Con ong và duy thức học

21/09/20223:44 SA(Xem: 2360)
Con ong và duy thức học

CON ONG VÀ DUY THỨC HỌC
Huệ Trân

 

            Picture1Sau thời công phu sáng, hành giả không đi kinh hành quanh khu chung cư như vẫn thường,  mà lại pha một bình trà nhỏ, cầm cuốn tập ghi chú bài học và ngồi ngoài hàng hiên tịnh thất.

            Hành giả muốn ôn bài trong lớp duy-thức-học Online tuần trước, vì chiều nay lại có chương trình học và nhiều phần Giảng-sư sẽ giải đáp thắc mắc nếu có học viên nào chưa thông suốt, trước khi học sang bài mới.

Mấy tuần vừa qua, học viên đã tuần tự học tới phần Tâm VươngTâm Sở. Cuốn tập ghi chú bài gần nhất là đại cương về Tâm Sở, gồm 51 Tâm Sở do ngài Thế Thân soạn. Đó là:  5 Biến hành tâm sở, 5 Biệt cảnh tâm sở, 11 Thiện tâm sở, 6 Căn bản phiền não tâm sở, 20 Tuỳ phiền não tâm sở  và 4 Bất định tâm sở.

Học viên kém thông minh như hành giả, có thói quen ôn bài từ dưới lên trên (thay vì từ trên xuống dưới!) nên hớp một ngụm trà rồi lẩm nhẩm đọc 4 Bất-định tâm sở là:  

Hối

Miên

Tầm

Phần này mang tên Bất-định tâm sở vì sự hoạt động của nó có thể là thiện, có thể là bất thiện, tuỳ theo trường hợp.

HỐI là hối hận, ăn năn về việc gì đó. Tâm sở này thường làm chướng ngại Định, dù khi đó tâm sở là thiện hay bất thiện.

 Tỷ dụ, chợt cảm thấy hối hận vì đã lỡ lời, làm buồn lòng bạn. Đây là thiện. Nhưng chợt tiếc rẻ khi đi ngang vườn nhà hàng xóm, thấy hoa nở rộ đẹp quá, sao không ngắt vài bông về nhà chưng? Đây là bất thiện.

  MIÊN là ưa buồn ngủ. Đêm là giờ ngủ. Ngủ đúng thời, là thiện. Đang nghe pháp, đang niệm Phật, tụng kinh mà ngủ là bất thiện.

TẦM là tìm tòi, tìm cầu. Tâm sở này thường làm cho thân tâm khó bình an nếu không biết giới hạn những gì đáng tìm cầu mà cứ để tâm lan man “Nhất giả sinh bá kế !” bận rộn với trăm phương kế chợt khởi lên …

TƯ là phân tích, tư duy. Tuy tâm sở này cũng có thiện và bất thiện nhưng đối với 3 bất định tâm sở kia thì Tư có phần tế nhị hơn, vì nhiệm vụ chính của Tư là giúp Tầm định giá trị của đối tượng sau khi Tầm tìm được đối tượng.

Bụi hoa tím, trước hàng hiên tịnh thất bỗng như linh động hơn khi một con ong từ đâu bay tới, đang lượn quanh những chùm hoa mới nở. Nó đảo ba vòng như người đi chợ, rà những mặt hàng đang bày trên kệ. Rồi nó đậu xuống một khóm hoa, chúi đầu vào một bông. Một lát, nó ngẩng lên, như đang tận hưởng vị ngọt từ mật hoa, và vẫn đậu ở vị trí cũ. Có lẽ hài lòng với hương vị, nó lại chúi đầu vào bông hoa kế bên, say sưa hút mật …

 Một cơn gió chợt tạt qua. Cơn gió khá mạnh, lay động cả bụi hoa, nhưng con ong không hề xao xuyến. Phút giây này, nó như chỉ chú tâm vào một việc là hút mật hoa. Gió thì cứ gió, gió rồi sẽ qua, và mật hoa mới giúp nó no lòng.

Mấy phút trôi qua … gió đã lặng … và ong ngẩng đầu lên, nhìn quanh khóm hoa như gửi lời cám ơn rồi mới nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng cất cánh, bay đi …

Cuốn tập ghi chú bài học đã gấp vào hồi nàohành giả không hay, nhưng bài học về Bất Định Tâm Sở như không hề bị gián đoạn, với hoạt cảnh con ong hút mật hoa đã tình cờ diễn ra đúng chỗ, đúng thời.

Khi con ong bay vòng vòng và bắt được tín hiệu có nhiều khóm hoa quanh đây, có phải nó đang Tầm ? Ong đã Tầm, và bắt được đối tượng là có nhiều bông hoa đang nở.

 Có đối tượng rồi, ong đi tiếp tâm sở kế, đó là Tư. Con ong phân tích và tư duy rằng, hoa nở thì thế nào giữa nhụy cũng có mật, không nhiều thì ít, cũng có thôi. Sau khi đã Tầm và Tư như vậy, nó kiểm chứng thực hành, là chúi xuống những nhụy hoa. Quả thật, nhụy hoa có mật mới khiến ong không rời, dù gió chướng có tạt qua.

 Có lẽ, ở giai đoạn này, ong xử dụng tâm sở Tư, thêm chút nữa, là nghĩ rằng gió có tới chỉ làm lay động khóm hoa. Nếu vì sợ hãi, mất quyết tâm và tự tin mà vội buông nhụy hoa thì chính nó đã để cho gió phiền não bứt nó ra khỏi môi trường an lạc, ấm no, mà trở về sự lang thang đói khát!

Tình trạng này sẽ mất cả Tầm lẫn Tư !

Khi hút mật đủ no, con ong không hả hê mà vỗ cánh bay ngay. Nó chập chập đôi cánh mỏng, la đà lượn quanh bụi hoa rồi mới vỗ cánh, bay đi. Điều này có khác chi thái độ của người thọ ơn, trân trọng và nhẹ nhàng cám ơn người đã ban hạnh phúc cho mình trước khi tạm biệt.

Nhìn theo bóng con ong khuất dần sau mái tường cao, hành giả bỗng nhớ tới một lời Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, khi đi khất thực, hãy như những con ong, chỉ nhẹ nhàng hút chút mật, tạm no lòng mà không làm tổn hại bông hoa, cũng không để tâm tham nổi lên, nhận nhiều hơn nhu cầu là sẽ mắc nợ !...”

Tách trà đã cạn mà niềm vui tràn đầy.

 Xin đừng hỏi vì sao hành giả có thể tin rằng, ở một kiếp nào, hẳn là con ong đã từng được nghe lời Phật dạy, đã từng có mặt trong lớp Duy Thức Họcnuôi dưỡng những chủng tử từng thọ nhận để đúng thời, đúng cảnh vẫn an nhiên biểu lộ thực hành qua tinh thần Như-Thị trong Pháp Hoa Kinh.

Cám ơn ong đã cùng ôn bài, đặc biệt ở phần Bất Định Tâm Sở này.

Huệ Trân

(Tào-Khê tịnh thất – Một thời khoá học Pháp)

    

 

  

             

             

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/11/2010(Xem: 140078)
16/11/2010(Xem: 41294)
30/10/2010(Xem: 50891)
20/11/2010(Xem: 123512)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.