THERAVĀDA
PHẬT GIÁO NAM TÔNG VIỆT NAM
VI DIỆU PHÁP TOÁT YẾU
TẬP 1: TÂM | TẬP 2: TÂM SỞ | TẬP III SẮC – NIẾT BÀN | TẬP 4: TẠP PHẦN
TƯỜNG NHÂN SƯ biên soạn
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016 & Nhà xuất bản Thuận Hóa 2021
Vi Diệu Pháp Toát Yếu - Tập 1
Vi Diệu Pháp Toát Yếu - Tập 2
Vi Diệu Pháp Toát Yếu - Tập 3
Vi Diệu Pháp Toát Yếu - Tập 4
Đức Phật đã để lại Tam Tạng kinh điển quý báu với tạng Luật bao gồm những điều học giới như là những phương pháp phòng bệnh giúp cho nhân loại ngăn ngừa phát sinh phiền não gây khổ thân, tâm. Trong khi đó, tạng Kinh là tập hợp những giáo huấn của Đức Thế Tôn để tâm tính con người được hoàn thiện dần ví như những bài thuốc để trị từng loại bệnh phù hợp với căn tánh của mỗi một chúng sinh. Tạng thứ ba là tạng Vi Diệu Pháp mô tả chính xác sự tương quan nhân quả chi phối danh sắc, đề cập chi tiết đến các pháp Chân đế là Tâm, Tâm Sở, Sắc pháp vốn là những pháp vô thường, sanh diệt liên tục, khổ và vô ngã; để từ đó, người tu tập quán chiếu bằng Tuệ Minh sát (Vipassanä), phát sinh trí tuệ đoạn tận mọi phiền não và chứng ngộ Niết Bàn. Đây là tạng cốt lõi, là tinh hoa của Phật giáo được khởi sinh từ trí tuệ siêu việt của Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Do vậy, Vi Diệu Pháp là pháp cao siêu và khó có thể tiếp thu thấu đáo nếu người học chưa đủ đức tin, trí tuệ cũng như những thiện duyên đã được gieo trồng từ nhiều kiếp quá khứ. Tuy nhiên, ngày nay những nhân tố này càng trở nên mai một theo thời gian do tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật quá nhanh mà đời sống tâm linh của nhân loại lại suy thoái không ngừng nghỉ, dẫn đến tình trạng coi trọng vật chất và tiện nghi hơn đời sống tinh thần làm cho ác pháp ngày càng tăng trưởng mà biểu hiện là thiên tai khốc liệt và dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Chính vì vậy mà tạng Vi Diệu Pháp là tạng bị tiêu hoại trước nhất, rồi sau đó mới đến tạng Kinh và cuối cùng là tạng Luật. Cho nên, chúng ta không còn nhiều thời gian để học hỏi những gì tinh yếu và cốt tủy mà Đức Đạo Sư đã trao truyền lại.
Nhận thấy tính cấp bách và cần thiết trong việc duy trì Giáo Pháp của Đức Phật thông qua việc học Vi Diệu Pháp vì tạng này là nền tảng căn bản cho việc hiểu đúng tạng Kinh và tạng Luật; do đó, chúng tôi có tâm nguyện biên soạn loạt sách về Vi Diệu Pháp dựa trên những kiến thức và tài liệu mà chúng tôi đã có duyên lành được truyền dạy từ nhiều vị Thầy chuyên về môn này, cũng như những tinh hoa được tiếp thu từ chương trình đào tạo có hệ thống về Vi Diệu Pháp ở quốc độ Phật giáo Thái Lan.
Paramatthadhamma – Chân Nghĩa Pháp (Pháp Chân Đế) gồm có 4 phần, đó là: Tâm, Tâm sở, Sắc và Niết bàn; phần Tâm được nói đến trong tập I, Tâm sở ở tập II, tập III trình bày những nội dung căn bản của Sắc và Niết bàn và tập IV – Tạp phần tập yếu. Trong tập này, việc phân tích chi tiết về Tâm và Tâm sở thông qua sự phân loại cũng như mối liên quan với sáu nhóm Pháp là Thọ, Nhân, Phận sự, Môn, Đối tượng và Trú căn sẽ giúp cho người học hiểu rõ và dễ ghi nhớ hơn về Tâm và Tâm sở vốn là những yếu tố rất quan trọng để tu dưỡng nội tâm, khởi sanh tuệ giác và dẫn đến tu tiến Niết Bàn.