Vì không có tín điều cố định, hay nói đúng hơn, vì khích lệ sự thẩm tra cá nhân, Phật giáo hoàn toàn không thể tránh khỏi tình trạng triển khai thành một chuỗi các truyền thống triết học đa dạng ở cấp độ rộng lớn và vào một thời điểm chắc chắn sẽ đến. Hơn nữa, cùng với thời gian trôi qua và công cuộc truyền giáo trên các miền đất khác nhau của nước Ấn cổ đại bao la, Phật giáo cũng không khỏi mang vào mình những hiện tượng tôn giáo và văn hóa mới, được thông giải dưới ánh sáng của những lời giảng đặc thù của đạo Phật.
Thật
ra, từ khi Đức Phật nhập diệt, Phật giáo đã có phân chia.
Ở đây, chúng tôi dùng chủ yếu thuật ngữ ‘truyền thống’
để nhấn mạnh khía cạnh triết học, thay cho cho chữ bộ
phái như các học giả Phật giáo thường dùng. Phần quá trình
diễn tiến phân rẽ, các chi tiết về giáo lý và giáo luật
đặc thù cùng những nhân vật liên hệ sẽ được bàn tới
nhiều hơn trong bộ sách Lịch sử các tôn giáo thế giới
của cùng một tác giả.
Ba truyền thống
Về mặt danh xưng, Nam tông và Bắc tông là danh từ địa lý; Tiểu thừa và Đại thừa để chỉ căn bản khác biệt của tư tưởng và giáo lý giữa các bộ phái. Nói chung, người ta thường chia Phật giáo thành ba thừa, hoặc ba cổ xe.
1. Tiểu thừa. Cổ xe nhỏ. Hai tiếng Tiểu thừa bị coi là khá xúc phạm, có hàm ý chê bai là hẹp hòi nên trong kỳ Hội nghị Phật giáo Thế giới họp tại Katmandu, Nepal năm 1956, đại hội đề nghị thay vào bằng lối gọi ‘Phật giáo Nguyên thủy’. Ở đây, thỉnh thoảng chúng tôi có dùng là chỉ để tiện trình bày trong một bối cảnh lịch sử nhất định. Đại biểu của phái Tiểu thừa cho rằng họ theo sát những lời giảng nguyên thủy của Đức Phật. Tiểu thừa còn được gọi là Nam tông Phật pháp vì thịnh hành tại các nước nam Á như Sri-Lanka, Thái Lan, Miến Điện, Campuchea, Lào và Nam Việt Nam.
Theo truyền thuyết, Tiểu thừa gồm 18 bộ phái khác nhau, nhưng truyền thống chính kéo dài cho tới nay là Theravada, có nghĩa là truyền thống Trưởng Lão bộ hay truyền thống Thượng tọa bộ.
2. Đại thừa. Cổ xe lớn. Tuy tư tưởng của trường phái này đã có dấu vết từ trong Kinh điển của các bộ phái, kể cả Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ trong thời kiết tập, nhưng phải đến thế kỷ thứ nhất TCN, mới xuất hiện một cách có hệ thống. Phái này tự cho mình là cổ xe lớn vì dựa vào tính đa dạng về giáo pháp để mở đường cho một số lớn chúng sinh có thể tu tập và giác ngộ.
Đại thừa xuất phát phần lớn từ hai nhánh của Tiểu thừa là Đại chúng bộ và Nhất thiết hữu bộ. Sau đó, cũng chia ra thành nhiều bộ phái khác nhau. Được gọi là Bắc Tông vì Đại thừa từ Ấn Độ truyền qua Tây Tạng, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Bắc Việt Nam. Chúng ta sẽ có hẳn một chương bàn về Đại thừa.
3. Kim cương thừa. Cổ xe kim cương. Còn gọi là Chân ngôn tông. Kim cương thừa xuất hiện trong khoảng thế kỷ 5 hoặc 6 SCN tại Bắc Ấn Độ. Truyền thống này bắt nguồn từ Đại thừa nhưng lấy thêm những phương pháp tu học huyền bí, có tính bí truyền sư môn. Giáo pháp của Kim cương thừa mang tính chất Mật giáo, bao gồm các yếu tố Yoga và các tôn giáo tự nhiên của Ấn hòa trộn với tư tưởng Phật giáo, nên cũng được gọi là Mậât Tông.
Kim cương thừa được truyền sang Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản. Chúng ta sẽ bàn tới riêng trong một chương ở phần sau.
Dù truyền thống nào cũng tuyên bố rằng mình trở về nguồn
cội lời giảng của Đức Phật, nhưng về mặt lịch sử,
có lẽ các học giả chấp nhận một cách rộng rãi rằng
truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, được truyền xuống
chúng ta qua kinh điển Pali, với bộ sưu tập cổ nhất còn
tồn tại của kinh điển Phật giáo, và được gìn giữ cho
tới hôm nay trong truyền thống Theravada, là biểu hiện gần
gũi nhất mà chúng ta có thể có đối với Phật Pháp.
Truyền thống Trưởng lão bộ
Trong lần tập kết thứ hai, một đại hội của các thủ lãnh các tăng đoàn Phật giáo vào khoảng năm 345 TCN, có sự nứt rạn căn bản giữa truyền thống Đại chúng bộ, những người muốn có sự thông giải rộng rãi hơn các thực hành tu tập, và truyền thống Trưởng lão bộ, những người chủ trương duy truyền thống. Trong số các phái thuộc Trưởng lão bộ, đại diện duy nhất còn tồn tại tới hôm nay là truyền thống Theravada, nay được gọi một cách qui ước là Phật giáo Nguyên thủy.
Truyền thống Trưởng lão cho rằng Đức Phật là một con người thông thường và rằng các đệ tử đã giác ngộ của ngài, được gọi là A-la-hán, cũng có sự thành tựu ngang với ngài. Họ cổ vũ những chiêm nghiệm phân tích, thường được gọi tổng quát là quán tưởng, liên quan tới sự phân tích có hệ thống các dharmas, và có khuynh hướng bác bỏ bất cứ cái gì bị họ xem là chi tiết tỉ mỉ hoặc suy tưởng liên quan tới Đức Phật.
Người theo Trưởng lão bộ cho rằng cái chúng ta tri giác bằng giác quan là thế giới ngoại tại và độc lập với việc chúng ta đang tri giác nó. Các trải nghiệm của chúng ta không là những biểu hiện mà từ đó chúng ta phải suy ra các sự việc ngoại tại; chúng là những sự việc ngoại tại, chúng ở đó, như được chứng nghiệm qua các giác quan của chúng ta. Do bởi sự thực hành phân tích trong quán tưởng, ta ngày càng, một cách đơn giản, nhận biết hơn những tinh tế của cái đang hiện hữu.
Những kẻ đối lập với họ, tức là truyền thống Đại
chúng bộ, cho rằng tính chất thông thường bên ngoài của
Đức Phật thật ra chỉ là ảo giác, và rằng trong thực tế,
ngài vượt lên trên sự bình thường; ngài chào đời bằng
cách bước xuống từ cạnh sườn bên phải của người mẹ
và không có những tạp chất bình thường. Lối tiếp cận
này là điềm báo trước các trường phái Đại thừa trong
Phật giáo. Cách riêng, họ bắt đầu phát biểu về Đức
Phật như là đấng có một quá trình phát triển băng qua nhiều
lần chào đời khác nhau, trong mỗi kiếp được gọi là Bồ
Tát — vị Phật tương lai — đều triển khai tâm linh của
ngài. Khái niệm ấy mở đường cho việc quan tâm tới nhiều
hình ảnh khác nhau của Đức Phật.
Trường phái Nhất thiết hữu bộ
Trường phái này tách rời từ Trưởng lão bộ, vào thế kỷ thứ ba TCN. Có thể tóm gọn triết thuyết riêng biệt của Nhất thiết hữu bộ trong cụm từ ‘savam asti: mọi sự đều hiện hữu’. Người theo truyền thống này lập luận rằng hết thảy các dharmas đều hiện hữu nhưng theo ba ‘thời kiểu’ (mode) khác nhau: quá khứ, hiện tại và tương lai. Có thểâ minh họa cho ‘thời kiểu’ ấy bằng lối ta sử dụng động từ trong tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Tùy thời điểm mà động từ ấy được ‘chia’ một cách khác nhau, theo thể quá khứ, thể hiện tại và thể tương lai.
Theo Nhất thiết hữu bộ, khi nhớ lại điều gì đó từng xảy ra trong quá khứ tức là bạn đang thật sự có tri thức về dharma hiện tại, nhưng đó là cái hiện hữu theo ‘mode quá khứ’. Thí dụ, như trong tiếng Anh, cái đó không còn là không còn là ‘it is’ mà là ‘it was’. Họ lập luận rằng sự hiện hữu của mọi sự vật trong cùng một lúc theo cách ấy, cung cấp nền tảng cho luật nghiệp báo, vì nguyên nhân và kết quả cùng nhau hiện hữu trong cùng một thời điểm cho dẫu khác nhau về ‘mode thời gian’.
Hai đặc điểm khác của truyền thống Nhất thiết hữu bộ được triển khai trong truyền thống Đại thừa, và sẽ được xem xét ở đây. Một là hình ảnh đại chúng về Bánh xe Luân hồi. Hai là ý tưởng rằng chúng sanh, Phật-sẽ-thành, nên thực hành Lục độ. Sáu hạnh phải tu tập tới chỗ hoàn thiện ấy gồm có: bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, quán tưởng và trí huệ.
Phái Nhất thiết hữu bộ đương thời rất thịnh hành ở
Kashmir và Gandhara. Họ giữ vị trí chuyển tiếp giữa Tiểu
thừa và Đại thừa. Cuộc kết tập kinh điển lần thứ tư
tại Kashmir được xem là đại hội của 500 Tì kheo phái này,
đưa ra những đại chú giải với quan điểm phóng khoáng hơn
về Luận tạng, mà về sau, dần dần được thừa nhận chung.
Phái có điển lễ riêng, soạn bằng tiếng Sanskrit. Ngoài Tam
tạng, kinh sách chính của Nhất thiết hữu bộ là Câu-xá-luận
của Vasubandhu (Thế Thân, 316-396 SCN) và Đại-tì-bà-sa-luận
(Đại chú giải) được soạn thảo dưới sự chủ trì của
Vasumitra (Thế Hữu), khoảng đầu thế kỷ 2 SCN.
Truyền thống Kinh lượng bộ
Truyền thống Kinh lượng bộ tách ra từ Nhất thiết hữu bộ khoảng năm 150 TCN. Đúng với danh xưng của phái, truyền thống này phản bác Luận tạng của các trường phái khác; họ chỉ đặt nền tảng trên Kinh tạng. Người theo Kinh lượng bộ lập luận rằng các dharmas chỉ là nhất thời và chúng không thể hiện hữu trong ba ‘thời kiểu’, và rằng khi bạn nhận thức điều gì đó, tất cả những gì bạn nhận biết chỉ là các hình ảnh trong tâm trí. Quả thật có thể dharma làm phát sinh hình ảnh tâm trí ấy, nhưng ta không thể nào có bằng chứng độc lập về nó, vì vào thời điểm ta có hình ảnh ấy, dharma đã biến mất.
Kinh lượng bộ cho rằng mỗi hiện tượng thật ra chỉ hiện hữu trong một sát-na — khoảnh khắc cực ngắn, đơn vị thời gian của một niệm, một ý nghĩ. Mỗi quá trình chỉ là những tiếp nối các sát-na, nên thông qua thời gian, quá trình chỉ là ảo ảnh; và Niết bàn chỉ là sự tịch lặng, trong trạng thái tư duy đã bị phủ nhận.
Như thế, truyền thống Kinh lượng bộ bác bỏ lý thuyết
của Nhất thiết hữu bộ cho rằng ‘mọi sự đều tồn tại’.
Kinh lượng bộ xuất phát từ nguyên tắc lấy sự hiện hữu
của ý thức làm cơ sở cho đời sống con người, đi từ
hiện thân này sang hiện thân khác. Nó coi ý thức là giá đỡ
cho chu kỳ luân hồi, bốn uẩn Sắc Trụ Tưởng Hành chìm
xuống trong Thức, và khi một cá nhân chết thì sẽ tồn tại
trong ‘ý thức’ đó. Quan điểm về sự tồn tại của Thức
này báo trước những triển khai trong Duy thức tông.
Có vấn đề cần giải quyết
Ở đây, nổi lên ít nhất hai vấn đề:
a. Nếu các dharmas không liên tục, làm thế nào luật nghiệp báo có khả năng thao tác?
b. Làm thế nào cái không còn hiện hữu lại có khả năng tác động lên trạng thái hiện hữu của tôi?
Kinh lượng bộ đưa ra câu trả lời rằng các hành động ‘tỏa hương’ vào trạng thái tâm trí đang tiếp diễn của ta, và do đó, ảnh hưởng lên những gì sẽ xảy ra về sau. Quan điểm này, như ta sẽ thấy, hẳn đưa tới sự phát sinh quan điểm Đại thừa về sau, cho rằng các ‘mầm’ được gieo cấy bởi hành động hiện tại, đang chờ để chín muồi ở một thời điểm thích đáng trong tương lai.
So với triết tây:
Giám mục Berkeley có một quan điểm tương tự Kinh lượng bộ. Ông cho rằng tất cả những gì chúng ta có thể biết chỉ là các tri giác của chúng ta, và rằng không thể nào nói rằng cái gì đó là hiện hữu nếu không có ai đó đang tri giác nó. Nói cách khác, nói rằng cái gì đó hiện hữu tức là cho rằng nó có thể được tri giác. Trả lời câu hỏi ‘Cái cây đứng một mình ngoài đồng không mông quạnh không người nào tri giác thì sao?’ Berkeley trả lời rằng, ‘Lúc ấy Thượng đế đang tri giác’. (Xem Thuyết thực chứng luận lý trong Đại cương Triết học Tây phương).
Lối tiếp cận của Kinh lượng bộ cũng có những tương đồng
với sự phân biệt của Kant giữa hai cảnh giới: bản thể
và hiện tượng, và các vật-tự-thân vẫn tồn tại một
cách cốt yếu mà ta không có khả năng biết tới.
Tạm kết luận
Có nhiều chi phái — theo Phật sử, ít nhất là hai chục — của các bộ phận vừa kể, liên quan tới mô tả bản tính của tri giác và của thực tại. Tình trạng muôn hình muôn vẻ ấy là sự kiện tự nhiên; nó hợp lẽ tiến hóa và cung cấp con đường tự do, thoát ra khỏi những chủ trương duy chính thống cứng nhắc về thông giải giáo thuyết, và đồng thời nó đòi hỏi người theo đạo phải khảo sát để đi tới xác tín bằng và cho cá nhân riêng tư của mình.
Một trong các nhà tư tưởng biểu hiện chủ yếu cho cốt tủy tư tưởng Phật giáo thời kỳ đầu này là đại luận sư Buddhagosha (Phật Âm), thế kỷ 4 SCN. Ông xuất thân từ một gia đình Bà-la-môn, rồi đi theo đạo Phật, sang Tích Lan theo học truyền thống Thượng tọa bộ (Theravada). Tác phẩm chính của ông là Visuddhi-magga (Con đường thanh tịnh) cung cấp sự tổng hợp các lời giảng trong kinh điển bằng tiếng Pali.