- 1. Lời Thưa
- 2. Phật ở Trên Chùa, Phật ở Trong Lòng
- 3. Muốn Được Yên Vui Sanh Tồn Cần Phải Học Phật
- 4. Đức Phật Đản Sanh
- 5. Bất Diệt Trong Sinh Diệt
- 6. Giản Dị Trong Nếp Sống
- 7. Cầu Thấy Phật
- 8. Hạnh Cứu Khổ Của Bồ-tát Quán Thế Âm
- 9. Tâm Từ Bi
- 10. Mở Trường Giáo Dục Tăng Ni Trẻ
- 11. Tại Sao Phải Mở Trường Phật Học
- 12. Con Rồng Trong Kinh Điển Phật Giáo
- 13. Nói Với Huynh Trưởng
- 14. Không Nên Tự Mãn Khen Mình Chê Người
- 15. Bố Đại Hòa Thượng
- 16. Tụng Kinh Là Đem Lại An Lạc Và Hạnh Phúc Lâu Dài
- 17. Hiếu Hạnh
- 18. Tìm Hiểu Sơ Lược Về Phật Giáo Ấn, Trung, Việt
- 19. Mong Có Hòa Bình Và Hạnh Phúc
- 20. Thế Nào Là Chơn Hạnh Phúc
- 21. Ý Nghĩa Pháp Khí Trong Đạo Phật Pháp
- 22. Phật Pháp Đại ý
- 23. Quy Y Tam Bảo
- 24. Nghi Thức Sám Hối
- 25. Sám Nguyện
- 26. Kinh Lòng Bát Nhã Ba-la-mật
17. Hiếu hạnh
Đức Phật có dạy: Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Đó là một lời dạy từ bi thâm thúy vô cùng. Qua đó, Ngài muốn nhắc nhở cho tất cả những người con phải biết sống có hiếu hạnh. Nếp sống hiếu hạnh là nếp sống có văn hóa, là nếp sống có đạo đức. Văn hóa đạo đức là ý nghĩa cao quí nhất của đời người. Nếu sống thiếu văn hóa đạo đức thì uổng cuộc đời, không có ý nghĩa. Vì vậy nên tiền nhân của chúng ta đã có biết bao nhiêu lời căn dặn để lại trong ca dao tục ngữ:
Nào là:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Hoặc là:
Có ông bà mới có ta,
Ông bà là gốc, mẹ cha là cành,
Thân ta như thể lá xanh,
Nhờ gốc tiếp nhựa, nhờ cành dưỡng nuôi,
Con người có tổ có tông,
Như cây có gốc,như sông có nguồn.
Qua những lời ca dao tục ngữ ấy, chúng ta biết rằng người sống hiếu hạnh đó là một người sống với một nếp sống văn hóa, là một nếp sống đạo đức của dân tộc Việt Nam chúng ta. Cho nên người nào thể hiện được hiếu hạnh của mình chừng nào đối với cha mẹ thì người đó biết sống và người đó thực là một người Phật tử, một người Việt Nam.
Công ơn cha mẹ sâu dày vô kể cho nên Đức Phật đã dạy: Có hai hạng người khó đền ơn cho hết được: đó là cha với mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thứ thức ăn, áo mặc, thuốc men, chăn mền, thậm chí cha mẹ tiểu tiện trên vai mình, người con vẫn vui vẻ, như thế cũng chưa đền đáp được công ơn sinh thành của cha mẹ. Thế cho biết công ơn sinh thành cha mẹ lớn lao, vì tận tụy nuôi dưỡng, săn sóc thương yêu đùm bọc người con từ khi mới lọt lòng bơ vơ. Chính tình thương đó là một tình thương vô tư, một tình thương không tính toán, một tình thương đậm đà, không xiết kể. Từ tình thương đó mà có bao nhiêu sự công khó cha mẹ dành dụm cho con, để cho con được khôn lớn, để cho con được học hành, để cho con được sung sướng ăn mặc dầu cha mẹ lắm khi vất vả khổ sở. Cũng có những trường hợp vì con mà cha mẹ phải làm những điều tội lỗi, vì con mà cha mẹ phải sa đọa, nếu người con không biết tới những điều đó thì người con đó thật là vô tình, thật là bất hiếu. Vô tình bất hiếu tức nhiên không xứng đáng làm người, ngược lại, có tình có hiếu chừng nào thì công hạnh con người càng xứng đáng chừng nấy. Nên gia đình nào có cha lành, có con thảo thì chính đó là một gia đình hạnh phúc. Nhưng làm sao để có được cha lành, làm sao để có được con thảo nếu không biết tu? Làm cha không biết tu, làm mẹ không biết tu, bị rượu chè cờ bạc lôi cuốn thì khó mà đem hết cái lòng từ nuôi nấng dạy dỗ con mình. Còn nếu người con không biết tu, bị rượu chè, lôi cuốn thì cũng khó lòng mà yêu thương hiếu kính với cha mẹ mình. Cho nên Đức Phật đã dạy: Trong gia đình nào có người con biết tu, biết bố thí, biết ái ngữ, biết lợi hành, biết đồng sự thì gia đình đó được sự hiếu kính của con. Gia đình nào không có người con biết tu, không bố thí, không ái ngữ, không lợi hành, không đồng sự thì gia đình đó cha mẹ không hưởng được sự hiếu kính của con.
Như vậy cái hạnh phúc gia đình ở chỗ nào, chính là ở nơi cha lành con thảo. Nếu cha không lành con không thảo, tức gia đình đó khó nói rằng có hạnh phúc, có an vui. Nếu ai thể hiện được lòng hiếu hạnh chừng nào, chính là đem lại sự an vui hạnh phúc cho gia đình chừng nấy.
Hôm nay quí vị vừa xuất gia vừa tại gia, sanh trong một gia đình có hiếu hạnh, biết tôn thờ Tam bảo, và cũng đã nhớ lời Đức Phật dạy, thấm thía những lời ca dao tục ngữ của tiền nhơn, thiết lễ trai tăng cúng dường để cầu nguyện ơn Tam bảo gia hộ cho tiên vong của mình được siêu thăng lạc quốc. Trước lời thỉnh cầu hôm nay, chư Tăng hiện tiền sinh nhứt tâm cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho các tiên linh quí Phật tử tội chướng tiêu trừ, phước trí tăng trưởng, sớm vãng sanh cực lạc thế giới.