Dị bộ tông luân luận

24/11/20164:36 CH(Xem: 15633)
Dị bộ tông luân luận

 

DỊ BỘ TÔNG LUÂN LUẬN
 異 部 宗 輪 論 
 I-PU-TSUNG-LUN-LUN 
TỔNG QUAN VỀ DỊ BỘ TÔNG LUÂN LUẬN

1. Tầm quan trọng của bộ luận 

Dị Bộ Tông Luân Luận được giới học giả cho là tài liệu đầy đủ thông tin và đáng tin cậy nhất nhất trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh trình bày về lịch sử hình hành và các quan điểm dị đồng giữa 20 bộ phái Phật giáo trong khoảng thời gian từ 100 năm đến hơn 300 năm sau Phật Niết-bàn, chủ yếu xoay quanh bốn vấn đề chính: 

(1) Quan điểm về thân tướng, thọ mạngoai đức của Đức Phật.
(2) Quan điểm về nghiệp lựcnguyện lực của một vị Bồ-tát.
(3) Quan điểm về quá trình tu chứngquả vị của các vị Thanh Văn.
(4) Các vấn đề khác như thân trung ấm, nghiệp lực, căn-trần-thức, chủng tử, tâm và tâm sở, tuỳ miên, kiết sử, bổ-đặc-già-la, phước đức, pháp tháp, thiền chứng, Bát Chánh đạo, vô vi, v.v… 

2. Tư liệu 
Bộ luận này được đánh số 2031 nằm trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập thứ 49, mang tên Sử Truyện Bộ (nhất) trong tổng số 85 tập. 
Dị Bộ Tông Luân Luận 異 部 宗 輪 論 (viết tắt là Dị Bộ) chỉ có một quyển, gồm 3844 chữ, giới thiệu về quá trình hình thành và phân liệt của 20 bộ phái với 194 quan điểm.  Bộ này do Ngài Huyền Trang/ Tráng (602-664) dịch. 

Bản Sanskrit hiện nay không còn. Tên bộ luận được ghi trong các từ điển như sau:
1) Samaya bhedoparacanacakra (theo ấn bản Bắc kinh). 
2) Samayabhedo-vyūhacakre theo ấn bản Sde-dge Tây Tạng
Giải thích từ ngữ: 異 部 là các bộ phái khác nhau; 宗 (tông phái); 輪 (bánh xe), nghĩa là, các học thuyết của các bộ phái phổ biến như là bánh xe quay (luân). 

Bản dịch tiếng Anh: “Treatise on the Wheel of Propositions of Different Schools”. 
Hai bộ luận khác có thể được xem là dị bản của bản luận này: Thập Bát Bộ Luận 十八 部 論 (2032)  được HT. Trí Quang và nhà nghiên cứu Tao-Wei Liang cho là khuyết danh, ức đoán được dịch đời vào thời nhà Tần (Diêu Tần), nhưng trong bản chữ Hán ghi là nhà Trần, Chân Đế dịch; TT. Hạnh Bình trong Chú Giải Dị Bộ Tông Luân Luận cho là các nhà nghiên cứu đoán là của Ngài La Thập dịch. Bộ Chấp Dị Luận 部 執 異 論 (2033) do Ngài Chân Đế (真 諦, Paramartha: 499 - 569) đời nhà Trần dịch. 

Sách sớ giải có bộ: Dị Bộ Tông Luân Luận Thuật Ký 異 部 宗 輪 論 述 記 (No. 844) của Ngài Khuy Cơ 窺 基, 1 quyển. Năm 1978 học giả Lương Khải Siêu 梁 啟 超 đã chú giải bộ này trong văn ngôn hiện đại 讀「異 部 宗 輪 論 述 記. Ngoài ra, được biết là còn có Bộ Chấp Dị Luận Sớ (部 執 異 論 疏). 

Theo thông tin của thầy Minh Chi trong bài Lý do phân phái và tình hình phân phái trong đạo Phật, bản luận này được Masuda dịch sang Anh ngữ: Origin and Doctrines of Buddhist Schools (đăng tải trong Asia Major II, 1925, p. 178) và cũng được A. Bareau dịch sang tiếng Pháp Trois Traités sur les Sectes Bouddhiques, J. N, 1954, pp. 235-266). Các bộ phái Phật giáo Tiểu thừa được Pháp Hiền dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt (Hà Nội, Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2002) từ bản tiếng Pháp trên. 

Ngoài ra, còn có 2 bộ: Dị Bộ Tông Tinh Thích của Bavya (Bạt-tì-da = Thanh Biện) và Dị Bộ Thuyết Tập của Vinitadeva (Điều Phục Thiên) là tác giả xứ Tuyết (Tây Tạng). Hai bản này đã được dịch sang Nhật ngữ và được Giáo sư Nguyên Hồng chuyển sang Việt ngữ. 
Hiện nay có một luận văn nghiên cứu bằng tiếng  Anh A STUDY ON THE I-PU-TSUNG-LUN-LUN bởi  Tao-Wei Liang ấn hành trên tạp chí Hua-Kang Buddhist Journal năm 1972. Công trình nghiên cứu này nghiêng nặng về lịch sử hơn là những điểm khác biệt về quan điểm của các tông phái

Những con đường đưa về núi Thứu là tuyển tập những bài giảng của Hòa thượng Nhất Hạnh tại Làng Mai năm 2004 và được biên tập lại và cho xuất bản năm 2013 với tiêu đề phụ “Trăm hoa đua nở trong vườn tâm linh Phật giáo”. Ngay trong trang đầu sách dưới tiêu đề phụ ghi: “Tài liệu cần thiết  cho những ai muốn tìm hiểu về tiến trình diễn biến của lịch sử tư tưởng Phật giáo”. 
3. Tác giả và niên đại
Vasumitra được phiên âm là Bà-tu-mật 婆 須 密, dịch nghĩa là Thế Hữu (世 友) hay Thiên Hữu (天 友). Vasu là thế gian, Mitra là bạn. Do đó Thế Hữu được sử dụng rộng rãi hơn là Thiên Hữu. Tác giả có thể là: 

(1) Tổ  thứ 7 (sống khoảng thế kỷ thứ 3 sau Phật Niết-bàn) trong 33 vị Tổ Ấn Hoa trong lịch sử thiền tông.
(2) Là một trong 4 vị luận sư trứ danh của Hữu Bộ, xưa nay thường gọi là Hữu tông tứ đại luận sư: Pháp Cứu (Dharmatràta), Diệu Âm (Ghosa), Thế Hữu (Vasumitra) và Giác Thiên (Buddhadeva).  
HT. Thánh Nghiêm, trong Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, cho rằng Vasumitra là người thuộc Hữu Bộ, nghĩa là một trong bốn đại luận sư của Hữu Bộ sống vào khoảng thế kỷ thứ 4 sau Phật Niết-bàn. 
Theo HT. Trí Quang, Ngài Vasumitra chủ biên bộ Đại Tỳ Bà Sa không phải là luận chủ của bộ này. 
Theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang (Tập II), tr. 1061, Ngài Vasumitra người Ấn Độ, viết Dị Bộ sống vào khoảng thế kỷ thứ I, II TL). 
Theo cuốn Buddhist Sects in India của N. Dutt, Ngài Vasumitra có thể là: (1) người kiết tập Mahāvibhāsa Śastra (Luận Đại Tỳ-bà-sa) thuộc Hữu Bộ; (2) thuộc phái Sautrantika (Kinh Lượng Bộ). 

Theo công trình nghiên cứu của Tao-Wei Liang trong A Study on the I-Pu-Tsung-Lun-Lun, trong luận thư Phật giáo có tất cả 5 Vasumitra: (1) Người xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ thứ 3 sau Phật Niết-bàn, tác giả của bộ Phẩm Loại Túc Luận (Prakaraṇā Pāda Śastra, số 1542) và Giới Thân Túc Luận (Dhātu Kāya Pāda Śastra, số 1540); (2) Vasumitra sống vào khoảng thế kỷ thứ 4 sau Phật Niết-bàn. Ngài là một trong tứ đại luận sư trong giai đoạn biên tập Đại Tỳ Bà Sa Luận (Mahāvibhāsa Śastra) dưới thời vua Ca-nị-sắc-ca (Kaniṣka); (3) Vasumitra trong bộ phái Sautrāntika cho rằng ngay cả trong trạng thái diệt thọ tưởng định vẫn còn có tâm vi tế; (4) Vasumitra xuất hiện sau Phật Niết-bàn khoảng 1000 năm trong Câu Xá Luận (Abhidharmakośa Śastra); (5) Vasumitra mà ngài Huyền Trang học giáo lý Thuyết Nhất Thiết Hữu ở Kashmir. 
Theo Tao-Wei Liang, các nhà nghiên cứu Trung Hoa cho rằng tác giả của luận thư là Vasumitra mà tên tuổi của ông thường xuất hiện trong Đại Tỳ Bà Sa Luận.  

Thật khó xác định về niên đại khả tín của tôn giả Vasumitra và thời điểm bộ luận này ra đời. Riêng người viết cho rằng, bộ luận này có thể ra đời trong giai đoạn Ngài Thế Hữu chủ trì kỳ kiết tập kinh điển lần thứ 4 do vua Kaniska ngoại hộ tại Ấn Độ vào hậu bán thế kỷ thứ nhất sau CN. Ngài chính là người cùng với ngài Mã Minh (Asvaghosa) đồng chủ trì cho cho kỳ kiết tập kinh điển lần thứ 4 tại Ấn Độ tại Kaniska. 
4. Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt:
HT. Thích Trí Quang (dịch và chú giải), Dị Bộ Tông Luân Luận. www.daophatngaynay.com 
Tâm An và Minh Tuệ dịch, Những Điểm Dị Biệt (Kathāvatthu), TP. HCM, Ban Trị Sự Thành Hội Phật Giáo TP. HCM, 1988. 
Bimala Churn Law (Nguyễn Văn Sáu) dịch, Chú giải thuyết Luận Sự (Kathāvatthuppakarana –Atthakathā), TP.HCM, Nhà Xuất Bản TP. HCM, 2004. 
Andres Bareau (Pháp Hiền dịch), Các bộ phái Phật giáo Tiểu thừa (Hà Nội, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2002). 
Thích Hạnh Bình, Chú giải Dị Bộ Tông Luân Luận, TP. HCM, Nhà Xuất Bản Phương Đông, 2011. 
Thích Nhất Hạnh, Những con đường đưa về núi Thứu, TP. HCM, Nhà xuất bản Phương Đông, 2013. 
Đảo Sử (Dìpavaṃsa) được đăng ở trên trang Buddhasasana. 
Tỳ-khưu Minh Tuệ dịch, Đại Vương Thống Sử (Mahavamsa), TP. HCM, NXB Tôn Giáo, 2007. 
Chú Giải Luật Thiện Kiến Luật (Samantapasadika Nama Vinayatthakatha), Buddhaghosa, Hán dịch: Sanghabra, Việt dịch: Tỳ-kheo Tâm Hạnh. 
Nalinaksa Dutt (HT. Minh Châu dịch), Đại Thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa,  (Nhà Xuất Bản TP.HCM, 1999). 
Kimura Taiken (Thích Quảng Độ biên dịch), Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận. 
Kimura Taiken (Thích Quảng Độ biên dịch), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận. 
Viên Trí, Ấn Độ Phật giáo sử luận, TP. HCM, Nhà xuất bản Phương Đông, 2006.
Pháp Sư Thánh Nghiêm (Thích Tâm Trí dịch), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, TP. HCM, Nhà Xuất Bản Phương Đông, 2008. 
Lữ Trừng (Thích Phước Sơn dịch), Ấn Độ Phật học nguyên lưu lược giảng, TP. HCM, Nhà xuất bản Phương Đông, 2011. 
Jintara Takakusu (Tỳ-kheo Giác Nguyên dịch), A-tỳ-đàm trong truyền thống Hữu Bộ (đăng trên trang Buddhasasana của BinhAn Sơn). 


Bài đọc thêm:
Dị bộ tông luân luận (Thích Nguyên Tuấn)
Dị bộ tông luân luận (Thích Giác Hoàng)
Dị tông luận (Thích Trí Quang)


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
25/09/2019(Xem: 10522)
17/11/2018(Xem: 6151)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.