VÒNG LUÂN HỒI
(THE WHEEL OF LIFE)
Thích Nữ Giới Hương
DUYÊN KHỞI
Trong kinh Nhân Duyên (Avadana sutta) kể rằng lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đang ngự tại vườn Trúc Lâm, trong thành Vương Xá. Tôn giả Mục Kiền Liên có đại thần thông thấy được những cảnh khổ ở địa ngục, ngạ quỷ và bàng sanh. Bao nhiêu vị trời hết tuổi thọ đọa xuống ba đường ác. Ngài hay kể cho tứ chúng nghe để sách tấn. Ai có bất mãn, thối đạo tâm hay buông lung không giữ tròn phạm hạnh thường đem đến để ngài khuyên nhủ. Ngài Mục Kiền Liên đã cảm hoá nhiều vị trở lại đời sống tinh tấn tu tập và đạt đạo quả.
Đức Thế Tôn dạy: Cao tăng Mục Kiền Liên không thể ở khắp mọi nơi cùng một lúc để nhắc nhở các phật tử. Vậy từ nay mỗi chùa nên vẽ một bánh xe luân hồi (the wheel of life) treo ở phòng với lời khuyến cáo rằng:
Hãy gom tâm chăm chú vào giáo pháp Như Lai.
Hãy chiến thắng thần chết!
Sống đúng giới luật, luôn luôn giác tỉnh,
kiên trì cố gắng, có thể chấm dứt khổ đau.
Bức tranh này vẽ hình con quỷ vô thường với khuôn mặt dữ tợn, phun lửa xung quanh. Hai tay và hai chân đầy móng vuốt đang ôm lấy một vòng bánh xe có bốn lớp hoặc bốn vòng (vòng trung tâm là hoặc; vòng hai là nghiệp; ba là khổ và bốn là 12 nhân duyên). Toàn bộ bánh xe này đang bị lửa đốt cháy phừng phực và cái đuôi của con quỷ dài vô tận, không có đầu và đuôi (vô thủy và vô chung).
Vì vòng thứ bốn là 12 nhân duyên nên bức tranh này cũng gọi là kinh Nhân Duyên (Avadana sutta). Vì bánh xe xoay chuyển liên tục không dừng nên gọi là Vòng luân hồi. Vì có hình quỷ và lửa cháy đỏ nên tranh này cũng gọi là Con quỷ vô thường. Vì do tâm vận hành tạo nghiệp mà có sáu cõi sống chết khổ não nên bức tranh này cũng gọi là Dòng vận hành của tâm.
Ở Tây Tạng và Bắc Ấn, mỗi khi nhiệt độ xuống thấp, băng tuyết trắng xoá bao phủ lạnh như cắt da, buốt xương. Người dân Tây Tạng hiểu rằng cuộc sống của họ thật mỏng manh và liên tục bị hăm dọa dưới cái giận dữ của thiên nhiên. Thế nên từ nhiều thế kỷ, họ đã thường tu tập thiền định và quán tưởng về sự vô thường, luân hồi và cái chết. Tính tất nhiên của vô thường, của sự chết, thường là đề tài trung tâm cho những buổi thiền quán đều đặn ở mỗi buổi sáng và chiều trong đời sống hàng ngày của họ. Tây Tạng có câu:
“If you do not meditate on death,
on permanence in the morning,
you will waste the day.
If you do not meditate on death,
on permanence in the evening,
you will waste the night”.
Tạm dịch: “Nếu bạn không quán về sự vô thường, về cái chết trong buổi sáng thì bạn phí ngày đó. Nếu bạn không quán về sự vô thường, về cái chết trong buổi tối thì bạn phí đêm đó. ”
Đó là lý do vì sao Đức Phật khuyến cáo chúng ta:
“Hãy gom tâm chăm chú vào giáo pháp Như Lai.
Hãy chiến thắng thần chết!”.
Cũng như trong kinh Pháp Cú[2] , ngài đã tha thiết cảnh tỉnh và khuyên chúng ta tự hỏi lại mình:
“Làm sao cười thích thú,
Khi đời mãi bị thiêu.
Sống trong cảnh tối tăm,
Sao không tìm ánh sáng?”