Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (36)

21/09/20146:07 CH(Xem: 12074)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (36)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (36)


Hết thảy việc ác quyết không làm, hết thảy việc lành xin vâng theo
Giảng rộng
Hai câu này thâu tóm cấu trúc của toàn bài văn. “Việc ác” là chỉ chung tất cả những việc trong bài đã bàn đến như dâm dục, giết hại, phá hoại... “Việc lành” là chỉ chung tất cả những việc cũng đã đề cập trong bài văn như trung, hiếu, kính, tín.... Nói “quyết không làm” là lời nghiêm cấm, nói “xin vâng theo” là ý khuyến khích.
Hai câu này ngài A-nan cũng từng nói ra, có thể xem trong kinh Tăng nhất A-hàm. Nhưng Đế quân có y cứ theo kinh này hay không thì chưa thể biết được. 
Từ thuở nhi đồng, trẻ em đã được cho học thuộc lòng “Đại học chi đạo” (大學之道), đến bậc hiền nho như Tăng tử cũng giảng thuyết “Đại học chi đạo”. Cùng là 4 chữ ấy, nhưng sự nhận hiểu ý nghĩa thì tùy theo trình độ mà có những mức độ sâu cạn khác nhau, thậm chí cách biệt nhau một trời một vực. Đối với hai câu khuyên người “bỏ ác, làm lành” trong bài văn này cũng vậy, tùy theo trình độ mà sự nhận hiểu có khác nhau.
Xưa kia, Bồ Tát Thiện Tín trải qua nhiều đời sinh ra đều không được gặp Phật pháp nên hết lòng đi tìm cầu Chánh pháp. Một hôm bỗng nghe giữa không trung có tiếng nói: “Từ đây đi về phương đông một vạn do-tuần sẽ gặp một nước kia, có người con gái sinh trong nhà hèn kém, dung mạo xấu xí. Cô ấy có nhớ phỏng được một nửa bài kệ mà trước đây đức Phật đã thuyết dạy. Nhưng giữa đường đi phải vượt qua một đầm lầy rộng vuông vức khoảng vạn dặm, giẫm chân lên là lún chìm mất.” 
Thiện Tín nghe như vậy vô cùng phấn khởi, quyết lòng tìm đến nơi, liền tìm cách vượt qua được vùng đầm lầy, gặp được người con gái ấy, cung kính lễ bái như được gặp Phật, ngợi khen xưng tán cầu được nghe pháp Phật. Người con gái ấy đáp: “Chánh pháp nhiệm mầu của chư Phật quả thật vô lượng vô biên, nhưng chỗ tôi được nghe chỉ có nửa bài kệ thôi.” Thiện Tín lễ bái cầu xin được nghe nửa bài kệ ấy. Cô gái liền đọc: “Hết thảy việc ác quyết không làm, hết thảy việc lành xin vâng theo.”
Thiện Tín nghe xong câu ấy, thân tâm liền thanh tịnh, suy ngẫm về nghĩa lý của hai câu ấy, thấu suốt được yếu chỉ, lập tức chứng đắc thần thông, bay trên không trung quay về nước, rộng truyền nửa bài kệ ấy ra khắp nơi, hàng phục hết ma chướng
Như vậy có thể thấy, trong phạm vi hai câu ấy thôi, người thiển cận hiểu theo cách thiển cận, người sâu sắc hiểu thấu đến chỗ uyên áo, không chỉ đơn thuần là “bỏ ác làm lành” như trong lời nói thông thường. 
Trưng dẫn sự tích
Nhân duyên mù mắt 
Ngày xưa, vua A-dục có một hậu phi là phu nhân Liên Hoa, sinh được vương tử hết sức khôi ngô tuấn tú, có đôi mắt đẹp như mắt chim câu-na-la, nhân đó đặt tên là Câu-na-la, vua hết sức thương yêu. Một hôm hai mẹ con Câu-na-la cùng đến chùa Kê Đầu Mạt gặp tôn giả Dạ-xa. Ngài quán sát biết được do nhân đời trước nên hoàng tử sẽ bị mù mắt, liền giảng thuyết cho nghe về tướng vô thường của mắt. 
Bấy giờ, hoàng hậu của vua A-dục rất yêu thích dung mạo khôi ngô của vương tử Câu-na-la nên cố cưỡng ép chuyện dâm tà, nhưng vương tử nhất quyết không chịu. Hoàng hậu do đó ôm lòng oán hận, muốn móc mắt vương tử cho hả giận. Nhân lúc vua A-dục bị bệnh, vương tử Câu-na-la lại đang thảo phạt nước Kiền-đà-la ở phương bắc, hoàng hậu liền giả sắc thư của vua, sai người móc mắt vương tử. Vương tử khi ấy cực kỳ đau đớn, nhưng nhớ lại lời dạy của Tôn giả Dạ-xa về tướng vô thường của mắt, liền khởi tâm chán bỏ mắt thịt ô uế, phát tâm cầu mắt tuệ thanh tịnh. Ngay khi đó, vương tử liền chứng quả Tư-đà-hàm. 
Về sau, vương tử trở về kinh đô. Vua A-dục không biết âm mưu của hoàng hậu, khi gặp lại con bỗng thấy hai mắt bị mù, hình dung tiều tụy, áo quần lam lũ. Vua đau lòng bật khóc, gạn hỏi cớ sự. Vương tử thưa: “Việc này là theo ý của phụ vương, sắc thư vẫn còn đó.” Vua nổi giận, sai người truy xét mới biết sắc thư do hoàng hậu giả làm ra, lập tức ra lệnh xử tội chết. Vương tử hết sức khuyên can nhưng vua nhất quyết không nghe, hạ lệnh chất củi tẩm dầu thiêu chết hoàng hậu. 
Khi ấy có một tỳ-kheo thưa hỏi ngài Ưu-ba-cúc-đa về nhân duyên sự việc này, ngài nói: “Ngày xưa, vương tử là một thợ săn ở nước Ba-la-nại, săn được rất nhiều nai trong núi, vì sợ chúng chạy trốn nên móc mắt hết, sau đó mới lần lượt giết thịt. Từ đó đến nay, trải mấy trăm đời vẫn thường chịu quả báo bị móc mắt. Ngoài ra, sau khi đức Phật Câu-lưu-tôn nhập Niết-bàn vào thời quá khứ, vương tử này đã tu tạo chùa tháp, tượng Phật, lại phát nguyện rằng: ‘Trong đời vị lai, xin cho con được như đức Phật này.’ Do công đức tu tạo chùa tháp, tượng Phật, nên thường được sinh vào nhà tôn quý, và nhờ đã phát nguyện nên nay được chứng quả Tư-đà-hàm.” 
Lời bàn
Về sau, vua A-dục nghe danh đại sư Yến Sa là một vị A-la-hán ở chùa Bồ-đề, liền đưa vương tử Câu-na-la đến đó, phát tâm xây dựng lại tự việncúng dường Tam bảo, thỉnh cầu đại sư từ bi cứu chữa cho đôi mắt vương tử. Đại sư liền dạy vua ban chiếu cho dân trong nước ngày hôm sau đến chùa Bồ-đề để nghe thuyết pháp, lại dặn mỗi người đều mang theo đồ đựng nước mắt. 
Hôm sau, chư tăng cùng đông đảo nhân dân tụ hội, Đại sư thăng tòa thuyết giảng giáo pháp Mười hai nhân duyên, ai ai cũng cảm động rơi lệ. Đại sư dạy mọi người hứng nước mắt, đựng tất cả vào một chậu bằng vàng, rồi ngài phát nguyện trước đại chúng rằng: “Những điều vừa thuyết giảng nếu đúng với Chánh pháp, xin dùng nước mắt của đại chúng để rửa mắt cho vương tử, khiến cho sáng lại; bằng như không đúng thì mắt vẫn mù như trước.” Phát nguyện xong, liền dùng nước mắt trong chậu vàng rửa mắt cho vương tử, đôi mắt ấy liền sáng lại như xưa. 
Tham ăn chịu chết 
Vào triều Thanh, huyện Thái Thương, tỉnh Giang Tô có người tên Tiền Quân Cầu, vào năm cuối niên hiệu Thuận Trị, gặp người kia bán một con ba ba, kêu giá 50 quan tiền. Quân Cầu liền trả 25 quan, định mua để thả ra. Lúc ấy có người tên Trương Bá Trọng vừa đi đến, trả giá cao hơn 5 quan, mua về để giết thịt nấu ăn. Khi nấu thịt ba ba còn chưa chín, Trương Bá Trọng bỗng nhiên thấy lạnh cóng cả người, miệng nói mê sảng rằng: “Đã có người mua tôi để thả ra, sao ông lại cố tranh mà giết tôi?” Lại gấp rút đòi mạng. Người nhà của Bá Trọng hết sức khẩn cầu tha mạng, cho mời ngay Tiền Quân Cầu đến. Quân Cầu đến nơi liền thay mặt gia đình xin tha mạng cho Bá Trọng. Khi ấy Bá Trọng mới dần tỉnh lại
Qua việc này, Bá Trọng liền thề từ nay không ăn thịt cá nữa. Nhưng chẳng bao lâu sau, Bá Trọng gặp một người bán cá nóc lại mua về ăn. Vừa ăn xong lập tức phát bệnh, qua một ngày thì chết.
Lời bàn
Con ba ba chết không được cầu siêu thì cho dù không ăn mặn nữa, cuối cùng cũng vẫn phải chịu báo oán, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. 
Nghịch tử đánh bạc bị sét đánh 
Trấn Nam Tầm, huyện Hồ Châu, tỉnh Triết Giang, có người đàn bà góa nuôi một đứa con trai. Đứa con này tuy đã lập gia đình nhưng không lo làm ăn, rất mê đánh bạc. Một hôm đánh bạc thua đậm không có tiền trả, về nhà mẹ bảo mang áo đi cầm lấy tiền đưa cho nó. Bà mẹ nói: “Mẹ muốn sang nhà chị con, hãy để mẹ mặc áo sang đó rồi sẽ đưa cho con.” Đứa con liền lấy thuyền đến cho mẹ đi. Bà mẹ vì tiếc chiếc áo sợ làm hư hỏng, nên định bước lên bờ rồi mới thay ra đưa cho con. Đứa con thấy mẹ không cởi áo đưa dưới thuyền, tưởng là mẹ không muốn đưa cho mình, nổi giận giằng co vật bà ra để lấy áo, cuối cùng đẩy bà chìm xuống sông chết. 
Đứa con quay về nhà nó, đi được chừng một dặm thì nghe có tiếng sấm ầm ì, liền gấp rút chạy nhanh về nhà, quát vợ rằng: “Mau lấy cái chum to úp lên che tôi lại.” Vợ hỏi để làm gì, anh ta không đáp. Bất đắc dĩ người vợ phải làm theo như vậy. Nhưng tiếng sấm đã nhỏ lắm rồi, cuối cùng vẫn chưa thấy sét đánh. Một lúc sau, người vợ bỗng thấy từ bên trong chum có máu chảy ra bên ngoài, kinh sợ liền dở chum ra xem thì thấy chồng đã mất đầu, máu tươi chảy lênh láng. Cô ta hoảng sợ quá liền kêu la gọi hàng xóm đến. Mọi người đều cho là cô đã mưu hại chồng rồi nói dối, liền bắt lên thuyền cùng đi đến nhà bà mẹ chồng, định đưa tất cả lên quan phủ. Thuyền đi được nửa đường bỗng thấy mái chèo bị vướng vào một vật, cúi xuống xem thì thấy là một xác đàn bà vừa nổi lên, tay ôm một cái đầu người, tóc còn vướng nơi đầu mấy ngón tay. Xem kỹ lại thì hóa ra xác người chính là bà mẹ, mà đầu người trong tay bà chính là đứa con. Lúc đó mới biết bà mẹ đã bị đứa con trai hại chết, liền thả cô con dâu ra.
Lời bàn
Làm con hại mẹ, thật không bằng loài sài lang hổ báo. Xét đến nguyên nhân từ đầu của sự việc, đó là vì thiếu nợ tiền. Cho nên, tai họa gây ra bởi việc cờ bạc thật khủng khiếp. Biết đến bao giờ các quan địa phương mới trừ dứt được tệ nạn này?
Miếng thịt mất ba mạng người 
Triều Thanh, vào năm Tân Hợi thuộc niên hiệu Khang Hy, xảy ra hạn hán nghiêm trọng. Ở vùng Tạ Lộc thuộc Côn Sơn, vào ngày rằm tháng bảy, có một cặp vợ chồng đang tát nước bỗng trời nổi sấm lớn, sét đánh chết người chồng. Nhưng người chồng xưa nay vốn hiền lành chất phác nên không ai hiểu được lý do. Người vợ thấy việc như thế thì than rằng: “Ôi, chỉ vì 18 cân thịt mà thôi!”
Mọi người nghe như thế thì gặn hỏi, bà liền kể: “Mùa đông năm trước, chồng tôi vào thành nộp thuế, neo thuyền ở bờ sông. Khi trở về bỗng thấy trên chiếc thuyền trống bên cạnh có một miếng thịt lớn, hồi lâu chẳng thấy ai đến lấy. Nhân đó liền lấy đem về thuyền rồi mang luôn về nhà, cân được 18 cân. Nguyên miếng thịt ấy là của một nhà giàu, do đứa tớ gái mang ra sông rửa, để trên thuyền rồi bỗng gặp việc khác phải đi, đến lúc quay lại thì đã mất. Bà chủ vì việc ấy mà giận quá, lỡ tay đánh chết đứa tớ gái. Ông chủ thấy việc như vậy, cho rằng sắp phải tan nhà nát cửa đến nơi nên quát mắng vợ thậm tệ. Bà vợ phẫn uất quá treo cổ tự vẫn. Nay sét đánh chết chồng tôi, nhất định là vì việc ấy.” 
Lời bàn 
Của rơi ngoài đường, người ta vẫn thường tình cờ nhặt được liền lấy làm của mình. Gặp những trường hợp như thế này là làm liên lụy đến người khác phải mất cả mạng sống, rốt cùng đã khiến người khác phải gặp tai họa, mà tự thân mình cũng bị trừng phạt. Sao có thể tham dùng những tài sản phi nghĩa như thế? Cho nên nói rằng: “Nếu không phải vật thuộc sở hữu của mình, dù một mảy may cũng không giữ lấy.” 
Hết lòng trị bệnh cứu người 
Vào triều Minh, ở Ô Trình có người tên Phan Quỳ, hiệu Tựu Am. Ông tinh thông y thuật, có tâm nguyện cứu nhân độ thế. Vào một năm phát sinh bệnh dịch, những người mắc bệnh đều được ông ra sức cứu chữa, trong mười người thì ông cứu sống được đến tám, chín. Nhưng trong lúc trị bệnh, do gấp rút nên ông không kê đơn thuốc. Láng giềng có người họ Triệu mang việc ấy kiện Phan Quỳ lên quan phủ. Không ngờ chưa bao lâu thì họ Triệu lâm bệnh rất nguy kịch, liền bảo đứa con: “Chỉ có ông Quỳ mới cứu được cha.” Người con nói: “Mình vừa kiện ông ấy lên quan phủ, làm sao nhờ được?” Họ Triệu nói: “Tuy mình xấu với ông ấy, nhưng tâm ông ấy rất từ bi, sẽ không hại cha đâu.” Người con nghe lời, mời Phan Quỳ đến xem bệnh. Ông hết lòng chữa trị, bệnh liền được khỏi. 
Phan Quỳ có 3 người con trai là Phan Tương, làm huyện lệnh Quế Dương; Phan Tham, làm quan Hàn lâm biên tu; Phan Xuyên, làm quan Cung bảo Thượng thư. Bản thân Phan Quỳ cũng được phong tặng tước quan Thượng thư. Cháu nội ông là Phan Đại Phúc sau đỗ tiến sĩ vào khoa thi năm Bính Tuất.
Lời bàn 
Khi đã khởi tâm khẩn thiết muốn cứu người, thì tự nhiên ý niệm báo thù trở thành nhỏ nhặt, cho đến người đã đâm đơn thưa kiện ông mà cũng có thể nhớ đến ông để cầu cứu mạng, đủ thấy tâm địa của Phan Quỳ thật cảm đến người khác hết sức sâu xa như thế nào. 
Chịu đói nuôi tù 
Triều Minh có Dương Sĩ Trừng là người làng Kính Xuyên thuộc huyện Ngân, tỉnh Triết Giang. Ban đầu Sĩ Trừng làm chức thư lại trong huyện, luôn giữ tâm nhân hậu, thi hành theo đúng pháp luật công bằng. Bấy giờ, quan huyện lệnh nghiêm khắc quá độ, từng dùng roi đánh một người tù đến nỗi máu chảy đầy sân mà vẫn chưa nguôi giận. Sĩ Trừng quỳ xuống xin tha, nói: “Trong việc tra xét cho rõ tình thật, phải khởi lòng thương xót phạm nhân, không được có ý mừng vui. Xử tội người khác mà vui còn không được, huống chi là tức giận?” Quan huyện nghe ông nói đúng lý lẽ nên phải quay lại xét mình, tự nguôi cơn giận

Nhà Sĩ Trừng nghèo lắm, nhưng có ai mang quà biếu đến đều tuyệt đối không nhận. Gặp lúc tù nhân đói thiếu, ông đều tìm mọi cách cứu giúp. Ngày kia, có một số tù nhân mới đưa đến, đang đói lắm. Trong nhà Sĩ Trừng khi ấy chỉ còn đủ gạo ăn trong ngày đó thôi. Ông hỏi những người tù kia từ đâu đến, họ nói: “Từ Hàng Châu, đã phải chịu đói mấy hôm rồi.” Sĩ Trừng nghe vậy thì về nhà lấy hết gạo trong nhà, nấu cháo mang đến chia cho số tù nhân ấy. 
Về sau, Sĩ Trừng sinh được một con trai là Dương Thủ Trần, làm quan thăng dần đến chức Hàn lâm Học sĩ. Sĩ Trừng cũng được phong tặng cùng tước quan như con. 
Lời bàn 
Tự mình chịu đói chỉ mới hôm nay, còn các tù nhân kia đã đói nhiều ngày. Nếu so sánh như thế, giữ gạo lại để tự mình được no đủ sao bằng nấu cháo cấp cho tù nhân? Tâm niệm vị tha của Sĩ Trừng như thế, nhận được phước báo về sau như thế cũng là chuyện đương nhiên vậy. 
Vĩnh viễn không gặp điềm dữ, thường được thiện thần giúp đỡ
Giảng rộng
Hai câu này tiếp nối hai câu trước: “Hết thảy việc ác quyết không làm, hết thảy việc lành xin vâng theo.” Vì không làm hết thảy các việc ác nên không gặp các điềm dữ. Vì làm hết thảy các việc lành nên thiện thần thường giúp đỡ. Hai câu trước là nhân, hai câu này là quả. Những việc lành dữ cũng có việc lớn việc nhỏ, cũng có những việc tạm thời, những việc dài lâu, cho nên thiện thần hay điềm dữ cũng có lớn có nhỏ, có tạm thời, có dài lâu, như bóng theo hình, như âm thanh theo nhịp gõ, lẽ ấy nhất định phải vậy, không mảy may sai lệch. Thiện thần hay điềm dữ cũng có ở cõi trời, cũng có ở cõi người, cũng có ở cõi quỷ, nhưng mỗi mỗi đều có chức trách, tùy theo việc thiện ác lớn nhỏ mà đưa đến quả báo tương ứng. Muốn đạt đến chỗ vĩnh viễn không gặp điềm dữ, thường được thiện thần giúp đỡ, ắt phải là người có phúc đức lớn, nghiệp đời trước còn chưa đến, may ra mới có thể đạt được, nhưng cũng thật khó lắm thay!
Trưng dẫn sự tích
Ném xuống sông không chết 
Vào thời đức Phật Tỳ-bà-thi còn tại thế, có vị tỳ-kheo bị chứng đau đầu. Bấy giờ, tôn giả Bạc-câu-la là một người nghèo, cúng dường một quả ha-lê-lặc cho vị tỳ-kheo ấy để trị bệnh, nhờ đó mà vị tỳ-kheo được khỏi bệnh. Nhờ nhân duyên ấy, trong 91 kiếp sau đó, tôn giả dù sinh ra trong cõi trời hay cõi người cũng đều luôn được hưởng sự vui sướng khoái lạc, chưa từng bị bệnh tật. 
Sau đó, tôn giả sinh vào nhà một trưởng giả bà-la-môn, mẹ mất sớm. Bà mẹ kế nhiều lần muốn giết tôn giả nhưng không sao giết được. Bà liền đẩy tôn giả xuống sông, bị một con cá lớn nuốt chửng vào bụng. Con cá ấy lại mắc lưới bị người bắt được. Khi làm thịt mổ bụng thấy có đứa trẻ vẫn còn sống, nhận ra là con ông trưởng giả bèn đưa trả về nhà. Khi tôn giả lớn lên liền xuất gia theo Phật, tu hành chứng quả A-la-hán. 
Lời bàn 
Cứu giúp một vị tăng có bệnh mà được 91 kiếp về sau không bị bệnh khổ, lại gặp tai ách bao lần cũng không chết được, chính là nhờ đã gieo trồng phước đức vào ruộng phước thù thắng của nhân gian. Ấy chẳng phải là điềm dữ vĩnh viễn xa lìa, thiện thần thường giúp đỡ đó sao?
Quỷ thần âm thầm giúp đỡ 
Đời Bắc Tống có Lưu An Thế, tự Khí Chi, tính tình trung trực, dám nói thẳng, nhiều lần phản biện các sớ luận của Chương Đôn, dâng sớ lên hoàng đế nói rõ rằng Chương Đôn là người không thể dùng được. 
Đến khi Chương Đôn được lên nắm quyền, Lưu An Thế liền bị đày ra vùng biên giới xa xôi, phải trải qua đường xa nắng nóng gay gắt, nhiều hiểm nguy, thậm chí lênh đênh trên biển đầy nguy hiểm, lại thêm bọn quan quân áp giải không chút khoan dung, ai ai cũng nghĩ rằng Lưu An Thế phen này chắc chắn phải bỏ mạng. Thế nhưng An Thế vẫn hoàn toàn vô sự, về sau sống đến 80 tuổi mà chưa từng có một ngày bị bệnh.
Bấy giờ có kẻ bỏ tiền mua được một chức quan, đoán ý của Chương Đôn muốn giết Lưu An Thế, liền xin cho mình ra tay giết ông. Chương Đôn lập tức cất nhắc tên này lên làm chức phán quan. Tên này phi ngựa gấp rút đuổi theo, chỉ còn cách Lưu An Thế chừng 30 dặm, định ngày hôm sau đuổi kịp sẽ ra tay giết. Có người báo tin cho Lưu An Thế, khiến mọi người quanh ông đều hãi hùng kinh sợ. Đêm đó, mọi người đều nghe có một tiếng chuông vang, rồi tên gian ác kia bỗng cảm thấy như có một vật gì đánh mạnh vào người, ngay khi ấy thổ huyết mà chết. Lưu An Thế do đó được bình an vô sự.
Lời bàn
Lưu An Thế là người hiền, chỉ vì xu nịnh theo ý của Chương Đôn mà muốn giết ông, tất nhiên điềm dữ phải đến với kẻ ấy, mà thiện thần vẫn thường bảo vệ người hiền thiện.
Giặc không dám cướp 
Vào triều Minh, năm đầu niên hiệu Gia Tĩnh, có người họ Kim ở huyện Nghi Chân, tỉnh Giang Tô, mở một hiệu cầm đồ trong trấn. Bấy giờ giặc cướp ẩn trú trên sông Trường giang, đêm đêm thường xuyên xuất hiện cướp đoạt những nhà giàu có, gần như không một nhà nào thoát được. Duy nhất chỉ có nhà họ Kim chưa từng bị chúng động đến. Quan địa phương do đó nghi ngờ rằng họ Kim có sự thông đồng với bọn giặc cướp. Đến lúc bắt được một tên cướp liền tra hỏi xem vì sao bọn chúng không cướp nhà họ Kim, tên cướp nói: “Trước đây cũng có lần đến đó định cướp, chợt thấy phía trên nhà ấy có vô số các vị thần mặc giáp vàng, nên sợ không dám phạm đến.” Quan huyện không tin, cho gọi những người ở gần nhà họ Kim lên hỏi, họ đều nói: “Nhà họ Kim đúng là rất nhân đức. Các hiệu cầm đồ khác thảy đều cân ra non, cân vào già, chỉ có nhà họ Kim là giữ đúng mực công bình. Định giá cho người lại hết sức rộng rãi, mà thời hạn chuộc lại cũng được kéo dài, không gấp rút. Nếu biết được có những người gần gũi mà già yếu, có con nhỏ hoặc nghèo khó, khi có việc phải mang đồ đến cầm liền phá lệ không lấy lãi. Nhà ấy còn có lệ mùa đông không tính lãi áo ấm, mùa hè không tính lãi áo mát, năm nào cũng vậy, cốt để người ta dễ dàng chuộc về mà dùng. Ấy là trời giúp người hiền, nên có thiện thần bảo vệ.”
Quan huyện nghe như vậy rồi hết sức ngợi khen tán thán. Quan Trực chỉ biết được sự việc liền đặc biệt tuyên dương khen thưởng nhà họ Kim.
Lời bàn
Hiệu cầm đồ vốn là phương tiện thuận lợi giúp người dân có thể giải quyết kịp thời những khoản tiền cấp bách. Tuy nhiên, hầu hết những người mở hiệu cầm đồ chỉ toàn là những kẻ cân vào non, cân ra già, đối với dân nghèo chẳng bao giờ có sự khoan dung châm chước, cho nên không khỏi trở thành một đám tiểu nhân hám lợi nơi phố thị. Riêng nhà họ Kim đặc biệt không rơi vào trong đám tệ hại ấy, lại còn có thể hướng đến những người nghèo khổ khó khăn mà bố thí, cho nên các nạn lửa cháy nước trôi, trộm cướp, quan tham, người ác làm sao có thể tổn hại đến phước đức của nhà ấy? 
Phước báo gần thì tự thân được hưởng
Giảng rộng
Câu này và câu tiếp theo “xa thì ảnh hưởng đến cháu con”, đều là nối tiếp câu văn trên và chuẩn bị mở ý cho câu văn dưới. Ở đây đề cập đến quả báo gần hay quả báo xa cũng đều chỉ là nói riêng về các quả báo hiền thiện, chính là những điều được câu dưới nói rộng ra là “trăm điều phúc lành, ngàn việc tốt đẹp”.
Phước báo gần không nhất thiết là chỉ cho hiện tại trong đời này, mà cho dù là đời sau hay nhiều đời sau nữa cũng vẫn gọi là phước báo gần. Vì sao vậy? Vì phước báo gần ở đây là ý muốn nói những phước báo do tự mình nhận lãnh. Những sự giàu sang phú quý hay nghèo khổ hèn hạ, ngày giờ sống chết, được tuổi thọ dài lâu hay yểu mạng, thảy đều đã có sự an bày nhất định. Nhưng sự an bày đó thật ra không phải gì khác mà chính là những kết quả tương ứng, do tự bản thân mình đã từng làm những hành vi như thế, tự bản thân mình phải nhận lãnh những quả báo tương ứng như thế. Trong văn này nói đến phước báo gần hay xa là có ý nghĩa như vậy. Đây chính là dụng ý của Đế quân muốn dạy người phải biết tự mình tạo ra nhiều phước báo
Trưng dẫn sự tích
Công chúa tự có phước báu 
Vào thời đức Phật còn tại thế, vua Ba-tư-nặc sinh được một công chúa đặt tên là Thiện Quang, đoan trang xinh đẹp, thông minh hơn người, người trong cung ai ai cũng hết lòng thương yêu kính trọng
Một hôm, vua Ba-tư-nặc bảo công chúa: “Con nhờ có cha nên mới được tất cả mọi người thương yêu kính trọng.” Công chúa liền đáp rằng: “Không phải, con tự có nghiệp lực của riêng mình mà được như vậy, không phải nhờ nơi cha.” Vua không hài lòng, vặn hỏi lại đến 3 lần, công chúa vẫn một mực đáp như vậy. Vua nổi giận, liền gả công chúa cho một người nghèo khổ rồi bảo công chúa: “Để ta thử xem con tự có nghiệp lực hay không tự có nghiệp lực.”
Công chúa về nhà chồng rồi, liền hỏi chồng cha mẹ ở đâu. Người chồng nói: “Cha ta vốn là một trưởng giả giàu có nhất thành Xá-vệ. Sau khi cha mẹ ta đều theo nhau qua đời, nhà ta mới đến nỗi như thế này.” Sau đó liền đưa công chúa về sống nơi nhà cũ của gia đình mình. Một hôm bỗng đào lên được từ trong lòng đất một kho tàng lớn. Nhờ đó, chỉ trong vòng một tháng đã xây dựng được nhà cửa cung điện hết sức nguy nga, từ gia nhân hầu hạ cho đến các thứ châu báu ngọc ngà đều đầy đủ không thiếu thứ gì. 
Vua Ba-tư-nặc nghe biết chuyện như vậy hết sức vui mừng, liền thân hành đến thưa hỏi đức Phật về nhân duyên đời trước của công chúa Thiện Quang. Đức Phật liền dạy: “Vào thời đức Phật Ca-diếp, có một người phụ nữ muốn chuẩn bị thức ăn cúng dường đức Như Lai, nhưng người chồng cản trở. Người vợ liền nói: ‘Tôi đã phát nguyện rồi, xin anh đừng làm tôi thối tâm.’ Người chồng liền nghe theo lời vợ, cuối cùng lo liệu hoàn mãn việc cúng dường đức Phật. Đôi vợ chồng ngày ấy, nay chính là vợ chồng công chúa. Vì người chồng ngày trước khởi tâm ngăn trở việc cúng dường Phật, nên nhiều đời sinh ra thường phải sống trong nghèo khó. Nhờ sau đó chịu nghe lời vợ thực hiện việc cúng dường, nên ngày nay được nhờ vợ mà hưởng sự giàu sang phú quý.”
Lời bàn
Vua Ba-tư-nặc lại có một người công chúa khác, do phu nhân Mạt-lợi sinh ra, dung mạo cực kỳ xấu xí, tóc như bờm ngựa. Vua lấy làm xấu hổ nên ra lệnh giữ công chúa ở trong cung riêng, không cho đi đâu, cũng không cho ai được gặp. Công chúa tự giận mình hình dung xấu xí, liền phát tâmtạo tượng Phật, hết lòng khẩn thiết cầu nguyện với đức Phật. Trải qua một thời gian, lòng chí thành cảm ứng được đức Phật hiện thân đến chứng minh, thân hình cô lập tức hóa ra xinh đẹp đoan chính. Đức vua thấy vậy liền gạn hỏi nguyên do, công chúa như thật trình bày.
Lại có chuyện về vị công chúa thứ tư của vua A-dục, cũng tương tự như chuyện này. Ngày nay những tượng Phật được thờ ở các chùa Bắc Sơn, Ngọc Hoa, Kinh Châu, Trường Sa cùng với chùa Sùng Kính ở kinh thành, đều là do công chúa thứ tư của vua A-dục đã tô tạo ngày trước. Như thế chẳng phải là phước báo gần đó sao?
Quả báo do coi thường áo cà-sa 
Đời nhà Đường, vào niên hiệu Trinh Quán năm thứ 5, có người phụ nữ ở Lương Châu thuộc tỉnh Thiểm Tây, nhà rất nghèo. Bà có người con xuất gia với pháp sư Tuệ Quang ở chùa An Dưỡng. Nhà nghèo không đủ áo mặc, bà mới đến phòng người con lấy áo cà-sa cũ sửa thành áo ngắn để mặc. Vừa mặc áo ấy vào, đang đứng cùng một người láng giềng bỗng thấy nóng ran dưới hai chân, dần dần lên đến ngang hông. Trong chốc lát có tiếng sấm vang rền không trung, người láng giềng bị đẩy văng ra xa đến vài trăm mét, nằm lăn ra đất bất tỉnh suốt một ngày. Bà mẹ mặc áo cà-sa đã bị sét đánh chết, thân thể cháy cong queo, trên lưng lại có dòng chữ: “Sử dụng pháp y không đúng pháp.” 
Người con mang xác mẹ về chôn cất, mộ lại bị sét đánh lần nữa, khiến thi hài phơi bày dưới cây rừng, phải chịu tan rã mất. 
Lời bàn 
Áo cà-sa được gọi là y giải thoát, cũng gọi là y ruộng phước. Người mặc cà-sa thì ngay cả Phạm vương, Đế thích cũng không dám nhận sự lễ bái. Cho nên Long vương muốn cứu loài rồng, chỉ cầu được một mảnh cà-sa mà Kim-sí điểu vương cuối cùng không dám làm hại. Con khỉ đùa cợt mặc áo cà-sa liền sẩy chân té chết, sau được sinh lên cõi trời
Áo cà-sa thật lợi ích vô cùng. Đức Phật dạy rằng: “Áo cà-sa của vị tỳ-kheo đã qua đời, nên treo lên cây cao, tất cả các loài hữu tình được nhìn thấy thì tội nghiệp tiêu diệt, phước báo sinh thêm. Cho nên tội xem thường áo cà-sa thì trời đất không dung tha. Người con tuy đã xuất gia cũng không thể chôn cất thi hài mẹ.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/03/2024(Xem: 45744)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.