- Lời Nói Đầu
- Về Tác Gỉa
- Lời Người Dịch
- Mục Lục
- 01. Cuộc Đời Của Đức Phật
- 02. Tứ Diệu Đế
- 03. Con Đường Chánh Đạo
- 04. Lý Duyên Khởi
- 05. Quy Luật Của Nghiệp
- 06. Chết & Tái Sinh
- 07. Năm Cảnh Giới Tái Sinh
- 08. Những Chu Kỳ Thế Giới Khi Những Đức Phật Xuất Hiện
- 09. Quy Y Nương Tựa
- 10. Năm Giới Hạnh Về Đạo Đức
- 11. Mười Căn Bản Của Hành Động Công Đức - Dẫn Nhập
- 12. Mười Căn Bản Hành Động Công Đức Nhóm Bố Thí
- 13. Mười Căn Bản Của Hành Động Công Đức: Nhóm Giới Hạnh
- 14. Mười Căn Bản Của Hành Động Công Đức: Nhóm Thiền
- 15. “Thiền Minh Sát” Của Phật Giáo
- 16. Tưởng Niệm Phật, Pháp, Tăng
- 17. Tam Tạng Kinh Điển Của Phật Giáo
(BUDDHISM COURSE)
Chan Khoon San
Biên dịch: Lê Kim Kha
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG 2011
VII
NĂM CẢNH GIỚI TÁI SINH
(PANCAGATI)
NỘI DUNG
Cảnh Giới Địa Ngục (Niraya) Cảnh Giới Súc Sinh (Tiracchana) Cảnh Giới Ngạ Quỷ (Peta) Cảnh Giới Con Người (Manussa) Cảnh Giới Trời, Thần (Thiên Thần và Trời Phạm Thiên (Devas & Brahmas) Tuổi Đời Của Chúng Sinh Ở Địa Ngục và Ngạ Quỷ (Petas) Tuổi Đời Của Thiên Thần (Devas) Tuổi Đời Của Những Trời Phạm Thiên (Brahmas) Chú Giải Sách & Tài Liệu Tham Khảo
Cảnh Giới Tái Sinh Là Gì?
Trong Kinh Đại Sư Tử Hống (Mahasihananda Sutta, Trung Bộ Kinh Majjhima Nikaya, Kinh 130), Đức Phật đã nói về 5 “điểm đến” hay 5 cảnh giới tái sinh (pancagati). Năm đó là gì?
Địa Ngục
Súc Sinh
Ngạ Quỷ
Con Người
Thần, Trời
Địa Ngục và Súc Sinh là những cảnh giới sống đọa đày, đầy đau khổ (duggati), trong khi đó cảnh giới Con Người và Thần Trời là những cảnh giới nhiều phúc lành (sugati). Ở đây “Thần Trời” bao gồm những Thiên Thần còn mang dục vọng (devas) trong cõi Dục Giới, những Trời, Thần vô dục thuộc cõi Sắc Giới (rupa brahmas), và những Trời, Thần thuộc cõi Vô Sắc Giới (arupa brahmas).
Địa Ngục (niraya) được tin là tồn tại bên dưới lòng trái đất. Ví dụ như: Địa Ngục Lohakumbhi (Chảo Sắt) chứa đầy kim loại đang được nấu chảy trong chảo sắt được nhắc đến trong Luận Giảng Kinh Pháp Cú (Dhammapada), nơi mà bốn chàng trai giàu có phải chịu hình phạt vì tội tà dâm, được cho là nằm bên dưới lớp vỏ trái đất.
Cõi Súc Sinh, Ngạ Quỷ và Con Người thì nằm bên trên bề mặt trái đất. Dù cảnh giới này không được phân chia, nhưng những loài chúng sinh khác nhau thì sinh sống, tụ tập…theo ‘thế giới’ riêng của họ. Dù súc sinh sống chung trên thế gian này với người nhưng súc sinh sống với súc sinh và con người sống riêng trong thế giới bậc cao hơn của loài người. Ngạ Quỷ cũng sống trên thế gian này, nhưng mắt “thường” của con người thì không thể thấy họ được.
Thiên thần, trời được tin là sống ở bên trên trái đất, trên những tầng trời cao, trên thiên cung. Và có thể bay đi bay lại giữa không trung (Kinh Vimanavatthu: “Chuyện Thiên Cung”).
1. Địa Ngục (Niraya)
Theo niềm tin của Phật Giáo, chúng sinh bị sinh vào địa ngục vì họ tích lũy nhiều Nghiệp (kamma) nặng và xấu. Họ phải chịu vô số những hình phạt kinh khủng đau đớn, quằn quại về thể xác và tinh thần. Theo Đức Phật, hình phạt thế gian nếu một người bị liên tục đâm bằng hàng trăm ngọn giáo nếu so với hình phạt ở địa ngục thì chỉ giống như so sánh một hòn đá nhỏ với nguyên dãy núi Hy-mã-lạp-sơn (Himalayas). Tuy nhiên, những chúng sinh bị đọa vào địa ngục không phải chịu hình phạt mãi mãi không bao giờ ra được, theo kiểu những tôn giáo khác dạy. Đến khi nào họ không còn Nghiệp Ác, thì chúng sinh đó có thể được tái sinh lại trong một cảnh giới tốt do những Nghiệp Tốt khác trong quá khứ thúc đẩy.
Theo những Luận giảng, có 8 đại địa ngục, đó là:
(a) Tám Đại Địa Ngục
1) Sanjiva (Địa Ngục Chết Đi Sống Lại), nơi chúng sinh bị đọa vào bị cắt thành từng mảnh và bị giết hàng ngàn lần trong nhiều năm, và họ sinh lại tại đó, và tiếp tục bị giết, liên tục. Vì vậy có tên là Sanjiva, có nghĩa là bị giết đi, rồi sống lại, rồi bị giết tiếp.
2) Kalasutta (Địa Ngục Sợi Chỉ Đen), nơi chúng sinh bị cưa cắt ra như gỗ, bằng những lưỡi cưa đang nóng đỏ cưa theo dấu của những đường được đánh dấu bằng những sợi chỉ màu đen. Vì vậy có tên là Kalasutta, có nghĩa là địa ngục của những đường chỉ đen.
3) Sanghata (Địa Ngục Nghiền Nát), nơi chúng sinh bị nghiền ép cho chết đi, chết lại nhiều lần bằng những trục sắt nóng đỏ. Vì vậy có tên là Sanghata, có nghĩa là địa ngục nghiền nát.
4) Roruva (Địa Ngục Kêu Rống), nơi có những tiếng của chúng sinh khi bị nhét lửa và khói vào cơ thể thông qua 9 cửa trên thân. Vì vậy có tên là Roruva, có nghĩa là địa ngục kêu rống.
5) Maha-roruva (Địa Ngục Kêu Rống Dữ Dội), nơi có những tiếng kêu rống, gào thét dữ dội hơn nữa, vì những cực hình lửa kinh khủng hơn, họ bị thiêu nướng trên hỏa lò. Vì vậy có tên là Maharoruva, có nghĩa địa ngục thét rống dữ dội hơn.
6) Tapana (Địa Ngục Xiêng Nướng), ở đây chúng sinh bị xiêng, xâu lụi bằng những xiêng bằng sắt nóng chảy và đem quay trên lửa như ở thế gian quay gà, vịt, heo vậy, họ bị xiêng chặt khắp thân và không thể cựa quậy chút nào trong đau đớn được. Vì vậy có tên là Tapana, có nghĩa là địa ngục nướng lụi.
7) Maha-tapana (Địa Ngục Đại Hình Xiêng Nướng), nơi chúng sinh bị đôn ép bằng dao nhọn, giáo sắc phải leo lên một núi lửa cho đến khi té rơi xuống bị đâm xiêng vào những trụ sắt nhọn, dính chặt để lửa xung quanh nướng chín. Vì vậy có tên là Mahatapana, có nghĩa là địa ngục đại hình xiêng nướng.
8) Avici (Địa Ngục A-tỳ (HV) hay Địa Ngục Vô Gián), là tầng địa ngục dưới cùng và là tầng địa ngục kinh khủng nhất, nó rộng khoảng 100 yojanas vuông (một jojana khoảng 8 dặm Anh, bằng khoảng gần 12.9 km) được bao bọc bởi tường bằng sắt, mái trần bằng sắt và nền sàn sáng rực bằng sắt đang nung đỏ. Ở đây, chúng sinh bị hành hạ liên tục bằng những ngọn lửa bốn bên, lửa ở địa ngục này là kinh khủng nhất, đến xương cũng bị chảy tan. Bởi vì bị đốt cháy liên tục, nên sự thống khổ, đau đớn không bao giờ ngừng hay có chút gián đoạn nào, nên được gọi là Avici, có nghĩa là địa ngục Vô Gián là vậy. Ngài Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) đã bị đày xuống địa ngục này vì đã gây ra nhiều tội nghiệt nặng vào thời Đức Phật, như tội chia rẽ Tăng Đoàn và mưu sát Đức Phật.
(b) Những Tiểu Địa Ngục
Mỗi đại địa ngục trên đây thì được bao bọc bốn phía bằng bởi 5 địa ngục nhỏ hơn. Vậy tổng số luôn địa ngục là: 8 + 8 ´ 4 ´ 5 = 168. Những nhục hình kinh khủng ở những tiểu địa ngục này được miêu tả trong Kinh Thiên sứ (Devaduta Sutta) thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya). Ở đây, chúng sanh không bị hành hình chết, nhưng chịu những nhục hình đau đớn cho đến khi nào Nghiệp Ác không còn và không còn phải chịu đựng nữa.
i) Milhakupa (Địa Ngục Hầm Phân), nơi chúng sinh bị đục khoét bởi vô số giòi bọ.
ii) Kukkula (Địa Ngục Than Hồng), nơi chúng sanh bị nấu ninh như hạt cải.
iii) Địa Ngục Rừng Cây Simbali, tua tủa những gai sắc, nhọn, rực lửa để đâm và xé nát da thịt của chúng sinh bị bắt phải leo lên leo xuống những cây đó.
iv) Địa Ngục Rừng Cây Lưỡi Kiếm, lá của những cây này mỏng, sắc bén như dao cạo, gió thổi rừng lá bén cắt đứt tay, chân, tai, mũi khi chúng sinh bị bắt đi vào trong rừng đó.
v) Địa Ngục Dòng Sông Khủng Khiếp Vetarani, nước chảy của nó là nước độc hại, ăn mòn da thịt như a-xit. Chúng sinh bị đẩy xuống đó phải có sức bơi ngược dòng, xuôi dòng, vùng vẫy trong sự tấn công của nước độc. Sau đó, bị kéo lên bằng lưỡi móc và họng bị bạch ra bằng thanh kẹp đang đỏ rực. Sau đó được cho ăn bằng những hòn sắt nóng đỏ làm cháy môi, miệng, cổ họng, dạ dày, ruột non, ruột già. Nếu kêu khát, để giải khát cho khổ nhân, “đồng” được nấu chảy ra và đổ vào miệng, chạy xuống cổ họng, ruột non, ruột già.
2. Súc Sinh (Tiracchana)
Tiracchana là loài “bàng sinh” (HV), có nghĩa là loài đi ngang thay vì đi thẳng đứng như người. Sinh vào cảnh giới súc sinh thì hoàn toàn chịu khổ đau, hành hạ và đầy nỗi sợ hãi. Sinh ra làm những loài thú hoang hay nhỏ, thì luôn luôn sợ bị ăn thịt bởi những loài thú lớn, và đến lượt những loài thú lớn thì luôn luôn sợ bị săn bắn để giải trí hay để giết thịt bởi con người. Chúng phải chịu nóng, chịu lạnh, hạn hán, lũ lụt thay đổi theo mùa và không ai để ý, chăm sóc, đoái hoài đến khi bị thương, bị bệnh tật.
Những con vật thuộc gia súc hay được nuôi thì cũng chẳng tốt hơn được nhiều. Hầu hết gia súc được nuôi và bị giết để lấy thịt, sừng, lông, da… Ở những nước ít phát triển, chúng dùng để cày, kéo nặng nhọc luôn bị roi vọt đau đớn, mang ách kéo xe trên cổ…và đủ thứ khổ nhục của kiếp trâu ngựa.
Những loài vật nuôi trong nhà thì có vẻ sướng hơn một chút, nếu chúng được chủ thương, nếu không được nuôi, không được thương, hay trở thành dạng dư thừa do sanh đẻ ra nhiều, thì cũng lang thang như mèo chó đi rông tìm thức ăn ngoài đường, và đủ thứ rủi ro, xe cộ, độc hại ở ngoài đó.
Cuộc sống thật sự chỉ là nỗi khổ cực đối với những loài thú câm, đần độn.
3. Ngạ Quỷ hay ‘Ma’ (Peta)
Petas có nghĩa là Quỷ Đói, là những chúng sinh dạng ‘hồn ma’ tuyệt đối là kiếp sống không một ngày vui sướng. Họ sống một cuộc sống khổ đau, vất vưởng, bị khổ nhục liên tục vì đớn đau và đói rét, như những người ở thế gian khố rách, áo ôm, không nhà cửa, lang thang, đói khổ. Họ phải luôn luôn đi, đi tìm thức ăn vì phải luôn luôn bị đói khát, vì thế nên có tên là peta – nghĩa là lang thang, vất vưởng, luôn luôn đi tìm. Về diện mạo, họ được miêu tả là vô cùng hốc hác, ốm nhom, gầy yếu, hai mắt lòi ra, hai cằm tóp vào, khuôn mặt tối đen bị che khuất bởi tóc rối lâu ngày. Cơ thể chỉ có toàn da, xương và gân, không có một chút thịt nào, vì quá ốm, bộ xương thì còn ‘nhìn thấy được’ nhưng khoảng giữa những xương sườn thì bị khuất sâu vào.
Tuy nhiên, cách miêu tả phổ biến này không phải luôn luôn là đúng với tất cả những loại ngạ quỷ. Theo Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta) và kinh Chuyện Ngạ Quỷ (Petavatthu), tả rằng những ngạ quỷ và quỷ cái (petas & petis) xuất hiện trong những hình thù và kích thước khác nhau, tùy thuộc theo những nghiệp bất thiện của họ trong quá khứ. Và thật sự, sự nhìn thấy những ngạ quỷ thuật lại trong Tương Ưng Bộ Kinh là diễn ra trong giữa ban ngày sáng sủa, chứ không phải trong đêm tối!.
Trong Kinh Tương Ưng Bộ “Thiên Nhân Duyên” (Samyutta Nidana Vagga) về những câu hỏi của ngài Tỳ kheo Lakkhana đối với ngài Đại Mục Kiền Liên (Maha Moggallana) về sự miêu tả những loài ngạ quỷ khác nhau. Hình thù của ngạ quỷ chỉ là một bộ xương hay một miếng thịt bị rượt đuổi bởi những con linh thứu, quạ và những con chim ưng bay theo cắn mổ; hoặc là hình thù của một người đàn bà như trong bộ lông dựng đứng, vì những lưỡi dao, kiếm, cung tên và giáo tiếp tục mưa xuống, đâm vào thân thể bà ta, làm bà ta kêu rống trong đau đớn khi bay trong gió.
Trong kinh Chuyện Ngạ Quỷ (Petavatthu), thì hình thù của ngạ quỷ và quỷ cái (petas & petis) thì được miêu tả khác: Một người có làn da đẹp, nhưng có đầy giòi bọ trong miệng hôi thúi; hoặc một ngạ quỷ khác có hình mặt trâu bò, một ngạ quỷ khác lại có mắt đỏ, răng nanh nhọn, loại khác thì có mạch máu và xương sườn lồi ra ngoài, hoặc loại khác có thân hình to bằng gốc thân cây lớn và có lưỡi lòi ra bên ngoài cái cổ đang khô queo.
Có những loại ngạ quỷ sống trong những thiên cung trên trời, thụ hưởng mọi sung sướng, nhưng phải chịu thống khổ vào ban đêm – luôn bị loài chó đến ăn thịt và tha xuống bỏ xuống hồ sen, và bà ta phải luôn hồi phục mạng sống liên tục theo Nghiệp ác của mình.
Những ví dụ sống động trên đây, nếu các bạn quan tâm thì có thể đọc thêm những kinh có tên trích dẫn ở trên để hiểu rõ thêm chi tiết và nguyên nhân dẫn đến những khổ đau, cực hình của những loại ngạ quỷ. Đó là những cực hình mà những ngạ quỷ phải chịu vì những nghiệp ác của mình gây ra.
Theo như quyển “Milinda-Panha” (“Milinda Vấn Đạo” hay có tựa đề in “Mi-Tiên Vấn Đáp”), có 4 loại ngạ quỷ (Petas), đó là:
a) Vantasikas: Loại chỉ ăn đồ của người khác ói mửa.
b) Khuppipasinos: Loại chịu nỗi khổ liên tục dày vò bởi những cơn đói và khát lâu ngày.
c) Nijjhamatanhikas: Loại luôn chịu nỗi thống khổ vì khô khát không được uống nước và bên trong cơ thể luôn bị thiêu đối liên tục.
d) Paradattupa-jivi: Loại chỉ trông chờ vào đồ ăn của người khác bố thí. Họ luôn luôn nhớ đến những người thân, quyến thuộc và nhìn thấy được những người thân đang làm gì. Chỉ có loại ngạ quỷ này là có thể nhận được và chia sẻ được Công Đức khi mà những thứ cúng dường được (người thân hay ai) thực hiện với lòng hồi hướng cho họ.
▪ (Xem thêm phần “Chuyển Nhượng hay Hồi Hướng Công Đức cho người thân đã khuất”, Chương XII, 12).
♦ Chú Giải về A-tu-la Khổng Lồ (Asuras-Titans)
Theo Bộ Những Điểm Dị Biệt (Kathavatthu), Quyển VIII, những quỷ thần A-tu-la Kalakanja asuras thì rất giống với những ngạ quỷ (Petas) về hình thù quái dị, xấu xí và đáng sợ, về cuộc sống giới tính, về ăn uống, về tuổi thơ, và cùng hôn phối lẫn nhau. Theo như mô tả, thì cơ thể của những quỷ thần giống như lá khô, không thấy chút thịt hay máu nào, và hình dáng khổng lồ chiếm khoảng không gian đến 3 gavutas (*xem chú giải bên dưới đây). Hai mắt thì lồi ra như mắt cua. Còn miệng thì lại nhỏ như lỗ cây kim may và nằm ở trên đầu cho nên khi ăn uống, chúng phải cuối đầu xuống. Người lúc nào cũng đầy sân hận, loài yêu quái hay quỷ dữ này luôn luôn tìm cách tấn công kẻ khác bằng những vũ khí nóng nảy do nghiệp dữ của chúng tạo ra và vì vậy luôn luôn bị đày đọa khổ ải vì nghiệp quả của những hành động hung dữ hay nghiệp ác trong quá khứ của chúng.
Những quỷ thần sinh vào cảnh giới xấu này thuộc về loại ngạ quỷ (Petas) mạnh bạo, nhưng là những chúng sinh bất hạnh. Chúng khác với những quỷ thần A-tu-la trên trời (asuras devas) được chỉ huy bởi Vua Vepacitti, người trước kia ở Cõi trời Đao Lợi (Tavatimsa), nhưng bị Vua Trời Đế Thích đánh bại và đuổi chạy qua ở chỗ trời khác. Những A-tu-la của Vua Vepacitti thì thuộc loại thiên (quỷ) thần, tức loại thần trời và cũng hôn phối với những thiên thần (devas).
▪ Truyền thống Phật Giáo sau này đã tách biệt loại quỷ thần A-tu-la khổng lồ này (asuras-titans) ra riêng, chỉ còn lại 4 cảnh giới đau khổ trên kia (tức địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ và con người).
▪ Gavuta: Vào những thời của truyền thống Vệ-Đà, một gavuta khoảng 6 feet khoảng 1.82m. Ngày nay, nó bằng ¼ yojana, một yojana bằng đến 8 dặm Anh.
4. Con Người (Manussa)
Trong khi những cảnh giới đau khổ thì toàn là đau khổ và cảnh giới trời thần trên thiên cung thì toàn là hạnh phúc, thì cảnh giới Con Người thì gồm có cả 2 thứ, là sự “phức hợp” của cả Đau Khổ & Hạnh Phúc. Vì vậy, mọi người được sinh ra với nhiều hoàn cảnh, đặc điểm khác biệt nhau, đẹp xấu, giàu nghèo, mạnh yếu, ngôn ngữ…, tùy theo những Nghiệp tốt xấu của mỗi người (Nghiệp hỗ trợ hay nghiệp cản trở).
Tuy nhiên, được sinh vào cõi người để làm người thì Nghiệp Tái Sinh duyên cho Thức Tái Sinh (patisandhi) phải là Nghiệp lành, nghiệp thiện, với đầy đủ hai hay ba căn lành hay thiện căn. (Xin vui lòng xem thêm Chương XI).
Người ta không biết được rằng để sinh được làm người là khó khăn và hiếm có đến dường nào!. Thử nhìn lại dân số của loài người, ai cũng nghĩ là đang có quá nhiều người, quá đông dân số trên trái đất này. Nhưng nếu nhìn vào sự bao la, rộng lớn của những cõi trời người ta lại nghĩ rằng có rất nhiều cư dân trên thế giới trời thần (deva) đó. Tuy nhiên, nếu họ quan sát thế giới của vạn vật muôn loài, họ sẽ nhận ra rằng chỉ riêng một loài côn trùng nào đó trong một khu rừng nhỏ nào đó cũng đã vượt xa tổng dân số loài người trên trái đất này!. Còn đối với cõi trời thần, thì cư dân ở đó rất thưa thớt, mặc dù cõi trời thì rộng lớn, bao la.
Từ bài Kinh thuyết giảng của Đức Phật về ví dụ con Rùa và khúc gỗ trên biển (Kinh Tương Ưng Bộ Samyutta v, 455), chúng ta nên trân trọng và biết được sự thật là vô cùng khó khăn và hiếm hoi mới được sinh ra làm người. Được sinh ra làm người là một trong 5 Cơ Hội Tốt Nhất mà tất cả chúng sinh khó mà có được (dullabho), đó là:
(1) Sinh ra làm người.
(2) Gặp được một vị Phật
(3) Được thọ giới trở thành một Tỳ kheo (Tăng, Ni).
(4) Có được lòng tin, thành tín vào Tam Bảo.
(5) Nghe được chánh Pháp (Dhamma).
Năm cơ duyên này là vô cùng quan trọng, vì không có chúng, không thông qua chúng thì không thể nào giải thoát khỏi đau Khổ. Sinh ra làm người là điều quan trọng đầu tiên và hơn hết, vì việc đó có nghĩa mình đã được thoát khỏi những cảnh giới xấu xa, đày đọa. Nhưng điều này cũng không quan trọng chỉ vì được sinh ra trong cảnh giới Người tốt hơn, vì nếu chỉ vì lý do đó, Đức Phật cũng đã nói luôn cả những cảnh giới của Thiên Thần và Trời vốn chỉ có toàn phúc lành và mọi thứ vượt xa hẳn hơn thế giới loài người. Cõi trời thần sung sướng chỉ để được hưởng phúc, hưởng hết phúc đức thì lại tái sinh xuống bậc thấp trở lại, chứ không có cơ hội tu hành. Trong khi đó, ở cõi người, mọi người đều có cơ hội để tu hành và làm việc công đức. Việc tu hành và làm việc công đức thì những chúng sinh ở những cõi đau khổ, thấp hơn không thể nào làm được, vì họ luôn chịu nhục hình, đau khổ và không còn căn thiện nào để nghĩ đến những việc tu hành, công đức. Họ chỉ lo chịu trả nghiệp quả mà thôi. Trong khi đó, trên thiên đường thiên cung thì mọi thần trời đang lo hưởng lạc, rất khó có môi trường mà nghĩ đến những chân lý về Khổ. Hơn nữa, tuổi thọ của họ quá dài, quá lớn, nên cũng khó mà nhìn thấy được nghĩa vô thường (anicca)
Chư Bồ-tát (Bodhisattas) đã ưa chọn cõi người vì ở cõi người, các Bồ-tát có cơ hội phát triển những Hạnh Ba-la-mật hay Mười Điều Hoàn Thiện (paramis) đến mức cứu cánh cao nhất. Những vị Bồ-tát luôn luôn được sinh ra làm người trong kiếp cuối cùng của các ngài; và ở đó, các ngài tu tập để đạt được sự Giác Ngộ Tối Thượng (Chánh Đẳng Chánh Giác) và quả vị Phật.
Chúng ta thật là may mắn được sinh ra làm người (cơ duyên đầu tiên trong 5 cơ duyên vừa nói trên) bởi vì mặc dù Đức Phật đã Bát-Niết-bàn, nhưng những Giáo Pháp (Sasana) của Người vẫn còn. Ngày nay, chúng ta vẫn còn được nghe chánh Pháp (Dhamma) và có được lòng tin (saddha), ngay cả đối với những Phật tử tại gia. Còn đối với những Tỳ kheo (tu sĩ), thì họ có được hết 5 cơ duyên tốt lành đó.
5. Những Cõi Thiên Thần & Trời (Devas & Brahmas)
Những chúng sinh trong cõi trời Dục Giới được gọi là thiên thần, tức những thần tiên trên cõi trời (Devas), trong khi đó những bậc cao hơn ở cõi trời Vô Dục Giới cao hơn thì được gọi là những vị trời Phạm Thiên (Brahmas). Có 2 loại trời Phạm Thiên, đó là: Phạm Thiên hữu sắc (rupa) và Phạm Thiên vô sắc (arupa)
(A) Sáu (6) Cõi Trời Dục Giới (Devaloka)
Có 6 cõi trời Dục Giới của các thiên thần (devas) nằm ngoài trái đất. Ngoài 2 cõi trời đầu tiên là thấp gần trái đất, còn 4 cõi kia là rất xa trái đất, gần như không có liên hệ gì với trái đất.
1) Cõi Trời Tứ Đại Thiên Vương (Catumaharajika):
Đây là cõi trời thấp nhất nơi có 4 Thiên Thần Hộ Vệ cư ngụ cùng với những tùy tùng của họ. Bốn vị Thiên Vương này bảo vệ 4 phương của thế gian, đó là: (1) Dhatarattha, Đông Thiên Vương bảo vệ phía Đông, là vương chủ của những nhạc công trên trời (Ghandhabbas), (2) Virulha, Nam Thiên Vương ở phía Nam, nơi có những ngạ quỷ (Petas), ông là vương chủ của những quỷ thần A-tu-la dị dạng (Kumbhanas asuras), (3) Virupakkha, Tây Thiên Vương, vương chủ của những Rồng Nagas (mãng xà), và (4) Kuvera, còn được gọi là Vessavana, Bắc Thiên Vương, là vương chủ của những quỷ thần Dạ-xoa (Yakkhas).
2) Cõi Trời Đao Lợi (Tavatimsa):
Đây là cõi trời cao hơn kế tiếp, nơi có Vua Trời Đế Thích (Sakka), vua của những vị trời, cư ngụ. Những cư dân nguyên thủy ở cõi trời này là những quỷ thần A-tu-la (Asura devas) như đã nói trước đây, nhưng họ bị đánh đuổi bởi 33 thiên thần do Đế-Thích chỉ huy, vì Vua Đế Thích không muốn chia sẻ giang sơn với những A-tu-la say sưa nghiện rượu. Vì vậy, cõi trời Đao Lợi còn được gọi là Cõi Trời Ba Mươi Ba. Mẹ của Đức Phật là hoàng hậu Maya sau khi mất đã tái sinh về cõi này và Đức Phật đã lên cõi này để thuyết giảng Vi Diệu Pháp cho mẹ của Người.
3) Cõi Trời Của Dạ-Ma-Thiên Vương (Yama):
Đây là cảnh giới đại phúc, toàn phúc lành, nơi cư ngụ của vua Dạ-Ma-Thiên Vương (Yama, tiếng Phạn: Suyama). Yama ở đây là khác với vua Yama Rajah của Địa Ngục tức là Diêm Ma Vương (vua Âm Phủ). Diêm Ma Vương vốn là một quỷ thần trên thiên (Vemanika-Peta), nhưng nửa tháng là thiên thần (deva) và nửa tháng còn lại là quỷ (peta).
4) Cõi Trời Đâu Suất (Tusita):
Gọi là Cõi Trời Hỷ Lạc nơi có Bồ-tát Di Lặc (Bodhisatta Mettaya) được tin là đang sống và đang chờ để được sinh ra làm người ở chu kỳ sau của thế gian và trở thành một vị Phật.
5) Cõi Trời Hỷ Lạc Biến Hóa (Nimmarati).
Nimmarati có nghĩa là những thiên thần vui thích, tận hưởng những công trình sáng tạo, biến hoa theo năng lực biến hóa của mình.
6) Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại Thiên (Paranimmita-vasavati):
Paranimmita-vasavati có nghĩa là những thiên thần kiểm soát được hoặc vui hưởng được những hỷ lạc từ việc sáng tạo hay biến hóa của những thiên thần khác. Đây là cõi trời cao nhất trong 6 cõi trời Dục Giới. Một cách trùng hợp, là Ma Vương (Mara) nổi tiếng là luôn luôn đối đầu, phá rối Đức Phật và những vị A-la-hán thì lại sống ở cõi này!. Tuy nhiên, giáo chủ cõi này là một vị thiên vương anh minh – Vasavati Deva. Ma Vương (Mara) và những quân lính của ông, thì ở nơi một góc riêng biệt của cõi này, giống như một lãnh tụ quân phiến loạn vậy.
(B) Mười Sáu (16) Cõi Trời Sắc Giới (Rupa Brahma)
(1) 3 Cõi Sắc Giới tương ứng Tầng Thiền Định Thứ Nhất (Sơ Thiền)
a) Cõi Trời Brahma-parisajja: là cõi trời thấp nhất trong 3 cõi này, dành cho những tùy tùng của vua trời Phạm Thiên
b) Cõi Trời Brahma-purohita: là cõi trời thứ hai dành cho các quan lại, thư lại của vua trời Phạm Thiên.
c) Cõi trời Maha-Brahma hay Cõi Trời Đại Phạm Thiên: là cõi trời cao nhất trong 3 cõi này, cao hơn về mọi mặt như phúc lành cao nhất, đẹp nhất, tuổi thọ cũng cao nhất vì nhờ vào sự phát triển tâm tuệ cao nhất.
Những người phát triển tầng thiền định (Jhana) thứ nhất ở mức bình thường, sẽ được tái sinh vào cõi trời thứ nhất trong 3 cõi này. Những người phát triển tầng thiền định thứ nhất ở mức độ trung bình thì được tái sinh vào cõi trời thứ hai trong 3 cõi này. Và những người phát triển tầng thiền định thứ nhất ở trình độ hoàn thiện sẽ được tái sinh vào cõi trời Đại Phạm Thiên cao nhất trong 3 cõi trời này.
▪ Sự phân chia cõi tái sinh cao thấp cho 3 tầng thiền định còn lại (nhị thiền, tam thiền, tứ thiền) cũng đều tương tự theo thứ bậc như vậy.
(2) 3 Cõi Trời tương ứng Tầng Thiền Định Thứ Hai (Nhị Thiền):
Theo 3 thứ bậc trình độ phát triển của tầng thiền định này, những cõi trời theo thứ tự từ dưới lên như sau:
a) Cõi trời Parittabha: có nghĩa là cõi ánh sáng vừa, nhỏ hay còn gọi là cõi Thiểu Quang Thiên (HV).
b) Cõi trời Appamanabha: có nghĩa là cõi đầy ắp, vô cùng ánh sáng hay còn gọi là cõi Vô Lượng Quang Thiên (HV).
c) Cõi trời Abhassara: có nghĩa là cõi của những vị trời phát quang hay phóng quang rực rỡ hay còn gọi là cõi Quang Âm Thiên (HV).
(3) 3 Cõi Trời tương ứng Tầng Thiền Định Thứ Ba (Tam Thiền).
Theo 3 thứ bậc trình độ phát triển của tầng thiền định này, những cõi trời theo thứ tự từ dưới lên như sau:
a) Cõi trời Paritta-subha: có nghĩa là nơi những vị trời Phạm Thiên phát hào quang vừa, ít hay còn gọi là cõi Thiểu Tịnh Thiên (HV);
b) Cõi trời Appamana-subha: có nghĩa là nơi những vị trời phát hào quang đầy khắp, vô lượng hay còn gọi là cõi Vô Lượng Tịnh Thiên (HV).
c) Cõi trời Subha-kinha: có nghĩa là nơi những vị trời luôn tỏa sáng hào quang liên tục, tức không phải lúc phát hào quang ít hay vô lượng, lúc thì không có, mà luôn luôn có hào quang tỏa sáng vững chắc hay còn gọi là cõi Bất Tịnh Thiên (HV).
(4) 7 Cõi Trời tương ứng Tầng Thiền Định Thứ Tư (Tứ Thiền).
Theo 3 thứ bậc trình độ phát triển của tầng thiền định này, những cõi trời theo thứ tự từ dưới lên như sau:
a) Cõi trời Vehapphala: có nghĩa là nơi của những vị trời Phạm Thiên được hưởng quả phúc lành to lớn hay còn gọi là cõi Quảng Quả Thiên (HV).
b) Cõi trời Asanna-satta: có nghĩa là nơi của những chúng sinh không có Thức hay vô thức, chỉ có sắc chứ không có đủ danh & sắc; hay còn gọi lài cõi Vô Tưởng Thiên (HV).
c) Cõi trời Suddavasa: cõi này gồm có 5 cõi trong đó, là những “Cõi Trong Sạch” nơi những bậc Bất Lai hay A-na-hàm (Anagamins) được tái sinh. Còn được gọi là những cõi Tịnh Cư Thiên (HV) (Suddavasa).
Tùy theo căn định mạnh mẽ lúc tu hành của mỗi người, sự tái sinh của những bậc Bất Lai được đến một trong 5 Cõi Trong Sạch đó, đó là:
- Tín căn – Cõi Aviha, cõi trời bền chắc.
- Tinh Tấn căn – Cõi Atappa, cõi trời tịch tịnh.
- Chánh Niệm căn – Cõi Sudassa, cõi trời đẹp đẽ.
- Chánh Định căn – Cõi Sudassi, cõi trời quang đãng.
- Trí tuệ căn – Cõi Akanittha, cõi trời tối cao.
(C) Bốn (4) Cõi Trời Vô Sắc Giới (Arupa Brahma)
Những chúng sinh thực hành thiền tĩnh tại bằng cách vượt qua tất cả những dạng Tưởng (nhận thức) và chứng đạt tầng thiền định Vô Sắc Giới (Arupa Jhana) hay trạng thái Thấm Nhuần Vô Sắc thì sẽ được tái sinh về những cõi Vô Sắc, chỉ còn tâm (danh) mà thôi, không còn yếu tố sắc (vật chất, hình sắc).
4 cõi thuộc Vô Sắc Giới tương ứng với những tầng thiền định Vô Sắc giới (4 Arupa Jhanas) là:
- Akasananca-bhumi – Cõi Không Gian Vô Biên
- Vinnanancayatana-bhumi – Cõi Thức Vô Biên
- Akincannayatana-bhumi – Cõi Hư Vô
- N’evanna-nasannayatana-bhumi – Cõi Không Có Tưởng Cũng Không Không Có Tưởng, còn gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (HV).
Tại sao chúng ta có 31 Cõi hiện hữu?
Nếu loài quỷ thần A-tu-la (asuras) được tách riêng ra thành một (đơn vị) cõi hiện hữu riêng biệt, thì có 4 cõi thuộc Cảnh Giới Xấu (địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ và A-tu-la), 7 cõi Dục Giới phúc lành (con người và 6 cõi thiên thần (deva), 16 cõi trời Phạm Thiên Sắc Giới và 4 cõi trời Phạm Thiên Vô Sắc Giới.
Tổng cộng: 31 Cõi hiện hữu.
6. Tuổi Đời Của những Chúng Sinh Ở Địa Ngục và những Ngạ Quỷ (Petas)
a) Những chúng sinh bị đọa địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ không có thời hạn hay tuổi đời được quy định rõ. Thời gian thọ mạng của họ là tùy thuộc vào những Nghiệp (kamma) của mỗi chúng sinh. Một số có tuổi thọ rất ngắn, như trường hợp của ngài Tỳ kheo Tissa, được tái sinh thành con bọ chét trên tấm y mới của ngài và chết sau 7 ngày; hoặc như trường hợp Hoàng hậu Mallika, người phải chịu đọa địa ngục trong 7 ngày vì một nghiệp bất thiện, nhưng sau đó sạch nghiệp xấu và được tái sinh lên cõi trời nhờ vào những nghiệp tốt lành của mình. Trong khi đó, ngài Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) như đã nói trước đây thì bị đọa vào địa ngục A-tỳ vô gián vì nghiệp nặng xấu của mình là chia rẽ Tăng đoàn Sangha.
b) Loài người cũng thật ra không có tuổi thọ được ấn định. Tuổi thọ tăng từ 10 năm lên đến tuổi thọ rất cao, sau đó lại tụt xuống lại 10 năm. Theo Biên Niên Đại Phật Sử (Buddhavamsa), tuổi thọ con người trong chu kỳ thế giới này (cõi Ta Bà) là 40.000 năm vào thời Đức Phật Kakusandha (Câu-lưu-tôn), là 30.000 năm vào thời Đức Phật Konagamana (Câu-na-hàm), là 20.000 năm vào thời Đức Phật Kassapa (Ca-diếp), và chỉ còn 80-100 năm vào thời Đức Phật Thích Ca.
Mặc dù những loài thần trên trái đất tức Địa Thần và những loài quỷ thần A-tu-la bị tha hóa thuộc cõi “trời thần” Tứ Đại Thiên Vương (Catumaharajika), nhưng họ cũng không có được tuổi thọ ấn định như thần, trời ở những cõi trời khác.
c) Thiên thần và những vị trời Phạm Thiên thì có được tuổi thọ cố định.
7. Tuổi Thọ Của Những Thiên Thần (Devas)
Cõi Trời Tuổi thọ 1 NCN / Tuổi thọ
(NCT) (ngCT) (NCN)
Catumaharajika 500 50 9 triệu
Tavatimsa 1000 100 36 triệu
Yama 2000 200 144 triệu
Tusita 4000 400 576 triệu
Nimmarati 8000 800 2314 triệu
Paranimmita- 16000 1600 9216 triệu
vasavati.
Catumaharajika: Cõi Tứ Đại Thiên Vương
Tavatimsa: Cõi trời Đao Lợi
Yama: Cõi trời Dạ-Ma-Vương Thiên
Tusita: Cõi trời Đâu-Suất
Nimmarati: Cõi trời Hỷ Lạc Biến Hóa
Paranimmitavasavati: Tha Hóa Tự Tại Thiên
NCT: năm của cõi trời.
NgCT: ngày của cõi trời.
NCN: năm cõi người.
1 NCN / NgCT: 1 năm cõi người bằng / (bao nhiêu) ngày cõi trời.
▪ Cách tính tuổi thọ ở các Cõi Thiên Thần (devas) theo số năm của cõi Người
30 ngày trên cõi trời = 1 tháng cõi trời.
12 tháng cõi trời = 1 năm cõi trời
360 ngày cõi trời = 1 năm cõi trời
Một ngày cõi trời Tứ Đại Thiên Vương (Catumaharajika) = 50 năm cõi Người. Vì vậy:
Một năm cõi trời Tứ Đại Thiên Vương = 360 x 50 = 18.000 năm cõi Người.
Tuổi thọ ở cõi trời Tứ Đại Thiên Vương là 500 năm cõi trời, vậy = 18.000 x 500 = 9 triệu năm cõi Người
Rồi đến mỗi tầng cao hơn của cảnh giới trời thì lại nhân vô số tuổi thọ và tiếp nhục nhân lên bằng lũy thừa bậc 2. Như vậy, chính xác là khi cảnh giới tăng lên 1 bậc, thì tuổi thọ tăng lên 4 lần (cột thứ nhất) và độ dài ngày cõi trời tăng lên 2 lần (ngày thứ hai).
Nếu suy theo năm cõi Người, thì tuổi thọ cõi Thiên Thần (deva) tăng thêm 4 lần sau mỗi bậc cảnh giới cao hơn.
▪ Đức Phật đã giảng dạy Vi Diệp Pháp tạng cho mẹ của Người ở cõi trời Đao Lợi trong thời gian bao lâu?
Theo như ghi chép trong Kinh Điển, Đức Phật đã thuyết giảng triết lý cao học “Vi Diệu Pháp” (Abhidhamma) cho Mẹ của Người là Hoàng Hậu Maya ở cõi trời Đao Lợi (Tavatimsa) liên tục trong 3 tháng liền. Không có ai ở cõi chúng ta có thể lắng nghe toàn bộ triết lý thuyết giảng trong 3 tháng không ngừng nghỉ. Nhưng 100 năm trái đất chỉ bằng 1 ngày trên cõi trời Đao Lợi, vậy 3 tháng cõi người theo ghi chép trong Kinh Điển chỉ bằng 3.6 phút trên cõi trời Đao Lợi đó, đối với chư thiên trong cảnh giới đó! Vậy đối với chư thiên trong cảnh giới đó thì 3.6 phút là một khoảng thời gian rất ngắn, nên họ không có gì khó khăn để lắng nghe Đức Phật giảng hết Vi Diệu Pháp.
─ Điều này nếu không tin thì cũng khó mà tưởng tượng, cũng như nhiều vấn đề, phạm trù khác, bởi vì mọi suy luận của chúng ta về thời gian (và cả không gian) là hoàn toàn dựa vào sự chủ quan và kiến thức thế gian của chúng ta, nên không có đường thoát nào để chúng ta hiểu được sự khác biệt về tốc độ hay độ dài thời gian khác nhau giữa các cõi ─ ND.
8. Tuổi Thọ Của Những Vị Trời Phạm Thiên
Cõi trời Tên Cõi Tuổi Thọ
Phạm Thiên
Sơ Thiền Cõi Tùy Tùng của 1/3 A-tăng-tỳ
Phạm Thiên kiếp
(3 cõi) Cõi Quan Lại của 1/2 A-tăng-tỳ
Phạm Thiên kiếp
Cõi của các Vua trời 1 A-tăng-tỳ
Đại Phạm Thiên kiếp
Nhị Thiền Thiểu Quang Thiên 2 Đại kiếp
(3 cõi Sắc giới) Vô Lượng Quang Thiên 4 Đại kiếp Quang Âm Thien 8 Đại kiếp
Tam Thiền Thiểu Tịnh Thiên 16 Đại kiếp
(3 cõi Sắc giới) Vô Lượng Thiên 32 Đại kiếp Bất Tịnh Thiên 64 Đại kiếp
Tứ Thiền Quảng Quả Thiên 500 Đại kiếp
Cõi Sắc Giới *Chúng Sinh Vô Thức 500 Đại kiếp
(7 cõi) (*Vô Tưởng Thiên- Xem Chú giải
Asanna-satta).
5 Cõi Trong Sạch, đó là:
Cõi Bền Vững 1000 Đại kiếp Cõi Tịch Tịnh 2000 Đại kiếp Cõi Đẹp 4000 Đại kiếp Cõi Quang Đãng 8000 Đại kiếp Cõi Tối Cao 16000 Đại kiếp
(5 Cõi Trong Sạch này là nơi những bậc chứng quả Bất Lai được tái sinh về).
Cõi Vô Sắc Giới Không gian Vô Biên 20000 Đại kiếp
(4 cõi) Thức Vô Biên 40000 Đại kiếp
Hư Không 60000 Đại kiếp
Phi Tưởng Phi Phi 84000 Đại kiếp
Tưởng
Để hiểu rõ những mô tả về những cách tính hay danh từ thời gian trên đây, như là: A-tăng-tỳ kiếp (asankheyya-kappa) và Chu Kỳ Tồn Tại của Thế giới hay Đại Kiếp (maha-kappa), vui lòng đọc thêm Chương VIII, 1 về Cách Tính Thời Gian theo Phật Giáo.
10. Chú Giải
Asanna-satta (Chúng sinh Vô Thức hay Vô Tri Giác)
Asanna-sattas là những cư dân của cõi trời thứ 11, họ đã ‘qua đời’ trong tình trạng hoàn toàn vô thức, không có tri giác. Họ chỉ còn mang “sắc” (‘rupa’) tức vật chất và không còn mang yếu tố tâm linh hay danh (‘nama’) nào. Theo triết lý Quan Hệ Nhân Duyên của Phật giáo, (trong quyển “Manuals of Budhism”, Cẩm Nang Phật Giáo), Đại trưởng lão Mahathera Ledi Sayadaw giải thích rằng đối với loại chúng sinh này, Thức đầu tiên (hay Thức tái sinh) của họ chính là Thức Đang Chết hay Thức Tử Mạng (cuti-citta), như chúng ta đã nói đến trước đây, là tâm thức lúc chết, từ kiếp sống trước trong cõi Dục giới (kamaloka) và tiếp tục nối tiếp qua bằng thức Tái Sinh (patisandhi) trong kiếp sống tiếp theo trong cõi Dục giới (kamaloka). Ngay giữa 2 Thức đó, bỗng dưng có một sự gián đoạn tâm thức hoàn toàn trong tình trạng vô thức, và trạng thái một chứng vô thức này kéo dài cả một chu kỳ sống đến 500 kiếp (kappas).
Theo bộ thứ bảy, cũng là bộ cuối cùng của “Vi Diệu Pháp” tạng (Abhidhamma Pitaka), tên là “Patthana” (Quan Hệ Nhân Duyên), trong mỗi tiến trình tâm, tiến trình tâm này có liên hệ đến tiến trình tâm tiếp theo bằng việc tác động cho tiến trình tâm tiếp theo khởi sinh ngay lập tức lúc tiến trình tâm trước diệt, theo đúng trật tự đã định cho tiến trình tâm theo Quan Hệ Hai Tiến trình Lập tức. Trong trường hợp của những chúng sinh vô thức, thì căn của Thức trước có nhiệm vụ làm khởi sinh Thức tiếp theo đã bị ‘hoãn’ lại 500 kiếp (kappas) thông qua sự chánh niệm và quyết tâm thuần thục.
Để minh họa cho điều này, chỉ có Đức Phật và một số bậc A-la-hán và bậc Bất Lai (A-na-hàm) đã quán xuyến được hết 8 tầng thiền (jhanas) là có thể triển khai pháp định tâm “ngưng, diệt” này, gọi là Diệt Thọ Tưởng Định (Nirodha-samapatti–vithi), ngay lúc đó, tất cả mọi Thức, và mọi tiến trình Tâm đều bị treo, bị ngưng lại. Một người Đạt được sự diệt, hay chận ngưng tiến trình Thức, những yếu tố tâm và những đặc tính vật chất do tâm tạo ra cho đến cuối cùng hoại diệt thì sẽ luôn giữ được trạng thái này. Mặc dù người đó không thở, không ăn, uống hay hay biết bất cứ điều gì, người ấy vẫn sống. Ngay lúc “Diệt thọ tưởng định” (niridha-samapatti), Thức nối tiếp là Thức phi tưởng phi phi tưởng (tức tầng thiền định thứ 8 (jhana) hay tầng thiền Vô Sắc thứ tư (arupa jhana), và Thức nối tiếp là Thức Thánh Quả (Ariyan), tức là Thức A-la-hán hay Bất Lai (A-na-hàm), tùy thuộc giai đoạn chứng quả của mỗi người hành thiền.
Giữa 2 Thức như đã nói trên, sự gián đoạn tiến trình tâm có thể kéo dài một ngày, hay hai, hay ba hay thậm chí bảy ngày.
10. Sách & Tài Liệu Tham Khảo
1) “A Comprehensive Manual of Abhidhamma” (Cẩm Nang Tổng Quát Vi Diệu Pháp Tạng), tác giả Bhikkhu Bodhi, Tổng Biên Tập. Hội Ấn Bản Phật Giáo, Kandy, Sri Lanka
2) “The Essence of Buddha Abhidhamma” (Cốt Yếu Vi Diệu Pháp của Đức Phật), tác giả Tiến Sĩ Mehm Tin Mon.
3) “The Thirty One States of Being and Becoming (Rebirth)” (Ba Mươi Mốt Cảnh Giới Chúng Sinh và Hiện Thành (Tái Sinh), tác giả Egerton C. Baptist.
4) “Những Điểm Dị Biệt – Bản Dịch Kathavatthu”, dịch giả Shwe Zan Aung & bà Rhys Davids. Hội Kinh Điển Pali (PTS), London.
5) “Petavatthu – Chuyện Của Những Người Đã Khuất” (“Chuyện Ngạ Quỷ”), Hội Kinh Điển Pali (PTS), London 1974.
6) “Samyutta Nikaya” (Tương Ưng Bộ Kinh), Phần II, “Duyên” (Nidana), Về Những Câu Hỏi Của Tỳ Kheo Lakkhana. Hội Kinh Điển Pali (PTS), London 1982.