Lời Cảm Tạ

27/07/201112:00 SA(Xem: 22318)
Lời Cảm Tạ

Hồng Dương Nguyễn Văn Hai
NHÂN QUẢ ĐỒNG THỜI
Nhà xuất bản Phương Đông 2011

Lời Cảm Tạ

“Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi còn những ngày ngồi mơ ước cùng người, ...”
(Trịnh Công Sơn. Tạ Ơn)

 

Một số đạo hữu đọc và phê bình những bài học Phật của tác giả trong mấy năm qua ngỏ ý muốn biết nguyên nhân học Phật, lý do học tánh Không, và phương pháp học của tác giả. Để tỏ lòng biết ơn, tác giả xin mạn phép tường thuật sau đây quá trình học Phật đã sinh xuất ba tập sách, Nhận thứcKhông tánh, Tánh khởi và Duyên khởi, và Nhân quả Đồng thời. Truyện kể sẽ dài dòng, không làm sao tránh được sự sử dụng những từ có nghĩa là “tôi”, “của tôi”, hay “chính tôi đây”, nên cúi xin lượng tình tha thứ.

Câu chuyện bắt đầu từ ngày tác giả quyết định nghỉ hưu vì cảm thấy lúc vào lớp tay không còn dơ lên dễ dàng để viết bảng và trí không còn minh mẫn để trình bày thông suốt bài dạy. Sau một thời gian xem phim bộ và lái xe đi khắp đó đây để giết thời giờ nhàn rỗi, bỗng nhiên một ngày kia tình cờ đọc được những lời HT. Thích Trí Quang dịch giải bài văn Khuyến phát Bồ đề tâm của Đại sư Thật Hiền trên Hoa Sen Internet. Hòa Thượng viết: “Về lý do phát bồ đề tâm, ngoài nỗi thống khổ sinh tử mà mình mục kíchý thức, có hai việc mà kinh luận đề cập nhiều nhất, đó là tự biết mình có thể làm Phật, và tha thiết hơn cả, nghĩ đến sự suy tàn của Phật pháp.” Câu đó làm nổi lên cái ý muốn tìm hiểu đạo Phật và tại sao phải nghĩ đến sự suy tàn của Phật pháp.

Lúc bấy giờ vốn liếng của tác giả về Phật học chỉ có một câu thần chú, “Nam Mô Đại từ Đại bi Cứu khổ Cứu nạn Quán Thế Âm Bồ tát”, và bài Tâm kinh Mẹ dạy từ nhỏ, lúc cùng với chú tiểu sau này là HT. Thích Trí Quang cầm hoa sen múa hát ngày Phật đản trước sân chùa Tỉnh Giáo hội Phật giáo Quảng Bình, ở Đồng Hới. Chuyện múa hát này cho đến nay thường được nhắc nhở mỗi lần gặp lại ông Lê Huy Cận, sáng lập viên Hội Amis de Huế tại Pháp, bạn cùng lứa, khi ấy cũng là một tham dự viên. Lại nữa, tác giả chưa hề được may mắn học giáo lý với một đạo sư nào và thường không đến chùa để nghe thuyết Pháp. Nghĩ rằng có thể tự học như học Toán, tác giả thỉnh bộ Đại tạng kinh Việt Nam của Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam và gửi mua hầu hết các kinh luậntác phẩm Phật giáo do Phật học Viện Quốc tế ấn hành. Nhưng sau nhiều tháng cố gắng đọc và suy nghiệm, tác giả vẫn mù tịt và hoang mang hơn trước.

Chợt nhớ đến một bạn học cũ ở Khải Định, ông Ngô Trọng Anh, thọ trì Bồ tát giới từ lâu và giảng sư Đại học Vạn Hạnh trước 1975, tác giả cầu cứu, liền được ông phán: “Xét căn cơ của cậu thời nên tìm hiểu Trung luận của Bồ tát Long Thọ.” Hỏi ông Trung luận luận cái gì và Ngài Long Thọ là ai, ông chỉ đáp vắn tắt: “Trung luận nói về tánh Không. Muốn có bản dịch Việt hãy tìm quyển Trung luận do Thích Viên Lý dịch giải, muốn biết Trung luận nói gì hãy tìm đọc quyển Triết học về Tánh Không của Tuệ Sỹ.” Học Phật đơn giản chỉ có thế ư? Đâu ngờ sau này mới biết ông bạn quí của tác giả đề ra một thử thách quá lớn! Đây là lần đầu tiên tác giả nghe nói đến Trung luận, tánh Không, Viên Lý, và Tuệ Sỹ. Tin tưởng ông Anh là một Thánh giả, nên vội vàng đi kiếm hai quyển sách khai đạo ông dạy nên đọc. Rất may cho tác giả, anh Lâm Văn Trung, nay đã quá cố, khi nghe kể lại câu chuyện liền bảo: “Thưa Thầy, em có quyển Triết học về Tánh Không, đọc không hiểu gì cả. Thầy hãy giữ lấy mà dùng.” Trong khi chờ đợi quyển kia đặt mua gửi đến, tác giả bắt đầu đọc quyển này. Sau cả tuần đọc lui đọc tới mấy chục trang đầu và không ngớt nghiền ngẫm, tác giả cũng không hiểu gì cả. Đạo Phật sao khó đến thế! Hy vọng quyển Trung luận của TT. Thích Viên Lý sẽ giúp nhiều hơn. Nhưng lại thất vọng một lần nữa. Thất vọng vì một lý do khác chứ không phải do không hiểu.

Nguyên trong Trung luận của TT. Thích Viên Lý có kèm một bản chữ Hán mà Thượng tọa nói rõ do đó dịch ra tiếng Việt. Nhờ biết chút ít Hán tự Mẹ dạy lúc bé (Mẹ tác giả còn dạy tác giả đọc cửu chương chữ Hán làu làu lúc lên bốn!), tác giả đem so sánh những đoạn dịch với bản chữ Hán, thấy nhiều điểm không ổn. Chẳng hạn, Phẩm thứ Tám có 11 bài tụng trong Hán bản, nhưng trong phần dịch Việt con số lên đến 12 bài. Như thế làm sao bảo là dịch từ Hán bản đó? Viết thư bày tỏ thắc mắc và xin giải đáp nhưng không được hồi âm. Gọi điện thoại thời có người trả lời ngắn gọn: “Thầy bận!” Sau này, tác giả khám phá ra các giảng sư không trực tiếp dịch từ bản chữ Hán đó mà trái lại, thường nương vào bản Trung luận của Phạm Chí Thanh Mục thích, La Thập dịch Hán. Mặt khác, bản dịch của Thượng tọa không dấy khởi một ý niệm nào về ý nghĩa nội dung của Trung luận vì không nắm vững đại ý, thiếu mạch lạc giữa các phần trong Luận. Tóm lại, bản dịch hoàn toàn không giúp ích tác giả hiểu biết thêm chút nào tập sách Triết học của Tuệ Sỹ. Chỉ còn cách duy nhất là tự mình dịch lấy, nghĩa là phải vất vả phiên âm trước bằng cách đếm nét của từng chữ rồi mới có thể sử dụng tự điển Hán Việt để dịch nghĩa.

Vừa mới bắt tay vào việc thời một cựu học sinh Khải Định, tú tài Hán văn, anh Lê Bá Hy, sau này thọ giới Tỳ kheo Tây tạng, và nay đã qua đời, đến thăm một cách rất đột ngột sau hơn 40 năm xa cách. Nhận thấy tác giả đang gặp khó khăn, anh tình nguyện giúp phiên âm Trung luận với sự giúp đỡ của một vị Cử nhân Hán học xưa mà anh quen biết ở Chicago. Lại thêm một bất ngờ khác nữa: anh chị Nguyễn Văn Bằng ở Maryland không báo trước gửi biếu quyển Hán Việt Tự điển của Thiều Chửu đặt mua từ Úc.

Sau này công việc phiên âm không còn khó khăn như trước nhờ ông Lê Quan Giảng, nguyên Thanh tra Giáo dục, thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa, tin cho biết trên Internet có trang web “http://www.petrus-tvk.com/ChuThich.html” dùng nhu liệu Hán Việt Chú Thích của Tiến sĩ Phạm Hải tra cứu Tự Điển Thiều Chửu trong chớp nhoáng. Điều kỳ lạ là đúng lúc biết được trang web này thời giáo sư Nguyễn Phụng, Đại học North Carolina, gửi tặng một bộ DVD, "Đại chánh tân tu Đại tạng kinh" điện tử, gồm từ quyển 1 đến quyển 85, do Trung hoa Điện tử Phật điển Hiệp hội (Chinese Buddhist Electronic Text Association, viết tắt là CBETA) xuất bản.

Phiên âm xong toàn bộ Trung luận thời một vấn đề nan giải xuất hiện. Dịch nghĩa từng chữ Hán là chuyện dễ, nhưng bây giờ làm thế nào để dịch đúng nghĩa các câu và toàn bộ Luận? Vào thời gian này, HT. Thích Thanh Từ có giảng Trung luận, ghi băng, nhưng không viết thành sách. Tuệ Sỹ giảng triết học về tánh Không nhưng không dịch toàn thể 27 Phẩm Trung luận. Theo tác giả, đó là bằng chứng không dễ gì dịch Trung luận.

Tác giả quyết định quay qua tham khảo các bản dịch Anh từ Phạn ngữ và đọc các học giả Phật giáo ngoại quốc viết về Ngài Long ThọTrung luận. Quả thật là một quyết định sáng suốt vì đưa tác giả vào sống trong và tương tác với một rừng tài liệu chuyên khảo vô giá gồm những công trình nghiên cứu, phân tích, và bình phẩm kinh luận Phật giáo trên mọi phương diện. Trong thời gian này tác giả biết được các học giả Tây phương công nhận Bồ tát Long Thọtriết gia Phật giáo quan trọng nhất và Trung luậntác phẩm trọng yếu của Ngài. Tuy nhiên ai cũng ta thán ý nghĩa căn bản của Trung luận trình bày quá khó hiểu, đến độ ai hiểu cách nấy. Chẳng hạn, luận chứng pháp của Ngài được Shayer ví với của Hegel, Stcherbatsky ví với của Kant, Murti với của Vedanta, Gudmundsen với của Wittgenstein, Magliola với của Derrida, Kalupahana ví với của phái kinh nghiệm luận và thực dụng luận, v.v…

Ngoài ra, tác giả học được một phương pháp tu đọc tạm gọi là Thiền độc, hay nói đơn giản, một phép tu Tuệ nhằm đọc hiểu dễ dàng các tài liệu Phật giáo quan tâm đến vấn đề tu chứng. Theo phương pháp này, người đọc cũng như tài liệu đọc đồng thời vừa tác động (kārana) vừa bị tác động (kārya). Khi người đọc là kārana (tác động), người đọc đặt câu hỏi phân tích nội dung tài liệu đọc, thời tài liệu đọc là kārya (bị tác động). Ngược lại, khi mỗi câu trong tài liệu đọc (tức người viết câu ấy) đặt câu hỏi “Ngài nghĩ sao về câu này?” thời tài liệu đọc là kārana và người đọc là kārya. Quan hệ giữa người đọc và tài liệu đọc là tổng hợp hai biến cố, hỏi và bị hỏi, xảy ra đồng thời và nghịch chiều (kārana <==> kārya). Bằng cách hỏi tài liệu đọc và cho phép tài liệu đọc đồng thời hỏi ngược lại mình, người đọc sử dụng tài liệu đọc như một tấm gương và có thể quán sát tâm của mình phản chiếu trên đó. Tự chứng (self-awareness) như vậy rất thiết yếu trong quá trình Thiền độc. Do đó, đọc là một hình thức đối thoại, một sự giao tiếp qua lại giữa người đọc và tài liệu đọc. Mọi tài liệu đọc trưng bày trước mắt người đọc một phương cách tu đọc riêng. Nhờ Thiền độc, lâu dần người đọc có thể khám phá cách tu đọc của người viết tài liệu đọc, không những đọc những gì, mà còn đọc như thế nào, tại sao đọc, và đọc nhằm mục đích gì. Cùng lúc, Thiền độc phát triển tỉnh thức nhận biết cách mình tu đọc và hơn thế nữa dùng tâm chuyển hóa tâm, thay đổi cách tu đọc đó. Như thế, chung cánh mục đích của Thiền độc là tự chuyển hóa.

Với kinh nghiệm học hỏi do tu đọc một số rất lớn tài liệu Anh ngữ viết về tánh Không và triết lý Trung quán và nhờ phép Thiền độc tác giả đọc hiểu dễ dàng Triết học về tánh Không của Tuệ Sỹ. Tập sách này trở nên sách gối đầu và sách tra cứu thường xuyên của tác giả. Nhưng trên hết, tập sách này đã dẫn tác giả đến cửa vào Đạo. Đây không phải là cửa theo nghĩa thông thường, mà là cửa Không. Đại thiện duyên! Qua một bản văn tác giả được khai tâm chỉ đạo, mong ngày nào gặp được Chân sư.

Bài học Phật đầu tiên, ‘Ngôn ngữ và Biện chứng’, viết xong chỉ trong một đêm, đêm Phật đản 2543. Tiếp theo xảy ra hai biến cố liên hệ. Một, bài được anh Cao Huy Thuần, một học sinh Khải Định 48-55 và nhà văn Phật giáo rất được yêu chuộng, nhân một dịp từ Pháp về thăm Huế mang về giới thiệu với HT. Thích Thiện Siêu, Viện trưởng Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Sau đó bài được đăng trong Tập Văn Nghiên cứu Phật học tại Việt Nam. Hai, bài được nhóm Phật học ở Louisville, Kentucky, chiếu cố và cho đăng trong Nguyệt San Phật Học tại Hoa kỳ.

Trong thời gian hai năm kế tiếp, các bài học Phật được viết đều đặn và gửi về HT. Thích Thiện Siêu để xin Ngài đọc và chỉ cho những điểm sai lầm. Vào năm 2001, nghe theo lời của Hòa thượng, tác giả thu tập tất cả bài viết lại thành tập ‘Nhận thức và Không tánh’. Trong khi trong nước sách được Hòa thượng giới thiệu và quý vị trong Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam giúp hoàn thành việc xuất bản thời ở hải ngoại, mặc dầu được độc giả Nguyệt san Phật Học ủng hộ tịnh tài đầy đủ, việc ấn tống bị trở ngại vì chưa tìm ra người có uy tín giới thiệu. Trong lúc đang bối rối, bỗng nhiên nhận được thư của chị Tâm Minh Vương Thúy Nga, một cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế, nhờ tác giả chỉ giùm thuyết sóng và hạt trong Vật lý hiện đại liên quan như thế nào với quan niệm ‘nhất thiết chủng tử như bộc lưu’ của Duy thức. Chị cho biết đó là đề Thầy Tuệ Sỹ ra cho chị làm bài theo chương trình Phật pháp bậc Lực của Gia đình Phật tử.

Chị Tâm Minh đâu có ngờ lá thư yêu cầu giúp đỡ của chị lại là lá thư ban sự giúp đỡ. Lại nữa, nó xác nhận thuyết ‘Đồng thời tương ưng’ của Carl Jung không viễn vông. Trả lời thư chị tác giả viết: “Tìm trong tất cả mấy cuốn sách mà tôi có hiện nay do Thầy (Tuệ Sỹ) viết, và tất cả các sách Duy thức học từ Đông qua Tây, không tìm đâu ra một đoạn nào nói chuyện về thuyết sóng và hạt. Thế mà Thầy bảo chị luận bàn ‘Nhứt thiết chủng tử như bộc lưu, so sánh với thuyết sóng và hạt trong Vật lý hiện đại’. Như vậy thời chị làm sao mà “xoay” cho nổi. Nếu chị không có cách giải thích thời chị có thể giúp tôi hỏi thẳng Thầy hay không? Nói thật với chị, cái đề tài đó làm tăng sự tin tưởng của tôi là Thầy quả có Trí Nhất thiết chủng (Omniscience).”

Ngay hôm sau (ngày 6 tháng 12 năm 2000) tác giả nhận được thư của Thầy Tuệ Sỹ. Lẽ cố nhiên Thầy giải đáp những thắc mắc tác giả viết trong thư gửi chị Tâm Minh. Ngoài ra, Thầy đặt vấn đề toán học miêu tả như thế nào sát na tâm hay hạt bīja trong dòng tương tục. Nhưng điểm quan trọng đối với tác giả trong thư của Thầy là sự Thầy đồng ý liên lạc với tác giả luận bàn những vấn đề toán học “chỉ trong giới hạn có quan hệ đến Phật học”. Nỗi vui mừng của tác giả được bộc lộ trong mấy dòng đầu của lá thư cảm ơn: “Đã ba năm nay, sau khi đọc quyển Triết học về tánh Không của Thầy, tôi hằng tâm niệm được gặp Thầy để học hỏi Phật pháp. Nhờ chị Vương Thúy Nga mà hôm nay tôi có thiện duyên lớn được hầu chuyện với Thầy. Xin Thầy nhận ở đây tấm lòng thành kính biết ơn của tôi luôn luôn ngưỡng mộ Thầy như một vị Bồ tát.”

Vào tháng hai năm sau, nhân chị Tâm Minh về Việt Nam ăn Tết, tác giả gửi chị đưa tận tay Thầy một bản sao ‘Nhận thức và Không tánh’. Sau khi Thầy cho biết “rất thích quyển sách” tác giả vội vàng xin Thầy gia ân viết lời giới thiệu. Thầy nhận lời nhưng thay vì giới thiệu Thầy viết ‘Tựa Nhận thức và tánh Không’ cho ấn bản in tại hải ngoại. Không bao lâu sau, HT Thích Thiện Siêu viên tịch và những bài học Phật từ đó phải nhờ Thầy đọc và phê phán. Thầy đương nhiên trở thành “Thầy tôi”. Khi tác giả xin chỉ giáo về bất cứ vấn đề gì, điểm đặc biệt của Thầy là khiêm tốn không muốn gây ấn tượng chính do Thầy dạy mà luôn luôn mượn một đoạn văn của kinh hay luận, không bàn thêm, để tác giả nương vào tùy tâm nhận định. Nếu không có sự ân cần khuyến khích, hướng dẫn, và chỉ giáo rất tận tụy của Thầy, thời chắc chắn không thể hình thành tập Tánh khởi và Duyên khởi năm 2003 và tập Nhân Quả Đồng thời trong năm nay.

Trong quá trình duyên khởi của tập Nhân quả Đồng thời lần này cũng như của hai tập học Phật trước, tác giả hằng nhớ đến sự tận tình giúp đỡ của quý vị trong Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam hoàn thành tốt đẹp việc xuất bản. Tác giả cũng thường xuyên được bạn đường hiền tài, Hà Lãnh, và bảy con khôn ngoan đức hạnh, Minh Hà, Việt Sơn, Việt Châu, Minh Phương, Hoài Nhơn, Việt Anh, và Minh Huyền, không ngớt khuyến khích và hỗ trợ tinh thần, rộng lượng tha thứ tội lỗi của tác giả suốt những năm qua chỉ biết miệt mài vào công việc học Phật, quên cả bổn phận làm chồng, làm cha, và làm ông.

Đến đây tạm chấm dứt câu chuyện dài dòng về quá trình học Phật của tác giả, một chuỗi biến cố tương phù có ý nghĩa như vừa kể trên. Xin quý vị khoan hồng lượng thứ sự thiếu khả năng kể hết tất cả nhân duyên học Phật của tác giả. Tác giả chân thành tạ ân chư thiện trí thức xa gần, từ trước đến nay, rộng lòng từ bi làm duyên phát sinh và phát triển động lực tu học của tác giả. Một lần nữa, tác giả hân hoan bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với Thầy Tuệ Sỹ, người đã chỉ cho thấy “một con đường cổ, con đường bao người trước đã đi qua.”

 

Hồng Dương Nguyễn Văn Hai
Vu Lan 2551
Yardley, Hoa Kỳ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 189049)
01/04/2012(Xem: 34548)
08/11/2018(Xem: 13440)
08/02/2015(Xem: 51658)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.