15. Cách Chữa Tim Tại Mỹ

08/07/201112:00 SA(Xem: 16720)
15. Cách Chữa Tim Tại Mỹ


NGUỒN MẠCH TÂM LINH 

Thích Nữ Trí Hải
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội 2003 


CÁCH CHỮA TIM TẠI MỸ HIỆN NAY
(Theo tác phẩm Lật Ngược Bệnh Tim của tiến sĩ Ornish)

Đây là một phương pháp đã được kiểm chứng khoa học qua 14 năm nghiên cứu lâm sàng của nhiều tiến sĩ y khoa toàn cầu và lần đầu tiên được tiến sĩ Ornish chuyên khoa bệnh tim hệ thống hóa thành một trong những sách bán chạy nhất tại Mỹ vào năm 1991, nhan đề “Chương trình lật ngược bệnh tim” (Program for Reversing Heart desease). Bác sĩ đã thử nghiệm một chương trình thay đổi toàn diện lối sống trên những nhóm bệnh nhân có vấn đề tim trầm trọng như thừa cholesterol, cao huyết áp, tức ngực, nghẽn động mạch vành hạn chế lưu lượng máu vào tim gây nên chứng kích ngất v.v.. Chỉ sau một thời gian ngắn, hầu hết bệnh nhân đều thấy tiến bộ khả quan, mà không cần đến phẫu thuật và có thể giảm hoặc ngưng hẳn việc dùng những thuốc hạ huyết áp hay cholesterol, những y dược nguy hại nếu dùng lâu dài
 
Chương trình thay đổi lối sống bao gồm nhiều phạm vi, vì những cuộc thử nghiệm cho thấy bệnh có nhiều nguyên nhân khác không kém quan trọng như sau.

1. Cách ăn uống: dùng nhiều chất béo và kích thích như thịt mỡ, dầu 
 Ô liu, phó mát, trứng, v.v.
2. Thuốc lá, rượu, các thức uống có cocaine, caféine.
3. Sự luyện tập quá độ
4. Cách đối phó những căng thẳng.
5. Sống cô lập.
 
Ta hãy lần lượt bàn đến những mục trên theo các khảo sát của tiến sĩ Ornish, để thấy chương trình chữa trị này rất phù hợp với lối sống của một phật tử. Nói cách khác, người phật tử quy y giữ năm giới không những sẽ tránh được bệnh tim mà còn tránh được nhiều bệnh tật, và sống một cuộc đời cao thượng tốt đẹp

1. Chế độ ăn uống.
 
Hiện nay ở Mỹ theo thống kê, có bốn mươi triệu người đau bệnh tim mạch, 100 triệu người cao huyết áp, 80 triệu người có mức cholesterol cao, và hàng năm có trên một triệu rưỡi người được đưa đến bệnh viện cấp cứu vì những cơn suy tim. Một trong những nguyên nhân gây bệnh là, họ ăn qưá nhiều chất béo bổ. Những chất này tạo ra chứng thừa cholesterol, lượng cholesterol này dần dần chất chứa làm tắc nghẽn những động mạch vành khiến cho lưu lượng máu vào tim giảm sút gây nên chứng đau ngực, kích ngất, v.v.. Bác sĩ Robert Wissler nhà bệnh lý học (pathologist) nổi tiếngđại học Chicago đã đem thức ăn thường xuyên của bệnh nhân trong bệnh viện để cho những con khỉ ăn thì thấy sau một thời gian, chúng đều bị chứng tắc nghẽn động mạch vành.

2. Chất kích thích:
 
Nguyên nhân thứ hai gây bệnh là thuốc lá và những chất kích thích như cocaine, cafeine. Cocaine được xem là chất kích thích mạnh nhất gây nên những chứng co thắt động mạch, máu đông cục. Một số lực sĩ có hạng của thế giới chết trẻ vì sử dụng cocaine. Cafeine cũng có tác dụng tương tự nhưng nhẹ hơn. 

3. Vận động.
 
Nơi những người bị xơ cứng động mạch, thì vận động thể thao thực sự làm tăng trưởng nguy cơ bị máu đóng cục hoặc động mạch co thắt trong thời gian tập luyện. Đấy là lý do một số lực sĩ tử nạn trong lúc thi đấu. Sự luyện tập mạnh bạo có thể đưa đến cái chết đột ngột nơi những người ăn nhiều chất béo, hút thuốc lá, tính tình nóng nảy và dùng nhiều chất kích thích. Ngược lại, sự tập luyện vừa phảiđiều độ thì rất lợi lạc cho sức khỏe.

4. Đối phó :
 
Cách đối phó những căng thẳng cũng là một yếu tố gây bệnh. Người ta đã xét nghiệm thấy rằng không những thức ăn làm tăng cholesterol mà cả những căng thẳng và cách ta đối phó với chúng cũng có thể làm tăng cholesterol trong máu. Năm trăm người đua xe hơi tại Indianapolis được thử máu trước và sau khi đua thì thấy lượng cholesterol tăng sau cuộc đua. Ở Mỹ, những nhân viên thuế vụ hàng năm cứ vào ngày 15 tháng Tư thì lại tăng cholesterol, và những sinh viên y khoa vào kỳ thi cũng vậy.
 
Do thế, sự chữa trị những triệu chứng vật lý của căn bệnh mà không kể đến những nguyên nhân căn để sâu xa thì chỉ làm lắng dịu cơn bệnh một thời gian, rồi bệnh vẫn tái phát. Người ta chỉ đổi bệnh này sang chứng khác mà thôi. Tiến sĩ Ornish viết: “Thật khó đo đạc vai trò của sự căng thẳng cảm xúc trên cơ tim, cho nên tầm quan trọng của nó thường không được ghi nhận. Y khoa hiện đại căn cứ trên khoa học, và những nhà khoa học có khuynh hướng chỉ tin vào những gì có thể đo lường và quan sát, mặc dù những gì đo lường được chưa chắc đã là những gì quan trọng nhất. Cholesterol và huyết áp có thể đo dễ dàng, và có rất nhiều loại thuốc hạ cholesterol và huyết áp. Điều này làm cho y sĩ chữa trị lẫn các công ty dược phẩm dều có lợi. Y sĩ chỉ có việc cho toa mua thuốc, khỏi cần giải thích dông dài về những độc tố trong mọi loại thuốc để khuyên bệnh nhân tự chữa bằng cách thay đổi lối sống
 
Tại Mỹ hàng năm tài khoản dùng vào việc chữa bệnh tim là 78 tỉ Mỹ kim, lớn hơn bất cứ khoản chi cho bệnh nào khác. Tiến sĩ y khoa Dean Ornish viết: “Nếu tôi làm một phẫu thuật bắc cầu, công ty bảo hiểm của bệnh nhân sẽ trả ít nhất ba mươi ngàn Mỹ kim. Nếu tôi làm một phẫu thuật angioplasty (cho một quả bóng nhỏ vào động mạch tim bị nghẽn, rồi bơm lên để khai thông lưu lượng máu), công ty bảo hiểm trả ít nhất 7.500 Mỹ kim. Nếu tôi dùng cũng thời gian ấy để dạy cho một bệnh nhân cách ăn uống và những kỹ thuật để đối phó những căng thẳng, công ty bảo hiểm chỉ trả không hơn một trăm rưỡi Mỹ kim.

Nếu tôi dùng cũng thời gian ấy để dạy cho một người chưa bệnh làm sao để giữ gìn sức khỏe, tránh bệnh tật, thì tôi không được xu nào. Bởi vậy, ta không ngạc nhiên khi các bác sĩ dành nhiều thì giờ cho công việc nào được thù lao hậu hĩ, nhất là vì ngay ở trường y, chúng tôi cũng không được học gì nhiều về dinh dưỡng hay học cách điều động bệnh nhân thay đổi lối sống. Chúng tôi không được học những cách đối phó với căng thẳng trong chính cuộc đời mình, hoặc cách dạy cho bệnh nhân những kỹ thuật xử lý những căng thẳng thần kinh nơi họ. Bởi thế những bác sĩ y khoa chúng tôi thường hành nghề theo cách mình đã được huấn luyện, và theo cách chúng tôi được trả tiền để làm”.
 
“Chúng tôi những y sĩ cũng không làm những tấm gương tốt cho lắm: Ngoài việc chúng tôi tập tảng lờ những nhu cầu cảm xúc của bệnh nhân, không bao giờ lắng nghe họ, chúng tôi lại còn được huấn luyện để tách rời đời sống cảm xúc của mình ra khỏi nghề nghiệp”. Trong các nhóm nghề nghiệp tại Mỹ, thống kê cho biết giới y khoa bác sĩ có tỉ số cao nhất hàng năm về nghiện ngập và ly dị, và trung bình y khoa bác sĩ chết sớm hơn các ngành nghề khác mười năm. Hàng năm, riêng giới bác sĩ y khoa đã có một số lượng bác sĩ tự sát bằng số lượng một khóa tốt nghiệp y khoa tại một trường đại học lớn. Và đấy là chỉ mới kể những vụ tự sát mà người ta có thể biết và thống kê. Bởi thế thực cũng không lạ gì khi nhiều bác sĩ không tin rằng sự lo lắng buồn sầu căng thẳng có thể góp phần sinh bệnh.
 
Căng thẳng có hai: cảm xúc tâm lý (khi gặp nguy) và vật lý (do thời tiết thay đổi hay do vận động). Khi gặp căng thẳng, cơ thể dối phó theo hai cách. Trước hết, có những liên hệ trực tiếp giữa tim và não. Cách thứ nhất là hệ thần kinh giao cảm ở não bộ chuyền đến tim những tín hiệu làm cho tim đập nhanh hơn, mạnh hơn, khiến những động mạch vành co thắt lại. Thứ hai là não bộ khiến cho những bộ phận khác như các tuyến thượng thận (adrenal glands) tiết ra những kích thích tố như adrenaline và cortisol, những chất này đi qủa các mạch máu để đến tim. Hậu quả những tín hiệu từ những kích thích tố này là: 

Những cơ bắp co thắt lại, làm cho cơ thể mạnh thêm, sẵn sàng để chiến đấu hay thoát hiểm.

Các nội tạng tăng tốc độ làm việc dể biến đổi và tái tạo các chất, khiến cho cơ thể có thêm năng lực để đánh hoặc chạy. Lưu lượng máu dồn về tim nhiều hơn.

Hơi thở gấp, muốn cung cấp dưỡng khí nhiều hơn để đánh hoặc chạy.

Hệ thống tiêu hóa đóng cửa, để dồn tất cả năng lực và máu về những cơ bắp đang sẵn sàng để chiến đấu hoặc chạy thoát hiểm.

Tai và mắt gia tăng khả năng nghe, thấy để dễ tự vệ .

Muốn bảo vệ bụng dưới khỏi bị tổn thương, cơ thể tự nhiên tuôn ra phân, tiểu, để đỡ gánh nặng trong khi chiến đấu hoặc thoát nguy.

Những động mạch ở tay chân đều co lại, để lỡ có bị thương thì cũng ít mất máu. (Do đó tay chân thường bị lạnh mỗi khi ta sợ gặp nguy.)

Máu khởi sự đông nhanh hơn, để nếu có bị thương cũng không mất nhiều máu. 
 
Những cơ chế nói trên đã giúp cho cơ thể sống sót sau những tai biến rõ rệt, những căng thẳng quyết liệt và đoản kỳ. Nhưng sự căng thẳng cảm xúc của con người hiện nay có tính cách kinh niên thầm lặng. Con người mỗi ngày bị nhiều cơn căng thẳng, họ phải phản ứng lại những căng thẳng ấy theo cơ chế nói trên, song khi căng thẳng qua đi, họ không thể trở lại bình thường cho đến khi gặp căng thẳng mới. Đấy là nguyên do bệnh tim phát triển trong đời sống hiện nay, nhất là tại các nước tân tiến.

5. Lối sống cô lập chỉ biết có mình:
 
Bệnh tim dễ dàng phát triển tại các nước giàu có cũng chính vì yếu tố càng giàu, người ta càng cô độccố chấp bản ngã.
 
Tiến sĩ Y Khoa Meyer Friedman và Ray Rosenman mô tả một hội chứng họ gọi là “lối hành xử loại A” mà họ cho là nguyên nhân gây bệnh tim. Đấy là kiểu cư xử của người hay thù hận, cố chấp bản ngã, nóng nảy, luôn luôn vội vàng. Những người thuộc hạng này thường bị ám ảnh phải đạt đến những mục tiêu mơ hồ và rất cần được người khác công nhận, nôn nóng tiến thủ. Họ có khuynh hướng làm một lúc nhiều công việc như vừa nói chuyện vừa di chuyển thật nhanh, v.v. Lúc đầu, những cuộc khảo sát cho thấy lối hành xử thuộc loại A có quan hệ đến bệnh tim; nhưng về sau những khảo cứu rốt ráo hơn đã không làm nổi bật được mối tương quan ấy.
 
Những bằng chứng mới đây cho thấy tại sao trong những người có lối hành xử loại A có người bệnh người không. Bác sĩ Larry Scherwitz ở đại học California, Redford Williams ở đại học Duke và những người khác chứng minh rằng vài yếu tố trong lối hành xử loại A có liên quan đến bệnh tim, trong khi những yếu tố khác thì không. Đặc biệt, những yếu tố độc hại nhất của bệnh tim là chấp ngã, hận thùbi quan yếm thế
 
Bác sĩ Scherwitz, BS Lynda Powell và những người khác khám phá rằng người bệnh nào thường sử dụng những đại từ “tôi” “của tôi” “cho tôi” ... trong cuộc đàm thoại thông thường, thực sự báo trước một cơn suy tim sẽ tái diễn. Một người càng dùng nhiều tiếng ấy bao nhiêu thì dễ chết vì bệnh tim bấy nhiêu.
 
Trong một khảo cứu khác, bác sĩ Scherwitz phân tích những cuộc. phỏng vấn được thu băng của 13 ngàn người trải qua chín năm nghiên cứu, và khám phá ra rằng những người tự nói về mình nhiều thì về sau phát triển bệnh tim thường xuyên hơn những người khác. Nơi những người cuối cùng phải chết vì cơn suy tim lại càng có mức độ chấp ngã lớn hơn nhiều.
 
Tại sao sự thể lại ra như vậy? Dĩ nhiên, việc dùng những đại từ nói trên “tôi, nhờ tôi, của tôi, cho tôi...” tự nó không có gì tai hại. Nhưng khổ nỗi là lời nói của chúng ta phản ảnh nhân sinh quan của ta. Khi ta cảm thấy bị cô lập với mọi người, thì ta tập trung nhiều hơn vào chính mình – “Tôi cần điều này, tôi muốn điều nọ”.
 
Những khảo sát ấy đưa chúng ta tiến thêm một bước quan trọng đúng hướng, nhưng nó còn nêu lên những vấn đề căn để hơn, đó là: Tại sao chúng ta chấp ngã? Tại sao ta bi quan yếm thế? Tại sao ta thù hằn? Có chăng một nguyên nhân căn để hơn cho những cảm xúc ấy, những cảm xúc đã đưa đến bệnh tim và các chứng bệnh khác?
 
Tôi tin là có, tiến sĩ Ornish khẳng định. “Nhờ sống mỗi lần một tháng với bệnh nhân trong hai cuộc khảo sát trước, và bốn năm sống gần gũi các bệnh nhân một cách thường xuyên trong cuộc khảo sát thứ ba, tôi đã có được nhiều cơ hội đặc biệt để tìm hiểu. Chúng tôi sống tập thể biệt lập trong một tuần để những người tham dự học những điều căn bản trong chương trình chữa bệnh. Rồi sau đó mỗi tuần chúng tôi lại họp hai lần, mỗi lần bốn tiếng, trong đó có một tiếng với BS Jim Billings, tiến sĩ y khoa về môn tâm lý học lâm sàng, BS Shirley Brown, Mary Dale Scheller cán sự xã hội, và tôi. Giờ này được gọi là “sự nâng đỡ của tập thể” 
 
Bởi thế chúng tôi khởi sự biết nhau khá rõ, và tôi luôn luôn được học hỏi. Lúc đầu tôi chỉ xem những nhóm nâng đỡ này như một cách để điều động bệnh nhân duy trì những khía cạnh khác của chương trình mà tôi xem là quan trọng hơn, như chế độ ăn chay, luyện cách xử lý những căng thẳng, bỏ hút thuốc lá, vân vân. Dần dà, tôi bắt đầu nhận ra rằng chính sự nâng đỡ của tập thể này là một trong những lối chữa bệnh có hiệu lực hơn cả, vì nó đánh vào cái mà tôi khởi sự tin là nguyên nhân căn để khiến ta cảm thấy căng thẳng, khiến ta bị những chứng bệnh như đau tim: nguyên nhân ấy chính là mặc cảm bị cô lập
 
Tóm lại, bất cứ gì gây ra cảm giác cô độc đều đưa đến căng thẳng, và thường đưa đến những chứng bệnh như đau tim. Ngược lại, bất cứ gì đưa đến tình thân ái chân thực, đến cảm giác mình có tương quan với mọi người, thì đều có thể chữa lành trong ý nghĩa sâu xa nhất của danh từ ấy, nghĩa là ráp lại, làm cho nguyên lành. Khả năng thương yêu từ lâu đã được xem là chìa khóa của sức khỏe cảm xúc; bây giờ tôi còn tin rằng nó có quan hệ mật thiết đến sức khỏe của trái tim ta.


 
Có hai kỹ thuật tổng quát để tạo sự thân tình: theo chiều ngang, là phát triển những tương quan giữa mình với người khác; và theo chiều dọc, là phát triển những tương quan giữa mình với những phần cao thượng hơn của chính mình. 
 
Sự thân tình theo chiều ngang được thực hiện nhờ tham gia các nhóm nâng đỡ, phát triển khả năng truyền thông, học sự tha thứ, phát triển cảm giác tin cậy, thực hành hạnh vị tha, v.v.. , 
 
Còn cầu nguyệnthiền quán là hai cách để có được quan hệ thân tình theo chiều dọc. Gia nhập câu lạc bộ, nhà thờ, giáo đường Hồi giáo v.v. giúp giảm nguy cơ chết sớmche chở người ta khỏi bệnh tim, ngay cả ở những người cao huyết áp. Trong thời gian chín năm khảo sát, những bệnh nhân giảm quan hệ xã hội đã cho thấy dễ chết vì bệnh tim nhiều hơn.
 
Trong một khảo sát của bác sĩ Jay Kaplan, những con khỉ bị cắt đứt liên lạc với đồng loại đã phát triển bệnh nghẽn động mạch vành gấp hai lần những con khỉ không bị căng thẳng, mặc dù mức cholesterol và huyết áp của chúng giống nhau.
 
Tại đại học Houston, tiến sĩ Robert Nerem nghiên cứu một bầy thỏ có di truyền tính giống nhau, chúng được cho ăn thật nhiều chất béo. Những nhà nghiên cứu chờ đợi tất cả chúng đều bị nghẽn động mạch nhưng sau một thời gian, họ không thể hiểu tại sao những con thỏ ở chuồng trên lại bị nghẽn nhiều hơn những con ở dưới. Hóa ra rằng, chuyên viên cho thỏ ăn vốn là một người thấp, mỗi khi đem thức ăn vào cô thường chơi với những con thỏ ở các chuồng dưới thấp vì cô có thể với tới được trong khi những con thỏ ở các chuồng phía trên cao mà cô điều dưỡng không với tới thì bị bỏ rơi, cô lập. Các nhà khoa học lặp lại cuộc khảo sát và thấy rằng những con thỏ thường xuyên được vuốt ve, được nói chuyện với, đã chứng tỏ giảm được trên 60 phần trăm chứng xơ cứng động mạch so với những con thỏ không được lưu ý, trong khi chúng có di truyền tính tương tự, được cho ăn giống nhau, lượng cholesterol của chúng giống nhau, nhịp tim đập và huyết áp giống nhau. 
 
Tiến sĩ Ornish đi tìm ngọn nguồn bệnh tim bằng một loạt những câu hỏi: 
 
– Cái gì đầu tiên làm phát sinh bệnh tim? Đó là cách phản ứng của người ta trước những căng thẳng, như giận dữ, thù hiềm, oán hận. Đó là tình trạng ôm khư khư một mối hận như được nói trong kinh Pháp cú: “Nó đánh tôi, mắng tôi–Nó cướp tôi hại tôi– Ai ôm hiềm hận ấy–Hận thù không thể nguôi”.
 
– Vì sao có phản ứng “hận thù khôn nguôi” đó? Vì quá đặt nặng bản ngã, xem cái tôi vô cùng quan trọng.
 
– Vì sao có thái độ xem mình là quan trọng (hay nói theo danh từ Phật là “chấp ngã”)? Vì người ta tưởng mình tách biệt với mọi người, mọi sự vật khác với “ta”. Tư tưởng này phát sinh một vòng lẩn quẩn như sau:
 
Khi tách biệt với mọi người, ta tập trung vào bản ngã, tự cô lập. Tự cô lập đưa đến mặc cảm bị bỏ rơi. Mặc cảm bị bỏ rơi sinh ra cảm giác cô đơn. Cảm giác cô đơn sinh ra đau khổ, bi quan yếm thế. Bi quan yếm thế đưa đến một trong hai loại phản ứng đều dễ sinh bệnh: hoặc bị căng thẳng kinh niên vì luôn luôn sợ hãi, nghi ky, đề phòng, nghĩ tất cả đều có thể hại mình (tình trạng những người đã từng ở tù hoặc bị tập trung cải tạo); hai là sống bất cẩn (một kiểu tự tử chậm) bằng nhiều cách, như làm việc quá sức, uống rượu, chích á phiện, hút thuốc lá... Những thứ này tạm thời làm lắng dịu cơn đau khổ, nhưng sau đó cảm giác cô độc lại càng tăng, làm cho người ta rơi vào một vòng lẩn quẩn.
 
Mặc cảm cô độc còn phát sinh do lòng tự ái đặt sai chỗ. Khi ta đặt giá trị con người của mình vào hậu quả một sự cố nào đó (như đoạt giải vô địch bóng cầu quốc tế), vào lối hành xử của một người nào đó (như được họ hoan nghênh), thì ta đã cho sự cố ấy hay con người ấy cái quyền năng trên cuộc đời mình, có thể đem lại hạnh phúc hay đau khổ cho mình, và cuối cùng có thể làm cho mình sống hoặc chết. Trong cuộc khảo sát của tiến sĩ Ornish, đã xảy ra một bi kịch chứng minh điều này. Sam là một bệnh nhân tham gia chương trình thay đổi lối sống, sau mười tháng anh đã tiến bộ rất khả quan về nhiều phương diện vật ìý.

Nhưng trong những cuộc thảo luận nhóm hàng tuần để tạo tình thân thiết giữa con người dể đánh tan cảm giác cô lập, anh ta không bao giờ phát biểu và thường tránh tham dự, tránh tiếp xúc. Anh lại là người háo thắng, luôn luôn vượt chỉ tiêu những cuộc luyện tập mà chương trình đề ra, để chứng tỏ bệnh mình đã bình phục. Một lần, sau một trận đấu đua thuyền với những chiếc thuyền trên máy vi tính, anh tuyên bố thắng cuộc và chết liền sau đó vì một cơn kích ngất. Khi giải phẫu tử thi anh, bác sĩ tìm thấy một cục máu đông trong một động mạch vành, và một động mạch vành khác của anh bị co lại, phát sinh chứng nội xuất huyết.

Cảm xúc căng thẳng của anh lại do phản ứng của anh trước trò chơi điện tử mà anh xem như trận đấu một mất một còn; và rủi thay, sự tình đã xảy ra đúng như vậy đối với Sam. Sau đó bác sĩ lại biết thêm, sở dĩ Sam tránh tiếp xúc mọi người là vì anh có một bí ẩn muốn giấu kín. Anh đã tuyên bố khi mới tham gia chương trình rằng anh là một cầu thủ quốc tế, trong khi kỳ thực anh chưa từng tham gia trận đấu nào. Anh không muốn mọi người khám phá điều bí mật đó.
 
Sam đã sai hai lần: tự đặt cho mình một giá trị tưởng tượng (cầu thủ quốc tế); và tưởng rằng mọi người chỉ công nhận anh nếu anh là cầu thủ quốc tế.
 
Tóm lại, căng thẳng không chỉ do việc ta làm mà còn do cách phản ứng của ta trước công việc ấy. Cách phản ứng của ta lại tùy thuộc thái độ sống của ta. Nếu ta xem mình là một cái gì biệt lập với xã hội thay vì là một phần từ của xã hội, thì chúng ta dễ cảm thấy bị căng thẳng kinh niên. Sự căng thẳng thường xuyên này lại có thể đưa đến bệnh tim vừa do hậu quả trực tiếp của nó trên quả tim, vừa do những mẫu mực sống tự hủy của người ta phát sinh từ mặc cảm bị cô lập. Như vậy, bất cứ gì giúp con người vượt qua mặc cảm cô đơn đều có thể chữa lành bệnh. 
 
Sự thay đổi toàn diện lối sốngtiến sĩ Ornish đề ra bao gồm những điểm như sau: 

1. Ăn chay hoàn toàn. .
2. Tuyệt đối tránh thuốc lá, rượu, café, á phiện.
3. Tập thể dục đều đặn theo các thế thể dục yoga hay dưỡng sinh.

4. Giúp đỡ mọi người và dược sự nâng đỡ của tập thể. Sư mở lòng ra với mọi người, thương yêu kẻ khác là một cách để chữa lành trái tim và tâm hồn. Sự cầu nguyện cũng cho thấy mối tương quan giữa những con người đồng thời đại, bất kể theo tôn giáo nào.

5. Thiền định và quán tường để tiếp xúc với phần cao siêu sâu xa của bản ngã. Sự quán tưởng thân thể lành mạnh giúp rất nhiều cho sự chữa lành thực sự, như kinh Pháp cú nói: “Ý dẫn đầu, ý tạo tác tất cả” .Sự cô lập của con ngườinguyên nhân gây bệnh – xảy ra ở ba phương diện: cô lập với chính mình, với người khác và với một năng lực cao siêu bất kể đó là Phật, Chúa, hay sinh thái vũ trụ. Một thử nghiệm của tiến sĩ Ornish cho thấy khi con bệnh bắt liên lạc được với phần thâm sâu nhất của chính mình thì có thể chữa lành bệnh. Tiến sĩ Ornish viết:
 
“Khi chúng ta khởi sự có can đảm nhìn vào những khía cạnh đáng sợ trong chính ta, thì có thể xảy đến những điều kỳ diệu”. 
 
Sau đây là một ví dụ: John Cardozo một bệnh nhân tham dự chương trình chữa trị, lần đầu tiên cố làm pháp quán tưởng thụ động trước một nhóm chúng tôi. Sau đây là cuộc nói chuyện giữa bác sĩ Ornish và bệnh nhân trong tư thế tập trung quán tưởng, gần như bị thôi miên

– John: Bây giờ tôi đang bị nghẽn, như có một cảm xúc thật mạnh ở trong cổ họng, nhưng tôi không biết đó là cái gì.
Bác sĩ: Được. Hãy nhắm mắt lại và đưa tâm bạn đến nơi cổ họng. Nếu cảm xúc ấy phát ra tiếng được, thì đó là tiếng gì? Có tiếng gì muốn thoát ra không?
– John: Nó giống như tiếng sấm
– BS: Bạn có thể phát lại tiếng ấy không?
– John: Tôi có thể mô tả. Đó là một tiếng sấm vang dội rất thâm trầm.
– BS: Hãy ở lại với cảm giác ấy. Hãy để cho nó tràn ngập trong bạn. [ngừng một lát] Bạn nghe gì?
– John: Tôi nghe một tiếng reng.
– BS: Có lớn không?
– John: Lớn.
– BS: Bây giờ, hãy ở lại với tiếng ấy một lát. [ngừng] Bây giờ, cái gì xảy đến?
– John: Nó đang tràn ngập người tôi..
– BS: Hãy để toàn thân bạn tràn ngập âm thanh ấy. Hãy cho tôi biết có hình ảnh nào xuất hiện trong tâm bạn hay không, hay nó vẫn là một âm thanh.
– John: Nó là một âm thanh ngân nga.
– BS: Bạn nghe nó từ đâu? Bạn cảm thấy nó đến từ đâu? 
– John: Tôi cảm thấy nó ở đây (chỉ vào bụng dưới) và đây (chỉ vào cổ họng).
– BS: Được. Bây giờ cái gì xảy ra?
– John: âm thanh dưới bụng đang đi lên tới lồng ngực tôi và nối liền lại.
– BS: Nó giống như thế nào?
– John: Như một cái đai.
– BS: Được. Cứ ở lại với cảm giác ấy một phút. (ngừng). Bây giờ bạn cảm thấy thế nào?
– John: Chặt cứng.
– BS: Được. Bạn có thể quán tưửng trái tim bạn bây giờ ra sao không?
– John: Nó rất nhỏ và bị vây kín.
– BS: Vây kín trong cái đai ấy?
– John: Vâng.
– BS: Và chính cái đai phát ra âm thanh?
– John: Phải.
– BS: Nó giống gì?
– John: Giống bê tông.
– BS: Xin bạn hãy mô tả nó càng chi tiết càng hay, dùng nhiều cảm quan càng tốt. 
– John: Nó hình tròn, như một bức tường chắn ngang rất chắc chắn bằng đá hoa cương. 
– BS: Không cần nói lớn, hãy hỏi thầm bức tường ấy hay cái đai ấy hay bất cứ tên gì bạn muốn gọi, hãy hỏi xem nó có tên gì hay không, hay có tiếng nói gì không, hay nó có thể tự giới thiệu cho bạn biết nó là cái gì, bằng một cách nào đó. Nó sẽ phát ngôn lặng lẽrõ ràng, hoặc nó sẽ không nói gì cả.
– John: Nó nói nó là một cái tủ két.
– BS: Được.
– John: Bây giờ nó đang nói tên của nó là tủ két.
– BS: Hãy hỏi tủ két ấy, nó làm nhiệm vụ gì, có mục đích gì.
– John: Che chở tôi.
– BS: Che chở bạn khỏi cái gì?
– John: Khỏi bị lố bịch.
– BS: Rồi. Hãy nhận chân điều ấy và cám ơn tủ két đã che chở bạn khỏi bị lố bịch. [ngưng]. Bây giờ nó có nói gì để đáp lại khi bạn cám ơn nó không?
– John: Nó không nói, nhưng nó hài lòng.
– BS: Hãy hỏi xem nó cờn che chở bạn khỏi cái gì nữa?
– John: Không. 
– BS: Khi bạn nói “lố bịch”, hình ảnh gì khởi lên trong bạn?
– John: Bị cười nhạo lúc tôi còn bé.
– BS: Hình ảnh nào nổi bật nhất đang hiện ra, giai đoạn nào bạn cảm thấy bị lố bịch?
– John: Tôi thường cảm thấy vậy luôn.
– BS: Bạn có thể nghĩ đến một ví dụ nào đó hiện lên trong trí, khi bạn nghe hai tiếng “lố bịch”?
– John: Vâng, đó là vào năm tôi chừng 11 tuổi tôi bị người ta cười vì ném banh tuyết không giống nhừ một đứa con trai ném, mà giống con gái. 
– BS: Hãy hình dung cảnh tượng ấy một cách chi tiết. Điều ấy làm bạn có cảm tưởng như thế nào?
– John : Như thể là tôi muốn trái đất nẻ ra nuốt tôi xuống và tôi sẽ biến mất trên đời. 
– BS: Hãy ở lại với cảm giác đó, dù nó khó chịu thật. Bây giờ bạn thấy ra sao? 
– John: Như thể tôi đang nấp sau tủ két, nó che chở tôi.
– BS: Hãy cám ơn nó đã che chở cho bạn khi bạn cần che chở. Nhưng hãy hỏi xem nó có thể trở thành trong suốt, mở ra, để bạn không còn ngăn cách với trái tim của bạn hay không?
– John: Nó nói "được".
– BS: Vậy bây giờ bạn thấy gì? Sau lưng nó có những gì?
– John: Rất nhiều gương mặt.
– BS: Bạn có nhận ra người nào không?
– John: Có. Mọi người trong nhóm tối nay. 
– BS: Bạn có thấy trái tim bạn ở đâu không?
– John: Tôi không thấy rõ lắm.
– BS: Vậy bạn thấy gì?
– John: Tôi vẫn thấy nó bị một bức tường vây kín.
– BS: Hãy hỏi bức tường đang vây kín tim bạn, mục đích nó là gì?
– John: Gần như nó đang giữ một cái gì cho khỏi tuôn ra, hơn là sợ một cái gì ở ngoài vào.
– BS: Được. Hãy hỏi bức tường, nó đang giữ cái gì trong ấy?
– John: [ngưng] Nước mắt. Sợ bị lố bịch
– BS: Hỏi bức tường có thể mở ra, để cho nước mắt bạn tuôn ra không? Nó có thể đóng lại nếu việc ấy quá đau đớn. Rồi cám ơn nó lần nữa vì đã che chở bạn.
– John: Được. [Anh ta khởi sự khóc rưng rức. Một lát sau, anh mỉm cười.]
– BS: John, Bây giờ bạn cảm thấy thế nào?
– John: Dễ chịu hơn nhiều lắm, và an ổn hơn.
– BS: Hãy thưởng thức niềm vui ấy trong chốc lát Bây giờ, bạn còn nghe tiếng sấm không?
– John: Không.
– BS: Còn có cảm giác tắt nghẽn ở cổ họng không?
– John: Không.
– BS: Bây giờ, hãy mở mắt ra. Bạn còn muốn nói gì nữa không?
– John: Tim tôi cảm thấy được cởi mở hơn nhiều.
– BS: Tôi đoán rằng nếu bạn chịu khó tự hỏi lòng mình nhiều lần, bạn sẽ khám phá nhiều hơn nữa. Thật cần rất nhiều can đảm để làm điều bạn đã làm trước một nhóm người. Đấy là điều khó làm nhất, và cũng chữa lành một cách sâu xa nhất.
 
Để kết luận, ta có thể nói phương pháp bác sĩ Ornish dùng để chữa tim rất gần với cách luyện tâm trong đạo Phật. Nó không những giúp chữa lành trái tim vật lý mà còn chữa lành tâm bệnh chấp ngã trầm trọng nơi con người. Ảnh hưởng của nó thật sâu xa, bằng chứng là hiện nay có rất nhiều người Mỹ trẻ tuổi ăn chay, hành thiền, bỏ thuốc lá và các thứ nghiện ngập khác./.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 188948)
01/04/2012(Xem: 34455)
08/11/2018(Xem: 13373)
08/02/2015(Xem: 51500)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.