HOA NGHIÊM NHẤT CHÂN
(phần II) 深入經藏智慧如海
Trần Trọng Sỹ
Như được dẫn ý ở phần đầu, từ “lý thú” trong câu “Dĩ Nhất Chân Pháp Giới Vô Tận Duyên Khởi vi Lý Thú” (以一眞法界無盡緣起为理趣), tuy đứng sau chót trong văn cú, có vẻ như chẳng mấy quan trọng, lại chính là chủ từ của mệnh đề.
“Thú” trong Hán ngữ có một địa vị tôn quý chưa bị tục hóa như thú ở Việt Nam dùng để diễn tả một đam mê, một thú vui, hay một môn giải trí. Trong văn học Trung Hoa, thú được dùng nghiêm cẩn hơn nhiều, như nghĩa thú, tôn thú, lý thú. Thí dụ trong Đại Chánh Tạng, khi nói về kinh Hoa Nghiêm, có câu: Như dĩ “Nhơn Quả Duyên Khởi Lý Thật Pháp Giới” vi Hoa Nghiêm Kinh chi tôn thú sở tác đích luận thuật – 如以「因果緣起理實法界」為《華嚴經》之宗趣所作的論述. Từ tôn thú ở đây trở nên là khuôn thước cho cả một tông phái. Còn từ “nghĩa thú” thì có rất nhiều trong văn học Trung Hoa, không ít hơn từ “lý thú”. Nói chung khi được Việt hóa, từ 趣trong Hán ngữ đã được thu gọn đến mức độ chỉ còn là một niềm vui thoáng chốc.
Câu “dĩ Nhất Chân Pháp Giới Vô Tận Duyên Khởi vi Lý Thú” được từ điển Phật Quang dùng để giải thích về Hoa Nghiêm Tam Muội. Như sau:
Tam Muội tức định. Định này dựa vào việc thờ Phật, giáo hóa (chúng sanh) và thực hành Thập Ba La Mật. Cũng được gọi là Phật Hoa Nghiêm Tam Muội, Hoa Nghiêm Định, Phật Hoa Tam Muội. Tu tập định này là lấy nhất chân pháp giới vô tận duyên khởi làm lý thú, nhờ tu vạn hạnh mà đạt được lý thú này, trang nghiêm Phật quả, nên gọi là Hoa Nghiêm, nhất tâm tu tập gọi là Tam Muội. Tam Muội này có thể thống nhiếp Pháp giới và chứng nhập vào tất cả Phật Pháp Đại Tam Muội. Theo quyển thứ ba mươi sáu của Kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát Phổ Hiền đang thọ trì Tam Muội, và Tam Muội của ngài gọi là Phật Hoa Nghiêm. “Hoa Nghiêm Du Tâm Pháp Giới Ký” chú thích Tam Muội này là dùng “Hoa” làm phát sinh tác dụng thiết thực, và giải thích Hoa là vô số việc làm của Bồ Tát ; lấy “Nghiêm” làm kết quả các hành vi tương hợp, thì cấu chướng sẽ bị loại bỏ mãi mãi, chứng được lý viên khiết (tròn sạch) ; lấy “Tam Muội” vì lý và trí vô nhị, nên hoàn toàn hòa nhập, bỉ thử không còn, năng và sở đều tuyệt. Cũng nói Hoa tức Nghiêm, vì lý và trí vô ngại, nên Hoa Nghiêm là Tam Muội vì dung thông lìa kiến chấp (以行融離見故?) ; hoặc Hoa tức Nghiêm, là lấy một hạnh đốn tu tất cả hạnh ; hoặc Hoa Nghiêm tức Tam Muội, là một hạnh tức nhiều hạnh mà chẳng ngại một hay nhiều ; hoặc Hoa Nghiêm tức Tam Muội, là định loạn hai cái không khác ; hoặc Tam Muội tức Hoa Nghiêm, là lý và trí đều như như bất dị. Nếu lấy Tam Muội này mà tương chiếu với “Hải Ấn Tam Muội”, thì Tam Muội này chủ trương lấy Hành làm Tín, đứng trên nhân mà lập danh, còn Hải Ấn Tam Muội đứng trên quả mà lập danh. Mà nhân quả gốc không phải hai, nên hai Tam Muội này cùng một thể có hai dụng. Sư Pháp Tạng (cũng gọi là Hiền Thủ, tổ thứ ba Hoa Nghiêm Tông) đời Đường viết “Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán”, tức là Thể Tánh Viên Minh có hai dụng, một là Hải Ấn Sâm La Thường Trụ, tức là Hải Ấn Tam Muội, một nữa là Pháp Giới Viên Minh Tự Tại, tức Hoa Nghiêm Tam Muội. (Vô Lượng Thọ Kinh quyển thượng, Hoa Nghiêm Kinh Tham Huyền Ký quyển 17, Hoa Nghiêm Kinh Sớ quyển 5, quyển 16, Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chỉ Quán - tham duyệt Hải Ấn Tam Muội 4165 p5238 )
(三昧,即定。指供佛、教化、十度等行所依之定。又作佛華嚴三昧、華嚴定、佛華三昧。修此定乃以一真法界無盡緣起為理趣,為達此理趣而修萬行,莊嚴佛果,稱為華嚴;一心修之,稱為三昧。此三昧乃統攝法界,入一切佛法之大三昧。據舊華嚴經卷三十六離世間品載,普賢菩薩正受三昧,其三昧名為佛華嚴。華嚴遊心法界記釋此三昧,以「華」有生實作用,而釋華為菩薩萬行;以「嚴」為行成果滿契合相應,垢障永消,證理圓潔;以「三昧」為理智無二,交徹鎔融,彼此俱亡,能、所皆絕。又謂華即嚴,以理智無礙故;華嚴即三昧,以行融離見故;或華即嚴,以一行頓修一切行故;華嚴即三昧,一行即多而不礙一多故;或華嚴即三昧,以定亂雙融故;或三昧即華嚴,以理智如如故。若將此三昧與「海印三昧」相對照,則此三昧乃約解行而言,係從因而立名,海印三昧系依果而立。然因果本無二,故此二者為一體之二用。唐代法藏著「妄盡還源觀」,即謂自性清淨圓明之體有二用,一為海印森羅常住之用,即海印三昧;一為法界圓明自在之用,即華嚴三昧。[無量壽經卷上、華嚴經探玄記卷十七、華嚴經疏卷五、卷十六、華嚴五教止觀](參閱「海印三昧」4165 p5238 )
Ngay vào đầu, Tam Muội được khẳng quyết là định, là cúng phật, giáo hóa, và sở y trên thập Ba La Mật mà tu tập.
Như vậy, định không chỉ đơn thuần là tọa thiền ngồi lim dim đôi mắt đếm hơi thở ra thở vào hoặc quán Tứ Niệm Xứ.
Định ở đây, là cúng Phật, tượng trưng cho Thượng Cầu Phật Đạo ; kế đến là giáo hóa, tức Hạ Hóa Chúng Sanh ; và để đi đến làm tròn hai mục đích trên thì phải thực hành Thập Ba La Mật (pāramī, pāramīta, đáo bỉ ngạn).
Trong Thập Ba La Mật, người viết bài này lại không đủ duyên để theo hạnh Xuất Gia Ba La Mật (Nekkhamma Pāramī) nên khó lòng thâm nhập vào cảnh giới Hoa Nghiêm Tam Muội. Tuy nhiên, những sa môn đã cát ái từ thân, mà vẫn không xa lìa được dòng họ, của cải, danh vọng, và ngay cả tự viện mà mình dựng nên từ hai bàn tay trắng, thì dù đã xuất gia, vẫn chưa thật lòng cầu đạo Vô Thượng, rất khó lọt vào cánh cổng Hoa Nghiêm.
Tu tập định này là “lấy nhất chân pháp giới vô tận duyên khởi làm lý thú, nhờ tu vạn hạnh mà đạt được lý thú này, trang nghiêm Phật quả, nên gọi là Hoa Nghiêm, nhất tâm tu tập gọi là Tam Muội.” (修此定乃以一真法界無盡緣起為理趣,為達此理趣而修萬行,莊嚴佛果,稱為華嚴;一心修之,稱為三昧). Cụm từ “Trang Nghiêm Phật Quả” ở đây không phải chỉ là chiếc áo Vô Thượng Phước Điền Y theo nghĩa đen tuy rằng sa môn là người có nhiều may mắn nhất để tu Tam Muội này.
Nhất Chân Pháp Giới và Vô Tận Duyên Khởi được nêu ra trong mệnh đề tuy hai nhưng là một ; một bên là lý, và một bên là sự ; lý sự vô ngại, tạo ra sâm la muôn sai vạn biệt của cảnh giới Hoa Nghiêm.
Lý và thú là cách gọi khác của lý và sự. Ở đây, lý là lý Duyên Khởi, và Thú là Vô Tận Trùng Trùng, là phạm trù quán sát của Bồ Tát thực hành Thập Ba La Mật.
Thú là chánh báo. Trùng trùng vô tận duyên khởi Nhất Chân là y báo. Cái thấy Trùng Trùng Vô Tận Duyên Khởi trong Nhất Chân và Nhất Chân trong Trùng Trùng Vô Tận Duyên Khởi, là cõi Lý Thú của hàng Bồ Tát mà ngay hàng Nhị Thừa, theo kinh Hoa Nghiêm, cũng không thấy được, dù cả hội chúng đều cùng kết tập tại rừng Thệ Đa.
Câu nói của Đường Huyền Trang khi than rằng, đã trôi lăn trong Lục Thú, khiến cho từ thú mất đi thâm nghĩa chứa đụng giải thoát và trí tuệ, đặc biệt nó lại trùng âm với từ “thú” 獸 nghĩa là “súc sinh” trong Hán Việt. Do vậy mà câu Dĩ Nhất Chân Pháp Giới Vô Tận Duyên Khởi vi Lý Thú khiến người đọc bớt đi sự quan tâm, chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” để mua vui qua hình ảnh một mạng lưới được gắn kết nhiều viên ngọc tỏa sáng của Phật Tì Lô Giá Na. Ngày nay, với nền công nghệ tân kỳ của đèn led, người ta có thể tạo ra một tấm “lưới Đế Thiên” bao trùm một quán café ở Sài Gòn với âm thanh du dương trầm bỗng gợi cảm đầy tình tứ lãng mạn của nhạc thính phòng, và người ta cảm thấy ngồi ngắm cảnh nghìn ngọn đèn nhấp nháy trong điệu nhạc êm ái bên ly café là lý thú.
Trong văn chương Việt Nam, từ “thú” chỉ được sử dụng một cách nghiêm chỉnh trong “chí thú”(志趣), như "chí thú làm ăn, chí thú học hành, còn những trường hợp khác lấy gốc ở chữ này rất ít, thậm chí không thấy dùng, như dã thú (野趣 thú vui nơi hoang dã) có lẽ vì sợ nhầm nghĩa với dã thú (野獸), nhàn thú (闲趣), chỉ thú (旨趣), quả thú (寡趣 - không thú vị) .
Thú trong ý nghĩa Phật học rất nghiêm túc, không để cảm giác làm chủ trong mọi hoàn cảnh. Như đã nói qua, trong tôn thú (宗趣), nghĩa thú (义趣), và ngay cả lý thú ở bài viết này.
Có nhiều kinh điển được mệnh danh là lý thú như: Lý Thú Kinh (理趣經), hay còn gọi là Lý Thú Bát Nhã Kinh, Lý Thú Thích Kinh (理趣釋經) hay còn gọi là Đại Lạc Kim Cương Lý Thú Thích Kinh, Kim Cương Đảnh Du Già Lý Thú Bát Nhã Kinh (金剛頂瑜伽理趣般若經) vv.
Nếu lý là “như lý tác ỷ” (如理作意), thì lý phải tư duy theo Trùng Trùng Vô Tận Duyên Khởi. Duyên khởi vốn là nghĩa của tính không, nên Tương ưng bộ kinh III, trong bài Kinh Bọt Nước dạy rằng:
Nếu như vậy chuyên chú,
Như lý chơn quán sát,
Như lý nhìn các pháp,
Hiện rõ tánh trống không.
Tác ý Hoa Nghiêm Tam Muội sẽ dẫn đến cảnh Tam Muội, tâm Tam Muội, tức nhị dụng của Thể Tánh Viên Minh, như trong định nghĩa Phật Quang Đại Từ Điển : một, cảnh Tam Muội bày ra Hải Ấn Sâm La Thường Trụ ; hai, tâm Tam Muội (一心修之,稱為三昧), biểu thị Pháp Giới Viên Minh Tự Tại. Tác Ý Hoa Nghiêm cũng tạo ra Lộ Trình Tâm và Tác Hành Tâm dung thông lý và sự. Như vậy, lý và thú chính là Tam Muội, dù Hoa Nghiêm hay Hải Ấn, cả hai tướng đều đưa đến vô tướng. Nhập Pháp Giới diễn tả:
Trong mỗi vi trần, hiện khắp tất cả cảnh giới thế gian. Giáo hóa thành tựu tất cả chúng sanh chưa từng lỗi thời. Trong một lỗ lông phát ra âm thanh thuyết pháp của tất cả Như Lai. Biết tất cả chúng sanh thảy đều như huyễn. Biết tất cả đức Phật thảy đều như ảnh. Biết tất cả loài thọ sanh thảy đều như mộng. Biết tất cả nghiệp báo thảy đều như tượng trong gương. Biết tất cả những gì có sanh khởi thảy đều như ánh nắng gắt. Biết tất cả thế giới đều như biến hóa.
(於一塵中普現一切世間境界,教化成熟一切眾生未曾失時,一毛孔中出一切如來說法音聲;知一切眾生悉皆如幻,知一切佛悉皆如影,知一切諸趣受生悉皆如夢,知一切業報如鏡中像,知一切諸有生起如熱時焰,知一切世界皆如變化.)
Như vậy, cõi “lý thú” chính của Hoa Nghiêm xuất phát từ một lỗ chân lông Nhất Chân của Phật (一毛孔中), phóng ra Trùng Trùng Duyên Khởi, như thuyết Big Bang một lượng tử nở ra vũ trụ, và một vũ trụ tóm thâu vào một lượng tử ; một sát na tóm thâu ba thời (Quá Hiện Vị), và ba thời (Quá Hiện Vị) trong một sát na. Cái thấy của thi sĩ William Blakes rất gần với Nhất Chân Pháp Giới của Đức Phật Hoa Nghiêm :
To see a World in a Grain of Sand
And a Heaven in a Wild Flower,
Hold Infinity in the palm of your hand
And Eternity in an hour.
(Để thấy Vũ Trụ trong một Hạt Cát
Và Thiên Đường trong một Đóa Hoa Dại
Hãy nắm Vô Cùng trong lòng tay bạn
Và Vĩnh Cửu trong giây phút hiện tiền).
Lý thú của người muốn mở cánh cổng Hoa Nghiêm rất giống với lý thú của Lý Bạch, ngắm trăng, say trăng, và ôm cả trăng mà chết - chết ở đây là biến mình thành trăng, Lý Bạch và trăng là nhất thể.
Qua cái nhìn của đạo Phật, Lý Bạch chết trong “ái dục” của một nhà thơ, dù rất lãng mạn, rất huyền thoại, được ca tụng mãi cho đến nay. Trong số văn thơ truyền lại về giai thoại này, tôi chọn bài của Nguyễn Trãi, khi đến Thái Thạch để thăm Lý Bạch trong thời gian sang Trung Quốc, ông đã có bài thơ Thái Thạch Hoài Cổ 采石懷古 để tưởng nhớ đại thi hào họ Lý được người đời tặng cho mỹ hiệu “Trích Tiên” như sau:
采石曾聞李謫仙, Thái Thạch tằng văn Lý Trích Tiên,
騎鯨飛去已多年。 Kỵ kình phi khứ dĩ đa niên.
此江若變為春酒, Thử giang nhược biến vi xuân tửu,
只恐波心尚醉眠。 Chỉ khủng ba tâm thượng túy miên.
Trên mạng có bài dịch rất hay như sau, tôi xin được phép chép lại :
Thái Thạch từng nghe Lý Bạch say,
Cởi kình bay biết mấy năm nay.
Sông này nếu biến thành xuân tửu,
Lòng sóng e rằng vẫn ngủ say!
Nếu được nhảy vào sông Ngân (the Milky Way Galaxy) mà chết, thì dù đó là “ái dục”, chắc nhiều các bồ tát bổ xứ không từ nan, và nhiều thiền sư cũng sẵn lòng. Thiền sư Như Tịnh khi gặp Đạo Nguyên không từng đã dạy có chỉ một câu thôi sao, “hãy xả bỏ thân tâm”. Đó cũng là Lý Thú của câu “Nhất tâm tu chi, xưng vi Tam Muội” (一心修之,稱為三昧) vậy !
Tịnh Tông đưa ra các tiêu chí tín - hạnh - nguyện, một lòng cầu được vãng sinh Tây phương, cùng với Hoa Nghiêm Tông nhứt tâm tu chi, xưng vi tam muội hoàn toàn tương thích. Thiền tông thì vô chứng vô đắc dẫn vào tính không. Tuy tam tông dị lộ, mà quy lại vẫn không lìa xa vô thượng bồ đề.
- Hoa Nghiêm Mao Đầu Thượng
Hoa Nghiêm thì nhiều người biết, còn Mao Đầu Thượng ít được nói đến hơn, dù đã có nhiều chư thiền đức, các bậc thức giả luận bàn về đề tài này thật thâm uyển.
Trong phần tiểu luận này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến nhận thức về sáng tạo hoặc tính tự hữu của vật chất qua sự so sánh giữa các học thuyết, đặc biệt là là thuyết Sáng Thế của Thiên Chúa giáo. Đây là một chuyên đề vừa mang tính khoa học lại vừa mang tính triết học, cả hai lãnh vực đều xây dựng trên sự thật vật lý và sự thật lịch sử, nên trước tiên, cũng nên phác họa khung cảnh khoa học của nhân loại từ trước và sau khi kinh Hoa Nghiêm ra đời.
=> Khung cảnh khoa học :
Kitô giáo ngự trị trong mọi sinh hoạt thời Trung Cổ tại Âu Châu, đã khiến công cuộc “tiến hóa” của nhân loại khựng lại trong hơn 1000 năm trải dài từ năm 380, năm mà Kitô giáo được chính thức nâng tầm lên làm quốc giáo của đế quốc La Mã, mãi cho đến thời kỳ Phục Hưng vào thế kỷ thứ XIV. Thời Trung Cổ còn được mệnh danh là Thời Đại U Tối (Dark Ages – Âges Obscures). Mặc dù ảnh hưởng thống trị của Kitô giáo giảm bớt chấp nhận sự trở lại của các giá trị phi Kitô, nhưng quyền lực của Giáo Hội La Mã vẫn luôn ngự trị tên tòan cầu cho đến sau thế chiến. Người Việt Nam cảm nhận được quyền lực này cho mãi đến ngày nay, khi mà nhà nước CHXHCNVN khẩn thiết mời Giáo Hoàng đến thăm Hà Nội qua cuộc triều kiến của cựu chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong dịp ông đến Vatican.
Trước Kitô giáo, nền văn minh La Hy rất lớn, sản sinh nhiều khám phá toán học, y học, thiên văn học, chính trị học, xã hội học và đặc biệt triết học bản thể luận. Dấu vết của văn minh Hy Lạp còn lưu lại khó kể hết và hữu ích vô cùng cho ngay cả khoa học hiện đại, như các khám phá của Thalès, Pythagore, Archimède, Anaxagore, Euclide, Hyppocrates...
Một sự lý đơn giản của ngày nay như định luật nhân quả (cause and effect) mà cả trẻ con cũng biết, thì vào thời thượng cổ, hiếm người biết định luật này, họ cho rằng tất cả đều do thần linh hay quỷ quái an bài. Đến ngay một danh thủ Tây Ban Cầm nhạc Rock người Anh, Chris Overland, cũng từng nhân định rằng, Toàn bộ thế giới Tây phương là mê tín và phép lạ mãi cho đến “Thời Đại Phục Hưng mới khởi động một cuộc cách mạng khoa học”. (The Western world was all superstition and magic until “the Renaissance triggered a scientific revolution”). Trong thánh kinh Tân Ước, còn thường được mệnh danh là sách Phúc Âm, có câu chuyện Chúa chữa bệnh trục quỷ ra khỏi một người, cho nhập vào đàn heo 2000 con, khiến toàn bộ số heo này lao xuống biển mà chết. Một chuyện khác có người đàn bà ngoại đạo Canaan cầu xin Chúa cứu con bà ấy sống dậy, lúc đầu Chúa nói bánh mì của dân Do Thái không thể đem cho chó ăn, nhưng người đàn bà vẫn quỳ mọp van nài chỉ xin được mót những bánh vụn, thì Chúa hài lòng, và lập tức con gái bà ấy được cứu. Kinh thánh kể nhiều câu chuyện phép lạ của Giêsu. Phép lạ là những gì không tuân theo luật nhân quả, như đã chết thì không thể sống dậy, trừ phi chưa chết hẵn, chỉ chết lâm sàng, hoặc nước thì không thể tự nó biến thành rượu, hoặc một cái bánh mì không thể được biến thành hằng nghìn cái bánh mì theo nghĩa đen từ trong tay một người.
Đánh tan lòng mê tín trong hiện thời đã là một việc làm khó khăn, nói gì cách đây 2000 năm trước. Nghi thức “rửa tội” bằng nước mà Gioan Tầy Giả nhúng hụp đầu Giêsu vào sông Jordan, sau đó thì Giêsu được Chúa Thánh Thần dưới hình thức chim bồ câu đậu lên vai, hình ảnh mà người ngoại đạo xem là biểu tượng của trí tuệ, nhưng với giáo hội La Mã, Chúa Thánh thần là thực thể đã làm bà Maria thụ thai Giêsu. Kitô giáo vật lý hóa tất cả những điều mà nếu là các tôn giáo khác chỉ xem là biểu tượng, như sự sống vĩnh hằng, sự thăng thiên. Nghi thức thường được thực hành là lễ Misa, uống rượu thánh, ăn bánh thánh, được giàn dựng trân trọng để biến Mình Thánh, Chén Thánh thành máu và thịt của Giêsu, khiến cho môn đồ có cảm giác họ ăn thịt và uống máu thực của đấng mà họ tôn thờ. Nghi thức lễ Misa đã được David Hume, một triết gia nổi tiếng của Tô Cách Lan (Scotland) phát biểu như sau:
Trong tất cả các tôn giáo thì tôn giáo vô lý và vô nghĩa nhất là tôn giáo mà những người hiến thân cho Chúa, lại đi ăn thịt Chúa của họ sau khi đã tạo ra ông ta. (Of all religions, the most absurd and nonsensical is that whose votaries eat, after having created, their deity.)
Điều khó hiểu, trong kinh sách đạo Phật ta chẳng thấy nói chuyện trục vong trừ quỷ, Phật chưa từng cứu người chết hay chữa bệnh cho ai, vậy mà một bộ phận các thầy, trong nhiều thế hệ, lại thực hành chuyện trục vong trừ quỷ hằng ngày, đến nỗi mang tiếng oan đạo Phật là mê tín, trong khi Thánh kinh người ta viết rõ có quỷ có thần linh quyết định mọi sự, cho sống thì sống, bảo chết thì chết, lại được khen là tôn giáo khoa học văn minh.
Do vậy có thể nói rằng, người có công và can đảm cho rằng bệnh tật bắt nguồn từ những nguyên nhân tự nhiên, tìm biết được các nguyên nhân có thể khắc phục được bệnh tật, ấy là Hyppocrates, thủy tổ của ngành y học, mặc dù các nghiên cứu của ông không mấy đặc sắc. Công lao lớn của Hyppocrates không phải là tìm ra cách chữa bệnh thần kỳ hoặc dược phẩm quý hiếm, mà là đưa ngành y thành một môn học, và cho rằng tất cả bệnh tật đều có nguyên nhân.
Chỉ một bước đơn giản vậy thôi, đã cứu sống hằng triệu, thậm chí hằng tỉ người từ đó đến nay.
Câu chuyện người đàn bà Canaan đến khẩn khoản cầu xin Giêsu cứu sống đứa con là tiêu biểu của niềm tin thần quyền trái với khoa học.
Cùng một loại truyện, có người đàn bà đến cầu xin Đức Phật cứu sống con mình, bà được Phật bảo hãy đi tìm xin vài hạt cải trong bất kỳ ngôi nhà nào chưa từng có người chết “để làm thuốc”. Người đàn bà vì thương con, đã lê lết khắp hang cùng ngõ vắng cố tìm nơi không có người chết, và cuối cùng, trải qua bao suy tư khắc khoải đau đớn, bà đã đạt được cách tư duy khoa học, đã giác ngộ rằng thế gian này không ai không chết. Sự đau khổ mất con của bà do vậy đã nguôi ngoai.
Câu chuyện trên cho thấy Đức Phật không thể cứu người đã chết, nhưng có thể cứu người sống.
Khoa học cũng chỉ có thể cứu người sống chứ chưa hề cứu được một người chết nào.
Những trường hợp chết đi và “phục sinh” xảy ra rất nhiều trên trái đất, chẳng phải nhờ phép lạ, mà chỉ đơn giản vì họ thực sự chưa chết.
Cho nên, nền tảng tư duy dựa trên khoa học rất quan trọng đối với nhân loại, và dĩ nhiên, nền tảng này là kẻ thù của các tổ chức buôn thần bán thánh, các tín ngưỡng dựa vào thần quyền và niềm tin dị đoan để sinh tồn. Bất kỳ tôn giáo nào kiếm tiền nhờ vào lòng mê tín đều đáng bị lên án chứ không riêng gì Kitô giáo.
Khoa học đã phát triển rất mạnh trước khi Kitô giáo thống trị Âu châu. Nhưng chính Kitô giáo đã bóp nghẽn và giết chết sự phát triển của nhân loại.
Năm 585 TCN, Thalès ở Milet đã đưa ra giả thuyết Trái Đất có hình cầu. Pythagore cũng cho rằng quả đất hình cầu.
Eratosthenes đã tìm ra cách đo chu vi trái đất một cách khá chính xác.
Toán học đã rất phát triển và tồn tại mãi đến ngày nay, học sinh toàn thế giới phải vẫn còn học thuộc lòng những định luật toán học của Thalès, Pythagore hoặc Euclide.
Động khí học đã từng được Ctesibius xử dụng để chế ra phong cầm và đồng hồ chạy bằng nước chính xác 2 thế kỷ trước Tây lịch cho mãi đến khi chiếc đồng hồ quả lắc đầu tiên được chế tạo vào thế kỷ thứ 17. Cũng có sách cho rằng đồng hồ bằng nước (water clock) đầu tiên do người Trung Hoa sáng chế 2 ngàn năm trước Tây Lịch vào thời nhà Thương.
Máy đo độ cao các thiên thể (astrolabe) đã được người Hy Lạp cổ đại chế tạo và sử dụng.
Súng bắn bằng áp suất hơi nước được Archimède chế tạo.
Quốc hội đầu tiên được nhóm họp tại thành phố Athènes là do Cleisthenes khởi xướng vào thế kỷ thứ năm trước CN, nên có thể nói, Cleisthenes là cha đẻ của dân chủ, vậy mà cho đến thế kỷ 21, vẫn có những quốc gia dẫm đạp lên nhân quyền, ngồi xổm trên pháp luật, không ngại đàn áp hoặc bỏ tù bất cứ một tiếng nói đối lập nào, nhưng họ vẫn ưỡn ngực tự nhận là tự do dân chủ hàng đầu thế giới.
Nhân văn học (Humanism), chủ nghĩa xã hội, và xã hội học cũng do người Hy Lạp Protagoras đề xướng, đặc biệt Socrates, Platon và Aristote.
Những chi tiết kể trên có thể không chắc chắn được lịch sử ghi nhận lại một cách hoàn toàn xác thực, tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận giá trị khách quan của học thuật Hy Lạp vào thời Thượng Cổ.
Nói chung, tri thức của thời Thượng Cổ trước Kitô giáo rất đa dang và phong phú, đặc biệt là triết học Hy Lạp, nhưng khi Kitô giáo ngự trị, đã không cón tình trạng bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng như trước. Từa tựa như học thuật cổ đại Trung Hoa rất phong phú đa dạng bị mai một khi lưỡi gươm thống trị của Tần Thỉ Hoàng thống nhất chư hầu ; kế đó, nhà Hán lại tiếp tục dùng Hán Nho đè bẹp mọi khác biệt văn hóa.
Lúc các giá trị cũ được tái xuất hiện bắt đầu từ thế kỷ thứ 14 đến thế kỷ thứ 17, người ta đã không ngần ngại gọi đó là Thời Đại Phục Hưng, bao hàm ý nghĩa các giá trị của thời Cổ Đại được phục hồi. Thuật ngữ “renaissance” có căn ngữ naître nghĩa là sinh ra, đến từ. Khi thêm tiếp đầu ngữ re vào naître (renaître) nghĩa là tái sinh. Người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này vào năm 1840 là sử gia người Pháp ông Jean-Jacques Ampère trong cuốn Lịch Sử Văn Chương Pháp Trước Thế Kỷ 12 (Histoire littéraire de la France avant le xiie siècle).
=> Vũ trụ luận của Sáng Thế Ký 1700 năm thống trị văn hóa Tây phương
Từ khi Constantine nâng cấp Kitô giáo lên làm quốc giáo, tôn giáo này tiêu diệt toàn bộ các tôn giáo khác bằng vũ lực, và để duy trì nền thống trị vĩnh hằng của mình, nó tiêu diệt mọi nền văn hóa và tru di mọi mầm mống khoa học xét thấy nguy hiểm cho nó.
Thế giới vũ trụ quan của Kitô giáo dựa vào Sáng Thế Ký cho rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ, là nơi duy nhất mà Thiên Chúa tạo dựng ra cho con người. Các vì sao cũng như hai vừng sáng chỉ là những phương tiện mà Chúa ban cho loài người để biết sự trôi chảy của thời gian. Ngày và đêm đã được Thiên Chúa tạo ra cùng lúc với ánh sáng trước khi có các vì sao và hai vầng nhật nguyệt. Chúa gọi ánh sáng là ngày, bóng tối là đêm, đó là ngày thứ nhất.
Có vẻ như Sáng Thế Ký không biết gì về quỹ đạo của mặt trăng hay mặt trời và cả nguyên nhân vì sao có mưa, nên Chúa đã dựng ra cái vòm để ngăn nước bên trên và kêu đất nổi lên để ngăn với nước bên dưới. Đọc đoạn Sáng Thế Ký 1:6-8 khiến cho môn đệ của Giêsu là ông Peter đã hiểu rằng trái đất được làm ra từ nước và ở trong nước :
II peter 3:5 Chúng nó có ý quên lững đi rằng buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất, đất ra từ nước và làm nên ở giữa nước
(But they deliberately forget that long ago by God’s word the heavens came into being and the earth was formed out of water and by water.)
Mưa, theo Thánh kinh, là do Chúa ban phát cho nhân loại để tạo ra mùa màng. Dù không nói rõ, có vẻ cái vòm ngăn nước bên trên, chính là nơi Chúa cho nước chảy xuống. Ta thấy rõ vũ trụ toàn là nước trước khi Thiên Chúa xuất hiện trong Sáng Thế Ký ở ngay câu kinh khởi đầu :
Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.
Vả, đất là vô-hình và trống không, sự mờ-tối ở trên mặt vực ; Thần Đức Chúa Trời vận-hành trên mặt nước. Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng ; thì có sự sáng.
(In the beginning God created the heavens and the earth. Now the earth was formless and empty, darkness was over the surface of the deep, and the Spirit of God was hovering over the waters.
And God said, “Let there be light,” and there was light.)
Như vậy, kinh Thánh mặc nhiên nước đã có hình thái (form) trước tất cả mọi sự, kể cả đất và các tầng trời được cho là vô hình (formless), vì kinh Thánh không nói Chúa tạo ra nước khi nào mặc dù ngài “không quên” tạo ra ánh sáng trước các thiên thể (!).
Tư duy khoa học của người Do Thái vào thời cổ đại do quan sát thiên tượng mà hình thành. Họ thấy mưa từ trời rơi xuống ; khi trời quang mây tạnh, màu trời xanh khó phân biệt với màu biển ở đường chân trời, do vậy, họ đã hư cấu vũ trụ là một khối nước, mặt đất nổi lên trên nước, và nước trên trời được giữ lại ở giữa thinh không. Kẻ có thể giữ được nước lơ lửng trên đầu nhân loại phải là đấng siêu quyền lực, họ gọi kẻ ấy là Thiên Chúa.
Dấu vết của ý tưởng điều khiển mưa được nói rõ trong câu kinh Cựu Ước Đệ Nhị Luật 11:17 :
vì ĐỨC CHÚA sẽ nổi cơn thịnh nộ với anh em, Người sẽ đóng cửa trời: sẽ chẳng còn mưa, đất sẽ không còn trổ sinh hoa trái, và anh em sẽ mau chóng biến khỏi miền đất tốt tươi mà ĐỨC CHÚA ban cho anh em.
(Then the LORD’s anger will burn against you, and he will shut up the heavens so that it will not rain and the ground will yield no produce, and you will soon perish from the good land the LORD is giving you.)
Sáng Thế Ký không cho biết trái đất tròn hay vuông, dẹt hay cầu, chỉ biết sau 6 ngày làm việc cực nhọc để “sáng thế”, ngài mệt nên nghỉ ngày thứ 7.
Trong quá trình 6 ngày làm việc, sân khấu chính mà Thiên chúa giàn dựng là mặt đất và con người. Con người được Chúa cho làm chủ “vũ trụ”, mặt đất cũng là trung tâm vũ trụ, thậm chí các vì sao cũng chỉ là những trang trí mà Chúa gắn lên vòm trời để trang điểm cho ban đêm.
Thuyết Big Bang lại cho thấy trái đất chưa xứng là một hạt bụi nhỏ giữa thiên hà bao la. Chúng ta chưa biết có bao nhiêu hành tinh có sự sống như quả đất, nhưng chúng ta biết chắc có hằng tỉ tỉ mặt trời trong một thiên hà (galaxy), cũng có hằng tỉ thiên hà trong một cụm thiên hà (amas), và cũng có hằng tỉ cụm thiên hà trong một đại cụm thiên hà (superamas)
Trong các kinh khác của Cựu Ước, có những nơi cho phép con người hiểu thêm rằng Chúa đặt mặt đất trên những nền tảng vững chắc và không thể lay chuyển, như kinh Psalm (Thánh Vịnh) 104:5 như sau :
Chúa lập địa cầu trên nền vững, khôn chuyển lay muôn thuở muôn đời!
(He set the earth on its foundations ; it can never be moved)
Vì Chúa đặt Trái Đất trên những chiếc trụ (pillars), nên khi giận giữ (Chúa rất thường nổi cơn thịnh nộ), ngài có thể lay chyển rung lắc những chiếc trụ, như trong kinh Job 9-6 :
Ngài khiến đất rung-động khỏi nền nó và làm cho những chiếc trụ của nó rung lắc
(He shakes the earth from its place and make its pillars tremble).
Và, để các học giả Kitô giáo chấm dứt tranh cãi rằng Kinh Thánh chưa bao giờ nói mặt trời quay quanh trái đất, thì tôi xin chứng minh rằng nó đã nói “đích thị” như thế. Do đâu tôi chắc chắn vậy ? Do câu Thánh Vịnh 104:5 nói rằng Chúa đặt quả đất trên các nền tảng vững chắc khôn lay chuyển muôn thuở muôn đời (it can never be moved), thì làm sao sáng ta thấy mặt trời ở phương đông ? và chiều ta thấy nó ở phương tây ? nếu mặt trời không di chuyển, không tự quay quanh trái đất ? Đã vậy, điều này được minh xác hơn qua kinh Truyền Đạo 1:5 :
Mặt trời mọc, mặt trời lặn, nó lật-đật trở về nơi nó mọc.
(The sun rises and the sun sets, and hurries back to where it rises.)
Khoan nói Thánh kinh cho rằng trái đất hình dẹt, hình vuông hay hình cầu, như vẫn còn được tranh luận rất sôi nổi để bênh vực kinh Thánh không đi ngược với khoa học, chỉ cần phân tích thuyết Địa Tâm (Geocentrism) của Ptolemy và các câu kinh rời rạc của cả hai bộ Cựu Ước lẫn Tân Ước vừa trích dẫn, mà Giáo Hội dựa vào để lập thuyết, từ đó đã lên án toàn bộ những nhà khoa học đi ngược lại thuyết này, đủ thấy, tri thức nền tảng lập giáo của Kitô giáo không những vừa sai, vừa mê tín, lại vừa nguy hiểm cho nhân loại vì tính thống trị của nó. Copernic đã lập ra thuyết nhật tâm (heliocentrism) qua tác phẩm đầu tiên “On the Revolutions of the Celestial Spheres” vào năm 1543 trước khi chết là một quả bom đối với Giáo Hội. Nói rằng Copernic lập thuyết Nhật tâm, nhưng có vẻ như thuyết này từng đã được nhà toán học kiêm thiên văn học Hy Lạp Aristarchus vùng Samos khởi xướng trước Tây lịch hơn 2 thế kỷ. Nếu giáo hội biết khiêm tốn cầu học và đừng “đốt sách chôn học trò”, thì đâu đến nỗi đã gây ra bao nhiêu tội ác mà Giáo Hoàng Gioan Phao-lồ 2 phải đứng ra xưng thú trước nhân loại.
Dẫn giải xa xôi như vậy, không nhằm mục đích lên án Kitô giáo, tuy nhiên, đứng trên lập trường khoa học và triết học, chúng ta không thể không nói hết sự thật. Thiếu sự thật hay sợ hãi sự thật, thì tốt nhất là đừng đề cập đến khoa học hay triết học.
Một bộ môn khác của khoa học nhân văn cũng rất cần trọng sự thật, đó là môn lịch sử. Khi viết về khoa học và lịch sử, chúng ta không thể không phân tích văn hóa và xã hội Tây phương. Khổ nỗi nền văn minh của phương tây lại bị Kitô giáo thống trị trong gần 2 thiên niên kỷ, để lại vết sẹo hận thù qua 8 cuộc Thánh Chiến là tiền thân của 2 cuộc thế chiến tàn phá và gây chết chóc cho hằng triệu người Công giáo, Hồi giáo, Chính Thống Giáo, Phản Cách và cả người Do Thái giáo. Ngày nay, thế giới đang đứng trên ngưỡng của của cuộc thế chiến thứ 3 nếu khối NATO luôn tư duy rằng Nga là kẻ thù không đội trời chung của Âu châu. Cho đến khi nào Âu châu giang tay chào đón người anh em Nga vào vòng tay gia đình, thì Âu châu mới thực sự có hòa bình. Tôi phỏng đoán nếu điều này xảy ra, chỉ trong vòng 10 năm, cả Âu châu và Liên Bang Nga sẽ đạt gấp đôi GDP của hiện tại. Nhưng điều này, e chỉ là một giấc mơ, vì Tây phương tư duy theo văn hóa thống trị của La Mã - Kitô, dù niềm hãnh diện màu da đã phai nhạt, nhưng hai bản giá trị đông tây vẫn luôn là mạch máu cho sự giàu có cùng với nền văn minh vật chất áp đảo với biểu tượng : xưa là cây thập giá, nay là đồng dollar.
Mục đích của tôi ở đây chỉ muốn nói đến một sự kiện gần như chưa tác giả nào quan tâm. Đó là không có ngành vi trùng học, hoặc ngành vi sinh vật học, hoặc thế giới vi mô (microspic) trong học thuật và tư tưởng của Tây phương suốt Thời Đại U Tối (Dark Ages) chứ nói chi là Cơ Học Lượng Tử (Quantum Mecanics) mà ngay cả các nhà khoa học trước thế kỷ 19 cũng chưa hề biết.
Thiên Chúa tạo ra vũ trụ và bốc đất hà hơi nắn ra con người một cách rất lao tâm khổ tứ, mệt đến nỗi ngày thứ 7 phải nghỉ. Trong khi đó, tác phẩm của Chúa, con người, lại biết cấy tinh trùng vào noãn sào để phôi giống và nhân giống !
Mà không chỉ con người, ong, bướm, sâu bọ, loài nào cũng biết chế tác những sản phẩm cực nhỏ. Các sản phẩm siêu nhỏ này tự biết nở ra, lớn lên, trưởng thành, sinh hoạt, và lại tiếp tục “truyền giống” tạo ra vũ trụ.
Trong Sáng Thế Ký, khi chế ra trời đất, Chúa bay là đà trên mặt nước, điều này cho thấy sản phẩm ngài chế ra lớn hơn ngài cực đại. Như vậy thì trí thông minh của Chúa xét ra thua xa con bướm. Tôi biện luận như vậy không nhằm hạ bệ Thiên Chúa đâu, mà chỉ muốn đưa ra một sự kiện cực kỳ quan trọng là, Chúa hoàn toàn không biết dùng cái vi mô để chứa đựng cái vĩ mô. Từ đó, tôi loại suy, biết rằng Chúa không thể sinh ra ai cả, vì nếu biết sinh, thì đâu có ai mất công ngồi nặn đất thành người. Ngay bướm còn biết đẻ trứng, chiếc trứng bé tí của nó chứa đựng toàn bộ loài bướm trong vũ trụ. Lần thứ hai khi Chúa ra tạo ra Eva, ngài lại phải lấy xương sườn của Adam mà mài mà dũa rất công phu để làm thành người đàn bà, càng chứng minh Chúa không biết thế nào là sáng tạo.
=> Vũ Trụ theo thuyết Big Bang :
Nếu Georges Lemaitre sinh vào thời Trung Cổ hay Phục Hưng, ông ấy khó thoát khỏi ngọn lửa của Tòa Án Dị Giáo (Inquisition) mà Bruno Giordano đã bị thiêu sống, vì thuyết Big Bang, là dám nói rằng, vũ trụ vô biên, chu vi khoản 14 tỉ năm ánh sáng được chứa đựng trong một hạt nguyên thủy (singularity) có áp suất vô cùng lớn và chu vi vô cùng nhỏ. Nhỏ như một hạt lượng tử, có nghĩa là nhỏ hơn cả một nguyên tử. Điều này không những Chúa không làm đưọc, mà toàn bộ nhân loại chưa từng tư duy như vậy trước khi thuyết Big Bang của Georges Lemaitre ra đời. Điều lạ nhất ở đây, thuyết này lại được một linh mục Công Giáo ở Bỉ thai nghén. Lúc nó ra đời vào năm 1929, La Mã hoàn toàn im lặng, mãi đến năm 1951, Giáo Hoàng Pius 12 mới tuyên bố Big Bang không đi ngược với tín điều của Giáo Hội, trái lại, nhờ Lemaitre đã thấm nhuần Đức Tin, thấu hiểu lời của Thiên Chúa mà chứng minh được bằng toán học điều mà Sáng Thế Ký muốn nói qua sấm ngữ “Fiat Lux”. Trong Sáng Thế Ký “Fiat Lux”, nghĩa là “let there be light”, dụ cho vụ nổ nguyên thủy. Tuy nhiên, cách thấy sang bắt quàng làm họ này hơi khập khiễng. Trước khi Chúa nói “let there be light”, thì đã có nước và vực thẳm vô hình, nghĩa là đã có không và thời gian, không gian và thời gian này“chứng kiến” giây phút lịch sử lúc thần khí Chúa bay là đà trên mặt nước và ngài tạo ra ánh sáng (Fiat Lux). Thuyết Big Bang cho rằng thời và không gian chỉ có mặt sau khi có vụ nổ, trong khi hiện tượng Fiat Lux của Thánh Kinh lại xảy ra sau khi có không gian, thời gian và nước. Lúc đầu, Giáo Hội không trao huy chương cho Lemaitre, cũng chẳng đánh trống khua chiêng rầm rộ gì về khám phá của ông. Trái lại, Lemaitre đã tạo ra một cuộc tranh cãi đầy hoài nghi sôi động với hội chứng Galillée (Galileo syndrome) từ Bắc Mỹ sang Âu châu suốt cả thâp kỷ. Theo tôi thì đừng nói lúc bấy giờ, cho dù là ngày nay, Giáo Hội cũng không hoan hô ngành khoa học Thiên Văn hay Cơ Học Lượng Tử, vì càng khám phá, con người càng khó có thể tin vào một nơi được gọi là Thiên Đàng có Chúa Cha, Chúa Con, và Đức Mẹ Hằng Trinh Vô Nhiễm đang cư ngụ, và đang chờ ngày Tận Thế, giờ Phán Xét, để rước những thân xác bằng xương bằng thịt của người có Đức Tin được Chúa dựng sống lại qua kinh Tin Kính (!).
Như đã dài dòng về Sáng Thế Ký bên trên, trong tư duy thần học không hề có thế giới vi sinh học hoặc cơ học lượng tử. Nếu Lemaître được nhào nặn từ Thánh kinh để có khái niệm vũ trụ có thể nở ra từ một hạt nguyên thủy, thì chắc chắn trong Thánh khinh Chúa đã phải sinh loài người bằng một hạt bụi nhỏ chứ không phải nặn con người bằng đất sét với kích cỡ như con người thật. Quy trình của Chúa vô cùng thủ công (artisanal). Trong Thánh kinh không hề có “sự tiến hóa”, tất cả đều do Chúa tạo ra, và sản phẩm của Chúa luôn đã hoàn thành (ready for use). Kinh Thánh có một tư duy nhất quán là khoe khoang, vĩ đại, vô cùng, quyền lực, Alpha và Omega, hoàn toàn không có tí xíu tư duy hay khái niệm về sự nhỏ bé.
Tôi không hiểu vì sao Einstein khởi đầu tỏ ra không ưa lý thuyết Big Bang, cho rằng nó giống với thuyết Sáng Tạo, chứ theo tôi, nó giống với tư tưởng Hoa Nghiêm hơn là toàn bộ vũ trụ luận của Tây phương mà đặc biệt là vũ trụ luận theo văn hóa Abraham. Câu chuyện “dị ứng” của Einstein với thuyết Big Băng được kể như sau :
“Khi đó Einstein đã thừa nhận rằng vũ trụ đang giãn nở ; tuy nhiên, ông không bị thuyết phục bởi thuyết nguyên tử nguyên thủy, khiến ông liên tưởng quá nhiều đến sự sáng tạo.”
(Einstein already admitted then that the universe is expanding ; however, he was not convinced by the theory of the primeval atom, which reminded him too much of creation.) (Mariano Artigas - Science and faith: the origin of the universe. Georges Lemaître : the father of the big bang)
Lời của Mariano Artigas cho ta thấy Einstein gần như tối kỵ môt Thiên Chúa Sáng Tạo đầy quyền năng của văn hóa Abraham mặc dù ông là người gốc Do Thái. Nên nhớ Mariano Artigas cũng là một linh mục chuyên nghiên cứu về Thiên Văn Vật Lý của đại học Navarra Madrid Tây Ban Nha.
Thật ra vào năm 1931, đã có nhiều người không tán thành thuyết Big Bang, trong số có Albert Einstein. Đối với Einstein thì thuyết Big Bang mang dụng ý (tendentious), và quá táo bạo (bold). “Dụng ý” ở đây, Einstein muốn nói là ý tưởng lồng ghép hình ảnh Sáng Thế của niềm tin tôn giáo vào một giả thiết khoa học.
Cần mở một dấu ngoặc nhắc đến tên của Edwin Hubble ở đây, vì chính những tấm ảnh chụp các thiên hà xa xôi rất giống với cảnh giới được diễn tả trong kinh Hoa Nghiêm mà chúng ta sẽ bàn tới đều nhờ công lao của những tấm kính thiên văn mang tên Hubble hoặc được Hubble sử dụng trong công việc. Đúng ra, khi định luật giãn nở của vũ trụ lần đầu tiên ra đời vào năm 1929, chưa ai biết đến tên tuổi của Georges Lemaître mà chỉ biết có Luật Hubble, và ngày nay dù Luật giãn nở này đã được thế giới công nhận và sửa lại thành Luật Hubble-Lemaître, vẫn còn rất nhiều người chỉ gọi ngắn là Luật Hubble (Hubble Law), chỉ nói đến Giòng Chảy Hubble (Hubble Flow) và Hằng Số Hubble (Hubble Constant). Dù không phải là tác giả của thuyết Big Bang, Edwin Hubble là nhà Vật Lý Thiên Văn Học Hoa Kỳ, vẫn rất nổi tiếng cho đến ngày nay, thậm chí có phần nổi tiếng hơn cả Lemaître. Nhiều trung tâm không gian mang tên ông khắp thế giới, nhất là chiếc thiên văn kính Hubble được đưa lên quỹ đạo trái đất năm 1990. Trước khi có Thiên Văn Kính Hubblle, Hubble thường dùng chiếc 100 inch Hooker Telesope ở núi Wilson California để quan sát các thiên hà, còn không biết Lemaître dùng thiên văn kính nào ở Bỉ ? Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, các khoa học gia vẫn đánh giá các nghiên cứu của Lemaitre có nhiều giá trị chuẩn xác hơn.
Gần đây, có một số thông tin cho rằng quả trứng của Lemaitre rất lớn, hoàn toàn sai với quan điểm thực tế của khoa học đương đại. Thậm chí có người không biết đọc ở đâu dám nói rằng quả trứng nguyên thủy của Lemaître to như mặt trời, trong khi ngày nay mọi người đều thấy nó chỉ bằng khoảng một hạt nhân nguyên tử. Tôi nghe những điều này với rất nhiều dè dặt. Người nói, mà tôi không tiện nêu tên, lại là một kẻ rất thông kim bác cổ, gần như thuộc lòng những con số và các bài thơ với trí nhớ áp đao khi tranh luận (trên youtube).
Thực tâm của tôi, cho dù Lemaitre có sai về thể tích khối cầu vũ trụ nguyên thủy, cho nó to như mặt trời, thì đã là quá thiên tài. Nhưng thực tế đề nghị của ông là một nguyên tử khởi thủy. Thuât ngữ mà ông dùng bằng tiếng Pháp là “Atom Primitif”. Cái tội của Lemaître, là vì ông là linh mục như tôi vừa trình bày khi đề cập đến Albert Einstein bên trên.
Sau đây, tôi xin trích dịch 3 đoạn ngắn của 3 tờ báo khoa học khác nhau khi họ trình bày về thuyết Big Bang của Lemaître.
Thứ nhất, báo điện tử astronoo.com với nhan đề The primitive atom of Abbot Georges Lemaître viết như sau:
Thuyết nguyên tử nguyên thủy của viện trưởng Georges Lemaître (1894-1966) là một khái niệm then chốt trong vũ trụ học, thường được gắn với ý tưởng về Vụ Nổ Lớn.
Georges Lemaître (nhà vật lý người Bỉ và linh mục Công giáo) đã đề xuất ý tưởng này vào những năm 1920.
Theo lý thuyết nguyên tử nguyên thủy, vũ trụ bắt đầu từ trạng thái nguyên sơ cực kỳ đặc và nóng. Lemaître cho rằng trạng thái ban đầu này có thể được biểu diễn dưới dạng “nguyên tử nguyên thủy”. Theo lý thuyết này, Vũ trụ đến từ một loại hạt nhân nguyên tử khổng lồ, rồi tan rã do tính bất ổn nội tại của nó. “Nguyên tử nguyên thủy” này có thể đã gây ra sự giãn nở vũ trụ như chúng ta quan sát ngày nay.
(The theory of the primitive atom by Abbot Georges Lemaître (1894-1966) is a key concept in cosmology, often associated with the idea of the Big Bang.
Georges Lemaître (Belgian physicist and Catholic priest) proposed this idea in the 1920s.
According to the theory of the primitive atom, the universe began from an extremely dense and hot initial state. Lemaître suggested that this initial state could be represented as a “primitive atom”. According to this theory, the Universe came from a sort of giant atomic nucleus, which disintegrated due to its intrinsic instability. This “primitive atom” would have given rise to the expansion of the universe as we observe it today.)
Ta thấy tờ báo này nói rằng nguyên tử nguyên thủy là một “giant atomic nucleus”, nhưng cũng không xác định nó “giant” như măt trời hay 100, hoặc 1000 mặt trời ? Với quy mô vũ trụ thì dù 1000 lần mặt trời, cũng chả đáng một hạt bụi. Với tôi, như vậy đã quá đỉnh thiên tài !
Thứ hai, báo bestor.be của Bỉ với nhan đề “Lemaître, Georges Henri Joseph Édouard (1894-1966)” viết như sau:
Lemaître cũng là người đầu tiên đề xuất, vào năm 1931, một mô hình giãn nở của vũ trụ từ một nguyên tử nguyên thủy, trong khuôn khổ thuyết tương đối lớn của Einstein. Ở mô hình này, vũ trụ có tuổi giới hạn và xuất hiện sau vụ nổ của một nguyên tử nguyên thủy trong quá khứ xa xôi. Lemaître cũng ước tính tuổi của Vũ trụ là từ 10 đến 20 tỷ năm. Lemaître đưa vật lý lượng tử vào vật lý thiên văn ở đây, tầm nhìn của ông gần giống với vật lý lượng tử của Niels Bohr. Đóng góp này là cơ sở của lý thuyết về nguyên tử nguyên thủy, được ông khám phá thành công hơn nữa trong bài viết "Vũ trụ giãn nở". Từ đó trở đi, Lemaître nhận được sự công nhận quốc tế. Lý thuyết của ông trở nên nổi tiếng với tên gọi là thuyết “Big Bang”. Tuy nhiên, nó cũng gây ra một cuộc tranh luận giữa đức tin và khoa học. Với tư cách là một linh mục, Lemaître buộc phải nhiều lần nêu bật sự khác biệt giữa công việc khoa học và đức tin của mình. Từ quan điểm cá nhân, ông không muốn giả thuyết của mình về nguyên tử nguyên thủy bị sử dụng để chống lại quan niệm thần học về sự sáng tạo.
(Lemaître est en outre le premier à proposer, en 1931, un modèle de l’expansion de l’Univers à partir d'un atome primitif, dans le cadre de la théorie de la relativité générale d’Einstein. Dans ce modèle, l'univers a un âge limité et est apparu suite à l'explosion d'un atome primitif dans un passé lointain. Lemaître estime également que l’âge de l’Univers se situe entre 10 et 20 milliards d'années. Lemaître introduit ici la physique quantique dans l'astrophysique, sa vision rejoignant étroitement la physique quantique de Niels Bohr. Cette contribution est à la base de la théorie de l'atome primitif, qu'il approfondit encore avec succès dans son article "L’univers en expansion". Dès lors, Lemaître reçoit la reconnaissance internationale. Sa théorie devient célèbre sous le nom de la théorie du « Big Bang ». Cependant, elle suscite aussi un débat entre foi et science. En tant que prêtre, Lemaître est forcé à maintes reprises de mettre en évidence la distinction entre son travail scientifique et sa foi. D'un point de vue personnel, il ne souhaite pas que son hypothèse de l'atome primitif soit utilisée contre le concept théologique de la création.)
Đọc đoạn văn này, nhất là điểm nhấn Lemaître đưa vật lý lượng tử vào vật lý thiên văn, thì khó còn có thể cho rằng quả trứng đầu tiên của Lemaître to như mặt trời, dù rằng toàn bộ vũ trụ đều được cấu tạo bằng vật lý lượng tử. Tuy nhiên, tôi từng đã đọc được một tài liệu khoa học trong đó nói rằng, Lemaître từng gọi “l'atom primitif” của ông là “a single quantum”.
Thứ ba, báo Futura-science.com với tiêu đề “Geroges Lemaître et l'oeuf primordial” viết như sau:
Đầu những năm 1920, Albert Einstein xây dựng một mô hình vũ trụ trong khuôn khổ thuyết tương đối lớn mà ông vừa hình thành. Vì ông tin rằng khoảng cách giữa các thiên hà là vĩnh viễn cố định nên mô hình vũ trụ của ông cũng cố định, ở (trạng thái) “cân bằng tĩnh”.
Tuy nhiên, ngay từ năm 1924, Alexander Friedman đã đề xuất một giải pháp cho các phương trình của thuyết tương đối lớn, hàm ý về sự giãn nở của vũ trụ. Năm 1927, Viện trưởng Lemaître, sau khi tìm ra giải pháp tương tự một cách độc lập, đã dự đoán rằng sự suy thoái của các tinh vân xoắn ốc là kết quả của sự giãn nở trụ. Mà đã có sự giãn nở thì bao hàm cũng có sự khởi đầu cho sự giãn nở này. Để giải thích, vào những năm 1930, vị viện trưởng đã đưa ra giả thuyết về nguyên tử nguyên thủy, công bố lý thuyết vụ nổ Big Bang sắp tới.
(Au tournant des années 1920, Albert Einstein bâtit un modèle cosmologique dans le cadre de sa théorie de la relativité générale qu'il vient de formuler. Comme il estime que les distances entre les galaxies sont fixées à jamais, son modèle d'univers est fixe lui aussi, en “équilibre statique”.
Dès 1924 pourtant, Alexander Friedman propose une solution des équations de la relativité générale qui implique l'expansion de l'univers. En 1927, l'abbé Lemaître, après avoir trouvé indépendamment la même solution, prédit que la récession des nébuleuses spiralées est le résultat de l'expansion de l'univers. Or, qu'il y ait expansion implique qu'il y ait aussi un début à cette expansion. Pour l'interpréter, l'abbé lance dans les années 1930 l'hypothèse de l'atome primitif, qui annonce la théorie du Big Bang à venir.)
Báo bestor.be như đã dẫn còn cho thấy sự khó khăn của Georges Lemaître khi vừa làm một nhà khoa học, lại vừa là tu sĩ Công Giáo La Mã:
“Tuy nhiên, nó cũng gây ra một cuộc tranh luận giữa đức tin và khoa học. Với tư cách là một linh mục, Lemaître buộc phải nhiều lần nêu bật sự khác biệt giữa công việc khoa học và đức tin của mình. Theo quan điểm cá nhân, ông không muốn giả thuyết của mình về nguyên tử nguyên thủy bị sử dụng để chống lại quan niệm thần học về sự sáng tạo.”
(Cependant, elle suscite aussi un débat entre foi et science. En tant que prêtre, Lemaître est forcé à maintes reprises de mettre en évidence la distinction entre son travail scientifique et sa foi. D'un point de vue personnel, il ne souhaite pas que son hypothèse de l'atome primitif soit utilisée contre le concept théologique de la création).
Dù muốn dù không thì tên tuổi của Georges Lemaître đã dính liền với thuyết Big Bang, cái tên này do nhà Vật Lý Học người Anh Fred Hoyle (1915-2001) tặng cho công trình nghiên cứu của Lemaitre ban đầu là để chế nhạo, vì Fred không chấp nhận thuyết vũ trụ giãn nở, nào ngờ hai chữ “Big Bang” dùng để cười nhạo Lemaître lại trở thành tiếng nổ làm vang danh ông và học thuyết của ông.
=> Những học thuyết quả trứng đầu tiên :
Lược qua các truyền thuyết dị biệt đông tây, có thể thấy rằng, loài người hầu hết đều tin vào cùng một huyền thoại trứng nguyên thủy, đơn giản vì các con vật bé nhỏ đều đẻ trứng.
Có khá nhiều mô hình trứng trong văn hóa và tôn giáo thế giới về sự khởi thế của vũ trụ, xin lược giản ra đây một vài thuyết như sau :
A. Ấn Độ giáo có quả trứng của Phạm Thiên Brama gọi là “Brahmanda”. Trong thuật ngữ này, “Brama” là Phạm Thiên, và “anda” nghĩa là trứng. Rig Veda có nói đến cái trứng vàng vũ trụ Hiranyagarbha, nó là linh hồn của Brama, nó vỡ ra làm hai, một nửa là trời, và nửa kia là đất. Thuyết này gần với thuyết Big Bang hơn thuyết Sáng Tạo của văn hóa Abraham Do Thái, dù cả hai đều đặt nền tảng trên địa tâm. Văn hóa Ấn Độ đã dùng từ “trứng” (anda) để chỉ cho sự xuất hiện vào thuở ban sơ, khi mà sự hiện hữu của vũ trụ bên ngoài trái đất chưa có mặt trong các khái niệm của loài người. Trứng tương ứng với cái mà Big Bang gọi là “egg primitive”, minh họa này tương cận hơn với điều mà Thánh kinh gọi là “Fiat Lux”, nghĩa là “let there be light” như đã được trình bày ở trên.
B. Truyền thuyết của Trung Hoa, và cả Việt Nam, về ông Bàn Cổ (盤古), người được cho là đấng tạo hóa, do nằm lâu trong quả trứng, ngộp ngoạt khó chịu, ông đạp vỡ tung quả trứng, phần nhẹ biến thành trời (阳dương), phần nặng biến thành đất (陰âm), các mảnh vỡ vụn thành nhật nguyệt tinh tú. Ông sống thọ 18000 năm, con cháu tương truyền là Phục Hy (伏羲) và Nữ Oa (女媧). Theo sách Sơn Hải Kinh (山海經), hai người vừa được kể cũng nặn đất thành hình người rồi ban cho sự sống như Chúa Trời Do Thái trong sách Sáng Thế Ký. (xem https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BB%A5c_Hy)
C. Truyền thuyết cổ đại của người Ai Cập cũng cho rằng trời đất được nở ra từ cái trứng vũ trụ (cosmic egg), trứng này chính là linh hồn từ biển nước nguyên thủy (primerval waters), cũng đồng thời là nguồn gốc của cuộc tạo hóa đất trời. Văn hóa cổ Ai Cập tin rằng mặt trời là nổi lên từ một gò đất nguyên sinh, cũng có nguồn tứ quả trứng, và từ biển nước ban sơ. Có vẻ như văn hóa Abraham và văn hóa Ai Cập có chung guồn gốc : ta thấy Sách Cựu Ước cũng cho rằng đất làm bằng nước và từ nước như được Thánh kinh Cựu Ước mô tả (and the earth was formed out of water and by water – II peter 3:5).
D. Quả trứng vũ trụ được đề cập trong hai nguồn thần thoại Hy Lạp và La Mã. Trời và đất có thể được ví như vỏ trứng và lòng đỏ của nó. Không khí được diễn tả là độ ẩm giữa vỏ và lòng đỏ.
E. Thần thoại Dogon của xứ Phi châu cựu thuộc địa Pháp Burkina Faso vừa đuổi Pháp theo Nga cũng tin vào vị thần sáng tạo Amma có hình dạng một quả trứng. Quả trứng được chia thành bốn phần tượng trưng cho bốn yếu tố: đất, nước, gió, lửa. Điều này cũng tạo ra bốn hướng chính.
F. Trong vũ trụ học của Hỏa Giáo (Zoroastrisme), bầu trời hình cầu với ranh giới bên ngoài (được gọi là parkān), một ý tưởng có thể có từ Aristotle. Trái đất cũng có dạng hình cầu và tồn tại phía bên trong bầu trời hình cầu. Để giúp truyền đạt vũ trụ học này, một số nhà văn cổ đại, bao gồm cả Empedocles, đã đưa ra ví dụ về một quả trứng: bầu trời hình cầu bên ngoài và có giới hạn giống như lớp vỏ bên ngoài, trong khi Trái đất được thể hiện bằng lòng đỏ tròn bên trong.
Như vậy, trứng được hầu hết văn minh nhân loại dùng để minh họa cho sự khởi nguyên của tạo hóa lúc khai thiên lập địa. Nó cũng cho thấy không nền văn minh nào thoát khỏi ý niệm một nguyên nhân đầu tiên, thường được gắn vào thần linh, đặc biệt là văn hóa nhất thần giáo.
Thuyết Big Bang như đã được thảo luận đưa ra hình ảnh khởi thế mà hiện nay khoa học và hầu hết mọi người đều chấp nhận, nó cũng nói về cái trứng, hay đúng hơn là một quantum (lượng tử) cực vi nổ ra và trương phình đến vô tận, chỉ khác, nó không hề đề cập đến nguyên nhân đầu tiên vì sao có Big Bang, hoặc theo ngôn ngữ thần học, ai đã sáng thế vũ trụ.
Tới đây ta đã thấy được giải trình tư tưởng Hoa Nghiêm Mao Đầu Thượng hoàn toàn ăn khớp với tư tưởng cái cực vi chứa đựng cái cực đại, và cái cực đại chỉ là phóng ảnh (projection) của cái cực vi, có thể thụ nhỏ và chứa đựng lại trong cái cực vi như đã được luận giải ở phần trên.
Đây không phải là sự giài mã khi đọc kinh văn, mà chính kinh văn tự khẳng định như là một định lý được viết rành mạch, rõ ràng trong phẩm Nhập Pháp Giới như sau : 於微細境現廣大剎,於廣大境現微細剎 (ư vi tế cảnh hiện quảng đại sát, ư quảng đại cảnh hiện vi tế sát - Nơi cảnh vi tế hiện cõi quảng đại. Nơi cảnh quảng đại hiện cõi vi tế.)
Vậy thì tại đây, ta hiểu được thế giới một lỗ chân lông Nhất Chân của Phật (一毛孔中), hay LÝ, phóng ra Trùng Trùng Duyên Khởi projections, tạo ra sâm la vạn tượng tỉ tỉ thiên hà, đại thiên hà (galaxies – clusters of galaxies) của vũ trụ, hay SỰ, LÝ-SỰ vô ngại dẫn đến “trong mỗi vi trần, hiện khắp tất cả cảnh giới thế gian. Giáo hóa thành tựu tất cả chúng sanh chưa từng lỗi thời. Trong một lỗ lông phát ra âm thanh thuyết pháp của tất cả Như Lai. Biết tất cả chúng sanh thảy đều như huyễn. Biết tất cả đức Phật thảy đều như ảnh. Biết tất cả loài thọ sanh thảy đều như mộng. Biết tất cả nghiệp báo thảy đều như tượng trong gương. Biết tất cả những gì có sanh khởi thảy đều như ánh nắng gắt. Biết tất cả thế giới đều như biến hóa.” 於一塵中普現一切世間境界,教化成熟一切眾生未曾失時,一毛孔中出一切如來說法音聲;知一切眾生悉皆如幻,知一切佛悉皆如影,知一切諸趣受生悉皆如夢,知一切業報如鏡中像,知一切諸有生起如熱時焰,知一切世界皆如變化.
Trong đoạn kinh văn vừa dẫn lại, có một động từ cực kỳ quan trọng mà khó ai nhìn thấu, động từ “phát ra âm thanh thuyết pháp” (一毛孔中出一切如來說法音聲).
Tôi rợn người khi đọc câu này !
Trong mỗi hạt bụi có thể chứa đụng hết cả cảnh giới thế gian 於一塵中普現一切世間境界. Đây là tuyên ngôn của cơ học lượng tử. Một hạt bụi, là cái mà mắt thường không thể nhìn thấy. Ta chỉ thấy bụi qua một luồng sáng chiếu vào căn nhà tối từ một lỗ dột mái tôn trong những ngôi nhà nghèo. Do vậy, bất kỳ nơi nào trên thế gian cũng đầy bụi đỏ (hồng trần). Người xưa ví hồng trần là cuộc đời, ai cũng quen với chữ Hán, mà khi nghe hát ai đem bụi đỏ đi rồi, ít ai hiểu toàn bộ ý nghĩa hai chữ “bụi đỏ” trong câu thơ.
Một hạt bụi chứa toàn thể vũ trụ không bao giờ là một khẳng định chắc nịch của bất kỳ nền văn hóa nào trừ khoa học lượng tử và thế giới Hoa Nghiêm.
Leucippe và Démocrite là hai triết gia Hy Lạp tiền Socrate từng đưa ra quan niệm về nguyên tử (atom), Démocrite là học trò của Leucippe, ông tin rằng các nguyên tử quá nhỏ để các giác quan của con người có thể phát hiện được, rằng chúng có vô số, chúng có vô số loại, và chúng luôn tồn tại. Chúng trôi nổi trong chân không mà Démocrite gọi là “khoảng trống” (void, vide), và chúng khác nhau về hình dạng, trật tự và tư thế. Ông cho rằng một số nguyên tử có dạng lồi, số khác lõm, một số có hình móc câu và số khác giống như mắt. Chúng không ngừng chuyển động và va chạm vào nhau. Các nguyên tử và khoảng trống là những thứ duy nhất tồn tại và tất cả những thứ khác chỉ được cho là tồn tại “theo quy ước” xã hội. Sự vật mà con người nhìn thấy trong cuộc sống hàng ngày là do nhiều nguyên tử được liên kết với nhau bằng những va chạm ngẫu nhiên. Hình dạng cũng như chất liệu của sự vật được xác định bởi loại nguyên tử tạo nên chúng. Tương tự như vậy, nhận thức của con người cũng do nguyên tử gây ra. Vị đắng là do các nguyên tử nhỏ, góc cạnh, lởm chởm đi qua lưỡi, trong khi vị ngọt là do các nguyên tử lớn hơn, mịn hơn, tròn hơn tạo ra.
Rất tiếc những học thuật Hy Lạp Cổ Đại đã mai một và biến mất khi Kitô giáo trở thành văn hóa thống trị Âu châu vào thế kỷ thứ 4.
Bốn chữ “nhứt mao khổng trung” 一毛孔中 (trong một lỗ chân lông) không phải tình cờ xuất hiện một hai lần trong toàn bộ kinh, mà được lập đi lập lại như một định đề, một định luật, một học thuyết tạo thành Hoa Nghiêm cảnh giới.
Nhưng điều rợn da gà, là mỗi hạt bụi chứa toàn bộ vũ trụ, được chư Phật phát ra kèm theo một “Như Lai Pháp Âm”. Đạo Đức Kinh cũng nói “đại âm hi thanh, đại tượng vô hình, đạo ẩn vô danh” 大音希聲;大象無形.道隱無名,tiếng lớn thì không nghe thấy, tượng lớn thì không có hình, đạo thật thì không có tên. Pháp âm của Phật là các hạt vũ trụ, gần như không ai nghe, chỉ các bực Bồ Tát và A La Hán nghe được, không gian vô cùng không ai thấy, kỳ thực nó chứa trong một quantum, đạo thực thì không có Phật giáo, Kitô giáo hay Ấn giáo gì cả, chỉ là một tôn giáo vũ trụ, Einstein gọi là Cosmos religion.
Nhắc lại một chút phần I với câu : “Năng lễ sở lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì, ngã thử đạo tràng như Đế Châu, thập phương chư Phật ảnh hiện trung, ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền, đầu diện tiếp túc quy mạng lễ” 能禮所禮性空寂, 感應道交難思議, 我此道場如帝珠,十方諸佛影現中, 我身影現如來前, 頭面接足歸命禮.
Tạm dịch :
“Lễ và đối tượng lễ tánh đều rỗng lặng, tâm cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn, đạo tràng này như lưới Đế Châu, mười phương chư Phật đều hiện trong lưới, thân tôi cũng hiện trước chư Phật, đầu mặt chạm đất lễ quy mạng”.
Tôi xin phép được dịch khác một chút với bản dịch thường đọc tụng xưa nay, vì khi còn trẻ, đọc câu “Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng”, tôi hiểu sai rằng, Phật của chúng sanh tánh rỗng lặng. Còn câu “Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời” không đúng với Hán ngữ 十方諸佛影現中, vì thực tế hoàn toàn không có sự sai bảo ánh sáng như một thượng đế quyền năng, mà tự thân ánh sáng là chư Phật, cũng như tự thân tôi trong cảnh ngữ này cũng là ánh sáng đồng một thể với chư Phật. Còn câu “đầu diện tiếp túc quy mạng lễ” là nhằm thu gọn hai đầu nhị nguyên vào nhất thể năng và sở bất nhứt bất dị. Quy mạng Phật, cũng hàm ý quy mạng chính tự ngã của mình. Dĩ nhiên tôi không dám chê các bực thạc đức đi trước, vì họ dịch ý, họ còn phải dịch theo thể kệ tán nên rất khó. Họ dịch năng lễ sở lễ thành Phật và chúng sanh, thực tế đã quá thâm sâu. Khi dịch năng lễ sở lễ là lạy và đối tượng lạy, tôi chỉ trả lại nguyên văn sự nêu cao tính bình đẳng giác phi năng phi sở vào nhất nguyên của thể tánh vũ trụ theo tinh thần Hoa Nghiêm. Tinh thần Hoa Nghiêm không phân biệt Phật hay chúng sanh, tất cả chỉ là hư ảo, là ảnh trong gương, là nắng trên mặt nước. Điều này được thấy rõ trong trích dẫn từ kinh bên dưới.
Năng và sở không tịch, nhân và duyên đều hư huyễn, ngã không pháp không. Đó là thế giới Nhất Chân Tam Muội sự sự vô ngại giải thoát.
Mỗi lỗ chân lông của Phật đều phóng ra vũ trụ sâm la vạn tượng, và mỗi lỗ chân lông cũng phóng ra pháp âm, như vậy, tự thân các hạt bụi đã là pháp âm. Vũ trụ xuất hiện không những như cái lưới Đế Châu, mà từng viên ngọc còn phát ra một một nốt nhạc, nổi lên hằng tỉ nốt nhạc thành một đại tấu khúc giao hưởng của năng lượng vang xa đến tận hư không giới. Vũ trụ quan của Phật giáo lạc quan và lung linh huyền ảo không khác đêm Noël trên các đường phố hoa lệ giữa mùa đông giá buốt.
Thế nào là Như Lai Pháp Âm ?
là :
Chư pháp tùng duyên sanh
Diệc tùng nhân duyên diệt.
Đừng ngần ngại đọc lại kinh văn sau :
Trong mỗi vi trần, hiện khắp tất cả cảnh giới thế gian. Giáo hóa thành tựu tất cả chúng sanh chưa từng lỗi thời. Trong một lỗ lông phát ra âm thanh thuyết pháp của tất cả Như Lai. Biết tất cả chúng sanh thảy đều như huyễn. Biết tất cả đức Phật thảy đều như ảnh. Biết tất cả loài thọ sanh thảy đều như mộng. Biết tất cả nghiệp báo thảy đều như tượng trong gương. Biết tất cả những gì có sanh khởi thảy đều như ánh nắng gắt. Biết tất cả thế giới đều như biến hóa. 於一塵中普現一切世間境界,教化成熟一切眾生未曾失時,一毛孔中出一切如來說法音聲;知一切眾生悉皆如幻,知一切佛悉皆如影,知一切諸趣受生悉皆如夢,知一切業報如鏡中像,知一切諸有生起如熱時焰,知一切世界皆如變化.
Hoa Nghiêm kinh nói rất rõ tất cả chúng sanh đều như huyễn, các Đức Phật đều như ảnh. Nhân quả nghiệp báo đều như trong gương. Lộ ra lý duyên khởi ngã không, pháp không, thọ giả cũng không. Tất cả, đều do một quantum, một hạt bụi, biến hóa thành.
Tại sao là vi trần ? Tại sao là quantum ?
Vi trần là đơn vị cực nhỏ vào thời chưa có khoa học.
Quantum là đơn vị không thể chia nhỏ hơn nữa của vật chất vào thời đại khoa học vượt khỏi hạn định tri thức đóng khung của học thuyết Sáng Thế (creationism).
Trong lý thuyết trường lượng tử, hay cũng có thể nói trường chân không, còn gọi là chân không lượng tử (quantum vacuum) hay trạng thái chân không (vacuum state), là trạng thái lượng tử có năng lượng thấp nhất có thể. Nói chung, nó không chứa các hạt vật lý. Kỳ thực, trạng thái chân không không thực sự trống rỗng mà thay vào đó chứa các sóng và hạt điện từ vào ra (pop into and out) không ngớt trong trường lượng tử.
Trước cơ học lượng tử, không ai nghĩ đến trạng thái chân không của vật chất, đơn giản vì điều này nằm ngoài tưởng thúc của nhân loại. Khi nhìn thấy một hòn núi mà nói đấy là một khối chân không, thì hoạ chăng kẻ ấy hoặc loạn thị hoặc điên. Tuy nhiên ta không thể đồng dạng chân không và quả núi, đấm vào chân không thì không sao, nhưng đấm vào quả núi thì gãy tay. Dù vậy, cả vũ trụ không thể hiện hữu nếu những tế bào thần kinh của con người không chứa đựng được ; tay không thể đấm quả núi, nhưng não bộ có thể tóm cả cõi Tu Di vào một điểm.
Nói rằng trường lượng tử là chân không như tên gọi của nó, quantum vacuum, cũng chỉ là gọi cho dễ hiểu, vì nội tính của nó là chân không, thì sóng và hạt điện tử mới có thể lúc vào lúc ra như sân khấu một màn diễn. Nếu nó không chân không, làm sao lại cho phép sự xuyên thấu quá dễ dàng cho sóng và hạt ?
Chính vì lúc thấy nó là sóng, lúc thấy nó là hạt, người ta gọị sóng hạt là lưỡng tính của quantum.
Quan sát sự vật một cách khoa học, Heisenberg phát biểu rằng không thể biết đồng thời và chính xác động lượng (mv) và vị trí (x) của một vật, do vậy, chúng ta càng biết chính xác vị trí của một vật thì chúng ta càng ít biết chính xác động lượng của nó (và ngược lại).
Quá trình khám phá cơ học lượng tử, khởi đầu đã sóng thì không thể hạt và ngược lại, sau đó khi khoa học tiến xa hơn, sóng (tha) và hạt (ngã) là lưỡng tính cùng có mặt trong quantum, tôi không là tôi nếu anh không có mặt trong tôi, và ngược lại. Nhưng dù vậy vẫn không thể xác định vị trí và động lượng của quantum cùng một lúc. Nguyên lý bất định vừa cho thấy, muốn khám phá thực tại của vật chất, phải rời bỏ những thường kiến hữu, vô, phi hữu phi vô, diệc hữu diệc vô, từ đó trực chỉ vào thực tại không bị sai lầm (ly tứ cú, tuyệt bách phi). Đây là cõi lý tưởng của triết học và tâm học đặc biệt của Phật giáo, không phải ngữ cảnh của các nhà vật lý học.
Có người hỏi rằng trước Big Bang, nếu không có vật chất gì, sao có thể “bang” ra một vũ trụ vô biên dày vật thể như thế ?
Nhà vật lý học Brian Cox trả lời : Ngôi sao cuối cùng sẽ nguội dần và biến mất. Khi nó đi qua, vũ trụ sẽ một lần nữa trở thành trống không, không có ánh sáng, không có sự sống hay ý nghĩa.
(The last star will slowly cool and fade away. With its passing, the Universe will become once more a void, without light or life or meaning.)
Câu nói của Brian Cox được diễn dịch như sau :
Sự mờ dần của ngôi sao cuối cùng đó sẽ chỉ là khởi đầu của một kỷ nguyên đen tối kéo dài vô tận. Tất cả vật chất sẽ bị các lỗ đen khổng lồ tiêu thụ, đến lượt chúng sẽ bốc hơi thành những tia sáng mờ ảo nhất. Không gian sẽ mở rộng ra bên ngoài cho đến khi ngay cả ánh sáng mờ đó cũng trở nên quá dàn trải để có thể tương tác. Hoạt động sẽ chấm dứt.
Thật kỳ lạ, một số nhà vũ trụ học tin rằng một vũ trụ trống rỗng, tối tăm, lạnh lẽo trước đây giống như vũ trụ tưởng tưởng trong tương lai xa vời của chúng ta có thể là nguồn gốc vụ nổ lớn của chính chúng ta hôm nay.
Trái lại với hình ảnh Big Bang như đã được hầu hết các nhà khoa học thừa nhận, thì cũng có hình ảnh Big Crunch, sẽ dồn nén cả vũ trụ vào trở lại một dị điểm khởi đầu, để lại tái tạo ra vũ trụ mới theo mo hình cyclic universe.
Trong con mắt của khoa học, vũ trụ chỉ là thế giới đầy quanta tụ lại thành các thiên hà hay ngôi sao. Cuộc sống không thể xuất hiện nếu không có ít nhất một ngôi sao. Nhưng Như Lai đã phóng từ lỗ chân lông những vụ trụ bằng ánh sáng và pháp âm. Nhà Vật lý học David Bohm đã tìm thấy tương quan giữa tinh thần và vật chất không thể tách rời, được thế giới lưu tâm như là một tính chất của cơ học lượng tử nhờ am hiểu đạo Phật qua tính chất của danh sắc (nāma rūpa). Như vậy, thông điệp của Phật giáo không chỉ là Cơ Học Lượng Tử thuần thúy vật lý, không chỉ có chiều thời gian không gian, mà còn có chiều tâm linh. Các quantum chưa từng sinh chưa từng diệt, duy chỉ hình thức của vũ trụ biến đổi. Big Bang không phải là vũ trụ sinh, Big Crunch cũng không phải vũ trụ diệt, hai sự kiện này là trạng thái cyclic của vũ trụ.
Thông điệp của Phật giáo Nhất Chân mao khổng là một vũ trụ toàn giác, nơi nào cũng có Pháp Âm: bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Ngay cả nguyên lý bất định Heisenberg cũng rụt rè không dứt khoát như vũ trụ quan về vật chất của đạo Phật.
Tóm lại, thế giới cơ học lượng tử, dù sâm la vạn tưọng, lúc ẩn lúc hiện, đều được bao trùm trong chân lý:
諸法無來處 Các pháp không lai xứ
亦無能作者, Cũng không có tác giả
無有所從生 Cũng không từ đâu sanh
不可得分別。Chẳng thể phân biệt được.
一切法無來, Tất cả pháp không đến
是故無有生 Vì thế nên không sanh
以生無有故, Vì sanh đã không có
滅亦不可得, Nên diệt cũng không thể
一切法無生, Tất cả pháp vô sanh
亦復無有滅, Nên không có pháp diệt
Do chứng ngộ được chân lý vi diệu của vũ trụ, Phật Thích Ca Mâu Ni đã tuyên bố : nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh, mỗi vi trần số đều mang pháp âm.
Lời tuyên bố này là một tuyên ngôn giài thoát mang tính vũ trụ. Người học Phật phải đào sâu vào tuyên ngôn này để tìm hiểu thế nào là phật tánh, và thế nào là chúng sanh. Không nên học như cái máy thu âm, nói lại những lời Phật một cách vô tư mà hiểu biết rất lờ mờ. Cho nên, khi một ông tăng hỏi một thiền sư con chó có phật tánh không, thiền sư nói không, ông tăng nói sao Phật Thích Ca nói có mà ngài nói không, thiền sư trả lời đó là cái thấy của Thích Ca, chứ không phải cái thấy của ông. Về nhân quả cũng vậy, không nên đem nhân quả nói một cách máy móc để dọa dẫm thế nhân, nào là cúng 5 triệu sẽ được thế này cúng 500 triệu sẽ được thế nọ ; nói xấu chư tăng sẽ bị thế này, cúng dường chư tăng sẽ được thế nọ v.v. Phật là một bực giác ngộ chứ chẳng phải quan lớn, đừng đem tiền nhét vào tay Phật hay đại diện của Phật ở thế gian để cầu xin thế này, chạy chọt thế nọ. Không gì phỉ báng chánh pháp bằng bôi bẩn Phật, từ một bực hiền triết thiên nhân sư đầy trí tuệ, thành ông quan tham nhũng chuyên chạy án chuyên bảo kê.
Cảm nghĩ bên lề về Georges Memaître :
Linh mục Lemaître có thể đã từng nghe qua kinh Hoa Nghiêm do người bạn Étienne Lamotte giáo sư Ấn học và Phật Học tại đại học Louvain. Cả hai đều là linh mục, cả hai đều gần như cùng thời và cùng dạy tại đại học này. Étienne Lamotte là người rất thông thạo Sanskrit, Pali, Hán và Tạng ngữ, từng dịch các tác phẩm của Long Thụ, Thế Thân, như Đại Trí Độ Luận (Mahàprajnàparamitàsatra 大智度論) và Nhiếp Đại Thừa Luận (Mahāyānasaṃgraha 攝大乘論) sang tiếng Pháp, chắc chắn ông từng đọc và quen thuộc với Hoa Nghiêm Nhất Chân Pháp Giới và đã từng chia sẻ vũ trụ quan Lưới Đế Thiên với người bạn thiên văn vật lý học Lemaîre.
Ngoài ra, Lemaître là học trò trực tiếp của Charles-Jean de La Vallée Poussin (1866-1962) trong khi Étienne Lamotte cũng là học trò trực tiếp của Louis de La Vallée Poussin (1869-1938).
Hai ông de La Poussin này là anh em chú bác chỉ cách nhau có 3 tuổi, nên không thể nào Georges và Étienne không thường gặp gỡ và trao đổi tri thức.
Lemaitre khi nghiên cứu về thiên văn vật lý, chắc chắn đã nhìn thấy được các thiên hà xa xôi, các chùm tinh vân, các chùm thiên hà (amas) hoặc các đại chùm thiên hà (superamas) rất giống với những gì kinh Hoa Nghiêm vẽ lại, như tấm lưới được cài những viên ngọc, thế là Lemaître âm thầm phôi thai học thuyết Big Bang theo hướng Phật phóng ra vũ trụ từ một lỗ chân lông. Phật ở đây không phải là Phật Thích Ca hay Phật Di Đà. Phải hiểu Phật là một Vũ Trụ Toàn Giác Phi Ngã.
Ngoài các kinh điển Phật giáo, tư tưởng Vệ Đà của Ấn giáo cũng đậm chất khoa học với tư tưởng thái cổ của Ấn Độ, Uddalaka Aruni (Devanagari: उद्दालक आरुणि) triết gia sinh vào thế kỷ thứ 8 trước Tây lịch, từng đã đề nghị rằng “các hạt quá nhỏ để có thể nhìn thấy tụ lại với nhau thành chất liệu và đối tượng của trải nghiệm” được gọi là kaṇa. (particles too small to be seen mass together into the substances and objects of experience" known as kaṇa.)
800 năm trước Tây Lịch, Uddalaka Aruni đã sử dụng thuật ngữ “hạt - kaṇa” thay vì “nguyên tử -
paramanu”, đủ thấy cái nhìn của người xưa đã thật tinh vi, mà không cần đến kính hiển vi hoặc kính thiên văn. Tầm nhìn này chắc chắn không thể không được Étienne Lamotte chiếu soi tới rồi đem ra bàn luận cùng Georges Lemaître.
Trên đây chỉ là giả thiết mà tôi đặt ra, hoàn toàn không có bất kỳ căn cứ nào. Tôi vẫn công nhận và nghiêng mình cám ơn công trình khám phá vũ trụ dựa vào sự thông minh tột đỉnh của linh mục Georges Lemaître. Tôi cũng nhân tiện gửi lời cám ơn đến linh mục Étienne Lamotte, người đã có công giới thiệu Phất giáo đến Tây Âu qua các bản dịch mà tôi vừa kể.
- Tì Lô Hoa Tạng Giới
ð cực vi cực đại cảnh giới :
Lưới Đế Châu vi đạo tràng.
Không cần tưởng tượng gì cả, các bạn, chúng ta, tôi, tất cả đều đang sống trong thiên hà Milky Way. Văn hóa Việt Nam Trung Hoa gọi là Giải Ngân Hà (银河系). Người Ấn gọi là Sông Hằng Thiên Giới. Tự thân Giải Ngân Hà là chiếc lưới ngọc hình xoáy ốc có đường kính khoản trên dưới 120.000 năm vận tốc ánh sáng. Từ mặt trời nơi chúng ta sinh sống đến trung tâm thiên hà của chúng ta là 27.000 năm vận tốc ánh sáng. Măt trời phải mất 250 triệu năm để xoay đủ một vòng thiên hà. Tại giữa trung tâm Ngân Hà có một lỗ đen mang tên Sagitaire A. Từ năm1610, qua sự quan sát đầu tiên của Galilée bằng các kính thiên văn do ông tự chế cho thấy sự dày đặc tinh tú tựa như rổ đậu trên vòm trời. Người ta từng lầm tưởng Ngân Hà chứa đụng toàn thể vũ trụ, hay nói cách khác, vũ trụ là Ngân Hà. Mãi đến 1920, một cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai trường phái xảy ra với hai nhà khoa học Mỹ Harlow Shapley và Heber Doust Curtis (Shapley–Curtis Debate), bên Curtis cho rằng có nhiều galaxies nằm ngoài Ngân Hà, trong khi bên Shapley cho rằng tất cả chỉ là những chùm tinh vân chứa đựng trong Ngân Hà, ngoài Ngân Hà không có vũ trụ khác. Vào năm 1923, với những quan sát mới của Hubble, người ta tìm thấy thiên hà Andromède, thế giới hoàn toàn được thuyết phục theo khuynh hướng Curtis. Shapley còn đã từng công kích Edwin Hubble là “khoa học đồng nát” (junk science) khi ông này cho rằng có rất nhiều thiên hà trong vũ trụ. Hubble viết một lá thư dài, giải thích những khám phá của ông, đọc xong lá thư của Hubble, Shapley viết một câu nổi danh còn lưu lại đến ngày nay : “đây là lá thư đã đập nát vũ trụ của tôi !” (Here is the letter that destroyed my universe), và chính sau này Shapley luôn khuyến khích cổ súy những công trình nghiên cứu mới của Hubble. Nên nhớ, ngay năm 1899, người ta chụp được một hình ảnh rất rõ nét của Andromède với giòng chữ “Great Andromeda Nebula”, thì phải biết tầm nhìn của Shapley không phải là vô căn cứ. Andromède là thiên hà gần chúng ta nhất, cả hai đều cùng nằm trong cụm thiên hà có tên Local Group (Nhóm Địa Phương). Milky và Andromeda có khuynh hướng tiến về nhau với vận tốc 123km/giây, và chúng ta sẽ gặp nhau trong 4,6 tỉ năm nữa. Dĩ nhiên, sự va chạm giữa hai thiên hà là điều không ai có thể tưởng tượng được. Theo các nhà khoa học, cuộc chạm trán sẽ làm tất cả mọi thiên thể của hai thiên hà đều đảo lộn trong một vòng xoáy mới, cuối cùng hai thiên hà sẽ quy lại thành một. Dù chắc chắn chẳng ai biết cái giờ phút ấy, nhân loại đã đặt tên thiên hà mới là Milkomeda (!)
Như vậy, cái cực vi có thể chứa đựng cái cực đại, tư tưởng càn khôn tận thị mao đầu thượng đã được Georges Lemaître dùng toán học để chứng minh. Nhưng Lemaître không nói nhiều về những cánh bướm đầy màu sắc hoặc những đóa hoa vũ trụ tuyệt đẹp do Big Bang tạo ra mà sau này, các thiên văn kính không ngớt được gửi lên quỹ đạo chụp ảnh và gửi về, minh họa vũ trụ đẹp như Hoa Tạng Giới của lăng kính Hoa Nghiêm.
Ngoài kinh Hoa Nghiêm, tư tưởng cực vi chứa cực đại được nhắc đến trong nhiều kinh luận khác nhau bằng nhiều hình thức phong phú.
Trong thiền tông, ta có những cái thấy mà chỉ có thể đạt được qua chứng ngộ, như bài thơ của thiền sư Khánh Hỷ đã nói qua ở phần trước, hoặc như thiền sư Tōyō Eichō (東陽榮朝, 1428–1504) trong Thiền Lâm Cú Tập (Zenrin-kushū) Nhật Bản:
Hoa mai một chút nhụy, ba ngàn thế giới thơm
Nhất điểm mai hoa nhụy, tam thiên thế giới hương.
一點梅花蕊, 三千世界香 (禅林句集)
Hoặc :
Tay áo chứa nhật nguyệt, càn khôn trong bàn tay
Tụ trung nhật nguyệt tàng, chưởng nội ác càn khôn
袖中日月藏, 掌內握乾坤
ð Hư không tung pháo hoa:
Dài dòng như vậy, cho thấy, nhìn được vũ trụ từ hư vô, nở tung ra thành thành những chùm hoa, những lưới ngọc, như Tì Lô Hoa Tạng Giới, quả thật rất cần một hành trình thâm hiểu mà đừng nói trình độ phổ thông, ngay trình độ cao cấp cũng đòi hỏi tính kiên nhẫn và ý chí cầu thị mới có thể hiểu được thâm sâu và trọn vẹn.
處處總成華藏界, 從教何處不毘盧, 罪性本空由心造, 心若滅時罪亦亡, 心亡罪滅兩俱空, 是則名為真懺悔。 四生九有,同登華藏玄門, 八難三途,共入毗盧性海
Xứ xứ tổng thành Hoa Tạng giới Chốn chốn đều là Hoa Tạng giới
Tòng giáo hà xứ bất Tỳ Lô Nơi nào chẳng phải chỗ Tỳ Lô
Như vậy không đâu là không nằm trong Hoa Tạng Giới của đức Đại Nhật Như Lai (Vairocana), bao gồm tứ sinh cửu hữu, bát nạn tam đồ.
Cả hai hai thiên hà lớn nhất trong nhóm Địa Phương Local đều có hình xoắn ốc, hay hình OVNI. Điều tình cờ kỳ lạ là hình thể các thiên thể đều đã được miêu tả thật rõ trong kinh Hoa Nghiêm, như thể cách nay hai nghìn năm trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã quan sát vũ trụ bằng đôi mắt còn siêu đẳng hơn cả Hubble được phóng lên quỹ đạo năm 1990.
Chư Phật tử! Tất cả thế giới chủng đó hình trạng đều khác nhau: hoặc hình núi Tu Di, hoặc hình sông, hoặc hình xoay chuyển, hoặc hình nước xoáy, hoặc hình trục xe, hoặc hình lễ đàn, hoặc hình rừng cây, hoặc hình lầu gác, hoặc hình sơn tràng, hoặc hình vuông góc, hoặc hình hoa sen, hoặc hình thai tạng, hoặc hình khư lặc ca, hoặc hình thân chúng sanh, hoặc hình mây, hoặc hình tướng hảo của Phật, hoặc hình quang minh viên mãn, hoặc hình lưới chơn châu, hoặc hình ngạch cửa, hoặc hình đồ trang nghiêm, có thế giới hải vi trần số hình trạng như vậy. (Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh – Hoa Tạng Thế Giới Đệ Ngũ)
(Chư phật tử, bỉ nhất thiết thế giới chủng, hoặc hữu tác Tu Di Sơn hình, hoặc tác giang hà hình, hoặc tác tuyền lưu hình, hoặc tác luân võng hình, hoặc tác đàn thiện hình, hoạc tác thụ lâm hình, hoặc tác lâu các hình, hoặc tác sơn tràng hình,hoặc tác phổ phương hình, hoặc tác thai tạng hình, hocặ tác liên hoa hình, hoặc tác khư lặc ca hình, hoặc tác chúng sanh thân hình, hoặc tác vân hình, hoặc tác chư phật tướng hảo hình, hoặc tác viên mãn quang minh hình, hoặc tác chủng chủng châu võng hình, hoặc tác nhứt thiết môn thát hình, hoặc tcá chư trang nghiêm câu hình…, như thị đẳng, nhược quảng thuyết giả, hữu thế giới hải vi trần số.)
諸佛子!彼一切世界種,或有作須彌山形,或作江河形,或作迴轉形,或作漩流形,或作輪輞形,或作壇墠形,或作樹林形,或作樓閣形,或作山幢形,或作普方形,或作胎藏形,或作蓮華形,或作佉勒迦形,或作眾生身形,或作雲形,或作諸佛相好形,或作圓滿光明形,或作種種珠網形,或作一切門闥形,或作諸莊嚴具形……。如是等,若廣說者,有世界海微塵數。(大方廣佛華嚴經 - 華藏世界品第五)
(hình chụp cụm thiên hà SMACS 0723 từ kính thiên văn quỹ đạo James Webb Space Telescope)
(The Cartwheel Galaxy – ESO 350-40 - thiên hà hình trục bánh xe - ảnh từ James Webb Space Telescope
(Giải Ngân Hà - Milky Way - Voie Lactée được NASA minh họa)
(Mystic mountain – núi Tu Di - Carina nebula - ảnh từ telescope Hubble)
(Chùm tinh vân Bươm Bướm NGC 6302 nóng 250,000 độ C)
(Chòm Tinh Vân Carina, một thiên thể kiệt tác đẹp nín thở nằm cách chúng ta 7500 năm ánh sáng.
The Carina Nebula, a breathtaking celestial masterpiece nestled 7500 light-years away.)
NGC 2237 – Nébuleuse de la Rosette - giống đóa kim liên hơn hoa hồng.
Chư Phật tử! Thế giới chủng Biến chiếu thập phương Xí Nhiên Bửu Quang Minh này có bất khả thuyết Phật sát vi trần số thế giới rộng lớn như vậy: Đều riêng y trụ, đều riêng hình trạng, đều riêng thể tánh, đều riêng phương diện, đều riêng thú nhập, đều riêng trang nghiêm, đều riêng chừng ngằn, đều riêng hàng liệt, đều riêng vô sai biệt, đều riêng sức gia trì, giáp vòng bao quanh…
(Chư Phật tử ; thử biến chiếu thập phương Xí Nhiên Bửu Quang Minh thế giới chủng, hữu như thị đẳng bất khả thuyết Phật sát vi trần số qung đại thế giới, các các sở y trụ, các các hình trạng, các các thể tính, các các phương diện, các các thú nhập, các các trang nghiêm, các các phân tế, các các hàng liệt, các các vô sai biệt, các các gia trì, châu táp vi nhiễu)
「諸佛子!此遍照十方熾然寶光明世界種,有如是等不可說佛剎微塵數廣大世界,各各所依住,各各形狀,各各體性,各各方面,各各趣入,各各莊嚴,各各分齊,各各行列,各各無差別,各各力加持,周匝圍遶。
Chúng rôi sử dụng toàn bộ bản dịch của hòa thượng Thích Trí Tịnh, nhưng đôi lúc cần vài chú thích riêng để dễ hiểu hơn cho người đọc. Ở đây có ba thuộc từ cần được chú thích là “xí nhiên” 熾然 : hừng cháy ; “thú nhập” 趣入 : lợi lạc ; “thể tính” 體性 : bản chất tự nhiên.
Đoạn văn có từ “Khư Lặc Ca 佉勒迦 rất khó hiểu, theo tìm hiểu của tôi, từ này chỉ cho hình dáng một loại đàn cổ ở Ấn Độ, có hình như lá chuối cuốn chưa hoàn toàn nở tung. Nếu thức giả nào thấy không đúng xin từ bi chỉ dạy để sự hiểu biết ngày càng hoàn thiện hơn.
Chúng tôi mất công trích dẫn Hán Văn và phiên âm Hán Việt, tuy sẽ làm bài viết dài ra, là nhằm mục đích cống hiến cho ai cần trích dẫn thì đã sẵn có mà không mất công tra cứu Hán bản, là việc không dễ dàng. Đây là do nhân duyên khi tôi đọc được câu chuyện bác sĩ Bá Khắc Sum từng đã gặp tôn giả Ma Ha Ca Diếp ở núi Kê Túc khi còn rất bé lúc chưa biết ngoại ngữ nào. Câu chuyện in sâu vào óc tôi, nhưng giờ đây, khi có thể đọc Pháp ngữ khá trôi chảy, truy tìm vị bác sĩ từng gặp Ma Ha Ca Diếp bằng tư liệu tiếng Pháp lại hoàn toàn biệt tăm.
Hai đoạn trích dẫn từ Phẩm Hoa Tạng Giới cho thấy : thế giới quan Phật giáo từ xưa, trước thuyết Big Bang, trước khi hình ảnh hằng tỉ thiên hà, hằng tỉ tinh vân, hằng tỉ lỗ đen được chụp lại, thì không ai có thể tin rằng, vũ trụ tận hư không giới với chu vi vô cùng lớn, lại có thể được chứa đựng trong lỗ chân lông, và kỳ diệu hơn nữa, với mắt trần, không ai có thể nhìn thấy hằng tỉ tỉ thiên hà chứa đựng hằng tỉ tỉ thế giới có những hình thù xoáy nước, giòng sông, liên hoa, trục bánh xe… được diễn tả trong kinh, tựa như thể đứa trẻ con đứng quan sát bầy cá đủ màu đủ loại bơi lội trong chiếc bể kính được chiếu ánh sáng ở các viện hải dương học.
Người đứng quan sát bể cá còn có thể không nói được những chi tiết chuyên sâu như Đều riêng y trụ, đều riêng hình trạng, đều riêng thể tánh, đều riêng phương diện, đều riêng thú nhập. Chúng ta sẽ ngạc nhiên vô cùng, khi các đặc tính từng thiên thể không nơi nào giống nơi nào, đã được khoa học so sánh giữa Địa Cầu và Sao Kim.
Không cần đi quá xa trong vũ trụ, ngay trong phạm vi ngôi sao cho ra sự sống của chính con người là Thái Dương Hệ thì Trái Đất và Sao Kim (Venus) được xem là chị em song sinh, có gần như cùng độ lớn, gần như cùng khoản cách đối với mặt trời. Nhưng không ai ngờ áp suất trên sao Kim tương đượng với áp suất 1 km dưới mặt biển, bầu khí quyển trên Sao Kim toàn khí carbonic do có quá nhiều núi lửa phun trào không ngớt. Nhiệt độ trung bình trên 400°C dư sức làm tan chảy một số kim loại. Sao Kim quay quanh trục theo chiều kim đồng hồ (gọi là sự quay nghịch hành) với khoảng thời gian 243 ngày Trái Đất — tốc độ tự quay chậm nhất của hành tinh trong hệ mặt trời. Do vậy một ngày trên Sao Kim dài hơn một năm 225 ngày của Sao Kim. Và vì quay ngược như vậy nên bình minh trên Sao Kim sẽ ở phía tây và hoàng hôn thì lại ở phía đông.
Thần thoại Hy Lạp cho rằng vũ trụ được tạo dựng nhờ 3 thực thể Uyên Nguyên (Primordial) Gaia, Chaos, và Uranus. Gaia là đất, Uranius là trời và Chaos là sự hỗn mang vô trật tự lúc ban sơ. Văn hóa Abraham của Do Thái giáo và Kitô giáo thì cho rằng Thượng Đế tạo ra vũ trụ. Tất cả đều mơ hồ đầy tính hư huyễn đôi khi đi ngược lại tri kiến thường thức, đã mất giá trị ngay khi thuyết Nhật Tâm ra đời.
Khi chưa có thuyết Big Bang và sự hiểu biết Cơ Học Lượng Tử, đọc kinh Hoa Nghiêm, người ta có cùng cảm tưởng kinh cũng nói chuyện hoang đường như thần thoại Hy Lạp hay Kinh Thánh Sáng Thế Ký.
Học giả Trần Chung Ngọc, một giáo sư từng giảng dạy về vật lý học, đã đưa ý kiến như sau về kinh Hoa Nghiệm :
Nói đến quan niệm về vũ trụ của Phật giáo thì chúng ta không thể bỏ qua kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thế giới thành tựu. Trong phẩm này, Bồ tát Phổ Hiền tuyên thuyết về 10 đặc tính của các thế giới: nhân duyên khởi, chôỵ trụ nương, hình trạng, thể tánh, trang nghiêm tánh, thanh tịnh tánh, Phật xuất hiện, kiếp trụ, kiếp chuyển biến sai biệt, và môn vô sai biệt. Để cho vấn đề tương hợp với khoa học được rõ ràng, sau đây tôi xin luận về hai điểm: hình trạng và kiếp trụ các thế giới.
[…]
So sánh với những hình trạng của các chòm sao, giải thiên hà, ngân hà khám phá bởi khoa học ngày nay, chúng ta thấy Phật giáo đã mô tả hình trạng của chúng một cách vô cùng chính xác. Thí dụ như các hình bánh xe, nước xoáy, chúng ta có thể quan sát được trong các chòm sao như Cetus, Pegasus và Hercules, hình sông là giải ngân hà (Milky Way) và nhiều thiên hà khác, hình dạng như hoa là những khối tinh vân trong khoảng không gian liên-thiên-hà (intergalactic clounds of gas) có chứa hàng tỷ ngôi sao v.v...). Thật tôi không thể tưởng tượng được ở một thời chưa hề có kính thiên văn, dù thô sơ nhất, mà Đức Phật và các Đại Bồ tát đã có những hiểu biết chính xác về vũ trụ như trên. Nếu không phải vì đã giác ngộ hoàn toàn, nắm vững cơ cấu huyền bí của vũ trụ, thì làm sao có thể biết được những điều như trên. Và chúng ta cũng nên nhớ là những điều Đức Phật và các Bồ tát chọn để tuyên thuyết cho người đời chẳng qua cũng chỉ là một nắm lá trong tay so với số lá cây trong rừng.
ð Tinh vân:
Ngoài ra, thuật ngữ “tinh vân” (星云 - nebula) dùng để chỉ cho những vùng lớn đầy màu sắc giữa hư không, mắt thường không thể nhìn thấy, được nhà thiên văn học người Pháp Charles Messier khám phá lần đầu tiên vào năm 1784 có tên tinh vân Haltère (M27 hoặc NGC 6853). Tinh vân, nghĩa là “mây sao”, là những thiên thể có nhiều gaz do một hay nhiều ngôi sao nổ tung và tụ thành. Trong những đám mây này, có khi vẫn có những vì sao nhỏ lấp lánh. Các khí gaz dị biệt cùng tụ lại tạo ra quang phổ màu sắc lung linh và hình dạng đặc thù linh động.
Có thể nói rằng, trước thế kỷ thứ 18, trí óc nhân loại không ai có thể tưởng tượng được giữa hư không lại có mây muôn sắc muôn màu đan xen như lễ hội giữa vòm trời đen thẳm.
Vậy mà kinh Hoa Nghiêm đã kể ra vanh vách những đám mây hư không với những cái tên thật đẹp như Như Lai thân sắc tượng vân, Bồ Tát thân sắc tượng vân,quang diệm luân vân, chúng diệu hương vân …
Tinh vân Haltère (M27 hoặc NGC 6853)
Đọc phẩm Nhập Pháp Giới của kinh, ta thấy giữa hư không có nhưng vùng mây màu sắc ấy như sau :
Thiện Tài lại thấy mười tướng quang minh, như là:
Thấy bao nhiêu vi trần của tất cả thế giới, trong mỗi mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số Phật quang minh võng vân chiếu sáng khắp nơi. Trong mỗi mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số Phật quang minh luân vân nhiều thứ sắc tướng cùng khắp pháp giới. Trong mỗi mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số Phật sắc tượng bửu vân cùng khắp pháp giới. Trong mỗi mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số Phật quang diệm luân vân cùng khắp pháp giới. Trong mỗi mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số chúng diệu hương vân cùng khắp mười phương khen ngợi tất cả hạnh nguyện đại công đức hải của Phổ Hiền. Trong mỗi mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số nhựt nguyệt tinh tú vân, đều phóng quang minh của Phổ Hiền Bồ tát chiếu khắp pháp giới. Trong mỗi mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số tất cả chúng sanh thân sắc tượng vân phóng Phật quang minh chiếu khắp pháp giới. Trong mỗi mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số tất cả Phật sắc tượng ma ni vân cùng khắp pháp giới. Trong mỗi mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số Bồ Tát thân sắc tượng vân đầy khắp pháp giới, khiến tất cả chúng sanh đều được xuất ly, đều mãn sở nguyện. Trong mỗi mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số Như Lai thân sắc tượng vân nói thệ nguyện quảng đại của tất cả Phật cùng khắp pháp giới.
(Thiện Tài hựu kiến thập chủng quang minh tướng. Hà đẳng vi thập ? Sở vị : kiến nhứt thiết thế giới sở hữu vi trần, nhứt nhứt trần trung, xuất nhứt thiết thế giới vi trần số Phật Quang Minh Võng Vân, châu biến chiếu diệu ; nhứt nhứt trần trung, xuất nhứt thiết thế giới vi trần số Phật Quang Minh Luân Vân, chủng chủng sắc tướng châu biến pháp giới ; nhứt nhứt trần trung, xuất nhứt thiết thế giới vi trần số Phật Sắc Tượng Bảo Vân, châu biến pháp giới ; nhứt nhứt trần trung, xuất nhứt thiết thế giơi vi trần số Phật Quang Diệm Luân Vân, châu biến pháp giới ; nhứt thiết trần trung, xuất nhứt thiết thế giới vi trần số Chúng Diệu Hương Vân, châu biến thập phương, xưng tán Phổ Hiền nhứt thiết hạnh nguyện đại công đức hải ; nhứt nhứt trần trung, xuất nhứt thiết thế giới vi trần số Nhự Nguyệt Tinh Tú Vân, giai phóng Phổ Hiền Bồ Tát quang minh, biến chiếu pháp giới ; nhứt nhứt trần trung, xuất nhứt thiết thế giới vi trần số nhứt thiết Chúng Sanh Thân Sắc Tượng Vân, phóng Phật quang minh, biến chiếu pháp giơi ; nhứt nhứt trần trung, xuất nhứt thiết thế giới vi trần số nhứt thiết Phật Sắc Tượng Ma Ni Vân, châu biến pháp giới ; nhứt nhứt trần trung, xuất nhứt thiết thế giới vi trần số Bồ tát Thân Sắc Tượng Vân, sung mãn pháp giới ; linh nhứt thiết chúng sanh giai đắc xuất ly, sở nguyện mãn túc ; nhứt nhứt trần trung, xuất nhứt thiết thế giới vi trần số Như Lai Thân Sắc Tượng Vân, thuyết nhứt thiết Phật quàng đại thệ nguyện, châu biến pháp giới.)
(善財又見十種光明相。何等為十?所謂:見一切世界所有微塵,一一塵中,出一切世界微塵數佛光明網雲,周遍照耀;一一塵中,出一切世界微塵數佛光明輪雲,種種色相周遍法界;一一塵中,出一切世界微塵數佛色像寶雲,周遍法界;一一塵中,出一切世界微塵數佛光焰輪雲,周遍法界;一一塵中,出一切世界微塵數眾妙香雲,周遍十方,稱讚普賢一切行願大功德海;一一塵中,出一切世界微塵數日月星宿雲,皆放普賢菩薩光明,遍照法界;一一塵中,出一切世界微塵數一切眾生身色像雲,放佛光明,遍照法界;一一塵中,出一切世界微塵數一切佛色像摩尼雲,周遍法界;一一塵中,出一切世界微塵數菩薩身色像雲,充滿法界,令一切眾生皆得出離、所願滿足;一一塵中,出一切世界微塵數如來身色像雲,說一切佛廣大誓願,周遍法界。)
Nếu chư Phật và Bồ Tát không chứng ngộ được lý tính của pháp giới vũ trụ, thì làm sao có thể thấy giữa hư không là một hội hoa đăng, giữa hư không là các đám mây muôn sắc chứa đựng hằng sa thế giới.
Đọc kinh văn, có sự lặp đi lặp lại thuật cú nhứt nhứt trần trung xuất nhứt thiết vi trần số, trong từng hạt bụi, lại sinh ra nhiều thế giới như hạt bui. Sự mô tả này cho thấy thiên hà tự thân là một hạt bụi, trong mỗi hạt bụi thiên hà lại sinh ra thế giới nhiều như bụi, tượng trưng cho hằng tỉ tỉ ngôi sao. mỗi ngôi sao có thể là một vùng cư trú của sự sống.
ð người ngoài hành tinh:
Trước khi đi vào câu hỏi có con người ngoài hành tinh hay không, thì hãy để nhà nữ sinh vật học vũ trụ Lindsay Hays của NASA đưa ý kiến như sau :
Có những mặt trăng băng giá trong hệ mặt trời vòng phía ngoài trái đất như mặt trăng Enceladus của Sao Thổ và mặt trăng Europa của Sao Mộc trông giống như chúng có thể có những đại dương ngầm có thể có sự sống. Và đó chính là những gì có trong hệ mặt trời của chúng ta. Càng tìm thấy nhiều (ngoại) hành tinh xung quanh các ngôi sao khác, chúng ta càng tìm hiểu thêm có bao nhiêu môi trường khác nhau có thể tồn tại cho sự sống.
Chúng ta chưa thể nói chắc chắn liệu người ngoài hành tinh có tồn tại hay không. Trích lời Carl Sagan: “Vũ trụ là một nơi khá rộng lớn. Nếu chỉ có chúng ta thì có vẻ như đó là một sự lãng phí không gian khủng khiếp.”
(There are icy moons in the outer solar system like Saturn’s moon Enceladus and Jupiter’s moon Europa that look like they may have subsurface oceans that could be habitable. And that’s just what’s in our solar system. The more exoplanets we find around other stars, the more we learn about how many different environments could exist for life.
We can’t yet say for sure whether or not aliens exist. To quote Carl Sagan : “The universe is a pretty big place. If it’s just us, it seems like an awful waste of space.”)
Rất nhiều phim ảnh, báo chí, tài liệu nói về ovni, về người ngoài hành tinh, như sự kiện phi thuyền lạ bị rơi ở Roswell New-Mexico vào năm 1947 được báo chí bàn luận mãi đến ngày nay, nhưng chính quyền Hoa Kỳ vẫn nhất định đó chỉ là một chiếc khí cầu trinh thám tối mật của Hoa Kỳ bị sự cố kỹ thuật.
Rất nhiều người tự nhận đã từng thấy đĩa bay sát mặt đất hay đáp xuống ở Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Trung Quốc, Bỉ…nhưng không tài liệu khoa học nào xác nhận. Tất cả, đều chỉ là tin không kiểm chứng của truyền thông.
KinhThánh cũng đề cập đến “người hành tinh”. Lúc gọi “thiên binh” lúc gọi “thiên thần”, lúc khuyên nên thân thiện, lúc bảo không được thờ lạy, trong nhiều đoạn kinh thánh rời rạc, và tầm nhìn về người ngoài hành tinh từa tựa như văn hóa Á Đông nghĩ về người khuất mày khuất mặt. Không gian trong văn hóa Abraham có vẻ như một mái vòm có gắn nhiều sao, là nơi ở của Thiên Chúa và thiên thần, duy nhất chỉ có chiều hướng lên cao, như được thấy trong hai kinh sau đây :
Khi anh (em) ngước mắt lên trời và thấy mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, toàn thể thiên binh, thì đừng bị lôi cuốn mà sụp xuống lạy và phụng thờ chúng. ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã phân chia chúng cho mọi dân thiên hạ (Đệ Nhị Luật 4 :19)
Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết.(Thư Gửi Tín Hữu Do Thái 13:2)
Gần đây nhất, vào tháng 12 năm 2020, một một tín hiệu radio mang tên BLC1 (Breakthrogh Listen Cadidate I) được ghi nhận từ phía ngôi sao Proxima Centauri gần mặt trời của chúng ta nhất ở khoản cách 4.25 năm ánh sáng về phía nam. Tuy nhiên sau đó, tín hiệu này đã bị bác bỏ, và cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu chính thức nào cho thấy có sự sống ngoài trái đất trong một vũ trụ quá vô biên. Nghịch lý Fermi paradox này là dấu hỏi lớn của nhân loại. Người ta tìm cách giải thích nghịch lý này dựa vào sự khám phá ra vị trí của thiên hà nơi chúng ta ở nằm trong khu vực trống không đơn lẻ được gọi là KBC VOID, một vùng trải dài trống không và đen thẳm có kích thước đến 2 tỉ năm ánh sáng mà trong đó chỉ lưa thưa cụm thiên hà Địa Phương (Local Group) và một phần của đại cụm thiên hà Laniakea. Giải Ngân Hà của chúng ta cách trung tâm trống không chỉ chừng vài trăm triệu năm ánh sáng. Đây có lẽ là “vùng quê hẻo lánh thưa thớt dân cư” và là lý do tại sao không có người ngoài hành tinh đến thăm chúng ta.
Từ xa xưa, qua nhiều kinh sách, Phật giáo đã nói về người ngoài hành tinh một cách rõ rệt như xem phim. Điển hình nhất là câu chuyện Đại Mục Kiền Liên du hành không gian đến một nơi cách trái đất chúng ta hằng tỉ năm ánh sáng và gặp Đức Phật Quang Minh Vương Như Lai với chư Bồ Tát có thân hình rất cao lớn mà Mục Liên chỉ có thể bay xuống đáp lên miệng bình bát của họ. Tại nơi đây, Phật Quang Minh Vương Như Lai nói với Đại Mục Kiền Liên rằng thần lực của ông chỉ có thể bay đến bìa của ba nghìn đại thiên thế giới, nhưng nhờ vào thần lực của Phật Thích Ca Mâu Ni mà ông đã bay ra xa đến 99 hằng sa cõi Phật về phương tây mới tới được thế giới Quang Minh Phan.
Sau khi đến được, Mục Liên kiệt sức không thể bay về, lại nhờ thần lực của Phật Thích Ca mà có thể trở về địa cầu chỉ trong nháy mắt. Chuyện được kể trong kinh Đại Bảo Tích để diễn thuyết về âm vực của Như Lai là vô biên không thể đo lường. Nhưng qua câu chuyện có thể rút ra 5 điều :
- Có thế giới khác ngoài hành tinh của chúng ta
- Hình dạng của sự sống mỗi nơi mỗi khác
- Có nhiều tốc độ khác nhau bay vượt hơn ánh sáng. Vận tốc này lại được nói đến ở phần sau với những thuật ngữ path integral, intégrale de chemin.
- Núi Tu Di hay đỉnh Thiết Vi không ở trên địa cầu mà có thể là một đại cụm thiên hà.
- Mỗi vi trần hay mỗi quantum lượng tử đều chứa pháp âm, do vậy, Mục Kiền Liên không thể bay xa hơn âm vực của Như Lai, vì mỗi vi trần đều chứa pháp âm.
- Vũ trụ không thể hữu biên và thuộc về một vị thần linh, vì nếu nó thuộc về một vị thần linh, nó sẽ có biên giới, có khởi điểm và tận điểm.
Ngay trong Phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử đã nhờ thần lực của Phổ Hiền Bồ Tát và Di Lặc Bồ Tát mà đi tham bái nhiều đại thiện tri thức trong mười phương thế giới, gặp mười phương trí thức của vũ trụ.
Dân chúng trong cõi Tây Phương của Đức Phật A Di Đà mỗi sáng đều đem hương hoa cúng dường khắp mười phương chư Phật.
Như vậy, vũ trụ quan Phật Giáo từ lâu đã biết rõ có hằng sa cõi Phật khắp vũ trụ, nên không như các truyền thuyết văn hóa khác chỉ nói chuyện vòm trời, mặt đất và hỏa ngục, chưa học thuyết nào diễn tả được thật chi tiết các cụm thiên hà, các tinh vân, các thế giới trong cùng khắp mười phương. Khẳng định có sự sống khác ngoài địa cầu là điều rất hiển nhiên trong kinh Phật, mà theo theo lý, chỉ trong Giải Ngân Hà thôi, đã có thể có hằng tỉ sự sống khác ngoài tầm hiểu biết của khoa học.
ð Du hành trong thời gian:
Điều thú vị nữa trong kinh Hoa Nghiêm mà ít ai chú ý, đó là sự du hành tự do trong thời gian. Du hành trong thời gian, voyager dans le temps, travel in time, hiện tại, chỉ là một mơ ước của khoa học dã tưởng. Từ lâu, đạo Phật đã quy tụ thời-không vào một niệm. Hãy đọc một đoạn kinh Hoa Nghiêm để thấy có thể du hành trong thời không quá khứ và thời không chưa xảy ra :
Trong chúng hội của Đức Phật đó có Bồ tát hiệu là pháp Giới Sai Biệt Nguyện, cùng thế giới hải vi trần số Bồ tát câu hội đồng đến chỗ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nơi tất cả tướng hảo, tất cả lỗ lông, tất cả thân phần, tất cả chi tiết, tất cả đồ trang nghiêm, tất cả y phục hiện ra tất cả chư Phật quá khứ như đức Tỳ Lô Giá Na v.v… tất cả chư Phật vị lai hoặc đã được thọ ký hay chưa được thọ ký, hiện tại mười phương tất cả quốc độ tất cả chư Phật và chúng hội.
Cũng hiện ra những bổn sự hải thật hành Đàn Ba la mật và tất cả người thọ bố thí thuở quá khứ.
Cũng hiện ra những bổn sự hải thật hành Thi Ba la mật thuở quá khứ.
Cũng hiện những bổn sự hải thuở quá khứ thật hành Nhẫn nhục Ba la mật cắt dứt chi thể tâm không động loạn.
Cũng hiện những bổn sự hải thuở quá khứ thật hành Tinh tấn Ba la mật dũng mãnh bất thối.
Cũng hiện những bổn sự hải thuở quá khứ cầu Như Lai Thiền Ba la mật hải mà được thành tựu.
Cũng hiện những bổn sự hải thuở quá khứ cầu chư Phật Chuyển pháp luân mà được thành tựu pháp phát tâm dũng mãnh tất cả đều xả bỏ.
Cũng hiện những bổn sự hải thuở qúa khứ thích thấy chư Phật, thích hành Bồ tát đạo, thích giáo hoá chúng sanh.
Cũng hiện những bổn sự hải thuở quá khứ những Bồ tát đại nguyện thanh tịnh trang nghiêm.
Cũng hiện những bổn sự hải thuở quá khứ chư Bồ tát thanh lực Ba la mật dũng mãnh thanh tịnh.
Cũng hiện những bổ sự hải thuở quá khứ tất cả Bồ tát tu viên mãn trí Ba la mật.
Tất cả những bổn sự hải như vậy thảy đều đầy khắp quảng đại Pháp giới.
(彼佛眾中有菩薩,名:法界差別願,與世界海微塵數菩薩俱,發彼道場來向此娑婆世界釋迦牟尼佛所,於一切相好、一切毛孔、一切身分、一切肢節、一切莊嚴具、一切衣服中,現毘盧遮那等過去一切諸佛、未來一切諸佛、已得授記、未授記者,現在十方一切國土、一切諸佛并其眾會,亦現過去行檀那波羅蜜及其一切受布施者諸本事海,亦現過去行尸羅波羅蜜諸本事海,亦現過去行羼提波羅蜜割截肢體心無動亂諸本事海,亦現過去行精進波羅蜜勇猛不退諸本事海,亦現過去求一切如來禪波羅蜜海而得成就諸本事海,亦現過去求一切佛所轉法輪所成就法發勇猛心一切皆捨諸本事海,亦現過去樂見一切佛、樂行一切菩薩道、樂化一切眾生界諸本事海,亦現過去所發一切菩薩大願清淨莊嚴諸本事海,亦現過去菩薩所成力波羅蜜勇猛清淨諸本事海,亦現過去一切菩薩所修圓滿智波羅蜜諸本事海;如是一切本事海,悉皆遍滿廣大法界
Bỉ Phật chúng trung hữu Bồ tát, danh : Pháp Giới Sai Biệt Nguyện, dữ thế giới hải vi trần số Bồ Tát câu, phát bỉ đạo tràng lai hướng thử Ta Bà Thế Giới Thích Ca Mâu Ni Phật sở, ư nhứt thiết tướng hảo, nhứt thiết mao khổng, nhứt thiết thân phần, nhứt thiết chi tiết, nhứt thiết trang nghiêm cụ, nhứt thiết y phục trung, hiện Tì Lô Giá Na đẳng quá khứ nhứt thiết chư Phật, vị lai nhứt thiết chư Phật, dĩ đắc thọ ký, vị đắc thọ ký, hiện tại thập phương nhứt thiết quốc độ, nhứt thiết chư Phật tịnh kỳ chúng hội, diệc hiện quá khứ hạnh Đàn Na Ba La Mật cập kỳ nhứt thiết thọ bố thí giả chư bổn sự hải, diệc hiện quá khứ hạnh Hộ Ba La Mật chư bổn sự hải, diệc hiện quá khứ hạnh Sằn Đề Ba La Mật cát tiệt chi thể tâm vô động loạn chư bổn sự hải, diệc hiện quá khứ hạnh Tinh tấn Ba La Mật dũng mãnh bất thoái chư bổn sự hải, diệc hiện quá khứ cầu nhứt thiết Nhu lai Thiền Ba La Mật hải nhi đắc thành tựu chư bổn sự hải, diệc hiện quá khứ Cầu Nhứt Thiết Chư Phật Sở Chuyển Pháp Luân sở thành tựu pháp phát dũng mãnh tâm nhứt thiết giai xả chư bổn sự hải, diệc hiện quá khứ lạc kiến nhứt thiết chư Phật, lạc kiến nhứt thiết chư Bồ tát đạo, lạc hóa nhứt thiết chúng sanh giới chư bổn sự hải, diệc hiện quá khứ sở phát nhứt thiết Bồ Tát đại nguyện Thanh Tịnh Trang Nghiêm chư bổn sự hải, diệc hiện quá khứ Bồ tát sở thành lực Ba La Mật dũng mãnh thanh tịnh chư bổn sự hải, diệc hiện quá khứ nhứt thiết Bồ Tát Sở Tu Viên Mãn Trí Ba La Mật chư bổn sự hải, tất giai biến mãn quảng đại pháp giới.)
Thật kỳ diệu.
Khoa học biết rằng, có nhiều tinh vân, ngôi sao, khi đến được trong tầm nhìn của chúng ta, phải trải qua hằng tỉ năm ánh sáng. Cái mà chúng ta thấy, chỉ là quá khứ của chúng. Có thể chúng đã không còn tồn tại, hoặc đã hoàn toàn biến dạng. Kinh Hoa Nghiêm đã cho thấy những bổn sự hải 本事海 dày đặc trong quá khứ và cả tương lai. Sự du hành trong không gian bằng vận tốc siêu vượt cả ánh sáng và hành trình du hí trong thời gian cũng được mô tả như trò chơi trẻ con. Điều này e rằng phải trăm năm nữa, khoa học mới có thể mường tượng ra được, như ngày nay khoa học vừa mường tượng ra vũ trụ phi hữu phi vô, phi ảo phi thực.
Té ra, muốn hiểu thế giới Hoa Tạng của kinh Hoa Nghiêm, hoặc thuyết Nhất Chân Mao Khổng trong kinh này, phải cần đến sự lý giải từ nhiều trường phái khoa học hiện đại của nhiều thế kỷ 18, 19, 20 và 21 quy tụ lại, không chỉ với học thuyết Hấp Dẫn, Big Bang, thuyết Tương Đối, Cơ Học Lượng Tử, mà còn cần đến những dụng cụ tối tân như kính thiên văn Hubble, kính thiên văn James Webb, các kính cực vi microscopes, các phòng thí nghiệm.
Càng hiểu biết về khoa học, càng thâm tạng được “vũ trụ nhất thể một là tất cả tất cả là một” trong tư tưởng Hoa Nghiêm là định luật của vũ trụ, hơn nữa, vũ trụ và con người, tất cả, đều bị chi phối bởi thuyết vô ngã duyên khởi, nền tảng này lại chính là Tính Không của vạn pháp.
Website Khoa Học Cho Tất Cả (Sciencespourtous) của trường đại học Lyon Pháp đưa ra câu hỏi mà vài thế kỷ trước không ai dám đặt ra :
Phải chăng Vũ trụ được sinh ra từ “hư không” ?
Johan Richard, nhà vật lý thiên văn, lưu ý: “không loại trừ điều này, nhưng rất (rất) phức tạp để trả lời câu hỏi này”.
Một câu hỏi vượt ra ngoài vật lý.
Nhà nghiên cứu nhấn mạnh: “Đây là một câu hỏi đi ngược lại giới hạn hiểu biết của chúng ta”. “Rõ ràng nó đưa chúng ta vượt xa vật lý học, dù rằng hiện nay đang tồn tại những mô thức khác nhau.”
Có thể Vũ trụ được sinh ra từ hư vô, nghĩa là từ một sự trống không.
Thuyết lượng tử cho rằng dao động lượng tử của chân không là nguồn gốc sự xuất hiện của các hạt. Trong điện động lực học lượng tử, năng lượng chứa trong Vũ trụ tạo ra vật chất.
Nhưng chúng ta còn lâu mới có thể thỏa mãn với câu trả lời này.
(Est-il possible que l’Univers soit né de “rien” ?
“Ce n’est pas exclu, mais c’est (très) (très) compliqué de répondre à cette question”, prévient Johan Richard, astrophysicien.
Une question au-delà de la physique
“C’est une question qui se heurte aux limites de nos connaissances”, souligne le chercheur. “Elle nous emmène clairement au-delà de la physique, même si différents modèles existent à l’heure actuelle.”
Il est possible que l’Univers soit né à partir de rien, c’est-à-dire à partir du vide.
La théorie quantique permet qu’une fluctuation quantique du vide soit à l’origine de l’apparition de particules. Dans l’électrodynamique quantique, l’énergie qui est contenue dans l’Univers produit de la matière.
Mais on est loin de pouvoir se contenter de cette réponse.)
Như vậy, chúng ta thấy rằng, khi khoa học bắt đầu khám phá ra vũ trụ phát xuất từ chân không, họ thật kinh hãi. Từ sự kinh hãi này, chúng ta biết ngay họ hiểu không và có là hai trạng thái bất dung của vật chất.
Nhà khoa học sợ hư vô đã đành, ngay kẻ đọc kinh Phật cũng hiểu sắc tức thị không là cuộc đời chẳng là gì cả, cha mẹ tổ tiên, quốc gia xã hội đều không, rồi phỉ nhổ lên thuyết Tính Không Bát Nhã của đạo Phật.
Rất nhiều người lầm tưởng tính không là cái hoàn toàn vô, không có gì. Đây là sai lầm lớn nhất của người học pháp mà chính Long Thụ đã nhấn mạnh, cho rằng kẻ hiểu tính không là vô, còn sai lầm tai hại hơn hiểu tính không là hữu. Vô và hữu luôn đối lập trên hiện tượng, nhưng vô không thể hiện hữu nếu không có hữu và ngược lại. Có thể nói khác đi, trong vô có hữu, và trong hữu có vô, hai đối cực nương nhau mà hình thành và hiện hữu - lý vô ngại. Sự giao phối hữu vô là nhân duyên tương tác. Định luật này được nhìn thấy một cách rất vật lý (physically) trong bản chất của các lượng tử. Người ta dùng từ Vacuum Quantum để đặt tên cho lượng tử, cho thấy bản chất của lượng tử là chân không. Nhưng oái oăm thay, từ cái hạt nhỏ hơn cả vi trần hay vi khuẩn này, lại có thể bùng phát ra vũ trụ vô biên nhờ cái mà khoa học gọi là Vacuum Quantum fluctuations - sự vô ngại ! Nếu không có Tính Không, thì không pháp nào có thể sinh.
Một thí nghiệm về sự quan sát trạng thái của vật chất của Thomas Young qua hai khe (double-slit) trước và sau khi đưa dụng cụ quan sát cho thấy vật chất do tâm biến kế sở chấp (遍計所執 – parikalpita-svabhàva) và y tha khởi tính (依他起性 - para-tantra-svabhāva) làm thay đổi, trở nên sâm la vạn tượng. Khi không được quan sát đo lường, một photon hay electron ở thể sóng phi vật chất, khi được quan sát, vật chất tự thay đổi thể trạng biến thành hạt, dù sự thực vật chất mang lưỡng tính sóng hạt (wave–particle duality). Khi tâm bất động thì sẽ không có chủ thể quan sát và vật thể được quan sát (vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, thọ giả tướng), ở tình trạng này, vũ trụ sẽ trở về trạng thái viên thành thật (圓成實性 - Pariniṣpanna-svabhāva). Trạng thái viên thành thật vượt xa sự hiểu biết đương đại về cơ học lượng tử, vì hiện nay, các tính chất của vật chất chỉ có thể được quan sát và kết luận là hoàn toàn bất định, không thể nắm bắt (principe indéterminism), thí dụ một lượng tử vừa có mặt ở đây, nhưng đồng thời vừa có mặt cùng khắp vụ trụ (path integral, intégrale de chemin), đã giải mã tư tưởng nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất của Hoa Nghiêm. Cảnh giới viên thành thât lại xác định rõ vật chất là không tướng, vô thường, vô ngã, thực tướng của Chân Như Thường Trụ, điều mà khoa học còn cần rất nhiều thời gian để hướng đến.
Những phát hiện gần đây nhờ Thiên Văn Kính James Web như sự phát hiện một số thiên hà có vẻ như xuất hiện trước Big Bang, hoặc những vùng tối (voids) có thể là do sự va chạm giữa hai vũ trụ tạo nên (multiverse) v.v đều dẫn đến sự củng cố cho thuyết vũ trụ trùng trùng duyên khởi được diễn tả trong Hoa Nghiêm Kinh, không khởi đầu, không kết thúc.
Bàn về sự hình thành vạn pháp, Long Thụ có một bài kệ ngắn trong Trung Luận như sau :
Nhân duyên sở sinh pháp, 眾因緣說法,
Ngã thuyết tức thị không, 我說即是空,
Diệc vi thị giả danh, 亦為是假名,
Diệc thị trung đạo nghĩa. 亦是中道義,
Vị tằng hữu nhất pháp, 未曾有一法,
Bất tùng nhân duyên sanh, 不從因緣生,
Thị cố nhất thiết pháp, 是故一切法,
Vô bất thị không giả, 無不是空者.
(the Eagle Nebula - tinh vân chim ưng – Linh Thứu Sơn, nơi Phật giảng kinh Pháp Hoa)
Tì Lô Hoa Tạng Giới
- Quan niệm của các danh gia tây phương
Ngoài kinh thánh và các câu chuyện thần thoại, các danh gia phương tây cũng từng chia sẻ cái nhìn của họ về hư vô và vũ trụ. Bài toán của họ rất đơn giản, hoặc hữu, hoặc vô. Nếu vũ trụ có mặt, nó không thể có từ chân không, thậm chí Leonard da Vinci còn phân biệt rõ ràng chân không (vaccum) và hư vô (nothingness) hoàn toàn khác nhau dù không thể tách rời hai khái niệm này theo cách vật lý.
Gottfried Wilhelm Leibniz viết trong cuốn "Các Nguyên Tắc về Tự Nhiên và Ân Sủng" - Principles of Nature and Grace" như sau :
Tại sao lại có cái gì đó thay vì chẳng có gì cả ? “Không có gì” thực chất đơn giản hơn nhiều so với có một cái gì đó ; nhưng vũ trụ của chúng ta vẫn sờ sờ trước mắt !!!
Câu hỏi bây giờ là : nó hình thành từ đâu ? Câu hỏi đơn giản này giải thích được cho trí óc của chúng ta khái niệm về hư vô và chân không.
(Why is there something rather than nothing ? Indeed the "nothing" is much simpler than the existence of something, but our Universe is there!!!
The question then is: where did it emerge from? This simple question revives in our mind the concepts of nothingness and vacuum.)
Đối với Leibniz, hư vô giản dị đến nỗi nó không cần một thuộc tính nào. Một sự vật không có thuộc tính thì không thể nắm bắt được. Dù ông không đề cập đến khái niệm Thượng Đế trong mệnh đề, đối với triết học Tây phương, có một thuộc tính mà không sự vật nào sở hữu, đó là quyền năng vô biên. Từ quyền năng này, vũ trụ đã hình thành với hằng tỉ vô biên thuộc tính. Leibniz đóng đinh kết luận của mình bằng cách trả lời câu hỏi : nếu tất cả do Thượng Đế sinh, thì Thượng Đế từ đâu mà có ?
Giờ đây lý do đầy đủ này cho sự tồn tại của vũ trụ không thể được tìm thấy trong chuỗi các sự vật ngẫu nhiên...Mặc dù chuyển động hiện tại...phát sinh từ chuyển động đi trước, và đến lượt chuyển động này cũng đến từ chuyển động trước nó, chúng ta không thể tiến xa hơn dù chúng ta có thể đi xa đến đâu, thì câu hỏi đó vẫn luôn tồn tại. Do đó, lý do đầy đủ, mà không cần lý do gì thêm, phải nằm ngoài chuỗi sự vật ngẫu nhiên này và được tìm thấy trong một thực thể... là một thực thể tất yếu chứa đựng lý do cho sự tồn tại tự nội ; nếu không thì chúng ta vẫn chưa có đủ lý do để dừng lại. Lý do cuối cùng của vạn vật được gọi là Chúa.
(Now this sufficient reason for the existence of the universe cannot be found in the series of contingent things....Although the present motion...arises from preceding motion, and that in turn from motion which preceded it, we do not get further however far we may go, for the same question always remains. The sufficient reason, therefore, which needs not further reason, must be outside of this series of contingent things and is found in a substance which...is a necessary being bearing the reason for its existence within itself ; otherwise we should not yet have a sufficient reason with which to stop. This final reason for things is called God).
Câu trả lời này rất giống với Spinoza (xem phần I). Dù cả hai triết gia Tây phương đều đã “giác ngộ” được nửa đường đi đến nhân duyên không tính của vạn pháp, họ vẫn không thể thoát khỏi bóng ma của vị chủ hữu vạn vật mà họ đặt đức tin vào đã hằng thiên niên kỷ. Einstein chịu ảnh hưởng nặng nề về vị thượng đế của Spinoza, nên sai lầm của ông xảy ra khi cho rằng vũ trụ bất biến (permenent) và vĩnh hằng (static), thường kiến này đã đưa ông đến ngõ cụt là không thấy được vũ trụ giãn nở và hoàn toàn bị chi phối bỡi luật vô thường.
Viết đến đây tôi nhớ một kỷ niệm về cha tôi, nên xin mạn phép mở một dấu ngoặc kể lại kỷ niệm ấy.
Cha tôi là một người làm tay chân không biết đọc. Ông rất mê truyện Tàu, nhưng phải đợi khi nào Dượng Ửu nhà bên cạnh làm ty công chánh rảnh rổi sang nhà, cha tôi nấu chè, hai người ngồi cùng uống chè rồi Dượng Ửu đọc Thuyết Đường Diễn Nghĩa, về Uất Trì Cung, về Trình Giảo Kim cho cha tôi nghe. Do mê truyện Tàu quá độ cha tôi phải chịu tiền mua truyện và mua chè đãi người có chữ, và cũng do mê truyện mà cha tôi đã tự học viết và đọc, dù chữ ông viết ngoằn ngoèo như kiến vàng bò ngổn ngang. Một hôm ngồi nhìn ra chân trời, cha tôi đang cưa đục gỗ để làm một cánh cửa cho ai đó, tôi bỗng hỏi cha mình có thể leo lên trời được không ? Cha bảo cứ đi đến chân trời, rồi từ đó leo lên. Tôi hỏi sao mình không leo lên trời ? Cha bảo chân trời thấy vậy nhưng rất xa. Tôi lại hỏi xa là xa bao nhiêu ? Cha nói một người vác một bao mè ngày ăn một hạt, dù đi đến chết cũng không tới được chân trời. Tôi im lặng tỏ ra kinh ngạc. Cha tôi lại nói, chưa ai đến được chân trời, nhưng chắc chắn phải có ông trời, vì nếu không thì ai làm mưa, ai làm gió ? Dĩ nhiên, với tôi, cha là người hiểu biết, nên tôi tin có ông trời, ông ấy ngồi trên nắp lồng bàn, còn chúng ta ngồi bên trong lồng bàn, cái lồng bàn ấy vô cùng vô tận nên không ai có thể đi tới.
Cha tôi vô học, chỉ quan sát và suy tưởng theo tầm nhìn hạn hẹp quê mùa của mình, hình ảnh mộc mạc ấy, vô tình lại là câu trả lời của triết gia vĩ đại Gottfried Wilhelm Leibniz về Thượng Đế : ta cứ lập đi lập lại mãi cái gì là nguyên nhân đầu tiên, đó là một hành trình vô tận phi lí ; để chấm dứt câu hỏi phi lý ấy, tất yếu, một cái gì tự sinh sẽ xuất hiện để tạo ra sự khởi đầu, cái tư sinh nguyên thủy ấy là Thiên Chúa. Đúng vậy, phải có ông trời, nếu không ai sính ra con người ? Ai làm mưa làm gió ? Ai thưởng kẻ làm thiện và phạt kẻ làm ác ?
Leonardo Da Vinci cho rằng :
“Hư vô không có trung tâm, và ranh giới của nó là hư vô. Đối thủ của tôi nói rằng hư vô và chân không là một và giống nhau, tuy chúng được gọi với hai cái tên riêng biệt, nhưng trong bản chất lại không tồn tại sự riêng biệt.
Câu trả lời là bất cứ khi nào có chân không thì cũng sẽ có không gian bao quanh nó, nhưng không có gì tồn tại ngoài sự chiếm hữu của không gian ; Theo đó, hư vô và chân không không giống nhau, vì chân không có thể chia cắt đến vô tận, và hư vô không thể bị phân chia bởi vì không có gì có thể nhỏ hơn nó ; và nếu bạn tham gia vào nó thì phần này sẽ bằng cái toàn thể, và cái toàn thể bằng cái phần tham gia”
(Nothingness has no centre, and its boundaries are nothingness. My opponent says that nothingness and a vacuum are one and the same thing, having indeed two separate names by which they are called, but not existing separately in nature.
The reply is that whenever there exists a vacuum there will also be the space which surrounds it, but nothingness exists apart from occupation of space ; it follows that nothingness and a vacuum are not the same, for the one is divisible to infinity, and nothingness cannot be divided because nothing can be less than it is ; and if you were to take part from it this part would be equal to the whole, and the whole to the part.)
Leonardo da Vinci phân biệt rạch ròi 3 khái niệm, hư vô, chân không, và không gian. Vào thế kỷ thứ 15, sự phân biệt thế này chỉ có thể có trong đầu óc một thiên tài. Rất nhiều người thời nay, cấp học đại học, khi học công nghệ thông tin, khám phá ra giá trị null và blank khác nhau, họ ồ lên một bùng vỡ tri thức. Người không học công nghệ thông tin, e rằng khó có thể giải thích cho họ sự khác biệt giữa chân không và hư vô.
Leonardo là người đại diện bực nhất của nền văn học nghệ thuật Phục Hưng (Renaissance), trong sự “đại diện” này, không thể không có phần nổi loạn chống lại thần quyền tuyệt đối, vì thế ông từng bị gán là dị giáo (heretic). Tuy nhiên với ông, vũ trụ không thể phát xuất từ nothingness, tức là hư vô, như ông nhấn mạnh : nếu bạn tham gia vào nó thì phần này sẽ bằng cái toàn thể, và cái toàn thể bằng cái phần tham gia. Như vậy, hư vô nằm ngoài khái niệm hình thành vũ trụ hiện hữu của ông.
Blaise Pascal đã sống trong hoài nghi và khắc khoải giữa hữu thể và hư vô, trong lời tự thú cực kỳ bơ vơ, dù niềm tin của ông vào thượng đế là hoàn toàn kiên cố :
“Con người trong tự nhiên cuối cùng là gì ? Là một cái không liên quan đến cái vô cùng, tất cả đều chỉ là hư vô, một điểm trung tâm giữa cái không và cái tất cả, và cũng vô cùng xa vời đối với sự hiểu biết. Kết thúc và khởi đầu của sự vật được che giấu một cách bất khả xâm phạm đối với hắn (con người) trong một bí mật không thể xuyên thủng. Hắn cũng không có khả năng nhìn thấy cái hư vô mà hắn bị hút ra và cái vô hạn mà hắn bị nhấn chìm trong đó.”
(For after all what is man in nature ? A nothing in relation to infinity, all in relation to nothing, a central point between nothing and all and infinitely far from understanding either. The ends of things and their beginnings are impregnably concealed from him in an impenetrable secret. He is equally incapable of seeing the nothingness out of which he was drawn and the infinite in which he is engulfed.)
Arthur Schopenhauer:“Phải chăng sau cái chết là hư vô ? Phải chẳng đây là trạng thái của chúng ta trước khi có sự sống ?”
(Nothing after death ? Isn't this the state we were used to before life ?)
Schopenhauer thú nhận sự vô tri về hư vô, tự đặt câu hỏi phải chăng hư vô là cái mà ông không biết, không nắm bắt được, cái hố đen thẳm trước và sau khi chết ? Điều này từng đã vây bủa các thiền sư với công án : bản lai diện mục trước khi cha sinh mẹ đẻ ? Sau khi ta chết vũ trụ vẫn y nguyên hay nó cũng sẽ biến mất ? Với hầu hết kẻ còn sống, thì vũ trụ vẫn tồn tại dù ta chết hay sống. Nhưng với các khoa học gia như Heisenberg với nguyên lý bất định, thì vũ trụ sẽ trở nên bất định với cả hai chiều tâm và chiều chuyển động vật lý. Nó tựa như cơ thể của ta khi đi trên mặt đất ta cảm thấy nặng, xuống nước ta lại thấy nhẹ, và nếu ta hiện diện ở một hành tinh khác, ta lại sẽ cảm thấy khác. Sự khác biệt này hoàn toàn bất định cả về tâm sinh lý lẫn động lượng vật lý. Một lượng tử luôn ở tình trạng fluctuation (ba động - 波動 - vừa mang tính hạt, vừa mang tính sóng) tự tạo ra vị trí và thời gian của chính nó. Bất động, nó sẽ không có thời gian tính nữa, nó sẽ trở nên vô nghĩa.
Victor Hugo cho rằng “Hư vô chủ nghĩa không có bản chất. Hư vô không thể hiện hữu và cái không cũng không hiện hữu. Hư vô là hư vô”.
(Nihilism has no substance. Nothingness does not exist and zero does not exist. Everything is something. Nothing is nothing.)
Nhận xét của Hugo là nhận xét đầy cảm tính của một nhà văn. Nhà văn sống bằng mắt, môi, lưỡi, thính giác, xúc giác, vị giác…sở thấy là có, nếm được là sống, nghe được là thực tại. Thực tại của Hugo là thực tại của cảm giác. Cuộc sống sẽ là hư vô nếu không có cảm giác. Sự hiện hiện của vũ trụ, chính là cảm giác của con người sống trong vũ trụ.
Mặc dù Hugo không đưa ra nhận xét như một triết gia, nhưng cái nhìn của ông rất gần, và cũng rất xa, với cái nhìn của Jean Paul Sartre. Sartre cho rằng “Sự vật tồn tại trước khi hiện hữu, hiện sinh là tiền đề của bản chất, do đó hiện sinh có trước bản chất.”. (Tout existe avant d’être, l’existence est la condition préalable à l’essence, ainsi l’existence précède l’essence). Từ existence ở đây nên được hiểu là hiện sinh, vì khi viết, Sartre nhấn mạnh nó khác với hiện hữu être.
Vừa gần vừa xa, vì Satre đưa ra không chỉ con người cảm giác hay hành động của Victor Hugo, mà con người đầu tiên là con người nhận diện sự hiện hữu như một lựa chọn tự do être pour soi, sau đó mới có con người cảm giác chỉ nương theo bản năng sinh tồn être en soi, và cuối cùng con người phản ảnh sự hiện diện của mình qua cái nhìn của tha nhân être pour autrui.
Friedrich Wilhelm Nietzsche : “Tôi nghĩ, nói gì thì nó cũng có mặt”. (I think, therefore it is.)
Nietzsche có vẻ thật đắn đo (therefore) khi xác nhận sự có mặt của hư vô. Nếu không có hư vô, sẽ chẳng có hiện hữu. Điều này không những đúng trong luận lý học, triết học, mà ngay cả trong vật lý học. Nietzsche đắn đo, vì hư vô, trong một ý nghĩa nào đó, là hành động giết chết Thượng Đế của mình. Nietzsche là kẻ tiên phong giết chết Thượng Đế trên nền trời triết học tây phương. Để những ai không quen với các phạm trù và ngôn ngữ triết học, tôi xin mở chút dấu ngoặc ở đây : Thượng Đế, theo quan điểm thần học và triết học tiền Nietzsche, là nguyên nhân của mọi hiện hữu và suy tư của con người. Con người là vật thụ tạo từ Chúa Trời Yahvé, ông đã nặn đất sét tạo ra thân xác, sau đó thổi sinh khí (sự sống phi vật chất) vào thân xác tạo thành con người. Thần học Kitô giáo lại lập luận khiên cưỡng rằng, Chúa đã ban cho con người sự tự do lựa chọn ăn trái cấm, tức lý trí. Sau khi có lý trí, con người có khổ đau và biến hoại. Chúa cho con người sự vĩnh hằng và bất diệt, con người tự lựa chọn lý trí và tự do để đánh đổi quà tặng vĩnh hằng của Thiên Chúa. Theo ngôn ngữ của Sartre, ở đây, Chúa chỉ tạo ra con người essence, còn tự do liberté, sự nhận ra chính mình dựa vào tha nhân hay vũ trụ bên ngoài autrui là nhờ con rắn và ý chí tự do nội tại. Nếu giết chết Thượng Đế để thiết lập hư vô, thì đó không phải là mong muốn của Nietzsche. Như vậy, khi dùng từ therefore trong ngữ pháp, ta nên hiểu, hư vô của Nietzsche không phải là sự vắng mặt của Thượng Đế.
Vào thế kỷ thứ 19, Nietzsche hoàn toàn chưa biết rằng, vũ trụ có thể được hình thành từ hư không mặc dù cơ học lượng tử đã xuất hiện.
André Malraux : “Điều bí ẩn lớn nhất không phải là chúng ta bị ném ngẫu nhiên xuống mặt đất. Mà là trong nhà tù này, chúng ta vẽ ra những hình ảnh về chính mình đủ mạnh mẽ để phủ nhận sự hư vô của mình”.
(The greatest mystery is not that we are thrown randomly onto the earth. It is that in this prison, we draw images of ourselves powerful enough to deny our nothingness . - Le plus grand mystère n’est pas que nous soyons jetés au hasard sur la terre. C’est que dans cette prison, nous tirions de nous-mêmes des images assez puissantes pour nier notre néant)
Mặc dù cố gắng phủ nhận hư vô, nhưng nó chính lại là cái nền để vị trí nhân bản được thiết lập.
Chúng ta có thể phủ nhận sự hiện hữu của chính mình, nhưng hư ảo hay thực tại đều vô nghĩa khi thân phận con người là một hành trình của khổ đau nếu thiếu ý chí và dũng lực. Với Malraux, viết lại lịch sử của chính mình là sức mạnh vĩ đại nhất để phủ nhận hư vô. Hư vô là cái đi ngược lại thế giới thụ tạo của Thượng Đế trong triết học tây phương. Chấp nhận hư vô đồng nghĩa với phủ nhận Thượng Đế, đó cũng là ý nghĩa của canh bạc của Blaise Pascal hoặc có hoặc không.
Dù vậy, vẫn có những con chiên cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi cái “hữu thể” Thượng Đế luôn ngự trị qua tấm màn thân xác, đã khiến bao thế hệ tư tưởng khắc khoải trăn trở không biết có nên vượt qua ? Tôi cần Thiên Chúa dùng vũ lực để giữ tôi lại, vì nếu bây giờ cái chết loại bỏ tấm màn xác thịt, cho tôi đối mặt với Ngài, thì tôi sẽ chạy trốn. (vì) Yêu sự thật có nghĩa là gánh vác hư vô và do đó, chấp nhận cái chết. Sự thật đứng cùng với cái chết. (J'ai besoin que Dieu me prenne de force, car, si maintenant la mort, supprimant l'écran de la chair, me mettait devant lui face à face, je m'enfuirais. Aimer la vérité signifie supporter le vide, et par suite accepter la mort. La vérité est du côté de la mort. – La pesanteur et la grâce, Simone Weil).
- Kết
Nhiều câu nói được gắn vào miệng của nhà bác học Einstein, cho rằng nhà bác học này tôn sùng đạo Phật, như “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”.
(If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, because it embrances science as well as goes beyond science).
Câu này có nguyên tác Anh ngữ đã là một sự thách thức với văn minh tây phương, dịch ra Việt ngữ bằng môt loại ngôn ngữ kiêu ngạo đậm xung khắc hơn, như “to cop with” thì dịch là “đương đầu”, “need no surrender its view to science - không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học”, đi ngược lại triết lý bình đẳng vô sai biệt của đạo Phật. Theo một số thông tin trên mạng Internet, câu này được cho là do Lama Surya Das viết trong cuốn Awakening the Buddha Within, Eight Steps to Enlightenment.
Tôi đã viết một bài về đề tài này trên sachhiem.net, phân tích rõ câu nào là thực, câu nào là giả, để chúng ta, những người học Phật, giữ đúng giới luật và tinh thần kinh Kalama, không theo tin đồn, không tự sướng khi có những thêu dệt hợp ý với chủ nghĩa phe nhóm. Đạo Phật vượt xa những tranh chấp bỉ thử, ngay cả thực danh còn chẳng màng, huống gì hư danh không rõ nguồn gốc. Einstein được giới trí thức tây phương tôn xưng là vị phật của thời đại khoa học, nhưng chính bản thân ông cũng có quá nhiều sai sót như đã được trình bày về vũ trụ giản nở.
Mặc bài viết này cũng đứng trên lăng kính khoa học để chứng minh kinh Hoa Nghiêm có tầm nhìn vượt xa các thời đại, nhưng tôi không cho rằng đạo Phật vượt xa khoa học. Phật giáo ăn trái xoài, còn khoa chụp hình, mổ xẻ trái xoài để phân chất và nghiên cứu. Phật giáo thỏa mãn tâm thức, khoa học thoả mãn tri thức. Phật giáo không chủ trương lấn sân khoa học. Có một cách nói khác có vẻ đúng khi cho rằng, đạo Phật hướng đến thể nhập thực tại, còn khoa học hướng đến nghiên cứu thực tại.
Hãy cùng nghe ý kiến của ông Donald S. Lopez Jr., giáo sư đại học Michigan chuyên dạy về Phật học và Tây Tạng học nói về tình trạng “tự chế” ra những tâng bốc, những ca tụng về Phật giáo và gắn vào miệng của Einstein như sau :
Mặc dù tuyên bố này được nhiều người cho là của ông, nhưng Albert Einstein chưa bao giờ nói, “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật Giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó.” Einstein dường như thỉnh thoảng đề cập đến Đức Phật trong lúc trò chuyện. Nhưng không gì bắt buộc ai đó phải bịa ra tuyên bố này và gán nó cho Einstein, vị Phật của Thời Hiện đại. Và dù sau khi (biết) Einstein không nói như vậy, những gợi ý liên hệ sâu sắc giữa Phật giáo và khoa học vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
(Although the statement is widely attributed to him, Albert Einstein never said, “The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend a personal God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things, natural and spiritual as a meaningful unity. If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism.” Einstein appears to have occasionally made passing references to the Buddha in conversation. Yet something compelled someone to concoct this statement and attribute it to Einstein, the Buddha of the Modern Age. And since the time when Einstein didn’t say this, intimations of deep connections between Buddhism and science have continued, right up until today).
Nhận xét của Donald S. Lopez Jr. là một lời cảnh tỉnh cần thiết cho một bộ phận Phật giáo cuồng tín ảo tưởng Phật giáo ở vị trí thống trị văn hóa của nhân loại, vô tình biến đạo Phật vốn là một lối sống hòa đồng, bao dung, không phân biệt, trở thành một ý thức hệ muốn thống trị bằng các trị tâm linh.
Nói như thế không có nghĩa là không nên đưa ra các nhận xét mang tính tương quan giữa khoa học và đạo Phật. Tương quan giữa nhận thức khoa học và trực quan của đạo Phật về vũ trụ và con người rất cần được nghiên cứu một cách khách quan, rất có lợi cho đôi bên, nhưng phải tôn trọng sự thật.
Phật giáo, được Einstein xem là tôn giáo có nhiều “tố chất” hoàn vũ hơn các tôn giáo khác, đó là điều duy nhất mà không ai phản bác.
Từ cosmic religion được Einstein sử dụng với ước mong tôn giáo đưa ra một lối sống không có quốc gia, không có biên giới, không có màu da hay khác biệt truyền thống, tựa như vũ trụ dung chứa tất cả các hành tinh, trăng sao đến chùm tinh vân, thiên hà và ban phát sự sống…
Eintsein ca tụng các thánh vịnh David, cho rằng nó có nội dung tôn giáo vũ trụ. Tuy ông không đưa ra chi tiết, nhưng đọc Thánh Vịnh, chúng ta thấy trần thế như là bầy cừu, mà người chủ chăn là Thiên Chúa. Giữa bầy cừu và đấng chủ chăn có một trật tự yêu thương, bao che, và ban phát rất siêu hình. Sau đây là một đoạn ngắn Thánh Vịnh (Psalm 23 :1-6) theo bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn :
1 Yavê chăn dắt tôi, tôi không thiếu gì. 2 Trong đồng cỏ xanh, Người ràn tôi lại, bên nước nôi an nghỉ, Người dẫn tôi đến. 3 Hồn vía tôi, Người cho lại sức, Người dắt tôi trên đường nẻo chính, vì Danh Người. 4 Dẫu phải qua ghềnh u tối, họa tai tôi chẳng sợ. Vì đã có Người ở với tôi, côn của Người, gậy của Người làm tôi an dạ. 5 Cỗ bàn, Người bày trước mặt tôi, chọc mắt địch thù. Đầu tôi, Người xức đượm dầu, chén tôi trào rượu. 6 Vâng, những phúc cùng ơn dõi dõi theo tôi, suốt mọi ngày đời tôi. Nơi nhà Yavê, tôi sẽ ở lại những ngày trường miên...
Đối với mọi sinh linh sống trên trần thế, ai ai cũng muốn có ăn, có mặc, có một mái ấm, sống thiện lương, chết thiện lương theo dấu gậy và cây roi của chủ chăn, không sợ thú dữ, không sợ cạm bẫy hầm hố, hoàn toàn giao phó sinh mạng và đời mình vào quyền lực vào tình yêu của Đấng chăn dắt. Điều này cho thấy sự phân biệt bất di dịch giữa người chủ và vật thụ tạo. Vai trò của con người, trong thế giới của Thiên Chúa không bao giờ khác hơn là một con cừu, không thể có sự tiến hóa vươn lên.
Nghe thì thấy có gì hơi bị thiếu nhân cách, nhưng bên đạo Phật cũng không hơn gì, cũng lạy Phật để được phước báu, bố thí để được đền bù, cúng dường để được thiện sinh. Văn hóa Do Thái trao vào tay Thiên Chúa sự ban phát và trừng phạt, bên Phật giáo vào tay vị thần nhân quả hay thần lực của long thiên. Mục đích của sự ăn ngay ở lành, cúng dường bố thí, được giải thích rất kinh tế học là một cuộc đầu tư, một vốn bốn lời, thậm chí nghìn vạn lời, kể cả những người lặn lội thật xa, thức đêm thức hôm, để được đến và quỳ lạy lễ bái cúng dường một vị sư khố rách áo ôm ngủ bờ ngủ bụi hoàn toàn vô sản, nghèo mạt và trơn trụi đến nỗi ngay tờ giới điệp chứng nhận là sư cũng không có. Nhưng phước báu chỉ là phương tiện, mà hầu hết mọi thuyết giảng thời đại lại biến nó thành cứu cánh, kẻ giảng cầu lợi lộc vật chất cho hiện kiếp, người nghe cầu lợi lộc vật chất cho đời sau. Ý chỉ của Bồ Đề Đạt Ma nhắc nhở Lương Võ Đế được trân trọng bỏ quên trong ngăn kéo. Sự thật, cánh cửa giải thoát mới là mục tiêu tối thượng của đạo Phật, vô cầu, vô đắc, vô úy, nó vượt lên trên tầng phước báu, nơi mà đạo Phật không hơn các tôn giáo khác. Bồ tát nhìn vào nhân, chúng sinh nhìn vào quả. Bồ tát sợ tâm vẩn đục chứ không sợ quả dữ. Nếu sợ quả dữ thì làm sao dám địa ngục vị không thệ bất thành phật.
Phước, hay phúc褔, được ghép lại từ 4 chữ : y, nhứt, khẩu, điền. Cứ theo lối chiết tự của người Trung Hoa, thì của ăn, của mặc, ruộng đất, nhứt nhứt đầy đủ, đó là phúc. Chữ này rất giống với chữ phú 富là giàu sang. Ta thấy hai chữ chỉ thay đổi bộ y 衣 thành bộ miên 宀, quần áo thành mái nhà.
Sư Minh Tuệ dạy bỏ tham, sân, si, mà ai ai cũng tìm ngài để cầu phúc báu, là một dạng tham đắm của người giàu có với đầy đủ phương tiện xuất ngoại. Cho thấy, càng giàu lại càng có nhiều cơ sở và cơ hội để đầu tư và phát triển hơn.
Con người không làm cừu dưới sự chăn dắt của Thiên Chúa, thì cũng làm nô lệ cho nhân quả nghiệp báo. Nếu tôi ghép hai khái niệm này lại, thượng đế = nhân quả, thì có gì khác nhau ?
Chắc chắn sẽ có nhiều nhà thần học cho rằng Thiên Chúa đứng trên cả nhân lẫn quả, nghĩa là ngài có thể làm trái các định luật vật lý hay nhân quả ; còn các nhà Phật học lại cho rằng nhân quả do chính chúng sinh tự tạo, hoàn toàn không do thần linh định đoạt ; dù biện luận thế nào, đối với thân phận con người, sự cầu xin hồng ân Thiên Chúa hay săn tìm phước báu để nhiều đời sau được giàu sang hạnh phúc đều là nô lệ cho tham ái, chỉ khác nhau cách diễn đạt.
Khi Einstein cho rằng Thánh Vịnh mang nhiều tính vũ trụ tôn giáo, là nhắm đến cuộc hạnh phúc nhân sinh, cũng tức là phúc báu. Tôn giáo vũ trụ cosmic phải là một tôn giáo mang lại an lạc cả tinh thần lẫn vật chất theo như đã dẫn.
Chúng ta đã khảo sát vũ trụ của nhứt thần giáo là một “quốc độ” do thần linh tạo ra và cai quản và, khi có một biên giới của sự cai quản hay ngự trị, nội hàm đó tự nó đã thừa nhận không vô biên. Văn hóa Do Thái sơ khai minh họa trái đất như chiếc đĩa nổi trên mặt nước, ở trên là mái vòm cứng chắc (raqia tiếng gốc Do Thái) phân rẽ nước trên trời và nước dưới mặt đất, là thiên cung nơi Thiên Chúa ngự trị có các thiên thần vây quanh được wikipedia tường thuật như sau :
Vũ trụ của người Israel cổ đại được hình thành như một Trái đất hình đĩa dẹp nổi trên mặt nước, thiên đường ở trên, địa ngục ở dưới.Con người sinh sống trên Trái đất khi còn sống và địa ngục sau khi chết, và ở địa ngục thì phi thiện phi ác ; chỉ vào thời Hy Lạp hóa (sau khoảng năm 330 trước Tây lịch), người Do Thái mới bắt đầu chấp nhận ý tưởng của người Hy Lạp rằng đó sẽ là nơi trừng phạt những hành vi sai trái , và rằng người công chính sẽ được hưởng cuộc sống bên kia trên thiên đàng. Cũng trong thời kỳ này, vũ trụ theo dạng ba tầng cũ được thay thế một cách phổ biến bằng khái niệm Hy Lạp về Trái đất hình cầu lơ lửng trong không gian ở trung tâm của một số thiên giới vây quanh. Niềm tin rằng Chúa tạo ra vật chất từ hư không được gọi là creatio ex nihilo (ngược lại với creatio ex materia). Đó là học thuyết chính thống được chấp nhận bởi hầu hết các giáo phái Do Thái giáo và Cơ đốc giáo. Hầu hết các giáo phái Kitô giáo và Do Thái giáo đều tin rằng một Thiên Chúa duy nhất, vô tạo, là đấng tạo ra vũ trụ.
(The universe of the ancient Israelites was made up of a flat disc-shaped Earth floating on water, heaven above, underworld below. Humans inhabited Earth during life and the underworld after death, and the underworld was morally neutral ; only in Hellenistic times (after c.330 BC) did Jews begin to adopt the Greek idea that it would be a place of punishment for misdeeds, and that the righteous would enjoy an afterlife in heaven. In this period too the older three-level cosmology was widely replaced by the Greek concept of a spherical Earth suspended in space at the centre of a number of concentric heavens. The belief that God created matter from nothing is called creatio ex nihilo (as opposed to creatio ex materia). It is the accepted orthodoxy of most denominations of Judaism and Christianity. Most denominations of Christianity and Judaism believe that a single, uncreated God was responsible for the creation of the cosmos.)
Như ta thấy trong đoạn văn, khái niệm nguyên thủy của văn minh Do Thái là một thế giới 3 tầng, bên trên là nơi Chúa ngự cùng các thiên thần, chính giữa là cái đĩa dẹp nổi lên giữa mặt nước là nơi con người ở, và địa ngục là nơi con người cư ngụ sau khi chết. Khi chấp nhận ảnh hưởng Hy Lạp mới có trái đất hình cầu treo lơ lửng, chung quanh hình cầu cũng chỉ lác đác vài thiên thể vây quanh như Jupiter, Venus, Saturne (xem) ..., không phải vũ trụ vô biên theo cách được diễn tả trong văn học Phật giáo. Động từ “lơ lửng” để diễn tả trái đất trong văn hóa Hy Lạp hay trong kinh thánh Job (26 :7), được trình bày như đó là một phép lạ hoặc quyền năng do thần linh thực hiện, ngữ cảnh hoàn toàn bị sức hút của trái đất áp chế, không biết rằng ngoài không gian, các thiên thể ở nơi chốn của chúng như con người ở trên mặt đất, cá lội trong nước, chẳng ai treo hay cột cả. Để hiểu được vị trí tự nhiên của trái đất không treo không cột, thì phải hiểu thuyết tương đối của Einstein. Trái đất là một hạt vũ trụ, là thành phần của cấu trúc hỗn hợp không - thời gian không tách rời, do tác động bởi lực hấp dẫn, nhờ sự uốn cong của không thời gian được tạo ra bởi vật chất và năng lượng. Ngày nay, các phi hành gia sống trong các trạm vũ trụ không gian bay lượn như cá lội trong nước, có thể uống nước đổ từ dưới lên trên, là bởi vì giữa không gian không có cao thấp thượng hạ, không có phương hướng bắc nam nhờ quyền năng treo (suspend) hay trải (spread) của thượng đế như ngài đã treo trái đất và trải bắc cực trong kinh Jobs. Ở giữa không gian thì từ trường của trái đất đã không còn nằm trong sự cai quản của Thiên Chúa.
Phật giáo và Ấn giáo Upaniṣad gọi tất cả mọi động vật có sự sống tuần hoàn sinh diệt là thế giới ta bà mà tiếng Anh, Pháp dịch rất gợi hình là transmigration bao gồm trái đất.
Tuy không có từ vũ trụ trong các kinh, nhưng Hoa Nghiêm gọi vũ trụ là các thế giới hải, hoặc trong kinh A Di Đà là tam thiên đại thiên thế giới, còn nơi con người ở được cho là cõi Diêm Phù Đề (閻浮提 Jambu-dvìpa). Mỗi Đức Phật sẽ xuất hiện trong một thế giới để độ sanh, tương ứng với mỗi vi trần số đều có pháp âm. Cho thấy Phật giáo đã khái niệm vũ trụ và thế giới là hai phạm trù khác biệt, không nhập nhằng như tây phương, lúc gọi trái đất là vũ trụ, lúc gọi là thế giới, vì họ kẹt vào văn hóa nguồn của họ trong khung thuyết sáng tạo (creationism). Tuy nhiên, họ cũng minh nhiên thừa nhận rằng, mãi cho đến khi hệ Nhật tâm Heliocentrism ra đời và được quảng bá sâu rộng, thì vũ trụ của văn học hay truyền thống tây phương theo Kitô Do Thái đểu chỉ xem trung tâm vũ trụ chính là con người, như được khẳng định trên một trang wikipedia khác :
Như vậy, tất cả đều quan niệm vũ trụ là địa tâm, theo các thuyết của Aristote và Ptolemée.
Một số đoạn trong Kinh thánh cũng được viết theo nghĩa tương tự, chẳng hạn như dòng này trong Thi thiên (Thiên Chúa vua vũ trụ):
“Chúa đã đăt để Trái đất bất động và vững chắc.”
(Tout le monde se représentait donc l'univers comme géocentrique, selon les théories d'Aristote et de Ptolémée.
Quelques passages de la Bible étaient également rédigés dans le même sens, comme cette ligne du psaume (Dieu roi de l'Univers) :
“Tu as fixé la Terre immobile et ferme.”)
Sự mơ hồ nhập nhằng của trí thức và khoa học tây phương về ngữ học thế giới - world là nơi loài người ở, và vũ trụ - universe, là nơi chứa đựng các thế giới, như được phân tích, là do hiệu ứng từ biên giới văn minh. Còn từ cosmos nguyên thủy là một từ Hy Lạp, có nghĩa là trật tự, trang trí cho đẹp, trái với nghĩa chaos là hỗn loạn xấu xí. Chaos rất đồng dạng với hình ảnh thiên địa huyền hoàng, vũ trụ hồng hoang trong Thiên Tự Văn của Chu Hưng Tự. Từ cosmo-politan là công dân thế giới với hàm ý mặt đất thuộc về nhân loại, không có biên giới chủng tộc hay ngôn ngữ và truyền thống dị biệt. Hoa Kỳ là quốc gia cosmopolitan nhất trên thế giới. Từ cosmetic chỉ cho sản phẩm làm đẹp của phụ nữ cũng từ đây mà ra. Khi các nhà vật lý học thiên văn dùng từ này để chỉ cho sự hài hòa thiện mỹ của vũ trụ, thì các nhà thần học đã tìm cách giải thích nó vào với khái niệm sáng tạo của Thiên Chúa, họ biện luận rằng, trước khi Chúa định đặt vũ trụ, tất cả chỉ là một khối hỗn mang vô nghĩa. Họ đưa hình ảnh thần khí của Thiên Chúa bay là đà trên mặt nước và bảo, có ánh sáng, liền có ánh sáng ; Chúa bảo có mặt đất, liền có đất nổi lên trên mặt nước vân vân, và ngày cuối cùng, Chúa vui vẻ vì : Ấy vậy, trời đất và muôn vật đã dựng nên xong rồi - And the heaven and the earth and all things in them were complete. (Sáng Thế Ký 2:1). Trong cái thế giới sáng tạo của Chúa, chỉ bao gồm Chúa, các thiên thần, con người và loài vật. Bên trên là thượng giới nơi chúa ngự, bên dưới là địa ngục. Không thể có không gian vũ trụ phía bên kia hay bên dưới con người, không hề nói đến các thế giới hay cuộc sống ngoài trái đất. Sự nhập nhằng của khoa học tây phương nằm ở đây. Nếu nói Chúa không tạo ra vũ trụ, thì hơn 1 tỉ tín đồ Kitô-Do Thái giáo bị hụt hẫng sẽ quay lưng với khoa học, còn nói Chúa tạo ra vũ trụ thì không đúng với thánh kinh, do vậy mà hai từ World và Universe được xử dụng nhập nhằng tranh sáng tranh tối để có thể nghĩ sao cũng không sai.
Riêng từ Cosmos với hai ý nghĩa được trình bày, nó ứng hợp một cách kỳ diệu với Hoa Tạng và Pháp Âm giới của kinh Hoa Nghiêm ; nghĩa đầu là trật tự trong hài hòa giao hưởng, nghĩa thứ hai là trang trí hoa lệ ; âm thanh và màu sắc tự biểu diễn nhiên tính của chúng mà không cần một nhà thiết kế nào cả.
Từ universe vũ trụ, cũng tương thích lạ lùng với vũ trụ quan phật giáo.
Cơ quan NASA định nghĩa vũ trụ như sau :
Vũ trụ là tất cả. Nó bao gồm tất cả không gian, tất cả vật chất và năng lượng mà không gian chứa đựng. Nó thậm chí còn bao gồm cả thời gian và tất nhiên, nó bao gồm cả bạn.
(The universe is everything. It includes all of space, and all the matter and energy that space contains. It even includes time itself and, of course, it includes you.)
Định nghĩa của NASA mới chỉ vẽ được nửa sự thật của nhứt tức nhứt thiết, vũ trụ là tất cả. Vũ 宇không gian, trụ 宙thời gian.
Nhưng yếu nghĩa của Hoa Nghiêm còn có vế thứ hai, nhứt thiết tức nhứt, một mảy may năng lượng hay vật chất có thể chứa đựng hết vũ trụ.
Yếu nghĩa ấy nói về sự tương quan tương duyên chằng chịt của tất cả mọi sự vật trong vũ trụ. Sự vật này tức là sự vật kia, sự vật kia tức là sự vật này; một sự vật có mặt trong tất cả mọi sự vật, tất cả mọi sự vật có mặt trong một sự vật; một sự vật tức là tất cả các sự vật, tất cả các sự vật tức là một sự vật. Lý duyên khởi cho thấy một sự vật không thể tự nó có mặt, mà do vô số các sự vật khác, không phải là nó, hợp lại cấu thành. Ở đây, có sự hiển hiện phép lạ Hoa Nghiêm SỰ SỰ VÔ NGẠI PHÁP GIỚI.
Einstein cũng nói về vũ trụ tương tự như sau :
Con người là một phần của tổng thể cái mà chúng ta gọi là vũ trụ, phần bị giới hạn về thời gian và không gian. Người trải nghiệm bản thân, suy nghĩ và cảm xúc của mình như một thứ gì đó tách biệt với phần còn lại, một loại ảo ảnh quang học của ý thức. Ảo tưởng này là một loại nhà tù đối với chúng ta, hạn chế chúng ta vào những ham muốn cá nhân và tình cảm của một số người thân thiết với chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giải thoát mình khỏi nhà tù này bằng cách mở rộng vòng tròn từ bi để đón nhận mọi sinh vật sống và toàn bộ thiên nhiên trong vẻ đẹp của nó.
A human being is a part of the whole called by us universe, a part limited in time and space. He experiences himself, his thoughts and feeling as something separated from the rest, a kind of optical delusion of his consciousness. This delusion is a kind of prison for us, restricting us to our personal desires and to affection for a few persons nearest to us. Our task must be to free ourselves from this prison by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature in its beauty.
Donald S. Lopez Jr. đã nhắc đến tên tuổi của Einstein như một vị Phật.
Tư tưởng và quan điểm của Einstein rất giống với vũ trụ quan Phật giáo, có lẽ do vậy mà đại sư Osho (Bhagwan Shree Rajneesh) đã viết một cuốn sách với nhan đề Einstein the Buddha : A Vision for the New Man - Phật Einstein : Một cái nhìn cho Con Người Mới, trong đó, Osho xem Einstein như vị Phật của thời đại khoa học ; và McFarlane Thomas J. với cuốn Einstein and Buddha : The Parallel Sayings - Einstein và Đức Phật : Những Lời Nói Song Song, đưa ra những tư tưởng tương thích rất cân đối song song giữa Einstein và Phật giáo. Nên, khi Einstein nói :
Tôi khẳng định rằng cảm giác tôn giáo vũ trụ là động lực mạnh mẽ và cao quý nhất cho nghiên cứu khoa học, (I maintain that the cosmic religious feeling is the strongest and noblest motive for scientific research -- J'affirme que la religiosité cosmique est le mobile le plus fort et le plus efficace de la recherche scientifique),
điều này đã vô hình trung xây dựng một sự song hành giữa khoa học và Phật giáo.
Tuy nhiên, đừng hiểu nhứt tức nhứt thiết, nhứt thiết tức nhứt một cách quá nghiêng về vật lý học như sự giải nghĩa universe của khoa học, mà phải hiểu vạn sự vạn vật được bao gồm trong 4 pháp giới (lý, sự, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại) và 6 tướng (tổng, biệt, đồng, dị, thành, hoại).
Bùn trong ao ai cũng gớm nhưng vô ngại với hoa sen và hoa súng.
Xác chết rữa thối ai cũng ghê rợn lại vô ngại với giòi bọ, và chính giòi bọ biến sự dơ bẩn này thành màu mỡ trong đất nuôi dưỡng hoa quả cây trái, rồi rau trái nuôi dưỡng động vật.
Cái nhìn Bát Nhã của đạo Phật là bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
Đây mới thực là chân, thiện, mỹ.
Khoa học hướng đến chân, xã hội hướng đến thiện, văn hóa hướng đến mỹ. Ba chữ này là đầu môi chót lưỡi của mọi tôn giáo và tổ chức, nhưng quy tụ được ba hướng đến này, chỉ có thể là nơi chốn của đạo Phật. Câu nói đạo nào cũng dạy làm điều tốt biểu lộ chỉ là một nỗ lực hướng thiện, họa hoằng được vài phần hướng mỹ, còn để đạt được chân, thì trước hết phải loại bỏ mọi ngụy trá của tín ngưỡng, văn minh, văn hóa, truyền thống, biên giới, phân biệt, vượt khỏi sinh tử, đầu cuối, trả lại vũ trụ hình ảnh như như của nó. Phật giáo gọi cái như như bất khả thuyết là Tính Không được gói gọn trong câu : Thị chư pháp không tướng bất sinh bất diệt…
Khi còn trẻ, đọc Hoa Nghiêm không vào, vì thấy toàn chuyện hư ảo, đặc biệt khi tiếp cận với vật lý học không gian và lượng tử, tôi mới lãnh hội được phần nào kinh Hoa Nghiêm.
Càng có nhiều phát triển khoa học, càng hiểu sâu hơn về đạo Phật từ khoa học vi mô đến khoa học vĩ mô. Càng có nhiều phát triển khoa học, càng thấy được các truyền thống tôn giáo độc thần đều trở nên bán khai nhiều chất mê tín hơn chất khoa học.
Để kết luận bài này, xin nhường lời cho Gerald Du Pré được học giả Trần Chung Ngọc trích dẫn và dịch như sau :
"Trong thế kỷ này, đã có nhiều công cuộc hòa hợp tôn giáo trên thế giới, với mục đích đáng tán thưởng là tìm ra những điểm chung giữa các tôn giáo. Tuy nhiên, điều này không làm cho tôn giáo sống lại, vì những thứ mà hầu hết những tôn giáo cùng có là lòng tin, giáo điều, thánh kinh và các thần tính, tất cả những thứ này làm cho các tôn giáo đó không tương hợp với khoa học. Phật giáo (cùng với Lão giáo) là một biệt lệ, vì Phật giáo không phải là một tín giáo, không có giáo điều cứng nhắc, không có thần quyền và không chấp nhận hiệu lực của bất cứ ai khác. Tôi không tin rằng chúng ta nên tìm cách hợp nhất Phật giáo với các tôn giáo khác. Điều này chỉ dẫn đến sự lẫn lộn. Chúng ta hãy cố gắng tranh đấu để hợp nhất Phật giáo và khoa học, để tạo nên một tôn giáo khoa học cho thế giới hiện đại. Khoa học Phật giáo sẽ làm tan biến sự hoang mang, bối rối bằng cách làm sáng tỏ và hợp nhất lý thuyết và phương pháp hành trì Phật giáo để làm một căn bản giác ngộ vững chắc, hữu hiệu cho người phương tây".
(During this century, a great deal of works has been done for uniting the religions of the world, with the praiseworthy object of discovering what they have in common, and for promoting tolerance among them. However, this had not lead to a revival of religion, because what most religions have in common is faith, devine scriptures and deities, all of which make them incompatible with science. Buddhism (along with Taoism) is the great exception to this, for it is not a faith, has no dogma or devine authority of its own and does not accept the validity of anyone else's.
I don't believe that we should be trying to unite Buddhism with other religions. This only leads to confusion. Instead, we should be striving to unite Buddhism and science, so as to produce a religions of science for our modern world. Science Buddhism will dispell confusion by clarifying and unifying Buddhists practice and theory and making it an effective stepping-stone to enlightenment for Westerners" (Scientific Buddhism by Gerald Du Pré, in "Buddhism and Science", Edited by Buddhadasa P.Kirthisinghe, New Delhi, India, 1984)
Paris, đầu xuân 2025.
Trần Trọng Sỹ