- Quyển 1, Phẩm 1. Phân Biệt Các Giới - Phần 1
- Quyển 2, Phẩm 1. Phân Biệt Các Giới - Phần 2
- Quyển 3, Phẩm 2. Phân Biệt Căn - Phần 1
- Quyển 4 Phẩm 2: Phân Biệt Căn - Phần 2
- Quyển 5, Phẩm 2. Phân Biệt Căn - Phần 3
- Quyển 6, Phẩm 2. Phân Biệt Căn - Phần 4
- Quyển 7, Phẩm 2. Phân Biệt Căn - Phần 5
- Quyển 8, Phẩm 3. Phân Biệt Thế Giới - Phần 1
- Quyển 9, Phẩm 3. Phân Biệt Thế Giới - Phần 2
- Quyển 10, Phẩm 3. Phân Biệt Thế Giới - [Phần 3
- Quyển 11, Phẩm 3. Phân Biệt Thế Giới - Phần 4
- Quyển 12, Phẩm 3. Phân Biệt Thế Giới - Phần 5
- Quyển 13, Phẩm 4. Phân Biệt Nghiệp - Phần 1
- Quyển 14, Phẩm 4. Phân Biệt Nghiệp - Phần 2
- Quyển 15, Phẩm 4. Phân Biệt Nghiệp - Phần 3
- Quyển 16, Phẩm 4. Phân Biệt Nghiệp - Phần 4
- Quyển 17, Phẩm 4. Phân Biệt Nghiệp - Phần 5
- Quyển 18, Phẩm 4. Phân Biệt Nghiệp - Phần 6
- Quyển 19, Phẩm 5 Phân Biệt Tùy Miên - Phần 1
- Quyển 20, Phẩm 5 Phân Biệt Tùy Miên - Phần 2
- Quyển 21, Phẩm 5 Phân Biệt Tùy Miên - Phần 3
- Quyển 22, Phẩm 6 Phân Biệt Hiền Thánh - Phần 1
- Quyển 23, Phẩm 6 Phân Biệt Hiền Thánh - Phần 2
- Quyển 24, Phẩm 6 Phân Biệt Hiền Thánh - Phần 3
- Quyển 25, Phẩm 6 Phân Biệt Hiền Thánh - Phần 4
- Quyển 26, Phẩm 7 Phân Biệt Trí - Phần 1
- Quyển 27, Phẩm 7 Phân Biệt Trí - Phần 2
- Quyển 28, Phẩm 8 Phân Biệt Định - Phần 1
- Quyển 29, Phẩm 8 Phân Biệt Định - Phần 2
- Quyển 30
QUYỂN 15
Phẩm 4: PHÂN BIỆT NGHIỆP (PHẦN 3)
(Hỏi) Ba loại luật nghi biệt giải thoát, tĩnh lự và vô lậu nếu đạt được một loại thì có thể chứng đắc luôn hai loại kia không?
(Đáp) Không thể.
(Hỏi) Tại sao?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Tòng nhất thiết nhị hiện
Đắc Dục giới luật nghi
Tòng căn bản hằng thời
Đắc tĩnh lự vô lậu.
Dịch nghĩa :
Từ tất cả, hai, hiện
Được luật nghi Dục giới.
Từ căn bản, ba thời
Được tĩnh lự, vô lậu.
[Từ tất cả, hai loại, hiện tại đạt được luật nghi Dục giới. Từ nghiệp căn bản, các pháp trong ba đời đạt được luật nghi tĩnh lự và vô lậu].
Luận: Luật nghi của Dục giới là luật nghi biệt giải thoát.
Luật nghi này liên quan đến tất cả các nghiệp, như nghiệp gia hành, nghiệp căn bản, nghiệp hậu khởi.
Luật nghi này còn liên quan đến chúng sinh hữu tình và phi tình, như người và cỏ cây.
Luật nghi này còn liên quan đến hai loại là tánh tội và tội “ngăn” (giá tội). Cả hai loại này có thể liên quan đến chúng sinh hữu tình (như sự giết hại, sự chạm tay phụ nữ nếu là Tăng) hoặc phi tình (như hái lá cây, nhận vàng bạc nếu là Tăng).
Luật nghi này còn liên quan đến các sự vật ở hiện tại là các uẩn, các xứ và các giới, vì các sự vật thuộc quá khứ và vị lai không phải là chúng sinh hữu tình cũng không phải phi tình.
Luật nghi tĩnh lự và luật nghi vô lậu đạt được có liên quan đến các nghiệp căn bản chứ không phải các nghiệp gia hạnh và hậu khởi, cũng không liên quan đến các tội “ngăn”, nhưng lại liên quan đến các uẩn, xứ và giới thuộc quá khứ, hiện tại và vị lai.
Như vậy có những loại uẩn, xứ và giới, từ đó người ta đạt được luật nghi biệt giải thoát chứ không phải hai loại kia. Có bốn trường hợp:
(1) Các nghiệp gia hạnh và hậu khởi, các tội “ngăn”, các pháp hiện tại như trường hợp của biệt giải thoát; (2) Nghiệp đạo căn bản thuộc quá khứ và vị lai như trường hợp của hai loại luật nghi cuối; (3) Nghiệp đạo căn bản thuộc hiện tại như trường hợp của cả ba loại; (4) Nghiệp gia hạnh và hậu khởi thuộc quá khứ và vị lai như trường hợp của những người không thể đạt được bất kỳ loại nào.
(Vấn nạn) Thật không hợp lý để nói đạt được luật nghi có liên quan đến nghiệp đạo hiện tại, vì khi đạt được luật nghi thì không có bất kỳ nghiệp đạo bất thiện nào ở hiện tại để có thể đạt được luật nghi liên quan đến nghiệp đạo này. Lẽ ra phải nói: “Được luật nghi từ các nghiệp đạo có đối tượng (hiện xứ) ở hiện tại”, vì chỉ có thể từ bỏ một nghiệp vị lai có liên quan đến một người hoặc một sự vật đang thực sự hiện hữu chứ không thể từ bỏ một nghiệp quá khứ hoặc hiện tại.
(Hỏi) Có thể đạt được luật nghi và bất luật nghi đối với tất cả chúng sinh, liên quan đến tất cả các chi, và do tất cả các nhân không?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Luật tòng chư hữu tình
Chi nhân thuyết bất định
Bất luật tòng nhất thiết
Hữu tình chi phi nhân.
Dịch nghĩa :
Luật tùy các hữu tình
Chi nhân không nhất định.
Bất luật từ tất cả
Hữu tình, chi, không nhân.
[Luật nghi: từ tất cả hữu tình. Chi và nhân không nhất định. Bất luật nghi: từ tất cả. Hữu tình, tất cả các chi, nhưng không do nhân].
Luận: Chỉ đạt được luật nghi có liên quan đến tất cả chúng sinh chứ không đắc luật nghi chỉ liên quan đến một số chúng sinh nào đó (vô thiểu phần lý).
Luật nghi Bí-sô đạt được từ tất cả các chi, tức sự từ bỏ mười nghiệp đạo. Các luật nghi khác đạt được từ bốn chi, tức sự từ bỏ giết hại, trộm cắp, tà dâm và nói dối, vì qua các chi này người thọ giới cũng đạt được sự từ bỏ các nghiệp đạo.
Nếu xem ba thiện căn (vô tham, vô sân, vô si) là nhân của sự được luật nghi thì nói là luật nghi đạt được nhờ tất cả các nhân.
Nếu xem loại tâm, nhờ nó người ta đã đạt được luật nghi, là nhân tức là loại nhân dẫn khởi thì nhân này có ba mức độ khác nhau: thượng phẩm (mạnh), trung phẩm (trung bình), hạ phẩm (yếu), và luật nghi đạt được là nhờ một trong ba tâm ấy. Từ quan điểm này, có thể phân biệt thành bốn trường hợp:
(1) Có người trụ trong luật nghi, hành trì luật nghi có liên quan đến tất cả chúng sinh, nhưng không liên quan đến tất cả các chi hoặc do tất cả các nhân thì người này tùy theo tâm dẫn khởi thuộc thượng phẩm, trung phẩm hay hạ phẩm mà đạt được luật nghi Cận sự (ưu-bà-tắc, ưu-bà-di), Cận trú (nam nữ tại gia thọ tám giới), hay Cần sách (sa-di).
(2) Có người trụ trong luật nghi, hành trì luật nghi có liên quan đến tất cả chúng sinh và tất cả các chi, nhưng không xuất phát từ tất cả các nhân, thì người này đạt được luật nghi Bí-sô nhờ vào một tâm thượng phẩm, trung phẩm, hoặc hạ phẩm.
(3) Có người trụ trong luật nghi, hành trì luật nghi có liên quan đến tất cả chúng sinh, tất cả các chi và do tất cả các nhân thì người này đạt được một trong ba loại luật nghi Cận sự, Cần sách và Bí-sô nhờ vào một tâm hạ phẩm, trung phẩm hay thượng phẩm.
(4) Có người trụ trong luật nghi, hành trì luật nghi có liên quan đến tất cả chúng sinh, do tất cả các nhân nhưng không liên quan đến tất cả các chi thì người này đạt được một trong ba loại luật nghi Cận sự, Cận trú và Cần sách tùy theo tâm thuộc hạ phẩm, trung phẩm hay thuộc thượng phẩm.
Không ai trụ trong luật nghi mà lại không hành trì luật nghi có liên quan đến tất cả chúng sinh vì chính nhờ vào ý định (ý lạc thiện) muốn lấy tất cả chúng sinh làm cảnh nơi đối tượng duyên mà người ta đã đạt được luật nghi. Người nào chỉ giới hạn trong một số chúng sinh nào đó thì không thể hoàn toàn trút bỏ những ý định có tính chất phạm giới (ý lạc ác).
Luật nghi biệt giải thoát chỉ có thể đạt được nếu không có năm sự hạn chế (định hạn): (1) Về chúng sinh, tỷ dụ như “Tôi chỉ từ bỏ giới ác đối với một số chúng sinh”, (2) Về các chi của luật nghi, như “Tôi chỉ từ bỏ một số hành động nào đó”, (3) Về nơi chốn (xứ), như “Tôi chỉ từ bỏ phạm tội ở những nơi nào đó”, (4) Về thời gian, như “Tôi chỉ từ bỏ tội lỗi trong một tháng”, (5) Về điều kiện (duyên), như “Tôi từ bỏ tội lỗi ngoại trừ những khi tranh cãi”. Những người thọ giới như thế không đắc luật nghi mà chỉ có được hành động tốt (diệu hạnh) tương tự với luật nghi.
(Hỏi) Làm thế nào có thể đạt được luật nghi có liên quan đến tất cả chúng sinh? Làm thế nào có thể đạt được luật nghi liên quan đến những chúng sinh nằm ngoài phạm vi của mình (cảnh của chủ thể, đối tượng), tức những chúng sinh mà mình không có khả năng giết hại v.v…?
(Đáp) Có thể đạt được luật nghi là nhờ có ý định không làm tổn hại bất cứ một chúng sinh nào cả.
Các luận sư Tỳ-bà-sa lại đưa ra một giải thích khác. Nếu luật nghi đạt được chỉ liên quan đến các chúng sinh ở trong phạm vi của mình thì luật nghi sẽ có tăng giảm vì có người, tức những chúng sinh ở trong phạm vi của mình, sẽ tái sinh ở cõi trời, tức trở thành những chúng sinh ở ngoài phạm vi của mình, và ngược lại. Như vậy sẽ đạt được luật nghi có liên quan đến chư thiên tái sinh làm người, nhưng sẽ bị thoái thất luật nghi có liên quan đến những người tái sinh làm trời mà không có một nhân duyên nào của sự đạt được hoặc thoái thất luật nghi cả.
(Luận chủ) Lập luận trên không hợp lý. Sự chuyển dịch của chúng sinh ở trong và ở ngoài phạm vi không kéo theo sự tăng hay giảm của luật nghi, vì những luật nghi mà chúng ta đạt được đối với cỏ cây không hề tăng giảm khi có thêm cây cỏ mọc hoặc khi có cây cỏ bị chết khô.
Tỳ-bà-sa không thừa nhận so sánh này. Cỏ cây hiện hữu sau khi đã không hiện hữu và không còn hiện hữu sau khi đã hiện hữu, trong khi đó chúng sinh hữu tình thì vẫn tiếp tục hiện hữu, khi thì làm người, khi thì làm trời. Con người khi trở thành chúng sinh ở cõi trời tức sẽ ra khỏi phạm vi của mình, nhưng cây cỏ khi khô thì diệt hẳn.
(Luận chủ) Nhưng khi chúng sinh hữu tình nhập Niết-bàn thì cũng không còn hiện hữu giống như cỏ cây. Vì thế luật nghi đạt được có liên quan đến chúng sinh hữu tình vẫn bị giảm. Như vậy, giải thích của Tỳ-bà-sa vẫn không có giá trị. Nếu có người bác “Trong trường hợp luật nghi biệt giải thoát nếu đạt được là nhờ có liên quan đến tất cả chúng sinh thì luật nghi của các Đức Phật đời sau (hậu Phật), tức giới luật của chư Phật, sẽ bị giảm so với giới luật của chư Phật đời trước (tiền Phật) vì luật nghi này không liên quan đến những chúng sinh đã nhập Niết-bàn, đến chư Phật đời trước và đệ tử của chư Phật”, thì chúng tôi sẽ trả lời tất cả chư Phật đều có luật nghi liên quan đến hết thảy chúng sinh, nếu như chư Phật đời trước vẫn còn tại thế thì chư Phật đời sau vẫn có luật nghi liên quan đến chư Phật đời trước.
Bất luật nghi đạt được có liên quan đến tất cả chúng sinh và tất cả các nghiệp đạo. Không ai đạt bất luật nghi với chỉ một phần của bất luật nghi. Tuy nhiên bất luật nghi đạt được không do tất cả các nhân mà chỉ nhờ vào tâm thuộc hạ, trung hoặc thượng phẩm. Nếu như có “người bất luật nghi” đã đạt bất luật nghi nhờ vào một tâm thuộc hạ phẩm nhưng sau đó lại phạm tội giết hại với một tâm thuộc thượng phẩm thì bất luật nghi của người này vẫn thuộc hạ phẩm nhưng biểu nghiệp của tội giết hại thì lại thuộc thượng phẩm.
Ở đây khi nói “người bất luật nghi” là hàm ý “kẻ đang ở trong bất luật nghi, đang thành tựu bất luật nghi”.
Những người bất luật nghi là người giết cừu, người bẫy chim, người giết heo, người đánh cá, người thợ săn, người trộm cướp, tay đao phủ, tên cai ngục, người quản tượng, người làm thịt gia cầm, người đặt bẫy cầm thú, và dĩ nhiên cả vua chúa, người làm chứng, quan tòa v.v… cũng là người bất luật nghi.
Khi nói “người giết cừu” là chỉ cho người làm nghề mổ thịt cừu, đối với các tên chỉ nghề nghiệp khác cũng được phân tích như vậy.
(Kinh bộ) Mọi người đều biết nếu thọ luật nghi với một ý định làm lợi lạc cho tất cả thì luật nghi đạt được sẽ có liên quan đến tất cả chúng sinh. Nhưng người làm nghề mổ cừu không có ý làm tổn hại cha mẹ, con cái và những người giúp việc của họ, họ không muốn giết hại những người này ngay cả khi cần cứu lấy mạng mình. Như vậy làm sao có thể nói họ đạt bất luật nghi liên quan đến tất cả chúng sinh?
(Tỳ-bà-sa) Vì họ vẫn có ý định giết hại đối với cha mẹ họ đã tái sinh vào loài cừu.
(Kinh bộ) Nhưng nếu biết đó chính là cha mẹ của họ thì làm sao họ có thể giết hại cha mẹ đã tái sinh làm cừu của họ được (khả hại tâm). Mặt khác, nếu cha mẹ của họ thành tựu các phẩm tánh của Thánh giả, tức sẽ không tái sinh làm cừu, làm thú vật, thì làm sao họ có thể đạt bất luật nghi với cha mẹ mình. Rốt cuộc lập luận trên đây của các ông lại chống lại chính các ông, có nghĩa là nếu người làm nghề mổ cừu đắc bất luật nghi đối với thân hiện tại của cha mẹ anh ta chỉ vì anh ta sẽ giết hại cha mẹ mình khi họ tái sinh làm cừu, thì theo cách đó người ta cũng có thể nói anh ta không đạt bất luật nghi có liên quan đến loài cừu vì anh ta không có ý giết những con cừu sẽ tái sinh làm người, giống như con cái của anh ta.
(Tỳ-bà-sa) Người nào có ý giết hại cha mẹ đã tái sinh làm cừu của mình nhất định đạt bất luật nghi đối với họ.
(Kinh bộ) Nếu vậy cũng có thể nói người nào không có ý giết hại những con cừu đã tái sinh làm con cái mình nhất định không đạt bất luật nghi đối với chúng. Hơn nữa, những người mổ thịt nếu không trộm cắp, không tà dâm, không nói được vì bị câm, thì làm thế nào có thể đạt bất luật nghi đối với tất cả các chi (tội)?
(Tỳ-bà-sa) Vì ý định của họ bị tổn hoại, và người câm vẫn có thể diễn tả qua cử chỉ.
(Kinh bộ) Nhưng nếu người này trước đó đã có thọ trì hai hoặc ba chi thuộc thiện giới thì sao?
Theo Tỳ-bà-sa, bất luật nghi không bao giờ bị thiếu, có nghĩa là chỉ liên quan đến một số chi, và cũng không bao giờ chỉ có một phần, có nghĩa là bị hạn chế (về thời gian, nơi chốn v.v…) trong việc tạo tội.
Nhưng theo Kinh bộ thì trừ luật nghi biệt giải thoát ra, luật nghi và bất luật nghi có thể bị thiếu và bị hạn chế. Điều này tùy thuộc vào cách thọ trì luật nghi hoặc bất luật nghi vì người ta “câu thúc” một phần của giới ác như thế nào thì người ta cũng “câu thúc” một phần của giới thiện như thế đó [có nghĩa là nếu thọ trì một phần nào đó của bất luật nghi thì có thể ngăn chận một phần đối nghịch tương đương của luật nghi, và ngược lại].
(Hỏi) Làm thế nào đạt được bất luật nghi? Làm thế nào đạt được loại vô biểu không phải luật nghi cũng không phải bất luật nghi?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Chư đắc bất luật nghi
Do tác cập thệ thụ
Đắc sở dư vô biểu
Do điền thụ trọng hành.
Dịch nghĩa:
Đạt được bất luật nghi
Do tác và thệ thọ
Được các vô biểu khác
Do điền thọ, trọng hành.
[Đạt được bất luật nghi do tạo tác hoặc thề phải làm. Đạt các vô biểu khác do phước điền, thệ nguyện, hành động kiên quyết].
Luận: Đạt bất luật nghi do hai loại nhân: (1) Những người sinh ra trong một gia đình bất luật nghi đạt được bất luật nghi khi họ tạo tác các nghiệp gia hạnh thuộc về sự giết hại. (2) Những người sinh ra trong những gia đình khác đạt bất luật nghi khi họ mong muốn sống theo lối sống trên: “Chúng tôi cũng thế, chúng tôi sẽ sống theo nghề nghiệp này” để mưu cầu lợi lộc, nuôi sống bản thân…
Đạt các vô biểu khác do ba loại nhân: (1) Có những người có tính chất như là những thửa ruộng phước (phước điền) và khi cúng dường một khu vườn v.v… cho họ thì ta phát sinh được vô biểu. Hãy xem phần nói về những việc thiện thuộc về vật chất (hữu y phước nghiệp sự) được trình bày dưới đây. (2) Vô biểu đạt được qua sự phát nguyện, tỷ dụ như: “Tôi sẽ không ăn nếu tôi chưa lễ Phật”, “Vào ngày trai giới, trong nửa tháng, trong một tháng, trong một năm, tôi sẽ bố thí thức ăn” v.v… (3) Vô biểu phát sinh từ loại hành động được trù định một cách thận trọng, với lòng tin kiên quyết, với sự đam mê mãnh liệt.
(Hỏi) Làm thế nào để xả bỏ luật nghi biệt giải thoát?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Xả biệt giải điều phục
Do cố xả mạng chung
Cập nhị hình câu sinh
Đoạn thiện căn dạ tận
Hữu thuyết do phạm trọng
Dư thuyết do pháp diệt
Ca-thấp-di-la thuyết
Phạm nhị như phụ tài.
Dịch nghĩa:
Xả biệt giải, điều phục
Do cố xả, mạng chung,
Và hai hình câu sinh,
Do đoạn thiện, hết đêm
Có thuyết bảo phạm trọng.
Thuyết khác nói pháp diệt.
Thuyết Ca-thấp-di-la
Phạm hai, giàu mắc nợ.
[Xả luật nghi biệt giải thoát, do cố ý bỏ, do mạng chung do có cả hai giới tánh, do đoạn thiện căn, do hết đêm. Có thuyết nói do phạm trọng giới. Thuyết khác nói do Chánh pháp diệt. Các luận sư Ca-thấp-di-la nói:
Người phạm giới có cả hai, như vừa giàu vừa mắc nợ].
Luận: Tụng văn gọi luật nghi biệt giải thoát là điều phục vì luật nghi này điều phục sáu căn.
Trừ luật nghi Cận trú ra, luật nghi biệt giải thoát được xả bỏ là do: (1) Cố ý từ bỏ giới luật trước mặt một người có hiểu biết; (2) Thọ mạng đã hết hoặc lìa bỏ chúng đồng phần; (3) Sự xuất hiện thêm nam căn hoặc nữ căn (nhị hình) tùy theo từng trường hợp; (4) Sự hủy hoại thiện căn.
Luật nghi Cận trú cũng được xả do bốn nhân trên và khi một đêm kết thúc.
Sự cố ý xả bỏ tạo ra một biểu nghiệp trái ngược với sự thọ giới. Mạng chung và hai giới tánh cùng sinh đều dẫn đến sự lìa bỏ cũng như tình trạng nhiễu loạn của thân là chỗ dựa mà người thọ giới đã nương vào đó để đạt được Biệt giải thoát trước đây, sự hủy hoại thiện căn chính là sự hủy hoại nền tảng của luật nghi này, và cuối cùng là luật nghi Cận trú chỉ được tạo thành và phát khởi trong một ngày một đêm cho nên khi một đêm kết thúc thì luật nghi này cũng hết hạn kỳ.
Có bộ phái nói luật nghi Bí-sô và Sa-di bị xả bỏ nếu phạm phải một trong bốn trọng giới dẫn đến sự sa đọa (cực trọng cảm đọa tội).
Có bộ phái lại cho luật nghi biệt giải thoát bị xả bỏ khi Chánh pháp diệt vì lúc đó không còn giới luật, nơi truyền và thọ giới (kết giới), người truyền giới (yết-ma).
Các luận sư Tỳ-bà-sa ở Ca-thấp-di-la nói một vị tăng phạm phải một tội nghiêm trọng (căn bổn tội), tức trọng tội, vẫn không bị mất luật nghi Bí-sô, vì nếu chỉ hủy phạm một phần luật nghi thì không thể đánh mất toàn bộ luật nghi. Những người phạm các tội không thuộc loại trọng tội thì không phải đã đoạn giới. Những người phạm phải trọng tội được xem như là vừa phạm vừa trì giới, trường hợp này cũng giống như một người vừa có của cải vừa có nợ. Nhưng khi người phạm giới phát lộ sám hội tội lỗi đã phạm thì không còn phạm giới mà chỉ là trì giới, cũng giống như người đã trả hết nợ.
(Hỏi) Nếu vậy, tại sao Đức Thế Tôn nói: “Không còn là Bí-sô, không còn là Sa-môn, không còn là con cái của Thích-ca nếu đã đoạn trừ phẩm tánh Bí-sô, đã giết chết, buông xả, đọa lạc, nghiền nát, hủy diệt phẩm tánh Sa-môn”.
(Tỳ-bà-sa) Trong đoạn kinh trên, khi nói “Bí-sô” là bao hàm cả hạng Bí-sô thù thắng (Bí-sô thắng nghĩa), người phạm giới vì không thấy được lý Bốn đế cho nên không phải là Bí-sô thù thắng.
Thật là quá đáng (hung bột)! Các ông đã làm đảo lộn cả lời thuyết giáo của Đức Thế Tôn vốn có một ý nghĩa rất minh bạch, hơn nữa, các ông lại còn tiếp tay cho những kẻ chất chứa phiền não tùy nghi phạm tội.
(Tỳ-bà-sa) Làm thế nào các ông biết được lời thuyết giáo trên đây có ý nghĩa rất minh bạch và phải được hiểu thật sát nghĩa?
(Đáp) Vì chính Đức Thế Tôn đã tự giải thích: “Có bốn hạng Bí-sô là (1) Danh tướng Bí-sô, là người được gọi là Bí-sô nhưng chưa thọ giới, (2) Tự xưng Bí-sô, là người đã phá giới, không có phạm hạnh, (3) Khất cái Bí-sô, tức là người đi xin ăn và chỉ là một người xin ăn không hơn không kém, (4) Phá hoặc Bí-sô, là người đã đoạn trừ phiền não, tức A-la-hán”.
Trong đoạn kinh ở trên (“Không còn là Bí-sô, không còn là Sa- môn…”), Bí-sô được nói đến nhằm chỉ cho hạng Bí-sô thứ năm, tức là những người đã được truyền giới nhưng vì phạm trọng tội nên đã đánh mất phẩm tánh và luật nghi của Bí-sô, chắc chắn đây không phải là vấn đề của Bí-sô thù thắng, của A-la-hán, vì sau khi phạm giới thì người phạm trọng tội không còn là một Bí-sô chân thực, không còn là một A-la-hán nữa mà đã thoái thất phẩm tánh của một Bí-sô chân thực.
Nếu cho chỉ đánh mất một phần luật nghi chưa hẳn đã xả bỏ toàn bộ luật nghi thì điều này đã được bậc Đại sư bác bỏ, khi so sánh một vị tăng phạm giới với một cây đa-la đã bị chặt đọt và từ đó không còn khả năng xanh tốt, tăng trưởng, phát triển và lớn mạnh. Có nghĩa là khi một phần luật nghi và phần này lại chính là căn để của luật nghi bị chặt đứt thì những phần còn lại cũng không thể nào tăng trưởng. Tội Ba-la-di hay tội căn bổn là loại giới ác đối nghịch với những gì mà phẩm hạnh của một Bí-sô cần có, chúng hoàn toàn không mang theo bất kỳ một sự hổ thẹn nào đối với tội lỗi, chúng chặt đứt gốc rễ của luật nghi và vì thế toàn bộ luật nghi đều bị đánh mất.
Bậc Đại sư xua đuổi người phạm trọng giới không được giao thiệp với các Bí-sô, không cho đụng đến vật phẩm thường trú cho dù chỉ một miếng cơm, không cho lưu lại dù chỉ đứng một chân ở trong Tịnh xá. Đại sư nói: “Những ai không phải là Bí-sô mà tự xưng là Bí-sô thì các ông hãy trừ bỏ loại cỏ dại này đi, hãy vứt bỏ thanh gỗ mục này đi, hãy nhổ bỏ loại cây không sinh hạt này đi!”. Như vậy phẩm tánh của một Bí-sô phạm tội còn có thể là gì?
(Luận sư ở Ca-thấp-di-la) Phẩm tánh của Bí-sô này chính là những gì được thành tựu khi trở thành một hạng Bí-sô nào đó, vì Đức Thế Tôn đã nói: “Này Chẩn-đà, chỉ có bốn hạng Sa-môn mà không có hạng thứ năm, đó là (1) Thắng đạo Sa-môn, tức là người đã chứng đạt được Thánh đạo, (2) Thị đạo Sa-môn, tức người thuyết giảng về Thánh đạo, (3) Mạng đạo Sa-môn, tức là người sống trong Thánh đạo, (4) Nhiễm đạo Sa-môn, là người làm nhiễm ô Thánh đạo, tức là tăng sĩ không có phạm hạnh”.
(Kinh bộ) Chúng tôi tin Đức Thế Tôn dùng chữ „Sa-môn‟ là để chỉ cho vị tăng phạm giới vì vị này vẫn còn hình tướng bên ngoài của một Sa-môn, cũng giống như người ta thường nói đồ gỗ cháy, cái ao khô, cái mũi keo, vòng tròn lửa, một chúng sinh chết.
(Luận sư ở Ca-thấp-di-la) Người ta vẫn không đánh mất phẩm tánh của một vị tăng khi phạm trọng giới vì Đức Thế Tôn thừa nhận một vị tăng phạm phi phạm hạnh vẫn có thể sám hối.
(Kinh bộ) Chúng tôi không nói tất cả Bí-sô phạm phi phạm hạnh đều thành tựu tội “thoái đọa”, tội “hủy hoại” (tha thắng tội), mà chỉ nói người nào phạm phải tội này thì không còn là một Bí-sô. Chính loại tâm che giấu tội lỗi (phú tâm) có tính chất quyết định trong trường hợp này. Nếu nhờ vào sự thù thắng về khí chất sẵn có của mình, nhờ vào sự thù thắng của “chuỗi tương tục” của mình mà người phạm giới đã không có một sát-na nào che giấu tội lỗi thì bậc Pháp vương vẫn thừa nhận có thể sám hối.
(Luận sư Ca-thấp-di-la) Nếu người phạm tội thoái đọa không còn là một Bí-sô, tại sao không cho người này thọ giới lại?
(Kinh bộ) Vì người này không còn thích hợp với luật nghi. Khí chất của người này đã bị hủy hoại và nhiễu loạn do sự vô liêm sỉ đã lên đến cực độ, và vì người này đã vứt bỏ các giới luật [sau khi phạm giới] cho nên không thể thọ giới trở lại. Tuy nhiên, chúng ta còn mãi biện luận về vấn đề này để làm gì nữa? Nếu một người như thế vẫn còn là một Bí-sô thì chúng ta cũng nên lễ bái phẩm tánh Bí-sô của người này.
Khi Chánh pháp diệt, mặc dù không còn hành động truyền giới và vì thế cũng không còn sự đạt được luật nghi, nhưng người nào đã thành tựu luật nghi thì vẫn không bị thoái thất.
(Hỏi) Luật nghi tĩnh lự và vô lậu được xả bỏ như thế nào?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Xả định sinh thiện pháp
Do dịch địa thoái đẳng
Xả Thánh do đắc quả
Luyện căn cập thoái thất.
Dịch nghĩa:
Xả định sinh pháp thiện
Do đổi địa, thoái đọa
Xả Thánh do đắc quả
Luyện căn và thoái thất.
[Xả pháp thiện tĩnh lự do đổi địa, thoái đọa v.v… Xả pháp thiện vô lậu do đắc quả luyện căn và thoái thất].
Luận: Các pháp thiện hệ thuộc tất cả các địa của tĩnh lự, tức tất cả các địa thuộc Sắc cũng như Vô sắc, được xả bỏ do hai nhân: (1) Do sự sinh ra ở một tầng cao hơn hoặc thấp hơn, đây là pháp thiện thuộc về những người sinh ở các cõi trời thuộc Sắc giới; (2) Do sự thoái đọa, tức khi hành giả bị thoái thất định.
Ở đây cần phải thêm vào nguyên nhân thứ ba: Dị sinh xả bỏ pháp thiện khi mạng chung, ngay cả khi sinh trở lại tầng trời nơi đã mạng chung.
Pháp thiện hệ thuộc Vô sắc giới cũng như vậy, tức cũng xả bỏ do sự thay đổi các địa và sự thoái thất. Điểm khác biệt duy nhất là ở Vô sắc giới không có luật nghi.
Pháp thiện vô lậu xả bỏ do ba nhân: (1) Đắc quả, khi mà Thánh giả xả bỏ pháp thiện thuộc hướng đạo và quả đạo trước đó gồm ba loại gia hành, vô gián, giải thoát; (2) Hoàn thiện các căn (luyện căn); (3) Thoái đọa, tức bị thoái thất quả hoặc quả đạo cao hơn (thắng quả đạo).
(Hỏi) Bất luật nghi được xả bỏ như thế nào?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Xả ác giới do tử
Đắc giới nhị hình sinh.
Dịch nghĩa:
Xả giới ác do chết
Đắc giới, hai hình sinh.
[Xả giới ác do chết,
Đắc giới, và lưỡng tính sinh].
Luận: Đạt giới là thọ đắc luật nghi biệt giải thoát, hoặc nhờ công năng của một nhân ở bên trong hay ở bên ngoài (tha giáo) mà đạt được loại định có luật nghi tĩnh lự. Luật nghi tĩnh lự này hủy diệt bất luật nghi vì có các lực đối nghịch với bất luật nghi.
Cái chết và tình trạng lưỡng tính, theo thứ tự này, là sự xả bỏ và sự nhiễu loạn của thân là chỗ dựa mà nhờ nó bất luật nghi đã đạt được trước đây.
Người bất luật nghi dù đã vứt bỏ dụng cụ hành nghề như dao, lưới v.v…, ngay cả khi có ý định không muốn phạm tội giết hại nữa, cũng không vì thế mà đoạn được bất luật nghi. Chỉ có thọ đắc luật nghi mới đoạn được bất luật nghi. Người bệnh không thể lành bệnh nếu không có thuốc cho dù tránh xa nguyên nhân gây bệnh.
(Hỏi) Người bất luật nghi thọ luật nghi Cận trú đến khi hết đêm phải xả giới thì vẫn là người bất luật nghi hay đã ở vào giai đoạn “trung gian” [phi luật nghi phi bất luật nghi]?
(Đáp) Có nhiều giải thích khác nhau. Có luận sư nói vẫn đạt được bất luật nghi vì người thọ Cận trú giới không có ý định dứt khoát từ bỏ giới ác, cũng giống như một khối sắt khi ngừng nung đỏ thì sẽ trở lại màu xanh lúc đầu. Có luận sư khác lại nói người bất luật nghi khi hạn kỳ thọ giới Cận trú chấm dứt thì không còn đạt bất luật nghi vì sự đạt được bất luật nghi căn cứ vào nghiệp thân ngữ.
(Hỏi) Loại vô biểu thuộc phi luật nghi phi bất luật nghi được xả bỏ như thế nào?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Xả trung do thụ thế
Tác sự thụ căn đoạn.
Dịch nghĩa:
Xả trung do thọ, thế
Tác, sự, thọ, căn đoạn.
[Xả vô biểu “trung gian” do đoạn trừ sự thọ trì, thế lực tạo tác, sự vật, thọ mạng, và các căn].
Luận: Trước đây đã giải thích về sự khác nhau của việc đạt được loại vô biểu không phải luật nghi và bất luật nghi.
Loại vô biểu này được xả bỏ do sáu nhân: (1) Khi thế lực mạnh hơn của lòng tin hoặc của phiền não phát khởi, vô biểu đã kiệt tận, cũng giống như sự chuyển động của mũi tên hoặc bánh xe quay của người thợ làm đồ gốm; (2) Khi từ bỏ sự thọ trì: “Từ giờ phút này, tôi không làm những việc mà tôi đã tự nguyện làm trước đây nữa”; (3) Khi từ bỏ một hành động, có nghĩa là khi không còn làm những việc đã tự nguyện làm trước đây; (4) Khi sự vật bị hủy hoại, chẳng hạn như bảo tháp, khu vườn, Tịnh xá, giường nằm, chỗ ngồi đã từng lễ lạy hoặc cúng dường trước đây, dụng cụ làm nghề, lưới đánh bắt v.v…; (5) Khi thọ mạng chấm dứt; (6) Khi bắt đầu đoạn hoại các thiện căn.
(Hỏi) Nghiệp thiện nơi Dục giới không thuộc sắc (dục phi sắc thiện) và tất cả các pháp nhiễm không thuộc sắc được xả bỏ như thế nào?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Xả dục phi sắc thiện
Do căn đoạn thượng sinh
Do đối trị đạo sinh
Xả chư phi sắc nhiễm.
Dịch nghĩa:
Xả dục phi sắc thiện
Do căn đoạn thượng sinh
Do đối trị đạo sinh
Xả các nhiễm phi sắc.
[Xả nghiệp thiện phi sắc Dục giới do đoạn căn và sinh vào thượng giới. Do đạo đối trị sinh mà xả các pháp nhiễm phi sắc].
Luận: Trên đây đã giải thích về sự xả bỏ loại nghiệp thuộc sắc pháp, tức nghiệp thân, nghiệp ngữ và nghiệp vô biểu. Loại nghiệp không thuộc sắc pháp, nhưng thuộc tánh thiện ở Dục giới, bị xả bỏ khi thiện căn bị đoạn và khi sinh vào các tầng thuộc Sắc giới hoặc Vô sắc giới.
Tất cả các pháp nhiễm thuộc về bất kỳ giới nào đều được xả bỏ khi sinh khởi Thánh đạo có khả năng đối trị loại pháp nhiễm này. Đó là loại Thánh đạo có khả năng đoạn trừ (năng đoạn đạo), có thể thuộc về kiến đạo hoặc tu đạo, có thể thuộc về thế gian hoặc xuất thế gian. Thánh đạo này giúp đoạn trừ một loại phiền não nào đó và các pháp đi kèm, như đắc v.v…
(Hỏi) Những chúng sinh nào có luật nghi và bất luật nghi?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Ác giới nhân trừ bắc
Nhị hoàng môn nhị hình
Luật nghi diệc tại thiên
Duy nhân cụ tam chủng
Sinh Dục thiên Sắc giới
Hữu tĩnh lự luật nghi
Vô lậu tịnh Vô sắc
Trừ trung định vô tưởng.
Dịch nghĩa:
Giới ác: người trừ Bắc
Hoàng môn và nhị hình
Luật nghi có cả trời
Chỉ người: đủ ba loại.
Sinh cõi Dục cõi Sắc
Có luật nghi tĩnh lự
Vô lậu tịnh, Vô sắc
Trừ trung gian, vô tưởng.
[Giới ác thuộc loài người, ngoại trừ châu Bắc, hoàng môn, lưỡng tính. Luật nghi cũng vậy, nhưng có thêm chúng thiên. Chỉ loài người có cả ba loại. Chư thiên sinh ở Dục giới và Sắc giới có luật nghi tĩnh lự. Luật nghi vô lậu cũng có ở Vô sắc giới ngoại trừ tĩnh lự trung gian, vô tưởng].
Luận: Bất luật nghi chỉ có ở loài người, nhưng cũng phải loại trừ trường hợp của loại hoàng môn [phiến suy, bán-trạch-ca], lưỡng tính và người ở châu Bắc Câu-lô.
Luật nghi cũng có ở loài người, ngoại trừ các trường hợp nói trên, và ở cả chư thiên, vì thế luật nghi tồn tại ở cả hai cõi.
Hoạn quan không thích hợp với luật nghi, và điều này đã được nói đến ở trong kinh: “Này Đại Danh, giới tại gia áo trắng thuộc nam giới và có đủ nam căn…”, cũng như trong Luật (Tỳ-nại-da): “Người như thế không được nhận vào”.
(Hỏi) Tại sao lại như vậy?
(Đáp) Vì những người này có các phiền não tăng thượng thuộc cả hai giới tánh, vì họ không có khả năng tư trạch (xét chọn) đúng đắn để đánh bạt phiền não, và vì họ không có tâm hổ thẹn mạnh mẽ.
(Hỏi) Tại sao họ cũng không thích hợp với bất luật nghi?
(Đáp) Vì ý định làm điều ác không kiên định ở họ, vì bất luật nghi đối lập với luật nghi cho nên chỉ những ai có thể đắc luật nghi mới có thể đắc bất luật nghi.
Người ở châu Bắc-câu-lô không có phát thệ thọ giới, vì thế không có luật nghi biệt giải thoát, và cũng không có định, vì thế không có hai loại luật nghi khác. Ngoài ra họ cũng không có ý định làm điều ác.
Ở các cõi ác không có các tác động mạnh mẽ của hổ thẹn, trong lúc đó muốn có luật nghi cần phải có tâm hổ thẹn mạnh mẽ, và muốn có bất luật nghi thì cũng phải hủy hoại tâm hổ thẹn trước.
Cả luật nghi và bất luật nghi đều không thể sinh khởi trong thân là chỗ dựa của hoạn quan, chúng sinh lưỡng tính, và ở cõi ác vì loại thân này giống như đất đã bị nhiễm muối cho nên cả lúa cũng như cỏ dại đều không thể mọc nổi.
(Vấn nạn) Nhưng kinh có nói: “Này các Bí-sô, có một con rồng sinh ra từ một quả trứng, cứ đến ngày thứ tám mỗi nửa tháng lại rời khỏi chỗ ở để đi thọ trì tám chi trai giới”.
Giải thích: Trong trường hợp của rồng, đó không phải là luật nghi mà chỉ là diệu hạnh.
Như vậy luật nghi chỉ có ở loài người và chư thiên. Tuy nhiên chỉ có loài người mới có đủ cả ba loại là luật nghi biệt giải thoát, luật nghi tĩnh lự và luật nghi vô lậu.
Luật nghi tĩnh lự chỉ có ở các cõi trời Dục giới và Sắc giới mà không có ở Vô sắc giới.
Luật nghi vô lậu có ở Sắc giới ngoại trừ những chúng sinh sinh ở tĩnh lự trung gian và chúng sinh Vô tưởng và cũng có ở cả Vô sắc giới. Tuy nhiên chư thiên ở Vô sắc giới không bao giờ thực sự có đủ loại luật nghi này vì loại này vốn thuộc sắc pháp, mà họ chỉ có thể “thành tựu”.
Nhân đang giải thích về nghiệp, Luận chủ muốn định nghĩa thêm về các loại nghiệp khác nhau đã được kinh đề cập đến. Có ba loại nghiệp là thiện, ác và vô ký.
Tụng nêu: (Âm Hán)
An bất an phi nghiệp
Danh thiện ác vô ký.
Dịch nghĩa:
An, bất an, phi nghiệp
Là thiện, ác, vô ký.
[Nghiệp an ổn, không an ổn, không phải an ổn hay không an ổn được gọi là nghiệp thiện, nghiệp ác, nghiệp vô ký].
Luận: Nghiệp thiện là nghiệp làm cho an ổn, nghiệp ác làm cho bất an, nghiệp khác với nghiệp thiện và ác là loại nghiệp không làm cho an ổn cũng không làm bất an.
Trên đây là định nghĩa về các nghiệp thiện v.v…
Nghiệp thiện thì an ổn vì nó có quả dị thục đáng ưa, và từ đó có thể tránh khổ trong một thời gian (tạm tế chúng khổ) [đây là loại nghiệp hữu lậu thiện] hoặc vì nó giúp đạt được Niết-bàn, tức từ đó có thể thoát khổ vĩnh viễn (vĩnh tế chúng khổ) [đây là loại nghiệp thiện vô lậu].
Nghiệp ác thì không an ổn, đó là loại nghiệp có quả dị thục không đáng ưa.
Loại nghiệp mà Đức Thế Tôn không nói là thiện hay ác, tức loại nghiệp vô ký, thì không phải an ổn cũng không phải không an ổn.
Kinh còn nói đến ba loại khác là phước, phi phước v.v…
Tụng nêu: (Âm Hán)
Phúc phi phúc bất động
Dục thiện nghiệp danh phúc
Bất thiện danh phi phúc
Thượng giới thiện bất động
Ước tự địa xứ sở
Nghiệp quả vô động cố.
Dịch nghĩa:
Phước, phi phước bất động.
Thiện cõi Dục là phước
Bất thiện là phi phước
Thượng giới thiện: bất động
Vì nghiệp quả không động
Ở xứ sở tự địa.
[Phước, phi phước, và bất động. Nghiệp thiện Dục giới là phước. Nghiệp bất thiện là phi phước. Nghiệp thiện thượng giới là bất động. Vì căn cứ tính chất bất động của nghiệp quả về xứ sở tự địa].
Luận: Nghiệp thiện ở Dục giới được gọi là nghiệp phước đức vì nó làm cho thanh tịnh, vì nó chiêu cảm một quả đáng ưa.
Nghiệp thiện ở thượng giới, tức ở các địa của hai giới cao hơn, được gọi là bất động.
(Hỏi) Chẳng phải Đức Thế Tôn đã nói ba tầng thiền đầu tiên đều thuộc về động sao? Và Thánh giả cũng nói tầm tứ của tầng thiền thứ nhất thuộc về động?
(Đáp) Đức Thế Tôn nói ba tầng thiền đầu tiên thuộc về động là dựa vào tính chất còn nhiều khuyết điểm của các tầng thiền này, chính các khuyết điểm ấy khiến cho các tầng thiền đầu tiên vẫn còn tánh động. Nhưng trong kinh, Đức Thế Tôn lại nói các tầng thiền này bất động vì đã xem chúng như là một Thánh đạo thuận hợp với sự bất động.
(Hỏi) Nhưng tại sao lại gọi cái thuộc về động là bất động?
(Đáp) Vì nếu xét về quả dị thục thì loại nghiệp thuộc thượng giới không có sự chuyển đổi.
Khi nói nghiệp hệ thuộc Dục giới thuộc về động là dựa vào quả dị thục. Nơi mà quả dị thục thành mãn không có tính chất cố định, vì một nghiệp dẫn đến một nẻo như thế vẫn có thể chiêu cảm dị thục ở một nẻo khác, một nghiệp vốn dẫn đến một cõi trời như thế có thể chiêu cảm dị thục ở một cõi trời khác. Những nghiệp có khả năng dẫn khởi các thế lực, tầm vóc, vẻ đẹp, thú vui, đến nơi được chiêu cảm là một cõi trời nào đó có thể bị tác động các nhân duyên mà lại dẫn đến một thú khác thuộc về người, bàng sinh hoặc quỷ. Trái lại ở Sắc giới và Vô sắc giới không có một nhân duyên nào có thể làm cho loại nghiệp hệ thuộc các giới này không thể hoàn báo ở một địa thuộc về chúng.
Nghiệp ác là nghiệp không có phước đức (phi phước nghiệp). Người đời hiểu rất rõ về loại nghiệp này vì thế không cần phải giải thích nhiều.
Kinh còn nói đến ba loại nghiệp khác là thuận lạc thọ v.v…
Tụng nêu: (Âm Hán)
Thuận lạc khổ phi nhị
Thiện chí tam thuận lạc
Chư bất thiện thuận khổ
Thượng thiện thuận phi nhị
Dư thuyết hạ diệc hữu
Do trung chiêu dị thục
Hựu hứa thử tam nghiệp
Phi tiền hậu thục cố
Thuận thụ tổng hữu ngũ
Vị tự tánh tương ưng
Cập sở duyên dị thục
Hiện tiền sai biệt cố.
Dịch nghĩa:
Thuận lạc khổ không hai
Thiện đến ba: thuận lạc.
Các bất thiện: thuận khổ.
Thượng giới không thuận hai
Thuyết khác dưới cũng có,
Trung gian chiêu dị thục
Lại nữa ba nghiệp này
Chẳng phải tiền, hậu thục
Thuận thụ có năm loại
Là tự tính tương ưng
Và sở duyên, dị thục
Hiện tiền sai biệt nhau.
[Thuận lạc, thuận khổ và không thuận lạc khổ. Nghiệp thiện cho đến tĩnh lự thứ ba là thuận lạc thọ. Nghiệp bất thiện là thuận khổ thọ. Nghiệp thiện thượng giới không thuận lạc khổ. Có thuyết cho rằng ở dưới cũng có, vì nghiệp “trung gian” chiêu cảm dị thục là tĩnh lự trung gian. Lại thừa nhận ba loại nghiệp này, đều có quả dị thục cùng thời. Thuận thọ có năm loại là tự tánh, tương ưng, đối tượng duyên, dị thục, hiện tiền khác nhau].
Luận: Lạc thọ không có ở các cõi ở bên trên tầng thiền thứ ba vì thế nó chỉ hệ thuộc Dục giới và ba tầng thiền đầu tiên. Như vậy quả dị thục của nghiệp thiện là loại thuận lạc thọ cho đến tầng thiền thứ ba. Loại nghiệp này có quả dị thục như thế nên được gọi là nghiệp thuận lạc thọ.
Lạc thọ và khổ thọ không có ở bên trên tầng thiền thứ ba. Ở đó chỉ có xả thọ là quả dị thục độc nhất của nghiệp thiện được chiêu cảm ở bên trên tầng thiền này.
Nghiệp bất thiện là nghiệp thuận khổ thọ. Tụng văn nói “ở dưới” là để chỉ cho loại nghiệp này chỉ hiện hữu ở Dục giới.
(Hỏi) Có phải quả của tất cả các nghiệp này chỉ là thọ?
(Đáp) Không phải. Các nghiệp này còn chiêu cảm loại dị thục hỗ trợ cho thọ (thọ tư lương).
Có thuyết cho loại nghiệp trung gian (thuận phi nhị), có nghĩa là loại nghiệp chiêu cảm một loại thọ không lạc không khổ, hiện hữu ở bên dưới tầng thiền thứ tư, tức trái với chủ trương của Tỳ-bà-sa. Nếu không có loại nghiệp trung gian này ở bên dưới tầng thiền thứ tư thì sẽ không có quả dị thục của nghiệp thuộc tĩnh lự trung gian (trung gian định nghiệp), hoặc sẽ không có dị thục của bất kỳ một loại nghiệp nào cả ở tĩnh lự trung gian, vì ở đó đều không có lạc thọ và khổ thọ.
Có thuyết khác cho quả dị thục của nghiệp thuộc tĩnh lự trung gian chính là lạc thọ (lạc căn) của tĩnh lự này, thuyết khác lại nói quả dị thục của loại nghiệp này không phải là thọ, [mà là sắc v.v…].
Cả hai giải thích trên đều trái với Bản luận: “Dị thục của một nghiệp có thể chỉ là một tâm sở thọ không? Có. Đó là dị thục của loại nghiệp thiện không có tầm”. Bản luận còn nói: “Có thể có quả dị thục cùng thời của ba loại nghiệp không? Có. Trong cùng một lúc có thể sinh khởi: (1) Quả dị thục của một nghiệp thuận lạc thọ, tức là các pháp thuộc sắc [như nhãn căn v.v…], (2) Quả dị thục của một nghiệp thuận khổ thọ, tức là tâm và các tâm sở [ngoại trừ ưu thọ], (3) Quả dị thục của một nghiệp phi lạc phi khổ, tức là các pháp bất tương ưng với tâm [như mạng căn]”. Như vậy, bên ngoài Dục giới, cả ba loại nghiệp đều không thể sinh quả dị thục cùng thời vì quả dị thục của loại nghiệp thuận khổ thọ chỉ có ở Dục giới.
(Hỏi) Loại nghiệp không thuận lạc khổ [khi thuộc về một địa thấp hơn tầng thiền thứ tư] là thiện hay bất thiện?
(Đáp) Là thiện, nhưng có lực rất yếu.
(Hỏi) Nhưng chẳng phải các ông đã nói “nghiệp thiện, cho đến tầng thiền thứ ba, đều là nghiệp thuận lạc thọ”?
(Đáp) Nói như vậy là dựa vào trường hợp chung.
(Hỏi) Nhưng làm thế nào có thể nói nghiệp là thuận lạc thọ? Chẳng phải thể tánh của nghiệp vốn không phải là thọ, và không được cảm nhận sao?
(Đáp) Người ta đã nói như vậy vì nghiệp thuận hợp với lạc thọ, hoặc vì quả dị thục của nó được cảm nhận một cách thích thú cho nên ở đây khi gọi nghiệp là “thuận thọ” tức có ý chỉ cho loại nghiệp mà người ta có thể cảm thọ một quả dị thục của nó.
Có tất cả năm loại thuận thọ:
(1) Thuận thọ tự tánh, là loại thọ mà thể tánh của nó là để được cảm nhận, như lạc thọ là loại kinh nghiệm thuộc về lạc v.v…
(2) Thuận thọ tương ưng, là loại xúc được cảm nhận vì nó tương ưng với thọ, như thuận lạc thọ xúc v.v…
(3) Thuận thọ đối tượng duyên, là sáu cảnh của sáu căn được cảm nhận như là đối tượng. Kinh nói: “Khi mắt nhìn thấy màu sắc thì cảm nhận được màu sắc nhưng không cảm nhận màu sắc có kèm theo tình cảm (bất thọ sắc tham)”. Màu sắc chính là đối tượng duyên của thọ.
(4) Thuận thọ dị thục, là nghiệp được cảm thọ đứng về mặt quả báo. Kinh nói: “Nghiệp được cảm thọ trong đời sống hiện tại (thuận hiện thọ nghiệp)”.
(5) Thuận thọ hiện tiền, là loại thọ đang được cảm nhận ở hiện tại. Kinh nói: “Khi cảm nhận, khi trải qua một cảm giác sung sướng thì khi đó hai cảm giác khác là khổ và không khổ không sướng đều bị ngăn chận do cảm giác sung sướng này”. Như vậy khi lạc thọ hiện hành thì sẽ không thể cảm nhận một loại thọ khác. Vì thế nếu người ta nói loại thọ này được cảm nhận (thuận thọ) thì đó chỉ vì nó đang hiện hữu.
(Hỏi) Ba loại nghiệp này có tính chất nhất định hay không nhất định?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Thử hữu định bất định
Định tam thuận hiện đẳng
Hoặc thuyết nghiệp hữu ngũ
Dư sư thuyết tứ cú.
Dịch nghĩa:
Đây có định, bất định
Định ba. Thuận hiện thụ
Có thuyết nói có năm
Sư khác nói bốn câu.
[Nghiệp này có khi định, có khi bất định. Nghiệp định có ba loại là thuận hiện thọ v.v… Có thuyết nói nghiệp có năm loại. Có luận sư lại phân tích qua tứ cú].
Luận: Loại nghiệp vừa được nói đến ở trên (nghiệp thuận lạc thọ v.v…) có khi có tính chất nhất định, có nghĩa là nhất định được “cảm thọ”, nhưng có khi lại không có tính chất nhất định, có nghĩa là không nhất định được “cảm thọ”.
Những nghiệp có tính chất nhất định lại được chia làm ba loại là: (1) Thuận hiện pháp thọ, tức được cảm thọ trong đời sống hiện tại; (2) Thuận thứ sinh thọ, tức được cảm thọ sau khi tái sinh, có nghĩa là ngay trong đời sống kế tiếp; (3) Thuận hậu thứ thọ, tức được cảm thọ muộn hơn. Như vậy, xét về mặt dị thục, nếu cộng thêm loại nghiệp bất định tức thành bốn loại.
Có người cho nghiệp có năm loại. Tức nghiệp bất định lại được chia làm hai loại: (1) Loại có tính chất bất định xét nếu về thời gian của quả dị thục, nhưng chắc chắn có quả dị thục; (2) Loại có tính chất bất định về quả dị thục, tức có thể không chiêu cảm quả báo.
Nghiệp thuận hiện pháp thọ là loại nghiệp được tạo tác trong đời này và “chín” hoặc có quả báo ngay trong đời này. Nghiệp thuận thứ sinh thọ là loại nghiệp có quả báo ở đời sống kế tiếp đời sống đã tạo ra nghiệp này. Nghiệp thuận hậu thứ thọ là loại nghiệp có quả báo trong một đời sống về sau, tức bắt đầu từ đời thứ ba.
Nhưng có luận sư nói không thể thừa nhận một nghiệp mạnh (cường lực nghiệp) lại có quả dị thục yếu (dị thục quả thiểu). Do đó quả dị thục của loại nghiệp thuận hiện pháp thọ có thể tiếp tục ở các đời khác, tuy nhiên, vì quả dị thục này khởi đầu ở đời hiện tại cho nên loại nghiệp này có tên là thuận hiện pháp thọ.
Các luận sư Tỳ-bà-sa không thừa nhận cách nhìn như vậy. Họ nói có những nghiệp mà quả của chúng ở gần và có những nghiệp mà quả của chúng ở xa. Cũng giống như cây quỳ mới ba tháng rưỡi đã có quả, nhưng lúa mạch thì phải sáu tháng mới có hạt.
Có luận sư (Tỷ dụ sư) lại chia ra bốn trường hợp: (1) Nghiệp có tính chất nhất định về thời gian cho quả dị thục, nhưng lại không nhất định phải có quả dị thục, nếu nghiệp này có quả dị thục thì nó nhất định cho quả vào một thời điểm nhất định nào đó, tuy nhiên nó không nhất định phải chiêu cảm một quả dị thục: đó là loại nghiệp nhất định hoặc nhất định cảm thọ nhưng dị thục thì không nhất định; (2) Nghiệp có tính chất nhất định về quả dị thục nhưng lại bất định về thời gian của quả dị thục, loại nghiệp này sẽ có quả dị thục nhưng thời gian của dị thục thì bất định: đó là loại dị thục nhất định nhưng cảm thọ bất định; (3) Nghiệp có tính chất nhất định về cả hai mặt, tức dị thục nhất định và cảm thọ nhất định; (4) Nghiệp không có tính chất nhất định về cả hai mặt, tức dị thục bất định và cảm thọ bất định.
Theo phân tích trên sẽ có tất cả tám loại: (1) Nghiệp thuận hiện thọ nhất định có dị thục; (2) Nghiệp thuận hiện thọ không nhất định có dị thục v.v… (7) Nghiệp có thể được cảm thọ ở bất kỳ đời nào (cảm thọ bất định) và nhất định có dị thục; (8) Nghiệp có thể được cảm thọ ở bất kỳ đời nào nhưng không nhất định có dị thục.
Tuy nhiên những nghiệp được kinh xếp vào loại thuận hiện pháp thọ v.v… thì luôn luôn có quả dị thục, những nghiệp được xếp vào loại bất định thì có thể không có quả dị thục.
Tụng nêu: (Âm Hán)
Tứ thiện dung câu tác
Dẫn đồng phần duy tam
Chư xứ tạo tứ chủng
Địa ngục thiện trừ hiện
Kiên ư ly nhiễm địa
Dị sinh bất tạo sinh
Thánh bất tạo sinh hậu
Tịnh Dục Hữu đảnh thoái.
Dịch nghĩa:
Bốn thiện đều tạo tác.
Dẫn đồng phần: chỉ ba.
Các xứ tạo bốn loại.
Địa ngục thiện trừ hiện
Kiên định lìa địa nhiễm
Dị sinh không tạo sinh
Thánh không tạo sinh hậu
Thánh, Dục, Hữu đỉnh, thoái.
[Bốn loại là hợp lý, có thể tạo tác cùng một lúc. Dẫn sinh chúng đồng phần chỉ có ba loại. Tất cả các xứ đều có thể tạo bốn loại nghiệp. Nghiệp thiện địa ngục không có thuận hiện pháp thọ. Khi kiên định thì ở địa nhiễm đã lìa bỏ. Dị sinh không tạo nghiệp thuận thứ sinh thọ, và Thánh giả không tạo thuận thứ sinh hoặc thuận hậu thứ, kể cả Thánh giả lìa Dục giới, Hữu đảnh, và thoái thất].
Luận: Trong cùng một lúc một người có thể tạo tác cả bốn loại nghiệp không? Giả sử như có người do người khác sai bảo mà phạm các tội giết hại, trộm cắp, nói dối, và chính mình tự phạm tội tà dâm thì cả bốn loại nghiệp này mặc dù thuộc bốn loại khác nhau nhưng đều phạm phải trong cùng một thời gian.
Không phải nghiệp thuận hiện pháp thọ dẫn sinh đời sống hiện tại (chúng đồng phần) mà đời sống này đã được dẫn sinh do một nghiệp trước đó.
(Hỏi) Có thể tạo tác bao nhiêu loại nghiệp trong các giới và các nẻo khác nhau?
(Đáp) Trong ba cõi và ở tất cả các cõi đều có thể tạo tác bốn loại nghiệp thiện hoặc bất thiện, nhưng nguyên tắc phổ quát này có nhiều giới hạn. Một mặt, vì không có các nghiệp bất thiện ở bên trên Dục giới, mặt khác, ở địa ngục chỉ có thể tạo tác thiện nghiệp thuộc loại thuận thứ sinh thọ, thuận hậu thứ thọ, hoặc nghiệp thiện bất định mà không thể tạo tác thuận hiện pháp thọ vì ở địa ngục không có quả dị thục đáng ưa.
Khi kiên định, có nghĩa là khi không bị thoái thất.
Người ngu, là chỉ cho dị sinh.
Khi đã rời bỏ một tầng nào đó, khi đã lìa bỏ sự chấp trước đối với một địa nào đó (như Dục giới, tầng thiền thứ nhất v.v…) thì dị sinh không bao giờ tạo tác ở địa này một nghiệp thuận thứ sinh thọ (tức loại nghiệp được cảm thọ ở lần tái sinh kế tiếp).
Khi kiên định thì Thánh giả không tạo tác ở địa đã lìa bỏ loại nghiệp thuận thứ sinh thọ hoặc thuận hậu thứ thọ.
Thật vậy, những Dị sinh nào không bị thoái thất thì trong đời sống kế tiếp sẽ không tái sinh vào địa có liên quan đến địa mà những chúng sinh này đã lìa bỏ, và Thánh giả không bị thoái thất cũng không bao giờ tái sinh vào địa này. Họ chỉ tạo tác các nghiệp thuận hiện pháp thọ và nghiệp bất định ở địa họ được sinh ra.
Thánh giả không kiên định, khi lìa bỏ Dục giới hoặc Hữu đảnh, cũng giống như vậy.
Thánh giả lìa bỏ Dục giới là hàng Bất hoàn.
Thánh giả lìa bỏ Hữu đảnh hay Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tức tầng cuối cùng của Vô sắc giới, là A-la-hán.
Ngay cả khi bị thoái thất, có nghĩa là khi đánh mất quả đã đắc thì các Thánh giả này cũng không tạo tác nghiệp thuận thứ sinh thọ hoặc thuận hậu thứ thọ ở Dục giới hay Hữu đảnh.
Chúng tôi sẽ giải thích trường hợp Thánh giả bị thoái thất luôn luôn đạt được lại quả trước khi chết như thế nào.
(Hỏi) Chúng sinh trung hữu có tạo nghiệp không?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Dục trung hữu năng tạo
Nhị thập nhị chủng nghiệp
Giai thuận hiện thụ nhiếp
Loại đồng phần nhất cố.
Dịch nghĩa:
Dục trung hữu tạo được
Hai mươi hai loại nghiệp.
Đều thuộc thuận hiện thụ
Chỉ có một: đồng phần.
[Trung hữu Dục giới có thể tạo hai mươi hai loại nghiệp đều thuộc thuận hiện pháp thọ vì chỉ có một loại đồng phần].
Luận: Ở bào thai trải qua năm giai đoạn là Yết-thích-lam, Ách-bộ-đàm, Bế-thi, Kiện-nam, Bát-la-xà-khư. Khi làm người cũng trải qua năm giai đoạn là anh hài, đồng tử, thiếu niên, trung niên và lão niên.
Chúng sinh trung hữu tạo tác các nghiệp trung hữu, cho đến lão niên… Như vậy có tất cả mười một loại định nghiệp, đối với các nghiệp bất định, họ cũng tạo tác như vậy.
Mười một loại định nghiệp của chúng sinh trung hữu đều thuộc thuận hiện pháp thọ.
(Hỏi) Tại sao như vậy?
(Đáp) Vì thân trung hữu và mười giai đoạn kế tiếp (nhất chúng đồng phần) đều được dẫn khởi do một nghiệp duy nhất. Người ta cũng không phân biệt loại nghiệp “được cảm thọ ở trung hữu” (thuận trung hữu thọ nghiệp) do vì trung hữu được dẫn sinh vì cùng loại nghiệp được cảm thọ ở đời sống kế tiếp trung hữu.
(Hỏi) Dựa vào những tính chất gì để nói đó là định nghiệp, tức loại nghiệp nhất định có quả báo?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Do trọng hoặc tịnh tâm
Cập thị hằng sở tạo
Ư công đức điền khởi
Hại phụ mẫu nghiệp định.
Dịch nghĩa:
Do hoặc nặng, tịnh tâm
Và do thường tạo tác
Khởi ruộng phúc công đức
Hại cha mẹ nghiệp định.
[Do phiền não nặng hoặc tâm tịnh dày, do thường tạo tác, do liên quan đến ruộng công đức, do hại cha mẹ, mà có định nghiệp].
Luận: Loại nghiệp được tạo tác phiền não sâu nặng, do tâm tín thanh tịnh, được tạo tác vì thửa ruộng công đức, được tạo tác liên tục, đều là định nghiệp.
Khi nói “thửa ruộng công đức” (công đức điền) là có ý chỉ cho Tam-bảo, hoặc chỉ cho những người nào đó, như những người đắc quả hay Thánh giả (Dự lưu v.v…) và những người chứng đắc định (như định Diệt tận v.v…). Loại nghiệp được tạo tác đối với các công đức điền này, ngay cả khi không có một tâm phiền não sâu nặng hoặc tâm tín mạnh mẽ, vẫn có tính chất nhất định và có thể là thiện hoặc bất thiện.
Trường hợp giết hại cha hoặc mẹ, cho dù với ý định như thế nào đi nữa, cũng đều thuộc về định nghiệp.
Các loại nghiệp khác, tức được tạo tác với loại phiền não yếu ớt v.v… đều không có tính chất nhất định.
(Hỏi) Dựa vào những tính chất gì để nói có nghiệp “thuận hiện pháp thọ”?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Do điền ý thù thắng
Cập định chiêu dị thục
Đắc vĩnh ly địa nghiệp
Định chiêu hiện pháp quả.
Dịch nghĩa:
Công đức ý thù thắng
Và định chiêu dị thục
Được hằng lìa địa nghiệp
Chiêu cảm quả hiện pháp.
[Do công đức điền hoặc ý thù thắng, tính chất nhất định chiêu cảm dị thục và lìa bỏ vĩnh viễn địa có nghiệp chiêu cảm, nhất định chiêu cảm quả hiện pháp].
Luận: Do tính chất thù thắng của công đức điền (ruộng công đức) mặc dù ý định có thể không tốt, tỷ dụ như có vị Bí-sô vì đã thô ác chúng Tăng: “Các ông chỉ là đàn bà!” mà ngay trong hiện tại bị chuyển thành nữ nhân.
Do tính chất thù thắng của ý định, tỷ dụ như có viên hoạn quan nhờ cứu được những con bò khỏi bị thiến mà đã được trở lại giới tánh của mình.
Hoặc khi một người đã vĩnh viễn lìa bỏ đối với một địa nào đó thì sẽ không còn tái sinh vào địa này nữa, do đó loại nghiệp, có thể chiêu cảm dị thục ở địa này nhưng trong một đời khác, đã thay đổi mà chiêu cảm dị thục trong đời hiện tại cho dù là thiện hoặc bất thiện.
Hoặc đó là loại nghiệp nhất định có quả dị thục nhưng không nhất định về thời gian cho quả, loại nghiệp này sẽ có quả báo ở đời hiện tại.
Đối với loại nghiệp có tính chất nhất định về thời gian cho quả thì nó sẽ chiêu cảm quả dị thục vào thời điểm đã định đặt. Một người mà những hành động của mình chắc chắn phải cảm thọ quả dị thục vào lần tái sinh đầu tiên ở một địa nào đó thì không thể lìa bỏ được địa này.
Đối với loại nghiệp không có tính chất nhất định về quả dị thục thì sẽ không chiêu cảm quả dị thục nếu như người tạo nghiệp lìa bỏ được địa mà người đó lẽ ra có thể phải chịu quả báo ở đó.
(Hỏi) Loại công đức điền nào sinh khởi các nghiệp thuộc loại nhất định chiêu cảm quả báo ở đời hiện tại?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Ư Phật thượng thủ tăng
Cập định diệt vô tránh
Từ kiến tu đạo xuất
Tổn ích nghiệp tức thụ.
Dịch nghĩa:
Với Phật, thượng thủ tăng
Và định, diệt, vô tránh
Từ, Kiến, tu đạo xuất
Tổn ích đều có quả.
[Đối với Tăng chúng có Phật đứng đầu. Tức những người ra khỏi định diệt, vô tránh. Tâm từ, Kiến đế, quả vị A-la-hán dù làm lợi ích hay tổn hại đều có quả báo].
Luận: Nói chung, đó là đoàn thể các Bí-sô có Phật đứng đầu. Nếu nói về Bổ-đặc-già-la thì có tất cả năm loại:
Những người ra khỏi định Diệt tận. Ở định này hành giả đã được tâm rất tịch tĩnh vì loại định này tương tự như Niết-bàn. Khi hành giả xuất định thì giống như người đã nhập Niết-bàn nhưng thị hiện trở lại.
Những người ra khỏi định Vô tránh. Ở định này, chuỗi tâm tương tục của hành giả chứa đầy ý lạc muốn đưa vô lượng chúng sinh đến một cảnh giới hoàn toàn vắng bóng phiền não (vô tránh), vì thế đến khi xuất định, thân tương tục của hành giả thấm nhuần vô lượng công đức tối thắng.
Những người ra khỏi định Từ. Ở định này, chuỗi tâm tương tục của hành giả chứa đầy ý lạc muốn cho vô lượng chúng sinh đều được an lạc, vì thế đến khi xuất định thì thân tương tục của hành giả cũng thấm nhuần vô lượng công đức tối thắng.
Những người ra khỏi kiến đạo. Ở Thánh đạo này, hành giả đã đoạn trừ tất cả các phiền não thuộc kiến đạo đoạn, vì thế đến khi xuất Thánh đạo, thân tương tục của hành giả hoàn toàn thanh tịnh vì thân là chỗ dựa của hành giả vừa được đổi mới (đắc thắng chuyển y).
Những người ra khỏi quả vị A-la-hán (tòng tu đạo xuất), tức những người vừa mới chứng đắc quả A-la-hán. Họ vừa mới thành tựu sự đoạn trừ tất cả phiền não thuộc tu đạo đoạn. Thân tương tục của họ thanh tịnh vì thân là chỗ dựa vừa được đổi mới.
Đó là những lý do tại sao những hành động thiện hoặc bất thiện, những việc làm lợi ích hay tổn hại có liên quan đến năm trường hợp trên đều mang lại quả báo ở đời hiện tại.
Đối với những con đường tu tập khác mà nhờ nó hành giả được các quả Nhất lai và Bất hoàn thì các Thánh đạo này tự thân chưa được viên mãn và cũng chưa đem lại kết quả thù thắng. Những người xuất phát từ sự đạt được hai loại quả này không phải là các phước điền có thể so được với A-la-hán. Thân tương tục của họ không thanh tịnh, và thân là chỗ dựa của họ cũng không phải vừa được đổi mới.
Yếu tố chủ chốt của quả dị thục chính là thọ.
(Hỏi) Dị thục của một nghiệp nào đó có thể chỉ là tâm thọ mà không phải là thân thọ không? Hoặc có thể chỉ là thân thọ mà không phải là tâm thọ không?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Chư thiên vô tầm nghiệp
Hứa duy cảm tâm thụ
Ác duy cảm thân thụ
Thị cảm thụ nghiệp dị.
Dịch nghĩa:
Các nghiệp thiện không tầm
Chỉ có tâm cảm thọ
Ác chỉ có thân thọ
Đó là chỗ khác nhau.
[Các nghiệp thiện không có tầm chỉ chiêu cảm tâm thọ. Nghiệp ác chỉ chiêu cảm thân thọ. Đó là sự khác nhau của các nghiệp chiêu cảm thọ].
Luận: Các nghiệp thuộc về tĩnh lự trung gian (tức loại tĩnh lự nằm giữa tầng thiền thứ nhất và thứ hai), và các nghiệp thuộc các tầng cao hơn đều không có tầm. Trong khi thân thọ, vốn tương ưng với năm thức thân, lại luôn luôn có tầm và tứ vì thế thân thọ không thể là quả dị thục của một nghiệp không có tầm.
Thọ làm quả dị thục của một nghiệp bất thiện là loại khổ thọ, như vậy loại tâm thọ thuộc về khổ chính là những gì được gọi là ưu. Trước đây chúng ta đã có giải thích nếu là ưu thọ thì không bao giờ làm quả dị thục.
(Hỏi) Nhưng nếu ưu, tức tâm thọ khổ, không phải là dị thục thì sự cuồng loạn thuộc về tâm hay sự cuồng loạn của-tâm (tâm cuồng) vốn là một loại khổ thọ sẽ sinh khởi ở thức nào (trong số các nhãn thức, ý thức v.v…)? Và vì nguyên nhân gì mà nó sinh khởi?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Tâm cuồng duy ý thức
Do nghiệp dị thục sinh
Cập bố hại vi ưu
Trừ Bắc châu tại Dục.
Dịch nghĩa:
Tâm cuồng duy ý thức
Do nghiệp dị thục sinh
Và sợ hại, nghịch, sầu
Ở Dục trừ Bắc châu.
[Tâm cuồng khởi ở ý thức và sinh từ quả dị thục của nghiệp do sự khủng bố, làm hại, trái nghịch, và sầu ưu. Tất cả đều ở Dục giới, ngoại trừ châu Bắc].
Luận: Tâm cuồng phát khởi ở ý thức. Năm thức thân không thể có tánh „cuồng điên‟ vì chúng không có sự phân biệt.
Có năm nguyên nhân làm phát sinh tâm cuồng.
1. Do khởi nghiệp dị thục nghĩa là do dùng thuốc hoặc chú thuật làm cho người sinh tâm cuồng điên, hoặc khiến người uống độc chất hoặc rượu hoặc hiện tướng khủng bố, cầm thú, hoặc phóng hỏa đốt núi rừng, hoặc làm hầm bẫy, hoặc làm những chuyện khiến người hoảng loạn v.v…
2. Do sự sợ hãi. Như phi nhân hiện tướng đáng sợ đến bức bách khiến tâm phát cuồng điên.
3. Do thương tật bị hại. Như nhân việc làm cho người ta sầu não sinh giận dữ đến nỗi gây thương tật thân thể khiến tâm phát cuồng.
4. Do sự trái ngược thời tiết bên ngoài như phong nhiệt với nội thân bên trong.
5. Do cảnh tang tóc mất đi người thân yêu khiến tâm sầu muộn mà phát cuồng như trường hợp của Bà-tư v.v…
(Hỏi) Nếu tâm cuồng, tức sự cuồng loạn của ý thức, sinh ra từ quả dị thục của nghiệp thì làm sao có thể nói tâm thọ không phải là quả dị thục?
(Đáp) Chúng tôi không nói sự cuồng điên của tâm xuất phát từ loại nghiệp có quả báo dị thục mà chỉ nói là nó xuất phát từ quả báo dị thục của nghiệp. Các đại chủng ở vào tình trạng mất cân bằng chính là quả dị thục và tâm cuồng xuất phát từ tình trạng này, vì thế mới nói là “sinh ra từ quả dị thục”. Người ta nói tâm bị cuồng điên khi tâm, vì có sự không thăng bằng hoặc sự trái chống nhau của các đại chủng do một nghiệp nào đó gây ra, đã trở nên xáo trộn, hỗn loạn mà bị giảm mất trí nhớ.
Có bốn trường hợp: (1) Tâm cuồng nhưng không loạn, như tâm phát cuồng nhưng không nhiễm ô; (2) Tâm loạn nhưng không cuồng, như tâm không phát cuồng nhưng bị nhiễm ô; (3) Vừa cuồng vừa loạn; (4) Không cuồng cũng không loạn.
(Hỏi) Tâm cuồng phát sinh ở hạng chúng sinh nào?
(Đáp) Ở những chúng sinh Dục giới, ngoại trừ châu Bắc Câu-lô.
Trong số chúng thiên Dục giới vẫn có kẻ phát khùng huống hồ là con người, quỷ và bàng sinh.
Chúng sinh bị đọa địa ngục luôn luôn có tâm cuồng vì những phần thân trí mạng của họ liên tục bị tổn thương do hàng ngàn sự hành hạ khác nhau. Họ bị đau khổ bức bách, họ không hay biết gì về chính bản thân mình và càng không biết cần phải làm gì để trốn tránh. Ở đây chúng ta hãy nhắc đến trường hợp điển hình của một chúng sinh bị đọa đày ở địa ngục chỉ biết kêu thốt lên: nỗi oán than thương tâm.
Trừ đức Phật ra, các Thánh giả đều có thể bị tâm cuồng nếu như tâm của họ bị tác động vì sự mất cân bằng của các đại chủng. Tuy nhiên, trong trường hợp này sự mất cân bằng của các đại chủng không bao giờ là quả dị thục vì loại định nghiệp có quả báo phát sinh tâm cuồng phải được chiêu cảm trước khi một người đạt được Thánh đạo, và loại nghiệp bất định thì không thể sinh quả khi mà Thánh đạo đã chứng đắc.
Sự khủng bố, sự làm tổn thương của những chúng sinh “phi nhân” và kể cả sự sầu ưu cũng không thể làm cho Thánh giả bị cuồng tâm vì họ đã vượt qua năm loại sợ hãi (siêu ngũ úy), vì họ không có hành động xúc phạm nào khiến cho những chúng sinh này phải giận dữ, và vì họ đã hiểu rõ tính chất của các sự vật (chứng pháp tánh).
Kinh dạy có ba sự không ngay thẳng (khúc), đó là sự không ngay thẳng của thân, của ngữ và của ý, đồng thời cũng có ba sự đồi bại (uế) và ba sự cấu nhiễm (trược).
Tụng nêu: (Âm Hán)
Thuyết khúc uế trọc nghiệp
Y siểm sân tham sinh.
Dịch nghĩa:
Nói nghiệp: Khúc, uế, trược
Do siểm, sân, tham sinh.
[Các nghiệp quanh co, đồi bại, cấu nhiễm do siễm, sân và tham sinh].
Luận: Loại nghiệp thân, nghiệp ngữ hoặc nghiệp ý sinh khởi từ sự ngụy trá, tức phát xuất từ sự không ngay thẳng, được gọi là “khúc”, loại nghiệp sinh khởi từ sự hận thù, tức xuất phát từ sân, được gọi là đồi bại (uế), loại nghiệp sinh khởi từ sự chấp trước, tức phát xuất từ sự bị nhuộm màu được gọi là nhiễm cấu (trược). ■