ Phật dạy, cứ hành khổ hạnh nhọc nhằn thân xác để cầu Phật đạo, tuy tốn nhiều công mà kết quả không bao nhiêu, chỉ được phước hữu lậu thế gian thôi. Còn người nhận được yếu chỉ Phật dạy, sống được với Tri kiến Phật của mình, dụng công ít mà công đức thì vô lượng vô biên.Tvhs

CHÁNH VĂN:

7.- Lại A-dật-đa! Nếu có người nghe nói đức Phật thọ mạng dài lâu, hiểu ý thú của lời nói đó, người này được công đức không có hạn lượng, có thể sanh huệ Vô thượng của Như Lai. Huống là người rộng nghe kinh này, hoặc bảo người nghe, hoặc tự thọ trì, hoặc bảo người thọ trì, hoặc tự chép, hoặc bảo người chép, hoặc đem hoa hương, chuỗi ngọc, tràng phan, lọng nhiễu, dầu thơm, đèn nến cúng dường quyển kinh, công đức của người này vô lượng vô biên có thể sanh Nhứt thiết chủng trí.

A-dật-đa! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe ta nói thọ mạng dài lâu sanh lòng tin hiểu chắc, thời chính là thấy đức Phật thường ở núi Kỳ-xà-quật, cùng chúng Bồ-tát lớn và hàng Thanh văn vây quanh nói pháp.

Lại thấy cõi Ta-bà này đất bằng lưu-ly ngang liền bằng thẳng, dây vàng diêm-phù-đàn để ngăn tám nẻo đường, cây báu bày hàng, các đài lầu nhà thảy đều có các thứ báu hiệp thành, chúng Bồ-tát đều ở trong đó. Nếu có người tưởng quán được như thế, phải biết đó là tướng tin hiểu sâu chắc.

Và lại sau khi đức Như Lai diệt độ, nếu có người nghe kinh này mà không chê bai, sanh lòng tùy hỉ, phải biết đó đã là tướng tin hiểu sâu chắc, huống là người đọc tụng, thọ trì kinh này, người này thời là kẻ đầu đội đức Như Lai.

A-dật-đa! Thiện nam tử cùng thiện nữ nhân đó chẳng cần lại vì ta mà dựng chùa tháp, và cất tăng phường dùng bốn sự cúng dường để cúng dường chúng Tăng. Vì sao? Vì thiện nam tử, thiện nữ nhân đó thọ trì, đọc tụng kinh điển này thời là đã dựng tháp, tạo lập tăng phường cúng dường chúng Tăng, thời là đem xá-lợi của Phật dựng tháp bảy báu cao rộng nhỏ lần lên đến trời Phạm thiên, treo các phan lọng và các linh báu, hoa hương, chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, hương đốt, các trống, kỹ nhạc, ống tiêu, ống địch, không hầu, các thứ múa chơi, dùng tiếng giọng tốt ca ngâm khen ngợi, thời là ở trong vô lượng nghìn muôn ức kiếp đã làm việc cúng dường đó rồi.

A-dật-đa! Nếu sau khi ta diệt độ, nghe kinh điển này, có người hay thọ trì, hoặc tự chép, hoặc bảo người chép, thời là dựng lập tăng phường, dùng gỗ chiên-đàn đỏ làm cung điện nhà cửa ba mươi hai sở, cao bằng tám cây đa-la, cao rộng nghiêm đẹp, trăm nghìn Tỳ-kheo ở trong đó. Vườn, rừng, ao tắm, chỗ kinh hành, hang ngồi thiền, y phục, đồ uống ăn, giường nệm, thuốc thang tất cả đồ vui dẫy đầy trong đó, tăng phường có ngần ấy trăm nghìn muôn ức nhà gác như thế, số đó nhiều vô lượng, dùng để hiện tiền cúng dường nơi ta và Tỳ-kheo tăng.

Cho nên ta nói: Sau khi ta diệt độ, nếu có người thọ trì, đọc tụng, vì người khác nói, hoặc mình chép hoặc bảo ngườ�i chép, cúng dường kinh quyển thời chẳng cần lại dựng chùa tháp và tạo lập tăng phường cúng dường chúng Tăng. Huống lại có người hay thọ trì kinh này mà gồm tu hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, công đức của người đây rất thù thắng vô lượng vô biên.

Thí như hư không, Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phía trên, dưới vô lượng vô biên, công đức của người đó cũng lại như thế vô lượng vô biên mau đến bậc Nhứt thiết chủng trí. Nếu có người đọc tụng, thọ trì kinh này vì người khác nói, hoặc tự chép, hoặc bảo người chép, lại có thể dựng tháp cùng tạo lập tăng phường cúng dường khen ngợi chúng Thanh văn tăng, cũng dùng trăm nghìn muôn pháp ngợi khenngợi khen công đức của Bồ-tát.

Lại vì người khác dùng các món nhân duyên theo nghĩa giải nói kinh Pháp Hoa này, lại có thể thanh tịnh trì giới cùng người nhu hòa mà chung cùng ở, nhẫn nhục không sân, chí niệm bền vững, thường quí ngồi thiền được các món định sâu, tinh tấn, mạnh mẽ nhiếp các pháp lành, căn lành trí sáng, giỏi gạn hỏi đáp.

A-dật-đa! Nếu sau khi ta diệt độ, các thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì, đọc tụng kinh điển này lại có các công đức lành như thế, phải biết người đó đã đến đạo tràng gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ngồi dưới cội đạo thọ.

A-dật-đa! Chỗ của thiện nam tử cùng thiện nữ nhân đó hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc đi, trong đó bèn nên xây tháp, tất cả trời, người đều phải cúng dường như tháp của Phật.

Khi ấy, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

8.-Sau khi ta diệt độ

Hay phụng trì kinh này

Người đó phước vô lượng

Như trên đã nói rõ.

Đó thời là đầy đủ

Tất cả các cúng dường

Dùng xá-lợi xây tháp

Bảy báu để trang nghiêm.

Chùa chiền rất cao rộng

Nhỏ dần đến Phạm thiên

Linh báu nghìn muôn ức

Gió động vang tiếng mầu,

Lại trong vô lượng kiếp

cúng dường tháp đó

Hoa hương, các chuỗi ngọc

Thiên y, các kỹ nhạc

Thắp đèn dầu nến thơm

Quanh khắp thường soi sáng,

Lúc đời ác mạt pháp 

Người hay trì kinh này

Thời là đã đầy đủ

Các cúng dường như trên.

Nếu hay trì kinh này

Thời như Phật hiện tại

Dùng ngưu đầu chiên-đàn

Dựng tăng phường cúng dường

Nhà ba mươi hai sở

Cao tám cây đa-la

Đồ ngon, y phục tốt

Giường nằm đều đầy đủ.

Trăm nghìn chúng nương ở

Vườn, rừng, các ao tắm

Chỗ kinh hành, ngồi thiền

Các món đều nghiêm tốt.

Nếu có lòng tin hiểu

Thọ trì, đọc tụng biên

Nếu lại bảo người biên

cúng dường kinh quyển.

Rải hoa hương, hương bột

Dùng tu-mạn, chiêm-bặc

A-đề, mục-da-đà

Ướp dầu thường đốt đó

Người cúng dường như thế

Được công đức vô lượng

Như hư không vô biên

Phước đó cũng như thế.

Huống lại trì kinh này

Gồm bố thí, trì giới,

Nhẫn nhục, ưa Thiền định

Chẳng sân, chẳng ác khẩu

Cung kính nơi tháp miếu

Khiêm hạ các Tỳ-kheo

Xa lìa tâm tự cao

Thường nghĩ suy trí tuệ

Có gạn hỏi chẳng sân

Tùy thuận vì giải nói

Nếu làm được hạnh đó

Công đức chẳng lường được.

Nếu thấy Pháp sư này

Nên công đức như thế

Phải dùng hoa trời rải

Áo trời trùm thân kia

Đầu mặt tiếp chân lạy

Sanh lòng tưởng như Phật,

Lại nên nghĩ thế này:

Chẳng lâu đến đạo thọ

Được vô lậu vô vi

Rộng lợi các trời người

Chỗ trụ chỉ của kia

Kinh hành hoặc ngồi nằm

Nhẫn đến nói một kệ

Trong đây nên xây tháp

Trang nghiêm cho tốt đẹp

Các món đem cúng dường,

Phật tử ở chỗ này

Thời là Phật thọ dụng

Thường ở nơi trong đó

Kinh hành và ngồi nằm.

Tvhs

GIẢNG:

Phật nói người nghe thọ mạng của Phật, hiểu được ý thú của kinh, thì người đó được công đức không thể lường và có thể phát sanh tuệ Vô thượng Như Lai. Huống là nghe rồi lại khuyến khích người khác nghe, hoặc tự thọ trì, hoặc bảo người thọ trì, hoặc tự chép hoặc bảo người chép, hoặc cúng dường kinh này, nhất định sẽ thành Phật. Nếu chúng ta hiểu thọ trì, biên chép cúng dường theo nghĩa thông thường, cứ ngày ngày đọc tụng biên chép nhiều cho có phước, đó là chúng ta chỉ hiểu qua sự tướng, mà không thông đạt được lý tánh. Thọ trì, ghi chép, cúng dường ở đây, hàm ý nghĩa tin nhận mình có Tri kiến Phật và khéo gìn giữ phát huy cho trí tuệ Phật càng hiển hiện tròn sáng, chớ để cho vô minh phiền não che mờ. Người sống được như vậy, nhất định sẽ thành Phật và được vô lượng vô biên công đức.

Phật lại dạy, người mà tin nhận chắc chắn lời Phật nói về thọ mạng Như Lai, thì hằng thấy Phật đang nói pháp ở núi Linh Thứu. Như vậy là sao? Với con mắt thịt của người chưa giác ngộ, quen nhìn ra ngoài, lên núi Linh Thứu thấy trống vắng, không có Phật và Thánh chúng nên nói Phật nhập diệt. Nhưng với người đã giác ngộ và tin sâu nơi mình có Tri kiến Phật hằng hiển hiện thì có lúc nào sống xa Phật, không thấy Phật luôn nói pháp là gì? Trong mọi sanh hoạt hằng ngày như cuốc đất, nấu cơm, ngủ nghỉ... lúc nào cũng có Phật bảo hộ, không hề xa vắng phút giây nào. Và người sống như vậy là do tâm đã thanh tịnh, mà tâm thanh tịnh thì thấy cảnh vật cũng thanh tịnh, nên nói thấy cõi Ta-bà này đất bằng lưu-ly bằng thẳng, vàng diêm-phù-đàn... trang nghiêm không có ô uế. Sở dĩ thấy cõi Ta-bà này ô uế, là vì chúng ta nhìn cõi Ta-bà bằng đôi mắt thịt của thân ngũ uẩn đầy phiền não, nên thấy nó ô trọc.

Đến đây Phật nói sau khi Như Lai diệt độ, nếu người nghe kinh này mà không chê lại tùy hỉ, huống là có lòng tin sâu và thọ trì kinh này, đó là đầu đội đức Như Lai. Tại sao? Vì người ngộ được Tri kiến Phật, nên có đủ lòng tin, tâm thường hoan hỉ và luôn luôn bảo hộ không để phiền não phủ che, lúc nào cũng nhớ và sống với Tri kiến Phật, đó là đầu đội Như Lai.

Phật lại nói người nam hay nữ chẳng cần dựng chùa tháp, dâng tứ sự cúng dường Phật và chúng Tăng, mà chỉ ngộ nhập Tri kiến Phật, là đã dâng tứ sự cúng dường Phật và Tăng, lại cũng đã xây tháp bằng bảy báu cao tới cõi trời Phạm thiên để cúng dường Phật và Tăng. Như vậy người thọ trì kinh này là đã cúng dường Phật và Tăng rồi. Tại sao? Vì người sống được với Tri kiến Phật của chính mình, tuy không làm ra tiền để xây tháp, để dâng tứ sự cúng dường, song sống được với Tri kiến Phật tức là sống với Phật, hay nói cách khác là cúng dường Phật.

Trên Phật nói xây tháp, tới đây Ngài nói cất chùa và nhà tăng bằng gỗ chiên-đàn đỏ, trong đó trang bị đầy đủ phương tiện tu hành, để cúng dường Phậtchúng Tăng, công đức không bằng thọ trì kinh Pháp Hoa. Vì thọ trì kinh Pháp Hoa là sống với Tri kiến Phật, tức là thành Phật, không còn luân hồi sanh tử, nên Ngài nói hơn tất cả. Phật nói thế e chúng sanh chấp lý bỏ sự, nên tới đây Ngài nói thêm, nếu người thọ trì kinh Pháp Hoa được như vậy, mà còn tu bố thí cúng dường thì công đức vô lượng vô biên.

Đức Phật nói không cho chúng ta mắc kẹt một bên, tới đây Ngài kết thúc: Người nghe và thọ trì kinh Pháp Hoa mà còn bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ nữa, người đó chắc chắn sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sẽ ngồi dưới cội bồ-đề thành Phật không nghi. Đức Phật lại khuyến khích, người đó ngồi đâu, ở đâu, đi đâu, chúng sanh ở đó nên xây tháp cúng dường, coi tháp đó như tháp của Phật vậy. Tại sao? Vì người đó không chấp lý bỏ sự, không chấp sự bỏ lý, thực hành cả lý và sự viên dung, chắc chắn sẽ thành Phật, nên xứng đáng cúng dường như cúng dường Phật. Chúng ta thấy, trước Phật đưa về lý, sau gồm lý sự viên dung, không cho chúng ta kẹt một bên. Vừa ngộ được nơi mình có Tri kiến Phật đồng thời phải tu hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, thì người đó mới xứng đáng nối tiếp ngôi vị Phật. Người đó ở đâu, chúng sanh nên cúng dường như cúng dường Phật.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 57136)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.