Phẩm 26 Niết Ban

23/07/20193:23 CH(Xem: 3419)
Phẩm 26 Niết Ban

KINH PHÁP CÚ TÂY TẠNG
Tôn giả Pháp Cứu (Dharmatrāta) tuyển soạn

 Nguyên Giác dịch và ghi nhận
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation

 

Phẩm 26

NIẾT BÀN

 ____________________________________________

 

Ghi nhận: Hình ảnh đường tới hạnh phúc là sinh vào cõi lành, đường tới địa ngục là sinh vào cõi dữ, nhưng ai hiểu được tội lỗi, tức là hiểu được vì sao có pháp nhiễm ô, sẽ sớm đạt Niết bàn, tức là không sinh vào cõi nào nữa.

Bản Rockhill chú giải rằng Đức Phật nói bài kệ số 12 sau khi ngài và một số vị tăng được một bác tài công mời lên thuyền qua sông Hằng; khi thuyền nghiêng, nước vào, bác tài công nói các thợ chèo tát bớt nước ra.

Bài kệ 13 nói về định luật duyên khởi, vì cái này có nên cái kia có, khi cái này không thì cái kia sẽ không.

Bài kệ 14 nói về Tứ Diệu Đế, pháp khó thấy này (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) cội nguồn từ tham, nhưng cần thấy thực tánh của tham vốn là không, là rỗng rang; người sống với cái thấy pháp như thế là sẽ tới Niết bàn.

Bài kệ 16 nói rằng khi thấy sắc thọ tưởng hành thức tịch lặng, đó là đoạn tận sầu khổ.

Bài kệ 17 trong hai bản Rockhill và Iyer là bài kệ 18 trong bản Sparham, là tóm tắt bài Kinh Bahiya (Khi thấy chỉ là thấy, khi nghe chỉ là nghe, khi nhận biết chỉ là nhận biết, và như thế là đoạn tận sầu khổ). Bản Sparham ghi chú trong Note 189 rằng khi thấy nghe hay biết chỉ là thấy nghe hay biết, thì tâm hành sẽ không dính mắc, tức vô sở trụ, là tức khắc Niết bàn.     

Bài kệ 19 và 20 nói tóm tắt về duyên khởi.

Các bài kệ 22-24 cho thấy tư tưởng Phật Tánh đã nằm sẵn trong nhiều giải thích của Đức Phật về Niết bàn. Các bài kệ nghe như cách kinh Đại Thừa giải thích về phiền nãoNiết bàn không phải là hai, và không phải là một; y hệt như bản thể sóng là nước, nhưng không thể gọi là một hay hai. Đức Phật nói trong các bài kệ này rằng pháp vô sinh diệt đã nằm sẵn trong sinh diệt, y hệt như chất vàng là vô tướng, nhưng không hề khác và không phải là một với xuyến, thoa, vòng, nhẫn vàng…

Như thế, sẽ hiểu Kinh Lăng Nghiêm và Kinh Bahiya rằng giải thoát đã có sẵn trong thấy nghe hay biết. Và có thể hiểu vì sao các Thiền sư thường nói: có ai trói buộc ngươi đâu. Nghĩa là, trong cái nghe, cái thấy là tức khắc lìa tham sân si, trong nguyên sơ là Niết bàn. Nghe tiếng chim kêu giữa trời, nghe tiếng hát la lý la giữa chợ… là nhận ra cái rỗng rang tánh không hiển lộ ở các pháp. Nhận ra cái vô sinh diệt đó, là ngay khi đó có đủ Bát chánh đạo, ly tham sân si, là Niết bàn ở đây và bây giờ.

Trong nhiều bài kệ ở phẩm này, Đức Phật nói Niết bàn là một nối kết  giữa cái vô sinh diệt với cái sinh diệt, giữa cái bị tạo tác với các vô tác. Trong bài kệ 26, Đức Phật nói Niết bàn không ở trong Tứ Thiền (tuần tự, chỉ nói tới cảnh giới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng) rồi trong bài kệ 27 nói Niết bàn cũng không phải là cái được tạo tác, không phải là cái được sinh ra (it is not to be born: this then is the end of suffering) – nghĩa là, nói như Thiền Tông rằng không nhận ra cái bản lai vô sinh thì hỏng.

Đối chiếu, Đức Phật nói trong Kinh AN 9.34 là cần vượt qua định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng để vào Diệt Thọ Tưởng Định (cessation of perception & feeling) rồi từ đây dùng tuệ (tức, sau định là tuệ) quán sát sẽ dứt trần cấu, vào Niết bàn.

Đối chiếu thêm, Đức Phật nói trong Kinh AN 9.36 rằng không cần Tứ Thiền, mà chỉ cần chứng Sơ thiền, từ đây  chuyển sang quán vô thường để giải thoát, trích bản dịch của HT Thích Minh Châu

(https://suttacentral.net/an9.36/vi/minh_chau):

“Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ nơi Sơ Thiền, các lậu hoặc được diệt tận”… này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục... chứng đạt và an trú sơ Thiền. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Đây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc.”

Có nghĩa là, có nhiều đường tới Niết bàn.

 

 

 

1 Tỳ khưu tự chú tâm vào chính mình như con rùa tự co thân vào mu rùa, không để dính mắc gì, không để tổn thương ai, không để trở ngại gì lối đi tới Niết bàn.

 

2 (184) Nhẫn là khổ hạnh lớn nhất; Đức Phật nói nhẫn là Niết bàn lớn nhất. Vị sư nào gây hại người khác, làm tổn thương người khác, không phải bậc sa môn.

 

3 (133) Chớ nói lời ác, vì người sẽ đối đáp nghịch lại;  lời tranh cãi mang khổ tới, vì người sẽ dùng lời đáp trả.

 

4 Người nói lời ác sẽ như đánh vào chuông đồng, sẽ sầu khổ lâu dài, lang thang từ sinh tới tuổi già.

 

5 (134) Người không nói ác như chuông đồng không ai chạm tới, không gây tranh cãi gì, sẽ đạt tới Niết bàn

 

6 (204) Không bệnh là tài sản lớn nhất, biết đủ là tiền quý nhất, bạn chân thật là bạn tốt nhất, Niết bànhạnh phúc lớn nhất.

 

7 (203) Pháp hợp lại (hành) là khổ lớn nhất, đói là bệnh lớn nhất; hiểu thực là vậy, Niết bàn là an vui nhất.

 

8 Hãy cân nhắc về đường tới hạnh phúc và đường tới địa ngục; người hiểu được tội lỗi, sẽ sớm đạt Niết bàn.

 

9 Đường tới hạnh phúc có từ một duyên khởi; đường tới địa ngục có từ một duyên khởi; đường tới Niết bàn có từ một duyên khởi; tất cả đều có một duyên khởi.

 

10 Nai đi là vào rừng, chim bay lên bầu trời; người tận lực sống với chánh pháp sẽ tới Niết bàn của A la hán.

 

11 Người không tận lực, người kém trí và ít học, sẽ không thấy Niết bàn, nơi cắt đứt hết mọi trói buộc.

 

12 (369) Người lái làm nhẹ thuyền [mới đi xa được]; tát cạn tham và sân, ngươi sẽ tới Niết bàn.

 

13 Nếu cái đã sanh chưa được sanh, cái được sanh sẽ là vô sanh; khi cái vô sanh không sanh ra các uẩn, sẽ thấy tịch diệt chính các pháp sanh khởi.

 

14 Người thấy được pháp khó thấy (khổ), và người nhận ra pháp an lạc, người hiểu sự thực và đạt tri kiến, người thấy được tánh không trong lòng tham và niềm vui thế gian, người như thế đoạn tận được sầu khổ.

 

15 Xa lìa tham áitham dục, ta như chiếc hồ khô, cạn nước; người như thế đoạn tận được sầu khổ.

 

16 Người có cảm thọ đã nguội lạnh, có tưởng đã chìm xuống, có hành đã tịch lặng, có thức đã biến mất; người như thế đoạn tận được sầu khổ.

 

17 Khi thấy chỉ là thấy, khi nghe chỉ là nghe, khi nhận biết chỉ là nhận biết, khi ý thức chỉ là ý thức, lúc đó là đoạn tận sầu khổ. Khi chỉ muốn cái nên được tìm kiếm (để an nghỉ), người như thế đoạn tận được sầu khổ.

 

18 Người không tìm vui nơi thế gian, người giữ tâm bình an, người xa lìa tất cả tham đắm; người như thế đoạn tận được sầu khổ.

 

19 Từ vô minh sinh ra hành; từ hành sinh ra trói buộc; từ trói buộc sinh ra tất yếu tái sinh; từ đó sinh ra tới và đi; từ tới và đi sinh ra sầu khổ vì chết; từ sầu khổ sinh ra cuộc tái sinh mới; từ đó sinh ra già, bệnh và chết, buồn, khổ, bất toàn, từ đó là vô lượng sầu khổ.

 

20 Không vô minh, sẽ không có hành; không hành, sẽ không trói buộc; không trói buộc, sẽ không có gì để gỡ bỏ; không có gì để gỡ bỏ, sẽ không có tới và đi; không có ới và đi, sẽ không có sầu khổ vì chết; không sầu khổ vì chêt, sẽ không tái sinh nữa; như thế là hết già, bệnh và chết, buồn, khổ, bất toàn, như thế đoạn tận vô lượng khổ.

 

21 Tỳ khưu, có hiện hữu cái không được tạo tác, cái không được thấy, cái không được làm ra, cái ban sơ và cái không được sản xuất; tương tự, có cái được tạo tác, cái được thấy, cái được làm ra, cái hợp thể, và cái được sản xuất. Và có sự nối kết liên tục giữa hai cái trên.

 

22 Tỳ khưu, nếu không hề có cái không được tạo tác, cái không được thấy, cái không được làm ra, cái ban sơ và cái không được sản xuất, ta không có thể nói rằng kết quả sự nối kết của chúng từ nhân tới quả với cái được tạo tác, cái được thấy, cái được làm ra, cái hợp thể, và cái có thể được nhận thức chính là giải thoát tối hậu.

 

23 Tỳ khưu, chính bởi vì có hiện hữu thực của cái không được tạo tác, cái không được thấy, cái ban sơ và cái không được sản xuất, cho nên ta nói rằng kết quả của sự nối kết của chúng từ nhân tới quả với cái được tạo ra, cái được thấy, cái được hình thành, cái hợp thể, cái được nhận thức chính là giải thoát tối hậu.

 

24 Cái vô thường của cái được tạo ra, cái được thấy, cái được làm nên, cái được sản xuất, cái hợp thể, cái đau khổ lớn để già, chết, và vô minh, cái dẫn khởi từ thọ dụng thức ăn; tất cả các pháp đó đều sẽ bị hủy diệt, và khi không thấy say đắm trong các pháp đó thì chính đó là cốt tủy của giải thoát tối hậu. Khi đó sẽ không còn nghi ngờdo dự; tất cả cội nguồn sầu khổ sẽ ngưng, và ngươi sẽ thấy hạnh phúc trong bình an và hòa điệu giữa các uẩn.

 

25 Tỳ khưu, Niết bàn không ở trong đất, không ở trong nước, không ở trong lửa, không ở trong gió.

 

26 Niết bàn không ở trong cảnh giới Không Vô Biên Xứ,  không trong Thức Vô Biên Xứ, không trong Vô Sở Hữu Xứ,  không trong Phi Tưởng Phi Phi Tưởng; Niết bàn không ở trong thế giới này hay trong thế giới khác; Niết bàn không ở trong mặt trời hay mặt trăng. Ta nói, nghĩ như thế không phải là chính kiến.

 

27 Tỳ khưu, như ta nói, Niết bàn không có trong tới và đi, vì Niết bàn là cái không hiện hữu; ta cũng không nói rằng Niết bàn hiện hữu nơi có sự chết, vì Niết bàn là cái không được sinh ra. Nơi đây như thế là đoạn tận khổ.

 

28 Niết bàn không hiện hữu trong đất, nước, gió, lửa; trong Niết bàn, không thể thấy là màu trắng hay bất kỳ màu gì; trong Niết bàn, không có cả bóng tối; trong Niết bàn, mặt trăng không chiếu sáng, mặt trời cũng không chiếu ra các tia sáng.

 

29 Vị đó là một bậc Muni (thánh) và là một Bà La Môn, và là một bậc trí tuệ, đã giải thoát khỏi cảnh giới sắc và cảnh giới vô sắc, và đã xa lìa tất cả sầu khổ.

 

30 Vị đó đã tới tận cùng, đã dứt mọi sợ hãi, không còn ngã chấp và cũng không nhiễm ô tội lỗi nữa; đã bỏ sau lưng sầu khổ cõi hữu, vị đó có thân này là lần cuối.

 

31 Đây là an lạc tối thắng của những người đã tới bình an tận cùng, toàn hảo và tối thượng, đã hủy diệt tất cả các đặc tướng, sự toàn hảo của thanh tịnh, đã hủy diệt cái chết.

 

32 Bậc Muni đã xa lìa các uẩn để hiện hữu, để thích ưa hay không thích ưa. Vui trong tịch lặng tuyệt đối, vị này đã đập bể vỏ trứng của hiện hữu và rời thế giới này.

 

33 (354) Pháp thí, thắng mọi thí! Pháp vị, thắng mọi vị! Pháp hỷ, thắng mọi hỷ! Ái diệt, dứt mọi khổ!

 

 

 

Hết Phẩm 26, về Niết Bàn

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
09/09/2021(Xem: 21500)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.