Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
NGUYÊN LÝ DUYÊN KHỞI
Bài giảng về 12 nhân duyên và cách vận dụng vào
sự tu tập theo Phật Giáo Tây Tạng
Nguyễn Minh Tiến Việt dịch và chú giải
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016
Giảng giải mười hai chi phần của duyên khởi
trong phạm trù luân hồi
Chúng ta đã giảng giải 12 chi phần của duyên khởi trong phạm vi của một chu kỳ sinh khởi, bắt đầu từ vô minh với 11 chi phần còn lại vốn khởi sinh từ đó. Nhưng rồi chúng ta buộc phải nhận ra rằng, vào thời điểm mà chu kỳ duyên khởi này đang vận hành, thì cũng có một chu kỳ duyên khởi khác cùng vận hành với nó. Bởi vì, khi có vô minh, hành và thức, thì giữa thức và danh sắc nhất thiết phải có ái, thủ, hữu nhằm có thể kích hoạt chủng tử trong thức để nó [hiện hành] tạo ra đời sống được biểu hiện bởi danh sắc. Mức độ hiện hành trọn vẹn của nghiệp sẽ dẫn đến sự sinh ra [một sinh thể mới], và cùng lúc đó sẽ có một chuỗi khác của danh sắc, nhập và xúc đồng thời vận hành. Đó là xem xét 12 chi phần của duyên khởi trong phạm vi như là một chu kỳ [sinh khởi].
Nếu như ái, thủ, hữu nhất thiết phải sinh khởi [trong giai đoạn] giữa thức và danh sắc, thì phải có một chu kỳ duyên khởi khác tham gia vào ngay trong [tiến trình] sinh khởi của chúng. Khi chi phần đầu tiên là vô minh và chi phần cuối cùng là lão tử, ta thấy có vẻ như là có một sự khởi đầu và kết thúc, nhưng khi quý vị nhận biết được rằng để khởi sinh một chu kỳ 12 duyên khởi như thế này cần phải có những chu kỳ khác nữa cùng lúc vận hành, thì quý vị sẽ thấy là không hề có một sự khởi đầu và kết thúc rõ ràng. Cội nguồn của tất cả là vô minh, và chừng nào mà chúng ta vẫn còn vô minh thì ta không thể làm bất cứ điều gì để thoát ra khỏi tiến trình [của những chu kỳ duyên khởi] này.