04-06

03/02/201112:00 SA(Xem: 11278)
04-06


XUÂN TRONG CỬA THIỀN TẬP: 4

Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Thường Chiếu

4. Những chướng nạn của đức Phật (Tất niên Canh Ngọ 1991)
5. Vẻ đẹp tuyệt trần (Xuân Tân Mùi, Tăng Ni)
6. Biểu tượng hoa sen (Xuân Tân Mùi, Phật tử)

NHỮNG CHƯỚNG NẠN CỦA ĐỨC PHẬT
TẤT NIÊN CANH NGỌ (1991)

 Trước khi vào đề tài, tôi nêu lên vài câu chuyện nhỏ để quí vị thấy rõ sự việc chúng tôi nói hôm nay. Có nhiều người nói năm nay tuổi tôi xấu nên xảy ra nhiều chuyện không tốt. Từ lâu tôi nghĩ rằng tuổi không quan trọng mà chính hành động và tư tưởng mới quan trọng nên tôi không để ý đến tuổi nhưng nhiều người lại cho đó là đúng sự thật. Nếu đúng thì chắc mỗi năm chúng ta phải tốn tiền coi lịch đàng hoàng rồi cúng sao giải hạn. Đó là điều chúng tôi không chấp nhận.

 Cuộc đời mỗi người chúng ta đều có khi thăng khi trầm, có lúc được hanh thông, có khi gặp những điều bất hạnh, nhưng đối với tôi, tôi không thấy có gì gọi là bất hạnh. Ở đời không thể nào chúng ta có một cuộc sống bình yên mãi mà phải có khi lên, khi xuống, như vậy cuộc đời mới có giá trị. Như khi đi con đường Đà Lạt, chúng ta không buồn ngủ là nhờ đi qua đèo, chúng ta thường tỉnh để nhìn cảnh đẹp.

Cảnh đẹp là do có xuống dốc lên đèo, đời chúng ta có hay đẹp cũng là nhờ khi thế này khi thế khác, nếu cứ bình bình hoài thì giống như đi đường bằng phẳng miền Tây, xe chạy một lúc là buồn ngủ. Như vậy không có gì gọi là bất hạnh hay xui rủi, chẳng qua đó là nhân duyên trong cuộc đời, trong tương đối phải như vậy. Lại chính những khi thăng trầm chúng ta càng thấy rõ mình hơn. Khi thăng chúng ta không tự hào, không ngạo mạn, khi trầm chúng ta không buồn, không khổ, đó là có tiến trên đường tu. Trái lại khi thăng thì hãnh diện, khi trầm thì than thở thì thật là mình chưa ra gì! Thế nên những đổi thay là những cơ hội để người tu thấy rõ mình hơn, biết mình đã tiến được bước nào chưa, nếu tiến được, đó là điều đáng mừng, nếu không, đó là điều đáng xấu hổ trên đường tu.

 Hôm nay là ngày cuối năm, quí vị thấy năm xui của tôi đã chấm dứt chưa? Thật ra ai nói tôi xui rủi cũng được, nhưng riêng tôi, tôi thấy mỗi năm đều có những cái hay, cái dở theo nhau. Thí dụ như năm nay tôi muốn đi ra Bắc để tìm thêm tư liệu thì lại có phương tiện, đi về được bình an, người đời cho đó là may. Ở đời không có một chiều, cần yếuchúng ta không bi quan khi gặp những bất hạnh, cũng như không lạc quan khi thấy những việc tốt đến với mình. Chúng ta phải luôn thấy được mình trước hoàn cảnh thuận hay nghịch, đó là chúng ta biết tu. Như vậy tôi đã kiểm điểm sơ lược chuyện cũ của riêng cá nhân tôi trong năm nay.

 Đến đây tôi đề cập đến chuyện xa hơn, đó là chuyện của đức Phật, tất cả Tăng NiPhật tử nghe, rồi lấy đó làm gương tu học. Nếu chúng ta chỉ một chiều nhìn đức Phật là một đấng đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi, toàn năng, toàn trí..., đời của Ngài hoàn toàn không có chuyện gì đáng buồn đáng vui cả, đó là chúng ta lý tưởng hoá đời sống đức Phật, chớ sự thật không phải như thế. Chúng ta phải nhìn đức Phật qua những hoàn cảnh thuận nghịch trong đời sống thực tế để xem Ngài xử sự như thế nào, rồi từ đó chúng ta thu nhặt những kinh nghiệm, hun đúc ý chí, và trở thành những con người cứng cỏi thấy rõ được lẽ thật; nếu không, nhiều khi chúng ta hay than thân trách phận, nghĩ rằng đức Phật ra đời giáo hóa dễ quá, còn chúng ta sao gặp đủ mọi điều khó khăn... Vậy đề tài chúng tôi nói hôm nay là “Những chướng nạn của đức Phật”.

 Đức Phật còn chướng nạn sao? Thế gian thường nói: ‘‘Phật còn vương tám nạn, huống là người sao khỏi tai ba.” Nghĩa là Phật bị tám nạn, còn người chỉ ba tai ách thôi. Phật còn nạn nhiều hơn chúng ta nữa! Hiểu như vậy chúng ta mới có cái nhìn rõ ràng.

 Trước tiên tôi nói những chướng nạn của đức Phật qua cái nhìn của phàm phuNhị thừa để quí vị đừng có những lầm lẫn khác. Từ trước đến nay đa số người học Phật nghĩ rằng đức Phật là một đấng tròn đầy tất cả công đức, nên trên đường hoằng hoá Ngài không vấp phải chướng ngại. Vậy hôm nay chúng ta đi sâu vào vấn đề để tìm xem đức Phật gặp những chướng nạn nào trên đường hoằng hóa của Ngài. Tôi chia ra: trước là chướng nạn bên ngoài, kế là chướng nạn bên trong.

 Nói đến chướng nạn bên ngoài, tôi trích một bài trong kinh Tứ Thập Nhị Chương. Trên đường giáo hóa, một hôm vào buổi sáng, đức Phật một mình mang bát đi khất thực trong thôn. Tại thôn ấy có một người Bà-la-môn, vì đệ tử của ông đã theo Phật qui y quá đông, nên khi thấy Phâït ôm bát đi khất thực, ông liền đi theo sau Phật và gọi tên Phật chửi mãi. Đức Phật vẫn im lặng đi, Phật im lặng chừng nào ông càng tức chừng nấy. Đến đầu đường ông chạy đến trước chận Phật lại, ông hỏi: Sa-môn Cù-đàm, Ngài có điếc không? Đức Phật trả lời: Không.

- Ông không điếc tại sao ông không nghe tôi chửi?

 - Có nghe.

 - Nghe sao ông không trả lời?

 Đức Phật dùng thí dụ nói: Giả như nhà ông có lễ lớn, sau buổi lễ thân nhân ra về, ông đem quà tặng, nếu những người ấy không nhận thì quà đó thuộc về ai?

 Người Bà-la-môn đáp: Tôi tặng, người ta không nhận thì về tôi chớ về ai.

 Phật bảo: Cũng thế, ông chửi mà ta không nhận thì lời chửi đó đâu có dính dáng gì đến ta.

 Người Bà-la-môn đành im lặng trở về.

 Đó là trường hợp thứ nhất, đức Phật bị người ta chửi mà vẫn điềm đạm. Khi người ấy tức quá nhịn không nổi, hỏi Ngài có điếc không mà làm thinh thì Ngài đáp là Ngài nghe. Nhưng tại sao không cãi? Vì Ngài nghe mà không nhận, cũng như người đem quà tặng chúng ta, nếu chúng ta không nhận thì của đó đâu có dính gì với chúng ta và quà đó vẫn còn nguyên là của họ. Như vậy quí vị có thể lấy bài kinh này làm bài kinh nhật tụng để tu học. Nếu có người chửi, quí vị có lặng lẽ đi và khi họ hỏi tại sao không trả lời thì quí vị nói thế nào? Chúng tôi thấy đây là một bài kinh mà người tu chúng ta không bao giờ quên được.

 Một lần nữa, cũng trên đường giáo hóa, hôm ấy đức Phật đi khất thực một mình, gặp một người Bà-la-môn khác cũng theo sau chửi Phật, chửi mãi mà đức Phật vẫn lặng lẽ đi, không đối đáp gì cả. Ông tức quá, đến đầu đường ông chận Phật, đức Phật dừng lại, trải tọa cụ ngồi. Ông hỏi: Sa-môn Cù-đàm thua tôi chưa?

 Đức Phật trả lời

Kẻ hơn thì thêm oán,

Người thua ngủ chẳng yên,

Hơn thua hai đều xả,

 Ấy được an ổn ngủ.

 Như vậy quí vị thấy, nếu hỏi chúng ta thua chưa thì chúng ta nói thế nào? Có lẽ sẽ nói: Tôi nhịn đó chớ không phải tôi thua đâu. Ráng nhịn chớ trong lòng còn tức lắm nghĩa là có cơ hội sẽ trả thù. Trái lại đức Phật bình tĩnh trả lời: Kẻ hơn thì thêm oán, nghĩa là nếu mình hơn thì kẻ bị thua oán mình.

 Người thua ngủ chẳng yên: nếu nghĩ rằng mình thua thì tức, ngủ không được. Quí vị nhớ lại khi nào cãi với ai mà chịu lép một, hai câu, khi về nhà tối đó ngủ ngon không? Cứ nhớ phải đáp câu nào cho hay hơn, nặng hơn, nghĩ hết câu này đến câu khác, so sánh, suy tính... nên rồi mất ngủ.

 Hơn thua hai đều xả: bỏ cả hơn, cả thua, cả hai đều bỏ hết.

 Ấy được an ổn ngủ, tức là an ổn ngủ một giấc thật ngon.

 Như vậy sở dĩ chúng ta mất ăn mất ngủ là tại điều gì? Tại những hơn thua, được mất! Khi được cũng ngủ không yên, mất cũng ngủ không xong. Hơn người, khi trở về vẫn còn hằn học nhớ mình nói câu đó hay, hành động đó giỏi, còn nếu thấy thua thì bực tức ngủ không được. Trái lại đức Phật gác ra ngoài việc hơn thua nên Ngài an ổn tự tại, không buồn, không bực. Bài kinh trên trích trong kinh A-hàm.

 Như vậy quí vị thấy đã hai lần đức Phật bị Bà-la-môn chửi, kêu tên chửi chớ không phải nói xa nói gần như chúng ta hiện nay, thế mà đức Phật vẫn thản nhiên và còn nói lên những lời đạo lý cho người ta thức tỉnh.

 Trên đây là cá nhân chửi, tiếp đến là tập thể chửi. Sau khi đức Phật thành đạo chưa lâu, có lẽ khoảng bốn năm năm, khi ấy Ngài còn trẻ, một hôm Ngài đi giáo hóa đến một vùng có một người Bà-la-môn giàu có lại giỏi về tướng số và sanh được một cô con gái thật đẹp. Vừa gặp Phật ông liền xem tướng, thấy gần đủ ba mươi hai tướng tốt của Phật ông trầm trồ khen, rồi vội vã trở về báo tin cho vợ biết là có một người tướng thật tốt, nếu ở thế gian sẽ làm vua Chuyển luân.

Vợ chồng ông từ lâu muốn tìm một người rể xứng đáng, nay gặp người này, ông thật vừa lòng. Nghe xong bà bảo ông dẫn bà đến gặp đức Phật. Khi ấy đức Phật khất thực xong, Ngài ngồi dưới cội cây thọ trai. Hai ông bà đến gặp lúc Phật đang thọ trai, ông chỉ cho bà thấy những tướng tốt của Ngài, rồi hai ông bà cùng đồng ý nói thế này: “Ngài Cù-đàm, chúng tôi có một đứa con gái đẹp lắm, xin gả cho Ngài.” Nghe đến đó đức Phật liền đáp: “Ông nói con gái của ông đẹp, nhưng dưới mắt người tu chúng tôi, tất cả người dù đẹp dù xấu cũng chỉ là một đãy da chứa toàn đồ hôi hám đâu có giá trị gì.”

Khi đó có một đứa thể nữ đi theo, nghe được lời này, nó về thuật lại cho cô tiểu thơ nghe, cô rất tức giận, từ trước đến nay chưa có ai dám khinh chê cô, nay Sa-môn Cù-đàm dám chê cô là một đãy da hôi thúi, cô thề sẽ trả thù. Sau đó vua nước Kosambi đi hỏi cô làm vợ, và cô được làm thứ hậu. Một hôm đức Phật đi giáo hóa đúng vào xứ cô ở. Nghe tin Ngài đến, đó là cơ hội hiếm có để cô trả thù, cô thuê những người hung bạo trong vùng đón Phật, dặn khi thấy đức Phật tới thì cả đoàn nam nữ vây quanh chửi đến khi nào đức Phật đi chỗ khác mới thôi.

 Lần này đức Phật đi có ngài A-nan đi theo. Hai thầy trò vừa vào xứ đó, bỗng dưng một nhóm người cả nam lẫn nữ xông ra chửi, đua nhau chửi. Đức Phật vẫn thản nhiên như không có việc gì, nhưng ngài A-nan thì chịu không nổi nên mới thưa: Bạch Thế Tôn, thôi chúng ta đi chỗ khác.

 Đức Phật hỏi: Đi đâu A-nan?

 - Bạch Thế Tôn, chúng ta qua nước Đề-xá.

 -Nếu đến nước đó mà dân chúng cũng cư xử giống như dân ở đây thì ông nghĩ sao?

 - Bạch Thế Tôn, chúng ta qua thành Hoa Thị.

 - Nếu đến đấy mà dân chúng cũng cư xử như thế này thì ông nghĩ sao?

 - Bạch Thế Tôn, chúng ta đến nơi nào mà người ta không bạc đãi chúng ta như ở đây, như là về thành Tỳ-xá-ly hay là thành Vương Xá chẳng hạn.

 Đức Phật liền đặt câu hỏi: Tại sao dân chúng thành Vương Xá, thành Tỳ-xá-ly lại ưu đãi chúng ta?

 Ngài A-nan thưa: Bạch Thế Tôn, vì dân chúng ở đó đã từng nghe Thế Tôn dạy, họ biết rõ chánh pháp và họ có trí tuệ phân biệt được hành động nào là thiện, hành động nào là tội lỗi, do đó họ rất chiêm ngưỡng đức Thế Tôn, thôi chúng ta về đó đi.

 Đức Phật liền hỏi: A-nan, giả sử có người thầy thuốc giỏi bậc nhất có thể đăng bảng trước cổng rằng: ở đây chỉ trị bệnh cho những người bệnh nhẹ và không bệnh, còn ai bệnh nặng xin mời đi nơi khác, có như vậy không A-nan?

 - Bạch Thế Tôn, không.

- Tại sao?

- Vì thầy thuốc hay cần trị cho những người bệnh nặng, nếu thầy thuốc có lương tâm mà bệnh nặng không trị giùm, chỉ trị bệnh nhẹ và không bệnh thì thật là vô lý.

- Này A-nan vì sao dân chúng ở xứ này lại đối đãi tệ bạc với chúng ta như vậy?

 - Bạch Thế Tôn, vì ở đây họ chưa từng nghe Phật thuyết pháp, họ không biết hành động nào là thiện, hành động nào là ác, nên họ mới xử tệ với chúng ta.

 - A-nan, Như Lai ra đời vì làm lợi ích cho mọi người, vì cứu khổ chúng sanh, cũng như người thầy thuốc hay là cốt để trị những người đang đau khổ vì bệnh trầm trọng. Dân chúng ở đây như những người bệnh nặng, Như Lai cần phải có mặt để giáo hoá họ, còn dân chúng ở thành Tỳ-xá-ly hay Vương Xá giống như những người bệnh nhẹ không cần đến Thế Tôn, chỉ những đệ tử của Thế Tôn cũng đủ để giáo hóa họ rồi; nơi này nếu Thế Tôn không đích thân đến thì ai dám đến đây giáo hóa?

 Nghe như thế ngài A-nan liền thưa: Bạch Thế Tôn, ở đây đâu có ai cần nghe Thế Tôn giảng, họ xử sự quá tệ bạc thì làm sao giáo hóa?

 Đức Phật giải thích thêm: Ví như người bệnh nặng, thân thểtâm hồn họ bị giày xéo đau khổ nên tư cáchngôn ngữ họ không bình thường, vì thế họ có những lời nói xúc chạm đến thầy thuốc, nếu người thầy thuốc thương bệnh nhân như con thì phải bỏ qua những điều đó để trị lành bệnh cho họ. Cũng như thế, dân chúng đây là những người bệnh nặng nên họ có những thái độ bất thường, chúng ta nên giáo hóa họ chớ không nên bỏ họ.

 Nghe Phật nói đến đó những người côn đồ liền thức tỉnh, họ đồng thưa: Bạch Thế Tôn, chúng tôi xin lỗi Ngài, chúng tôi thật là người bệnh nặng, mong Ngài ở lại đây giáo hóa chúng tôi.

 Đức Phật và ngài A-nan ở lại, chỉ hơn một tuần lễ họ đã qui y rất đông, không kém thành Tỳ-xá-ly hay Vương Xá bao nhiêu.

 Như vậy quí vị thấy đức Phật có bị chửi không? Một hay nhiều người chửi? Khi bị chửi đức Phật có buồn giận không? Đó là những hành động chúng ta phải nhớ mãi, phải lấy làm kim chỉ nam trên đường tu, chớ nếu vừa nghe một lời chửi mắng đã nổi cáu lên, bỏ đi thì chắc trên đường tu, trên đường giáo hóa chúng ta không làm được gì cả. Đó là ba trường hợp Phật bị chửi. Hai trường hợp trước là chửi đơn lẻ, còn trường hợp thứ ba là cả tập thể chửi.

 Tiếp đến là những chuyện vu cáo. Khi đức Phật ở tại Tinh xá thuyết pháp, một hôm giữa hội chúng đông đảo Tăng Nicư sĩ, bỗng một cô gái dòng Bà-la-môn tên Chiên-giá-ma-nạp, có lẽ do những người Bà-la-môn ghét đức Phật xúi giục, cô độn bụng to lên rồi giữa đám đông cô đứng lên vỗ bụng nói: “Tôi đến đây nghe pháp, ngài Cù-đàm phạm tội tư thông với tôi nên hiện tôi đang mang thai.” Tiếp đó cô vỗ bụng và chửi mắng ầm ĩ. Quí vị nghĩ việc này thật quá sức tưởng tượng phải không? Vu cáo giữa đại chúng Tăng Ni Phật tử thì còn mặt mũi nào ngó ai. Thế mà đức Phật vẫn bình tĩnh, không nói một lời. Cô gái vỗ bụng trong giây lát chợt dây đứt, những gì cô độn trong bụng rơi xuống hết, ngay đó mọi người đều thấy rõ lời vu cáo của cô. Việc này thật quá sức tưởng tượng của chúng ta, trên đường hoằng pháp hiện nay, chưa có ai gặp trường hợp như vậy.

 Song cũng chưa đặc biệt bằng trường hợp sau đây.

 Khi đức Phật về Tinh xá Trúc Lâm, tất cả vua quan và dân chúng đều tới để nghe Ngài giảng dạy mỗi ngày, do đó có một số người Bà-la-môn theo qui y với đức Phật, vì thế có một người Bà-la-môn tên là Tôn-đà-lợi rất tức giận, muốn hại Phật. Ông cho con gái ông, cô gái cũng đẹp, đi nghe giảng, được vài lần rồi ông giết con gái, giữa đêm lén đem vào đất tinh xá Trúc Lâm, đào lỗ chôn. Đến sáng ông đi thưa quan là con gái ông đi nghe giảng pháptinh xá Trúc Lâm, nay bỗng dưng mất tích không thấy về. Quan quân mới đi tìm, ông cũng đi theo. Ông dẫn họ đi khắp tinh xá, đến một chỗ có dấu đất mới lấp ông bảo họ đào lên thì thấy thây của con ông bị giết chôn tại đó. Ông liền lớn tiếng buộc đức Phật phạm hai tội: dâm và sát, tức là tư thông với con gái ông rồi giết để phi tang.

 Quí vị thấy câu chuyện không phải là thường, giết con rồi lại tố cáo Phật phạm tội. Trong trường hợp này không có gì minh chứng được nên đức Phật chỉ lặng thinh. Tinh xá Trúc Lâm thuộc nước Ma-kiệt-đà, vua nước Ma-kiệt-đà rất mến Phật nên ông cho người điều tra thật kỹ, kết quả mới biết chính ông Bà-la-môn giết con ông và đem chôn trong tinh xá, từ đó mới minh oan cho đức Phật. Vậy quí vị thấy Ngài bị tai nạn nhiều hay ít? Những chuyện xảy ra thật quá sức tưởng tượng của chúng ta, thế mà Ngài vẫn an nhiên, không tranh cãi, không sợ sệt. Trên đây chỉ là những chướng nạn bên ngoài.

 Tôi kể tiếp những chướng nạn bên trong, tức là nội bộ. Tất cả quí vị đều biết Đề-bà-đạt-đa là em chú bác của Phật, Đề-bà-đạt-đa là con nhà chú, Phật là con nhà bác. Đề-bà-đạt-đa xuất giatu chứng được ngũ thông chớ không phải là thường. Khi chứng được ngũ thông rồi, ông mới dùng thần thông cảm hóa Thái tử A-xà-thế. Ông có mộng làm giáo chủ nhưng còn đức Phật là ông không làm giáo chủ được nên muốn hại đức Phật. Ông mới xui Thái tử A-xà-thế cướp ngôi vua cha rồi thả voi say giết Phật, nhưng không được.

Cuối cùng một hôm đức Phật đi ngang chân núi, ông ở trên núi xô đá lăn xuống, đức Phật bị dập một ngón chân nên ông phạm tội “xúc Phật thân huyết”. Lại thêm những chuyện như ông rủ chư Tăng bỏ đoàn đi theo ông v.v... nghĩa là ông tạo sự rối loạn, trong chúng lúc đó không còn yên ổn được, sau cùng phải nhờ hai ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đi giải thích cho chúng, họ mới trở về với Phật. Quí vị thấy thật là đáng buồn, một người vừa là em chú bác, đó là chỗ tình thân, vừa là tu hành chứng được ngũ thông, không phải tu “lơ mơ” như chúng ta hiện nay, vậy mà muốn hại Phật và phá hòa hợp Tăng, làm điên đảo cả chúng.

 Đến người thứ hai là Tỳ-kheo Thiện Tinh, con Phật (con của một vị thứ phi, không phải con bà Da-du-đà-la) cũng theo Phật xuất gia. Vị này rất thông minh, thuộc làu mười hai bộ Kinh, tu chứng được Tứ thiền, nhưng ông lại chê đức Phật, chê giáo lý của Phật không hay, không đến cứu kính, ông bác cả nhân quả, cả Niết-bàn. Nhiều lần đức Phật khuyên, ông vẫn đinh ninh như vậy. Quí vị thấy đáng buồn không? Con trong nhà đồng thời tu khá, thuộc kinh cũng nhiều, lại làm chướng ngại Phật.

 Đến người thứ ba là Tỳ-kheo Thiện Túc, theo Phật xuất gia một thời gian, một hôm ông đến Phạm Chí Dà-bà nói lỗi đức Phật. Ông nói: Đại sư, tôi không theo ngài Cù-đàm nữa, vì Ngài không nói cho tôi nghe những điều tôi cần nghe và Ngài cũng không hiện thần thông cho tôi thấy, vì thế tôi xin theo Đại sư. Ông lại kể tám lỗi của Phật cho ngoại đạo nghe. Nghe xong, đến một hôm gặp đức Phật, ông ngoại đạo mới thuật lại cho đức Phật. Như vậy quí vị thấy đệ tử Phật yêu cầu Phật phải hiện thần thông cho thấy, Phật không hiện thần thông liền chê Phật và bỏ đi theo ngoại đạo. Câu chuyện này xuất xứ từ kinh Trường A-hàm.

 Thêm một người nữa là Tỳ-kheo Man Đồng Tử, ông xuất gia theo Phật một thời gian rồi yêu cầu Phật phải khẳng định thế giới này là thường hay vô thường, sau khi nhập Niết-bàn rồi còn hay hết v.v... Phật phải giải thích điều đó rõ ràng cho ông nghe, ông mới tu theo Phật, nếu Phật không giải thích ông sẽ hoàn tục. Đức Phật mới quở ông là ngu siđức Phật dùng thí dụ mũi tên bắn vào người (kinh Tiễn Dụ), đó là trường hợp thứ tư.

 Đến trường hợp thứ năm là hai nhóm Tỳ-kheo ở nước Câu-xá-di tranh đấu nhau, khi đó Phật dùng bài kệ khuyên:

 Nếu dùng tranh dứt tranh,

 Rốt cùng không thấy dứt,

 Chỉ nhẫn hay dứt tranh,

 Pháp ấy đáng tôn quí.

 Phật dạy: Nếu dùng tranh đấu để dứt tranh đấu, rốt cuộc không thể dứt được, chỉ nhẫn nhục mới hay dứt được tranh đấu, pháp đó là pháp tôn quí nhất. Quí vị nghĩ các thầy Tỳ-kheo sẽ nói thế nào? Các Tỳ-kheo thưa: “Thế Tôn là Pháp chủ, nay xin dừng, kia nói con, con đâu thể không nói lại”, nghĩa là Ngài đừng có can thiệp, đừng có khuyên nữa, họ chửi con thì con chửi lại. Quí vị thấy Phật đầy đủ phước đức như vậy mà đệ tử của Ngài có nghe Ngài trăm phần trăm không hay là họ cãi nhau, Ngài khuyên cũng không được? Thế nên đức Phật bỏ đi vô rừng. Đó là tôi kể chưa hết, tôi chỉ trích một số câu chuyện cho quí vị nghe. Đến kết luận đức Phật nói bốn câu kệ cho biết trong đời của Ngài, Ngài đã chịu những gì:

 Ta như voi giữa trận,

 Hứng chịu cung tên rơi,

 Chịu mọi sự phỉ báng,

 Ác giới rất nhiều người.

 (Pháp cú 320)

 Ngài nói Ngài giống như con voi to ở giữa trận, bên này bên kia tên bắn rớt trúng, rồi mâu giáo đâm trúng, chịu đựng đủ tất cả sự phỉ báng, tại sao? Vì người thế gian ác giới nhiều quá! Bốn câu kệ nói lên cái thảm của Ngài là chịu đựng đủ mọi chuyện.

 Như vậy quí vị thấy cuộc đời của Ngài không nhàn hạ như chúng ta tưởng, Ngài cũng chịu đắng cay trăm bề. Đó là tôi dẫn cái nhìn đức Phật với con mắt phàm phuNhị thừa. Con mắt phàm phuNhị thừa thấy Phật cũng khổ và thấy xót xa cho Phật.

Đến cái nhìn với con mắt Phật thừa (Phật thừa chớ không nói Đại thừa) thì lại khác hẳn. Những cái gọi là tai nạn đó có đúng là tai nạn không? Đầu tiên tôi dẫn kinh Pháp Hoa, trong phẩm Đề-bà-đạt-đa đức Phật kể rằng: Đề-bà-đạt-đa không những một đời này mà nhiều đời trước Phật ở nơi nào hành hạnh Bồ-tát ông cũng đều tới phá Phật. Phật bảo: Nhờ Đề-bà-đạt-đa mà ta chóng thành Phật, rồi Ngài thọ ký Đề-bà-đạt-đa sau sẽ thành Phật.

 Tôi đặt nghi vấn cho quí vị thấy. Thông thường chúng ta nghe nói ai ngăn trở phá hại người tu hành, nhất là tu hạnh Bồ-tát làm lợi ích chúng sanh, thì phải đọa địa ngục. Đề-bà-đạt-đa mỗi lần phá hại Bồ-tát thì phải rơi vào địa ngục, trả hết tội ở địa ngục khi trở lên còn dư báo phải làm súc sanh rồi đến làm người si ám ngọng liệu. Vậy tại sao mỗi khi Phật ra đời đều có ông theo sau phá Phật? Vậy là ông thoát khỏi địa ngục sao? Nếu Đề-bà-đạt-đa không phải là một vị đại Bồ-tát thì ông rơi xuống địa ngục mất rồi, đâu có thể theo Phật hoài, đâu có thể Phật đến đâu ông đến đấy được.

Mỗi lần hại Phật, hại Bồ-tát là một lần phải đọa địa ngục trăm ngàn kiếp thì làm sao có mặt mà phá hoài? Hơn nữa lần nào ông cũng có oai quyền chớ không phải là người thường. Như vậy để biết rằng với cái nhìn của kinh Pháp Hoa, Đề-bà-đạt-đa là một vị đại Bồ-tát ứng dụng nghịch hạnh để giúp Bồ-tát chóng thành Phật. Thế nên nhìn với con mắt Phật thừa thì thấy hạnh phúc quá! Chúng ta tu mà ai chửi chúng ta nhiều, đó là đại Bồ-tát làm nghịch hạnh để giúp chúng ta mau đạt đạo, dù phải xuống địa ngục.

Đại Bồ-tát thì đúng ra chúng ta phải lễ bái chớ đừng nói mang ơn thôi. Như vậy với cái nhìn đó chúng ta thấy rằng người làm trở ngại đường tu của chúng ta không phải là kẻ tầm thường. Chúng ta tu là làm lành, giáo hoá người làm lành, đó là điều tốt, thế gian đều thừa nhận như vậy. Nhưng có người lại hại chúng ta, chửi mắng chúng ta, vậy họ không biết tốt xấu sao? Họ làm như vậy mục đích để làm gì? Dĩ nhiên là để thử xem đạo lực chúng ta ra sao? Nếu đạo lực chúng ta còn yếu thì phải ráng tu để mau tiến, nếu đạo lực mạnh thì vượt qua, tức là cũng mau tiến, như vậy là cơ hội để thử thách cho chúng ta vươn lên, giúp chúng ta tiến lên.

Đó đúng là Thiện hữu tri thức. Nếu người làm nghịch hạnh, chửi mắng chúng ta trên phương diện tu hành, nghĩa là người làm khổ chúng ta đã là Thiện tri thức thì người giúp chúng ta có phải là Thiện tri thức không? Đương nhiên là Thiện tri thức. Chúng ta nhìn kẻ chửi mắng là Thiện tri thức, kẻ giúp đỡ cũng là Thiện tri thức, vậy mới là tâm bình đẳng đối với người phá và người giúp. Tâm bình đẳng mới gọi là Đại từ bi, đó là tâm Bồ-tát. Muốn đạt Phật thừa thì phải có Bồ-tát tâm.

Vì thế tất cả chúng ta tu theo Phật thì phải hiểu rõ ý nghĩa này, có như thế trên đường tu chúng ta mới thấy không có gì là chướng nạn, tất cả đều là duyên hoặc thuận hoặc nghịch giúp chúng ta mau đạt đạo thôi. Vậy thì đừng giận người này, trách người kia, hờn người nọ. Bồ-tát không thấy có người thù địch, nếu thấy có thù địch thì không phải là Bồ-tát vì tâm chưa bình đẳng, còn có ân có oán, chưa bình đẳng là chưa phải đại từ bi. Bình đẳng mới gọi là từ bi, tình thương trùm khắp không có thân sơ. Thế nên tinh thần Phật thừa cho thấy người nào giúp chúng ta tu tiến thì người đó là Thiện tri thức của ta. Thiện tri thức có khi thuận hạnh, có khi nghịch hạnh, nhưng dầu thuận, dầu nghịch cũng đều là Thiện tri thức, vậy có ai mà chúng ta chán ghét đâu? Hiểu như vậy quí vị mới thấy việc tu hành của chúng ta rộng rãi thênh thang vô cùng tận.

 Đến cái nhìn của Thiền tông, trong bài Chứng Đạo Ca ngài Huyền Giác đã nói :

 Tùng tha báng, nhậm tha phi,

 Bả hỏa thiêu thiên đồ tự bì,

 Ngã văn kháp tợ ẩm cam lộ,

 Tiêu dung đốn nhập bất tư nghì.

 Hẳn ai cũng thuộc làu bài này, nhưng không biết mấy người hành được? Chỉ thuộc lời nói chớ chưa thuộc ở công hạnh. Tôi giải thích: “Tùng tha báng, nhậm tha phi” tức là mặc người chê, mặc người chửi mắng. Tại sao mặc cho người chê bai, chửi mắng? Vì “Bả hỏa thiêu thiên đồ tự bì”, sự chê bai mắng chửi của họ giống như là cầm cây đuốc đốt thiêu bầu trời. Cầm đuốc thiêu trời thì chừng nào trời cháy? Nếu chúng ta cầm lâu thì thế nào? Tay chúng ta bị cháy chớ trời không bao giờ cháy.

Câu này thâm sâu làm sao! Chúng ta có cái bệnh là bị ai mắng ai chửi, chúng ta liền vồ lấy lời mắng chửi đó để ăn thua. Thế thì chẳng khác nào người ta vừa cầm đuốc quơ, chúng ta liền đưa rơm lại cho cháy bừng rồi la lên. Trái lại đức Phật hay Bồ-tát mặc người chửi, mặc người mắng, tâm vẫn thản nhiên như bầu hư không không động. Không động thì lời chửi mắng rốt lại về ai? Chỉ bao nhiêu đó cũng thấy việc tu hành của chúng ta cao hay thấp. Nhiều khi học đạo thuộc làu, nói thao thao nhưng gặp việc thì sân si vẫn còn đầy trong lòng, đó là bệnh.

Người thật tu phải theo gương đức Phật, ai chửi cũng mặc, cứ chậm rãi đi, đến cuối cùng khi họ hỏi thì trả lời một câu nhẹ nhàng mà đạo lý, như vậy mới là thật tu. Nếu tất cả quí vị Tăng NiPhật tử ở đây đều thuộc lòng và ứng dụng được hai câu này thì chắc Thiền viện tiến bộ vô cùng và quí vị đều là Bồ-tát con. Dễ quá chỉ có hai câu thôi mà ứng dụng được là Bồ-tát con. Mặc ai khen, mặc ai chê, tâm chúng ta không động thì giống như họ cầm lửa đốt trời; trái lại tâm chúng ta động thì giống như họ cầm lửa đốt, chúng ta cầm bổi tới mồi nên chỉ một lúc là hai người mặt đỏ hết.

thế gian đều như vậy cả thành ra bên nào cũng khổ, bên kia cầm lửa đốt trước rồi chúng ta cầm bổi tới mồi thì hai bên đều cháy tiêu. Như vậy mới thấy đạo lý là dạy chúng ta làm sao cho bản thân mình không khổ và cũng cứu khổ cho người. Người ta nóng cầm lửa đốt, chúng ta phải nguội để cho nó không cháy. Đốt không cháy họ buồn họ bỏ luôn, chúng ta cũng không khổ. Trái lại người mới cầm đuốc đốt, chúng ta đem bổi lại liền, rồi hai bên cùng cháy, cháy lan khắp cả, chính vì thế mà khổ, thiền viện này phiền não, thiền viện kia cũng phiền não, am cốc này phiền não, am cốc kia cũng phiền não, đó là vì mồi lửa với nhau chớ không chịu dập tắt. Tôi thấy chỉ cần nhớ hiểu được ý nghĩa này thì đường tu của chúng ta tiến bộ biết bao nhiêu.

 Đến hai câu sau thì thật là tuyệt vời:

 “Ngã văn kháp tợ ẩm cam lộ,

 Tiêu dung đốn nhập bất tư nghì.”

 Nghĩa là tôi nghe giống như uống nước cam lồ, tiêu dung vào chỗ không thể nghĩ bàn. Nghe chửi mà như uống nước cam lồ ngon ngọt, quí vị có thể được như vậy không? Tôi chỉ yêu cầu quí vị thuộc lòng hai câu trên, đừng đem bổi tới mồi là được rồi chớ như uống nước cam lồ là quá cao. Uống nước cam lồ vừa mát mẻ lại vừa ngọt ngào, nghe chửi mà mát mẻ ngọt ngào thật là Bồ-tát mới được, chớ chúng ta chưa được. Vì thế tất cả chúng ta khả dĩ ứng dụng hai câu trên được, còn hai câu dưới phải chờ một, hai kiếp sau mới có thể ứng dụng nổi. Vì xem như uống nước cam lồ nên mới tiêu dung vào chỗ không thể nghĩ bàn.

 Như vậy theo cái nhìn của những bộ Kinh thuộc Phật thừa hay cái nhìn của Thiền tông, cũng gọi là Tối thượng thừa thì đều thấy những khó khăn trở ngại là những điều tốt giúp chúng ta tiến lên. Ngài Huyền Giác còn nói thêm:

 Quán ác ngôn thị công đức,

 Thử tắc thành ngô thiện tri thức,

 Bất nhân xan báng khởi oan thân,

 Hà biểu vô sanh từ nhẫn lực.

 Nghĩa là chúng ta phải xem lời nói ác của người là công đức cho chúng ta. Người ta chê chúng ta, chửi chúng ta đó là chúng ta tăng trưởng công đức chớ không có mất. Quí vị xét xem có phải không? Vì nếu bị người chửi mà chúng ta vẫn an nhiên không động thì người chung quanh sẽ đánh giá chúng ta như thế nào? À, cô ấy tu thật, cô ấy tu hay, như vậy là công đức rồi. Trái lại nghe người mắng một câu, chúng ta tìm một câu khác nặng hơn đáp lại thì đó là công đức hay là gì? Đó là quán ác ngôn thị tội lỗi!

Nghe lời nói ác mà chúng ta an nhiên không hờn không oán, đó mới là công đức. Vậy ai nói lời dữ với chúng ta tức là đem công đức đến cho chúng ta, phải không? Thấy là phải thì cố gắng thực hành. Nếu xét lời nói ác là công đức thì người nói những lời ác ắt là Thiện tri thức. Như đoạn trước tôi nói: Chê bai hay giúp đỡ đều làm cho chúng ta tiến, vậy đều là Thiện tri thức, không có người xấu người dở, trong xã hội này ai cũng giúp cho chúng ta tiến cả.

 Ngài giải thích tiếp: “Bất nhân xan báng khởi oan thân” nghĩa là đừng do chê bai mà khởi tâm đây là kẻ oán, kia là người thân. Còn thấy có oán có thân thì “Hà biểu vô sanh từ nhẫn lực” nghĩa là còn thấy có kẻ oán, người thân thì đâu đủ tiêu biểu sức từ bi nhẫn nhục của chính mình.

 Như thế người tu, nếu ai chửi một câu đáp lại một câu, đó là hay hay dở? Được người khen hay chê? Trái lại nếu người chửi mà chúng ta im lặng không giận không hờn thì người ta khen hay chê? Dĩ nhiên người ta sẽ khen: Cô ấy tu thật, thầy ấy tu thật. Chúng ta muốn tu thật chớ không ai muốn tu dối. Vậy chúng ta phải làm sao? Nên an nhiên đừng giận, đừng nóng, như thế mới là thật tu và mới tăng trưởng công đức.

Quí vị kiểm lại xem trong lúc làm Phật sự, tất cả chúng ta có gặp những điều như đức Phật gặp chưa? Hình như chưa. Hiện giờ người ta tốt với chúng ta quá, nếu có nói gì cũng nói bóng nói cạnh chút chút thôi, chớ chưa có ai chửi thẳng vào mặt. Trong chúng đây quí vị thấy có huynh nào gọi tên mình chửi không? Chưa có, chỉ nói cạnh chút chút thôi mà đã có lần muốn xăn tay áo rồi, như vậy sức từ nhẫn đến mức nào? Hẳn là bằng Trương Phi!

 Tóm lại tất cả chúng ta là người tu, dầu là xuất gia hay tại gia, đều muốn tăng trưởng công đức, tiêu diệt tội lỗi; chính tội lỗi là cái chướng đưa chúng ta xuống ba đường ác, còn công đức là duyên tốt đưa chúng ta đến giải thoát. Hai việc quá rõ ràng, một đưa lên, một kéo xuống. Có người nào tu mà nói “tôi cầu xuống địa ngục” không? - Không, nhất địnhgiải thoát. Vậy điều nào kéo chúng ta xuống, nhất định là phải dừng, như thế mới thật là người cầu giải thoát. Thường mỗi khi đắp y, nhất là y Tỳ-kheo, quí vị đọc bài kệ “Thiện tai giải thoát phục”: lành thay chiếc áo giải thoát. Đắp y là mặc áo giải thoát, giải thoát tức là đi lên. Thế nhưng ai động đến là nổi sân đó là đã phản bội với bản nguyện từ buổi đầu.

 Thế nên hôm nay nhân ngày cuối năm, tôi kiểm điểm lại những điều dở mà chúng ta còn vướng để tất cả mọi người đều cố gắng tinh tấn tu hành, làm sao mỗi năm qua là một năm chúng ta vươn lên, chớ không thể qua một năm chúng ta vẫn đứng y chỗ cũ, hoặc là lùi lại thì thật đáng trách. Người tu là người đã nguyện bỏ hết cuộc đời thế tục, cầu đạo giải thoát, mỗi năm qua là mỗi năm bị thời gian giũa mòn mạng sống, mạng sống đã mòn mà hạnh nghiệp không tăng những điều hay, lại chứa thêm những điều dở, như vậy đời tu sẽ đi lùi chớ không tiến được. Vậy tất cả chúng tađệ tử Phật thì phải học gương của Phật. Tôi chỉ cần quí vị học đến mức bị người chửi mà vẫn điềm đạm trả lời như đức Phật, đó cũng là quá hay rồi, chớ không đề cập đến tập thể hoặc đủ các việc vu oan giá họa.

 Tôi nhắc lại, gương đức Phật rõ ràng đó, nếu tất cả chúng ta quyết chí tu hành thì chúng ta phải nhớ để vươn lên, noi theo con đường của Ngài chớ đừng lùi lại đi lối khác. Đó là điều tôi thấy cần phải nhắc nhở, không phải chỉ riêng cho quí vị mà cũng chính là nhắc cho tôi, trên đường tu lúc nào chúng ta cũng phải vươn lên chớ không dừng lại ở một chặng nào.

 Riêng tôi lâu lâu kiểm lại, thấy thiên hạ sân nhiều quá tôi cũng giật mình. Người này mới nổi đốm lửa nhỏ xíu thôi chưa phải là cây đuốc mà người khác đã vội đem bổi tới mồi liền nên lửa phiền não cháy rực hoài. Như vậy con đường tu là lý tưởng chúng ta đã chọn để tiến, sao chúng ta lại phản bội nó, không giữ đúng như lời hứa ban đầu: Nguyện tiến trên con đường giải thoát không lui. Nhất là mỗi đêm quí vị tụng bài phát nguyện, Cây Kiếm Bát-nhã tay không rời, nhưng quí vị có rời lúc nào chưa? Trong một năm nay quí vị rời mấy lần? Hay là đến giờ lên chùa mới cầm kiếm, khi ra khỏi chùa thì ném cây kiếm đâu mất, đến khi gặp phiền não bị nó trói, không cắt đứt được, đó là tại rời cây kiếm, không giắt nó sẵn nơi lưng, nên quí vị thua trận mãi!

 Thế nên trên đường tu không gì hơn là chúng ta hằng nhớ bản nguyện ban đầuý chí khi chúng ta xuất gia. Chúng ta quyết tu thì phải quyết sửa những điều dở xấu mà Phật đã chê trách và phải hành những điều hay mà Phật đã hành, như vậy mới xứng đáng là đệ tử Phật, đệ tử xuất gia hoặc tại gia. Nếu không thì Phật dạy một đàng, chúng ta làm một ngả, kết cuộc Phật đi một đường, chúng ta đi một nẻo. Nếu đường Phật đi là đường giải thoát thì đường chúng ta đi là đường trầm luân. Như vậy chúng ta tự làm khổ mình và cũng không lợi ích gì cho ai hết.

 Hôm nay nhân ngày cuối năm tôi dẫn những câu chuyện của đức Phật để tất cả quí vị biết rõ, rồi tất cả chúng ta cùng noi gương Ngài mà tiến tu để mai kia quí vị sẽ nối bước theo đức Phật, không sai một bước nào, như thế mới thật là xứng đáng.
 

 

 VẺ ĐẸP TUYỆT TRẦN
XUÂN TÂN MÙI (1991)
(Tăng Ni)

Hôm nay nhân ngày Tết Nguyên Đán năm Tân Mùi (1991), Tăng NiPhật tử về đây chúc mừng năm mới và yêu cầu chúng tôi có những lời nhắc nhở đầu năm, để tất cả quí vị nhớ cố gắng tu tiến trên đường giác ngộ, nên tôi sẽ có ít lời với quí vị. Hôm nay chúng tôi nói đề tài lạ một chút, nghe dường như phàm tục nhưng thật không phải trần tục, đó là “VẺ ĐẸP TUYỆT TRẦN”.

 Mở đầu tôi dẫn lời cổ đức đã nói:

 Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ,

 Liễu ám hoa minh biệt nhất thôn.

 Nghe hai câu trên quí vị cảm thấy thế nào? Tôi tạm dịch :

 Núi cùng sông hết nghi không lối,

 Liễu biếc hoa tươi riêng một thôn.

 Người xưa từ đức Phật đến chư Tổ, đều nhìn thấy cuộc sống của con người trên trần gian này, hay nói gọn là kiếp người, ai ai cũng như nhau. Có mặt trên đời rồi chờ ngày chết, trăm người như một không có lối nào khác; dù sang trọng quyền quí hay nghèo hèn cực khổ, cũng chỉ lăn lộn trong cuộc đời mấy mươi năm rồi cùng đi theo con đường chung là trở về cõi tử, vì thế nói:

 “Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ”, nghĩa là khi đi trên đường núi đến chỗ cùng rồi, nguồn sông đến chỗ nghẽn rồi, người ta nghi ngờ là hết lối đi, tất cả người đều thấy như vậy và đều phải chấp nhận như vậy. Nhưng nếu ai có phúc duyên, biết tu, biết tìm một lối thoát thì sẽ đến:

 “Liễu ám hoa minh biệt nhất thôn”, tức là liễu biếc hoa tươi riêng một thôn. Khi đến chỗ cùng đó không phải là hết, nếu người biết tẽ một lối khác thì sẽ thấy ở bên kia còn một thôn đầy liễu biếc hoa tươi đẹp đẽ, thôn đó không giống con đường cùng, con đường tuyệt vọng của người đời, mà là một lối tẽ đặc biệt tràn đầy những cái tươi đẹp sáng sủa không ai ngờ, không ai biết.

 Như vậy người đời ai cũng nghĩ mình sanh ra, lớn lên có gia đình, con cái, lo cho con cái lớn khôn rồi sửa soạn chết. Trăm người như một đều đến chỗ không còn lối thoát, nhưng rồi quen đi nên ai cũng thấy lẽ đương nhiên là như vậy, phải chấp nhận chớ không có cách nào khác. Nhưng phúc duyên thay những người con Phật! Đức Phật đã vạch cho chúng ta một lối thoát, lối thoát đó Ngài đã đi qua nên Ngài chỉ cho chúng ta cùng tiến. Vì thế ngày nay, người xuất gia hoặc tại gia được duyên lành theo Phật, khi đến chỗ sơn cùng thủy tận lại có một lối tẽ khác đẹp đẽ vô cùng. Lối tẽ đó là VẺ ĐẸP TUYỆT TRẦN, không còn dính một mảy bụi chớ không phải tuyệt trần theo nghĩa thế gian thường hiểu.

 Như thế quí vị mới thấy người đời thật đáng thương! Khi sanh ra người ta cứ nghĩ lo cho hết bổn phận rồi chết, chấp nhận con đường cùng ấy. Đáng thương hơn nữa là khi sắp chết cũng không biết số phận mình sẽ ra sao, chết rồi đi đâu? Đường trước mờ mờ mịt mịt, vì thế Tổ Qui Sơn có câu: ‘‘Tiền lộ mang mang vị tri hà vãng”, tức là đường trước mờ mờ không biết về đâu! Như thế niềm đau khổ thứ nhất là đi đến chỗ cùng, chỗ chết mà không biết làm sao thoát.

Niềm đau khổ thứ hai là khi chết thân phận mình sẽ ra sao, mờ mịt không biết đâu mà lường trước. Vì không biết nên khi sống mải lo cho cái sống, đến lúc ngã ra chết đành phó thác cho số phận, số phận đó là sẽ đi theo nghiệp. Vì không biết nên nghe đến cái chết người ta kinh hoàng sợ hãi. Nếu chúng ta biết đạo rồi thì đường trước có mờ mờ hay không? Dĩ nhiên là không. Tại sao? Nếu chưa ra khỏi sanh tử, chúng ta đã biết chọn một lối đi trên con đường lành, nên khi mất thân này chúng ta tiến trên con đường lành, cõi người cõi trời. Như vậy đối với người tu, dù chưa tiến đến chỗ giải thoát trọn vẹn, ít ra cũng đã chọn được con đường đi, nên khi sắp nhắm mắt chúng ta yên lòng, biết rằng con đường trước sáng sủa hơn hiện tại, sẽ đẹp đẽ vô cùng.

 Tóm lại tất cả chúng ta là người biết đạo, biết tu, thì trên đường đời chúng ta không phải là người tuyệt cùng bặt lối, trái lại chúng ta có một lối rẽ, một lối thoát rất đẹp đẽđức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta. Lối thoát đẹp đẽ đó đưa chúng ta đến chỗ an lành muôn thuở, chớ không phải chỉ là cái đẹp đẽ trong một thời gian ngắn ngủi tạm bợ rồi tan hoại. Thế nên cái đẹp mà tôi kể ở đây là “vẻ đẹp tuyệt trần”, chữ tuyệt trần theo nghĩa thông thường là đẹp hơn tất cả, nhưng ở đây chúng tôi dùng chữ tuyệt trần là dứt sạch không còn một mảy trần.

Lòng trần đã sạch thì cái đẹp đó mới là tuyệt trần. Nói như thế để tất cả quí vị ý thức rằng chúng ta được duyên lành đi trên đường tu giải thoátchúng ta đã có một lối đi đẹp đẽ, sáng sủa, vui tươi tràn đầy hạnh phúc ở ngày mai chớ không phải chúng ta đi trên đường cùng, đi trong lối nghẽn và cũng để mừng rằng đời chúng ta không phải đen tối, không phải mù mịt như bao nhiêu chúng sanh khác.

 Tiếp đến tôi dẫn những bài quí vị đã học để quí vị nhớ lại kỹ con đường mình đi qua. Đầu tiên là tôi dẫn một ít bài trong mười mục chăn trâu để tất cả quí vị thấy con đường chúng ta đi qua đẹp như thế nào. Đa số người thế gian cho người tu chúng ta là kẻ bất hạnh vì không được quyền hưởng những niềm vui thế gian, chúng ta xây mặt với hạnh phúc trần gian. Nhưng họ không ngờ chính vì đa mang hạnh phúc trần gian nên kết cuộc tất cả người đời đều phải châu mày than thở.

Thoạt nhìn dáng bên ngoài ai cũng có vẻ tươi tắn, tỏ ra vui cười, nhưng nếu đi sâu vào từng cá nhân, từng gia đình, chúng ta thấy thế gian khóc nhiều hơn cười. Cuộc đời có gì vui đâu, nhưng lỡ rồi phải cắn răng mà chịu, chớ không biết làm sao hơn! Thấy chúng ta là người không đua đòi, không đuổi theo dục lạc thế gian, họ tưởng chúng ta là kẻ thiệt thòi nhưng không ngờ chúng ta lại có một lối đi đẹp đẽ lâu dài. Tuy nhiên không phải bước vào lối đó là mọi việc đều như ý.

Quí vị nhớ mục số một trong mười mục chăn trâu, thằng chăn có được thảnh thơi không? Trâu hoang cắm đầu chạy, trâu mạnh mười, sức thằng chăn chỉ có một, trâu lại đương hoang, muốn chinh phục, muốn kềm giữ nó là cả một công trình. Nếu thằng chăn dùng trí khôn ngoan, dùng mọi phương tiện nào dây dàm cột mũi, nào roi đánh thì sẽ điều phục được nó. Trái lại nếu thằng chăn quá dốt, quá khờ cứ chạy đuổi theo con trâu mà trong tay không dây, không roi thì chắc không thể điều phục nổi nó.

Thế nên trong giai đoạn đầu người chăn trâu là người cực khổ. Khác hơn ở thế gian, do thả tâm đuổi theo dục lạc nên được một chút dục lạc nào người ta cho đó là hưởng hạnh phúc. Còn chúng ta là người xoay lại chăm chăm lo chăn con trâu của mình nên không đoái nhìn, không tìm hưởng dục lạc thế gian, vì vậy mà hai quan niệm khác nhau. Chăn trâu trong giai đoạn đầu là khó khăn, là nhọc nhằn khổ sở nhưng khi chăn được, tức là giai đoạn xỏ được mũi rồi lôi cổ nó theo mình, thì từ đó về sau từ từ sẽ nhẹ nhàng. Đến đây tôi dẫn bài kệ chăn trâu số sáu tức là mới quá bán phần trên đường tu mà đã được sung sướng như thế này, quí vị nghe thì thấy rõ ràngtràn trề hạnh phúc.

 Kỵ ngưu dĩ lệ dục hoàn gia,

 Khương địch thanh thanh tống vãn hà,

 Nhất phách nhất ca vô hạn ý,

 Tri âm hà tất cổ thần nha.

 Khi chúng ta điều phục được trâu, rồi ngồi trên lưng trâu thuần thục cỡi về nhà vào buổi chiều thì còn gì sung sướng hơn! Gió mát trời trong, ngồi trên lưng trâu cầm ống sáo vừa thổi vừa ca thật là vui vô hạn, “Nhất phách nhất ca vô hạn ý”, niềm vui không thể kể hết! “Tri âm hà tất cổ thần nha”, những người tri âm của mình đâu cần phải mở miệng nói. Bài này tôi tạm dịch: 

 Cỡi trâu thong thả trở về nhà,

 Tiếng sáo vi vu tiễn vãn hà,

 Một nhịp một ca vô hạn ý, 

 Tri âm đâu phải động môi à.

 Như vậy quí vị thấy chỉ mới quá bán phần trên đường tu mà đã vui vẻ như thế, huống nữa là mãn đường tu thì vui đến mức nào. Có phải là chúng ta sống một đời tràn trề hạnh phúc hay không? Thế nên nếu chúng ta chịu khó nỗ lực chăn được con trâu của mình thì mai kia trên đường tu, trên đường về quê hương, chúng ta là kẻ thảnh thơi nhất, an nhàn nhất, nhìn thấy toàn là hoa tươi cỏ đẹp chớ không còn những nỗi buồn bã khổ đau của kiếp người. Đấy là “biệt nhất thôn” tức là một làng riêng, làng chúng ta trở về đó. Trên đây là nói về bức tranh chăn trâu thứ sáu của Thiền tông.

 Bức tranh chăn trâu thứ sáu của Đại thừa có khác một chút:

 Lộ địa an nhiên ý tự như,

 Bất lao tiên sách vĩnh vô câu.

 Sơn đồng ổn tọa thanh tùng hạ, 

 Nhất khúc thăng bình lạc hữu dư.

 “Lộ địa an nhiên ý tự như” tức là con trâu nằm dưới đất trống yên ổn nghỉ ngơi.

 “Bất lao tiên sách vĩnh vô câu” là không nhọc nhằn cầm roi và dây mũi.

 “Sơn đồng ổn tọa thanh tùng hạ”, thằng chăn ngồi dưới cội tùng thong thả.

 “Nhất khúc thăng bình lạc hữu dư”, hát một bản nhạc thăng bình, vui không còn gì hơn. Quí vị thấy niềm vui đến đây thật không thể diễn tả hết được. Bài kệ này chúng tôi tạm dịch:

 Đất trống ngủ yên ý tự an,

 Chẳng cần roi mũi, mãi thanh nhàn.

 Tùng xanh dưới cội mục đồng nghỉ,

 Một bản thăng bình rất hân hoan.

 Vừa rồi là hình ảnh một chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, đến đây là hình ảnh một chú mục đồng ngồi dưới cội tùng hát bản nhạc thăng bình, tức là đến thời thái bình thịnh trị, mọi người đều vui ca thong thả, không còn bận rộn lo âu gì cả.

 Như vậy kiểm lại trên đường tu, nếu tất cả chúng ta nỗ lực chịu cực chịu khổ qua nửa phần đường, trong nửa phần đường đó:

- Giai đoạn thứ nhất là vất vả trăm phần,

- Giai đoạn thứ hai sự vất vả còn khoảng tám mươi phần,

- Giai đoạn thứ ba sự vất vả còn khoảng sáu mươi phần,

- Đến giai đoạn thứ tư còn khoảng bốn mươi phần,

- Đến giai đoạn thứ năm xem như hết vất vả rồi,

- Giai đoạn thứ sáu là bắt đầu thảnh thơi tự tại trên con đường trở về quê hương.

 Đó là những hình ảnh tôi cho là đẹp tuyệt trần, chính khi chúng ta chiến thắng được bản thân mình, chiến thắng được vọng tưởng (cụ thể hoá bằng con trâu đã thuần thục, đã nghe lời và chú mục đồng ngồi trên lưng trâu trở về), lúc đó mọi sự thảnh thơi sẽ đến với chúng ta, niềm an lạc vô biên vô tận sẽ đến với chúng ta.

 Vậy con đường tu là con đường tăm tối hay là con đường tươi sáng?

- Con đường của chúng ta đi là con đường tươi sáng vô cùng, thế mà có nhiều người đi vừa hơi mỏi chân là đã muốn trở về, thật là đáng tiếc vì chọn con đường tu tức là đã tìm được một lối đi đẹp đẽ vui tươi an nhàn tự tại.

 Tuy nhiên không có sự an vui hạnh phúc nào mà chúng ta không phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt. Như nhiều khi ngồi thiền phải muốn khóc vì đau chân, hoặc ở trong chùa nhiều khi bị rầy nên khóc lên khóc xuống. Song nếu chúng ta nỗ lực cố gắng thì ngày mai chúng ta sẽ được hưởng cảnh thanh nhàn an vui, nếu không muốn trả cái giá đó mà đòi hưởng cảnh an nhàn tự tại thì chắc là không có. Ở trong đạo cũng như ở thế gian, muốn được quả vui trước hết chúng ta phải có công phu khó nhọc.

Thí dụ như muốn hưởng những quả mít ngon thì hiện tại chúng ta phải đem hạt mít ương trồng, phải bón phân, tưới nước, nhổ cỏ từ ba năm đến năm năm mới thu được kết quả, chớ không bao giờ muốn ăn mít ngon liền có mít ngon, trừ khi có tiền trong túi. Nhưng muốn có tiền cũng phải lao động đổ mồ hôi mới có được. Vậy muốn hưởng quả tốt trước hết phải chịu cực chịu khó, quả tốt mới đến được. Có nhiều người mơ tưởng rằng chùa, Thiền viện là cảnh cực lạc, cảnh thiên đường tại thế, vào đó ngày nào cũng vui, giờ nào cũng an. Hiểu như vậy e là lầm, vì vào đó rồi còn phải dùng bao nhiêu công phu mới qua được những khó khăn để đến chỗ an lạc, chớ không phải vào chùa rồi mọi việc đều như ý.

 Tôi nhắc lại để quí vị hiểu con đường chúng ta chọn, chúng ta đi là con đường rất đẹp, rất tươi vui, xán lạn ở ngày mai, nhưng muốn đi đến lối rẽ an lạc đó, tìm được thôn riêng đó, chúng ta phải đi tột cùng con đường dài mới bước sang được lối tẽ này. Tôi chỉ mới dẫn hai bài thơ nói đến mục thứ sáu của mười bức tranh chăn trâu mà quí vị đã thấy đẹp đẽ như vậy. Đến đây tôi dẫn những bài quí vị vừa học trong Tuyết Đậu Tụng Cổ, tức là ngài Tuyết Đậu tụng các công án.

 Đầu tiên là công án Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn đăng đường nói với chúng rằng: Ngài nắm hòn núi Tu-di lại, nó nhỏ bằng hạt gạo, hạt lúa. Ngài Tuyết Đậu tụng cho chúng ta nghe như thế này:

 Ngưu đầu một, mã đầu hồi,

 Tào Khê cảnh lý tuyệt trần ai.

 Đả cổ khán lai quân bất kiến,

 Bách hoa xuân chí vị thùy khai?

 Tạm dịch:

 Đầu trâu mất, đầu ngựa về,

 Trong vắt Tào Khê kính chẳng nhơ.

 Đánh trống đến xem anh khó thấy,

 Trăm hoa xuân đến nở vì ai?

 Bài này có cái đẹp nào mà tôi đem vào đây? Ngài Tuyết Phong Nghĩa Tồn nói: Ngài nắm núi Tu-di lại nhỏ bằng hạt lúa, hạt gạo. Núi Tu-di lớn bao nhiêu? Hạt gạo lớn bao nhiêu? Nắm hòn núi to lại bằng hạt lúa hạt gạo là để nói lên điều gì? Tức là dưới con mắt của Thiền sư, tất cả những tướng đối đãi lớn như núi Tu-di, nhỏ như hạt gạo... không còn nữa. Như vậy cái nhìn của Thiền sư đã thoát khỏi mọi tướng đối đãi của trần gian. Khi thoát khỏi mọi đối đãi của trần gian, tâm chúng ta sẽ như thế nào? Sẽ không còn dính một chút bụi trần. Sở dĩ chúng ta còn dính bụi trần là vì còn ở trong đối đãi hơn thua, phải quấy, được mất, nên phiền não theo đó dấy khởi , tâm chúng ta trở thành nhiễm ô, vì thế gọi là trần ai. Ngài Tuyết Đậu thấy được công án này nên Ngài mới hạ câu đầu:

 ‘‘Ngưu đầu một, mã đầu hồi” tức là đầu trâu mất, đầu ngựa về, nghĩa là một câu vô nghĩa vô lý, không ai biết là gì, để nói lên khi con người đã thoát khỏi đối đãi thì không có ý niệm, không có tình duyên theo cảnh. Thế nên nói “đầu trâu mất đầu ngựa về”, nói một cách không có lý thú để diễn tả tâm không còn dính mắc với cảnh.

 Đến câu thứ hai: “Tào Khê cảnh lý tuyệt trần ai” là trong gương Tào Khê không dính một mảy bụi. Nghe nói gương Tào Khê ai cũng tưởng là gương của Lục Tổ, nhưng nếu tất cả chúng ta đi theo con đường của Lục Tổ thì chúng ta đều có cái gương riêng, gương đó cũng được gọi là gương Tào Khê. Như vậy tất cả chúng ta khi tâm dứt đối đãi thì không còn dính một mảy bụi ở trong lòng. Hiện nay nếu quí vị buông hết những được mất hơn thua v.v... thì lòng quí vị có phiền não không? - Đâu còn tí nào phiền nãophiền não hết thì tâm mình trong sáng như gương không dính một mảy bụi. Khi ấy:

 “Đả cổ khán lai quân bất kiến”: đánh trống mời thiên hạ đến xem, nhìn trong gương cũng không ai thấy được một mảy bụi, cũng không ai thấy được cái gương như thế nào.

 Câu kết thúc thật là đẹp đẽ: “Bách hoa xuân chí vị thùy khai?” Nghĩa là đến mùa Xuân, trên núi, trong rừng, bên cạnh suối... trăm hoa đua nhau nở là vì ai ? Vì quí thầy hay vì quí Phật tử? - Không vì ai cả. Nghĩa là Xuân đến thì hoa nở chớ không phải vì người này xem hoa, người kia yêu hoa mà nó nở cho họ xem.

 Như vậy khi tâm chúng ta không còn dính một mảy bụi thì muôn vật đều đẹp đẽ trước mắt chúng ta, khi duyên đến tức là thời tiết đến, mùa Xuân đến thì hoa tự nở chớ không phải vì ai, không phải đợi chúng ta chăm sóc vun bón... Đây là một công án diễn tả tâm chúng ta khi tự tại không còn kẹt ở hai bên thì kết quả sẽ tốt đẹp như thế.

 Đến công án thứ hai là công án của ngài Vân Môn. Một hôm ngài Vân Môn bảo: Ngày mười lăm về trước thì không hỏi ông, ngày mười lăm về sau hãy nói một câu xem? Không ai đáp được, Ngài tự nói: Mỗi ngày đều là ngày tốt. Công án này hay ở điểm nào? Tất cả chúng ta đang sống trong hiện tại nhưng tâm chúng ta nhớ chuyện hôm qua, hôm kia, năm xưa, năm cũ, tức là sống ở hiện tại mà tâm lùi về quá khứ.

Nhiều khi sống ở hiện tại mà tâm hướng về vị lai như ngày nay là ngày mồng một Tết mà chúng ta nghĩ tháng hai, tháng ba chúng ta sẽ phát tài hoặc tháng tư, tháng năm chúng ta đi ngoại quốc... Giờ phút hiện tại không sống thì sống cũng như chết, chết nhưng còn ăn, còn nói, còn đi. Ăn, nói, đi, mà chết vì chính hiện tại mới là sống, nhưng trong ba thời quá khứ hiện tại vị lai tâm chúng ta cứ lui về quá khứ hoặc hướng tới vị lai, mơ ước tưởng tượng mà quên mất giây phút hiện tại. Thế nên Ngài mới nói không hỏi ngày mười lăm về trước mà ngay ngày mười lăm về sau hãy nói cho một câu, không ai nói được thì Ngài nói ‘‘mỗi ngày đều là ngày tốt”. Như thế không cần mở lịch, vì ngày nào cũng là ngày tốt. Tại sao? Đây ngài Tuyết Đậu tụng:

 Khứ khước nhất, niêm đắc thất,

 Thượng hạ tứ duy vô đẳng thất.

 Từ hành đạp đoạn lưu thủy thanh,

 Túng quan tả xuất phi cầm tích.

 Thảo nhung nhung, yên mịch mịch,

 Không Sanh nham bạn hoa lan tịch,

 Đàn chỉ kham bi Thuấn Nhã Đa.

 Tạm dịch:

 Bỏ đi một, nắm được bảy,

 Trên dưới bốn bên không đồng bậc.

 Thong dong đạp bặt tiếng suối reo,

 Phỏng xem vẽ được chim bay dấu.

 Cỏ xanh rì, khói trắng bạc,

 Không Sanh bên núi hoa rơi loạn,

 Khảy tay làm thảm Thần Hư Không.

 Qua bài kệ này chúng ta thấy tài của ngài Tuyết Đậu diễn tả khi tâm chúng ta không còn kẹt quá khứ, vị lai, đó là dùng mấy chữ “bỏ đi một, nắm được bảy” nghĩa là không còn kẹt vào quá khứ, vị lai nữa, chỉ ngay hiện tại thôi.

 “Trên dưới bốn phương không đồng bậc” nghĩa là bốn hướng và trên dưới không có cái gì gọi là giống nhau. Như vậy nếu tâm chúng ta đối với thời gian không còn có niệm sai biệt hướng về quá khứ vị lai mà sống ngay hiện tại thì thế nào? Tâm đã bình đẳng nghĩa là ngay trong phút giây này hiện tại thì thế nào? Tâm đã bình đẳng nghĩa là ngay trong phút giây này

 “Thong dong đạp bặt tiếng suối reo.” Dầu cho tiếng suối reo bên cạnh, chúng ta đi rất thong thả bên bờ suối, cũng đạp được tiếng suối im bặt. Sao hay đến thế? Tiếng suối có hình dáng gì mà đạp được bặt tiếng? Đó là để nói rằng khi tâm chúng ta không còn niệm hướng về quá khứ vị lai, chỉ sống với hiện tại thôi, lúc đó sẽ có diệu dụng, dường như chúng ta đi từ từ thong thả mà cũng làm cho tiếng suối reo im bặt.

 “Phỏng xem vẽ được chim bay dấu”, nghĩa là thấy chim bay trong hư không, giả sử muốn vẽ dấu của nó, cũng vẽ được. Như vậy hai câu này diễn tả khi chúng ta dứt được tâm quá khứ vị lai rồi thì ngay trong phút hiện tại này chúng ta sẽ được diệu dụng, nó vi tế vô cùng, những bước đi thong dong làm cho suối phải im tiếng, chim bay trong hư không dường như mắt cũng thấy được dấu chân của nó. Đây lại đẹp thêm:

 “Cỏ xanh rì, khói trắng bạc.” Khi ấy chúng ta thấy đây là cỏ mùa Xuân xanh rì như nhung, kia là đám mây khói trắng như bạc, không còn gì xấu xa đen tối nữa. Tiếp đến Ngài dẫn:

 “Không Sanh bên núi hoa rơi loạn”, tức là ngài Tu-bồ-đề ngồi bên sườn núi im lặngThiên Đế Thích rải hoa cúng dường. Tâm chúng ta đến chỗ nhất như thì dường như không nói không làm mà tất cả chung quanh đều cảm thông, đều thấy được.

 “Khảy tay làm thảm Thần Hư Không”: chỉ khảy ngón tay, Thần Hư Không cũng hiện ra buồn thảm. Khi chúng ta tu hành đến giai đoạn tâm được an nhiên tự tại thì mọi diệu dụng tràn đầy trước mắtchúng ta nhìn thấy tất cả đều hay, đẹp và nên thơ. Tôi dẫn những kệ tụng trên để quí vị thấy tương lai đẹp đẽ của con đường chúng ta đang đi.

 Sang đến Thiền sư Việt Nam của chúng ta có nhìn giống như thế không? Đây là vị Thiền sư mà tôi thường hay nhắc nhất, đó là Thiền sư Chân Không. Có vị Tăng hỏi: Khi sắc thân bại hoại thì thế nào? Tức là người ta đến lúc chết thì thế nào? Ngài liền đáp:

 Xuân khứ Xuân lai nghi Xuân tận,

 Hoa lạc hoa khai chỉ thị Xuân.

 Tôi tạm dịch:

 Xuân đến Xuân đi ngỡ Xuân hết,

 Hoa nở hoa tàn vẫn là Xuân.

 Thật đẹp làm sao! Người ta thắc mắc băn khoăn hỏi sắc thân của chúng ta, đến giờ phút bại hoại thì thế nào? Người thế gian đến giờ phút đó là khóc, là khổ đau, nhưng với Ngài thì Ngài bảo: Xuân đến Xuân đi ngỡ Xuân hết, hoa nở hoa tàn vẫn là Xuân. Mùa Xuân có đến có đi, như hôm nay bắt đầu mùa Xuân tức là Xuân đến, ba tháng sau gọi là Xuân đi, đến rồi đi, tưởng như Xuân hết.

Còn hoa nở trong mùa Xuân, như hôm nay các cành mai đang nở, mai mốt nó sẽ tàn, nở trong mùa Xuân, tàn cũng trong mùa Xuân, như vậy sống chết vẫn ở trong cái tươi đẹp chớ không bao giờ mất. Thế là sống đẹp mà chết cũng tươi, không phải sống là vui chết là khổ. Tại sao? Vì đối với người thấy đạo sống và chết chỉ là sự sanh diệt của hòn bọt trong biển, hợp hoặc tan cũng đều nằm trong biển, có thoát đi đâu, khi hợp lại không làm cho biển tăng lên, khi tan ra cũng không làm cho biển giảm xuống, hợp hay tan cũng thế thôi.

Thế nên Thiền sư khi thấy con người lúc sắp lâm chung bồi hồi lo sợ không biết thân phận sẽ ra sao thì Ngài nói rõ rằng: Mùa Xuân đến, mùa Xuân đi người ta tưởng là mùa Xuân hết, nhưng hoa khi nở khi tàn, dù có hai thời, vẫn là trong một mùa Xuân. Vậy mùa Xuân ở đây là mùa Xuân mãi mãi chớ không phải mùa Xuân chỉ có trong thời tiết ba tháng. Như vậy để thấy rằng sự có mặt và vắng mặt của chúng ta trên trần gian này chỉ là tạm thời chớ trong cái tươi sáng vĩnh viễn, chúng ta lúc nào cũng hiện hữu, không bao giờ thiếu vắng. Đó là điều Thiền sư đã thấy như vậy.

 Đến một vị Thiền sư khác vào đời Lý, Thiền sư Viên Chiếu. Có một vị Tăng hỏi Ngài: Thế nào là nghĩa Kiến tánh thành Phật? Ngài trả lời:

 Khô mộc phùng xuân hoa cạnh phát,

 Phong xuy thiên lý phức thần hương.

 Tôi tạm dịch:

 Cây héo Xuân về hoa nở rộ,

 Gió đưa ngàn dặm nực hương mầu.

 Khi Tăng hỏi nghĩa Kiến tánh thành Phật thì Ngài đáp: giống như là cây héo, cây khô gặp mùa Xuân về liền nở hoa. Người thế gian vì không nhận ra Phật tánh của mình nên thấy thân này có sanh, có diệt, khi sanh là vui mừng, khi diệt là khổ đau; trái lại người tu nhìn thấu được tánh chân thật của mình, tức là kiến tánh, thì thấy thân này có tàn có hoại cũng như là cây khô, khi thời tiết nhân duyên đến tức là mùa Xuân về nó vẫn nở hoa, chớ không phải mục luôn. Người tu khi ngộ đạo thấy tánh rồi thì ngay nơi thân tầm thường, nhớp nhúa, không ra gì này có cái đẹp đẽ tươi sáng vô cùng, đó là ví dụ mùa Xuân về hoa nở rộ.

 Đến câu kế “Gió đưa ngàn dặm nực hương mầu”, lúc gió ở đâu thổi về đều nghe mùi hương nhiệm mầu thơm ngát mũi. Như vậy hai câu thơ này cho chúng ta thấy đường trước chúng ta đẹp đẽ làm sao, giống như mùa Xuân về hoa nở rộ, giống như gió ngàn phương thổi về mùi thơm nhiệm mầu nồng nực khắp bầu trời. Như thế quí vị thấy đẹp đẽ thơm tho là con đường chúng ta đang đi, đang tiến tới.

 Lại có vị Tăng hỏi: Thế nào là bản ý của chư Phật?

 Ngài Viên Chiêu liền đáp: 

 Xuân chức hoa như gấm,

 Thu lai diệp tự hoàng.

 Dịch:

 Xuân dệt hoa như gấm,

 Thu sang lá tự vàng.

 Câu trả lời đẹp làm sao! Mùa Xuân đến hoa nở đẹp như gấm thêu hoa, mùa thu sang lá vàng rụng. Như vậy Xuân đến, thu sang vẫn là tự nhiên, Xuân về hoa nở, thu đến lá vàng, sự vật là như thế. Bản ý chư Phật thế nào? Bản ý chư Phật là như nhiên, như Xuân về hoa nở, thu đến lá vàng, không có gì thêm, không niệm trần nào len lỏi vào.

 Đến Thiền sư Thiền Lão, một hôm vua Lý Thái Tổ đến, thấy Ngài ở trong núi, Vua hỏi: Ngài ở đây được bao lâu rồi?

 Ngài trả lời:

 Đản tri kim nhật nguyệt,

 Thùy thức cựu Xuân thu.

 Tạm dịch:

 Chỉ biết ngày tháng này,

 Ai hay Xuân thu trước.

 Nhà vua liền hỏi thêm: Hòa thượng ở đây hằng ngày làm gì? Ngài trả lời:

 Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh,

 Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.

 Dịch:

 Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác,

 Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.

 Ngài Thiền Lão Thiền sư trả lời câu hỏi của vua Lý Thái Tổ về thời gian Ngài ở trong núi bao lâu là: Chỉ biết ngày nay tháng này thôi. Như vậy Ngài đang sống với niệm hiện tại (ngay bây giờ), không nhớ quá khứ, không mơ tưởng vị lai. Nếu con người được như vậy thì hiện tại đang làm gì? Ngài trả lời: Nhìn trúc biếc hoa vàng, thấy trăng trong mây bạc... tất cả đều hiện cái thể chân thật của chính mình, chớ không có ngoài.

 Vậy khi chúng ta tu hành đến lúc tâm mình tự tại, không dính mắc một cái gì, lúc đó tất cả cảnh trước mắt chúng ta đều nên thơ, đều tuyệt diệu, những cảnh đẹp không thế nào diễn tả hết, những cảnh đó chúng tôi gọi là vẻ đẹp tuyệt trần, nghĩa là đẹp mà không dính một mảy bụi nào. Bụi đó ở đâu? Ở trong tâm chúng ta. Tâm không còn chút bụi thì mọi cảnh trước mắt đều đẹp, đều nên thơ. Trái lại nếu tâm chúng ta còn bụi phiền não thì mọi cảnh đều là cảnh buồn, cảnh tang tóc.

Như thế tất cả chúng ta tu hành là đã chọn được một con đường, con đường tươi sáng hạnh phúcmai sau. Chọn được rồi, hiện chúng ta đang cất bước đi, quí vị có muốn đi nhanh đến để hưởng hay không? Hay quí vị thích ngồi chơi, chần chờ trong những đám gai góc, những vũng bùn lầy? Tôi ví dụ như chúng ta là khách du lịch muốn đến một thành phố đẹp, nhưng biết rằng trên đoạn đường về thành phố phải qua những đoạn đường lồi lõm, nhơ nhớp, bẩn thỉu, quí vị nghĩ chúng ta muốn đi nhanh qua để đến chỗ tươi đẹp mà chúng ta hằng mơ ước, hay là chúng ta cứ dần dà đến chỗ nào mệt thì ngồi chơi để ngửi mùi hôi hám của những đống rác, hay dừng lại những chỗ đất lồi lõm gai góc, ngồi xuống thì bị đâm thủng chẳng hạn? Chắc không ai bằng lòng ngồi lì mãi ở chỗ nhơ nhớp gai góc khi biết rằng đến nơi kia sẽ đẹp đẽ trăm phần. Thế nên chúng ta đã có một lối đi, đã biết được kết quả sẽ là tươi sáng, đẹp đẽ thì phải nỗ lực, không nên chần chờ, hẹn nay, hẹn mai mà phải ráng đi đến nơi, sớm chừng nào tốt chừng nấy.

 Tóm lại hôm nay là ngày đầu năm, tôi phác họa con đường đi của quí vị để thấy đó là con đường tươi sáng . Vậy mong rằng tất cả quí vị nếu không phải là người yếu hèn hay thác loạn, thì sẽ không chần chờ, không thối lui trên bước đường toàn là hoa thơm cỏ lạ. Chúng ta phải hăng hái, cố gắng tiến đến chỗ chúng ta đã nhắm, đến mục tiêu chúng ta đã quyết đến vì đó là nơi đẹp đẽ, tươi sáng, là nơi an lạc muôn đời.

Chúng ta đâu còn dốt nát dại khờ gì mà phải dính nhiễm, cãi nhau trong đám gai góc? Đánh nhau trong gai có vui gì đâu, dù có thắng cũng trầy da tróc vảy. Thế thì mặc ai muốn tranh hơn thua, muốn lôi kéo... chúng ta cứ gỡ mà đi, đi thẳng đến đích cuối cùng là nơi đẹp đẽ vô hạn. Đến đó rồi mặc tình ngồi chơi thổi sáo hát khúc thanh bình, rảnh rang cỡi mây cỡi gió về rủ bạn bè cùng đi với mình cho vui, chớ không lẽ lăn lộn mãi trong đám gai góc bùn lầy, giành nhau những cái không đáng giành, hơn nhau những cái không đáng hơn thì thật là uổng phí cả cuộc đời.

 Mong rằng năm nay, tôi tạm gọi là năm cuối để hướng dẫn dạy dỗ quí vị, những gì Kinh điển Phật Tổ dạy, tôi đem ra giảng nói cho quí vị nghe, quí vị ráng lãnh hội đầy đủ và đồng thời cố gắng mạnh mẽ bước trên con đường chúng ta đang đi, đừng giậm chân tại chỗ và tối kỵ là đừng bao giờ trở bước lại. Đó là điều tôi nhắc nhở, mong tất cả quí vị ý thức được đường tu, biết ngày mai tươi sáng thì phải nỗ lực tiến lên, không nên chần chờ nữa. 


 BIỂU TƯỢNG HOA SEN
XUÂN TÂN MÙI (1991)
(Phật tử)

Hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán, chúng tôi dùng hình ảnh hoa sen để chúc Tết quí Phật tử. Trong đạo Phật biểu tượng hoa sen có những gì kỳ đặc? Hôm nay chúng tôi nói lên biểu tượng đó để tất cả quí Phật tử ý thức việc tu hành, sống theo tinh thần của biểu tượng hoa sen và đi đúng theo hướng của đức Phật đã dạy.

Nói đến hoa sen trước nhất trong chùa, chúng ta thấy tượng đức Phật ngự trên toà sen. Hẳn quí vị cũng nhớ thuở xưa khi thành Phật Ngài ngồi ở đâu? Ngài ngồi dưới cội Bồ-đề, trên toà cỏ. Hiện nay chúng ta lại để đức Phật ngồi trên tòa sen, như vậy là không đúng sự thật rồi. Vậy tòa sen mang ý nghĩa gì mà tất cả Phật tử chúng ta lại quí trọng để làm đài cho đức Phật ngồi? Kế đến khi đi chùa quí Phật tử thấy tháp thờ các vị trụ trì hay những vị có đạo đức cao đều có để các búp sen.

Vậy các búp sen nói lên ý nghĩa gì mà trong đạo Phật từ chùa, tháp cho đến mộ của Phật tử cũng để hình ảnh hoa sen? Cả đến gia đình Phật tử cũng dùng lá cờ có hình hoa sen. Đó là những điều chúng tôi thấy người Phật tử cần phải hiểu rõ để khi có người hỏi chúng ta biết cách giải thích. Tuy không phải khó nhưng giải thích không suôn, vì chúng ta không biết được ý nghĩa rõ ràng. Đây tôi nêu ra hai phần:

1. Ý nghĩa biểu tượng hoa sen theo tinh thần Phật giáo Nguyên thủy.

2. Ýnghĩa biểu tượng hoa sen theo tinh thần Phật giáo Phát triển hay là Đại thừa.

Theo tinh thần Phật giáo Nguyên thủy: Thường hoa sen xuất phát từ trong bùn nhơ, luôn luôn sen mọc trong ao, trong hồ. Điều đó ca dao Việt Nam đã có nhắc đến và quí vị cũng đã nhớ, đã thuộc. Như vậy giá trị của hoa sen là từ nơi bùn nhơ sen trỗi dậy, vươn lên khỏi bùn, ra khỏi nước rồi trổ hoa. Lúc đầu mầm nó chui trong bùn nhưng khi gần trổ hoa thì nó vượt khỏi bùn, ngâm trong nước và lên khỏi mặt nước mới trổ hoa.

Khi ở trong bùn thì hôi, nhưng khi nó nở hoa thì thơm ngát. Vậy giá trị của hoa sen là từ chỗ nhơ nhớp hôi hám mà trổ hoa có mùi hương tinh khiết, đó là điểm kỳ đặc của hoa sen. Tỉ dụ như hoa hồng, hoa cúc, hoa mai chúng ta trồng trên khô, trổ hoa thơm thì cũng thường, vì chúng không có cái gì hôi hám. Còn sen ở trong bùn lại trổ được hoa thơm, điều đó thật hiếm có. Thế nên đạo Phật dùng ý nghĩa này của hoa sen để tượng trưng cho người tu hành.

Theo sử, đức Phật ngày xưathái tử con vua Tịnh Phạn, Ngài sống trong cảnh vương giả đầy đủ ngũ dục, tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc dư thừa. Ngài sống trong ngũ dục, chìm trong ngũ dục, nhưng chính từ trong ngũ dục sau này Ngài thức tỉnh, Ngài thoát ra khỏi ngũ dục và đi tu. Khi đi tu Ngài sống khổ hạnh đến ngày viên mãn đạo quả, thành một đức Phật sáng suốt giác ngộ, cũng như hoa sen từ trong bùn vươn ra khỏi bùn, lên khỏi mặt nước rồi trổ hoa. Thế nên đức Phật dạy:
 Trước tâm ta buông lung,
 Chạy theo ái dục lạc,
 Nay ta chánh chế ngự,
 Như câu móc điều voi.
 (Kinh Pháp Cú 326)

 Đức Phật kể lại: Thuở trước lúc ở trong cung Thái tử, tâm Ngài buông lung chạy theo ái dục, thụ hưởng dục lạc, nhưng ngày nay tức là khi đi tu, Ngài chế ngự được nó giống như người nài (người chăn voi) dùng câu móc điều phục voi. Như vậy quí vị thấy từ trong vũng bùn ngũ dục Ngài thoát ra và trở thành một vị giác ngộ giải thoát. Đức Phật không phải từ phương trời nào xuống, mà chính là một con người hưởng đầy đủ dục lạcthế gian, rồi tự điều phục, thoát khỏi ngũ dục trở thành đấng giác ngộ.
 
 Khi Ngài ở trong cung vua thọ hưởng dục lạc, ví dụ như hoa sen còn ở trong bùn; khi Ngài vượt thành xuất gia không còn ở trong thế gian của dục lạc nữa, ví dụ như hoa sen vượt ra khỏi bùn nhưng còn ở trong nước; khi Ngài cố gắng tu hành cho đến lúc được viên mãn giác ngộ, giống như hoa sen vượt khỏi nước, nở hoa. Như vậy hoa sen từ lúc mới mọc đến khi trổ hoa trải qua nhiều giai đoạn: Giai đoạn một là ở trong bùn, giai đoạn hai là ra khỏi bùn ở trong nước, giai đoạn ba là ra khỏi nước, giai đoạn bốn là nở hoa thơm ngát.

Cũng như vậy cuộc đời của đức Phật có nhiều giai đoạn: giai đoạn một là đắm mê dục lạcthế gian, giai đoạn hai là vượt thành xuất gia, giai đoạn ba khi tu Ngài cố gắng tinh tấn tu cho đến được giới thanh tịnh, điều phục được tâm, giai đoạn bốn là giác ngộ viên mãn. Thế nên sau này chư Tổ dùng hoa sen để tượng trưng cho công hạnh tu hành của đức Phật, hình tượng đức Phật ngựï trên đài sený nghĩa như vậy. Sau khi giác ngộ rồi đức Phật cũng dùng hoa sen để dạy đệï tử và các đệ tử Phật cũng học theo gương của Ngài.
 Như giữa đống rác nhớp
 Quăng bỏ bên cạnh đầm,
 Chỗ ấy hoa sen nở
 Thơm sạch đẹp lòng người.
 Cũng vậy giữa quần sanh,
 Uế nhiễm mù phàm tục,
 Đệ tử bậc Chánh giác,
 Sáng ngời bằng trí tuệ.
 (Kinh Pháp Cú 58-59)
 
 Qua bài kệ này chúng ta thấy đức Phật dạy đệ tử của Ngài phải giống như hoa sen, giống cách nào? Như khi vào thành phố chúng ta thấy mấy xe rác hôi hám nhơ nhớp, người ta đem đổ bồi các chỗ trũng, các đầm. Chính nơi đó sen mọc lên, khi sen nở, hoa có mùi rác hay mùi thơm thanh khiết? - Sen nở có mùi thơm thanh khiết. Đó là đức Phật dùng hình ảnh hoa sen để ví dụ. Ngài dạy tiếp: “Cũng vậy giữa quần sanh uế nhiễm, mù, phàm tục”, tức là ở giữa mọi người chung quanh chúng ta, họ là những kẻ uế nhiễm, mù tối, phàm tục, đệ tử của bậc Chánh giác phải như thế nào?

Đệ tử của Phật phải cố gắng “sáng ngời bằng trí tuệ”, tức là ở chỗ mù tối, uế nhiễm chúng ta phải luôn luôn nuôi dưỡng trí tuệ mình được sáng ngời để xứng đáng là đệ tử bậc Chánh giác. Như thế quí vị thấy đức Phật dùng hoa sen để nhắc nhở đệ tử Ngài phải sống đúng như tinh thần của hoa sen, từ chỗ nhiễm nhơ phàm tục phải dùng trí tuệ sáng ngời đi đến giác ngộ.
 
 Tiếp đến chúng tôi nói biểu tượng hoa sen theo tinh thần Phật giáo Đại thừa hay là Phật giáo phát triển, nó có hơi khác một chút. Hẳn đa số Phật tử ở đây đều có tụng kinh Pháp Hoa, Pháp Hoa là gì? Pháp là Diệu Pháp, Hoa là Liên Hoa, nói tắt là Pháp Hoa, nói đủ là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Liên Hoahoa sen, Diệu Pháp ví dụ như hoa sen nên gọi là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, như vậy kinh Pháp Hoabộ kinh nói lên ý nghĩa Diệu Pháp giống như hoa sen.

Diệu Pháp là gì? Tức là Tri kiến Phật. Kinh Pháp Hoa nói: “chư Phật ra đời vì khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”, nghĩa là chỉ dạy cho chúng ta ngộ được Tri kiến Phật, tức là cái thấy biết Phật của mình. Vậy cái thấy biết Phật của mình ở đâu? - Ở ngay trong thân vô thường nhơ nhớp này. Tri kiến Phật là cái thanh tịnh, sáng suốt, là Diệu Pháp, là Pháp sẵn có nơi con người chúng ta. Thân nhơ nhớp ô uế này dụ như đống bùn. Đức Phật dạy thân chúng ta là nhơ nhớp là bất tịnh nhưng trong cái nhơ nhớp bất tịnh có cái thanh tịnh sáng suốt, vì vậy mà dụ Tri kiến Phật như hoa sen. Chúng ta khéo ứng dụng tu theo lời Phật dạy trong kinh Pháp Hoa thì sẽ được giác ngộ, thấy được Tri kiến Phật.
 
 Đến các Thiền sư nói về hoa sen như thế nào? Như một Thiền sư đời Lý, ngài Đạo Huệbài kệ:
 Sắc thân dữ Diệu thể,
 Bất hiệp bất phân ly.
 Nhược nhân yếu chân biệt,
 Lô trung hoa nhất chi.
 Tôi dịch:
 Sắc thân cùng Diệu thể,
 Chẳng hợp chẳng chia ly.
 Nếu người cần phân biệt,
 Trong lò một cành hoa.
 
 Cành hoa tức là cành hoa sen. Các Thiền sư không nói hoa sen ở trong bùn nữa mà nói hoa sen ở trong lò lửa. Hoa sen trong bùn thì dễ hiểu, còn hoa sen trong lò lửa là điều quá sức tưởng tượng của chúng ta. Tôi sẽ giải thích ý nghĩa này. Lò lửa là chỉ thân vô thường, trong kinh Pháp Hoa cũng có dụ là “Tam giới vô an du như hoả trạch”, nghĩa là ba cõi không an giống như trong nhà lửa.

Thân vô thường của chúng ta bị thiêu đốt, nó khô, nó chết từng phút từng giây, nhưng trong đó lại có một cái chưa bao giờ bị thiêu đốt, luôn nguyên vẹn trong sáng tươi tốt, nói theo kinh Pháp Hoa đó là Tri kiến Phật, nói theo bài kệ này đó là Diệu thể. Lò lửa dụ cho sắc thân, cành hoa dụ cho Diệu thể. Cành hoa là biểu trưng cho trí tuệ sẵn có của chúng ta, nhà Phật gọi là Phật tánh hay Chân tâm. Trí tuệ đó sẵn trong thân vô thường này giống như hoa sen trong lò lửa. Thân chúng ta bị lửa vô thường thiêu đốt bại hoại nhưng hoa sen của chúng ta, tức tánh giác của chúng ta, không bao giờ khô héo. Thế nên đã bao lần thân này hoại đi qua thân khác mà tánh giác không thêm, không bớt, không thay đổi dụ như hoa sen trong lò lửa vẫn tươi tốt.
 
 Đến vị thứ hai, cũng đời Lý, Thiền sư Ngộ Ấn nói khác hơn một chút:
 Diệu tánh hư vô bất khả phan,
 Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.
 Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
 Liên phát lô trung thấp vị càn.
 Tôi tạm dịch:
 Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin,
 Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin.
 Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy,
 Lò lửa hoa sen nở thật xinh.
 Trong bài này Thiền sư cũng nói hoa sen ở trong lò lửa .
 “Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin” nghĩa là mỗi người chúng ta có cái tánh nhiệm mầu tức là tánh giác, nó rỗng rang nên chúng ta không thể nào vin theo được, không thể nào nắm bắt được.
 “Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin” là nếu khi tâm chúng ta rỗng rang không còn dính mắc nữa thì lúc đó chúng ta mới tin được nó.
 “Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy” nghĩa là ở trong ngọn núi cháy rực, hòn ngọc vẫn tươi nhuần không bị khô, không bị cháy cũng không bị nứt bể...
 “Lò lửa hoa sen nở thật xinh” là ở trong lò lửa hoa sen vẫn nở thật đẹp. Như vậy hoa sen ở trong lò lửa là để nói ngay thân vô thường sanh diệt của chúng ta vẫn có cái thể tánh hay là cái

Diệu tánh lúc nào cũng tươi nhuần, lúc nào cũng đẹp đẽ không bị khô héo, hư hao trong khi tất cả đều bị ngọn lửa vô thường thiêu đốt. Như thế quí vị thấy ngay trong thân vô thường có cái không phải vô thường, cái đó gọi là Diệu tánh (theo ngài Ngộ Ấn) hay là Diệu thể (theo ngài Đạo Huệ), đều chỉ cho cái chân thật đó.
 Lại có một vị Tăng hỏi Hòa thượng Tộ ở Trí Môn: Hoa sen khi chưa ra khỏi nước thì thế nào?
 Ngài đáp: Hoa sen.
 - Sau khi ra khỏi nước thì thế nào?
 - Lá sen.
 
 Như thế lời đáp có dễ hiểu không? Lời đáp như là không có đáp, không thể hiểu gì cả. Nhưng sau này có một vị Quốc sư Nhật Bản, ngài Viên Thông Đại Ứng làm bài tụng để chúng ta thấy rõ nghĩa đó. Ngài tụng:
 Liên hoa hà diệp ly nê thủy,
 Xuất vị xuất thời tuyệt điểm ai.
 Vô hạn thanh hương thâu bất đắc,
 Hoà phong đới vũ mãn trì khai.
 Tôi tạm dịch:
 Hoa sen cành lá lìa bùn nước,
 Ra với chưa ra bặt điểm trần.
 Vô hạn hương thơm thu chẳng hết,
 Theo mưa quyện gió nở đầy ao.
 
 Nói là ra khỏi nước hay chưa ra khỏi nước, nói là hoa sen, cành sen hay lá sen, cách nói đó là để chúng ta không bị tình giải trói buộc. Vị Tăng hỏi “hoa sen khi chưa ra khỏi nước như thế nào” là ý ngầm hỏi khi Phật tánh của chúng ta còn lẫn trong tâm phàm tục này hay là trong cái vọng tâm phiền não này thì thế nào?
 Ngài liền trả lời: Hoa sen.
 
 Lại hỏi: Sau khi ra khỏi nước thì thế nào? Lẽ ra sau khi ra khỏi nước là sắp nở, cũng như là tâm giác của chúng ta khi thoát khỏi phiền não là sẽ sáng, nhưng Ngài lại đáp là “lá sen”. Như vậy đáp là hoa sen, là lá sen, lối đáp đó đều không cho chúng ta hiểu mà để chúng ta thấy. Nếu khi nào chúng ta không khởi niệm suy nghĩ phân biệt - danh từ chuyên môn nhà Thiền gọi là không khởi tình giải - lúc đó “ra với chưa ra bặt điểm trần”, nghĩa là không còn một mảy niệm nào làm cho nhơ nhớp.

Nếu không còn một mảy niệm nhơ nhớp thì “vô hạn hương thơm thu chẳng hết”, khi ấy hương thơm tràn khắp, dù chúng ta muốn thu, thu cũng không hết. “Theo mưa quyện gió nở đầy ao” là theo mưa theo gió, đầy ao nở toàn là hoa sen. Tóm lại ý bài tụng này muốn nói rằng khi người ta đến chỗ tâm niệm không còn đuổi theo ngoại cảnh hay là không còn khởi những tình giải lăng xăng nữa, khi đó tâm thanh tịnh không còn dính một mảy bụi nhơ nhớp, khi ấy nơi nơi hoa sen đều nở rực, nơi nơi là mùi hương thơm ngát của hoa sen, không còn có những hôi hám bẩn thỉu nữa. Đó là ý nghĩa hoa sen.
 
 Tôi nhắc lại, tinh thần Phật giáo Nguyên thủy nói về hoa sen như chúng ta từng học từ thuở bé “Trong đầm gì đẹp bằng sen...”, đó là ý nghĩa từ chỗ nhơ nhớp trở thành thanh tịnh thơm tho, đẹp đẽ, để chỉ cho tất cả chúng ta từ con người phàm tục dở xấu, nhưng khéo tu khéo sửa sẽ trở thành con người hay, con người tốt. Con người hay tốt không phải ngẫu nhiên có, mà phát xuất từ con người xấu dở trước kia.

Cũng như đức Phật, không thể bỗng nhiên có Phật ra đời, mà chính Ngài từ con người phàm tục thọ hưởng dục lạc rồi sau thức tỉnh bỏ dục lạc đi tu đến giác ngộ. Như vậy đâu phải Ngài từ trên trời rơi xuống, cũng không phải từ hành tinh xa lạ nào đến đây, mà chính là con người chứa đầy đủ bản tánh người như chúng ta, nhưng khi tu rồi Ngài dẹp bỏ tất cả, Ngài trở thành Phật. Hiện nay chúng ta có giống Ngài không? Chúng ta tu dễ hay khó hơn Ngài? Nếu quí Phật tử nam “lỡ” làm Hoàng tử thì chắc là hưởng suốt đời chớ không bao giờ bỏ ngai vàng đi tu! Nếu quí Phật tử nữ làm Công chúa chắc cũng khó đi tu lắm! Đức Phật cũng là một con người, nếu Ngài mang tính chất thánh thiện sẵn, chắc là Ngài không có gia đình, không có con.

Thế thì Ngài cũng như chúng ta, Ngài cũng có gia đình, cũng có con, nhưng Ngài dám dứt bỏ tất cả, một phen ra đi khi nào ngộ đạo mới trở về. Đó là điều đặc biệt của Ngài. Trái lại chúng ta hiện nay đi đâu thì nhớ nhà, nhớ người này, nhớ người kia, nhớ con, nhớ đủ tất cả... Thế nên chúng ta cũng có tư cách như Ngài mà không làm được như Ngài, còn Ngài cũng có tư cách như chúng ta mà Ngài đã làm được con người xuất trần.

 Nhìn đức Phật rồi gẫm lại chúng ta, tất cả chúng ta đều có khả năng làm Phật, nhưng rất tiếc là chúng ta không gan. Thường thường quí vị ai cũng nói mình gan lắm, chớ đâu có ai nói tôi nhát lắm, tôi khiếp nhược lắm, phải không? Nhưng anh hùnganh hùng với những người yếu thế hơn mình, như bên nam thì anh hùng với vợ con, vợ con nói sái ý thì la hét và muốn tát tai liền, nhưng lại không anh hùng với mình, những sự nóng giận, tham lam, si mê của mình không có gan bỏ, mà không có gan bỏ tức là không có anh hùng! Trong đạo Phật, anh hùnganh hùng với chính mình. Những gì biết là xấu, là dở liền cắt đứt ngay.

Tôi thấy quí Phật tử bên nam chắc cũng có nhiều người ghiền rượu, ghiền thuốc phải không? Biết ghiền rượu, ghiền thuốc là hại sức khoẻ, là tốn tiền, nhưng quí vị có bỏ được không? Mười người khoảng hai, ba người bỏ được, còn bảy, tám người không bỏ được, như vậy là không gan, biết hại nhưng không gan bỏ. Hành động cử chỉ mạnh bạo hung tợn tỏ raanh hùng, nhưng rốt cuộc cái hại, cái dở của mình lại bỏ không nổi thì đâu gọi là anh hùng. Như vậy để thấy người đời không can đảm giải quyết những điều hư, điều dở của mình.
 
 Trái lại, đức Phật từ con người dở tức là con người hưởng thụ ngũ dục trong cảnh vua chúa sang giàu, nhưng khi thức tỉnh rồi ngay đó Ngài dứt bỏ hết, Ngài đi tu. Chúng ta hiện nay thật ra hưởng thụ có bao nhiêu đâu, sánh với đức Phật khi còn làm Thái tử, Ngài thụ hưởng trăm phần mà Ngài dứt bỏ một cách dễ dàng, còn quí Phật tử thụ hưởng chưa được mười phần mà bỏ không được, như thế mới thấy chỗ yếu của chúng ta. Chính sự yếu đuối đó làm cho chúng ta tu không tiến, còn Ngài khi quyết định làm thì dứt khoát làm, khi vượt thành xuất gia rồi cho đến khi ngộ đạo mới trở về thăm gia đình. Còn chúng ta hiện nay ngồi trong chùa thì nhớ gia đình, về gia đình lại nhớ trong chùa, đi đi lại lại không có thái độ dứt khoát, nên không thể bì được với Ngài.
 
 Đến các Thiền sư, các ngài thấy rõ thân chúng ta là thân vô thường bại hoại, ai cũng bị vô thường chi phối. Quí vị nhớ thuở nào chúng ta là người trẻ, nay là người già. Sắc tươi trẻ lần lần bị thiêu đốt, trở thành già, tóc ngày xưa xanh nay đã bạc, răng ngày xưa cứng chắc nay đã rụng, những gì tốt đẹp thuở xưa nay đều bại hoại. Cái gì làm hoại? Nhà Phật gọi đó là lửa vô thường thiêu đốt. Tuy thân chúng ta bị lửa vô thường thiêu đốt, nhưng trong đó có cái không bị thiêu đốt, đó là Phật tánh, là Chân tâm của chúng ta. Thế nên Thiền sư dụ Phật tánh, Chân tâm như hoa sen, thân vô thường như lò lửa.
 
 Như vậy tất cả chúng ta ai cũng có hoa sen trong lò lửa, nhưng hiện nay chúng ta nhớ lò lửa hay nhớ hoa sen? - Cứ nhớ thân lửa cháy rần rần, còn hoa sen thì không nhớ chút nào, thế nên khi thân cháy rụi thì chới với. Nay ngay trong lò lửa này chúng ta nhận ra hoa sen, thấy hoa sen tươi thắm trong lò lửa, chúng ta cười vui, dù lửa cháy đến đâu đi nữa chỉ làm tươi thắm thêm hoa sen của mình. Lò lửa cháy, nó khô nó hoại, hoa sen vẫn tươi thắm mãi, vậy là trong cảnh vô thường chúng ta thoát được cái vô thường.

Trái lại, nếu chúng ta chỉ nhớ thân lò lửa này, dầu chúng ta cung cấp nuôi dưỡng nó bao nhiêu đi nữa, nó cũng phải bại hoại. Có ai nuôi thân này khỏi bại hoại không? Hẳn là không, nuôi cách nào rồi cũng bại hoại, cũng không còn. Vậy tại sao cái sẽ không còn mà chúng ta cố giữ, cố lo cho nó mãi, trong khi cái còn mãi, không bao giờ mất, lại không nhớ? Như thế chúng ta là người trung thành với mình hay là người phản bội mình? Chúng ta thương chúng ta hay là ghét? Ghét mới bỏ cái thật giữ cái giả, trái lại nếu thương mình thì cái thật phải giữ, cái giả đừng màng.

Quí Phật tử thử kiểm điểm lại xem, quí vị lớn tuổi trong sáu bảy mươi năm nay quí vị giữ cái nào? Lò lửa hay hoa sen? Lò lửa cháy rực thiêu đốt hết bao nhiêu sự nghiệp mà cứ giữ, còn hoa sen tươi thắm trong đó lại bỏ quên! Thật là chúng ta tự hủy hoại, tự bỏ quên mình! Thế nên người Phật tử tu theo Phật cần yếu là phải nhớ lại mình, biết được mình, tìm ra cái thật của mình, đó là căn bản của sự tu.
 
 Trong kinh đức Phật dạy chúng ta tu là phải buông xả tâm chấp ngã này. Cái ngã này tức là lò lửa. Khi không chấp thân, không chấp cái ngã này là mình thì tâm chúng ta mới không dính
mắc, không tham, không sân, không phiền não. Khi ấy trí tuệ chân thật hiện ra, gọi là hoa sen hay Tri kiến Phật. Vậy trí tuệ đó sẽ phát ra khi nào chúng ta không chấp cái hư giả là mình, cái hư giả là quí. Quí vị có bằng lòng điều đó không? Tuy nó giả mà thương nó quá, không đành quên nó, vì thương nó nhiều nên có ai xúc chạm đến nó thì nổi sân.

Vì lẽ đó đức Phật thường dạy người Phật tử phải biết thân này là vô thường, vô ngã. Vô ngã là không phải thật ta mà chấp là ta. Như hiện nay quí vị nghĩ da thịt là mình chăng? Nếu da thịt là mình thì chỗ nào lỡ có u nhọt, người ta cắt bỏ ra thì cái đó là mình hay là miếng thịt thúi? Chúng ta có gớm không? Nếu là mình thì lúc nào cũng là mình, chớ không thể còn ở trong thân là mình, cắt bỏ ra ngoài là không phải mình, rồi lại gớm nó.

Như thế làm sao nói thân này là thật được? Nhưng trong đó có cái chân thật ẩn náuchúng ta không thấy. Thế nên người tu dù xuất gia, dù tại gia đều phải làm sao thấy được, tìm ra được cái chân thật của mình. Nhưng muốn thấy được cái thật thì phải biết cái giả. Khi có những món đồ giả, nếu muốn mua đồ thật đừng lầm đồ giả thì phải làm sao? Phải biết đồ giả như thế nào, đồ thật như thế nào, biết được cái giả rồi mới tìm ra cái thật, chớ nếu tưởng giả là thật thì mỗi lần mua là mỗi lần lầm.

Thân này cũng vậy, trong nó có cái giả mà cũng có cái thật, nếu không nhận ra cái giả thì không bao giờ biết được cái thật. Thân chúng ta là thân vô thường luôn luôn bị thiêu đốt, bị bại hoại. Cái gì bị thiêu đốt, bị bại hoại là giả, nhưng chúng ta cứ cho là thật. Thân mình là thật, nên khi nghe Phật nói thân này vô ngã, không phải là mình thì buồn khổ. Hiểu như vậy để biết thân chúng ta là tướng duyên hợp, duyên hợp thì không thật.

Thế nên nhiều lần tôi hay đặt câu hỏi quí Phật tử: Thân này là thật hay giả? Nhiều người trả lời là giả, tất cả quí vị hẳn là đồng ý. Nhưng câu trả lời “giả” là trong thâm tâm thấy giả hay bắt chước nói theo Phật? Tôi hỏi tiếp: Tại sao biết thân này là giả? Đa số quí vị đáp: Vì Phật nói thân này vô thường tạm bợ hư dối nên nói là giả. Vậy là bắt chước mà đáp chớ không phải chính mình nhận biết. Thế nên tôi không chịu cách nói đó. Nay tôi đặt câu hỏi quí vị: Mũi quí vị đang làm gì?
 
 - Đang thở.
 
 - Thở nghĩa là làm gì?
 
 - Chúng ta hít không khí ở ngoài vào độ mấy giây đồng hồ liền trả ra. Hít vào, trả ra. Có ai hít vào mà không trả ra không? Nếu trả ra mà không hít vào thì thế nào? Như thế thì cuộc sống này là nhờ hít vào, tức mượn không khí ở ngoài, rồi trả ra, mượn trả, mượn trả đều đều... Quí vị nói: tôi ngồi chơi, chớ không ngờ mình đang mượn trả, mượn trả đều đều không có lúc nào ngồi chơi cả. Nếu trả rồi không mượn lại thì thế nào? Người ta gọi đó là tắt thở, là chết.

Nếu thân này là thật thì không cần mượn, của mình rồi thì mượn làm chi, trái lại phải mượn mới còn, mới sống thì đâu gọi là thật. Mũi mượn không khí, miệng mượn tách nước, một lát sau lại trả, rồi đến mượn chén cơm rồi lại trả... Mượn trả đều đều suôn sẻ đó là cuộc sống yên lành. Nếu mượn mà trả không được thì thế nào? Thì xuống đất. Nếu trả mà mượn không được thì thế nào? Cũng xuống đất. Chúng ta thấy cuộc sống thật đáng tức cười, chỉ là mượn trả, nếu suôn sẻ thì cười vui cho là hạnh phúc, nếu trục trặc thì nằm giãy giụa rồi chở đi cứu cấp.

Như vậy trong cuộc sống này cái gì là thật? Trong nhà Phật nói thân này do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành, nhưng tự nó không bảo vệ được, phải mượn đất nước gió lửa bên ngoài bồi bổ luôn, nên lúc nào cũng mượn trả. Xét theo lẽ đó thân mượn trả là thân tạm bợ vô thường, giả dối không thật. Không thật mà tưởng thật là không sáng suốt. Nếu thấy rõ như vậy, quí vị có tỉnh không? Tỉ dụ như hết nước thì mượn nước, như nước lã hoặc nước trà, hoặc nước cam, nước xá xị v.v... Nếu khô cổ cho một tách nước vào thì hết khô.

Nhưng chúng ta lại cầu kỳ, cho nước lã không chịu, phải kiếm nước cam, nước chanh mới bằng lòng. Cũng vì ý muốn đó nên cực nhọc, vì phải làm ra tiền mới mua được, chớ nước lã thì không phải mua, không phải tốn gì cả. Đến cần bồi bổ đất, tức khi bao tử trống thì kiếm chén cơm với vài thức ăn đơn giản như rau luộc... nhưng chúng ta lại đòi phải có gì xào chiên thơm thơm, phải có thịt, có cá... nên phải cực.

Một hôm vào buổi sáng sớm, trên xe đi từ Phước Thái về thành phố Hồ Chí Minh đến một chiếc cầu vào thành phố, tôi nhìn thấy nước dưới sông đen ngòm mà có nhiều người cầm rổ đi vớt, đi xúc, nước đã hôi mà cứ dầm dưới đó là vì cần kiếm ít con cá, ít con tép con con về ăn, chỉ bấy nhiêu đó là vừa ý rồi. Thay vì ở nhà cuốc một liếp trồng rau, buổi sáng cắt vào ăn, khỏi phải lạnh phải hôi gì cả, thế mà không chịu.

Lại gần đây trong chuyến đi lên nghỉ trên Đà Lạt, mỗi sáng tôi đi quanh hồ Xuân Hương, nhiều hôm trời lạnh buốt, đi trên bờ còn phải mặc áo lạnh, mà vẫn có những người cầm nơm xuống hồ đi nơm cá, cả mình ướt đẫm, lạnh đánh bò cạp nhưng họ vẫn chịu đựng. Vì sao phải cực nhọc như vậy? Cũng vì mượn đất vào cho hợp với lưỡi của mình, thật ra miễn thứ đất nào có đủ chất bồi bổ cơ thể là được, đâu cần phải có những thứ ngon ngọt mới được. Như ở chùa chúng tôi đâu có ăn con vật nào mà vẫn sống. Nếu phải chịu lạnh lẽo kiếm mấy con vật đó để ăn, thử hỏi cái khổ này ai đày mình vậy, ai làm mình khổ? Có phải cái lưỡi không?
 
 Chúng ta thấy tất cả cuộc sống của chúng talệ thuộc vào cảm giác của mũi, tai, mắt, lưỡi, thân nên phải khổ. Nếu biết là vay mượn chúng ta chỉ mượn những gì cần xài thôi, cũng như xe hết xăng không chạy được thì đổ xăng vào, thân hết nước thì khô, khó chịu, uống tách nước vào thì hết khô, cần gì phải bày biện cho thêm khổ, càng cầu kỳ chừng nào thì càng khổ chừng nấy. Uống trà, không thích trà thường, phải trà hiệu này hiệu kia, thế nên bao nhiêu tiền cũng không đủ, đó là lỗi tại ai?
 
 Nếu hiểu rõ tinh thần Phật dạy, chúng ta thấy tu là phải đơn giản. Muốn đơn giản cuộc sống, chúng ta phải thấy rõ bản chất của thân. Nó là một đống bùn nhơ, một tướng vô thường, nó là cái lò lửa chớ không có gì tốt, quí báu. Nếu chúng ta không lầm nó, đương nhiên đời sống chúng ta sẽ đạm bạc, yên ổn và việc tu hành của chúng ta cũng được dễ dàng, trái lại nếu lệ thuộc vào nó thì đường tu của chúng ta sẽ rất là khó.
 
 Tóm lại tôi giải thích cũng khá nhiều, hẳn quí Phật tử không nhớ tôi muốn chúc điều gì. Vậy tôi cô đọng lại lời chúc Tết đầu năm của chúng tôi, để tất cả quí Phật tử có mặt về kể lại cho quí Phật tử vắng mặt là, tôi gởi lời chúc tất cả quí Phật tử sang năm mới đều là những mầm sen chuẩn bị thoát ra khỏi bùn, khỏi nước và trổ hoa tươi đẹp thơm tho.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 189050)
01/04/2012(Xem: 34549)
08/11/2018(Xem: 13440)
08/02/2015(Xem: 51663)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.