Thư Viện Hoa Sen

Tứ Liệu Giản Của Tổ Lâm Tế | Nguyễn Thế Đăng

15/08/20244:51 SA(Xem: 1108)
Tứ Liệu Giản Của Tổ Lâm Tế | Nguyễn Thế Đăng

TỨ LIỆU GIẢN CỦA TỔ LÂM TẾ
Nguyễn Thế Đăng

 

 

lamtenghiahuyenTứ liệu giản có thể hiểu là bốn cách để thấy và đi vào thực tại.

Tứ liệu giản của Tổ Lâm Tế là:

Có khi đoạt nhân không đoạt cảnh,
Có khi đoạt cảnh không đoạt nhân,
Có khi nhân cảnh đều đoạt,
Có khi nhân cảnh đều không đoạt.

(Hữu thời đoạt nhân bất đoạt cảnh
Hữu thời đoạt cảnh bất đoạt nhân
Hữu thời nhân cảnh câu đoạt
Hữu thời nhân cảnh bất câu đoạt).

Có khi (hữu thời), cho thấy không nhất định, chỉ tùy duyên, tùy căn cơ, tùy người. Như vậy bốn câu không phải theo thứ tự, câu sau có giá trị hơn câu trước. Như người xưa nói, “tùy bệnh mà cho thuốc”.

Đoạt là lấy đi, lấy hết. Như đoạt mạng. Chữ đoạt này khiến chúng ta liên tưởng đến pháp trekcho (cắt đứt, phá thấu qua), một trong hai pháp của Đại Toàn Thiện. Đoạt nhân bất đoạt cảnh có thể hiểu là Cắt đứt nhân không cắt đứt cảnh.

Nhân là chủ thể, con người với mọi phiền não, mê mờ của nó. Cảnh là sự vật, người khác, thiên nhiên, thế giới. Theo Đại thừa, nhân là ngã, cảnh là pháp. Vô ngãvô phápthực tại rốt ráo.

Nhân là chủ thể, con người. Nhưng con người này gồm cả tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ, nghi ngờ… Chính những phiền não này làm con người bị phân mảnh: tình cảm này chống lại tình cảm khác, ý muốn này mâu thuẫn với ý muốn khác, ý nghĩ này chiến đấu với ý nghĩ khác. Đó do đó con người bị phân mảnh, và con người bị phân mảnh nên cảnh, đối tượng của nó cũng bị phân mảnh, bị nhiễm ô.

Hơn nữa trong phán đoán phân biệt của con người có sự nặng nhẹ khác nhau. Của tôi thì nặng hơn của anh. Và trong các phiền não tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ của tôi, có cái nặng có cái nhẹ. Trọng lượng của cảnh, của người khác, của thế giới, không chỉ là trọng lượng khách quan của chúng, mà cái chính là trọng lượng của những phiền não cá nhân, và chính những phiền não cá nhân này quyết định cách con người thấy cảnh, thấy thế giới. Cảnh, thế giới được thấy qua người phân biệt, phiền não.

Tóm lại người thế nào thì cảnh thế ấy. Con người thế nào thì thế giới thế ấy. Tác động lên người cũng tức là tác động lên cảnh, và ngược lại. Tịnh hóa người cũng tức là tịnh hóa cảnh, và ngược lại.

1/ “Có vị tăng hỏi: Thế nào là đoạt người không đoạt cảnh?

Sư đáp:

Mặt trời ấm hiện phô đất gấm
Trẻ thơ tóc trắng rủ như tơ.
(Hú nhật phát sinh phô địa cẩm
Anh hài thùy phát bạch như ty).”

Khi vị tăng hỏi, ‘thế nào là đoạt người không đoạt cảnh?’, ngài Lâm Tế không trực tiếp đoạt người, đoạt cảnh của vị tăng, mà ngài nói cho biết ‘cảnh giới’ khi người đã bị đoạt sẽ thấy như thế nào. Bởi vì nếu trực tiếp ‘đoạt’, ngài đã dùng những điều ngài thường làm: hét, đánh, nắm cổ áo…

Hơn nữa, vì chỉ một thiền sư mới có thể sử dụng bốn cách ‘đoạt’ này, nên ngài không dạy cách đoạt, mà chỉ nói đến cái thấy thật tướng sau khi người tham vấn đã trải qua việc bị đoạt, để khuyến khích những người học đạo tham cứu thêm.

Quan trọng là hành giả biết áp dụng bốn phương pháp, bốn cách này để hiểu, thấy và sống trong thực tại mà tất cả các Thiền sư đều chỉ dạy.

Đoạt người mà không đoạt cảnh thì thế nào? Khi người với những phiền não đè nặng của nó bị đoạt mất, khi người vắng mặt, thì cảnh cũng thoát khỏi sự đè nặng của phân biệt phiền não của người và trở lại nguyên trạng của nó, thật tướng của nó.

Khi không có phân biệtphiền não của người, thì cảnh, thế giới trở lại ‘như nó là’, ‘như thị’. Đó là một thế giới hài hòa, đẹp đẽ, vui tươi, không có chút phân biệt, phiền não:

Mặt trời ấm hiện phô đất gấm.

Cảnh ấy, thế giới ấy trở nên nhẹ nhàng, không trọng lượng, hầu như không thật, có mà như không có. Đây là điều mà từ ngữ ‘không có tự tánh, vô tự tánh’ muốn nói. Từ ngữ này được dùng rất nhiều trong các kinh Bát nhã.

Trẻ thơ tóc trắng rủ như tơ.

‘Trẻ thơ tóc trắng’ là sự việc không có thật như cách nói ‘như huyễn như mộng’, ‘lông rùa sừng thỏ, thành Càn thát bà, mặt trăng trong nước…’ trong các kinh.

2/ “Tăng hỏi: thế nào là đoạt cảnh không đoạt người?

Sư đáp:

Lệnh vua đã hành khắp thiên hạ
Tướng quân ngoài ải hết khói bụi.
(Vương lệnh dĩ hành biến thiên hạ
Tướng quân tái ngoại tuyệt yên trần)”.

Đoạt cảnh ở đây là đoạt cảnh đã bị ô nhiễm bởi phân biệt phiền não của người. Đoạt cảnh, không có cảnh bị ô nhiễm thì sự ô nhiễm của người cũng biến mất, vì sự ô nhiễm mê lầm của người phải dựa vào cảnh để hiện hữu, hoạt động.

Đoạt cảnh ô nhiễm thì con người ô nhiễm cũng mất, chỉ còn con người chân thật (vô vị chân nhân, theo cách nói của Tổ Lâm Tế). Cảnh đã bị đoạt, người không còn chạy theo cảnh ô nhiễm thì người trở lại chính mình, trở lại làm vua. Vua là “ông chủ”, là ‘bản tánh của tâm’, là ‘tự kỷ Phật’…

Khi vua tâm đã lên ngôi, thì quyền lực hoàn toàn nằm trong tay ngài, giặc phiền não không còn quấy rối. Đất nước thái bình, tướng ngoài biên ải không còn đánh dẹp giặc cỏ phiền não, “tướng quân ngoài ải hết khói bụi”.

Lệnh vua tâm đã thi hành khắp thiên hạ, thì thiên hạ, đất nước thái bình. Tất cả là Tâm thì còn chỗ nào, khe hở nào cho phân biệt, phiền não? Còn chỗ nào cho sự nhiễm ô của cảnh?

3/ “Lại hỏi: Thế nào là đoạt cả người lẫn cảnh?

Sư đáp:

Tịnh Phần bặt tin
Độc ở một phương.
(Tịnh Phần tuyệt tín
Độc xử nhất phương)”.

Tịnh Phần có lẽ là một nơi biên giới xa xôi nào đó. Tịnh Phần bặt tin tứctin tức ở ngoài xa không có, đây là điều kinh điển gọi là “sáu căn (giác quan) rỗng lặng”. Cảnh không đến tâm, hay người.

Còn người thì “độc ở một phương”, không liên hệ gì đến cảnh. Cảnh không đến tâm, tâm không dính dáng gì đến cảnh. Cảnh chẳng phải là cảnh bị ô nhiễm, tâm chẳng phải là tâm phân biệt, phiền não. Cả hai không giao thiệp nhau thì tâm cảnh đều bặt dứt. Cũng có thể nói, tâm cảnh là một; cái Một của tánh Không: “Một tướng, vô tướng”.

Cảnh không đến tâm, tâm không đến cảnh, đây là thực tại của ‘người và cảnh đều bị đoạt’. Cảnh hoàn toàn là tâm, không còn cảnh nữa (“Tịnh Phần bặt tin”). Tâm hoàn toàn là cảnh, chỉ còn tâm (“Độc ở một phương”). Cả hai là một không thể phân chia, và là một nên đều biến mất. Đây là thực tại của ‘không còn người, không còn cảnh, vì cả hai đều bị đoạt mất’. Đây là điều các kinh Bát nhã gọi là ‘tánh Không sáng tỏ’.

4/ “Lại hỏi: Thế nào là người cảnh đều không đoạt?

Sư đáp:

Vua lên ngai báu
Lão quê vui ca.
(Vương đăng bảo điện
Dã lão âu ca)”.

Người, cảnh đều không đoạt, vì người chẳng phải là người, bởi vì người vốn không có phân biệt, phiền não; và cảnh chẳng phải là cảnh, vì chưa từng nhiễm ô. Tâm - cảnh cả hai đều là thật tướng; tâm cảnh Nhất Như.

Đây là pháp giới Chân Không - Diệu Hữu, pháp giới Nhất Chân.

Tất cả bốn liệu giản, bốn phương pháp đều đưa hành giả trở lại ông chủ, bản tâm, bản tánh vốn có của mình. Mỗi phương pháp đều thích hợp nhất với một loại người, cần phải giải trừ người, hoặc cảnh, hoặc cả hai, hoặc để nguyên cả hai.

Một Thiền sư ngày xưa đã nói: “Nếu luận về Phật pháp, thì tất cả vốn tự hiện thành”. Thiền sư Nhật Bản Đạo Nguyên có một bài thuyết pháp trong Chánh Pháp Nhãn Tạng nhan đề “Hiện thành công án”.

Và các Thiền sư Việt Nam cũng dạy về sự thật này rất nhiều, chẳng hạn như Thiền sư Thiền Lão (thế kỷ 11):

Trúc biếc, hoa vàng đâu cảnh ngoại
Trăng trong, mây bạc hiện toàn chân.
(Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân). 






Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 191506)
01/04/2012(Xem: 37102)
08/11/2018(Xem: 15729)
08/02/2015(Xem: 54945)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: