Thư Viện Hoa Sen

Chương 3: Hiến chương Phật giáo.

30/04/20243:56 CH(Xem: 1320)
Chương 3: Hiến chương Phật giáo.

QUYỂN MỘT

 SỰ QUÁN THẤY CỦA ĐỨC PHẬT 
VỀ THẾ GIỚI  

 HOANG PHONG
BIÊN SOẠN và PHIÊN DỊCH

Chương 3 
Hiến chương Phật giáo

 

« Hãy nghi ngờ tất cả nhất là những gì ta sắp nói ra »

(Lời Đức Phật)

  

Câu trích dẫn trên đây là một câu rút gọn từ một bài giảng mang tựa là Kālāma Sutta / Bài thuyết giảng cho người dân Kālāma (AN 3.65). Câu tiếng Việt trích dẫn trên đây được dịch lại từ một câu tiếng Pháp : ‘Doutez de tout et surtout de ce que je vais vous dire’, viết trên trần cao vút của gian phòng triển lãm mênh mông của Thư viện Quốc gia Pháp François Mitterand tại thủ đô Paris. Câu này được viết cùng với một vài câu phát biểu của các vĩ nhân khác trong lịch sử nhân loại.

 

Ý nghĩa trong câu phát biểu trên đây nói lên một nền tư tưởng mở rộng, một giáo lý hoàn toàn cởi mở : hãy nghi ngờ tất cả, kể cả những lời thuyết giảng của Đấng Thế Tôn. Dưới đây là bản chuyển ngữ bài thuyết giảng nói đến trên đây :

 

 

Bài thuyết giảng cho người dân  Kālāma

Kālāma Sutta  AN 3.65

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Soma Thera, Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato, Bhikkhu Bodhi, Suddhāso Bhikkhu…, và các bản dịch tiếng Pháp của Rémy, Jeanne Schut…)

 

Tôi từng được nghe như vầy :       

 

Một hôm Đấng Thế Tôn cùng với đông đảo Tăng đoàn du hành nơi xứ sở của người dân Kosala (Kiêu-tát-la) và họ đang đi vào Kesaputta, một thị trấn của người dân Kālāma (một bộ tộc nhỏ sống tự trị thuộc lãnh thổ của đế quốc Kosala / Kiêu-tát-la). Nghe được tin này, dân chúng nơi thị trấn Kesaputta bàn bạc với nhau : ‘Vị tu hành Gotama (Cồ Đàm) là một người con của dòng họ Sakya (Thích Ca) thuộc bộ tộc Sakya, từng từ bỏ gia đình để bước vào kiếp sống tu hành. Vị này đang du hành trong xứ Kosala và vừa đến thị trấn Kesaputta’.  Tiếng tăm của vị Thầy Gotama ấy, con người lừng danh ấy, lan đi khắp nơi :

 

« Quả thật vị ấy là một Đấng Thế Tôn, một vị Arahant (A-la-hán / tiền ngữ arh trong chữ arahant có nghĩa là ‘xứng đáng’), tự mình đạt được một sự giác ngộ toàn vẹn và đích thật, phát động được một sự hiểu biết minh bạch và một cung cách hành xử hoàn hảo, thực hiện được chủ đích [tu tập] của mình (Well-Gone / 善逝 / Thiện Thệ / một danh hiệu của Đức Phật / chữ ‘Thiện’ có nghĩa là sự Tốt lành chữ ‘Thệ’ có nghĩa là trải qua, vượt qua và cũng có nghĩa là từng tạo được sự tốt đẹp trong cuộc sống, do đó chữ này trong tiếng Việt có thể tạm hiểu là một vị Thành Đạt. Trong bản dịch dựa vào kinh điển Pali của HT Thích Minh Châu trong Đại Tạng Kinh, thì thuật ngữ này lại được dịch là Thiện Tuệ (慧), thế nhưng trong bản dịch của HT Tuệ Sỹ về bài giảng này dựa vào kinh A-hàm và cả bản dịch của HT Thích Thiện Châu dựa vào kinh điển Pali, thì chữ này là Thiện Thệ. Dường như chữ Thệ thì đúng hơn chữ Tuệ. Dầu sao trong cả ba bản dịch tiếng Việt còn quá nhiều thuật ngữ tiếng Hán). Vị ấy là Vị Thấu hiểu được vũ trụ, Vị ấy là Vị Hướng dẫn vô song đối với những ai mong cầu được hướng dẫn, Vị ấy là vị Thầy giảng dạy cho các thiên nhân và cả con người, một vị Phật (một Vị Hiểu biết, một vị Giác ngộ) được thế gian tôn kính (Thế Tôn / Blessed One). Sau khi thực hiện được sự hiểu biết trực tiếp ấy thì Vị ấy thuyết giảng về thế giới này cho các thiên nhân (các chúng sinh thuộc một cấp bậc hiện hữu cao hơn con người), các Māra (Ma vương, các chúng sinh hung dữ, biển lận), Brahmā (các vị Phạm Thiên / các vị Trời trong Ấn giáo) cùng các thế hệ những người suy tư (những người ‘tu hành’ ; những người ‘khổ hạnh’, sống bằng cách khất thực), các giáo sĩ [Bà-la-môn], các người thuộc giới hoàng tộc và cả dân gian. Ngài thuyết giảng Dhamma (Đạo Pháp) cho họ, tuyệt vời trong đoạn đầu, tuyệt vời nơi đoạn giữa, tuyệt vời cả đoạn cuối. Ngài là hiện thân của một cuộc sống thánh thiện qua từng khía cạnh một và cả thực chất bên trong cuộc sống ấy, một cuộc sống thật hoàn hảo, tinh khiết một cách phi thường. Gặp được một vị Arahant (một Vị Xứng đáng, một vị Hoàn hảo, một Vị Thành đạt / Thiện thệ) như vậy quả là một cơ may tốt lành’.

 

Vì vậy nên người dân Kālāma nơi thị trấn Kesaputta cùng kéo nhau tìm đến với Đấng Thế Tôn. Khi gặp Ngài thì một số vái chào Ngài và ngồi sang một bên. Một số khác cùng trao đổi với Ngài những lời chào hỏi lễ phép, và sau khi trao đổi những lời chào hỏi thân thiện ấy thì ngồi sang một bên. Một số khác đứng xa hơn thì chắp tay trước ngực vái chào Ngài và ngồi sang một bên. Một số khác nữa thì từ xa thốt lên danh tính và gốc gác bộ tộc của mình, sau đó thì ngồi sang một bên. Một số khác nữa thì từ xa lẳng lặng ngồi sang một bên (‘ngồi sang một bên’ là một công thức thường thấy nêu lên trong các bài giảng, nhằm nói lên sự kính cẩn và lễ phép, không ngồi đối mặt với Vị Gotama mà ngồi dịch sang một bên).

 

Sau khi tất cả ngồi sang một bên thì các người dân Kālāma cất lời hỏi Đấng Thế Tôn : « Thưa Ngài Gotama, có những người suy tư (contemplatives / những người trầm tư, những người tu hành khổ hạnh) cùng các vị brahman (các giáo sĩ Bà-la-môn) từng đến thị trấn Kesaputta này. Họ thuyết giảng và nêu cao giáo lý của họ, thế nhưng đồng thời thì họ lại bài bác và khinh thường giáo lý của kẻ khác. Sau đó lại có những người suy tư và các vị giáo sĩ khác cũng đến thị trấn Kesaputta này. Cũng vậy, họ thuyết giảng và nêu cao giáo lý của họ, bài bác và khinh thường giáo lý của kẻ khác. Họ tạo ra cho chúng tôi cả một sự hoang mang và nghi ngại, vậy thì trong số các vị trầm tư (các vị ‘suy tư’, các vị tu hành ‘khổ hạnh’) và các vị brahman (các giáo sĩ Bà-la-môn) ấy, thì vị nào nói lên sự thật và vị nào nói lên những điều dối trá ? » 

 

« Này các bạn (quý vị) Kālāma, tất nhiên là các bạn không sao tránh khỏi hoang mang, các bạn không sao tránh khỏi nghi ngại (nghi ngờ, ái ngại). Các bạn rơi vào tình trạng hoang mang là một điều tất nhiên (đương nhiên, tất yếu). Trong trường hợp đó, này các bạn Kālāma, các bạn không nên tin vào những lời thuật lại (reports / những điều được nghe người khác nói lại, những điều đồn đại), các truyền thuyết (legends / các huyền thoại), các truyền thống [lâu đời] (traditions / các thói tục), các văn bản tín ngưỡng (scripture / kinh thánh), các sự viện dẫn có vẻ như là hợp lý, các sự suy diễn (inferences), các quan điểm mang tính cách tự biện (agreement through pondering views / speculations), các sự tương đồng có vẻ hợp lý, hoặc các cách suy nghĩ [chẳng hạn như] ‘Vị suy tư ấy (vị tu hành ấy) là thầy mình’ (những lời do chính thầy mình nói ra thì tất nhiên là mình phải tin những lời ấy là chính đáng, là đúng thật, thế nhưng phải tránh cách suy nghĩ đó, cách suy kuận đó). Khi nào các bạn tự mình nhận thấy được bởi chính mình : ‘Các đặc tính này (qualities / các phẩm tính này, các sự kiện này) không đúng thật (không chính đáng, không đúng thực), các đặc tính kia đáng bị khiển trách (blameworthy / chê trách), các đặc tính khác thì bị các vị thông thái (viññū / observants / sages / các vị sáng suốt, các vi đạo đức, có thể hiểu là các đệ tử uyên bác của Đức Phật, tức là những người đã đạt được một cấp bậc hiểu biết thật cao) chỉ trích, hoặc khi mang ra thực hiện hay tu tập thì các đặc tính ấy sẽ mang lại những điều tồi tệ và khổ đau, thì các bạn phải loại bỏ ngay các đặc tính ấy (Phân đoạn trên đây nêu lên lời giải đáp của Đức Phật trước sự thắc mắc của người dân Kālāma về thái độ của các vị Thầy khác từng đến thị trấn Kesaputta này giảng dạy, và phân đoạn này cũng là phần chủ yếu nhất, là cái đinh của toàn bộ bài giảng. Tiếp theo dưới đây là phần ứng dụng thiết thựccụ thể hơn, phù hợpdễ hiểu hơn cho đông đảo những người dân Kālāma đến nghe giảng).

 

 « Vì thế, này các bạn (quý vị) Kālāma, các bạn nghĩ thế nào ? Nếu sự thèm khát (greed / tham lam, bám víu, hám lợi, bám vào những lời hứa hẹn) dấy lên với một người nào đó, thì sự thèm khát (bám víu) đó sẽ mang lại cho người ấy niềm an vui hay những điều tồi tệ (harm / tai hại, tệ hại) ? »

 

« Mang lại những điều tồi tệ, thưa Thế Tôn ».

 

« Này các bạn Kālāma, nếu con người thèm khát ấy cứ để cho sự thèm khát tràn ngập con người mình, cứ để cho sự thèm khát ám ảnh tâm trí mình, thì sẽ khiến mình sát hại chúng sinh, lân la với vợ kẻ khác (gian dâm, dụ dỗ, ép buộc, ve vãn, lợi dụng người phụ nữ), nói lên những điều giả dối (trên phương diện rộng lớn hơn thì đấy là các hình thức tuyên truyền, đưa ra các khẩu hiệu giả dối, đạo đức giả để lừa phỉnh kẻ khác…) xúi dục kẻ khác hành động giống như mình (trong lãnh vực rộng lớn là hình thức khích động, xúi dục, đánh lừa kẻ khác khiến họ tin tưởng vào mình và hành động theo các chiều hướng và ý đồ đen tối của mình), thì tất cả các cung cách hành xử đó có mang lại cho người ấy (cho tập thể những con người ấy) những điều tồi tệ và khổ đau trong lâu dài hay không ? ».

 

« Tất nhiên là có, thưa Thế Tôn ».

 

« Đến đây, này các bạn Kālāma, các bạn nghĩ thế nào ? Nếu hận thù (aversion / ghét bỏ, ác cảm) dấy lên với một người nào đó, thì sự hận thù đó sẽ mang lại cho người ấy niềm an vui hay những điều tồi tệ ? ». 

 

« Mang lại những điều tồi tệ, thưa Thế Tôn ».

 

« Này các bạn Kālāma, con người mang đầy hận thù ấy – nếu cứ để hận thù tràn ngập con người mình, cứ để hận thù ám ảnh tâm thức mình – thì sẽ khiến mình sát hại chúng sinh, lấy những gì mà kẻ khác không cho, lân la với vợ kẻ khác (phạm vào các hành động gian dâm), nói lên những điều dối trá, xúi dục kẻ khác hành động giống như mình. Tất cả các cung cách hành xử đó có mang lại cho người ấy những điều tồi tệ và khổ đau trong lâu dài hay không ? ».

 

« Tất nhiên là có, thưa Thế Tôn ».

 

« Đến đây, này các bạn Kālāma, các bạn nghĩ thế nào ? Nếu sự hiểu biết sai lầm (delusion / ảo giác) dấy lên với một người nào đó, thì sự hiểu biết sai lầm đó (các ảo giác đó) sẽ mang lại cho người ấy niềm an vui hay những điều tồi tệ? ».

 

« Tất nhiên là những điều tồi tệ, thưa Thế Tôn ».

 

« Và con người mang đầy ảo giác ấy, nếu cứ để sự hiểu biết sai lầm tràn ngập con người mình, cứ để cho sự hiểu biết sai lầm ám ảnh (chi phối) tâm thức mình, thì sẽ khiến mình sát hại chúng sinh, lấy những gì mà kẻ khác không cho, lân la với vợ kẻ khác (gian dâm), nói lên những điều dối trá, xúi dục kẻ khác hành động giống như mình, tất cả các cung cách hành xử đó có mang lại cho người ấy những điều tồi tệ và khổ đau trong lâu dài hay không ? ».

 

« Tất nhiên là có, thưa Thế Tôn »

 

« Vì vậy, này các bạn Kālāma, các bạn nghĩ thế nào ? Các đặc tính ấy (các sự thèm khát, hận thù, ảo giác) là tốt lành hay tai hại ? ».

 

« Là những điều tai hại, thưa thế Tôn ».

 

« Các cung cách hành xử ấy đáng bị khiển trách hay khích lệ ? ».

 

« Đáng bị khiển trách, thưa Thế Tôn ».

 

« Đáng bị chỉ trích hay tán thành bởi các vị sáng suốt ? ».

 

« Bị chỉ trích bởi các vị sáng suốt, thưa Thế Tôn ».

 

« Này các bạn Kālāma, các bạn nghĩ thế nào ? Nếu mang ra thực thi thì các cung cách hành xử đó có mang lại những điều tồi tệ và khổ đau hay không ? »

 

« Thưa Thế Tôn, các cung cách hành xử ấy nếu mang ra thực thi thì sẽ mang lại những điều tồi tệ và khổ đau. Chúng tôi nghĩ là như vậy ».

 

(Sau khi nêu lên một cách cụ thể các sự thèm khát, hận thù, các sự hiểu biết sai lầm, các ảo giác và các cung cách hành xử kém tốt lành, khi tràn ngập một người nào đó thì tất sẽ mang lại cho người ấy những điều tồi tệ và khổ đau, thì Đức Phật trở lại với thắc mắc bao quát hơn của người dân Kālāma, liên quan đến các vần đề tâm linhtín ngưỡng)  

 

« Vì vậy, này các bạn Kālāma, ta tuyên bố (khẳng định) rằng : ‘Không nên tin vào những lời thuật lại (những lời đồn đại, những điều mà mình được nghe người khác nói), các truyền thuyết, các văn bản thiêng liêng, những gì có vẻ hợp lý, các sự suy diễn, các sự tương đồng, các quan điểm mang tính cách tự biện, những gì có thể là đúng, hoặc các ý nghĩ [chẳng hạn như] : ‘Vị tu hành ấy là thầy mình’ (ý nghĩ cho rằng đã là thầy mình thì những điều mà vị ấy nói ra đều là đúng). Chỉ khi nào các bạn tự mình nhận thấy bởi chính mình các đặc tính nào không đúng đắn (đúng thật, chính đáng), các đặc tính nào đáng bị chê trách, các đặc tính nào bị các vị sáng suốt chỉ trích, các đặc tính nào khi mang ra thực thi sẽ mang lại những điều tồi tệ và khổ đau, thì các bạn phải loại bỏ chúng. Đấy là những lời đã được [Đấng Thế Tôn] nêu lên. Và cũng chính vì các điều đó mà những lời ấy đã được [Đấng Thế Tôn] nêu lên.

 

« Đến đây, này các bạn Kālāma, không nên tin vào những lời thuật lại, các truyền thuyết, các văn bản thiêng liêng, những gì có vẻ hợp lý, các sự suy diễn, các sự tương đồng, các quan điểm mang tính cách tự biện, những gì có thể là đúng, hoặc các ý nghĩ [chẳng hạn như] : ‘Vị suy tư (vị tu hành) ấy là thầy mình’. Chỉ khi nào các bạn tự mình nhận thấy bởi chính mình các đặc tính nào là đúng thật, các đặc tính nào không hề bị chê trách, các đặc tính nào được các vị sáng suốt ngợi khen, các đặc tính nào được các vị sáng suốt chấp nhận và khi mang ra thực thi thì sẽ mang lại an vui và hạnh phúc, thì khi ấy các bạn hãy hòa mình với chúng và lưu giữ chúng.

 

« Này các bạn Kālāma, các bạn nghĩ thế nào ? Nếu không có sự thèm khát (greed / tham lam, bám víu, hám lợi) dấy lên với một người nào đó thì điều ấy sẽ mang lại an vui hay những điều tồi tệ (tai hại) ? »

 

« Mang lại an vui, thưa Thế Tôn ».

 

« Này các bạn Kālāma, con người không thèm khát ấy, không để cho sự thèm khát tràn ngập con người mình, không để cho sự thèm khát ám ảnh tâm trí mình, thì sẽ không sát hại chúng sinh, không lấy những gì mà người khác không cho (không lường gạt, trôm cắp, cướp giật, tham nhũng), không tìm cách lân la với vợ kẻ khác (dụ dỗ, tán tỉnh, tà dâm), không nói dối, không xúi dục kẻ khác làm giống như mình (không hô hào, khích động hận thù, gây ra chia rẽ…), thì các điều đó có mang lại cho người ấy niềm an vui và hạnh phúc trong lâu dài hay không ? ». 

 

« Tất nhiên là có, thưa Thế Tôn ».

 

« Này các bạn Kālāma, các bạn nghĩ thế nào ? Nếu khônghận thù (aversion / thù ghét, ghét bỏ) hiện lên với một người nào đó thì điều ấy sẽ mang lại an vui hay những điều tồi tệ ? ».

 

« Mang lại an vui, thưa Thế Tôn ».

 

« Và con người không hận thù ấy, không để cho hận thù tràn ngập con người mình, không để cho hận thù ám ảnh tâm trí mình, thì sẽ không giết hại chúng sinh, không lấy những gì mà kẻ khác không cho (không trộm cắp, không lường gạt), không lân la với vợ kẻ khác, không nói dối, không xúi dục kẻ khác làm giống như mình, thì các điều đó có mang lại cho người ấy niềm an vui và hạnh phúc trong lâu dài hay không ? ».

 

« Tất nhiên là có, thưa Thế Tôn ».

 

« Này các bạn Kālāma, các bạn nghĩ như thế nào ? Nếu sự hiểu biết sai lầm (delusion / ảo giác) không dấy lên với một người nào đó, thì điều ấy sẽ mang lại an vui hay những điều điều tồi tệ ? »

 

« Mang lại an vui, thưa Thế Tôn ».

 

« Và khi nào con người không ảo giác (không rơi vào các sự hiểu biết sai lầm) đó, không để các sự hiểu biết sai lầm (ảo giác) tràn ngập con người mình, không để các sự hiểu biết sai lầm ám ảnh tâm trí mình, thì sẽ không sát hại chúng sinh, không lân la với vợ kẻ khác, không lấy những gì mà kẻ khác không cho, không nói dối, không xúi dục kẻ khác làm giống như mình, thì các điều ấy có mang lại an vui và hạnh phúc trong lâu dài hay không ? »

 

« Tất nhiên là có, thưa Thế Tôn ».

 

« Đến đây, này các bạn Kālāma, các bạn nghĩ thế nào ? Các đức tính (qualities / các đặc tính, phẩm tính, nói chung là tư cách, thái độ) ấy là tốt lành hay tồi tệ ».

 

« Tốt lành, thưa Thế Tôn ».

 

« Các đức tính ấy đáng bị khiển trách hay được khen thưởng bởi các vị sáng suốt ? »

 

« Được khen thưởng, thưa Thế Tôn ».

 

« Các đức tính ấy bị chỉ trích hay được khuyến khích bởi các vị sáng suốt ? »

 

« Được khuyến khích bởi các vị sáng suốt, thưa Thế Tôn ».

 

« Này các bạn Kālāma, các bạn nghĩ thế nào ? Nếu chấp nhận và mang ra thực thi, thì các đức tính ấy có mang lại niềm an vui và hạnh phúc hay không ? » 

 

« Thưa Thế Tôn, nếu chấp nhận và mang ra thực thi thì các đức tính ấy sẽ mang lại niềm an vui và hạnh phúc, chúng tôi nghĩ là như vậy ».

 

(Cách hỏi đáp dài dòng trên đây là cách mà Đức Phật tập cho người dân Kālāma suy luận, xét đoánđánh giá các phẩm tính trong những lời giảng dạy của kẻ khác)

 

« Vì vậy, này các bạn Kālāma, ta tuyên bố rằng : Không nên tin vào những lời thuật lại, các truyền thuyết, các văn bản thiêng liêng, những gì có vẻ hợp lý, các sự suy diễn, các sự tương đồng, các quan điểm mang tính cách tự biện, những gì có thể là đúng, hoặc các ý nghĩ [chẳng hạn như] : ‘Vị tu hành ấy là thầy mình’. Chỉ khi nào các bạn tự mình nhận thấy bởi chính mình các đức tính (qualities / phẩm tính, đặc tính) nào là đúng thật, các đức tính nào không hề bị chê trách, các đức tính nào được các vị sáng suốt ngợi khen, các đức tính nào khi mang ra thực thi sẽ mang lại niềm an vui và hạnh phúc, thì khi đó các bạn hãy nên hòa mình (hòa nhập) với chúng và lưu giữ chúng ». Đấy là những lời đã được [Đấng Thế Tôn] nêu lên. Và cũng vì chính các điều đó mà những lời ấy đã được [Đấng Thế Tôn] nêu lên.

 

« Này các bạn Kālāma, một người đệ tử của các vị Cao quý – khi đã thoát khỏi sự thèm khát, thoát khỏi ác tâm, thoát khỏi sự hiểu biết sai lầm (ảo giác), trở nên tỉnh táo (cảnh giác, chú tâm, thoát khỏi u mê, thực hiện được sự nhận biết minh bạch) và kiên quyết – thì sẽ hướng nhìn vào phương hướng thứ nhất (hướng Đông), hướng nhìn vào phương hướng thứ hai (hướng Tây), hướng nhìn vào phương hướng thứ ba (hướng Bắc), hướng nhìn vào phương hướng thứ tư (hướng Nam), với một sự tỉnh thức (awareness / giác ngộ, tỉnh ngộ) thấm đượm lòng từ tâm (goodwill / compassion / lòng từ bi, lòng thương cảm). Sau đó người ấy lại tiếp tục hướng vào phía trên đầu, hướng vào phía dưới chân, và tất cả chung quanh mình dù là bất cứ nơi nào trong toàn thể vũ trụ, với một sự tỉnh thức thấm đượm lòng từ tâm : phong phú, tỏa rộng, vô tận, không một thoáng hận thù, không một thoáng ác tâm.)  

 

« Người ấy hòa nhập vào phương hướng thứ nhất – hòa nhập vào phướng hướng thứ hai, thứ ba và thứ tư – với một sự tỉnh thức thấm đượm lòng từ tâm. Người ấy lại tiếp tục hướng vào phía trên đầu, hướng vào phía dưới chân, và tất cả chung quanh mình dù là bất cứ nơi nào trong toàn thể vũ trụ, với sự tỉnh thức : phong phú, tỏa rộng, vô tận, không một thoáng hận thù, không một thoáng ác tâm ».

 

« Người ấy hòa nhập vào phương hướng thứ nhất – hòa nhập vào phướng hướng thứ hai, thứ ba và thứ tư – với một sự tỉnh thức thấm đượm niềm hân hoan tràn đầy thương cảm (empathic joy / niềm vui sướng tràn đầy lòng thiện cảmthương yêu). Người ấy lại tiếp tục hướng vào phía trên đầu, hướng vào phía dưới chân, và tất cả chung quanh mình dù là bất cứ nơi nào trong vũ trụ, với một sự tỉnh thức thấm đượm niềm hân hoan tràn đầy thương cảm : phong phú, tỏa rộng, vô tận, không một thoáng hận thù, không một thoáng ác tâm ».

 

 « Người ấy hòa nhập vào phương hướng thứ nhất – hòa nhập vào phướng hướng thứ hai, thứ ba và thứ tư – với một sự tỉnh thức thấm đượm niềm hân hoan mang lại từ sự thanh thản (equanimity / sự bình lặng, an nhiên và thăng bằng của tâm thức). Người ấy lại tiếp tục hướng vào phía trên đầu, hướng vào phía dưới chân, và tất cả chung quanh mình dù là bất cứ nơi nào trong vũ trụ, với một sự thanh thản : phong phú, tỏa rộng, vô tận, không một thoáng hận thù, không một thoáng ác tâm ».

 

« Đến đây, này các bạn Kālāma, một đệ tử của các vị Cao quý – khi tâm thức đã thoát khỏi hận thù, thoát khỏi ác tâm, không còn bị ô uế (undefiled / không còn bị ô nhiễm bởi các ảo giác, các ý niệm sai lầm), và đã trở thành tinh khiết – thì sẽ đạt được bốn sự vững tin (assurance / conviction / sự tự tin, một sự suy nghĩ hướng vào khả năng của mình, trái với đức tin / faith / foi là một sự suy nghĩ, một hình thức xúc cảm hướng vào một quyền lực bên ngoài con người của mình) tại nơi này và ngay trong lúc này :

 

« Nếu có một thế giới sau khi chết, và nếu có kết quả và hậu quả phát sinh từ các hành động đúng đắn hay sai lầm đã được thực thi, thì đấy là nền tảng giúp tôi, sau khi thân xác này tan rã khi cái chết xảy ra, thì sẽ hiển hiện trở lại trong một cảnh giới tốt đẹp hơn trong thế giới thiên nhân (các chữ ‘cõi thiên nhân’ hay ‘thế giới thiên nhân’ / heavenly world  thường thấy nêu trong kinh điển Phật giáo không hề có nghĩa là cõi thiên đường’ hay ‘thượng giới’, mà là một cõi hiện hữu với tất cả các chúng sinh khác, nhưng thuộc một cấp bậc cao hơn. Các chúng sinh trong cấp bậc này mang các khả năng và phẩm tính cao hơn trên phương diện thể xác và tâm thần so với các chúng sinh bình dị. Sự hiện hữu của họ có thể là vô hình tướng, không trông thấy được bằng mắt bởi các chúng sinh trần tục). Đấy là sự vững tin thứ nhất mà người ấy đạt được [tại nơi này và ngay trong lúc này].

 

« ‘Thế nhưng nếu giả sử không có một thế giới nào sau khi chết, và nếu không có một kết quả và hậu quả nào phát sinh từ các hành động đúng đắn hay sai lầm đã được thực thi đi nữa, thì ngay trong cuộc sống hiện tại này, tôi cũng cứ chăm lo cho [bản thân] tôi – hầu giúp tôi tránh khỏi mọi hận thù, tránh khỏi mọi ác tâm, tránh khỏi mọi sự hoang mang (trouble / quẫn trí, bấn loạn, ảo giác)’. Đấy là sự vững tin thứ hai mà người ấy đạt được [tại nơi này và ngay trong lúc này] (nếu không tin vào sự tiếp nối liên tục giữa các kiếp sống và xem cái chết là một sự chấm dứt hoàn toàn, cũng không tin vào quy luật nguyên nhânhậu quả và cho rằng ý nghĩ, ngôn từ và hành động của mình không tạo ra một hậu quả nào cả trong ngắn hạn và trong lâu dài, thì ngay trong lúc này, trong cuộc sống hiện tại này, nếu biết giữ gìn không thèm khát, không hận thù, không bị chi phối bởi các ảo giác, các sự hiểu biết sai lầm, thì cũng đủ giúp chúng ta tìm được niềm an vui và hạnh phúc, tránh khỏi mọi thứ khó khăn và các cảnh huống khổ đau tại nơi này và ngay trong lúc này, trong cuộc sống hiện tại này)

 

« ‘Nếu sự độc ác [là hậu quả] phát sinh từ hành động (qua từng ý nghĩ, ngôn từcử chỉ của mình), thì [trong trường hợp đó] tôi sẽ không cố tình gây ra một sự độc ác nào đối với bất cứ ai.  Nếu không thực thi một hành động độc ác nào, thì khổ đau làm thế nào có thể chạm đến con người của tôi’ ? Đấy là sự vững tin thứ ba mà người ấy đạt được [tại nơi này và ngay trong lúc này]

 

« ‘Thế nhưng, dù không có một sự độc ác nào phát sinh từ hành động đi nữa, thì [trong trường hợp đó] tôi vẫn cứ giữ con người của tôi được tinh khiết trên cả hai phương diện (cả hai mặt : không để mình rơi vào các cảnh huống độc ác, hận thù và bấn loạn, cũng không hành động gây ra các cảnh huống độc ác, hận thù và bấn loạn)’. Đấy là sự vững tin thứ tư mà người ấy đạt được [tại nơi này và ngay trong lúc này] (không cần phải chờ đến kiếp sau).

 

« Này các bạn Kālāma, một người đệ tử của các vị Cao quý – khi tâm thức đã thoát ra khỏi hận thù, thoát ra khỏi ác tâm, không còn bị ô uế, đã trở nên tinh khiết – thì sẽ đạt được bốn sự vững tin đó tại nơi này và ngay trong lúc này ».

 

« Quả đúng là như thế, thưa Thế Tôn. Quả đúng là như thế, thưa Vị Thành Đạt (One Well-Gone / Vị ‘Thiện Thệ’ / một Vị đã đạt được sự Tỉnh thức. Chữ này đã được giải thích trên đây). Một người đệ tử của các vị Cao quý (các vị tỳ-kheo, các người tu hành thành đạt) – khi tâm thức đã thoát ra khỏi hận thù, thoát ra khỏi ác tâm, không còn bị ô uế, đã trở nên tinh khiết – thì sẽ đạt được bốn sự vững tin tại nơi này và ngay trong lúc này ». 

 

« ‘Giả sử nếu có một thế giới sau khi chết, và nếu có kết quả và hậu quả phát sinh từ các hành động hoặc đúng đắn hoặc sai lầm, thì trên cơ sở (basis / căn bản, trường hợp) đó tôi sẽ hiển hiện trở lại trong một cảnh huống tốt đẹp nơi cõi thiên nhân [nhờ vào các hành động đúng đắn của tôi]’. Đấy là cách mà người ấy (người đệ tử của các vị Cao quý) đạt được sự vững tin thứ nhất (câu trên đây có nghĩa là nếu tin là có một kiếp sống khác sau khi chết, và tin vào quy luật nguyên nhânhậu quả, thì trên cơ sở của niềm tin đó nếu tôi không hận thù, không ác tâm, tránh được các hành động tạo ra các cảnh huống độc ác, hận thù và bấn loạn, thì tôi sẽ hiển hiện trở lại – qua một kiếp sống khác – trong một cảnh huống tốt đẹp hơn, thuộc một cấp bậc hiện hữu cao hơn. Câu tiếp theo dưới đây sẽ cho biết thêm là dù không tin vào sự tiếp nối của một sự sống khác sau khi chết, cũng không tin vào quy luật nguyên nhânhậu quả đi nữa, thì cũng cứ tránh không gây ra hận thù, không ác tâm, không để bị vướng mắc vào những sự hiểu biết sai lầm – tức là các ảo giác – thì ngay trong hiện tại này, trong kiếp sống này, tôi sẽ tránh khỏi được mọi thứ khổ đau, tránh khỏi được các cảnh huống độc ác, kể cả cả các sự hoang mang và lo sợ trong tâm thức mình).

 

« ‘Thế nhưng, giả sử nếu khôngmột thế giới nào sau khi chết, cũng không có một kết quả nào hay một hậu quả nào phát sinh từ các hành động đúng đắn hay sai lầm đi nữa (có nghĩa là không tin vào Dhamma hay Giáo lý của Đức Phật đi nữa), thì trong cuộc sống hiện tại này tôi chỉ cần đơn giản chăm lo cho [bản thân] tôi – giúp tôi tránh khỏi mọi hận thù, mọi ác tâm, mọi hoang mang (không bị chi phối bởi ảo giác và các sự hiểu biết sai lầm)’. Đấy là cách mà người ấy (người đệ tử của đệ tử của các vị Cao quý) đạt được sự vững tin thứ hai (câu này có nghĩa là dù không tin vào một kiếp sống khác sau cái chết đi nữa, cũng không tin vào quy luật nguyên nhânhậu quả đi nữa, thì trên cơ sở không tin đó tôi cũng nên chăm lo cho bản thân tôi, giúp tôi tránh khỏi mọi hình thức khổ đau, mọi sự lo sợ, mọi sự hoang mang, ngay trong hiện tại này, trong kiếp sống này, bằng cách không hành động độc ác, không ác tâm, không tự tạo ra cho mình các ảo giác).

 

« ‘Giả sử nếu không có một sự độc ác nào phát sinh từ hành động (dù các hành động hung bạo không tạo ra sự độc ác) đi nữa, thì tôi cũng sẽ không phát động một sự chủ tâm nào khiến tạo ra sự độc ác đối với bất cứ ai. Nếu tôi không thực thi một hành động độc ác nào, thì khổ đau làm thế nào có thể chạm đến con người của tôi ?’ Đấy là cách mà người ấy đạt được sự vững tin thứ ba.

 

« Thế nhưng nếu sự độc ác phát sinh từ hành động, thì [trong trường hợp đó] tôi sẽ giữ bản thân tôi được tinh khiết (tránh khỏi) đối với cả hai khía cạnh đó (‘cảnh huống độc ác’ và cả ‘hành động gây ra sự độc ác’)’. Đấy là cách mà người ấy đạt được sự vững tin thứ tư .

 

« Này các bạn Kālāma, một người đệ tử của các vị Cao quý – khi đã thoát ra khỏi mọi hận thù, thoát ra khỏi mọi ác tâm, không còn bị ô uế (bởi sự độc ác và cả hành động gây ra sự độc ác) và đã trở nên tinh khiết – thì sẽ đạt được cả bốn sự vững tin đó tại nơi này và ngay trong lúc này (không nhất thiết là phải chờ đến kiếp sau) ».

 

« Tuyệt vời thay, thưa Thế Tôn ! Tuyệt vời thay ! Tất cả không khác gì như một vật bị lật đổ được dựng lên, một vật dấu kín được tìm thấy, hoặc tương tự như chỉ đường cho một người đi lạc, thắp lên một ngọn đèn giúp những ai có mắt trông thấy được hình dạng. Cũng tương tự như vậy, qua nhiều phương cách lý luận, Thế Tôn đã làm cho Dhamma (Đạo Pháp) trở nên sáng tỏ. Chúng tôi xin được nương tựa (quy y) nơi Thế Tôn, nương tựa nơi Dhammma, nương tựa nơi Tăng Đoàn của các vị Tỳ-kheo. Xin Thế Tôn chấp nhận chúng tôi là các đệ tử thế tục nương tựa nơi Thế Tôn, kể từ ngày hôm nay cho đến hết cuộc đời của chúng tôi ».

 

(Độc giả có thể xem thêm về chủ đề ‘tự do tư tưởng’ trong một bài viết mang tựa : ‘Ý niệm về sự Tự do trong lịch sử nhân loại và theo quan điểm Phật giáo’ trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen)

 

Vài lời ghi chú

 

Tinh thần cảnh giác nêu lên trong bài thuyết giảng trên đây đôi khi có thể khiến một số người Phật giáo Á châu phải kinh ngạc, khi họ nhìn vào Phật giáo như một tín ngưỡng đơn thuần. Trái lại đối với người Tây phươngít nhất là đối với các học giảtriết giathường xuyên tiếp cận với các tín ngưỡng dựa vào đức tin của họ, thì chủ trương tự do tư tưởng và sự tự tin nơi con người của mình, nêu lên trong bài giảng trên đây, không khỏi khiến họ phải thán phục. Thật vậy, có rất nhiều sách cùng các bài khảo luận viết về bài giảng này bằng nhiều ngôn ngữ Tây phương, riêng các bản dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp cũng đã có đến hàng chục bản khác nhau do các dịch giả khác nhau.  Phải chăng điều đó cho thấy một chút thán phục, hay ít nhất cũng là một chút mới lạ, trong lãnh vực tín ngưỡng theo cách hiểu của họ, tức là thay vì khơi động lòng tin thì phải phát động sự nghi ngờ :    

 

1-Không nên tin vào những điều được nghe nói (anussava / hear-say / những điều thuật lại)

 

2-Không nên tin vào các truyền thống (paramparā / tradition, ancestry / các thói tục lâu đời)

 

3-Không nên tin vào những lời đồn đại (itikirā / rumor / tin đồn, chuyện tầm phào)

 

4-Không nên tin vào những điều nêu lên trong các kinh điển thiêng liêng (piṭaka-sampadāna / scripture / kinh thánh, trong trường hợp này là các kinh điển Vệ-đà / Veda)

 

5-Không nên tin vào những điều phỏng đoán (takka-hetu / surmise, speculation / các điều dự đoán, tự biện, tạo dựng)

 

6-Không nên tin vào các chuyện được xem nhưchân lý (naya-hetu / axiom / các tiền đề được xem nhưchính đáng, đúng thật, hầu căn cứ vào đó để chứng minh hay viện dẫn các điều khác)

 

7-Không nên tin vào những lời xoay quanh một cung cách lý luận nào đó (ākāra-parivitakka / specious resoning / một phương cách lý luận nhằm mục đích cố tình nêu lên hay chứng minh về một điều gì đó, một chủ đích nào đó)

 

8-Không nên tin vào những điều thuộc các xu hướng cố định, các chủ đích có sẵn từ trước (diṭṭhi-nijjhān-akkh-antiyā / a notion has been pondered over / một khái niệm dựa vào một chủ đích tự biện, có sẵn, nói một cách khác là cách lèo lái nhằm chứng minh sự tin tưởng hay đức tin của mình)

 

9-Không nên tin vào những điều xoay quanh các cách diễn giải khéo léo của người khác (bhabba-rūpatāya / seeming ability / một sự lập luận khéo léo)

 

10-Không nên tin vào một điều nào đó, duy nhất chỉ vì điều ấy là do Thầy của mình nêu lên (samaṇo no garū / our Teacher / vị ấy, nhà sư ấy là Thầy mình)

 

Không những khuyên chúng ta không nên tin vào 10 điều trên đây, mà Đức Phật còn dặn bảo chúng ta phải xét đoán ngay cả những lời do chính Ngài thuyết giảng : ‘Hãy nghi ngờ tất cả, nhất là những gì ta sắp nói ra’, một câu tóm lược thật ngắn gọn ý nghĩa của bài giảng trên đây, một câu được viết thật lớn trên trần của gian Phòng triển lãm thênh thang tại Thư viện Quốc gia Pháp.

 

Thật vậy, Giáo huấn của Đức Phật đi ngược lại với tất cả các trào lưu tín ngưỡng khác, Đức Phật không kêu gọi một sự tin tưởng hay một hình thức đức tin nào cả, mà chủ trương một sự tự do tư tưởng hoàn toàntuyệt đối. Thế nhưng không phải vì thế mà sự tự do đó là một sự buông thả ‘bất định hướng’, mà là một sự tin tưởng nơi con người, nơi khả năng xét đoán của từng mỗi con người. Đức Phật khuyên các đệ tử của Ngài hãy tự mình xét đoán : ‘Các đặc tính nào là đúng thật, các đặc tính nào không hề bị chê trách, các đặc tính nào được các vị sáng suốt ngợi khen, các đặc tính nào khi mang ra thực thi sẽ mang lại niềm an vui và hạnh phúc, thì khi đó các bạn hãy nên hòa mình với chúng và lưu giữ chúng [bên trong chính mình]’.

 

Hơn thế nữa, Đức Phật còn xác định thêm là dù mình không tin là sau khi thân xác tan rã vì cái chết xảy ra, thì sẽ có một kiếp sống khác tiếp theo, liên hệtùy thuộc vào các phẩm tính của mình trong kiếp sống này đi nữa, thì cũng nên chăm lo cho bản thân mình trong hiện tại, bằng cách biết giữ gìn các hành động của mình – chữ ‘hành động’ trong Phật giáo bao gồm từ các xúc cảm và ý nghĩ trong tâm thức cho đến ngôn từcử chỉ trên thân thể – luôn được đúng đắn. Cung cách hành xử đúng đắn đó sẽ giúp mình tránh khỏi các cảnh huống hận thùác cảm tạo ra bởi kẻ khác, cũng như các sự bấn loạn trong tâm thần mình ngay trong những lúc hiện tại này. Nguyên văn câu này trong bài giảng như sau : ‘Thế nhưng nếu giả sử không có một thế giới nào sau khi chết, và nếu không có một kết quả hay hậu quả nào phát sinh từ các hành động đúng đắn hay sai lầm đã được thực thi đi nữa, thì ngay trong cuộc sống hiện tại này, tôi biết chăm lo cho [bản thân] tôi – hầu giúp tôi tránh khỏi mọi hận thù, tránh khỏi mọi ác tâm, tránh khỏi mọi sự hoang mang’.

 

Hơn thế nữa, điểm tột đỉnh của bài giảng không phải chỉ là cách hướng vào bên trong con người, vào khả năng xét đoán của từng mỗi cá thể mà còn là một sự mở rộng : « Này các bạn Kālāma, một người đệ tử của các vị Cao quý – khi đã thoát khỏi sự thèm khát, thoát khỏi ác tâm, thoát khỏi sự hiểu biết sai lầm (các ảo giác), trở nên tỉnh táo (cảnh giác, chú tâm, thoát khỏi u mê, thực hiện được sự nhận biết minh bạch) và kiên quyết – thì sẽ hướng nhìn vào phương hướng thứ nhất (hướng Đông), hướng nhìn và phương hướng thứ hai (hướng Tây), hướng nhìn vào phương hướng thứ ba (hướng Bắc), hướng nhìn vào phương hướng thứ tư (hướng Nam), với một sự tỉnh thức (awareness / giác ngộ) thấm đượm lòng từ tâm (goodwill / compassion / lòng từ bi, lòng thương cảm). Sau đó người ấy lại tiếp tục hướng vào phía trên đầu, hướng vào phía dưới chân, và tất cả chung quanh mình dù là bất cứ nơi nào trong toàn thể vũ trụ, với một sự tỉnh thức thấm đượm lòng từ tâm : phong phú, tỏa rộng, vô tận, không một thoáng hận thù, không một thoáng ác tâm ». Chúng ta sẽ trở lại với lời khuyên này của Đấng thế Tôn trong một dịp khác. Thiết nghĩ bài thuyết giảng trên đây có thể biểu trưng cho sự tự do tư tưởng trong Dhamma của Đức Phật, nêu lên Hiến Chương của toàn bộ Giáo huấn Phật giáo.

 

Ngoài ra, cũng mạn phép xin trích dẫn thêm một bài giảng ngắn bổ túc cho Bài thuyết giảng cho người dân Kālāma / Kālāma Sutta trên đây. Bài giảng này mang tựa là Satthusāsana Sutta / Giáo huấn của người Thầy (AN 7.80), tiền ngữ satthu trong chữ satthusāsana có nghĩa là vị Thầy hay vị Giảng dạy và trong trường hợp này là Đức Phật, hậu ngữ sāsana có nghĩa là giáo huấn hay thông điệp. Trước hết bài giảng cho thấy sự khác biệt về ý nghĩa giữa chữ Dhamma viết hoa và chữ dhamma không viết hoa, sau đó bài giảng nêu lên những gì ‘vô ích’ và ‘sai lầm’ thì không phải là Dhamma, những gì ‘hữu ích’ và ‘thiết thực’ thì mới đúng thật là Dhamma. Tóm lại nếu bài thuyết giảng cho người dân Kālāma trên đây biểu trưng cho hiến chương của Phật giáo, thì bài ngắn dưới đây có thể biểu trưng thật ngắn gọn cho cốt lõi của Giáo huấn Phật giáo.

 

 

Bài thuyết giảng về Giáo huấn của người Thầy

Satthusāsana Sutta - AN 7.80

 

 (Tùy theo tư liệu, bài giảng này được đánh số khác nhau AN 7.79, AN 7.80, hoặc AN 7.83. Cách đánh số AN 7.80 thường thấy hơn cả. Bản chuyển ngữ tiếng Việt dưới đây chủ yếu dựa vào các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, John Haspel, Bhikkhu Sujato, và bản dịch tiếng Pháp của Sekka)

 

Ngài Upāli (Ưu-ba-li / một trong số các đệ tử uyên bác nhất của Đức Phật, và cũng là vị nắm vững được Giới luật cùng các mô hình sinh hoạt của Tăng đoàn, cũng như ý nghĩa và chủ đích trong Giáo huấn của Đức Phật) tìm gặp Đấng Thế Tôn và khi gặp Ngài thì vái chào và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì cất lời với Đấng Thế Tôn : « Quả là một điều tuyệt vời, nếu Thế Tôn có thể giảng Dhamma cho tôi thật ngắn gọn, và sau khi được nghe Dhamma do chính Thế Tôn thuyết giảng, thì sau đó tôi sẽ có thể sống cách ly (đơn độc), ẩn dật, cảnh giác, hăng say và cương quyết ».    

 

« Này Upāli, các dhamma (các hiện tượng, các sự kiện, trong bản dịch của nhà sư Thanissaro thì chữ này được dịch là các‘phẩm tính’) mà Upāli có thể đã từng biết : ‘[Đấy là] các thứ dhamma không hề mang lại sự thức tỉnh (disenchantment / nibbidā / sự tỉnh ngộ) hoàn toàn, sự tan biến của đam mê (dispassion / virāga / sự thản nhiên), sự chấm dứt (cessation / nirodhā / sự dừng lại, sự đoạn diệt), sự tĩnh lặng (stilling / upasamā / sự thanh thản, sự bình lặng), sự hiểu biết trực tiếp (direct knowledge / abhiññā / sự hiểu biết đúng đắn, sâu sắc, siêu việt, một sự trực nhận thật sâu xa), sự giác ngộ bởi chính mình (self-awakening / sambodhi / kinh sách Hán ngữ dịch chữ này là ‘chánh giác’ hay ‘tam bồ-đề’, có nghĩa là sự hiểu biết hoàn toàn, sự giác ngộ hoàn hảo, một sự hiểu biết do mình tự thực hiện được cho mình bởi chính mình), sự buông xả (unbinding / nibbāna / Niết-bàn, nguyên nghĩa của chữ ‘Niết-bàn’ là sự chấm dứt hay dừng lại của tất cả mọi sự hình thành : không có gì hiển hiện cũng không có gì tan biến)’ : [Đối với các thứ dhamma ấy thì] Upāli phải dứt khoát cảnh giác : ‘Đấy không phải là Dhamma (Đạo Pháp, Giáo lý), đấy không phải là Vinaya (Giới luật), đấy không phải là Giáo huấn của vị Thầy [mình] (xin lưu ý Đức Phật chuyển từ các dhamma vô ích sang các dhamma thiết thực và hữu ích nêu lên dưới đây). 

  

« Này Upāli, sau đây là các dhamma (các phẩm tính) mà Upāli cần phải biết : ‘Đấy là các dhamma (các phẩm tính) mang lại sự thức tỉnh hoàn toàn, sự chấm dứt đam mê, sự dừng lại, sự tĩnh lặng, sự hiểu biết trực tiếp, sự giác ngộ bởi chính mình và sự buông xả’ : [Đối với các thứ dhamma hữu ích ấy thì]  Upāli phải dứt khoát cảnh giác: ‘Đấy [mới đúng thật ] là Dhamma (trong trường hợp này chữ Dhamma trở thành Giáo huấn của Đức Phật), đấy [mới đúng thật] là Vinaya (Giới luật), đấy [mới đúng thật] là Giáo huấn (những lời giảng dạy) của người Thầy (câu hỏi thật ngắn gọn, câu trả lời thật dứt khoát, một người bước đi trên Con đường Phật giáo đôi khi cũng nên nhìn vào từng bước chân của mình xem có đưa mình đến phía trước hay không, bởi vì các bài giảng cũng như các bài viết thì quá nhiều nhưng thường là những chuyện ‘bên lề’, các dhamma ấy không thiết thực không mang lại cho mình sự giác ngộgiải thoát )   

 

Dưới đây chúng ta lại trở lại với Bài thuyết giảng cho người dân Kālāma, một bài thuyết giảng thật chủ yếu. Bài giảng này cũng đã được ba vị Hòa Thượng Việt Nam là HT Thích Minh Châu, HT Thích Thiện Châu và HT Tuệ Sỹ dịch sang tiếng Việt. Hai bản dịch của hai Hòa Thượng Thích Minh Châu và HT Thích Thiện Châu thì dựa vào Kinh tạng Pali, bản dịch của HT Tuệ Sỹ thì dựa vào Hán tạng, tức là các kinh A-hàm dịch từ kinh điển tiếng Phạn. Xin trích dẫn nguyên văn bản dịch của HT Thích Minh Châu trong Đại Tạng Kinh và Bản dịch của HT Tuệ Sỹ từ kinh A-hàm, trước hết là giúp các độc giả quen thuộc với các thuật ngữ tiếng Hán có thể tìm hiểu thêm nếu cần, và sau đó – quan trọng hơn nhiều – là để nhận thấy sự lệch lạc và sai biệt giữa kinh điển Pali và kinh điển A-hàm. Ngoài ra cũng xin ghép thêm bản tiếng Hán trong Hán tạng để độc giả rành tiếng Hán có thể đối chiếu trực tiếp hơn với hai bản dịch sang tiếng Việt trích dẫn trên đây.

 

Bản dịch của HT Thích Thiện Châu, khá gần với bản dịch của HT Thích Minh Châu, do vậy thiết nghĩ cũng không cần trích dẫn thêm. Tuy nhiên trong cả hai bản dịch này có một câu thiếu chính xác dễ gây ra hiểu lầm. Câu này trong bản dịch của HT Thích Thiện Châu là : ‘đừng tin vì Sa môn là thầy mình’, trong bản dịch của HT Thích Minh Châu thì câu này là : ‘chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình’. Nếu người đệ tử không được phép tin vào Thầy mình thì phải tin vào ai hay vào đâu ? Câu này đúng ra phải là ‘không nên tin bằng cách duy nhất chỉ dựa vào lý do đấy là những lời do vị Thầy mình nói ra’, nói một cách khác dễ hiểu hơn là ‘dù mình không tin đi nữa, thế nhưng là vì thầy mình nói ra nên mình phải tin’. Ngoài ra cũng có một bản dịch tiếng Việt khác vể bài giảng này do Sư Tâm Pháp dịch từ bản dịch sang tiếng Anh của nhà sư Miến Điện Sayadaw U Jotika, và trong bản dịch này thì câu trên đây là : ‘chớ có tin bởi vì đó là thầy của mình’, câu này cũng có thể gây ra hiểu lầm tương tự như trường hợp trong hai bản dịch đã được nói đến trên đây. Độc giả có thể xem thêm bản dịch của Sư Tâm Pháp trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen nếu cần (xin gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ : Kinh Kālāma thiền sư sayadaw thuvienhoasen). Dưới đây là bản dịch của HT Thích Minh Châu trong Đại Tạng Kinh :

 

 

VII. Phẩm Lớn

3.65. Các Vị ở Kesaputta

 

Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn đang đi du hành giữa dân chúng Kosala, cùng với đại chúng Tỷ-kheo, đi đến Kesaputta, thị trấn của các người Kàlàmà.

 

Các người Kàlàmà ở Kesaputta được nghe: « Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích ca đã đến Kesaputta. Tiếng đồn tốt đẹp như sau được truyền đi về Sa-môn Gotama: Ngài là Thế Tôn, bậc Ứng Cúng A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiên Tuệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Sau khi tự thực chứng, Ngài đã giảng dạy chư thiênloài người, hàng tu sĩcư sĩ, vua chúa cùng thường dân, Ngài đã giảng Pháp cao diệu từ chặng đầu, chặng giữa, cho đến chặng cuối; Ngài đã giảng đời sống phạm hạnh chi tiếtrõ ràng, toàn hảo, hoàn toàn tinh khiết. Lành thay, nếu chúng tôi được yết kiến một vị Ứng cúng như vậy» .

 

—Rồi các người Kàlàmà ở Kesaputta đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, có người đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi, sau khi nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên; có người chắp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người xưng tên và dòng họ rồi ngồi xuống một bên; có người im lặng rồi ngồi xuống một bên.

 

Sau khi ngồi xuống một bên, các người Kàlàmà ở Kesaputta bạch Thế Tôn:

 

—Có một số Sa-môn, Bà-la-môn, bạch Thế Tôn, đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Bạch Thế Tôn, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn khác cũng đi đến Kesaputta, họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Đối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ phân vân: « Trong những Tôn giả Sa-môn này, ai nói sự thật, ai nói láo?»

 

—Đương nhiên, này các Kàlàmà, các Ông có những nghi ngờ! Đương nhiên, này các Kàlàmà, các Ông có những phân vân! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các Ông đương nhiên khởi lên phân vân (gọi chung đông đảo dân chúng nơi thị trấn Kesaputta – gồm từ trẻ đến già, từ phụ nữ đến đàn ông – đến nghe giảng là ‘các Ông’ thì quả không thích nghi lắm) .

 

Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình (câu dịch này thiếu chính xác và đã được giải thích trên đây).

 

Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: « Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiệnchấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau» , thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng!

 

Các Ông nghĩ thế nào, này Kàlàmà! Lòng tham khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?

 

—Bất hạnh, bạch Thế Tôn.

 

—Người này có tham, này các Kàlàmà, bị tham chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?

 

—Thưa có, bạch Thế Tôn.

 

—Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, lòng sân khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?

 

—Bất hạnh, bạch Thế Tôn.

 

—Người này có sân, này các Kàlàmà, bị sân chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?

 

—Thưa có, bạch Thế Tôn..

 

—Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, lòng si khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?

 

—Bất hạnh, bạch Thế Tôn.

 

—Người này có si, này các Kàlàmà, bị si chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?

 

—Thưa có, bạch Thế Tôn.

 

—Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, các pháp này là thiện hay bất thiện?

 

—Là bất thiện, bạch Thế Tôn.

 

—Đáng chê hay không đáng chê?

 

—Có tội, bạch Thế Tôn.

 

—Bị người có trí quở trách hay không bị người có trí quở trách?

 

—Bị người có trí quở trách, bạch Thế Tôn.

 

—Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến bất hạnh đau khổ không? Hay ở đây, là như thế nào?

 

—Được thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến bất hạnh, đau khổ, ở đây, đối với chúng con là vậy.

 

—Như vậy, này các Kàlàmà, điều Ta vừa nói với các Ông: « Chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.» .

 

Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: « Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí quở trách; Các pháp này nếu thực hiệnchấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau» , thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng! Điều đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên.

 

Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.

 

Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau: « Các pháp này là thiện; Các pháp này là không đáng chê; Các pháp này không bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiệnchấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc» , thời này Kàlàmà, hãy tự đạt đến và an trú!

 

Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, không tham, khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy, là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?

 

—Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.

 

—Người này không tham, này các Kàlàmà, không bị tham chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy hạnh phúc an lạc lâu dài hay không?

 

—Thưa có, bạch Thế Tôn.

 

—Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, không sân, khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?

 

—Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.

 

—Người này không sân, này các Kàlàmà, không bị sân chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có đem lại đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho người ấy hay không?

 

—Thưa có, bạch Thế Tôn.

 

—Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, không si khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?

 

—Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.

 

—Người này không si, này các Kàlàmà, không bị si chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài cho người ấy hay không?

 

—Thưa có, bạch Thế Tôn.

 

—Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, các pháp này là thiện hay bất thiện?

 

—Là thiện, bạch Thế Tôn.

 

—Các pháp này là đáng chê hay không đáng chê?

 

—Không đáng chê, bạch Thế Tôn.

 

—Bị người có trí quở trách hay được người có trí tán thán?

 

—Được người trí tán thán, bạch Thế Tôn.

 

—Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến hạnh phúc an lạc không, hay ở đây, là như thế nào?

 

—Được thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến hạnh phúc, an lạc. Ở đây, đối với chúng con là vậy.

 

—Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.

 

Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: « Các pháp này là thiện; Các pháp này là không có tội; Các pháp này được người có trí tán thán; Các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc» , thời này Kàlàmà, hãy chứng đạt và an trú! Điều đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên.

 

—Này các Kàlàmà, vị Thánh đệ tử nào ly tham, ly sân, ly si như vậy, tỉnh giác, chánh niệm, với tâm câu hữu với Từ biến mãn một phương; cũng vậy phương thứ hai; cũng vậy phương thứ ba; cũng vậy phương thứ tư.

 

Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với Từ, quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân.

 

Vị Thánh đệ tử nào ly tham, ly sân, ly si như vậy, tỉnh giác, chánh niệm, với tâm câu hữu với Bi biến mãn một phương; cũng vậy phương thứ hai; cũng vậy phương thứ ba; cũng vậy phương thứ tư.

 

Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với Bi, quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân.

 

Vị Thánh đệ tử nào ly tham, ly sân, ly si như vậy, tỉnh giác, chánh niệm, với tâm câu hữu với Hỷ biến mãn một phương; cũng vậy phương thứ hai; cũng vậy phương thứ ba; cũng vậy phương thứ tư.

 

Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với Hỷ, quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân.

 

Vị Thánh đệ tử nào ly tham, ly sân, ly si như vậy, tỉnh giác, chánh niệm, với tâm câu hữu với Xả biến mãn một phương; cũng vậy phương thứ hai; cũng vậy phương thứ ba; cũng vậy phương thứ tư.

 

Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với Xả, quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân.

 

Thánh đệ tử ấy, này các Kàlàmà, với tâm không oán như vậy, không sân như vậy, không uế nhiễm như vậy, thanh tịnh như vậy, ngay trong hiện tại, người ấy đạt được bốn sự an ổn:

 

i) « Nếu có đời sau, nếu có kết quả dị thục các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sanh lên cõi thiện, cõi trời, cõi đời này» ; đây là an ổn thứ nhất vị ấy có được.

 

ii) « Nếu khôngđời sau, nếu không có kết quả dị thục các nghiệp thiện ác, thời ở đây, trong hiện tại, ta tự sống với tâm không oán, không sân, không phiền não, được an lạc» ; đây là an ổn thứ hai vị ấy có được.

 

iii) « Nếu việc ác có làm, nhưng ta không có tâm ác đối với ai cả, và nếu ta không làm điều ác, sao ta có thể cảm thọ khổ đau được» ; đây là an ổn thứ ba vị ấy có được.

 

iv) « Nếu việc ác không có làm, như vậy, cả hai phương diện (do ta làm vô ý hay cố ý), ta quán thấy ta hoàn toàn thanh tịnh» ; đây là an ổn thứ tư vị ấy có được.

 

Thánh đệ tử ấy, này các Kàlàmà, với tâm không oán như vậy, với tâm không sân như vậy, với tâm không uế nhiễm như vậy, với tâm thanh tịnh như vậy, ngay trong hiện tại, vị có được bốn an ổn này.

 

—Sự việc là như vậy, bạch Thế Tôn! Sự việc là như vậy, bạch Thiện Thệ! Thánh đệ tử ấy, bạch Thế Tôn, với tâm không oán như vậy, với tâm không sân như vậy, với tâm không uế nhiễm như vậy, với tâm thanh tịnh như vậy, ngay trong hiện tại, vị ấy có được bốn an ổn:

 

« Nếu có đời sau, nếu có kết quả dị thục các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ được sanh lên cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này» ; đây là an ổn thứ nhất vị ấy có được.

 

« Nếu khôngđời sau, nếu không có kết quả dị thục các nghiệp thiện ác, thời ở đây, trong hiện tại, ta tự sống với tâm không oán, không sân, không phiền não, được an lạc» ; đây là an ổn thứ hai vị ấy có được.

 

« Nếu việc ác có làm, nhưng ta không có tâm ác đối với ai cả, và nếu ta không làm điều ác, sao ta có thể cảm thọ khổ đau được» ; đây là an ổn thứ ba vị ấy có được.

 

« Nếu việc ác không có làm, như vậy, cả hai phương diện (do ta làm vô ý hay cố ý), ta quán thấy ta hoàn toàn thanh tịnh» ; đây là an ổn thứ tư vị ấy có được.

 

Vị Thánh đệ tử ấy, bạch Thế Tôn, với tâm không oán như vậy, với tâm không sân như vậy, với tâm không uế nhiễm như vậy, với tâm thanh tịnh như vậy, ngay trong hiện tại, vị ấy có được bốn an ổn này.

 

Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng những gì bị quăng ngã xuống, hay trình bày cái gì bị che kín, hay chỉ đường cho người bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện thuyết giảng. Chúng con nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận chúng con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, chúng con xin trọn đời quy ngưỡng.

 

Vài lời ghi chú

 

Mạn phép nêu lên một vài chi tiết nhỏ. Trong bản dịch của HT Thích Minh Châu thì Đức Phật gọi các người dân Kālāma đến nghe giảng, gồm những người từ trẻ đến già, từ phụ nữ đến nam giới là ‘các Ông’, trong bản dịch của HT Tuệ Sỹ dựa vào kinh A-hàm thì gọi những người tham dự là ‘các người Già-lam’. Chữ ‘Già’ trong chữ ‘Già lam’/ 伽藍  tự nó không có nghĩa mà chỉ là một từ dùng để dịch âm, chữ ‘lam’ thì có nghĩa là màu lam, nhưng chữ này chỉ là để ghép thêm vào chữ ‘Già’ để dịch âm chữ Kālāma. Dưới đây là bản dịch của HT Thích Tuệ Sỹ từ bản gốc tiếng Hán trong Hán Tạng, và bản tiếng Hán này trước đó cũng đã được dịch lại từ Kinh A-hàm bằng tiếng Phạn :

 

 

KINH TRUNG A-HÀM

16. KINH GIÀ-LAM

伽藍經 (Già lam kinh)

 

(Bản dịch tiếng Việt của HT Tuệ Sỹ từ bản gốc tiếng Hán trong Kinh A-hàm)

 

Tôi nghe như vầy:

 

Một thời Đức Phật trú tại Già-lam viên, cùng đại chúng Tỳ-kheo, đến Ki-xá Tử, trụ trong vườn Thi-nhiếp-hòa, phía Bắc thôn Ki-xá Tử.

 

Bấy giờ những người Già-lam ở Ki-xá Tử nghe đồn Sa-môn Cù-đàm thuộc dòng họ Thích, đã từ bỏ dòng họ Thích, xuất gia học đạo, đang trú tại Già-lam viên, và cùng đại chúng Tỳ-kheo đến Ki-xá Tử này, trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa ở phía Bắc thôn Ki-xá Tử. Vị Sa-môn Cù-đàm ấy có tiếng tăm lớn, truyền khắp mười phương rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ở trong thế gian này giữa Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ loài người cho đến loài trời, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ. Pháp mà vị ấy thuyết, khoảng đầu thiện, khoảng giữa thiện, cứu cánh cũng thiện, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh thanh tịnh trọn đủ’. Nếu gặp được Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác để tôn trọng, lễ bái cúng dường, thừa sự, thì sẽ được nhiều thiện lợi. Chúng ta hãy cùng nhau đến gặp Sa-môn Cù-đàm để lễ bái, cúng dường » .

 

Những người Già-lam ở Ki-xá Tử, nghe như vậy rồi, mỗi người cùng với quyến thuộc của mình (do đó nếu gọi chung là ‘các ông’ thì không đúng). kéo nhau ra khỏi Ki-xá Tử, đi về phía Bắc, tới rừng Thi-nhiếp-hòa. Họ muốn gặp Đức Thế Tôn để lễ bái cúng dường.

 

Đi đến chỗ Phật ngụ, những người Già-lam ấy hoặc có người lễ bái cúi đầu dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên, hoặc có người chào hỏi Đức Phật rồi ngồi sang một bên, hoặc có người chắp tay hướng đến Phật rồi ngồi sang một bên, hoặc có người từ đàng xa thấy Đức Phật rồi im lặng ngồi xuống.

 

Lúc đó, những người Già-lam đều ngồi yên. Đức Phật thuyết pháp cho họ, khai thị, giáo giới, khiến cho hoan hỷ, được lợi ích. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khai thị, giáo giới, khiến cho hoan hỷ, được lợi ích, Ngài ngồi im lặng.

 

Bấy giờ những người Già-lam sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khai thị, giáo giới, khiến cho hoan hỷ, được lợi ích, họ đều từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo trịch vai bên hữu, chắp tay đến hướng Đức Phật, rồi bạch Đức Thế Tôn rằng:

 

« Thưa Cù-đàm, có một vị Sa-môn, Bà-la-môn đi đến Già-lam chỉ tự khen ngợi tri kiến của mình mà chê bai tri kiến của người khác. Thưa Cù-đàm, lại có một vị Sa-môn, Bà-la-môn đi đến Già-lam cũng chỉ tự khen ngợi tri kiến của mình mà chê bai tri kiến của kẻ khác. Thưa Cù-đàm, chúng tôi nghe vậy liền sanh nghi hoặc: Những vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy, vị nào thật? Vị nào hư?»

 

Đức Thế Tôn nói rằng:

 

« Này các người Già-lam, các người chớ sanh nghi hoặc. Vì sao vậy? Vì nhân có nghi hoặc liền sanh ra do dự. Này các người Già-lam, các người tự mình không có tịnh trí để biết có đời sau hay không có đời sau. Này các người Già-lam, các người cũng không có tịnh trí để biết điều đã làm có tội hay không có tội. Này các người Già-lam, nên biết các nghiệp có ba cái là nguyên nhân, là sự tập khởi, là căn bản là duyên của nó. Những gì là ba? Này các người Già-lam, tham là nhân, là tập, là bản, là duyên của các nghiệp. Này các người Già-lam, nhuế và si là nhân, là tập, là bản, là duyên của các nghiệp.

 

« Này các người Già-lam, người có tham bị tham che lấp, tâm không nhàm đủ, hoặc sát sanh, hoặc lấy của không cho, hoặc hành tà dâm, hoặc biết mà nói dối, hoặc lại uống rượu. Này các người Già-lam, người có nhuế bị nhuế che lấp, tâm không nhàm đủ, hoặc sát sanh, hoặc lấy của không cho, hoặc hành tà dâm, hoặc biết mà nói dối, hoặc lại uống rượu. Này các người Già-lam, người có si bị si che lấp, tâm không nhàm đủ, hoặc sát sanh, hoặc lấy của không cho, hoặc hành tà dâm, hoặc biết mà nói dối, hoặc lại uống rượu.

 

« Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc giết hại, dứt bỏ sự giết hại, dẹp bỏ dao gậy; có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến côn trùng. Vị ấy đối với sự sát sanh, tâm đã trừ sạch.

 

« Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; vui vẻ trong việc nhận của được cho, thường ưa sự bố thí, vui vẻ không keo kiệt, không mong người kia đền trả. Vị ấy đối với việc lấy của không cho, tâm đã trừ sạch.

 

« Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc phi phạm hạnh, đoạn trừ việc phi phạm hạnh; siêng tu phạm hạnh, siêng tu diệu hành, thanh tịnh, không uế, ly dục, đoạn dâm. Vị ấy đối với việc việc phi phạm hạnh, tâm đã trừ sạch.

 

« Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc nói dối, đoạn trừ sự nói dối; nói lời chân thật, ưa thích sự chân thật, an trụ nơi chân thật không di động, tất cả những điều vị ấy nói đều đáng tin, không lừa gạt thế gian. Vị ấy đối với việc nói dối, tâm đã trừ sạch.

 

« Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa sự nói hai lưỡi, đoạn trừ việc nói hai lưỡi, không phá hoại kẻ khác, không nghe nơi người này nói lại người kia muốn phá hoại người này, không nghe nơi người kia nói lại với người này muốn phá hoại người kia; những người xa lìa nhau thì muốn kết hợp lại, thấy người kết hợp lại thì vui vẻ, không kết bè đảng, không khen việc kết bè đảng. Vị ấy đối với việc việc nói hai lưỡi, tâm đã trừ sạch.

 

« Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc nói thô ác, đoạn trừ việc nói thô ác. Nếu có những lời mà từ khí thô bạo, âm thanh hung dữ trái tai, mọi người không vui, mọi người không ưa, làm cho người khác khổ não, làm cho họ không được an ổn, vị ấy đoạn trừ những lời nói như vậy. Nếu có những lời hòa nhã dịu dàng, xuôi tai, đi sâu vào lòng người, đáng thích, đáng yêu, làm cho người kia an lạc, âm thânh vừa đủ rõ ràng, không làm cho người kia sợ sệt, làm cho người kia được an ổn, vị ấy nói những lời như vậy. Vị ấy đối với việc nói lời thô ác, tâm đã tịnh trừ.

 

« Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa lời nói phù phiếm, đoạn trừ lời nói phù phiếm; nói đúng lúc, đúng sự thật, nói đúng pháp, nói đúng nghĩa, nói về tịch tĩnh, ưa nói về tịch tĩnh, hợp việc, hợp thời, thích nghi, khéo dạy dỗ, khéo quở rầy. Vị ấy đối với việc nói phù phiếm, tâm đã tịnh trừ.

 

« Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa tham lam, đoạn trừ tham lam, không ôm lòng não hại, thấy của cải và các nhu cầu sinh sống của người khác không nóng lòng tham lam, muốn cho được trở về mình. Vị ấy đối với việc tham lam tâm đã tịnh trừ.

 

« Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa sân nhuế, đoạn trừ sân nhuế, có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến loài côn trùng. Vị ấy đối với sân nhuế tâm đã tịnh trừ.

 

« Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa tà kiến, đoạn trừ tà kiến, thực hành chánh kiến, không điên đảo; thấy như vậy, nói như vậy: ‘Có sự bố thí, có sự trai phước, và cũng có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác. Có đời này và đời sau. Có cha, có mẹ, trên đời có những bậc chân nhân đi đến thiện xứ, khéo vượt qua, khéo hướng đến, trong đời này và đời sau mà tự tri tự giác, tự tác chứng thành tựu và an trụ. Vị ấy đối với việc tà kiến, tâm đã tịnh trừ.

 

« Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử thành tựu tịnh nghiệp nơi thân, thành tựu tịnh nghiệp nơi khẩu và ý. Xa lìa nhuế, xa lìa não hại, trừ bỏ thùy miên, không trạo cử, cống cao, đoạn trừ nghi, vượt qua mạn, chánh niệm, chánh trí, không có ngu si; tâm vị ấy tương ứng với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, trong hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng, hạ, cùng khắp tất cả, tâm tương ứng với từ, không thù, không oán, không sân nhuế, không não hại, rất rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, tâm bi, hỷ; tâm tương ứng với xả, không thù không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không thù, không oán, không sân nhuế, không não hại, liền được bốn trụ xứ an ổn. Những gì là bốn?

 

« ‘Nếu có đời này đời sau, có quả báo của nghiệp thiện và ác. Khi ta đã được nghiệp tương ứng với chánh kiến này rồi, ta thọ trì đầy đủ, thân hoại mạng chung chắc chắn sanh đến thiện xứ, cho đến sanh lên các cõi trời’. Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ nhất.

 

« Lại nữa, này các người Già-lam, ‘Nếu không có đời này và đời sau, không có quả báo của nghiệp thiện và ác.»  Như vậy, ta ở ngay trong đời này không phải do cớ ấy mà bị người khác bài bác; nhưng lại được bậc chánh trí khen ngợi, người tinh tấn, người có chánh kiến nói là có’. Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại, đó là được trụ xứ an ổn thứ hai.

 

« Lại nữa, này các người Già-lam, ‘Nếu có tạo tác gì, chắc chắn ta không có tạo ác, ta không niệm ác. Vì sao vậy? Vì tự mình không tạo ác, khổ do đâu mà sanh?’ Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ ba.

 

« Lại nữa, này các người Già-lam, ‘Nếu có tạo tác, chắc chắn ta không tạo ác, nhưng ta không phạm đời, dù kẻ sợ hay kẻ không sợ, luôn luôn nên thương xót tất cả thế gian, tâm ta không tranh chấp với tất cả thế gian, không vẩn đục, nhưng hân hoan’. Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ tư.

 

« Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân hận, không não hại; đó là được bốn trụ xứ an ổn» .

 

Những người Già-lam bạch Phật:

 

« Thưa Cù-đàm, đúng vậy, Đa văn Thánh đệ tử tâm không thù, không oán, không sân nhuế, không não hại, liền được bốn trụ xứ an ổn. Những gì là bốn?

 

« ‘Nếu có đời này đời sau, có quả báo của nghiệp thiện và ác. Khi ta đã được nghiệp tương ứng với chánh kiến này rồi, ta thọ trì đầy đủ, thân hoại mạng chung chắc chắn sanh đến thiện xứ cho đến sanh lên các cõi trời’. Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ nhất.

 

« Lại nữa, thưa Cù-đàm, ‘Nếu không có đời này và đời sau, không có quả báo của nghiệp thiện và ác. Như vậy, ta ở ngay trong đời này không phải do cớ ấy mà bị người khác bài bác; nhưng lại được bậc chánh trí khen ngợi, người tinh tấn, người có chánh kiến nói là có’. Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại, đó là được trụ xứ an ổn thứ hai.

 

« Lại nữa, thưa Cù-đàm, ‘Nếu có tạo tác gì, chắc chắn ta không có tạo ác, ta không niệm ác. Vì sao vậy? Vì tự mình không tạo ác, khổ do đâu mà sanh?’ Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ ba.

 

« Lại nữa, thưa Cù-đàm, ‘Nếu có tạo tác, chắc chắn ta không tạo ác, ta không phạm đời sợ hay không sợ, luôn luôn nên thương xót tất cả thế gian, tâm ta không tranh chấp với tất cả thế gian, không vẩn đục, nhưng hân hoan’. Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ tư.

 

« Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân hận, không não hại; đó là được bốn trụ xứ an ổn.

 

« Thưa Cù-đàm, chúng con đã biết. Bạch Thiện Thệ, chúng con đã hiểu. Bạch Thế Tôn, chúng con trọn đời tự quy y với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Duy nguyện Thế Tôn chấp nhận cho chúng con làm Ưu-bà-tắc, bắt đầu từ hôm nay, trọn đời tự quy y, cho đến lúc mạng chung» .

 

Phật thuyết như vậy. Tất cả những người Già-lam và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

 

Vài lời ghi chú

 

Điểm đáng lưu ý nhất trong bản dịch từ kinh A-hàm trên đây là không nói đến chủ đích của toàn bộ bài giảng là sự tự do tư tưởng, tức là 10 điều mà Đức Phật khuyên không nên tin, chẳng hạn như  các lời đồn đại, các truyền thống, các kinh thánh (các kinh Vệ-đà), các điều giảng dạy mang tính cách tự biện, v.v.  Các cung cách hành xử đúng đắn, thiết thựcích lợi sở dĩ được nêu lên trong bài giảng bằng tiếng Pali là để giúp người dân Kālāma tập suy nghĩ nhằm phân biệt một cách cụ thể với những gì mang tính cách đồn đại, truyền thuyết, giáo điều, tự biện... Bản tiếng Hán trong kinh A-hàm thì lại cắt bỏ hẳn các phân đoạn mang chủ đích nêu lên sự tư do tư tưởng, và biến bài giảng rất sâu sắc thuộc lãnh vực tư tưởngtriết học trong kinh điển Pali, trở thành một bài ‘kinh’ A-hàm nêu lên các hình thức đạo đức thường tình trong cuộc sống. Chủ trương tự do tư tưởng và sự tự tin tưởng vào khả năng phán đoán của mỗi cá thể con người biến mất trong bản Hán ngữ. Dưới đây là bản kinh A-hàm bằng tiếng Hán trong Hán tạng :  

 

中阿含經 16 (Trung A Hàm Kinh)

伽藍經 (Gìa Lam Kinh / Kālāma Sutta)

 

我聞如是。 一時佛遊伽藍國(Già Lam Quốc)與大比丘衆倶。 Variant: 國 → 園 (聖, 大, cbeta)至羇舍子。住羇舍子村北尸攝和林中

 

爾時羇舍子伽藍人聞沙門瞿曇釋種子捨釋宗族。出²家學道。 遊伽藍國(Già Lam Quốc)。與大比丘衆倶。來至此羇舍子。住羇舍子村北尸攝和林中。 Variant: 國 → 園 (聖, 大, cbeta)彼沙門瞿曇有大名稱。周聞十方。 沙門瞿曇如來無所著等正覺明行成爲善逝世間解無上士道法御天人師。號佛衆祐。 彼於此世。天及魔梵沙門梵志。從人至天。自知自覺。自作證成就遊。 彼若説法。初善中善竟亦善。有義有文。具足清淨。顯現梵行。 若見如來無所著等正覺。尊重禮拜。供養承事者。快得善利。 我等應共往見沙門瞿曇。禮事供養

 

羇舍子伽藍(người dân Già Lam)人聞已。各與等類眷屬相隨從羇舍子出。北行至尸攝和林。 欲見世尊禮事供養。 往詣佛已。彼伽藍人或稽首佛足。却坐一面。 或問訊佛。却坐一面。 或叉手向佛。却坐一面。 或遙見佛已。默然而坐。

 

彼時伽藍人各坐已定。佛爲説法。 勸發渇仰。成就歡喜。無量方便爲彼説法。 勸發渇仰。成就歡喜已。默然而住。

 

時伽藍人。佛爲説法。勸發渇仰。成就歡喜已。各從坐起。偏袒著衣。叉手向佛。 白世尊曰。 瞿曇。有一沙門梵志來詣伽藍。 但自稱歎己所知見。而呰毀他所知所見。 瞿曇。復有一沙門梵志來詣伽藍。亦自稱歎己所知見。而呰毀他所知所見。 瞿曇。我等聞已。便生疑惑。 此沙門梵志何者爲實。何者爲虚。

 

世尊告曰。 伽藍。汝等莫生疑惑。 所以者何。 因有疑惑。便生猶豫。 伽藍。汝等自無淨智。 爲有後世。爲無後世。 伽藍。汝等亦無淨智。所作有罪。所作無罪。 伽藍。當知諸業有三。因習本有。 何云爲三。

 

伽藍。謂貪是諸業。因習本有。 伽藍。恚及癡是諸業。因習本有。 伽藍。貪者爲貪所覆。 心無厭足。或殺生。或不與取。或行邪婬。或知已妄言。或復飮酒。

 

伽藍。恚者爲恚所覆。 心無厭足。或殺生。或不與取。或行邪婬。或知已妄言。或復飮酒。

 

伽藍。癡者爲癡所覆。 心無厭足。或殺生。或不與取。或行邪婬。或知已妄言。或復飮酒。

 

伽藍。多聞聖弟子離殺斷殺。棄捨刀杖。 有慚有愧。有慈悲心。饒益一切。乃至蜫蟲。 彼於殺生淨除其心。

 

伽藍。多聞聖弟子離不與取。斷不與取。與之乃取。 樂於與取。常好布施。 歡喜無吝。不望其報。 彼於不與取淨除其心。

 

伽藍。多聞聖弟子離非梵行。斷非梵行。勤修梵行 精勤妙行。 清淨無穢。離欲斷婬。 彼於非梵行淨除其心。

 

伽藍。多聞聖弟子。離妄言斷妄言。眞諦言樂眞諦。 住眞諦不移動一切可信不欺世間。 彼於妄言淨除其心。

 

伽藍。多聞聖弟子。離兩舌斷兩舌。行不兩舌。 不破壞他。 不聞此語彼欲破壞此。 不聞彼語此欲破壞彼。 離者欲合合者歡喜。 不作群黨不樂群黨不稱群黨。 彼於兩舌淨除其心。

 

伽藍。多聞聖弟子。離麤言斷麤言。若有所言辭氣麤獷惡聲逆耳。衆所不喜衆所不愛。使他苦惱令不得定斷如是言。 若有所説清和柔潤順耳入心。可喜可愛使他安樂言聲具了不使人畏。令他得定説如是言。 彼於麤言淨除其心。

 

伽藍。多聞聖弟子。離綺語斷綺語。 時説眞説法説義説止息説。 Variant: 眞説 → 眞説實說 (元, 明)樂止息説。事順時得宜。善教善訶。 彼於綺語淨除其心。

 

伽藍。多聞聖弟子。離貪伺斷貪伺。 心不懷諍。 見他財物諸生活具。不起貪伺欲令我得。 彼於貪伺淨除其心。

 

伽藍。多聞聖弟子。離恚斷恚。 有慚有愧有慈悲心。饒益一切乃至蜫虫。 彼於嫉恚淨除其心。

 

伽藍。多聞聖弟子。離邪見斷邪見。 行於正見而不顛倒。 如是見如是説。 有施有齋亦有呪説。 有善惡業報。 Variant: 業 → 業有 (宋, 元, 明)有此世彼世。 有父有母。 世有眞人。往至善處善去善向 此世彼世。自知自覺自作證成就遊。 彼於邪見淨除其心。

 

如是伽藍。多聞聖弟子。成就身淨業。成就口意淨業。 離恚離諍除去睡眠。 無調貢高斷疑度慢。 Variant: 調 → 掉 (元, 明)正念正智無有愚癡。

 

彼心與慈倶遍滿一方成就遊。 如是二三四方。四維上下 普周一切心與慈倶 無結無怨無恚無諍。極廣甚大 無量善修。遍滿一切世間成就遊。

 

如是悲喜心與捨倶 無結無怨無恚無諍。極廣甚大 無量善修。遍滿一切世間成就遊。

 

如是伽藍。多聞聖弟子。心無結無怨無恚無諍。 便得四安隱住處。 云何爲四。 有此世彼世。有善惡業報。 Variant: 業 → 業有 (宋, 元, 明)我得此正見相應業受持具足。 身壞命終必至善處乃生天上。 如是伽藍。多聞聖弟子。心無結無怨無恚無諍。 是謂得第一安隱住處。

 

復次伽藍。 無此世彼世。無善惡業報。 Variant: 業 → 業無 (宋, 元, 明)如是我於現法中。非以此故爲他所毀。 但爲正智所稱譽。 精進人正見人説其有。 如是伽藍。多聞聖弟子。心無結無怨無恚無諍。 是謂得第二安隱住處。

 

復次伽藍。 若有所作必不作惡我不念惡。 所以者何。 自不作惡。苦何由生。 如是伽藍。多聞聖弟子。心無結無怨無恚無諍。 是謂得第三安隱住處。

 

復次伽藍。 若有所作必不作惡。 我不犯世怖與不怖。 常當慈愍一切世間。 我心不與衆生共諍。 無濁歡悦。 如是伽藍。多聞聖弟子。心無結無怨無恚無諍。 是謂得第四安隱住處。

 

如是伽藍。多聞聖弟子。心無結無怨無恚無諍。 是謂得四安隱住處。

 

伽藍白世尊曰。 如是瞿曇。多聞聖弟子。心無結無怨無恚無諍。得四安隱住處。 云何爲四。 有此世彼世。有善惡業報。 Variant: 業 → 業有 (宋, 元, 明)我得此正見相應業受持具足。 身壞命終必至善處。乃生天上。 Variant: 生 → 至 (聖, 大, cbeta)如是瞿曇。多聞聖弟子。心無結無怨無恚無諍。 是謂得第一安隱住處。

 

復次瞿曇。 若無此世彼世。無善惡業報。 Variant: 業 → 業無 (宋, 元, 明)我於現法中。非以此故爲他所毀。 但爲正智所稱譽。 精進人正見人説其有。 如是瞿曇。多聞聖弟子。心無結無怨無恚無諍。 是謂得第二安隱住處。

 

復次瞿曇。 若有所作必不作惡我不念惡。 所以者何。 自不作惡。苦何由生。 如是瞿曇。多聞聖弟子。心無結無怨無恚無諍。 是謂得第三安隱住處。

 

復次瞿曇。 若有所作必不作惡。 我不犯世怖與不怖。 常當慈愍一切世間。 我心不與衆生共諍。 無濁歡悦。 如是瞿曇。多聞聖弟子。心無結無怨無恚無諍。 是謂得第四安隱住處。

 

如是瞿曇。多聞聖弟子。心無結無怨無恚無諍。 是謂得四安隱住處。

 

瞿曇。我已知。善逝。我已解。世尊。 我等盡自歸佛法及比丘衆。 Variant: 盡 → 盡壽 (宋, 元, 明)唯願世尊。受我等爲優婆塞。 從今日始終身自歸乃至命盡。

 

佛説如是 一切伽藍人及諸比丘聞佛所説。歡喜奉行

 

 

Đến đây chúng ta đã có một ý niệm nào đó về Đức Phật là ai, Phật giáo là gì và ý nghĩa trong Hiến chương của Phật giáo là như thế nào. Dưới đây chúng ta sẽ tiếp tục nêu lên sự hiểu biết đó, gia tài đó, lưu lại cho chúng ta bằng các cách như thế nào.

 

Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 191506)
01/04/2012(Xem: 37102)
08/11/2018(Xem: 15729)
08/02/2015(Xem: 54945)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: