Chương 6: Hành Đạo, Độ Sinh -14

23/05/20235:58 SA(Xem: 832)
Chương 6: Hành Đạo, Độ Sinh -14
HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch
Nhà xuất bản Phương Đông


Chương 6
HÀNH ĐẠO, ĐỘ SINH

(TT)

Tam QuyNgũ Giới:

Bất luận Giới Đại thừa hay Tiểu thừa, đều lấy Tam quy, Ngũ giới làm căn bản. Cho nên, Tam quy, Ngũ giới đối với các hàng Tại giaXuất gia đều cực kỳ trọng yếu. (Song giới dâm nơi người Tại gia chỉ cấm tà dâmcòn Xuất gia thì cấm hẳn, phải khéo phân biệt).

Có một việc rất quan trọng liên quan đến vấn đề giới luật mà tôi cần phải nói với quí vị là trong giới căn bản có phần cấm tự tay đào đất, dệt vải v.v…

Chúng ta hiện nay cày ruộng, dệt vải thì có phạm giới không? Chúng ta cần phải biết giới phật chế ra có hai loại: Tánh giới cùng Giá giới.

Tánh giới: là những điều trái lý, dù Phật có chế hay không chế giới, nếu làm thì vẫn phạm tội, như sát, đạo, dâm chẳng hạn.

Giá giới: Khi Phật chưa chế giới mà làm thì không phạm. Chỉ từ khi Phật chế giới về sau, nếu làm mới thành phạm giới, như đào đất, dệt vải…

Phật sở dĩ chế ra Giá giới là vì có các nguyên nhân nên mới chế. Vả lại, tùy xứ, tùy người, tùy thời cơ mà chế giới cho thích nghi.

Luận về đào đất, dệt vải

Như khi Phật chế giới cấm đào đất, dệt vải, mục đích là tránh sự chê bai của người thời đó. Thuở ấy, xã hội Ân Độquan niệm người chuyên tu thì phải đi xin, khất thực mới là đúng pháp, đó mới là bổn phận của người xuất gia. Còn nếu tu mà tự đứng ra tự làm, tự túc việc cơm áo thì sẽ bị thế gian hiềm trách. Do vậy Phật mới chế ra giới này.

Chỉ vì phong tục tập quán và thể chế xã hội mỗi nước một khác, chẳng đồng, nên chế giới phải căn cứ vào quốc gia, chỗ ở, sự việc, thời cơ cho thích hợp, chẳng thể giữ mãi một khuôn phép cũ trái thời.

Vì vậy mà trong Ngũ Phần Luật, Phật dạy: “Tuy ta đã chế điều luật ra, rồi nhưng đối với địa phương nào mà nếu thực hành là không thanh tịnh thì chẳng nên áp dụng. Tuy ta không chế giới, nhưng đối với những địa phương bắt buộc phải hành điều này thì không thể không thực hành”.

Do đó, tổ Bách Trượng xét thấy hoàn cảnh Trung QuốcẤn Độ chẳng đồng, nên mới đề xướng thuyết “Một ngày không làm là một ngày không ăn” cho thích hợp.

Nếu như Đức Phật giáng sinh nơi đây vào thời điểm này, thì nhất định Ngài không chế giới cấm đào đất và dệt vải. Cho nên chúng ta tuy cày ruộng, dệt vải… mà không phải là phạm giới.

Trong thời điểm này, kính mong quí vị chú trọng việc chuyên tu, không nên từ bỏ lao dộng, trong lúc lao động cũng đừng quên tu, cả hai việc này cần phải phát triển ngang nhau. Như thế chúng ta đối với việc thọ trì các giới, quí ở việc tuân theo, hiểu ý chế giới của Như Lai chứ chẳng phải chấp thủ các điều lệ được ghi thành văn. Nếu nắm được, hiểu rõ ý Phật thì dù có làm trái các giới điều đã ghi thành văn, cũng được gọi là trì giớiNếu không rõ ý Phật thì dù có tôn trọngtuân thủ các giới điều đã ghi thành văn, cũng có thể thành là phạm giới. Tuy vậy, cũng không nên viện cớ này lẽ nọ, mà bỏ hết các giới của Phật đã chế, quí vị nếu hiểu sâu Luật tạng thì phải ý thức rõ điều này.

Bồ-tát giới: Tóm tắt có ba: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giớiNhiếp chúng sanh giới.

1. Nhiếp luật nghi giới:

Có nghĩa là xa lìa các điều ác. Loại này nếu dừng (chỉ) tức là trì giới, còn làm thì phạm, phải nghiêm cẩn hành trì..

2. Nhiếp thiện pháp giới:

Làm các điều lành. Thân, khẩu, ý đều lành cùng với ba huệ văn, tư, tu, mười ba-la-mật, tám mươi bốn ngàn hạnh trợ đạo… đều tu rốt ráo. Nhóm này nếu làm là Trì giới, không làm là phạm. Vâng theo lời dạy mà tu, không bao giờ hối tiếc hay thối chuyển.

3. Nhiếp chúng sinh giới:

Cũng gọi là Nhiêu ích hữu tình giới, nghĩa là không có chúng sanh nào mà chẳng độ, dùng Tứ Vô Lượng làm tâm, Tứ Nhiếp Pháp làm Hạnh.

Tứ Vô Lượng Tâm là: Từ, Bi, Hỷ, Xả,

Từ là ban vui. Bi là cứu khổ.

Hỷ là mừng vui khi thấy chúng sinh lìa khổ rốt ráo, đầy đủ pháp lạc.

Xả là giúp chúng sinh hành theo hạnh Phật, đến chỗ Phật đến, mới sinh tâm Xả.

-Tứ Nhiếp Pháp là: 4 pháp Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự.

Bố thí: nếu chúng sanh ưa tài thí thì bố thí tài, ưa pháp thì bố thí pháp, khiến họ nhân đó sinh tâm ưa mến, muốn thân cận theo mình học đạo.

Ái ngữ nhiếpTùy theo căn tánh chúng sinh, dùng lời lành an ủi, khiến họ sanh lòng thương mến thân cận, nương theo ta tu học.

Lợi hành: Thân, khẩu, ý hành động lành đem lại lợi ích cho chúng sinh, khiến họ sanh lòng thương mến thân cận theo ta học đạo.

Đồng sự nhiếp: Dùng mắt pháp quán sát căn cơ của chúng sinh, tùy theo lòng ưa thích của họ mà thị hiện, cùng làm và giúp ích cho họ, để dẫn dắt học đạo.

Nhóm giới này nếu làm là trì giới, không làm là phạm giới.

Tứ hoằng thệ nguyện:

Lại, khi Bồ tát phát tâm nên phát bốn hoằng thệ nguyện:

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ: Đã phát tâm bồ đề hành đạo Bồ-tát thì cần phải đoạn trừ ngã ái, quên mìnhchúng sanh, lấy tâm chúng sanh làm tâm mình, lấy cái khổ của chúng sinh làm khổ của mình, thường hành từ bi, bình đẳng độ khắp. Như Bồ tát Địa Tạng nguyện độ hết chúng sinh mới chứng Bồ-đề, địa ngục chưa trống, nguyện chẳng thành Phật.

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn: Chúng sinh từ vô lượng kiếp đến nay, trôi lăn trong sinh tử đều do phiền não chưa đoạn.

Phiền não từ cội gốc phát sinh cành lá, lớp lớp chất chồng vô tận. Từ gốc tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… phát sinh vô số cành ngọn lười biếng, buông lung, tật đố, chướng ngại, hôn trầm, tán loạn, xiểm khúc, dối trá, không hổ, không thẹn… Nhưng phiền não tuy nhiều, tóm kết cũng không ngoài hai chấp: Ngã và Pháp. Chúng sanh do chẳng rõ đạo lý duyên khởi tánh không, vọng chấp thân tâm này cho là thật ngã, phân biệt các pháp cho là thật pháp. Do đó vọng chịu khổ báo sanh tử. Thế nên đức Thế Tôn phải lập ra các thức phương tiện, tùy bệnh cho thuốc, nói vô lượng pháp môn nhằm đối trị với vô tận phiền não của chúng sanh. Chúng ta nên vâng theo lời Ngài dạy, tu tập, thệ đoạn phiền não.

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học: Bồ-tát vì lợi ích của loài hữu tình, nên cần học tập vô lượng pháp môn của thế gian và xuất thế gian. Cho nên Bồ tát cần phải học Ngũ minh.

Ngũ minh:

1. Thanh minh: Biết ngôn ngữ văn tự.

2. Nhân minh: Phân biệttà chánh, pháp lý chân ngụy (tức Luận Lý học).

3. Công xảo minh: Biết tất cả các ngành công nghệ, kỹ thuật, toán lịch…

4. Y phương minh: Biết Y thuật (Xem bệnh cho thuốc).

5. Nội minh: Biết rõ tông chỉ của Phật giáo, cho nên bất cứ pháp thế gian hay xuất thế gian, các khoa triết học… đều là các môn Bồ-tát cần học. Lục tổ dạy:

Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Lìa thế tìm Bồ-đề
Cũng như tìm sừng thỏ.

Cho nên không phải chỉ nhắm mắt xếp chân mới là tu hành, mà ngay cả gánh nước, bửa củi, cày ruộng, cuốc đất, khoác áo ăn cơm, đi đại tiểu tiện… nghĩa là tất cả thời đều phải dụng công tu. Người xuất gia không phải chỉ biết đóng cửa, ngậm miệng tử thủ một pháp.

Phật pháp vô thượng thệ nguyện thành:

Phật đạo, tiếng Phạn gọi là Bồ-đề, còn dịch là Giác. Giác là tự tính linh diệu sáng suốt. Tính giác này ở Thánh không tăng, ở phàm không giảm, vốn tự viên thành. Ai cũng có. Chư Phật, Thánh nhân thị hiện ra đời làm thầy của trời, người, làm khuôn mẫu cho đời là muốn chỉ cho chúng sinh rằng: Lìa vọng tưởng chấp trước thì có thể thành PhậtLục Tổ nói:       ,

Phật ở trong tự tánh
Chớ tìm cầu ngoài thân
Tự tánh mê là chúng sinh
Tự tánh giác là Phật.

Chúng ta nên bỏ mê về giác, nguyện thành Phật đạo.

Hoằng có nghĩa là sâu rộng, sâu đến tận cùng ba cõi, rộng đến trùm khắp mười phương.

Thệ nghĩa là khắc trong lòng.

Nguyện là lập chí cho đủ. Bồ-tát phải phát các thệ nguỵện như trên, chẳng sợ, chẳng thối chuyển, chẳng dao động, siêng tu dũng mãnh đến tận đời vị lai.

Hư Vân này chẳng qua lập lại lời dạy của Phật để răn bảo hậu lai. Đức Phật Thích Ca đã vì các vị làm Hòa thượng bổn sư. Đức Bồ-tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi làm Yết-ma A-xà-lê. Đức Bồ-tát Di Lặc làm Giáo thọ A-xà-lê. Bảy vị Phật quá khứ cùng hết thảy chư Phật làm Tôn chứng. Chư vị Bồ-tát ở mười phương là dẫn lễ dẫn tán, vì các ông làm bạn đồng học. Tôi tuy nhận lời mời nhưng chỉ vì các ông làm vị Pháp sư giáo giới, cho nên gọi là Hòa thượng Bỉnh Giới. (Bỉnh: cầm, nắm).

Kết khuyên

Khi sắp vào đàn thọ giới, quí vị nên chí thành đảnh lễ chư Phật, Bồ-tát từ bi gia hộchư Thiên, Long thần đến đàn hộ giới. Tôi sẽ vì các ông tác pháp hồi hướng.

Các ông mỗi người ở tại trụ xứ của mình, giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh, hết sức lắng lòng, trong hai khóa sáu thời, y như pháp mà lễ sám. Phải đùng mành tinh tấn, cẩn thận chớ khởi tham sân mà đánh mât lợi lạc. Cũng chẳng nên khổ nhọc thái quá đến đổ bệnh. Có thể điều hòa ngồi ngay ngăn, đó là “vững ngồi niệm thật tướng“ (đoan tọa niệm thật tướng). Thật tướng tức là bản tâm, bản tâm tức là Phật. Nếu vọng niệm chẳng sanh thì Giới thanh tịnh. Giới thanh tịnh thì Định sanh. Định sanh thì Huệ phát. Phật nói cả Đại Tạng Kinh tức là Giới, là Định, là Huệ. Nếu đã được gốc thì không lo gì ngọn. Nếu chư vị có thể thực hành như thế, y theo đây mà tu thì chẳng mất địa vị giới tử của bốn đàn, mà còn không phụ lòng kỳ vọng của tôi nữa.

Kính mong đại chúng cùng nhau cố gắng. Những vị từ xa đến, ngày mai nên thật hoan hỷ trở về, mỗi người tự thực hành, dụng công!”

(Sư khuyên họ nên trở về trú xứ của mình, chiếu theo ngày Đàn giới tổ chức mà tự thệ thọ giới. Xong việc, Sư sẽ cấp Điệp đàn cho). Sư chỉ giữ lại một trăm người hợp phápthể tham dự Giới đàn. Việc này gây chấn động một phen, rồi cũng xong. Thế nhưng, Sư vì chuyện tổ chức giới pháp gặp chướng, trong lòng không an. Nên sau khi Đàn giới viên mãn, Sư cho mở một kỳ thiền thất.

Năm này, khai ruộng trồng lúa, hơn 140 mẫu.

Các bài giảng của Hòa thượng Hư Vân:

1. BÀN VỀ NHÂN QUẢ

Thứ hai, 11/3 nhuần, năm Ất Mùi (1955)

Phật Thích Ca thuyết pháp 49 năm, giảng kinh hơn ba trăm hội, đúc kết thành 12 bộ kinh, ba tạng: Kinh, Luật, Luận. Ba tạng này không ngoài tam học Giới, Định, Huệ. Kinh là học Định, Luật là học Giới. Luận là học Huệ.

Nếu nói tóm lược thì có thể đùng 2 từ Nhân Quả cũng đủ để giải thích tổng quát các pháp Phật thuyết. Hai chữ Nhân Quả này bao hàm tất cả Thánh, Phàm, Thế gian, Xuất thế gian, không ai thoát khỏiNhân là Nhân duyênQuả là Quả báo. Thí như trồng trọt, gieo một hạt là Nhân, tùy nhân duyên thời tiết, thu hoạch được là Quả. Nếu không có Nhân nhất định không có Quả. Tất cả Thánh, Hiền sở dĩ là Thánh, Hiền điều quan trọng chính là nhờ hiểu rõ Nhân Quả. Phàm phu sợ quả nhưng Bồ-tát sợ nhân.

Phàm phu chỉ sợ ác quả, mà chẳng biết ác quả phát xuất từ ác nhân. Bình thường cứ mặc tình làm quấy, miễn sao được vui sướng nhất thời, mà chẳng hề suy xét vui đấy chính là nhân khổ. Còn Bồ-tát thì chẳng thế. Bình thường nhất cử nhất động các Ngài đều cẩn trọng gìn giữ thân tâm, biết ngăn ngừa ngay từ mầm mống. Đã không tạo nhân ác làm sao có quả ác? – Cho dù có quả ác đi nữa, thì tất cả đều là do nhân gieo lâu xa từ thuở trước, Đã thuộc nhân gieo thuở xa xưa, tức nhiên hậu quả khó tránh. Nên lúc nhận quả, các Ngài an nhiên nhận lấy, tuyệt chẳng sợ hãi. Đây gọi là hiểu rõ nhân quả (minh nhân thức quả).

Xin đơn cử câu chuyện cổ nhân:

Ngài An Thế Cao

“Sư An Thế Cao, nhiều đời tu trì, kiếp đầu tiên sinh làm Thái tử nước An Tức. Ngài xả ly ngũ dục, xuất gia tu chứng được Túc mệnh thông, biết kiếp trước bản thân mình có thiếu nợ mạng với người – mà chủ nợ hiện đang  Trung Quốc. Thế là Ngài vượt biển sang Lạc Dương. Đi đến một vùng hoang vắng không người thì bỗng gặp một thiếu niên mình giắt đao sáng ngời, anh này vừa nhìn thấy Sư từ xa xa, thì đã bừng bừng thịnh nộ, nhào tới gần Ngài, chẳng nói chẳng rằng, vung đao giết ngay.

Pháp sư chết rồi, thần thức tiếp tục đầu thai vào nước An Tức. Lại làm Thái tử, đến lúc trưởng thành cũng phát tâm xuất gia và chứng Túc mệnh thông y như cũ. Ngài quán sát thấy đời này mình vẫn còn thiếu nợ mạng chưa trả, chủ nợ kỳ này cũng ở tại Lạc Dương. Thế là Pháp sư lại tìm sang đó. Ngài đến ngôi nhà người chủ nợ đầu tiên (từng giết mình trước đây) xin tá túc. Được ông ta mời dùng bữa. Ăn cơm xong Ngài hỏi chủ nhà: – Ông nhận ra tôi chăng? Chủ nhà đáp: – Tôi chưa hề quen sư. Ngài bảo: – Tôi chính là vị tăng ông đã giết năm đó… tháng đó… ngày đó… tại đồng hoang … Chủ nhà hết hồn, thầm nghĩ: “‘Việc này ngoài nạn nhân ra không ai có thể biết được. Ông sư này chắc chắn là hồn ma hiện… tới đòi mạng minh?” Chủ nhà sợ lắm, chỉ muốn co giò chạy trốn, Sư thấy thế bảo: – “Đừng sợ, tôi không phải là quỷ đâu! Và giải thích mọi chuyện cho chủ nhà rõ. Sau đó Sư bảo chủ nhà:- “Ngày mai tôi sẽ bị người giết chết để đền nợ xưa. Do vậy mà tôi tới đây nhờ ông giúp. Xin ông ngày mai hãy làm chứng giùm, chịu khó thuật lại cho quan nghe di ngôn của tôi, hãy giải thích rằng – Tôi chết đây là vì phải đền nợ mạng, xin quan hiểu mà không trị tội người giết tôi.

Nói xong, cả hai đi ngủ. Sáng hôm sau, họ cùng ra ngoài. Trên đường, họ gặp một người trong làng đang gánh củi. Vị Tăng đang đi phía trước anh tiều thì bất ngờ bó củi phía trước của anh rơi xuống, bó củi phía sau cũng rơi nốt, làm cây đòn gánh bất thần quật ngược ra trước, đánh thẳng vào đầu vị Tăng, trúng ngay chỗ hiểm khiến ông chết liền. Anh hàng xóm tức tốc bị giải lên quan thẩm tra định tội. Chủ nhà thấy việc xảy ra ứng hợp như lời vị Tăng kể. Bèn thuật lại cho quan nghe những gì vị Tăng đã dặn dò. Quan nghe xong, càng tin nhân quả không sai, liền tha tội ngộ sát cho anh gánh củi.

Hồn vị Tăng lại đầu thai vào nước An Tức, kiêp thứ ba này cũng làm Thái tử, lại xuất gia tu, thành là Pháp sư An Thế Cao”.

Qua câu chuyện này, có thể thấy rằng Thánh, Hiền không mê mờ nhân quả. Đã từng gieo ác nhân, tất phải chiêu ác quả. Nếu hiểu rõ lý này thì ngày thường trong cuộc sống, có gặp phải các cảnh thuận, nghịch, khổ vui gì, thảy đều do tiền nhân. Chẳng nên ở nơi cảnh vọng sinh yêu ghét, tự nhiên có thể buông xả được. Nếu quý vị một lòng vì đạo, biết chuyển hóa, khiến tập khí xấu, vô minh cống cao… thành vô chướng ngại, thì sẽ vào đạo dễ dàng.

2. KHUYÊN TU

Thứ ba, 12 tháng 3 nhuần Ất Mùi (1955)

Cổ nhânsinh tử sự đại, tìm thầy hỏi bạn, chẳng ngại trèo đèo vượt suối, nhọc nhằn bôn ba. Chúng ta từ vô thỉ đến nay bị vọng tưởng ngăn che, trần lao buộc trói, quên mất bản lai diện mục. Thí dụ như tấm gương, xưa nay vốn sáng rỡ quang minh, có thể chiếu trời soi đất, do bị bụi bẩn bao phủ che lấp, nên chẳng thấy quang minh. Nay muốn hồi phục nguyên trạng, chỉ cần ra công tẩy rửa lau chùi, thì bản chất sáng trong của gương sẽ hiển lộ.

Tâm tính chúng ta cũng giống thế, cùng chư Phật đồng nhất, không hề khác biệt, chẳng thiếu chẳng dư. Vì sao chư Phật đã sớm thành Phật, còn chư vị và tôi vẫn còn là phàm phu trôi lăn trong biển khổ sinh tử? – Bởi vì tâm tính chúng ta bị vọng tưởng, phiền não tập khí xấu, lớp lớp bủa vây che lấp – dù tâm tính này cùng Phật không khác, song chẳng thể dùng được – Nay các vị và tôi đã xuất gia, đồng làm đệ tử Phật, đã muốn minh tâm kiến tánh, phản bổn hoàn nguyên. Nếu không chịu ra sức khổ tu thì khó thể thành tựu, cổ nhân xưa đã từng ngàn cay trăm đắng, đi tham bái Thiện tri thức, chỉ vì muốn sáng việc của mình. Hiện nay đã là thời mạt pháp, cách Phật rất xa. Giáo pháp chìm lạc, người nhiều lười biếng, cho nên khó liễu sinh tử. Giờ đã biết tâm mình cùng Phật tương đồng, thì quý vị cần phải phát tâm tàm quý, dũng mãnh, lâu dài, trường viễn… Suốt 12 thời, phải gắng công mài giũa, kiên tâm rèn luyện. Sáng dụng công như thế, chiều cũng dụng công như thế. Hãy cố gắng tinh tấn tu, đừng để thời gian trôi qua trong sai lầm đáng tiếc.

3. LUẬN VỀ THÀNH ĐẠO

Thứ tư 13 tháng 3 nhuần Ất Mùi (1955)

Cổ nhân nói: “Xưa nay, thành đạo dễ, trừ vọng tưởng mới khó” Luận về Đạo, Lý, Tâm thì Tâm, Phật, Chúng sinh cả ba đều vô sai biệt. Bản tính chân thật của từng người mỗi mỗi sẵn có. Tại Thánh bất tăng, tại Phàm bất giảm. Nếu người biết Đại Địa Tâm không một tấc đất, tất cả Thế và Xuất thế gian, nào Phàm nào Thánh, bổn lai vốn không, chẳng có sinh tử. Nên nói: “Xưa nay thành đạo dễ” – Tâm này tuy vi diệu sáng suôt (diệu minh), nhưng do bị vọng tưởng lớp lớp ngăn che, nên ánh sáng không thể hiển lộ. Mà muốn trừ vọng tưởng cũng chẳng dễ. Vọng tưởng có hai loại: Một – vọng nhẹ. Hai – vọng thô. Lại phân ra Vọng tưởng hữu lậu, Vọng tưởng vô lậuVọng hữu lậu thì chiêu cảm quả báo khổ, vui nhân thiên. Còn Vọng vô lậu thì có thể thành Phật tác Tổ, liễu sinh thoát tử, siêu xuất tam giới.

Vọng tưởng thô (là vọng tưởng trược uế) thì chiêu cảm quả khổ nơi ba cõi: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinhVọng tưởng khinh (thanh nhẹ) thì tạo đủ các việc thiện như niệm Phật, tham thiền, tụng kinh, trì chú, lễ lạy, giữ giới sát, phóng sinh v.v.. Vọng tưởng thô tương ứng với nghiệp Thập ácÝ khởi Tham, Sân, Si, Khẩu nói lời vọng ngôn ỷ ngữ, ác khẩu lưỡng thiệtThân hành Sát, Đạo, Dâm, tất cả đều là nghiệp Thập ác do Thân, Khẩu, Ý tạo ra. Tùy mức độ khinh trọng mà chia ra Thập ác Thượng phẩm (cực nặng) thì đọa Địa ngụcThập ác bực Trung thì đọa Ngạ quỷThập ác bậc Hạ thì đọa Súc sinh.

Nói tóm lại, bất kể vọng tưởng thô hoặc khinh, (thanh hay trược), đều là một niệm hiện tiền của chúng ta – Mười cõi giới đều do một niệm này tạo thành, nên nói “Nhất thiết duy tâm tạo”. Nếu nói về căn bản thì chúng ta: Nguồn cội vốn phong quang: chẳng dính mảy tơ, chẳng nhiễm mảy trần (nhất ty bất quải, tiềm trần bất nhiễm), về Vọng thô (trược) thì chẳng cần phải nói, nếu tạm có chút Vọng khinh (thanh nhẹ), thì cũng là mệnh căn sinh tử chưa đoạn. Hiện nay đã nói trừ vọng tưởng thì cần nhất là phải nhờ một câu thoại đầu hay một danh hiệu Phật để mở cửa vào. Đây gọi là dùng Vọng khinh thay thế, chế phục Vọng thô, đùng thiện công phá ác, trước hàng phục Vọng thô bằng vọng Thanh (thiện lành) thì cũng có thể cùng đạo tương ưng. Tập luyện lâu ngày, công thuần hạnh đạt, cuối cùng vọng khinh cũng không luôn.

Mỗi người chúng ta đều biết rõ vọng tưởng không tốt, muốn đoạn vọng tưởng, nhưng lại bị tập khí điều khiển cuốn trôi, vì (minh tri) biết rõ mà cố phạm. Ta đã quen khởi vọng tưởng, gặp nghịch cảnh thì khởi vô minh, thậm chí còn bị các tính xấu làm biếng, cầu danh, hám lợi, nhớ nghĩ dâm dục v.v… lôi cuốn. Khi vọng tưởng khởi lên, đã biết là vọng tưởng không tốt, nhưng lại cứ buông thả, lao theo nó chẳng thể dừng – là vì sao vậy? – Bởi vì từ vô thỉ kiếp đến nay, tập khí ô nhiễm huân sâu đã thành thói quen, giống hệt như con chó mê ăn phân vậy. Tuy chư vị có cho nó thức ăn ngon, hảo hạng, nhưng hễ nó nghe mùi phân là nhào tới ăn liền. Đây gọi là thói quen huân lâu thành tính.

Cổ nhân dụng công rất miên mật. Xưa nay hành vi của chư Tổ sư, đều nhắm vào giúp người cắt đứt, đoạn trừ vọng tưởng. Hiện nay các vị và tôi xuất gia đi hành cước tham học, đều vì chưa liễu sinh tử. Cần phải sinh lòng đại hổ thẹn, phát tâm đại dũng mãnh, không theo vọng tưởng, không để vọng cảnh xoay chuyển. Giả như có vòng sắt nóng trên đầu, cũng chẳng cho đó là khổ mà đánh mất tâm Bồ-đề – Bồ-đề là giác, giác tức là đạo. Đạo tức là bản tâm vi diệu này. Nên biết tâm này xưa nay vốn đầy đủ viên mãn. Chưa tạm có khiếm khuyết. Muốn tu thì phải quay vào tự tánh, phải tự mình phát tâm. Nếu mình không phát tâm, thì dù Phật Thích Caquay trở lại thế gian này, e rằng cũng không giúp được gì cho quý vị.

Suốt 12 thời, bất kể đi đứng nằm ngồi động tĩnh… tâm thể tự như như, vọng tưởng không sinh, lo gì sinh tử chẳng liễu. Nếu không như vậy thìlăng xăng không đâu. Từ sáng đến tối, từ lúc sinh ra cho đến khi chết, quý vị đã bỏ phí thời giờ trôi suông. Tuy nói tu cả đời nhưng không thành công cán gì. Ngày 30 tháng chạp đến, khát nước mới lo đào giếng, e không còn kịp, lúc đó có hối cũng muộn màng. Tôi tha thiết xin mọi người hãy nỗ lực, cố gắng dụng tâm.

4. BẬN RỘN VẪN TU ĐƯỢC

Thứ năm 14 tháng 3 nhuần Ất Mùi (1955)

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu năng chuyền tức đồng Như Lai”. Nghĩa là tất cả Thánh hiền khéo chuyển vạn vật, chẳng bị vật chuyển. Tùy tâm tự tại, chốn chốn chân như. Còn phàm phu chúng ta, do vọng tưởng làm chướng, nên bị vật chuyển. Ta yếu ớt như cỏ, hễ gió đông thổi thì dạt về tây, gió tây thổi thì ngã về đông, chẳng thể làm chủ. Có người cả ngày lăng xăng, tán tâm phóng dật, lòng chẳng  nơi đạo, tuy có dụng công nhưng lại lúc có lúc không, chẳng miên mật. Bình thường cứ quay mòng theo vui buồn, giận ghét; chìm đắm trong phiền não thị phi. Hễ sáu căn tiếp xúc với sáu trần là mất giác chiếu, chạy theo trần cảnh. Vừa lòng thì sinh ưa, nghịch ý thì sinh ghét. Trong tâm thường khởi vọng tưởng. Có hai loại vọng tưởngVọng thiện – gọi là vọng tưởng thanh, (nhẹ) có thể dùng để hành đạo, tạo việc lành. Còn Vọng ác – tức vọng tưởng (thô) mang đủ tà niệm bất chánh, uế trược dẫy đầy, khó mà tả hết. Thiền sư Bạch Vân Đoan có làm bài tụng rằng:

Nhược năng chuyển vật tức Như Lai
Xuân noãn sơn hoa xứ xứ khai
Tự hữu nhất song cùng tương thủ
Bất hội dung dị vũ tam đài

Nếu khéo chuyển vậtNhư Lai
Xuân ấm khắp non hoa nở đầy
Tự có một đôi tay tương trợ
Nào biết dễ dàng xoay, múa may

Kinh Kim Cang nói:

“Ưng như thị hàng phục kỳ tâm1Phật tử chúng ta, hãy thống thiết lo việc sinh tử, như cứu lửa cháy đầu. Nên buông bỏ thân tâm, tinh tấn cầu đạo, siêng năng dụng công, mài luyện mình lần lần để đạt đến không bị vật chuyển là nắm được công phu. Dụng công không nhất định chỉ tu trong lúc tịnh mà phải tu cả trong động, nếu trong cảnh động tu được không loạn mới là công phu chân thật.

Xin kể quý vị nghe một tấm gương tu trong cảnh động:

“Đầu thời Minh,  Hồ Nam có một anh thợ sống bằng nghề rèn sắt. Người ta gọi anh là Hoàng Đả Thiết. Hồi đó gặp lúc Chu Hồng Vũ hưng binh tác chiến nên đặt làm rất nhiều binh khí. Hoàng Đả Thiết vâng lịnh chế binh khí, ngày đêm không nghỉ. Hôm nọ có một vị Tăng khất thực đi ngang nhà ông, Hoàng cúng đường thức ăn. Thọ thực xong, vị Tăng bảo:

-Tôi nay nhận bố thí không thể không báo đáp. Hiện có một câu muốn tặng ông đây: – ông vì sao chẳng chịu tu vậy?

Hoàng thưa: – Đã biết tu hành là việc tốt, nhưng tiếc là tôi cả ngày bận rộn, làm sao mà tu được?

Tăng nói: – Có một pháp môn niệm Phật rất thích hợp, cho dù bận mấy cũng tu được. Thế này nhé, ông hãy vừa rèn, vừa niệm danh Phật, hễ kéo bể một cái là niệm Phật một tiếng. Chịu khó thực hành trường kỳ như thế, chuyên tâm niệm “Nam mô A-di-đà Phật,,, bảo đảm đến lúc mệnh chung ông sẽ được vãng sinh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.                 .

Hoàng Đả Thiết làm y theo lời vị Tăng dạy, vừa đập sắt, vừa niệm Phật, cả ngày đập sắt là cả ngày niệm Phật. Không những ông cảm thấy không mệt nhọc, mà tâm tư còn rất khinh an tự tại. Lâu ngày công phu thuần thục, không niệm mà tự niệm, ông dần dần ngộ nhập. Lúc gần mệnh chung ông tự biết trước, bèn đi chào hết thảy bạn bè. nói là mình sắp được vãng sinh Tây Phương. Đến ngày mệnh chung, ông giao việc lại cho người nhà, tự tắm rửa thay y phục rồi đến bên lò rèn, cũng đập, cũng rèn mấy cái và đọc kệ:

Đinh đinh đương đương
Cửu luyện thành cương
Thái bình tương cận
Ngã vãng tây phương

Chát chát chang chang!
Sắt rèn thiệt ngon!
Tâm dần thanh bình
Ta về Tây phương.

Rồi ông dừng tay, viên tịch. Lúc này hương thơm đầy nhà, nhạc trời trỗi giữa không, xa gần đều nghe, không ai là không xúc động?,.

Chúng ta hiện nay cũng cả ngày bận không ngừng nghỉ, nếu có thể học theo gương Hoàng Đả Thiết, trong lúc làm việc cũng ráng sức dụng công, nỗ lực, thì lo gì chẳng liễu sinh thoát tử? Tôi ngày xưa tại núi Kê Túc, Vân Nam có độ cho Cụ Hành xuất gia. Cụ Hành hồi chưa xuất gia, có tính ghiền hút thuốc, mê uống rượu, ưa đủ thứ. Nhưng sau khi gia đình ông (tất cả tám người) đến chùa Chúc Thánh công quảxuất gia rồi thì ông từ bỏ hết, bỏ rượu, bỏ thuốc… Dù không biết chữ nhưng ông vẫn ráng tụng Kinh Phổ Môn v.v… chưa đầy mấy năm đã thuộc làu. Ông lo trông trọt, cả ngày siêng năng làm việc không ngừng. Tối đến thì tinh tấn lễ Phật tụng kinh, không ham ngủ nghỉ. Trong chúng đối thế nào ông cũng không lưu tâm, có thương ông cũng chẳng màng, có ghét ông cũng chẳng để ý. Ông nhận may vá đồ cho chúng, cứ một mũi kim là niệm một câu Phật: “Nam mô Quan-Thế-Âm Bồ-Tát”, không mũi nào là không niệm, liên tục miên mật..

Sau đó ông đi triều lễ tứ đại danh sơn, trải qua tám năm. Lúc ông về lại Vân Nam thì tôi đang xây dựng trùng hưng chùa Vân Thê. Thế là việc lớn việc nhỏ trong chùa đều ông đều tình nguyện làm tất, khổ mấy, khó mấy cũng không từ, đại chúng đều thích ông. Lúc gần mất, ông đem y phục bán, thiêt trai cúng đường chúng. Sau đó hướng đại chúng cáo từ.

Ông sắp xếp mọi việc xong thì khoảng tháng Tư, vào mùa thu hoạch dầu cải, ông đem mấy bó rơm khô ra hậu viên Hạ Viện Thắng Nhân (chùa Vân Thê tỉnh Vân Nam) tự thiêu, nhẹ nhàng mà hóa.

Đến khi người phát giác kịp thì ông đã vãng sinh rồi. Chỉ thấy ông ngồi đoan tọa trong lửa, tay cầm mõ khánh, dù đã thành tro song y phục vẫn giữ nguyên nếp, quấn quanh thân ông không rơi xuống. Người chứng kiến đều hoan hỉ tán thán. Ông hằng ngày làm lụng không ngừng, tuyệt không quên dụng công tu hành, cho nên lúc ra đi mới được như vậy. Tu trong cảnh động so với tu trong cảnh tĩnh, xem ra không khó, song rất đắc lựchiệu quả.

5. ĐẠO ĐỨC LÀ TÔN QUÝ NHẤT

Thứ năm, 21 tháng 3 nhuần, Ất Mùi (1955)

Cổ nhân tu hành, có đạo đức cao thượng tự nhiên khiến Thiên, Long, Quỷ thần cảm động theo ủng hộ, bởi vì “Đạo đức là tôn quý nhất trên dời”. Cho nên nói: “Đạo cao long hổ phục. Đức trọng quỷ thần khâm”.

Quỷ thần và người, mỗi mỗi đều có cõi giới, nét tôn quý riêng. Vì lẽ gì chư Thiên, Quỷ thần lại đi tôn kính cõi người? Xưa nay linh minh diệu tính không phân kia đây, đồng quy một thể. Nhân vì vô minh bất giác, mê mờ chân nguyên nên mới phân ra mười cõi: tứ Thánh, lục Phàm. Nếu như muốn từ mê chuyển sang ngộ, phản bổn hoàn nguyên, thì trình độ giác ngộ mỗi cõi không đồng.

Trong cõi người, có giác và bất giác. Tri giác có tà có chánh. Chư Thiên, Quỷ thần cũng vậy. Cõi người  vào vị thứ năm trong sáu cõi phàm. Vì cõi trời Lục dục còn ưa nữ sắc, nên quên tu hành, cõi trời Tứ thiền ưa đơn lẽ thích thiền vị, nhưng lại quên minh ngộ chơn tâm. Cõi trời Tứ không thì lạc về thiên kiến chấp không, quên Chánh tri kiến. Cõi A-tu-la thì chìm trong sân giận, còn Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh thì khổ không thể nói. Thảy đều không có chánh niệm, khó thể tu hành. Chỉ có cõi người khổ vui chẳng đồng, nhưng so với các cõi kia thì dễ giác ngộ, có thể minh tâm kiến tánh, siêu phàm nhập Thánh. Chư Thiên, Quỷ thần tuy có thần thông, nhưng thảy đều tôn trọng người có đạo đức. Họ có thần thông lớn nhỏ, phúc báo chẳng đồng. Song thảy đều kính mộ chính đạo.

Thiền sư Nguyên Khuê cất am tranh nơi ngọn núi to trong dãy Ngũ Nhạc, từng truyền giới cho thọ thần. Trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục ghi:

“Ngày nọ có một dị nhân, đội mão cao áo rộng đến, dẫn theo rất đông tùy tùng đến gặp Đại sư, Sư liếc thấy vị này vóc dáng khôi vĩ, hình mạo kỳ lạ phi thường, nhưng vẫn nói:

-Lành thay nhân giả, vì sao đến đây?

Ông ta thưa:

-Thầy nhận ra con chăng?

Sư bảo: -Ta quán Phậtchúng sinh bình đẳng, nên nhìn ông đâu có phân biệt.

-Con là Thần núi. Nắm việc sinh tử của người. Sư vẫn an chứ.

-Ta vốn vô sinh ông đâu thể làm tử, ta thấy thân mình cùng hư không bình đẳng, thấy ông cùng ta bình đẳng. Vậy ông có thể hoại hư không và ta chăng? ông chẳng thể làm thế thì sao có thể nắm giữ sinh tử của ta?

Thần dập đầu thưa:

-Con cũng là vị thần thông minh chánh trực. Biết Thầy trí huệ quảng đại. Xin Ngài hãy truyền cho con chính giới, thâu con làm đệ tử.

giảng giải trao truyền Ngũ giới xong.

Thần thưa: – Con thần thông gần bằng Phật.

Sư nói: – Thần thông ông dù có đủ mười, nhưng năm phần ông có thể làm và năm phần không. Phật có đủ mười, nhưng Phật bảy phần có thể làm và ba phần không. Thần quỳ thưa: – Xin hãy giải thích cho con nghe.

Sư hỏi: Ông có thể làm mặt trời mọc ở Tây lặn ở Đông? Có thể đoạt đất thổ thần, dung hợp năm núi kết thành bốn biển chăng?

-Dạ không.

Đó là năm điều không thể của ông. Còn ba điều không thể của Phật là: Phật có thể không tất cả tướng, thành tựu Vạn pháp trí mà không diệt được định nghiệp. Phật có thể biết rõ tính mọi loài hữu tình cùng các việc trong ức kiếp, nhưng không thể hóa độ người không có duyên. Phật có thể độ vô lượng hữu tình nhưng không thể làm hết cõi chúng sinh.

Thần nói:

-Con hiểu biết cạn, kiến thức còn kém, chưa nghe đạo mầu. Nay được Thầy truyền giới xin nguyện phụng hành. Lòng muốn báo đáp từ đức của Thầy, mong được thực hiện những việc thuộc khả năng con.

Sư nói: -Ta quán thân vô vật, quán pháp vô thường. Tất nhiên đâu có mong muốn gì.

Thần thưa:

-Xin Thầy hãy lệnh cho con làm chút việc gì cho thế gian, biểu hiện chút công năng nhỏ, để người mới phát tâm và người chưa phát tâm biết có Phật có Thần.

Sư nói: Ta không làm thế, không làm đâu!

Thần thưa: – Phật cũng dùng thần thông hộ pháp. Xin Thầy hãy chiu ý ban cho con chỉ thị…

Sư bất đắc dĩ bảo:

-Phía Đông núi chùa có trở ngại là, cỏ rậm mọc đầy mà không cây to, còn phía Bắc núi thì có cây to nhưng sau lưng thế không vững chắc. Ông có thể dời rừng cây phía Bắc sang phía Đông núi không? Thần thưa:

-Thầy đã phán lịnh, đêm đến con sẽ làm ngay. Xin Thầy đừng kinh hãi.

Nói xong thần làm lễ từ biệt. Sư nhìn theo thấy dáng dấp thần như vương giả, tùy tùng đi theo như hầu vua. Mây ngũ sắc bao quanh lớp lớp, tràng phan, ngọc bội đan xen, thần bay vút lên trời cao biến mất.

Tối đó quả nhiên gió dữ sấm to, mây mù vần vũ, sấm nháng chớp xẹt, chùa chấn động đến rung rinh. Nghe tiếng ầm ầm vang rền trong đêm. Sư bảo chúng: Đừng sợ! Đừng sợ! Chuyện này Thần đã nói trước với ta rồi.

Sáng mai trời tạnh, thấy tất cả cây cối phía Bắc núi đều đã dời sang Đông hết. Rừng cây thẳng tắp. Sư gọi đồ chúng bảo: – Không nên cho người ngoài biết, nếu kể lại họ sẽ cho ta là yêu quái”.

Xem đấy, thần núi tuy có thần thông vẫn không bằng người có đạo đức. Đây chính là “Đức trọng quỷ thần khâm (phục)”. Người không có đạo đức sẽ bị quỷ thần quản, thọ nhận họa hại. Muốn có đạo đức thì phải minh tâm kiến tánh, tự nhiên cảm hóa được quỷ thần. Xưa nay, Thiền sư đức lớn kinh thiên động địa, nên cảm nai ngậm hoa, khỉ dâng trái cúng. Khiến Thiên ma ngoại đạo, chư Tiên, Quỷ thần đều đến qui y. Như Chân Tổ sư quy y Quan Âm, Tài Thần quy y Phổ Hiền, Tiên Đồng Tân quy y Hoàng Long, Vương Linh Quan qui y Địa Tạng, Văn Xương qui y Phật Thích Ca v.v…

Thế nên Hoàng đế Nhân Tông triều tống có làm bài phú tán thán Tăng rằng:

“Điều quý nhất trong thế gian là chẳng gì bằng xả tục xuất gia. Nếu được làm Tăng. Tất thọ nhân thiên cúng dường. Là đệ tử Như Lai. Làm quyến thuộc chư Thánh. Ra vào nơi kim môn. Hành tàng nơi Bảo điện. Nai ngậm hoa dâng, khỉ rừng hiến quả cúng. Xuân nghe oanh hót chim ca. Nhạc diệu máy trời. Hạ nghe ve kêu rừng thẳm. Nào biết nóng bức. Thu ngắm gió mát trăng thanh, ngàn sao lấp lánh. Đông nhìn đỉnh núi tuyết phủ, lạnh cả núi sông. Ngồi thiền ấm áp, mặc ba đào dậy sóng, vỗ tích trượng thoát vào không. Bao nhiêu thập đại quỷ quân, nghe danh là hồi quy chánh đạo. Bảng gõ tiến Đường ứng cúng, chuông kêu lên Điện tụng kinh, ban ban như ý, chủng chủng hiện thành. Khi sống làm thầy trời người. Viên tịch thì về quả Thánh.

Kệ rằng:

Không vương đệ tử Phật
Làm thân quyến Như Lai
Thân khoác y trăm mảnh
Thọ thực gạo ngàn chung
Đêm ngồi giường vô úy
Ngày ngắm Phật Di Đà
Trẫm nếu được như thế
Thật ngàn vạn đủ đầy!

Bài văn tán thán này, chúng ta phải cầm nó lên xem, để mà đối chiếu so sánh xem điểm nào mình tương ưng? Điểm nào chúng ta chưa làm được? Nếu như mỗi câu trong đây ta đều xứng hợp thì đáng được quỷ thần tôn trọng. Còn như ba đào dậy sóng mà không thể “Vỗ tích trượng thoát vào không”. Hễ vô minh vừa khởi thì làm ầm náo đến trời rung đất chuyển, thì… xấu hổ chết đi! Nếu khéo hàng phục tâm mình thì Ngũ nhạc quỷ thần, Thiên long bát bộ thảy đều tôn kính ông.

6. BÀN VỀ KINH, TRUYỆN

Chủ nhật 24 tháng 3 nhuần Ất Mùi (1955)

Mấy ngày nay chư vị đạo hữu đồng tham, phát tâm muốn ghi lại lời giảng của tôi. Tôi thấy đây là việc vô ích. Bởi vì Kinh điển Ngữ lục của Phật, .Tổ có nhiều vô số còn ít người xem, huống nữa là ghi lại mấy lời lảm nhảm chỉ đông trỏ tây của tôi, nào có ích dụng gì?

Xưa nay “Một pháp thông thời tất cả pháp thông”. Chẳng do xem kinh điển nhiều. Xem Tạng kinh, chỉ ba năm là có thể xong hết. Nhưng xem kinh như vậy cũng giống như cưỡi ngựa ngắm hoa. Muốn trồng thiện căn, huân hạt giống Phật, hưởng được ích lợi chân thật, thì xem kinh phải đọc cho nhuần nhuyễn đến thuộc làu. Theo ngu kiến của tôi, tốt nhất là nên chuyên đọc một bộ Kinh Lăng Nghiêm, (chỉ cần đọc thuộc chánh văn, không cần xem chú giải), đọc thuộc rồi, thì có thể đem tiền văn giải hậu văn, đem hậu văn giải tiền văn) Kinh này tả rõ ràng tinh tế việc tu chứng mê ngộ, lý sự nhân quả, giới luật… Từ phàm phu đến thành Phật, từ vô tình đến hữu tình, sơn hà đại địa, tứ Thánh lục Phàm, đều giải rõ hết… Vì vậy học thuộc Kinh Lăng Nghiêm rất có ích. Phàm là người đang tham học, tốt nhất cần hội đủ ba điều kiện: 1- Phải có đôi mắt mắt sáng. 2- Đôi tai thính. 3- Cái bụng tốt.

1- Mắt tỏ tức là Chánh nhãn kim cương, hễ nhìn tất cả sự vật liền có thể phân rõ tà, chánh thánh phàm, phải trái, tốt xấu, biệt biện được và không bị lầm lạc.

2- Lỗ tai tốt là, vừa nghe thì biết lời thuộc loại nào.

3- Bụng tốt thì giống như lão Bố Đại (Hoá thân Bồ-tát Di Lặc). Nghĩa là tất cả những gì mình nghe thấy, tốt đẹp hay xấu xa đều dồn hết vào bao. Gặp duyên tùy cơ, đem sở kiến sở văn từ trong bao ra, so sánh nghiên cứu, chọn thiện mà theo, và sửa những bất thiện trong đó, không nên nói quàng xiên. Lời thốt ra cần hợp điển chương, đàm luận vẫn phải tra cứu theo xưa. Do vậy mà kinh điển không thể không xem, xem sẽ được lợi ích. Tôi hồ đồ nói loạn, thốt không ra nửa câu tốt lành. Hồi trẻ dù có xem kinh sách, song chỉ dùng để bàn luận suông, thiệt là xấu hổ.

Hiện trong nhân gianlưu truyền truyện Tây Du Ký, Mục Liên. Đều là trong, đục chẳng phân, thị phi điên đảo! Vì biến chân thành giả – giả thành chân. Truyện Mục Liên kể chuyện Tôn giả Mục Liên rồi dẫn bừa đến Kinh Địa Tạng, lại đem Địa Tạng biến thành Mục Liên v.v… Toàn là nói nhảm.

Pháp sư Huyền Trang có “Đại Đường Tây Vực Ký”, nội dung viết trong cuốn này rất chân thật. Vậy mà thế gian lại lưu truyền quyển Tiểu thuyết Tây Du Ký, nói toàn lời xằng bậy (quỷ thoại).

Nguyên nhân sản sinh quyển truyện này là do Hòa thượng Bạch Vân ở Bạch Vân Tự (Bắc Kinh) giảng Đạo Đức Kinh, rất nhiều đạo sĩ khi nghe giảng xong đều đổi sang làm Hòa thượng khiến các Đạo sĩ bên Trường Xuân Quán bất mãn thưa kiện lên quan.

Kết quả sau vụ kiện tụng, Trường Xuân Quán bị đổi thành Trường Xuân Tự, Bạch Vân Tự thì đổi thành Bạch Vân Quán. Bên Đạo sĩ bèn viết ra bộ tiểu thuyết Tây Du Ký để mạ Phật giáo.

Người xem Tây Du Kỷ nếu sáng trí, biết nhìn từ quan điểm này thì sẽ thầm nhận ra chân tướng và thấy rõ thâm ý kia bàng bạc trong sách. Hại nhất là việc tả Đường Tăng sau khi lấy kinh trở về đến sông Lưu Sa thì toàn bộ Phật kinh đều không có, chỉ còn 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật,,, đây rõ ràng là đem công trình phiên dịch kinh Phật của Pháp sư Huyền Trang phủi bỏ hết!

Đáng tiếc là Thế nhân lại tin bộ Tây Du Ký giả, rồi quên hẳn bộ Tây Vực Ký thật. Sau đó thì bộ truyện Phong Thần Bảng được tung ra để đáp lễ bộ Tây Du Ký. (Kế sách này là do bên Hòa thượng mạ Đạo sĩ). Nếu xem từ quan điểm này, sẽ thấy trong sách chỗ chỗ đều là mạ Đạo sĩ. Thí dụ như nói Đạo sĩ tu Tiên tất có kiếp số, lần lượt bị đao trảm.

Xem hai bộ tiểu thuyết này, nếu như không hiểu rõ thâm ý mạ nhau giữa Phật Giáo và Lão giáo thì sẽ nhận giả làm chân. Cho nên đọc sách cần có con mắt sáng, biết nhận thức đúng sai, giỏi phân biệt tà chánh.

Còn như Truyện “Bạch Xà Thủy Tẩm Kim Sơn Tự“ (Bạch Xà nhận nước Kim Sơn Tự), bên sách Nho có đăng nhưng trong Phật thư thì không.

Có thể thấy đây hoàn toàn không phải là sự thật. Nhưng  Kim Sơn hiện nay còn có động Pháp Hải, trong tiểu thuyết còn tả rắn kéo đến Lôi Phong ThápPhi Lai Phong… toàn là ăn nói vớ vẩn. Lại còn dựng truyền thuyết Thiền sư Cao Phong có một nửa đồ đệ: Đoạn Nhai là một, Trung Phong là nửa. Truyện này trong kinh sách Phật không có ghi.

Quý vị hãy tìm đọc những bộ kinh sách của cổ nhân như “Kinh Lăng Nghiêm, Thích Thị Khể Cổ Lược”, Thiền Lâm Bảo Huấn, Hoằng Minh Tập, Phụ Giáo Biên… và hãy xem cho nhiều vào, vì đây chính là những bộ sách rất hữu ích, giúp người mở mang tâm trí.

7. GIÁO HÓA PHẢI LẤY MÌNH LÀM GƯƠNG

Thứ ba 26 tháng 3 nhuần Ất Mùi (1955)

Phàm Kinh điển giáo pháp Phật thuyết giảng, không lìa bốn chữ “Tín, Giải, Hạnh, Chứng”. Kinh nói: “Tín là là mẹ các công đức”.

Tín làí Tín tâm. Trên Kinh Hoa Nghiêm các vị Bồ-tát từ Sơ tín đến Thập tín đều phát xuất từ lòng tin. Tin cái gì? – Tin diệu pháp Như Lai nửa câu một câu đều là “Chỉ thẳng tâm người kiến tánh thành Phật” – Lời Thế Tôn vô cùng chuẩn xác, cực kỳ chân thật(chân vạn xác), không thay đổi. Người tu chỉ cần theo tâm này mà dụng công, chẳng nên hướng ngoại tìm cầu, tin tự tâm mình là Phật, tin lời Ngài nói, không dối, không đổi.

Giải là: Cử chỉ động niệm, nhị đế viên dung, tự mình hiểu rằng thuyết pháp biến hóa, thảy đều từ tâm mình lưu xuất, phóng đại quang minh, chiếu kiến tất cả… Đây chính là Giải. Mặc dù đã hiểu minh bạch nhưng không thực hành thì không thành công, cho nên phải khẩu tụng tâm duy. Tâm khẩu tương ưng, không trái nhau. Không nên miệng nói như gấm như hoa, mà bụng chứa đầy tham, sân, si, kiêu mạn. Như vậy là nói suông, khoe rỗng – tuyệt chẳng được ích lợi gì.

Tâm duy là gì? Phàm đã thốt lời thì phải y theo Thánh giáo, kiểm soát từng hành động cử chỉ của mình. Cân nhắc từng cử chỉ, thăm dò từng động niệm, chẳng sai đạo lý, dù là tí ti.

Hễ nói được là hành được, vậy mới là ngôn hạnh không khiếm khuyết. Nếu nói được hoa trời rơi đầy, mà hành động sai quấy, thì thà rằng đừng nói. Hành có nội hành, ngoại hành, nghĩa là trong, ngoài phải tương ưng. Trong thì đoạn hai chấp ngã pháp, ngoài phải hành hết tất cả hạnh thiện, hành tỉ mỉ.

Chứng là: Thật chứng, chân thường. Có Tín, có Giải mà không có Hành thì không thể Chứng, đây gọi là phát cuồng. Vì người nói pháp trên đời, nhiều như lông trâu, nhưng khi hành, thì chẳng biết thế nào là Thiền sư Pháp sư.

Ai cũng có một vài bản chú giải như Tâm Kinh, Kim Cang Kinh, Bát Thức Quy Củ Tụng… cho đến Kinh Lăng Nghiêm. Trong đây còn có một số người chỉ cần được hỉnh mũi, (yếu tỵ khổng) (hãnh diện), nếu chú giải kinh lu bù, mà hành trì trái ngược giống như kẻ tục nhân, thì chỉ là nói ăn mà bụng chẳng no.

Động tác, hành vi có phân nội hành và ngoại hành. Nghĩa là bên trong phải định huệ viên dung, bên ngoài thì tứ oai nghi hằng tuân thủ; nghiêm trì giới pháp, chẳng phạm mảy may, được vậy đối với bản thân mới có ích lợi. Hơn nữa phải lấy bản thân mình làm gương, mới có thể giáo hoá người. Giáo hóa người không phải ở chỗ nói nhiều, mà quan trọng là phải hành cho tốt, vậy mới có thể cảm hóa nhân tâm.

Các vị hành cho tốt, chính là giáo hóa! Không nên để người thấy mình có hành vi bất hảo mà sinh thối tâm, tiếc hận. Như vậy sẽ chiêu đọa vô ích. Một khi hành không đúng pháp, là uổng phí công phu.

Chúng ta tu muốn thiên nhân đến cúng dường, thiên nhân chẳng thèm để ý tới, bởi vì chúng ta không có hành trì. Nếu là người hành trì chân chính, thì dù  nơi đầu đường phố chợ, tửu quán dâm phòng cũng đều là chỗ để dụng công. Nếu tình chẳng gá vật, vật đâu ngăn ngại người? Như gương sáng chiếu soi vạn tượng rõ ràng, chẳng giữ chẳng xua thì cùng đạo tương ưng. Chấp tâm (trước tâmmê cảnh, thấy pháp ngoài tâm là không đúng. Bản thân tôi tự xét cũng xấu hổ, hành chẳng đến mà cứ nói ra rả thì nào có ích chi. Kinh, Luận Phật, Tổ ông chú, tôi chú.., xúm nhau chú giải đến không còn chú… được nữa. Cho nên thuyết pháp lợi người, phải lấy mình làm gương trước.

-Lấy mình làm gương ư? – Điều này chính tôi cũng cảm thấy xấu hổ.

8. NÓI ĐƯỢC LÀM ĐƯỢC

Thứ Hai, mồng 9 tháng 4 Ất Mùi (1955)

Hạnh giải tương ưng chính là nói được hành được. Cổ nhân có nói đến hành chẳng đến và cũng có hành đến nói không đến. Hạnh giải viên dung vô ngại chính là nói làm đều đạt, tương ưng. Hiện nay chúng ta nói nhiều, mà hành ít, nên khó liễu. Quy Sơn Cảnh Sách nói: “Nếu có người bậc Trung, lưu tâm nơi giáo pháp, cũng là tốt“. Chúng ta không những hành chẳng đến mà ngay cả nói cũng nói chẳng đến. Cổ nhân nhất cử nhất động, bên trong lẫn bên ngoài đều niệm niệm không lỗi, tâm khẩu tương ưng. Còn chúng ta tập khí thói xấu nhiều, điều phục cũng điều chẳng nổi. Bị gió cảnh thổi mít mù, không có thọ dụng chân thật.

Hễ muốn thuyết giáo thì rút ra từ những gì được nghe giảng hoặc trích dẫn từ Kinh luận Ngữ lục, Điển chương… Song càng lớn tuổi trí nhớ càng lu mờ, giảng trước quên sau, giảng sau quên trước. Giảng cũng giảng chẳng tới, sống đã hạnh giải chẳng tương ưng, một đời trôi suông thì rất khổ.

– Vì khi hơi thở ra không vào, chẳng biết sẽ đi về đâu? – Không thể làm chủ khi sinh tử đến, hằng ngày bị gió cảnh thổi mà chẳng thể buông – Đã làm chủ mình không nổi, thì có nói gì cũng vô ích! -Tôi nay thuyết cho các ông vẫn là Bồ-tát bùn khuyên Bồ-tát đất! Nhưng nếu các ông chịu nghe khuyên thì sẽ được lợi ích. Chỉ cần chớ để cảnh chuyển, giống như chăn trâu phải nắm chắc sợi dây, hễ trâu không nghe lời thì quất cho nó mấy hèo, nếu thường hàng phục tâm giỏi, lâu ngày công phu sâu, sẽ có tin tức tới nhà.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 189050)
01/04/2012(Xem: 34550)
08/11/2018(Xem: 13440)
08/02/2015(Xem: 51664)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.