Phần 2

24/06/201012:00 SA(Xem: 9173)
Phần 2

SA DI LUẬT NGHI YẾU LƯỢC
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không 
Giảng tại Hoa Tạng Đồ Thư Quán, Đài Loan, năm 1994
Chuyển ngữ: Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa - Giảo chánh
Nhuận sắc: Minh Tiến & Huệ Trang

Phần 2: 

Đoạn thứ tư, trang thứ sáu: 

 Tứ, thị cố Sa Di thế lạc, tiên thọ Thập Giới. Thứ tắc đăng đàn Cụ Túc. Kim danh vi Sa Di, nhi bổn sở thọ giới. Ngu giả mang hồ bất tri, cuồng giả hốt nhi bất học, tiện nghĩ liệp đẳng, vọng ý cao viễn, diệc khả khái hỹ! 

(Bốn, vì thế, Sa Di xuống tóc, trước hết thọ mười giới. Kế đó đăng đàn thọ giới Cụ Túc. Nay gọi là Sa Di, có bổn phận phải thọ giới. Kẻ ngu mờ mịt không biết, kẻ cuồng coi thường không học, lại toan học lung tung, mơ tưởng cao xa, cũng đáng cảm khái lắm thay!) 

Chúng ta tu học, bất luận là kinh, luật, luận hoặc ngữ lục của tổ sư, người biết học sẽ gạn lấy những khai thị trọng yếu, giống như Hoằng Nhất đại sư trích lục [kinh điển tạo thành] bộ Vãn Tình Tập, Ngài sao chép lại những giáo huấn trong kinh, luận, ngữ lục đối trị căn bệnh, tập khí của chính mình. Mỗi một người sao lục cũng hầu như không giống nhau vì mỗi người tập khí bất đồng. Tập khí nào nặng nhất, nếu câu nói này nói đến căn bệnh của ta thì ta bèn ghi lại, tự mình thường xem, thường dùng nó để phản tỉnh, kiểm điểm, sửa lỗi đổi mới, đó gọi là “chân chánh tu hành”. Trong Giới Luật, những chỉ dạy để đối trị tập khí rất nhiều; do vậy, chúng ta đọc đến bản kinh này và chú giải phải biết trích lục, tự mình trích lục chép vào một cuốn sổ nhỏ, đó mới là “chân chánh tu hành”. 

Đoạn này nói về người mới xuất gia. “Thế lạc” nghĩa là cạo tóc, xuống tóc. Hễ xuất gia thì “tiên thọ Thập Giới” (trước hết thọ mười giới). Đây chính là như trong phần trên đã nói: Đó là giáo dục dành cho học sinh mới bước vào cửa Phật. Học làm một người đệ tử xuất gia của Phật, nhất định phải tuân thủ Mười Giới, lại còn có hai mươi bốn Oai Nghi ở phía sau nữa. Hai mươi bốn môn Oai Nghi chính là những quy củ chúng ta phải tuân thủ trong cuộc sống thường ngày, đấy chính là quy phạm (quy củ, khuôn mẫu) cuộc sống. Có cơ sở tu học ấy rồi, sau đó mới có thể thọ Cụ Túc Giới[8], trở thành Tỳ-kheo.

Trong phần trước, chúng tôi đã nói thời gian tu học Sa Di Giới là năm năm, còn nay thọ giới (tức Tam Đàn Đại Giới[9]) thọ hết luôn một lần. Trước kia, không phải như vậy. Xưa kia, Sa Di Giới, Tỳ Kheo Giới, Bồ Tát Giới cách nhau một thời gian rất dài, không thọ cùng một lần. Thọ rồi giữ không được thì có khác gì dạy cho quý vị tạo tội nghiệp đâu? Vì thế, phải học Sa Di Giới năm năm, học rất giống, rất có quy củ rồi, năm năm sau mới được thọ Cụ Túc Giới, tức là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni Giới. Lại phải cách ba năm nữa mới được xin thọ Bồ Tát Giới. Giữ Tỳ Kheo Giới rất khá, lại mở rộng tâm lượng, hành Bồ Tát đạo, như vậy mới là chánh xác. Giống như chúng ta đi học, Sa Di là Tiểu Học, Tỳ Kheo là Trung Học, Bồ TátĐại Học, là ba tầng cấp, nhất định phải có khoảng cách tương đương, chẳng thể học chương trình Tiểu Học, Trung Học, Đại Học cùng một lúc được. Không có đạo lý ấy! Chúng ta phải hiểu rõ điều này. 

“Thứ” (kế đến) là giai đoạn thứ hai, mới bèn “đăng đàn thọ Cụ”: “Cụ” chính là Cụ Túc Giới. Câu này dạy chúng ta hành môn (trình tự tu hành) phải có thứ tự. 

“Kim danh vi Sa Di” (nay gọi là Sa Di): Nay chúng ta vừa mới xuống tóc xuất gia thì là Sa Di

“Bổn sở thọ giới”: Bổn là bổn phận, “thọ” là phải thọ trì những giới pháp được nói trong kinh này, tức là Mười Giới và hai mươi bốn Oai Nghi

Rất đáng tiếc, “ngu giả mang hồ bất tri” (kẻ ngu mờ mịt không biết): Có rất nhiều kẻ thọ giới xong, Tam Đàn Đại Giới đều thọ xong, không biết Giới là gì cả. Thọ trên mặt hình thức, chứ thực tế chẳng hiểu rõ nội dung, vì vậy “hữu danh vô thực”. 

“Cuồng giả hốt nhi bất học” (Kẻ cuồng coi thường chẳng học): “Cuồng giả” là những kẻ cuồng huệ, chữ “cuồng huệ” chỉ cho ai? [Kẻ ấy tưởng] những giới này nhỏ nhặt không quan trọng, dẫu có biết những giới ấy cũng không chịu làm theo. 

“Tiện nghĩ liệp đẳng” (lại toan học lung tung). Một đằng là ngu, một đằng là cuồng, tức cuồng vọng! Không nghiêm túc tu học, lại còn học tràn lan lung tung. “Liệp đẳng” nghĩa là kẻ ấy thọ giới Tỳ Kheo, thọ giới Bồ Tát. Tu học tầng cấp thứ nhất chưa tu hành nên thân, lại muốn học qua tầng cấp thứ hai, tầng cấp thứ ba. Tầng cấp thứ hai là Tỳ Kheo Giới, tầng cấp thứ ba là Bồ Tát Giới, kẻ ấy muốn thọ hết. Như vậy là “liệp đẳng”. 

“Vọng ý cao viễn”: Đây là điều được thế tục gọi là “ham cao chuộng xa”, không thực tế! Do vậy, kinh bảo “diệc khả khái hỹ!” (cũng đáng cảm khái thay!): “Khái” là cảm khái, than thở. Người thật sự hiểu rõ trông thấy những hiện tượng ấy hết sức cảm khái. 

Do vì bản in này không đánh số trang, số chương theo thứ tự, vẫn dùng theo nguyên bản. Nguyên bản thì mỗi tờ gồm hai mươi dòng, mặt trước mười dòng, mặt sau mười dòng. Chúng tôi lấy hai mươi dòng làm đơn vị để nói, như đến hàng thứ mười một thì bảo là trang thứ hai. Chúng tôi dùng phương pháp này cho mọi người dễ tìm. Trong phần chú giải có hai câu rất quan trọng, ở đây tôi nhắc nhở mọi người chú ý. Xin hãy xem hàng thứ hai mươi trong trang thứ sáu, tức là hàng cuối cùng. Hãy xem từ chữ thứ ba trở đi: “Học Ký vân: Ấu giả thính nhi phất vấn, học bất liệp đẳng dã” (Thiên Học Ký [trong sách Lễ Ký] nói: “Trẻ nhỏ nghe chứ không hỏi, chẳng học tràn lan”). Đây là một câu trích trong thiên Học Ký của sách Lễ Ký, ý nghĩa hoàn toàn tương đồng với những điều đã nói ở trên. “Ấu giả” là kẻ mới học, mới học thì phải tuân thủ quy củ, không có ý kiến. Thầy dạy thế nào, chúng ta học như thế ấy, nhất định phải tuân theo quy củ, theo thứ tự thuận mà làm. Điều này hết sức quan trọng. 

Trước kia, tôi đã thưa cùng quý vị: Trong quá khứ tôi học với thầy Lý; trước khi học với thầy, tôi học với Chương Gia đại sư ba năm. Thầy Lý hoàn toàn không chấp nhận chuyện ấy, [bảo tôi] phải bỏ toàn bộ đi, học lại từ đầu. Do nguyên nhân nào? Những gì anh học trong quá khứ, anh có một tiêu chuẩn, tục ngữ thường nói “tiên nhập vi chủ” (cái gì học ban đầu là chính), người ta đã có thành kiến rồi. Lúc nghe thầy giảng khác với Chương Gia đại sư chúng tôi sẽ khởi nghi hoặc, muốn hỏi. Vì thế, thầy bảo: “Những gì anh đã học trước kia tôi không chấp nhận”. Nói cách khác, chỉ có nghe lời thầy, không có chỗ để hoài nghi! Những gì đã học trước kia chẳng chấp nhận, vứt bỏ toàn bộ. Thật thà, ngoan ngoãn nghe lời thì mới nên. Như vậy thì sẽ có thể thành tựu

Hiện nay gặp khó khăn là vì hiện thời tự do, dân chủ, cởi mở, không ai có thể hạn chế được bất cứ một ai nên học rất nhiều, học rất tạp. Nghe lời thầy giảng ắt có so sánh, chuyện này phiền phức lắm. Do vậy, kẻ mới học phải học điều gì? Không học Giáo. Giáo thì có thể thảo luận. Phật pháp chủ trương nghiên cứu thảo luận, hy vọng quý vị sẽ nêu lên câu hỏi để cùng nhau nghiên cứu. Thế nhưng kẻ mới học không học Giáo, cũng không học Giải, kẻ mới học phải học Định, tức là học thanh tịnh cái tâm. Nói cách khác, trong tâm có nghi vấn, có phân biệt, có thành kiến, sẽ không đắc Định. Vì thế, mục đích là ở chỗ này. Chúng ta mới học Phật pháp thì dốc sức nơi Định. Giới là “thủ đoạn” (phương cách), do Giới đắc Định, mục tiêu là đắc Định. Đắc Định rồi sẽ khai ngộ. Trước kia, cách dạy học của Nho Gia cũng giống như vậy. Phương pháp của họ cũng là tu Định; do vậy, tông chỉ dạy học của Nho Gia đối với Tiểu Học là “đắc Định”. 

Hiện thời chúng ta rất ít nghe nói tới, [chứ trong] quá khứ, tôi học Tiểu Học, khi học Sơ Trung, các thầy lúc ấy thường cùng nhau chuyện trò. Chúng tôi vẫn còn nghe thầy nói trò nào có ngộ tánh, vẫn còn nghe nói như thế, nay thì hình như không nghe như vậy nữa. “Ngộ tánh” là nói về người có tâm địa thanh tịnh, người ấy có “thể ngộ” (thấu hiểu), trong Phật pháp chúng ta gọi là “khai ngộ”. Có tiểu ngộ, có đại ngộ, như vậy mới thật sự có hiệu quả. Tâm càng thanh tịnh, ngộ tánh càng cao. Giới luật Sa Di là Tiểu Học trong Phật pháp, tông chỉ tu học là Định, nhằm giúp cho quý vị tu tâm thanh tịnh. Tâm địa đạt đến mức độ thanh tịnh nhất định thì Phật pháp gọi là “pháp khí”, cũng có nghĩa là nói “người ấy có tư cách tiếp nhận Phật pháp”. Do đây biết được rằng: Năm năm Sa Di ấy hoàn toàncông phu dự bị, là cơ sở để tu học Phật pháp, là sự chuẩn bị để tu học Phật pháp, Phật pháp dùng thời gian dài như thế để tạo nên cơ sở giáo dục ấy. Cơ sở được xây dựng vững vàng rồi, quý vị nghe kinh sẽ khai ngộ, sẽ lãnh ngộ, tham Thiền sẽ đắc Định, niệm Phật sẽ được Nhất Tâm. Nay chúng ta học Giáo chẳng thể khai ngộ, tham Thiền chẳng thể đắc Định, niệm Phật chẳng thể đạt Nhất Tâm, nguyên nhân là gì? Là vì học tràn lan, không xây dựng cơ sở kỹ càng. [Do vậy], quý vị mới hiểu cơ sở rất quan trọng. 

Chúng ta muốn tương lai có thành tựu, tự mình có thành tựu cũng như có thể giúp đỡ người khác, tự hành hóa tha thì cơ sở của chúng ta nhất định phải hết sức ổn thỏa. Điều này phải cậy vào sự nỗ lực của chính mình, tự mình giác ngộ, tự mình nghiêm túc tu học. Do trong thời đại này chẳng thể có thầy nghiêm khắc đốc thúc, răn dạy như trước kia, cả xã hội tiến vào dân chủ, tự do, cởi mở; do vậy, đối với việc [xây đắp] cơ sở giáo dục [cho chính mình] ngày càng khó khăn, hoàn toàn phải cậy vào thiện căn của chính mình. Tự mình có thiện căn, tự mình hiểu rõ chuyện này, tự động, tự phát, chẳng thể cậy vào sự đốc thúc, chỉ dạy của thầy được nữa! Thầy thấy quý vị tự động tự phát đương nhiên rất vui mừng, sẽ toàn tâm toàn lực giúp đỡ quý vị. Không thể tự động tự phát thì cũng không làm sao được hết. Phải biết điều này! 

 Lại xem đến hàng thứ mười trong trang thứ bảy, câu cuối cùng: “Phật tạng kinh vân”, [nghĩa là] đây chính là điều được ghi trong kinh Phật: “Bất tiên học Tiểu Thừa, hậu học Đại Thừa giả, phi Phật đệ tử” (Nếu trước hết không học Tiểu Thừa rồi mới học Đại Thừa thì không phải là đệ tử Phật). Câu này luận về thứ tự tu học. Trước hết học Tiểu Thừa, sau đó học Đại Thừa, tức là chiếu theo thứ tự thuận, tu học theo lớp lang, như thế là đệ tử Phật. Nghe lời Phật, tôn trọng lời thầy giáo huấn, tôn sư trọng đạo, đấy là đệ tử Phật. 

Phật pháp sau khi truyền đến Trung Quốc, vào giai đoạn đầu của các đời Tùy, đời Đường, Tiểu Thừa đã từng có lúc hưng thịnh, nhưng thời gian rất ngắn, không lâu. Về sau, pháp Tiểu Thừa mất hẳn tại Trung Quốc. Hiện thờiTrung Quốc, những tông Tiểu Thừa như Thành Thật Tông[10], Câu Xá Tông[11] đã biến thành danh từ lịch sử, không thấy đạo tràng Tiểu Thừa nữa. Giai đoạn đầu đời Đường còn có, về sau không còn. Thế nhưng kinh điển Tiểu Thừa trong Đại Tạng Kinh có thể nói là khá hoàn chỉnh vì hiện tại đem Tam Tạng Tiểu Thừa Nam Truyền so với những kinh Tiểu Thừa trong Đại Tạng Kinh Trung Quốc (chúng tôi không làm công việc này, có người khác làm, họ bảo cho tôi biết) thì chỉ sai khác với kinh điển Tiểu Thừa của chúng ta khoảng chừng hơn năm mươi mấy bộ. Nói cách khác, năm mươi mấy bộ ấy phân lượng quá nhỏ! Kinh luận Tiểu Thừa rất ngắn, gần như có chừng một, hai ngàn bộ. Giữa một hai ngàn bộ kinh [của hai tạng Hán Truyền và Nam Truyền] chỉ khác biệt năm mươi mấy bộ. Do vậy, có thể biết là chúng ta đã phiên dịch kinh điển Tiểu Thừa khá viên mãn. Nhưng hiện thời những kinh Tiểu Thừa không có ai đọc, chúng ta học tập kinh Tiểu Thừa làm cơ sở, đương nhiên không cần phải đọc hết toàn bộ kinh điển Tiểu Thừa. Đại Thừa phân tông phái, Tiểu Thừa cũng có thể chọn đọc. Trong quá khứ, khi chúng tôi cầu học ở Đài Trung, thầy Lý cũng chọn ra mười mấy bộ kinh điển Tiểu Thừa dạy cho chúng tôi, như vậy là đủ rồi. Như hiện tại chúng ta đọc A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung Kinh, đấy chính là kinh Tiểu Thừa, kinh Tiểu Thừa có thể chọn ra vài bộ để đọc. 

Tiểu Thừa mất đi ở Trung Quốc là vì có nguyên nhân. Nguyên nhân ấy chính là vì người xưa đọc những sách vở của Nho Gia, Đạo Gia Trung Quốc, Khổng Tử, Lão, Trang. Những điều Khổng Tử, Lão, Trang nói quả thật không kém Tiểu Thừa. Nói cách khác, bị Nho Gia, Đạo Gia Trung Quốc thay thế. Do vậy, từ Nho, Đạo mà vào Phật pháp, chẳng cần phải học pháp Tiểu Thừa, trực tiếp tiến vào Đại Thừa, đạo lý là như vậy. 

Trước kia, Tàng Kinh Lâu (lầu trữ kinh) trong tự viện (nay gọi là Đồ Thư Quán) không chỉ có kinh Phật mà còn có kinh của Nho Gia, Đạo Gia, thảy đều có hết. Vì vậy, trước kia người có học trong thế gian đến đâu để đọc sách? Ở nơi đâu cất giữ nhiều sách vở như vậy để cho họ đọc? Tự viện! Chúng tôi đọc Phạm Trọng Yêm Truyện, đọc Nghĩa Điền Ký [là những sách] kể về tiểu sử của Phạm Trọng Yêm. Phạm tiên sinh lúc tuổi trẻ là một chàng Tú Tài đọc sách ở tự viện. Trong tự viện cất giữ rất nhiều sách vở hoàn bị, hầu như người đọc sách thời đó muốn tìm sách vở gì đều có thể tìm được nơi chùa miếu. Vì thế, Tàng Kinh Lâu chính là thư viện. Người xuất gia đều đọc sách Nho Gia, những sách vở của Nho Gia họ đều đọc qua, đọc lan qua cả những sách của Đạo Gia, bách gia chư tử họ đều thông đạt. Đọc sách ở chùa miếu, không những tìm được sách vở rất thuận tiện mà còn nếu như có câu hỏi nghi nan nào, cũng có thể thỉnh giáo pháp sư. Pháp thế gian hay xuất thế gian pháp sư đều thông đạt, đều có thể hướng dẫn, đều có thể giúp cho người ta. Vì thế, chùa miếu chính là trường học, khác với hiện tại, khác hẳn! Đây chính là lý do vì sao Tiểu Thừa bị biến mất ở Trung Quốc

Nhưng đến thời hiện tại, sách Nho gia cũng không đọc, sách Đạo gia chúng ta cũng không xem, lại coi thường Tiểu Thừa, vừa học Phật bèn vào thẳng ngay Đại Thừa, lăn lộn với Đại Thừa suốt đời mà có thành tựu gì hay chăng? Nếu nói thành tựu thì đúng như Thanh Lương đại sư đã bảo: “Tăng trưởng tà kiến”. Thanh Lương đại sư nói như vậy đó. Nay chúng tôi nói cho dễ nghe hơn một chút thì là kiến thức Phật học rất phong phú giúp cho kẻ ấy ăn nói linh hoạt, giúp kẻ ấy viết lách. Ngoại trừ việc ấy ra, đối với đức hạnh, tu trì, tâm thanh tịnh, trí huệ, kẻ ấy hoàn toàn không có gì! Do vậy, chúng ta thường thấy người học Phật, bất luận xuất gia hay tại gia, khi chưa thông đạt Phật pháp, họ rất thật thà, rất kiền thành, nhưng hiểu được chút ít Phật pháp rồi bèn kiêu căng ngã mạn, coi thường người khác, vậy là sai mất rồi! Không những học Phật sai mà học Nho cũng sai luôn! Quý vị thấy Nho gia nói rất hay: “Học vấn thâm thời ý khí bình” (lúc học vấn sâu xa, tính tình điềm đạm). Học vấn của một người phải nhìn từ đâu? Tâm bình khí hòa thì người ấy có học vấn. Viết thì một tay văn chương lỗi lạc, giảng đến nỗi hoa trời rơi lả tả, nhưng trong tâm ngạo nghễ, ngã mạn, ghen ghét, nóng giận, người ấy có học vấn hay chăng? Không có học vấn, đó là kiến thức nông cạn! Quý vị muốn tu học pháp thế gian, xuất thế gian vì sao tu học lại trở thành như vậy? Do đánh mất cơ sở, không chiếu theo cơ sở ấy để tu học!

Trước kia bậc Tiểu Học của Nho Gia học cuốn Ngũ Chủng Di Quy[12] do Trần Hoằng Mưu biên soạn vào thời Thanh xưa kia. Trong quá khứ tôi đã từng bảo mọi người đọc; do đấy, chúng ta có thể thấy tông chỉ dạy học của nền giáo dục Tiểu Học thời cổ quả thật là tu Định. Lúc tôi ở Đài Trung, thầy Lý chọn cuốn sách này làm sách tham khảo phải đọc trong việc tu thân. Trong quá khứ, tôi đã mua rất nhiều bản Ngũ Chủng Di Quy, mua đến hai ba chục bản, mỗi người một bản, trước kia đã từng phát ra rồi, nay Ngũ Chủng Di Quy cũng không thấy nữa, tôi thấy trong tủ sách cũng hoàn toàn không có cuốn này. 

 Nếu quý vị chẳng khéo dạy dỗ trẻ nhỏ thì cái đầu nhỏ bé của chúng cũng suy nghĩ lung tung. Làm thế nào để dạy chúng tu Định? Đương nhiên chẳng thể bắt chúng khoanh chân ngồi yên. Trẻ nhỏ không ở yên một chỗ được thì có thể dạy nó học thuộc sách. Thuộc sách là tu Định ư? [Hễ phải] học thuộc sách thì nó không thể suy nghĩ lung tung. Vì thế, Tứ Thư, Ngũ Kinh, bách gia chư tử, bộ nào cũng dạy chúng nó học thuộc, không giảng giải. Trước kia, từ bảy tuổi đến mười hai tuổi là Tiểu Học, những thứ học ở Tiểu Học là quét dọn[13], ứng đối, toàn là học làm người như thế nào, nói năng như thế nào. Giáo dục Tiểu Học nhắm vào đức hạnh, ngôn ngữ, mỗi một cử chỉ hành động phải có quy củ, nói năng phải có chừng mực. Do được huấn luyện như vậy, những đứa nhỏ mười một, mười hai tuổi ấy rất giống với người lớn, chúng cũng có oai nghi, mỗi một cử chỉ đều chững chạc. Đấy là giáo dục về cách sống, dưỡng thành từ nhỏ. “Tiểu thành nhược thiên tánh” (tập thành từ nhỏ nên giống như là bẩm sinh vậy). Bồi dưỡng tập thành từ nhỏ, nên giống như được thiên phú. Từ nhỏ đã được bồi dưỡng giáo dục cách sống, hầu hạ phụng sự cha mẹ như thế nào, cư xử với huynh trưởng ra sao, quan hệ giữa người và người được dạy rất rõ ràng, phân chia vai vế rất rành mạch, hiểu được lễ tiết. Đấy chính là cơ sở thật sự của xã hội trật tự, gia đình hòa thuận, xã hội an định. Ngoài ra là đọc sách, đọc sách phải học thuộc, thầy phải dạy từng câu. Do vì sách thời cổ không có ký hiệu chấm câu; lúc đọc, thầy chấm câu cho nó. Hiện thời, quý vị thấy [những tác phẩm] trong Tứ Khố Toàn Thư không có ký hiệu chấm câu. Do vậy, lúc đọc thầy phải dùng bút đỏ để khuyên[14] từng câu, dạy đọc từng câu. Đó là vì trước kia sách vở không chia thành từng đoạn, [mỗi đoạn] có tựa đề nhỏ (tiểu tiêu đề) giống như hiện thời. Chẳng hạn kinh Vô Lượng Thọ của chúng ta được chia thành bốn mươi tám đoạn, mỗi đoạn đều có tựa đề. Xưa kia không có, cách này do người đời sau đặt ra. Vì thế, thầy phải dạy đọc từng câu, rồi đốc thúc trẻ nhỏ học thuộc. 

Trước kia, tiêu chuẩn đọc sách là đọc đến mười lượt mà chưa thuộc được thì có nghĩa là đứa trẻ ấy chưa thể dạy [như vậy] được, nó chưa tiếp nhận được. Vậy thì làm sao? Mỗi người thiên phú khác nhau. Xưa kia trong mỗi buổi học, đứa trẻ nào thiên phú tốt, căn tánh lanh lợi, thông minh, mỗi một ngày có thể dạy cho nó số lượng nhiều hơn một chút, có thể cho nó học mười dòng, học hai mươi dòng. Hai mươi dòng là một trang, mỗi một trang của chúng ta đây là hai mươi dòng. Khi đọc hai mươi dòng đó mười lượt mà đứa trẻ ấy nhất định thuộc được, tức là với sức nó, có thể dạy cho nó hai mươi dòng. Mười lần không thuộc thì giảm bớt đi, dạy mười dòng thôi. Nếu mười dòng vẫn không thuộc được thì dạy năm dòng. Năm dòng vẫn không thể thuộc thì dạy ba dòng, dùng phương pháp ấy. Do đó, một vị thầy thường dạy mười, hai mươi đứa học trò, mỗi trò đọc mấy dòng khác nhau tùy theo năng lực của từng đứa. Nếu năm sáu lần nó đã thuộc thì là đứa có thiên phận (bẩm tánh) tốt, thầy phải đốc thúc nó học một trăm lần, phải đọc cho lớn tiếng, như vậy thì nó sẽ vĩnh viễn không quên. Đứa kém hơn, thiên tư tệ hơn một chút, nhất định phải đọc tới mười lần mới thuộc được thì thầy phải đốc thúc nó đọc hai trăm lần. Do vậy, căn tánh so ra kém cỏi hơn một chút thì phải siêng năng, phải học nhiều hơn; như câu nói: “Nhân nhất năng chi, kỷ thập chi”, [tức là] người ta một lần là được, mình phải dụng công mười lần, dùng siêng năng để bù vụng về, thầy đốc thúc trò học nhiều lần hơn. 

Đến hôm sau vào lớp, trước buổi học, phải nhẩm lại những bài hôm trước một lượt rồi mới học bài ngày hôm nay. Như vậy, ngày nào cũng phải ôn luyện bài hôm trước, ngày ngày đều phải nhẩm lại bài hôm trước, đem những điều đã được dạy lần trước nhẩm lại hết một lượt. Học tới hết cuốn sách đó, phải đọc lại những phần trước một lượt rồi mới cho quý vị học cái mới. Vì thế, ngày ngày phải nhẩm lại sách, ghi nhớ vào tâm. Sách nhất định không giảng, không có ý nghĩa gì cả, học trò nhỏ không hiểu được đạo lý ấy, mục đích nhằm huấn luyện cái Định, huấn luyện ký ức, cho nên dùng phương pháp này. 

Đại khái đến năm mười hai tuổi, đứa nào thiên phận tốt thì đã đọc mười ba kinh[15], đọc tác phẩm của chư tử. Tác phẩm của chư tử phải chọn lựa. Rồi lại còn học một phần Sử, tức là đọc hai mươi lăm bộ sử. Hai mươi lăm bộ sử ấy không thể đọc toàn bộ, cũng phải chọn lựa, hoặc là đọc Cương Giám Dị Tri Lục[16], tức là sách viết về đại cương lịch sử Trung Quốc. Nếu là đứa có thiên phận cao, có căn bản thì đọc bộ Thông Giám Tập Lãm[17], mọi thứ đều phải đọc thuộc. Từ năm bảy đến mười hai tuổi liền hoàn thành toàn bộ. Quý vị hỏi nó câu nào nằm trong cuốn sách nào, trang thứ mấy, dòng thứ mấy nó đều biết cả. Đúng là thuộc nhuyễn nhừ. Nó không khởi vọng tưởng, tâm định rồi. Do vậy, xưa kia cổ nhân lúc mười hai, mười ba tuổi, tâm rất thanh tịnh, rất định, do dùng phương pháp này để huấn luyện vậy. 

Bây giờ khó lắm, hoàn cảnh quá tệ hại. Trẻ nhỏ hiện thời đều coi TV, chơi video game, bảo chúng nó học thuộc sách chúng không thể làm được: “Ai cũng đi chơi hết, kêu mình con đọc sách thôi à!”, nó bèn không làm. Hoàn cảnh hiện thời đã khác hẳn, quá khác biệt so với hoàn cảnh dạy học xưa kia. [Thế nên] quý vị hiểu cổ nhân vì sao có thể khai ngộ, vì sao có thể chứng quả. Con người hiện tại rất thông minh, hết thảy hoàn cảnh đều tốt đẹp hơn trước, vì sao tu mấy chục năm vẫn không thể khai ngộ, không thể chứng quả, nay quý vị đều thấy rõ ràng, quý vị hiểu được căn bệnh phát sanh từ đâu. Cổ nhân tôn sư trọng đạo, thầy dạy sao trò học vậy, thật thà đọc sách, thật thà học thuộc sách. Do vậy, giai đoạn Tiểu Học chính là học Định. 

Học Huệ thì Huệ là gì? Đọc, đọc rất thuộc thì gọi là Căn Bản Trí. Căn Bản Trí là gì? Kinh Bát Nhã giảng là “Bát Nhã vô tri”, vô triCăn Bản Trí. Trước hết là vô tri, cái gì cũng đều học thuộc hết, cái gì ta cũng không hiểu, hoàn toàn là học cho thật thuộc làu. Thời cổ trường học không có bậc Trung Học, học Tiểu Học xong liền lên Thái Học, nay chúng ta gọi Thái Học là Đại Học. Tiểu Học kết thúc, mười ba tuổi bèn vào Thái Học. Trong Thái Học dạy những gì? Giảng giải, nghiên cứu, thảo luận. Chẳng hạn như giảng giải Tứ Thư, nghiên cứu, thảo luận Tứ Thư, không đọc thuộc, hoàn toàngiảng giải. Cổ nhân nói “đọc sách vui”, thật vui sướng lắm! Giảng giải là thầy dẫn cả đám học sinh hằng ngày du sơn ngoạn thủy, “có việc học trò phải ra sức”, thầy ngồi xe, học trò phải đẩy xe cho thầy, chuẩn bị rượu, thức ăn lên đường du hành. Vì sao? Thầy lẫn trò đã thuộc làu làu những sách vở ấy rồi, mọi người chẳng cần phải mang theo sách. Giảng đến chương thứ mấy, trang thứ mấy, vừa đi vừa nghiên cứu, thảo luận, đi rong chơi cả hai ba tháng, là dạy xong khóa trình ấy. Xưa kia học hành vui vẻ chứ không khổ sở như hiện thời, [quá trình học] được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là học thuộc sách, giai đoạn thứ hai là giảng giải. Lúc nhỏ không hiểu chuyện thì chuyên học thuộc; đến năm mười ba, mười bốn tuổi trí huệ mở mang, có thể nghiên cứu, thảo luận. Cách dạy học ấy quả thật cao minh hơn cách dạy học hiện thời nhiều lắm! 

Từ khi [chế độ] Dân Quốc được thành lập đến nay, lối dạy học truyền thống của Trung Quốc bị phế bỏ, chọn theo cách giáo dục của Tây Phương, tệ hẳn đi. Căn Bản Trí không có, Hậu Đắc Trí khỏi cần bàn đến nữa! Căn Bản Trívô tri, Hậu Đắc TríVô Sở Bất Tri (không gì không biết). Quý vị thấy trong cách dạy học trước kia: Trẻ con mới mười mấy tuổi, chưa đến hai mươi tuổi (hai mươi tuổi sẽ làm lễ Gia Quan, tức lễ đội mũ), đi thi đậu Cử Nhân, đỗ Tiến Sĩ (Cử Nhân là thi ở tỉnh, Tiến Sĩ là thi ở cấp quốc gia), thường được phái đi làm quan, mười mấy tuổi đã làm huyện trưởng, làm huyện thái gia (ông quan huyện)! Người ta coi sóc việc cai trị có lớp lang, hợp lý. Nay những đứa trẻ mười mấy tuổi, chuyện gì cũng không biết! Phương pháp, chế độ giáo dục khác nhau, thâu được hiệu quả khác nhau.

Tại Đài Loan, ông Trương Linh soạn bài Tổng Thống Kỷ Niệm Ca cũng là một Phật giáo đồ kiền thành. Trong quá khứ, khi tôi giảng kinh, hai vợ chồng ông mỗi buổi đều đến nghe, chưa hề thiếu buổi nào. Nay hai vị đều đã khuất bóng cả rồi. Cư sĩ Trương Linh năm mười chín tuổi làm huyện trưởng, [trong số những người] làm huyện trưởng dưới thời Dân Quốc, e rằng ông ta là người trẻ tuổi nhất. Đấy là cách dạy dỗ giáo dục khác nhau, phương thức khác nhau; cho nên chúng ta hiểu trước kia giáo dục của Nho GiáoPhật giáo tốt đẹp, quá tốt đẹp! Quý vị chiếu theo phương pháp ấy mà tu học, có thể nói là những hạng thiên bẩm từ bậc trung trở lên đều có thể thành tựu. Vứt bỏ, không chiếu theo quy củ ấy, không chiếu theo quy củ sẽ không thành vuông - tròn[18] được! Nhất định phải tuân thủ quy củ! 

Hiện tại chúng ta có cần bắt đầu học từ Tiểu Thừa hay chăng? Vấn đề này hết sức nghiêm túc, phải xây dựng cơ sở từ đây. Do vậy, chúng tôi buộc mọi người đọc Tứ Thư, tôi định ra bảy môn học cho các đồng tu Tịnh Tông. Trong bảy môn học ấy, ba môn là căn bản của Tông chúng ta: Vô Lượng Thọ Kinh, A Di Đà Kinh Yếu Giải và Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, tức là chọn ra ba kinh quan trọng nhất trong năm kinh. Tôi chọn lựa như vậy, không bàn bạc mà hợp ý các cụ Hạ Liên Cư, Hoàng Niệm Tổ. Chúng tôi không thương lượng trước, tôi chọn lấy những bộ đó, họ cũng chọn các bộ ấy. Ngoài ra, thêm vào bốn thứ tương đương những kinh luận của Tiểu Thừa. Về kinh Tiểu Thừa, chúng tôi chọn bộ A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung Kinh; ngoài ra, chúng tôi chọn Tứ Thư của Nho Gia Trung Quốc, Liễu Phàm Tứ Huấn và Cảm Ứng Thiên Vựng Biên. Gộp lại, tổng cộng có bảy loại. Nho, Phật, Đại, Tiểu Thừa đều có, phân lượng không nhiều. Thật sự từ bảy môn này mà thâm nhập, đủ cho chúng ta dùng suốt cả một đời rồi! Sau đấy, thật thà niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ, không ai không thành tựu

Chúng tôi chọn hai bộ sách Liễu Phàm Tứ Huấn và Cảm Ứng Thiên Vựng Biên thay cho Giới Luật. Đương nhiên hiện thời mọi người phát tâm học Sa Di Luật Nghi Yếu Lược là chuyện hết sức khó có. Y theo bộ Sa Di Luật Nghi Yếu Lược này mà tu học thì nói cách khác, chúng ta có thể bỏ qua Cảm Ứng Thiên Vựng Biên và Liễu Phàm Tứ Huấn, một bộ Sa Di Luật Nghi này có thể thay cho hai bộ sách kia, chúng ta phải nghiêm túc học tập bản luật này. 

Nhưng tôi hy vọng mọi người phải thông thuộc hai bộ Cảm Ứng Thiên Vựng Biên và Liễu Phàm Tứ Huấn, vì sao? Chúng có thể giúp cho các đồng tu tại gia, có thể phổ cập trong xã hội. Đặc biệt là Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên Vựng Biên đều do người Hoa viết. Người Hoa đọc sách của người Hoa sẽ cảm thấy đặc biệt thân thiết, vui lòng thọ trì. Chúng ta phải thấu hiểu, phải biết rõ điều này. Vì thế, Ấn Quang đại sư không đề cao Giới Luật mà lại hướng về quảng đại xã hội đề cao Liễu Phàm Tứ Huấn và Cảm Ứng Thiên, thâu được hiệu quả rất tốt, khiến cho mọi người hiểu rõ nhân quả, tin sâu nhân quả, đoạn ác tu thiện

Liễu Phàm Tứ Huấn dạy quý vị nhận thức nhân quả, tin sâu nhân quả. Cảm Ứng Thiên dạy quý vị đoạn ác tu thiện. Cảm Ứng Thiên viết về tiêu chuẩn thiện - ác. Nói cách khác, tông chỉ của hai bộ sách này là “Chớ làm các điều ác, vâng làm các điều lành”. Sa Di Luật Nghi Yếu Lược cũng thuộc về loại này. Giống như mấy câu quan trọng, chúng ta nhớ được mấy câu là được rồi, thường dùng mấy câu đó để phản tỉnh, kiểm điểm, đó là chân chánh tu hành. Chúng ta lại xem tiếp đoạn kinh văn thứ năm kế đó:

Ngũ: Nhân thủ Thập Giới, lược giải sổ ngữ. 
(Năm, do giữ Thập Giới, lược giải mấy lời) 

Do vì những đạo lý trên đây là tiêu chuẩn giáo học nhà Phật, là nguyên tắc của giáo học Phật giáo; căn cứ vào những nguyên tắc này, lấy Thập Giới làm tiêu chuẩn, thêm vào những giải thích đơn giản, nên gọi là “Lược Giải”. Liên Trì đại sư soạn lược giải, Hoằng Tán đại sư soạn lời giải thích chi tiết. Như vậy, những lời chú thích ở dưới là của Hoằng Tán đại sư[19] chú thích thêm. Hoằng Tán đại sư là người đời Thanh, sợ chúng ta xem Lược Giải vẫn chưa thể thấu hiểu ý nghĩa của kinh, chẳng biết thực hiện từ chỗ nào. Do vậy, Ngài chú giải tường tận cho chúng ta. Chúng ta thấy Liên Trì đại sư soạn phần Lược Giải rất vắn tắt, không đầy mấy trang, thấy phần Tăng Chú (chú thích bổ sung) chú thích rất nhiều. Những dòng in theo lối “đảnh cách” đều là do đại sư Liên Trì đã viết, tức là phần Lược Giải. Những dòng in thấp xuống một chữ chính là lời Tăng Chú của Hoằng Tán đại sư

Lục, sử mông học tri sở hướng phương.
(Sáu, để kẻ mới học biết được phương hướng)

“Mông học” tức là sơ học. Những kẻ sơ học chúng ta biết được phương hướng, biết tông chỉ tu học, biết phải dụng công từ nơi đâu. Điều này quả thật rất quan trọng. 

Thất, hảo tâm xuất gia giả, thiết ý tuân hành, thận vật vi phạm
(Bảy, kẻ hảo tâm xuất gia, dốc ý tuân hành, cẩn thận chớ vi phạm

Đoạn văn này hết sức khẩn yếu. Cả ba câu đều rất quan trọng. “Hảo tâm” là chân chánh phát tâm, “xuất gia” vì để liễu sanh tử, vì độ chúng sanh. Đấy là hảo tâm xuất gia; chứ chẳng phải vì trốn tránh thực tạixuất gia, chẳng phải vì ở trong thế gian bị đủ mọi vùi dập, [vì bị thất bại mà xuất gia] thì gọi là “tiêu cực”. Không phải vậy, hảo tâm xuất giatích cực, đối với Phật pháptrình độ hiểu biết, giác ngộ kha khá. Trong các nghề nghiệp của thế gian, chúng ta chọn lựa nghề nghiệp này, chúng ta biết trong hết thảy các nghề nghiệp hiện thời, nghề nghiệp này thù thắng nhất. Đây là hạnh nghiệp giác ngộ, là hạnh nghiệp liễu sanh tử, xuất tam giới, giúp cho hết thảy chúng sanh giác ngộ, giúp cho hết thảy chúng sanh liễu sanh tử, xuất tam giới. Hạnh nghiệp này chính là hạnh nghiệp vĩ đại nhất, tích cực nhất. Chúng ta phát tâm theo đuổi công tác giáo dục Phật giáo, tuyệt đối chẳng phải là tiêu cực, tuyệt đối chẳng phải là trốn tránh hiện thực xã hội, người thế gian không hiểu đạo lý này, hiểu lầm Phật pháp, nhìn thành ra như vậy đó!

Đương nhiên, quả thật có không ít những kẻ vì trốn tránh hiện thực xã hộixuất gia, tạo thành khá nhiều hiểu lầm cho người khác. Những kẻ ấy chúng ta không bàn đến; còn bản thân chúng ta xuất gia là vì lẽ gì? Chúng ta hiểu rõ, chúng ta nhận thấy nền giáo dục này tốt đẹp, có giá trị, phải nên hoằng dương cho rạng rỡ, rộng lớn, đáng tiếc không có ai làm! Không có ai làm thì mọi người không biết, không hiểu, không nhận thức. Chúng ta hiểu rõ, hiểu trọn vẹn, nhận thức thì bản thân chúng ta phải gánh vác trách nhiệm, nghiêm túc nỗ lực làm, làm cho tốt. Chúng ta xuất gia là vì vậy! 

Phát tâm xuất gia như thế, quý vị nhất định phải tôn sư trọng đạo. Chúng ta đọc cuốn sách này thì Liên Trì đại sư là thầy của chúng ta, Hoằng Tán đại sư là thầy của chúng ta, chúng ta phải tôn trọng những giáo huấn của các Ngài trong cuốn sách này. Chúng ta phải kính trọng thầy, phải tôn trọng lời các Ngài giáo huấn, phải chú tâm lãnh hội nghiên cứu, y giáo phụng hành. Đấy là tôn sư trọng đạo. Do vậy, phải “thiết ý tuân hành” (dốc ý tuân hành), dùng ý chí khẩn thiết tuân thủ phụng hành. “Thận vật vi phạm” (cẩn thận chớ vi phạm): Chẳng được trái nghịch, chẳng được vi phạm lời thầy giáo huấn. Lại xem tiếp đoạn thứ tám: 

Bát, nhiên hậu cận vi Tỳ Kheo giới chi giai thê, viễn vi Bồ Tát Giới chi căn bản
(Tám, sau đấy gần thì là bậc thang cho giới Tỳ Kheo; xa thì là căn bản cho giới Bồ Tát

Đây là ba giai đoạn. Cơ sở trong giai đoạn thứ nhất không tốt thì đừng mong chi giai đoạn thứ hai, giai đoạn thứ ba càng khỏi cần phải nói đến nữa. Do vậy, phải khéo tu giai đoạn này mới có thể tiếp nhận giới Tỳ Kheo. Giới Tỳ Kheo tu tốt đẹp rồi mới có thể tiếp nhận giới Bồ Tát. Đây là ba giai đoạn, ba nấc thang. Chúng ta chân tu, không trọng hình thức. Do vậy, mọi người hảo tâm xuất gia, “chúng tôi muốn mau được thọ Tam Đàn Đại Giới, ngay lập tức làm Bồ Tát”, ấy là giả, không thật đâu! Chúng ta làm Sa Di suốt đời trọn chẳng nhục nhã, chúng ta tu thật, chúng taSa Di thật sự, còn họ là Bồ Tát giả, khác hẳn! Do vậy, thực hiện công phu chậm chạp, thật thà, chất phác nơi cơ sở mới là chân thật. Đoạn tiếp theo nói: 

Cửu, nhân Giới sanh Định. Nhân Định phát Huệ. Thứ kỷ thành tựu thánh đạo, bất phụ xuất gia chi chí hỹ. 

(Chín: Nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Huệ. Ngõ hầu thành tựu thánh đạo, chẳng phụ chí xuất gia

Đây là thứ tự. Trình bày thứ tự thật rõ ràng, minh bạch. Do vậy, cơ sở của chúng ta là Giới - Định. Sa Di Luật Nghi là tu đại căn bản Giới và Định. Tu Giới và Định ấy nơi đâu? Tu trong cuộc sống hằng ngày, tu nơi khởi tâm động niệm. Đó gọi là tu hành! Chứ không phải mỗi ngày cầm lên đọc mấy biến là tu hành, không phải vậy! [Tu Giới] nơi khởi tâm động niệm, xử sự, đãi người, tiếp vật, tu Giới trong ấy. Giới là tuân thủ quy củ, hết thảy đều làm đúng pháp. Tu Định như thế nào? Tu tâm thanh tịnh trong những điều ấy. Tôi vừa mới trình bày cùng quý vị rồi đó: Hai mươi bốn môn oai nghi là những khuôn mẫu sanh hoạt, mà cũng là cuộc sống thường nhật, chúng ta phải dùng những tâm thái gì để đối xử với con người, đối sự, đối vật. 

Tuy trên văn tự nói là “sự sư” (thờ thầy), tức là đối với thầy, nhưng theo như hết thảy các kinh dạy thì là đối với Phật, Phật đại biểu cho đại chúng. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện dạy “lễ kính chư Phật”, chư Phật là ai? Hết thảy chúng sanh đều là chư Phật. Không chỉ hữu tình chúng sanh là chư Phật, mà vô tình chúng sanh cũng là chư Phật. Bàn ghế, thực vật, khoáng vật đều là chư Phật. Hữu tình chúng sanhPhật Tánh là chư Phật, vô tình chúng sanhPháp Tánh, cũng là chư Phật. Pháp TánhPhật Tánh là một tánh. Do vậy, kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình và vô tình, đồng viên chủng trí”. Lấy Phật làm đại biểu, đối với đức Phật chúng ta cung kính nhất thì đối với hết thảy mọi người cũng phải có cùng một cái tâm cung kính giống hệt như vậy. Đối sự, đối vật quyết định không có sai khác, cùng một cái tâm cung kính

Hai mươi bốn Oai Nghi được nói đến ở đây chính là những khuôn mẫu sanh hoạt thường nhật. Sách này dạy “thờ thầy”, thì Thầy ở đây cùng một ý nghĩa với chữ Phật được nói trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm. Chúng ta tôn kính thầy, dùng cùng một cái tâm tôn kính thầy đối với hết thảy đại chúng, đối với hết thảy mọi người, đối với hết thảy sự, đối với hết thảy vật thì quý vị mới biết học Phật! Cung kính Phật, cung kính thầy, nhưng những ai không phải thầy mình bèn khinh mạn họ một chút là trật rồi! Làm sao quý vị đắc Định cho được? Làm sao quý vị đạt cái tâm thanh tịnh cho được? Do vậy, kinh nói đến Phật, nói đến thầy là nói đến đại biểu. [Hiểu] như vậy mới là đúng. 

Đoạn văn này nêu rõ thứ lớp, thứ tự theo chiều thuận, mục tiêu tu học. Chúng ta dựa vào mười giới, hai mươi bốn oai nghi này, chúng đều nằm trong một chữ Giới. Dựa vào phương pháp này mới hòng đắc Định, đắc tâm thanh tịnh, đắc Căn Bản Trí. Đắc Định xong rồi mới có thể nghe kinh, mới có thể tham Thiền, mới có thể niệm Phật, mới có thể học rộng nghe nhiều, thành tựu Hậu Đắc Trí cho chính mình. Hậu Đắc Trí không gì không biết: “Bát Nhã vô tri, không gì không biết”. Do vậy, trước hết phải đạt được Vô Tri, sau đấy mới sẽ không gì không biết. Thứ tự thuận này chẳng được đảo lộn. Nếu đảo lộn thì Căn Bản Trí không có, Hậu Đắc Trí hoàn toàn không có. Chẳng thể coi tà tri tà kiến là “không gì không biết”; nếu vậy là lầm lẫn quá đỗi rồi! “Không gì không biết” là Chánh Tri Chánh Kiến, phải hiểu điều này! 

Hôm nay chúng tôi giảng đến đây. Những điều này không cần giảng nhiều, quan trọng là phải thật sự thấu hiểu được ý nghĩa, hiểu rõ chúng ta nên làm như thế nào? Tu học như thế nào thì sẽ đạt được lợi ích lớn lao ấy!




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/07/2010(Xem: 58904)
29/06/2010(Xem: 53248)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :