- 00-lời Đầu Sách
- 01-pháp Hội Nhân Do
- 02-thiện Hiện Khải Thỉnh
- 03-đại Thừa Chánh Tông
- 04-diệu Hạnh Vô Trụ
- 05-như Lý Thật Kiến
- 06-chánh Tín Hy Hữu
- 07-vôđắc Vô Thuyết
- 08-y Pháp Xuất Sanh
- 09-nhất Tướng Vô Tướng
- 10-trang Nghiêm Tịnh Độ
- 11-vô Vi Phước Thắng
- 12-tôn Trọng Chánh Giáo
- 13-như Pháp Thọ Trì
- 14-ly Tướng Tịch Diệt
- 15-trì Kinh Công Đức
- 16-năng Tịnh Nghiệp Chướng
- 17-cứu Kính Vô Ngã
- 18-nhất Thể Đồng Quán
- 19-pháp Giới Thông Hoá
- 20-ly Sắc Ly Tướng
- 21-phi Thuyết Sở Thuyết
- 22-vô Pháp Khả Đắc
- 23-tịnh Tâm Hành Thiện
- 24-phước Trí Vô Tỷ
- 25-hóa Vô Sở Hóa
- 26-pháp Thân Phi Tướng
- 27-vô Đoạn Vô Diệt
- 28-bất Thọ Bất Tham
- 29-uy Nghi Tịch Tĩnh
- 30-nhất Hiệp Tướng Lý
- 31-tri Kiến Bất Sinh
- 32-ứng Hoá Phi Chân
KINH KIM CANG
GIẢNG GIẢI
Hòa Thượng Thích Thanh Từ
ĐOẠN
16
NĂNG TỊNH NGHIỆP CHƯỚNG.
Phục thứ Tu-bồ-đề! Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì, độc tụng
thử kinh, nhược vi nhân khinh tiện, thị nhân tiên thế tội nghiệp, ưng đọa ác
đạo, dĩ kim thế nhân khinh tiện cố, tiên thế tội nghiệp tắc vi tiêu diệt, đương
đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Ngã niệm quá khứ vô lượng
a-tăng-kỳ-kiếp, ư Nhiên Đăng Phật tiền đắc trị bát bách tứ thiên vạn ức
na-do-tha chư Phật, tất giai cúng dường thừa sự vô không quá giả. Nhược phục hữu
nhân ư hậu mạt thế năng thọ trì độc tụng thử kinh, sở đắc công đức, ư ngã sở
cúng dường chư Phật công đức, bách phần bất cập nhất, thiên vạn ức phần, nãi chí
toán số thí dụ sở bất năng cập. Tu-bồ-đề! Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân, ư
hậu mạt thế, hữu thọ trì độc tụng thử kinh, sở đắc công đức, ngã nhược cụ
thuyết giả, hoặc hữu nhân văn tâm tắ�c cuồng loạn hồ nghi bất tín. Tu-bồ-đề!
Đương tri thị kinh nghĩa bất khả tư nghị, quả báo diệc bất khả tư nghị.
DỊCH:
HAY LÀM SẠCH CÁC NGHIỆP CHƯỚNG.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu có
người thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng kinh này, nếu bị người khinh chê,
người này do tội nghiệp đời trước lẽ ra phải đọa trong đường ác, do đời này bị
người khinh chê nên tội nghiệp đời trước ắt là tiêu diệt, sẽ được quả Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề, ta nhớthuở quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ
kiếp, ở trước đức Phật Nhiên Đăng, ta được gặp tám trăm bốn ngàn muôn ức
na-do-tha các đức Phật, ta đều cúng dường thờ phụng không sót một vị nào. Nếu
lại có người ở đời mạt pháp sau này hay thọ trì đọc tụng kinh này, được công
đức, đối với công đức cúng dường chư Phật của ta, trăm phần chẳng bằng một,
ngàn muôn ức phần cho đến toán số thí dụ đều không thể bằng.
Này Tu-bồ-đề! Nếu người thiện nam thiện nữ ở đời mạt pháp sau này, có người thọ trì đọc tụng kinh này, được công đức, nếu ta nói cho đủ hoặc có người nghe tâm tất cuồng loạn, hồ nghi, không tin. Này Tu-bồ-đề, nên biết kinh nghĩa này không thể nghĩ bàn nên quả báo cũng không thể nghĩbàn.
GIẢNG:
Trước khi giảng qua phần thứ mười
sáu, tôi nhắc lại phần trước một chút khi nói về bố thí thân. Tôi dẫn một ví dụ
nhỏ để quí vị thử xem mình dám bố thí không. Giả như ban đêm chúng ta ngủ, mộng
thấy đi nơi này, nơi kia và cũng có nhà cửa đủ các thứ. Đến một lát sau giật
mình tỉnh cơn mộng, đó là mộng số một, thân mộng số một. Đến khuya lại mộng lần
nữa, cũng thấy cảnh thân v.v. đó là mộng số hai. Như vậy cọng lại, cả đời mình
bao nhiêu lần mộng? Không biết mấy ngàn cái mộng. Trong mấy ngàn mộng đó, đều có
thân có cảnh. Giả sử có người đem hết các thân cảnh trong mộng đó đổi lấy thân
của một đứa nhỏ chừng năm, ba tuổi, quí vị chịu đổi không? Bao nhiêu thân và
cảnh trong mộng đó, dù là cả trăm ngàn thân và cảnh mộng, đem đổi một đứa bé
thật độ năm, ba tuổi thì ai chịu đổi? Thân của đứa bé sống dài lắm chỉ là chín
mươi năm thôi mà đổi bao nhiêu thân trong mộng mình còn không chịu đổi thay!
Trong mỗi giấc mộng đều có thân có cảnh nhưng khi hết mộng thì mất, vậy thân
cảnh trong mộng đó thật hay giả? Trong mộng thì ai nói giả được, chỉ khi thức
rồi mới biết nó giả. Hiện tại chúng ta cũng giống như thế, bao nhiêu thân cảnh
chúng ta đang sống - nghĩa là đang mê - thì đều thấy nó thật cả, nên nếu đổi nó
với một thân chân thật thì chúng ta không đồng ý. Nhưng đến chừng giật mình thức
giấc, tức là được tỉnh rồi, khi đó mới thấy rằng đổi bao nhiêu thân mộng cho
một cái thân thật này cũng không xứng đáng nữa. Song phải đợi tỉnh đã, bây giờ
còn mê thì thấy nó quí vô ngần!
Đến phần mười sáu, trước hết đức
Phật bảo rằng nếu có người thiện nam thiện nữ hay thọ trì đọc tụng kinh này, nếu
người đó bị người ta chê bai thì đó là do tội đời trước, đáng lý họ phải đọa
trong địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh nhưng hiện đời này bị chê bai cho nên tội
nghiệp đời trước liền tiêu diệt, sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như
vậy Phật nói rất rõ. Ai trì kinh này thì tội nghiệp đời trước sẽ giảm đi, lý
đáng phải bị đọa trong địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh nhưng nhờ trì kinh này nên
chỉ bị người chê bai thôi và tương lai sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Như thế, nếu có người nói: Coi chừng trì kinh này thì đổ nghiệp, quí vị phải
trả lời thế nào? Người đó nói theo Phật hay nói theo ai? Phật bảo một đàng mà
nói một ngã thì đó là ma nói rồi. Nói đổ nghiệp để ngăn không cho người ta trì kinh
, đó là ngăn trở người ta tu hành phải không? Ở đây Phật khuyên chúng ta trì
kinh để giảm nghiệp, đáng lẽ phải đọa trong ba đường ác mà bây giờ chỉ bị chê
bai một chút thôi thì nhẹ biết chừng nào, vậy là giảm tối thiểu đó. Thế mà có
người nói coi chừng tụng kinh Kim Cang thì đổ nghiệp, quí vị xác định cho kỹ
xem câu nói đó là ai nói? Câu đó là ma nói. Giả sử người cạo tóc ở chùa mà nói
câu đó thì không phải là người tu nữa, vì Phật bảo: Ngoài kinh mà nói là ma
nói. Ở đây kinh chỉ rõ ràng mà họ nói khác đi, không có chỗ y cứ thì không phải
ma là gì? Như vậy quí vị nên dè dặt đừng nói sai kinh mà mang tội. Thế nên
chúng ta phải hiểu rõ lời Phật dạy. Nếu có ai hỏi: Tôi có thể trì kinh Kim Cang
được không và trì kinh Kim Cang có đổ nghiệp không, thì quí vị trả lời ra sao?
Chúng ta phải nói: Trì kinh Kim Cang là giảm nghiệp chớ không phải đổ nghiệp và
dẫn câu này làm chứng: Nếu có người trì kinh này bị người khinh chê, người
này do tội ác đời trước, lẽ ra bị đọa đường ác mà đời này bị người khinh chê
nên nghiệp ác đời trước hết và sau sẽ thành Phật.
Tiếp theo đức Phật so sánh công
đức trì kinh, trong đoạn trước Ngài so sánh với công đức bố thí nội tài và
ngoại tài rồi, đến đây Ngài so sánh với công đức cúng dường Phật. Ngài bảo
rằng: Trước đức Phật Nhiên Đăng (đến Phật Nhiên Đăng, Ngài được thọ ký thành
Phật), Ngài đã gặp tám trăm bốn ngàn muôn ức na-do-tha chư Phật, Ngài đều cúng dường
thờ phụng không sót một vị nào. Nếu trong đời mạt pháp này có người trì kinh
Kim Cang, thì sánh với công đức Ngài cúng dường bao nhiêu đức Phật đó, công đức
của Ngài không bằng một phần công đức của người trì kinh Kim Cang kia, cho đến
toán số thí dụ cũng không bì kịp. Như vậy quí vị có tin nổi không? Quí vị có
cúng dường được đức Phật nào chưa? Thật ra trong kinh nói: Ra đời mà gặp Phật
là quí vô lượng vô biên, huống nữa là cúng dường bao nhiêu đức Phật, vậy mà
không bằng người trì kinh Kim Cang là tại sao? Cúng dường đó là chúng ta đem
cái gì cúng dường? Của cải bên ngoài và tâm thành kính bên trong của mình phải
không? Nhưng tâm thành kính đó là sanh diệt hay là bất sanh diệt? Tâm thành
kính cúng dường đó là tâm sanh diệt, của cải cũng là tướng sanh diệt. Trì kinh
là không còn thấy ngã thật, nhân thật mà thấy được ngay nơi mình có trí Kim
Cang, nhận ra được trí chân thật đó tức là trì kinh Kim Cang. Như vậy bao nhiêu
cái sanh diệt kia đâu bì được với cái chân thật. Thế nên Phật bảo công đức cúng
dường không bằng một phần công đức trì kinh. Nhưng hiện nay nghe nói cúng dường
thì thích mà nói trì kinh thì ngán phải không? Nếu bảo quí vị tổ chức lễ cúng dường
Phật, cúng dường chư tăng được phước vô lượng thì ai cũng chịu, nếu bảo trì
kinh Kim Cang thì ai cũng ngán. Chao ôi! Kinh gì nói không có ngã, không có
nhân, không có chúng sanh, thọ giả, vậy chớ ai đây? Ai kia? Cứ thấy mình thật, người
thật nên không kham trì kinh Kim Cang, chớ nếu hiểu rõ ngã, nhân và pháp đều là
tướng hư giả không thật thì người trì kinh Kim Cang là công đức vô kể.
Thế nên đức Phật mới
bảo rằng: Này Tu-bồ-đề, nếu có người thiện nam thiện nữ nào ở trong đời mạt
pháp thọ� trì kinh Kim Cang, thì công đức của người đó nếu ta nói cho đủ hoặc
có người nghe thì tâm họ sanh cuồng loạn hồ nghi. Vì quá sức tưởng tượng
của con người nên họ hoảng hốt, họ hồ nghi, không tin. Ngài bảo thêm: Nên
biết nghĩa của kinh này không thể nghĩ bàn cho nên quả báo cũng không thể nghĩ
bàn. Tại sao nghĩa không thể nghĩ bàn? Vì Kim Cang Bát-nhã là trí chân thật
bất sanh bất diệt của chúng ta, là chân tâm bất sanh bất diệt hay pháp thân bất
sanh bất diệt của mình, cái đó không bị giới hạn trong thời gian và không gian.
Bởi không giới hạn trong thời gian, không gian nên thường nói là tuyệt đối,
vượt ngoài đối đãi. Còn tất cả pháp thế gian đều nằm trong tương đối, vì tương
đối nên là tướng sanh diệt. Quí vị kiểm lại xem trong cuộc sống này có cái gì
không phải là tương đối? Như tối và sáng là tương đối, cho nên hiện giờ sáng,
một lát nữa tối, rồi đến sáng, sáng tối đuổi nhau sanh diệt. Như vậy sáng tối
là tương đối nên là tướng sanh diệt. Nam nữ cũng là tương đối cho nên nam nữ
hợp là có sanh, sanh thì có tử, đó là tướng sanh diệt. Trên thế gian này tất cả
đều là tương đối, đó là pháp sanh diệt. Pháp sanh diệt bì sao được với pháp
không sanh diệt. Thế nên nghĩa của pháp không sanh diệt cao siêu vô tận và quả
báo cũng vô tận. Còn nghĩa của pháp sanh diệt là hữu tận thì quả báo cũng hữu
tận. Đem cái hữu tận so với cái vô tận thì không bao giờ sánh kịp.
Quí vị hiểu như thế nào? Hiểu qua lời giải chớ chưa hiểu thật sự. Người nào thấy rõ thân này là ảo mộng là huyễn hóa như bọt như bóng, thấy cảnh cũng vậy thì người đó mới thật hiểu, người đó là người trì kinh Kim Cang. Còn nếu hiểu mơ hồ, vẫn thấy mình là thật thì chưa trì nổi kinh Kim Cang. Nếu có, đó là trì bằng chữ, bằng ngôn ngữ chớ chưa phải trì bằng tâm trí quán chiếu. Trái lại nếu thấy rõ hoặc xét rõ thân cảnh là tướng duyên hợp hư giả, đó là trì bằng trí tuệ quán chiếu. Trì bằng chữ nghĩa gọi là văn tự Bát-nhã , còn dùng trí soi xét quán chiếu đó là quán chiếu Bát-nhã. Sống được với trí tuệ bất sanh bất diệt, đó là thật tướng Bát-nhã, đó mới là bất sanh bất diệt. Quí vị nhớ nên ứng dụng cái thứ hai hơn là cái thứ nhất, vì văn tự chữ nghĩa đọc qua rồi mất, còn quán chiếu mới thấm sâu vào trong, đó là cái để đi đến thật tướng.