KHÁI NIỆM VỀ
"TÁM MỐI LO TOAN THẾ TỤC"
TRONG PHẬT GIÁO
Hoang Phong
Nhà xuất bản Phương Đông TP. Hồ Chí Minh 2011
"TÁM MỐI LO TOAN THẾ TỤC"
TRONG PHẬT GIÁO
Hoang Phong
Nhà xuất bản Phương Đông TP. Hồ Chí Minh 2011
NGƯỜI PHẬT GIÁO NHÌN VẠN VẬT NHƯ THẾ NÀO
Phật giáo giảng rằng mọi vật thể và mọi biến cố, tức mọi hiện tượng trong thế giới này là « ảo giác », « bản thể tối hậu » của chúng chỉ là « trống không ». Bản chất của tất cả những gì xảy ra chung quanh ta, trong đó kể cả bản thân và tâm thức của ta nữa, đều « không thật », tức « không hàm chứa bất cứ một sự hiện hữu tự tại hay nội tại nào cả ».
Vậy thế giới này đây, tức môi trường trong đó chúng ta đang sinh sống, thật sự là gì ? Chúng ta là ai ? Mọi sự vật và biến cố, tức mọi hiện tượng do đâu mà có, nguồn gốc của chúng là gì ?
Để giải đáp cho những câu hỏi trên đây, Phật giáo đã đưa ra hai khái niệm then chốt là « Tánh không » (Sunyata) của mọi vật thể và mọi biến cố và khái niệm về sự « tương liên, tương kết và tương tạo » của chúng. Tiếng Phạn gọi khái niệm tương liên là Pratiya samutpada, kinh sách gốc Hán dịch là nhân duyên sinh, duyên sinh, duyên khởi. Hai khái niệm nêu lên trên đây, Tánh không và nguyên lý tương liên, là những gì thật đặc thù và độc đáo của Phật giáo, bao hàm và liên kết cả hai lãnh vực hiểu biết : Khoa học và Triết học. Các học giả và triết gia Hy lạp, đồng thời hoặc sau Đức Phật một vài trăm năm, hình như đã chịu ít nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo. Tiêu biểu nhất là Héraclite (Hêrakleitos), khoảng 540-480 trước Tây lịch, chủ trương sự biến đổi không ngừng của mọi vật thể, những gì sống là đang chết, những gì chết sẽ trở thành sống, không có ai tắm hai lần trong cùng một dòng nước... Những phát biểu của Héraclite tuy gần với cái nhìn của Phật giáo về bản thể của thế giới này, nhưng chưa đủ để so sánh với những gì thật bao quát và thâm sâu của khái niệm về vô thường trong Đạo Phật.
Nếu không quan tâm đến một vài tương đồng thứ yếu giữa nền triết học cổ đại phương Tây và Phật giáo như vừa kể trên đây, và nếu chấp nhận hai nền Triết học Đông phương và Tây phương phát triển song hành và cách biệt nhau, thì cũng có thể nói là chưa có một học phái nào hay một triết gia Tây phương nào « nhìn thấy » được « bản chất trống không » và « nguyên lý tương liên » của mọi hiện tượng do Đức Phật chủ trương từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước. « Nguyên lý tương liên » và khái niệm về « Tánh không » chẳng những có thể giải thích được cách thức hiện hữu của mọi hiện tượng trong vũ trụ này trên phương diện Triết học siêu hình mà cả trên phương diện Khoa học nữa.
Những khái niệm trên đây làm trụ cột cho căn nhà Đạo Pháp và cũng là những gì khó nắm bắt và khó thấu triệt nhất trong nền Triết học Phật giáo. Có thể nói là cửa ải cam go nhất mà những người tu tập phải vượt qua. Nếu chưa vượt được của ải ấy, ít nhất là trên phương diện lý thuyết, thì có thể nói là người tu tập chưa lọt được vào cảnh giới của Đạo Pháp.
Tánh không và nguyên lý tương liên trên phương diện ngữ pháp
Tánh không tiếng Phạn gọi là Sunyata, chỉ định đặc tính hay bản chất trống không của mọi hiện tượng. Sunyata diễn đạt bằng ngôn từ Tây phương là « Vacuité » hay « Emptiness ». Tuy cách dịch này không gây ra khó khăn nào trên phương diên ngữ pháp, nhưng việc tìm hiểu ý nghĩa thâm sâu và vai tròn then chốt của Tánh không trong việc tu tập để đạt đến Giác ngộ và Giải thoát vẫn là một vấn đề thật gay go và tế nhị. Dù sao, quả thật hết sức quan trọng phải phân biệt Tánh không với hai thái cực của nó là chủ nghĩa Hư vô, còn gọi là Đoạn kiến (Néantisme, Nihilism) và chủ nghĩa Trường tồn hay Thường kiến, còn gọi là chủ nghĩa Tuyệt đối (Absolutisme, Eternalism). Một số triết gia và các nền tư tưởng phương Tây thường rơi vào một trong hai thái cực vừa kể.
Nếu như Tánh không hay Sunyata không đặt thành vấn đề trên phương diện ngữ pháp, thì nguyên lý về hiện tượng tương liên cần phải được định nghĩa và minh chứng rõ ràng hơn. Tiếng Phạn chỉ định khái niệm về sự tương liên của vạn vật là pratitya-samutpada. Các kinh sách gốc Hán dịch chữ này là : duyên khởi, duyên sinh, sinh duyên, sinh khởi, nhân duyên sinh.... Cách chuyển ngữ như thế không được chính xác lắm, có thể vì lý do ấy nên một vài kinh sách gốc Hán thường lẫn lộn khái niệm này với Mười hai nhân duyên (Thập nhị nhân duyên) mà tiếng Phạn gọi là Dvadasanidana hay Dvadasanga-pratityasamutpada. Nguyên lý tương liên chỉ định đặc tính hay bản chất của vạn vật, trong khi đó Mười hai nhân duyên chỉ định những mối liên hệ thúc đẩy và nối tiếp nhau từ vô minh đến cái chết, tức là quá trình của chu kỳ luân hồi.
Hiện tượng tương liên được dịch sang các ngôn ngữ Tây phương bằng chữ Interdependance, có nghĩa là « lệ thuộc lẫn nhau », chữ này chỉ định thật rõ ràng khái niệm về sự lệ thuộc, tương kết và tương tạo giữa mọi vật thể và mọi biến cố. Mười hai nhân duyên được dịch sang ngôn ngữ Tây phương là Mười hai mối dây liên kết, hay tương kết, dịch như thế có vẽ sát nghĩa hơn. Tóm lại, hiện tượng tương liên mang đặc tính « không gian », tức « trải rộng theo chiều ngang », trong khi đó Mười hai mối dây liên kết, tức thập nhị nhân duyên chỉ định sự liên kết của một chuỗi hiện tượng tiếp nối nhau từ vô minh đến cái chết, hàm chứa « đặc tính thời gian » nhiều hơn, « tức phân bố theo chiều dọc » của « trục thời gian ».
Tính cách kỳ diệu và lạ lùng của Tánh không
Trong một bài báo (Tạp chí Nouvel Observateur của Pháp, số đặc biệt về Phật giáo, tháng tư-tháng sáu 2003), ông Patrik Carré, một trong những học giả hàng đầu về Phật giáo của Pháp đã ghi lại lời phát biểu của một triết gia có tiếng, một chuyên gia về văn minh Phạn ngữ, là ông Guy Bugault, vào dịp viếng thăm nước Pháp lần đầu tiên của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma như sau :
« Trong lần viếng thăm nước Pháp lần đầu của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, và đấy cũng chính là dịp mà khái niệm về Tánh không [được nêu lên và] đã kích thích sự tò mò của tất cả các nhà báo : quả thật là kỳ diệu, và cũng có thể nói là khá lo âu, vì dù sao đấy cũng là một chướng ngại mà sự hiểu biết có thể vấp phải ».
Tiếp theo đó, để bình luận cho câu phát biểu trên đây, ông Patrick Carré đã viết như sau :
« Tánh không kích thích sự tò mò của các nhà báo Tây phương, quả thật là một điều đáng mừng. Nhưng tôi cũng tự hỏi tại sao Tánh không vẫn chưa lôi kéo được sự lưu tâm của các triết gia chúng ta, họ là những chuyên gia về bản thể con người, và chỉ biết nghiên cứu về hư vô. Chẳng qua họ chưa hề được biết thế nào là Tánh không đấy thôi.
« Quả thật là một khái niệm kỳ lạ, nếu như thế giới này và chính cái tôi, những thực thể đầy màu sắc đó, đang hiện diện, đang hiện hữu một cách không chối cải được, nhưng thật ra là không có, chỉ là hư không : thì phải điên rồ một cách thật tàn bạo mới dám chủ trương một sự phi lý đến như vậy ! Nhất định cái khái niệm đáng lo ngại ấy, cái chủ thuyết hư vô ấy của phương Đông, chắc chắn chỉ là « một trào lưu » mang tánh cách tạm thời trên xứ sở chúng ta mà thôi, vì nó đang tự vạch ra [cho nó] một lối đi trong khu rừng gồm toàn là những khái niệm rỗng tuếch [của chúng ta] để tìm ra một vị thế rõ rệt thiết lập trên một sự xác thực hoàn toàn mới mẻ ! ».
Sau đó ông Patrik Carré đã lưu ý là theo sự hiểu biết của chính ông từ kinh sách và trên thực tế, ông chưa hề thấy trên đất nước Ấn độ, Trung quốc, Tây tạng hay bất cứ một quốc gia Phật giáo nào, khi có một vị thầy thuyết giảng về Tánh không, lại không tức thời cảnh giác người đọc hay cử tọa rằng « Tánh không chẳng có một chút gì liên quan đến hư vô ». Thật vậy, Tánh không chỉ là một ngôn từ, một cách nói ẩn dụ, chỉ định một ý niệm thật « phóng khoáng, và tự do », một « sự thực tuyệt đối », thoát khỏi những khái niệm vể hiện hữu và phi hiện hữu, vượt lên trên hiện-thực và phi-hiện-thực.
Dù sao, những lời trích dẫn trên đây đã cho thấy học thuyết về Tánh không và quy luật về hiện tượng tương liên của Phật giáo đã làm kinh ngạc một số học giả Tây phương, và đồng thời cũng làm cho họ cảm thấy lo âu trước những khái niệm vô cùng bạo dạn, vượt lên trên những hiểu biết công thức và quy ước của chính họ, phá bỏ cách nhìn « cứng nhắc » của nền triết học và khoa học Tây phương về bản thể của vũ trụ này.
Sự thực quy ước và sự thực tuyệt đối
Trong một bối cảnh mà tất cả đều trống không, con người sẽ mất hết định hướng, không có gì để nương tựa, để chống đỡ, để trao đổi và giao tiếp. Vì thế con người cần phải có một sự thực hay một thế giới tương đối để sống, để tồn tại, để xây dựng, để trao đổi, để giao tiếp, để hiểu ngầm với nhau...có nghĩa là giúp cho mỗi cá nhân con người « cảm thấy » đang « hiện hữu ». Sự hiện hữu đó dựa trên những quy ước về lịch sử, địa lý, xã hội, ngôn ngữ, giáo dục..., và trong một lãnh vực giới hạn hơn, sự hiện hữu đó đã dựa vào những cảm nhận từ các giác cảm hạn hẹp của ta về thời gian, không gian và mọi vật thể cũng như mọi biến cố đang phát sinh và xảy ra trong môi trường chung quanh. Những sự thực quy ước đó, cái thế giới tương đối đó là những gì cần thiết để duy trì sự vận hành của chu kỳ luân hồi hay quá trình vận chuyển của sự sinh và cái chết, tức thế giới Ta-bà (Samsara). Người Phật giáo nhìn xa hơn và cao hơn cái thế giới tương đối và những sự thực quy ước như vừa kể.
Sự cần thiết phải có những công thức, những quy ước, những hiểu biết tương đối và tạm thời trong mục đích trao đổi, phát biểu, giao tiếp với nhau trong thế giới này đã đẩy con người vào một trạng thái u mê, thiếu hiểu biết, hay hiểu biết sai lệch về bản thể đích thực của hiện thực. Sự u mê và hiểu biết lầm lẫn đó Phật giáo gọi là Vô minh (Avidya). Nói một cách khác là sự hiểu biết dựa vào những cảm nhận của giác quan, vào các công thức và quy ước đều mang tính cách lừa phỉnh, ngăn cản không cho ta nhìn thấy sự thực tuyệt đối của hiện thực, tức sự thực tối thượng của mọi vật thể và mọi hiện tượng. Hiện tượng tương liên - tương tác cho thấy mọi vật thể và biến cố chỉ có tính cách nhất thời (vô thường), chỉ hiện hữu bằng điều kiện, chúng hoàn toàn không hiện hữu một cách độc lập, trường tồn, bất biến và nội tại. Trong tập luận « Bảy mươi tiết về Tánh không » (Sunyatasaptati), Long thọ đã viết như sau : « [Bất cứ] một thứ gì hiển hiện ra bằng cách lệ thuộc vào cái này và cái kia lại có thể phát sinh để tạo ra một thực thể mang tính cách độc lập ».
Do đó, sự thực tuyệt đối, còn gọi là sự thực tối hậu hay tối thượng trong Phật giáo là một sự thực vượt lên trên những quy ước xử dụng trong việc trao đổi và giao tiếp, sự thực đó thoát khỏi mọi điều kiện tương liên, tương kết và tương tạo của thực tại. Sự thực tuyệt đối ấy chính là bản chất đích thực của mọi hiện tượng, là Tánh không của vạn vật trong thế giới này.
Vậy cách nhìn của người Phật giáo về vạn vật trong vũ trụ chính là sự quán thấy tính cách vô thường, biến động và bản chất không thật của mọi vật thể và biến cố, chúng bắt buộc phải dựa vào các hiện tượng tương liên và tương tạo để hiện hữu. Nhìn thấy bản chất tương liên và lệ thuộc ấy của mọi hiện tượng tức là quán nhận được Tánh không của chúng : chúng không « độc lập » và không phải là những thực thể tuyệt đối, vì luôn luôn phải liên kết với những hiện tượng khác làm điều kiện tất yếu để hiện hữu, thiếu những hiện tượng khác làm điều kiện chúng sẽ biến mất.
Phật giáo còn gọi Tánh không như vừa mô tả trên đây là sự Tinh khiết, và tất cả những gì đối nghịch với sự Tinh khiết thì gọi là Ô nhiễm, tức là những gì mang tính cách cấu hợp, biến động và phân hủy. Quán nhận được sự Tinh khiết hay Tánh không của mọi hiện tượng gọi là Giác ngộ. Nói cách khác, Giác ngộ chính là cách nhìn trực tiếp vào bản chất đích thực của vạn vật.
Kết luận
Trên đây là những gì mang tính cách lý thuyết liên quan đến cách nhìn vạn vật theo quan điểm Phật giáo. Nhưng tu tập để đạt được cách nhìn đúng đắn trước những biến động của vạn vật để làm gì ? Khi nhận thấy bản chất vô thường và không thật của mọi vật thể và biến cố, ta sẽ hoá giải được tất cả mọi lo âu, thắc mắc về thế giới này, tránh khỏi những tham lam và bám víu vào những gì luôn luôn biến động, vô thường và không thật. Sự quán thấy ấy sẽ đem đến cho ta hạnh phúc, an bình, sự trong sáng và phẳng lặng trong tâm thức, và hậu quả đương nhiên của thế dạng ấy trong tâm thức là lòng từ bi vô biên sẽ phát sinh trong ta khi ta nhìn thấy các chúng sinh khác còn đang bám víu vào những ảo giác của vạn vật và xem đấy là những thực thể vững bền. Cách nhìn sai lầm về thực thể của vạn vật, xem chúng là những thực thể vững bền để bám víu, chính là nguồn gốc của khổ đau và nguyên nhân đưa đến sự vướng mắc trong thế giới luân hồi. Một đại sư Tây tạng là ngài Kunzang Palden (1870-1940) trong một tập luận về Văn-thù Sư-lị, có viết như sau : « Khi nhận biết được thực thể của mọi hiện tượng, ta không thể nào không cảm nhận được lòng từ bi trỗi dậy trong ta trước cảnh chúng sinh có giác cảm đang vướng mắc trong thế giới Ta-bà, bởi vì những chúng sinh ấy tin vào sự hiện thực của mọi hiện tượng ». Tu tập để quán thấy bản chất vô thường của hiện thực để phát lộ lòng từ bi vô biên chính là con đường của người Bồ-tát, con đường thênh thang của sự Giải thoát.