Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (10)

20/09/201411:47 CH(Xem: 10739)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (10)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (10)


Gặp hoàn cảnh trái nghịch vẫn có thể tu phước
Khi gặp hoàn cảnh trái nghịch, nên tự suy nghĩ như thế này: “Ta nay gặp cảnh khốn khổ tai ách này, đều là do nghiệp đời trước chiêu cảm mà có, nếu vui lòng nhận chịu ắt là đền trả hết được nợ nần xưa kia.” Cũng chẳng riêng việc ấy, nếu mình gặp cảnh nghèo túng khốn cùng, thường cầu mong cho tất cả mọi người đều được giàu sang sung túc; nếu mình phải chịu nhiều bệnh khổ, thường cầu mong cho tất cả mọi người đều được khỏe mạnh an ổn; nếu mình thường gặp cảnh đấu tranh giành giật, thường cầu mong cho tất cả mọi người đều được hòa hợp an vui; nếu tự mình ngu si hôn ám, thường nguyện cho tất cả mọi người đều được trí tuệ sáng suốt; nếu tự mình không được trọn đủ các giác quan, thường cầu mong cho tất cả mọi người đều được thân tướng tốt đẹp.
Mỗi khi gặp một hoàn cảnh hoạn nạn nào đó, liền nguyện trong đời vị lai sẽ cứu độ cho người gặp hoạn nạn như thế. Như vậy chẳng phải là ngay nơi phiền não tức hiện Bồ-đề, độc dược hóa thành cam lộ đó sao? Nếu người không biết tu phước thì ắt là ngược lại. 
Người khác làm việc thiện, ta có thể được phước
Khi người khác làm việc thiện chưa thành tựu mà mình tùy theo để khuyến khích, thúc đẩy, đó gọi là khuyến khích được phước. Khi người khác làm việc thiện đã thành tựu, mình cũng tùy theovui mừng hoan hỷ, đó gọi là tùy hỷ được phước. Thường ngợi khen xưng tán điều thiện, khiến người khác bắt chước làm theo, đó gọi là tán thán được phước. Suy cho cùng thì khắp cả trên trời dưới đất, từ xưa đến nay, hết thảy các điều thiện trong thiên hạ đều có thể tạo phước cho ta. 
Cho nên, Bồ Tát Phổ Hiền phát khởi 10 nguyện lớn thì nguyện thứ 5 chính là “tùy hỷ công đức”. Trên từ vô lượng phước báo nhiều đời nhiều kiếp của chư Phật, Bồ Tát; dưới cho đến chỉ một việc thiện nhỏ nhoi của bất kỳ chúng sinh nào trong sáu cõi luân hồi, khi mình biết được thì đối với tất cả đều phát tâm tán thán, tùy hỷ. Làm được như thế rồi thì bao nhiêu phước báo trong tận cùng hư không, rộng khắp pháp giới, đâu đâu cũng có thể trở thành phước báo của mình, mà tự thân mình cũng được như Bồ Tát Phổ Hiền không khác. 
Người khác làm việc xấu ác, ta có thể được phước
Khi người khác làm việc ác chưa thành mà mình gắng sức khuyên bảo, khiến người ấy ngưng lại, ắt mình sẽ được phước. Khi người khác làm việc ác đã xong, mình thấy vậy sinh tâm buồn lo, không vui, ắt cũng sẽ được phước. Khi việc ác chưa truyền rộng, mình cố gắng tìm mọi phương cách để chặn đứng, ngăn cản, ắt sẽ được phước. Nếu việc ác đã lan truyền, nên lấy đó làm bài học để răn ngừa, cảnh giác không phạm vào, ắt cũng sẽ được phước. 
Nếu việc xấu ác làm hại đến mình mà có thể nhẫn nhục chịu đựng, ắt sẽ được phước. Nếu việc xấu ác làm hại đến người khác mà mình có thể khuyên người nhẫn nhục chịu đựng, ắt cũng sẽ được phước. 
Trưng dẫn sự tích
Năm dặm bồn đồng
Ngày xưa, tại nước Câu-lưu-xa có vị vua tên là Ác Sinh. Một hôm, vua nhìn thấy có con mèo vàng từ phía đông bắc của đại sảnh đi vào rồi chui xuống đất chỗ góc tây nam. Vua liền ra lệnh khai quật ngay chỗ góc nhà ấy lên, tìm được một cái bồn bằng đồng, trong có 3 hộc, đều chứa đầy những đồng tiền vàng. Từ chỗ cái bồn ấy đào sâu xuống một chút lại gặp một cái bồn bằng đồng nữa, cũng có 3 hộc và cũng chứa đầy tiền vàng bên trong như vậy. Tiếp tục đào xuống thì tìm được thêm cái bồn thứ ba, cũng giống hệt như vậy. Lại từ chỗ đào được ấy, tiếp tục tìm ra quanh đó thì cứ cách khoảng một bước đi lại tìm được bồn đồng chứa tiền vàng, như vậy rộng ra đến 5 dặm đều tìm được rất nhiều bồn đồng chứa tiền vàng như vậy. 
Vua cho là việc quái dị, trong lòng sinh nghi, liền tìm đến chỗ Tôn giả Ca-chiên-diên thưa hỏi. Tôn giả đáp rằng: “Vào đời quá khứ cách nay 91 kiếp, có đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Sau khi đức Phật ấy nhập Niết-bàn, có một vị tỳ-kheo đi khất thực đến chỗ ngã tư đường liền ngồi xuống, muốn giáo hóa mọi người nên chỉ tay vào bát mà nói rằng: ‘Nếu có ai biết mang tiền bạc cất vào trong thành quách kiên cố này, thì bất luận là vua chúa, kẻ trộm cướp, cho đến các nạn lớn như lũ lụt, hỏa tai, cũng đều không thể cướp mất đi tài sản của người ấy. ’ 
“Có một người nghèo nghe vị tỳ-kheo nói thế thì hết sức hoan hỷ phấn khích, nhân lúc ấy lại vừa bán củi ở chợ được 3 đồng tiền, liền cúng dường tất cả vào trong bát. Cúng dường xong, người ấy quay về nhà cách đó 5 dặm, cứ mỗi bước đi trên đường đều sinh tâm hoan hỷ. Về đến trước cửa nhà rồi, trước khi vào nhà lại quay về hướng vị tỳ-kheo mà thành tâm đảnh lễ, phát tâm bố thí rồi mới vào. Người nghèo khổ ngày xưa ấy, nay không phải ai khác, chính là đại vương đó.” 
Lời bàn
Khi đức Phật đang ở tại thành Xá-vệ, có người phụ nữ với tâm chí thành dâng cúng một bát cơm. Đức Phật dạy rằng phước đức của người phụ nữ ấy rất lớn. Chồng của người phụ nữ ấy nghe rồi trong lòng rất hoài nghi, không tin rằng chỉ cúng dường một bát cơm nhỏ bé mà lại được phước rất nhiều như lời Phật dạy. Đức Phật liền gọi người ấy đến hỏi rằng: “Ông thấy cây ni-câu-đà cao lớn như thế nào chứ?”
Người kia thưa: “Dạ thấy, cây ấy cao chừng 4 đến 5 dặm, mỗi năm rụng quả xuống ước chừng vạn hộc.” 
Đức Phật lại hỏi người ấy hạt cây ni-câu-đà lớn hay nhỏ, người ấy đáp: “Chẳng qua cũng chỉ nhỏ bằng hạt cải.”
Đức Phật dạy: “Lòng đất chẳng qua chỉ là sự vật vô tình, mà gieo vào đó một hạt giống nhỏ bằng hạt cải, về sau có thể thu được mỗi năm đến vạn hộc quả, huống chi con người vốn có tâm thức, có thể chí thành dâng cúng lên đức Như Lai một bát cơm, sao lại nghi ngờ là không thể được phước báo lớn lao?”
Hai vợ chồng người kia nghe lời Phật dạy tâm ý liền thông suốt thấu rõ, không còn hoài nghi nữa. 
Những người phước mỏng sinh vào thời mạt pháp, kiến giải hết sức hẹp hòi, nghe chuyện “năm dặm bồn đồng” này làm sao có thể không khởi lên mối nghi “bát cơm nhỏ, phước lớn” như người xưa?
Cúng dường được một tháng 
Trong thành Xá-vệ có một nhà kia hết sức nghèo khổ, trong sân nhà có một cây nho, muốn hái một chùm để dâng lên cúng dường các vị tỳ-kheo. Lúc ấy, nhằm khi quốc vương đã có lời cầu thỉnh chư tăng thọ nhận cúng dường trong suốt một tháng, ngày nào vua cũng dâng cúng đồ ăn thức uống. Vì vậy, người nhà nghèo không có cơ hội để cúng dường, phải chờ đợi hết một tháng đó mới có thể mang chùm nho đến dâng cúng lên một vị tỳ-kheo. Vị tỳ-kheo thọ nhận rồi bảo rằng: “Ông đã cúng dường được một tháng rồi.” Người nghèo không hiểu, thưa hỏi lại: “Con chỉ dâng cúng một chùm nho, sao ngài lại nói đã cúng dường được trọn một tháng?” 
Vị tỳ-kheo dạy: “Tuy chỉ một chùm nho này, nhưng ông đã khởi tâm từ một tháng trước, luôn nghĩ nhớ đến việc cúng dường không lúc nào gián đoạn, như vậy chẳng phải là đã cúng dường được một tháng rồi sao?”
Lời bàn
Xét về sự việc thì bố thí cúng dường vốn có thể gián đoạn, nhưng tâm niệm bố thí cúng dường thì không nên gián đoạn, phải giữ cho niệm niệm nối nhau không dứt thì mới có thể vun bồi được hạt giống Bồ-đề. Việc cúng dường cơm nước cho các chùa chiền, tự viện... mang lại lợi ích lớn lao nhất, vì nó giúp cho người cúng dường kia trong chỗ tự mình không hay biết mà tự nhiên mỗi ngày đều cúng dường Tam bảo
Gieo trồng phước đức trên đầu ngón tay 
Xưa có người trưởng giả tên là A-cưu-lưu, vốn không tin rằng sau khi chết còn có kiếp sau, cũng không tin lẽ nhân quả, thiện ác. Ngày kia, A-cưu-lưu với 500 người khách buôn mang theo rất nhiều vàng ngọc châu báu, dự định cùng nhau thực hiện một chuyến buôn xa. Không may cả đoàn người lạc vào một con đường hết sức hiểm trở, đi suốt ba, bốn ngày qua mà chẳng nhìn thấy một ngọn cỏ, không tìm được một giọt nước, trong khi lương thực, nước uống mang theo đều đã cạn hết. Tình thế vô cùng nguy ngập, ắt không thể tránh khỏi phải chết vì đói khát
Khi ấy, trưởng giả A-cưu-lưu trong lúc đi loanh quanh tìm nguồn nước bỗng gặp một vị thần cây, liền đem việc nguy khốn đói khát của mình nói với thần. Vị thần đưa cánh tay phải lên, từ các ngón tay của ông liền hóa ra rất nhiều thức ăn, nước uống, cung cấp đầy đủ cho A-cưu-lưu và cả những người cùng đi đều thoát khỏi cơn đói khát
Trưởng giả A-cưu-lưu liền thưa hỏi: “Thần nhờ phước đức gì mà có khả năng biến hóa từ ngón tay ra thức ăn, nước uống như thế?”
Vị thần đáp: “Trước đây vào thời đức Phật Ca-diếp, ta là một người nghèo, thường ngồi bên lề đường nơi cửa thành chuyên làm việc lau kính cho người. Mỗi khi thấy có vị sa môn nào vào thành khất thực, ta liền đưa cánh tay phải lên chỉ đường, chỉ rõ cho vị ấy biết nhà nào trong thành có thể đến khất thực được. Lại khi thấy vị ấy khất thực được đầy bát trở về, ta liền sinh tâm hoan hỷ vô cùng. Ta làm như thế không chỉ một hai ngày mà là rất lâu dài. Nhờ phước báo đó mà ngày nay mọi thứ cần dùng chỉ đưa ngón tay chỉ ra là có.”
Trưởng giả A-cưu-lưu nghe qua câu chuyện của vị thần cây, trong lòng sáng tỏ, thấu rõ lẽ nhân quả, từ đó về sau hết lòng tu tập hạnh bố thí, mỗi ngày đều cúng dường cho rất nhiều vị tăng. Sau khi chết ông liền được sinh lên tầng trời thứ hai, cung trời Đao-lợi, làm vị thiên nhân rải hoa trời. 
Lời bàn
Người không có trí tuệ thì dù có nhiều tài sản cũng không thể gieo trồng phước báo. Người có trí tuệ thì dù không có tài sản cũng có thể gieo trồng phước báo. Nếu học làm theo như vị thần cây kia, ắt là tài sản của người khác cũng có thể trở thành hữu dụng cho ta. Khi chỉ đường làm lợi lạc cho người khác, ruộng phước từ nơi ngón tay chỉ mà được rộng sâu; ngợi khen khuyến khích người khác làm việc thiện, ruộng phước từ nơi lời nói mà được rộng sâu; bôn ba xuôi ngược giúp người, ruộng phước từ nơi đôi chân mà được rộng sâu... Quay nhìn lại khắp thân thể mình, từ tai, mắt đến tay, chân... thật không bộ phận nào lại không thể giúp ta gieo trồng ruộng phước. Thật vĩ đại lắm thay! Phật pháp quả thật mang lại lợi ích cho muôn người, những kẻ phàm tục tầm thường làm sao có được trí tuệ sáng suốt hiểu được như thế?
Thân hình xấu xí, thanh âm tốt đẹp 
Vua Ba-tư-nặc một hôm dẫn quân đi ngang tinh xá Kỳ Viên, nghe tiếng một vị tỳ-kheo tụng kinh, thanh âm hết sức hay lạ, thu hút. Vua liền tìm đến khấu đầu lễ Phật xin được diện kiến vị tỳ-kheo ấy, dâng cúng 10 vạn đồng tiền. Đức Phật dạy: “Nhà vua hãy cúng tiền trước rồi sẽ gặp thầy ấy sau. Nếu vua gặp thầy ấy trước, ắt sẽ không khởi tâm cúng dường nữa.”
Vua liền mang tiền đến cúng dường trước. Sau đó được gặp vị tỳ-kheo mới thấy vị này hình dung cực kỳ xấu xí, lại thấp bé vô cùng. Vua quả nhiên sinh tâm hối tiếc việc cúng dường. Vua liền thưa hỏi, muốn biết nhân duyên đời trước. 
Đức Phật dạy: “Ngày xưa, sau khi đức Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn, có một vị vua dựng tháp thờ Phật, giao cho 4 vị quan cùng lo đốc thúc việc xây dựng. Trong đó có một vị lười nhác không tận lực, liền bị vua quở trách. Vị quan ấy bị quở trách thì giận lắm, thốt ra lời rằng: “Cái tháp quái này to lớn quá, biết chừng nào mới xây cho xong được!” Do phát ra lời bực dọc oán hận đối với việc xây dựng tháp Phật, nên trong suốt 500 kiếp sinh ra đều phải chịu hình dung cực kỳ xấu xí, thấp bé. Lại sau khi xây dựng xong tháp Phật, vị ấy tự hối lỗi trước, mang một cái chuông nhỏ đến cúng dường đặt trong tháp. Nhờ phước báo ấy mà trong suốt 500 kiếp về sau mỗi khi sinh ra đều có được thanh âm hay lạ, thu hút người khác. 
Lời bàn
Các nhân do sáu căn tạo thành, thiện ác xen lẫn nhau, tùy theo đó mà chúng sinh phải thọ nhận quả báo khác nhau, khổ vui lẫn lộn. Xưa có người đi du lịch xa, lúc đến một ngọn núi giữa đảo xa ngoài biển, gặp một người dung nhan tỏa sáng phi thường, diện mạo đoan chánh, thường được nghe nhạc trời khiến tâm vui vẻ, chỉ riêng có cái miệng là cực kỳ xấu xí, giống như mõm lợn. Tìm hiểu nguyên nhân mới biết đó là người đời trước thường tu phước, chỉ hay mắc lỗi nơi lời nói, thường nói những lời thô tục, bẩn thỉu. Ôi, thật đáng sợ lắm thay! 
Mười hạt thóc được thoát nghèo 
Đời Tùy, ở núi Chung Nam có vị thánh tăng là Thích Phổ An. Mỗi khi ngài đến chỗ đông người, thiên hạ lại tranh nhau thiết lễ cúng dường thỉnh ngài thọ trai. 
Ngày kia, ngài đến thôn Đại Vạn. Trong thôn có người tên Điền Di Sanh, nhà nghèo đến mức chẳng có gì ngoài bốn bức vách trơ vơ. Ông có bốn người con gái, quần áo chẳng đủ che thân. Cô con gái lớn nhất tên là Hoa Nghiêm, khi ấy đã được 20 tuổi, ngoảnh nhìn lại gia sản chẳng có gì ngoài hai thước vải thô xấu. Nghĩ mình nghèo khổ thật quá đỗi, chẳng biết lấy gì để làm việc bố thí tạo phước, chỉ biết ngửa mặt nhìn lên mái nhà đau xót, bất chợt nhân đó thấy trên cây xà ngang có một lỗ hỗng nhỏ, bên trong có một nhúm thóc nằm vương vãi. Cô tìm cách lấy xuống, xem kỹ nhặt ra được mười hạt thóc vàng. Liền đem mấy hạt thóc ấy lột vỏ trấu, chà sạch lớp cám bên ngoài, định mang cùng với hai thước vải thô dâng lên cúng dường thánh tăng

Thế nhưng khi cô nhìn lại mình, chẳng còn mảnh vải che thân nên không thể ra khỏi nhà được. Liền chờ lúc đêm tối mới ra khỏi nhà, không dám đứng thẳng đi mà bò sát dưới đất, hướng về chỗ vị tăng đang trú ngụ, mang hai thước vải thô bỏ nơi bên ngoài phương trượng, còn mười hạt gạo thì tự tay mang đến bỏ vào nồi cơm đang nấu, trong lòng thầm khấn nguyện rằng: “Tôi đời trước do tham lam bỏn xẻn nên nay phải chịu quả báo nghèo khổ cùng khốn. Nay đối trước chư Phật xin thành tâm sám hối, nguyện đem chút vật phẩm nhỏ nhoi này cúng dường chư tăng. Nếu như nghiệp báo nghèo khổ khốn cùng của tôi đến nay đã dứt, xin cho tất cả những hạt cơm đang nấu trong nồi này đều hóa thành sắc vàng.” Khấn nguyện rồi gạt nước mắt mà quay về nhà. 
Sáng sớm hôm sau, chư tăng đều thấy trong cái nồi ấy nấu đến năm thạch gạo mà toàn bộ cơm trong nồi đều hóa thành sắc vàng. Không ai biết vì sao, chỉ có Đại sư Phổ An quán biết nhân duyên sự việc liền nói rõ cho mọi người biết. Ai nấy nghe qua xúc động không kiềm được, đều cho cô gái họ Điền là người có tâm địa tốt. Nhân đó, rất nhiều người mang tài vật đến giúp đỡ cho gia đình Điền Di Sanh. Cô gái ấy sau lại phát tâm xuất gia học đạo
Lời bàn
Tuy chỉ là vài thước vải thô với mấy hạt gạo, nhưng đối với cô gái họ Điền kia đã là dốc hết tài sảncúng dường rồi vậy. Những nghiệp xấu đã tạo đời trước, biết đâu chẳng là nhờ đó mà cũng được dứt sạch?
Ngày ngày thường dùng các phương tiện, làm đủ mọi việc lành, tích âm đức
Đoạn văn từ đây trở xuống nêu sự việc nên làm để khuyến khích, thúc giục, tổng quát những chỗ cương yếu đều là nhằm nuôi dưỡng căn lành trong tâm thức. Những cách nói như “ngày ngày thường” với “làm đủ mọi việc lành” vốn không cần phải diễn giải mở rộng gì thêm, mà nói “dùng các phương tiện” hay “tích âm đức” thì cũng đã quá rõ ràng như vậy. Khi thực hành các phương tiện, điều quan trọng là phải thường xuyên không gián đoạn; việc làm việc lành, tích âm đức, điều quan trọng là phải cố gắng làm đủ mọi điều, không xem thường, bỏ sót, dù chỉ là việc nhỏ. Nếu nói theo pháp thế gian thì quả thật rất khó có khả năng làm được như thế. Nhưng nếu biết vận dụng thông suốt Phật pháp thì rốt lại cũng chẳng có gì là khó cả. Nếu thấy việc thiện mà sức mình có thể làm được, liền hăng hái xông vào nỗ lực làm ngay. Nếu thấy việc thiện mà sức mình không thể kham nổi thì hãy phát khởi thệ nguyện lớn lao, và đợi đến đời sau khi mình có đủ khả năng ắt sẽ thực hiện điều ấy. 
Luận giải về sự phát nguyện
Nguyện lành của thế tục
Nếu ở chốn quan quyền điều hành chính sự, nguyện cho mọi chính sách tốt đẹp đều được đến với người dân khắp nước; nếu ở chốn thôn quê, nguyện cho người người đều được mãi mãi an hưởng thái bình. Đối với tình cha con của người, nguyện cho được cha lành con thảo; đối với tình anh em của người, nguyện cho luôn giữ được sự thân ái, lễ độ. Khi bản thân mình có được miếng ăn, nguyện cho những kẻ đói thiếu trong thiên hạ đều được no đủ. Khi bản thân mình có được y phục, nguyện cho những kẻ đang chịu cảnh rách rưới lạnh lẽo đều được ấm áp với đầy đủ chăn mền quần áo. Đi qua nơi phố chợ, nguyện cho khắp thảy mọi nhà đều được dư dật no đủ; đi qua đường đê lối ruộng, nguyện cho năm nào cũng được mưa thuận gió hòa. Thấy người qua sông vượt biển, nguyện cho đừng gặp phải sóng to gió lớn; thấy người đi vào núi rừng hiểm trở, nguyện cho không gặp phải rắn rết hổ báo làm hại. Nhìn thấy kẻ nghèo cùng khốn khó, nguyện cho người ấy được giàu sang phú quý; nghe biết người bệnh tật khổ đau, nguyện cho người ấy được mạnh mẽ an ổn. Thấy người được thành tựu cũng tỷ như chính mình thành tựu; thấy người bị thất bại cũng xem như chính mình thất bại. Như có thể trong mỗi một niệm tưởng đều thường nhớ nghĩ đến những tâm nguyện như thế, không để dứt mất, thì việc mở rộng lòng thương yêu người trong bốn biển như anh em một nhà, hòa hợp vạn vật với chính mình như đồng một thể cũng đâu có gì là khó?
Lời bàn
Đây chỉ là những nguyện lành của thế tục mà thôi. Vì sao vậy? Vì tuy biết nghĩ suy việc thiện trong một đời sống này, nhưng không biết là còn có nhiều kiếp sống khác; chỉ lo đời này không đủ sức giúp người, nhưng không biết rằng chỉ cần giữ vững tâm nguyện thì trong những kiếp về sau ắt sẽ có ngày thành tựu. Hơn nữa, những nguyện như trên chỉ giới hạn trong phạm vi cõi người, không rộng mở đến các cõi trời, cho đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Chẳng qua như thế, ví dầu tất cả những sở nguyện trên mỗi mỗi đều được thành tựu như ý, chúng sinh trong sáu cõi đều được hưởng nhờ ơn đức, thì bất quá cũng chỉ là tạo được chút quả báo nhỏ nhoi để thọ hưởng trong phạm vi hai cõi trời người, không thể có khả năng nhổ bật cội rễ của sinh tử luân hồi. Chính vì thế mà người có trí tuệ lớn lao thì không thể không phát khởi tâm nguyện xuất thế rộng sâu. 
Bốn tâm nguyện xuất thế rộng sâu
Chúng sinh vô biên, thệ nguyện độ khắp. 
Phiền não vô tận, thệ nguyện dứt sạch. 
Pháp môn vô lượng, thệ nguyện tu học
Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành tựu
Lời bàn
Đây là bốn tâm nguyện rộng sâu của hàng Bồ Tát, trong mỗi câu đều hàm chứa vô số ý nghĩa sâu xa mầu nhiệm. Người nào có khả năng thể hội được bốn câu này, sao cho trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi đều không lúc nào dứt mất, thì ngay nơi đó đã chính là Bồ-đề rồi. Trong kinh dạy rằng: “Tu hành mà không phát tâm Bồ-đề, khác nào như cày ruộng mà không dẫn nước vào, dù có cố công gắng sức để phát khởi nguyện lành của thế gian, trải qua số kiếp như số cát sông Hằng, chẳng bằng như người chỉ tạm thời phát khởi được tâm Bồ-đề.”
Dẫn chứng
Ba người cùng phát nguyện 
Vào thời quá khứ cách đây vô số kiếp, có đức Phật ra đời hiệu là Nhất Thiết Độ Như Lai. Bấy giờ, một gia đình quý tộc giàu sang có 3 đứa con nhỏ. Một hôm, cả ba em mang ba hạt châu đến cúng dường Phật. Một em nói: “Con muốn sau này được như vị tỳ-kheo đứng bên phải đức Phật.” Một em khác lại nói: “Con muốn sau này được như vị tỳ-kheo đứng bên trái đức Phật.” Em thứ ba nói: “Con muốn sau này được như đức Phật ngồi giữa đại chúng.”
Đức Phật Thích-ca kể lại chuyện này rồi dạy rằng: “Em bé phát nguyện làm Phật, chính là ta ngày nay. Em bé muốn được như vị tỳ-kheo đứng bên trái Phật, nay là Xá-lợi-phất. Em bé muốn được như vị tỳ-kheo đứng bên phải Phật, nay là Mục-kiền-liên.” 
Đồng hiệu với Cổ Phật 
Đức Thế Tôn thuở xưa, từ vô số kiếp về trước nhiều như số cát sông Hằng, nghe biết vị Phật thuở ấy hiệu là Thích-ca Văn Phật đang thuyết giảng kinh Niết-bàn, liền tự bán thân mình để có tiền sắm sửa hương hoa đến dâng lên cúng dường Phật. Nhân được nghe một bài kệ trong kinh Niết-bàn mà phát nguyện rằng: “Nguyện trong đời vị lai ta sẽ thành Phật, cũng đồng một hiệu như đức Phật này.” Do phát nguyện như thế nên ngày nay đức Thế Tôn có hiệu là Thích-ca Văn Phật. 
Phát nguyện độ người trước hết 
Trong vô số kiếp về trước, đức Thế Tôn lại có lần sinh ra làm một vị tiên nhân nhẫn nhục. Một hôm, tiên nhân đang ngồi trong núi sâu, bỗng gặp lúc đức vua đi săn đến đó, đuổi một con thú chạy ngang qua chỗ tiên nhân. Vua thấy ngài ngồi đó liền hỏi xem con thú chạy hướng nào. Tiên nhân suy nghĩ: “Nếu nói thật là hại chết con thú, nếu không nói thật tức phạm lỗi nói dối.” Trầm ngâm như vậy hồi lâu không đáp. Vua nổi giận, chặt đứt một cánh tay ngài. Lại hỏi lần nữa, vẫn trầm ngâm không đáp, vua lại chặt luôn cánh tay còn lại. Ngay khi ấy, tiên nhân liền phát nguyện: “Người này độc ác, sau này khi ta thành Phật, nguyện trước tiên sẽ hóa độ ông ta, không để người đời lại bắt chước theo ông ta làm việc ác.” Quả nhiên khi đức Phật Thích-ca vừa thành đạo, trước hết thuyết pháp hóa độ cho Kiều-trần-như, chính là vị vua ngày trước. 
Bốn mươi tám đại nguyện 
Đức Phật A-di-đà trong vô số kiếp về trước có một tiền thân là tỳ-kheo Pháp Tạng, từng phát khởi 48 đại nguyện, trong đó có lời rằng: “Khi ta thành Phật, nguyện cho cõi nước ấy thanh tịnh quý báu, đẹp đẽ trang nghiêm. Chúng sinh trong mười phương, nếu ai có nguyện sinh về cõi nước ta, chỉ cần trì niệm danh hiệu ta thì đến khi lâm chung ta sẽ hóa hiện thân Phật, Bồ Tát đến tiếp độ, khiến cho người ấy được hóa sinh nơi cõi nước ta, sinh ra từ hoa sen, chứng được quả vị không còn thối chuyển.” 
Vì thế, ngày nay bất kỳ ai có thể nhất tâm niệm Phật A-di-đà đều sẽ được vãng sinh về thế giới Cực Lạc của ngài. 
Nhờ có nguyện nên dễ hóa độ 
Vào thời đức Phật còn tại thế, có một xóm làng kia toàn những người buông thả theo tà kiến, không tin lời Phật dạy. Đức Phật bảo ngài Mục-kiền-liên đến giáo hóa, cả làng lập tức nghe theo lời dạy của ngài, thay đổi tâm niệm hướng về Phật pháp
Nhân đó, đức Phật dạy: “Những người làng ấy với Mục-kiền-liên vốn có nhân duyên. Thuở xưa Mục-kiền-liên từng là một người tiều phu lên núi kiếm củi. Một hôm gặp phải tổ ong, cả bầy ong cùng bay ra hăm hở muốn chích. Người tiều phu khi ấy liền dạy rằng: ‘Tất cả chúng bay đều sẵn có tánh Phật, đừng nên làm việc độc hại. Ngày sau khi ta thành đạo, sẽ hóa độ tất cả bọn bay.’ Bầy ong nghe lời ấy đều bay đi tứ tán, không làm hại người tiều phu. Dân làng ngày nay chính là bầy ong ngày trước, nhân nơi việc Mục-kiền-liên đã từng phát nguyện hóa độ họ, nên nay chỉ cần một lần đến dạy dỗ họ liền nghe theo.” 
Vừa phát tâm đã vượt trên Nhị thừa 
Có một vị A-la-hán đã chứng Lục thần thông, một hôm dẫn chú sa-di mang túi đựng y bát của ngài đi theo sau. Khi ấy, chú sa-di trong lòng khởi lên tâm nguyện rằng: “Ta phải chuyên cần nỗ lực tu tập tinh tấn để cầu được quả Phật.” Vị A-la-hán ngay khi ấy liền quay lại nhận lấy túi đựng y bát để tự mình mang đi, lại bảo chú sa-di đi lên phía trước. 
Chỉ trong chốc lát sau, chú sa-di lại khởi lên ý niệm rằng: “Cầu quả Phật thật xa xôi khó được, chẳng bằng ta nên cầu quả Thanh văn, sẽ sớm được tự giải thoát.” Vị A-la-hán khi ấy liền đặt túi đựng y bát lên vai chú sa-di, bảo chú đi ra phía sau. 
Cứ như vậy lặp lại đến 3 lần, chú sa-di liền nói: “Hòa thượng già quá lú lẫn rồi, cớ sao lại bảo con khi thì đi trước, lúc lại đi sau?”
Vị A-la-hán đáp: “Ta không hề lú lẫn, chỉ vì lúc trước con phát tâm cầu quả Phật, tức đứng vào hàng Bồ Tát, vị thế ắt cao hơn ta, nên ta phải đi sau mà tự mang túi xách, không dám để con mang. Ngay sau đó con lại khởi tâm ưa thích quả Thanh văn, không còn tâm niệm cứu độ chúng sinh, vị thế đã thấp hơn ta, tất nhiên phải đi theo sau mang túi xách cho ta.”
Chú sa-di nghe nói đúng tâm ý mình, trong lòng kinh hãi, từ đó tâm ý kiên định, hết lòng chuyên cần tinh tấn cầu quả Phật. 
Lời bàn
Kinh Ưu-bà-tắc giới (優婆塞戒經) dạy rằng: “Khi có một người phát tâm Bồ-đề, tất cả chư thiên đều vô cùng kinh ngạc vui mừng, cho rằng nay đã có được một bậc thầy trong hai cõi trời, người.” 
Chỉ nói rằng vừa mới phát tâm, tất nhiên có thể hiểu là chưa từng trải qua sự tu tập chứng đắc, như vậy mà đã vượt trên quả vị A-la-hán. Đó là vì đã phát tâm nguyện, ắt ngày sau sẽ được thành tựu. Cũng giống như vị thái tử vừa mới sinh ra, tuy hãy còn nằm trong nôi nhưng tất cả các vị lão thần quan chức trong triều đình đều phải cung kính lễ bái
Lợi người lợi vật
Giảng rộng
Nói “lợi vật”, đó là công đức đủ để làm lợi lạc cho muôn vật; nói “lợi người”, đó là công đức đủ để làm lợi lạc cho mọi người. Có thể làm lợi ích cho muôn người muôn vật, ấy là đã sống một đời không uổng phí. 
Chữ “lợi” mang hàm nghĩa cực xấu, lại cũng mang hàm nghĩa cực tốt, nhưng không phải cùng lúc mang hai nghĩa ấy. Nếu kẻ vì tự thân mình mà cầu được lợi, đó là ý riêng, ắt là không tốt. Nếu có kẻ vì cứu giúp muôn người mà cầu lợi, đó là công tâm, ắt là rất tốt. 
Trưng dẫn sự tích
Kẻ phá bia và người khắc bia 
Đời nhà Đường có vị danh y là Tôn Tư Mạc, học được 30 bài thuốc hay của Long cung, mang ra sử dụng bao giờ cũng hiệu nghiệm, liền ghi chép thành sách Thiên kim phương (千金方), lại khắc thành bia đá để truyền lại đời sau
Có người kia in ra được rất nhiều bản sách này rồi, liền phá nát bia đá để mong bán sách trục lợi. Sau đó liền bị sét đánh chết. 
Lại có một người khác y theo sách ấy khắc lại vào bia đá, liền nằm mộng thấy Tôn Tư Mạc bảo rằng: “Số ông vốn không có con, nay nhờ công đức khắc sách Thiên kim phương vào bia đá, ắt sẽ sinh được quý tử.” 
Sau người ấy quả nhiên sinh con quý hiển. 
Lời bàn
Người phá nát bia đá kia chỉ biết cầu lợi cho riêng mình, còn người khắc lại bia đá chỉ nghĩ đến lợi lạc cho muôn người. Nhưng rốt lại thì kẻ cầu lợi cho riêng mình chẳng bao giờ được lợi, mà người làm lợi lạc cho muôn người bao giờ cũng được lợi. 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/03/2024(Xem: 45741)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.