Phẩm 2 Tham

23/07/20193:13 CH(Xem: 3823)
Phẩm 2 Tham

KINH PHÁP CÚ TÂY TẠNG
Tôn giả Pháp Cứu (Dharmatrāta) tuyển soạn

 Nguyên Giác dịch và ghi nhận
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation

Phẩm 2

THAM
_____________________________________

 

Ghi nhận: Cả ba bản tiếng Anh đều dịch nhan đề phẩm này là Desire, tức là muốn có vật gì hay muốn chuyện gì xảy ra. Nhưng bản Rockhill viết rằng tham muốn khởi lên từ indecision (bất định, do dự để lựa chọn), trong khi bản Sparham dịch rằng tham muốn khởi lên từ wrong conceptions (vọng tưởng), bản Iyer dịch rằng tham muốn khởi từ false, fickle conceptions (vọng tưởng dao động). Do vậy, nơi đây sẽ dịch tham muốn khởi lên từ “vọng tưởng.” Trong Tạng Pali, các bản Kinh MN 18, Kinh Sn 4.11, Kinh DN 21 nói rằng nơi tưởng thì không gì sai, nhưng khi khởi niệm yêu/ghét để lựa chọn thì là vọng tưởng

Tham cũng là cội nguồn chấp ngã, vì tâm tham khởi dậy vì có “cái tôi” đang chạy tìm “cái của tôi”ly tham sẽ không thấy có cái nào là “cái của tôi” để nắm giữ.

Tưởng (perception) là chức năng của tâm, thấy xanh, đỏ, tím, vàng thì nhận ra xanh, đỏ, tím, vàng dị biệt nhau, nhưng người trí chỉ nên nhận ra như thế là như thế, chớ đừng khởi niệm ưa xanh, thích đỏ, hay ghét tím, bỏ vàng. Chính vọng tưởng là tâm phan duyên, dẫn tới tham muốn, từ đó cứ biện biệt để nắm giữ, và đó là luân hồi. Do vậy, khi nhận ra tưởng là vô thường, hãy kiên trì giữ cái nhìn vô thường, sẽ lìa được tâm tham muốn, và đó là đoạn tận sầu khổ. Ly tham (greed) sẽ đắc Thánh quả thứ ba, tức quả Bất Lai; ly tham hữu (greed of being) sẽ đắc quả A La Hán.

Ly tham phải trị từ gốc niệm. Tương Ưng Bộ - Tập IV - Thiên Sáu Xứ, bản Việt dịch HT Thích Minh Châu ghi lời Đức Phật dạy hãy vô niệm. Bản Việt dịch Kinh Tương Ưng 35.207 (207. XI. Kinh Bó Lúa) của HT Minh Châu có đoạn, trích:

 

Ai có tư tưởng (Mannamàna), người ấy bị Màra trói buộc. Ai không có tư tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma… Có tư tưởng, này các Tỷ-kheo, là tham. Có tư tưởng là mụt nhọt. Có tư tưởng là mũi tên. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập: "Tôi sẽ sống với tâm không có tư tưởng". (https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu4-35g.htm)

 

Hai bản tiếng Anh của Bikkhu Bodhi và Bikkhu Sujato ghi kinh trên là SN 35.248. Bản của ngài Bodhi viết:

In conceiving, one is bound by Mara; by not conceiving, one is freed from the Evil One… Conceiving is a disease, conceiving is a tumour, conceiving is a dart. Therefore, bhikkhus, you should train yourselves thus: ‘We will dwell with a mind devoid of conceiving.’ (Dịch: Ai suy nghĩ tư lường, sẽ bị buộc vào Ác Ma; ai không suy nghĩ tư lường, sẽ giải thoát khỏi Ác Ma… Suy nghĩ tư lường là bệnh, suy nghĩ tư lường là ung bướu, suy nghĩ tư lường là mũi tên. Do vậy các thầy tỳ khưu phải tự rèn luyện thế này: “Tôi sẽ sống với tâm khôngsuy nghĩ tư lường.)

(https://suttacentral.net/sn35.248/en/bodhi)

 

Tuy nhiên, suy nghĩ tư lường (dựa vào khái niệm trừu tượng) là một công cụ lớn để vào đạo – đó là chánh tư duy. Do vậy, vô niệm có nghĩa là nhận ra tánh rỗng rang trong niệm, từng niệm không dính vào sắc thanh hương vị xúc pháp nào. Nghĩa là, ngay khi thấy niệm sinh, tức thì thấy niệm diệt, cũng là thấy vô thường, cũng là thấy vô niệm.

Bài Kệ số 8 còn nói rằng tâm tham là vô thường, những gì được tham (trong tâm) cũng là vô thường. Do vậy, quán vô thường sẽ lìa tâm tham. Do vậy, hãy liên tục cảm nhận dòng chảy vô thường đang chảy xiết qua thân tâm mình.

 

 

Phẩm Tham như sau.

 

1. Tham muốn khởi dậy từ vọng tưởng; do vậy, hãy nhận biết chúng là cội gốc tham muốn. Hãy rời bỏ tất cả các vọng tưởng, rồi tham muốn sẽ không khởi dậy.

2 (215) Tham muốn dẫn tới khổ, tham muốn dẫn tới sợ hãi. Người xa lìa tham muốn sẽ không khổ, không sợ hãi.

3 (214) Hỷ ái dẫn tới khổ, hỷ ái dẫn tới sợ hãi. Người xa lìa hỷ ái sẽ không khổ, không sợ hãi.

4. Tham muốn và hỷ ái sẽ dẫn tới sầu khổ; y hệt trái ngọt rồi trở thành vị đắng; cũng như ngọn đuốc không buông bỏ sẽ cháy người cầm đuốc.

5 (345) Thế Tôn nói rằng sắt, gỗ, và dây không trói chúng sinh chặt bằng trang sức, châu báu, vợ con trói buộc.

6 (346) Sẽ khó cho người bị lòng tham muốn trói buộc tự giải thoát. Chỉ người kiên trì, cắt bỏ tất cả những tham muốn dục lạc, mới sớm giải thoát.

7. Thế giới đa dạng này không đáng gì để tham muốn. Nó trông như đáng tham muốn chỉ vì quyến rũ tâm người. Hãy kiên trì cắt bỏ tâm tham muốn, để mặc cho thế giới đa  dạng như thế.

8. Hãy thấy rằng tâm tham muốnvô thường, những gì được tham muốn cũng là vô thường. Hãy tự giải thoát lìa khỏi bất cứ những gì đang chảy xiết vô thường, để tìm bất tử.

9. Giữ tâm tỉnh thứcgiới hạnh sẽ tránh được sầu khổ từ niệm tham muốn khởi lên; tham muốn không lay động được tâm người như thế; người có tâm như thế là giải thoát.

10 (239) Người trí y như thợ bạc, cẩn trọng trong từng khoảnh khắc, tự làm trong sạch tâm, lìa cả niệm bất tịnh vi tế.

11. Hệt như thợ giày sửa soạn da kỹ càng trước khi đóng giày, người đã xa lìa tham muốn sẽ thấy an lạc lớn nhất.

12. Muốn an lạc, hãy xa lìa tất cả tham muốn; người đã xa lìa tất cả tham muốn sẽ thấy an lạc vi diệu nhất.

13. Hễ ai chạy theo tham muốn, sẽ không bao giờ thỏa mãn được. Người trí tuệ rời xa tham muốn, sống tự biết đủ.

14. Tham muốn không bao giờ biết đủ; trí tuệ dẫn tới biết đủ. Người trí tuệ, sống biết đủ, không thể rơi vào vòng dục lạc.

15. Người tìm hỷ ái, và người vui trong sai phạm giới hạnh, sẽ không nhận ra nguy hiểm bao trùm, kể cả khi họ sắp từ trần.

16. Người tâm bất thiện sẽ bị hỷ ái lôi ngã, và không muốn vượt qua; tâm họ trôi lăn với dục lạc, tự hại mình và người.

17 (186) Mưa vàng bạc cũng không đủ cho kẻ tham; người trí biết rõ là một chút tham cũng mang tới nhiều sầu khổ.

18 (187) Đệ tử Đức Phật không tìm vui ngay cả nơi cõi chư thiên, chỉ tìm vui trong việc đoạn tận tham ái.

19. Ngay cả núi vàng ngọc châu báu cũng không vừa cho một người tham; Hiểu như thế, hãy tự mình phòng hộ tâm mình.

20. Những ai đã biết tham là cội nguồn sầu khổ, chớ nên tìm vui trong hỷ ái nữa.  Đã thấy cội nguồn sầu khổ trong thế giới này, hãy kiên trì tự bình lặng tâm mình.

 

Hết Phẩm 2, về Tham

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
09/09/2021(Xem: 21010)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.