HẬU ĐỀ: Thánh kinh Văn học Hậu hiện đại John R. Mabry thẩm bình, Phật Điển Hành Tư dịch

18/07/20224:44 SA(Xem: 1744)
HẬU ĐỀ: Thánh kinh Văn học Hậu hiện đại John R. Mabry thẩm bình, Phật Điển Hành Tư dịch

HẬU ĐỀ
_______________________________________
HUYỀN LINH TÂM PHÁP
 Hành trình Chứng Đạo
của Thiền sư  Nikos Kazantzakis 
Saviors of God as Post-Modern Scripture
Những vị Cứu tinh của Chúa, quyển Kinh Thánh
của Văn học Hậu Hiện đại.
John R. Mabry viết, 1994.
Phật Điển Hành Tư dịch, 2012.

 

Ồ, đây là tôi, đứng ngay trước cửa nhà mình, và năn nỉ;
Còn Chúa đứng bên ngoài cửa khẩn cầu, xin được xót thương!” (trích Nikos Kazantzakis, The Odysseya Modern Sequel (1)[1]

 

Nếu có một tác phẩm nào ở thế kỷ 20 này xứng đáng được xưng tụng là “Thánh kinh”,[2] thì đó là quyển The Saviors of God của Nikos Kazantzakis. Đây không phải là một tác phẩm cố tình thêu dệt huyền thoại [về Chúa] như Thus Spake Zarathustra của Nietzsche,[3] cũng không phải là ảo giác được tạo dựng một cách công phu khó hiểu như Finnigan's Wake của James Joyce.[4] Trong The Saviors of God,[5] Kazantzakis, giống như nhà tiên tri Ezekiel[6] và thánh St. John[7] trước kia, đã thoáng thấy được tánh linh,[8] và say mê bởi trạng thái xuất thần nhập định này, đã cố công hết sức làm cho khải thị này được toàn thế giới biết đến.

Kazantzakis sanh tại đảo Crete năm 1883, và mất tại Đức năm 1957, tinh thông bảy thứ ngôn ngữ, và nổi danh thế giới như là một trong những bảo vật văn học tài danh nhất thế giới. Ông vang danh với quyển Zorba the Greek và The Last Temptation of Christ, trong đó, cũng như trong các tác phẩm khác, – mà đáng kể nhất là The Saviors of God – ông là người đại biểu cho công cuộc kiếm tìm Chúa và tánh linh cá nhân trong thời văn học hậu-hiện đại.[9] Trong Report to El Greco, ông viết:

 “Trọn đời tôi, tôi luôn bị dằn vật bởi khối óc lúc nào cũng căng thẳng cùng cực, đến độ bắt đầu nứt nẻ ra, để mà tạo nên một tư tưởng vĩ đại làm ý nghĩa mới về sự sống, một ý nghĩa mới về sự chết, và để mà an ủi nhân loại.” (2)

Dằn vật vốn dĩ là cuộc đời của ông. Tiểu sử của ông đọc giống như là cuộc đấu vật bất phân thắng bại giữa Jacob[10] và thiên thần. Ông phải đối diện, vào cuối hai thập niên đầu của thế kỷ 20, trước một thế giới bấy giờ đang lạng quạng đi tìm ý nghĩa và phương hướng. Như John Fitting mô tả: “Ông có cảm tưởng rằng, thời đại của ông, ở thập niên 1920’, là một thời đại của phá vở, thiếu mất chỉ đạo về đạo đức và tâm linh. Với ý tưởng ‘Chúa đã chết’,[11] còn huyền thoại thì không linh nghiệmcon người lều bều, lạc lỏng giữa trần gian. Ông không có đức tin để giải thích tình trạng đó, và không có nguồn đạo đức nào để hướng dẫn những hành động của mình.” (3)

Bản tánh thích chủ nghĩa xã hội, Kazantzakis vô cùng dao động trước những phong trào xã hội bị chánh trị hóa đương thời, đến nỗi mất hết niềm tin, từ đó, ông cố gắng tổng họp những gì ông lượm lặt trong chủ nghĩa xã hội với “đức tin về Chúa” để có thể chuyển hóa cả hai thành một “tâm linh tánh” mới. (4)

          Theo Friar, ông sống trong nổi dằn vật đó với vũ khí duy nhất là cây viết và tờ giấy, gắn sức để làm trong sạch văn phong, ôm giấc mơ về một “thần học mới, một tôn giáo mới vốn dĩ có thể hạ bệ vị Chúa độc tôn thần quyền của Ki-tô giáo để thay thế bằng một học thuyết về thanh lọc vật chất một cách tiến hóa và thuộc tinh thần.” (5)[12]

Ảnh Hưởng

          Dĩ nhiên, không phải các tư tưởng của ông đều mới lạ, mà, chính công cuộc tổng hợp những tư tưởng tãn mác đó đây của đương đại mới chính là của ông. Ba người có ảnh hưởng lớn đối với ông, qua phân biện trong The Saviors of God, là Henri Bergson,[13] Frederick Nietzsche[14] và Phật Cù Đàm (Gautama Buddha).

Henri Bergson là triết gia và nhà vật lý người Pháp, sáng tác nhiều tác phẩm vào khoảng đầu thế kỷ 20 này. Sahakian mô tả ông “bảo đảm là người đại diện có ảnh hưởng nhất về thuyết tiến hóa[15] hiện đại”. (6) Suy tư của ông chắc chắn là thuộc dòng trào lưu  tư tưởng bắt đầu với Cơ chế toàn cầu[16] của Hegel và tiếp tục với diễn tiến thần học của Whitehead và Teilhard de Chardin. Triết lý của Bergson thường được xem như là một Sanh Cơ luận[17] theo đó, đà sáng tạo,[18] tức thôi thúc sinh độngchỉ đạo cho sự tiến hóa của thế giantranh đấu chống lại tình trạng cứng đọng của vật chất đang trổi dậy, để phát triển, để tiến bộ, tiến lên từ thực vật đến thú vật, rồi từ thú vật “xa lìa bản năng để tiến đến thông minh, rồi lại bỏ cả hai để tiến đến trực giác.” Bergson gọi thế giới này là “một cơ quan chế biến ra thần thánh.” (7)

Ảnh hưởng của Nietzsche, vốn được biết đến nhiều hơn là của Bergson, thật quá rõ ràng ngay cả với những người ít đọc sách của ông. Thật ra, “bàng bạc khắp trong The Saviors of God,” Friar phê bình, “ta tìm thấy ngay bao nhiêu là sắc điệu, dấu hằn, văn phong, và cấu trúc của Thus Spake Zarathustra”. (8)[19] Đây chẳng có gì đáng kinh ngạc khi mà Kazantzakis mới vừa phiên dịch Thus Spake Zarathustra sang Hi lạp ngữ ngay trước khi ông sáng tác Huyền linh Tâm pháp. Hầu hết triết lý trong Huyền linh Tâm pháp đều được tìm thấy uyên ủy nơi Nietzsche, mặc dầu, như chúng ta sẽ thấy, Kazantzakis cũng có một vài ý kiến khác biệt thâm sâu của riêng ông. Dẫu thế, Friar ghi nhận, từ nơi Nietzsche sau khi ông tuyên bố Chúa độc đoán của giáo điều Ki-tô đã chết, Kazantzakis học được một điều, như Zarathustra nói, đó là: “chỉ có cuộc sống này là đáng sống, để mà phát triển sức mạnh và liêm chánh để chịu đựng những nỗi thống khổ và bất hạnh không thể trốn thoát của hiện sinh mà không chạy trốn vào một thế giới ảo tưởng nào.” (9) Chính Kazantzakis đã viết: “Nietzsche giúp tôi phong phú hơn với những nổi thống khổ mới, và đã dạy tôi biết chuyển thể một cách xuyên suốt những nỗi bất hạnh, khổ đau, và ngờ vực thành một niềm hãnh diện.” (10)

Đức Phật lịch sử Cù Đàm (Gautama Buddha) cũng có ảnh hưởng lớn đối với Kazantzakis. Hình bóng của Đấng Giác Ngộ[20] luôn lãng vãng trước mặt người Hi lạp này hơn hai mươi năm qua, thật ra, ngay từ khi ông dằn vật với thiên trường ca về Phật Pháp, những lời dạy của Đức Phật mà ông tự mình thực chứng. Ông cầm lên, rồi bỏ xuống, không biết là bao nhiêu lần tập bản thảo đó,[21] để rồi, The Saviors of God được viết nên ngay sau khi ông lại xuôi tay buông trôi thiên trường ca về Đức Phật thêm một lần nữa.[22]

          Từ nơi Đức Phật, Kazantzakis nhận được ba nguồn tư tưởngĐức Phật từ chối không nói gì về sự hiện hữu của một đấng tối cao theo bất kỳ ý nghĩa cổ truyền nào, một hình ảnh mà chính Kazantzakis cũng tự phấn đấu chối bỏ. Đức Phật thuyết về nguyên lý nhân duyên, nói cách vắn tắt, là “ghi rõ bản tánh đa hợp của mọi vật – vật thể, con người, khái niệm.” Một ‘cây’ hay một ‘người’ được tạo thành là do một tổng thể của nhiều yếu tố trong cuộc hợp tác tạm thời.[23] Cuộc hợp tác tạm thời của những yếu tố là khách thể, nó khiến cho đối tượng này ‘hiện hữu’. Không có thực chất nào dẫn tiến từ nguyên nhân đến kết quả, khi những yếu tố của tổng hợp có thay đổi. Cho nên, đối thể và tồn hữu đều ‘không có tự tánh’.[24] (11)

          Từ đó, đưa ta đến nguồn tư tưởng thứ ba, Không, “cái Không của tự tánh”, mà Kazantzakis dùng như là cốt lõi cho toàn tác phẩm của ông.

 

Tác Phẩm

Theo Fitting, The Saviors of God là [tác phẩm viết] về “Kazantzakis – tiểu luận về tự giác và lập trình về một cuộc sống sáng tạo và mô tả sự thăng hoa của tâm linh mà Kazantzakis chuyển đạt vào trong các tác phẩm về sau của ông”. (12) Trong mỗi phần của quyển “Kinh Thánh” mới này, ta sẽ đọc thấy nhiều vần thơ và những trực ngộ của Kazantzakis mà ảnh hưởng đã khiến cho tác phẩm chiếm một địa vị cao quý trong nền Văn học Hậu hiện đại.

          Tác phẩm chia làm năm chương, không kể một Tiền đề ngắn. Trong chương “Chuẩn Bị”, Kazantzakis tóm lược nơi chúng ta từ đâu đến về phương diện trí thứcxác nhận giá trị chân chánh của tâm thức và con tim của chúng ta. Trong chương “Hành Trình”, ông đưa ta đi thám hiểm, vừa nội tại vừa ngoại tại, của cấu trúc về cái Ngã, di sản nòi giống,[25] hợp quần chủng tộc,[26] và liên hệ giữa ta với Vũ trụ.[27] “Viễn Ảnh” (mà chúng tôi xem như là lạc đề vì không dính dấp gì đến những gì mà ông ghi nhận phần trước hay sau của toàn thể tác phẩm), chỉ giản dị là những ảnh chụp về Vũ trụ theo cái nhìn của Kazantzakis. Trong “Hành Động”, Kazantzakis bàn về những trách nhiệm mà ta phải gánh vác vì đã có đầy đủ kiến thức và trong “Lặng Im”, ông tóm tắt tất cả lại thành một câu có ý nghĩa duy nhất (hay không có ý nghĩa gì cả).

 

“TIỀN ĐỀ”

          Trong lời Tựa này, Kazantzakis mở màn sân khấu tình cảm về thời gian:

Ta đến từ một vực thẳm tối đen, ta đi vào một hố sâu mù mịt, và gọi khoảng giữa sáng sủa là sự sống. Ngay khi ta vừa mới sanh ra là cuộc trở về đã bắt đầu; vừa đi tới đồng thời lại quay trở về; ta chết từng sát na một. Chính bởi vậy mà một số người đã hét lớn: Mục tiêu của sự sống là cái chết!

          Đây là song đề tiến thoái lưỡng nan trọng yếu về hiện sinhcuộc đời hình như không có ý nghĩa. Đây là nơi mà chúng ta tìm thấy chúng ta. Ta không thể tin vào khoa học, ta không thể tự tin nơi chính chúng ta, ta không thể tin vào thẩm quyền tâm linh nào.[28] Chúng ta chỉ còn có một ý thức về hiện sinh đầy chóng mặt. Đây là mép bờ vực thẳm nơi mà Kazantzakis đang đứng. Chúng ta bắt đầu với sự trống không của điều vô nghĩa. Kazantzakis lại mô tả cho ta một mô hình cho ý nghĩa của cuộc sống, rồi chấm dứt với sự trống không lần nữa, nhưng hi vọng rằng lần này, nó sẽ là sự trống không của ý nghĩa.[29] Rồi ngay tức thời, Kazantzakis lại trình bày những nền tảng thuộc triết lý Bergson cho tác phẩm của mình, khi ông nói rằng:

Trong cơ chế linh hoạt tạm thời, hai dòng lưu đụng độ nhau: (a) sự thăng hoa đưa tới hợp thành, tới sự sống, tới bất tử; (b) sự hạ giáng đưa đến tan rã, đến vật chất, đến cái chết. Cả hai thế lực đối nghịch này đều thánh thiện.

          Tư tưởng của Bergson căn bản là hợp nhất : trí năng của chúng ta giúp chúng ta thấy mỗi vật đều khác biệt nhau, nhưng sự phân biệt đó chỉ là ảo tưởngThực tế là không có gì là tách biệt nhau được, chúng chỉ là một “dòng lưu vô tận của thành hữu.”[30] Nhưng, như Bertrand Russell giải thích “Thành hữu có thể là một chuyển động đi lên hay một chuyển động đi xuống : khi nó là một chuyển động đi lên thì nó được gọi là sự sống; khi nó là một chuyển động đi xuống thì nó ... được gọi là ... vật chất ...” (13)

          Theo Bergson, vũ trụ tự đặt trong tình trạng chiến tranh với chính nó. Hai thế lực cực đoan, sự sống và vật chất, luôn luôn đánh đấu nhau đời đời kiếp kiếp.[31] Kazantzakis dùng nhiều tỉ dụ để mô tả sự liên hệ của chúng, một trận chiến, một điệu vũ, một cuộc hôn nhân. Sự sống, theo huyền học của Kazantzakis, là Tánh linh, là trí năng, là tâm thức, là cái gì thăng hoa lên đến thống hợp : sự sống, ánh sáng, nam tính, dương vật, ngẫu nhiên, đánh đấu, toàn thiệntiến hóa, phi đối xứng, và sáng tạoVật chấttrái lại, là nhục thể, nữ tính, thuộc trực giác, trái tim, là cái gì hạ giáng xuống đến tan rã : sự chết, bóng tối, âm hộ, cần thiết, yên tĩnh, xấu ác, chối bỏ trách nhiệmđối xứngphá hoại, mong muốn được yên nghỉ.[32] Trong một chương khác, “Liên hệ giữa Con người và Thiên nhiên”,  Kazantzakis mô tả nó như sau:

Một thế lực hạ giáng xuống và muốn phân tán ra, rồi đứng sựng lại, để chết. Còn thế lực kia thăng hoa lên và phấn đấu để được giải thoát, được bất tử. Cả hai đội binh này, bóng tối và ánh sáng, hai đội binh của sự sống và sự chết, đời đời đụng độ nhau. Dấu ấn rõ ràng của sự đụng độ này là, đối với chúng ta, cây cối, thú vậtcon người. Hai trận cuồng phong trái ngược nhau, một dương một âm, đụng gặp nhau và rơi rớt xuống nơi ngã tư đường. Trong một lúc, chúng đối trọng quân bình cho nhau, đông đặc lại và trở nên rõ ràng. Ngã tư này là Vũ trụ. Ngã tư này là trái tim của tôi. Vũ điệu của cuộc đụng độ dâm đãng vĩ đại này được chuyển thể từ một hạt tử đen tối nhất của vật chất đến một tư duy khoáng đạt nhất. Phu nhân của Chúa tôi là vật chất;[33] cả hai vật lộn với nhau, họ cười và khóc, họ hét la trong chiếc giường động phòng của thể xác. Họ sanh sản tràn đầy và rồi chia cắt nhau ra. Họ lấp đầy biển, đất liền, và không gian với nhiều loại cây cối, thú vậtcon người và thần thánh. Cặp đôi nguyên sơ này quyện chặt lấy nhau, chia cắt nhau ra, và sinh sôi nảy nở trong mỗi một sinh thể.

 

“VIỄN ẢNH”

          Trong chương này, Kazantzakis diễn bày quan điểm rõ ràng nhất của ông về “đà sinh động” của Bergson. Bergson viết:

        “Tất cả mọi hữu thể có tổ chức, từ loại thấp kém nhất đến loại cao cả nhất, tạo thành những cuộc truy hoan của cuộc sống cho đến thời mà chúng ta hiện hữu, và trong tất cả mọi nơi cũng như trong mọi lúc, không làm gì ngoài chứng kiến một thôi thúc bốc đồng do sự nghịch đảo của tác động của vật chất, và tự trong nó không còn có thể phân chia thêm được nữa. Tất cả những gì sinh động đều trì giữ với nhau, và tất cả cùng đều khuất phục trước một thúc đẩy kinh khủngThú vật bước lên trên thực vậtcon người ngồi dạng chân qua thú vật, và toàn thể nhân loại, trong không gian và thời gian, là một đội quân trùng điệp đi rập ràng ngang bên, bên trước và bên sau mỗi một người của chúng ta trong cuộc tấn công ồ ạt có thể dẹp tan mọi chống cự và làm sạch mọi chướng ngại, ngay cả cái chết.” (14).

          Kazantzakis nhân tánh hóa “sức đẩy” này, cái “đà sinh động” này. Ông tóm tắt những lời của Bergson ở trên, và đồng thời gán cho cái lực sinh động đó một gương mặt, và một đặc tánh, khi ông viết:

Làm sao mà tôi có thể chất vấn dồn dập cái ảnh tượng ghê tởm này với chữ nghĩa? Tôi cúi khom xuống hỗn độn và lắng nghe. Có người nào đó đang rên rỉ và leo lên sườn dốc đầy bí mật và nguy hiểm. Y đang chật vật trong đau đớn và kiên trì leo lên. Nhưng y gặp phải một thế lực trái ngược ngăn trở y: Một người nào đó đang lật đật leo xuống sườn đồi bí mật thoai thoải. Bên trong giòng nước chảy xuôi chậm chạp, Linh thể bị cắn xén ra và quăng xoay tít, và trong một lúc – dài như đời người – hai dục tính đối kháng nhau được quân bằng. Đó là cách thế mà những thân thể được sanh ra, mà thế giới được tạo tác, cách mà giữa những sanh vật hai thế lực đối kháng nhau tìm được quân bằng. Trong một lúc, Người đi lên bị vây quấn bởi một thân thể đáng yêu – thân thể của chính y – và bị làm chậm lại trong cơn leo. Nhưng rồi mau chóng, với tình yêu, với sự chết, y trốn thoát nó, và rồi lại lê bước khó nhọc tiếp tục đi tới. Y đạp dẫm lên vật thể vô cơ, y tạo hình dáng của cây và làm đầy nó. Y đóng trại bên trong đó với toàn thân của y. Rằng “toàn thân của y” có nghĩa là đồng thời với sự mong mõi và thế lực để trốn thoát. Những thân thể này thở, ăn, bảo tồn sức mạnh, và rồi trong một giây phút dâm dục, bị hết hơimệt nhoài và hoàn toàn kiệt sức, đã truyền thần tánh của họ cho con cháu. Thần tánh gì? Là phải vượt tiến lên! Y tự tinh lọc mình một cách chậm chạp bằng cách phấn đấu giữa đám thể xác kia, và bỏ lại trong thú vật càng nhiều đam mê, càng nhiều mù quáng, càng nhiều bất lực và bóng tối mà y có thể bỏ lại. Rồi lại một lần nữa y từ từ đứng lên, một chút nhẹ nhàng hơn, và bỏ chạy trốn. Đây là cuộc vượt tiến tới tự do, cuộc tranh chấp với vật thể này từ từ tạo nên cái đầu của con người. Và bây giờ chúng ta có cảm giác hãi hùng là y lại một lần nữa đang tranh thủ để chạy trốn khỏi chúng tavứt bỏ chúng ta lại với cây cối và thú vật, để nhảy vọt xa hơn nữa. Thời điểm đã tới – ồ sung sướng làm sao và đắng cay vô cùng! – khi mà chúng ta, bọn người chiến bại,  cũng sẽ bị quăng vứt vào trong đám quân hậu bị. Bên sau dòng lưu của tâm thức và thể xác tôi, bên sau dòng lưu của dòng giống tôi và của toàn thể nhân loại, bên sau dòng lưu của cây cối và thú vật, tôi run rẩy nhìn Vô hình dẫm đạp lên tất cả những gì hữu hình để đi lên.

          Ở nơi Kazantzakis, ta có một cảm tưởng rằng Người nào đó (Someone) hình như là có ý thức, tự thôi thúc, tự định hướng. Điều kích động mãnh liệt là khi ta nhận thức ra rằng sự thúc giục sinh động này tự nó là điều mà Kazantzakis gọi là Chúa:

Bên sau đôi chân nặng nề đẩm đầy máu của y, tôi nghe tất cả sinh vật bị đạp dẫm lên và bị nghiền nát. Gương mặt của y không có tiếng cười, đen tối và im lặng, vượt ngoài sung sướng và đau khổ, vượt ngoài hi vọng. Tôi run rẩy. Ngài là Chúa của tôi hay sao? ... Chúa ơi, Chúa tôi, ngài gầm thét như một con thú hoang! Chân ngài đẩm đầy máu và bùn lầy, tay ngài đẩm đầy máu và bùn lầy, quai hàm ngài là thớt cối xay nặng nề đang chậm chạp xay nghiến ken két. Ngài bấu chặt vào cây cối và thú vật, ngài dẫm đạp lên con người, ngài thét to. Ngài leo lên từ vách đứng đen ngòm vô tận của sự chết, và ngài run rẫy. Ngài đi về đâu? Nổi đau tăng cường, ánh sáng và bóng đêm tăng cường. Ngài khóc, ngài bấu víu lấy tôi, ngài bồi dưỡng bằng máu tôi, ngài lớn to lên và rất mạnh mẻ, và rồi đá vào tim tôi.

          Kazantzakis khéo léo phản ảnh lời Tựa trong The Gospel of John khi ông nói:

Ngươi cắm trại trên dòng giống của ngươi, tay và tim ngươi tràn ngập với máu mà ngươi lần đầu tiên làm sống lại ông bà tổ tiên đáng ghê tởm của ngươi và rồi ngươi đẩy họ ra, với những người đã chết, người còn sống và người chưa sanh, để họ đánh đấu nhau.

          Đây là cách thức giải thích “Hiện thân của Ngôi Lời” của Kazantzakis, theo đó Saint John viết: “Ngôi Lời tạo thành da thịt, và cư ngụ giữa chúng ta”. Hi lạp ngữ của ‘cư ngụ giữa chúng ta’ là eskhnwsen, có nghĩa trắng là ‘dựng một tấm lều ở giữa chúng ta’ hoặc, như Kazantzakis viết ở trên, Ngôi Lời cắm trại trên dòng giống của y.

          Tất nhiên Kazantzakis ý thức rõ ràng song đề tiến thoái lưỡng nan về Chúa, không những chỉ như là Người thăng hoa thời gianmà cả như là Người mà thế giới văn học hậu hiện đạixuyên qua Nietzsche, vừa bắt đầu bị xóa sổ bộ đời, đã chết:

Giống như là chúng ta đã chôn một Người nào đó mà ta tưởng đã chết, và bây giờ lại nghe y kêu gọi trong đêm: Cứu ta! Vừa rán sức nhấc lên vừa thở hổn hà hổn hển, y nhấc mộ bia của tánh linh và thân xác chúng ta cao lên và cao lên hơn nữa, càng lúc càng thở dễ dàng hơn. Mỗi một lời nói, mỗi một hành động, mỗi một ý nghĩ là tấm mộ bia nặng nề mà y muôn đời cố gắng nhấc cao. Và thân xác của chính tôi và tất cả thế giới hữu hình, tất cả trời đất, đều là tấm mộ bia mà Chúa đang cố gắng nhấc bổng lên cao.

          Kazantzakis tìm cách để cứu Chúa, không những để thoát khỏi entrôpi,[34] những ổ gà của vật chất, mà còn để thoát khỏi bị nhân sinh hậu hiện đại giải thể là không thích đáng. Bởi vì, theo cái nhìn của Kazantzakis, Chúa không thể tách rời khỏi tất cả những gì hiện hữu, như trong Report to El Greco, “một đà sinh động vĩ đại nổ bùng luôn hiện hữu trong mỗi một tế bào của sự sống, y như là mỗi một tế bào như thế bị ép nén trong nó một thúc đẩy của sự sống một cách toàn diện, sẵn sàng để bùng nổ mỗi lần đụng độ.” (15).

          Kazantzakis mô tả điều này một cách thi vị hơn trong The Saviors of God khi ông nói:  

Với đầu gối gập lại dưới càm, với hai tay dang rộng theo ánh sáng, lòng bàn chân khuỷnh ngược về lưng, Chúa nằm co lại trong một nút thắt trong mỗi một tế bào của da thịt.

          Kazantzakis thần thoại hóa Chúa một lần nữa trong The Saviors of God, như là một Immanuel[35] mới, “Chúa với chúng ta”, hay có thể “Chúa trong chúng ta”, thế nhưng lại giải thoát Ngài khỏi những xiềng xích của giáo điều và thái độ chấp nhận không phê phán khiến làm hiểm họa cho ngài bởi vì đây là một tư tưởng khả thể đối với chúng ta. Ông nổi loạn chống lại truyền thống chánh thống bằng cách chỉ trích cách tu khổ hạnh ép xác – như  Nietzsche từng làm – và đề xướng một kỷ luật tu tập thân tâm mới, thay thế nổi vui tột độ của đau đớn thể xác bằng một niềm vui ích lợi hơn từ nơi sự kiên trì của tu tập mà mục đích tối hậu là sự an lạc:

Đau đớn không phải duy nhất là bản chất của Chúa, cũng chẳng phải là hi vọng về một cuộc sống tương lai hay là một cuộc sống trên mặt đất này, cũng chẳng phải là vui sướng hay chiến thắng. Tôn giáo nào duy trì chủ trương sùng bái một trong những khía cạnh nguyên thủy của Chúa là thu hẹp con tim và tâm linh của chúng taBản chất của Chúa là PHẤN ĐẤU. Đau khổsung sướng, và hi vọng phơi bày ra và lao tác trong vòng phấn đấu đó, một thế giới không cùng tận. Đó là thăng hoa, cuộc chiến với dòng nước ngược tuôn xuống, khiến sanh ra đau khổ. Nhưng đau đớn không phải là đấng quân vương tuyệt đối. Mỗi một chiến thắng, mỗi một quân bình tạm thời trong cuộc thăng hoa, giúp sung sướng tràn đầy cho mỗi một sinh thể vốn biết thở, lớn lên, yêu đương và sanh sản. Nhưng mà từ mỗi một niềm vui mừng và nổi đau đớn có một tia hi vọng luôn luôn nhảy vọt ra để trốn thoát nổi đau và để nới rộng niềm vui. Và rồi cuộc đi lên bắt đầu – đó là niềm đau – và niềm vui lại được tái sanh và một hi vọng mới một lần nữa nổi lên. Vòng lẩn quẩn không bao giờ chấm dứt. Đây không phải là vòng tròn, mà là vòng xoắn ốc triền miên xoắn lên, luôn luôn nới rộng, xếp dấu lại rồi bộc lộ ra sự phấn đấu của ba ngôi một thể.

          Từ viễn ảnh này, Kazantzakis cố gắng đưa Chúa trở về với nhơn loại, bằng cách ban cho chúng ta một khải thị về lý do hiện hữu và sự phấn đấu của Chúa, và rồi, như ta sẽ thấy trong phần còn lại của tác phẩm, khai mở cho ta thấy lý do của nhân loại là gia nhập cách có ý thức vào cuộc phấn đấu của Chúa. Như Fitting nói :

      “Cuộc giải phóng thuộc tôn giáo được tìm thấy bằng cách đi tìm nguyên ủy của cuộc sống phổ cập và biện minh của những cố gắng cá nhân. Theo một nghĩa, con người không thể chạy trốn khỏi sự thách thức để giải phóng đó, và Kazantzakis cho rằng mỗi một việc gì hiện hữu cũng đều là để đáp ứng cho một mục đích siêu-con người và tự cao cả hơn điều đó. Nếu một cá nhân có thể áp chế được những thôi thúc trái nghịch, thì rồi y mới có thể tiếp cận với bản thể của thánh linh, và như thế là trở nên đồng hàng với nhịp điệu cá nhân – lý do hiện hữu tính nguyên toàn bộ.” (16)

Tôi là một sinh thể yếu đuối và phù du, tạo bằng đất bùn và mơ mộng. Nhưng tôi có cảm giác mọi thế lực của vũ trụ này đang xoáy cuồng trong tôi. Trước khi chúng nghiền nát tôi, tôi muốn mở mắt ra trong chốc lát để nhìn chúng. Không có mục đích nào khác hơn trong cuộc đời này của tôi. Tôi muốn tìm cho ra một phân biện giản dị để mà tôi có thể sống và chịu đựng những cảnh tượng rùn rợn hàng ngày của bệnh tật, của xấu xa, của bất công, của sự chết. ... Và tôi cố gắng khám phá cách nào để báo hiệu cho những bạn đồng hành trước khi tôi chết, làm sao để giúp họ một tay, làm sao để kịp thời đánh vần cho họ ít nhất là một chữ đầy đủ, bảo cho biết tôi nghĩ gì về cuộc chạy đua không hào hứng này, và ta sẽ đi về đâu. Và cách thế cần thiết mà chúng ta phải đồng nhất lại bước chân và trái tim của ta trong hài hòa... Nhiệm tác của chúng ta là nắm bắt cái viễn ảnh vốn có thể bao dung và hòa hợp cả hai thế lực to lớn, vô tận và bất khả hủy diệt đó, và với viễn ảnh này, điều biến tư tưởng và hành động của chúng ta.

          Kazantzakis viết trong Symposium, “... chỉ khi nào ngươi sống toàn vẹn như (Chúa) thì ngươi mới có thể được giải thoát, bởi vì khi sống toàn vẹn như Ngài, ngươi mới khiến cho lý do [để sốngtoàn vẹn là của ngươi.” (17).

          Trong những chương kế tiếp, Kazantzakis tìm cách thay đổi cái nhìn về chúng ta là Ai, từ từ cho phép chúng ta nhìn ra thân phận chúng ta là đồng nhất với Bản Thể Tối Cao.

 

 “CHUẨN BỊ”

          Mục đích của Kazantzakis trong “Chuẩn bị” không phải là chê bai những bước nhảy vọt triết lý vốn đang đưa chúng ta đến bờ tuyệt vọng hậu hiện đại, mà là khẳng định chân lý mà các trực ngộ của những bước nhảy vọt đó đã mang đến cho chúng ta, và để vượt tiến lên, theo phong cách Hegel, đến một bình nguyên mới mà phương pháp tổng hợp mang đến cho chúng ta.

          Nhiệm tác đầu tiên của chúng ta là khẳng định sự thật của thuyết duy lý hiện đại, vinh danh trực ngộ của nó như là một bước dài quan trọng của đà sinh động hướng đến mục đích của nó. Nhiệm tác đầu tiên của chúng ta là, như Friar nói, “đối với tâm thức vốn áp đặt luật tắc lên trên vô trật tựcông thức hóa luật tắc, xây cầu bắc ngang qua vực thẳm không đáy, và dựng nên những vòng biên hợp lý mà bên ngoài đó không ai dám bước tới.” (18)

          Chúng ta nghe biện luận của Berkeley, và thuyết duy ngã của ông, qua lời nói của Kazantzakis :

Với tâm sáng suốt và minh tịnh, tôi nhìn thế giới và nói rằng: Tất cả những gì mà tôi thấy, nghe, nếm, hưởi và xúc chạm, đều là những tạo tác của tâm tôi. Mặt trời mọc và mặt trời lặn trong đầu tôi. Mặt trời mọc, xuất phát từ nơi vầng trán bên này, rồi mặt trời lặn, đi vào vầng trán bên kia. Các hành tinh chiếu sáng trong óc tôi; ý tưởng, nhơn sinh, thú vật, tất cả gậm nhấm trong cái đầu tạm bợ của tôi; lời ca và tiếng khóc chứa đầy trong cái vành tai méo mó này và thỉnh thoảng xông ra ngoài một lúc để nhiễu loạn không khí. Óc tôi trống rỗng, và tất cả, trời cao, đất rộng, tất cả biến mất. Tâm này thét lên : “Chỉ có ta hiện hữu!” Trong thâm sâu cùng tận của những tế bào, năm giác quan dốc sức làm việc; chúng dệt thành rồi tháo gở không gian và thời gianhạnh phúc và khổ đau, vật thể và tinh thần. “Tất cả cơn cuộn xoáy quanh tôi giống như giòng sông nhảy múa quay cuồng; bao nhiêu là khuôn mặt nhào lộn như nguồn nước chảy xiết; và Hỗn độn thét gào. “Nhưng mà tôi, cái Tâm này, vẫn kiên nhẫn tiếp tục đi lên, dõng mãnh, can cường, điềm tĩnh, trước cơn chóng mặt đó. Để khỏi bị vấp té, tôi xây dựng những bước ngoặc quanh cơn huyễn hoặc này : tôi làm cầu treo, mở đường đi, và xây dựng chúng bắc ngang qua vực thẳm. “Vẫy vùng một cách chậm chạp, tôi di chuyễn giữa những hiện tượng mà tôi tạo dựng, tôi phân biệt mỗi một hiện tượng của chúng để phù họp theo tiện nghi cho tôi, tôi tổng họp chúng lại với những luật tắc mà tôi đặt ách lên chúng tùy theo nhu cầu thực tế của tôi.

          Chúng ta nghe tiếng nói của Kant, và khám phá của ông về tâm thức như là một khuôn mẫu, một trật tự của thế giới tự nó bất khả tri, qua lời của Kazantzakis:

Tôi áp đặt trật tự lên trên vô trật tự, và đưa khuôn mặt – gương mặt của tôi – cho Hỗn độn. Tôi không biết bên sau những hiện tượng có một bản thể bí mật nào sinh động siêu việt hơn tôi, hay không. (a) tâm ta chỉ thấy những hiện tượng bên ngoài mà thôi, và không bao giờ thấy được thể tánh của chúng; (b) và không phải thấy tất cả mọi hiện tượng, mà chỉ thấy sự tướng của vật thể mà thôi; (c) và thu hẹp thêm nữa: ngay cả không phải là hiện tượng của vật thể, mà chỉ là những liên hệ giữa chúng với nhau; (d) những liên hệ đó không thật, không độc lập ngoài con người, bởi vì ngay những thứ đó cũng là do y tạo tác; (e) và chúng không phải là khả thể đối với con người, mà chỉ giản dị là tiện nghi cho những nhu cầu thực tế và mẫn cảm của y.

          Đây là tóm lược của điều mà chúng ta học hỏi thu thập từ bên ngoài,[36] một nhận thức luận của chúng ta, điều mà chúng ta có thể biết được. Đây là đóng góp của cái tâm cho hành trình của chúng ta. Kazantzakis thú nhận, là đóng góp này không triệt để hoàn toàn, và sự nhận thức ra điều này khiến ông phải choáng váng:

Trong những hạn cuộc đó, cái tâm trở nên chánh thức và là một chủ tể độc đoán. Không có thế lực nào khác được ngự trị trong lãnh địa của nó. Tôi nhận ra những hạn cuộc này, tôi đành chấp nhận chúng một cách cam chịudũng mãnh, và thân ái, và vẫy vùng sảng khoái trong đó, y như là tôi có tự do. Trong những cơn đột phá kinh dị, lóe lên ý tưởng: “Đây chỉ toàn là một trò chơi tàn ác và vô ích, không có bắt đầu, không có chấm dứt, không có ý nghĩa.” Nhưng mà rồi tôi lại nhanh chóng đóng gông tôi vào trong những vòng bánh của tất yếu, và rồi tất cả vũ trụ lại bắt đầu quay cuồng quanh tôi thêm một lần nữa.

May thay, cái tâm không phải là dụng cụ duy nhất của chúng tachúng ta to lớn hơn cái tâm của chúng taChúng ta còn có trái tim. Nhiệm tác thứ hai của chúng ta là làm rạng danh con tim.

Tôi Sẽ Không Chấp Nhận những hạn cuộc; hình tướng bề ngoài không thể chứa đựng tôi; tôi nghẹt thở! Phải nhểu từng giọt máu trong cơn thống khổ này, và phải sống với nó một cách sâu sắc, đó là nhiệm tác thứ hai.

          Như những nhà tư tưởng của trường phái Lãng mạn, Kazantzakis chối từ không chấp nhận rằng sự hữu lý là tất cả những gì chúng ta có thể biết được. Bởi vì còn có một cách thế khác, cũng đồng giá trị về tri thức; ta không tìm kiếm tri thức bằng cách xâm chiếm, mà bằng cách chú tâm và quán tưởng, cách “khao khát được xuyên thủng hiện tượng để nhập thể với điều siêu việt cả tinh thần lẫn vật chất.” (19) Cho nên:

Có giá trị gì sau khi chinh phục đất, nước, khí, sau khi chế ngự không gian và thời gian, sau khi thông hiểu luật tắc nào đã quản trị những ảo ảnh trổi dậy từ nơi sa mạc cháy bỏng của cái tâm, khi chúng hiện ra, rồi chúng biến đi? Tôi chỉ khao khát một điều mà thôi: nắm bắt điều ẩn nấp bên sau hình tướng, bới móc ra điều bí ẩn đã khiến tôi sanh ra rồi lại khiến tôi chết đi, để tìm cho ra là bên sau giòng tuôn chảy hiển nhiên và không ngừng nghỉ của thế gian phải chăng có tàng ẩn một sự hiện hữu vô hình và không biến dịch?[37] Nếu mà cái tâm không thể, nếu nó không phải được dựng lên để mà đột phá cách vô vọng anh dũng những hạn cuộc đó, thì chỉ có con tim là có thể! Vượt lên! Vượt lên! Vượt lên! Vượt lên trên con người, tôi đi kiếm ngọn roi đã quất anh ta và đẩy anh ta vào cuộc chiến. Tôi nằm mai phục để tìm cho ra gương mặt nguyên thủy nào đã phấn đấu vượt lên trên [tình trạngdã thú để in hằn dấu vết gương mặt đó lên trên cái xác thịt phù du này bằng sáng tạo, đập vở, và rồi lại vá đắp lên nó không biết bao nhiêu là mặt nạ. Tôi cố gắng tìm cho ra manh mối bên ngoài [tình trạng] cây cỏ những bước chân loạng choạng đầu tiên của Vô hình trong bùn.

          Thái độ nghịch lý của Kazantzakis bảo đảm rằng kinh nghiệm cá nhân và sự thật cá thểít nhất ra, không quan trọng hơn trí thức hợp lý. Ông khao khát một công bằng phổ cậpvật lộn thâm sâu với những vấn đề của hiện hữu. (20) Có lẽ, như Friar phê phán, “hình ảnh lý tưởng của chính ông là như một nhà tiên tri Do thái của Cựu Ước ... lang thang từ làng này đến xã khác, khoắc khoải với Ngôi Lời của Chúa, và là người phối họp thành một thực thể cả hai bản chất vừa mơ mộng của thi nhân vừa sinh động của nhà hiện thực, (21) hợp nhất trong con người và viễn ảnh của ông, điều vừa thực tiễn vừa ảo tưởng, vừa hợp lý vừa theo xúc cảm, vừa bất diệt cũng vừa phù du.”

          Cũng thế, như đà sinh động của Bergson chủ trì, theo lời Sahakian: “rằng luật tắc của vật lý học và hóa học sẽ không bao giờ giải thích thỏa đáng về sự sống, chỉ vì lý do là sự sống không phải là chất thể hữu hìnhNgoài ralý trí tự nó cũng không thể giải thích về tiến trình sự sống bởi vì hoạt động hợp lý của nó không thể vượt quá những giải thích máy móc dựa trên những luật tắc lý-hóa, trong khi sự sống và ý thức, luôn tự lập bên ngoài luật tắc của lý-hóa, không thể nào được thấu triệt hoàn toàn bằng những phân tách cách lô gít, khoa học hay toán học.” (22)

          Đó là kết luận thích đáng của Kazantzakis trong chương này:

Hãy hợp lực, mỗi người chúng ta hãy ôm chặt nhau, hãy hòa nhịp con tim, hãy cùng nhau sáng tạo... cho Thế gian này một bộ óc và một con tim, chúng ta hãy gán cho ý nghĩa thuộc con người là một cuộc phấn đấu siêu nhân. Nổi thống khổ này là nhiệm tác thứ hai của chúng ta.

          Nhiệm tác thứ ba mà Kazantzakis muốn gây ấn tượng cho chúng ta là, chúng ta không nên mang nhiều hi vọng. Nghe qua giống như nãn chí, bi quanyếm thếvô vọng, nhưng đây chính là một nghịch biện mà chúng ta bị đặt vào tình thế ngồi thỏng chân hai bên đầu tường.[38] Đó là chúng ta phải được tự do khỏi “cả vừa tâm thức vừa trái tim, khỏi điều quyến rũ tuyệt vời của hi vọng, hứa hẹn sẽ chế phục hiện tượng hay sẽ tìm ra bản thể của mọi vật.” (23). Hãy thoát ra ngoài lòng tự mãn đơn giản của cái tâm, vốn nghĩ rằng nó có thể sắp xếp trật tự cho tất cả mọi vật và hi vọng chế ngự vạn vật. Hãy tự thoát ra khỏi nỗi kinh sợ của cái tâm vốn đi tìm và hi vọng tìm được bản thể của vạn vật... Con tim tôi vẫn tuôn trào. Tôi không đi tìm sự khởi đầu và sự kết thúc của thế gian. Tôi đi theo nhịp đập dồn dập của con tim và lê bước đi tới!

          Với Kazantzakis, mục đích hay cứu cánh nào cũng ảo huyền như một Sinh thể Tối thượng siêu việtNhân loại cần phải thoát ra khỏi những không tưởng kỳ hoặc về điều có một cứu cánh cùng tột nào đó mà vũ trụ đang tiến đến. Với Kazantzakis, điều quan trọng không phải là Chén Thánh,[39] mà chính là cuộc đi tìm cho ra được nó. Theo vậy, ông cũng giống như Whitehead, là người nghĩ rằng vũ trụ mở hoát ra, bỏ ngõ cho ông tự do bước vào trong đó, nơi mà lúc nào cũng có một yếu tố nguy hiểm và bất ngờ, ngay cả đối với Chúa; nhưng lại không giống như Teilhard de Chardin, người chủ trương vũ trụ đang hướng đến Omega, đích điểm cuối cùng, một cách chắc chắn không sai lầm được. Russsell mô tả nó trong công trình phân tách của ông về Bergson, “không có một thị trấn nào, không có mục đích chính xác nào, ở cuối con đường mà dọc theo nó hành trình tiến hóa đang đi qua” (24).[40]

          Điều mà Kazantzakis thật sự muốn vạch rõ ở đây là sự chuyên chế của điều thiết thực, vốn khiến nhân loại bị nô lệ hóa, cho dầu đó là một triết lý, một giáo điều hay là một mô hình khoa học. Như Fitting nói, “Mỗi người ai cũng cần phải mạo hiểm đối diện với diễn đạt cá nhân của mình và lao mình vào ma trận của điều bất khẳng định.” (25)

          Kazantzakis, trong nỗi oằn oại của song đề tiến thoái lưỡng nan này, viết: “Hởi ôi, nếu mà ta có thể chết ngay tức thời trong khi đang đáp ứng một Mục đích nào đó!”[41] Mục đích, như vậy, là cuộc đấu tranh, cuộc xông tới, trong chính tự nó. Và trong lúc thiếu vắng niềm hi vọng, ông kiếm tìm hi vọng. “Thế rồi con người cần ôm giữ cái vực thẳm hư vô đó với lòng vô vọng,” Friar bình luận“y phải nói rằng không có gì hiện hữu, cả sự sống lẫn cái chết và cần phải chấp nhận điều cần thiết này một cách đầy can đảm, với nỗi hân hoan vô bờ bến và ca hát không cùng. Rồi y có thể xây dựng cấu trúc khẳng định của đời y bắc qua vực thẳm đó trong nỗi xuất thần của niềm vui thống khổ” (26).

          Giống như Nietzsche, Kazantzakis tự xem mình là một nhà “lạc quan bi thảm”, một người “trực diện nhìn thẳng vào những thế lực của hủy diệt, và, mặc dầu là ghê tởm chúng, lại chấp nhận chúng không sợ hãi, bởi vì ông biết rằng mọi hủy diệt đều chỉ là giai đoạn chuẩn bị cho một sáng tạo mới”. (27) Theo thế, ngay cả khi không có một kết quả nào có thể kiểm chứng cách khách quan, con người cũng cần phải sống y như là có một lý do để hiện hữu. Kazantzakis tiếp tục dòng tư duy của Nietzsche, tin tưởng rằng nếu không tìm được lý do nào thì ta phải tạo ra một lý do để mà có thể sống cho có ý nghĩa.[42] The Saviors of God chính là cố gắng của Kazantzakis để làm điều đó.

 

“HÀNH TRÌNH’

          Sau khi đã chuẩn bị tinh thần rồi, chúng ta sẵn sàng để bắt đầu đi tới, cuộc hành trình tự nó. Cuộc hành trình này là cuộc nhận diện đặc tánh. Đây là cuộc hành trình xuất phát từ “cái ngã bị gói trong da thịt[43] (vay mượn dụng từ của Alan Watts),[44] để đạt đến nhận thức về cái Ngã chân thật. Đây là cuộc hành trình để biết ta là ai. Trong thế giới hậu hiện đại, Freud đập vỡ những ảo tưởng của chúng ta về việc ta có thể hoàn toàn làm chủ nội tại. Kazantzakis nói:

Tôi không là, tôi không vô tư, tôi không thanh thản. Sự hạnh phúc và vô phúc của tôi cả hai đều không thể chịu đựng nổi; trong tôi đầy dẫy những tiếng nói ồm ồm không rõ ràng và toàn là bóng tối; tôi đắm mình, đầy máu và nước mắt, trong cái máng ấm áp của da thịt mình.

          Như thế, chúng ta không làm chủ được thế giới nội tại của chúng ta, không phải một, mà là nhiều, những thế giới hiện hữu bên trong thân xác này, bên trong bộ óc này, bên trong dòng tư tưởng luân chuyển này. Thì nói gì đến thế giới ngoại tại, thực tế bên ngoài chúng ta mà ta cứ tưởng chừng luôn luôn chân thậtBước đầu tiên của chúng ta là lắng nghe cái Ngã, không phải là những cái ngã cá thể nhỏ bé, mà là tiếng nói xuyên-nhân[45] vọng lại từ những linh hồn của mỗi người chúng ta:

Nhưng thình lình, một tiếng thét chấn động xé trọn người tôi: “Cứu ta với!” Ai gọi đó? Gắng hết sức và lắng nghe; trọn con tim của con người chỉ là một tiếng thét gào. Dựa lên trên ngực của ngươi mà lắng nghe; có ai đó đang vùng vẫy và thét lớn bên trong ta.

          Chúng ta cần phải khám phá ra rằng bên trong chúng ta là linh thể đang bị hiểm nguy và cuồng loạn của Chúa đang thét to đòi giải phóng. Sự giải phóng của chính chúng ta bị buộc ràng với của ngài. Chỉ khi nào chúng ta nghe tiếng nói của ngài, và tùng phục lý do hiện hữu của chúng ta vào với của ngài, bấy giờ chúng ta mới có thể đạt được một niềm hi vọng nào đó. Giống như Siêu nhân của Nietzsche, ý chí của y cao thượng hơn những gì bên dưới y, và những gì bên dưới nó phải phục vụ y.

Tiếng Thét trong tôi là một tiếng ra lệnh vũ trang. Nó thét lớn: “Ta, tiếng Thét, là Chủ tể Chúa của ngươi! Ta không phải là nhà thương điên, ta không phải là hi vọng, không phải là tổ ấm. Ta không phải là Cha, là Con hay là Thánh thần. Ta là Thống lãnh của ngươi! Hãy học tuân phục. Chỉ có người biết tuân phục một nhịp điệu siêu việt hơn của chính y là được tự do.

          Khi chúng ta nhận thức ra rằng bản thân chân thật của ta là Chúa,[46] thì lý do hiện hữu có hiệu lực duy nhất của chúng ta là lý do của ngài, hi vọng chân thật duy nhất của chúng ta là sự phấn đấu của ngài. Khi thú nhận điều này, chúng ta có thể bắt đầu hổ trợ Chúa, hơn là chống đối ngài. Chúng ta cần phải, Kazantzakis nói, nhận thức rõ điều này như là trách nhiệm to tát nhất của chúng ta. “Mỗi người”, Friar viết, “cần phải tự xem mình là có trách nhiệm duy nhất đối với sự cứu rỗi của thế gian, bởi vì, khi một người chết đi, thì cái phương diện đó của vũ trụ vốn là viễn ảnh đặc biệt của riêng y và vở tuồng duy độc của tâm y cũng theo y mà đổ nát muôn đời.” (28).

Phải nói: Bổn phận của tôi, và chỉ là của riêng tôi mà thôi, là cứu rỗi thế gian  này. Nếu nó không được cứu, thì chỉ có tôi là đáng trách.” 

          Chỉ riêng nhận thức ra điều này là cho ta mục đích và hi vọng. Đó là đầu hàng cái ngã cá thể [47] cho cái Ngã xuyên-nhân[48] của vũ trụChúng ta là Chúa, chúng ta là Thế gianchúng ta là Vũ trụ:

Vâng, phải rồi, tôi KHÔNG là không gì cả! Chỉ là một hơi sương mờ ảo trên đồng cỏ ẩm ướt, một con trùng đáng thương đang bò tới và biết yêu, đang thét lớn và nói huyên thiêng về đôi cánh trọn cả một hai giờ cho đến khi miệng nó bị nghẻn tắt vì bùn đất. Bởi vì tôi cũng là, không nghi ngờ gì, là một phần của Vũ trụ hữu hình và vô hình. Chúng ta đều là một. Những thế lực đang tranh đấu bên trong tôi, những thế lực thúc giục tôi tiếp tục sống, những thế lực thúc giục tôi đi đến cái chết là, không còn nghi ngờ gì, cũng là những thế lực của tự chúng. Ta không phải là một vật bị treo lơ lửng, không có gốc rể, trong thế gian này. Ta là đất của đất, là hơi thở của hơi thở. Không phải chỉ mình tôi cô đơn trong cơn lo sợ của mình, cũng không phải chỉ mình tôi cô đơn trong niềm hi vọng, cũng không phải chỉ mình tôi cô đơn trong cơn gào thét.

          Nhưng còn nữa. Chúng ta là cây cầu của Nietzsche trong Thus Spake Zarathustra.  Nó bắc ngang qua chúng ta, đĩnh đạc như người đi trên dây treo cao, đến độ cơn Thôi thúc sinh động ma quỹ nhảy vọt lên, gửi ta đến cõi chết (29):

Tôi là cây cầu được làm gấp rút, và khi một Người nào đó đi ngang qua, tôi sụp đổ ngay bên sau Ông ta. Một chiến sĩ đi xuyên qua tôi, nhai ngấu da thịt và đầu óc tôi để mở mang đường xá, để cuối cùng tự thoát khỏi con người tôi. Không phải là tôi, mà chính Ông ta là người đang thét lớn.

          Bước thứ hai trong cuộc hành trình là đồng dạng tự ngã với trùng điệp những tiền nhân đã đi qua trước đó, trọn nhân loại, Giống Nòi: [49]

Những xác chết của bà con ngươi không nằm trong lòng đất. Họ đã trở thành tư tưởng, tình cảm, họ quyết định ý chí và hành động của ngươi. Những thế hệ tương lai không tách xa được ngươi trong một thời gian bất định nào đó. Họ sống, tham muốn và hành động trong hạ bộ và trong tim ngươi. Trăm ngàn bàn tay vô hình ghì chặt đôi tay ngươi và điều khiển chúng. Khi ngươi nổi giận đứng lên, thì một ông cố sùi bọt mép trên miệng ngươi; khi ngươi làm tình, thì một người thượng cổ sống trong hang gầm gừ đầy thú tính; khi ngươi ngủ, mồ mả mở ra trong ký ức của ngươi cho đến khi cái đầu của ngươi đầy ắp ma quỷ. Cái sọ của ngươi là vực sâu đầy máu mà hình bóng ma quỷ quay quần thành vô số đám đông kéo đến uống máu ngươi để được sống lại.

          Kazantzakis ít khi bỏ qua dịp nào có thể khơi gọi những rùng rợn như thế hiện hình để cho điều ông muốn nói cần được hiểu rõ. Nhưng điều cần hiểu rõ này là một điều quan trọng, chúng ta chỉ là một phần tử nhỏ bé, một điểm tí ti trong thời gian, mà trong thân xác dài đăng đẳng của Chúa, đã  xuyên qua thời gian. Và bây giờ thì là vấn đề của chúng ta, sau khi đã khơi dậy tự ý thức rồi, phải gánh vác trách nhiệm cho sự thăng hoa của Chúa, và giúp Ngài hướng dẫn sự tiến hóa của chúng ta một cách ý thức và trách nhiệm, mà cũng chính là sự thăng hoa của ngài:

Nhưng ngươi cần phải cẩn thận khi chọn ai phải bị quăng liệng xuống những hố thẳm của dòng máu của ngươi, và ai thì được ngươi cho phép leo lên vào ánh sáng và mặt đất lần nữa. Đừng tội nghiệp họ. Hãy luôn canh giữ vực thẳm không đáy của trái tim ngươi, và chọn lựa. Ngươi hãy nói: “Cái bóng này rất thấp hèn, tối đen, như con ác thú: đuổi nó đi! Cái này thì im lặng và cháy rực, sống động hơn tôi: hãy để nó uống hết máu của tôi.” Hãy làm sáng tỏ dòng máu đen ngòm của tổ tiên ngươi, sắp xếp những tiếng kêu gào của họ thành bài diễn văn, tinh lọc ý muốn của họ, nới rộng đôi mày không nhân hậu và hẹp hòi của ngươi. Đó là nhiệm tác thứ hai của ngươi. Ngươi có một trách nhiệm rất lớn. Ngươi cai quản không phải chỉ là sự hiện hữu vô nghĩa và nhỏ bé này của ngươi. Ngươi là con súc sắc được quăng ra, mà theo đó, trong một nhất thời, trọn số phận của giòng giống ngươi được đánh cuộc. 

          Đó là mùi vị của sự tàn ác cách quí phái theo Nietzsch, thế nhưng Kazantzakis cũng không hoàn toàn bỏ rơi lòng từ ái, mà thật ra ông xem hoạt động của con tim trong từ ái là bằng chứng cho sự tiến bộ của cái Ngã:

Chỉ là y đã thoát khỏi hỏa lò của tự ngã của y, cái tự ngã bị dằn vặt bởi cơn đói khi một đứa bé của dòng giống y không có gì để ăn, đứa bé nghe tim nó rộn ràng với nỗi vui mừng khi một người đàn ông và một người đàn bà của giòng giống nó ôm nhau và hôn nhau. Tất cả đều là những tay chân của thể xác hữu hình to lớn hơn của ngươi. Ngươi đau khổ và vui sướng, rãi trên tận cùng của trái đất hàng ngàn thể xác, những dòng máu của máu ngươi. Hãy tranh đấu vì cái thể xác rộng lớn hơn cũng như là vì cái thể xác nhỏ bé hơn của ngươi... Làm sao mà ngươi có thể trở nên mạnh mẽ, tỉnh thức, can cường, nếu mà tất cả những đức tính đó không thể ào ạt tấn công vào toàn thể cái thân xác rộng lớn hơn của ngươi?

          Nhiệm tác thứ hai được chính Kazantzakis khéo léo tóm lược ở cuối chương này:

Nhiệm tác đầu tiên của ngươi, khi hoàn tất trách vụ cho cuộc đời ngươi, là cảm giác tất cả ông bà tổ tiên bên trong ngươi. Nhiệm tác thứ hai là chiếu rọi ánh sáng lên cuộc lao tới của họ và là tiếp tục công việc của họ. Nhiệm tác thứ ba là chuyển đạt đến con cháu ngươi sứ mạng lớn lao này để chúng vượt trội hơn ngươi. Hãy quằn quại thống khổ bên trong ngươi! Ai đó đang tranh đấu để trốn thoát khỏi ngươi, chạy vụt ra khỏi da thịt ngươi, để được thoát khỏi ngươi. Một hạt giống trong lòng ngươi, một hạt giống trong những khối óc của ngươi, không còn muốn lưu lại với ngươi nữa. Nó không còn có thể bị kềm chế trong gan ruột của ngươi nữa, nó chiến đấu để vượt thoát ra ngoài. “Chúa ơi, con không thể bị kềm chế trong tim ngài! Con muốn đập vở nó và đi xuyên qua nó! Chúa ơi, con chán ghét thân thể của ngài, con rất xấu hổ bị dính gắn vào ngài, con muốn rời bỏ ngài.”

          Trong Bước thứ ba, chúng ta nhận dạng mình với không những dòng dõi trực tiếp của gia tộcmà cả với toàn thân thể của nhân loại trong mọi quốc gia, trong mọi giòng giống. Trong Bước thứ ba, Nhân loại tự xem họ như là Thân của Chúa,[50] đang cố gắng vượt qua da thịt của ngài:

... Hãy chiến đấu để sống xuyên qua toàn cuộc phấn đấu của con ngườiTừ những thế hệ đó, từ tất cả những nỗi sung sướng và đau khổ đó, từ cuộc làm tình đó, từ những trận chiến, những ý tưởng đó, một tiếng nói duy nhất vang lên, trong trẻo và thanh thảnTrong trẻo và thanh thản bởi vì, mặc dầu nó chứa đựng đầy đủ những tội lỗi và bất an của một người đang phấn đấu vất vã, nó vẫn bay lượn bên ngoài tất cả chúng, và còn leo cao hơn nữa. Giữa tất cả những vật chất thuộc con người, một người nào đó đang bò lên bằng hai tay và hai chân, đầm đìa nước mắt và máu, cố gắng để tự cứu hắn. Tự cứu hắn khỏi ai? Khỏi cái thân xác đang quấn chặt y, khỏi những người đang ủng hộ y, khỏi da thịt, khỏi trái tim và đầu óc của con người.

          Trong bước thứ Tư, nhận dạng của chúng ta nới rộng khỏi nhân loại để bao gồm Thế gian và xa hơn nữa. Trong một số đoạn đẹp đẻ nhất của toàn tác phẩm, Kazantzakis mô tả cái Ngã chân thật của chúng ta, bản tành chân thật của chúng tatiếng gọi chân thật của chúng ta:

Ngươi không phải là người đang gọi. Cũng chẳng phải là chỉ có cuộc đời ngươi đang thét bên trong ngươi, bởi vì tất cả không biết là bao nhiêu nòi giống con người đang thét lớn và xô đẩy nhau bên trong tim ngươi: trắng, vàng, đen... Toàn thể Mẹ Đất này, với cây cối, sông nước, thú vật, với con người và thần linh, của Bà ta, đang gọi bên trong lồng ngực của ngươi. Mẹ Đất vươn lên trong những bộ óc của ngươi và nhìn thấy toàn thân bà lần đầu tiên. Bà rung rẫy; bà là con thú biết ăn uống, sanh sản, di động, nghĩ nhớ. Bà bị đói, nuốt trửng con cái của bà – cây cối, thú vậtcon ngườitư tưởng – bà nghiền nát chúng trong cổ họng đen ngòm, đẩy chúng xuyên qua thân xác bà lần nữa, rồi quăng chúng vào trong lòng đất lần nữa... Không phải là con tim đang nhảy và đập nhịp trong máu. Mà là toàn thể Mẹ Đất. Bà xoay cái nhìn chằm chặp về phía sau và hồi tưởng sự thăng hoa kinh khủng của mình xuyên qua Hỗn độn.

 Theo đó, Kazantzakis mô tả bước nhảy vọt tự động của nhân loại như là một tiến bộ của tự tri về Vũ trụ. Trong quyển tự thuật về chồng, bà Kazantzakis viết: “Ngược lại với phán định của Goethe là cuộc sống không có ý nghĩa và là chúng ta không nên đặt bất kỳ câu hỏi nào cả, Kazantzakis tin tưởng rằng cuộc thôi thúc của con người không hề bao giờ là thuộc cá nhân. Anh ấy nhìn nó như là ý chí của Vũ trụ tự hiển lộ lần đầu tiên trong con người.” (30) Nhưng mà ông không quên rằng nhân loạituyệt đỉnh của sự thăng hoa của Chúa, chỉ là một hộp đựng tạm thời, mà Chúa mong ước đập tan cho rồi:

Ta tạo nên con người, và bây giờ ta tranh thủ để tống khứ nó đi. “Ta bị câu thúc và bị đè nát! Ta muốn trốn đi!” Tiếng gào thét này tiêu diệt và tạo nên lòng dạ của quả đất muôn đời. Nó phóng nhảy từ thân xác này đến thân xác kia, từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ thể loại này đến thể loại kia, lúc nào cũng trở nên mạnh mẽ hơn và thực nhục hơn. Tất cả cha mẹ đều thét lớn: “Tôi muốn sanh ra một đứa con giỏi hơn tôi!” ... Một Linh thể sùn sụt chạy đến, xông xáo xuyên qua vật thể và tạo kết quả cho nó, vượt lên trên thú vật, tạo lập con người, móng vuốt đâm thủng đầu óc nó như một con kên kên và hét inh tai lên. Bây giờ đến phiên chúng ta. Nó đóng khuôn chúng ta, đánh đấm vật thể túi bụi bên trong chúng ta và biến nó thành tinh thần, dày xéo bộ óc chúng ta, leo dạng chân hai bên tinh dịch, đá thân thể chúng ta ra đằng sau, và vất vả chạy trốn.

 

“HÀNH ĐỘNG”

          Sau khi thiết lập đặc tánh[51] chân thật, tức vị trí của chúng ta trong vũ trụ, bây giờ Kazantzakis đặt câu hỏi với chúng ta “anh sẽ làm gì với đặc tánh đó?” Đó là trách nhiệmtrách nhiệm của chúng ta trước Sanh lực đời đời vươn lên, trước mỗi người chúng ta với nhau, trước Thế gian này.

Hình thức thánh thiện tuyệt đối nhất của lý thuyết là hành động. Không phải chỉ thụ động nhìn trong khi tia lửa nhảy từ thế hệ này đến thế hệ khác, mà là phải tự nhảy và cháy bỏng với nó! ... Không, nó không “tìm ra” – nó tạo ra con đường của nó, chặt cây mở đường từ phải sang trái bằng kháng cự lý luận và vật chất. Nhiệm tác thâm sâu của con người là không thuyên giải hay soi sáng nhịp điệu của khung cửa tò vò của Chúa, mà là điều chỉnh, càng nhiều càng hay, nhịp điệu của cuộc sống nhỏ bé thoáng qua của chúng ta với cuộc sống của ngài. Chỉ có thế mà bọn người trần gian chúng ta mới thành công trong việc thực hiện một điều gì bất tử, bởi vì chỉ có thế mà ta mới hợp tác với Duy nhất là người không Chết.

          Tiết đầu, gọi là “Tương liên giữa Chúa và Người”, là một cuộc đi tìm bản tánh của Chúa theo cách thế mà Kazantzakis nhìn ngài, và dĩ nhiêný nghĩa của nó đối với chúng ta. Trong phần này, Kazantzakis tìm cách xua đuổi tất cả mọi khái niệm nào mà trước nay ta đã có về Chúa, để phơi bày ra chúng là lỗi thời, không cần thiết, phản tác dụngthực ra, đối với thế giới hậu hiện đại mà chúng ta đang sống:

Chúng ta đã thấy cái vòng tròn cao đỉnh nhất của những thế lực xoáy ốc. Chúng ta mệnh danh vòng tròn này là Chúa. Chúng ta cũng có thể mệnh danh nó bằng cái tên nào khác mà chúng ta muốn: Vực thẳmThần bí, Bóng tối tuyệt đối, Ánh sáng tuyệt đối, Vật thể, Tánh linh, Hi vọng tối thượngTuyệt vọng tột cùng, Im lặng. Nhưng chúng ta mệnh danh nó là Chúa bởi vì chỉ có cái danh này, vì những lý do nguyên sơ, mới có thể khiến tim ta rung động sâu đậm... Tôi chẳng thèm để ý đến gương mặt nào mà những thời đại khác và dân tộc nào khác đã gán cho nó cái bản thể không mặt mũi, và vĩ đại này. Họ nhét vào đó những đức hạnh thuộc con người, với tưởng thưởng và trừng phạt, với một số ràng buộc. Họ gán cho những hi vọng và sợ hãi của họ một gương mặt, họ qui phục tình thế hỗn loạn vào một nhịp điệu, họ đã tìm thấy một biện hộ cao hơn để theo đó mà sống và lao động. Họ đã hoàn tất nhiệm tác của mình. Nhưng mà ngày nay, chúng ta đã vượt qua tất cả những cần thiết đó; chúng ta đã đập vở cái mặt nạ đặc biệt đó của Vực thẳm; Chúa của chúng ta không còn thích hợp với những điểm đặc trưng xưa cũ nữa. Tim của chúng ta tràn lan với những thống khổ mới, với sự vẻ vang và niềm im lặng mới. Sự bí ẩn đã trở thành man rợ, và Chúa đã trở thành to lớn hơn. Những thế lực đen tối hạ giáng, bởi vì chúng cũng đã trở thành to lớn hơn, và toàn thể đảo quốc thuộc con người chấn độngChúng ta hãy cúi rạp xuống tới buồng tim của mình và trực diện với Vực thẳm một cách anh dũngChúng ta hãy nặn đúc thêm một lần nữa, với da thịt và máu mủ của chúng ta, gương mặt của Chúa đương đại, tân thời.

          Kazantzakis lập lại ngay cả lời của Karl Marx, khi ông nói:

[Chúa] không phải là người đứng đầu chánh trực của một gia đình;[52] ngài không chia đều phần thức ăn và trí óc cho những đứa con. Bất công, Tàn nhẫn, Mong mõi và Đói khát là bốn con tuấn mã kéo chiếc chiến xa của ngài trên mặt đất gồ ghề của chúng ta. Chúa không hề bao giờ được sáng tạo từ hạnh phúc, hoặc từ nhàn hạ hay vinh quang, mà là từ nhục nhả và đói khát và nước mắt.

          Chúa của Kazantzakis, cũng giống như của Bergson, là tính kiên trì của Sự Sống tự nó. Nhưng Sự Sống thì không tuyệt đối, nó có thể bị ngộp thở bất kỳ lúc nào. Sự sống không vô hạn, thân thể của chúng ta, đồ nhồi độn của vũ trụ, là thực tế duy nhất mà nó biết, không toàn tri, nhưng bò trườn hướng về ánh sáng của ý thức như một người điên, dẫm nát những gì và những ai đang làm chướng ngại dọc trên đường. Kazantzakis quăng bỏ những ý niệm từng giữ xưa nay về bản chất của Thần tánh một cách hầu như có hệ thống:

Chúa của tôi không Toàn-thiện. Ngài đầy dẫy hung tàn và công lý man dại, và ngài chọn những gì tài giỏi nhất một cách tàn nhẫn. Ngài không có từ tâm ... Chúa của tôi không Toàn-tri. Bộ óc của ngài là một mớ bòng bong của ánh sáng và bóng tối mà ngài cố công vạch cho ra manh mối trong mê cung của da thịt. Ngài bám víu vào những thân thể ấm áp; ngài không có tường thành bảo vệ nào khác. Ngài kêu cầu cứu; ngài tuyên bố một cuộc huy động khắp cùng Vũ trụ.

          Như Friar nói, “Điều không ngừng sáng tạo sự sống, đúc khuôn rồi vứt bỏ những cá thể và giống loại như là những cuộc thử nghiệm trên đường dần dần tiến đến giải thoát, đó là điều mà cả hai Bergson và Kazantzakis gọi là Chúa.” (31) Chúa không kiếm tìm chúng ta, Chúa quờ quạng trên thân xác của chúng ta. Không phải trách nhiệm của Chúa là bảo vệ hay cứu rỗi chúng ta – mà trách nhiệm của chúng ta là bảo vệ  cứu rỗi Chúa. Và chính ở đây là ý nghĩa của tựa sách : chúng ta là những vị Cứu tinh của Chúa.[53] Ngài không có quản gia, không có phụ tá, không có thiên thần, không có nhủ mẫu, không có các nhà tiên tri, không có vị cứu tinh nào, ngoài chúng ta, cho nên chúng ta không được để Ngài thất bại :

Nhiệm tác của chúng ta, khi nghe tiếng Thét kêu cứu của ngài, là chạy đến dưới lá cờ của ngài, là chiến đấu bên cạnh ngài, để bị tiêu diệt hay được cứu rỗi cùng với ngài. Chúa đang bị hiểm họa. Ngài không toàn năng, để chúng ta có thể khoanh tay, đợi chờ cuộc chiến thắng nào đó. Ngài không toàn-thiện, để chúng ta có thể tín cẩn chờ đợi ngài thương xót và cứu vớt chúng ta. Bên trong lãnh vực của da thịt tạm bợ của chúng ta, tất cả những gì của Chúa đều bị hiểm họa. Ngài không thể được cứu trừ khi chúng ta cứu ngài với cuộc phấn đấu của chính chúng ta; ngay cả chúng ta cũng không được cứu trừ khi ngài đã được cứu.

          Cũng như tiến trình tư tưởng của Whitehead,[54] chúng ta không biết tác động của cuộc phấn đấu này như thế nào. Việc gì cũng có thể xãy ra. Cuộc thử nghiệm vĩ đại về Sự sống có thể thất bại, và rồi, chắc chắn nhất, Chúa tất nhiên phải chết. Cuộc sống của chúng ta và của Chúa quyện lấy nhau không tách rời ra được. Số phận của chúng ta là của Ngài, cuộc phấn đấu của chúng ta là của Ngài, tương lai của chúng ta là của Ngài. Kazantzakis viết:

Chúng ta [với ngài] là một. Từ con trùn đui mù ở trong lòng biển sâu của đại dương cho đến vô tận cầu trường của Thiên hà, chỉ có một Người đang phấn đấu và đang bị hiểm họa: Ngài. Và bên trong lồng ngực nhỏ bé trần gian này chỉ có một điều đang phấn đấu và đang bị hiểm họa: Vũ trụ.

          Tiết kế tiếp, “Liên hệ giữa Người và Người”, có thể gọi là “chương của Nietzsche”, bởi vì chương này đầy dẫy ảnh hưởng của Nietzsche, mặc dầu đã được Kazantzakis tinh lọc một cách chân thành. Nietzsche tin rằng “Thiện là điều để mà sống còn, điều để mà chiến thắng; xấu là điều để mà thua thiệt và thất bại,” (32) phản ảnh qua câu nói của Kazantzakis, rằng:

Những gì cuốn cao lên và giúp Chúa thăng hoa đều tốt đẹp. Những gì trì kéo xuống và cản trở Chúa hạ giáng là xấu ác.

          Còn về điều Nietzsche ca tụng thánh thể, và quyết đoán rằng: “Ai cần phải là người sáng tạo của thiện và ác, thật vậy, trước tiên phải là người hủy diệt và đập nát giá trị. Thế nên điều ác lớn nhất tùy thuộc nơi điều thiện lớn nhất: đó chính là điều thiện được sáng tạo,” (33) thì được tìm thấy biểu hiện trong đoạn văn sau:

Tình yêu? Còn tên gọi nào khác mà chúng ta có thể đặt gắn cho sự thúc đẩy này, vốn trở nên mê say ngay khi mà nó liếc nhìn đến vật thể và rồi mong gây ấn tượng với những nét đặc trưng trên nó? Nó trực diện với thể xác vốn mong được vượt qua nó, để nhập thể với tiếng kêu dâm đãng khác đang ẩn nấp trong thể xác đó, để trở thành một cho đến khi cả hai có thể biến mất và trở thành bất tử bằng cách sanh đẻ con cái. Nó tiến gần đến linh hồn và muốn nhập thể bất khả phân với linh hồn này để mà “Em” và “Anh” không còn hiện hữu; nó thổi lên trên đám đông của nhân loại – ân cầnao ước, bằng cách đập tan sự chống cự của tâm thức và thân xác, nhập thể tất cả hơi thở thành một trận bão tố có thể cuốn bay thế giới! Trong những lúc khủng khoảng đó, Cuộc tình Lãng mạn lao bổ xuống vồ con người và dùng sức cột chung họ lại – bạn và thù, tốt và xấu. Đây là một hơi thở cao thượng hơn tất cả bọn họ, độc lập ngoài những tham muốn và hành động của họ. Đây là tánh linh, hơi thở của Chúa trên mặt đất này.

          Chúa của Kazantzakis, thật ra, cũng rất giống với Siêu nhân (Superman) của Nietzsche, mặc dù là một Siêu nhân hiện hữu trên bình diện xuyên-nhân (transpersonal) mà Nietzsche không hề bao giờ đồng ý. Nhưng thái độ cuả Kazantzakis và Nietzsche về trách nhiệm của một người tầm thường cũng chẳng khác biệt nhau mấy. Dẫn chứng theo nhận định của Will Durant về Nietzsche (mà cũng y như về Kazantzakis): “Chỉ khi nào bằng cách nhìn người như thế như là mục đích và phần thưởng của những lao tác của chúng ta thì khi ấy chúng ta mới có thế yêu thích sự sống và sống cách hướng thượngChúng ta cần phải có một đích nhắm để vì lợi ích cho tất cả những ai mà đối với chúng ta đều thân thiết với nhauChúng ta hãy là những người cao thượng, hoặc là tùy tùng và làm dụng cụ cho những người cao thượng; hàng triệu người Âu châu đã hiến mình như là phương tiện để tạo mục đích cho Bonaparte; họ vui mừng được chết cho ông ta, ca tụng tên ông ta khi họ ngã gục xuống; cảnh tượng đó đẹp đẻ biết bao nhiêu!  Có thể là những ai trong chúng ta thông hiểu được vậy mới có thể trở thành những nhà tiên tri cho ông ta, người mà chúng ta không thể sánh bằng, và có thể làm phẳng con đường cho ông đi đến; chúng ta, dững dưng với đất đai, dững dưng với thời gian, có thể cùng làm việc chung nhau, dầu xa cách nhau ngàn trùng, để đạt múc đích này. Zarathustra sẽ ca hát, ngay cả khi đang thống khổ, nếu ông chỉ cần nghe tiếng nói của những người phụ tá vô danh đó, những người tận tình lo cho người cao cả hơn mình.” (34)

           Như Zarathustra tập họp những người vây quanh ông : “Hởi các bạn cô đơn của hôm nay, các bạn là những người nổi bật bên ngoài đám đông, một ngày nào đó các bạn sẽ là một dân tộc; từ nơi các bạn mà đã tự chọn cho mình, một dân tộc được chọn sẽ nổi lên; và từ đó, xuất hiện người siêu nhân.” (35)

Đăng ký vào cuộc vận động của Chúa là tiếng gọi cao cả nhất của chúng ta, hi vọng cuối cùng của chúng talý do hiện hữu “được khám phá” trong cuộc đời của chúng ta:  

Sự đồng hóa của chúng ta với Vũ trụ phát sanh ra hai đức hạnh cao cả hơn đức hạnh của chúng tatrách nhiệm và hi sinh. Chính nhiệm trách của chúng ta là giúp giải phóng Chúa hiện bị ngộp thở bên trong chúng ta, bên trong nhân loại, giữa đám đông quần chúng đang sống trong bóng tối... Chúng ta đều cùng là một, chúng ta đều cùng là một bản thể bị hiểm nguy. Nếu mà ở cuối tận cùng của thế gian có một linh thể đang thoái hóa, nó sẽ lôi kéo linh thể của chúng ta vào trong sự thoái hóa của chính nó. Nếu một tâm thức ở cuối tận cùng của thế gian sụp lún vào ngu si, thì những đền thờ của chúng ta sẽ tràn ngập bóng tối. Bởi vì chỉ có Một duy nhất là người đang phấn đấu ở cuối tận cùng của đất và trời. Một duy nhất. Và nếu Người bị lạc lõng, thì chính chúng ta mới là người chịu trách nhiệm. Nếu Người đi lạc, thì chúng ta cũng đi lạc. Đó là lý do tại sao sự cứu rỗi của Vũ trụ cũng chính là sự cứu rỗi của chúng ta, tại sao tình đoàn kết giữa con người không còn là một thứ xa xỉ mềm lòng mà là một cần thiết sâu đậm và là một bản năng tự bảo tồn, tự bảo tồn cũng giống như là, như một đội quân bị tấn công mãnh liệt, là sự cứu rỗi của chiến hữu đồng đội.

          Kazantzakis kêu gọi chúng ta phải vũ trang, phải hành động, phải, theo lời nói của Nietzsche, “sống mạo hiểmXây dựng những thành phố của các người bên cạnh thành Vesuvius. Gửi tàu ra khơi để thám hiểm vùng biển chưa biết đến. Hãy sống trong tình trạng chiến tranh.” (36) Ông thúc buộc chúng ta phải bỏ qua tất cả những gì có thể cản trở tiến triễn của Chúa, như tư tưởnggiáo điều, hay, đặc biệt nhất, –  và trái ngược với Nietzsche – “bọn vô thần”, hạng người sống trên nhung lụa, sống bằng quyền thế.

Chúa thét lớn: “Đốt cháy nhà chúng ngươi đi! Ta đến đây! Ai mà còn nhà thì không thể tiếp đón ta! Đốt rụi những tư tưởng của các ngươi, đập tan những suy nghĩ của các ngươi đi! Ai mà tìm được giải đáp thì không thể tìm thấy ta! Chiến tranh chống lại bọn vô thần! Bọn vô đức tin là bọn thỏa mãn, bọn tham ăn, bọn vô sinh.”

          Nhưng mà rồi, cũng giống như Nietzsche, phương thức của Kazantzakis về sự “vĩ đại là amor fati (tình yêu định mệnh) để không chỉ phải chịu đựng những điều bên dưới mỗi cần thiết, mà còn phải yêu thích nó nữa” (37), khi ông viết:

Chúng ta hãy chấp nhận điều Tất yếu một cách gan dạ... Chiến tranh là chủ quyền đúng pháp của thời đại chúng ta. Ngày nay người duy nhất hoàn toàn và đạo đức là người quân nhân. Bởi vì chỉ có hắn, trung thành với nhịp điệu lớn lao của thời đại chúng ta, đập phá, thù ghét, ham muốn, là người nghe theo lịnh hiện tại của Chúa của chúng ta... Nếu con đường đưa ngươi đến giải thoát là con đường của bịnh tật, của gian dối, của ô nhục, thì đây nhiệm tác của ngươi là lao xả vào bịnh tật, vào gian dối, vào ô nhục, để mà ngươi có thể chinh phục chúng. Ngươi không có cách được cứu rỗi nào khác.

          Người hùng của Kazantzakis cũng giống như của Nietzsche về nhiều mặt, mặc dù, người hùng của Kazantzakis không hề bao giờ đồng ý với người hùng của Nietzsche. Kazantzakis có một tình thương đậm đà và dâng hiến đối với con người bình thường, và tận tâm với chủ nghĩa xã hội mà Nietzsche cho là quá ghê tởm, muốn làm giảm nhẹ những xung động của cuộc sống hàng ngày, xóa đói khát giảm nghèo khổ càng nhiều càng tốt. Siêu nhân của Kazantzakis đạp dẫm lên đám đông không phải một cách bừa bãi, mà vì vô ýSiêu nhân của Kazantzakis không phải là một người đơn độc tìm cách thiết lập uy quyền và thanh thế để củng cố một cái ngã mong manh và nhồi nghiến, mà là một lực lượng xuyên-nhân luôn luôn không ngừng dẫm đạp lên đám đông một cách văn hoa, bên cán cân thực tế, mà cái ngã không phải là của một người đơn lẻ nào, mà là một ý thức vừa bừng dậy của chính Vũ trụ tự nó.

          Trong tiết cuối cùng, “Liên hệ giữa Người và Thiên nhiên”, Kazantzakis xác nhận lần nữa liên quan giữa chúng ta với thế giới nguyên sơ. Ông bắt đầu với điều gần như là kinh cầu nguyện đối lập với quan điểm hiện đại về thiên nhiên. Ta nghĩ đến những người theo chủ nghĩa Duy nghiệm khi ông nói:

Tất cả thế giới này, tất cả những dòng chảy phong phú và vô tận của hiện hữu không phải là một lừa dối, một ảo ảnh nhiều màu sắc của cái tâm phản chiếu của chúng ta. Nó cũng không phải là thực tế tuyệt đối vốn sống và tiến triển tùy thích, độc lập bên ngoài thế lực của tâm thức.

           Nhưng mà rồi, ít hàng sau, ông lại nói:

Hãy nằm Phục kích đằng sau những hiện tượng, một cách kiên nhẫn, và cố gắng chế phục chúng thành luật lệ. Theo vậy, mong ngài hãy khai mở những con đường thông qua hỗn độn và giúp đở Tánh linh trên con đường của nó.

           Ông cũng viện dẫn Kant khi nói:

Hãy ra lịnh, lịnh của bộ óc ngài, lên trên tình trạng vô trật tự lan tràn trong thế giới. Vạch rõ kế hoạch chiến đấu thật rõ ràng lên trên mặt của Vực thẳm.

            Và [viện dẫn] Hegel:

Không phải là chiếc y rực rỡ trang diện cho thân thể mầu nhiệm của Chúa. Cũng chẳng phải là tấm vách ngăn mù mờ giữa con người và sự thần bí.

          Cuối cùng, Kazantzakis tin tưởng rằng sự cứu rỗi của thế giới thiên nhiên nằm ở nơi, không phải như nhà Đạo sĩ của Trung hoa tưởng tượng, ở nơi Thiên nhiên như là như thế, “tự-nó”, nhưng chỉ khi nào chúng ta dùng nó, tạo thành hình, khiến nó phù hợp với ý muốn của chúng ta. Bởi vì, nếu để tự nó, theo Kazantzakis, nó sẽ bị “đánh mất.” Khi làm như thế, không những chúng ta chỉ đạo dòng tuôn chảy của tiến hóa, mà còn quyết định đường hướng mà Chúa sẽ phát triễn.

Hãy bằng lòng với những thế lực của thiên nhiên, hãy trói buộc chúng vào ách gông của mục đích cao cả hơn. Hãy giải thoát cái Tánh linh đang phấn đấu bên trong chúng và mong ước được hòa nhập với tánh linh đó vốn đang vất vả bên trong ngài.... Chúng ta không những thả tự do cho Chúa bằng cách đấu tranh và chinh phục thế giới hữu hình quanh chúng ta; mà chúng ta cũng sáng tạo nên Chúa nữa. Một viên đá được cứu rỗi nếu ta vớt nó ra từ vũng bùn lầy và xây dựng nó thành cái nhà, hoặc là chúng ta đục gắn thần tính lên trên nó. Hột giống được cứu rỗi – thế nào là ý nghĩa của “cứu rỗi”? Nó thả tự do cho Chúa bên trong nó bằng cách nở hoa, đơm trái, bằng trở về lại mặt đất thêm một lần nữa. Chúng ta hãy giúp cho hạt giống để tự nó cứu rỗi nó.

          Cũng như theo Nietzsche, đạo đức tột cùng thuộc sinh vật học, không phải thuộc bên ngoài thế giới. Zarathustra tuyên bố: “Tôi năn nỉ các người, những người bạn của ta, hãy trung thành vững lòng tin với thế gian này, và đừng tin những ai nói với các ngươi về những hi vọng siêu thực! Chúng là những tên đánh thuốc độc, dầu họ có biết hay không.” (38) Theo đó, như Durant nói : “chúng ta cần phê phán sự việc tùy theo giá trị của chúng đối với sự sống; chúng ta cần một cuộc siêu-giá trị thuộc sinh thể của tất cả mọi giá trị! Thử thách chân thật đối với một người, một nhóm, hay một loại, là năng lực, khả năng, uy quyền.” (39).

          Chúa, xuyên qua nhân loại, đang vất vả phấn đấu cho một sự toàn hảo thuộc vật lý. “Nếu những phê phán giá trị không có ý nghĩa gì đối với Thiên nhiên,” Friar viết, “thì chúng vẫn có ý nghĩa đối với con người, vốn là một phần của Thiên nhiên, và thuộc trong Thiên nhiên. Nếu con người và những thế lực của y không nhất thiết là đạt điểm toàn hảo tuyệt đỉnh nhất của  Thiên nhiên đối với Thiên nhiên, thì con người vẫn có thể vươn cao quá xa hơn những hạn cuộc của di sản và môi trường của y để can thiệp và chuyển hướng chỉ đạo những thế lực đó, thế lực đạo tạo nên con người y và thúc đẩy y đi tới.” (40).

Chỉ có xuyên qua nhân loại, không xuyên qua Thiên nhiên, mà Chúa mới có dịp may để được cứu rỗi. Đây là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi một người cần phải làm thế, bởi vì, linh hồn của chính ngài bị vung vãy và đóng gông trong những sự vật về ngài, trong cây cối, trong thú vật, trong con người, trong tư tưởng, và chính linh hồn của ngài mà ngài phải cứu rỗi bằng cách hoàn tất những lao tác đó.

          Như thế đó, Viễn ảnh phơi bày rõ ràng cho chúng ta như là sự thật không ai phủ nhận được, tạo thành lịch sử:

Tất cả nỗi thống khổ dồn nén của Vũ trụ bùng phát ra trong mỗi một sinh thể. Chúa bị hiểm nghèo trong niềm mê ly êm dịu và nỗi đắng cay của da thịt. Nhưng ngài giựt thoát ra, ngài nhảy khỏi bộ óc và hạ bộ, rồi bám chặt vào những bộ óc và hạ bộ mới, cho đến khi cuộc chiến cho tự do lại nổ bùng lần nữa ngay từ đầu. Lần đầu tiên trên mặt đất này, từ bên trong trái tim và tâm thức của chúng ta, Chúa nhìn chằm chặp vào sự tranh đấu của chính ngài.

          Và ở giữa niềm thống khổ như vậy, sự tri nhận rằng ông, cũng như ông bà tổ tiên ông trước đó, và con cháu ông sau này, sẽ bị dẫm nát dưới chân vũng bùn đầy máu me của thời gian trong cuộc “Thăng Hoa Khiếp Sợ”, Kazantzakis tìm thấy niềm vui. Tôi tin rằng ông tìm thấy niềm vui chỉ vì là ông tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời. Rối rắm có phần nhẹ bớt, một cách nào đó, lo lắng hối hận được định hướng, nỗi khủng khiếp đã có được một bộ mặt.[55]

Hân hoan! Sung sướng! Ta không hề biết rằng tất cả thế gian này đều là một phần của ta, rằng chúng ta đều cùng một đội quân, rằng cỏ dại[56] và tinh tú đều lắc lay quanh ta mà không biết đến ta; nhưng ta quay lại nhìn chúng và hoan nghênh chúng. Vũ trụ rất ấm áp, đáng yêu, gần gủi, và có mùi thơm như thân thể của ta. Đó là cả hai vừa là Tình Yêu vừa là Chiến Tranh, một hiếu động điên cuồngkiên trì và bất định.

 

“LẶNG IM”

          Chương cuối cùng, “Lặng Im”, có lẽ là phần bí ẩn và khó hiểu nhất của toàn quyển sách. Nó cũng là ‘Phật hưởng’[57] nhiều nhất. Phần này không thấy có trong ấn bản đầu tiên, sau Kazantzakis mới thêm vào, phần nhiều chọn lọc từ những đoạn khác, và sắp xếp với một vài chất liệu mới ở cuối chương. 

          Cái Không mà chương này nói đến là do từ khái niệm ‘sùnyatà’[58] [với những nghĩa] trống không, rộng mở, siêu việtmột thể thẩm mỹ liên tục vô hạn hay vô định. Nó thường được dùng với ý nghĩa “hiện tượng là ‘sùnyatà’, chúng tương đối và không có bản chất tánh hay thực tế độc lập; chúng lệ thuộc điều kiện và vì thế không thật.” (41) Cái Không theo Kazantzakis, cũng như theo Hegel, bao gồm tất cả trong toàn thể, “chỉ có Toàn thể là chân thực.” (42) Như Fitting nói, “nó chỉ được thực chứng từ nội tại khi mà hành giả đã loại trừ tất cả mọi phân biệt theo cảm giác hay bị xúc động.” (43).

          Nó cũng có ý nghĩa là cuộc sống không còn mong cầu, trống không những ái dục hay chấp mắc, “là chấp nhận điều bất tri với thái độ hiện sinh và là đang sống trong hài hòa với những biến cố của nhịp điệu trong toàn thể sự hiện diện bất khả tri và nội tại cách bất ngờ.” (44).

          Kazantzakis đợi chờ trong The Saviors of Godcho đến cái ngày mà ý thức của chúng ta trở nên là tự-ý-thức duy nhất của Chúa. Đến đích điểm này, mọi vất vả phấn đấu trở thành nỗi vui mừng, tất cả những gì đã phải chịu đựng trãi qua đều được minh thông:

Tánh linh là một cái lưởi bốc lửa đang đốt rụi và vất vả làm cho khối đen vũ trụ bật lửa. Một ngày nào đó toàn thể Vũ trụ sẽ trở thành một biển lửa duy nhất. Rồi thì cùng một lúc nhịp điệu của thế gian trở thành một cơn chóng mặtthời gian biến mất, giờ khắc xoay vòng, trở nên bất diệt, và mỗi một điểm trong không gian – sâu bọ hay tinh tú hay tư tưởng – cùng đồng nhau nhảy múa. Đấy là nhà tù, và nhà tù bị đập nát, những thế lực ghê tởm bên trong nó được thả tự do, và cái điểm của không gian đó không còn hiện hữu nữa! Giai đoạn tuyệt đỉnh của Huyền linh Tâm pháp của chúng ta gọi là Lặng ImLặng Im có nghĩa là: Mỗi một con người, sau khi hoàn tất sự phục vụ của y trong mọi lao động, cuối cùng đạt đến đỉnh cao nhất của nỗ lực, siêu vượt mọi lao lực, nơi mà y không còn phấn đấu hay la thét nữa, nơi y hoàn toàn chín muồi trong im lặng, một cách bất khả hoại diệtmiên viễn, với toàn thể Vũ trụ.

          Kazantzakis kết thúc công trình của ông bằng một tóm lược bí ẩn của phước lành áp dụng cho Phúc Âm của ông:

PHÚC CHO TẤT CẢ NHỮNG AI ĐÃ NGHE VÀ CHẠY ÀO ĐẾN ĐỂ GIẢI THOÁT NGÀI, CHÚA ƠI, VÀ NGƯỜI NÓI: “CHỈ CÓ NGƯƠI VÀ TA HIỆN HỮU!”

PHÚC CHO TẤT CẢ NHỮNG AI ĐàGIẢI THOÁT CHO NGÀI VÀ HỢP NHẤT VỚI NGÀI, CHÚA ƠI, VÀ NGƯỜI NÓI: “CHỈ CÓ NGƯƠI VÀ TA LÀ MỘT!”

VÀ BA LẦN ĐƯỢC CHÚC PHÚC LÀ NHỮNG AI MANG NẶNG TRÊN VAI MÀ KHÔNG  BUỘC VÀO THẮT LƯNG[59] ĐIỀU BÍ ẨN KINH HỒNTUYỆT VỜI, VĨ ĐẠI NÀY: NGAY CẢ ĐIỂU ĐÓ CŨNG KHÔNG HIỆN HỮU!

          Như John Fitting viết: “Nhận xét kết thúc của Kazantzakis không những chỉ là một tư tưởng, mà đối với ông còn là tư tưởng bộc lộ ngay chính bản tánh của thực tại; nó thừa nhận một mục đích hiển nhiên là phương tiện cho một chuyển hóa tối hậu. Như là phương tiện cho sự hiểu biết, nó không chấp nhận việc một người có thể ‘biết’ bản tánh tuyệt đối của sự vật, bởi vì không có gì gọi là hiểu biết tuyệt đối nhìn từ phối cảnh cao nhất.” (45) Điều này, như vậy, là một công án,[60] một cách truyền đạt bằng ngôn ngữ bất chấp mọi thông hiểu duy lý, và ý định của nó là phá tung cửa ngục duy lý để đưa ta đến sự lãnh hội bằng trực giác một thực tại lớn hơn.

          Trong The Saviors of God, Kazantzakis cố gắng khai giãn tâm trí chúng ta đến độ chúng ta có thể khai giãn được. Cái ngã của chúng ta là cái ngã của dòng giống, của tinh cầu, của vũ trụ. Cuộc sống của chúng ta là cuộc sống của sinh thể đã leo lên lưng chúng ta và cố gắng vượt tới cho đến toàn hảo. Trách nhiệm của chúng ta là không phải sống trong tiện nghi của chúng ta, hay ngay cả cuối cùng cho sung túc của đồng loại chúng ta, nhưng mà là cho sự tiến bộ của Sự Sống trong Vũ trụ. Và với những phước lành cuối cùng này, ông đập vở hàng rào ngăn chắn giữa hiểu biết và kinh nghiệm về sự vô cùng tận này.

          The Saviors of God là tác phẩm nổi bật giữa những tác phẩm của thế kỷ 20. Nó giống như những tác phẩm của Bergson, Whitehead và Teilhard de Chardin, nhưng nó không phải là triết học theo nghĩa học thuật, mà là theo nghĩa đạo đức; nó là, cũng như những áng văn chương thánh thiện vĩ đại nhất, là thi ca. Và giống như một áng thi ca vĩ đại nhất của nền văn chương thánh thiện, nó vật lộn với những câu hỏi lớn lao, và nó không giả vờ là trả lời được tất cả chúng, nhưng thay vào đó nó chỉ dẫn đến niềm bí ẩn lớn hơn vốn nằm bên ngoài sự hợp lý và xúc cảm. Có thể độ cao đỉnh của viễn ảnh của Kazantzakis là công cuộc đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống là sự thành công cho chính ông hay không. Ngôi mộ của ông tại Cretechứng minh[61] câu trả lời, bởi vì trên bia mộ khắc rằng: “Tôi không mong cầu gì cả. Tôi không sợ hãi gì cả. Tôi đã tự do.” (46).

***

Sách đọc:

Kazantzakis, Nikos. The Odysseya Modern Sequel; trans. by Kimon Friar. New York: Simon & Shuster, 1958.

Kazantzakis, Nikos. The Saviors of GodSpiritual Exercises; trans. by Kimon Friar. New York: Simon & Schuster, 1960.

Fitting, John Jeffrey. The Taoist Individuation of Nikos Kazantzakis. (Ph.D. dissertation, CIIS, 1976).

Nietzsche, FrederickThus Spake Zarathustra; Hollingdale, R.J., trans. New York: Penguin, 1961.

Chú thích:

1. Kazantzakis, Nikos. The Odyssey a Modern Sequel; Kimon Friar, trans. New York: Simon & Shuster, 1958. p. 662.

2. Kazantzakis, Nikos. The Saviors of GodSpiritual Exercises; Kimon Friar, trans. New York: Simon & Schuster, 1960. p. 12.

3. Fitting, John Jeffrey. The Taoist Individuation of Nikos Kazantzakis. (Ph.D. dissertation, CIIS, 1976). p. 49.

4. Saviors, p. 21-2.

5. ibid., p. 16.

6. Sahakian, William S., History of PhilosphyNew York: Barnes & Noble, 1968.  p. 233.

7. Sahakian, p. 234.

8. Saviors, p. 37.

9. ibid., p. 37

10. ibid., p. 38.

11. Crim, Keith, ed. The Perennial Dictionary of World ReligionsSan Francisco: Harper & Row, 1981. p. 37.

12. Fitting, p. 44.

13. Russell, Bertrand. A History of Western PhilosphyNew York: Simon & Schuster, 1945. p. 794.

14. ibid., p. 800.

15. Fitting, p. 208.

16. ibid., p. 43-44.

17. ibid., p. 43-44

18. Odyssey, p. xiii.

19. ibid., p. xiii.

20. Fitting, p.4 6.

21. Saviors, p. 16-7.

22. Sahakian, p. 233.

23. Odyssey, xiii.

24. Russell, 793.

25. Fitting, p. 43.

26. Odyssey, p. xiii.

27. Fitting, 14.

28. Odyssey, xiii.

29. Nietzsche, FrederickThus Spake Zarathustra; Hollingdale, R.J., trans. New York: Penguin, 1961. p. 47-48.

30. Fitting, 62.

31. Odyssey, xvii.

32. Durant, Will. The Story of PhilosophyNew York: Simon & Schuster, 1961. p. 301.

33. Nietzsche, p. 139.

34. Durant, p. 321.

35. ibid., p. 321.

36. Nietzsche, p. 18.

37. ibid., p. 18

38. ibid., p. 42.

39. Durant, p. 318.

40. Odyssey, p. xxii.

41. Murti, T.R.V., The Central Philosophy of BuddhismLondon: George Allen and Unwin, 1955. p. 349. dẫn chứng trong Fitting, p. 194-5.

42. Russell, p. 733.

43. Fitting, p. 209.

44. ibid., p. 16.

45. ibid., p. 219.

46. Saviors, p. 36.

Trích từ: Huyền Linh Tâm Pháp - Thiền Trình Chứng Đạo

[1] những chú thích trong ngoặc đơn (1, 2, 3...) là của tác giả John Mabry, ghi lại ở cuối bài; những chú thích

cuối mỗi trang là của người dịch.

[2] Bible: quyển kinh Thánh, gồm Cựu Ước và Tân Ước, mà cả ba tôn giáo lớn nhất thế giới – Do thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo – đều dùng.

[3] xem Phụ lục

[4] xem Phụ lục

[5] Hầu như tất cả các nhà thẩm bình về Huyền Linh Tâm Pháp của Nikos đều dùng cách dịch của Kimon là Những vị Cứu tinh của Chúa; ở đây vẫn giữ thế vì vì tôn trọng  tác giả John R. Mabry. 

[6] xem Phụ lục

[7] xem Phụ lục

[8] divinity, tánh linh, thần tánh, phần linh hiển trong con người, hay thiên tánh (bản tánh của Chúa).

[9] Spirituality : Tinh thần tánh, tâm linh tánh, linh tánh; đối với spiritualism: chiêu hồn luận, hàng thần thuật.

[10] Jacob (Do thái ngữ: יַעֲקֹב‎‎ , Hi lạp: Ἰακώβ Iakōb; Á rập: يَعْقُوب‎ ); có nghĩa “gót chân”, sau còn được gọi là Israel (Do thái: יִשְׂרָאֵל‎‎, Hi lạp: Ἰσραήλ Israēl; Á rập: إِسْرَائِيل‎ ) có nhiều nghĩa: “kiên trì với Chúa”, “tranh dành với Chúa”, “Chúa ngự trị”, “Chúa phê phán”, “Hồng y của Chúa”; theo Thánh kinh Do thái (Talmud) và Hồi giáo (Qur'an), và Tân Ước, là Thượng phụ Giáo chủ (Patriarch) thứ ba của dân tộc Do thái, là người mà Chúa lập Giao Ước (covenant) với, là tiên tổ của 12 chi họ Do thái (12 tribes of Israel), nên con cháu sau này tự xưng là dân tộc Israel (Do thái). Xem thêm Phụ lục.

[11] Câu tuyên bố bất hủ của Nietzsche: Gott ist totDieu est mortGod is dead.

[12] Cần phải ghi ở đây là ý nghĩa Chúa (God) không phải là Giê-su (Jesus) của Ki-tô giáo, cũng không phải là vị chủ tể tạo lập nên vũ trụ trong sáu ngày như quyển Cựu Ước (Old Testament) ghi chép. Chúa là năng lực, là bản thể, của toàn thể sự sống, hữu hình và vô hình, là cái gì mà con người ưu tư luôn với bắt, tìm về, và hội nhập làm một, mà không cần phải xuyên qua một đức tin tôn giáo hay một trung gian cá nhân nào.

[13] xem Phụ lục

[14] xem Phụ lục

[15] Thuyết tiến hóa, Evolution-ism, của Charles Darwin, từ đó, khoa học, kỷ thuật, vật lý học, v.v., đã tiến bộ vượt bực từ gần 200 năm đến nayđối lập với thuyết Creation-ism: thuyết sáng tạo thế giới bởi Chúa.

[16] Universal Organism

[17] 生機論, Vitalism

[18] élan vital, một trong những triết thuyết của Bergson.

[19] Zarathrustra Đã Nói Như Thế

[20] Nguyên bản Anh văn ghi là: ‘The specter of this prophet’, ‘cái bóng ma của nhà tiên tri này’, là hoàn toàn sai lệch. Xưa nay, cả Đông lẫn Tây không ai xem Đức Phật là nhà tiên tri (messiah, theo như Giê-su của Gia tô giáo) cả; ngay cả Ngài cũng không tự xưng như vậy. ‘Bóng ma’ cũng có nghĩa xấu.

[21] Không rõ “bản thảo” chỉ cho “The Saviors of God” hay một tác phẩm khác. Câu Anh văn không đủ nghĩa.

[22] Chúng tôi không tìm được ‘Thiên trường ca về những lời dạy của Đức Phật’ là có tựa bằng Hi lạp hay Anh ngữ như thế nào; đoạn này hơi rối nghĩa. Tuy nhiên đây có thể là kịch bản Buddhatrình diễn tại Pháp vào những năm 1941-43. Nguyên tác: Buddha; translated by Kimon Friar and Athena Gianakas Dallas-Damis, San Diego (CA), Avant Books, 1983.

[23] thuyết duyên hợp, duyên khởi

[24] nguyên lý vô ngã

[25] ý tưởng về Sanh tử Luân hồi

[26] ý tưởng về Pháp, tha thể, đối thể, cọng nghiệp

[27] Ngã và Pháp

[28] Không khác lời Phật dạy trong kinh Kàlama.

[29] Có phải chăng đấy cũng chính là tâm tình của Tô Đông Pha khi viết về Lô Sơn : “Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang, chưa đi đến đó luống mơ màng, đi rồi về lại không gì lạ, mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang.” Đông Tây gặp nhau là thế. Xem thêm: Lô Sơn Chân Diện Mục của Tuệ Sỹ.

[30] becoming: thành hữu, tiến trình trở nên hiện hữu.

[31] nhị nguyên: trắng đen, lạnh nóng, phải quấythành bạisống chết, v.v.

[32] Fitting, tr. 15

[33] trong ý nghĩa Chúa là tinh thần, cùng với đối thể là vật chất mà Kazantzakis gọi là ‘người vợ’, phu nhân của Ngài.

[34] entropy có 2 nghĩa: 1. thuộc vật lý học, không cần kể đến ở đây ; ký hiệu : S; 2.  thiếu trật tự hay tính không thể dự đoán trước được dần dần trở nên mất trật tự; do từ en- ‘bên trong’ + tropē  ‘biến tính’; ở đây là nghĩa thứ 2.

[35] Immanuel (hoặc Emmanuel hay Imanu'el, עִמָּנוּאֵל) có nghĩa “Chúa đang ở với chúng ta”, "God is with us") là danh xưng tượng trưng xuất hiện trong chương 7 và 8 của sách I-sai-a (Book of Isaiah), là lời tiên tri bảo cho vua Ahaz của Judah là Chúa sẽ bảo hộ đất nước ông chống lại các vua thù địch khác bởi vì ‘Chúa đang ở với chúng ta’; lời này được phúc âm Mát-thêu (Gospel of Matthew) lập lại như là dấu hiệu xác nhận địa vị linh thiêng của Giê-su (Jesus). Đây là một xưng từ bao hàm một tên của thần thánh (theophoric) gồm 2 từ trong Do thái ngữ: אֵל, ’El, “Chúa”, và עִמָּנוּ, Immānū, “với chúng ta”.

 

[36] Phật: sở tri kiến

[37] Đoạn này được Paul Swanson trưng dẫn ở trang đầu quyển “Foundations of T’ien-T’ai Philosophy” của ông, nhưng người chuyển sang Việt ngữ, trong Nền tảng Phật học Thiên Thai tông, vì không thấu đạt ý nghĩa thâm áo này của Kazantzakis, nên không dịch được sát đúng với nguyên bản Anh văn. Ngay cả [T’ien-t’ai Philosophy] cũng cần phải dịch là Triết lý (hay Triết họcThiên Thai tông, bởi vì [Phật học] có nghĩa bao quát hơn.

[38] có nghĩa là trong cơn cấp bách, có thể nhảy xuống bên này hay bên kia của tường.

[39] Grail, hay Hole Grail, Chén Thánh (đúng ra là ly vành rộng có chân) mà Giê-su dùng để uống với 12 tông đồ trong đêm cuối cùng Bữa Tiệc Ly (the Last Supper). Từ này được dùng như là “mục đích tối hậu đạt được” hay “bảo tàng tinh thần được tìm thấy”.

[40] Một ý niệm khác cho nội dung phẩm “Hóa thành dụ” trong kinh Pháp Hoa.

[41] Luận Ngữ 論語: Triêu văn Đạotịch tử khả hĩ 朝聞道, 夕死可矣, Sáng nghe được Đạo, tối chết cũng cam.

[42] Đó là nỗi đau hân hoan hay niềm vui thống khổ mà tất cả những ai hằng suy tư đều kinh nghiệm

[43] “skin encapsulated egos”, do Alan Watts (nổi tiếng với các tác phẩm về Thiền đầu tiên tại Tây phương) dùng để mô tả cái tiểu ngã nội tại mà thiền gia cần phá vở để đạt giác ngộ.

[44] xem Phụ chú

[45] xuyên-nhân, transpersonal

[46] Phật tại tâm

[47] tiểu ngã (ego)

[48] đại ngã (Self)

[49] cũng có nghĩa là trôi lăn mãi trong vòng sanh tử luân hồi đời đời kiếp kiếp.

[50] Thánh Thể, Body of God, Corpus Christi

[51] identity, một từ thường dùng, nhưng không có chữ Hán Việt tương đương; identity có nghĩa đồng nhất tánh, giống hệt, nét để nhận diệnnhận dạng một người nào đó, v.v. Như ID, Identity Card, thẻ cá nhân để nhận dạng riêng người đó, không lầm lẫn người nào khác. Ở đây gượng ép dịch là đặc tánh, hoặc Bản tánh.

[52] gia chủ

[53] Như đã ghi trong Tiền đề, Kimon Friar và tất cả các nhà thẩm bình về Kazantzakis,  đều bị đoạn này mê hoặc, nên gọi bản dịch Anh ngữ là ‘Những vị Cứu tinh của Chúa’ cho nguyên bản Hi lạp ngữ  ‘Huyền linh Tâm pháp’ của Nikos.

[54] xem Phụ chú

[55] đây có phải chăng là hành giả đã tìm thấy “bản lai diện mục” của mình?

[56] Anh ngữ: windflowers, cỏ chân ngổng

[57] ảnh hưởng Thiền và Phật

[58] nguyên bản Anh ngữ là ‘sùnyà’, đúng ra là ‘sùnyatà’.

[59] ‘mang nặng trên vai’ là một gánh nặng, bị áp chế; ‘buộc vào thắt lưng’ là đã chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng để dấn thân làm một điều quan trọng nào đó. 

[60] koan, công án, theo nghĩa nhà Thiền.

[61] nguyên văn ‘betrays’: phản bội, là trái nghĩa với câu dẫn chứng tiếp sau. Đúng lý phải nói là: ‘chứng minh’ là Kazantzakis đã tìm thấy câu trả lời, qua bi minh khắc trên mộ của ông.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 189051)
01/04/2012(Xem: 34562)
08/11/2018(Xem: 13451)
08/02/2015(Xem: 51675)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.