TINH TÚY TRONG SÁNG
CỦA ĐẠO LÝ PHẬT GIÁO
Những Lời dạy thực tiễn của Tổ Sư Thánh Tăng Ấn Độ ATISA Lúc truyền Đạo Phật vào Tây Tạng
Tác giả: Phạm Công Thiện
Viên Thông California Xuất Bản 1998
Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh tái bản
CHƯƠNG 1
THỰC HÀNH LÒNG TÔN KÍNH NGƯỠNG MỘ
MỖI LÚC BẮT ĐẦU THỨC DẬY
1. Thực hành lòng tôn kính ngưỡng mộ mỗi lúc bắt đầu thức dậy:
Mỗi sáng lúc mới thức dậy, trong trạng thái mơ màng chưa tỉnh hẳn, chúng ta phải bắt đầu lôi kéo tâm thức vào một đường hướng rõ ràng: tự đánh thức lên lòng ngưỡng mộ cao rộng đến buổi rạng đông đang tới chung quang mình và cảm tạ đời sống đang hồi sinh nhịp nhàng trong lòng im lặng trong veo của buổi sáng sớm một ngày trong đời người.
Song ít khi mình làm được như vậy, thường khi vừa mới thức dậy, mình đã cảm thấy mệt người, tâm thần bải hoải; lúc ấy lại cần đánh thức dậy mãnh liệt hơn nữa, đánh thức lên lòng tạ ơn và tôn kính vô biên đối với Tam Bảo, đối với Phật, Pháp và Tăng. Điều cụ thể cần làm ngay lập tức là niệm thầm ba lần ba câu linh nghiệm thể hiện sự qui y Tam Bảo, hoặc nói thầm gọn lại trong một câu ngắn:
Con và tất cả chúng sinh xin được qui y Phật, Pháp và Tăng cho đến khi đạt tới giác ngộ...
Có thể nói thầm như trên từ ba đến bảy lần, hoặc một trăm lần hoặc nhiều hơn nữa. Điều quan trọng nhất vẫn là lòng ngưỡng mộ cao rộng sâu đậm thiết tha, lòng tạ ơn tôn kính vô biên đối với Tam Bảo, vì không có Tam Bảo thì mình cũng chẳng có đủ nhân duyên và công đức để đầu thai làm người, để được sống đến ngày hôm nay đầy lòng từ bi, và để được chết một ngày mai nào đó đầy lòng trong sáng nhẹ nhàng, không một mảy may sợ hãi lo âu gì cả.
2. Tại sao phải bắt đầu mỗi ngày bằng lòng ngưỡng mộ tôn kính?
Tinh thần của chúng ta thường hay dao động bất thường, nhiều khi tự nhiên cảm thấy bất an và đây lo âu sợ hãi; tâm thức chúng ta rất nhạy cảm thất thường, dù bề ngài trông có vẻ lạnh lùng dửng dưng, đóng khép. Bản chất của tâm thức có thể người là mở rộng ra bao la mênh mông như bầu trời trong sáng không mây, nhưng đời sống thường xâm chiếm tin thần mình với bao nhiêu cơ sự nông nỗi bực mình.
Nuôi dưỡng thường xuyên lòng tạ ơn, lòng ngưỡng mộ và lòng tôn kính trong dòng chảy xiết của tâm thức mình suốt trọn một ngày tỉnh táo, đó là điều kiện chính yếu để tiếp thông lập tức với tinh túy mở rộng bao la của tâm thức, giống như một người đứng lên ngay đầu núi cao và đưa mắt nhìn vọng lên bầu trời mênh mông. Gian phòng ngủ, ngôi nhà mình đang ở, bỗng mở rộng trong sáng lên, nhờ sự chuyển hướng tinh thần.
Làng mạc mình đang sống, thành phố mình đang ở, nơi chốn mình đang làm việc được xuất hiện qua dạng thái khác mới lạ, mỗi lúc lòng tạ ơn, lòng ngưỡng mộ và lòng tôn kính được sống dậy cao rộng trong tâm tư mình. Tạ ơn tất cả chúng sinh và hoàn cảnh. Ngưỡng mộ tất cả mọi người, không phân biệt người thân hay kẻ thù. Tôn kính tất cả mọi sự, không dám khinh thường bất cứ cái gì, dù là nhỏ nhất. Có biết tạ ơn, có biết ngưỡng mộ, có biết tôn kính tất cả thì tất cả mới trở nên an lành, trong sáng, linh ứng.
3. Tạ ơn ngay cả những hoàn cảnh bi đát nhất:
Nói thì dễ, làm được mới khó. Người đời thường nói như vậy. Điều này rất xác đáng. Tuy nhiên, mình nên nói điều này với chính mình và đừng bao giờ sử dụng điều này để chỉ trích người khác. Không có cái gì quan trọng nhất trong đời người mà không khó khăn, phải chết đi sống lại cả trăm ngàn lần mới chợt thấy đôi điều giản dị trong veo mà mình đã từ lâu vô tình quên mất, như lòng biết ơn, lòng ngưỡng mộ, lòng tôn kính.
Tất cả mọi sự khó khăn nhất trong đời đều phát sinh từ tâm thức tinh thần của chính mình. Một người chưa bắt đầu làm việc gì đó, chưa đủ chuẩn bị tinh thần, chưa đủ vận động tâm thức đúng mức thì rất dễ thất vọng, thoái chí, nàn lòng. Khi đã mất tinh thần, bất cứ việc gì dễ nhất cũng trở thành vô cùng khó khăn. Sự đầu hàng bỏ cuộc đã bắt đầu từ sự thất tán tâm thức, từ sự đánh mất tinh thần lúc mới va chạm với thực tại bất như ý.
Bao nhiêu hoàn cảnh bi đát nhất chỉ thực sự trở thành bi đát mỗi lúc tinh thần của mình trở nên nặng nề, đóng khép lại với bản ngã cách biệt của chính mình. Thực ra, mình chỉ tưởng như tất cả đều tuyệt vọng, nhưng sự việc chưa hẳn bi thảm như vậy. Nếu hoàn cảnh có hoàn toàn bi thảm và bi đát thực thụ, lúc ấy mới là lúc mình dễ tỉnh ngộ, lúc ấy mới là lúc cái bản ngã cách biệt của mình mới được phá vỡ đi một cách kịch liệt và tâm thức tinh thần mình được bất ngờ tẩy sạch đi những ô nhiễm huân tập lâu ngày.
CHƯƠNG 4
4. Cái Tâm là cái gì?
Chúng ta thường nói rằng mọi sự đều do tâm tạo ra. Điều này lại càng chính xác hơn nữa, nếu chúng ta đừng bao giờ đồng nhất và đồng hóa với cái bản ngã hay cái "tôi" nội tại của chính mình. Hiểu được tâm là gì chính là điều khó khăn nhất trong những điều khó khăn nhất của kiếp người. Cái lòng của mình hay cái lòng của người đời không phải là chuyện dễ hiểu như chúng ta thường tưởng như vậy.
Đừng bao giờ tự nhận rằng mình tự hiểu cái lòng mình hay hiểu được lòng người; có ý thức trọn vẹn như vậy thì mới có khả năng tạ ơn, ngưỡng mộ, và tôn kính tất cả những gì khó khăn và khó hiểu nhất hiện nay. Mỗi khi mình vừa tìm cái tâm thì tâm đã đi mất rồi. Tâm không phải là cái mà mình có thể đạt tới được trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Điều bí mật lạ thường là cái tâm không ở thời gian và không ở trong không gian mà vẫn bừng sáng liên tục.
Điều đầu tiên cần hiểu về cái tâm là cái tâm không là một cái gì cả mà tâm lại không là hư vô. Nói về bản chất hay về tính thể của cái tâm là tạm dùng danh từ dễ hiểu để gọi một cái không hề giống như cái mình tưởng nhận lầm lạc. Nói theo danh từ Phật Pháp thì tâm không có tự tính, vì không có tự tính (vô tự tính) nên không có thực thể, không có hữu thể. Tâm là Không Tính mà Không Tính lại chính là Tâm. Điều cuối cùng cần nhớ thường trực: cái Tâm vốn là trống trải, trong veo, sáng ngời, vô ngại, thông đạt. Sự trống rỗng ở đây không phải là không có gì cả mà lại biết được tất cả, sáng và sướng đồng lúc.
CHƯƠNG 5
5. Cái tâm thường tình của chúng ta:
Tâm thức thường ngày của chúng ta không bao giờ được trọn vẹn trong sạch, không có lúc nào mình không thấy tham lam, không có lúc nào mà không tham dục, không tham ái. Lúc nào mình cũng đeo níu, giữ chặt một cái gì đó, lúc nào cũng rất dễ sân hận, bực tức, nổi giận; thường khi người si tối tăm điên dại, lắm lúc ghen ghét đố kỵ với sự vinh quang thành công của kẻ khác, ít khi mình vui sướng hồn nhiên trọn vẹn khi nhìn thấy sự hạnh phúc sung sướng của người khác.
Chính cái tâm thức thường ngày và thường tình đã đẩy xô mình rơi xuống đầu thai vào ba nẻo xấu: địa ngục, ngạ quỉ và súc vật. Những cõi bị đầu thai này đều có thực nhãn tiền, không phải bày đặt ra để dọa người đời. Tất nhiên sáu nẻo luân hồi đều do tâm tạo ra, như người nằm chiêm bao nhìn thấy đủ ác mộng hoặc nhìn thấy cảnh đẹp trong mộng, khiến mình sợ hãi hoặc sung sướng. Những sự việc, những cảnh sắc, những hình ảnh trong mộng không có thực, mà mộng có thực.
Chiêm bao vẫn có thực, mặc dù những gì xảy ra trong chiêm bao đều là những gì không thực sự xảy ra lúc tỉnh thức giống như sự tưởng tượng có thực, mặc dù mình biết rằng những điều tưởng tượng đều không có thực. Chỉ khi nào tâm thức mình đạt tới trạng thái trống trải, trống rỗng, trong sạch, trong suốt, trong veo, sáng rực, sáng ngời, không có chướng ngại (vô ngại) và biết được hết mọi sự, tức là vừa trong sáng, vừa trống rỗng, vừa vô ngại vừa thông đạt tất cả mọi sự, đồng lúc với sự trống trải của tâm thức rực sáng là cơn sung sướng cực độ (cực lạc) phát dậy liền.