Phần 3

07/07/201012:00 SA(Xem: 6607)
Phần 3

NHIẾP LUẬN
Nhiếp Đại Thừa Luận

Luận Văn Tổng Quát Về Đại Thừa
HT. Thích Trí Quang dịch giải

Phần 3

Mục 1: Tổng Quát Nêu Lên

Chính Văn.-

Đã nói căn cứ của các pháp sở tri rồi, còn sắc thái của các pháp sở tri thì nên nhìn thấy như thế nào? Các pháp sở tri đại khái có 3 thứ: một là y tha khởi tướng, hai là biến kế chấp tướng, ba là viên thành thật tướng (60) .

Mục 2: Lược Giải Y Tha

Chính Văn.-

Trong đây, y tha khởi tướng là gì? Là các thức do a lại da làm chủng tử và thuộc về phân biệt hư vọng (61) . Các thức ấy là gì? Là thức thân, thức chủ thể của thân, thức chủ thể của sự tiếp nhận, thức được tiếp nhận, thức tiếp nhận, thức thì gian, thức số mục, thức thế giới cư trú, thức nói năng, thức mình người, thức đường lành đường dữ (62) . Tựu trung, thức thân cho đến thức nói năng là do chủng tử của danh ngôn huân tập, thức mình người là do chủng tử của ngã kiến huân tập, và thức đường lành đường dữ là do chủng tử của hữu chi huân tập. Các thức như vậy là cái y tha khởi tướng thống thuộc 3 cõi 5 đường và 3 tạp nhiễm, là được biểu hiện bởi phân biệt hư vọng. Như vậy, các thức này thống thuộc phân biệt hư vọng, đặc tínhduy thức, làm căn cứ cho sự biểu hiện không có và không thực. Như thế đó gọi là y tha khởi tướng.

Lược Giải.-

Nói tổng quát, y tha khởi tướng là do chủng tử a lại da phát sinh, là biểu hiện của phân biệt hư vọng, là căn cứ của sự không thực.

Mục 3: Lược Giải Biến Kế

Chính Văn.-

Trong đây, biến kế chấp tướng là gì? Là nơi sự không thật, duy thức, mà biểu hiện như là thật có.

Lược Giải.-

Biến kế là nơi y tha (nơi sự không thật, duy thức) mà chấp ngã pháp thật có (biểu hiện như là thật có).

Mục 4: Lược Giải Viên Thành

Chính Văn.-

Trong đây, viên thành thật tướng là gì? Là chính nơi y tha khởi mà cái ấn tượng như là thật có vĩnh viễn không còn.

Lược Giải.-

Viên thành là nơi y tha mà không còn biến kế ngã pháp (ấn tượng như là thật có vĩnh viễn không còn).

Sự lược giải 3 tướng ở đây, cho thấy y tha là chính. Y tha là các pháp do nhân duyên (do a lại da) mà có, dầu là có một cách tương đối. Nơi y tha mà thấy ngã thấy pháp thì đó là biến kế, có mà chỉ có với vọng chấp, gọi là tình có lý không. Nơi y thangã pháp biến kế không còn là viên thành, có mà là có với tuệ giác, gọi là tình không lý có. Tuy nhiên, đặc biệt về viên thành, phải nói rõ là nhị không sở hiển (cái được lộ ra khi ngã và pháp đã không).

Đoạn 1: Lặp Lại 11 Thức Để Thống Nhiếp Các Pháp

Chính Văn.-

Trong 11 thức, thức thân, thức chủ thể của thân, và thức chủ thể của sự tiếp nhận, nên biết rằng đó là 6 giác quan ở trong, tức nhãn căn, nhĩ căn, v/v; thức được tiếp nhận, nên biết rằng đó là 6 đối cảnh ở ngoài, tức sắc cảnh, thanh cảnh, v/v; thức tiếp nhận, nên biết rằng đó là 6 nhận thức, tức là nhãn thức, nhĩ thức, v/v. Ngoài ra, các thức khác, nên biết rằng đó là sự sai biệt của các thức trên đây.

Lược Giải.-

Thống nhiếp các pháp vào 11 thức như sau. Một, 3 thức đầu là 6 căn, thức thứ 4 là 6 cảnh, thức thứ 5 là 6 thức. Hai, 6 thức còn lại là chi tiết của 6 căn 6 cảnh và 6 thức. Thống nhiếp như vậy thì chữ "các thức" chính là chữ "các pháp".

Thứ 1: Biểu Thị Bằng Ví Dụ

Chính Văn.-

Các thức như vậy toàn là duy thức, không thật. Sự thể này lấy gì ví dụ để biểu thị? Nên biết rằng lấy chiêm bao v/v làm ví dụ để biểu thị. Là như trong chiêm bao hoàn toàn không thật, chỉ độc có thức. Dầu có đủ thứ sắc thanh hương vị xúc, nhà rừng đất núi, biểu hiện như thật, nhưng tựu trung hoàn toàn không thật. Do sự ví dụ này biểu thị, theo đó nên nhận thức rằng lúc nào chỗ nào cũng toàn là thức. Chữ v/v, nên biết còn có những ví dụ như ảo thuật lừa dối, như hươu nai khao khát, như mắt bịnh hoa nhòe, v/v.

Khi thức tỉnh thì lúc nào chỗ nào cũng thấy như chiêm bao, cũng thấy duy thức, như chiêm bao thức tỉnh rồi biết trong chiêm bao toàn là thức cả, thế thì bây giờ chúng ta đang thức tỉnh đây, sao không thấy biết như vậy? Khi chân trí thức tỉnh mới thấy biết như vậy. Như trong chiêm bao sự thấy biết như vậy không có, nhưng chiêm bao thức tỉnh rồi sự thấy biết như vậy mới có. Khi chưa được chân trí thức tỉnh sự thấy biết như vậy không có, được chân trí thức tỉnh rồi sự thấy biết như vậy mới có.

Thứ 2: Tỷ Tri Bằng Giáo Lý

Chính Văn.-

Ai chưa được chân trí thức tỉnh thì đối với đạo lý duy thức làm sao đối chiếu biết được? Là do giáo và lý mà đối chiếu để biết.

Giáo ở đây là trong kinh Thập địa, đức Thế tôn đã nói 3 cõi như vầy toàn là duy tâm. Lại như trong kinh Giải thâm mật, đức Thế tôn cũng đã nói như vậy. Trong kinh ấy, bồ tát Từ thị hỏi đức Thế tôn, ấn tượng được thấy trong định, cùng với tâm trong định, nên nói khác nhau hay nên nói không khác? Đức Thế tôn bảo bồ tát Từ thị, nên nói không khác. Tại sao, vì ấn tượng ấy chỉ là thức. Như lai nói cái thức biết chỉ do thức hiện. Bạch đức Thế tôn, nếu ấn tượng trong định không khác với tâm trong định, thì tại sao tâm ấy trở lại biết lấy tâm ấy? Từ thị, không có chút pháp nào lấy được chút pháp nào, nhưng chính tâm ấy khi phát sinh như vậy thìấn tượng như vậy biểu hiện. Tựa như chính bản chất làm duyên tố mà thấy bản chất ấy, nhưng nói rằng tôi thấy ảnh tượng, lại cho ngoài bản chất có cái ảnh tượng thấy riêng. Tâm ở đây cũng vậy; tâm ấy khi phát sinh như vậy thì tựa như có ấn tượng như vậy biểu hiện được thấy riêng ra.

Do cái giáo trên đây mà cái lý cũng hiển lộ. Tại sao, vì trong tâm của định quán thấy những ấn tượng như thây chết xanh ứ v/v, thì không có cái xanh ứ v/v nào khác, mà chỉ là thấy lấy tâm mình. Do đạo lý này, đối với các thức, bồ tát nên đối chiếu mà biết toàn là duy thức, không phải là đối cảnh thật có. Cái ấn tượng xanh ứ v/v cũng không phải là đối cảnh do cái thức nhớ thấy ra, vì là ấn tượng hiện hữu: 2 cái thức nhớ về nghe và nghĩ cũng lấy ấn tượng quá khứ làm đối cảnh, nên ấn tượng ấy cũng là duy thức. Do sự tỷ lượng như vậy, bồ tát tuy chưa được chân trí thức tỉnh, cũng có thể đối chiếu mà biết về đạo lý duy thức.

Số 1: Nghi Về Sắc Thì Không Phải Duy Thức

Chính Văn.-

Như vậy là đã nói các thức như những ví dụ chiêm bao v/v. Chính trong sự ví dụ ấy mà thấy nhãn thức v/v là duy thức. Thế nhưng nhãn thức v/v có sắc cảnh v/v, thì làm sao thấy được sắc cảnh v/v cũng là duy thức? Hỏi như vậy thì cũng do giáo và lý vừa nói ở trước mà thấy được.

Số 2: Nghi Về Sắc Kiên Trú Liên Tục

Chính Văn.-

Nếu các thức như trên bản thể cũng là thức, thì tại sao biểu hiện ra sắc chất trước sau như một, tồn tại lâu dài, và liên tục không cách hở? Vì cùng với các pháp tạp nhiễm thác loạn làm chỗ dựa. Nếu không phải như vậy thì sự thác loạn cho là thật cái không thật đáng lẽ không có. Nếu không phải như vậy thì 2 chướng ngại phiền nãosở tri đáng lẽ không có. Và nếu không phải như vậy thì các pháp thanh tịnh cũng đáng lẽ không có. Do đó (mà biết) các thức chuyển hiện như vậy. Trong đây có 1 bài chỉnh cú: Hiện tượng thác loạn và bản thể thác loạn nên cho là sắc thức và phi sắc thức (63) , sự thể này không có thì mọi sự khác cũng không có.

Số 3: Nghi Về Sự Hóa Hợp Của Các Thức

Chính Văn.-

Tại sao thức thân, thức chủ thể của thân, thức chủ thể của sự tiếp nhận, thức được tiếp nhận, thức tiếp nhận, 5 thức này cùng câu hữu và hóa hợp trong tất cả các thân? Vì có thế mới viên mãn sự thọ dụng của đời sống.

Số 4: Nghi Về Sự Biểu Hiện Sai Biệt

Chính Văn.-

Tại sao nói thức thì gian v/v chuyển hiện sai biệt? Bởi vì vô thỉ đến giờ sự lưu chuyển của sinh tử không có đứt mất (nên gọi là thức thì gian), vì cái thế giới chúng sinh không có số lượng (nên gọi là thức số mục), vì cái thế giới thế giới không có số lượng (nên gọi là thức thế giới cư trú), vì ngôn ngữ được nói về sự việc được làm không có số lượng (nên gọi là thức nói năng), vì căn thân được nắm giữ và hưởng thụ khác nhau không có số lượng (nên gọi là thức mình người), vì những quả báo đáng ưa và đáng ghét hưởng chịu khác nhau không có số lượng, và vì sự sống chết khác nhau cũng không có số lượng (nên gọi là thức đường lành đường dữ).

Thứ 1: Đa Thức Luận

Chính Văn.-

Làm sao xác lập các thức (64) như vậy thành duy thức? Đại khái có 3 cách, một là do duy thức, vì không cái gì thật cả; hai là do 2 phần, vì có tướng phầnkiến phần 2 thức khác nhau; ba là do nhiều thứ, vì có nhiều thứ hành tướng sinh khởi. Tại sao có 3 cách như vậy, bởi vì tất cả các thức không thật, nên có thể xác lập duy thức; bởi vì có tướng phần và có kiến phần nên thành ra 2 mặt; bởi vì nhãn thức thì lấy sắc thức làm tướng phần, lấy thức của nhãn thức làm kiến phần, cho đến thân thức thì lấy xúc thức làm tướng phần, lấy thức của thân thức làm kiến phần, đến như ý thức thì lấy các thức làm tướng phần, lấy thức của ý thức làm kiến phần (65) - trong tướng phần ấy sắc thức làm tối sơ, pháp thức làm tối hậu, vì ý thức là chủ thể phân biệt, sinh khởi tương tự tất cả các thức. Trong đây có 1 bài chỉnh cú: Duy thức, 2 phần, nhiều thứ, hành giả quán sát như vậy thì ý thức có thể ngộ nhập duy thức, rồi cái ý thức đó cũng bị chế ngựsiêu thoát.

Lược Giải.-

Đa thức luận là căn cứ chuyển thức mà xác lập duy thức, bằng 3 dạng. Dạng một "không thật", là các pháp không có gì thật cả, nên toàn là duy thức. Dạng hai "2 phần", thì kiến phần là đối tượng hóa nhận thức, tướng phầnnhận thức hóa đối tượng, nên là duy thức. Dạng ba "đa dạng" (nhiều thứ) là 11 thức (tất cả các pháp) toàn liên hệ với thức, nên đều duy thức.

Sau đa thức luận, sự xác lập duy thức còn căn cứ ý thức luận, nhất là còn căn cứ bản thức (a lại da). Cả 2 sự căn cứ này nên nói trước ở đây cho dễ hiểu. Căn cứ ý thức luận mà xác lập duy thức là quy nạp chuyển thức lại nơi ý thức, ý thức chủ phát mọi phân biệtấn tượng, nên đều là duy thức. Căn cứ bản thức mà xác lập duy thức thì các pháp (11 thức) là tướng phần, chuyển thức (ý thức và mọi thức nó dựa vào) là kiến phần, chủ thể của tất cả 2 phần này là bản thức, nên toàn bộduy thức.

Số 1: Lấy Một Ý Thức Mà Xác Lập Duy Thức

Chính Văn.-

Ở đây có một số vị nói chỉ có một ý thức; một ý thức này phát sinh theo cái gì thì được tên cái ấy, như tư nghiệp của ý mà gọi là thân nghiệp khẩu nghiệp. Thêm nữa, khi ý thức phát sinh theo mọi cái sở y thì sinh ra nhiều thứ ấn tượng mà qui nạp lại là 2 thứ ấn tượng: có thật và phân biệt (65B) . Và thêm nữa, mọi chỗ, ý thức cũng phát sinh theo ấn tượngtiếp xúc, vì trong thế giớihình sắc thì chính ý thức dựa vào cái thân, như những sắc căn đều dựa vào cái thân ấy.

Số 2: Dẫn Kinh Làm Chứng Cho Sự Xác Lập Ấy

Chính Văn.-

Trong đây có 1 bài chỉnh cú: Đi xa xôi, và đi một mình, không thân thể, và ngủ trong hang, ai điều phục được cái tâm khó điều phục ấy, thì Như lai gọi là phạn chí chân thật. Lại như trong kinh nói lĩnh vực mà 5 căn đi thì ý thức tiếp nhận được hết, vì nó là chỗ dựa cho 5 căn. Thêm nữa, trong 12 xứ thường nói thì 6 thức gọi là ý xứ.

Đoạn 2: Căn Cứ Tướng Kiến Của Bản Thức Mà Xác Lập Duy Thức

Chính Văn.-

Nếu chỗ nào qui định a lai da là thức thật, thì ở đó tất cả 11 thức khác là tướng phần, ý thức trong đó và mọi thức nó dựa vàokiến phần. Do tướng phần vừa nói là duyên tố phát sinh kiến phần vừa nói, nên khi sự tựa như thật có biểu hiện, thì làm chỗ dựa cho kiến phần phát khởi. Như thế đó gọi là xác lập các thức (các pháp) là duy thức.

Mục 3: Nói 4 Trí Mà Xác Lập Duy Thức

Chính Văn.-

Mọi sự hiện tiền rõ ràng mà không phải thật có, sự đó làm sao thấy được? Như đức Thế tôn đã dạy, nếu bồ tát thành tựu 4 trí, thì có thể ngộ nhập duy thức chứ không phải thực có. Một là cái trí biết sự mâu thuẫn, là biết như ngạ quỉ, bàng sinh, cùng với chư thiên, nhân loại, cùng nơi một sự mà sự thấy biết khác nhau. Hai là cái trí biết không có đối cảnh mà thức vẫn có, là biết như quá khứ, vị lai, và những mộng ảnh mà vẫn có cái biết biết chúng. Ba là cái trí biết đáng lẽ không dụng công mà vẫn không thác loạn, là biết như cái biết biết đối cảnh hiện thời đáng lẽ không thác loạn gì, không do dụng công mà vẫn biết đúng sự thật. Bốn là được 3 cái trí tùy chuyển: thứ nhất là được cái trí tùy thắng giải lực của định tự tại mà đối cảnh biểu hiện; thứ hai là được cái trí tùy tác ý lực của tu pháp quán mà đối cảnh biểu hiện; thứ ba là được cái trí tùy trí vô phân biệt mà thấy đối cảnh biểu hiện không có gì là thật cả (66) . Do 3 cái trí ở đây với 3 cái biết ở trên mà đạo lý đối cảnh không thật được xác lập.

Lược Giải.-

Đoạn này lấy mặt trái mặt phải, mặt có mặt không, đặc biệt mặt biết và mặt được biết, chứng minh các pháp không thật: không thậtduy thức.

Tiết 1: Giải Thích 3 Tướng

Chính Văn.-

Nếu y thaduy thức, làm chỗ dựa cho đối cảnh không thật được biểu hiện ra, thì sao thành y tha? tại sao gọi là y tha? Từ chủng tử huân tập mà phát sinh, do duyên tố khác như vậy nên gọi là y tha; một sát na sau khi sinh ra, không có năng lực gì, (chỉ dựa vào sự tương quan) mà vẫn tồn tại, nên gọi là y tha. Biến kế thì dựa vào y tha, thật không có mà biểu hiện như có, thì sao thành biến kế? tại sao gọi là biến kế? Vô số cái biết toàn là cái biết thác loạn của ý thức biến kế, nên gọi là biến kế, bản thân thật không có, chỉ có cái mà biến kế chấp, nên gọi là biến kế. Còn viên thànhbiến kế vĩnh viễn không còn, thì sao thành viên thành? tại sao gọi là viên thành? Viên thành nghĩa là tánh không biến đổi, lại là đối tượng của tuệ giác thanh tịnh, là tối thắng của tất cả thiện pháp: vì cái nghĩa tối thắng này mà gọi là viên thành.

Tiết 2: Giải Thích Riêng Biến Kế

Chính Văn.-

năng biến kế, có sở biến kế, biến kế mới thành. Vậy ở đây năng biến kế là gì? sở biến kế là gì? cái gì là tự tánh của biến kế? Nên nhận thức rằng ý thức (67) là năng biến kế, vì nó là chủ thể phân biệt - Tại sao, vì nó lấy sự danh ngôn huân tập của bản thân nó mà làm chủng tử, lại lấy sự danh ngôn huân tập của tất cả 11 thức khác mà làm chủng tử, nên ý thứcvô số cái biết và vô số sự phân biệt sinh ra, nó phân biệt kế đạt khắp cả toàn thể, nên gọi là biến kế. Còn y thasở biến kế. Lại biến kế làm cho y tha thành cái sở biến kế, nên biến kế được gọi là biến kế chấp (68) . Biến kế chấp là nghĩa như vậy.

Thêm nữa, biến kế tại sao có thể kế đạt khắp cả? Nó vin đối cảnh nào? Nó lấy đối tượng nào? Nó do cái gì mà chấp trước? Nó lấy gì khởi lên ngôn ngữ ? Nó lấy gì nói năng? Nó thêm lên cái gì? Nó vin tên gọi mà làm đối cảnh. Nó lấy y tha mà làm đối tượng. Nó do vọng kiếnchấp trước. Nó do sự tầm cầu mà khởi lên ngôn ngữ. Nó do thấy nghe hay biết, 4 thứ nói ấy mà nói năng. Nó thêm sự có nơi đối cảnh không thật có. Do tất cả những điều trên đây mà nó có thể kế đạt khắp cả.


Chương 3: Nói Về Sự Đồng Dị Của 3 Tướng

Chính Văn.-

Ba tánh khác nhau hay không khác? Nên nói không phải khác nhau, hay không phải không khác. Bởi vì y tha do mặt khác mà chính y tha ấy thành y tha, do mặt khác mà chính y tha ấy thành biến kế, do mặt khác mà chính y tha ấy thành viên thành. Do mặt nào mà chính y tha thành y tha? Là do chủng tử đã huân tập mà khởi ra. Do mặt nào mà chính y tha ấy thành biến kế? Vì là đối tượng của biến kế, là sở chấp của biến kế. Do mặt nào mà chính y tha là viên thành? Là tuyệt đối không như cái có của đối tượng biến kế.

Tiết 1: Nói Chung Phẩm Loại Của 3 Tướng

Chính Văn.-

Ba tánh, mỗi tánh có mấy thứ? Y tha đại khái có 2 thứ: một là do chủng tử huân tập mà sinh ra, hai là không cố định nhiễm hay tịnh. Do 2 thứ y tha như vậy nên gọi là y tha. Biến kế cũng có 2 thứ: một là biến kế về tự tánh, hai là biến kế về sai biệt (69) . Do 2 thứ biến kế như vậy nên gọi là biến kế. Viên thành cũng có 2 thứ: một là tự tánh viên thành, hai là thanh tịnh viên thành (70) . Do 2 thứ viên thành như vậy nên gọi là viên thành.

Tiết 2: Nói Riêng Phẩm Loại Của Biến Kế

Chính Văn.-

Biến kế lại có 4 thứ: một là biến kế về tự tánh, hai là biến kế về sai biệt, ba là biến kế rất rành, bốn là biến kế không rành. Rất rành là biết rành danh từ, không rành là không rành danh từ. Do vậy mà biến kế còn có 5 thứ nữa: một là theo tên biến kế nghĩa, rằng cái tên như vậy thì có cái nghĩa như vậy; hai là theo nghĩa biến kế tên, rằng cái nghĩa như vậy thì có cái tên như vậy; ba là theo tên biến kế tên, tức biến kế những cái tên khác của cái tên mà mình chưa biết nghĩa; bốn là theo nghĩa biến kế nghĩa, tức biến kế những cái nghĩa khác của cái nghĩa mà mình chưa biết tên ; năm là theo tên và nghĩa mà biến kế tên và nghĩa, tức biến kế danh như vậy và nghĩa như vậy thì thể tánh là như vậy.

Tiết 3: Lược Nói 10 Thứ Phân Biệt

Chính Văn.-

Thống nhiếp tất cả phân biệt thì đại lược có 10 thứ. Một là phân biệt căn bản, là a lại da. Hai là phân biệt đối cảnh, là sắc thức v/v. Ba là phân biệt biểu hiện, là nhãn thức và thức của nhãn thức v/v. Bốn là phân biệt đối cảnh biến đổi, là biến đổi vì già v/v, vì cảm giác vui v/v, vì tham v/v, vì thời tiết làm cho tàn tạ v/v, vì những nẻo đường dữ như nại la ca v/v, vì những cõi như cõi Dục v/v. Năm là phân biệt biểu hiện biến đổi, tức những sự biến đổi của những sự biến đổi kể trên. Sáu là phân biệt người khác dẫn ra, tức nghe tà pháp với nghe chánh pháp khác nhau. Bảy là phân biệt không đúng lý, là sự phân biệt của ngoại đạo nghe tà pháp. Tám là phân biệt đúng lý, là sự phân biệt của những người ở trong chánh pháp nghe chánh pháp. Chín là phân biệt chấp trước, là những sự phân biệt thuộc loại tác ý không đúng lý, thích ứng với 62 tà kiến lấy ngã kiến làm gốc. Mười là phân biệt tán động, là 10 thứ phân biệt của bồ tát : thứ 1 là tán động không tướng, thứ 2 là tán động có tướng, thứ 3 là tán động thêm lên, thứ 4 là tán động bớt đi, thứ 5 là tán động đồng nhất, thứ 6 là tán động biệt lập, thứ 7 là tán động tự tánh, thứ 8 là tán động sai biệt, thứ 9 là tán động lấy nghĩa theo tên, thứ 10 là tán động lấy tên theo nghĩa. Để đối trị 10 thứ tán động như vậy, các kinh của Bát nhã ba la mật đa đều nói đến trí vô phân biệt. Như vậy, cả 2 phần sở trị và năng trị đều thâu nhiếp đủ cả các nghĩa của Bát nhã ba la mật đa.

Tiết 1: Mặt Khác Không Khác

Chính Văn.-

Nếu do những mặt khác nhau mà y tha có 3 tánh, thì vì sao 3 tánh ấy không thành ra không khác gì nhau? Vì nếu do mặt khác mà y tha thành y tha, thì không do chính mặt ấy mà y tha thành biến kếviên thành; nếu do mặt khác mà y tha thành biến kế, thì không do chính mặt ấy mà y tha thành y thaviên thành; nếu do mặt khác mà y tha thành viên thành, thì không do chính mặt ấy mà y tha thành y thabiến kế.

Tiết 2: Tên Không Xứng Thể

Chính Văn.-

Vì sao biết được, như y tha, biến kế biểu hiện mà không xứng thể? Vì trước khi có cái tên thì cái biết không có, vậy nói xứng thể là mâu thuẫn (với hiện thực); vì cái tên có nhiều thứ, vậy nói nhiều thể là mâu thuẫn (với hiện thực); vì cái tên không cố định, vậy nói tạp thể là mâu thuẫn (với hiện thực). Trong đây có 2 bài chỉnh cú: 1. Vì trước khi có tên thì cái biết không có, vì tên có nhiều thứ, vì tên không cố định, vậy nói xứng thể, nhiều thể và tạp thể là mâu thuẫn (với hiện thực) 2. Biến kế không mà thấy có, thì nên biết như ảo thuật; viên thành không ô nhiễm mà có tịnh trừ thì cũng như hư không (71) .

Lược Giải.-

Chủ ý của đoạn này nói cái danh đối với cái tướng của biến kế là không chính xác.

Tiết 3: Y Tha Toàn Không

Chính Văn.-

Vì sao sự biểu hiện thật không có, mà y tha không phải ở đâu và lúc nào cũng không có? Vì nếu y tha không có thì viên thành cũng không có; y tha mà không có thì không có gì nữa. Y tha với viên thành không có thì thành ra cái lỗi không có nhiễm với tịnh. Nhưng nhiễm với tịnh là hiện có, thế nên không nên nói tất cả toàn không. Ở đây có 1 bài chỉnh cú: Y tha mà không thì không viên thành; tất cả toàn không thì luôn luôn không có nhiễm tịnh.

Đoạn 1: Giải Thích 3 Tướng

Chính Văn.-

Chư vị Thế tôn đã nói giáo lý cao rộng trong đại thừa. Giáo lý ấy nói nên nhận thức biến kế như thế nào? Nên nhận thức rằng nếu dùng mặt khác thì nói là không thật có. Nên nhận thức y tha như thế nào? Nên nhận thức ví như ảo thuật, sóng nắng, chiêm bao, ảnh tượng, bóng sáng, tiếng dội, trăng nước, biến hóa. Nên nhận thức viên thành như thế nào? Nên nhận thức là 4 pháp thanh tịnh. Bốn pháp thanh tịnh là gì? Một là tự tánh thanh tịnh, tức là chân như, không, thật tế, vô tướng, thắng nghĩa, pháp giới. Hai là ly cấu thanh tịnh, là chính tự tánh thanh tịnh đã thoát ly tất cả chướng ngại dơ bẩn. Ba là đắc thử thanh tịnh, là tất cả bồ đề phần pháp, ba la mật đa, v/v. Bốn là sinh thử thanh tịnh, là pháp giáo đại thừa, vi diệu, chân chánh - Pháp giáo này là cái mà tuệ giác thanh tịnh biết đến nên không phải là biến kế, là cái từ pháp giới tối thanh tịnh đẳng lưu ra nên không phải y tha. Bốn pháp như vậy thống nhiếp hết tất cả các pháp thanh tịnh. Ở đây có 2 bài chỉnh cú: 1 và 2. Như ảo thuật v/v là nói về (y tha) cái được sinh ra. Nói không thật là nói về (biến kế) sự được kế chấp. Nói 4 thanh tịnh là nói về viên thành: tự tánh, ly cấu (72) ..., là cái mà tuệ giác thanh tịnh biết đến, và tất cả các pháp thanh thịnh đều thống nhiếp trong 4 pháp thanh tịnh này.

Đoạn 2: Nói 8 Dụ Y Tha

Chính Văn.-

Lại nữa, vì lý do gì mà trong kinh nói những ví dụ y tha như ảo thuật v/v? Vì để loại bỏ những mối nghi ngờ không đúng đối với y tha. Những mối nghi ngờ không đúng đối với y tha là thế nào? Là họ nghi ngờ như vầy đối với y tha: (Một), tại sao không thật mà lại thành ra đối tượng được biết? Vì loại bỏ nghi ngờ này nên nói sự ví dụ ảo thuật. (Hai), tại sao không thật mà có tâm và tâm sở sinh ra? Vì loại bỏ nghi ngờ này nên sự ví dụ sóng nắng. (Ba), tại sao không thật mà có những sự hưởng chịu đáng ưa đáng ghét khác nhau? Vì loại bỏ nghi ngờ này nên nói sự ví dụ chiêm bao. (Bốn), tại sao không thật mà có những quả báo đáng ưa đáng ghét của thiện nghiệpác nghiệp khác nhau? Vì loại bỏ nghi ngờ này nên nói sự ví dụ ảnh tượng. (Năm), tại sao không thật mà có các thức phát sinh? Vì loại bỏ nghi ngờ này nên nói sự ví dụ bóng sáng. (Sáu), tại sao không thật mà lại có những ngôn ngữ phát sinh? Vì loại bỏ nghi ngờ này nên nói sự ví dụ tiếng dội. (Bảy), tại sao không thật mà có đối tượng của các định biết thật? Vì loại bỏ nghi ngờ này nên nói sự ví dụ trăng nước. (Tám), tại sao không thật mà các vị bồ tát đem tâm trí không thác loạn cố ý thọ sinh (trong sinh tử) để làm những sự lợi ích chúng sinh ? Vì loại bỏ nghi ngờ này nên nói sự ví dụ biến hóa (73) .

Mục 2: Thông Thích Kinh Phạn Vấn

Chính văn.-

Vì sao đức Thế tôn đã mật ý nói như sau, trong kinh Phạn vấn: Như lai không sinh tử, không niết bàn? Ấy là Ngài nói theo cái mật ý: nơi y tha, biến kế với viên thành, tức sinh tử với niết bàn, không có sai khác. Tại sao, vì chính nơi y tha, do mặt biến kế mà thành sinh tử, do mặt viên thành mà thành niết bàn.

Mục 3: Thông Thích Kinh Đại Thừa A Tì Đạt Ma

Chính Văn.-

Trong kinh Đại thừa a tì đạt ma, đức Thế tôn nói pháp có 3 thứ: một là tạp nhiễm, hai là thanh tịnh, ba là hai phần ấy. Ngài đã căn cứ mật ý nào mà nói như vậy? Nơi y tha, biến kếtạp nhiễm, viên thànhthanh tịnh, và y tha khởi lên 2 phần ấy: đức Thế tôn đã căn cứ mật ý này mà nói như trên. Nghĩa này có thể biểu thị bằng ví dụ nào? Có thể biểu thị bằng ví dụ khối vàng đất. Như trong khối vàng đất có 3 thứ thấy được: một là địa giới (74) , hai là đất, ba là vàng. Trong địa giới, đất không thật mà hiện thấy có, còn vàng là thật thì không thấy; khi luyện bằng lửa thì đất không còn mà vàng hiện ra. Thêm nữa, nơi địa giới, khi đất hiện rahư vọng biểu hiện, khi vàng hiện rachân thật biểu hiện, nên địa giới là cả 2 phần ấy; thức cũng vậy, khi lửa trí vô phân biệt chưa đốt cháy nung luyện thì nơi thức ấy biến kế biểu hiện mà viên thành không biểu hiện, khi thức ấy được lửa trí vô phân biệt đốt cháy nung luyện thì nơi thức ấy viên thành biểu hiện mà biến kế không biểu hiện. Do vậy, nơi y tha là cái thức phân biệt có cả 2 phần, như trong khối vàng đất có cả 2 thứ vàng và đất.

Đoạn 1: Trường Hàng

Chính Văn.-

Đức Thế tôn có chỗ nói các pháp thường, có chỗ nói các pháp vô thường, có chỗ nói các pháp không phải thường không phải vô thường. Ngài đã dựa vào mật ý nào mà nói như vậy? Nơi y tha, do viên thành nên thường, do biến kế nên vô thường, do đủ cả 2 phần nên không phải thường không phải vô thường: đức Thế tôn đã căn cứ mật ý này mà nói như vậy. Như thường, vô thường và không phải cả hai, thì khổ, vui và không phải cả hai, tịnh, bất tịnh và không phải cả hai, không, bất không và không phải cả hai, ngã, vô ngã và không phải cả hai, tịch tịnh, không tịch tịnh và không phải cả hai, có tự tánh, không tự tánh và không phải cả hai, sinh, bất sinh và không phải cả hai, diệt, bất diệt và không phải cả hai, bản lai tịch tịnh, không phải bản lai tịch tịnh và không phải cả hai, tự tánh niết bàn, không phải tự tánh niết bàn và không phải cả hai, sinh tử, niết bàn và không phải cả hai, cũng là như vậy. Đại loại như vậy, những sự sai biệt mà toàn là ngôn ngữ mật ý của đức Thế tôn, hãy do 3 tánh mà quyết liễu cho thích hợp, như trên đã nói tiết mục thường, vô thường.

Đoạn 2: Chỉnh Cú

Chính Văn.-

Ở đây có 5 bài chỉnh cú: 1. Như các pháp thì thật không có, nhưng như các pháp biểu hiện thì không phải một thứ: không phải pháp và không phải phi pháp như vậy, nên nói đến cái nghĩa không hai. 2. Căn cứ một mặt nhiễm hay một mặt tịnh mà nói thì hoặc có hoặc không phải có, nhưng căn cứ cả 2 mặt mà nói thì không phải có không phải không có. 3. Như sự biểu hiện (của biến kế thì) không phải có, nên nói là không; nhưng cũng do sự biểu hiện như vậy nên nói là có. 4. (Vị lai thì sinh ra) không phải tự nhiên, (quá khứ qua rồi thì) tự thể đã không, (còn hiện tại tuy có mà) tự tánh không cố định, như sự chấp thủ (của biến kế) thì không có, (do 4 sự như vậy) nên chủ trương rằng (các pháp) không có tự tánh. 5. Do sự không có tự tánh mà làm căn cứ cho những kết luận sau đây : bất sinh bất diệt, bản lai tịch tịnh, tự tánh niết bàn.

Tiết 2: Căn Cứ 4 Ý ThúBí Mật Mà Lý Giải Mọi Phật Ngôn

Chính Văn.-

Lại có 4 thứ ý thú và 4 thứ bí mật, đối với Phật ngôn, hãy tùy đó mà quyết liễu. Bốn ý thú, một là ý thú bình đẳng, là như nói Như lai xưa kia, vào lúc ấy, chỗ ấy, có danh hiệu là đấng chánh biến giác Thắng quán; hai là ý thú khác thì, là như nói ai niệm danh hiệu đức Đa bảo như lai thì thế là đối với tuệ giác vô thượng đã được quyết định, lại như nói chỉ cần phát nguyện thì thế là vãng sinh thế giới Cực lạc; ba là ý thú khác nghĩa, là như nói nếu đã gặp gỡ và phụng sự hằng sa chư Phật thì đối với đại thừa mới lý giải được ; bốn là ý thú do người, là như vì một người mà trước khen bố thí sau chê bố thí, như đối với sự bố thí thì đối với sự giữ giới và một phần thiền định thế gian cũng vậy. Như vậy gọi là 4 thứ ý thú (75) .

Còn 4 thứ bí mật, một là bí mật dẫn vào, là trong thanh văn thừa hay trong đại thừa, y theo thế tục đế mà nói có ngã, lại nói có pháp; hai là bí mật về tướng, là ở đây nói các pháp tướng bằng cách nói 3 tự tánh; ba là bí mật đối trị, là ở đây nói hành tướng đối trị có đến 84 ngàn; bốn là bí mật chuyển biến, là ở đây đem lời chữ khác mà biểu thị ý nghĩa khác, như có bài chỉnh cú nói: Biết sự không kiên cốkiên cố, khéo sống trong sự đảo ngược, thì cùng cực sự não loạn của phiền não mà được tuệ giác tối thượng (76) .

Mục 1: Do Nói Về Duyên Khởi

Chính Văn.-

Có ai muốn làm sự giải thích về pháp đại thừa, thì đại khái nên do 3 tiết mục mà làm sự giải thích ấy: một là do nói về duyên khởi, hai là do nói về pháp tướng được duyên sinh, ba là do nói về ngữ nghĩa (77) . Trong đây nói về duyên khởi là như có bài chỉnh cú nói: Do danh ngôn huân tập mà sinh ra các pháp, rồi cái này lại từ cái kia, nên dị thục với chuyển thức làm nhân duyên cho nhau (78) .

Lược Giải.-

Duyên khởichủng tử sinh hiện hànhhiện hành sinh chủng tử. Nhưng ở đây nói duyên khởi là gồm cả 2 loại duyên khởi.

Mục 2: Do Nói Về Duyên Sinh

Chính Văn.-

Chuyển thức có tướng có kiến, và tự tánh là thức (79) . Chuyển thức lại lấy chỗ dựa làm sắc thái, lấy sở chấp làm sắc thái, lấy pháp tánh làm sắc thái (80) , do vậy mà biểu thị 3 tánh tướng, như có chỉnh cú nói: Từ chuyển thức có tướng có kiến mà nhận thức về 3 tướng. Giải thích (để nhận thức) về 3 tướng như thế nào? Nơi y tha, biến kế thì không, viên thành thì có; do 2 sự không với có này mà, khi chưa thấy chân lý và khi đã thấy chân lý, đều cùng lúc không được và được: nơi y tha vì không biến kế và vì có viên thành, nên khi chuyển theo nhiễm tịnh, thì phàm phu được biến kế là không được viên thành, thánh giả được viên thành là không được biến kế. Như có bài chỉnh cú nói: Nơi y tha, biến kế thì không mà viên thành thì có, nên được với không được đều như nhau (81) .

Lược Giải.-

Pháp duyên sinh chính là y tha, được phát sinh từ chủng tử nơi a lại da. Nhưng nói y tha là nói đủ cả 3 tướng, lúc mê cũng như lúc ngộ. Lúc mê thì nơi y tha chỉ thấy biến kế (ngã pháp) mà không thấy viên thành (chân như), lúc ngộ thì trái lại.

Mục 3: Do Nói Về Ngữ Nghĩa

Chính Văn.-

Nói về ngữ nghĩa là trước nói câu đầu, sau đem những câu khác mà phân tách biểu thị. Làm như vậy là hoặc do đức, hoặc do nghĩa. Do đức là như nói về công đức (82) của Phật: Tuệ giác cực kỳ trong sạch vì (1) hiện hành bất nhị, (2) đạt đến vô tướng, (3) đứng vào chỗ đứng của các đức Thế tôn, (4) thể hiện tính bình đẳng của các Ngài, (5) đến chỗ không còn chướng ngại, (6) giáo pháp không thể khuynh đảo, (7) tâm thức không bị cản trở, (8) cái được thiết lập không thể nghĩ bàn, (9) biết rõ như nhau đối với mọi việc quá khứ hiện tại và vị lại, (10) thân hình bủa ra khắp các thế giới, (11) các pháp thì thông suốt, (12) các hạnh thì toàn hảo, (13) trí biết không còn nghi hoặc, (14) thân hiện không có phân biệt, (15) là tuệ giác mà tất cả bồ tát cầu mong, (16) chứng được cái thân đồng nhất của chư Phật mà đứng ở bờ bến tối thượng bên kia, (17) thực hiện một cách không còn hỗn tạp về giải thoátdiệu trí của các đức Thế tôn, (18) toàn chứng cảnh Phật không có chính giữa cũng không có bên cạnh, (19) cùng tận pháp giới, (20) khắp không gian, (21) và suốt thì gian (83) . Tuệ giác cực kỳ trong sạch, nên biết câu này do 21 câu tiếp theo phân tích biểu thị, như vậy mới là khéo thuyết pháp. Tuệ giác cực kỳ trong sạchtuệ giác cực kỳ trong sạch của đức Thế tôn, nên biết tuệ giác ấy thống nhiếp 21 công đức của Ngài: (1) triệt để không còn bị chướng ngại đối với các pháp sở tri, (2) nhập vào một cách tối thắng, thanh tịnh, đối với chân như có không bất nhị, (3) ở trong trạng thái không ngừng nghỉ của việc Phật không còn dụng công, (4) trong pháp thân, ý lạcviệc làm không có dị biệt, (5) tu luyện sự đối trị hết thảy chướng ngại, (6) chiến thắng hết thảy ngoại đạo, (7) sống trong đời mà không bị đời gây trở ngại, (8) thiết lập chánh pháp, (9) thọ ký, (10) thị hiện thân biến hóa và thân thọ dụng trong tất cả thế giới, (11) loại trừ hoài nghi, (12) làm cho nhập vào các diệu hạnh, (13) phát sinh diệu trí đối với các pháp đương lai, (14) thị hiện đúng như thắng giải của mọi người, (15) làm căn cứ cho vô số sự nỗ lực điều phục chúng sinh, (16) thành mãn các pháp ba la mật của pháp thân bình đẳng, (17) tùy theo thắng giảithị hiện Phật độ khác nhau, (18) ba loại thân Phật không có giới hạn về phương hướng và nơi chỗ, (19) cùng tận biên cương của sự sinh tử, thường thị hiện lợi ích yên vui cho tất cả chúng sinh, (20) vô giới hạn, [(21) rất cứu cánh].

Chính Văn.-

Do nghĩa là như nói nếu bồ tát thành tựu 32 pháp mới gọi là bồ tát (84) . Ấy là có cái ý lạc tăng thượng làm lợi ích yên vui cho tất cả chúng sinh: (1) làm cho chúng sinh nhập vào trí Nhất thế trí, (2) tự biết nay tôi cần gì cái trí giả hiệu (85) , (3) xô dẹp sự ngạo mạn, (4) ý lạc chắc chắn siêu việt, (5) không phải thương xót giả hiệu (86) , (5b) bình đẳng đối với người thân kẻ thù, (5c) vĩnh viễn làm thiện hữu cho đến lúc họ được niết bàn mới là giới hạn sau cùng, (6) nói đúng hạn lượng, (6b) mỉm cười chào hỏi trước, (7) đại bi vô hạn, (8) không từ thoái hay khiếp nhược đối với việc phải chịu đựng, (9) không có ý gì chán và mệt, (10) nghe nghĩa lý không chán, (11) thấy rất sâu cái lỗi của tội mình làm, (11b) đối với tội người làm thì dạy bảo mà không giận, (12) luôn luôn tu luyện bồ đề tâm trong mọi cử động, (13) bố thí mà không cầu quả báo, (14) thọ giới giữ giới mà không hướng về các nẻo đường còn có sinh tử, (15) nhẫn nhục mà không giận dữ đối với chúng sinh, (16) tinh tiến mà thâu nhiếp hết thảy thiện pháp, (17) thiền định mà bỏ cõi Vô sắc, (18) bát nhã thích ứng với mọi phương tiện, (19) lấy 4 nhiếp pháp mà thống nhiếp mọi phương tiện, (20) coi người giữ giới với người phá giới cùng là thiện hữu, (21) đem lòng tha thiết mà nghe chánh pháp, (22) đem lòng tha thiết mà ở nơi thanh vắng, (23) không thích việc tạp ở đời, (24) không bao giờ thích cỗ xe thấp kém, (24b) thấy rất sâu công đức của đại thừa, (25) xa bạn ác, (25b) gần thiện hữu, (26) luôn luôn tu tập 4 thứ phạn trú, (27) thường vận dụng 5 thứ thần thông, (28) nương tựa và đi mau đến tuệ giác, (29) không bỏ chúng sinh nào dầu họ sống theo chánh hạnh hay không sống theo chánh hạnh, (30) nói chắc chắn, (31) trọng chắc thật, (32) tâm đại bồ đề luôn luôn dẫn đầu. Ba mươi hai câu như vậy là chi tiết của câu đầu, ấy là câu có cái ý lạc tăng thượng làm lợi ích yên vui cho tất cả chúng sinh. Câu ý lạc tăng thượng làm lợi ích yên vui này có 16 nghiệp khác nhau, nên biêắt như vậy. Ở đây 16 nghiệp là 1. lần lượt nỗ lực (câu 1), 2. không thác loạn (câu 2), 3. tự nhiên nỗ lực mà không đợi người mời (câu 3), 4. không dao động hư rã (câu 4), 5. không cầu không nhiễm, nghiệp này có 3 câu khác nhau, nên biết như vậy, đó là không nhiễm không hệ lụy (câu 5), không thương ghét người ơn kẻ thù (câu 5b), đời đời thường theo họ (5c), 6. miệng và thân đều xứng đáng, nghiệp này có 2 câu khác nhau, nên biết như vậy, (đó là các câu 6 và 6b), 7. bình đẳng bất nhị đối với vui và khổ (câu 7), 8. không thấp kém (câu 8), 9. không thoái chuyển (câu 9), 10. thâu thập phương tiện (câu 10), 11. chán và ghét cái bị đối trị, nghiệp này có 2 câu khác nhau, nên biết như vậy, (đó là các câu 11 và 11b), 12. tác ý không gián đoạn (câu 12), 13. tu hành thắng tiến, nghiệp này có 7 câu khác nhau, nên biết như vậy, đó là sự nỗ lực chính yếu về 6 ba la mật (các câu 13 đến 18) và sự nỗ lực chính yếu về 4 nhiếp pháp (câu 19), 14. nỗ lực thành mãn, nghiệp này có 6 câu khác nhau, nên biết như vậy, đó là gần gũi người hiền (câu 20), lắng nghe chánh pháp (câu 21), ở nơi thanh vắng (câu 22), bỏ suy nghĩ ác (câu 23), công đức tác ý, câu này lại có 2 câu khác nhau, nên biết như vậy, (đó là các câu 24 và 24b), công đức và bạn hữu, câu này lại có 2 câu khác nhau, nên biết như vậy (đó là các câu 25 và 25b), 15. thành tựu viên mãn, nghiệp này có 3 câu khác nhau, nên biết như vậy, đó là thanh tịnh vô lượng (câu 26), được đại thế lực (câu 27), công đức chứng đắc (câu 28), 16. xây dựng cho người, nghiệp này có 4 câu khác nhau, nên biết như vậy, đó là chế ngự cho họ (câu 29) chỉ dạy chắc chắn (câu 30) tài pháp hợp nhất (câu 31) không tâm tạp nhiễm (câu 32). Tất cả (32 câu bao gồm trong 16 nghiệp) như vậy, nên biết toàn là chi tiết của câu đầu. Như có bài chỉnh cú nói: Do câu đầu mà có những câu chi tiết, nói về đức; do câu đầu mà có những câu chi tiết, nói về nghĩa.

Lược Giải.-

Trong ghi chú 77 đã nói mục ngữ nghĩa là nói về hành (phương pháp luận) và quả (mục đích luận). Chính văn đoạn trên và đoạn này cho thấy đoạn này (nói về nghĩa) là nói về hành của Bồ tát, đoạn trên (nói về đức) là nói về quả của Phật đà. Nhưng, cùng với mục 1 nói về duyên khởi và mục 2 nói về duyên sinh, và mục 3 nói về ngữ nghĩa này, cốt cho thấy do 3 tướng mà giải thích đại thừagiải thích như thế nào.

Tiết 1: Chủ Yếu Ngộ Nhập

Chính Văn.-

Như vậy là đã nói sắc thái của các pháp sở tri rồi, còn sự ngộ nhập các pháp sở tri thì nên nhận thấy như thế nào? (Chủ yếu của sự ngộ nhập là) cái ý thức (87) được đa văn huân tập, sự huân tập không thuộc về a lại da mà vẫn như a lại da huân tập thành chủng tử; (cái ý thức ấy) thuộc về sự tác ý đúng lý, tạo ra nơi kiến phần của ý thức cái ấn tượng tương tự với pháp và nghĩa (của đại thừa).

Lược Giải.-

Chủ yếu của sự ngộ nhập các pháp sở tri chính là ý thức. Ý thức ấy phải có cái căn bản là, đối với đại thừa, phải học và nghĩ (đa văn huân tậptác ý đúng lý).

Tiết 2: Tư Cách Ngộ Nhập

Chính Văn.-

Nhưng ở đây ai là người có thể ngộ nhập các pháp sở tri? Là vị bồ tát có sự huân tập liên tục của sự đa văn pháp nghĩa đại thừa, đã được gặp và phụng sự vô lượng chư Phật xuất hiện thế gian, đã được cái thắng giải (88) một chiều chắc chắn, đã khéo dồn chứa các thiện căn, tức là khéo cụ bị 2 thứ tư lương phước và trí.

Lược Gải.-

Tư cách để ngộ nhập là phải có 4 lực: lực chính nhân, là có sự huân tập của đa văn đại thừa; lực thiện hữu, là được thân cận chư Phật; lực tác ý, là thắng giải chắc chắn; lực nhiệm trì, là có sức tích tập 2 loại tư lương phước và trí.

Tiết 3: Địa Vị Ngộ Nhập

Chính Văn.-

Vị trí nào ngộ nhập được? Là chính cái ý thứckiến phần có cái ấn tượng tương tự pháp và nghĩa của đại thừa, do pháp và nghĩa của đại thừa đẳng lưu sinh ra, (cái ý thức ấy) trải qua địa vị giải hành, điểa vị kiến đạo, địa vị tu đạođịa vị cứu cánh, đối với đạo lý các pháp duy thứcthắng giải theo đa văn, thông suốt rất đúng lý, đối trị các chướng ngại, thoát ly các chướng ngại.

Lược Giải.-

Nhiếp luận tổng quát các bồ tát vị lai thành 4 vị. Một là giải hành vị, gọi đủ là thắng giải hành vị, gồm cả tư lương vị và da hành viể của Duy thức luận; giải hành vị có 10 tín, 10 hành, 10 hướng và 4 da hành. Hai là kiến đạo vị, Duy thức luận gọi là thông đạt vị, chỉ cho nhập tâm của Sơ địa. Ba là tu đạo vị, Duy thức luận gọi là tu tập vị, gồm có trú tâm của sơ địa cho đến xuất tâm của thập địa. Bốn là cứu cánh vị, Duy thức luận cũng gọi là cứu cánh vị, và chỉ cho Phật địa. Đoạn này có 4 điểa vị ngộ nhập duy thức, tức ngộ nhập các pháp sở tri. Ngộ nhập đại khái như sau: giải hành vị thì thắng giải theo đa văn, kiến đạo vị thì thông suốt rất đúng lý, tu đạo vị thì đối trị các chướng ngại, cứu cánh vị thì thoát ly các chướng ngại.

Mục 1: Nói 3 Sự Luyện Mài

Chính Văn.-

Do yếu tố nào mà ngộ nhập được? Do sức mạnh của thiện căn nhiệm trì: do 3 sự luyện mài tâm chí và dứt bỏ 4 sự, mà vin theo pháp và nghĩa của đại thừa, chỉ và quán thường được thiết tha nỗ lực, không có phóng dật. Vô số người trong vô lượng thế giới, mỗi sát na đều có người chứng được vô thượng bồ đề, (thì ta đây cũng sẽ chứng được), đó là sự luyện mài tâm chí thứ nhất. Do ý lạc này mà tu được lục độ; ta đã có ý lạc này thì nhờ đó ta dụng công thêm chút nữa sẽ tu được viên mãn về lục độ, đó là sự luyện mài tâm chí thứ hai. Những người có điều thiện còn chướng ngại, vậy mà chết rồi vẫn được sinh ra với cái tự thể khả ái, huống chi ta có điều thiện vi diệu, không còn chướng ngại, thì tại sao lại không được kết quả viên mãn, đó là sự luyện mài tâm chí thứ ba. Ở đây có 3 bài chỉnh cú: 1. Những chúng sinh thuộc nhân loại, và thế giới của họ, đều vô lượng, trong mỗi ý nghĩ đều có người chứng được đẳng giác, vậy ta không nên thoái lui, khuất phục. 2. Những ai có cái ý lạc của tâm trí trong sạch, thì có năng lực thực hành lục độ, ta cũng đã có được cái ý lạc thù thắng ấy (89) , nên ta cũng có năng lực thực hành lục độ. 3. Người làm điều thiện kém cõi mà khi chết rồi vẫn được mãn ý về sự vui thích, huống chi ta đây có cái điều thiện thù thắng do vĩnh đoạn chướng ngại, thì sự viên mãn làm sao không đạt được.

Lược Giải.-

Bồ tát trong phần đầu của giải hành vị (tức tư lương vị) hay có 3 điều thoái khuất. Một là thoái khuấttuệ giác rộng lớn, là nghe nói tuệ giác bồ đề tối thượng, rộng lớn, sâu xa, mà sinh tâm thoái khuất. Hai là thoái khuấtvạn hạnh khó tu, là nghe nói vạn hạnh như bố thí rất là khó tu, mà sinh tâm thoái khuất. Ba là thoái khuấtchuyển y khó chứng, là nghe nói 2 diệu quả chuyển y rất khó chứng được, mà sinh tâm thoái khuất. Đối trị 3 sự thoái khuất này là 3 sự luyện mài tâm chí. Thứ nhất, dẫn việc người khác đã chứng tuệ giác vô thượng mà luyện mài tâm chí. Thứ hai, ý thức về ý lạc của mình mà luyện mài tâm chí. Thứ ba, đem điều thiện thô kém của người so với cái nhân vi diệu của mình mà luyện mài tâm chí.

Mục 2: Nói 4 Sự Phải Bỏ

Chính Văn.-

(Một), dứt bỏ tác ý, là tách rời cái tác ý của thanh văn duyên giác. (Hai), vĩnh viễn dứt bỏ sự hoài nghi của cái trí tuệ khác (90) , là tách rời mọi sự hoài nghi đối với đại thừa. (Ba), dứt bỏ pháp chấp (91) , là tách rời ngã và ngã sở trong giáo pháp được nghe và được nghĩ. (Bốn), dứt bỏ phân biệt, là tách rời tác ýphân biệt đối với mọi hiện tượng hiện tiền và xác lập (92) . Ở đây có 1 bài chỉnh cú: Thế giới hiện tiền mà ta tự nhiên sống với, cùng với những ảnh tượng được xác lập, người có trí thì không phân biệt, nên được tuệ giác tối thượng.

Tiết 5: Quán Trí Ngộ Nhập

Chính Văn.-

Do cái gì và làm thế nào để được ngộ nhập? Do cái ý thức thuộc chủng loại đa văn huân tập và thuộc về tác ý đúng lý, mà kiến phần của nó có cái ấn tượng tương tự pháp và nghĩa, (do cái ý thức ấy mà phân thành 4 tầm tư và 4 thật trí). Bốn tầm tư là suy tìm chỉ là giả thiết về danh, nghĩa, tự tánh, sai biệt (93) . Bốn thật trí là biết chắc chỉ là giả thiết về danh, nghĩa, tự tánh, sai biệt (94) . Cả 4 tầm tư và 4 thật trí như vậy đồng là không thể thủ đắc. Chư vị bồ tát muốn ngộ nhập duy thức một cách đúng như sự thật, nên nỗ lực mà tu - tức là đem cái ý thức có cái ấn tượng tương tự về danh và nghĩa mà suy tìm danh chỉ là ý thức, suy tìm nghĩa dựa vào danh cũng chỉ là ý thức, suy tìm tự tánhsai biệt của danh và nghĩa cũng chỉ là giả thiết. Bao giờ chứng được chỉ là ý thức, thì bấy giờ chứng biết danh, nghĩa, tự tánh, sai biệt, toàn là không thật, đồng là không thể thủ đắc. Như vậy, do 4 tầm tư và do 4 thật trí mà chính nơi cái ý thứcấn tượng tương tự danh và nghĩa mà ngộ nhập được đạo lý duy thức (95) .

Tiết 6: Chủ Đề Ngộ Nhập

Chính Văn.-

Trong sự ngộ nhập duy thức nói trên, là ngộ nhập cái gì? ngộ nhập thế nào? (Ngộ nhập cái gì là) ngộ nhập duy thức, 2 phần và nhiều thứ (96) , nghĩa là ngộ nhập danh, tự tánh của danh, sai biệt của danh, nghĩa, tự tánh của nghĩa, sai biệt của nghĩa, 6 thứ như vậy toàn là không thật, toàn là năng thủ sở thủ, toàn là nhiều thứ sự thể (97) . (Ngộ nhập như thế nào là) như trong bóng tối thì cái giây hiện ra như con rắn, nhưng trên cái giây, con rắn là không, vì nó hoàn toàn không có. Biết con rắn là không, cái biết con rắn tuy mất, mà cái biết sợi giây vẫn còn. Nếu phân tích kyՠthì sợi giây cũng giả dối, vì chỉ do sắc hương vị xúc hợp thành, biết như vậy thì cái biết sợi giây cũng mất. Như thế đó, khi cái ý thức có cái ấn tượng 6 tướng về danh và nghĩa nó dẹp bỏ 6 tướng không thật, thì cái biết duy thức như cái biết sợi giây cũng sẽ loại bỏ - loại bỏ do cái biết biết về viên thành.

Tiết 7: Ngộ Nhập Sở Tri

Chính Văn.-

Vị bồ tát như vậy ngộ nhập cái ấn tượng tuồng như thật có của ý thức nên ngộ nhập biến kế, ngộ nhập duy thức nên ngộ nhập y tha, còn viên thành thì ngộ nhập thế nào? Nếu đã loại bỏ cái ý tưởng duy thức vốn thuộc chủng loại đa văn huân tập của ý thức, thì bấy giờ bồ tát đã loại bỏ ấn tượng thật có, mọi ấn tượng tuồng như thật có không thể phát sinh, nên cái ý tưởng duy thức cũng không sinh được. Vì lý do ấy mà đứng ở chỗ mọi nghĩa đều không có danh riêng, sống thích ứng với sự hiện thấy pháp tánh. Bấy giờ là bồ tát đã phát sinh cái trí bình đẳng, không phân biệt năng tri sở tri, do đó mà vị bồ tát này được gọi là ngộ nhập viên thành. Ở đây có bài chỉnh cú: Pháp, ngã, giáo pháp, nghĩa lý, đại lược, phong phú, căn bản, ô nhiễm, thanh tịnh, cứu cánh, đó là những danh hiệu gọi theo hành tướng sai biệt (98) . Như vậy là bồ tát đã ngộ nhập duy thức, nghĩa là ngộ nhập 3 tướng sở tri. Ngộ nhập như vậy là nhập vào Cực hỷ địa, đạt được pháp tánh, sinh nhà Như lai, được tâm bình đẳng đối với chúng sinh, tâm bình đẳng đối với bồ tát, tâm bình đẳng đối với Phật đà. Và đó là kiến đạo vị của bồ tát.

Tiết 8: Ích Lợi Ngộ Nhập

Chính Văn.-

ích lợi chân thật nào mà ngộ nhập duy thức? Do (a là) cái trí chỉ quán vô lậu vin theo tổng tướng của giáo pháp đại thừa, và do (b là) cái trí hậu đắc của trí trên, cái trí vin theo những thứ tướng thức, nên ngộ nhập duy thức để (một là) diệt trừ chủng tử vừa là nguyên nhân vừa là sở duyên nơi a lại da, (hai là) làm lớn lên những chủng tử chứng đắc pháp thân, (ba là) chuyển đổi cái sở y (99) , (bốn là) chứng được toàn thể Phật pháp, (năm là) chứng được cái trí Nhất thế trí. Thêm nữa, cái trí hậu đắc nhận thức mọi tướng được nhận thức đều phát sinh từ a lại danhư ảo thuật, nhận thức không thác loạn, nên, ví như nhà ảo thuận nhìn vào những trò ảo thuật, bồ tát nhìn vào mọi tướng được nhận thức, và trình bày đạo lý nhân quả, luôn luôn không có thác loạn.

Tiết 9: Lịch Trình Ngộ Nhập

Chính Văn.-

Ở đây, khi ngộ nhập duy thức thì có 4 thứ định làm chỗ dựa cho 4 thứ thuận với phần quyết trạch (100) . Nên nhận thức thế nào? Nên nhận thức rằng: (Một là) do 4 thứ tầm tư mà trong cái nhẫn các pháp không thật (101) thuộc bậc thấp, có cái định được sáng, đó là chỗ dựa của Noãn thuận với phần quyết trạch. (Hai là) trong cái nhẫn các pháp không thật thuộc bậc cao, có cái định thêm sáng, đó là chỗ dựa của Đảnh thuận với phần quyết trạch. (Ba là) lại do 4 thứ thật trí đã ngộ nhập duy thức, đã quyết định về các pháp không thật (102) , có cái định nhập vào một phần chân thật (103) , đó là chỗ dựa của Nhẫn thuận với chân thật. (Bốn là) từ đó, một cách không cách hở mà dẹp bỏ ý tưởng duy thức, có cái định không còn cách hở, đó là chỗ dựa của Thế đệ nhất. Nhưng phải biết các định trên đây đang là bên cạnh hiện quán (104) .

Lược Giải.-

Lịch trình quán chứng của đoạn này là như vầy. Một, ngộ nhập duy thức nên cảnh không thật: cảnh biến kế là không; đó là Noãn và Đảnh (giai đoạn tầm tư), và Nhẫn (giai đoạn ngộ nhập). Hai, ngộ nhập cảnh không nên thức không sinh: thức y tha cũng diệt; đó là Thế đệ nhất. Ba, toàn thể bình đẳng: chứng đắc viên thành; đó là kiến đạo.

Tiết 10: Địa Vị Tu Đạo

Chính Văn.-

Bồ tát như vậy là đã bước vào các địa, đã được kiến đạo vị, đã ngộ nhập duy thức; rồi trong tu đạo vị thì phải tu hành như thế nào? Đối với giáo pháp 10 địa Phật dạy, mà đã thống nhiếp các kinh và cùng hiện tiền cả, bồ tát do cả 2 phần căn bản và hậu đắc của cái trí chỉ quán vin theo tổng tướng giáo pháp ấy, luôn luôn tu tập trong vô lượng kiếp nên được chuyển y, (cùng lúc), để chứng được 3 loại thân Phật (105) nên tinh tiến tu hành.

Tiết 11: Hiện Quán Khác Nhau

Chính Văn.-

Hiện quán của thanh văn với hiện quán của bồ tát có sai khác gì? Hiện quán của bồ tát khác với hiện quán của thanh văn là do 11 thứ, nên biết như vậy. Một là do đối tượng mà khác nhau, là lấy giáo pháp đại thừa mà làm đối tượng. Hai là do nuôi giữ mà khác nhau, là do 2 loại tư lương đại phước và đại trí làm yếu tố nuôi giữ. Ba là do thông suốt mà khác nhau, là thông suốt cả nhân vô ngãpháp vô ngã. Bốn là do niết bàn mà khác nhau, là nhiếp thọ đại niết bàn vô trú. Năm là do địa vị mà khác nhau, là xuất ly bằng 10 địa. Sáu và Bảy là do thanh tịnh mà khác nhau, là dứt sạch tập khí phiền não, là làm sạch cõi Phật. Tám là do bình đẳng mà khác nhau, là được cái tâm bình đẳng đối với mình người, sự nỗ lực thành thục chúng sinh không bao giờ ngừng nghỉ. Chín là do chỗ sinh mà khác nhau, là sinh vào nhà Phật. Mười là do thọ sinh mà khác nhau, là thường sinh trong các đại tập hội của chư Phật (105B) . Mười một là do kết quả mà khác nhau, là 10 lực, 4 vô úy, 18 bất cọng, vô số phẩm chất của Phật như vậy đều được thành mãn.

Tiết 1: Chỉnh Cú Tự Làm

Chính Văn.-

Ở đây có 2 bài chỉnh cú: 1. Danh với nghĩa làm khách thể của nhau, đặc tính này nên tầm tư; tự tánhsai biệt, 2 thứ ấy của danh và nghĩa cũng phải suy xétduy thức và duy giả. 2. Thật trí quán sát sự không thật, chỉ có 3 loại phân biệt (106) : cái kia không thì cái này không (107) , thế là ngộ nhập 3 tánh.

Tiết 2: Chỉnh Cú Dẫn Luận Phân Biệt Du Dà

Chính Văn.-

Lại có 2 bài chỉnh cú để giáo thọ, như luận Phân biệt du dà đã nói: 1. Trong định, bồ tát quán xét ấn tượng chỉ là tâm, đối cảnh đã không còn thì quán xét chỉ có tâm mình. 2. Cứ như thế ấy mà trú nơi nội tâm, nên như cái sở thủ đã không thì cái năng thủ cũng không, sau đó chạm vào sự không thủ đắc.

Tiết 3: Chỉnh Cú Dẫn Luận Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh

Chính Văn.-

Thêm nữa, có 5 bài chỉnh cú về hiện quán, như luận Đại thừa trang nghiêm kinh nói: 1. Phước đứctrí tuệ 2 thứ tư lương ấy bồ tát khéo cụ bị một cách vô giới hạn, đối với pháp đã tư duy và khéo quyết trạch rồi thì biết ý nghĩa của pháp ấy chỉ là danh ngôn. 2. Nếu biết mọi ý nghĩa chỉ là danh ngôn, trú ở nơi đạo lý duy tâm, thì thế là hiện chứng pháp tánh (108) , nên (cảnh và tâm) cả 2 phần ấy đều loại bỏ. 3. Thể hội rời tâm thì không có cảnh riêng, do đó thể hội tâm cũng không có: người có tuệ giác thấu suốt 2 cái đều không nên đứng nơi pháp tánh bất nhị. 4. Người có tuệ giác do sức mạnh của trí vô phân biệtthường xuyên thuận hành pháp tánh một cách cùng khắp và bình đẳng, hủy diệt cái khối lầm lỗi vấn vít, tựa như dược phẩm rất tốt tiêu tan mọi độc chất. 5. Diệu pháp Phật dạy rất khéo xác lập; hãy đặt tuệ giác và bắt rễ vào trong diệu pháp ấy, thấu hiểu ý niệm và nghĩa thú chỉ là phân biệt (109) , mạnh mẽ và mau chóng mà về bến bờ của biển cả công đức.

Lược Giải.-

Có người nói 5 bài chỉnh cú này là nói 5 địa vị, diễn tả lịch trình ngộ nhập: một là tư lương đạo, hai là da hành đạo, ba là thông đạt đạo, bốn là tu tập đạo, năm là cứu cánh đạo.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/06/2014(Xem: 38290)
03/09/2014(Xem: 25870)
24/11/2016(Xem: 15475)
29/05/2016(Xem: 7680)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.