Thư Viện Hoa Sen

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (5)

20/09/201410:09 SA(Xem: 13065)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (5)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014
 
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (5)


Rộng làm những việc phúc thiện, tích âm đức, thấu tận lòng trời
Giảng rộng
Trong văn trước, từ chỗ “chưa từng bạo ngược với dân” đến đây là 5 câu, đều nói những việc mà Đế Quân đã làm, tích tụ âm đức, nhưng thật ra không thể nào kể hết được, nên dùng hai chữ “rộng làm” là để nói khái quát hết thảy. 
Nguyên bản dùng chữ “âm chất” (陰騭), nguyên có xuất xứ từ thiên Hồng Phạm (洪范) trong sách Thượng Thư (尚書). Căn cứ theo chú thích của Sái Trầm (蔡沈) đời Tống thì đó là những việc đã “mặc định” (默定), nghĩa là trong chỗ u mặc âm thầm, con người không thấy không biết, nhưng đã có sự âm thầm định đoạt quyết định sự việc phải như thế. Nhưng theo nghĩa ấy thì không thích hợp với câu văn ở đây, mà nên hiểu nghĩa là “âm đức” (阴德) mới đúng. 
Nguyên bản dùng chữ “thương khung” (蒼穹), nghĩa là “cao xanh”, để chỉ trời cao. Chữ “thương” (蒼) nói về màu sắc, chữ “khung” (穹) nói về sự cao rộng. Nếu nói theo màu sắc, như cung điện mà chư thiên ở, thì hợp với chữ “thương”, vì trong kinh nói là có màu lấp lánh như ngọc lưu ly xanh. Nếu nói theo hình thể đo lường cao rộng, thì hợp với chữ “khung”, vì như tầng trời Đao-lợi quả thật cách mặt đất chúng ta đến 84. 000 do-tuần. 
Trưng dẫn sự tích 
Làm vị quan tốt ở Thanh Hà
Đế Quân kể rằng: Ta từ sau khi lìa bỏ đường ác, sinh ra tại nước Triệu làm con trai Trương Vũ, được đặt tên là Trương Huân, sau trưởng thành làm huyện lệnh Thanh Hà
Ta từ lúc làm quan luôn giữ tâm sáng suốt, khoan hậu nhân từ, không nỡ xem thường kẻ dưới; đối với thuộc cấp như bạn hữu, đối với dân chúng như người thân trong gia đình. Thuộc cấp có điều sai trái lầm lạc, ta giúp sửa đổi cho chính đáng; đối với người lười nhác giải đãi thì dùng lời khích lệ, khuyên bảo; đối với người thô lỗ cộc cằn thì nhẫn nại dạy dỗ, khiến cho cải hối; đối với kẻ quỷ quyệt xảo trá thì tra xét tận tường, làm rõ tất cả; đối với kẻ so đo hơn thiệt chuyện bổng lộc thì đem đạo nghĩa ra dạy dỗ; đối với kẻ tranh biện chê bai chuyện lễ nghĩa pháp chế thì đem lẽ tình cảm mà hiểu dụ; đối với kẻ giặc loạn trộm cướp, ta liền làm rõ mà bắt phải bồi hoàn tiền bạc đúng mực; đối với kẻ gây thương tổn cho người khác, ta bắt phải nhận lỗibồi thường thiệt hại; đối với kẻ lần đầu phạm lỗi có thể khoan dung, ta khuyên răn rồi tha thứ; đối với kẻ phạm tội không xuất phát từ bản tâm có thể dung thứ, ta cũng tha bổng; cạn hết lời lẽ, dốc hết sức lực mà dạy dỗ răn nhắc mọi người noi theo đạo lý, phép tắc. Nếu như xảy ra sơ xuất trong việc xử án kết tội, có người vì thế chê bai là dung túng kẻ xấu, ta đều chấp nhận lắng nghe. 
Ta giữ chức huyện lệnh trong 5 năm, mưa thuận gió hòa, dịch bệnh không phát sinh, dân chúng mỗi khi cúng tế trời đất đều xưng tán ngợi khen ta. 
Lời bàn
Đời nhà Hán có nhiều vị quan tốt, nhưng liệu có ai được từ hòa, thương yêu chia sẻ nỗi khổ của dân, đau xót với nỗi đau của dân như Đế Quân chăng? Khảo cứu trong thư tịch ghi chép về quan lại, chỉ thấy có Trương Vũ là ông quan tà vạy hư hỏng, không thấy nói đến người con là Trương Huân làm quan đức độ, vậy thư tịch ghi chép liệu có nên tin tưởng hoàn toàn được chăng?
Đại tiên núi Tuyết Sơn
Đế Quân kể rằng: Ta vào triều Chu U Vương, do thẳng thắn can giánbị bắt tội chết, hồn phách không có chỗ về, lẩn quất nơi cung điện than khóc trong 3 ngày. Vua nghe tiếng khóc cho là yêu quái, lệnh cho quan Đình thị cứ nghe theo tiếng kêu khóc mà bắn tên. Ta khi ấy mới bỏ nước của U Vương mà đi, một lòng hướng về phương tây. 
Ta đi qua Mân sơn, Nga Mi sơn, rồi rời xa đất Thục, bay vượt qua nhiều ngọn núi cao vút, xa trông về hướng tây thấy có một đỉnh núi, vừa cao vừa rộng ước đến hơn trăm dặm, tuyết phủ giá lạnh, thật không phải cảnh nơi trần thế. Sơn thần là Bạch Huy nói với ta: “Núi ấy tên là Tuyết Sơn. Xưa đức Đa Bảo Như Lai tu hành ở đó, qua 8 năm thì thành đạo, sao ông không lưu lại nơi núi ấy?”
Ta nghe theo lời sơn thần, ở lại núi ấy. Không lâu sau Ngọc Đế có chỉ ban xuống phong ta làm Tuyết Sơn Đại tiên
Lời bàn
Đế Quân chấp chưởng việc khoa bảng của nhân gian, ngang hàng với chư tiên, đều nhờ những việc làm phúc thiện thật sự thấu tận lòng trời, chỉ riêng một việc này khác biệt. 
Những người được Ngọc Đế ban phong, đều phải nghe theo mệnh trời. Trời đã có thể ban cho vinh hiển, thì cũng có thể bắt phải bần tiện. Chỉ riêng bậc tu hành xuất thế, hoặc được vãng sinh về Tây phương Tịnh độ, hoặc tạm tái sinh nơi các cõi trời Tứ thiền thuộc Sắc giới, mới có thể tự do tự tại, không phải nghe theo mệnh lệnh từ Ngọc Đế. 
Nếu ai có thể giữ tâm hiền thiện như ta
Giảng rộng
Trước hết phải hiểu rõ ý nghĩa của hai chữ “giữ tâm”, sau đó mới giảng đến ý nghĩa “có thể như ta”. Hơn nữa, trước hết cần hiểu được “tâm” là gì, sau đó mới xét lại ý nghĩa của việc “giữ tâm” với “không giữ tâm”. Cũng giống như dạy người giữ gìn vật báu thì trước hết phải chỉ rõ vật báu ở đâu. 
Sự phân biệt giữa “lòng người” với “tâm đạo”, từ xưa đến nay trong đạo Nho được các bậc hiền thánh truyền nối cho nhau, xem đó là mạng mạch chân chính. Nhà Nho nói rằng: “Đạo là cội nguồn lớn lao phát xuất từ trời”, nhưng bất quá đó cũng chỉ là một cách nói rất mơ hồ, trừu tượng, lại cũng không phải là tông chỉ của cái gọi là “đạo” theo như từ Khổng, Nhan truyền lại. Thế mà các nhà Nho lại có ý báng bổ đạo Phật, hoàn toàn vô cớ tự đưa ra thuyết “Phật gốc ở tâm, Nho gốc ở trời”, đâu biết rằng như vậy là đã tự hủy hoại đi chính cái “tâm học” rất uyên áo sâu sắc ban đầu của Nho giáo, tự nguyện mang bảo vật quý giá nhất của đạo Nho mà quy về cho đạo Phật, thật hết sức đáng tiếc. Lại có những kẻ hậu học mù mịt không hiểu biết, lại hùa theo thuyết ấy mà phụ họa. Biết bao giờ mới có được bậc đại thánh hiền đủ sức chấn chỉnh sự sai lầm như thế?
Học vấn thánh hiền truyền dạy, không ngoài việc giúp ta được tâm tự do tự tại, thoát khỏi mọi sự ràng buộc. Tâm đã thoát khỏi mọi ràng buộc, có ai còn trở lại cầu điều chi nữa? Một tâm cầu, một tâm thoát, dường như là có hai tâm riêng biệt. Nếu không có hai tâm riêng biệt, sao lại phân biệt gọi là cầu với thoát? Chính ở chỗ này phải tận lực nghiên cứu nghiền ngẫm, không thể chỉ xem xét qua loa mà được. 
Nho giáo luận về tâm, đạt đến thuyết “rỗng rang sáng suốt không mê mờ, trọn đủ lý lẽ, ứng hóa thành vạn sự”, có thể xem là tinh vi thuần khiết đến mức cùng cực. Thế nhưng, ý tưởng đó vốn có xuất xứ từ những giảng giải trong các kinh Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm của đạo Phật. Xét từ sau thời Khổng Tử, Mạnh Tử cho đến trước thời Trình Hạo, Trình Di, Chu Đôn Di, thì trong Nho giáo không hề có thuyết này. Chu Hy phát khởi thuyết này, có thể xem là có công đóng góp cho Nho gia
Năm 18 tuổi, Chu Hy tìm đến theo học với Lưu Bình Sơn. Lưu Bình Sơn có ý cho rằng ông muốn theo đường khoa cử công danh, liền bảo mở rương sách của ông ra xem, chỉ thấy trong đó duy nhất một bộ Đại Huệ Thiền sư ngữ lục (大慧禪師語錄), không còn gì khác. Chu Hy thường cùng Lữ Đông Lai và Trương Nam Hiên tìm đến tham bái nhiều vị thiền lão thạc đức khắp nơi, riêng đối với thiền sư Đạo Khiêm có quan hệ hết sức mật thiết. Ngài Đạo Khiêm nhiều lần khai thị, thường răn nhắc cảnh tỉnh ông trong sự tu tập. Vì thế, trong những chú thích, giảng giải của Chu Hy về các sách Đại học, Trung dung, khi luận về tâm tánh thì phần cốt yếu đều rất gần với tư tưởng của nhà thiền. Chu Hy về già sống ẩn dật trong nhà tranh vách đất, thường tụng kinh Phật, có sáng tác tập thơ “Trai cư tụng kinh” (齋居誦經詩). Nếu nói rằng Chu Hy hoàn toàn không biết đến kinh Phật thì quả là sai lầm
Luận giải về tâm
Tâm không ở trong
Những người mê muội thường cho rằng tâm ở trong thân này, đó chỉ là do nhận lầm cái tâm thuộc về lục phủ ngũ tạng bên trong cơ thể là tâm, hay trái tim, lại cho đó chính là thể rỗng rang linh diệu, mà không biết rằng có một tâm hữu hình, hay trái tim, tùy thuộc thân xác này thường sinh thường tử, lại có một tâm vô hình, hay tâm thức, không tùy thuộc thân xác này nên không có sinh tử
Tâm hữu hình, hay trái tim, ở trong thân thể, còn tâm vô hình, hay tâm thức, không ở trong thân thể. Nếu như nói hai tâm ấy chỉ là một, ắt là tâm nhân từ thương dân của Nghiêu, Thuấn với tâm bạo ngược ác độc của Kiệt, Trụ phải cách xa nhau như trời với đất. Lại vì sao cùng mắc phải tâm bệnh, mà có trường hợp phải chẩn đoán dùng thuốc men, có trường hợp lại phải dùng các phương pháp điều trị tâm lý? Do đó mà biết là cái tâm cần phải dùng thuốc men với cái tâm thiện ác vốn rõ ràng là hai tâm khác nhau. 
Tâm không ở ngoài

Lại có người ngờ rằng, cái tâm hữu hình kia đã chẳng phải tâm thức, ắt hẳn cái khả năng thấy, khả năng biết của ta chính là tâm. Nhưng những đối tượng của sự thấy, biết đều là ở bên ngoài, như vậy cho thấy cái tâm có thể thấy, có thể biết đó cũng ở bên ngoài. Những người này thường ví như việc nhắm mắt quay nhìn bên trong không thấy, chỉ có khả năng nhìn thấy những vật đối diện mình, không thể từ những chỗ bên trong như chân mi, đáy mắt, da mặt mà tự thấy được hình thể. Lại ví như thân ở bên ngoài căn nhà, tất nhiên chỉ có thể nhìn thấy được tường vách, cửa sổ... từ bên ngoài, mà không thể từ ngoài nhìn vào thấy được những chỗ ẩn khuất bên trong. Xin thưa, không đúng như thế. Cái khả năng biết khổ, biết đau, chính là tâm ta. Như người khác uống vị thuốc hoàng liên, ta không thể cảm thấy đắng miệng; như muỗi chích trên da thịt, ta liền kêu đau, vậy có thể nói rằng tâm ở bên ngoài được chăng?
Tâm không ở khoảng giữa
Lại có người ngờ rằng, tâm đã chẳng ở trong, cũng chẳng ở ngoài, vậy nhất định là nó có lúc vào trong, có lúc ra ngoài, nên phải ở nơi khoảng giữa. Xin thưa, không đúng như thế. Nếu có vào ra, tức chẳng phải ở khoảng giữa. Nếu xác định ở khoảng giữa, ắt không có vào ra. Hơn nữa, biết dựa vào đâu mà gọi là khoảng giữa? Nếu cho rằng khoảng giữa đó nằm bên trong da, thì vẫn giống như thuyết cũ là tâm ở bên trong. Nếu cho rằng khoảng giữa đó nằm bên ngoài da, thì vẫn giống như thuyết cũ là tâm ở bên ngoài. Lại tiến xa hơn để tìm khoảng giữa, thì bất quá trong các nếp nhăn của da cũng chỉ là những cáu ghét dơ bẩn, đó lại là tâm của ta được sao?
Tâm không phải vừa có hiện hữu, vừa không hiện hữu
Hoặc có người nói rằng: “Nếu tâm không hiện hữu, ắt là nhìn không thể thấy, nghe không thể nghe, ăn cũng chẳng biết mùi vị. Còn nếu như nhìn có thể thấy, nghe có thể nghe, ăn có thể biết được mùi vị, đó tức là tâm có hiện hữu. Như vậy, tất nhiên là tâm phải vừa có hiện hữu, vừa không hiện hữu?”
Đáp rằng: “Sáu thức đó, chẳng phải là tâm. Ví như khi nhìn thấy người con gái đẹp, tâm liền khởi sinh ái nhiễm, đó là do con mắt (nhãn căn) với hình sắc (sắc trần) tiếp xúc nhau mà thành nhận biết (nhãn thức). Nghe nói đến trái mơ chua thì tự nhiên sinh nước dãi trong miệng, đó là do lưỡi và vị chua tương cảm với nhau mà thành thức. Từ nơi rất cao nhìn xuống thấp, hai chân tự nhiên run rẩy, đó là do thân với cảm xúc thúc bách nhau mà thành thức. Nếu nhận những thức ấy là thể tánh rỗng rang linh diệu không mê muội của tâm, đó là sai chỉ hào ly mà lệch đi ngàn dặm. Người xưa nói rằng:
Cội nguồn sinh tử trong muôn kiếp, 
Người mê không biết nhận chân tâm
Chính là nói đến ý nghĩa này. 
Tâm bao trùm hư không
Trong kinh Lăng nghiêm, đức Phật bảo ngài A-nan rằng: “Cả mười phương hư không sinh khởi trong tâm ông, chẳng qua cũng chỉ như đám mây nhỏ điểm giữa bầu trời mênh mông.”
Đức Phật bảo ngài A-nan bảy lần chỉ ra nơi chốn của tâm; bảy lần hỏi, bảy lần đáp, phá sạch tất cả những nhận thức sai lầm hư vọng, sau đó mới dần dần hiển lộ chân tâm nhiệm mầu sáng suốt, khiến cho ngài A-nan được nhất thời tỏ ngộ, có thể nói là một cuộc hiển bày hết sức tường tận sâu xa uyên áo
Lời bàn
Chữ “tâm” vốn dĩ đã mang nghĩa mơ hồ không rõ rệt, chữ “giữ” lại càng không xác định. Nếu vẫn quyết lòng phải nói ra cho rõ cái ý nghĩa “giữ tâm”, hẳn chỉ càng thêm sai lệch, chỉ nên hướng đến những việc từ “chưa từng bạo ngược với dân” cũng như “cứu người lúc nguy nan” v.v... mà hiểu rằng đó là chỗ “giữ tâm hiền thiện” của Đế Quân, liền cung kính nỗ lực làm theo như vậy là được. 
Ắt được trời ban phước lành
Giảng rộng
Câu trên nói “giữ tâm hiền thiện như ta”, đó là nhân; câu này nói “trời ban phước lành”, đó là quả. Chữ “ắt được” có nghĩa xác quyết, như người trồng dưa ắt được hái dưa, trồng đậu ắt được hái đậu, nhất định không thể có mảy may sai lệch. Hoàn toàn không phải như thuyết của những kẻ uổng đọc sách thánh hiền, rằng: “Ý trời tự muôn thuở có thể biết; ý trời trong đời suy mạt này không thể biết.” 
Chữ “trời” có thể chỉ hình sắc thể chất nhìn thấy, tức là bầu trời; cũng có thể chỉ vị chủ tể của vạn vật. Khi dùng chỉ vị chủ tể của vạn vật, thì “trời” có nghĩa là thượng đế chí tôn, hay Ngọc Đế. Các nhà Nho về sau tránh né không muốn dùng danh xưng “thượng đế”, nên dùng chữ “lý” (理) để thay thế, nhưng chữ ấy thật chưa đủ nghĩa. Bởi vì người đời nói đến “thượng đế” đều có ý kính sợ, nếu chỉ dùng một chữ “lý” để thay, đâu có ai kính sợ?
Ví như có người con gái xinh đẹp trong căn phòng kín. Có người bước vào phòng ấy, tâm ham muốn nhục dục bỗng dưng bùng phát. Chợt nghe có người bảo rằng: “Trong phòng này có thánh tượng của Ngọc Hoàng Thượng Đế, cô gái ấy đến đây để dâng hương.” Khi ấy, cho dù là kẻ cực kỳ xấu ác ắt cũng phải sinh lòng kính sợ, chưa hẳn ở ngay trước tượng Ngọc Đế mà dám buông thả làm càn. Nhưng nếu thay vì thế lại nghe có người bảo rằng: “Nếu ông làm việc càn rỡ như thế là hoàn toàn không theo đúng lý. Mà trái nghịch với lý, tức là đắc tội với chính danh thánh giáo, không thể gọi là người quân tử.” Thử hỏi người ấy trong lúc lòng ham muốn nhục dục đang bùng phát mạnh mẽ, có thể nghe qua lời ấy mà đột nhiên dập tắt ngay chăng?
Cho nên biết rằng, việc dùng chữ “trời” để chỉ Ngọc Đế có thể khuyên răn giáo hóa người học, thật là có công với Nho giáo. Nếu chỉ dùng một chữ “lý” mà nói, ấy là mở tung cánh cửa buông thả không còn e dè sợ sệt cho người trong thiên hạ, nên không thể dùng đó mà dạy dỗ giáo huấn được. Nên người xưa có lời rằng: “Người người đều biết kính sợ vâng theo đạo lý, đó là đầu mối để thiên hạ được an trị. Người người đều không biết e dè sợ sệt, đó là đầu mối khiến thiên hạ đại loạn.”
Huống gì trong thế gian này, muôn sự muôn vật đều không chỗ nào ra ngoài chữ lý. Nếu nói “trời” là lý, thì “tính” cũng là lý; các nhà Nho gọi mệnh trời là “tính”, rốt lại thì “lý mệnh” cũng gọi là lý. Suy xét ra như vậy thật không thể không bật cười. 
Đời Tống, tiên sinh Lục Tượng Sơn năm lên 6 tuổi, một hôm bỗng khởi sinh thắc mắc không biết tận cùng của vũ trụ trời đất này là nơi đâu. Suy nghĩ mãi về điều này đến nỗi suốt đêm không ngủ được. Đến khi đã thành một ông già tóc bạc, mỗi ngày vẫn luôn suy nghĩ mà không biết “ông trời” mình vẫn đội trên đầu đó thật ra là gì, lại có thể an bày sắp xếp hết thảy các loại hữu tình có sinh mạng như thế. 
Tiên sinh Y Xuyên tham vấn Thiệu Khang Tiết, chỉ cái bàn ăn trước mặt mà hỏi: “Như cái bàn này là nằm trên mặt đất; không biết cả vũ trụ trời đất này thật ra là nằm ở đâu?” Thiệu Khang Tiết hết lời luận giải lý lẽ về trời đất vạn vật cùng với lục hợp. Y Xuyên kinh hãi thán phục rằng: “Trong đời ta xưa nay chỉ được biết duy nhất có Chu Mậu Thúc biện luận được đến như thế này.” 
Than ôi, ai dám nói chắc rằng các bậc đại nho xưa không hề để tâm nghiên cứu về vũ trụ trời đất? Con phù du tuy không biết đến sáng tối trong ngày, con ve sầu tuy chẳng biết được xuân thu trong năm, nhưng cái chu kỳ sáng tối với bốn mùa có bao giờ lại vì thế mà mất đi chăng? Thế nên phải biết rằng, trong Ba cõi quả thật có 28 cảnh trời, rất nên phụ đính vào đây sau các thuyết của Liêm Khê, Khang Tiết, để giúp cho những ai có sự thắc mắc cầu học giống như tiên sinh Y Xuyên cũng có thể tìm được lời giải thích
Tên gọi các cảnh trời
Sáu cảnh trời thuộc cõi Dục
Kể từ bên dưới tầng đất nước của thế gian trở lên cho đến cảnh trời Tha hóa tự tại đều gọi chung là cõi Dục, vì chúng sinh trong cõi này đều có tham dục. Từ dưới đếm lên có cả thảy sáu cảnh trời tuần tự kể ra như sau:
1. Cảnh trời Tứ vương (四王天 - Tứ vương thiên)
Do bốn vị Đại thiên vương phân chia cai quản bốn Đại bộ châu, mỗi châu rộng 42.000 do-tuần. Cung điện cư trú của mỗi vị đều nằm trong phạm vi của một mặt trời, một mặt trăng
2. Cảnh trời Đao-lợi (忉利天 - Đao-lợi thiên)
Tiếng Phạn Trāyastrṃśa, dịch âm là Đao-lợi, mang nghĩa là ba mươi ba, nên cũng gọi là cảnh trời 33 (Tam thập tam thiên). Giữa trung tâm là nơi cư trú của vị Đế Thích, tám phương chung quanh, mỗi phương đều có bốn vị Đại thần phụ giúp, hợp thành đủ số 33 nên có tên gọi như vậy, không phải là từ dưới lên trên có 33 tầng trời. Từ mặt đất lên đến cảnh trời Đao-lợi là 84.000 do-tuần. 
3. Cảnh trời Dạ-ma (夜摩天 - Dạ-ma thiên)
Từ cảnh trời này trở lên, những người tu tiên không hề biết đến, nên các sách của Đạo gia không nhắc đến các tên này. 
4. Cảnh trời Đâu-suất (兜率天 - Đâu-suất thiên)
5. Cảnh trời Hóa Lạc (化樂天 - Hóa Lạc thiên)
6. Cảnh trời Tha Hóa Tự Tại (他化自在天 - Tha Hóa Tự Tại thiên)
Sáu cảnh trời này, trải qua thời gian mỗi một kiếp rồi đều sẽ bị nạn lửa hủy hoại. Trong thời gian tồn tại thì thọ mạng dài ngắn cho đến cung điện thành ấp như thế nào, hình thể, y phục nặng nhẹ ra sao, đều có ghi rõ trong Đại tạng kinh, ở đây không thể kể ra hết. 
Lời bàn
Đế Quân nói rằng “ắt được trời ban phước lành”, như vậy là ai ban? Chính là vị Đao-lợi Thiên vương. Nho gia tôn xưng là Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đạo gia tôn xưng là Ngọc Đế hoặc Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn, trong kinh Phật thường gọi là Tam thập tam Thiên vương, hoặc Đế Thích, hoặc Thích-đề-hoàn-nhân, thật ra cũng chỉ đến một vị thượng đế, có quyền uy thống nhiếp hết bốn vị Đại thiên vương
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 191505)
01/04/2012(Xem: 37102)
08/11/2018(Xem: 15728)
08/02/2015(Xem: 54944)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: